Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đánh Bắc Triều Tiên : "Chậm lắm là trong sáu tháng ?"

Báo chí Pháp hôm nay tập trung vào hai chủ đề quốc tế : Tổng thống Macron và đề án cải cách sâu rộng Châu Âu, giải pháp quân sự của Mỹ trừng phạt Kim Jong-un trước khi Bắc Triều Tiên xua quân nam tiến.

btt1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un đáp trả phát biểu hiếu chiến của tổng thống Mỹ nhằm vào Bắc Triều Tiên, ngày 22/09/2017. KCNA via Reuters

Nguy cơ chiến tranh Mỹ-Bắc Triều Tiên được Le Figaro trình bày dưới hai góc cạnh : Nhìn từ Washington, xu hướng dùng vũ lực đang được củng cố tại Nhà Trắng. Nhìn từ bán đảo Triều Tiên, Kim Jong-un đùa với lửa.

Thái độ cường điệu của tổng thống Mỹ là phản hồi của xu hướng đồng điệu ủng hộ giải pháp tấn công phòng ngừa. Cho dù phát ngôn viên Nhà Trắng bác bỏ quy buộc của Bình Nhưỡng "Mỹ tuyên chiến với Bắc Triều Tiên", cho dù khẳng định "ưu tiên cho biện pháp áp lực tối đa về kinh tế và ngoại giao" nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy Washington ngày càng nghiêng về "quân sự".

Trước hết là cố vấn an ninh quốc gia, tướng H.R McMaster nói : "Chúng tôi hy vọng tránh chiến tranh với Bắc Triều Tiên nhưng không thể loại trừ khả năng này". Một tướng lĩnh khác, bộ trưởng quốc phòng James Mattis tiết lộ, trong số các kế hoạch quân sự, có phương án "đánh Bắc Bắc Triều Tiên mà không đặt Seoul vào tình trạng hiểm nguy".

Giới doanh nghiệp như Christopher Ruddy, lãnh đạo tập đoàn truyền thông bảo thủ Newsmax, nhận định "Trump rất bình tĩnh vì nghĩ rằng Kim Jong-un là một thằng điên. Tuy tổng thống Mỹ phản ứng chiến thuật nhiều hơn là chiến lược, nhưng tại Nhà Trắng, xu hướng chung là tấn công phòng ngừa".

Chủ nhân tập đoàn truyền thông Newsmax dự báo là "Donald Trump sẽ đánh trong vòng sáu tháng tới để giải quyết cuộc khủng hoảng này". Lý do thứ hai buộc Trump phải hành động. Đó là để khuyến cáo Iran, và bất kỳ một nước nào khác, không nên thách thức Mỹ.

Kim Jong-un đùa với lửa

Trong bài "Kim Jong-un đùa với lửa", từ Seoul, đặc phái viên Sebastien Falletti của Le Figaro cho biết một nguyên nhân khác có thể làm Donald Trump không thể nhượng bộ như người tiền nhiệm Richard Nixon vào năm 1969. Vào thời điểm đó, một máy bay trinh sát của Mỹ bị bắn hạ làm 31 quân nhân Mỹ tử vong khi áp sát lãnh thổ Bắc Triều Tiên, như trường hợp chiếc oanh tạc cơ B-1 hồi tuần trước.

Lần này, tình thế đã đổi khác. Ra-đa của Bắc Triều Tiên không phát hiện được máy bay tàng hình của Mỹ. Theo phân tích của chuyên gia Hàn Quốc Cheong Seong-chang, bên cạnh thực lực quân sự quá yếu kém so với Mỹ, Kim Jong-un còn tính toán sai lầm khi đùa với lửa.

Biết rõ không thể chiến thắng, Kim Jong-un chạy đua trang bị tên lửa và hạt nhân để "đẩy Mỹ ra xa" bán đảo Triều Tiên. Để làm gì ? Để thực hiện mục tiêu sau cùng là xua quân tấn công Hàn Quốc, thống nhất bán đảo. Lo ngại Mỹ đặt Hàn Quốc trước chuyện đã rồi với hệ quả tái diễn chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cho dù đắc cử với cương lĩnh đối thoại, cũng phải tăng cường hệ thống tên lửa và lá chắn chống tên lửa. Thái độ bốc đồng của Trump và Kim đều nguy hiểm như nhau, đối với Seoul.

