Phải chăng chính quyền Hà Nội đã chiều theo sức ép của Bắc Kinh khi cho rút tàu khoan dò dầu khí ra khỏi một lô khai thác trên Biển Đông bị Trung Quốc cho là của họ ? Câu hỏi này vừa được nhật báo Úc The Sydney Morning Herald nêu bật ngày 27/08/2017 trong bài viết mang tựa đề "Việt Nam lo ngại rằng sự yếu đuối của Trump làm Trung Quốc mạnh lên - Vietnam is worried that Trump's weakness is making China strong".
Ảnh minh họa : Cờ của của tập đoàn dầu khí Tây ban Nha Repsol trước trụ sở hội nghị thường niên các cổ đông. Ảnh ngày 19/05/2017- Reuters
Theo ghi nhận của nhật báo Úc, người dân Việt Nam lúc này đang có một thú tiêu khiển bất thường : Trên cả nước và trên các mạng xã hội, ở đâu người ta cũng bàn tán, nghi ngờ là chính phủ đang âm thầm đầu hàng một Trung Quốc hung hăng, và gần đây có rất nhiều yếu tố thêm củi thêm lửa cho các tin đồn đó.
Đối với một số người, chính việc Mỹ giảm bớt sự hiện diện rõ ràng trong vùng đã tạo cơ hội cho Bắc Kinh hành động trong hậu trường. Nhiều người khác thì chỉ trích chính quyền ở Hà Nội đặt vấn đề hợp tác kinh tế, hay cái gọi là tình đoàn kết cộng sản, lên trên niềm tự hào dân tộc.
Theo The Sydney Morning Herald, yếu tố gây bàn tán sôi nổi gần đây, làm dấy lên nhiều giả thuyết, là sự kiện dự án khoan dò dầu khí giao cho tập đoàn Tây Ban Nha Repsol bị đình chỉ mà không hề có giải thích.
Một doanh nhân ở Hà Nội thường hay giao dịch với đối tác nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, đã giả định : "Phải chăng vì Trump yếu đuối, cho nên Trung Quốc đã mạnh lên ? Rất có thể ! Người ta cũng lo ngại sẽ có một cuộc chiến tranh khác với Trung Quốc. Tất cả đều rất đáng sợ".
Vấn đề, theo tờ báo Úc, là với chế độ chính trị khép kín, những tính toán ngoại giao đều được giữ bí mật, phần đông – ngay cả giới chuyên gia, như họ đã thừa nhận – đều không biết điều gì xẩy ra, điều đó tạo ra môi trường thuận lợi cho những phỏng đoán lung tung.
Doanh nhân kể trên thừa nhận : "Chúng tôi thật sự không biết điều gì xẩy ra. Nhờ lúc này có internet thì chúng tôi mới thấy là truyền thông của chúng tôi không nói hết sự thật, vả lại chúng tôi cũng không tiếp cận được sự thật đó".
Việt Nam : Một cột trụ chống Trung Quốc bành trướng
Theo nhật báo Úc, Trung Quốc là một chủ đề rất nhạy cảm đối với chính quyền vốn dĩ vững vàng ở Việt Nam. Hơn cả những lời kêu gọi dân chủ, nhân quyền hay duy trì tăng trường kinh tế, chính quyền e ngại nhất những lời chỉ trích từ cộng đồng nhỏ bé của những người đối lập ở Việt Nam nhắm vào điều bị coi là thái độ mềm yếu trước Trung Quốc.
Đối với tờ The Sydney Morning Herald, Việt nam cho thấy là một cột trụ trong việc đối đầu với Trung Quốc.
Trong số 10 nước của khối ASEAN – vốn đã hướng về Trung Quốc từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền ở Mỹ, Việt Nam là thành viên sau cùng công khai thúc đẩy một thái độ cứng rắn hơn chống sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhiều quốc gia khác cũng nêu lên quan ngại, nhưng trong những trao đổi riêng tư, còn Việt Nam thì lên tiếng công khai, và bây giờ hầu như bị cô lập trong việc sử dụng luật quốc tế chống lại Trung Quốc.
Tại một diễn đàn của ASEAN ở Manila vào đầu tháng 8, không lâu sau khi tin về dự án khoan dò dầu khi bị đình chỉ được tiết lộ, Việt Nam công khai khẳng định thái độ chống đối Trung Quốc Theo nhận định của Richard Javad Heydarian, một trợ lý giáo sư về khoa học chính trị ở đại học De La Salle, Manila, thì vào lúc đó, Hoa Kỳ rõ ràng là đã đóng một vai trò mờ nhạt.
Theo ông Haydarian thì đối với những ai chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong vùng, "Trump (tổng thống Mỹ) quả thực là không giúp đỡ gì nhiều... Chúng ta đã thấy một sự mất tin tưởng ghê gớm vào vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á. Ngoại trưởng Mỹ Tillerson không có vẻ gì là đại diện cho một siêu cường quốc (ở diễn đàn ASEAN). Ông ta giống như đại diện cho một nước hạng hai, và ai cũng biết là ở Mỹ ông ta bị cô lập".
Việt Nam nhượng bộ hay lùi bước chiến thuật ?
Theo nhật báo Úc, Việt Nam và Trung Quốc đã trải qua hàng thế kỷ đối kháng và vẫn tiếp tục đối kháng vào thời cận đại này. Cuộc chiến gần đây nhất mà Việt Nam phải đánh, là chống lại người láng giềng to lớn vào năm 1979, và Trung Quốc đã phải ngạc nhiên trước sức kháng cự của quân đội Việt Nam, đã đẩy lùi họ. Sự đối nghịch Việt Nam Trung Quốc thường vượt qua cảm nhận căm hận đối với Mỹ, nước hiện nay được xem là đối trọng then chốt trước tham vọng của Bắc Kinh.
Việc dự án thăm dò của Repsol bị đình chỉ mà không một lời giải thích từ phía chính quyền Việt Nam cũng như Tây Ban Nha, đã làm cho người Việt Nam cảnh giác, và làm cho họ nghĩ là chính phủ tại Hà Nội đã đầu hàng Bắc Kinh ở bên trong hậu trường.
Trả lời nhật báo Úc, một doanh nhân quốc tế thường làm việc với cả Việt Nam, Trung Quốc lẫn Tây Ban Nha, xin giấu tên vì không được quyền phát biểu về chính trị, đã ghi nhận : "Đã có rất nhiều tin đồn chung quanh vụ Repsol, cũng như mỗi khi có tin liên quan đến quan hệ Việt-Trung. Nhưng không thấy có một lý do gì khiến Việt Nam phải làm như vậy (tức là đình chỉ việc khoan dò), ngoại trừ sức ép từ Bắc Kinh".
Theo doanh nhân này, Nếu quả thực là Việt Nam phải lùi bước, đó là vì Hà Nội không có nhiều chọn lựa từ khi Trump lên cầm quyền : "Hoa Kỳ thực sự là để Việt Nam chơi vơi khi bãi bỏ hiệp định TPP", một hiệp định không có Trung Quốc nhưng có Việt Nam.
Một giả thuyết khác được nêu lên là Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa sử dụng sức mạnh, nếu không nghe theo. Tổng thống Philippines Duterte, mà những phát biểu thường không phải lúc nào cũng đáng tin, đã nói là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng gợi lên khả năng này với ông. Và điều này càng làm cho giải thích đáng tin hơn nữa.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nêu bật khả năng chiến tranh sẽ tai hại đối với chiến lược của Trung Quốc, đang cố thuyết phục các láng giềng rằng nên xem Bắc Kinh như là một nhân tố ổn định.
Nhưng việc Việt Nam cho rút tàu khoan đi cũng có thể là chiến thuật của Việt Nam.
Tờ báo Úc trích lời ông Hoàng Việt, một giáo sư về luật biển ở Thành Phố Hồ Chí Minh, cho rằng : "Tôi nghĩ có lẽ đây là một bước lùi ngắn hạn, như để chờ đợi một thời điểm địa chính trị bớt khó khăn hơn... Đây là một vấn đề rất nhạy cảm, rất quan trọng đối với người dân, nhưng chính quyền tuyệt đối không muốn làm Bắc Kinh tức giận".
Tác giả bài báo trên tờ The Sydney Morning Herald tuy nhiên đã kết luận : "Mức độ xây cất không ngừng dọc theo bờ Biển Đông, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển vững vàng đã được xem như là những điều kiện tiên quyết duy trì sự ủng hộ đối với đảng Cộng Sản Việt Nam. Và có lẽ rốt cuộc đấy mới là điều quan trọng đối với Hà Nội, hơn là việc tranh hơn thua với Bắc Kinh".
Mai Vân
Dự án Cá voi Xanh ‘sẽ khởi động khi diễn ra hội nghị APEC’ ? (VOA, 30/08/2017
Dự án Mỏ Khí Cá voi Xanh của tập đoàn Exxon Mobil có thể bắt đầu vào tháng 11, Đài truyền hình Việt Nam VTV loan tin hôm thứ Ba 29/8.
Tập đoàn Exxon Mobil có thể bắt đầu dự án Mỏ khí Cá Voi Xanh vào tháng 11.
Ước lượng mỏ Cá voi Xanh có trữ lượng khoảng 150 tỷ mét khối. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với hãng Exxon Mobil hôm 29/8 rằng ông hy vọng dự án Cá Voi Xanh sẽ chính thức khởi động khi Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra vào tháng 11 năm nay. Dự kiến Tổng thống Donald Trump và các quan chức chính phủ Hoa Kỳ sẽ đến dự hội nghị này.
Việt Nam đang cố gắng chuyển sang sử dụng năng lượng sạch thay vì dùng năng lượng từ các nhà máy điện than. Việt Nam cũng đang lên kế hoạch xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Đài truyền hình VTV đưa tin ông Jon Gibbs, Phó chủ tịch tập đoàn Exxon Mobil phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Trung Đông, cho biết tập đoàn dầu khí của Mỹ sẽ đặt mục tiêu sản xuất khí đốt đầu tiên cho các nhà máy điện của Việt Nam vào năm 2023.
Tập đoàn PetroVietnam, đối tác Việt Nam của tập đoàn Exxon Mobil, cho biết dự án sẽ đóng góp gần 20 tỷ đôla vào ngân sách nhà nước.
Reuter trích dẫn một trang web tin tức của chính phủ Việt Nam cho biết tập đoàn Exxon Mobil đã thành lập một đơn vị thăm dò và khai thác ở Việt Nam, đảm nhận việc phân phối các sản phẩm dầu nhớt cùng các sản phẩm hoá dầu.
Đầu năm nay, Exxon Mobil đã ký thỏa thuận khung phát triển và bán khí đốt từ mỏ Cá Voi Xanh ở Biển Đông với Việt Nam.
****************************
ExxonMobil sẽ bắt đầu khai thác Mỏ khí Cá Voi Xanh vào tháng 11 (RFA, 30/08/2017)
Dự án khai thác khí từ mỏ Cá Voi Xanh tại vùng thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông có thể sẽ chính thức được khởi động bởi tập đoàn dầu khí đa quốc gia Hoa Kỳ ExxonMobil, nhân dịp Hội Nghị Cấp Cao APEC vào tháng 11 tới đây.
Cựu Chủ tịch Exxon Mobil, ông Rex Tillerson phát biểu tại Hội nghị Khí đốt Thế giới ở Paris hôm 2/6/2015. AFP
Thông tin vừa nêu được Đài Truyền Hình Việt Nam loan đi vào tối ngày 29 tháng 8 sau cuộc nói chuyện tại Hà Nội giữa thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc với phó chủ tịch Jon Gibbs phụ trách Châu Á- Thái Bình Dương và Trung Đông của tập đoàn này.
Thủ tướng Việt Nam cam kết chính phủ Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án khai thác khí từ mỏ Cá Voi Xanh được sớm khởi động. Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết tại cuộc gặp giữa lãnh đạo ExxonMobil và bản thân ông ở New York hồi tháng 6 vừa qua, ông đồng ý với nhiều đề nghị của tập đoàn này.
Ông Jon Gibbs được dẫn lời rằng sau lần gặp người đứng đầu chính phủ Hà Nội vào tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Exxon Mobil cho triển khai nhiều hạng mục của dự án.
Vào tháng 3 vừa qua, Exxon Mobil ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án mỏ khí Cá Voi Xanh với Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam- PVN và tỉnh Quảng Nam.
