Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

04/06/2017

Đối thoại với cộng sản !

Việt Hoàng

Sau khi ông Võ Văn Thưởng, ủy viên bộ chính trị, trưởng ban Tuyên giáo trung ương thông báo cho biết là đang xin ý kiến của Ban bí thư đảng để hợp thức hóa việc ‘đối thoại’ với những người bất đồng chính kiến thì dư luận Việt Nam nổi lên tranh cãi khá gay gắt.

doithoai1

Ông Võ Văn Thưởng, ủy viên bộ chính trị, trưởng ban Tuyên giáo trung ương cho biết là đang xin ý kiến của Ban bí thư đảng để hợp thức hóa việc ‘đối thoại’

Có hai luồng ý kiến chính, một bên lên tiếng ủng hộ chủ trương ‘đối thoại’ của đảng cộng sản Việt Nam, xem đây là hành động thiện chí và cởi mở của chính quyền vì thế những người bất đồng quan điểm với nhà nước và đảng nên nắm lấy cơ hội. Ý kiến thứ hai thì cho rằng không nên tin đảng cộng sản, rằng đây là chiêu bài ru ngủ và dối trá chứ không thật tâm của chính quyền…

Theo chúng tôi thì cả hai luồng ý kiến này đều đúng và có lý. Tuy nhiên vấn đề không phải nằm ở chổ đó mà vấn đề mấu chốt quan trọng nhất nằm ở chổ khác đó là sự ‘tương quan lực lượng’ giữa hai bên đối thoại.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chủ trương ‘hòa giải dân tộc’ và ‘đấu tranh bất bạo động’ cho nên việc ‘đối thoại’ và ‘thỏa hiệp’ từng giai đoạn với đảng cộng sản là lẽ đương nhiên. Đây là quá trình tất yếu mà một cuộc cách mạng bất bạo động phải đi qua. Vấn đề quan trọng là ‘đối thoại’ và ‘thỏa hiệp’ như thế nào để đạt được kết quả mà không đánh mất mình, không bị ‘hòa tan’ hoặc phải chấp nhận mọi điều kiện mà đảng cộng sản đưa ra ?

Đầu tiên phải nhắc lại một điểm rất quan trọng mà chúng tôi đã nhiều lần trình bày đó là ‘đấu tranh chính trị luôn luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân’. Một cá nhân dù giỏi giang đến đâu cũng chỉ là một cá nhân. Cá nhân đó không bao giờ đủ tư cách để ‘đại diện’ cho bất cứ ai, ngoài bản thân người đó. Chỉ có các tổ chức chính trị mới đủ tư cách ‘đại diện’ cho các khuynh hướng chính trị (khác nhau) của hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Như vậy, nếu Đảng cộng sản Việt Nam chỉ muốn ‘đối thoại’ với các cá nhân bất đồng chính kiến thì đó là chuyện riêng giữa đảng và một số công dân Việt Nam, trong trường hợp này chúng ta không cần bận tâm và mất thời gian vô ích.

Nếu thật lòng đảng cộng sản muốn ‘đối thoại’ để mở ra một không gian chính trị cởi mở thì muốn hay không đảng cộng sản cũng phải ‘đối thoại’ với các tổ chức chính trị dân chủ đối lập của người Việt trong và ngoài nước. Khả năng này rất khó xảy ra. Giả sử ông Võ Văn Thưởng và một số nhân vật ‘tiến bộ’ trong đảng có tấm lòng và thật tâm muốn đối thoại thì cũng không dễ vì sẽ vấp phải sự chống đối quyết liệt của những thành phần bảo thủ. Lý lẽ của phe bảo thủ rất đơn giản nhưng lại có sức thuyết phục cao, đó là ‘phong trào dân chủ quá yếu và hoàn toàn chưa đe dọa hay gây ra bất cứ một sức ép nào thì việc gì đảng phải thay đổi, như thế là hạ mình, là tự lấy đá ghè chân…’.

Một cuộc ‘đối thoại’ chỉ có thể công bằng và có kết quả tốt đẹp khi ‘tương quan lực lượng’ giữa hai bên phải tương đương nhau. Nếu một trong hai phía quá yếu thì bên yếu sẽ bị áp đặt hoàn toàn. Ví dụ, hai người muốn góp vốn để kinh doanh hay thành lập công ty, một người có 10 tỉ đồng, một người chỉ có 1 tỉ đồng thì rõ ràng người có 10 tỉ phải có quyền quyết định mọi chuyện chứ không thể có chuyện hai người có quyền quyết định ngang nhau. 

Trước đây từng có ý kiến đưa ra để phản bác lập trường ‘hòa giải dân tộc’ của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên rằng ‘cộng sản là dối trá và luôn trở mặt, từ hồi năm 1946, khi Việt Minh ‘cho không’ hai đảng Việt Quốc và Việt Cách 70 ghế trong quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, rồi hiệp định Paris 1973, rồi chủ trương hòa hợp và hòa giải dân tộc của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam… tất tật đều bị đảng cộng sản xé bỏ và nuốt lời khi họ xong việc’. Chúng tôi đâu có khờ khạo đến mức không biết điều đó ? Vấn đề là các đảng phái quốc gia và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa quá yếu vì không có lực lượng, không có tổ chức, không có nhân sự chính trị cho nên không được quần chúng hậu thuẫn và vì thế mới bị cộng sản lật lọng. Đảng cộng sản Ba Lan đâu có lật lọng được trước Công Đoàn Đoàn Kết ?

