Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chính sách đối ngoại của nước Nga dưới thời tổng thống Vladimir Putin ra sao với phương Tây và Nhà Trắng ? Lập trường của Nga thế nào trong việc giải quyết khủng hoảng Ukraine ? Tình hình phân chia quyền lực trong nội bộ chính trường Nga như thế nào ? Tình trạng hoạt động của phe đối lập đến đâu ? Nhà nghiên cứu về chính trị học, Stanislav Belkovsky (*), trên báo Libération số ra ngày 18/3/2017, giải mã về các chiến lược hiện nay của tổng thống Nga.

putin1

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin, Moskva, ngày 16/03/2017 - REUTERS/Maxim Shipenkov

Libération : Ông đánh giá thế nào về chính sách đối ngoại của Nga ?

Stanislav Belkovsky : Đó không phải là một sự đối lập với phương Tây, mà là một sự đối đầu để buộc phương Tây phải yêu mến nước Nga. Nên nhớ là Vladimir Putin đã từng ủng hộ tư tưởng mở rộng quan hệ Đại Tây Dương và rất ủng hộ Châu Âu lúc mới lên cầm quyền. Nhưng rồi sau một chuỗi thất vọng, ông ấy cuối cùng tin chắc là phương Tây đã thường xuyên nói dối ông. Vào năm 2007, trong một bài diễn văn nổi tiếng và giọng điệu khó chịu tại Munich, ông ấy đã cảnh báo : "Chúng tôi đến để làm ăn, chứ không phải để gây chiến, hãy đón nhận chúng tôi trước khi quá muộn".

Trong những năm 2013-2014, ông Putin thực hiện những toan tính cuối cùng để lôi kéo phương Tây về với ông : tha bổng Khodorkovski (trùm dầu hỏa bị giam tù vào năm 2003 vì tội lừa đảo trên diện rộng, trở thành tù nhân chính trị nổi tiếng nhất của Nga- chú giải của ban biên tập), ban nhạc Pussy Riot (các ca sĩ nhạc Punk này bị kết án tù vì đã nhảy múa trong một nhà thờ) hay như các nhà tranh đấu bảo vệ môi trường của Greenpeace. Thế nhưng, ông được đáp trả với một sự lăng nhục ghê gớm : không một lãnh đạo nào trên thế giới đến dự lễ khai mạc Thế Vận Hội tại Sochi năm 2014. Tệ hơn nữa, cùng lúc này tại Kiev, bắt đầu một cuộc cách mạng, cuộc cách mạng Maidan, và theo Putin, thì chính Hoa Kỳ đã xúi giục. Vì vậy, giờ đây, thông điệp đã thay đổi : "Chúng tôi đến để gây chiến cho đến khi nào quý vị chấp nhận hòa giải thì thôi".

Libération : Mối quan hệ giữa Putin với Nhà Trắng sẽ ra sao ?

Stanislav Belkovsky : Ông ấy sẽ không liên minh với Hoa Kỳ để chống lại Liên Hiệp Châu Âu. Điều duy nhất làm cho ông ấy thích ông Trump là vì nhân vật này là một ứng viên chống hệ thống. Nhưng về mặt chính trị, Putin chẳng kỳ vọng được điều tốt gì và ông ấy cũng không nuôi một chút ảo tưởng nào. Thực ra, Putin muốn tìm kiếm một sự đồng thuận với phương Tây. Các chiến dịch quân sự Nga tại Cận Đông hay tại Ukraine không phải là những mục tiêu tự thân mà chỉ là những công cụ để buộc phương Tây phải hành động, phải đến bắt chuyện với ông ấy, để xác định vùng ảnh hưởng, mà không gian hậu Xô Viết để lại cho nước Nga, để giảm nhẹ các trừng phạt, do chưa bãi bỏ được các cấm vận này.

Libération : Triển vọng giải quyết xung đột Ukraine ra sao ?