Dự án mỏ khí Cá Voi Xanh nằm tại các lô 117,118, 119 và 120 thuộc thềm lục địa của Việt Nam. Exxon Mobil đã đầu tư 600 triệu đô la vào dự án và theo kế hoạch đến cuối năm 2023, dòng khi đốt đầu tiên của dự án Cá Voi Xanh sẽ được đưa vào bờ.
Phần lớn lượng khí đó sẽ được sử dụng cho các nhà máy sản xuất điện ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Theo dự kiến bên lề Hội Nghị APEC diễn ra vào tháng 11 tới đây ở Việt Nam, thì sẽ có lễ công bố hợp đồng bảo lãnh Chính Phủ tại Quảng Nam trước sự chứng kiến của chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam. Bộ Công Thương của chính phủ Hà Nội có trách nhiệm soạn thảo hợp đồng bảo lãnh chính phủ về việc mua khí của dự án mỏ Cá Voi Xanh.
Tính toán cho thấy hằng năm chừng từ 9 đến 11 tỷ mét khối khí được khai thác từ mỏ này, mang lại cho tỉnh Quảng Nam khoản thu gần 1 tỷ đô la Mỹ.
Ngoài ra dự án sẽ sử dụng từ 3 ngàn đến 4 ngàn lao động có trình độ cao.
Trong khi đó, vào ngày 29 tháng 8, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc có bài bình luận nhắc lại việc vào tháng 7 vừa qua Tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha dừng khoan thăm dò khí đốt tại Biển Đông với Việt Nam sau khi có sự can thiệp của Trung Quốc.
Bài bình luận với tựa đề ‘Việt Nam đừng để Phương Tây làm ảnh hưởng đến mối quan hệ với Trung Quốc’. Bài bình luận dẫn một số ý kiến đăng trên tờ Wahsington Post với kết luận là báo này hy vọng Việt Nam giữ lập trường chống Trung Quốc, cũng như nhiều người Phương Tây muốn thấy Việt Nam đóng một vai trò hàng đầu trong việc chống lại Trung Quốc ở Biển Đông.
Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng nếu Hà Nội làm như thế thì sẽ trở thành một quân cờ để Hoa Kỳ và Nhật Bản giành được được lợi thế địa chính trị. Tuy nhiên theo Hoàn Cầu Thời Báo thì giải pháp ôn hòa cho vụ việc khoan thăm dò như vừa nêu đầu bản tin phản ánh sự chín chắn trong mối quan hệ Việt- Trung.
Hoàn Cầu Thời Báo thừa nhận là ủng hộ của Phương Tây cho Việt Nam trong việc cứng rắn hơn với Trung Quốc về các vấn đề biển phần nào cũng hấp dẫn Hà Nội. Tuy vậy nổ lực như thế của một số nước trong thực tế là vô ích.
Cơ quan ngôn luận này của Trung Quốc nhắc lại hai nước là láng giềng của nhau. Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Hà Nội ; và cả hai đều theo chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản.
Theo hãng tin Reuters ngày 28/08/2017, Trung Quốc sẽ lập một liên doanh để khai thác methane hydrate, còn được gọi là "băng cháy" ở vùng Biển Đông đang tranh chấp.
Trung Quốc thí điểm khai thác băng cháy ở Biển Đông. Ảnh chụp ngày 09/07/2017. Reuters/Stringer
Cụ thể, bộ Tài Nguyên và Đất Đai của Trung Quốc, cùng với tập đoàn dầu khí Nhà nước CNPC và tỉnh Quảng Đông đã quyết định liên kết với nhau để thực hiện một dự án thí điểm thăm dò nguồn methane hydrate ở vùng Biển Đông.
Theo CNPC, dự án thí điểm này được đưa ra sau các cuộc khai thác thử nghiệm thành công vào tháng 5 vừa qua tại vùng Thần Hồ, bắc Biển Đông.
Còn được gọi là "băng cháy", methane hydrate là loại khí bị đông lại thành dạng rắn giống như băng, nằm chôn dưới đáy đại dương. Tuy là một loại nhiên liệu hóa thạch, nhưng băng cháy thải ra lượng CO2 chỉ bằng phân nửa dầu hỏa và than đá, cho nên được xem là năng lượng sạch. Ngoài Trung Quốc, một số nước khác như Nhật Bản cũng đang cố gắng khai thác nguồn nhiên liệu này tại các vùng biển của họ.
Thông tin của CNPC không nêu ra chi tiết về thời hạn cũng như về đầu tư tài chính vào dự án thí điểm nói trên. Chính phủ Trung Quốc đã cho biết sẽ "tích cực phát triển" methane hydrate trong giai đoạn 2016-2020, mặc dù theo các chuyên gia công nghiệp, hiện chưa có công nghệ để giúp khai thác thương mại nguồn tài nguyên này. Giới chuyên gia dự đoán là phải đến 2030 Trung Quốc mới có thể khai thác thương mại methane hydrate.
Thanh Phương
Hải quân Mỹ là nạn nhân các vụ tấn công tin học ? (RFI, 23/08/2017)
Trong thời gian gần đây, tại Châu Á, các chiến hạm Mỹ liên tiếp bị tai nạn, trong đó có vụ mới xảy ra tại eo biển Singapore. Tình hình này khiến Hải quân Mỹ đang tự hỏi phải chăng họ đang là nạn nhân của các vụ tấn công tin học.
Tàu khu trục USS John S. McCain, sau tai nạn đụng tàu chở dầu trong vùng biển Singapore Ảnh ngày 21/08/2017. REUTERS/Ahmad Masood
Một số chuyên gia vẫn nghĩ rằng không thể có chuyện những kẻ xấu gây ra những vụ tai nạn như vậy, bởi lẻ các hệ thống an ninh của Mỹ rất chặt chẽ và phải huy động rất nhiều phương tiện để điều khiển cho hai chiếc tàu đụng nhau. Nhưng đối với các chuyên gia khác, các vụ tai nạn xảy ra liên tiếp không thể là do sai sót của con người hoặc là một sự trùng hợp.
Tuy nhấn mạnh là không muốn suy đoán kết quả điều tra, nhưng tư lệnh đặc trách các chiến dịch của Hải quân Mỹ, đô đốc John Richardson, đã không loại trừ một tác nhân bên ngoài hay một cuộc tấn công tin học đã gây ra vụ đụng tàu giữa khu trục hạm USS John S. McCain với một tàu chở dầu ở eo biển Singapore sáng sớm ngày 21/08/2017.
Đây là vụ đụng tàu thứ hai gây chết người của một chiến hạm Mỹ ở vùng Thái Bình Dương chỉ trong vòng hai tháng và là vụ tai nạn thứ tư kể từ đầu năm đến nay. Ngoài vụ chiếc khu trục hạm USS Fitzgerald đụng một tàu chở hàng ngoài khơi Nhật Bản ngày 17/06, còn có hai vụ khác xảy ra trong năm nay ở vùng Thái Bình Dương mà ít ai biết. Vào tháng Giêng, chiến hạm USS Antietam đã bị đắm gần căn cứ của chiếc tàu này ở Nhật và vào tháng 5, chiếc USS Lake Champlain đã đụng vào một tàu đánh cá của Hàn Quốc, nhưng không có ai bị thương hay chết.
Đô đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, cũng không loại trừ khả năng có hành động phá hoại trong vụ tai nạn ở eo biển Singapore.
Các nhà phân tích thì hiện vẫn không đồng nhất ý kiến trên vấn đề này. Một số chuyên gia cho rằng tai nạn xảy ra là do các thủy thủ đoàn bị quá tải vì phải thực hiện quá nhiều nhiệm vụ trong vùng Châu Á. Họ cũng lưu ý là lái tàu tại vùng này không phải là đơn giản do có quá nhiều tàu bè qua lại.
Nhưng các chuyên gia khác, như ông Itar Glick, giám đốc công ty Votiro, chuyên về an ninh mạng, thì cho rằng rất có thể hệ thống định vị GPS của các chiến hạm Mỹ đã bị gây rối loạn, dẫn đến việc tính toán sai lầm các vị trí. Ông khẳng định với hãng tin AFP : "Tôi tin rằng những tin tặc đó được sự hỗ trợ của một quốc gia, họ có đủ nguồn lực để tiến hành các vụ tấn công tin học". Theo ông Itar Glick, đứng đằng sau các vụ tấn công tin học này rất có thể là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Bình Nhưỡng từng bị nghi tiến hành các vụ tấn công tin học quy mô trong thời gian gần đây. Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh tấn công tin học vào các công ty Mỹ, đặc biệt nhằm mục đích gián điệp công nghiệp.
Về phần mình, ông Jeffrey Stutzman, thuộc công ty an ninh mạng Wapack Lads, cũng nói với AFP rằng "hoàn toàn có thể " là vụ đụng tàu mới nhất chính là do chiến hạm Mỹ bị tấn công tin học.
Nhưng những chuyên gia khác như ông Zachary Fryer-Biggs, một nhà tư vấn, thì cho rằng, cho dù hệ thống GPS có gặp trục trặc, trên tàu vẫn còn có những công cụ khác để thay thế trong việc điều khiển con tàu. Vụ đụng tàu chỉ có thể xảy ra khi nhiều công cụ bị hỏng hóc cùng một lúc. Còn theo lời ông Daniel Goetz, thuộc công ty Mỹ Lantium, rất khó mà gây ra một vụ đụng tàu, vì phải biết rất chính xác vị trí và vận tốc của hai chiếc tàu có liên quan. Mặt khác, ông nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ sử dụng một hệ thống GPS rất an toàn, được mã hóa rất chặt chẽ, hầu như không ai có thể cướp quyền điều khiển con tàu.
Thanh Phương
**************************
Trung Quốc bị nghi đứng sau tai nạn tàu chiến Mỹ ở Singapore (RFI, 25/08/2017)
Vụ chiến hạm Hoa Kỳ USS John S. McCain bị đâm thủng ngay tại vùng biển ngoài khơi Singapore, hôm thứ Hai 21/08/2017, gây chấn động. Đây là vụ tai nạn lớn thứ tư của tàu chiến Mỹ từ đầu năm đến nay. Nhiều người nghi ngờ năng lực của Hải quân Mỹ, tuy nhiên vai trò của Bắc Kinh trong vụ việc này cũng là câu hỏi được đặt ra. Báo Úc The Australian hôm 25/08 có bài : "Trung Quốc bị nghi đằng sau vụ tai nạn tàu chiến Mỹ".
Đô đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương, trả lời báo giới về vụ tai nạn tàu USS John S. McCain, căn cứ Hải quân Mỹ ở Changi, Singapore, ngày 22/08/2017. REUTERS/Calvin Wong
Báo Úc dẫn lời một cựu sĩ quan Hải quân Hoàng Gia Anh, xin ẩn danh, ghi nhận một hiện tượng mà ít người để ý, đó là hoạt động của một tàu chở dầu Trung Quốc, mang tên Guang Zhou Wan, vào thời điểm xảy ra vụ đâm tàu. Các hình ảnh về giao thông hàng hải được ghi lại vào thời điểm đó, cho thấy tàu chở dầu Trung Quốc đã có những chuyển động đáng ngờ, trước khi tai nạn xảy ra.
Một video được Vessel Finder - một trang mạng chuyên theo dõi giao thông hàng hải - cung cấp, cho thấy tàu Trung Quốc đổi hướng bất ngờ, ngay trước khi tàu chở dầu Liberia (thuộc sở hữu của một công ty Hy Lạp, đã đâm vào tàu Mỹ) đột ngột quay ngoắt 90 độ, đâm thẳng vào tàu Mỹ. Việc tàu Liberia đổi hướng 90 độ có thể được giải thích theo ít nhất là hai cách, theo viên sĩ quan. Có thể chiếc tàu này đã đổi hướng vì "hoảng hốt" khi thấy tàu chiến Mỹ di chuyển từ hướng đối diện, nhưng cũng có thể chính con tàu này đã chủ động đâm thẳng vào sườn chiếc tàu Mỹ.
Nhận xét về đoạn video này, cựu chỉ huy Hải quân Anh lưu ý : "Nếu bạn quan sát chuyển động của tàu Trung Quốc từ đầu, bạn có thể thấy tàu Trung Quốc bám sát đúng theo lộ trình của chiếc Alnic MC. Rồi, ngay trước khi chiếc tàu này quay đầu, tàu Trung Quốc đã chuyển hướng về phía phải… đúng vào lúc vụ va chạm xảy ra".