Cùng nhận định, nhật báo kinh tế Les Echos "bắt mạch" khủng hoảng Washington-Bình Nhưỡng qua phản ứng thị trường chứng khoán Châu Á. Giới đầu tư trong khu vực "tương đối hóa" những tuyên bố bốc lửa của Bình Nhưỡng, bởi vì chế độ họ Kim từ mấy chục năm nay vẫn lớn lối như thế và lần nào tổng thống Mỹ cũng nhượng bộ, kể cả khi bị bắn hạ máy bay trinh sát vào năm 1969.

Tuy nhiên, Les Echos cảnh báo : Tổng thống Mỹ hiện nay dường như "nghe sao hiểu vậy". Bình Nhưỡng coi chừng. Donald Trump đã hăm dọa : Kim Jong-un sẽ không còn quanh quẩn trong xóm được bao lâu nữa đâu.

Điều thay đổi làm giới chuyên gia lo ngại nhất không phải là lời đe dọa quá trớn của ngoại trưởng Bắc Triều Tiên "giành quyền bắn hạ máy bay Mỹ", mà là cách tiếp cận của Nhà Trắng như thế nào. Trong vòng mấy thập kỷ, nhà họ Kim liên tục lên gân rồi xoa dịu và được Mỹ nhượng bộ. Nhưng lần này, đụng một tổng thống thích trò leo thang. Nếu cảm thấy bị đe dọa, Trump có thể ra tay trước với hệ quả tai hại cho Bắc Triều Tiên lẫn toàn khu vực.

Cứu rỗi Châu Âu theo… Macron

Về thời sự Châu Âu, an ninh và chính trị vẫn là hai vấn đề nổi bật nhất. Le Figaro dành hai trang để báo động : Trước mối đe dọa của khủng bố, các thành phố lớn kêu gọi Châu Âu trợ giúp tài chính. Berlin, Luân Đôn, Barcelona, Nice, Liège… vào thứ sáu tới, hơn 30 thị trưởng kéo về Nice để ký một dự án hợp tác chống khủng bố Hồi giáo. 57 % dân Pháp còn tỏ ra ủng hộ những biện pháp an ninh tăng cường, tức là giới hạn bớt tự do, hiện đang được quốc hội bàn thảo.

Trái lại, dự án cải cách Châu Âu của tổng thống Pháp long trọng thông báo hôm qua tại đại học Sorbonne gây tranh luận mạnh mẽ. Tỏ ý đồng thuận, nhật báo Le Figaro chạy tựa lớn : Kế hoạch đầy cao vọng của Emmanuel Macron để cải cách Châu Âu, trong đó Pháp và Đức tiếp tục đóng vai trò trung tâm. Tổng thống Pháp không quên "dành một chổ đứng quan trọng cho Anh Quốc và các nước Balkan".

Trong bài xã luận "cuộc tranh luận về tương lai Châu Âu đã được Pháp khởi động", nhật báo cánh hữu nhắc lại lập trường thiếu dứt khoát của một loạt tổng thống Pháp từ J.Chirac cho đến F.Hollande trên các hồ sơ nhiều tham vọng từ quốc phòng cho đến di dân nhập cư, nông nghiệp. Các đề nghị không đủ mạnh để thu hút công luận ủng hộ. Từ nay, Macron "đảo ngược" tình thế này, đưa ra một mô hình phát triển nhiều vận tốc, trong đó ai cũng có chổ đứng.

Trong khi đó, Le Monde thận trọng hơn, nhấn mạnh đến những khác biệt quan điểm và ưu tiên của Pháp và Đức. Tổng thống Pháp muốn củng cố đồng tiền chung, lập ngân sách chung với một bộ trưởng tài chính và một nghị viện. Trái lại Berlin đang ưu tư về vấn đề di dân nhập cư, vừa làm cho bà Angela Merkel mất đi một số cử tri, và chuyện Anh Quốc ra đi.

Nhật báo Libération, đưa lên trang bìa chân dung tổng thống Macron và chơi chữ : "Người hùng của nhà giàu, sứ thần của Châu Âu". Tuy nhiên, trung thành với vai trò của nhật báo độc lập, Libération dành hai cột báo để phân tích "5 hướng để kích thích Châu Âu đang hụt hơi".

Nhật báo La Croix, mượn ý kinh thánh, chạy tựa dí dỏm : "Châu Âu theo thánh Macron". Vấn đề nghiêm trọng nhất, đáng chăm lo nhất, theo La Croix, là số phận di dân và thuyền nhân : Vì sao Đức Giáo hoàng khăng khăng ủng hộ và kêu gọi ủng hộ đón tiếp di dân tị nạn một cách nhân đạo ?

