Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

25/04/2017

Nạn kẹt xe, làm từ thiện, giá thịt giảm ở Việt Nam

Tổng hợp

Giải quyết nạn kẹt xe bằng cách nào ? (RFA, 24/04/2017)

Để giải quyết nạn kẹt xe tại các thành phố lớn, Việt Nam dự định giảm lượng xe máy và hạn chế số người sử dụng phương tiện di chuyển cá nhân này trong thời gian tới.

vn1

Giao thông ở Hà Nội hôm 29/1/2016. AFP photo

Phải giải quyết từng bước

Tại buổi hội thảo hôm thứ năm 20 tháng Tư ở Sài Gòn, với nội dung kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn thành phố, giới hữu trách cùng các chuyên gia cho rằng lượng xe máy cá nhân đông đảo và ngày càng tăng cao là nguyên nhân gây tắc nghẽn giao thông thành phố.

Phó giáo sư tiến sĩ Phạm Xuân Mai, Đại học Bách khoa Sài Gòn, cho biết trung bình mỗi năm lượng xe máy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tăng 7 đến 8%. Ông nói thành phố có 98% hộ gia đình dùng xe gắn máy là tỷ lệ cao nhất thế giới, trong lúc qui chuẩn và diện tích đất cho giao thông lại thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn của một thành phố lớn trên thế giới.

Để giải quyết thực trạng này, các chuyên gia cho rằng một lộ trình rõ ràng là điều cần thiết song song với việc phát triển các dự án chuyên chở công cộng trên toàn thành phố.

Đây không phải lần đầu tiên mà từ năm 2011 Việt Nam đã ban hành chủ trương giảm thiểu cũng như hạn chế xe mô tô, xe gắn máy tại các đô thị. Bước sang năm 2012, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai Nghị quyết chính phủ cấm xe máy trên một số tuyến đường vào những giờ nhất định. Khi đó, ông Hồ Nghĩa Dũng, nguyên bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói rằng Việt Nam còn phải sống chung với xe máy ít nhất 10 năm nữa vì hạn chế phương tiện chuyên chở thông dụng phố biến này là cả vấn đề phức tạp.

Với chủ trương được nhắc lại trong buổi hội thảo hôm 20, phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỹ của Trung tâm Công nghiệp môi trường cho rằng phải từng bước một chứ không thể làm ngay một lúc mà được :

Việt Nam cuối cùng cũng phải giống các nước khác thôi, vì bây giờ xe máy lộn xộn quá. Tôi đi nhiều mà tôi chẳng thấy nước nào có xe máy lưu thông nhiều như ở Việt Nam cả. Tôi nghĩ trước mắt cứ đưa ra định hướng thế xong rồi cứ hạn chế từ từ, thí dụ hạn chế đăng ký xe mới, xe cũ dần dần không xài nữa thì phải vất đi, cho đến lúc nào đó thì xe máy sẽ hết.

Bên cạnh đó thì phải tăng cường những phương tiện công cộng khác ví dụ xe buýt, tàu điện ngầm.... Mạng lưới công cộng sẽ phải đi đến mọi ngõ ngách khác nhau thì dân sẽ quen và dần dần họ sẽ bỏ xe máy. Tôi nghĩ nó sẽ phải như thế, đó là chiều hướng chung phải tiến đến như các nước khác thôi.

Bà Hà Trần, thành viên HealthBridge, tổ chức NGO đang hoạt động tại Hà Nội, cho rằng hạn chế xe máy, mà bà gọi là xe cơ giới cá nhân, là một giải pháp đứng đắn :

Nhận thức được việc giảm xe cơ giới cà nhân là một tín hiệu đáng mừng vì đó là xu thế tất yếu thôi, nhận thức về việc giảm phương tiện giao thông cá nhân cơ giới là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên thực hiện như thế nào là vấn đề cần phải bàn, Có rất nhiều phương cách hạn chế chứ không phải là cấm đoán bởi vì cấm đoán coi như không thân thiện với người dân, không tính được đến nhu cầu của người dân.

