Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

10/05/2017

Có thể có một trang mới với Macron không ?

Bùi Quang Vơm

Không thể khác

Cuộc bầu cử Tổng thống ngày 7/05/2017 đã kết thúc. Kết quả thắng lợi thuộc về ứng viên trẻ tuổi Emmanuel Macron, mặc dù cũng trải qua những giây phút nín thở với một số người, với một số đông người khác là kết quả không thể khác.

trang1

Emmanuel Macron, tân Tổng thống Pháp

Nếu ở vòng một, khi có những 11 lựa chọn khác nhau, những người tự tin nhất cũng không dám tin vào những phân tích và phán đoán của mình. Và thậm chí có những phán đoán sai lầm chỉ do một tập quán hay một lối tư duy xơ cứng, mà ngay chính chủ nhân của nó không thể tự nhận ra. Bản chất của hiện tượng không được nhận diện bằng diễn biến của sự kiện mà bằng định kiến và kinh nghiệm. François Fillon có thể thất bại cũng vì một lý do gần giống như vậy.

Nhưng ở vòng hai, khi chỉ còn hai lựa chọn, cử tri buộc phải đối diện với chính mình. Quyết định lựa chọn thể hiện chính mình. Dẫu có thể không hoàn toàn, nhưng lá phiếu vẫn phản ánh phần thắng bên trong mỗi con người. Dù không thích, hoặc không tin một chàng trai còn quá trẻ, nhưng đi cùng với chủ nghĩa ích kỷ hẹp hòi, chia rẽ và hận thù lại là sự khủng khiếp quá sức chịu đựng.

Ở vòng hai, ứng viên có thể không hoàn hảo, nhưng không thể có khuyết tật. Đối đầu trực diện với đối thủ, chỉ một khuyết tật nhỏ đủ để cho đối phương khai thác, và đủ để "chết".

François Fillon đã thất bại từ vòng đầu, chỉ vì ông ta không thể thắng ở vòng hai, bất kể đối thủ của ông ta là ai. Nếu chọn ông vào vòng hai, ông sẽ thua ở vòng đối chất, trước khi bỏ phiếu. Điều đó có nghĩa là, nước Pháp đối diện với nguy cơ một thảm họa, nếu đối thủ của ông là bà Marine Le Pen.

Đó là một thất bại không thể chấp nhận và không thể được phép. Vì đơn giản là điều xảy ra này đồng nghĩa với sự sụp đổ của nền cộng hòa, sự tiêu vong của hệ thống giá trị có lịch sử xương máu hàng trăm năm của dân tộc Pháp - những giá trị đưa dân tộc Pháp lên vị trí những dân tộc đứng đầu nền văn minh nhân loại.

Cùng với bà Le Pen, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền sẽ chỉ là một thứ sản phẩm của tính hài hước Molière và sự rút ra khỏi Liên hiệp châu Âu của Pháp sẽ là sự thất bại của một trong những sự kiện vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại là sự ra đời của Liên hiệp tự nguyện của các Quốc gia, như một tiền lệ chưa từng có của sự mở rộng lãnh thổ không bằng chiến tranh xâm lược, khởi thủy của một tiến trình nhiều trăm năm, đi tới hình thành một quốc gia toàn cầu, chỉ với công cụ là tư tưởng dân chủ.

Cho nên, ông Fillon phải thất bại, Macron phải thắng nhưng bà Le Pen phải tồn tại. Nước Pháp phải phát triển, châu Âu phải chiến thắng, nhưng quyền lợi cơ bản của người Pháp phải được bảo đảm và không được phép bỏ qua.

33,9% người bỏ phiếu cho bà Le Pen là trong số 10 người, có hơn 3 người có nhu cầu khẳng định nhận dạng của người Pháp. Bỏ qua thực tế đó, mọi Chính phủ sẽ đều thất bại.