Bài xã luận "Những khuôn mặt" giải thích : Tín đồ Thiên Chúa Giáo biết rõ, một mình họ đóng góp thì không thể nào đủ sức đối phó với thảm nạn quy mô này. Chiến dịch toàn cầu của tổ chức thiện nguyện Công giáo Caritas đang được phát động, đi đúng hướng đánh thức lương tâm nhân loại, giúp đỡ cho di dân hai lần bất hạnh, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, người già, phụ nữ , trẻ em, vừa thoát thảm cảnh chiến tranh, áp bức lại rơi vào nghịch cảnh phân biệt đối xử.

Trong lĩnh vực kinh tế, hai thông tin được báo chí Pháp tường thuật và bình luận nhiều là chuyện hai tập đoàn công nghệ cao cấp Alstom của Pháp và Siemens của Đức sáp nhập và do Đức lãnh đạo. Nguyên nhân chính là để đối phó với cạnh tranh của Trung Quốc nhưng thêm một ngôi sao kỹ nghệ Pháp lọt vào tay nước ngoài. Tin thứ hai phấn khởi hơn : Chủ tịch nghiệp đoàn chủ nhân Pháp, hướng dẫn một phái đoàn doanh nhân hùng hậu, sang Ấn Độ chinh phục thị trường.

Con người có thể thoát khỏi tình trạng hôn mê sâu ?

Một thông tin phấn khởi khác là một nhóm nghiên cứu Y khoa Pháp, đại học Lyon, thành công vực dậy một bệnh nhân từ trạng thái hôn mê thực vật suốt 15 năm nay trở về trạng thái ý thức tối thiểu. Phương pháp này là dùng điện kích thích thần kinh phế vị từ một máy phát tín hiệu gắn trong thân thể.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Chiến tranh giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên có thể nổ ra ?

Giáo sư Dominique Moisi trên nhật báo Les Echos hôm nay có bài phân tích về "Khả năng nổ ra chiến tranh giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên". Theo ông, việc xảy ra xung đột thường là hậu quả của một cuộc đối thoại giữa những người điếc.

chien1

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tại vùng phi quân sự chia cắt bán đảo Triều Tiên ở Bàn Môn Điếm, ngày 17/04/2017. REUTERS/Kim Hong-ji

Đối với Donald Trump, một nước Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân là điều không thể chấp nhận được, còn với Kim Jong Un, quả bom nguyên tử là bảo đảm cho sự sống còn của chế độ.

Giáo sư Moisi cho rằng vào lúc tình hình bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng, cần tìm hiểu xem các cuộc chiến tranh đã xảy ra như thế nào. Một số cuộc chiến do sự chủ động của một nhân tố, đó là trường hợp Đệ nhị Thế chiến : Hitler ý thức rằng không có nhiều thời gian để thực hiện giấc mơ tạo nên một "trật tự mới ở Châu Âu". Nhưng chiến tranh cũng có thể là hệ quả của một hệ thống liên minh thường là bí mật, tác động như một trò chơi domino, đây là nguyên nhân xảy ra Đệ nhất Thế chiến.

Nhưng đa số cuộc chiến thường hậu quả diễn dịch sai lầm về ý định và hành động của phía bên kia. Cả Ai Cập lẫn Israel đều không muốn lao vào cuộc xung đột tháng 6/1967, nhưng không ai chịu lùi bước trước nguy cơ xảy ra chiến tranh. Ví dụ về cuộc chiến tranh Triều Tiên từ 1950 đến 1953 làm cho nhiều triệu thường dân và quân lính bị thiệt mạng cần được đặc biệt chú ý - vừa do thời sự nóng bỏng, vừa phải so sánh giữa hiện tại và quá khứ.

Cuộc chiến Triều Tiên : Bình Nhưỡng và Moskva ngỡ Mỹ không phản ứng

Khi quân miền Bắc được Liên Xô trang bị vượt qua vĩ tuyến 38 chia cắt hai nước Triều Tiên từ năm 1945, các lãnh đạo ở Bình Nhưỡng và Moskva không chờ đợi gì khác hơn là sự phản đối mạnh mẽ của Washington về ngoại giao.

