Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Những lo âu về nhiệm kỳ 2 đầy thách thức với tổng thống Pháp

Ứng cử viên – tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron được cử tri Pháp lựa chọn trong vòng hai cuộc bỏ phiếu hôm 24/04/2022. Emmanuel Macron chiến thắng, nhưng thắng lợi của ông dựa trên lá phiếu của nhiều người bất bình với ông; Marine Le Pen thất bại, nhưng chính trị gia cực hữu đạt số phiếu kỷ lục ; những thách thức to lớn chờ đợi tổng thống tái đắc cử. Trên đây là các chủ đề lớn của báo chí Pháp hôm nay.

mandat1

Tổng thống tái đắc cử Emmanuel Macron cần giới trẻ để thành công trong nhiệm kỳ 2. Ảnh minh họa : Học sinh chặn lối vào trường trung học Louis-le-Grand yêu cầu ''Công bằng xã hội, Công lý sinh thái'', Paris, Pháp, ngày 19/04/2022. Reuters – S arah Meyssonnier

"Vinh quang lớn, thách thức lớn" tựa trang nhất Le Figaro. "Mọi thứ còn trước mắt" là tựa chính của La Croix. Les Echos ghi nhận : "Một sự khởi đầu mới". Le Monde số đặc biệt về ngày bầu cử chạy tựa "Emmanuel tái đắc cử tổng thống. Cực hữu đạt mức ủng hộ chưa từng có".

Hàng tựa và hình ảnh trang nhất của Libération nêu bật tính chất mong manh của chiến thắng của Emmanuel Macron : Hàng tựa "Macron tái đắc cử. Cần cảm ơn ai đây ?" chạy theo chiều dọc, chiếm phân nửa trang báo. Phông nền đen xám không hề có một bóng người. Phần trên gương mặt tổng thống tái đắc cử nhô lên dưới đáy trang.

Cảm giác "nhẹ nhõm vô bờ"

Bình luận về chiến thắng của ông Macron, nhật báo kinh tế Les Echos có bài xã luận "Bầu tổng thống : sự chọn lựa khôn ngoan". Les Echos trước hết hân hoan với thắng lợi của ông Macron, cho dù các thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy khoảng cách giữa hai ứng viên đủ lớn để tổng thống mãn nhiệm tái cử. "Nhẹ nhõm vô bờ" bởi nước Pháp đã bước đến sát "bờ vực thẳm" khi thiếu chút nữa điều tồi tệ có thể đã xẩy ra.

Les Echos vui mừng với "Cảm giác nhẹ nhõm vô bờ" khi chúng ta tự nhủ rằng, "vào thời điểm quyết định, đã có một sự bứt phá thực sự" ở những người do dự, như vậy rõ ràng trong xã hội Pháp vẫn còn tồn tại "những kháng thể của giống loài, trong những nền dân chủ kỳ cựu, bảo vệ chúng ta chống lại những loài virus độc hại".

"Lựa chọn khôn ngoan" của cử tri và phẩm chất "táo bạo" của tổng thống

Les Echos nhấn mạnh : "Sự lựa chọn khôn ngoan" của cử tri Pháp trước hết dựa vào "khối cử tri vững chắc" ủng hộ tổng thống mãn nhiệm. Tuy nhiên, như thế hoàn toàn không đủ. Ông Macron đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều cử tri, tuy không ủng hộ cương lĩnh tranh cử của ông, nhưng đã bầu cho ông - kể cả những người chán ghét ông - chỉ cốt để ngăn chặn phe cực hữu.

Nhật báo kinh tế Pháp nhấn mạnh đến phẩm chất "táo bạo" của vị tổng thống tái đắc cử, để giải thích lý do khiến đông đảo cử tri đã chọn ông, để tiếp tục đối mặt với tương lai đầy bất trắc. Ai có thể làm tốt hơn được Macron, từ khủng hoảng "Áo Vàng", rồi Covid… ? Tuy nhiên các thách thức của nhiệm kỳ hai là ghê gớm, từ nợ công chồng chất, giáo dục tụt dốc, công nghiệp suy yếu, chuyển đổi sinh thái, tái vũ trang Châu Âu… Trong hoàn cảnh mới, Les Echos nhấn mạnh : tổng thống tái đắc cử phải "đoàn kết được một đất nước bị chia rẽ cao độ, nhưng đồng thời cũng cần tiếp tục sự "táo bạo", đã khiến một bộ phận khá đông đảo cử tri tin tưởng ở ông.

Cảnh giác với "ảo giác nhẹ nhõm"

Nhật báo La Croix, trong bài xã luận ngắn mang tựa đề "Một chiến thắng và một lời cảnh báo", chỉ trích "ảo giác" của tâm trạng thở phào nhẹ nhõm, sau thắng lợi trước ứng viên cực hữu với khoảng cách đến hơn 15 điểm. Nhật báo công giáo nhấn mạnh là không được để chiến thắng hôm qua - "vốn là một tin tức tốt lành với những người gắn bó với nền dân chủ, tại Pháp và Châu Âu" - che lấp đi một thực tế. Đó là lực lượng cực hữu chưa bao giờ có được sự ủng hộ đông đảo cử tri đến như vậy trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa. Đây chính là "một lời cảnh báo" đối với tất cả những ai theo tư tưởng Cộng Hòa, trước hết là ông Macron, người cách nay 5 năm khi đắc cử lần đầu, đã từng "cam kết làm mọi cách để cử tri Pháp không có lý do gì bầu cho các thế lực cực hữu".

Thoát "lời nguyền" Đệ Ngũ Cộng Hòa, nhưng thiếu ủng hộ rộng lớn của cử tri

Theo La Croix, tuy ông Macron đã thành công trong việc thoát khỏi "lời nguyền bị lật đổ" thời Đệ Ngũ Cộng Hòa, khi tất cả các tổng thống nào nắm trọn vẹn quyền lực một nhiệm kỳ đều bị cử tri Pháp lật đổ sau đó (trừ Charles de Gaulle), nhưng ứng cử viên tái tranh cử đã không thu hút được "sự ủng hộ nhiệt thành" của đông đảo cử tri. Trong các cử tri đã bỏ phiếu cho Macron trong vòng hai, có nhiều người "giận dữ" với ông, "thất vọng" với ông.

Không nên ảo tưởng là thông điệp chính của La Croix. Trái ngược với Les Echos, nhật báo công giáo La Croix cho rằng sẽ là ảo tưởng khi đặt toàn bộ "những thách thức khổng lồ về xã hội, kinh tế, thể chế" của nước Pháp lên vai "một con người duy nhất". Nhật báo La Croix khép lại với nhận định, viễn cảnh cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6 tới sẽ có ý nghĩa quan trọng.

Tổng thống Macron – vốn bị trách cứ nhiều về phong cách "thực thi quyền lực một cách đơn độc", sau cuộc bầu cử này ắt hẳn trong mọi trường hợp sẽ phải hợp tác nhiều hơn với Quốc hội mới. Chế độ tổng thống của nước Pháp "đã bộc lộ những giới hạn", và "nền dân chủ của chúng ta rơi vào tình thế cân bằng mong manh hơn bao giờ hết".

Bức tượng hoa cương trên bệ đỡ bằng "đất sét

Về thắng lợi và thách thức với ông Macron, nhật báo thiên hữu Le Figaro một bài xã luận dài. Bài "Cần hành động ngay từ bây giờ" cũng nhấn mạnh đến tính chất mong manh của nhiệm kỳ tới với tổng thống tái cử Macron. Le Figaro ví chiến thắng vang dội với nhiều kỷ lục, khiến ông Macron đi vào lịch sử, như "một bức tượng bằng đá hoa cương", và tình trạng mong manh của nhiệm kỳ thứ hai với "một bệ đỡ bằng đất sét".

Vì sao khả năng thực thi các mục tiêu của tổng thống - người vừa được cử tri Pháp bỏ phiếu đông đảo - lại mong manh đến vậy ? Bài xã luận của Le Figaro vạch rõ : bất chấp những sự ủng hộ liên tục mà nhiều chính trị gia được coi là hàng đầu của nước Pháp dành cho ông Macron, tổng thống tái đắc cử và đảng Cộng Hòa Tiến Bước của ông khó lòng có được sự ủng hộ của đông đảo cử tri để giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội tới.

"Khối cử tri trung tâm" ủng hộ Macron : "Pháo đài bị vây hãm"

Nhật báo thiên hữu nhấn mạnh đến tình thế nguy hiểm đe dọa khối cử tri nằm ở giữa trong bàn cờ chính trị Pháp, mà ông Macron đã dựa vào để tái đắc cử. Nước Pháp dưới thời Macron đang trở nên phân hóa sâu sắc, khoảng cách gia tăng mạnh giữa người nghèo và người giàu, giữa người nhiều bằng cấp và người không, giữa thế hệ sinh ra trước những năm 70 và lớp trẻ. "Nước Pháp của Macron", gồm chủ yếu là tầng lớp khá giả, sống ở đô thị, có bằng cấp, tuổi khá cao…, đang phải đối mặt với các tầng lớp xã hội thuộc về các thái cực, hoặc cực hữu hoặc cực tả.

Theo Le Figaro, sự chiến thắng của các lực lượng chính trị đại diện cho khối cử tri nằm ở giữa trong bàn cờ chính trị Pháp, hay "khối cử tri trung tâm" trong thời đệ ngũ cộng hòa sở dĩ có được là nhờ sự tách biệt hoàn toàn giữa hai khối cử tri ở hai cực, cực tả và cực hữu, không thể dung hòa. Tình hình hiện tại là khác hẳn.

