Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/05/2017

Tầm nhìn, tư duy của bà Chủ tịch Quốc hội !

Song Chi

Nhớ hồi bà Nguyễn Thị Kim Ngân mới lên làm Chủ tịch quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là nữ chính khách và đảng viên cộng sản đầu tiên giữ chức vụ này, báo chí nhà nước đương nhiên viết bài ca tụng hết lời, nhưng có một blogger/facebooker khá nổi còn viết cả status khen tân Chủ tịch quốc hội đẹp, có gương mặt phúc hậu, hy vọng sẽ làm được nhiều việc cho đất nước.

tamnhin1

Cử chỉ hất cả xô thức ăn cho cá xuống ao trước mặt cựu Tổng thống Barack Obama của bà Nguyễn Thị Kim Ngân

Ngay từ khi ấy tôi đã thầm nghĩ, làm gì có ai hiền lành, tử tế, nhân hậu, có năng lực thực sự mà có thể leo cao và tồn tại được trong một bộ máy như cái hệ thống của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam ? Chả bao lâu sau, điều đó đã được chứng minh.

Về hình thức, đúng là bà Kim Ngân có khuôn mặt khá sáng sủa so với một số bà quan chức khác trong bộ máy đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, nhưng cái gốc bà vẫn nông dân thế nào nên trông không sang ! Dù đã chưng diện đủ loại áo dài thêu rồng thêu phượng tốn kém, nhưng nhìn những cái áo quá hoa hòe hoa sói kia, hay chỉ một cử chỉ hất cả xô thức ăn cho cá xuống ao trước mặt cựu Tổng thống Barack Obama khi cùng ông đi thăm nhà sản Hồ Chí Minh trong lần Barack Obama sang thăm Việt Nam tháng 5/2016 ; cũng đã tố giác cái sự chưa sang ấy !

Nhìn lại bà Lệ Xuân vợ ông Ngô Đình Nhu, bà Tuyết Mai vợ ông Nguyễn Cao Kỳ hay bà Mai Anh vợ ông Nguyễn Văn Thiệu, những con người mà thời họ làm quý bà cách đây đã hơn 4, 5 chục năm, mà cốt cách, thần thái của họ vẫn sang trọng, quý phái hơn hẳn.

Cái đẹp nhiều khi không nằm ở áo quần, hình thức bên ngoài mà ở phong cách, thần thái, trí tuệ, tâm hồn bên trong phản chiếu ra. Dù có mặc áo dài lộng lẫy, chưng diện đi dự Lễ khai mạc Festival Áo dài Hà Nội 2016 ngay trong những ngay miền Trung đang bão lũ (tháng 10/2016), thì trong mắt dân, bà cũng chẳng đẹp được lên chút nào, trái lại là khác. Ngược lại, nếu bà Chủ tịch quốc hội cứ ăn mặc rất nông dân, về ngay rốn lũ miền Trung, tích cực tham gia cứu trợ đồng bào ; hoặc ngồi trong phòng họp Quốc hội cũng được, nhưng là để bàn cách cứu dân sao cho hiệu quả, bàn cách thay thế năng lượng thủy điện bằng năng lượng gió, năng lượng mặt trời hoặc thay mặt dân cương quyết yêu cầu khởi tố đám thủy điện xả lũ hại dân. Chỉ cần có thế, là hình ảnh bà đẹp hơn mọi nàng bông hậu trong mắt dân, đẹp hơn mọi tài tử điện ảnh Hollywood từ xưa tới nay ngay !

Nhưng thôi, bỏ qua những chuyện như cách ăn mặc, cách ứng xử, thì điều mà tôi "ấn tượng" nhất cho tới nay về bà Chủ tịch quốc hội là những câu phát biểu của bà.

Trong một chế độ độc tài như chế độ cộng sản ở Việt Nam, cả ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp đều là "con rối" trong tay đảng cộng sản, chịu sự chi phối, kiểm soát, định hướng chặt chẽ của đảng. Quốc hội, lẽ ra phải là cơ quan đại diện cao nhất cho người dân thì cũng lại đứng về phía đảng, bảo vệ đảng. Cho nên không có gì lạ khi bà Chủ tịch quốc hội luôn luôn có những câu phát biểu không thể chấp nhận được.

Chẳng hạn, nói về vấn đề dân chủ : "Về nề nếp dân chủ, trong một gia đình, bố mẹ không tôn trọng con cái thì rồi con cái cũng không tôn trọng người khác... Một đất nước thiếu dân chủ thì lòng dân không yên" ("Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân : 'Quốc hội sẽ giám sát chặt chẽ vụ Formosa', VnExpress).

Phát biểu này đã cho thấy lối suy nghĩ rất ngang ngược, trái tai gai mắt khi so sánh quan chức nhà nước đối với nhân dân như bố mẹ với con cái.