Với 66,1% phiếu ủng hộ, Macron đã thắng, đã trở thành Tổng thống của nước Pháp. Nhưng đó là chiến thắng của ông Macron. Có một sự may mắn, nói như cách nói của người Á Đông, là sự hội tụ kỳ diệu của cả ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, nhưng có thể chỉ là sự trùng hợp giữa một phía là sự chín muồi của các yếu tố lịch sử - xã hội, phía khác là một tài năng có thể rất đặc biệt.

Lỗ hổng của Hiến pháp

Nước Pháp đã có một Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử, vượt qua Louis Napoléon, Tổng thống nền cộng hòa thứ hai, năm 1848 lúc 40 tuổi, và Giscard d’Estaing chủ nhân điện Elysée khi 48 tuổi, năm 1974.

Nhưng phía trước Emmanuel Macron, lịch sử của nước Pháp không hề hứa hẹn một điều gì khả dĩ tốt hơn những gì đã và đang diễn ra. Bởi vì, từ ngày hiến pháp 1958 ra đời, nền chính trị Pháp bắt đầu cuộc hành trình đi xuống, không quá nhanh để dễ nhận diện mà từ từ, chậm chạp, nhưng không thể đảo ngược.

Đó là hiến pháp định hình một thể chế Bán Đại nghị. Người Pháp, mà tiêu biểu là Tướng Charles de Gaulle đã quá sợ hãi chủ nghĩa phát-xít Đức và, như một con chim sợ cành cây cong, đã sợ đến cả bóng dáng của nó ẩn hiện ở thể chế Tổng thống của Hoa Kỳ và thể chế Đại nghị đơn nguyên của Vương quốc Anh.

Tuy vậy, những tác giả chủ nhân của nó đã dừng lại nửa chừng đường, không biết do lúng túng về bản chất của loại hình thể chế này, hay lo sợ sự lặp lại những trạng thái cực đoan mà họ cố tìm cách né tránh.

Một loại thể chế vừa có Tổng thống đại diện chủ quyền quốc gia và lợi ích tổng thể quốc dân, được bầu trực tiếp bằng phổ thông đầu phiếu, vừa có một Chính phủ đứng đầu bằng một Thủ tướng, được tạo ra từ một lực lượng chính trị, hoặc liên minh các đảng chiếm đa số trong Quốc hội. Hai thiết chế hành pháp song hành đồng thời, thay cho chế độ một Tổng thống hoặc một Thủ tướng. Đó là hành pháp lưỡng chế, một sự cố gắng kiểm soát quyền lực hành pháp. Đơn chế bằng một cách nào đó cũng dễ biến thành độc chế rồi độc tài hơn lưỡng chế.

Và thực tế lịch sử đã chứng minh, hệ thống chính trị Pháp là một trong những nền chính trị có bản chất đa nguyên nhất trên thế giới, và xã hội Pháp là một xã hội có hạ tầng cơ sở của một nền dân chủ phát triển nhất.

Nhưng người Pháp đã không dám đi đến cùng đường. Sinh ra hai thiết chế hành pháp, nhưng họ đã không dám xác định mối liên hệ giữa hai thiết chế đó. Họ chỉ biết tới một yêu cầu có tính nguyên tắc là quyền lực phải được và chỉ có thể được khống chế bởi quyền lực, vì thế các thiết chế quyền lực phải độc lập với nhau.

Người Pháp đã tạo ra một Tổng thống do dân bầu trực tiếp và một Thủ tướng được bầu ra bởi Quốc hội, hai hệ thống độc lập với nhau về mặt pháp lý, bởi hình thành từ hai thiết chế quyền lực khác nhau.

Thủ tướng là người đứng đầu của lực lượng chính trị giành được đa số ghế trong Quốc hội, vì vậy, mặc dù hiến pháp quy định Thủ tướng do Tổng thống chỉ định và bổ nhiệm sau khi thông qua Quốc Hội, trên thực tế, Tổng thống buộc phải bổ nhiệm theo quyết định của Quốc hội.

