Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hitler believed that the Third Reich would endure a thousand years. It lasted a dozen.

(Hitler tin rằng Đệ Tam Quốc Xã sẽ kéo dài cả ngàn năm. Nó tồn tại được hơn chục năm).

Sir Alan Bullock

mot0

Thỉnh thoảng, cũng có vài ba thân hữu muốn biết (xem) tôi quê quán nơi nao ? Thực là một câu hỏi khó. Tôi sinh ở Sài Gòn, lớn lên ở Đà Lạt, và sống phần lớn thời gian ở California. Cả ba đều là nơi tập hợp của dân tứ xứ, khó có thể xem là quê hương – bản quán – của bất cứ ai. Tôi cũng chả biết hỏi ai về "gốc gác" của mình vì song thân đã quá vãng từ lâu ; anh chị em thì kẻ mất người còn nhưng đều tứ tán và phiêu bạt cả.

Tôi chỉ đoán chừng rằng tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình đều gốc gác là những nông dân từ một làng quê khốn khó nghèo nàn nào đó (kề cạnh sông Hồng) nên cái chất nông phu vẫn còn nguyên vẹn trong máu huyết. Sau khi đã đi nhiều nơi, và có nhiều dịp được nếm thử đủ loại thực phẩm của những những dân tộc khác, tôi vẫn "chốt" lại rằng : ngoài mì quảng, cá rô kho tộ, cá chẻm nấu canh chua, đậu rán tẩm mỡ hành, rau muống luộc – chấm với nước mắm ớt chanh – và cơm gạo tẻ ra… thì chúng ta không nên đụng đũa đến bất cứ thứ thức ăn (tào lao) nào nữa !

Tôi ăn uống quê mùa ra sao thì ăn nói, và suy nghĩ cũng bỗ bã, cạn cợt y như vậy. Rõ ràng, tôi có cốt cách và tư duy của giới tiểu nông – vốn không hay nhìn xa/thấy rộng, và cũng rất khó lĩnh hội được những điều tinh tế.

Có lần tôi mon men thử tìm hiểu chút đỉnh về vô thức tập thể qua công trình biên khảo (Archetypes and the Collective Unconscious) của Carl Gustav Jung, cha đẻ của khoa Tâm lý học phân tích – Analytical Psychology. Bước chân vào cái thế giới bao la và sâu thẳm này khiến tôi hơi bị choáng, và không khỏi lại chạnh lòng nghĩ đến hai vị nhân sĩ khả kính của đất nước mình : Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.

Tuy mỗi người chủ trương một phương cách khác hẳn nhau nhưng mối bận tâm chung của hai ông vẫn chỉ là làm sao cho quốc dân thoát khỏi được vòng lệ thuộc. Dù nhị vị đã khuất núi từ lâu nhưng Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc vẫn chỉ là bánh vẽ, và "khai dân trí" vẫn là một vấn đề sống còn và cấp bách.

Phan Bội Châu (1867 - 1940), Phan Châu Trinh (1871 - 1926), Carl Gustav Jung (1875 - 1961) đều chào đời vào hậu bán thế kỷ 19 và tuổi tác gần suýt xoát nhau. Chỉ có điều khác là quê hương của Carl Gustav không trải qua một ngàn năm nô lệ giặc Tầu, một trăm năm nô lệ giặc Tây. Thụy Sĩ cũng chả bị tàn phá hay ảnh hưởng gì nhiều bởi hai cuộc Thế Chiến vừa qua.

Có lẽ vì thế nên tư duy của Jung khác với hai cụ Phan rất xa. Khoảng cách bao la này – dường như – chưa bao giờ ngắn lại, dù chỉ một ly. Cả đời tôi (và không ít những bạn đồng thời) cũng vẫn chỉ loanh quanh với đậu rán, cá kho, canh chua, rau luộc, và vẫn cứ loay hoay với chuyện thoát Trung cùng thoát Cộng.