Trong bài diễn văn đã đi vào lịch sử ngày 12/01/1950, ngoại trưởng Mỹ thời đó là Dean Acheson đã bỏ sót, không nêu Hàn Quốc trong danh sách các quốc gia được Mỹ bảo hộ. Hoa Kỳ đã không phản ứng khi cộng sản lên nắm quyền tại Trung Quốc, thì việc gì phải lo lắng cho số phận của Hàn Quốc ? Đó không phải là lợi ích sống còn đối với an ninh nước Mỹ.

Ý định tấn công có thể chỉ từ cá nhân Kim Nhật Thành (Kim Il-sung), nhà độc tài Bắc Triều Tiên, được Stalin ủng hộ. Liên Xô tin rằng cuộc chiến tranh này sẽ dẫn đến một chiến thắng chắc chắn. Tuy nhiên thực tế lại khác hẳn. Tổng thống Mỹ Harry Truman quyết định phải chấm dứt tình trạng sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, và sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản. Bình Nhưỡng đã đi quá trớn.

Khi Donald Trump tuyên bố "Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên thì nước Mỹ sẽ tự lo", liệu Bắc Kinh có chịu lắng nghe ? Đành rằng quan điểm của Trung Quốc về bán đảo Triều Tiên đã có những chuyển động. Một nhà sử học Trung Quốc chuyên về chiến tranh Triều Tiên là giáo sư Thẩm Chí Hoa (Shen Zhihua) mới đây đã cho rằng "Hàn Quốc có thể trở thành bạn của Trung Quốc, trong khi Bắc Triều Tiên đang trở nên kẻ thù tiềm năng".

Sự chọn lựa khó khăn của Bắc Kinh

Bắc Kinh có thể bực tức trước chế độ Bình Nhưỡng, cũng như Moskva khó chịu trước một Damascus khó kiểm soát, nhưng cả Trung Quốc lẫn Nga đều không sẵn sàng thay đổi đồng minh. Trung Quốc có thể gây áp lực kinh tế nặng nề lên Bắc Triều Tiên, đang lệ thuộc để sống còn, nhưng Bắc Kinh có muốn vậy chăng ? Bắc Triều Tiên vẫn là "vùng đệm" trước sự hiện diện của quân Mỹ ở Châu Á, đối phó với mối đe dọa một nước Triều Tiên thống nhất dưới sự lãnh đạo của miền Nam.

Sự chọn lựa không dễ chịu chút nào đối với Bắc Kinh : hoặc ủng hộ một đồng minh khó chịu đựng nổi, hoặc giúp cho phần thắng nghiêng về Hoa Kỳ trong cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc. Nhưng điểm đặc biệt lần này nằm trong tính cách cá nhân các nhà lãnh đạo. Washington nay công khai đưa ra kịch bản trừ khử các lãnh đạo Bình Nhưỡng, trong khi Bắc Triều Tiên nói sẽ sử dụng ngay vũ khí nguyên tử nếu Mỹ tấn công.

Đối với các lãnh đạo Bình Nhưỡng, quả bom nguyên tử là bảo đảm cho sự tồn tại của họ, khác với Iraq của Saddam Hussein. Còn đối với Mỹ, sự hiện diện của một Bắc Triều Tiên vô trách nhiệm, bốc đồng mà lại có vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được – vừa cho tương quan khu vực Châu Á, vừa về hình ảnh của Hoa Kỳ trên thế giới.

Khi thúc đẩy Trung Quốc gánh lấy trách nhiệm, Washington đã gởi đến Bắc Kinh một thông điệp phức tạp : "Các vị cho rằng cũng mạnh như tôi, vậy thì hãy chứng minh đi !". Nhưng theo giáo sư Moisi, đó cũng là lời cảnh cáo "Đừng quên rằng chúng ta chưa ngang hàng".

Vấn đề là ở chỗ Washington và Bắc Kinh có thể làm cho lãnh tụ của một "giáo phái" nắm quyền từ 60 năm qua ở Bình Nhưỡng trở thành trọng tài cho sự ganh đua Mỹ-Trung. Và, từ khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng, vì nước Mỹ còn là cường quốc Châu Á.

Vì tất cả những lý do trên, cần suy ngẫm thêm về cuộc chiến tranh Triều Tiên trước đây. Có những cuộc chiến đã bắt đầu mà không ai lường trước được, là hệ quả của sự khinh suất từ bên này, và sai lầm trong tính toán của bên kia.