Le Figaro đưa ra hình ảnh "pháo đài bị vây hãm" để nói về khối cử tri trung tâm. Việc các đảng phái tả và hữu, các tổ chức nghiệp đoàn bị suy yếu mạnh, hay nát vụn, theo diễn đạt của Le Figaro, làm giảm khả năng "giải quyết các tranh chấp bằng con đường dân chủ". Le Figaro nhấn mạnh đến việc : gần 6 phần 10 cử tri Pháp bỏ phiếu cho các đảng phái bị đánh giá là cực đoan, mỵ dân, chống hệ thống hay phản kháng.

Macron sẽ kết thúc nhiệm kỳ 2 trong "tan rã và hỗn loạn", nếu…

Theo Le Figaro, những bất bình, phẫn nộ của các cử tri không phân biệt cực tả cực hữu tập hợp lại sẽ là một hiểm họa lớn, sự giận dữ của đông đảo dân chúng có thể dẫn đến những con đường biểu đạt ít mang tính hòa bình. Trước tình hình nghiêm trọng hiện nay, nhật báo thiên hữu kêu gọi tổng thống tái đắc cử tiếp tục các dự án cải cách táo bạo, về cải cách hưu trí, và đặc biệt là các nỗ lực siết chặt chi tiêu. Le Figaro chỉ trích thẳng thừng các hứa hẹn chi tiêu quy mô lớn, mà ứng cử viên tổng thống mãn nhiệm đưa ra ồ ạt trong hai tuần qua, để quyến rũ khối cử tri vốn bầu cho ứng cử viên cực tả Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise), Jean-Luc Mélenchon.

Một trong những lo ngại hàng đầu của Le Figaro là tổng thống tái đắc cử sẽ bảo vệ một "đồng thuận trong xã hội" với cái giá phải trả là "sự bất động". Nhật báo thiên hữu nhắc lại các bài học thất bại của cả ba tổng thống tái cử dưới thời Đệ Ngũ Cộng hòa Pháp (từ Charles de Gaulle, đến François Mitterrand và Jacquec Chirac). Đó là cả ba nhiệm kỳ thứ hai đều "kết thúc một cách tồi tệ". Le Figaro cảnh báo : "nếu tổng thống tái cử Macron chọn con đường giữ nguyên trạng và mập mờ, có nhiều khả năng là nhiệm kỳ 5 năm thứ hai của Macron – vốn đã bắt đầu với những tín hiệu đáng lo ngại về dân chủ - sẽ kết thúc trong sự tan rã và hỗn loạn".

Thể chế dân chủ kiểu cũ "mong manh", không thể đặt toàn bộ trọng trách lên vai Macron

Tương tự như Le Figaro, nhật báo thiên tả Libération dành một bài xã luận dài cho sự kiện Macron tái đắc cử. Bài "Macron tái đắc cử : một đất nước bị chia rẽ, trong lúc điều căn bản được bảo vệ" Libération, cũng giống như các phương tiện truyền thông Pháp không cùng xu thế chính trị, ghi nhận mức độ ủng hộ kỷ lục của cử tri đối với ứng cử viên cực hữu : 41,46 % phiếu bầu cho bà Marine Le Pen. Đây là "thách thức ghê gớm" đang chờ đợi tổng thống Macron.

Thách thức với hiện tại và tương lai sắp tới, nhưng Libération cũng muốn chỉ rõ trách nhiệm quá khứ của tổng thống Macron. Trong nhiệm kỳ 5 năm qua, tổng thống Macron đã không tấn công vào "những cội rễ" của "tình trạng khó ở của nước Pháp", như ông đã hứa hẹn. Khoảng cách giữa tầng lớp khá giả và tầng lớp khó khăn đã gia tăng hơn. Tuy nhiên theo Libération, cũng giống như La Croix, trách nhiệm này cũng không thể đặt lên chỉ một con người duy nhất, dù là tổng thống, tuy ông hiển nhiên là người có trách nhiệm đầu tiên.

Vấn đề hàng đầu với tổng thống tái cử, theo Libération, là "dân chủ". Tỉ lệ vắng mặt trong bầu cử ở mức kỷ lục là dấu hiệu cho thấy "sự mong manh của thể chế dân chủ kiểu cũ". Cuộc khủng hoảng Áo Vàng, hay phong trào chống vac-xin tại Pháp là các biểu hiện cụ thể. Và đây không chỉ là vấn đề riêng của nước Pháp. Nhưng Libération cũng chỉ rõ trách nhiệm của ông Macron, với tư cách tổng thống nhiệm kỳ vừa qua, đã làm suy yếu thể chế dân chủ tại Pháp. Ví dụ như với việc thực thi quyền lực áp đặt từ trên xuống, việc thiếu coi trọng các tổ chức xã hội trung gian (như nghiệp đoàn, hiệp hội...), coi thường Quốc hội, sáng kiến Hội nghị Công dân vì Khí hậu (Convention Citoyen pour le Climat) được lập ra về cơ bản mang tính tuyên truyền hơn là tạo ra một hơi thở mới….

Dân chủ, công bằng xã hội, sinh thái : Macron cần "ưu tiên tuyệt đối" giới trẻ

Cùng với thách thức về "đổi mới dân chủ", theo Libération, hai mảng khẩn cấp khác đối với tổng thống tái đắc cử là xã hội và khí hậu. Về xã hội, ông Macron sẽ phải có các biện pháp để thuyết phục được người dân rằng ông không phải là "tổng thống của người giàu". Về khí hậu, Macron phải có những hành động để biến các hứa hẹn "về một nước Pháp, quốc gia lớn về sinh thái", trở thành hiện thực. 

Khó khăn lớn với tổng thống tái đắc cử là "nối kết được tính khẩn cấp của các vấn đề xã hội hiện tại với đòi hỏi phải tìm ra hướng đi cho tương lai". Theo Libération, "thách thức khí hậu là dịp để đưa toàn thể đất nước hướng tới một thế giới khác, hướng đến các phương thức sản xuất, tiêu thụ, lối sống phù hợp với thách thức khí hậu"

Libération nhấn mạnh, trên lộ trình này, giới trẻ chính là đối tượng trung tâm, mà tổng thống tái đắc cử, cần dành "ưu tiên tuyệt đối". Libération ủng hộ cuộc cải cách chế độ hưu trí mà tổng thống Macron coi là phần cốt lõi trong cương lĩnh của ông, nhưng nhấn mạnh là nhất thiết phải đặt giới trẻ vào trung tâm nhiệm kỳ 5 năm tới. Macron vốn được coi là đắc cử chủ yếu nhờ lá phiếu của người cao tuổi, cần thực sự coi trọng giới trẻ. Bởi đây chính là nhóm xã hội hóa thân rõ rệt nhất cho cả ba thách thức nói trên: thách thức đổi mới dân chủ, thách thức về công bằng xã hội, và thách thức khí hậu - môi trường.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Pháp – Nga : Vì sao Macron muốn cải thiện quan hệ với Putin ?

Từ nghi ngờ đến thiết lập quan hệ tin cậy, Pháp-Nga nối lại đối thoại trong bối cảnh Moskva và Kiev trao đổi tù nhân, những nguyên nhân thúc đẩy tổng thống Pháp chuyển trục thân Nga là chủ đề chính trên báo Paris ngày 09/09/2019.

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khéo léo tiếp nguyên thủ Nga Vladimir Putin, tại nhà nghỉ ở Brégançon, trước thượng đỉnh G7. Gerard Julien/Pool via Reuters

Pháp-Nga : Paris "xoay trục" để làm gì ?

Vì sao Emmanuel Macron muốn hữu hảo với Nga ? Bằng cách nào và sẽ đi đến đâu ? Sự kiện ngoại trưởng Jean Yves Le Drian và bộ trưởng Quân lực Florence Parly sang Moskva để vực dậy đối thoại 2+2 bị gián đoạn từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào mùa xuân 2014 xác nhận quan hệ ngoại giao Pháp-Nga được sưởi ấm.

Từ khi nhậm chức vào tháng 5/2017, tổng thống Macron không che giấu ý định kéo Nga trở lại sân khấu Châu Âu, nhưng vì lý do gì ? Le Monde tìm câu trả lời từ hai nhân vật cánh tả.

Cựu bộ trưởng Quốc phòng Jean-Pierre Chevènement : Nước Pháp không thể làm con tin của ngoại giao Hoa Kỳ và các nước Đông Âu thù ghét nước Nga. Nhưng lý do sâu xa nhất thúc đẩy tổng thống Macron phải đổi thái độ với Nga là mục tiêu chiến lược độc lập lâu dài, sáng kiến của cựu ngoại trưởng Hubert Vedrine mà chủ nhân Điện Elysée tâm đắc : cho dù Donald Trump tái đắc cử hay một tổng thống mới là người của đảng Dân chủ, Hoa Kỳ không thể xem thường quyền lợi địa chiến lược của Châu Âu mà nước Nga là Châu Âu. Tổng thống Macron đã có lý khi hành động không chậm trễ. Không để cho Nga ngả theo Trung Quốc là một tính toán chính trị lạnh lùng, thực dụng chứ không phải là một quyết định vì ý thức hệ.

Hy vọng rồi thất vọng ?

Nhìn từ Paris, Le Figaro chia sẻ phân tích của Le Monde nhưng kết luận một cách thận trọng : Coi chừng kết quả vẫn như cũ, hy vọng rồi thất vọng.

Nhật báo thiên hữu nhắc lại mối quan hệ thăng trầm giữa tổng thống Pháp Macron lúc mới đắc cử đối với tổng thống Nga Putin trong hơn hai năm qua. Làm sao có thể tin cậy vào chủ nhân điện Kremlin, kẻ đã đặt cược vào lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen và tung đội quân dư luận viên tấn công vào ứng cử viên Emmanuel Macron. Nhưng từ đó đến nay, tình thế đổi khác. Rất nhiều lý do để thúc đẩy tổng thống Pháp đổi hướng.