Viên cựu sĩ quan Hải quân cho rằng có thể "lộ trình" của hai tàu Mỹ và tàu Liberia đã bị đánh cắp, và tàu Trung Quốc "có thể đã" đóng một vai trò trong vụ đụng tàu nói trên. Hiện tại còn thiếu thông tin để đưa ra kết luận, đặc biệt là khi mà trong đoạn video nói trên không có lộ trình chính xác của tàu chiến Mỹ, do Vessel Finder chỉ là một trang mạng theo dõi hàng hải thương mại dân sự.
Trong khi đó, một cựu sĩ quan khác có một quan điểm khác, ông cho rằng tai nạn xảy ra là do tàu Mỹ đã có một động thái bất thường gây rối loạn giao thông vào thời điểm này.
Vẫn theo báo Úc, hiện tại Hải quân Mỹ không loại trừ các nguyên nhân do phá hoại, bao gồm cả tấn công tin học, tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, chưa có bằng chứng rõ ràng nào để chứng minh cho giả thuyết về một âm mưu tấn công táo tợn như trên.
Vụ đụng tàu ở vùng biển Singapore là vụ đụng tàu thứ hai gây chết người, và ít nhất là tai nạn thứ tư của Hải quân Mỹ từ đầu năm đến nay. Dù nguyên nhân gì đi chăng nữa, tai nạn nói trên làm gia tăng nghi ngờ vào năng lực của Hải quân Mỹ, đúng vào lúc Hoa Kỳ đang phải tăng cường lực lượng tại khu vực Đông Bắc Á để sẵn sàng đối phó với đe dọa Bắc Triều Tiên, và liên tục thực hiện nhiều chuyến tuần tiễu bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, để ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Cơ hội "tuyệt vời" cho tuyên truyền Trung Quốc
Một loạt các vụ tai nạn tàu chiến Mỹ được báo chí Nhà nước Trung Quốc đăng tải rộng rãi, và được đưa ra như các bằng chứng cho thấy "sự hung hăng" và "những khuyết tật" của Hải quân Mỹ. Trả lời AFP, ông James Char, một chuyên gia về an ninh khu vực, tại Đại học Nanyang, Singapore, nhận xét là : "Đứng từ quan điểm của Trung Quốc, đây là cơ hội tuyệt vời để tuyên truyền". Vụ đâm tàu vừa xảy ra càng khiến quan điểm chống Mỹ của Trung Quốc có thêm trọng lượng, Bắc Kinh hy vọng thuyết phục được các nước Châu Á là "đừng nên tin cậy vào Mỹ" để bảo đảm an ninh cho mình.
Theo Hoàn Cầu Thời Báo, các sự việc này cho thấy khả năng chiến đấu và chất lượng chỉ huy của Mỹ đã "suy yếu đồng loạt". Tờ báo có tiếng thân cận với ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc bảo đảm là công chúng tại Trung Quốc hoan nghênh các vụ này, bởi họ "tức giận" trước các hoạt động quân sự của Mỹ trong vùng.
Một chuyên gia Nhật về chính trị quốc tế, tại Đại học Takushoko, cũng thừa nhận là các vụ đụng tàu không để lại những hệ quả cụ thể đáng kể về mặt quân sự, "các tổn thất về tâm lý", về niềm tin là lớn. Điều này lại càng trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh Tokyo và Seoul lo ngại về các bảo đảm quân sự từ phía đồng minh Hoa Kỳ.
Hạm đội 7 : Thiệt hại nặng đối với hệ thống phòng thủ tên lửa
Về phần mình, giới quân sự Mỹ ắt hẳn đang xem xét kỹ lưỡng về những nguyên nhân và hệ quả của các tai nạn vừa qua, đặc biệt là vụ tàu USS John S. McCain bị đâm.
Taskandpurpose.com, một trang mạng của các cựu binh Mỹ, nhận xét : "Bi kịch USS McCain để lại một hệ quả khủng khiếp đối với hệ thống phòng vệ tên lửa Mỹ".
Hai tàu USS John S. McCain và USS Fitzgerald, gặp nạn ở biển Nhật Bản hồi giữa tháng 6/2017, do đụng phải một tàu hàng Philippines nằm trong số tám khu trục hạm lớp Arleigh Burke, tức thế hệ tàu chiến hiện đại nhất của Mỹ, mà Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ phụ trách khu vực Thái Bình Dương được trang bị. Các tàu chiến lớp này sở hữu hệ thống tên lửa đạn đạo phòng vệ Aegis, có khả năng đánh chặn các tên lửa tầm trung, loại hỏa tiễn mà Bắc Triều Tiên đang dùng để đe dọa các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Việc hai khu trục hạm nói trên phải tạm thời ngừng hoạt động rõ ràng làm suy yếu rõ rệt khả năng tác chiến của Hạm Đội 7, đặc biệt trong lĩnh vực lá chắn tên lửa.
Nguyên nhân sâu xa : Huấn luyện không đủ ?
Military.com, một trang mạng chuyên về quân sự, của các quân nhân Mỹ tại chức cũng như về hưu, thì truy tìm các nguyên nhân căn bản dẫn đến một loạt tai nạn tàu chiến Mỹ ở Thái Bình Dương những tháng gần đây.
Nguyên nhân đầu tiên được các chuyên gia nêu ra là Hải quân Mỹ đứng trước quá nhiều nhiệm vụ phải đáp ứng. 276 tàu chiến phải thực hiện tổng cộng 355 nhiệm vụ trên toàn cầu. Số lượng tàu hạn chế đồng nghĩa là ít thời gian cho việc nghỉ ngơi, cũng như tập huấn. Thủy thủ đoàn thường xuyên phải làm việc với nhịp độ căng thẳng.
Tuy nhiên, tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại các vùng biển Thái Bình Dương, nơi Hải quân Mỹ đang phải đối phó một loạt thách thức khẩn cấp. Một báo cáo hồi 2015 của Cơ Quan Kiểm Toán Chính Phủ Mỹ (Government Accountability Office/GAO), cho biết cụ thể là tàu chiến Mỹ - đồn trú tại Nhật Bản – dành đến 67% thời gian hoạt động cho các chiến dịch, phần còn lại cho các hoạt động bảo dưỡng, mà hoàn toàn không có thời gian cho các hoạt động tập huấn. Trong lúc các tàu đồn trú tại Mỹ giành đến 60% thời gian cho các hoạt động bảo dưỡng và huấn luyện.
Thiếu huấn luyện hiển nhiên sẽ ảnh hưởng đến việc xử trí hiệu quả trước các tình huống trên thực địa, đặc biệt trong bối cảnh có đến 100 trên tổng số 300 thủy thủ của mỗi chiến hạm là người mới, theo quy chế luân chuyển thường niên của Hải quân Mỹ.
Trả lời Military.com về tai nạn đầu tuần tại Singapore, ông Jerry Hendrix, một thuyền trưởng hồi hưu và chuyên gia thuộc một trung tâm nghiên cứu về an ninh (Center for a New Americain Security), nhấn mạnh đến tính chất phức tạp của vùng eo biển Singapore, tuyến đường hàng hải được coi là tấp nập nhất thế giới, đồng thời nêu thêm một lý do quan trọng khác. Đó là chỉ huy hạm đội Mỹ, ông Joseph Aucoin, người vừa bị cách chức, xuất thân là phi công của Hải quân, chứ không phải là sĩ quan tác chiến trên tàu, điều chắc chắn làm hạn chế khả năng xử lý các tình huống phức tạp.
Trọng Thành
*******************
Mỹ : Tai nạn hàng hải không ảnh hưởng đến tuần tra Biển Đông (VOA, 26/08/2017)
Các tai nạn hàng hải của Hải quân Mỹ tại vùng Châu Á Thái Bình Dương gần đây không làm gián đoạn những hoạt động "tự do hàng hải" tại Biển Đông đang tranh chấp, Tư lệnh không quân Mỹ tại Thái Bình Dương ngày 25/6 tuyên bố.
Vết thủng bên hông khu trục hạm USS John S. McCain khi tàu này đậu tại căn cứ Hải quân Changi của Singapore ngày 22/8/2017.
Chiến hạm USS John S. McCain đụng một thương thuyền gần Singapore trong tuần này. Đây là tai nạn thứ tư của hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ trong năm khiến Hải quân Mỹ phải mở một cuộc điều tra sâu rộng và ra kế hoạch tạm thời ngưng các cuộc tuần tra để chú trọng đến vấn đề an toàn.
Trước đây trong tháng, khu trục hạm có phi đạn điều khiển này từng di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của một đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng tại Biển Đông trong chuyến hải hành ‘tự do hàng hải’ mới nhất để chống lại điều mà Hoa Kỳ xem là nỗ lực của Trung Quốc kiểm soát Biển Đông.
Đại tướng Terrence J. O’Shaughnessy, đang thăm Malaysia và những quốc gia khác trong vùng trong tuần này phát biểu vụ va chạm của chiến hạm USS John S. McCain không làm lu mờ khả năng phòng vệ Hoa Kỳ mang đến vùng này.
"Không có thụt lùi trong những hoạt động của Hải quân Mỹ tiếp sau những tai nạn này", Tướng Terrence J. O’Shaughnessy nói trong một cuộc họp báo tại Kuala Lumpur.
"Chúng tôi kiên quyết sẽ hoạt động trên không và trên biển đến bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép".
Trung Quốc bất bình với những hoạt động tự do hành hải của Mỹ gần những đảo do Trung Quốc kiểm soát, nơi Trung Quốc đã lấy đất lấn biển, xây những căn cứ không quân và tăng cường sự hiện diện quân sự.
Căng thẳng gia tăng tại Châu Á Thái Bình Dương trong tháng này khi Bắc Triều Tiên dọa phóng phi đạn đạn đạo về phía đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ tại Thái Bình Dương.
Tướng O’Shaughnessy nói Hoa Kỳ xem những đe dọa này "rất nghiêm trọng".
"Đây là một thời điểm nghiêm trọng trong mối quan hệ với Bắc Triều Tiên…Chúng tôi sẵn sàng đáp ứng kịp thời", ông nói.
Hoa Kỳ đã cho hai máy bay ném bom siêu thanh B-1B bay trên vùng trời bán đảo Triều Tiên trước đây trong tháng để biểu dương lực lượng. Máy bay cất cánh từ căn cứ không quân của Mỹ trên đảo Guam với sự tham gia của các máy bay Nhật Bản và Hàn Quốc trong cuộc tập trận này.
*********************
Mỹ vẫn 'tự do đi lại' ở Biển Đông sau các vụ đâm tàu (BBC, 25/08/2017)
Hoa Kỳ nói các vụ đâm va trên biển của tàu chiến Mỹ trong thời gian vừa qua sẽ không làm gián đoạn chiến dịch "tự do đi lại" ở vùng Biển Đông có tranh chấp, hãng tin Reuters tường thuật.
Hải quân Malaysia đưa ảnh trên Twitter cho thấy dường như tàu USS McCain bị thủng một lỗ lớn bên sườn.
Tuyên bố do Tư lệnh Không quân, Tướng Terrence J. O'Shaughnessy phụ trách khu vực Thái Bình Dương của quân đội Mỹ đưa ra hôm thứ Sáu.
Mới đây nhất, khu trục hạm USS John S McCain đụng độ một tàu hàng ở vùng biển gần Singapore trong tuần rồi, là vụ tai nạn nghiêm trọng thứ tư của hạm đội Thái Bình Dương trong năm nay.
Vụ việc khiến Hải quân Mỹ mở cuộc điều tra đối với toàn hạm đội và có kế hoạch tạm ngưng tất cả các chiến dịch của Hải quân Mỹ trên toàn cầu để kiểm tra an toàn.
USS John McCain cũng chính là chiếc chiến thuyền hồi đầu tháng đã tiến vào bên trong phạm vi cách Mischief Reef (Việt Nam gọi là Đá Vành Khăn) 12 hải lí, nơi Trung Quốc đã bồi đắp đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Hoạt động của tàu khu trục USS John McCain là động thái mới nhất trong điều mà Washington coi là nhằm đáp lại nỗ lực của Bắc Kinh, theo đó muốn hạn chế tự do hàng hải trong vùng biển chiến lược.
Hồi đầu tháng, tàu USS John McCain đã tiến sát phạm vi cách Đá Vành Khăn chưa tới 12 dặm
Tướng Terrence J. O'Shaughnessy, hiện đang tới thăm Malaysia và một số nước khác trong vùng, nói rằng vụ va chạm của tàu USS John McCain không làm ảnh hưởng tới năng lực quốc phòng Mỹ triển khai tại khu vực.