Thế nên tôi không chỉ có "cái mặc cảm Việt Nam" mà còn mang luôn cái "mặc cảm Á Châu" – nơi mà phần lớn đất đai đều có thời là thuộc địa, và không mấy khi sản xuất được một nhân vật có tầm. Mặc cảm này, gần đây, đã được giải tỏa phần nào khi bên nước (bạn) láng giềng bỗng xuất hiện một nhân tài nổi bật : Tập Cận Bình. Ông hiện là Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân sự, và kiêm Chủ tịch nước (vĩnh viễn) luôn.

mot01

Tập Cận Bình hiện là Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân sự, và kiêm Chủ tịch nước (vĩnh viễn) luôn.

Cùng với quyền lực nghiêng trời lệch đất, Tập Cận Bình còn có thêm một khối óc vĩ đại với tầm nhìn bao quát cả toàn cầu. Ông là cha đẻ của Sáng kiến Vòng đai & Con đường (The Belt and Road Initiative) còn được gọi là Nhất Đới Nhất Lộ ( 一路) nối liền những trọng điểm kinh tế từ Trung Quốc sang Châu Âu và Châu Phi. Sáng kiến này được mô tả là "dự án của thế kỷ – project of the century", với kỳ vọng sẽ mang lại "một trật tự mới cho thế giới – a new world order".

Thiệt là một phát kiến rất đáng kể, đáng nể, và quả là một tin vui.

Tôi chỉ bớt vui, và bắt đầu buồn, từ hôm ghé qua Sihanoukville – một trong những nơi được xem là trọng điểm trên lộ trình One Belt One Road (OBOR) của Tập Cận Bình (1). Ở thành phố cảng này, tôi đếm được khoảng gần 100 cái casino và building sang trọng của người Hoa. Xen cạnh là vô số restaurant cùng supermarket – đỏ rực bảng hiệu tiếng Tầu – nằm san sát hai bên những con đường lỗ chỗ ồ gà, ngập ngụa rác rưởi, và mịt mù khói bụi.

mot3

Sihanoukville : ảnh (tnt) chụp năm 2019

Nơi đây, người Trung Hoa thường ở biệt lập trong những khách sạn sang trọng hay những khu chung cư cao cấp. Họ chỉ chia chung với dân bản xứ những dòng nước suối đen ngòm (lềnh bềnh chai lọ nhựa) lừ đừ chẩy qua những ngõ ngách chật chội và hôi thối.

Bên cạnh những công trình kiến trúc hoành tráng là mấy dẫy mái tôn lụp xụp, và len lách giữa đám xe du lịch đắt tiền (đậu trước những casino tráng lệ) là những đứa bé Cambodia phải nhặt rác để mưu sinh – thay vì cắp sách đến trường – và không ít người dân Cambodia đang ngồi (đồng) bên lề cái Vòng Đai & Con Đường hoành tráng của ông Tập Cận Bình.

mot4

Sihanoukville : ảnh (tnt) chụp năm 2019

Những hình ảnh này khiến tôi nhớ đến lời của nhà nhân chủng học Jane Goodall trong một cuộc phỏng vấn dành cho AFP, hồi năm 2014 : "Trung Hoa đang bóc lột Phi Châu chả khác gì thế lực thực dân kiểu cũ… với những hậu quả tai hại về môi sinh (2).

Nếu chiến lược ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc – China's debt-trap diplomacy – cứ tiếp tục phát triển thì nhiều quốc gia (Cambodia, Lao, Mongolia, Myanmar, Nepal, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Vietnam …) sẽ chìm trong biển nợ. Châu Á, rồi ra, e cũng sẽ chả khác gì Châu Phi là mấy.

Ở bên trong Bức Màn Sắt Trung Hoa thì bàn tay sắt của ông Tập Cận Bình chả cần gì phải bọc găng, cũng khỏi cần giăng bẫy vì Tây Tạng và Tân Cương đã nằm trong rọ tự lâu rồi :

- Trung Quốc : Vùng Tây Bắc cấm dạy tiếng Tây Tạng cho trẻ em

- Trung Quốc cưỡng chế tu viện Tây Tạng để uốn nắn ý thức hệ

- Tây Tạng dưới gót giầy đại Hán

- Tây Tạng sống trong địa ngục trần gian

- LHQ : Trung Quốc giữ hằng triệu người Duy Ngô Nhĩ trong những trại giam bí mật

- Tỉnh Tân Cương của Trung Quốc : Một nhà nước công an trị mà thế giới chưa hề thấy

