Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ai đúng ai sai ?

Vụ việc Đồng Tâm lại khiến dư luận xôn xao khi cơ quan chức năng cả Công An và Quân Đội gửi giấy triệu tập đến người dân.

dongtam1

Một tờ giấy triệu tập của Công an Thành phố Hà Nội - FB Dinh Am Nguyen

Trưởng Công an huyện Mỹ Đức, ông Lê Xuân Văn, nói về thông tin người dân Đồng Tâm bị triệu tập liên quan đến các hành vi mà cơ quan chức năng cho là vi phạm pháp luật trong vụ tranh chấp đất :

"Chuyện triệu tập là hết sức bình thường, cơ quan điều tra của Thành phố họ triệu tập theo luật, có vấn đề gì đâu".

Một người dân ở xã Đồng Tâm, xin giấu tên xác nhận với chúng tôi thông tin nhiều người địa phương bị cơ quan chức năng triệu tập và cũng nói rằng người dân sẽ không làm theo nội dung tờ giấy này bởi vì họ không làm gì nên tội.

Ngoài ra, anh cũng bày tỏ sự không hài lòng khi chính quyền chỉ muốn quy kết tội cho dân Đồng Tâm vì vụ giam giữ 38 cán bộ, cảnh sát cơ động hồi tháng 4, mà không màng đến nguyên nhân vì đâu người dân phản ứng như vậy :

"Nếu người ta triệu tập rồi cố đàn áp thì người ta phải tự hỏi mình xem nguồn cơn từ đâu, chứ đâu có phải cứ như vậy về bắt người là bắt được đâu. Dân người ta không nghe đâu. Sao người ta không khởi tố những người đánh cụ Kình trước đi. Làm như thế là bất công".

Cụ Lê Đình Kình, một trong 4 người bị công an Hà Nội bắt giữ hồi tháng 4 vừa qua, vào sáng ngày 27/8, xác nhận thông tin cụ nhận được giấy triệu tập từ Cơ quan Điều tra Hình sự Bộ quốc phòng cũng như nhiều người khác nhận giấy từ phía Công an Hà Nội.

"Tất cả các giấy triệu tập thực ra bây giờ họ cứ đi làm nhũng nhiễu rất đông. Đến hàng trăm người lận. Cả công an huyện, cả công an thành phố, cả công an xã không những đưa giấy triệu tập mà còn bảo đi đầu thú".

Tuy nhiên theo lập luận của vị cao niên lâu nay theo đuổi vụ việc tại Đồng Tâm, người dân bảo vệ đất nông nghiệp họ nên không có tội gì mà đi đầu thú. Cụ cho rằng phía chính quyền không có quyết định thu hồi đất, giao đất, không giải phóng mặt bằng, đền bù nhưng định lấy đất của người ta thì không sao ; đó là một điều hết sức vô lý.

Khi được hỏi vậy người dân có dự tính đến gặp cơ quan chức năng theo nội dụng giấy triệu tập không, cụ Kình cho biết :

"Dân Đồng Tâm người ta bảo người ta không đi đâu cả, người ta chả có tội gì mà đi đâu cả ! Bây giờ muốn giải quyết cái gì thì về văn phòng Đảng ủy xã Đồng Tâm và mời cán bộ và công dân ra đó để đối thoại. Nếu Viettel hay Mỹ Đức mà vẫn cố về tranh chấp, đến khi xảy ra án mạng thì anh nào sai anh ấy chịu trách nhiệm. Mà dân Đồng Tâm thì không bao giờ sai cả".

Trưởng Công an huyện Mỹ Đức, ông Lê Xuân Văn, nói về thông tin người dân Đồng Tâm có thể sẽ không đến gặp cơ quan chức năng theo giấy triệu tập :

"Theo luật, người ta triệu tập 3 lần mà không đến thì người ta sẽ áp giải.

Nếu có tội thì người ta sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Bọn em đừng có nghe người dân, họ nói thế thôi, chứ bây giờ bắt giữ công an trái phép và giam giữ người trái pháp luật từ ngày 15 đến ngày 22, mà cứ bảo là không vi phạm pháp luật.

Thứ hai, đất là đất quốc phòng. Kết luận thanh tra của Chính phủ và Thành phố có rồi lại cứ bảo là đất của Đồng Tâm.

Người dân cứ ngồi ở nhà bảo không vi phạm gì, nhưng vụ án có hồ sơ, có căn cứ chứ sao bảo không vi phạm gì được.