Nhà báo Bùi Tín đã có bài viết về việc này :

"Có điều gì đó rất khó nghe, rất ngang ngược, đầy tính kiểu gia trưởng trong phát biểu này của một nhà lãnh đạo đối với nhân dân. Có lẽ bà Ngân quên rằng trong số 93 triệu dân Việt Nam, có hơn 30 triệu người nhiều tuổi hơn cái tuổi 62 của bà.

Phát biểu của bà Ngân - đã được in ra cả triệu bản ngay trong nước và phổ biến trong Văn kiện Quốc hội khóa XIV - là bằng chứng hiển nhiên về tư cách, học vấn, trí tuệ, trình độ và khả năng cầm quyền của một "bà lớn cộng sản" cũng như của đảng cộng sản Việt Nam trong thời kỳ suy thoái toàn diện không sao tự cứu nổi" ("Bà Chủ tịch quốc hội cũng phải học làm người", blog VOA).

Câu nói của bà Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khiến người ta nhớ đến một câu nói khác, cũng của một "bà lớn cộng sản", tại buổi họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 2004 :

"Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi". 

Cũng trong bài báo trên của VnExpress, bà Chủ tịch quốc hội còn có những phát biểu ngang ngược khác.

"Trước câu hỏi về Luật Biểu tình, Quốc hội vẫn đang "nợ" dân khi tiếp tục lùi lại, chưa đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định : "Luật này sẽ không lùi vô thời hạn".

Theo bà, khi nghiên cứu một đạo luật nào đó thì phải đảm bảo tính căn cơ, phù hợp với tình hình đất nước. Do đó, từ tình hình thực tiễn để vừa đảm bảo quyèn công dân, phù hợp với tình hình đất nước, vừa đảm bảo lợi ích của dân và lợi ích cả đất ước.

"Lợi ích phải hài hòa. Luật Biểu tình ra mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn. Vì thế, Quốc hội khoá 14 sẽ nghiêm túc xem xét về dự luật này sau khi Chính phủ đã rà soát và trình lên Quốc hội. Không phải dự luật này lùi vô thời hạn", Chủ tịch quốc hội nhấn mạnh".

"Luật Biểu tình ra mà rối loạn đất nước" ? Thế tất cả các nước có Luật Biểu tình, và người dân được phép biểu tình bày tỏ thái độ, nguyện vọng của mình, là loạn hết hay sao ? Bây giờ là thế kỷ XXI rồi, đất nước này nằm trong tay đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo trên toàn quốc hơn 4 thập kỷ, mà các ông vẫn sợ người dân biểu tình và vẫn nợ luật biểu tình không biết đến bao giờ ?

Câu phát biểu về "bảo vệ chủ quyền không phải hô hào, kích động" :

"Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước ? Chưa làm gì cả, chỉ có nói, kích động các phần tử để làm rối tình hình"…

Câu nói này thường xuyên được đám dư luận viên trên mạng, những người bênh vực đảng, nhà nước cộng sản…áp dụng mỗi khi có ai lên tiếng trước những bất công phi lý trong xã hội hay sự thối nát của nhà cầm quyền : Đã làm được gì cho đất nước chưa mà đòi hỏi, mà phản đối ? Không dè bà Chủ tịch quốc hội cũng cùng một lối suy nghĩ đó.

Rất nhiều blogger, nhà báo tự do, facebooker đã trả lời câu nói này của bà Kim Ngân. Rằng cần phải đặt ngược lại câu hỏi : bà và cái đảng của bà đã làm được gì cho đất nước này, dân tộc này hay là chỉ phá hoại ?

Làm cho Việt Nam bây giờ trở thành một quốc gia "không chịu phát triển", tụt hậu về mọi mặt hàng chục, hàng trăm năm so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam bây giờ trở thành một quốc gia khó sống, môi trường ô nhiễm nặng nề, rừng trụi, biển chết, thực phẩm độc hại tràn lan, đạo đức xã hội suy đồi…, người dân cứ phải bỏ nước ra đi tha phương kiếm sống khắp nơi… là do ai ?

Trong khi đó, chính những người mà bà gọi là "không làm gì" và toàn thể hơn 90 triệu người dân trong nước, đang è cổ đóng đủ thứ loại thuế chồng thuế, để nuôi cái bộ máy đảng và nhà nước cồng kềnh, nuôi đám quan chức ăn hại, vừa ăn vừa phá vừa chửi mắng dân, trong đó có bà.

Còn mấy triệu người Việt hải ngoại "phản động" thì mỗi năm gửi về 9-11 tỷ USD góp phần cho cái chế độ này chưa sụp đổ đấy.

Chưa đủ, mới đây, trong kỳ họp Quốc hội năm nay, khi dư luận đang nóng lên về việc bổ sung bổ sung Điều 19, vấn đề "luật sư tố giác thân chủ" trong Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng 27/5 : "Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác".

