Trí thức biết nhục không có chỗ dung thân ?
Trân Văn, VOA, 15/08/2021
Tuần này, chuyện công an điều tra cô Trần Thị Thơ, Giảng viên Khoa Ngoại ngữ và ngay sau đó Đại học Duy Tân sa thải cô vì phát ngôn sai lệch về công tác phòng, chống dịch Covid-19 (1) là một trong những chủ đề làm nóng mạng xã hội.
Cô Trần Thị Thơ trong buổi nói chuyện bị ghi hình và sau đó bị tố cáo. (Hình : Trích xuất từ video)
Trước đó, công chúng từng sững sờ khi một sinh viên Đại học Duy Tân đưa lên mạng xã hội video clip ghi lại cuộc trò chuyện giữa cô Thơ và cậu ta nhằm tố cáo thầy mình và Công an thành phố Đà Nẵng lập tức tiến hành điều tra...
Trong cuộc trò chuyện mà nội dung chẳng khác gì cố tình bẫy thầy ấy, sinh viên ẩn danh và giấu mặt liên tục nêu thắc mắc để cô Thơ giải thích tại sao cô cảm thấy nhục :Từ đầu mùa dịch tới giờ, chính phủ đã hỗ trợ gì cho em chưa ? Đã tiếp cận được vaccine chưa ? Có nước nào dân chạy 1.500km về quê ? Hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém, đúng không ? Cô cảm thấy rất nhục nhã vì điều đó. Khi dịch đến, dân những quốc gia khác trên thế giới được hỗ trợ rất nhiều, kể cả việc tiếp cận vaccine, còn chúng ta thì thế nào ? Em lên thử đèo Hải Vân coi. Đó mới là sự nhục nhã (2) Sinh viên của cô Thơ tố cáo cô vì thầy của cậu ta biết nhục. Công an thành phố Đà Nẵng điều tra vì cô có thể làm nhiều người khác thay đổi quan niệm về tự hào và nhục nhã…
Còn Đại học Duy Tân thì sao ? Cơ quan chuyên đào tạo trí thức này đã chọn hợp tác với công an để điều tra và có lẽ để chứng tỏ thiện tâm, thành ý, họ sa thải cô Thơ sớm nhằm minh định lập trường : Không chấp nhận một trí thức biết nhục !
***
Cách xử lý của cả hệ thống công quyền Việt Nam lẫn Đại học Duy Tân đối với một trí thức biết nhục trước thực trạng xã hội và thảm trạng trong đại dịch đã làm nhiều người nổi giận. Chẳng hạn Nguyễn Thanh Huy. Ông Huy nêu ra hàng loạt câu hỏi : …Ai có thể vỗ ngực khoe rằng trong đợt chống dịch lần này chúng ta không lúng túng, không có những hạn chế ? Nếu cho rằng chúng ta đã làm rất tốt, hoàn hảo thì hoặc là vô tri hoặc giả ngu, giả mù mà nịnh hót ! Chẳng lẽ bổn phận của người làm thầy chỉ giống như một con robot được lập trình, tệ hơn chỉ là một cái máy biết thu và biết phát, không được nói thêm gì khác ? Nếu chỉ như vậy thì "thầy" trong xã hội Việt Nam quá rẻ rúng. Đã như thế thì đừng bao giờ ngợi ca những người thầy trong quá khứ dám lên tiếng trước cường quyền, bất công như Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tất Thành...