Còn phạm tội gì thì công an Thành phố và cục điều tra hình sự của Bộ quốc phòng đang thụ lý.

Triệu tập có rất nhiều dạng, có thể triệu tập người bị hại, nhân chứng, có thể anh có liên quan vụ án, có thể anh là bị can, bị cáo,…

Một số đối tượng như ông Kình chẳng hạn, ông đã bị công an thành phố khởi tố rồi. Hay thằng Công, thằng Ba, những nhân vật chính, người ta cũng khởi tố và ra lệnh bắt rồi. Bây giờ người ta tạm thời cho tại ngoại thôi.

Bây giờ người ta triệu tập là theo luật thôi. Nếu anh không chấp hành thì sau này người ta sẽ xử lý theo quy định của pháp luật".

dongtam2

Người dân đặt chướng ngại vật trên một con đường vào xã Đồng Tâm - Courtesy of plo.vn

Quyết giữ đất đến cùng !

Đáp lại những thắc mắc của chúng tôi khi một bên chính quyền muốn gặp người dân để điều tra làm rõ vụ án, còn người dân lại lên tiếng nói rằng họ sẽ không đến gặp, luật sư Hà Huy Sơn, đoàn luật sư Hà Nội giải thích một số khía cạnh pháp lý. Thứ nhất, ông nói rằng phía công an thành phố đã khởi tố vụ án bắt và giam giữ người trái phép và cố ý phá hoại tài sản đối với một số người dân Đồng Tâm. Vì vậy, theo ông, công an có quyền hợp pháp triệu tập người dân. Ông nói thêm :

"Phía Quốc phòng thì tôi không biết người ta đã có quyết định khởi tố hay chưa. Chỉ biết là trong giấy triệu tập người ta ghi là làm rõ vụ án thôi. Nếu có quyết định khởi tố rồi thì triệu tập là hợp pháp.

Trường hợp nếu người dân không đến thì cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp dẫn giải".

Vị luật sư này cũng gợi ý người dân dân nên thuê luật sư để giúp bảo vệ mình ngay giai đoạn đầu. Thêm nữa, nếu việc đi lại đến trụ sở cơ quan điều tra quá xa, ảnh hưởng đến công việc, đời sống hằng ngày thì có thể làm đơn đề nghị với cơ quan điều tra cho phép làm việc hay hỏi cung tại trụ sở công an xã cho gần. Theo ông, điều này luật pháp cho phép.

Ngày 25/7 vừa qua, Thanh tra thành phố Hà Nội chính thức thông báo kết luận toàn bộ đất sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là đất quốc phòng.

Ngay sau đó người dân Đồng Tâm đã bày tỏ bất bình với kết luận này và làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng. Đến thời điểm này là hơn một tháng, cụ Kình cho biết thông tin về việc này :

"Đơn khiếu nại gửi lên Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Thủ tướng nhưng người ta chỉ gửi lại giấy nói là họ đã nhận được thôi chứ người ta về để đối thoại với mình hay trả lời mình là chưa có".

Cụ Kình nói với chúng tôi rằng dân Đồng Tâm sẽ cương quyết giữ đất đến cùng, cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra :

"Chỉ có khi nào Nhà nước có quyết định thu hồi đúng thẩm quyền đúng pháp luật, giải phóng mặt bằng, đền bù thỏa đáng thì lúc đó sẽ giải quyết. Còn bây giờ cứ cái kiểu nhận đất nhưng không có quyết định thu hồi gì cả thì người ta sẽ quyết giữ đến cùng. Nếu cố tình như vậy sẽ xảy ra xung đột".

Cụ ông 82 tuổi này cũng tiết lộ rằng hiện tại khu đất đồng Sênh và sân bay Miếu Môn người dân Đồng Tâm đã tiến hành trồng cây để thể hiện quyết tâm giữ đất của họ.

Published in Việt Nam

Vụ việc vừa qua ở xã Đồng Tâm đã gây chia rẽ đáng kể và củng cố thêm các chia rẽ hiện có trong xã hội Việt Nam, ngay cả sau cuộc "đối thoại lịch sử" giữa chính quyền Hà Nội và dân địa phương.

dt1

Nhà báo tự do Đoan Trang

Xin cố ghép lời bài hát "Ta đã thấy gì trong đêm nay ?" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào hoàn cảnh hôm nay, ngày 22/4/2017, sau khi Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đến gặp và đối thoại với bà con xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

"Ta đã thấy gì trong đêm nay ?