Đây chính là lỗ hổng của hiến pháp.

Trường hợp đa số trong Quốc hội thuộc cùng một đảng chính trị với Tổng thống, việc tạo ra một Thủ tướng là người đứng đầu một Chính phủ có tính độc lập tương đối theo hiến pháp, trong đảng sẽ hình thành hai lãnh tụ, chính là nguồn gốc của sự phân hóa, dẫn đến sự chia rẽ trong nội bộ đảng. Ở trường hợp ngược lại, nếu có sự trung thành và phục tùng vô điều kiện của Thủ tướng, nguy cơ độc chế và chuyên quyền của Tổng thống là một thực tế khó tránh.

Trường hợp đa số trong Quốc hội không cùng đảng hoặc thuộc đảng đối lập, xuất hiện hiện tượng gọi là "chung sống" trong hệ thống hành pháp. Nghĩa là Tổng thống buộc phái bổ nhiệm một Thủ tướng không cùng ý chí chính trị, thậm chí đối nghịch với mình.

Đây lại là một lỗ hổng nữa của hiến pháp.

Đa số của Quốc hội cũng là bầu chọn của toàn dân, nhưng lại là kết quả bầu chọn cho một đường lối chính trị khác, một chương trình kinh tế xã hội khác với đường lối chính trị và chương trình kinh tế xã hội mới được lựa chọn trước đó chưa đầy hai tháng. Như vậy có thể coi cuộc bầu cử Quốc hội phủ nhận cuộc bầu cử Tổng thống chỉ sau hơn một tháng.

Hành pháp với hai thiết chế mâu thuẫn, thậm chí đối kháng, loại trừ nhau là một nhà nước có thể được gọi là phá hoại, vì thực chất sẽ tiêu hủy năng lực của quốc gia.

Cần một sự thay đổi trong hiến pháp.=

Người Pháp có thể đã quên rằng quyền hạn trực tiếp cao hơn quyền hạn gián tiếp, nghĩa là quyền hạn của Tổng thống cao hơn quyền hạn Thủ tướng, và hệ thống quyền lực phải được thống nhất tại chủ quyền quốc gia và lợi ích thống nhất của toàn thể quốc dân. Trên khía cạnh pháp lý, có thể hiểu một cách quy ước rằng, Tổng thống đại diện hiến pháp trong khi Thủ tướng thể hiện cơ quan thực thi pháp luật.

Nếu Hiến pháp quy định Tổng thống chỉ là người đại diện tối cao của chủ quyền quốc gia và lợi ích tổng thể của mọi thành phần xã hội, thì điều kiện đầu tiên để trở thành Tổng thống sẽ phải là người không đảng phái, không giai cấp. Tổng thống phải thể hiện tính trung lập, bảo vệ và cân bằng lợi ích tổng thể, giữ vai trò trọng tài và kiến tạo phát triển. Tổng thống sẽ là người cuối cùng phê chuẩn các đạo luật do Chính phủ đề xuất và Quốc hội thông qua, là người giám sát và kiểm soát hành vi của Thủ tướng và Chính phủ. Như vậy, Tổng thống là người đủ năng lực và phẩm chất bảo vệ hiến pháp và trung thành với lợi ích tổng thể toàn xã hội, không cần phải gắn kết với một chương trình kinh tế xã hội, thực chất là chương trình tăng trưởng kinh tế và gia tăng phúc lợi xã hội.

Ngược lại, Chính phủ và người đại diện cho nó là Thủ tướng chỉ có chức năng thực hành các chính sách nhằm thực thi các cam kết trong trương trình tranh cử. Chương trình kinh tế xã hội là công cụ cạnh tranh giành quyền lập Chính phủ của các đảng, các lực lượng chính trị. Chính phủ hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp, vì vậy không thể đối kháng với Tổng thống.