Theo ông Huy, lẽ ra Đại học Duy Tân - nơi có không ít người mang danh "trí thức" phải đứng ra bảo vệ cô Thơ cho dù phải chịu nhiều sức ép từ các cơ quan quản lý khác. Việc bảo vệ cô Thơ không phải là bảo vệ một cá nhân do quan hệ riêng tư hay do cách ứng xử trọng tình của người Việt, mà hơn hết đó là bảo vệ nhân cách, giá trị của giảng viên đứng trên bục giảng để họ có quyền nói ra suy nghĩ và bộc lộ những cảm xúc chân thật của họ... Việc sa thải sẽ tạo nên những tiền lệ hết sức nguy hiểm đối với sự tiến bộ của đất nước. Đó là sự bóp nghẹt phản biện, hạ thấp giá trị, vị trí của những người làm thầy, giết chết cảm xúc và lòng trắc ẩn của những người có lương tri vì làm họ sợ mất miếng cơm, manh áo. Đồng thời tạo ra cho các cấp quản lý quyền lực vô hạn, vượt khỏi các chế định của luật pháp…
Ông Huy tin rằng, hành động đơn phương của Đại học Duy Tân chỉ có thể khiến cô Thơ mất việc - không vì việc này thì cô cũng sẽ bị việc khác - chứ không thể dập tắt được ý chí cá nhân cũng như suy nghĩ và sự phản ứng của công luận. Không chừng điều đó sẽ phản tác dụng, giống như thổi cho một đốm lửa bùng lên. Ông Huy nhắc lại cảnh báo của Lê Quý Đôn về những dấu hiệu của một quốc gia lâm nguy : Trẻ không kính gìa (vì già không đáng kính). Trò không trọng thầy (vì thầy không ra thầy). Binh kiêu tướng thoái (vì chẳng bao giờ đánh trận). Tham nhũng tràn lan (vì không ăn cũng uổng). Sĩ phu ngoảnh mặt (vì nói chẳng ai nghe) (3) !
***
Trong Thư ngỏ gửi cô Thơ, ông Mạc Văn Trang - một nhà giáo đã nghỉ hưu, khen cô Thơ không vô cảm, dám nói sự thật, dù bây giờ, ở xứ này, đó là TỘI ! Ông Trang nhấn mạnh,cô Thơ đã phạm hai "sai lầm" là NÓI THẬT và bức xúc, hổ thẹn vì bất lực trước nỗi đau của đồng bào mình trong khi dưới thế chế này, hai thứ đó từ lâu đã là xa xỉ phẩm. Nỗi đau, buồn của cô cũng là nỗi đau, buồn của tất cả những ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà, đến tương lai đất nước.Tuy nhiên đọc lời chia tay của cô Thơ với sinh viên, đồng nghiệp, ông Trang tin cô sẽ sớm tìm được công việc xứng đáng với cô vì cô có hiểu nhân tình thế thái và biết giữ nhân cách của mình. Ông Trang tin cô Thơ sẽ bình tĩnh vượt qua nghịch cảnh trong sự đồng cảm của rất nhiều người (4).
Bàn về sự kiện này, Tuấn Khanh – một nhạc sĩ, lại nhìn vào hướng khác : Sự tức giận của dư luận dồn vào Ban Giám hiệu Đại học Duy Tân, vào việc công an sẽ triệu tập một cô giáo trẻ can trường, dám nói thẳng suy nghĩ của mình nhưng điều đáng nói không kém là về một lớp người trẻ sẵn lòng lập mưu hèn, kế bẩn, sẵn sàng đấu tố cô giáo của mình như thời man rợ. Ắt là cũng đã đọc được tâm hồn và suy nghĩ của những người đang lãnh đạo ở môi trường gọi là giáo dục đó thì thứ đầu xanh ngu dại tập tành đấu tố ấy mới tin chắc rằng mình sẽ được trọng dụng khi dàn dựng mọi chuyện. Rõ, không ai bước vào nghĩa trang mà không mang theo nhang đèn, cũng không ai tự bước hầm phân mà không đoán trước nơi đó ngập ngụa bọ hung. Ai đã dựng nên những con người như vậy ? Một thế hệ nhơ nhớp như vậy(5) ?