Trước hết là do tính người. Emanuel Macron thích ngoại giao, thực dụng và không câu nệ ý thức hệ. Thứ hai là tình hình nghiêm trọng của thế giới. Để hiểu tầm mức quan trọng của quan hệ Pháp-Nga phải biết rõ chính sách đối ngoại toàn cầu của Pháp. Cơ chế đa phương giải quyết khủng hoảng quốc tế đang bị sói mòn vì chủ trương đơn phương của Mỹ. Nước Pháp muốn góp phần xây dựng một trật tự thế giới mới. Nga trở thành một đối tác không thể thiếu trên các hồ sơ nóng từ Syria, Iran cho đến Ukraine.

Thứ ba là yếu tố thiên thời. Cùng một lúc, nước Đức bước vào giai đoạn chuyển đổi thế hệ lãnh đạo, nước Anh tê liệt vì Brexit, chính phủ nước Ý bị khủng hoảng và Ukraine có một vị tổng thống mới Volodymyr Zelensky tạo sinh khí cho hồ sơ Ukraine. Đúng vào lúc này, ghế ngoại trưởng Đức nằm trong tay một người của đảng Dân chủ Xã hội là Heiko Mass. Ban lãnh đạo mới của đảng thiên tả Đức đã "xoay trục 180°" nhân lúc uy tín thủ tướng Angela Merkel suy yếu. Tất các yếu tố này cho phép Emmanuel Macron xuất hiện như lãnh đạo duy nhất của Châu Âu.

Trên thực tế, con đường bình thường hóa quan hệ với Nga không thiếu các chướng ngại vật. Những lập luận của tổng thống Pháp đổ lỗi cho thái độ cứng rắn của Tây phương, là nguyên nhân làm cho nước Nga hung hăng, bị Putin coi là "yếu đuối". Một nhân vật lúc nào cũng thích dùng sức mạnh như Putin sẽ khai thác đến cùng để chia rẽ Châu Âu. Putin còn xem bàn tay thân thiện của Macron là một chiến thắng biểu tượng của Nga đối với Châu Âu.

Thế nhưng, cựu ngoại trưởng Hubert Vedrine nghĩ rằng tổng thống Macron vì bổn phận của một nhà lãnh đạo và vì quyền lợi quốc gia nên tìm cách (đưa Châu Âu và Nga) ra khỏi cuộc "chiến tranh giằng co" vô bổ.

Le Figaro cảnh báo : Tương lai gần sẽ cho biết kết quả tương xứng đến đâu so với nỗ lực đầu tư. Hoặc là, cũng như các cố gắng trước đây, chiếc xe hòa giải với Moskva sẽ lao đầu vào bức tường đá ở quảng trường Đỏ.

Không ngây thơ

Phản ảnh tâm trạng dè dặt của công luận Tây phương về sáng kiến đơn phương của tổng thống Pháp, Le Monde đặt thẳng câu hỏi với bộ trưởng Quân lực Florence Parly.

Phải chăng Crimea sẽ là vật trao đổi trong đối thoại 2+2 Pháp-Nga ? Bà Parly giải thích : nếu chỉ có Crimea thì đối thoại Pháp-Nga sẽ "ngắn ngủn". Quan hệ hai nước được đặt trong bối cảnh toàn diện liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện nay kể cả tên lửa hạt nhân. Nhưng nếu khủng hoảng ở Ukraine và Crimea không được giải quyết thì tất cả các hồ sơ khác đều bị tắc nghẽn. Nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Nga, theo bộ trưởng bộ Quân lực Pháp xuất phát từ một nhu cầu chính đáng : an ninh của người dân Pháp và ổn định ở Châu Âu. Do vậy, không có chuyện "thân thiện vô điều kiện" và Pháp sẽ không ngây thơ, bộ trưởng Florence Parly khẳng định.

Cũng về Ukraine, bình luận về cuộc trao đổi tù nhân giữa Moskva và Kiev, Libération lạc quan thận trọng : hai bên đã chọn trao trả những tù nhân nổi tiếng, một bước nhượng bộ báo hiệu triển vọng hòa bình cho dù còn khá viển vông. Nhật báo công giáo La Croix đồng điệu qua bài xã luận "Người đổi người" : Không khác thông lệ, cuộc trao đổi tù nhân này mang ý nghĩa mậu dịch đầy thâm hiểm và gần như không có tác dụng chính trị. Đành rằng chúng ta vui mừng vì nhiều người được đoàn tụ với gia đình nhưng hầu hết đó là những tù nhân chính kiến bị Nga bắt một cách tùy tiện. Vui vì đây là một thành công của tổng thống Zelensky nhưng còn quá sớm để có thể gọi đây là một bước cho phép tìm một giải pháp cho cuộc chiến giữa Kiev và phe nổi dậy ở Donbass do Nga hậu thuẫn.

La Croix nhấn mạnh là trong chiều hướng này, hai bộ trưởng Pháp đi dự cuộc họp 2+2 tại Moskva để bàn đến các hồ sơ phức tạp từ Ukraine, Syria, Iran hay Trung Phi sẽ "không ngây thơ", theo tuyên bố của bộ trưởng bộ Quân lực. Vấn đề là Paris có lá bài nào trong tay ?

Nhật báo công giáo lo ngại : sáng kiến đối thoại với Nga là do tổng thống Macron thúc đẩy. Mà tổng thống Pháp làm như thế là vì không muốn Nga ngả theo Trung Quốc và muốn xây dựng một Châu Âu theo mô hình "nhân bản". Thế mà, cuộc bầu cử tại Nga hôm 08/09/2019 hoàn toàn phi dân chủ, cho thấy lòng can đảm đánh cược với rủi ro của tổng thống Pháp mâu thuẫn với ước mơ một Châu Âu đầy tình người.

Afghanistan : giờ chót hủy hẹn

Sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump vào giờ chót hủy bỏ đàm phán với Taliban cũng là một đề tài được báo Pháp bình luận rộng rãi và gọi đây là một chiến thuật treo giá trong thương mại. Cụ thể ra sao ?

Theo Le Figaro, có thể giải thích quyết định của tổng thống Donald Trump. Thứ nhất là như tuyên bố của chủ nhân Nhà Trắng : Taliban muốn đàm phán trong thế thượng phong nên tấn công Kabul, giết binh sĩ của Mỹ. Với những kẻ chỉ biết chém giết để đàm phán ở thế mạnh, không chấp nhận được một cuộc hưu chiến trong lúc thương lượng thì làm sao tin họ đàm phán nghiêm túc.

Lẽ ra, ngày 08/09, tổng thống Mỹ sẽ có hai cuộc họp quan trọng : một là với đại diện Taliban, giáo sĩ Abdul Ghani Baradar và thứ hai là với tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani để thuyết phục hai bên trực tiếp gặp nhau. Tổng thống Donald Trump có thế tự nhận công lao thúc đẩy cho hai phe Afghanistan hòa đàm.

Điểm hẹn tại Camp David được tổ chức vào thời điểm nhạy cảm : Hoa Kỳ sắp tưởng niệm nạn nhân vụ không tặc Al Qaeda tấn công tòa tháp đôi ngày 11/09/2001. Thủ phạm là Al Qaeda lúc đó được chính quyền Taliban chứa chấp.

Quyết định đình chỉ đàm phán có thể để che đậy một thất bại vào giờ chót. Laurel Miller, chuyên gia của nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế International Crisis Group với La Croix đặt câu hỏi : Taliban khủng bố liên tục chứ đâu phải chỉ có vụ xe gài chất nổ hôm 05/09 đâu ? Rất có thể, quyết định này cũng chỉ là chiến thuật đàm phán mặc cả của Donald Trump bởi vì Taliban không chấp thuận yêu sách của Mỹ để lại một lực lượng chống khủng bố nên ông mới đặt điều kiện "Taliban phải thay đổi thái độ" thì sẽ mở lại hòa đàm.

ASEAN mượn oai Mỹ

Cuộc tập trận Mỹ-ASEAN đã kết thúc. Một năm sau khi tập trận với Trung Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thao dợt với Hoa Kỳ tại Biển Đông. Tín hiệu mang ý nghĩa gì ?

Trong bài "Đối mặt với Trung Quốc, cuộc tập trận lần đầu tiên của Mỹ và ASEAN", Le Monde cho là các nước Đông Nam Á mượn oai nước Mỹ để bắn tín hiệu với Bắc Kinh theo kiểu "chúng tôi là người nói tiếng nói sau cùng" đừng có dọa. Tập trận chung với Hoa Kỳ cho phép ASEAN khẳng định họ có khả năng tăng cường quan hệ quân sự với Washington cũng vừa có thể duy trì quan hệ quân sự với Bắc Kinh. Như South China Morning Post nhận định cuộc tập trận chung này, tuy có tính biểu tượng, nhưng cũng cho thấy chiến lược Ấn Độ- Thái Bình Dương của Mỹ là có ít nhiều thực chất.

Tại Đông Nam Á, có một tiểu quốc sắp kỷ niệm 20 năm ngày thoát ách cai trị của Indonesia : Đông Timor, nền dân chủ hiếm hoi trong khu vực. Đứng trước các cường quốc chung quanh : Sau Indonesia và Úc, giờ đây Trung Quốc ngắm nghé tài nguyên dầu khí, Đông Timor phải làm gì ?