Thiên hạ vẫn chưa biết Sáng Kiến Vòng Đai & Con Đường (The Belt and Road Initiative) có tính cách toàn cầu của họ Tập rồi ra sẽ dẫn dắt đến đâu nhưng quả tim (bộ lạc) nhỏ hẹp và man rợ của ông ấy thì khiến cho ngay cả những kẻ bán khai chắc cũng phải hết hồn, hết vía :

"Bằng chứng phạm tội là nhiều tù nhân lương tâm-thành viên Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, phật tử Tây Tạng và tín đồ Công giáo "chui" – bị bắt xét nghiệm y khoa và bị mổ cướp lấy nội tạng. Những nội tạng này đã cung cấp cho thị trường cấy ghép nội tạng rất lớn (3). 

Dù vốn gốc nông dân và rất vô tâm, tôi vẫn cứ ngẫm nghĩ mãi về câu nói thượng dẫn và không khỏi lấy làm lo cho thần tượng (mới) của mình – Tập Cận Bình ! Chả hiểu bác Tập sẽ "trụ" được thêm bao lăm nữa ?

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 01/05/2019 (tuongnangtien's blog)

(1) Sihanoukville & Chim phượng hoàng tầu

(2) China is pillaging Africa like an old colonial power… with disastrous effects for the environment.

(3) The charge is that many prisoners of conscience—Falun Gong members, Uighur Muslims, Tibetan Buddhists and "underground" Christians—have been subjected to medical testing and had their organs forcibly removed. Those organs have fed an enormous trade in organ transplants". ("Benedict Rogers. "The Nightmare of Human Organ Harvesting in China". The Wall Street Journal 5 Feb 2019 translated by Trần Quốc Việt).

(1)

Published in Diễn đàn
jeudi, 18 mai 2017 10:23

Phiêu lưu không lối thoát

Việt Nam đã đút đầu vào rọ kinh tế chính trị mệnh danh "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc mà không biết số phận sẽ ra sao.

mot1

Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường"- Ảnh minh họa

Chuyện xẩy ra ngày 15/05/2017 ở Bắc Kinh, thủ đô nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có số dân 1,4 tỷ người đang cần đất sống.

Sáng kiến của Trung Quốc, được Chủ tịch nước, Tổng bí thư đảng cộng sản Tập Cận Bình trình bầy tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế có tên là "Vành đai và Con đường", lấy hợp tác kinh tế và phát triển làm trọng tâm để giúp nhau thịnh vượng và cùng có lợi.

Tin của phía Trung Quốc cho biết, tham dự diễn đàn có 57 lãnh đạo cấp cao của 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Nga, Việt Nam, Kazakhstan, Cộng hòa Czech, Thụy Sĩ, Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Đức,Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Nhật, Úc, Tân Tây Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippines, Lào, Myanmar, Thái Lan, Kenya, Chile, Argentina v.v.

Tổng thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự hội nghị.

Ấn Độ, nền kinh tế lớn ở Nam Á Châu không tham dự Hội nghị 2 ngày ở Bắc Kinh, mặc dù được mời.

Nguồn gốc "Một vành đai, một con đường"

"Một vành đai, một con đường" có từ bao giờ ?

Tài liệu của Trung Quốc cho biết đây là sáng kiến của ông Tập Cận Bình đưa ra năm 2013 nhằm kết nối Trung Quốc với 6 hành lang kinh tế qua đường bộ :

1) Chạy từ phía tây Trung Quốc xuyên qua Tây Á đến vùng miền Tây của Nga.

2) Từ Trung Quốc qua Mông Cổ để nối liền vùng bắc Trung Quốc với đông bộ Nga

3) Dùng hành lang Trung Quốc - Trung Á - Tây Châu Á để nối miền Tây Trung Quốc với Thổ Nhĩ Kỳ.

4) Hành lang Trung Quốc - bán đảo Đông Dương (Việt-Miên-Lào) để nối liền miền Nam Trung Quốc với Singapore.