Stanislav Belkovsky : Trở ngại chủ yếu, chính là bản thân Ukraine. Tầng lớp tinh hoa lên cầm quyền ở Kiev năm 2014 đã đánh giá thấp tầm mức trách nhiệm của họ. Triển vọng hội nhập nhanh vào Liên Hiệp Châu Âu đã bị mất. Trước hết phải giải quyết các vấn đề bên trong Ukraine. Vùng Donbass, đó là một cuộc xung đột bị "đông" lại một cách vô thời hạn. Và bán đảo Crimee vẫn sẽ là của Nga… Vì cả đại bộ phận dân chúng Crimée lẫn phần đông dân Nga đều sẽ không chấp nhận trao trả vùng này cho Ukraine. Còn về việc điện Kremln công nhận hộ chiếu do chính quyền tự phong Donbass cấp (theo sắc lệnh công bố ngày 18/2 vừa qua), đây là chuyện giả tưởng, một cách để trấn an quân ly khai. Sẽ không có chuyện sáp nhập các vùng này vào Nga vì Putin chẳng thấy lợi ích gì. Ngược lại, chiến tranh có thể tái diễn bất kỳ lúc nào.

Libération : Vì lý do gì Marine Le Pen (ứng viên tổng thống Pháp của đảng Mặt Trận Quốc Gia) được Kremlin ủng hộ ?

Stanislav Belkovsky : Bởi vì bà ấy cũng chống hệ thống và bà ấy có khả năng có những hành động mà về mặt chính trị thì không nên, chẳng hạn như đến Nga vay tiền để tài trợ cho chiến dịch vận động tranh cử của mình. Chính điều này có thể làm hài lòng Putin. Nhưng điều đó không có nghĩa là Putin hy vọng vào bà ấy. Putin biết rất rõ là một khi lên cầm quyền, Le Pen sẽ không còn là chính bà ấy nữa. Trong khi chờ đợi, ông ấy khoái trá về sự xáo trộn mà nữ ứng viên này đang gây ra trong đời sống chính trị Pháp.

Libération : Theo ông, đời sống chính trị trong nội bộ nước Nga ra sao ?

Stanislav Belkovsky : Giống như là bị tâm thần phân lập. Cảnh cách kinh tế là thiết yếu nhưng chính quyền không muốn thực hiện. Putin là một người bảo thủ và cho rằng cải cách thì luôn luôn phải trả giá nhiều hơn là không làm. Chính quyền làm cho mọi người tin rằng có thay đổi, nhưng đồng thời họ tăng cường, đa dạng hóa và siết chặt các biện pháp gây áp lực lên những ai bất mãn và bất phục tùng. Một cách chính thức, người ta thông báo sẽ có một cuộc bầu cử tổng thống "hợp pháp" vào năm 2018, ngoại trừ việc là kết quả đã được biết trước. Nga không ngừng khẳng định sự độc lập của mình, nhưng trên thực tế, sự phụ thuộc tâm về mặt tâm lý của điện Kremlin đối với phương Tây ngày càng tăng.

Libération : Phải chăng có một "bộ chính trị" bên cạnh Putin, một nhóm những người thân cận hỗ trợ ông ấy trong việc ra các quyết định ?

Stanislav Belkovsky : Không, không tồn tại một "bộ chính trị" như vậy. Khái niệm có từ thời Liên Xô này đòi hỏi phải có một cơ cấu, với quy định hoạt động và phân chia nhiệm vụ. Không có một bộ máy chính trị như thế bên cạnh Putin và nhóm người thân cận với ông ta cũng biến đổi hoặc thay đổi. Trong đầu của Putin, mọi thứ được phân chia theo lĩnh vực hoạt động. Igor Setchine (chủ tịch tập đoàn Gazprom) phụ trách về dầu khí và gần như có toàn quyền trong lĩnh vực này. Anh em nhà Kovaltchouk quản lý ngành truyền thông (Iouri Kovaltchouk, trùm tư bản truyền thông, chủ ngân hàng Rossiya, được xem như là ngân hàng riêng của Putin). Còn anh em nhà Rotenberg thì có mảng hạ tầng giao thông (Arkadi và Boris Rotenberg là bạn thời trẻ của Putin). Nhưng các chức vụ này đều không được thể chế hóa. Còn đối với những gì liên quan đến các vấn đề ngoại giao và quân sự, Putin tự mình quyết.

Libération : Quyền lực của ông Putin dựa vào ai ?

Stanislav Belkovsky : Ông ấy không phụ thuộc vào ai cả. Đó là một thần tượng quốc gia, ông ấy là hiện thân cho nước Nga. Một trong những lý do gây ra sự bất mãn trong giới tinh hoa của Nga chính là cuộc xung đột với phương Tây. Nhưng ông Putin chẳng vuốt ve, chiều lòng ai cả. Ông ấy đứng lên trên giới tinh hoa này, thay thế những người bạn thân lâu đời mà ông có trách nhiệm đạo lý đối với họ bằng lớp người kỹ trị cầm quyền trẻ hơn, những người mà ông Putin chẳng phải chịu ơn gì. Nhưng những người mới đến đó không được tuyển chọn theo thái độ chính trị của họ.

