Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong tuần thứ hai của tháng 4, lãnh đạo hai nước Mỹ, Nhật nâng cấp quan hệ ở tầm cỡ lịch sử để đáp lại một nước Trung Quốc ngày càng giàu mạnh và hung hang. Washington và Tokyo chú trọng tăng cường quốc phòng, an ninh nhưng cũng đẩy mạnh hợp tác về kinh tế có nhiều ảnh hưởng đến châu Á-Thái Bình Dương và thế giới. Giáo sư Tiến sĩ Khương Hữu Lộc sẽ đi sâu vào chủ để này trên VOA.

Nguồn : VOA, 19/4/2024

Published in Video

Trung Quốc tập trận trên không phận Biển Đông gởi tín hiệu đến Mỹ (RFI, 31/07/2020)

Trung Quốc hôm 30/07/2020, thông báo đã cho tiến hành những cuộc tập trận trên không "với cường độ cao" ở Biển Đông. Động thái của Bắc Kinh được cho là một tín hiệu gởi đến Mỹ, đã từng gởi hai tàu sân bay đến khu vực để phô trương uy lực.

bd1

Bức ảnh được chụp vào ngày 02/01/2017 cho thấy các máy bay chiến đấu J-15 của Trung Quốc được phóng từ tàu sân bay Liêu Ninh trong các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông.  STR / AFP

Trong cuộc họp báo định kỳ hàng tháng trực tuyến, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cho biết không lực của Hải Quân Trung Quốc "mới đây" đã thao diễn "với cường độ cao" cùng với các loại oanh tạc cơ H-6G, H-6J cũng như phi cơ khác ở Biển Đông.

Phát ngôn viên này nói rõ là máy bay Trung Quốc tham gia tập trận đã "cất cánh và hạ cánh ban ngày cũng như ban đêm, tiến hành những cuộc oanh kích tầm xa hoặc tấn công vào những mục tiêu trên biển" và các bài tập đã "đạt được mục đích chờ đợi". Tuy nhiên, địa điểm cụ thể tập trận không được thông báo.

Theo hãng tin Pháp AFP, động thái tập trận của Trung Quốc là một tín hiệu rõ ràng gởi đến phía Mỹ, trong cuộc đọ sức ngày càng thêm gay gắt giữa hai bên, đặc biệt là sau khi Mỹ bất ngờ gởi hai tàu sân bay đến Biển Đông vào đầu tháng 7.

Bên cạnh đó, trên mặt ngoại giao, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, vào trung tuần tháng 7, cũng nói thẳng quan điểm của Hoa Kỳ, xem yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp, trong lúc cho đến trước đây Mỹ vẫn giữ thái độ trung lập.

Vào hôm qua, người phát ngôn bộ Quốc Phòng Trung Quốc đã mỉa mai là "Hoa Kỳ muốn đóng vai trò trọng tài, nhưng lại chỉ phá hoại hòa bình". Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Mark Esper, tuần qua thông báo là ông muốn đến Trung Quốc trước cuối năm 2020 với hy vọng làm dịu tình hình.

Biển Đông : Malaysia lại bác bỏ "quyền lịch sử" của Trung Quốc

Với lời lẽ cứng rắn khác thường, Malaysia ngày 29/07/2020 lại gửi công hàm lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nội dung bác bỏ "quyền lịch sử" mà Trung Quốc tự nhận là họ có trên Biển Đông dựa theo bản đồ "Đường 9 đoạn" do chính họ vẽ ra.

Trong công hàm, Malaysia đã khẳng định bác bỏ "toàn bộ nội dung" của một công hàm khác mà Trung Quốc đã gởi lên Liên Hiệp Quốc ngày 12/12/2019, trong đó Bắc Kinh cho rằng Kuala Lumpur không có quyền đề nghị kéo dài thềm lục địa của Malaysia ở khu vực phía bắc nước này.

Công hàm ngày 29/07 của chính quyền Kuala Lumpur nhấn mạnh rằng đề nghị của Malaysia hoàn toàn phù hợp với quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Văn kiện của Malaysia gởi lên Liên Hiệp Quốc nói rõ : "Malaysia bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, cũng như các quyền chủ quyền và quyền tài phán, liên quan tới khu vực hàng hải trên Biển Đông nằm trong ‘đường chín đoạn’".