Vấn đề quan trọng nhất của phong trào dân chủ và tất cả mọi người Việt Nam yêu nước hiện nay đó là hãy ủng hộ cho một tổ chức chính trị dân chủ đối lập đứng đắn và có viễn kiến để tổ chức chính trị đó có tầm vóc như Công Đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan. Khi đó thì dù không muốn, đảng cộng sản Việt Nam cũng phải ngồi vào bàn đàm phán với đối lập dân chủ để mở ra một trang sử mới cho dân tộc. 

Hiện tại phong trào dân chủ có một ‘tư thế’ rất mạnh để mang đến cuộc ‘đối thoại’ đó là chúng ta có lẽ phải và chúng ta thuận theo dòng chảy của lịch sử còn đảng cộng sản thì không. Tuy nhiên vì không có tổ chức nòng cốt dẫn đầu nên chuyện ‘đối thoại’ với đảng cộng sản có lẽ không xảy ra và nếu có xảy ra thì cũng sẽ không có kết quả gì.

Tất nhiên nếu đảng cộng sản đủ sáng suốt và khôn ngoan thì nên ‘đối thoại sớm’ với phong trào dân chủ khi đảng còn mạnh và còn nắm thế thượng phong. Quyền lợi và nhân phẩm của các đảng viên đảng cộng sản sẽ được đảm bảo và tôn trọng. Muốn thế, đảng cộng sản phải đặt quyền lợi của đất nước và dân tộc lên trên lợi ích của các phe nhóm trong đảng.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn cổ vũ cho một cuộc thay đổi ‘từ trên xuống dưới’, tức là đảng cộng sản và các tổ chức đối lập dân chủ ‘đối thoại’ với nhau để cùng mở ra một lối thoát cho cả dân tộc như trường hợp Đài Loan hay Hàn Quốc trước đây : chính quyền chủ động dân chủ hóa đất nước. Một mình đảng cộng sản không thể nào làm được việc này vì uy tín của họ trong dân chúng quá thấp và những đổ vỡ họ gây ra cho dân tộc là quá lớn.

Đạo đức của con người trong xã hội Việt Nam khủng hoảng nghiêm trọng vì thế mọi sự cố gắng thay đổi dù thiện chí đến đâu cũng vấp phải sự chống đối của nhiều người vì thế đối lập dân chủ cũng rất cần đến sự ủng hộ và tham gia của đảng cộng sản trong thời gian chuyển giao này.

Suốt 35 năm qua, chưa bao giờ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên xin xỏ, kiến nghị hay yêu cầu bất cứ một điều gì từ đảng cộng sản Việt Nam. Chúng tôi cũng chưa bao giờ kêu gọi người dân Việt Nam làm điều nọ điều kia… Có những người không hiểu vấn đề nên cho rằng chúng tôi chỉ nói mà không làm, chúng tôi hàn lâm, bàn phím… Sự thật thì chúng tôi đang cố gắng để làm một việc không thể không làm đối với một tổ chức chính trị đó là ‘xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt’ khoảng 1000 người và tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng Việt Nam bằng một ‘Dự án chính trị’ khả thi và nghiêm túc thông qua các trang Website, Blog và Facebook của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Chúng tôi chỉ hành động khi nào có thực lực (tức là đã được đa số người dân Việt Nam ủng hộ và hưởng ứng) và đã hành động thì nhất định phải thắng lợi.

Như vậy vấn đề đặt ra hiện nay không phải là ‘có nên đối thoại với đảng cộng sản hay không, mà là chúng ta sẽ đối thoại với họ khi nào ? Nội dung ra sao ? Với tư cách gì ?...

Chúng tôi xin trích lại một đoạn trong Dự án chính trịKhai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (chương VII - Đấu tranh thiết lập dân chủ đa nguyên) như sau :

"Trong đấu tranh để đòi bầu cử tự do cũng như để giành thắng lợi qua các cuộc bầu cử tự do đó, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên lúc nào cũng chủ trương xóa bỏ hận thù, tôn trọng mọi người và mọi chính kiến để hợp tác với nhau và cùng nhau xây dựng tương lai Việt Nam chung. Tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc này không thể bị đồng hóa với thái độ sẵn sàng cấu kết và đồng lõa với bất cứ ai. Thái độ của Tập Hợp rất minh bạch. Tập Hợp có mục tiêu và đường lối rõ ràng và Tập Hợp sẽ kiên trì theo đuổi. Tập Hợp sẽ dồn mọi cố gắng để giành thắng lợi trong bầu cử tự do. Nếu thắng, Tập Hợp sẽ cùng với các tổ chức chính trị đồng minh chia sẻ trách nhiệm trước dân tộc. Nếu không may thắng lợi về tay những lực lượng khác lập trường, Tập Hợp sẽ tiếp tục đấu tranh trong cương vị của một đối lập đứng đắn và trách nhiệm.

Như tất cả mọi cuộc vận động chính trị, cuộc đấu tranh này sẽ đòi hỏi nhiều thỏa hiệp. Đấu tranh bất bạo động có nghĩa là chấp nhận đi đến thắng lợi sau cùng qua các thỏa hiệp giai đoạn. Tập Hợp sẽ chấp nhận những thỏa hiệp giai đoạn, nhưng sẽ không sợ đánh mất chính mình vì đã có tư tưởng nền tảng và những định hướng lớn làm kim chỉ nam. Tập Hợp sẽ chấp nhận những thỏa hiệp giai đoạn có tác dụng rút ngắn lộ trình dân chủ nhưng sẽ không nhân nhượng trên ba lập trường căn bản : lý tưởng dân chủ đa nguyên, tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, và phương thức đấu tranh bất bạo động".

Việt Hoàng

(04/06/2017)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 6672 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)