Cờ bay trăm ngọn cờ bay

Rừng núi loan tin đến mọi miền

Gió hòa bình bay về muôn hướng

Ta đã thấy gì trong đêm nay ?

Bàn tay muôn vạn bàn tay

Những ngón tay thơm nối tật nguyền

Nối cuộc tình, nối lòng đổ nát

Bàn tay đi nối anh em…".

Nhưng thực tế không được êm đẹp như trong bài hát : Vụ việc ở xã Đồng Tâm đã gây chia rẽ đáng kể và củng cố thêm các chia rẽ hiện có trong xã hội Việt Nam, ngay cả sau khi đối thoại.

Mâu thuẫn chính quyền - nhân dân

Vụ Đồng Tâm làm nổi bật lên mâu thuẫn bấy lâu nay giữa chính quyền và người dân trong một vấn đề mang tính nguyên tắc cốt tử của thể chế hiện nay : quyền sở hữu đất đai. Sự kiện này đã không xảy ra nếu công an và quân đội không phối hợp cưỡng chế đất của dân cho những mục đích không thỏa đáng và không minh bạch, bất cần đối thoại, tham vấn.

Nó bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết sự nghi ngờ, mất niềm tin của cả hai bên - chính quyền và người dân - vào nhau. Vụ Đồng Tâm có thể đã không kéo dài (từ sáng 15/4 đến chiều 22/4) nếu công an tin được dân mà không tìm cách đe dọa, tấn công dân, và nếu dân tin được công an mà thả con tin. (Thực ra, cho đến giờ phút này, nhiều người vẫn nói rằng thật may mà Đồng Tâm không thả hết 38 cán bộ, chiến sĩ công an ngay một lần, chỉ thả dần dần từng đợt ; nếu không, lấy gì đảm bảo họ không bị bắt và truy tố với những tội danh nặng nề ?).

dt2

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung về gặp người dân và chính quyền xã Đồng Tâm hôm 22/4

Chia rẽ báo chí chính thống - báo chí công dân

Nó gây chia rẽ giữa giới báo chí chính thống và các facebooker - nhà báo công dân. Trong những giây phút căng thẳng đêm 19/4, khi có tin rò rỉ từ xã Đồng Tâm ra ngoài rằng có tới 300 côn đồ đang tấn công vào làng, cộng đồng mạng đã gần như náo loạn. Ngày hôm sau, báo chí "lề phải" trích lời bà con Đồng Tâm nói rằng không có chuyện gì xảy ra cả, chỉ có những tin đồn được tung lên mạng làm nhiễu tình hình. Điều này đã củng cố thêm định kiến của nhiều người về hoạt động đưa tin (nghiệp dư) của các công dân mạng và làm giảm tính chính danh của cộng đồng mạng.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách công bằng rằng : Để xảy ra tình trạng facebooker phải vào cuộc đưa tin, phần lỗi thuộc về một nhà nước hạn chế tự do ngôn luận và của một nền báo chí bị nhà nước kiểm soát. Ngoài ra, nếu ngay từ đầu chính quyền không làm gì sai thì đã không có vụ Đồng Tâm, và nếu không có mạng xã hội lên tiếng - bình luận, phân tích, mở rộng vấn đề thay vì chỉ đưa tin - thì rất có thể Đồng Tâm đã bị đàn áp trong im lặng như những Nghệ An, Thái Bình, Tây Nguyên năm nào.

Ta nhớ đến triết gia Đức Hannah Arendt với cuốn sách nổi tiếng "Bản tường trình về sự tầm thường của cái ác" (1963) và "thí nghiệm Milgram" nổi tiếng của nhà tâm lý học Đại học Yale, Stanley Milgram (1961), theo đó, một người bình thường có thể làm những điều tàn ác khi họ biết rõ họ sẽ không phải chịu trách nhiệm cá nhân. Nếu không bị mạng xã hội biết đến và tố cáo sai phạm, nếu không phải chịu hình thức xử lý nào từ cấp trên và dư luận, lực lượng công quyền chẳng có lý do gì để không mạnh tay đàn áp dân chúng, trong vụ Đồng Tâm cũng như tất cả các vụ tương tự.

Chia rẽ trong làng báo

Bản thân làng báo nội chính ở Việt Nam cũng chia rẽ vì sự kiện Đồng Tâm, nhất là sau khi một số cơ quan báo chí (Đài Truyền hình Việt Nam VTV, báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, báo Hà Nội Mới…) đăng tải những bình luận theo hướng phê phán, thậm chí mạ lị người dân Đồng Tâm. Cái đáng nói là, tuy luôn thể hiện tinh thần "thượng tôn pháp luật", nhưng tất cả đều chỉ đòi hỏi điều ấy ở người dân mà thôi.