Libération : Tại Nga, liệu người ta đã nghĩ đến thời hậu Putin chưa ?

Stanislav Belkovsky : Tất cả mọi người đều nghĩ đến. Nhưng đó là trong suy nghĩ thôi, bởi vì thật là mạo hiểm khi nói ra loại suy nghĩ. Có khả năng ông Putin không ra ứng cử năm 2018, nhưng người ta chỉ có thể biết điều này vào phút chót. Để đi đến quyết định nói trên, ông ấy sẽ phải giải quyết trước một số vấn đề, trong đó có việc trả lại cho tầng lớp tinh hoa Nga quyền được tự do đi lại ở phương Tây. Ông ấy cũng phải bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình ông, tại Nga và Châu Âu. Nếu ông ấy quyết định rời điện Kremlin, quyền lực sẽ không rơi vào tay một nhà đối lập, mà được chuyển cho một người kế thừa do ông chỉ định.

Trong chiều hướng này, tôi thấy có hai người : Dmitri Medvedev (thủ tướng hiện nay), là lẽ đương nhiên và Alexeï Dioumine, một trong những cựu cận vệ trở thành chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của bộ Quốc Phòng. Lực lượng này đã sáp nhập Crimée – chiến dịch mà Putin xem như là một thành công tuyệt đối. Dioumine sau đó trở thành thứ trưởng Quốc Phòng, rồi thống đốc vùng Toula năm 2016, điều này sẽ cho phép ông ta có được kinh nghiệm cần thiết.

Libération : Tình trạng phe đối lập Nga ra sao ?

Stanislav Belkovsky : Phe đối lập Nga không đồng nhất và không thế lực. Họ lý luận theo cùng cách thức của Putin : người nào không theo chúng ta thì có nghĩa là chống lại chúng ta và do vậy họ đòi ông Putin phải ra đi. Phe đối lập không có khả năng hợp nhất bền vững và hiệu quả. Có vài nhân vật đáng chú ý, như Alexeï Navalny. Nhưng ông ta quá chú ý đến vai trò cá nhân mình. Nếu như ông ấy không đưa ra một chương trình cụ thể, đó là vì không muốn mất đi sự ủng hộ của một bộ phận dân chúng. Bất chấp các vụ việc đang nhắm vào mình, ông Navalny vẫn không bị ngồi tù và người ta để ông dấn thân vào chiến dịch tranh cử. Điều này có lợi vì ông ấy sẽ thu hút thêm được 10% cử tri tham gia bầu cử (đó là tỷ lệ mà ông ấy hy vọng có được) nhờ vậy, tạo thêm tính chính đáng cho cuộc bỏ phiếu và thắng lợi của ông Vladimir Putin. Trong khi chờ đợi, chính quyền khoa trương tính chất dân chủ của mình bằng cách để cho đối lập tham gia vào đời sống chính trị.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 26/03/2017

(*) :  Stanislav Belkovsky là nhà sáng lập Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Gia, một trung tâm cố vấn tại Moskva. Ông nổi tiếng với những báo cáo được nghiên cứu kỹ về các nhà tài phiệt Nga đầu những năm 2000. Stanislav Belkovsky còn là chuyên gia chính trị chính của Dojd - kênh truyền hình độc lập duy nhất tại Nga.

*******************

Tổng thống Nga bất ngờ tiếp ứng viên tổng thống cực hữu Pháp (RFI, 25/03/2017)

Ửng cử viên tổng thống Pháp đảng cực hữu Marine Le Pen được tiếp kiến tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva ngày 24/03/2017. Hiện tại bà đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận về ý định bỏ phiếu ở vòng 1, diễn ra ngày 23/04.

putin2

Ứng viên tổng thống Pháp Le Pen (trái) và tổng thống Nga, Putin tại Moskva ngày 24/03/2017.Reuters

Theo chương trình được loan báo thì nhân chuyến thăm Nga, sau cuộc tiếp xúc một số nghị sĩ Nga vào sáng qua, bà Le Pen không có hoạt động quan trọng nào khác, và nhất là không có cuộc họp với nguyên thủ Nhà Nước Nga.

Thế nhưng, sau khi kín đáo đến thăm một cuộc triển lãm tại bảo tàng của Điện Kremlin, người ta thấy bà Le Pen xuất hiện trên truyền hình nhà nước Nga cùng với tổng thống Vladimir Putin trong một phòng khách trên tầng thứ nhất của điện Kremlin, thường được sử dụng cho các cuộc họp không chính thức.