***
Ông Thái Hạo, người nhiều lần bày tỏ sự bất bình, thất vọng về giáo dục, hệ thống giáo dục Việt Nam, tâm tình như thế này trước sự kiện một đồng nghiệp bị sa thải vì... biết nhục :Tôi thấy mình bị sỉ nhục ! Có lẽ nhiều bạn thắc mắc rằng tại sao tôi lại quan tâm nhiều đến vụ "xử" nữ giảng viên Đại học Duy Tân như thế. Đơn giản, với tôi việc ấy là hệ trọng, nếu không nói là hệ trọng nhất. Dịch bệnh cùng lắm chỉ làm chết thân xác nhưng sự đàn áp tư tưởng và bọp nghẹt tiếng nói sẽ giết chết linh hồn con người. Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, có thể một năm, có thể hai năm nhưng phải mất hàng trăm năm để cởi được những sợi xích nô lệ. Dịch bệnh chỉ làm chết những cá thể, sự nô dịch đối với một người sẽ đồng với nô dịch tất cả. Khi dịch bệnh làm chết một người, tôi thương cảm nhưng khi một người bị bịt mồm tôi thấy đau đớn. Chà đạp và tước đi quyền con người là s ự sỉ nhục đối với chính tôi, vì tôi cũng là con người. Sa thải một người thầy vì những lời nói bình thường, đó là sự đe dọa và dằn mặt đối với mọi người thầy. Tôi thấy mình đã bị tát thẳng vào mặt. Tôi đang bị sỉ nhục(6) !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 15/08/2021
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/NhatKyYeuNuocVN/posts/4222631971106613
(3) https://www.facebook.com/tiengdanbao/posts/4162351977176146
(4) https://baotiengdan.com/2021/08/12/gui-co-giao-tran-thi-tho/
(5) https://nhacsituankhanh.com/2021/08/12/nhung-vet-cat-khong-tuon-mau/
(6) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1049200389222482&id=100023975920044
***********************
Chuyện cô giáo Trần Thị Thơ bị sa thải
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 13/08/2021
Cô giáo Trần Thị Thơ - Giảng viên trường đại học Duy Tân bày tỏ sự phẫn nộ về dịch virus Trung Quốc đang hoành hành dữ dội trên toàn cõi Việt Nam với cách chống dịch tỏ ra kém hiệu quả của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, bị báo Công An Nhân Dân [*] ra ngày 9 tháng Tám năm 2021 gọi là "phát ngôn gây sốc", về việc cô Thơ trần tình trong giờ giảng bài với lớp học : "Có dân nước nào chạy 1.500 cây số để về quê. Như vậy là hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém đúng không ? Cô cảm thấy rất nhục nhã về điều đó".
Có dân nước nào chạy 1.500 cây số để về quê. Như vậy là hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém đúng không ? Ảnh minh họa
Theo đó, một sinh viên trong lớp đã vu vạ cô Thơ "không thích Việt Nam", rồi clip gọi là "cuộc tranh luận" đến với Ban Giám hiệu trường đại học Duy Tân. Sau đó, cô Trần Thị Thơ bị sa thải với phát ngôn của mình.
Câu chuyện cô Thơ bị sa thải khiến tôi nhớ lại cái gọi là "tranh luận" mà không ít người đã và đang ngộ nhận nhiều năm qua.
Tranh luận trong tù Chí Hòa
Tù ở Chí Hòa, có thể nói, vô cùng tạp nham và bát nháo, bởi tuyệt đại đa số là dân trộm cướp, hiếp dâm, mua bán ma túy, móc túi, đâm thuê chém mướn chuyên nghiệp (được diễn giải với tội danh "cố ý gây thương tích"). Hầu hết người tù học hành dở dang, có người không biết chữ, có cả người bị HIV thời kỳ cuối.
Kể lể chi tiết như vậy để mọi người đừng lầm tưởng, những người tù như vậy không quan tâm thời cuộc. Chính vì quan tâm hiện tình xã hội, nên họ thường cãi nhau xung quanh vấn đề này.
Một hôm, hai chàng trai chừng trên dưới 30 tuổi, một cậu bị tội trộm (tạm gọi tên ABC), một cậu bị tội cố ý gây thương tích (tạm gọi tên XYZ) "tranh luận" với nhau về giàu nghèo trong xã hội hiện nay.
Cậu ABC nói nước mình quá nghèo. Cậu XYZ lại cho rằng nước mình không nghèo. Cậu nào cũng đưa ra ý kiến riêng để bảo vệ quan điểm đến cùng. Khi cuộc "tranh luận" lên đến cao trào to tiếng, cậu ABC quay qua hỏi tôi :
- Bố Ngọc thấy bên nào đúng ?
Cậu XYZ nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ, khó chịu và chờ đợi xem thử tôi trả lời ra sao, vì trước đó tôi chăm chú nghe cuộc "tranh luận" của họ.
Tôi trả lời :
Hai đứa con muốn tranh luận "giàu - nghèo" thì phải đưa ra một số chuẩn chung, ví dụ : Để ăn cơm ngày 3 bữa phải có bao nhiêu tiền ; bao nhiêu người Việt Nam có xe gắn máy (vì trong cuộc cãi vả của họ có nói đến yếu tố xe gắn máy - ko nói xe hơi) ; đi khám bịnh như thế nào, trẻ em đi học có miễn phí hay không v.v...