Bắc Triều Tiên : Hình ảnh quá khứ của Trung Quốc

Cũng về Bắc Triều Tiên nhưng Le Figaro chú ý đến một khía cạnh khác, đó là đất nước này đang "mê hoặc người Trung Quốc" theo một cách riêng. Nhiều du khách từ Hoa lục bỏ tiền đi tàu trên dòng sông biên giới Áp Lục (Yalu) để khám phá một Trung Quốc trong quá khứ.

Đan Đông, thành phố Trung Quốc nằm ở bên kìa dòng sông Áp Lục chỉ cách Bắc Triều Tiên có vài trăm mét, nhưng dường như cách xa nhiều năm ánh sáng. Bên này là những tòa nhà hiện đại, nhà hàng, quán bar sang trọng ; còn bên kia, là những căn nhà thô sơ, các tòa nhà buồn thảm theo kiểu xô-viết và vài nhà xưởng. Sự tương phản càng nổi rõ vào ban đêm, khi ánh đèn néon rực sáng ở thành phố Liêu Ninh, còn Sinuiju của Bắc Triều Tiên chìm trong bóng tối. Chỉ có một tia sáng xuyên qua bóng đêm, soi rọi bức tượng Kim Nhật Thành ở quảng trường trung tâm.

Năm 2015, có khoảng 90.000 du khách Trung Quốc mua tua đi dọc biên giới Bắc Triều Tiên. Đan Đông với khoảng một trăm công ty du lịch, mỗi ngày tổ chức cho 100 đến 500 khách đi đến Sinuiju hay tận Bình Nhưỡng, nhưng hàng ngàn khoảng mấy trăm người tò mò chọn đi tàu tham quan trên sông Áp Lục với giá vé 70 nhân dân tệ (gần 10 euro).

Đó là "cỗ máy đi ngược thời gian", đối với lớp trẻ muốn xem Trung Quốc trong thập niên 60 và 70, thời của cha mẹ họ, như thế nào. Hành khách trang bị máy ảnh, gậy selfies, ống dòm, tha hồ chụp ảnh và quan sát. Dưới cái nhìn thương hại của các công dân nền kinh tế thứ nhì thế giới, những người dân quê Bắc Triều Tiên làm nông bằng những bàn tay trần, đằng xa, những người lính xách từ xô nước dưới sông chất lên xe bò, dân làng đi bộ hoặc đi xe đạp…

Khi chuyến tham quan kết thúc, vang lên những lời thương cảm : "Họ nghèo khổ quá, tội nghiệp !", nhưng thật ra, khách du lịch Trung Quốc mừng thầm vì nếu không mở cửa, họ cũng sẽ chịu số phận tương tự.

Tập Cận Bình khóa miệng tỉ phú tố cáo tham nhũng

Cũng trên lãnh vực xã hội, Le Figaro cho biết "Bắc Kinh muốn khóa miệng một nhà tỉ phú lưu vong". Đó là ông Quách Văn Quý (Guo Wengui), đại gia địa ốc đang tị nạn tại Hoa Kỳ, từ thứ Tư tuần trước đã bị Interpol cho vào danh sách báo động đỏ theo yêu cầu của Trung Quốc.

Trong cùng hôm đó, ông Quách Văn Quý đang trả lời phỏng vấn trên đài VOA, thì bỗng nhiên bị dừng lại. Cuộc đối thoại dự trù thời lượng ba tiếng đồng hồ, như vậy chỉ kéo dài có một giờ. Nhà tỉ phú 50 tuổi trong những tuần lễ gần đây liên tục tố cáo các cựu lãnh đạo cũng như quan chức cao cấp Trung Quốc đương nhiệm là tham nhũng, đã hứa hẹn sẽ có những tiết lộ chấn động.

Theo nguồn tin nội bộ từ đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, thì cuộc phỏng vấn bị ngưng do chính quyền Bắc Kinh can thiệp. Ông Quách Văn Quý cho biết sẵn sàng đưa ra ánh sáng các vụ làm ăn của gia đình ông Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng, một trong những đồng minh quyền lực nhất của Tập Cận Bình. Nếu đây là sự thật, rõ ràng chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" của ông Tập chỉ nhằm tiêu diệt các đối thủ.

Nhà chính trị học Lâm Hòa Lập (Willy Lam) ở Hồng Kông nhận định : "Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn không thật sự nhắm vào đám con cháu thuộc phe đang nắm quyền trong đảng, vẫn đang tiếp tục kiếm rất nhiều tiền nhờ mối quan hệ". Xì-căng-đan này diễn ra vào thời điểm bất lợi cho ông Tập Cận Bình : sắp diễn ra Đại hội Đảng. Hình ảnh ông Tập có thể bị ảnh hưởng, và đấu đá nội bộ sẽ càng khốc liệt hơn.