Phát biểu với bà Le Pen, ông Putin khẳng định là nước Nga không hề muốn tác động đến cuộc bầu cử Pháp sắp tới, nhưng có quyền liên lạc với các chính trị gia Pháp có trọng lượng, tương tự như các nước Châu Âu hay Hoa Kỳ.

Riêng đối với bà Le Pen, ông Putin xác định "Thật là thú vị khi được chia sẻ với bà về cách phát triển quan hệ song phương và tình hình ở Châu Âu. Tôi biết bà đại diện cho một xu hướng chính trị Châu Âu đang phát triển khá nhanh".

Về phần mình, lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia cực hữu Pháp đã tiết lộ với hãng tin Pháp AFP rằng bà đã thảo luận với ông Putin về "cách thức cùng làm việc giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống chủ nghĩa toàn thống".

Theo hãng AFP, một tháng trước vòng một cuộc bầu cử tổng thống ngày 23/04/2017, bà Le Pen đã nâng cao được vị thế quốc tế của mình bằng cuộc tiếp xúc với lãnh đạo một nước lớn. Trước đó, bà cũng đã tiếp xúc với một số lãnh đạo các nước nhỏ, như tổng thống Liban Michel Aoun và tổng thống Tchad, Idriss Deby.

Published in Diễn đàn
mardi, 03 janvier 2017 00:19

Điểm tin báo chí Pháp - Putin

Le Monde : Ông Putin mới thực sự là nhân vật của năm 2016

putin1

Hình ảnh quảng cáo cho cuộc gặp giữa thủ tướng Nhật Shinzo Abe và tổng thống Nga Vladimir Poutine, tại Nagato, một thành phố miền nam Nhật Bản,15/12/2016. REUTERS/Toru Hanai

Nếu Donald Trump "độc chiếm trang nhất thời sự" năm qua, thì theo Le Monde, tổng thống Nga Vladimir Putin mới thực sự nhân vật của năm 2016.

Trong bài xã luận có tiêu đề "Vladimir Putin, nhân vật của năm", Le Monde nhận định cuộc đua đường dài mà tổng thống Putin dẫn dắt 16 năm nay để đưa nước Nga quay trở lại vị thế trung tâm thế giới đã bắt đầu thu được những kết quả ngoạn mục đầu tiên.

Ở Trung Đông, ông chủ điện Kremlin đã thắng mọi ván bài. Tranh thủ sự lui bước của nước Mỹ dưới thời Obama, rồi sau đó, tận dụng giai đoạn chuyển giao quyền lực nhạy cảm - giai đoạn mà tổng thống sắp mãn nhiệm Obama không còn đưa ra nhiều sáng kiến, trong khi tổng thống tân cử Donald Trump thì vẫn chưa chính thức nắm quyền lãnh đạo Nhà Trắng, tổng thống Nga muốn tái lập lại cân bằng ở khu vực Trung Đông.

Ngày 29/12/2016, 1 tuần sau khi quân đội Syria chính thức giành lại thành phố Aleppo từ lực lượng nổi dậy, lệnh hưu chiến tại Syria đã được thông báo. Nhưng nếu những lần hưu chiến trước do Nga thương lượng với Mỹ, thì lần này, Vladimir Putin chọn Thổ Nhĩ Kỳ làm đối tác. Nước Mỹ bị Vladimir Putin loại ra khỏi cuộc chơi. Thêm vào đó, cuộc đàm phán về hòa bình ở Syria giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và tổng thống Syria Bachar al-Assad vào tháng Giêng sẽ diễn ra ở Astana, Kazakhstan, một khu vực thuộc ảnh hưởng của Nga. Hoa Kỳ, châu Âu và Liên Hiệp Quốc dường như chỉ còn là "bù nhìn" trong mắt Putin.

Không chỉ ở Trung Đông mà ở các khu vực khác trên thế giới, tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cũng có được một số ảnh hưởng nhất định. Ở châu Á, Putin xích lại gần với Trung Quốc và Nhật. Ở châu Âu, tổng thống Nga đã thay đổi được thái độ thù nghịch của nhiều đảng chính trị, chính trị gia và đã thiết lập mối quan hệ với những tổ chức chính trị và những người có thiện cảm với Putin.

