Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhật cử quan chức đương nhiệm làm việc tại văn phòng "tùy viên quốc phòng" trên thực tế ở Đài Loan

Trọng Thành, RFI, 13/09/2023

Lần đầu tiên Tokyo bổ nhiệm thêm một quan chức chính phủ "đương nhiệm" vào văn phòng tùy viên quốc phòng trên thực tế tại Đài Loan. Theo giới quan sát, quyết định nói trên có thể khiến Trung Quốc tức giận. Việc Nhật Bản cử quan chức đương nhiệm được đưa ra tiếp theo yêu cầu của phía Đài Loan, theo một nguồn tin của Reuters.

dailoan1

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) tiếp phó chủ tịch đảng Tự Do Dân Chủ Nhật Bản Taro Aso, Đài Bắc, Đài Loan, ngày 08/08/2023. AP

Hãng tin Anh Reuters hôm qua, 12/09/2023, dẫn lại bốn nguồn tin, cho biết Nhật Bản quyết định "nâng cấp quan hệ" về an ninh với Đài Loan. Nhật Bản vốn không có cơ quan đại diện ngoại giao chính thức ở Đài Loan. Hiệp hội Giao lưu Nhật Bản - Đài Loan (Japan-Taiwan Exchange Association) là cơ quan đại diện ngoại giao không chính thức của Tokyo tại Đài Bắc. Trước đây, để tránh bị Trung Quốc phản đối, vai trò tùy viên quốc phòng trên thực tế do một sĩ quan Nhật Bản nghỉ hưu phụ trách. Hồi năm ngoái, sau khi truyền thông Nhật Bản tiết lộ việc cử quan chức quốc phòng "đương nhiệm", Tokyo đã đình chỉ kế hoạch do lo ngại Bắc Kinh.

Theo các nguồn tin nói trên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã cử một quan chức đương nhiệm đến làm việc cùng với tùy viên quốc phòng hiện tại để cải thiện việc thu thập thông tin và trao đổi với quân đội Đài Loan.

Bộ Ngoại giao Đài Loan đã từ chối bình luận khi được hỏi về việc Nhật cử "tùy viên quốc phòng" mới, nhưng cho biết Đài Bắc "sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác sâu sắc hơn với các đối tác có cùng quan điểm như Nhật Bản". Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng khẳng định chỉ theo đuổi các mối quan hệ "phi chính phủ" với Đài Loan, không vi phạm tuyên bố chung năm 1972, công nhận Bắc Kinh là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc.

Trả lời Reuters trong cuộc họp báo hàng tuần, phát ngôn viên các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc Trần Bân Hoa (Chen Binhua) hôm nay cho biết Bắc Kinh phản đối "bất kỳ hình thức trao đổi chính thức nào giữa các quốc gia mà Trung Quốc có quan hệ ngoại giao và khu vực Đài Loan của Trung Quốc" và "Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản rút ra bài học từ lịch sử, tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc, và thận trọng trong lời nói cũng như hành động về vấn đề Đài Loan".

Sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh xung quanh đảo Đài Loan, cách lãnh thổ Nhật Bản, khoảng 100 km, khiến Tokyo lo ngại. Tháng 7/2021, Sách trắng Quốc phòng thường niên của Nhật Bản lần đầu tiên khẳng định Đài Loan "ổn định" là vấn đề an ninh quốc gia đối với Nhật. Theo báo chí Nhật Bản, Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản, công bố hồi cuối tháng 7/2023, nhấn mạnh đến "tính cấp bách" của việc Nhật – Mỹ hợp tác nhằm đối phó với kịch bản Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan. Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản 2023 cảnh báo "khoảng cách" về năng lực quân sự trên không và trên biển giữa Trung Quốc và Đài Loan đang gia tăng, nghiêng mạnh về phía có lợi cho Trung Quốc.

Báo cáo Quốc phòng rút bài học từ cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine

Thông tin về việc Nhật Bản cử một quan chức đương nhiệm tới văn phòng tùy viên quốc phòng tại Đài Bắc được đưa ra đúng vào ngày Quân đội Đài Loan công bố Báo cáo Quốc phòng đầu tiên kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine. Theo hãng tin Đài Loan CNA, Báo cáo Quốc phòng Đài Loan khẳng định quân đội nước này đang rút các bài học từ cuộc kháng chiến của Ukraine chống xâm lược Nga, nhằm sẵn sàng đối phó với một đối thủ mạnh hơn gấp bội, trong một cuộc chiến tranh hỗn hợp, "bao gồm can thiệp quân sự và các thách thức phi truyền thống khác, như chiến tranh mạng và chiến tranh tâm lý".

Lần đầu tiên kể từ khi Bộ Quốc phòng Đài Loan bắt đầu công bố báo cáo hai năm một lần từ năm 1992, một phiên bản "sách nói" của Báo cáo Quốc Phòng cũng được phổ biến để văn bản này đến được với nhiều đối tượng hơn, bao gồm những người "khiếm thị".

Trọng Thành

************************

Trung Quốc đề xuất một loạt biện pháp "mới" nhằm hội nhập Đài Loan vào tỉnh Phúc Kiến

Trọng Nghĩa, RFI, 13/09/2023

Chính quyền Bắc Kinh ngày 12/09/2023 đã công bố một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy việc hội nhập Đài Loan vào tỉnh Phúc Kiến, thông qua một số kế hoạch phát triển chung.

dailoan2

Một khu vực ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 03/12/2022. © Alberto Buzzola / Getty Images

Tài liệu do Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản và Quốc Vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc cùng công bố bao gồm hơn 20 "ý kiến" nhằm vạch ra "con đường mới hướng tới phát triển hội nhập" giữa Đài Loan và tỉnh Phúc Kiến trên đại lục.