Le Monde trích một tuyên bố của cựu tổng thống Ramos Horta : Đông Timor phải tăng cường hợp tác với hai anh khổng lồ Úc và Indonesia. Hợp tác quân sự và an ninh với Úc để được bảo vệ vì ổn định của Đông Timor cũng liên quan đến ổn định của Úc. Cũng phải duy trì quan hệ tốt với Indonesia cũng là cách để Đông Timor được an ninh.

Còn Trung Quốc ? Theo cựu tổng thống Ramos Horta, Bắc Kinh là một cơ hội chứ không phải mà mối đe dọa. Nhà tranh đấu bất bạo động chống chính sách thực dân của Indonesia cho rằng Đông Timor không sợ bị rơi vào "bẫy nợ" Trung Quốc như nhiều người cảnh báo.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Pháp : Macron tiến về thuế, lùi về môi trường

Thời sự Pháp với hai quyết định đối nội được đánh giá là quan trọng của tổng thống Macron hôm qua dĩ nhiên là đề tài chính được báo giới Pháp ra ngày 05/08/2018 phân tích và bình luận rộng rãi. Đó là bật đèn xanh cho biện pháp khấu trừ tiền thuế ngay trên tiền lương hàng tháng, và đưa đương kim chủ tịch Quốc hội qua làm bộ trưởng bộ Chuyển Đổi Sinh Thái, thay thế ông Nicolas Hulot vừa từ chức.

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp chính phủ ngày 05/09/2018. LUDOVIC MARIN/ AFP

Trên hồ sơ này có lẽ nhật báo thiên tả Libération là tờ đã tóm lược đầy đủ và ngắn gọn nhất toàn cảnh với tựa lớn trang nhất : "Thuế và cải tổ nội các : Một bước tiến và một bước lùi".

Libération giải thích : "Tổng thống Macron đã gỡ được thể diện khi duy trì chủ trương thu thuế tận gốc, nhưng việc bổ nhiệm ông De Rugy (nguyên chủ tịch Quốc hội) dự báo cho việc hạ thấp cao vọng về mặt sinh thái". Xã luận của tờ báo thiên tả với tựa ngắn gọn : "Yên ổn - Confort", cho rằng tổng thống Pháp đã tránh được một thảm họa chính trị với hai quyết định vào hôm qua.

Theo Libération, đèn xanh cho việc thu thuế tận gốc phù hợp hơn với đường lối cải cách mà ông Macron chủ trương, trái hẳn với thái độ dè dặt mà ông đã thể hiện trong những ngày trước đó. Đối với tờ báo, bản thân cải cách này không có gì là cơ bản, người nộp sẽ phải trả thuế chẳng khác gì trước đây, chỉ khác là nhịp độ trả thuế có thay đổi, sắp tới đây sẽ là hàng tháng. Tuy nhiên, giả dụ là ông Macron đẩy lùi một kế hoạch đã được bộ Kinh Tế chuẩn bị từ lâu, điều đó sẽ tạo ra hình ảnh của một chính phủ "nhát gan", thiếu quyết tâm thay đổi và sẵn sàng lùi bước trước bầu cử để khỏi mất lòng cử tri.

Tóm lại, việc thúc đẩy biện pháp cải cách phương thức thu thuế là một quyết định đúng đắn, miễn cho người nộp thuế phải nhức đầu để dành tiền để trả thuế sau, theo từng kỳ.

Đánh giá của Libération về việc bổ nhiệm người chịu trách nhiệm về môi trường tuy nhiên lại nghiêm khắc hơn. Việc bổ nhiệm này chỉ nhằm tìm kiếm sự yên ổn, tránh gây xáo động, do đó đã gởi đi thông điệp là không nên mong đợi chính phủ có những quyết định táo bạo về mặt sinh thái như cựu bộ trưởng Nicolas Hulot từng mong muốn.

Theo Libération, tất cả các thành phần "hoài nghi ích lợi của việc bảo vệ sinh thái" tại Pháp đã không nhầm lẫn chút nào khi đồng thanh lên tiếng ca ngợi đức tính gọi là "thực tế" của François De Rugy, vị tân bộ trưởng môi trường, một người xuất thân từ đảng Xanh, từng cho rằng sinh thái phải quan tâm đến các giới hạn mà kinh tế đặt ra.

Đối với tờ báo, những hạn chế kinh tế là có thật, nhưng trong bối cảnh vấn đề khí hậu đã trở thành khẩn cấp, tính thực tế đúng nghĩa phải chăng là phải làm nhiều hơn cho hành tinh, thay vì làm ít đi ?

Thay vì cải tổ cách thu thuế, nên giảm thuế thì hơn

Trên cùng một sự kiện, nhật báo Le Figaro thiên hữu nhấn mạnh trên vế liên quan đến thuế trong tựa lớn trang nhất : "Thu thuế tận gốc : Rốt cuộc thì sẽ thu". Xã luận của tờ báo đã tỏ ý tiếc rằng chính phủ Pháp đã làm cho tình hình rối ren một cách vô ích : "Làm lớn chuyện chỉ vì thế thôi sao !".

Cũng như đồng nghiệp Libération, Le Figaro cho rằng chuyện thay đổi phương thức thu thuế chẳng có gì là quan trọng, thế mà chính phủ của ông Macron lại khuấy động truyền thông, trong lúc chuyện cần làm là phải ưu tiên thúc đẩy việc giảm thiểu chi tiêu công cộng.

Khi dùng lại một biện pháp được chính quyền tiền nhiệm của ông Hollande khởi sự, ông Macron đã chấp nhận một rủi ro là nếu chẳng may sự việc không suông sẻ thì ông sẽ là người duy nhất phải chịu trách nhiệm.

Đối với Le Figaro, giá mà ông Macron tập trung cho việc tìm cách giảm thuế cho dân, thay vì cải tổ cách thu thuế, thì có lẽ điều đó sẽ hữu ích hơn và có lợi hơn cho uy tín của ông.

Cải tổ thuế tốn kém gần 200 triệu euro

Le Figaro cũng nêu lên hai số liệu thú vị về biên pháp thu thuế tận gốc sắp được áp dụng. Trước hết, việc chuẩn bị và thông tin, tuyên truyền cho biện pháp này tốn kém cho ngân sách nhà nước gần 200 triệu euro, chính xác là 195 triệu, theo nữ dân biểu Cendra Motin, tác giả một bản phúc trình về biện pháp này.

Số liệu thứ hai là đã có đến 63% người được hỏi tán đồng việc thu thuế tận gốc, căn cứ theo một cuộc điều tra dư luận của hãng Odoxa vừa được công bố. Tỉ lệ đồng ý cao này có lẽ đã góp phần thúc đẩy tổng thống Pháp bật đèn xanh cho việc áp dụng chủ trương đó.

Miến Điện : Uy tín quốc tế của Aung San Suu Kyi sụp đổ hoàn toàn

Thời sự Châu Á bị đẩy lùi xuống hàng thứ yếu, nhưng rất đáng chú ý có lẽ là bài phân tích trên nhật báo công giáo La Croix : "Huyền thoại Aung San Suu Kyi sụp đổ".

Đối với Dorian Malovic, phóng viên báo La Croix, vốn đã bị sứt mẻ nghiêm trọng vì thái độ bênh vực chiến dịch thanh lọc người Rohingya do quân đội Miến Điện tiến hành, sự im lặng của bà Aung San Suu Kyi sau bản án 7 năm tù đối với hai nhà báo người Miến Điện của hãng tin Reuters, lại càng phá thêm uy tín ở nước ngoài của nhân vật ly khai được tôn trọng trước đây.

Khi lên cầm quyền ở Miến Điện cách nay hai năm, giải Nobel Hòa bình 1991 đã từng được đón mừng như người khai mở "một thời đại mới cho dân chủ". Thế nhưng, từ đó đến nay bà đã không ngừng gây thất vọng, có thể nói là đã phản bội lại sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế.

Sau khi phủ nhận vào tuần trước những tố cáo trong bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc về vụ tàn sát người Rohingya, bà lại im tiếng cho đến nay sau vụ kết án hai nhà báo Reuters, vốn đã điều tra về những vụ thảm sát người Rohingya do quân đội tiến hành.

Vào tuần qua, cựu Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra’ad Al-Hussein đã không ngần ngại gọi bà là "phát ngôn viên của quân đội Miến Điện". Bà Michelle Bachelet, người lên thay thế ông Al-Hussein, đã kêu gọi trả "tự do ngay và vô điều kiện" cho hai nhà báo Reuters.

Maung Zarni, một nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và đấu tranh cho người Rohingya, còn tiết lộ rằng bà Aung San Suu Kyi đã không hề im tiếng về trường hợp hai nhà báo : Khi trả lời một kênh truyền hình Nhật Bản, bà gọi hai người này là những kẻ phản bội.

Nhà ly khai trước đây đã từng bị quản thúc nhiều năm dài thời chế độ quân phiệt, từng kêu gọi tự do ngôn luận và dân chủ, gần đây còn được ví với đức Đạt Lai Lạt Ma, Nelson Mandela hay Martin Luther King. Nhưng bây giờ thì bà bảo vệ chiến dịch tuyên truyền của quân đội và tố cáo "tảng băng sơn về tin thất thiệt" của truyền thông phương Tây đã từng bảo vệ bà một cách mạnh mẽ trước đây khi tố cáo chế độ quân phiệt Miến Điện.

Theo Maung Zarni, "Hiện cũng có một thành phần đối lập nhỏ chống bà Aung San Suu Kyi ở Miến Điện, nhưng tư tưởng phong kiến Miến Điện ngăn cản mọi sự chống đối thực sự nhắm vào quân đội cũng như bà, người vẫn còn được xem là Quốc Mẫu".