Trung Quốc đã rất khó chịu với các hoạt động của tàu chiến Mỹ gần các đảo do Bắc Kinh kiểm soát.
Việc tàu USS John S. McCain áp sát Bãi Vành Khăn hồi đầu tháng là 'hoạt động tự do hàng hải' thứ ba mà Mỹ thực hiện tại Biển Đông kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, và cũng là lần thứ hai phía Mỹ vào sát địa điểm này.
Hồi tháng Bảy, một tàu chiến của Hoa Kỳ đã áp sát đảo Tri Tôn thuộc Quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc hiện đang nắm quyền kiểm soát, nhưng cả Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Trước đó, hồi tháng Năm, tàu USS Dewey đi vào khu vực cũng cách Đá Vành Khăn chưa tới 12 hải lý.
Việt Nam kêu gọi Đông Nam Á đoàn kết dù có căng thẳng Biển Đông (VOA, 24/08/2017)
Lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam kêu gọi các nước Đông Nam Á đoàn kết hơn nữa vào lúc Việt Nam ngày càng thân cô thế cô hơn trong việc chống lại các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tổng thống Indonesia (trái) và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng duyệt đội danh dự, Jakarta, 23/8/2017
Một bản tin của Reuters cho hay trong chuyến chuyến thăm đầu tiên của một tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam đến Indonesia, ông Nguyễn Phú Trọng nói trong bài phát biểu được chiếu trên truyền hình trong nước hôm 23/8 rằng Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á cần đoàn kết trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Ông Trọng phát biểu : "Đừng để ASEAN trở thành một con bài trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn", nhưng ông không nói rõ thêm ý ông là gì.
Việt Nam lâu nay là nước lớn tiếng nhất phản đối các tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông, nơi lượng hàng hóa giá trị hơn 3 nghìn tỷ đôla đi qua hàng năm.
Dù Trung Quốc khó chịu, Việt Nam đã đòi một hội nghị của ASEAN trong tháng này phải đưa vào trong một tuyên bố những lời văn thể hiện quan ngại về việc xây đảo và chỉ trích động thái quân sự hóa ở Biển Đông.
Trung Quốc đã gây áp lực buộc Việt Nam ngừng khoan dầu hồi tháng trước trong một lô dầu khí của Việt Nam mà Trung Quốc tuyên bố là thuộc chủ quyền của họ. Bắc Kinh cũng đã tức giận về mối quan hệ quốc phòng ngày càng tăng của Việt Nam với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ.
Một số quốc gia Đông Nam Á dè chừng về những hậu quả có thể xảy ra do thách thức Bắc Kinh với việc nêu ra lập trường mạnh mẽ hơn về Biển Đông.
Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, trong khi Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Brunei tuyên bố chủ quyền về nhiều phần của vùng biển, là nơi có các tuyến đường biển chiến lược, cũng như các ngư trường có sản lượng lớn, cùng với các mỏ dầu khí.
Sau Indonesia, dự kiến ông Trọng sẽ thăm Myanmar.
Theo Reuters
********************
Việt Nam kêu gọi ASEAN đoàn kết vào lúc Bắc Kinh lấn lướt ở Biển Đông (RFI, 24/08/2017)
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 23/08/2017 đã lên tiếng kêu gọi ASEAN đoàn kết hơn nữa. Lời kêu gọi được đưa ra tại Jakarta, nhân ngày đầu tiên trong chuyến công du Indonesia 2 ngày của ông Nguyễn Phú Trọng. Hãng tin Anh Reuters đã gắn liền tuyên bố trên với bối cảnh được cho là Hà Nội ngày càng đơn độc trong cố gắng chống lại các hành vi lấn lướt của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Ảnh chụp tại Hà Nội, năm 2016.Na Son Nguyen / AFP
Theo ghi nhận của Reuters, đây là lần đầu tiên, một tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Indonesia, và trong một phát biểu được truyền hình trực tiếp về Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã cho rằng Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á cần có lập trường thống nhất trong vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Không nêu đích danh nước nào, lãnh đạo Việt Nam đã kêu gọi là "đừng nên để cho ASEAN trở thành một con bài trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn".
Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã trở thành nước lên tiếng mạnh mẽ nhất chống lại các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, đã bất chấp phản ứng của Bắc Kinh để thúc giục ASEAN đưa lại những lời lẽ cứng rắn vào thông cáo chung mới đây của Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN, bày tỏ thái độ quan ngại đến việc bồi đắp đảo tại Biển Đông, và chỉ trích việc quân sự hóa khu vực này.
Việt Nam đã bị Trung Quốc đe dọa dùng võ lực nếu không đình chỉ việc khoan dò dầu khí tại một khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh cho là của họ. Trước sức ép này, Việt Nam đã phải cho ngưng khoan dò. Trung Quốc cũng bất bình trước việc Việt Nam tăng cường quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ.
Trong bối cảnh đó, thì một số quốc gia Đông Nam Á, dù cùng trong hiệp hội ASEAN với Việt Nam, lại lo ngại trước những hậu quả có thể xảy ra với họ nếu có lời lẽ chống lại Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
Nhanh chóng phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế
Về quan hệ song phương Việt Nam-Indonesia, chuyến thăm Jakarta của ông Nguyễn Phú Trọng cũng là dịp để hai bên cải thiện quan hệ và giải tỏa căng thẳng nẩy sinh từ hai vụ đối đầu trên biển gần đây do vấn đề đánh cá ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia.
Cuộc hội đàm giữa tổng thống Indonesia Joko Widodo với tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho phép thông qua một số thoả thuận quan trọng trong các lĩnh vực như giáo dục, năng lượng, phát triển làng xã, luật pháp, hàng hải và thủy sản.
Điểm quan trọng nhất trong các thỏa thuận đạt được là quyết định của hai nước đẩy nhanh việc phân định ranh giới các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa hai nước, để tránh những vụ đối đầu như vừa xẩy ra.
Trong một thông cáo báo chí chung, tổng thống Indonesia cho biết là Việt Nam cũng đã đồng ý hợp tác với Indonesia nhằm hạn chế nạn đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Số liệu chính thức của Indonesia cho thấy trong tổng số 75 tàu bị bắt giữ vì đánh bắt trái phép trong năm nay trong vùng biển Indonesia, có đến 63 chiếc đến từ Việt Nam.
Riêng về Biển Đông, tổng thống Jokowi cho rằng hai nhà lãnh đạo đồng ý biến ASEAN thành động lực của hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trọng Nghĩa
**********************
Việt Nam kêu gọi ASEAN đoàn kết giải quyết chuyện Biển Đông (RFA, 24/08/2017)
Trước khi rời Indonesia để sang thăm Miến Điện, ông Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đọc một bài diễn văn quan trọng tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS ở Jakarta, trong đó ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự đoàn kết giữa các nước ASEAN, để cùng giải quyết vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Jakarta vào ngày 23 tháng 8 năm 2017. AFP photo
Trong bài diễn văn đọc tối ngày 23 tháng 8, ông Trọng nói rằng đừng để ASEAN trở thành lá bài cho các cường quốc sử dụng, nhấn mạnh quả có bất đồng nhưng ASEAN phải tiếp tục thảo luận với nhau để có quan điểm chung.
Ông cũng bảo thêm rằng tương lai của ASEAN sẽ bị ảnh hưởng nếu các nước trong tổ chức không có cùng quan điểm.
Ông Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam không nêu tên quốc gia nào trong bài nói chuyện, nhưng được ngầm hiểu là ông muốn nói tới Trung Quốc và áp lực ngoại giao lẫn kinh tế mà chính phủ Bắc Kinh đang sử dụng với một số nước ASEAN, nhắm thúc đẩy những nước này đứng ngoài cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông đang xảy ra giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, Philippines, Brunei và Việt Nam.
Một số nhà quan sát cho rằng mới tháng trước khi ASEAN nhóm thượng đỉnh tại Philippines, phía Việt Nam đã vận động thành công để bản tuyên bố chung có nói đến quan ngại về những hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông, ghi rõ những hành động này có thể làm xói mòn niềm tin, gia tăng căng thẳng và hủy hoại hòa bình, ổn định của khu vực..
Thông cáo chung của ASEAN cũng yêu cầu các bên tranh chấp không được có những hoạt động mang tính quân sự hóa.
Tất cả những lời lẽ này cũng được hiểu là nhằm nói tới Trung Quốc.
Sáng 24 tháng 8, ông tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng Cộng Sản Việt Nam rời Jakarta để đến Miến Điện để thảo luận với các nhà lãnh đạo nước bạn về mở rộng quan hệ ngoại giao, thương mại và đầu tư.
Bản tin được truyền thông Việt Nam phổ biến cho biết buổi chiều cùng ngày, ông Trọng đã gặp Tổng Thống Miến Điện Htin Kyaw.
Anh Quốc khẳng định sẽ tăng cường hiện diện tại Biển Đông (RFI, 20/08/2017)
Ngay trước cuộc tập trận đa quốc gia tại Hàn Quốc diễn ra vào ngày mai 21/08/2017, nhằm đối phó với tấn công hạt nhân giả định từ Bắc Triều Tiên, có sự tham gia của quân đội Anh, báo chí Anh Quốc hôm qua, 19/08, dẫn lời chuyên gia một viện tư vấn về quốc phòng và an ninh hàng đầu, theo đó, Luân Đôn sẵn sàng cử quân đội cùng Hoa Kỳ tham gia các hoạt động bảo vệ luật pháp quốc tế tại Biển Đông và nhiều điểm nóng khác trên thế giới.
Ngày càng có nhiều nước muốn hiện diện quân sự ở Biển Đông để khẳng định vị thế cường quốc. (Trong ảnh : Hải quân Mỹ Nhật diễn tập ở Biển Đông, ngày 21/04/2015) Reuters
Theo báo mạng Anh Daily Express, chuyên gia quốc phòng Anh Trevor Taylor, thuộc Viện Các Quân Chủng Thống Nhất Hoàng Gia Anh (Royal United Services Institute), khẳng định trong thời gian tới Vương Quốc Anh sẽ tham gia nhiều hoạt động quân sự trên thế giới, nhằm thắt chặt quan hệ với các quốc gia ngoài Liên Hiệp Châu Âu, trong bối cảnh Brexit.
Biển Đông - nơi Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền tại phần lớn vùng biển, bất chấp sự phản đối của nhiều nước láng giềng và định chế pháp lý quốc tế - là khu vực được chuyên gia Anh nêu tên trước nhất.
Theo chuyên gia Anh, việc Luân Đôn can dự tại Biển Đông, một mặt là để bảo vệ tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới, tăng cường đóng góp cho an ninh toàn cầu, khẳng định "vai trò quốc tế" của Anh dù sẽ không còn là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, mặt khác, siết chặt quan hệ với Hoa Kỳ cùng các đồng minh khác, như Nhật Bản và Úc.
Cuối tháng 7 vừa qua, trong chuyến công du Úc, ngoại trưởng Anh Boris Johnson từng cho biết sẽ gửi một chiến hạm – mà Anh mới chế tạo - tới Biển Đông để tham gia các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế, cùng với Hoa Kỳ.
Thẩm phán Philippines kêu gọi dựa vào Hiệp Ước Phòng Thủ Chung với Mỹ
Cũng về Biển Đông, lo ngại Trung Quốc chiếm bãi cát Sandy Cay, trong khu vực đảo Thị Tứ (Pag-asa), thẩm phán Tòa Án Tối Cao Philippines kêu gọi Manila đưa quân ngăn chặn, và sẵn sàng viện đến Hiệp Ước Phòng Thủ Chung với Mỹ.
Báo Philippines Star dẫn lời thẩm phán Antonio Carpio, phát biểu hôm qua, 19/08/2017, khẳng định là ông tin rằng Bắc Kinh đã "nuốt lời hứa không chiếm thêm" bất cứ địa điểm nào tại Trường Sa, nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã "gần như chiếm lĩnh bãi cát Sandy", cách đảo Thị Tứ khoảng 2,5 hải lý.
Thẩm phán Tòa Án Tối Cao Philippines hối thúc tổng thống Duterte bảo vệ lãnh thổ, theo cam kết "không nhường một tấc đất nào của Philippines cho Trung Quốc", với biện pháp cụ thể là "đưa tàu chiến" đến bãi Sandy, và nếu Hải Quân Trung Quốc tấn công tàu Philippines, Manila có cớ để viện ra Hiệp Ước Phòng Thủ Chung với Mỹ.