Theo hãng tin Pháp AFP, nội dung các đề xuất bao gồm việc tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người Đài Loan làm việc, học tập và kinh doanh tại Phúc Kiến, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh thuê nhân viên Đài Loan. Tài liệu cũng kêu gọi thành phố Hạ Môn ở ven biển tăng tốc hội nhập với Kim Môn và Mã Tổ, hai nhóm đảo do Đài Loan quản lý nhưng chỉ cách bờ biển Hoa Lục vài cây số.

Văn kiện cũng nhắc lại rằng "giải quyết vấn đề Đài Loan" và "thống nhất hoàn toàn tổ quốc là nhiệm vụ lịch sử của Trung Quốc". Theo nhận xét của AFP, việc công bố tài liệu kể trên cho thấy là Trung Quốc muốn mở rộng quan hệ với hòn đảo tự trị vốn từng bị cắt đứt trong đại dịch Covid-19.

Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và quan hệ hai bên đã xấu đi đáng kể từ khi tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn lên nắm quyền vào năm 2016. Quan hệ càng xấu đi thêm khi Bắc Kinh áp đặt các hạn chế về Covid-19, làm gián đoạn hoạt động thương mại và các hoạt động trao đổi khác trong thời kỳ đại dịch.

Đài Loan : Trung Quốc tập trận ở Thái Bình Dương

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục cho không quân và hải quân thị uy gần hòn đảo tự trị.

Vào hôm nay 13/09/2023, chính quyền Đài Bắc cho biết đã phát hiện 35 máy bay quân sự của Trung Quốc bay quanh Đài Loan trong vài tiếng đồng hồ, với một số phi cơ hướng tới Tây Thái Bình Dương để đến tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc tham gia một "cuộc tập huấn hỗn hợp trên biển và trên không".

Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, máy bay chiến đấu và drone Trung Quốc đã bị phát hiện từ 6 giờ sáng giờ địa phương, khoảng 28 chiếc đã vượt qua đường trung tuyến giữa eo biển Đài Loan, và một số máy bay chiến đấu "vượt qua Kênh Bashi để đến Tây Thái Bình Dương".

Trọng Nghĩa

************************

Trung Quốc củng cố phòng không dọc bờ biển đối diện đảo Đài Loan

Thu Hằng, RFI, 13/09/2023

Trung Quốc đã mở rộng các căn cứ không quân dọc bờ biển đối diện với Đài Loan, triển khai thường trực nhiều chiến đấu cơ và drone mới tại đó. Trong bản báo cáo hai năm một lần, được công bố ngày 12/09/2023, Bộ Quốc phòng Đài Loan nhận định Trung Quốc đang củng cố năng lực phòng không, song song với "chương trình huấn luyện và tập trận bắn đạn thật để tăng cường chuẩn bị tấn công Đài Loan".

dailoan3

Tham mưu trưởng Không quân Đài Loan, tướng Tào Tiến Bình (Tsao Chin-ping) họp báo tại Đài Bắc, Đài Loan, ngày 12/09/2023. Reuters – Ben Blanchard

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan, được Reuters trích dẫn, nêu rõ "Trung Quốc đã hoàn thiện việc mở rộng các sân bay dọc bờ biển trực thuộc Chiến khu Đông Bộ và Chiến khu Nam Bộ, điều các chiến đấu cơ và drone mới đến thường trú ở đó".

Ngoài ra, các cuộc tập trận thường xuyên của Trung Quốc ở phía bắc và nam Đài Loan, cũng như ở vùng Thái Bình Dương cho thấy Bắc Kinh quyết tâm "hăm dọa" Đài Loan ở cả phía đông và tây. Các cuộc tập trận rầm rộ bao vây Đài Loan đã được Trung Quốc tiến hành tháng 08/2022 và tháng 04/2023 để răn đe "sự thông đồng" giữa chính quyền Đài Bắc và Washington. Đầu tuần này, Trung Quốc cũng huy động vài chục chiến đấu cơ và tầu sân bay Sơn Đông tập trận ở Tây Thái Bình Dương.

Bắc Kinh cũng sử dụng chiến thuật "vùng xám" - phi quân sự, ví dụ các khinh khí cầu khí tượng bay quanh eo biển Đài Loan nhưng thực chất là nhằm do thám hoặc máy bay dân sự được dùng vào mục đích theo dõi.

Trước đối thủ quá mạnh, Đài Loan theo đuổi chiến lược phòng thủ bất đối xứng bằng cách cải thiện các năng lực tầm xa, chính xác, không người lái và trí tuệ nhân tạo. Vẫn theo báo cáo, ngay khi thấy có dấu hiệu Trung Quốc tấn công, quân đội Đài Loan có thể dùng vũ khí chính xác để "đánh phủ đầu các lực lượng tấn công được huy động" của Trung Quốc.

Trả lời Reuters về phát biểu của tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Trung Quốc không tấn công ngay Đài Loan, ông Huang Wen Chi, phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Đài Loan, khẳng định chi phí cho quốc phòng của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng và Đài Bắc không thể chủ quan. Theo ông, "cho đến nay, chúng tôi không thấy bất kỳ thái độ thiện chí nào từ phía chính quyền cộng sản Trung Quốc đối với chúng tôi".

Trung Quốc chưa phản ứng về bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan.