Đối với Malaysia, các yêu sách của Trung Quốc đã "đi ngược lại UNCLOS và không có tác động pháp lý vì đã vượt quá phạm vi địa lý và ranh giới thực chất mà Trung Quốc được hưởng theo công ước".

Trả lời nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, một chuyên gia về lập trường Biển Đông của Kuala Lumpur cho rằng dù công hàm ngày 29/07 của Malaysia có lời lẽ cứng rắn bất ngờ, nhưng nội dung văn kiện này vẫn phản ánh quan điểm từ trước đến nay của Malaysia là bác bỏ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc trên Biển Đông.

Sự kiện Malaysia gởi công hàm phản đối Trung Quốc là diễn biến mới nhất trong điều được các nhà quan sát gọi là "cuộc chiến công hàm về Biển Đông", hiện đang diễn ra trong bối cảnh các yêu sách quá đáng của Trung Quốc liên tục bị tố cáo và bác bỏ trước Liên Hiệp Quốc.

Ngoài Malaysia, các nước khác như Indonesia, Philippines, Việt Nam Hoa Kỳ và Úc cũng đã gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối Trung Quốc.

Mai Vân

*********************

Biển Hoa Đông : Mỹ cam kết giúp Nhật giám sát tàu Trung Quốc (RFI, 30/07/2020)

Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Nhật Bản ngày 29/07/2020 đã cho biết sẽ giúp Tokyo giám sát các hành vi xâm nhập nhiều "chưa từng thấy" của tàu Trung Quốc vào vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông, hiện do Nhật kiểm soát, nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền. Cam kết được đưa ra vào lúc tàu đánh cá Trung Quốc bị tình nghi là sẽ tràn ngập vùng biển Nhật Bản.

bd2

Một tàu tuần duyên Trung Quốc hoạt động trong vùng quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đang có tranh chấp Trung-Nhật. Ảnh tư liệu do tuần duyên Nhật Bản chụp ngày 22/12/2015.  AP

Phát biểu nhân một cuộc họp báo trực tuyến, tướng Kevin Schneider khẳng định : "Hoa Kỳ cam kết sẽ giúp đỡ chính phủ Nhật Bản 100% để giải quyết tình hìnhở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư".

Theo vị tư lệnh Mỹ, nếu trước đây tàu Trung Quốc chỉ ra vào khu vực tranh chấp vài lần mỗi tháng, thì giờ đây "ta thấy là các chiếc tàu đó thực sự là ồ ạt tiến vào và thách thức quyền quản lý của Nhật Bản".

Lực lượng tàu thuyền Trung Quốc bao gồm những đội tàu cá có khả năng sẽ tràn ngập vùng Senkaku/Điếu Ngư sau khi lệnh cấm đánh cá hàng năm mà Bắc Kinh áp đặt hết hiệu lực từ ngày 15/08 tới đây. Kèm theo đội tàu này là các tàu dân quân biển đội lốt tàu cá, được tàu hải cảnh, thậm chí tàu hải quân Trung Quốc đi theo bảo vệ.

Tướng Schneider đã tuyên bố như trên trong bối cảnh bản thân ông, cũng như nhiều quan chức cao cấp khác của Hoa Kỳ, đã chỉ trích Bắc Kinh lợi dụng lúc dịch Covid-19 đang hoành hành ở Châu Á để đẩy mạnh các hoạt động áp đặt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại cả vùng Biển Hoa Đông lẫn Biển Đông.

Tư lệnh Mỹ không ngần ngại đánh giá rằng Trung Quốc đã có những hành vi "hung hăng và thâm hiểm".

Không đầy một tiếng đồng hồ sau tuyên bố của phía Mỹ, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên tiếng nhắc lại rằng "tất cả các đảo trong khu vực tranh chấp đều là lãnh thổ Trung Quốc" và kêu gọi các bên "duy trì sự ổn định trong khu vực".

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á