Philippines tiếp nhận một khinh khí cầu radar kiểm soát biên giới biển của Mỹ
Vẫn về quan hệ Philippines – Hoa Kỳ, theo báo Rappler hôm nay, 20/08, người phát ngôn Hải Quân Philippines cho biết ngày thứ Ba 22/08 sẽ diễn ra nghi lễ chính thức tiếp nhận một hệ thống radar theo dõi biên giới biển, do Hoa Kỳ trao tặng. Hệ thống radar khinh khí cầu Tars thường được Hoa Kỳ sử dụng để kiểm soát các vùng biên giới, đặc biệt là để ngăn ngừa nạn buôn lậu.
Theo người phát ngôn Hải Quân Philippines, ông Lincuna, phương tiện này sẽ giúp cho Philippines tăng cường khả năng theo dõi "các hoạt động trên biển và trên không tại các vùng duyên hải".
Cuối tháng trước, Manila vừa nhận từ Hoa Kỳ hai máy bay trinh sát biển Cessna 208B Caravan.
Trọng Thành
**********************
Tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ : Quân đội đòi Manila phản ứng (RFI, 19/08/2017)
Trước thái độ có vẻ dửng dưng của chính quyền Duterte trước lời báo động theo đó Trung Quốc đã cho cả một đội tàu áp sát khu vực đảo Thị Tứ mà Philippines đang kiểm soát tại vùng quần đảo Trường Sa, quân đội Philippines ngày 19/08/2017 đã nhập cuộc. Theo phát ngôn viên Quân Đội Philippines, chính phủ Manila cần nêu vấn đề này ra trước Cơ Chế Tham Vấn Song Phương Trung Quốc-Philippines đã được hai nước thành lập
Ảnh vệ tinh chụp ngày 13/08/2017 cho thấy nhiều tàu cá (số màu đỏ) và ít nhất 2 tàu "chấp pháp" Trung Quốc (số màu vàng), sát đảo Thị Tứ (Trường Sa) ở Biển Đông. AMTI - CSIS
Theo nhật báo The Philippine Star, phát ngôn viên lực lượng võ trang Philippines, tướng Restituto Padilla đã có yêu cầu như trên sau khi Quân Đội Philippines đã chứng thực được sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần đảo Pag-asa, tên Manila dùng để gọi đảo Thị Tứ tại vùng Trường Sa (Biển Đông).
Cơ Chế Tham Vấn Song Phương Trung Quốc-Philippines đã được hai nước thành lập nhằm mục tiêu giải tỏa các mối quan ngại liên quan đến các vùng biển đang tranh chấp giữa hai nước, và đã họp phiên đầu tiên vào tháng 5 vừa qua tại Quý Dương (Trung Quốc).
Đối với tướng Padilla, để tránh xẩy ra va chạm giữa hai bên, Bộ Ngoại giao Philippines phải nêu vụ Thị Tứ ra trước cơ chế nói trên, vì đó là "diễn đàn thích hợp để giải quyết vấn đề".
Về phần mình, theo tướng Padilla, Quân Đội Philippines đang bổ sung thông tin về sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ, vốn đã được dân biểu đối lập Gary Alejano báo động.
Theo ông Alejano, có đến 5 tàu Trung Quốc trong khu vực từ ngày 12/08 đến nay, bao gồm 2 tàu hải quân, 2 tàu đánh cá và một tàu hati cảnh. Đối với ông Alejano, Trung Quốc đang có âm mưu thâm hiểm nhằm chiếm các cồn cát sát đảo Thị Tứ.
Tướng Padilla tuy nhiên chưa xác nhận số lượng tàu Trung Quốc bị phát hiện trong khu vực.
Trọng Nghĩa
*******************
Biển Đông : Trung Quốc chuẩn bị chiến dịch lấn chiếm tại khu vực đảo Thị Tứ ? (RFI, 18/08/2017)
Ngày 14/08/2017 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines cho biết Trung Quốc cam kết sẽ không tiếp tục bành trướng tại Biển Đông, trong lúc ngoại trưởng Philippines tái khẳng định việc Manila đang đàm phán với Bắc Kinh về kế hoạch khai thác chung dầu khí tại các vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, một số nhà quan sát lo ngại khả năng Trung Quốc có thể đang chuẩn bị một chiến dịch lấn chiếm mới tại khu vực quanh một đảo lớn do Philippines kiểm soát.
Máy bay vận tải quân đội Philippines trên đảo Thị Tứ, quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp màn hình : doisongphapluat
Không khí giữa Philippines và Trung Quốc dường như có vẻ tiếp tục đi theo xu hướng hòa dịu và gia tăng hợp tác, như chủ trương của tổng thống Philippines Duterte. Thế nhưng nhiều tiếng nói từ đối lập Philippines, và nhiều nhà quan sát bên ngoài lại ghi nhận Trung Quốc đang có xu hướng gây căng thẳng trở lại ở Biển Đông, cụ thể là tại vùng biển xung quanh đảo Thị Tứ (Pag-asa), quần đảo Trường Sa, do Philippines quản lý (1). RFI xin giới thiệu bài "Biển Đông : Trung Quốc lại làm nóng", của Euan Graham, một chuyên gia về các vấn đề an ninh tại Đông Á, được đăng tải hôm nay, 18/08/2017, trên mạng của Viện Lowy (2).
Nhà nghiên cứu Euan Graham ghi nhận có sự tương phản giữa việc Trung Quốc tuyên bố Biển Đông đang bước vào giai đoạn "tương đối bình yên", tiếp theo việc các nước ASEAN và Bắc Kinh thông qua bộ khung Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) đầu tháng 8 này, với thực tế là Bắc Kinh đã đưa nhiều tàu chiến và tàu bán vũ trang hỗ trợ các ngư dân tại khu vực biển sát đảo Thị Tứ, vào tuần trước, ngay sau hội nghị Manila.
Nhà nghiên cứu Úc dẫn báo Philippines GMA News cho biết tàu Trung Quốc đã bắt đầu có mặt tại khu vực này từ ngày 11/08. Và kể từ ngày 15/08, nhiều cuộc tuần thám bằng trực thăng, xuất phát từ ít nhất một tàu chiến của Hải Quân Trung Quốc, đã được tiến hành tại một số dải cát ở phía tây đảo Thị Tứ.
Nhà nghiên cứu Viện Lowy cũng dẫn lại phân tích của Tổ Chức Minh Bạch Hàng Hải Quốc Tế (AMTI), theo đó Bắc Kinh đang phô trương sức mạnh Hải Quân tại khu vực xung quanh đảo Thị Tứ nhằm gửi tín hiệu răn đe chính quyền Philippines, để ngăn cản Manila trong kế hoạch sửa chữa đường băng sân bay và hoàn thiện một số cơ sở hạ tầng trên đảo Thị Tứ.
Tuy nhiên, theo tác giả, có khả năng mục tiêu thực sự của Trung Quốc là chuẩn bị cho chiến dịch "phong tỏa" đảo Thị Tứ, thậm chí tổ chức "xâm lấn" một trong các dải cát không có người ở tại khu vực phía tây đảo này.
"Một kế hoạch nham hiểm"
Một "kế hoạch nham hiểm" của Trung Quốc là cảnh báo của nghị sĩ đối lập Philippines Gary Alejano. Nghị sĩ đối lập cho hãng tin GMA News hay là tàu kiểm ngư của Philippines đã bị tàu Trung Quốc ngăn chặn tại khu vực cách đảo Thị Tứ khoảng từ 2 đến 7 hải lý.
Nhà nghiên cứu Úc bình luận : Nếu như thực sự có việc tàu kiểm ngư của BFAR (Cơ Quan Ngư Nghiệp và Thủy Sản) Philippines buộc phải quay đầu vì bị tàu Trung Quốc ngăn chặn như vừa nêu, thì rất có thể trong thời gian tới sẽ tái diễn một kịch bản tương tự như vụ Trung Quốc phong tỏa bãi cạn Scarborough hồi năm 2012, từng buộc Manila phải nhường bước, sự kiện cho thấy những hạn chế của Hoa Kỳ trong chính sách can dự tại Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Úc lưu ý nhiều hơn đến việc dải cát Sandy Cay, một trong các dải cát xung quanh đảo Thị Tứ, có khả năng sẽ bị Trung Quốc xâm chiếm trong thời gian tới. Dải cát này đã trở nên nổi tiếng sau cuộc tuần tra "bảo vệ tự do hàng hải" FONOP đầu tiên mà Hoa Kỳ tiến hành tại Biển Đông, do chiến hạm USS Lassen thực hiện, xung quanh rạn san hô Xu Bi (Suby reefs) – nơi Trung Quốc đã xây đảo nhân tạo và nhiều công trình quân sự kiên cố - và một số thực thể địa lý bên cạnh, hồi tháng 10/2015.
Bãi cát Sandy Cay, gần đảo Thị Tứ (Pag-asa), trong bản đồ các hoạt động bảo vệ tuần tra hàng hải Mỹ (FONOP), theo trung tâm Center for Science and International Affairs, trường Harvard Kennedy School, bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Ảnh chụp màn hình : belfercenter.org
Ông Euan Graham nhắc lại : ông đã từng lưu ý về "một hệ quả có khả năng bị coi thường" xuất phát từ hoạt động tuần tra FONOP đầu tiên của Hoa Kỳ. Vào thời điểm này, Washington đã làm nổi bật quan điểm là dải cát Sandy Cay, một thực thể nổi không có người ở, nhưng là "thực thể có thể có thẩm quyền pháp lý 12 hải lý đối với khu vực biển xung quanh", trong đó bao gồm cả đá Xu Bi (nơi Trung Quốc kiểm soát). "Bắc Kinh chắc chắn đã quan tâm đến điều này", ông nhận xét.
Trong phần kết luận bài phân tích, nhà nghiên cứu Úc nhấn mạnh là các hoạt động của Trung Quốc đang diễn ra xung quanh đảo Thị Tứ là đáng lo ngại, vì mang tính "cưỡng bức", và nếu như mục tiêu của các hoạt động này là lấn chiếm dải cát Sandy Cay, thì điều đồng nghĩa với việc căng thẳng tại Biển Đông sẽ bị thổi bùng trở lại.
Ít nhất hai tàu cá Trung Quốc đánh bắt sát Thị Tứ
Báo Rappler của Philippines hôm nay cho biết là Tổ Chức Minh Bạch Hàng Hải Quốc Tế vừa công bố hôm qua một loạt các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy "ít nhất hai tàu cá Trung Quốc" đang hoạt động đánh bắt gần đảo Thị Tứ. Theo thông tin mới nhất của AMTI ngày 13/08, hoạt động của hai tàu cá nói trên được ghi nhận rất rõ. Tổng cộng, ít nhất 9 tàu cá của Trung Quốc hiện diện tại khu vực này, các tàu này được hai tàu "chấp pháp" bảo vệ. Như vậy, thông báo của AMTI xác nhận các thông tin trước đó của nghị sĩ đối lập Philippines (xem thêm : bài Trung Quốc phá hủy môi trường Biển Đông, giới khoa học kêu cứu ).
Thông tin của AMTI được đưa ra đúng vào lúc ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano tiếp tục khẳng định hôm thứ Tư, 16/08, vừa qua, là có thể có tàu nước ngoài vào khu vực này, nhưng "tình hình ở đây vẫn rất ổn định". Trả lời họp báo tại Hạ Viện, ngoại trưởng Philippines trấn an công chúng, và yêu cầu người Philippines nên xây dựng "lòng tin cậy lẫn nhau" với Trung Quốc, giống như với đồng minh lâu đời Hoa Kỳ trước đây. Ngoại trưởng Philippines than phiền về việc có rất nhiều người coi Trung Quốc là kẻ thù, và mỗi động thái của Trung Quốc đều bị phản ứng rất mạnh.
Ông đặt câu hỏi : Tại sao chúng ta không lo ngại về việc Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines ? và ông tự trả lời : Bởi Mỹ là đồng minh của chúng ta.