Thu Hằng

Published in Diễn đàn

Nhật Bản cảnh cáo Trung Quốc là Tokyo sẽ can thiệp quân sự trong trường hợp Bắc Kinh tấn công quân sự Đài Loan. 

nhan1

Ảnh do lực lượng tuần duyên Mỹ cung cấp : Tàu tuần duyên của Mỹ và Nhật Bản diễn tập trong vùng Biển Đông ngày 25/08/2021.  © U.S. Coast Guard via AP

Theo một nghiên cứu đăng trên Asia-Pacific Security and Maritime Affairs, được báo Hồng Kông South China Morning Post số ra ngày 21/11/2021 trích dẫn, thì Nhật Bản và Mỹ đã thảo luận về các kịch bản Đài Loan bị tấn công và đang lên kế hoạch ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng vũ lực để chiếm hòn đảo này. 

Tác giả nghiên cứu này, Ngô Hoài Trung (Wu Huaizhong) thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định : Nhật Bản không chỉ đưa ra các tín hiệu thông qua các cấp chính thức và cá nhân, mà còn cố gắng thực hiện các hành động đáp trả thiết thực thông qua liên minh Nhật-Mỹ. 

Hiến Pháp Nhật Bản không cho phép nước này tham chiến và đa số người dân xứ hoa anh đào cũng không muốn nước họ tham gia vào một cuộc xung đột. Tuy nhiên, luật an ninh quốc gia năm 2015 của Nhật Bản cho phép Lực lượng phòng vệ (tức quân đội) hỗ trợ hậu cần hoặc tham gia phòng thủ tập thể trong khuôn khổ hiệp ước liên minh quân sự Mỹ-Nhật. 

Do vậy, chuyên gia Trung Quốc họ Ngô cho rằng : "Thật khó tin là trong tương lai gần, Nhật Bản sẽ bất chấp tất cả tham gia vào một cuộc chiến thảm khốc, nhiều khả năng Nhật sẽ cung cấp hỗ trợ hậu cần cho các đồng minh chứ không trực tiếp tham gia chiến đấu. Câu hỏi được đặt ra không phải là liệu Nhật Bản có can thiệp vào cuộc xung đột Trung Quốc-Đài Loan hay không, mà là họ sẽ can thiệp như thế nào".

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh của mình và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để thống nhất hòn đảo với đại lục, trong khi đó, Nhật Bản sẽ coi đây là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của chính bản thân mình và trật tự chính trị khu vực. 

Phan Minh

Published in Châu Á

Quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật ủng hộ Tây Tạng

Anh Khoa, VNTB, 27/12/2020

Người Tây Tạng lưu vong hoan nghênh việc Quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật lên án sự can thiệp của Bắc Kinh trong việc lựa chọn Đạt Lai Lạt Ma và kêu gọi các nước khác noi gương Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ người Tây Tạng hiện đang bị Trung Quốc đàn áp.

taytang1

Người Tây Tạng lưu vong hoan nghênh việc Quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật lên án sự can thiệp của Bắc Kinh trong việc lựa chọn Đạt Lai Lạt Ma 

Đạo luật Hỗ trợ và Chính sách về Tây Tạng đã được thông qua vào ngày 21 tháng 12 như là một phần của dự luật chi tiêu gồm nhiều hạng mục năm 2021, trong đó sẽ dành 1,4 nghìn tỷ đô la chi tiêu cho các cơ quan chính phủ và 900 tỷ đô la cho viện trợ Covid-19. Covid-19.

Bà Nancy Pelosi tuyên bố dự luật này là một tín hiệu rõ ràng đến Bắc Kinh là họ sẽ phải chịu trách nhiệm giải trình cho việc can thiệp vào các vấn đề tôn giáo và văn hoác của Tây Tạng.

Đạo luật này cập nhật Đạo luật Chính sách Tây Tạng năm 2002, sẽ cho phép sử dụng các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu của Hoa Kỳ để trừng phạt các quan chức Trung Quốc "trực tiếp can thiệp vào việc xác định và sắp đặt Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 trong tương lai". 

Đạt Lai Lạt Ma là danh hiệu được đặt cho vị lãnh tụ tinh thần của người dân Tây Tạng. Nhà lãnh đạo hiện tại, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, đã lưu vong ở Ấn Độ sau một cuộc nổi dậy bất thành chống lại sự cai trị của cộng sản Trung Quốc vào năm 1959. Trung Quốc coi Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu vong là "kẻ ly khai".

Đảng cộng sản Trung Quốc xâm lược Tây Tạng vào năm 1949. Kể từ đó, Bắc Kinh đã triển khai giám sát hàng loạt ở Tây Tạng, đàn áp việc thực hành đức tin Phật giáo của người dân Tây Tạng và bắt họ lao động cưỡng bức.

Dự luật mới quy định rằng chính sách của Hoa Kỳ sẽ công nhận rằng việc lựa chọn các nhà lãnh đạo tôn giáo Phật giáo Tây Tạng, bao gồm cả Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 trong tương lai, là "vấn đề tâm linh riêng" của cộng đồng Phật giáo Tây Tạng.

Năm 2007, chính quyền Trung Quốc đã ban hành các quy định cho phép họ kiểm soát quá trình tái sinh các dòng dõi Lạt ma Tây Tạng.

Dự luật cũng yêu cầu ngoại trưởng tìm cách thành lập một lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Lhasa, thủ phủ của vùng Tây Tạng, để giám sát "những biến chuyển chính trị, kinh tế và văn hóa" trong khu vực. Ngoài ra, Bắc Kinh sẽ không thể thành lập thêm bất kỳ lãnh sự quán nào ở Hoa Kỳ cho đến khi lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Lhasa được mở cửa.