Thì bà Chủ tịch quốc hội đã phát biểu ủng hộ điều này : 'Luật sư biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà làm ngơ là không được' (Báo Mới).

Đã có nhiều luật sư phản ứng trước phát biểu này của bà Chủ tịch quốc hội.

Chúng ta biết, trong xã hội có một số công việc, nghề nghiệp, có những đặc thù và nguyên tắc đạo đức gọi là phải tuyệt đối "giữ bí mật" cho thân chủ, khách hàng…nếu bản thân người đó không đồng ý tiết lộ, ví dụ công việc của linh mục, nghề nghiệp của luật sư, chuyên viên tư vấn, chuyên viên tâm lý, bác sĩ…Những người làm công việc này phải tuyên thệ giữ đạo đức nghề nghiệp, trong đó quan trọng nhất là giữ bí mật. Nếu một luật sư hay bác sĩ phản bội lòng tin, để lộ bí mật của thân chủ hay bệnh nhân, chứ chưa nói đến chuyện đi tố giác thân chủ, thì đó là hành động bị lên án nặng nề nhất ; và ở các nước khác họ sẽ bị tước bằng, không được làm nghề… nhưng quan trọng nhất là uy tín, danh dự của họ sẽ mất hết, sẽ không còn ai muốn thuê, mướn họ nữa.

Chỉ qua một vài ví dụ như vậy để thấy Quốc hội là một cơ quan "bù nhìn" ra sao và bà Chủ tịch quốc hội có tầm nhìn, lối suy nghĩ cho tới trình độ, sự hiểu biết ở mức nào.

Nhưng điều kinh khủng hơn ở các quan chức Việt Nam là họ phát biểu những câu hoàn toàn sai trái, "phản động" (tức là đi ngược lại với mọi khuynh hướng, giá trị tiến bộ dân chủ, văn minh, nhân bản của nhân loại) nhưng lại với một thái độ hết sức tự tin là mình đang nói những điều đúng đắn và mình phát biểu vì quyền lợi của đất nước, nhân dân !

Song Chi

Nguồn : RFA, 28/05/2017 (songchi's blog)

***************************

Chủ tịch quốc hội : "Phải biết tội nào thì luật sư không thể làm ngơ" (VnEconomy, 27/05/2017)

"Bộ luật Hình sự gần 500 điều mà Liên đoàn Luật sư chỉ đi bảo vệ một điều 19 cho mình ? Các anh phải xem lại", Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tranh luận với Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

tamnhin2

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Sợ "tai nạn nghề nghiệp"

Từng rất quyết liệt trong tranh luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội ngày 24/4 vừa qua, quy định về trách nhiệm tố giác tội phạm khi sửa Bộ luật Hình sự 2015 tiếp tục lấy khá nhiều thời gian của hội nghị thảo luận thêm về bộ luật này.

Hội nghị được tổ chức sáng 27/5, với sự chủ trì của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tại đây, Chủ tịch quốc hội cũng trực tiếp tham gia tranh luận về quy định không tố giác tội phạm, được quy định tại điều 19 của dự thảo bộ luật trình Quốc hội vừa qua.

Theo điều này, người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điều 389 của bộ luật. 

Thảo luận tại Quốc hội, luật sư Nguyễn Chiến (Hà Nội) đề nghị loại bỏ chủ thể luật sư ra khỏi điều luật, bởi luật sư bào chữa theo cái mà ông gọi là "chế định đặc thù".

Chia sẻ với đại biểu Nguyễn Chiến, luật sư Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - lo ngại trong Bộ luật Hình sự quy định về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có tới 84 tội, thì điều này dễ dẫn đến "tai nạn nghề nghiệp" cho luật sư. 

Cũng ở phiên thảo luận đó, luật sư Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ băn khoăn rằng nếu luật sư mà tố giác thân chủ thì có thể vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội. 

"Theo nguyên tắc này, một người coi là có tội chỉ khi bản án có hiệu lực của tòa án, còn việc chứng minh tội phạm là việc của cơ quan điều tra và công tố. Chính người đó cũng không phải chứng minh mình là vô tội mà luật sư lại đi tố giác. Tố giác có bằng chứng thì anh lại góp phần với công tố. Tố giác không có bằng chứng hay dựa vào lời khai nào đó của họ thì anh lại vi phạm nghĩa vụ công dân của nghề nghiệp. Luật sư tố giác thân chủ có thể vi phạm quyền con người của bị can, bị cáo", theo đại biểu Nghĩa.

Tại hội nghị sáng 27/5, cả ba vị luật sư nói trên đều tiếp tục có ý kiến về trách nhiệm tố giác tội phạm với quan điểm cho rằng cần sửa quy định này tại điều 19.