Manila vừa chìa tay, vừa phòng thủ
Kể từ khi tổng thống Duterte lên nắm quyền, Manila chủ trương xây dựng quan hệ gần gũi với Trung Quốc, với hàng loạt nhân nhượng, bị đối lập chỉ trích là có hại cho chủ quyền quốc gia của Philippines. Trên thực tế, Philippines đang trong tình thế vừa chìa tay ra với hy vọng hợp tác được với Bắc Kinh, nhưng vừa trong tư thế sẵn sàng phòng thủ.
Theo báo chí Philippines, ngoại trưởng Philippines Cayetano – đại diện quốc gia chủ nhà Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN hồi đầu tháng này – cũng chính là người chủ trương không đưa các lời lẽ trực tiếp gợi đến hành vi bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc vào bản Tuyên bố chung ngày 06/08, theo đề nghị của Việt Nam, với lý do Trung Quốc đã ngừng các hoạt động này trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau đó, hôm thứ Sáu tuần trước 11/08, người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Ernesto Abella, khẳng định (3) Manila sẵn sàng thúc đẩy ASEAN nêu vấn đề này trong cuộc họp lần tới, nếu các thông tin về các hành động bành trướng mới đây của Trung Quốc, như AMTI đã đưa ra, là "chính xác" (4).
Trọng Thành
----
(1) Đảo Thị Tứ cũng là đối tượng đòi chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc, và Đài Loan.
(2) Ông Euan Graham là thành viên Lowy Institut, một viện tư vấn về chính trị quốc tế có trụ sở tại Sydney, Úc.
(3) Bài "Phủ tổng thống nêu khả năng ASEAN ngăn chặn các tham vọng chủ quyền của Trung Quốc", SunStar, 11/08/2017.
(4) Theo AMTI, hai ví dụ mới nhất về các xây cất mới của Trung Quốc là tại đảo Cây (Tree Island) và đảo Bắc (North Island), thuộc nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite Group), khu vực phía đông của quần đảo Hoàng Sa.
******************
Trung Quốc cam kết với Philippines không bành trướng thêm ở Biển Đông (RFI, 16/08/2017)
Trung Quốc bảo đảm với Philippines sẽ không chiếm thêm thực thể hay lãnh thổ tại Biển Đông trong một thỏa thuận giữ "nguyên trạng" đàm phán với Manila. Hai bên đồng thời nỗ lực tăng cường hợp tác song phương.
Ảnh minh họa : Phiên họp Quốc Hội Philippines, ngày 22/07/2017. REUTERS/Dondi Tawatao
Phát biểu trước các nghị sĩ tại phiên họp Quốc Hội ngày 14/08/2017, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, Delfin Lorenzana, cho biết : "Trung Quốc sẽ không chiếm thêm thực thể mới tại Biển Đông và cũng không xây thêm công trình trên bãi cạn Scarborough".
Tuy nhiên, ông Lorenzana không đưa ra bình luận trước các nghị sĩ về sự kiện ngày 12/08 khi 5 tầu Trung Quốc áp sát đảo Thị Tứ (Pag-asa) do Philippines kiểm soát trong quần đảo Trường Sa.
Trong khi đó, ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano tuyên bố Manila đang nghiên cứu với Bắc Kinh một "thỏa thuận thương mại" để thăm dò và khai thác dầu khí tại các khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông với mục đích thương mại và kéo dài trong vòng một năm.
Phát biểu trước các nghĩ sĩ, ông Cayetano khẳng định thỏa thuận năng lượng với Trung Quốc không vi phạm Hiến Pháp và sẽ được chia theo tỉ lệ 60-40%, có lợi cho Philippines. Tuy nhiên, ông từ chối đưa ra chi tiết các cuộc đàm phán, cũng như danh tính của công ty năng lượng Trung Quốc sẽ tham gia khai thác.
Các nghị sĩ đối lập, Gary Alejano và Edcel Lagman, phản đối kế hoạch của thỏa thuận năng lượng, bị đánh giá là bất hợp pháp "vì đi ngược với Hiến Pháp vì các khu vực đó thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines".
Theo nhận định của Reuters, thỏa thuận giữa Philippines và Trung Quốc có thể trở nên phức tạp và nhạy cảm vì yêu sách cả hai nước về các nguồn dầu khí. Việc phân chia lợi nhuận có thể được hiểu là hợp pháp hóa yêu sách của Bắc Kinh và Philippines chấp nhận nhường chủ quyền vùng biển đang tranh chấp với Trung Quốc.
Thu Hằng
Để tăng cường khả năng sản xuất điện hạt nhân trên biển, Trung Quốc vừa loan báo thành lập một công ty liên doanh để thực hiện kế hoạch xây đến 20 nhà máy điện hạt nhân nổi ở vùng Biển Đông.
Ảnh minh họa : Dự án nhà máy điện hạt nhân của tập đoàn Nhà nước Trung Quốc - CNNC được trưng bày ở bắc Kinh. Reuters
Theo Hoàn Cầu Thời Báo, ngày 10/08/2017, Tập đoàn Điện Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNP) đã loan báo sẽ hợp tác với 4 công ty khác của Trung Quốc, thành lập một công ty liên doanh mới để xây các nhà máy điện hạt nhân nổi. Công ty mới này, với vốn pháp định là 150 triệu đôla, sẽ phát triển, xây dựng, vận hành và quản lý các cơ sở điện hạt nhân trên biển, sản xuất và bán điện từ các nhà máy này.
Theo thông cáo của CNNP, công ty liên doanh mới sẽ giúp nâng cao khả năng sản xuất điện hạt nhân của Trung Quốc và phù hợp với tham vọng của nước này là trở thành một "cường quốc biển".
Thông cáo của CNNP không nói rõ là các nhà máy điện hạt nhân nổi sẽ được xây như thế nào và đặt ở đâu, nhưng các nhà quan sát nghĩ rằng các cơ sở này sẽ được triển khai ở những vùng như Biển Đông.
Vào đầu năm nay, một lãnh đạo của Cơ quan Quản lý Nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng đã tuyên bố với báo chí rằng việc tăng cường khả năng sản xuất điện hạt nhân là một phần quan trọng trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020) của Trung Quốc. Ông cũng cho biết là Trung Quốc sẽ ưu tiên phát triển các nhà máy điện hạt nhân trên biển để hỗ trợ cho các hoạt động dầu khí ngoài khơi cũng như củng cố sự hiện diện của Trung Quốc ở vùng Biển Đông.
Trong Sách Trắng được công bố năm ngoái, chính phủ Bắc Kinh cũng đã nói đến kế hoạch phát triển các nhà máy điện nguyên tử nổi để hỗ trợ việc khai thác các nguồn tài nguyên biển. Cũng vào năm ngoái, báo chí chính thức của Trung Quốc đã loan báo là nước này dự kiến xây đến 20 nhà máy điện hạt nhân ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh đã xây nhiều đảo nhân tạo, quân sự hóa các đảo đó và tăng cường tuần tra trên biển để khẳng định chủ quyền của họ ở vùng biển này.
Theo các chuyên gia, ngoài việc sản xuất điện cho các cơ sở của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, các nhà máy điện hạt nhân nổi còn giúp giải quyết các vấn đề về cung cấp nước, nhờ các thiết bị khử muối nước biển. Như vậy, các nhân viên dân sự và các binh lính sống trên các đảo xa có thể tự cung tự cấp tốt hơn , tức là sẽ sống ở đây lâu hơn, củng cố sự hiện diện thường trực của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nói cách khác, Bắc Kinh xem việc phát triển công nghệ điện hạt nhân trên biển là biểu hiện cho tư thế một cường quốc biển, củng cố thêm những đòi hỏi chủ quyền của họ và dĩ nhiên là nếu cầu họ sẳn sàng sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ cho những cơ sở hạt nhân thiết yếu này. Như vậy, nguy cơ nổ ra xung đột ở Biển Đông sẽ càng gia tăng cùng với đà triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc.
Thanh Phương
Tàu chiến và dân quân biển Trung Quốc đến sát đảo Thị Tứ (RFI, 15/08/2017)
Một dân biểu Philippines ngày 14/08/2017 đã lên tiếng báo động về các hành vi "bất thường" của Trung Quốc sát đảo Thị Tứ - mà Philippines đang kiểm soát và đặt tên là Pag-asa - tại vùng quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Trả lời báo chí Philippines, dân biểu này lo ngại trước nguy cơ Trung Quốc tìm cách chiếm đóng các cồn cát gần đảo Thị Tứ.
Binh sĩ Philippines trên đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp ngày 11/05/2015. AFP PHOTO / POOL / RITCHIE B. TONGO
Theo dân biểu Gary Alejano, các nguồn tin từ quân đội Philippines cho biết là đã có đến 5 tàu Trung Quốc, bao gồm hai hộ tống hạm, một tàu hải cảnh và hai tàu cá lớn, bên trên có chở vố số dân quân biển, xuất hiện tại khu vực sát đảo Thị Tứ từ hôm 12/08 vừa qua.
Trả lời báo mạng Rappler của Philippines, ông Alejano lo ngại rằng Trung Quốc "có thể đang có một kế hoạch thâm hiểm nhằm chiếm đóng những cồn cát nằm ngay ở phía tây đảo Thị Tứ", thường được người Philippines đang sống trên đảo Thị Tứ dùng làm nơi câu cá hay ăn picnic.
Theo chính khách Philippines này, còn có tin cho biết là tàu cá Trung Quốc đã xông ra ngăn chận, không cho tàu ngư chính của Philippines tiến vào khu vực.
Cho dù tàu Trung Quốc thường xuất hiện gần đảo Thị Tứ, vốn chỉ cách Đá Xu Bi, một trong bảy hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng tại Trường Sa và bồi đắp thành tiền đồn, khoảng 20 hải lý, đây là lần đầu tiên mà tàu Trung Quốc áp sát những bãi cạn chỉ cách đảo Thị Tứ không đầy 3 hải lý.
Thị Tứ là một trong những đảo đá lớn nhất tại vùng quần đảo Trường Sa, do Philippines kiểm soát, nhưng cũng bị Trung Quốc, Việt Nam đòi chủ quyền. Trên đảo Thị Tứ có một phi đạo ngắn, đủ cho vận tải cơ C.130 đáp xuống, với khoảng 100 người thường xuyên cư ngụ, bao gồm cả binh lính, công chức lẫn dân thường.
Theo báo Philippine Inquirer, trong một cuộc họp báo hôm nay, dân biểu Alejano đã không ngần ngại tố cáo ý đồ lấn chiếm của Trung Quốc và kêu gọi chính quyền Manila đề cao cảnh giác, rút kinh nghiệm từ chiến thuật Bắc Kinh dùng vào năm 1995 để chiếm đóng Đá Vành Khăn (Mischief Reef) từ tay Philippines :
"Các sự kiện này rất khả nghi và đáng ngại căn cứ vào việc Trung Quốc luôn nói công khai một đằng, nhưng trong thực tế lại làm một nẻo khác. Ví dụ như việc ngư dân Philippines vẫn tiếp tục bị Hải Quân hay Hải Cảnh Trung Quốc sách nhiễu ở Biển Tây Philippine (tên Manila đặt cho Biển Đông). Đừng quên những gì đã xảy ra vào năm 1995 khi họ chiếm lấy Mischief Reef".
Đối với dân biểu Alejano, chính quyền Philippines phải xử lý vụ việc này một cách nghiêm túc và đòi Trung Quốc rút tàu ra khỏi khu vực đảo Pag-asa, và gởi công hàm phản đối ngoại giao một cách thích đáng.
Trọng Nghĩa
**********************
Tàu chiến Trung Quốc áp sát đảo Thị Tứ ở Trường Sa (RFA, 15/08/2017)
Tàu chiến Trung Quốc áp sát đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa. Nghị sĩ Philippines Gary Alejano ngày 14 tháng 8 dẫn nguồn tin quân đội cho biết 5 tàu Trung Quốc xuất hiện gần các bãi cạn ở phía Tây đảo Thị Tứ kể từ hôm 12 tháng 8.
Đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa AFP
Trang mạng Rappler loan tin nói rõ trong số 5 con tàu này có 2 tàu hộ vệ, 1 tàu tuần duyên và 2 tàu cá cỡ lớn.
Trong phiên họp Hạ viện Philippines, ông Alejano cho biết đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc tiến gần đến những bãi cạn thuộc hòn đảo ở khoảng cách chưa đầy 5 kilomet rưỡi. Đồng thời ông cũng cảnh báo về nguy cơ Trung Quốc có thể xâm chiếm các bãi cạn ngay phía Tây Thị Tứ, và có thể sử dụng các ngư dân để tấn công hòn đảo này bằng cách ngăn chặn, gây rối ngư dân và tàu công vụ.