Nhưng ở nước ngoài thì huyền thoại Aung San Suu Kyi đã sụp đổ.

Thảm kịch sắp xẩy ra ở Syria, phương Tây vô phương ngăn chặn

Về tình hình Syria, hầu như tất cả các báo đều lên tiếng báo động về một thảm kịch mới sắp đổ lên đầu của khoảng 2,5 triệu cư dân tại tỉnh Idlib, trong bối cảnh liên quân Nga và chế độ Damascus chuẩn bị tấn công vào cứ địa cuối cùng của phiến quân ở miền đông bắc Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhật báo La Croix đã nêu bật nỗi lo trong bài viết mang tựa đề "Vùng Idlib tại Syria, đối tượng của mọi nỗi lo ngại". Tờ báo cho rằng một cuộc tấn công vào khu vực này của lực lượng chế độ Damascus và các đồng minh của họ, chủ yếu là Nga, đã cận kề, bất chấp số phận bấp bênh của khoảng 2,5 triệu thường dân, vốn đã phải sống trong những điều kiện khắc nghiệt.

Bài xã luận của tờ báo lên tiếng báo động về một "bi kịch" sắp diễn ra, và kêu gọi quốc tế nói với Nga rằng nếu muốn hòa giải với Châu Âu và Hoa Kỳ, họ không được quyền giúp Damascus tấn công chiếm lại vùng Idlib nếu số phận các thường dân không được chú ý.

Trong bài xã luận của mình mang tựa : "Syria, Nga đối mặt với thùng thuốc súng Idlib", báo Le Monde nêu bật vai trò then chốt của Nga trong chiến dịch Idlib.

Châu Âu vẫn còn khả năng thuyết phục Nga

Theo Le Monde, một cách có hệ thống, chế độ Damascus với hậu thuẫn của hai đồng minh Nga và Iran, đã lần lượt chiếm lại tất cả các nơi kháng cự với họ ở Syria. Hiện chỉ còn sót lại Idlib, nơi gần 3 triệu thường dân sinh sống, trong đó 1 triệu là người di tản.

Cuộc tấn công vào Idlib, hồi chót của chiến dịch tái chiếm lãnh thổ này xem ra không thể tránh khỏi. Quân lính đã tập trung, thông báo rất cứng rắn, nhưng tầm quan trọng của những gì diễn ra đối với Idlib đi xa hơn là việc di dời chiến tuyến. Idlib không chỉ là biểu tượng trận đánh cuối cùng của một cuộc chiến rất tàn khốc, mà còn là cuộc khủng hoảng đầu tiên của thời hậu chiến tại Syria với Nga nắm vai trò then chốt.

Theo Le Monde, tổng thống Nga Vladimir Putin nắm chủ bài. Ông có thể cho mở một cuộc tấn công ồ ạt, hay ngược lại giới hạn cuộc tấn công của lực lượng Damascus ở ngoài rìa Idlib. Việc gây hỗn loạn ở quy mô lớn hay là tạo ra một cuộc chiến tranh cân não, hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của ông.

Châu Âu sẽ bị tác động trực tiếp nếu kịch bản hỗn loạn diễn ra ở Idlib, không tốn kém gì nhiều đối với Moskva, nhưng hậu quả nhân đạo sẽ không tránh khỏi.

Người dân Idlib sẽ tháo chạy lánh nạn. Thổ Nhĩ Kỳ đã đón 3 triệu người tị nạn Syria sẽ không kham nổi nữa. Một làn sóng di dân mới sẽ đe dọa Châu Âu trước cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu.

Ghi nhận về tình hình cũng đơn giản thôi : Mỹ rút lui, Nga làm trọng tài khu vực. Ông Putin chờ đợi Châu Âu tài trợ tái thiết một Syria kiệt quệ mà ông Bachar Al-Assad, người giết hại dân của mình, sẽ lãnh đạo. Châu Âu có đòn bẩy tài chính, nhưng phải biết sử dụng để tránh kịch bản này và đòi một sự chuyển tiếp chính trị ở Damascus.

Phe cực tả đầy tham vọng tại Đức

Tại Châu Âu, phong trào bài ngoại, chống người nhập cư tại Đức tiếp tục là mối quan ngại của báo chí Pháp, nhất là khi xu hướng này không còn là độc quyền của các thành phần cực hữu, mà đã lan sang cánh cực tả, với sự xuất hiện của phong trào Đứng Dậy (Aufstehen) do bà Sahra Wagenknecht, thủ lãnh đảng cực tả Die Linke khởi xướng.

Báo La Croix ghi nhận tham vọng của người được mệnh danh là "Mélenchon của nước Đức" này, một nữ kinh tế gia 49 tuổi, là tập hợp được toàn bộ cảnh tả Đức dưới trướng của mình.

Bản thân bà Wagenknecht cũng không che giấu việc bà đã lấy cảm hứng từ phong trào Nước Pháp Bất Khuất của ông Jean-Luc Mélenchon cũng như phong trào Podemos tại Tây Ban Nha.

Báo kinh tế Les Echos cũng chú ý đến phong trào "Đứng Dậy" của bà Wagenknecht, xác định rằng thành viên hiện tại của phong trào bao gồm những người từ đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD), đảng Xanh, và Đảng Die Linke.

Phong trào này chủ trương gây sức ép trên các đảng truyền thống để khởi động một chính sách xã hội mới. Theo Les Echos, phong trào này hiện đã có hơn 100.000 người ủng hộ… trên mạng.

Âm mưu khủng bố của một nhóm "siêu" cực hữu Pháp

Cũng về nước Pháp, trái với các đồng nghiệp báo Le MondeLa Croix không dành tựa đầu trang nhất cho chính trị, mà chú ý đến vấn đề xã hội.

Le Monde đã chạy tựa lớn : "Cuộc điều tra về dự án khủng bố của các phần tử cực hữu cực đoan (Ultradroite)". Hai tháng sau vụ câu lưu 13 người thuộc nhóm cực hữu này, báo Le Monde đã tìm hiểu thêm về những dự án khủng bố của họ.

Trong lần thẩm tra đầu tiên của ngành tư pháp, thành viên của nhóm Lực lượng Tác chiến Hành động (Action des forces opérationnelles - AFO), đã mô tả việc chuẩn bị như thế nào, xác định mục tiêu ra sao… với những vụ dự kiến là ám sát giáo sĩ Hồi giáo cực đoan, tấn công đền thờ Hồi giáo, đầu độc thực phẩm Halal bán ở siêu thị.

Những người bị truy tố không phải những kẻ đầu trọc hay là thành phần cá biệt, bị gạt ra bên lề xã hội. Tuổi từ 32 đến 69, họ là những cựu quân nhân hay cảnh sát, giáo viên, y tá... Họ khẳng định kế hoạch của họ chỉ là những ý tưởng vu vơ, chứ không hề có ý định hành động thực sự.

Công cuộc tái thiết chậm chạp trên lãnh thổ hải ngoại bị bão Irma

Báo La Croix cũng nhìn về Pháp, nhưng dành tựa trang nhất cho một vùng lãnh thổ Pháp ở hải ngoại xa xôi : "Một năm sau, công cuộc tái thiết vẫn chậm chạp tại đảo Saint Martin".

Tờ báo nhắc lại là trong đêm 05, rạng ngày 06 tháng 9 năm 2017, bão Irma đã tàn phá vùng biển Caribbean, giết chết 11 người ở Saint-Martin.

Sau cơn bão, 95% nhà cửa đã bị hư hại ở các mức độ khác nhau ở Saint-Martin và Saint-Barthélemy. Tái thiết đã bắt đầu nhưng phải đối mặt với một số vấn đề liên quan đến đặc thù địa phương. Các công trường thường bị chậm trễ, và một phần dân số vẫn sống trong những điều kiện bấp bênh.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Emmanuel Macron, tổng thống Pháp với phong cách Mỹ (RFI, 16/05/2017)

Trẻ tuổi, điềm tĩnh, thông minh…Phong cách của tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron gợi nhớ đến ông Barack Obama : tự chế một cách tối đa và đưa phu nhân lên hàng đầu. Tuy nhiên theo các chuyên gia cả Pháp lẫn Mỹ, thì sự so sánh này cũng có những hạn chế.

manu1

Tổng thống tân cử Pháp Emmanuel Macron đến Khải Hoàn Môn thắp lửa Đài chiến sĩ vô danh ở Paris, ngày 14/05/2017. REUTERS/Alain Jocard/Pool

Nếu tổng thống Mỹ có nhiếp ảnh gia Pete Souza luôn theo sát gót, thì một phóng viên ảnh khác cũng đã theo chân Emmanuel Macron suốt 10 tháng qua. Đôi chân thoải mái gác lên bàn, chăm chú nhìn vào điện thoại di động, nụ hôn với người vợ…Vài bức ảnh loại này khiến người ta liên tưởng đến các tầm hình của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama.

Những điểm giống nhau còn nhiều. Bản quốc ca "Marseillaise" được hát lên trong khi bàn tay đặt trước ngực "theo kiểu Mỹ". Hay trong một cuộc mít-tinh, Macron "tung đòn" chống lại đối thủ cực hữu Marine Le Pen : "Đừng la ó, hãy đấu với bà ta !" nhắc nhở đến câu nói của ông Obama chống lại ông Trump : "Don’t boo, vote !" ("Đừng la hét làm gì, hãy đi bỏ phiếu !"

Hồi giữa tháng Tư, nội dung một cuộc điện đàm đã được đăng lên tài khoản của Macron : cựu tổng thống Mỹ vốn được yêu thích tại Pháp, đã cổ vũ ứng cử viên trung dung. Đến trước vòng hai, ông Obama đã lên tiếng ủng hộ chính thức.

