Hồi cấp 3, tôi học môn Ngữ Văn lớp 12 thầy giáo Minh giảng dạy (khoảng năm 2008-2009). Trước đó thầy từng là bí thứ Đoàn trường, chuyên phụ trách các hoạt đồng Đoàn, văn nghệ hay lễ, cắm trại nên hình ảnh khá gần gũi và thân thiện với đám học trò chúng tôi.
Ai còn lòng dành cho đất nước, nghĩ cho những đồng bào cùng mang dòng máu Việt hiện nay, hay chỉ biết vuốt mặt nhìn nhau mà thở dài vì cô đơn và đang lẫn vào những đám đông vô hồn ngoài kia ?
Thời điểm đó trên VTV có một phóng sự về việc giáo dân và linh mục phản đối chính quyền việc cưỡng chế đất của nhà thờ, tất nhiên hoàn toàn tuyên truyền theo hướng có lợi cho chính quyền. Vẫn luận điệu việc thu hồi đất là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã đổi cho bà con giáo dân một miếng đất khác nhưng họ vẫn có dấu hiệu quấy rối, bị kích động bởi những thế lực phản động...
Vẫn luận điệu việc thu hồi đất là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước : bà con giáo dân vẫn có dấu hiệu quấy rối, bị kích động bởi những thế lực phản động...
Và thế giới bên ngoài, trong mắt tôi hay hầu hết đám bạn ở quê lúc đó, chỉ là cái tivi 21 inch và bản tin thời sự 19g tối. Và tôi tin một cách quả quyết. Càng vững tin hơn vì hầu hết những người quan tâm xung quanh mình đều lặp lại tiếng nói của báo, đài.
Chuyện cũng không có gì là lạ với hầu hết thế hệ 9x hồi đó. Điều thú vị là hôm sau trong một giờ văn, thầy Minh có chia sẻ về một bài văn nghị luận xã hội của một bạn học lớp chuyên Hóa về quan điểm ủng hộ các giáo dân đó. Thở dài héo hắt. "Sai lầm và có dấu hiệu về nhận thức, đất này trước đây Pháp qua đánh ta, bây giờ ta thắng Pháp rồi thì đáng nhẽ đất này phải trao trả về cho Nhà nước ta. Nhưng Nhà nước ta, Đảng ta vẫn nhân đạo và thậm chí còn bồi thường cho giáo dân và linh mục một miếng đất khác thế mà... !". Cái tiếng "thế mà" nhịp dài với giọng đượm buồn xong thầy lại thở dài héo hắt, sao lại hình tượng đến thế ! Tôi hồi đó cũng gật gù, mà nhìn quanh bạn bè chúng nó cũng gật gù ! "Sao mấy người Công giáo này xằng bậy thế nhỉ ?".
Sau này tầm lên đại học năm 2, tôi nhận thức ra nhiều điều, mới cảm thấy cảm phục cái bạn học lớp Hóa đó dù không biết là ai, gái hay trai tôi cũng không nhớ rõ. Có lẽ thời điểm đó bạn ấy đã cảm nhận được sự cô đơn so với đám đông. Nhưng nhất định bạn ấy phải là một người yêu nước, yêu đồng bào thì mới dám đưa chủ đề đó vào trong bài văn của mình, một thứ nhận thức dường như nhiều người lớn cho đến bây giờ còn chưa hiểu ra nói gì suy nghĩ của một học sinh cấp 3.
Thế đấy, lịch sử của Việt Nam hơn 2000 năm bao nhiêu binh biến, loạn lạc hết ngoại xâm đến nội xâm thì cái cụm từ "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" dành cho dân nó vẫn còn là điều xa xỉ lắm. Đất nước tức là đất và nước, tất cả đều là sở hữu của vua, dân chỉ là nô lệ chấp nhận một kiếp sống tạm trên chính quê hương của mình. Chẳng phải bài Nam Quốc Sơn Hà đã khẳng định là sông núi nước Nam, vua Nam ở đó sao ?
Bây giờ thì đất đai thuộc sở hữu "toàn dân" do Nhà nước dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng quản lý, vẫn không khác gì 1000 năm trước đúng không ? Ai còn lòng dành cho đất nước, nghĩ cho những đồng bào cùng mang dòng máu Việt hiện tại, hay chỉ biết vuốt mặt nhìn nhau mà thở dài vì họ cô đơn và vẫn đang lẫn vào những đám đông vô hồn ngoài kia ? Những đám đông cười khênh khếch và tự hào nghĩ rằng chuyện "chính trị" là chuyện tồi dở và việc của người khác là việc không phải của mình.