5) Hành lang Trung Quốc - Pakistan sẽ nối liền vùng Tây Nam Trung Quốc với Pakistan

6) Hành lang Bangladesh - China - India – Myanmar (Miến Điện) sẽ chạy từ Nam Trung Quốc tới Ân Độ.

Ngoài ra còn có hành lang thứ 7 gọi là "Tơ lụa trên biển" chạy từ bờ biển Trung Quốc sang Singapore và Ấn Độ, tới vùng biển Mediterranean để kết nối với bắc Đại Tây Dương và bắc Châu Phi.

Với tham vọng bành trướng kinh tế và chính trị rộng lớn như thế, tất nhiên không phải để Trung Quốc tiếp tục đứng sau kinh tế Mỹ mà sẽ có cơ hội lãnh đạo cả thế giới.

mot2

Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc - Ảnh minh họa

Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc (China Radio International, CRI, ngày 10/09/2015) giải thích rằng : "Sáng kiến "Một vành đai, một con đường" là tên gọi tắt của "Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa" và "Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21", phương án quy hoạch liên quan đến 65 nước và 4,4 tỷ dân số trên dọc tuyến. Cơ chế hợp tác của "Một vành đai, một con đường" bao gồm tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển của các nước dọc tuyến với nhau".

CRI viết : "Giáo sư Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Cốc Nguyên Dương cho biết, Trung Quốc đề xuất khái niệm "hợp tác kết nối" để thúc đẩy sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước trên dọc Con đường tơ lụa".
Ông nói : "Phương thức hợp tác kết nối không phải đơn nhất, mà là đa dạng, có thể hợp tác kết nối đa phương, cũng có thể hợp tác kết nối song phương. Các phương thức kết nối chủ yếu bao gồm :

Một là, kết nối việc xây dựng "Một vành đai, một con đường" với chiến lược phát triển của các nước trên dọc tuyến. Ví dụ, Mông Cổ thực thi chiến lược phát triển "Con đường Thảo nguyên", vì vậy, Trung Quốc và Mông Cổ kết nối "Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa" với chiến lược phát triển "Con đường Thảo nguyên" ;

Hai là, xây dựng Con đường tơ lụa có thể kết nối với cơ chế hợp tác hiện nay của các nước trên dọc tuyến".

Mỹ ra - Trung vào

Kế hoạch mở rộng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc được xúc tiến ngay sau khi Tổng thống Mỹ Cộng hòa Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement, gọi tắt là TPP), với lý do TPP không đem lợi cho công nhân Mỹ.

Sau 7 năm vất vả thương thuyết để được ký kết ngày 4/02/2016 tại Tân Tây Lan (New Zealand) , TPP là tổ chức quy tụ 12 nước gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru, Mỹ và Việt Nam.

Khối kinh tế này, nếu hoạt động, sẽ có trị giá 28.000 tỷ USD, chiếm lối 40% tổng sản lượng của thế giới và là một khối kinh tế hùng mạnh có khả năng cầm chân Trung Quốc.

Hành động của ông Trump không những đã giúp Bắc Kinh hóa giải được áp lực kinh tế của TPP mà còn giúp Trung Quốc rảnh tay hơn để thành hình khối kinh tế 16 nước được gọi là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP-Regional Comprehensive Economic Partnership). Nga đã ngỏ ý hợp tác với Trung Quốc để loại ảnh hưởng Mỹ ra khỏi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Đối với Việt Nam, dù có mất TPP nhưng Việt Nam vẫn có chân trong khối RCEP, cùng với 9 nước khác của AQSEAN, Hiệp hội các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, và Ấn Độ.

Việt Nam còn có nhiều thỏa hiệp hợp tác kinh tế song phương với Hoa Kỳ, Châu Âu, Nam Hàn, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước khác.

Giờ đây, sau Hội nghị ở Bắc Kinh ngày 15/05/2016 vị trí kinh tế của Việt Nam đã được tăng cường trong khối "Một vành đai, một con đường" do Trung Quốc đứng đầu. Nhưng sự hợp tác kinh tế trong tương lai với các quốc gia trong khối sẽ còn nhiều khó khăn vì Việt Nam là nền kinh tế nhỏ và hạn chế kỹ huật tân tiến. Nếu phải nhờ Trung Quốc đỡ đầu trang bị máy móc hiện đại thì Việt Nam sẽ mang nợ Trung Quốc đến cạn kiệt.