Buồn vui bầu cử tổng thống Pháp

Kết quả cuộc bầu cử tổng thống vòng một hôm qua chiếm trang nhất của tất cả các báo Paris ra hôm nay. Les Echos đăng ảnh hai ứng cử viên lọt vào vòng hai là Emmanuel Macron và Marine Le Pen, chạy tựa "Macron trên tuyến đầu đối mặt với Le Pen". Tương tự, trang nhất của La Croix cũng là ảnh của hai ứng viên này với dòng tựa "Macron – Le Pen, một thế trận mới". Nhật báo thiên tả Libération chơi chữ "Chỉ còn một bước nữa" đối với người sáng lập phong trào "Tiến bước !", còn tờ báo thiên hữu Le Figaro đưa tít "Cánh hữu nốc-ao". Le Monde ra từ hôm trước chạy tựa "Chìa khóa cho một cuộc bầu cử vượt khỏi mọi quy chuẩn".

Bài xã luận của nhật báo Libération than thở : với chiến thắng của Macron, thành công tương đối của Le Pen, sự sụp đổ của Fillon và sự đột phá của Mélenchon, đất nước thật thảm hại. Một nước Pháp từ hai thế kỷ qua vẫn gồm hai phe tả hữu, nay phải chọn lựa giữa một nhân vật cánh trung mới nổi và một chính khách cực hữu.

Vòng hai sẽ là sự đối mặt giữa chủ nghĩa tự do mang tính xã hội và chủ nghĩa dân tộc, mở cửa và đóng cửa, một Châu Âu đoàn kết và nước Pháp đơn độc. Trên nguyên tắc thì ứng viên trẻ Macron sẽ giành thằng lợi, nhưng Mặt trận Quốc gia lại đạt được tỉ lệ phiếu bầu cao nhất trong lịch sử. Nếu cuộc đua này trở thành một cuộc đối đầu giữa giới bình dân và lớp tinh hoa, thì không ai có thể nói chắc được điều gì, và tờ báo cánh tả cảnh báo nên cảnh giác.

Bài xã luận mang tựa đề "Một sự lãng phí khổng lồ" của Le Figaro tiếc nuối cho "một cánh hữu mà chiến thắng đã thấy trước mặt, hôm qua đã bị loại ra ngoài cuộc đấu". Lần đầu tiên trong lịch sử, ứng cử viên cánh hữu vắng bóng trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Theo tờ báo, Emmanuel Macron chắc chắn sẽ trở thành tân tổng thống, và trong hai tuần nữa, ông François Hollande sẽ phải trao chiếc chìa khóa điện Elysée cho cựu bộ trưởng kinh tế của mình. Một ngày nào đó cần phải viết lại lịch sử của "vụ cướp" chính trị của thế kỷ - theo Le Figaro.

Tờ báo thiên hữu nhấn mạnh, không nên nhầm lẫn giữa thất bại của một cá nhân - do các sai lầm, khuyết điểm của chính ứng viên, sự tấn công của các đối thủ, của truyền thông và bị phe mình bỏ rơi. Nhưng ý tưởng của ông Fillon – tự do trong kinh tế, thực tế về tài chính, trật tự xã hội, tự hào dân tộc – đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết cho nước Pháp trong thời buổi bất định này.

La Croix không tỏ ra ngạc nhiên, nhưng cho rằng kết quả vừa rồi là một trận địa chấn mà những cơn dư chấn sẽ còn kéo dài. Tờ báo hy vọng Emmanuel Macron, "thiên thạch được quới nhơn phò trợ" sẽ chiến thắng trong vòng hai để nước Pháp tiếp tục gắn bó với Châu Âu, hiện đại hóa kinh tế và chính trị. Còn tác giả Bernard Spitz trên Les Echos lạc quan nhận định, đây là khởi đầu cho một kỷ nguyên mới. Một tổng thống trẻ, hiểu rõ doanh nghiệp, nắm được công nghệ mới, sẽ mang lại một hình ảnh tích cực cho nước Pháp. Donald Trump có thể tweet "France is back", và ông Barack Obama càng tin rằng "Yes we can".

Thụy My

Published in Quốc tế