Hiện Trung Quốc chưa bình luận gì về phát biểu của ông Alejano.
Đảo Thị Tứ nằm trong quần đảo Trường Sa và hiện đang do Philippines quản lý ; và Việt Nam tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
******************
Tàu Trung Quốc xuất hiện gần đảo Thị Tứ, Phi lo ngại ý đồ Bắc Kinh (VOA, 15/08/2017)
Người phát ngôn quân đội Philippines, Đại tá Edgard Arevalo, hôm 15/8 cho biết chính quyền Philippines đang tìm cách xác minh các bản tin tường trình về những hoạt động khả nghị của nhiều chiếc tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứở Biển Tây Philippines, Việt Nam gọi là Biển Đông.
Đảo Thị Tứ (còn gọi là đảo Pagasa) là đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa, gần Philippines.
Theo trang tin tức Rappler.com, dân biểu Hạ viện Philippines Gary Alejano dẫn các nguồn tin từ quân đội, báo cáo về "các hoạt động bất thường rất khả nghi của tàu chiến và tàu tuần duyên Trung Quốc cùng ‘một lực lượng dân quân biển’ gần đảo Thị Tứ. Dân biểu Alejano cho biết trong số 5 tàu Trung Quốc xuất hiện gần các bãi cạn ở phía tây đảo Thị Tứ từ hôm 12/8, có 2 tàu hộ tống, một tàu tuần duyên và 2 tàu cá cỡ lớn.
Trong số 5 tàu Trung Quốc xuất hiện gần các bãi cạn ở phía tây đảo Thị Tứ từ hôm 12/8, có 2 tàu hộ tống, một tàu tuần duyên và 2 tàu cá cỡ lớn.
Dân biểu đối lập này của Philippines còn tiết lộ rằng cách đây hai ngày, ông nhận được tin rằng một chiếc tàu của chính phủ Philippines, thuộc Phòng Sinh thái Nghề Cá và Tài nguyên Thủy sinh vật, đã bị chặn, không cho tới gần các bãi cạn nằm về hướng Bắc đảo Thị Tứ.
Bản tin nói dân biểu Alejano đã nêu lên sự cố này với Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana tại Hạ viện Philippines tối hôm 14/8 trong các cuộc thảo luận về ngân sách Bộ Quốc phòng.
Dân biểu Alejano cảnh báo Trung Quốc có thể có kế hoạch nhằm xâm chiếm các bãi cạn ở phía tây Thị Tứ. Ông nói ông lo lắng Trung Quốc có thể sử dụng "lực lượng dân quân biển" tức là ngư dân, dể tấn công đảo Thị Tứ.
Đảo Thị Tứ, Philippines gọi là đảo Pag-asa, là đảo lớn nhất tại quần đảo Trường Sa, hiện do Philippines chiếm đóng, nhưng là nơi Việt Nam cũng tuyên bốthuộc chủ quyền của mình.
Tàu Trung Quốc thường xuyên xuất hiện gần đảo Thị Tứ nhưng hình như đây là lần đầu tiên các tàu này tiến gần đến cách các bãi cạn của hòn đảo này chưa đầy 5,5 km.
Đại tá Thuỷ quân Lục chiến Arevalo nói sẽ cần vài ngày trước khi có thể kiểm chứng thông tin này. Ông nói :
"Tôi tin rằng vấn đề này giờ thuộc thẩm quyền của Toán đặc nhiệm Biển Tây Philippines".
Người phát ngôn quân đội Philippines nói ông sẽ không bình luận thêm về vấn đề này cho tới khi đã thấy được toàn cảnh tình hình hiện nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana nói ông tin tưởng Trung Quốc sẽ không chiếm đóng thêm lãnh thổ, lãnh hải nào khác trong Biển Đông, dựa trên một "thỏa thuận sống chung hòa bình" mà ông nói đã được Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano điều giải.
Việt Nam hiện có 48 cơ sở trên 27 đảo, bãi đá và bãi ngầm ở khu vực Quần đảo Trường Sa, theo Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), một tổ chức chuyên nghiên cứu, cập nhật thông tin, phân tích và trao đổi chính sách về các vấn đề an ninh hàng hải thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS).
Hình ảnh so sánh cho thấy quy mô cải tạo đảo Trường Sa của Việt Nam
Con số này không bao gồm hai cơ sở xây cất trên Đá Núi Le (tên tiếng Anh là Cornwallis South Reef) vốn bị bão gây hư hại hồi cuối năm 2015 và hiện không rõ bị bỏ hoang hay là không, bài viết đăng đầu tháng Tám 2017 của AMTI nói.
Sự quan tâm quốc tế nổi lên sau các tường thuật được đưa ra trong thời gian cuối tháng Bảy theo đó nói Việt Nam buộc phải ngưng các hoạt động dầu khí ở Lô 136-3 ở Bãi Tư Chính (tên tiếng Anh là Vanguard Bank) do sức ép từ Trung Quốc.
Việt Nam đã tiến hành xây cất, cơi nới, bồi đắp trên 10 trong số các đảo, bãi đá mà Hà Nội nắm quyền kiểm soát ở Quần đảo Trường Sa, và tính đến nay, Việt Nam đã bồi đắp được thêm 120 acre diện tích tại các địa điểm này, theo AMTI.
Tuy nhiên, đáng chú ý là đa phần cơ sở mà Việt Nam xây cất tại Quần đảo Trường Sa không nằm trên các hòn đảo mà chủ yếu được dựng nổi trên các bãi ngầm, các rặng đá, AMTI nói, bởi vậy, các 'tiền đồn' này cực kỳ dễ bị tấn công trong lúc khả năng phòng ngự hoặc giao nhận đồ tiếp tế lại khá hạn chế.
Tàu ngầm Kilo 636 hiện đại đầu tiên của Hải quân Việt Nam mang tên Hà Nội
Ý thức được điểm bất lợi, kể từ 2014, khi quan hệ Việt - Trung xấu đi trầm trọng sau vụ Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển mà Hà Nội tuyên bố là của mình, Việt Nam đã mở rộng các cơ sở trên biển. Tuy nhiên, mức độ tăng cường mới chỉ được thực hiện ở quy mô khiêm tốn.
Phóng viên BBC Bill Hayton trong bài tường thuật hôm 24/7 dẫn nguồn trong ngành dầu khí Á Châu theo đó nói rằng giới lãnh đạo của Repsol, nhà thầu dầu khí ký hợp đồng thăm dò khai thác ở Lô 136-3 với Việt Nam "được chính phủ tại Hà Nội thông báo rằng Trung Quốc đã đe dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại Quần đảo Trường Sa nếu không dừng việc khoan thăm dò".
Tuy nhiên, Bill Hayton cũng nói với BBC Tiếng Việt rằng nguồn tin của ông không cho biết thêm chi tiết về mối đe dọa này, cũng như các căn cứ nào của Việt Nam có thể là đối tượng bị tấn công.
Các địa điểm Việt Nam kiểm soát ở Quần đảo Trường Sa
Dựa trên các thu thập và phân tích dữ liệu qua vệ tinh, AMTI nói rằng tại nhiều địa điểm, Việt Nam đã xây phức hợp nhiều cơ sở trên cùng một bãi ngầm hoặc rặng đá, khiến người ta khó có thể xác định được chính xác là Hà Nội thực sự đang chiếm giữ bao nhiêu đảo, bãi đá, bãi ngầm.
Việt Nam và các nước láng giềng khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông
Trong một bài viết đăng hồi giữa năm ngoái, trang Diplomat dẫn nguồn báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam, số ra ngày 22/4/1988 nói rằng kể từ sau cuộc đụng độ đẫm máu với Trung Quốc hôm 14/3/1988 trong trận hải chiến Gạc Ma, Việt Nam chiếm giữ tổng số 21 đảo, bãi đá, bãi ngầm lớn nhỏ ở Trường Sa.
Trong số 21 thực thể này, có 9 là các đảo nổi, và 12 là đảo chìm mà Việt Nam có các công trình được xây trên đó.
Việt Nam nói họ duy trì 33 điểm đóng quân tại Trường Sa, trong lúc giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam lâu năm dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói Việt Nam có 48 cơ sở tại đây.
AMTI cũng xác định Việt Nam hiện đã xây dựng được 48 'tiền đồn', nhưng là trên 27 thay vì chỉ 21 thực thể trên biển.
Bản đồ của AMTI công bố trong đó đánh dấu vị trí các cơ sở của Việt Nam ở Trường Sa. Khu vực màu vàng là Bãi Tư Chính, nơi có Lô 136/3 mà Repsol mới đây ngưng các hoạt động thăm dò dầu khí
Các cơ sở mà AMTI gọi là 'tiền đồn' này được chia làm ba nhóm, gồm các cơ sở xây với quy mô to như một đảo nhỏ (được đánh dấu là 'islet' trong bản đồ của AMTI), các khối xây dựng bằng bê tông đặt trên các bãi đá (các 'pillbox'), và các căn cứ đơn lẻ được xây cất phía trên các bãi cạn, mà Việt Nam gọi là các nhà giàn, chuyên về dịch vụ kinh tế, khoa học, kỹ thuật vì mục đích dân sự, viết tắt là DK.
Hệ thống các nhà giàn DK1
Sự khác biệt giữa các con số mà phía Việt Nam và Hoa Kỳ đưa ra nhiều khả năng là do Việt Nam không coi các cụm nhà giàn DK1 nằm ở Quần đảo Trường Sa.
Việt Nam tuyên bố các nhà giàn thuộc DK1 được đặt trên thềm lục địa của Việt Nam, các đất liền khoảng 250-350 dặm, thuộc quyền quản lý của Hải quân Vùng 2, không thuộc Quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp. Trung Quốc và Đài Loan thì coi là có.
Năm 2014 đã có cuộc giằng co ngoài Biển Đông giữa các lực lượng bán quân sự và dân sự của hai nước Việt - Trung
Hệ thống các cụm nhà giàn thuộc DK1 được xây cất trong thời gian từ cuối thập niên 1980 đến thập niên 1990 nhằm ứng phó với việc Trung Quốc chiếm đóng sáu bãi đá ở Trường Sa và tuyên bố các lô khai thác dầu khí chồng lấn lên các lô của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, AMTI nói.
Theo AMTI, Việt Nam hiện có 14 cụm nhà giàn thuộc DK1, là các điểm được xây dựng một hoặc hai tầng nhà bằng thép, chứa được một lượng lính nhỏ. Một số có mái là bãi đáp trực thăng, và tại một vài nơi có đặt thêm hải đăng.
Kể từ 2014, có tám trong số các cụm nhà giàn này được bổ sung thêm khối cấu trúc đa tầng thứ hai, với bãi đáp trực thăng lớn hơn và có cầu nối với cấu trúc cũ.
Nhóm 24 tiền đồn được xây cất bằng bê tông trên các bãi đá cũng khá dễ bị tấn công nếu so với các cụm nhà giàn DK1. Mỗi tiền đồn này gồm từ một đến bốn cấu trúc bê tông riêng rẽ, được nối với nhau bằng các cầu nối và có cầu cảng nhỏ cho tàu thuyền cỡ nhỏ neo đậu.
Nhiều căn cứ chỉ có thể tiếp cận được bằng tàu đáy nông chạy vòng quanh rìa bãi đá, khiến chúng trở nên bị cô lập ngay cả khi người ta đứng từ cùng thực thể trên biển có thể nhìn thấy những gì diễn ra trên đó.
Tin tức nói gần đây Việt Nam đã nạo vét các lối đi nối giữa nhiều bãi ngầm này để tàu thuyền cỡ lớn hơn có thể tiếp cận được các tiền đồn.
Hiện không rõ số quân nhân trên các điểm mà Việt Nam kiểm soát là bao nhiêu, nhưng người ta ước tính có thể trong khoảng từ vài trăm tới 1000 lính, theo giáo sư Thayer.
So sánh mức độ cơi nới, mở rộng các đảo của các nước ở Trường Sa
AMTI cũng so mức độ bồi đắp của Việt Nam với Trung Quốc và cho rằng diện tích cơi nới của Việt Nam chỉ đạt chưa bằng 4% so với Bắc Kinh, trong lúc cách cơi nới của Hà Nội cũng không gây tác hại tới môi trường nhiều như của Trung Quốc.