Tôi nghĩ mình có thể dùng phương pháp theo hướng là ưu tiên cho những người đi bộ, đi xe đạp hoặc giao thông công cộng nhiều hơn là phương tiện giao thông cơ giới cá nhân. Chúng ta phải xem xét lại phương pháp qui hoạch thành phố, làm thế nào ưu tiên cho giao thông công cộng nhiều hơn. Đấy mới là giải pháp bền vững chứ cấm đoán các thứ thì nó không được bền vững.

Theo ông Tùng, người sử dụng xe máy trong sinh hoạt hàng ngày như bao nhiêu người khác ở Hà Nội, cho biết hạn chế để tiến tới loại bỏ xe máy ra khỏi các đô thị sẽ gây khó khăn bức xúc cho những người đang chạy xe máy như ông.

Tuy nhiên, ông nói tiếp, nếu để giải quyết ách tắc giao thông thì đây là việc phải làm nhưng không thể một sớm một chiều cũng như áp dụng qui định cứng rắn mà được :

Sự thiệt thòi đó là sự cơ động trong cuộc sống. Đặt trường hợp tôi là nhân viên văn phòng tôi nghĩ tôi sẽ sử dụng xe buýt hoặc nếu có tàu điện trên cao hay tàu điện ngầm nhưng hiện này thực chất là giao thông công cộng ở Việt Nam chưa đáp ứng được.

Cấm xe máy thì cứ nêu ra nhưng việc giải quyết chưa có hoặc là lâu quá vẫn chưa thấy. Nếu mà cấm ngay bây giờ thì nó thiệt hại rất lớn về đi lại rồi về kinh tế nữa. Trước mắt là việc đi lại rất khó khăn, thứ hai là nó sẽ tăng chi phí.

Đối với phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sĩ, Trung Tâm Công Nghiệp Và Môi Trường, nếu giảm thiểu tối đa lượng xe máy trong thành phố cũng có nghĩa là giảm thiểu đến năm sáu chục phần trăm lượng khí thải từ khói xăng các xe gắn máy :

Thực ra dân Việt Nam có thói quen không tốt lắm, vài trăm thước cũng cứ nhảy lên xe máy đi chứ không đi bộ. Nếu tính toán thì ở các đô thị Việt Nam khí thái xe máy chiếm khoảng 50, 60% góp vào ô nhiễn không khí. Nếu để xe máy nhiều thì ô nhiễm sẽ gia tăng, còn nếu hạn chế được hết thì đã giảm được khoảng 50 đến 60% nghĩa là tốt hơn cho môi trường.

Được biết Bộ Giao Thông Vận Tải Việt Nam dự kiến cuối 2017 đầu 2018 thì Hà Nội sẽ đi vào vận hành những kilômét đầu tiên, khoảng 10 Km, của xe điện ngầm. Sàu Gòn cũng sẽ vận hành những tuyến xe điện ngầm ngắn tương tự vào cuối 2019 đầu 2020.

Thanh Trúc, phóng viên RFA

*************************

Chuyện người Mỹ gốc Việt làm từ thiện (RFA, 24/04/2017)

vn2

Cô Betty Nguyễn trong một lần làm từ thiện ở Việt Nam. Courtesy of helpthehunger

Những em bé theo gia đình đến Mỹ trong thập niên 70, khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc nay đã là những người trung niên, họ được gọi tên là "thế hệ 1.5".

Cô Betty Nguyễn, niềm hãnh diện của cộng đồng người Việt ở Mỹ, một xướng ngôn viên làm việc trong các đài truyền hình như CNN, CBS được nhiều người ngưỡng mộ không chỉ vì tài năng và thành đạt mà còn được yêu mến vì công việc thiện nguyện cô làm trong tổ chức "Help The Hungry". Trong một cuộc phỏng vấn với RFA, cô Betty Nguyễn chia sẻ về các chuyến đi làm từ thiện ở nhiều quốc gia, đặc biệt chuyến đi đến Việt Nam để lại trong lòng cô nhiều cảm xúc.