Ngoại trưởng cũng sẽ thúc giục Nepal tiếp tục cung cấp cho người Tây Tạng đường đi an toàn từ Trung Quốc đến Ấn Độ, nơi cư trú của chính phủ lưu vong.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, Nepal là nơi sinh sống của khoảng 10.800 người Tây Tạng tị nạn tính đến cuối năm 2019. Đã có trường hợp cảnh sát biên giới Nepal bắt giữ người Tây Tạng và sau đó trục xuất họ trở lại Trung Quốc.

Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ hoan nghênh việc thông qua dự luật này.

"Việc thông qua Đạo luật Hỗ trợ và Chính sách Tây Tạng gửi một thông điệp quan trọng rằng Hoa Kỳ đứng về phía người dân Tây Tạng và chống lại bất kỳ nỗ lực nào của Đảng cộng sản Trung Quốc nhằm can thiệp vào quá trình tôn giáo xác định các nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng, chẳng hạn như  Đạt Lai Lạt Ma", Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng hòa-Florida) cho biết trong một tuyên bố ngày 2 tháng 12.

Thượng nghị sĩ Rubio nằm trong nhóm các thượng nghị sĩ lưỡng đảng đã giới thiệu phiên bản Thượng viện của dự luật (S.3529) vào tháng 9 năm 2019. Trong cùng tháng, Hạ nghị sĩ Jim McGovern (Dân chủ-Mass.) đã giới thiệu luật này tại Hạ viện (HR4331). Dự luật được Hạ viện thông qua vào tháng Giêng năm nay.

Hạ nghị sĩ McGovern tuyên bố : "Đạo luật tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với ý tưởng rằng nhân quyền là vấn đề quan trọng, rằng chúng tôi quan tâm đến những người bị áp bức và chúng tôi đứng về phía những người đang đấu tranh cho tự do".

Sinh viên vì Tây Tạng Tự do (SFT), một mạng lưới cơ sở toàn cầu có trụ sở chính tại New York, cho biết họ rất biết ơn khi dự luật được đưa vào dự luật chi tiêu.

"Mặc dù còn nhiều việc phải làm để giải phóng Tây Tạng, nhưng đây là một chiến thắng tuyệt vời và là một bước đi đúng hướng", Pema Doma, giám đốc chiến dịch của SFT, cho biết trong một tuyên bố.

Ông Doma nói thêm : "Tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo thế giới khác có thể sử dụng TPSA như một ví dụ về cách kết hợp các nguyên tắc nhân quyền và tự do tôn giáo vào chính sách đối ngoại".

Trong một tuyên bố, Tổ chức Chiến dịch Quốc tế cho Tây Tạng phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington đã hoan nghênh Quốc hội vì "sự lãnh đạo mạnh mẽ và mong các quốc gia khác áp dụng các phiên bản riêng của đạo luật này".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin, trong một cuộc họp giao ban hàng ngày vào thứ Ba, tuyên bố các vấn đề như Tây Tạng, Đài Loan, và Hồng Kông là liên quan chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và kêu gọi Hoa Kỳ ngừng "can thiệp" vào "các vấn đề nội bộ" của Trung Quốc. 

Ông Pema Jungney, phát ngôn viên của chính phủ lưu vong Tây Tạng, chính thức được gọi là Cơ quan quản lý trung ương Tây Tạng, cho biết đạo luật này là "một thành tựu lịch sử và quan trọng đối với người Tây Tạng trên toàn thế giới", trong một tuyên bố hôm 23/12.

"Người dân Tây Tạng chúng tôi vô cùng biết ơn chính phủ và người dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vì sự hỗ trợ và lòng tốt kiên định của họ đã kéo dài cho đến tận bây giờ", ông Jungney nói thêm.

Ông Jungney cho biết chính phủ lưu vong muốn "kêu gọi các quốc gia khác áp dụng những bộ luật tương tự thông qua quốc hội của họ".

Anh Khoa (tổng hợp)

Nguồn : VNTB, 27/12/2020

*********************

Quan chức Nhật yêu cầu Biden đối xử với Đài Loan như Trump đã làm

VNTB, 26/12/2020

Sự tham gia của Nhật Bản với Đài Loan cũng đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây trên cơ sở phần lớn là phi chính phủ. Tokyo duy trì chính sách "một Trung Quốc", cân bằng khéo léo các mối quan hệ với Trung Quốc và Washington, đồng minh quân sự lâu năm.

taytang2

Ông Nakayama, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, thúc giục Biden có quan điểm tương tự với Đài Loan như Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump. Ông Trump đã thúc đẩy đáng kể việc bán vũ khi cho hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và tăng cường can dự.

Nhật Bản chia sẻ lợi ích chiến lược với Đài Loan, vì Đài Loan nằm trong các tuyến đường hàng hải với phần lớn nguồn cung năng lượng và thương mại của Nhật Bản.

"Cho đến nay, tôi vẫn chưa thấy một chính sách rõ ràng hay một thông báo nào về Đài Loan từ ông Joe Biden. Tôi muốn sớm được nghe về điều này, theo đó chúng tôi cũng có thể chuẩn bị phản ứng của mình về Đài Loan cho phù hợp", Nakayama nói.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Biden đã kêu gọi tăng cường quan hệ với Đài Loan và các "nền dân chủ cùng chí hướng".

Nhiều thập kỷ trước khi là thượng nghị sĩ, ông Biden đã đặt câu hỏi liệu Hoa Kỳ có "nghĩa vụ" bảo vệ Đài Loan hay không. Nhưng nhiều người trong giới chính sách đối ngoại của ông thừa nhận rằng các mệnh lệnh của Hoa Kỳ đã thay đổi khi một Trung Quốc đang trỗi dậy, độc tài trở nên quyết đoán hơn và tìm cách định hình các thể chế toàn cầu.