Theo dữ liệu của AMTI, các điểm do Việt Nam xây cất, bồi đắp và cơi nới ở Quần đảo Trường Sa gồm :
- Đá Tây (tên tiếng Anh là West Reef, Trung Quốc gọi là Tây Tiêu)
- Đảo Trường Sa (Spratly Island, Đảo Nam Uy)
- Đảo Song Tử Tây (Southwest Cay, Nam Tử Tiêu)
- Đảo Sinh Tồn (Sin Cowe Island, Đảo Cảnh Hoành)
- Đảo Sơn Ca (Sand Cay, Bãi Đôn Khiêm Sa)
- Đảo Phan Vinh (Pearson Reef, Tất Sanh Tiêu)
- Đá Len Đao (Lansdowne Reef, Quỳnh Tiêu)
- Đảo Sinh Tồn Đông (Grierson Reef, hoặc còn gọi là Sin Cowe East Island, Bãi Nhiễm Thanh Sa)
- Đá Núi Le (Cornwallis South Reef, Nam Hoa Tiêu), và
- Đảo Trường Sa Đông (Central Reef, Trung Tiêu)
Theo Diplomat, các vị trí ở Quần đảo Trường Sa mà Việt Nam hiện nắm giữ gồm 10 vị trí AMTI nêu trên và các điểm dưới đây :
- Đá Nam (South Reef)
- Đá Núi Thị (Petley Reef)
- Đảo Nam Yết (Namyit Island)
- Đá Lớn (Discovery Great Reef)
- Đá Cô Lin (Collins Reef)
- Đá Lát (Ladd Reef)
- Đá Đông (East Reef)
- Đá Tốc Tan (Allison Reef)
- Đá Tiên Nữ (Pigeon hoặc Tennent Reef)
- Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef), và
- Đảo An Bang (Amboyna Cay)
Nguồn : BBC, 15/08/2017
Liên Hiệp Châu Âu-ASEAN : Biển Đông vẫn là điều cấm kỵ ? (RFI, 14/08/2017)
Tuy Liên Hiệp Châu Âu và ASEAN đang tăng cường hợp tác về an ninh và quốc phòng, Biển Đông dường như vẫn là điều cấm kỵ trong quan hệ giữa hai khối. Đó là nhận định chung của Asia Times trong một bài viết đang trên mạng hôm nay, 14/08/2017.
Ảnh minh họa : Tầu đổ bộ Mistral của Hải Quân Pháp cập cảng quân sự Sasebo, tỉnh Nagasaki, Nhật Bản, ngày 29/04/2017 tại vùng biển Guam. REUTERS/Nobuhiro Kubo
Trong các cuộc gặp gỡ song phương tại Manila từ ngày 6 đến 8/8/2017 vừa qua, Liên Hiệp Châu Âu và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đồng ý sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Kế hoạch hành động EU-ASEAN cho giai đoạn 2018-2022, được thông qua tại Manila, có bao gồm cả vấn đề an ninh hàng hải, một vấn đề nóng bỏng đối với Đông Nam Á do các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Kế hoạch hành động này còn đề ra ra những chương trình hợp tác về cứu trợ nhân đạo và cứu nạn thiên tai, các chiến dịch duy trì hòa bình, quân y và chống khủng bố.
Thế nhưng, khi được Asia Times hỏi về việc Ủy Ban Châu Âu có sẳn sàng gởi các chiến hạm đến tuần tra ở các vùng biển Đông Nam Á theo thỏa thuận với ASEAN hay không, một phát ngôn viên của Liên Hiệp Châu Âu trả lời rằng " phạm vi và quy mô của hợp tác EU-ASEAN sẽ được xác định trong tiến trình thực hiện kế hoạch hành động vừa được thông qua".
Hiểu theo ngôn từ ngoại giao, điều này có nghĩa là Liên Hiệp Châu Âu chưa sẳn sàng thực hiện các chuyến tuần tra ở Biển Đông, nơi mà 4 nước ASEAN (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) cùng với Đài Loan đang tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc.
Vào năm ngoái, Pháp đã đề nghị điều các chiến hạm của Liên Hiệp Châu Âu đến vùng Đông Á. Các chiến hạm của riêng nước Pháp vẫn thường xuyên đi qua các vùng biển Ấn Độ Dương-Tây Thái Bình Dương để hành xử quyền tự do hàng hải. Theo Asia Times, chính phủ Pháp cũng muốn tiến hành các chiến dịch như vậy ở vùng Biển Đông trong khuôn khổ Liên Hiệp Châu Âu. Anh Quốc, quốc gia đang thương lượng về việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, gần đây tuyên bố cũng đang nghiên cứu khả năng triển khai các chiến hạm của nước ngày đến các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Dẫu sao thì trong bản tuyên bố chung đưa ra ngày 05/08 vừa qua, các Ngoại trưởng ASEAN đã kêu gọi các quốc gia đang tranh chấp và các quốc gia ngoài khu vực nên có thái độ kềm chế và không quân sự hóa Biển Đông. Theo Asia Times, khi tuyên bố như vậy, ASEAN hạn chế khuôn khổ hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu về Biển Đông và coi như ngả theo lập trường của Trung Quốc, vốn vẫn kiên quyết chống lại sự can thiệp của "bên ngoài" vào khu vực này.
Chính vì vậy mà lãnh đạo ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Federica Mogherini và các đồng nhiệm ASEAN đã cố tránh nói đến những sự việc và vấn đề liên quan các vùng biển tranh chấp mà có thể làm phật lòng Trung Quốc. Trong tuyên bố chung về kỷ niệm 40 năm thiết lập bang giao EU-ASEAN, đưa ra vào ngày 06/08, hai khối đúng là có bày tỏ sự ủng hộ việc đạt đến bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc, nhưng lại không nói rõ là bộ quy tắc này phải mang tính "ràng buộc pháp lý", điều mà Việt Nam đã yêu cầu nhưng Bắc Kinh dứt khoát không chấp nhận.
Mặt khác, tuy nhấn mạnh đến việc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển, nhưng thông cáo chung EU-ASEAN lại không nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra vào tháng 7 năm ngoái, bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, trong bài phát biểu ngày 07/08, lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Mogherini đã không hề đề cập đến Biển Đông, mà chỉ tập trung vào khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Thanh Phương
********************
Mỹ cho tàu sân bay ghé Việt Nam để tỏ quyết tâm can dự vào Biển Đông ? (RFI, 10/08/2017)
Hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ-Việt ngày 08/08/2017 đã chính thức xác nhận : Năm 2018, một chiếc hàng không mẫu hạm, biểu tượng của sức mạnh quân sự của nước Mỹ sẽ ghé cảng Việt Nam trong một chuyến thăm hữu nghị.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sau cuộc họp tại Nhà Trắng, Washington, ngày 31/05/2017. SAUL LOEB / AFP
Đối với các nhà quan sát, quyết định cho tàu sân bay ghé thăm Việt Nam là dấu hiệu cho thấy quyết tâm cao của Washington can dự vào Đông Nam Á để bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông ngày càng bị Trung Quốc đe dọa, với Việt Nam là đối tác đáng tin cậy nhất.
Mục tiêu của Mỹ được thể hiện một cách rõ rệt trong bản thông cáo được Lầu Năm Góc công bố ngày 09/08, trong đó nhấn mạnh đến lợi ích chung của hai bên Mỹ-Việt, kể cả việc bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia.
Dù không chính thức nói ra, nhưng khi nhắc đến nhu cầu bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, rõ ràng là hai nước Mỹ Việt ám chỉ các hành động quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông, bồi đắp đảo nhân tạo, quân sự hóa các đảo này, đe dọa tự do lưu thông trong khu vực.
Tờ báo Mỹ International Business Times, thuộc nhóm Newsweek, vào ngày 09/08 đã cho rằng quyết định gửi một chiếc tàu sân bay tới Việt Nam, một trong những nước tiếp tục thách thức các yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông, là tín hiệu mà chính quyền của tổng thống Donald Trump đưa ra để cho thấy đà tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai nước.
Chính tổng thống Donald Trump đã hứa với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc về việc cho tàu sân bay Mỹ ghé cảng Việt Nam nhân dịp ông Phúc công du Hoa Kỳ và đến Nhà Trắng hội đàm với ông Trump hôm 31/05.
Theo ông Rodger Baker, chuyên gia phân tích chiến lược tại hãng tham vấn địa chính trị có uy tín Stratfor, thì cuộc tiếp xúc giữa thủ tướng Phúc và tổng thống Trump là một "động thái được tính toán cẩn thận nhằm xây dựng một hệ thống phòng thủ chống lại những nỗ lực liên tục của Trung Quốc nhằm quân sự hóa các hòn đảo ở Biển Đông".
Đối với chuyên gia này, Việt Nam có một vị trí rất đáng chú ý trong vùng Đông Nam Á. Chính quyền Mỹ đã bắt đầu chuyển giao một số tàu tuần tra nhỏ cho lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam, đã có những chuyến thăm viếng giao lưu giữa Hải Quân hai bên và Mỹ cũng đã bãi bỏ một số hạn chế đối với việc xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam.
Đối với Mỹ, Việt Nam là một đồng minh tự nhiên có thể cùng Hoa Kỳ đối phó với kế hoạch bành trướng Trung Quốc. Một chuyên gia Trung Quốc về các vấn đề Đông Nam Á tại đại học Tế Nam ở Quảng Châu, gần đây đã khẳng định rằng "Việt Nam luôn luôn là quốc gia ở Asean có thái độ nghi kỵ Bắc Kinh mạnh mẽ nhất... bởi vì Việt Nam có chung biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc".
Việt Nam cũng đã tăng cường Hải Quân, gia cố một số hòn đảo, và đã không ngần ngại lên tiếng trên các diễn đàn quốc tế chống lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuy nhiên, theo tờ International Business Times, Mỹ hiện đang phải thận trong việc tăng cường quan hệ quốc phòng với Việt Nam vì lẽ Washington cần sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong việc chống lại các mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên.
https://youtu.be/eyaY6thl-tM
Trọng Nghĩa
***********************
Mỹ cam kết hợp tác với Việt Nam bảo vệ Biển Đông (RFI, 09/08/2017)
Ngày 08/08/2017, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis tiếp đồng nhiệm Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Lầu Năm Góc, Virginia. Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức ép tại Biển Đông, Hoa Kỳ cam kết củng cố hợp tác quân sự với Việt Nam và sẽ gửi một hàng không mẫu hạm đến thăm vào năm tới.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis (T) tiếp đồng nhiệm Việt Nam tướng Ngô Xuân Lịch, tại Lầu Năm Góc, Arlington, Virginia, ngày 08/08/2017-REUTERS
Theo Reuters, trong cuộc gặp gỡ tại bộ quốc phòng Mỹ, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis và đồng nhiệm Việt Nam Ngô Xuân Lịch đồng ý là hai nước sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng trong bối cảnh Việt Nam ngày càng bị Trung Quốc lấn áp, quan hệ Hà Nội và Bắc Kinh có dấu hiệu xấu đi.
Tại Biển Đông, ngư dân Việt Nam liên tục bị tấn công và gần đây nhất, hồi tháng 7, Việt Nam phải hủy bỏ một số dự án thăm do dầu hỏa do áp lực của Bắc Kinh.
Tại hội nghị ASEAN, cuối tuần qua ở Manila, Philippines, Việt Nam đòi phải đưa lời lẽ cứng rắn chỉ trích Bắc Kinh "quân sự hóa Biển Đông» vào bản thông cáo chung. Trung Quốc biểu lộ giận dữ hủy bỏ cuộc gặp cấp ngoại trưởng hai nước.
Trong bối cảnh này, bộ trưởng quốc phòng Mỹ tuyên bố với đồng nhiệm Việt Nam là "mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ giữa Mỹ và Việt Nam đặt trên nền tảng (bảo vệ) quyền lợi chung kể của quyền tự do lưu thông tại Biển Đông".
Bộ trưởng Jim Mattis hoan nghênh vai trò "lãnh đạo đang lên" của Việt Nam trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Một trong những cử chỉ tiêu biểu cho xu hướng quan hệ ngày càng được củng cố giữa Mỹ và Việt Nam là chủ nhân Lầu Năm Góc thông báo một hàng không mẫu hạm sẽ đến Việt Nam vào năm 2018.
Dự án này đã được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thảo luận với tổng thống Donald Trump hồi tháng 5.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam 1975, một hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ thăm Việt Nam.
Tú Anh