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh đặt vấn đề : "Nếu luật sư tố giác tội phạm thì xã hội có tẩy chay nghề luật sư không ? Chưa bảo vệ được gì đã đi tố giác rồi thì không biết nghề luật sư có điều kiện tồn tại hay không ? Tôi khẳng định niềm tin của khách hàng và xã hội vào nghề luật sư sẽ mất dần và sẽ bị thui chột".

Kiến nghị của đại biểu này là trong tình hình vi phạm gia tăng, thực tế nghề luật sư đang phát triển và mới phát triển khởi sắc hơn 10 năm trở lại đây, vì thế từ 83 tội luật sư phải tố giác thì nên khoanh lại khoảng 20-30 tội thôi, như thế là nhiều rồi. Nếu không thì chỉ khoảng 15-20 tội.

Ông Thịnh cũng nói sẵn sàng lắng nghe các ý kiến tranh luận.

"Phải biết tội nào thì luật sư không thể làm ngơ"

"Tôi xin hỏi Liên đoàn Luật sư, trước khi sửa bộ luật này có điều gì làm thui chột nghề luật sư chưa ?", Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngay lập tức lên tiếng tranh luận.

Bà nói : "Bộ luật Hình sự gần 500 điều mà Liên đoàn Luật sư chỉ đi bảo vệ một điều 19 cho mình ? Các anh phải xem lại, phải có trách nhiệm chung. Bởi, ngoài đạo đức luật sư thì còn trách nhiệm, đạo đức của một công dân". 

"Biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà không tố giác thì phải xem lại chỗ này. Ở đây, tôi hiểu nên giới hạn trong tội nào, chứ đúng là luật sư cứ đi tố giác thân chủ thì không được. Nhưng, cũng phải biết giới hạn tội nào thì luật sư không thể làm ngơ được".

"Nếu tôi là luật sư, phải bào chữa cho thân chủ phạm tội giết người, công tố nói cố ý giết người thì tôi cố gắng bảo vệ thành vô ý giết người để giảm nhẹ tội. Hay như một thân chủ bị ghép tội trốn thuế, trốn thuế là có tội, luật sư cố bảo vệ thành tránh thuế cho giảm nhẹ tội bớt". 

"Chứ còn khi biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà không tố giác, thì cho dù hoàn thành nghĩa vụ luật sư của mình, thì anh lại ảnh hưởng tới quốc gia, đất nước, tới nhiều người dân vô tội khác. Làm ngơ là không được", Chủ tịch quốc hội nói tiếp.

Đại biểu Thịnh phát biểu xong vẫn đứng nghe Chủ tịch tranh luận, lúc này ông nói : "Báo cáo thực tế là đa số các luật sư rất ngại đi bào chữa tội xâm phạm an ninh quốc gia, người ta sợ vướng vào tai nạn rủi ro nghề nghiệp, đó là một thực tế". 

"Ở đây trừ những luật sư mới vào nghề, hoặc luật sư ít việc làm, còn những luật sư uy tín khi mời họ rất khó, đặc biệt với những tội phạm nguy hiểm, đặc biệt nghiêm trọng thì rất cần luật sư uy tín, vì luật sư không những bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho khách hàng mà quan trọng hơn nữa là bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế", ông Thịnh nói thêm.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đăng ký tranh luận. Ông nói, đã có thời gian 8 năm hành nghề luật sư nên rất hiểu và chia sẻ với nghề này.

Nhưng, ông nhấn mạnh quan điểm ủng hộ quy định tại điều 19, với đánh giá quy định như thế là luật đã ghi nhận vai trò, trách nhiệm của luật sư, cũng ghi nhận mối quan hệ đặc biệt giữa luật sư với thân chủ. 

"Luật giới hạn chỉ tố giác tội phạm an ninh quốc gia, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như thế là phù hợp, chứ không phải ràng buộc luật sư tố giác mọi tội phạm", ông nói.

"Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, ở đây có thể các luật sư mong muốn sự chia sẻ của các đại biểu Quốc hội, nhưng chia sẻ cũng phải trên cơ sở pháp luật", ông Học nhấn mạnh, và khẳng định quy định tại dự thảo không ảnh hưởng đến hoạt động hành nghề luật sư, làm thui chột nghề này hoặc ảnh hưởng sự thu hút đầu tư nước ngoài.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, so với điều 22 của Bộ luật Hình sự 1999, thì Bộ luật Hình sự 2015 về trách nhiệm của luật sư trong việc không tố giác tội phạm đã giảm đi 70 khung hình phạt, trước đây là 179, giờ còn 109.

Chủ tịch quốc hội đề nghị, giữa cơ quan soạn thảo và thẩm tra ngồi lại thảo luận thấu tình đạt lý với các luật sư, có thể mời các nhà làm luật tranh luận riêng về nội dung này.

Nguyễn Lê

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Song Chi
Read 1067 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)