Thực tế với dân số 95 triệu dân, hơn 3 triệu người ở hải ngoại với một dải biển dài, đẹp thuận lợi cho du lịch cất cánh, Việt Nam có tiềm năng trở thành khu vực giao thương quan trọng... Dân tộc Việt Nam nếu được tổ chức xã hội tốt dựa trên nền tảng dân chủ, đa nguyên, lấy hòa giải và hòa hợp dân tộc làm tinh thần chủ đạo trong việc quản trị quốc gia thì mọi cộng đồng dân tộc đều cảm thấy gắn bó với nhau trong tương lai chung và một căn cước chung : "dân tộc Việt". Song song đó, nếu đất nước và con người Việt Nam đó tôn trọng những giá trị phổ quát về Quyền con người thì chắc chắn nước Việt Nam sẽ phồn vinh, làm người Việt Nam sẽ là một may mắn, một niềm vinh dự, một bệ phóng cho mỗi cá nhân vươn xa hơn nữa.
Thế hệ 4x, 5x, 6x, cận 7x là những thế hệ mất mát, chịu nhiều thương đau và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến tranh ở cả hai phía, cộng với phương tiện yếu kém, hầu hết buộc phải lo tìm những giải pháp cá nhân đê mưu sinh cho bản thân, gia đình mà bỏ qua việc nước, chúng ta nên dành cho họ một sự đồng cảm và tôn trọng nhất định. Thế còn chúng ta, những thế hệ 8x, 9x ? Nếu không dành một sự quan tâm nào cho đất nước, lại cố quên đi thực tại để chỉ chăm lo cho bản thân thì còn mặt mũi nào để con cháu chúng ta nhìn chúng ta sau này ?
Vào thời điểm đó, nhiều gia đình sẽ tan vỡ, rạn nứt giữa cha mẹ và con cái sẽ sâu thêm mà không ai hiểu tại sao ? Chắc chắn những mọi người sẽ nghe lại những luận điệu quen thuộc như :
- Tao đã dành hết thời giờ để vun vén, làm giàu cho gia đình, bây giờ mày dám làm trái ý của tao, dám cãi lại tao à ? Cái thằng khốn kiếp này, hãy cút đi !
- À thì ra vậy ! Thế hệ bố đã làm ăn khấm khá lên mà không hề có sự quan tâm nào đến đất nước, để rồi bây giờ cả đất nước ngập ngụa trong ô nhiễm và rồi việc kiếm tiền càng khó thêm hơn ? Thà bố làm giàu thì giàu hẳn đi, giá mà hồi xưa để con sang Tây từ nhỏ học, cuộc sống của con chắc sẽ tốt đẹp hơn, còn bây giờ con đi du học xong rồi bị bắt về nước, tìm được việc làm vừa ý thì phải đút lót hay phải cậy thế, còn không sống ở đây con chẳng biết phải làm gì... Con bây giờ đã trưởng thành, con tự biết chọn của đường phải đi, bố không có quyên can ngăn !
Đây chỉ là một ví dụ trong rất nhiều câu chuyện đang và sẽ còn xảy ra nhiều hơn nữa trong rất nhiều gia đình ở Việt Nam.
Những giá trị đúng đắn về quốc gia, đất nước và dân tộc (một cách gọi khác là các giá trị phương Tây) chắc chắn sẽ len lỏi và thâm nhập vào những thế hệ trẻ sau này. Những khái niệm này sẽ dần thay chỗ và phản bác lại toàn bộ những quan niệm cổ hủ về gia đình, đất nước theo khuôn mẫu Cộng sản hay Nho giáo.
Một nguy cơ khác là nếu chế độ này còn tiếp tục kéo dài thêm 20 năm nữa thì thế hệ sau còn lại gì ? Trước đây và hiện nay những nhóm lợi ích đua nhau phá hoại đất nước, chia rẽ con người, chuyện hòa giải và hòa hợp giữa những miền đất nước, giữa nông thôn và thành thi, giữa người Việt trong và ngoài nước, giữa những cộng đồng dân tộc, giữa những tôn giáo và giản dị hơn, giữa những người Việt Nam với nhau, sẽ khó hơn gấp bội lần.
Những gì chúng ta làm hôm nay sẽ là ký ức của chúng ta ngày mai
Tôi có đọc được một câu mà không nhớ đích xác tác giả là ai khi miêu tả về hồn cốt đô thị : "Những gì chúng ta đang sống hôm nay sẽ là ký ức khi chúng ta về già". Suy rộng ra, những gì chúng ta làm hôm nay cũng sẽ là ký ức níu giữ chúng ta lại khi về già mà thôi !
Cơn cùng quẫn của bà con Đồng Tâm - Mỹ Đức đã để lộ ra một điều : cần phải dẹp bỏ hẳn cái Đảng Cộng sản này đi thôi ! Nó là chướng ngại vật kềm chế sự phát triển của đất nước và chỉ muốn gây chia rẽ thêm giữa người Việt Nam với nhau. Muốn được vậy, mỗi chúng ta hãy tự tìm đến nhau để cùng liên kết lại trong một tập thể lớn mạnh hơn, có một tư tưởng chỉ đạo rõ ràng và hợp với thời đại và trào lưu tiến hóa chung của nhân loại.
Việt Nam, 19/04/2017
Việt Dân