Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/08/2024

Ưu tư lớn nhất của Tô Lâm là giữ vững vai trò lãnh đạo lâu dài

Trà My - Trần Chương - Thái Hà

Thế và lực của Tổng bí thư Tô Lâm có thực sự mạnh ?

Trà My, Thoibao.de, 29/08/2024

Sau kỳ họp bất thường lần thứ 8 của Quốc hội khóa 15, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lập tức kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Chính phủ. Cùng với đó, ông Nguyễn Hòa Bình được bổ nhiệm chức Phó Thủ tướng Thường trực.

tolam1

Chủ tịch nước Tô Lâm duyệt đội danh dự binh chủng Hải quân ngày 7/6/2024

Theo giới quan sát, các nhân sự phó thủ tướng trong nội các của Thủ tướng Chính hiện nay, đã sạch bóng dáng các nhân sự do Tổng bí thư Trọng bổ nhiệm. Và số lượng 5 phó thủ tướng được đánh giá là dư thừa.

Điều đó cho thấy, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có chủ trương "thay máu" trong bộ máy chính trị cũ một cách sâu rộng, để sắp xếp nhân sự mới, phục vụ cho một triều đại mới.

Không phải ngẫu nhiên, truyền thông nhà nước đưa tin, trong phát biểu với Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng 14, Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh :

"Thống nhất nhận thức về khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới ; từ đó có nhận thức đúng về tầm vóc, và ý nghĩa lịch sử của Đại hội Đảng lần thứ 14".

Phải chăng, tuyên bố này của ông Tô Lâm báo hiệu, sẽ có những thay đổi lớn cho đất nước Việt Nam ?

Trên mạng xã hội có nhiều ý kiến phân tích và nhận xét khác nhau. Đa phần là hoài nghi, thiếu tin tưởng, không chỉ vì slogan "đừng nghe, mà hãy nhìn". Quan trọng hơn, một số ý kiến cho rằng, liệu ông Tô Lâm có qua nổi "con nước" tháng 10 sắp tới, khi Quốc hội bầu lại chức danh Chủ tịch nước hay không ?

Theo những ý kiến này, nếu ông Tô Lâm không thực hiện được mô hình "nhất thể hóa" giống Trung Quốc, thì chắc chắn, Tổng bí thư Tô Lâm khó có thể nắm quyền lực tuyệt đối trong Đảng.

Trong khi đó, ông Tô Lâm đang đứng trước các thách thức, trong vấn đề đối nội cũng như đối ngoại.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, một cựu quan chức ngoại giao Việt Nam, tiết lộ lý do vì sao, Tổng bí thư Tô Lâm phải dời lịch cho chuyến thăm Trung quốc sớm hơn dự kiến. Ông Thắng nói :

"Ông Tô Lâm đã nhận được lời mời từ Chính phủ Mỹ. Một cuộc gặp gỡ chính thức giữa Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Tổng thống Joe Biden đang được lên kế hoạch, dịp ông Tô Lâm sang New York, dự kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79. Nếu xuất hiện trước thế giới như biểu tượng của "sự chuyển giao", Tô Đại tướng dễ trở thành mục tiêu chỉ trích từ nội bộ".

Về đối nội, ông Tô Lâm đang phải đương đầu với các thách thức phức tạp gấp bội. Đó là việc tranh chấp quyền lực giữa các phe phái trong Đảng, và nhân tố Nghệ An – Hà Tĩnh vẫn chưa được bình định xong. Mối quan hệ giữa ông Tô Lâm và ông Trần Cẩm Tú – người dự kiến sẽ ngồi ghế Thường trực Ban Bí thư, để Đại tướng Lương Cường ngồi ghế Chủ tịch nước, vẫn chưa rõ ràng.

Trong khi đó, lập trường của phe quân đội thời "hậu" Nguyễn Phú Trọng, rất rõ ràng và dứt khoát – đó là, quân đội chứ không phải công an là trung tâm quyền lực. Đó là vì sao, tuy ông Tô Lâm là Bí thư Quân ủy Trung ương, nhưng vẫn không tranh thủ được sự ủng hộ từ quân đội.

Chỉ dẫn ra 3 ví dụ đã thấy, nếu các thế lực vừa kể bắt tay nhau, thì sẽ là chuyện lớn, và ông Tô Lâm sẽ không thể "ngon ăn".

Đó là chưa kể tới, nguồn tin của thoibao.de tiết lộ, Tổng bí thư Tô Lâm sẽ "đào tận gốc, trốc tận rễ" di sản nhân sự cấp cao thân cận với Tổng bí thư Trọng.

Theo đó, trong thời gian tới, các nhân vật Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai, sẽ bị kỷ luật, với hình thức khai trừ Đảng, và cắt hết tất cả các chế độ dành cho cán bộ cấp cao, kể cả lương hưu và các khoản phụ cấp.