Chiến dịch tranh cử của Macron trên thực tế có vẻ lấy lại những ý tưởng của chiến dịch Obama năm 2008 : chú trọng thực địa, gõ cửa từng nhà, các nhân tố chủ chốt ở từng địa phương…

Cách đây một năm, phong trào Tiến Bước đã sử dụng dịch vụ của Liegey Muller Pons (LMP), một công ty start-up chuyên về "chiến lược tranh cử", vận dụng các dữ liệu trên mạng và công nghệ mới. Trong vòng ba tháng, đã có 300.000 hộ gia đình được thăm viếng tại các khu phố đang nhắm đến, để điều tra về các vấn đề mà người dân Pháp quan tâm.

LMP được thành lập bởi ba người Pháp vốn là tình nguyện viên trong chiến dịch tranh cử của ông Obama năm 2008 trong lúc học tập tại Hoa Kỳ. Công ty giải thích : "Họ đã trông thấy công nghệ được dùng để phân bổ, tính toán, biết được nên gõ cửa những nhà nào, nên đã nhập khẩu ý tưởng".

Vào tháng Tư, tạp chí Mỹ The Atlantic viết : "Nếu Emmanuel Macron thắng cử, phần lớn là nhờ một sự huy động người tình nguyện đông đảo chưa từng thấy, cùng với các kỹ thuật tổ chức theo kiểu Mỹ, phản ánh rõ phong cách chiến dịch tranh cử của Obama".

Nhà báo Guillemette Faure, thông tín viên của báo chí Pháp từ nhiều năm qua tại New York, cũng nêu ra khía cạnh tích cực trong thông điệp của ứng cử viên Macron. Bà nói : "Các phát biểu về thời kỳ Pháp đô hộ Algérie hay về hôn nhân đồng giới là cố gắng nhằm hòa giải đất nước, và điều này gợi nhớ đến bài diễn văn của ông Obama trong đại hội đảng Dân Chủ năm 2004 về những rạn nứt trong xã hội Mỹ".

Ngoài ra còn có thể kể đến người vợ tâm đầu ý hợp, trong một gia đình "rổ rá cạp lại" mà từ thời cựu tổng thống Nicolas Sarkozy năm 2007 đến nay mới thấy lại. Nhưng nhật báo Achentina Clarin lại nhìn thấy trong bà Macron một "Michelle Obama của Pháp" qua tính năng động và dễ tiếp xúc của bà.

Sophie des Déserts của tạp chí Vanity Fair France khẳng định với AFP : "Khuyến cáo đầu tiên cho Macron của Laurence Haïm (cựu thông tín viên kênh truyền hình tin tức iTele tại Hoa Kỳ, sau trở thành phát ngôn viên của Tiến Bước !), là hãy hành động như Obama. Họ đã biến lời khuyên này thành thực tiễn !"

Bà Laurence Haïm chống chế : "Tôi tham gia vì chiến dịch tranh cử của Macron khiến tôi nghĩ đến Obama : dân chủ với sự tham gia tích cực của người dân, mong muốn đổi mới, nhiệt thành (…). Nhưng đây không phải là sao chép đơn thuần".

Thực tế thì câu chuyện không giống nhau, giữa ông Obama – một nhân vật ít được biết đến, có cha là người Kenya và mẹ ở bang Kansas - với Macron, phải chiến đấu với hình ảnh cựu quản trị viên ngân hàng, tốt nghiệp những trường đại học danh tiếng.

Và hôm 7/5, đêm chiến thắng, chính là trong giai điệu "Khúc hát hân hoan" ("Ode à la joie", bài hát chính thức của Châu Âu), mà Emmanuel Macron đã bước lên khán đài trước các ủng hộ viên. Nhà nghiên cứu Denis Lacorne nhận định : "Việc chọn lựa "quốc thiều" Châu Âu, vượt ra khỏi khuôn khổ lòng ái quốc, cho thấy sự quan trọng của quốc tế, là điều khó thể tưởng tượng được tại Hoa Kỳ".

Còn Bruce Crumley, nhà báo làm việc cho tờ Time trong 25 năm qua, thì nhận ra một khác biệt về chiều sâu : "Ông Obama được bầu lên sau nhiệm kỳ gây chia rẽ của tổng thống Bush, nhưng cũng nhằm cải tổ lại sau những thiệt hại về tài chính và xã hội do chính sách siêu tự do của Bill Clinton. Còn Macron thì không muốn chỉnh đốn những tai hại của việc tháo gỡ những ràng buộc cho giới tài chính, nhưng lại là một Bill Clinton mới".

Thụy My

***********************

Pháp : Thực tế ngoại giao cản trở cao vọng Châu Âu của tổng thống Macron (RFI, 16/05/2017)

manu2

Thủ tướng Đức Angela Merkel trao đổi với tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên sân thượng dinh thủ tướng tại Berlin ngày 15/05/2017. Ảnh do phủ thủ tướng Đức cung cấp cho Reuters

Với chuyến công du nước ngoài đầu tiên ngay sau khi ông nhậm chức được dành cho nước Đức vào hôm qua, 15/05/2017, tân tổng thống Pháp Macron rõ ràng là sẽ ưu tiên cho Châu Âu trong chính sách đối ngoại của mình, với mục tiêu là tạo dựng một Châu Âu gắn kết chặt chẽ hơn. Ông Macron cố cho thấy là ông sẽ kiên quyết trong ngoại giao, nhưng theo giới phân tích, các thực tế nghiệt ngã của ngoại giao thế giới rất có thể sẽ khiến ông phải trở về với lối cũ.

Trong một bài phân tích đăng tải hôm qua, hãng tin Anh Reuters ghi nhận là trong quá khứ, Pháp thường bị các đồng minh xem là một nước ngoan cố, thích tự ý hành động, như đã can thiệp quân sự vào Libya, Trung Đông và vùng Sahel. Bản thân tổng thống Macron thì muốn hợp tác an ninh sâu hơn với Châu Âu, nhưng rất có thể là ông sẽ cảm thấy là khó mà phá vỡ cái khuôn của các người tiền nhiệm như François Hollande và Sarkozy.

François Heisbourg, chủ tịch Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS, đồng thời là một cố vấn của ông Macron nhìn nhận : "Chúng tôi biết là trong thế giới này, không phải là tổng thống áp đặt đường lối đối ngoại, mà đường lối đối ngoại tự nó áp đặt lên tổng thống".

Khi đến Berlin gặp thủ tướng Đức Angela Merkel để thêm hơi sức mới cho quan hệ Pháp, ông Macron đã tỏ hy vọng là Đức và Pháp, trong vòng vài tuần tới đây, sẽ đưa ra được một lộ trình tăng cường hơn nữa sự hội nhập Châu Âu. Ông còn nói là việc cải tổ các hiệp ước trong khối Liên Hiệp Châu Âu không còn là điều cấm kỵ ở Pháp.

Kế tục hơn là đoạn tuyệt

Cho dù vậy, một nhà ngoại giao Pháp nhận định rằng sẽ không có thay đổi lớn lao trong chính sách ngoại giao Pháp. Trả lời Reuters, nhân vật này cho rằng sẽ không có một sự đoạn tuyệt quan trọng nào đối với quá khứ. Tất cả những chủ đề lớn vẫn sẽ tiếp tục.

Theo ông François Heisbourg, tổng thống Macron muốn được đánh giá trên chính sách Châu Âu của ông. Để bảo đảm thành công ông đã chọn cố vấn chính trị là Philippe Etienne, nguyên đại sứ Pháp ở Đức đồng thời thông thạo tiếng Nga. Trong chính phủ, ông có thể chỉ định một nhân vật có uy thế trong vấn đề Châu Âu vào ghế ngoại trưởng.

Mong muốn hợp tác chặt chẽ, sâu hơn với Châu Âu là điểm khác biệt giữa ông Macron với hai người tiền nhiệm François Hollande và Nicolas Sarkozy. Giới ngoại giao cho là ông Macron muốn Châu Âu ra được một đường lối chung về các vấn đề từ nhập cư cho đến Syria, từ Donald Trump đến Vladimir Putin.

Một nhà ngoại giao nhận định : "Cứ lấy ví dụ Nga. Ngoài việc đồng ý về trừng phạt, thì mỗi nước đều nhìn sự việc một cách khác nhau". Đối với Donald Trump cũng thế, một quan điểm chung thực thụ của Châu Âu về tổng thống Mỹ cũng rất quan trọng vì quan hệ này ảnh hưởng đến rất nhiều chính sách, thương mại cho đến chống khủng bố hay Syria.

Đối với các nhà quan sát, tổng thống Macron sẽ vẫn là một đồng minh đáng tin cậy đối với Washington, nhưng sẽ không gần gũi Nhà Trắng như ông Sarkozy hay ở mức độ thấp hơn François Hollande. Một người thân cận với ông Macron từng khẳng định : "Chúng tôi sẽ không nhận lệnh từ Washington hay Moskva hay từ bất cứ nơi nào khác".

Tân tổng thống hứa là Pháp sẽ không từ bỏ cuộc chiến chống những thành phần Hồi giáo cực đoan, cho biết sẽ quyết định can thiệp quân sự trên cơ sở xem xét từng trường hợp một.

Theo giới ngoại giao, tổng thống Pháp muốn làm hơn hiện nay để giúp phát triển các nước đang bị chiến tranh :

"Macron sẽ không thỏa mãn với việc chỉ dội bom quân khủng bố, mà sau đó không có chính sách hỗ trợ rộng lớn hơn cho các quốc gia này. Và đó là một thay đổi so với chính sách hiện hành".