Việt Nam vào rọ

Tuy nhiên, sự có mặt của Việt Nam tại Diễn đàn Một vành đai - Một con đường không phải là một lựa chọn tình nguyện mà vì không cưỡng lại được. Theo các chuyên gia kinh tế thì nếu Việt Nam không tham gia "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc thì Việt Nam sẽ bị các nước bỏ lại sau lưng để tụt hậu không ngóc đầu lên được.

 

Vì vậy, tại diễn đàn Bắc Kinh, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã phát biểu : "Việt Nam chủ trương nỗ lực thúc đẩy liên kết kinh tế và kết nối giao thông với các quốc gia láng giềng. Nhiều bước đi, giải pháp cụ thể đã được triển khai, trong đó có việc hợp tác cùng các nước Tiểu vùng Mekong phát triển Hành lang kinh tế Đông - Tây, Hành lang kinh tế phía Nam, Hành lang kinh tế Bắc - Nam, hướng tới xây dựng Tiểu vùng Mekong trở thành cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực tham gia thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN ; hợp tác với Trung Quốc nghiên cứu khả năng kết nối "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường" ; quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực".

Kế hoạch kinh tế "hai hành lang, một vành đai" là dự án hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Chi tiết Việt Nam tự đặt mình trong vòng tay Trung Quốc được Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc (China Radio International, CRI) ngày 10/09/2015 kể lại rằng : "Ngày 20/5/2004, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Thủ tướng Việt Nam lúc đó Phan Văn Khải đã đề xuất sáng kiến cùng xây dựng "Một vành đai, một con đường" với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Ngày 6 và ngày 7/10/2004, Thủ tướng Ôn Gia Bảo thăm chính thức hữu nghị Việt Nam, trong thời gian ở thăm, Chính phủ hai nước đã ra "Thông cáo chung Trung – Việt". Thông cáo đã trọng điểm đề cập hai bên đồng ý thành lập nhóm chuyên gia trong khuôn khổ Ủy ban Hợp tác kinh tế-thương mại của Chính phủ hai nước, tích cực tìm kiếm và thảo luận tính khả thi của hành lang kinh tế "Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh", "Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh" và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Như vậy, "Hai hành lang, một vành đai" trở thành ý tưởng hợp tác của chính phủ hai nước. Thông qua việc xây dựng "Hai hành lang, một vành đai", Trung Quốc và Việt Nam sẽ bổ sung cho nhau trong quá trình hợp tác, thực hiện cùng thắng, chiến lược phát triển vùng miền Tây của Trung Quốc và chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng miền núi ở miền Bắc Việt Nam sẽ được lợi rất nhiều. Tháng 7 năm nay (2015), Phó Thủ tướng Trung Quốc đương nhiệm Trương Cao Lệ khi thăm Việt Nam đã đề xuất kết nối "Một vành đai, một con đường" với "Hai hành lang, một vành đai".

Từ Trọng đến  Quang

Áp lực Việt Nam của Tập Cận Bình đã được lập lại trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ ngày 12-15/1/2017.

mot3

Việt Nam hợp tác với Trung Quốc nghiên cứu khả năng kết nối "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường - Tranh minh họa 

Thông cáo chung hồi ấy viết : "Tăng cường hơn nữa hợp tác thực chất về kinh tế thương mại. Làm tốt quy hoạch chiến lược tổng thể trong hợp tác song phương. Tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, bao gồm kết nối khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Một vành đai, một con đường". Tăng cường trao đổi về hợp tác năng lực sản xuất giữa hai nước, triển khai thực hiện có hiệu quả "Bản ghi nhớ về danh mục các dự án hợp tác năng lực sản xuất giữa Bộ Công thương Việt Nam với Ủy ban Phát triển và cải cách nhà nước Trung Quốc". Tích cực bàn bạc thống nhất để sớm ký kết "Phương án tổng thể xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc".