Một quan chức trong nhóm chuyển tiếp của Biden cho biết tổng thống đắc cử tin rằng sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan "phải duy trì mạnh mẽ, có nguyên tắc và lưỡng đảng".

Quan chức này cho biết : "Sau khi nhậm chức, ông ấy sẽ tiếp tục ủng hộ một giải pháp hòa bình các vấn đề xuyên eo biển phù hợp với mong muốn và lợi ích tốt nhất của người dân Đài Loan.

Bắc Kinh đã tức giận vì Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ Đài Loan, như bán vũ khí và các chuyến thăm Đài Bắc của các quan chức cấp cao Hoa Kỳ, làm căng thẳng thêm quan hệ Trung-Mỹ vốn đã xấu đi.

‘Giới hạn’

"Đài Loan là chuyện nội bộ của Trung Quốc", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho biết hôm thứ Sáu. "Chúng tôi kiên quyết phản đối sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc của bất kỳ quốc gia nào hoặc bất kỳ ai bằng bất kỳ hình thức nào".

Tại Đài Bắc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Joanne Ou ghi nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng Hoa Kỳ đối với Đài Loan dựa trên "ngôn ngữ chung" của tự do và dân chủ.

Bà nói : "Đài Loan mong được hợp tác chặt chẽ với chính quyền Biden, để tiếp tục cải thiện ổn định quan hệ Đài Loan – Hoa Kỳ trên cơ sở tình hữu nghị vững chắc hiện có.

"Ranh giới ở Châu Á là Trung Quốc và Đài Loan", Nakayama nói khi nhắc đến ranh giới mà cựu Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố về việc sử dụng vũ khí hóa học của Syria – ranh giới mà Damascus sau đó đã vượt qua. Ông Biden là cựu phó tổng thống của Obama.

"Joe Biden ở Nhà Trắng sẽ phản ứng thế nào trong mọi trường hợp nếu Trung Quốc vượt qua ranh giới đỏ này ? "Hoa Kỳ là nhà lãnh đạo của các nước dân chủ… Nước Mỹ, hãy cứng rắn lên !".

Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc trong những tháng gần đây đã tiến hành các đợt tấn công, như vượt qua ranh giới nhạy cảm giữa Trung Quốc và Đài Loan, thực hiện các chiến thuật gây áp lực nhằm làm xói mòn ý chí kháng cự của Đài Loan, theo các sĩ quan quân đội cấp cao Đài Loan và Mỹ hiện nay và trước đây.

Máy bay Trung Quốc xâm nhập Đài Loan

Ngày 25 tháng 12, một máy bay tuần tra chống tàu ngầm Thiểm Tây Y-8 của Trung Quốc và một máy bay giám sát Y-8 khác đã đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan hôm thứ Sáu nhưng đã rời khỏi khu vực này sau khi Đài Loan đáp trả.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết máy bay tuần tra chống tàu ngầm Y-8 đã đi vào khu vực phía tây nam của ADIZ của Đài Loan, trong khi máy bay giám sát Y-8 bay qua eo biển Bashi và bay qua hầu khắp vùng phía nam của ADIZ.

Quân đội Đài Loan đã cho máy bay đánh chặn, phát cảnh báo vô tuyến và huy động lực lượng giám sát và phòng không để đối phó với các vụ xâm nhập vốn gần như đã trở thành chuyện thường ngày trong những tháng gần đây do quan hệ giữa hai bên ngày càng xấu đi.

Vụ việc là sự cố mới nhất trong một chuỗi các cuộc triển khai tương tự của quân đội Trung Quốc vào ADIZ của Đài Loan và eo biển Đài Loan kể từ ngày 17 tháng 9, khi Bộ Quốc phòng bắt đầu thông báo công khai về việc di chuyển của máy bay quân sự Trung Quốc gần Đài Loan trên trang web của Bộ.

Gần đây, một máy bay chống tàu ngầm Y-8 và máy bay Y-8G đã tiến vào ADIZ của Đài Loan vào các ngày 20 tháng 12, 22 tháng 12 và 24 tháng 12 ; một máy bay Y-9 và một máy bay Y-8 đã làm tương tự như vậy vào ngày 21 tháng 12, chiếc Y-8 còn vượt qua dải phân cách ở eo biển Đài Loan.

Trong khi đó, một tàu tình báo Trung Quốc cũng đã phát hiện ở vùng biển phía đông bắc Đảo Xanh ngoài khơi huyện Đài Đông vào sáng sớm thứ Sáu trước khi Viện Khoa học và Công nghệ Chung-Shan Quốc gia lên kế hoạch bắn thử tên lửa từ Căn cứ Quân sự Jioupeng ở huyện Pingtung và thị trấn Chenggong ở Đài Đông vào tối thứ sáu.

Tàu Trung Quốc rời khu vực nằm trong phạm vi có khả năng phóng tên lửa vào khoảng 4 giờ sáng, khi cách phía đông bắc Đảo Xanh khoảng 102,3 hải lý dưới sự giám sát chặt chẽ của Hải quân Đài Loan.

Trung Quốc thử nghiệm tàu chiến thứ hai trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông

Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm tàu chiến thứ hai khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng trên Biển Đông đang tranh chấp gay gắt.

Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã đặt mua tổng cộng 8 tàu tấn công Type 075, có khả năng chở 30 trực thăng tấn công và 900 binh sĩ, theo Newsweek  .

Hôm thứ Ba, một tàu chiến Type 075 thứ hai đã rời Nhà máy đóng tàu Hudong Zhonghua ở Thượng Hải, chỉ bốn tháng sau chuyến đi lần đầu của con tàu đầu tiên.