Nếu hiến pháp không tách biệt quyền hạn và chức năng của Tổng Thống và Chính phủ như những phân tích trên đây, nghĩa là Tổng thống gắn với chương trình kinh tế xã hội, thì hiến pháp phải đảm bảo chương trình của Tổng thống là chương trình cao nhất, là khuôn khổ quy định hoạt động của Chính phủ.

Như vậy, Quốc hội phải đương nhiên và bắt buộc có đa số thuộc lực lượng ủng hộ Tổng thống. Điều này dẫn đến cuộc bầu cử Quốc hội nhằm mục đích thành lập một Chính phủ độc lập chỉ còn mang tính hình thức, và trở thành không cần thiết. Để đảm bảo một Chính phủ phục vụ Tổng thống, chỉ cần Chính phủ và Thủ tướng do Tổng thống trực tiếp chỉ định.

Quốc hội sẽ chỉ là cơ quan phê chuẩn luật của Chính phủ và giám sát hành vi của Chính phủ căn cứ trên hiến pháp. Chức năng của Quốc hội sẽ không còn là tìm kiếm đa số để lập ra Chính phủ mà chỉ lựa chọn ra những đại biểu chân chính nhất đại diện cho nguyện vọng và ý chí của toàn dân. Chức năng này đòi hỏi các đại biểu phải thực sự là tinh hoa trí tuệ và phẩm hạnh đại diện của toàn dân.

Đây chính là mô hình hiện tại của thể chế Tổng thống đang áp dụng tại Hoa Kỳ. Để có thể kiểm soát khả năng cực đoan, chỉ cần bổ sung một điều khoản, quy định thể thức bầu cử Tổng thống bắt buộc phải qua hai vòng, và ở vòng đầu phải có ít nhất ba ứng viên, đại diện ba lực lượng chính trị độc lập với nhau.

Nếu không sửa hiến pháp, xác suất xảy ra "chung sống" là rất cao, vì Macron rất ít khả năng có đa số, đồng nghĩa với sự tiếp tục thất bại của nền chính trị Pháp.

Bản hiến pháp mới phải quy định chương trình tranh cử cho một đa số trong Quốc hội phải là chương trình lấy chương trình của Tổng thống làm mục đích. Quốc hội phải lập ra được một Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ có năng lực thực thi hiệu quả nhất chương trình của Tổng thống, không phải là một Chính phủ và một thủ tướng có chương trình riêng khác biệt hoặc chống đối lại chương trình đã được đa số quá bán tuyệt đối của cử tri toàn quốc vừa lựa chọn trước đó 2 tháng.

Có thể có cách mạng không ?

Không thể có cách mạng, nếu không thừa nhận tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp là một xu thế có tính quy luật và không thể đảo ngược.

Thế giới đang chứng kiến cuộc cách mạng siêu năng suất với công nghệ số hóa và robot hóa. Đó là sự diễn ra cùng một lúc hai cuộc cách mạng kỹ thuật lần ba và lần bốn. Trong vòng 10 năm nữa, có ít nhất 15- 20 % việc làm trên toàn cầu sẽ biến mất, 1/5 lao động toàn cầu sẽ không có việc làm.

Nếu không tìm cách thực hiện các cuộc cách mạng kỹ thuật số và robot hóa, thì sớm hay muộn nước Pháp cũng sẽ thất bại. Con đường duy nhất để đi đến thành công là làm chủ thị trường bằng tốc độ vượt trội về năng suất lao động, không có con đường nào khác.

Trước ngưỡng cửa của nền sản xuất siêu năng suất, lẩn tránh thất nghiệp hoặc tìm cách hãm thất nghiệp bằng cách duy trì hay khuyến khích các công nghệ cần nhiều lao động là biện pháp tự sát.