Đồng tâm tình với cô Betty Nguyễn, nhiều người Mỹ gốc Việt "thế hệ 1.5", là những người được sinh ra ở Việt Nam nhưng trưởng thành ở Mỹ đã trở về làm làm thiện nguyện. Tuy nhiên, không phải ai trong số họ cũng thực hiện được mong muốn của mình ở nơi gọi là "chôn nhau cắt rốn".

Anh Luân Nguyễn, một em bé đến Mỹ định cư cùng gia đình lúc 3 tuổi, sau hành trình vượt biển dài 4 tháng. Là con của một quân nhân Việt Nam Cộng Hòa mà gia đình phải bỏ nước ra đi sau khi thân phụ được thả về từ trại tù cải tạo, anh Luân Nguyễn hiểu biết về Việt Nam khá nhiều qua những câu chuyện kể của ba mẹ cũng như qua sách, báo.

"Luân ở Mỹ từ nhỏ. Luân nghe chuyện về Việt Nam với lại xem trên tivi thấy cũng buồn lắm".

Tham gia trong các tổ chức thiện nguyện "Builder for Christ" và "Neverthirst" cùng sự nhắc nhở của gia đình về kết nối giữa quá khứ gốc gác Việt và tương lai của quê hương Việt Nam, anh Luân Nguyễn lên kế hoạch cho các dự án xây nhà giúp người nghèo sau chuyến du lịch Việt Nam vào năm 2007. Qua tìm hiểu các thủ tục để thực hiện những dự án xây nhà thiện nguyện, anh Luân đành từ bỏ ý tưởng của mình.

"Bên đó nhiều luật lệ khó quá, chính trị và chính quyền cũng khó. Thứ hai là trở ngại về ngôn ngữ. Và thứ ba nữa, tiếng Mỹ gọi là ‘red tape’".

Mặc dù bận rộn với cuộc sống ở Hoa Kỳ và những chuyến đi xây nhà, đào giếng ở các quốc gia Nam Mỹ và Châu Á, anh Luân Nguyễn vẫn luôn nhớ đến người dân nghèo khó tại Việt Nam và hy vọng những thủ tục rườm rà quan liêu ở quốc gia này sớm gỡ bỏ để anh có cơ hội xây lên các căn nhà ấm cúng cho những người không may mắn mà anh gọi là "đồng bào".

Ấn tượng về quê hương

Đến Mỹ lúc 3 tuổi giống anh Luân Nguyễn, nhưng chị Grace Bùi lại không có khái niệm gì về đất nước nơi chị chào đời cho lắm. Như lời chia sẻ với RFA, chị Grace nói rằng khái niềm về Việt Nam chỉ đơn giản là một quốc gia nhỏ bên kia bờ Thái Bình Dương, không được tiến bộ và sạch sẽ nên không nằm trong danh sách những quốc gia chị muốn đến du lịch. Tuy nhiên, chuyến đi Việt Nam hồi năm 2007 để dự đám cưới một người bạn đã làm thay đổi cuộc đời của chị Grace Bùi.

Đầu tiên là cảm nhận khi máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất :

"Khi máy bay sắp đáp xuống phi trường thì tự nhiên mình có cảm giác rất kỳ lạ. Mình cảm nhận là mình đã đến chỗ này một lần. Mình nhìn khung cảnh thì rất lạ, giống một chỗ mình mới đến thôi. Nhưng sâu thẳm trong lòng mình tự nhiên cảm thấy có sự gắn kết nào đó với nơi này, giống như một người bị mất trí nhớ mà bây giờ họ đang cố gắng nhớ lại một chỗ nào đó biết rằng đã tới nhưng không thể nhớ được".