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã khoe khoang việc đóng tàu nhanh chóng, ví như "hấp bánh bao" và tuyên bố rằng hạm đội sẽ củng cố phản ứng của họ trước các cuộc giao tranh quân sự trong khu vực, báo cáo cho biết.

Nguồn : VNTB, 26/12/2020

Published in Châu Á

Hoa Kỳ chuẩn thuận bán 105 máy bay chiến đấu F-35 cho Nhật Bản (BBC, 12/07/2020)

Hoa Kỳ chuẩn thuận bán 105 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cho Nhật Bản.

vukhi

Hoa Kỳ thuận bán 105 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, trợ giúp kỹ thuật và đào tạo cho Nhật trong hơn 25 năm. Ảnh minh họa F-35B cất cánh ngắn và hạn cánh thẳng đứng trên hàng không mẫu hạm 

Việc chuẩn thuận được Hoa Kỳ công bố hôm thứ Năm.

Ước tính hợp đồng bán này ở mức 23,11 tỷ USD, là hợp đồng đơn lẻ lớn thứ hai mà Hoa Kỳ bán cho nước ngoài.

Vào năm 2010 Hoa Kỳ bán máy bay chiến đấu và vũ khí khác cho Ả rập Saudi với trị giá 29,4 tỷ USD.

Hoa Kỳ sẽ trợ giúp kỹ thuật và đào tạo cho Nhật trong hơn 25 năm.

Nhật Bản muốn mua 63 chiếc F-35A, loại mà Nhật hiện đã khai thác và 42 chiếc F-35B, phiên bản cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng cho các hàng không mẫu hạm.

Washington đã bật đèn xanh cho thỏa thuận mua bán theo đó sẽ "cải thiện an ninh của một đồng minh chính" tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.

"Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia hết sức lớn trong việc hỗ trợ Nhật Bản phát triển và duy trì khả năng tự vệ mạnh mẽ và hiệu quả".

Ngân sách quốc phòng Nhật Bản 2020/2021 là ở mức kỷ lục 50,3 tỷ USD, và dành cho cho việc mua máy bay chiến đấu và phòng thủ tên lửa khi nước này phải đối mặt với mối đe dọa từ Bắc Hàn và Trung Quốc.

Để đối phó với việc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội nhanh chóng, Nhật Bản đã quyết định mua lại tổng cộng 105 máy bay F-35A trong thập niên tới, ngoài 42 máy bay F-35B.

Vào cuối năm 2018, chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt kế hoạch phòng thủ 5 năm bao gồm việc đưa hai tàu sân bay vào hoạt động.

F-35 : Vì sao nhà sản xuất nói chiến cơ này tối tân ?

Cất cánh lần đầu năm 2006, chiếc F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế như một máy bay đa dạng có thể được sử dụng bởi Quân lực, Thủy quân Lục chiến và Hải quân Hoa Kỳ

Có ba loại : cất cánh và hạ cánh theo kiểu truyền thống (A) ; cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng (B) và bay từ hàng không mẫu hạm (C)

Khả năng tàng hình là một yếu tố chủ chốt, khung và nguyên liệu thiết kế máy bay cho phép phi công thâm nhập vào các khu vực mà không bị radar phát hiện

Tính năng này cho phép máy bay có khả năng bắn máy bay địch trước khi bị phát hiện. Một hệ thống màn hình gắn trên mũ phi công có nghĩa chiếc F-35 không cần nhắm vào mục tiêu mà vẫn bắn được.

Các bộ cảm biến, hệ thống viễn thông và hàng không điện tử mới là điểm vượt trội của F-35. Dữ liệu được chia sẻ tức thời với các chỉ huy trưởng chiến dịch, và phi công có thể bám theo kẻ thù, làm nhiễu hệ thống radar và ngăn chặn các cuộc tấn công.

*********************

Mỹ phê chuẩn nâng cấp gói tên lửa 620 triệu đôla cho Đài Loan (BBC, 10/07/2020)

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đã phê duyệt gói nâng cấp tên lửa đất đối không Patriot trị giá 620 triệu đôla cho Đài Loan, một động thái nhằm đối phó với mối đe dọa đang gia tăng từ Trung Quốc, theo Reuters.

vukhi2

Đài Loan đặt mua linh kiện để nâng cấp tên lửa Patriot "nhằm kéo dài thời gian sử dụng trong 30 năm".

Hoa Kỳ, cũng như hầu hết các quốc gia khác, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng luật pháp Hoa Kỳ quy định nước này có nghĩa vụ cung cấp cho hòn đảo này phương tiện để tự vệ.

Trung Quốc, vốn tuyên bố hòn đảo theo thể chế dân chủ này thuộc lãnh thổ của mình, như thường lệ đã chỉ trích việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.

Reuters dẫn thông cáo ngày 9/7, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Đài Loan đã đề nghị mua linh kiện để nâng cấp tên lửa Patriot "nhằm kéo dài thời gian sử dụng trong 30 năm".

Thông cáo cho hay hãng Lockheed Martin sẽ là nhà thầu chính và tổng chi phí ước tính là 620 triệu đôla.

"Việc mua bán này là phục vụ các lợi ích quốc gia, kinh tế và an ninh của Mỹ bằng cách tiếp tục hỗ trợ bên mua trong việc nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang đồng thời nhằm duy trì khả năng phòng thủ", thông cáo nêu rõ.

"Bên mua sẽ sử dụng khả năng này như biện pháp ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực và tăng cường bảo vệ lãnh thổ. Bên mua sẽ có thể dễ dàng đưa thiết bị này vào phục vụ lực lượng vũ trang của mình".