Và cuối cùng, ông chủ điện Kremlin - một cựu điệp viên Xô Viết theo kiểu cổ điển - đã tìm cách thay đổi đường lối hoạt động gián điệp. Hiện giờ, nhà chức trách Mỹ đã chắc chắn về trách nhiệm của Moskva trong việc ăn cắp thông tin từ hòm thư điện tử của đảng Dân Chủ và các cộng sự của ứng viên Hillary Clinton, cũng như trong việc phát tán các thông tin này trong thời gian vận động tranh cử tổng thống Mỹ. Sự can thiệp của một thế lực nước ngoài vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ như vừa qua là chưa từng có, và không thể bị xem nhẹ vì nó nhắm đến hoạt động của nền dân chủ. Mới đây, nhiều cơ quan tình báo châu Âu cũng đã phải tăng cường cảnh giác nhằm đề phòng các đe dọa tương tự tới chiến dịch bầu cử năm nay ở châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức.

Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm đã quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và ban hành các biện pháp khác để trừng phạt Moskva. Còn Donald Trump, người sẽ chính thức nhậm chức tổng thống vào ngày 20/01, thì vẫn công khai ủng hộ Putin. Nhưng nhật báo Le Monde cảnh báo là thực tế quyền lực và thách thức từ Nga có thể sẽ làm ông Donald Trump phải "mở mắt" sớm hơn so với ông ta nghĩ.

5 thách thức chờ đón năm 2017

Hôm nay, nhiều tờ báo Pháp quan tâm dự báo những điều đang chờ đón năm 2017. Trong bài viết "5 thách thức cho năm 2017", nhật báo công giáo La Croix nhận định 8 năm sau khi khủng khoảng tài chính và "Đại Suy Thoái" bùng nổ, phục hồi kinh tế thế giới vẫn đang trong tình trạng bấp bênh và không đồng đều ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Tờ báo đặt câu hỏi liệu kinh tế thế giới có tăng trưởng bền vững vào năm 2017 như nhiều người mong đợi ?

Theo dự báo kinh tế thế giới mà Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế công bố hồi tháng 11/2016, tình hình năm 2017 sẽ không được khả quan cho lắm. Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2017 có lẽ chỉ có thể đạt mức 3,4% (so với tăng trưởng 3,1% vào năm 2016), và chủ yếu là nhờ vào tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Nga và Brasil. Còn tại các nền kinh tế đã phát triển thì "vết sẹo" mà cuộc khủng hoảng để lại vẫn còn khá rõ, theo đánh giá của các chuyên gia của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.

Từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump với lời hứa đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại cho tới việc Bắc Kinh định hướng lại mô hình kinh tế, từ khả năng Liên Hiệp Châu Âu thương lượng về Brexit cho tới các cuộc bầu cử tới đây tại Pháp và Đức với các đường hướng chính trị mà chưa ai nắm rõ, trong khi tại châu Phi, bùng nổ dân số có thể là cơ may mà cũng có thể một mối nguy : các thách thức mà thế giới phải đối mặt là vô cùng lớn. Nhưng theo Le Monde, đây không phải là những thách thức không thể vượt qua, với điều kiện là các nhà lãnh đạo phải có được các quyết sách đúng đắn. Và phải có ngay "chiến lược toàn cầu, gắn kết và có sự phối hợp", để tránh thế giới sa vào "tình trạng trì trệ lâu dài và ngày càng rõ ràng".

Người tị nạn : con số cao kỷ lục

"Số người tị nạn trên thế giới chưa bao giờ cao đến như vậy" là nhận xét của báo kinh tế Les Echos. Hiện nay, trên toàn thế giới có tổng cộng 21 triệu người tị nạn. Tuy nhiên, theo Les Echos, chính phủ các nước chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề này.

Cuộc khủng hoảng di dân và người tị nạn trong giai đoạn 2005-2015 là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử thế giới. Sự mất ổn định của chính quyền Libya sau cái chết của lãnh đạo Kadhafi và các cuộc đàn áp phe đối lập của tổng thống Bachar al-Assad ở Syria đã buộc hàng trăm ngàn gia đình phải đi lánh nạn. Đó là chưa kể tới 500.000 dân thường Mali, Sudan và Congo tại các trại tị nạn ở châu Phi, và hàng triệu người tị nạn Afghnistan, Somalia và Kenya ở Ethiopia.

Tình hình ngày càng trở nên càng tồi tệ. Nếu vào năm 2012, "chỉ có" 320.000 người Syria phải từ bỏ đất nước thì tới năm 2016, con số này là đã lên tới 5 triệu người.