Vỏn vẹn chỉ một tuần trong chuyến đi Việt Nam, chị Grace có quá nhiều điều để nhớ và lưu tâm. Từ một em bé bán vé số từ chối nhận tiền chị cho để xin được trả cho một bữa ăn cùng các bạn bán vé số khác, cho đến :

"Khi đang đi trên đường đến Lãnh sự quán Mỹ ở Sài Gòn thì Grace nhìn thấy một nhóm người ngồi ở trước cửa. Tự nhiên họ tới có mấy giây thôi và giăng các bảng lên. Grace không biết mấy người đó đang làm gì nên bước lại xem và được một người nói cho biết những người này bị mất đất cho nên họ đến để cầu cứu. Grace đang đứng chụp hình thì công an đến đuổi và làm dữ lắm. Sau đó Grace thấy họ bị bắt lên lên xe buýt, nhanh lắm, 5 phút thôi".

Trở về Mỹ, những hình ảnh, những con người, những câu chuyện ở Việt Nam thôi thúc chị Grace Bùi tìm hiểu và kể từ đó, chị khám phá được ý nghĩa của từ "dân oan Việt Nam" là gì :

"Thực sự nếu nói chính phủ lấy đất của dân thì xảy ra nhiều chỗ lắm, không chỉ ở Việt Nam. Nhưng ở Việt Nam, chính phủ lấy mà không có trả tiền. Bên Mỹ, nhiều lúc có những chỗ chính phủ cần làm đường hay gì đó thì họ vẫn lấy, nhưng họ trả tiền cho mình. Và nếu dân chúng không đồng ý thì họ cũng không làm gì được. Nhưng bên Việt Nam thì khác, không cho thì chính phủ vẫn lấy. Năm 2010 Grace trở lại Việt Nam một lần nữa và tìm những người bị mất đất nói chuyện với họ. Đó là tại sao Grace bắt đầu làm việc với những người dân oan bên Việt Nam".

Càng hiểu biết về tình trạng người dân bị mất đất đai, nhà cửa, ruộng vườn khắp nơi ở Việt Nam, chị Grace nghĩ rằng chị cần phải làm điều gì đó để giúp họ. Nhưng chị cũng chưa có được một ý tưởng nào rõ ràng nào nên chị quyết định dành thời gian 3 tháng đi Việt Nam vào năm 2014. Và trong chuyến đi này, chị đã bị Chính phủ Hà Nội trục xuất :

"Khi đến Hà Nội, Grace lại một chỗ kêu là Công viên Mai Xuân Thưởng, thời gian đó dân oan ở chỗ này rất đông. Đến nơi thì công an không cho vô. Mình đứng ở ngoài nói chuyện với một vài người thôi. Lúc đó họ thấy và bắt cóc Grace 12 tiếng đồng hồ".

Vụ việc xảy ra đã 3 năm, nhưng khi nhắc lại, cảm giác tiếc nuối trong lòng chị Grace Bùi vẫn nguyên vẹn :

"Mình cũng hơi buồn là đã mất cơ hội để mình có thể trở lại Việt Nam làm một vài điều mình đã mong muốn. Nhưng mình cảm thấy (Chính phủ) Việt Nam chưa có sẵn sàng cho những người giống như mình. Tại vì những người khác đi Việt Nam, khi họ làm từ thiện là họ phải thuận phục chính phủ, theo những điều chính phủ đặt ra, nhưng Grace lại không như vậy. Do đó, Grace biết mình sẽ không bao giờ có thể giúp được cho người dân của mình ở Việt Nam".

Không có cơ hội giúp những dân oan trong nước cũng như ý tưởng mở lớp thiện nguyện dạy tiếng Anh và vi tính cho các bạn sinh viên nghèo tại Việt Nam bị dang dở, chị Grace Bùi quyết định đến sinh sống tại Thái Lan để giúp cộng đồng người Thượng trốn chạy khỏi Việt Nam tìm quy chế tị nạn.

Nhân dịp 30 tháng 4 năm nay, một số những người Mỹ gốc Việt, thế hệ ‘1.5" mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc như anh Luân Nguyễn và chị Grace Bùi đều chia sẻ tâm nguyện làm thiện nguyện ở Việt Nam luôn thôi thúc họ ; thế nhưng cánh cửa làm từ thiện của Chính phủ Hà Nội vẫn chưa rộng mở.