Theo giới quan sát, nếu chủ trương vừa kể của Tổng bí thư Tô Lâm thực hiện được, thì sẽ gây nên một cơn địa chấn chính trị trong nội bộ Đảng. Phải chăng, ông Tô Lâm sẽ tiến hành một chiến dịch "hồi tố" trên diện rộng, để tịch thu tài sản tham nhũng của các cựu quan chức, tương tự như "Cải cách ruộng đất" trước đây ?

Điều vừa kể nếu trở thành sự thật, thì Tổng bí thư Tô Lâm hãy coi chừng, sẽ thành cách "chữa lửa bằng xăng", rất dễ cháy thành vạ lây.

Trà My 

Nguồn : Thoibao.de, 29/08/2024

********************************

Tổng bí thư Tô Lâm là một lãnh đạo nguy hiểm và tàn độc hơn Tổng Trọng ?

Trà My, Thoibao.de, 29/08/2024

Bình luận về tình hình chính trị Việt Nam nói chung, và về Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói riêng, giới phân tích quốc tế đánh giá, việc ông Tô Lâm sẽ trở thành Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam tại Đại hội 14 là điều chắc chắn.

tolam2

Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm - Ảnh minh họa

Tổng bí thư Tô Lâm được là một viên chức an ninh có "ảnh hưởng", và là một người sẵn sàng sử dụng các hồ sơ "mật", để đánh gục mọi nhân vật đang đánh giá nổi lên trong Đảng. Đáng chú ý, có đánh giá cho rằng, ông Tô Lâm không giống như Tổng bí thư Trọng, nhưng lại rất giống với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tổng bí thư Tô Lâm được đánh giá là một nhân vật thực dụng, thức thời. Nhưng rõ ràng, sự lạm quyền, bất chấp các quy định của Đảng thì ông Tô Lâm không hề thua kém, thậm chí, còn hơn cả ông Nguyễn Phú Trọng.

Chỉ khác là, trước đây, nếu Tổng bí thư Trọng muốn làm bất cứ điều gì, nhằm mục đích có lợi cho cá nhân và đồng đảng, thì ông Trọng phải sửa đổi các quy định cũ của Đảng theo lối "đẽo chân cho vừa giày". Ông Trọng không bao giờ dám bất chấp tất cả như ông Tô Lâm trong thời gian gần đây.

Tại sao lại nói như vậy ?

Điểm lại hành trình thăng tiến và củng cố quyền lực của ông Tô Lâm, trong thời gian kể từ tháng 5/2024 đến nay, sẽ thấy điều đó.

Trước đó, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm đã "húc đổ" các lô cốt cản đường, như : Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, hay Trương Thị Mai. Trên danh chính ngôn thuận, thời điểm đó, ông Tô Lâm vẫn là kẻ đầu sai, "Trọng chỉ đâu, Lâm đánh đấy".

Tuy nhiên, không thể giải thích lý do tại sao, ông Trọng lại sai ông Tô Lâm "dỡ bỏ" 2 ứng viên hàng đầu cho vị trí Tổng bí thư Đại hội 14, là Thưởng và Huệ. Bởi đây là 2 nhân sự do Tổng bí thư Trọng dày công chăm bẵm ? Điều đó có khác gì ông Trọng tự bắn vào chân ?

Do đó chỉ còn một khả năng là Tô Lâm bắt đầu thực hiện âm mưu "đảo chính không tiếng súng" từ đầu năm 2024 khi sức khỏe ông Trọng sa sút đến mức, thời gian nằm trong bệnh viện 108 dài gấp nhiều lần hơn thời gian làm việc tại trụ sở Trung ương Đảng.

Khi Bộ trưởng Công an Tô Lâm được phân công giữ chức Chủ tịch nước, ông còn muốn kiêm nhiệm cả chức Bộ trưởng Công an, nhưng không được chấp nhận. Đứng sau hậu trường, ông Tô Lâm đã cho tổ chức Hội nghị lãnh đạo ngành Công an, gửi kiến nghị cho Bộ Chính trị, yêu cầu chuẩn thuận cho Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang – một người đồng hương của ông, giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an. Đây là một sự kiện hi hữu, chưa từng thấy.

Vấn đề khiến công luận ngạc nhiên, đó là, ông Lương Tam Quang là trường hợp đầu tiên không phải là Ủy viên Bộ Chính trị, mà vẫn được chọn làm Bộ trưởng Công an. Song, chuyện chưa dừng ở đó, ngày 16/8, ông Quang tiếp tục được "bầu bổ sung" vào Bộ Chính trị, cho dù điều đó trái với Quy định 214-QĐ/TW. Tại sao, ông Quang lại trở thành "trường hợp đặc biệt" ?