Do chính phủ các nước không hỗ trợ đủ nhiều cho công tác trợ giúp nhân đạo tại các nơi có khủng hoảng, nên châu Âu đã phải trả giá đắt. Di dân tại các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon đã vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu tìm tương lai. Thiên đường mơ ước của di dân là Đức : bất chấp nguy hiểm, gần 1 triệu người đã tới Hy Lạp, rồi theo con đường Balkan tràn vào Đức.

"Cảnh khổ" của đại sứ Bắc Triều Tiên

Thae Yong-Ho, người đã từng là phó đại sứ Bắc Triều Tiên tại Anh Quốc và đã bỏ trốn từ Luân Đôn sang Hàn Quốc, lần đầu tiên phát biểu công khai vào ngày 27/12/2016. Nhờ đó, công chúng mới biết thông tin về cuộc sống của các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên ở nước ngoài.

Trong thời gian làm việc ở Luân Đôn, nhờ đặc quyền được kết nối mạng Internet mà hàng ngày ông Thae Yong-Ho truy cập vào trang mạng của hãng tin Yonhap của Hàn Quốc và đọc được tất cả các thông tin vốn bị Bình Nhưỡng cấm đọc. Nhờ thế mà người luôn buộc phải tìm cách bảo vệ Bình Nhưỡng trước các chỉ trích hiểu ra rằng "chế độ Bắc Triều Tiên không có tương lai" và quyết định bỏ trốn vào tháng 07/2016.

Sau khi phó đại sứ Thae Yong-Ho bỏ trốn, Bình Nhưỡng đã gọi ông là "kẻ hư hỏng, bại hoại", cáo buộc ông ăn cắp tiền công quỹ, bán các bí mật Nhà nước và tấn công tình dục trẻ vị thành niên. Thae Yong-Ho là nhà ngoại giao cao cấp nhất đào ngũ từ sau vụ đại sứ Bắc Triều Tiên ở Ai cập bỏ trốn sang Mỹ năm 1997.

Trong bài viết "Cảnh sống khổ cực 1000 đô la/tháng của các đại sứ Bắc Triều Tiên", Le Monde trích lời kể của ông Thae Yong-Ho cho biết các nhà ngoại giao và gia đình họ phải sống chung thành nhóm để kiểm soát lẫn nhau.

Một đại sứ Bắc Triều Tiên ở nước ngoài được hưởng lương 900-1100 đô la/tháng (850-1050 euro), tùy theo từng nước. Một phó đại sứ như ông đã từng làm thì chỉ được 700-800 đô la/tháng, một mức lương thấp tới mức khó tin ở một thành phố đắt đỏ như Luân Đôn. Và tất cả các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên ở nước ngoài đều phải tìm đủ mọi cách để "cải thiện thu nhập", đặc biệt có một số nhà ngoại giao đi buôn lậu rượu.

Trang nhất các báo Pháp

Về thời sự quốc tế, nhật báo Le Monde chạy tít lớn "Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng xoáy bạo lực". Tờ báo nhận định, vụ một tay súng giết chết 39 người ngay trong đêm giao thừa tại một hộp đêm ở Istanbul là một bằng chứng mới cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chìm đắm trong một làn sóng khủng bố đẫm máu kéo dài suốt một năm nay.

Trên lĩnh vực kinh tế, nhật báo La Croix chạy tít "Đồng euro, mới thế mà đã được 15 năm". Còn nhật báo kinh tế Les Echos lại quan tâm tới thị trường chứng khoán và dự báo thị trường chứng khoán thế giới sẽ được thổi một "làn gió" lạc quan, đồng euro sẽ tìm lại được thế cân bằng với đồng đô la, nhưng mức nợ công tăng cao ở Trung Quốc và các nguy cơ chính trị sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sàn chứng khoán.

Liên quan tới thời sự nước Pháp, nhật báo Libération kêu gọi : "Bầu cử tổng thống : Các ứng viên, hãy thức dậy đi !". Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống tới đây, Libération sẽ dành nhiều cột báo cho các nhà trí thức, giới văn nghệ sĩ hay đại diện cho xã hội dân sự … phát biểu ý kiến. Libération gọi họ là những người "khuấy động quần chúng" và cho rằng họ có thể mang lại một cái nhìn khác về chính trị và sức mạnh của lá phiếu cử tri.

Thùy Dương

Published in Quốc tế