Tóm lại, phải có những điểm chung mà cả hai đứa đều CHẤP NHẬN. Rồi từ những điểm chung đó, hai đứa con mới bắt đầu tranh luận "Việt Nam quá nghèo hay không nghèo". Chứ "tranh luận" như nãy giờ bố nghe thì không bao giờ kết thúc, vì mỗi đứa tự đưa những tiêu chuẩn của riêng mình, tức là không ai chịu ai. Đó không thể gọi là tranh luận mà nên gọi cho đúng là cãi vả.
Cả hai nhìn tôi đồng ý trong im lặng và hiểu ra tranh luận chứ không phải cãi vả.
Thú thật, người ÍT HỌC như họ lại rất dễ thương, vì thấy vấn đề đúng, họ chấp nhận ngay và sửa chữa chứ không cố chấp.
Chuyện cô Thơ
Trong lúc nóng giận và phẫn nộ về cách chống dịch của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, vốn gây ra quá nhiều hậu quả đau lòng, khiến cô Thơ cảm thấy ê chề và đau xót cho những người dân bơ vơ không nơi nương tựa, đã vô tình trở thành nguyên cớ cho việc bị sa thải. Lẽ ra, bình tĩnh hơn, cô Thơ chỉ cần nói ngắn gọn : Đây là câu chuyện công bộc (tức là Nhà nước) không chu toàn bổn phận đối với chủ nhân (tức là Công dân) và cô nhục nhã vì lẽ đó.
Sự nóng giận của cô Thơ vô tình trở thành "món mồi" cho tên sinh viên kia.
Điều đáng chê trách, chính là kẻ mang danh sinh viên, dù đã quá 18 tuổi lại không có chút hiểu biết gì về môn Giáo Dục Công Dân với kiến thức Công Dân - Nhà Nước được cung cấp từ lớp 10 trong trường phổ thông, lại vì một lẽ nào đó, dẫn đến "tai bay vạ gió" cho cô giáo của mình, theo cách mách lẻo như những kẻ tiểu nhân. Khổng Tử nói : Tiểu nhân nan dưỡng (Kẻ nhỏ mọn rất khó dạy).
Điều càng đáng chê bai và lên án, đó là cả Hội đồng Quản trị của trường đại học Duy Tân - những thầy (cô) với tuổi đời quá nhiều và với bằng cấp đầy mình, lại không phân biệt nỗi ý kiến một người chủ (tức là cô Thơ) đang chê trách và nhục nhã về việc công bộc không tròn trách nhiệm, mà lại cố tình suy diễn và đơm đặt sự phẫn nộ chính đáng của cô Thơ trở thành chính kiến (tức là có yếu tố chính trị). Để từ việc ngộ nhận về thường thức phổ thông ở mức lớp 10 hoặc vì hiềm khích cá nhân nào đó, Hội đồng quản trị trường đại học Duy Tân gán ghép cho cô Thơ về ý đồ chính trị, đến mức "Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an Thành phố Đà Nẵng cũng đang xác minh, xử lý sự việc" - như báo Công An Nhân Dân cho biết.
Chê trách đứa sinh viên tiểu nhân một thì nên lên án cả Hội đồng quản trị trường đại học Duy Tân một trăm lần, bởi họ chắc chắn phải thuộc nằm lòng môn Giáo Dục Công Dân ở bậc phổ thông trung học và họ còn có bổn phận hiểu thấu đáo về vị trí, tư cách Thầy - Cô mà họ đang mang trên người, khi cư xử lỗ mãng đối với đồng nghiệp, cũng như họ càng buộc phải tuân thủ luật pháp về Luật Dân Sự, Luật Lao Động v.v... khi sa thải cô giáo Trần Thị Thơ vô căn cứ.
Sự đổ nát của nền giáo dục phi triết lý và phi cứu cánh
Hàng chục năm qua, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không thể định nghĩa cho ra "triết lý giáo dục là gì" và "cứu cánh giáo dục là gì". Đó chính là hậu quả sản sinh ra lớp thầy cô (có lẽ hầu hết là giáo sư - tiến sĩ) trong Hội đồng quản trị trường đại học Duy Tân, với kiến thức phổ thông và kiến thức căn bản về pháp luật của họ quá kém cỏi. Đó cũng chính là hậu quả nối tiếp, mới đẻ ra những loại sinh viên vừa vô minh, vừa ngu dốt, vừa hỗn ẩu và đầy tà tâm khi vụ vạ cho cô giáo của mình.