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ dự kiến thương vụ sẽ được triển khai trong tháng tới.

"Đây là lần thứ bảy chính quyền Donald Trump bán vũ khí cho Đài Loan. Điều này thể hiện tầm quan của việc đảm bảo an ninh, củng cố mối quan hệ đối tác an ninh hai bên và cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan và khu vực", bộ này cho biết.

Trong khi quân đội Đài Loan được đào tạo bài bản và được trang bị đầy đủ với hầu hết vũ khí, khí tài do Mỹ sản xuất, Trung Quốc lại áp đảo về số lượng và hiện đang gia tăng các thiết bị tiên tiến của riêng mình như máy bay chiến đấu tàng hình.

Published in Châu Á

Trung Quốc khuyến cáo Nhật Bản không được xen vào chuyện Đài Loan (RFI, 23/01/2017)

bd1

Hệ thống tên lửa chống hạm Nhật Bản ở căn cứ Naha, Okinawa. Ảnh ngày 11/11/ 2013. TORU YAMANAKA / AFP

Bình luận về cuộc tập trận của quân đội Nhật Bản, theo kịch bản Đài Loan bị Trung Quốc tấn công, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 22/01/2017 yêu cầu Tokyo không nên nhúng tay can thiệp vào "chuyện nội bộ của Trung Quốc". Đài Loan cũng đang tiến hành một cuộc tập trận bằng đạn thật "với qui mô lớn nhất" theo kịch bản chận đánh một cuộc đổ bộ từ Hoa Lục.

Theo Kyodo, trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh yêu cầu Nhật Bản "thận trọng trong lời nói và hành động" vì Đài Loan là "chuyện nội bộ" của Trung Quốc. Tokyo không nên có "động thái phá hoại hoà bình".

Hãng Kyodo, trong bản tin ngày 18/01 cho biết, từ ngày 22 đến 26/01, bộ Quốc Phòng Nhật sẽ tiến hành một cuộc diễn tập, nhưng trên máy tính, chiến thuật đối phó với tình huống xảy ra đụng độ giữa Trung Quốc và Đài Loan, để nâng cao khả năng bảo vệ an ninh quốc gia.

Trước khi bộ Ngoại Giao Trung Quốc phản ứng, bộ Quốc Phòng nước này cho biết "kiên quyết chống lại mọi hành động khiêu khích" làm hại quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan.

Không hẹn mà gặp, cả Nhật Bản và Đài Loan đều tiến hành tập trận đương đầu với Trung Quốc.

Theo AFP, Đài Loan huy động hải lục không quân, nhảy dù, thiết giáp, hỏa tiển phòng không, tên lửa chống hạm. Hàng chục ngàn quân nhân trừ bị cũng tham gia. Cuộc tập trận bằng đạn thật, được thông báo "lớn nhất từ 10 năm nay" bắt đầu từ thứ tư tuần trước, tiếp theo một loạt động thái biểu dương lực lượng của Bắc Kinh bày tỏ bất bình trước thái độ trọng thị của lãnh đạo mới tại Washington đối với tổng thống Thái Anh Văn.

Tú Anh

**********************

Đài Loan ca ngợi quan hệ với Mỹ sau khi Donald Trump nhậm chức (RFI, 22/01/2017)

bd2

Ảnh minh họa : Donald Trump trên trang nhất nhật báo Đài Loan ngày 21/01/2017. Reuters

Sau khi dự lễ nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ, cựu thủ tướng Đài Loan, đặc phái viên của chính quyền Đài Bắc, hôm thứ Sáu, 20/01/2017, đã tuyên bố là quan hệ giữa Đài Loan và Mỹ lên tới "mức cao lịch sử".

AFP ngày 21/01 cho biết, ông Du Tích Khôn (Yhu Shyi Kun), nguyên là thủ tướng Đài Loan trong giai đoạn 2002 – 2005, đã dẫn đầu một phái đoàn 11 thành viên dự lễ nhậm chức tổng thống của Donald Trump tại Washington.

Việc Hoa Kỳ mời Đài Loan đến tham dự sự kiện này đã làm cho Trung Quốc nổi giận và làm dấy lên một cuộc khẩu chiến đi kèm hăm dọa, vì Bắc Kinh luôn coi hòn đảo này là một tỉnh của Hoa Lục và đe dọa nếu cần sẽ dùng vũ lực đánh chiếm.

Trung Quốc đã chính thức yêu cầu Washington không mời phái đoàn Đài Loan tới dự lễ nhậm chức. Ngay lập tức, cựu thủ tướng Đài Loan Du Tích Khôn tố cáo chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo có "đầu óc hẹp hòi".

Cho dù rất bực tức, ông Du Tích Khôn vẫn luôn tỏ ra tươi cười hôm thứ Sáu, sau khi cùng với phái đoàn bao gồm các nghị sĩ của bốn chính đảng Đài Loan tham dự lễ nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ.

Bản thân ông Du Tích Khôn là thành viên và trước đây là chủ tịch đảng Dân Tiến (hiện đang cầm quyền tại Đài Loan). Đảng này lo ngại về quan hệ với Trung Quốc và chủ trương Đài Loan có quyền tự trị.

Quan hệ tuyệt vời.

Cựu thủ tướng Đài Loan tỏ ra hào hứng về việc ông đã được đón tiếp tại Washington và nói : "Có thể nói là vào lúc này quan hệ Đài Loan-Hoa Kỳ đang rất tốt".