Hòa Ái, phóng viên RFA

*****************

Khốn đốn vì giá heo giảm xuống mức kỷ lục (RFA, 25/04/2017)

vn3

Một nông dân vận chuyển heo hơi ở Tiền Giang. AFP photo

Giá heo tiếp tục giảm xuống đến mức mà Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn cho là thấp ở mức kỷ lục nên trong ngày 24/4, bộ này phải triệu tập cuộc họp khẩn để tìm cách giải quyết vấn đề.

Do cung vượt cầu

Báo trong nước ngày 24/4 đưa tin cho biết giá heo tại một số trang trại miền Bắc đã xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay. Cụ thể, giá thịt lợn hơi chỉ còn 16.000 đồng/kg cho loại đẹp. Trước đó khoảng nửa tháng, giá heo thịt mặc dù xuống thấp hơn nhiều so với mọi năm nhưng vẫn trụ được ở mức khoảng 25.000/kg.

Đài Á Châu Tự Do đã liên lạc với anh Nam, là chủ một trang trại nuôi heo ở miền Bắc và được cho biết :

Bây giờ giá xuống, lợn không bán được lại cộng thêm dịch bệnh nhiều. Dịch bệnh nhiều ảnh hưởng đến năng suất. Hơn nữa giá cám thì lên, mà giá heo thì xuống. Tức là giá đầu tư cho một cân heo thì tăng mà giá trị của con heo lại giảm nên không có lợi nhuận. Hiện tại chắc chắn nuôi heo là không có lãi, lỗ là chắc chắn !

Anh Nam cho biết thêm rằng hiện tại nơi anh ở người dân không dám đổ xô vào nuôi heo như trước nữa. Ai đang trót nuôi thì duy trì số lượng hiện tại, còn ai đã xuất chuồng được rồi thì không dám tái đàn nữa :

Lợn thịt thì tồn mà lợn con lại không bán được. Những người nuôi thịt lại không tái đàn nên lợn con không bán được. Thứ hai là lợn thịt đến ngày xuất mà không xuất được nên không có người nuôi nữa.

Chắc là do người chăn nuôi phát triển ồ ạt quá nên mới dẫn đến tình trạng hiện tại, chứ không thể đổ cho Nhà nước được. Đây là chuyện sớm muộn thôi.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, suốt tháng 3/2017, giá thu mua lợn hơi tại Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long đã giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với thời điểm cận và sau Tết. Tính chung trong quý 1 năm 2017, giá lợn hơi biến động giảm. Ngay vào thời điểm cận Tết, giá lợn hơi tại Đồng Nai đã ở dưới giá thành 26.000-30.000 đồng/kg.

Theo các nguồn thông tin chúng tôi tìm hiểu, để nuôi được 1 tạ lợn hơi, người nông dân phải đầu tư từ 2 - 2,2 triệu đồng tiền cám, cộng thêm chi phí giống, khấu hao chuồng trại, thuốc thú y, nhân công... tổng cộng hết khoảng 3,6 - 3,7 triệu đồng/tạ. Tuy nhiên với giá heo hiện tại là 1,6 – 1,7 triệu đồng/tạ, trung bình mỗi con lợn hiện gánh lỗ khoảng 2 triệu đồng. Trước đây thời điểm cao nhất giá lợn tăng lên 5,2 triệu đồng/tạ nên bà con phấn khởi chạy theo con heo kiếm sống.

Bà Hoàng Thị Bích Hằng, chủ tịch Hội Nông dân Đồng Nai cho chúng tôi biết về thực trạng chăn nuôi heo tại địa phương :

Bây giờ người ta nuôi nhiều nên lượng cung vượt quá lượng cầu. Đồng Nai cũng có nhiều người thông qua lái buôn họ nói họ mua về Trung Quốc chứ thực tế như thế nào mình đâu có biết bởi vì họ không ký hợp đồng chính thức với nông dân nên nông dân không nắm được.