Chưa hết, điều tương tự cũng xảy ra với trường hợp Thượng tướng, Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc – cũng là đồng hương của ông Tô Lâm, được điều động làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, và cũng 2 tháng sau được bầu vào Ban Bí thư, trái với Quy định 214-QĐ/TW.

Nghĩa là, Tổng bí thư Tô Lâm đã liên tiếp vi phạm, dẫn tới việc Quy định 214 bị vô hiệu hóa.

Một vấn đề mà công luận đến nay vẫn tiếp tục nghi ngờ, nhưng chưa có lời giải thích, đó là, phải chăng, ông Tô Lâm có khả năng kiểm soát, và có thể đã can thiệp trực tiếp đến sinh mệnh của ông Trọng, để lên kế hoạch "đảo chính không tiếng súng" như đồn đoán ?

Điều đó liên quan gì đến tin đồn, ông Trọng đã bị rút ống thở, dẫn tới cái chết của ông. Mà truyền thông nhà nước công bố các thông tin và hình ảnh, cũng như các tin tức cho thấy, Tổng Trọng bệnh tật chưa tới mức nguy kịch.

Công luận đòi hỏi các cơ quan chức năng cần điều tra, làm sáng tỏ, và có câu trả lời.

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 29/08/2024

****************************

Đường đến ngôi quyền lực của Tô Lâm sẽ khốn đốn vì Lương Cường ?

Trần Chương, Thoibao.de, 29/08/2024

Ông Tô Lâm đã tận dụng cơ hội làm phản và đánh úp, nên leo lên được ghế Tổng bí thư. Nhờ núp bóng ông Nguyễn Phú Trọng, và nhờ ông Trọng "đốt lò", kìm hãm nhiều thế lực suốt 8 năm, mà Tô Lâm mới có cơ hội nuôi quân, để làm nên chuyện như ngày hôm nay.

tolam3

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường phát biểu ngày 16/08/2024 tại Chương trình tôn vinh người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, biển đảo lần thứ II, năm 2024 với chủ đề "Điểm tựa của bản làng". Ảnh : Minh Nam.

Thành công đến với Tô Lâm rất nhanh, bởi ông biết cách tận dụng thời cơ, biết nuôi quân và tận dụng triệt để lực lượng công an. Tuy nhiên, dù thành công đến nhanh, nhưng không có nghĩa là duy trì thành công ấy dễ dàng. Để giữ được quyền lực lâu như ông Trọng, ông Tô Lâm cần phải làm rất nhiều điều. Trong đó, ông phải triệt mọi mầm họa có thể.

Tuy nhiên, Tô Lâm đang gặp phải khúc "gân gà" khá to, đấy là ông Lương Cường. Tướng Lương Cường là lá chắn mà ông Trọng mang vào Ban Bí thư, để vá lại lỗ hổng sau khi Tô Lâm đánh rụng Thường trực Ban Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương – Trương Thị Mai. Có thể nói, trước khi chết, ông Trọng đã để lại cho ông Tô Lâm một khúc "gân gà" khó nuốt.

Thực ra, khi ông Nguyễn Phú Trọng chọn tướng Lương Cường thay cho bà Trương Thị Mai, ông cũng chẳng còn hy vọng sống lâu để dùng những nhân sự mà ông tái lập này, bởi lúc đó cái chết đã cận kề với ông. Chủ yếu là ông muốn làm khó Tô Lâm.

Giờ đây, Tô Lâm muốn trở thành thế lực mạnh nhất, thì phải giải quyết bài toán Lương Cường. Tuy nhiên, để ông Lương Cường ở lại Ban Bí thư, thì không tiện cho ông Tô Lâm xây dựng lại Ban này, mà đẩy ông Lương Cường sang Phủ Chủ tịch, thì Tô Lâm buộc phải san sẻ quyền lực, đồng thời, cũng tạo cơ hội cho ông Lương Cường tự do hành động hơn. Kịch bản mà Tô Lâm sợ nhất, đó là, ông Lương Cường có thể bắt tay với ông Phan Văn Giang, để tạo thế cân bằng với thế lực của Tô Lâm.

Không như ông Trọng, ông Tô Lâm hiện nay đang có rất nhiều kẻ thù. Trong đó, đáng ngại nhất là việc thế lực quân đội thống nhất các phe cách, để chống lại ông. Quân đội có cả một bộ máy nhà nước thu nhỏ, có vũ khí, có cơ quan điều tra riêng, có tòa án riêng, có cả cơ quan tình báo riêng, v.v… Một khi họ thống nhất, thì Tô Lâm có thể làm gì được họ ?