Trọng Nghĩa

*********************

Pháp : Thành lập nội các hòa hợp, thử thách của tân tổng thống (RFI, 16/052017)

manu3

Tân thủ tướng Edouard Philippe (P) và cựu thủ tướng Bernard Cazeneuve trong lễ bàn giao chính phủ ngày 15/05/2017, tại Paris. REUTERS/Benoit Tessier

Tổng thống trung dung Emmanuel Macron và thủ tướng cánh hữu ôn hòa Edouard Philippe hôm nay 16/05/2017 gặp nhau bàn bạc thành phần tân chính phủ với tiêu chí : tập hợp cả cánh tả lẫn cánh hữu và đưa ra những gương mặt mới. Thời điểm công bố các thành viên chính phủ mới đã phải lui lại vào ngày mai (17/05), theo thông cáo của phủ tổng thống Pháp.

Tân nội các phải phù hợp với chủ trương của ông Emmanuel Macron là có những nhân vật mới, có số lượng nam nữ đồng đều, và quân bình giữa cánh tả và cánh hữu, với hy vọng giành được đa số trong kỳ bầu cử Quốc hội tháng Sáu tới.

Từ đầu tháng Năm, Emmanuel Macron đã tuyên bố là ông sẽ chọn lựa các bộ trưởng "dựa trên kinh nghiệm, năng lực và những gì đã làm được, chứ không phải vì đại diện cho phe nào và sức nặng chính trị của từng người". Tân thủ tướng mới được bổ nhiệm hôm qua, ông Edouard Philippe, hứa hẹn sẽ là một chính phủ "tập hợp những tài năng", nhưng điều này không dễ dàng trước những điều kiện được đặt ra.

Với một nội các rút gọn gồm 15 bộ trưởng, sẽ không có chỗ cho tất cả mọi người, kể cả những người đã ủng hộ ông Emmanuel Macron từ đầu hay mới đây. Do tổng thống và thủ tướng là nam giới, cần phải có những nữ bộ trưởng. Bên cạnh đó là những người mới, xuất thân từ xã hội dân sự, chiếm khoảng một phần ba. Cân nhắc đồng đều giữa các chính khách cánh tả và cánh hữu cũng là công việc hết sức tế nhị.

Khả năng tập hợp được cả hai phe tả hữu truyền thống là thử thách cho tân tổng thống, vào thời điểm chỉ còn một tháng nữa là đến kỳ bầu cử Quốc hội.

Khoảng ba chục nhân vật cánh hữu và cánh trung hôm qua kêu gọi đáp ứng lời mời gọi của tổng thống tân cử, trong số này có những tên tuổi được cho là có thể trở thành bộ trưởng.

Đối với cánh hữu ôn hòa, đây là dịp để không phải đứng ở phía đối lập thêm năm năm nữa. Tuy nhiên nhiều chính khách cánh hữu cho rằng nếu ra ứng cử Quốc hội dưới màu cờ của đảng Cộng Hòa Tiến Bước, có nguy cơ làm tan rã đảng của mình. Còn theo ứng cử viên Benoît Hamon của Đảng Xã Hội thì chuyện cánh tả làm việc trong một liên minh do một thành viên cánh hữu lãnh đạo là "không nghiêm túc".

Tổng thống Emmanuel Macron đòi hỏi các tân bộ trưởng phải có chương trình hành động rõ ràng, và hiệu quả sẽ được đánh giá hàng năm. Thủ tướng Edouard Philippe tuyên bố, với nhiệm vụ nặng nề trước mắt, ông không nghĩ rằng "những người muốn phục vụ nước Pháp" có thể đi nghỉ mát dài hạn trong mùa hè này.

Thụy My

Published in Quốc tế

Macron chính thức trở thành Tổng thống thứ 8 của đệ ngũ Cộng Hòa Pháp. Ông Tổng thống trẻ nhất lịch sử Pháp, vừa dọn nhà vào Điện Elysée sáng Chủ Nhật 14/5, bắt đầu một nhiệm kỳ mới, một thời đại mới.

macron1

Với phong trào EM (En Marche hay Emmanuel Macron), vị Tổng thống trẻ nhất lịch sử Pháp bắt đầu một nhiệm kỳ mới, một thời đại mới.

Người ta đã nói tới Macron như một Kennedy, Macron muốn làm việc theo tinh thần, phương pháp Obama, thích hợp với thời đại Internet, ra khỏi sự trói buộc ý thức hệ tả, hữu đã đè nặng sinh hoạt chính trị Pháp, biến nước Pháp thành một quốc gia tụt hậu.

The Kid

Tổng thống Hollande trao chìa khóa cho một người có thể coi là con tinh thần, mà ông đã nhắc ra khỏi nhà ngân hàng Rothschild cách đây hơn 2 năm, đưa vào Elysée làm cố vấn, làm phụ tá Tổng thư ký Tổng thống Phủ, Bộ trưởng Kinh tế, với hy vọng người cộng sự viên trẻ, mặc dù không có kinh nghiệm chính trị, nhưng khả năng được nhiều người ca ngợi, sẽ giúp Hollande chuẩn bị tái ứng cử.

Hollande không bao giờ ngờ vài tháng sau phải nhường ghế cho "The Kid" (biệt danh một tờ báo dành cho Macron). Hollande, biết mình không có hy vọng, đã quyết định không tái cử, chuyện chưa hề xẩy ra trong đệ ngũ Cộng hòa. Hollande nói Macron đã "phản bội "ông ta một cách có phương pháp, nhưng sáng Chủ nhật, chắc Hollande cũng hài lòng thấy mình trao tay hòm, chìa khóa cho một người gần với mình, cả về quan điểm chính trị lẫn liên hệ cá nhân, hơn là đối thủ phe hữu François Fillon, hay, bi đát hơn, Marine Le Pen, mà Hollande cho là một đại họa cho nước Pháp và Âu Châu.

Macron vẫn có ý muốn làm chính trị, nhưng những ngày chung đụng với chính giới từ hai năm qua đã khiến Macron muốn đốt giai đoạn, muốn nắm quyền, muốn dẹp các đảng phái để cải cách nước Pháp theo ý mình.

Bộ trưởng Kinh tế thời Hollande, Macron soạn thảo một dự luật nhằm cải tổ luật lao động Pháp, cởi trói về mặt hành chánh rườm rà, các điều luật khắt khe (khởi đầu là để bênh vực thợ thuyền, dần dần trở thành những trở ngại cho việc tuyển mộ), để khuyến khích các xí nghiệp tích cực hơn trong việc tuyển mộ. Ở Pháp, mỗi ông Bộ trưởng Lao động, hoặc dưới áp lực của các nghiệp đoàn, hoặc muốn để lại tên mình cho hậu thế, đều đẻ ra một vài luật mới, khiến luật lao động Pháp trở thành phức tạp, không một xí nghiệp nào hiểu nổi, nếu không có chuyên viên. Bộ luật lao động của Pháp nặng ba ký lô, trong khi luật lao động Thụy Sĩ chỉ vài trang. Không ai nói thợ thuyền Pháp được bảo vệ hơn thợ thuyền Thụy Sĩ.

Dự luật ra trước Quốc hội, bị phe hữu chống, cho là không đủ mạnh, phe tả cho là quá mạnh, đã xâm phạm trắng trợn quyền công nhân. Cuối cùng Hollande và Thủ tướng Manuel Valls nhượng bộ, mặc dù cùng lập trường với Macron, và, để tránh đụng độ với nhóm dân biểu xã hội quá khích, đã trao việc bênh vực dự luật cho một Bộ trưởng lao động, còn ít kinh nghiệm chính trị hơn Macron, bà Myriam El Khomri. Luật Khomri ra đời, vá víu, không còn gì của dự luật cũ.

Macron nói nhiều dân biểu, chính khách, trong những lần gặp riêng, cho hay hoàn toàn đồng ý với ông ta, nhưng trước công luận, đã tuyên bố nguợc lại, với lý do một người phe tả, hay phe hữu, không thể nói khác hơn đường lối của phe mình.

Macron, từ đó, đi tới kết luận phải dẹp bỏ các chính đảng quen làm việc theo kiểu cũ, nếu muốn cải cách nước Pháp. Macron nhắm cái ghế cao nhất, nhiều quyền hành nhất nước Pháp

Brigitte và Manette

Macron từ chức bộ trưởng, lập phong trào En Marche (Lên Đường) và tuyên bố ra ứng cử Tổng thống, trước sự nhạo báng của các chính khách kỳ cựu. Ai cũng nghĩ một sớm một chiều lập đảng, ra ứng cử Tổng thống là chuyện điên khùng, hay trò chơi của một con dê trẻ, háo thắng, muốn báo chí nói tới mình, để có 15 phút vinh quang trong đời, như một câu nói của Andy Warhol.

macron2

Vợ chồng Macron vừa dọn nhà vào Điện Elysée sáng Chủ Nhật 14/5

Đối thủ chính trị tìm mọi cơ hội gắn chặt Macron với hình ảnh một nhân viên ngân hàng, biết rằng người Pháp ghét thế lực tài phiệt. Những người quen biết Macron cho hay trong đời tư, hai vợ chồng Macron chỉ giao du với giới nghệ sĩ, các nhà văn.

Qua những bài phỏng vấn, Macron cho thấy ông ta có kiến thức văn hóa cao, thấm nhuần văn chương, triết học. Nhờ hai người đàn bà : bà vợ, Brigitte, cựu giáo sư văn chương và bà nội. Brigitte đọc nhiều, dẫn chồng vào thế giới khác với thế giới kinh tài. Một người bạn nói Brigitte gọi điện thoại mỗi đem để bàn về Chateaubriand.