Tuy nhiên, tin học hóa, số hóa toàn bộ mọi hoạt động xã hội, robot hóa toàn bộ các hoạt động sản xuất và dịch vụ là con đường tiêu diệt việc làm, thất nghiệp sẽ trở thành không thể khắc phục. Nếu một lao động mới có thể tạo ra lượng sản phẩm và từ đó tạo ra một thu nhập bằng 100 người khác, thì đồng thời có nghĩa là mỗi một chỗ làm mới được tạo ra, thì cũng làm mất đi 99 chỗ làm khác. Thất nghiệp tăng là tất yếu.

Bài toán đặt ra là phải tiến hành số hóa và robot hóa, phải chấp nhận một xã hội với một tỷ lệ thất nghiệp có thể rất cao, nhưng phải đồng thời đảm bảo mức sống, mức bảo hiểm xã hội và duy trì sức mua của thị trường tiêu thụ.

Nếu cuộc cách mạng năng suất được thực hiện, lợi nhuận vượt trội của toàn bộ nền kinh tế sẽ đảm bảo được sự cân bằng giữa tích lũy sản xuất và phúc lợi xã hội. Nền kinh tế số hóa và robot hóa là nền kinh tế có đặc điểm nhu cầu về vốn đầu tư thấp, nhưng cho một năng suất siêu cao, tạo ra siêu lợi nhuận, cơ sở của khả năng trang trải các chi phí cho các thực thể không tham gia sản xuất. Đây chính là nguồn gốc của ý tưởng của thu nhập phổ cập. Với một khả năng sản xuất đã đạt tới vô hạn, nền kinh tế chỉ cần duy trì được thị trường tiêu thụ mà không cần tạo ra thêm việc làm.

Nhưng trước khi đạt được siêu năng suất, Chính phủ phải có nguồn tiền để đảm bảo cân bằng ổn định cho một xã hội có con số rất cao những thành phần không trực tiếp sản xuất. Phải tìm ra nguồn tiền đó. Không có một nguồn tiền như vậy, thì cuộc cách mạng siêu năng suất sẽ không thể thực hiện, xã hội sẽ tiếp tục quanh quẩn với những mâu thuẫn không thể giải quyết giữa việc làm, tính cạnh tranh của hàng hóa, phúc lợi xã hội, sức mua của thị trường, tỷ lệ lạm phát, lãi suất vay, thâm hụt ngân sách, nợ công... nền kinh tế sẽ tụt hậu so với phần còn lại của thế giới, và sẽ là sự thất bại vĩnh viễn.

Mặc dù trẻ tuổi và tài năng, tân Tổng thống Emmanuel Macron không có gì chứng tỏ một tư duy thay đổi. Chương trình của ông có thể có rất nhiều cố gắng sáng tạo, nhưng vẫn trong khuôn khổ của tư duy cổ điển trên lối mòn chỉ đem lại thất bại suốt nửa thế kỷ.

Và đứng trước một nguy cơ "chung sống" khó né tránh, người Pháp sẽ buộc phải mất thêm ít nhất một nhiệm kỳ 5 năm nữa.

Benoit Hamon, tác giả của ý tưởng nền kinh tế dựa trên "thu nhập phổ cập" có lẽ nên đi tiếp và tìm lời giải cho nửa còn lại của bài toán "cách mạng siêu năng suất". Cần một khoản tiền đủ lớn, độc lập và từ bên ngoài nền kinh tế. Nếu các chương trình chinh phục Sao hỏa có thể tìm được nguồn tài trợ, thì cuộc cách mạng trong đời thường không thể không có may mắn. Những cá thể siêu năng suất như Bill Gates, Warren Buffett, Charles Koch, David Koch, Michael Bloomberg... là hình ảnh của một thế giới siêu năng suất trong một tương lai nào đó.

Sẽ không phải Macron mà là Benoit Hamon mới là tác giả của cách mạng.

Paris, 10/05/2017

Bùi Quang Vơm

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bùi Quang Vơm
Read 1256 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)