Bây giờ, 5 tháng sau, họ Tập lại nhắc Trần Đại Quang, sau chuyến thăm Trung Quốc của đoàn Việt Nam từ ngày 11 đến 15/05/2017.

Thông cáo chung nhắc nhở phía Việt Nam cần : "Đẩy nhanh nghiên cứu, bàn bạc, ký kết "Thỏa thuận tổng thể chung về xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc" theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, phù hợp với quy định pháp luật của mỗi bên và thông lệ quốc tế".

Trung Quốc cũng không quên thúc Việt Nam cần : "Khẩn trương bàn bạc, ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác kết nối giữa khuôn khổ "hai hành lang, một vành đai" và sáng kiến "Vành đai và Con đường" phù hợp với lợi ích, khả năng, điều kiện của mỗi nước ; phát huy vai trò của Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng trên bộ trong việc tăng cường kết nối giữa hai nước ; tích cực thúc đẩy công tác nghiên cứu và xây dựng kế hoạch hợp tác 5 năm trong lĩnh vực giao thông và năng lượng trong hợp tác cơ sở hạ tầng trên bộ, thúc đẩy khánh thành dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 (Cát Linh - Hà Đông) theo kế hoạch, sớm hoàn thành lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ; chỉ đạo doanh nghiệp hai bên nhanh chóng giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc của các dự án hợp tác".

Bên cạnh những nhắc nhở và thúc đẩy của Tập Cận Bình với Trần Đại Quang, Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, Hồng Tiến Dũng còn tát nước theo mưa nói với báo chí Việt Nam trước ngày Quang đi Tầu rằng : "Trung Quốc và Việt Nam có chung đường biên giới dài 1.500km. Việt Nam có 7 tỉnh giáp với Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc. Nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực biên giới phát triển, hai bên cũng đang xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới, đây cũng là một phần quan trọng của việc kết nối. Về mặt này, hai bên cần sớm bàn bạc về ký văn kiện liên quan, chỉ đạo các tỉnh và khu tự trị sớm tiến hành hợp tác kết nối".

Nên nhớ, sau chuyến thăm Tầu của Trương Tấn Sang, khi ấy là Chủ tịch nhà nước Việt Nam từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 6 năm 2013, Thông cáo chung hai nước cũng đã hứa : "Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước, nhất là giữa 7 tỉnh của Việt Nam gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh với 4 tỉnh (khu tự trị) của Trung Quốc gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam ; phát huy vai trò của cơ chế hợp tác liên quan giữa địa phương hai nước ; tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, cơ sở hạ tầng giao thông, khoa học, giáo dục, văn hóa, y tế… ; thúc đẩy các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước cùng phát triển".

Nhưng tại sao đến nay chưa có tiến bộ trong thương thuyết dối với dự án lập khu kinh tế Việt-Trung ở biên giới hai nước ? Không có bất cứ giải thích công khai nào của đôi bên, nhưng mọi người Việt Nam đều chưa quên những thảm họa mà Quân đội Trung Quốc đã gây ra cho người dân tại 6 Tỉnh biên giới trong 2 cuộc chiến từ 1979 đến 1990.

Các thống kê bán chính thức ghi tổng số thương vong của binh sĩ và người dân ở Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh đã lên đến khoảng 45.000 người. Những tổn thất về quân số của Việt Nam ở mặt trận Vỵ Xuyên (Hà Tuyên cũ) được ghi lại là "thảm khốc".

Vậy mà ngày nay đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã "gục mặt bước dồn" để không cho phép dân và quân lính được tổ chức tưởng niệm hàng năm những người Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc đẫm máu này.

Bây giờ đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam lại xếp hàng chui vào rọ khống chế của Trung Quốc, qua hình thức hợp tác kinh tế như trao trứng cho ác qua hai đường "Một vành đai, một con đường" và "Hai hành lang, một vành đai" thì có khác nào họ đã kéo thêm một lá cờ trắng nữa, sau khi đã mở cửa rước giặc vào nhà ở Bauxite Tây Nguyên và Formosa Hà Tĩnh.

Phạm Trần

(18/05/2017)

Published in Diễn đàn