Nói về nước Pháp, Macron trích dẫn một hàng ngũ đông đảo những nhà văn, những triết gia. Người đàn bà thứ hai, ảnh hưởng hơn nữa với Macron là bà ngoại, Germaine Noguès, Macron gọi là Manette. Hai bà cháu gần nhau từ khi Macron còn nhỏ, suốt ngày quanh quẩn với Manette. Manette coi chuyện dạy dỗ, giáo dục đứa cháu cưng là chuyện quan trọng nhất đời mình. Macron nói từ 5 tuổi, khi ra khỏi lớp, chú nhỏ Emmmanuel chạy về nhà để Manette kèm thêm về văn phạm, lịch sử, địa dư. Và đọc sách. "Tôi bỏ cả buổi đọc sách bên cạnh bà nội. Molière, Racine, Georges Duhamel, Mauriac, Giono...". Manette cũng là một nhân vật khác thường. Mẹ mù chữ, bố làm nhà gare, chỉ biết đọc biết viết, Manette tự học, trở thành giáo viên, giáo sư, rồi hiệu trưởng trường trung học. Ngưỡng mộ bà ngoại, Macron tin vào sự quan trọng của giáo dục. Ông ta nói đó là chìa khóa của tất cả, và hứa sẽ đặt giáo dục vào ưu tiên hàng đầu.

Macron khác với những chính khách cùng tuổi, chịu khó tìm hiểu, học hỏi để có một kiến thức khác hơn là kiến thức chuyên môn. Mitterrand, một ông Tổng thống có trình độ văn hóa cao, nói : "Sau tôi, sẽ chỉ có những kế toán viên". Mitterrand lầm, Macron là người nối lại truyền thống của những nhà lãnh tụ có văn hóa, ngoài khả năng chuyên môn. Trước Mitterrand, de Gaulle là một nhà văn. Pompidou, xuất thân từ ngân hàng Rothschild như Macron, là một chuyên viên về thơ Pháp và nghệ thuật mới.

Vịt của Mitterrand, chó của Hollande

Macron và Hollande đã bàn giao sáng Chủ nhật. Đây cũng là lần đầu tiên một lễ bàn giao diễn ra một ngày Chủ Nhật. Người ta thường dùng hình ảnh cựu Tổng thống trao ẩn số bom nguyên tử cho Tổng thống mới trong nửa giờ bàn giao. Sự thực chỉ có chuyện trao một dẫy số identifiant, để khi Tổng thống ra lệnh, giới chức quân sự biết đó là lệnh của Tổng thống, và diễn ra trong một dịp khác, giữa tân Tổng thống với Bộ tham mưu quân sự. Jacques Attali, cố vấn thân cận của Mitterrand, kể : Khi được trao số mật, Mitterrand đeo vào cổ, khi cởi áo, quên mất. Dinh Tổng thống phải cấp kỳ gởi người tới nhà giặt quần áo để lấy lại.

Trong một giờ bàn giao, giữa hai người, không có nhân chứng, thường thường ông Tổng thống cũ trao lại những hồ sơ quan trọng hay khẩn cấp. Cũng như những chuyện ít quan trọng hơn. Mitterrand căn dặn người kế vị, Jacques Chirac, hãy để ý chăm sóc mấy con vịt sống trong vườn phủ Tổng thống. Chirac hứa sẽ làm, nhưng sau đó con chó của Chirac đã làm thịt mấy con vịt.

Hollande chắc đã đề cập với Macron về chuyện ông muốn mang theo con chó. Con chó do một chính khách ngoại quốc tặng, trên nguyên tắc là tài sản quốc gia, nhưng Hollande thấy con chó quyến luyến, muốn làm một chuyện ngoại lệ, mang theo ngày rời chức.

Từ Hold up tới Big bang

Macron đã thành công giai đoạn đầu : làm một cú "hold up" ngoạn mục, cướp cái ghế Tổng thống trước sự ngỡ ngàng nhưng bất lực của các chính trị gia kỳ cựu, đã thay nhau làm mưa làm gió trên chính trường Pháp từ đệ nhị thế chiến.

Sau "hold up", tới "big bang". Macron không úp mở : ông ta muốn dẹp các đảng phái cũ, đã lỗi thời, để hành động theo phương pháp mới.

Big bang, Macron đã thực hiện được một phần : sau khi thua nặng trong cuộc bầu cử, Đảng Xã Hội đã tan rã. Chính cựu Thủ tướng xã hội Manuel Valls đã tuyên bố đảng Xã hội đã chết. The Kid quay sang bên hữu, nếu không đánh quỵ được đảng Cộng Hòa (LR, Les Républicains), ít nhất phải làm cho đảng này yếu đi. Macron muốn một chính quyền không tả không hữu, hiện nay số chính khách xã hội về đầu quân đã quá đông, trái lại, những người tới từ bên hữu còn qua ít.

Macron có mục tiêu số một trước mắt : nắm đa số trong kỳ bầu cử Quốc hội tháng tới. Không có đa số, ông Tổng thống sẽ bị bó tay. Muốn chiếm đa số trong kỳ bầu cử, phải có một bộ mặt quân bình, không tả không hữu, hay vừa tả vừa hữu.

Những cử tri của phái cực hữu (Le Pen), hay cực tả (Mélenchon, gần 20%) chắc chắn sẽ bầu cho thần tượng của họ. Macron chỉ trông chờ vào những người không đảng phái, những cử tri của đảng Xã hội đã chết, và những cử tri LR, đảng Cộng hòa, muốn cho ông Tổng thống mới một cơ hội để cải cách nước Pháp. Muốn lôi kéo cử tri LR, Macron muốn bổ nhiệm một Thủ tướng đén từ hàng ngũ LR, nhưng cho tới giờ này, chưa ai biết tên ông Thủ tướng sẽ được công bố trong những giờ hay ngày tới. Chưa ai biết kế hoạch đó có thành công hay không.

Macron muốn đưọc rảnh tay để hành động. Ông ta dùng chữ "Président empêché " (Tổng thống bị ngăn cản) để nói về Hollande. Bị ngăn cản trong hành động, bởi đối lập, bởi nhóm tả phái trong hàng ngũ Xã hội, bởi các thế lực chính trị bốn phía.

Macron không muốn làm "Président empêché", muốn là một "Président qui préside" ( một Tổng thống hành động như… Tổng thống). Muốn vậy, bằng bất cứ giá nào, phải nắm được đa số Quốc hội. Cả nước chờ kết quả cuộc bầu cử lập pháp tháng Sáu tới.

Hàn gắn

Đặt mìn nổ tung chính trường Pháp, ông Tổng thống mới còn có một trọng trách, mâu thuẫn, nhưng khẩn cấp không kém : hàn gắn những rạn nứt trong xã hội Pháp. Đó không phải là một chuyện đơn giản. Chỉ việc nghe lãnh tụ cực hữu Le Pen hay cực tả Mélenchon kêu gọi cử tri làm mọi cách để ngăn chặn Macron rảnh tay hành động, đủ hiểu trước mặt Macron không phải là một giòng sông êm đềm.

Macron được coi là một chính khách social libéral, nghĩa là tự do về kinh tế, nhưng có tính cách nhân bản, xã hội. Tả phái đánh Macron về khía cạnh libéral, không quên gào trên khắp các nóc nhà chuyện ông ta xuất thân từ một ngân hàng. Phe hữu đánh Macron trên khía cạnh social, nhắc nhở cử tri Macron là sản phẩm của Hollande, của đảng Xã hội, của phe tả.

Người Pháp rất "chính trị". Đi làm với người Pháp hàng chục năm, bạn không biết ai theo tôn giáo nào, lợi tức bao nhiêu, vì đó là chuyện riêng, đụng tới là khiếm nhã, thiếu tế nhị ; nhưng uống một ly café với ai, bạn biết ngay ông ta, hay bà ta, là tả hay hữu.

Hơn cả tả hay hữu, xã hội Pháp qua kỳ bầu cử vừa rồi chia thành nhiếu mảnh. Bài phóng sự của báo La Croix cho thấy sự rạn nứt đó. La Croix viết : Claire và Bénédicte là hai phụ nữ có nhiều điểm tương đồng, cả hai ở tuổi 40, có con cùng tuổi, cùng chung bố mẹ chồng. Claire, giáo viên, phe tả, ủng hộ Hamon, ứng cử viên đảng Xã hội, Bénédicte, bác sĩ, hữu phái. Cả hai rất thân nhau, cho tới một bữa ăn gia đình, Bénédicte nói sẽ bầu cho Fillon, đảng Cộng hòa. Claire nói : tôi sững sờ, thấy sự lựa chọn của Bénédicte thiệt phản động. Tôi tự nhủ là chúng tôi không chia sẻ với nhau một điều gì. Serge và Isabelle, ủng hộ Juppé, hữu phái ôn hòa, cũng bị cậu con trai, Étienne, kết án là phản động, với những chữ rất độc, rất hằn học. Kết quả là các gia đình này tránh đề cập tới chính trị trước ngày bầu cử. Và hy vọng sẽ hàn gắn sau khi đã bầu bán xong.

Trong bài diễn văn nhậm chức, Macron nói ông sẽ dành nỗ lực để thực hiện đoàn kết quốc gia, nhưng sẽ không nhượng bộ bất cứ điều gì, để cải cách nước Pháp, đưa nước Pháp tới địa vị một cường quốc, vì cả Âu Châu, cả thế giới trông chờ nước Pháp. Nhưng chuyện đó không đơn giản. Những Claire, Bénédicte, Étienne không phải hiếm trong xã hội Pháp.

Paris 14/05/2017

Từ Thức

Nguồn : https://www.facebook.com/tu-thuc.39 

Published in Diễn đàn