Môi trường giáo dục "thầy không ra thầy, trò không ra trò" làm cho người dân ngao ngán và thất vọng là điều dễ hiểu. Môi trường giáo dục mất tôn ti trật tự như vậy, tràn lan khắp xã hội mà cô Thơ chỉ là một trong hàng ngàn thân phận "kỹ sư tâm hồn" bị giẫm đạp nhân phẩm rất nhẫn tâm.
Việc sa thải cô giáo Trần Thị Thơ là kết quả không thể chối cãi từ chủ trương nhồi sọ và ngu dân suốt hơn 75 năm qua, kể từ ngày nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam áp đặt ách cai trị bạo ngược lên mảnh đất còm cõi hình chữ S mà nay, người dân Việt Nam vẫn đang oằn mình gánh chịu những hậu quả không thể nào "quyết toán" nỗi, trong trận đại dịch virus Trung Quốc.
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 13/07/2021
https://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/sa-thai-nu-giang-vien-bay-to-n...
***********************
Những vết cắt không tuôn máu
Tuấn Khanh, RFA, 11/08/2021
Bạn có biết rằng một vết cắt từ cạnh của một tờ giấy mỏng, sẽ gây đau đớn và dai dẳng hơn khi bị đứt tay bằng dao không ? Các nhà khoa học cũng ngạc nhiên về điều đó và bỏ công ra tìm hiểu. Rốt cuộc, người ta tìm thấy lý do là dù vết thương do giấy cắt nhìn đơn giản, nhưng thật ra giấy lại có độ linh hoạt, mềm mỏng hơn, nên vết thương nhỏ nhưng trải rộng hơn. Nhìn dưới kính hiển vi, cạnh răng cưa của tờ giấy vết thương từ giấy sẽ làm vết thương rách nát. Nó hành hạ các đầu dây thần kinh ở tay, ngón tay nhiều hơn, lâu và khó lành.
Trường đại học Duy Tân, Đà Nẵng
Câu chuyện của một người tìm cách trò chuyện với cô giáo Trần Thị Thơ, khi còn dạy ở trường đại học Duy Tân, Đà Nẵng, rồi tìm cách ghi âm gài bẫy để chuyển cho ban giám hiệu, cũng không khác nào như vết cứa của tờ giấy vậy. Nghe qua lời kể, dường như đó là học trò của cô Thơ. Mọi thứ nhầy nhụa và thật đau đớn.
Trong một tiết học, khi cô Thơ bộc lộ sự bất bình của mình về việc những người nghèo phải vất vả chạy về quê tránh dịch, tức giận việc nhà nước không chăm lo đầy đủ cho con người trong đại dịch, thì ngay trong lớp học, đã có kẻ chú ý và dàn xếp một cuộc trò chuyện qua mạng internet, tạo cớ để trường đại học Duy Tân đuổi việc cô Thơ. Thậm chí là công an sẽ triệu tập làm việc với cô.
Nhìn qua bản video đang lan tràn trên mạng, người ta nhìn thấy rõ chủ ý của người gài bẫy, khi đặt câu hỏi có tính quyết định, vội lia camera điện thoại vào hình cô giáo Thơ đang nói. Trên khung hình, người ta cũng nhìn thấy rõ sự hèn hạ của kẻ gài bẫy khi chỉ trình bày phần trò chuyện đó không có mặt của mình. Dĩ nhiên, ném đá thì phải giấu tay, tiện nhân thì phải luôn giấu mặt.
"Có dân nước nào chạy 1.500km về quê, như vậy hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém đúng không ?" và "Cô cảm thấy rất nhục nhã vì điều đó. Khi dịch đến, những quốc gia trên thế giới người ta được hỗ trợ rất nhiều, kể cả việc tiếp cận vắc xin, còn chúng ta thì thế nào ? Em lên thử đèo Hải Vân coi, đó mới là sự nhục nhã". Cô Thơ nói như vậy trong video được đem đi trình báo. Sau đó tổ đấu tố cấp đại học của trường đại học Duy Tân vội vã chính trị hóa sự việc, và đi báo công.