Họ không đả động gì tới những kẻ thực sự đã có hành vi nguy hiểm và phạm pháp : dùng bạo lực cưỡng chế đất đai, bắt người trái phép, hành hung ít nhất một người - cụ Lê Đình Kình, 83 tuổi.

Các tác phẩm báo chí và tác giả đó bị nhiều đồng nghiệp công kích. Làng báo càng thêm rạn nứt.

Một trong các chức năng nguyên thủy của báo chí là giám sát, phản biện chính quyền. Trong trường hợp phải lựa chọn giữa bảo vệ nhân quyền và bảo vệ chế độ, báo chí phải đứng về phía dân, đặc biệt là về phía đám đông thầm lặng, người yếu thế, hay nói đơn giản : Vì dân, không vì cường quyền. Nếu suy nghĩ một cách tiêu cực, có thể hiểu đó là sự dân túy, nhưng một cách tích cực thì nên hiểu đó là công lý.

Tuy nhiên, một số đông nhà báo Việt Nam có vẻ đã quên hoặc không biết đến sự lựa chọn bắt buộc ấy.

dt3

Một người dân chào những cảnh sát cơ động khi họ được thả tự do hôm 22/4

Chia rẽ "phe chủ chiến" - "phe chủ hòa"

Có lẽ điều đáng mừng duy nhất trong câu chuyện Đồng Tâm là bạo lực cuối cùng đã không xảy ra. Nhưng cũng chỉ là "có lẽ", bởi thực tế, có không ít ý kiến trên mạng thể hiện sự thất vọng : Họ muốn dân Đồng Tâm quyết tâm phản kháng, chấp nhận đàn áp và đổ máu. Có thể họ nghĩ rằng như thế, ít ra mâu thuẫn cũng sẽ được đẩy đến cùng để rồi tức nước vỡ bờ, còn hơn là kéo dài tình trạng tranh chấp đất đai như hiện nay.

Ý thức về chính trị, pháp luật còn xa vời

Phần đông người dân trong xã hội Việt Nam dường như không nhận thấy một trong các nghĩa vụ quan trọng nhất của quan chức và chính quyền là bảo vệ quyền lợi của dân, nếu không làm được điều đó thì mất chức.

Để làm được điều đó thì lẽ tất nhiên, quan chức, chính quyền phải lắng nghe dân - nghĩa là phải đảm bảo không gian tự do ngôn luận và đối thoại. Do vậy, việc một quan chức như Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đến gặp dân Đồng Tâm để nghe giãi bày là chuyện hết sức bình thường, không có gì phải tán dương.

Song dân chúng đã đón chào ông Chung như đón chào một ông tiên về làng.

Ở dân, điều ấy không đáng trách. Nó chỉ cho thấy dân Việt Nam quá khổ, khi mà hàng chục, hàng trăm năm nay họ đều phải cam phận sống như tầng lớp dưới của chính quyền, không hề có ý thức về sự bình đẳng giữa các công dân, về nghĩa vụ của quan chức với dân…

Ở báo chí - lực lượng luôn tưởng mình đi đầu trong công cuộc khai dân trí - sự tán dương ấy dành cho ông Chung mới là điều đáng ngại.

Tuy vậy, dù sao thì nỗ lực đối thoại của ông Chung với dân Đồng Tâm hôm nay cũng xứng đáng được ghi nhận như là một tiền lệ cho việc quan đối thoại với dân thay vì đối đầu, giải quyết mâu thuẫn thông qua đàm phán thay vì bạo lực.

Và cuối cùng, ý niệm về "tam quyền phân lập", "nhà nước pháp quyền" còn rất xa vời ở Việt Nam, khi mà một lãnh đạo thành phố (nhánh hành pháp) lại quyết định được việc của cả viện kiểm sát, tòa án (nhánh tư pháp), và được báo chí hoan nghênh nhiệt liệt, được dân vỗ tay vang trời - dù rằng đó là quyết định đúng đắn.

Đoan Trang

Nguồn : BBC, 23/04/2017

Blogger Đoan Trang là một Nhà báo tự do sinh sống tại Hà Nội. Bài viết đã được đăng trên tạp chí Luật khoa và được tác giả đồng ý đăng trên BBC Tiếng Việt

Published in Diễn đàn