Gần như ngay sau khi đắc cử tổng thống hồi tháng 11/2016, Donald Trump đã làm cho Bắc Kinh nổi đóa, khi ông nhận điện thoại chúc mừng của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen)

Từ năm 1979, Washington đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thừa nhận đảng Cộng Sản Trung Quốc lãnh đạo ở Bắc Kinh là chính phủ duy nhất của "một nước Trung Hoa".

Thế nhưng, Đạo luật về Quan hệ với Đài Loan năm 1979 cho phép Hoa Kỳ duy trì cách tiếp cận "lấp lửng" trong quan hệ với Đài Loan, cụ thể là Washington vẫn có quan hệ thương mại và bán vũ khí cho Đài Bắc.

Tuy Washington không công khai thừa nhận bà Thái Anh Văn là một nguyên thủ quốc gia, nhưng Bắc Kinh vẫn rất tức giận, tố cáo Hoa Kỳ không tôn trọng chính sách "một nước Trung Hoa", vi phạm thủ tục lễ tân, khi tổng thống đắc cử Donald Trump chấp nhận điện đàm với lãnh đạo Đài Loan.

Vào lúc đó, ông Trump tỏ ra không quan tâm đến phản ứng của Trung Quốc và một số chính trị gia bảo thủ Mỹ đã ca ngợi ông bảo vệ một đồng minh dân chủ.

Đầu tháng Giêng 2017, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã quá cảnh Hoa Kỳ, trên đường công du Châu Mỹ Latin và tại sân bay, bà đã gặp thống đốc tiểu bang Texas Greg Abbott và Thượng nghị sĩ Ted Cruz.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn AFP, ông Du Tích Khôn nói rằng, quyết định của tổng thống Donald Trump nhận điện thoại của bà Thái Anh Văn cũng như cho bà quá cảnh Hoa Kỳ là những tín hiệu cho thấy quan hệ giữa Washington và Đài Bắc đang được sưởi ấm.

Ông nói : "Bà Thái Anh Văn đã được đón tiếp tốt và ở cấp cao tại Hoa Kỳ và trước đó là cuộc điện đàm giữa tổng thống Trump và tổng thống Thái Anh Văn, những động thái đó nâng cao sự hiện diện của Đài Loan" trên trường quốc tế.

Một nước Trung Hoa

Khi được hỏi là ông đã có các cuộc gặp với các quan chức trong chính quyền mãn nhiệm của Barack Obama) hay chính quyền mới của Donald Trump hay không, ông Du Tích Khôn tỏ ra thận trọng.

Ông trả lời, "theo các chuẩn mực và sự thông cảm giữa Đài Loan và Hoa Kỳ, thì nếu chúng tôi có các cuộc gặp với các thành viên của chính quyền Mỹ, chúng tôi cũng không thể tiết lộ".

Cựu thủ tướng Đài Loan cũng nói là tổng thống Trump, vốn nổi tiếng với những thông điệp thất thường trên mạng xã hội Twitter, đã nói rằng Hoa Kỳ cần xem xét lại chính sách "một nước Trung Hoa".

Tuy hoan nghênh về điều này, nhưng cựu thủ tướng Du Tích Khôn cho biết là một số người tại Đài Loan lo ngại vì trong các thông điệp trên Twitter sau đó, ông Trump dường như gợi ý là ông có thể sử dụng vấn đề quan hệ với Đài Loan để "mặc cả" với Trung Quốc.

Hồi tháng 12/2016, ông Trump nói với báo Wall Street Journal rằng "mọi thứ đều trên bàn đàm phán, kể cả chính sách một nước Trung Hoa" và gợi ý là Trung Quốc có thể bảo vệ chính sách này nếu đàm phán về một thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ.

Theo ông Du Tích Khôn, một số nhóm tư vấn bảo thủ tại Washington có thể có ý tưởng muốn ông Trump "bán đứng Đài Loan" thế nhưng, ông tin tưởng rằng Đạo luật về Quan hệ với Đài Loan cấm làm việc này.

Một lo ngại khác của Đài Loan, đó là sự xóa bỏ hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP, một hiệp định tự do mậu dịch mà ông Obama chủ trương và bảo vệ nhưng ông Trump muốn xóa bỏ.

Cựu thủ tướng Đài Loan nói, "dưới thời chính quyền Obama, mọi người rất mong muốn ký kết TPP. Đài Loan và Mỹ đều hiểu rằng Đài Bắc sẽ là một thành viên của TPP".

Mối đe doạ thường trực và phi lý

Tuy nhiên, nếu TPP bị xóa bỏ, cựu thủ tướng Đài Loan hy vọng là Hoa Kỳ và Đài Loan có thể ký một hiệp định thương mại riêng rẽ và các nhà đầu tư Đài Loan có thể giúp ông Trump thực hiện được lời hứa là tạo công ăn việc làm ở Hoa Kỳ.

Ông Du Tích Khôn cũng phàn nàn là 23 triệu dân Đài Loan luôn phải sống với "một mối đe doạ thường trực và phi lý" của Trung Quốc bởi vì Đài Loan không được Liên Hiệp Quốc thừa nhận là thành viên. Ông nhấn mạnh, "cả Đài Loan và Hoa Kỳ là thành viên của một liên minh dân chủ. Chúng tôi cùng chia sẻ các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền và hòa bình. Chúng tôi cũng có và bảo vệ những giá trị tương tự".

Khi được hỏi là ông có nghĩ là một ngày nào đó, Đài Loan sẽ trở thành một quốc gia "bình thường", có đầy đủ chủ quyền ? Cựu thủ tướng Đài Loan mỉm cười và nói : "Chúng tôi thực sự hy vọng như vậy".

Đức Tâm

Published in Châu Á