VIETNAM-THEME-FOODS

Một quầy bán thịt heo trong chợ ở Hà Nội. AFP photo

Mặc dù giá heo bán tại chuồng xuống thấp nhưng người dân phản ánh rằng giá thịt heo tại chợ hay các siêu thị vẫn cao ổn định khoảng từ 55.000 đồng – 110.000 đồng/kg tùy từng loại. Như vậy người nuôi heo khổ sở vì giá xuống, còn lái buôn vẫn lời trên 2 triệu đồng một con heo khoảng 1 tạ. Theo phân tích của các chuyên gia tình trạng giá heo hơi thấp nhưng thịt đến tay người dân giá vẫn cao là do hệ thống phân phối của thịt lợn tại Việt Nam hiện nay còn qua quá nhiều khâu trung gian. Cứ qua mỗi một khâu giá thịt lại bị đội lên một chút.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách và phát triển chiến lược nông thôn nhận định về nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá heo thê thảm như hiện nay :

Giá heo xuống như hiện nay là do cung vượt quá cầu. Năm ngoái giá heo tăng nên bà con tổ chức sản xuất quá nhiều. Đến thời điểm này số lượng heo được sản xuất là quá cao so với mức tiêu dùng nên giá xuống là theo quan hệ cung cầu.

Trong năm nay rõ rằng thị trường Trung Quốc có vấn đề khó khăn không chỉ với heo mà còn với lúa, và các rau quả khác. Đây là một yếu tố khác cộng thêm vấn đề về chênh lệch cung cầu dẫn đến tình trạng hiện tại.

Giải pháp

Vừa rồi ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho báo giới biết Bộ đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm hãm lại mức cung đang "tăng chóng mặt". Bộ đã yêu cầu các tỉnh rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương, không tăng đàn ồ ạt, nhất là với đàn lợn nái. Đồng thời, đề nghị các địa phương dừng tất cả các dự án xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi mới...Ngoài ra, Bộ cũng cũng đã cử đoàn sang làm việc với cơ quan chức năng phía Trung Quốc nhằm ký kết hợp tác xuất khẩu thịt lợn qua con đường chính ngạch sang thị trường này. Ông cho biết hy vọng chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ được phía Trung Quốc chấp nhận. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn bổ sung thêm một giải pháp để cứu vớt tình hình :

Phương pháp trước mắt là đề nghị ngân hàng khoan nợ, giãn nợ vì hầu hết các hộ nông dân phải vay vốn lớn để đầu tư thức ăn, và giống. Khó khăn này là tạm thời, không phải do hướng đầu tư sai hay công nghệ sai cho nên nếu giúp được bà con trong giai đoạn hiện tại thì thời gian tới họ có thể điều chỉnh lại. Nếu bỏ mặc bà con lúc này thì sẽ rất khó khăn.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho biết hiện tại các tỉnh thành đã đang kêu gọi các nhà máy chế biến, các cơ sở dự trữ cũng tăng mua để kích cầu. Ngoài ra, Nhà nước cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi hạ giá thấp để giảm bớt gánh nặng cho bà con, tạo điều kiện cho họ giữ đàn heo trong một thời gian.

Nông dân Việt Nam vô số lần phải chịu đòn của thương lái Trung Quốc ; sau một vài vụ được mua với giá cao, ai cũng đổ xô vào trồng mặt hàng được thương lái thu ; sau đó nguồn thu đột ngột ngưng lại sản phẩm phải đổ bỏ.

Trong một cuộc trao đổi ngắn với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, người chuyên nghiên cứu thị trường và giá cả của Bộ Công thương từng nhận định rằng sở dĩ tình trạng này xảy ra là do bà con nông dân phát triển nông nghiệp tự phát, theo phòng trào nên rủi ro lớn. Ông cũng chỉ ra rằng trong vấn đề này có cả trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc trang bị kiến thức về thị trường cho người nông dân.

Bộ trưởng Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp khẩn vào ngày 24 tháng tư với mục đích được nói để ‘giải cứu’ ngành chăn nuôi heo, thừa nhận 2 nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng ngại hiện nay. Trước hết là cung vượt cầu và nguyên nhân thứ hai là tổ chức ngành hàng thịt heo của Việt Nam chưa tốt.

Lan Hương, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 737 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)