Thật ra, có thể cô Thơ biết rõ âm mưu nhắm với cô, qua cuộc đối thoại ấy. Nhưng vì những điều cô nói là sự thật, và cũng là điều mà chính báo chí nhà nước cũng đăng tải, cũng đặt vấn đề, nên cô không từ chối nhắc lại. Đó là cách của một người Việt Nam sống không hổ thẹn với bản thân mình, sống không ngại đối diện thẳng thắn với mọi loại chim chuột đang rình rập quanh mình. Cô đã sống và chấp nhận cho bọn tiểu nhân đắc chí, nhưng đồng thời từ sự lựa chọn của chúng, để phân biệt rõ đâu là súc sinh, và đâu là con người.
Lúc này, mọi dư luận tức giận đều dồn vào ban giám hiệu, vào việc công an sẽ triệu tập một cô giáo trẻ can trường dám nói thẳng suy nghĩ của mình. Nhưng điều cũng đáng nói không kém, là về một lớp người trẻ sẵn lòng lập mưu hèn, kế bẩn, sẵn sàng đấu tố cô giáo của mình như thời man rợ. Ắt cũng đã đọc được tâm hồn và suy nghĩ của những người đang lãnh đạo ở môi trường gọi là giáo dục đó, thì thứ đầu xanh ngu dại tập tành đấu tố ấy, mới tin chắc rằng mình sẽ được trọng dụng khi dàn dựng mọi chuyện. Rõ, không ai bước vào nghĩa trang mà không mang theo nhang đèn, cũng không ai tự bước vào hầm phân mà không đoán trước nơi đó ngập ngụa bọ hung.
Ai đã dựng nên những con người như vậy ? Một thế hệ nhơ nhớp như vậy ?
Câu chuyện của kẻ từ trường đại học Duy Tân hành động như một loại mật vụ rẻ tiền, nó không thể làm sự thật khuất lấp. Nhưng vết thương đó như bị cắt từ mảnh giấy nhỏ, vẫn chảy máu chậm chạp và dai dẳng nhức nhối trong đạo đức và giá trị ngàn đời của người Việt : bán thầy, bán bạn chưa bao giờ lại được hân hoan xiển dương như một thành tựu vào lúc này. Đó là chưa nói cả một hệ thống có học vị đại học, tiến sĩ ngồi lại đồng thuận cho một quyết định ô nhục đến bất ngờ là trơ trẽn phủ nhận sự thật, và từ chối cả người nói sự thật.
Vậy mà hôm nay, điều đó đang xảy ra, gây kinh ngạc đến khó tả cho mọi người dân Việt Nam bình thường.
Xã hội hôm nay vẫn đang hủy hoại mọi sự lên tiếng khác biệt cùng với dàn đồng ca quen thuộc lúc nói xuôi, lúc nói ngược. Đoàn diễu hành huyên náo làm vui cho ông vua cởi truồng của Andersen ở thế kỷ 19, hôm nay cũng không ngại cùng tự trần truồng cho đồng bộ.
Thầy giáo Thái Hạo ở Huế viết trên trang facebook của mình "Duy Tân là sự sỉ nhục đất Quảng, là sự phản bội cụ Phan, là sự khinh bỉ giáo giới và là sự xúc phạm con người". Còn Giáo sư Hoàng Dũng thì viết "tôi thấy nhục nhã cho trường Đại học Duy Tân". Còn nhà thơ Bùi Chí Vinh có cả những câu thơ đau nhói "Tại sao các quốc gia trên thế giới đều đề cao lòng nhân đạo. Tại sao ở đất nước cô, súc vật sướng hơn người ?"
Nhiều lắm, không đếm xuể. Những người Việt Nam từ bần hèn đến trí thức, còn biết nghĩ đến dân tộc mình, nghĩ đến đất nước mình đều có những nhận định cùng chiều như vậy. Tôi đọc không hết, nhớ không hết. Nhưng tôi biết đó không là giận dữ hay cay đắng. Mà thật ra, mọi lời viết ra như thay cho nước mắt khóc vì giống nòi, đau đớn khôn cùng về vết cắt không tuôn máu mỗi ngày, nhưng đang hủy hoại nguyên khí của nước Việt, đang làm đau cả linh hồn của tổ tiên người Việt đã sống và chết cho sự thật.
Những vết cắt tầm thường ghê sợ ấy, tiếc thay đang được nuôi dưỡng, và lại có cả những tập thể ôm giữ sự nhục nhã như một di sản làm vui cho chính bản thân, và cả gia đình mình.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 11/08/2021 (tuankhanh's blog)