Một mình tướng Lương Cường thì không phải là thế lực đủ mạnh để cân bằng với Tô Lâm. Nhưng một khi Lương Cường kết hợp được đúng người, thì hoàn toàn có thể lật đổ sự thống trị của Tô Lâm. Đấy chính là mối nguy tiềm ẩn. Ắt hẳn, cả ông Lương Cường và ông Tô Lâm đều biết điều đó. Vì thế, cuộc chiến cung đình sắp tới sẽ rất khắc nghiệt và khó lường.

Đang trên đà thắng như chẻ tre, thì bỗng nhiên khựng lại bởi một ông tướng Quân đội. Muốn hạ Tô Lâm, thì trước hết phải chặn đà tiến của ông, tiếp đó là kêu gọi những thế lực khác hợp lực. Mà gần Lương Cường nhất, chính là tướng Phan Văn Giang. Nếu 2 ông tướng này kết hợp, thì sẽ rất lý tưởng cho cả 2. Tuy nhiên, hai người này có thể gạt bỏ mâu thuẫn, để chung tay làm nên một trận đánh lớn hay không, thì lại là chuyện khác.

"Bạo lực cách mạng" là đường lối cai trị của Đảng cộng sản, với lực lượng Công an làm nòng cốt, xem Đảng là nguồn sống. Cho nên, sau khi giành được chính quyền, họ đã áp đặt ách thống trị đầy tính bạo lực với nhân dân.

Giờ đây, người trong Đảng cũng phải nếm mùi của cái gọi là "bạo lực cách mạng" ấy. Tô Lâm dành cho các thế lực khác thứ bạo lực sặc mùi Công an ; để khắc chế đường lối bạo lực của Tô Lâm, các phe phái khác chỉ còn cách là dùng bạo lực mạnh hơn. Nơi có thể làm được việc đó là quân đội.

Nếu quân đội thống nhất, trong đó Lương Cường và Phan Văn Giang một lòng một dạ, thì Tô Lâm sẽ không còn là ông vua nữa, mà phải biết nhượng bộ, chứ không phải chỉ bắt người khác nhượng bộ nữa.

Trần Chương

Nguồn : Thoibao.de, 29/08/2024

******************************

Tướng Lương Cường là một mối lo của Tô Lâm

Trà My, Thoibao.de, 29/08/2024

Có thể nói, ông Lương Cường là cái gai khó nhổ trong Ban Bí thư. Muốn đẩy ông ra khỏi Ban Bí thư, thì Tô Lâm phải hy sinh chức Chủ tịch nước. Sau khi đi thăm Trung Quốc và đi Hoa Kỳ trong tháng 9 tới, Tô Lâm có thể sẽ nhả ghế Chủ tịch nước cho Lương Cường trong Hội nghị Trung ương 10. Ngay sau đó, kỳ họp thường niên Quốc hội lần thứ 8 vào tháng 10, sẽ thông qua.

tolam4

Lương Cường là một Đại tướng Quân đội, ông cũng từng là thế lực ngang ngửa với Phan Văn Giang. Đến nay, ông vẫn có ảnh hưởng lớn trong quân đội. Mặc dù là Bí thư Quân ủy Trung ương, nhưng Tô Lâm rất khó kiểm soát hoàn toàn quân đội. Đương thời, ông Nguyễn Phú Trọng cũng không thể kiểm soát hoàn toàn Bộ Quốc phòng.

Muốn ngồi ghế Chủ tịch nước an toàn, thì phải nắm được Công an hoặc Quân đội. Ông Tô Lâm hiện đang nắm chắc Bộ Công an. Trước đây, ông Lê Đức Anh cũng nhờ nắm chắc quân đội, mà trở thành thế lực rất mạnh trong "Tứ trụ", thậm chí, sau khi về hưu, tiếng nói của ông vẫn rất có trọng lượng.

Nếu ông Lương Cường lên ghế Chủ tịch nước, thì sẽ không giống với Võ Văn Thưởng hay Nguyễn Xuân Phúc. Điều này chắc ông Tô Lâm hiểu hơn ai hết. Một ông Đại tướng, cả đời hoạt động trong quân đội, và ngoi lên đến Ủy viên Bộ Chính trị, từng tranh chức Bộ trưởng Quốc phòng với Phan Văn Giang, thì không thể coi thường. Nếu nhả ghế Chủ tịch nước cho ông Lương Cường thì không biết ông Tô Lâm có thể gầy dựng thế lực riêng được hay không, bởi những mối quan hệ của ông trong quân đội rất khó lường.

Lương Cường và Phan Văn Giang từng là đối thủ trong cuộc chạy đua vào ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tại Đại hội 13 đầu năm 2021. Chính vì thế, 2 thế lực mạnh trong Bộ Quốc phòng này lại không thống nhất với nhau. Tuy nhiên, nếu trở thành Chủ tịch nước, biết đâu, ông Lương Cường lại bắt tay với ông Phan Văn Giang, để thành một thế lực hợp nhất trong quân đội. Khi đó, liên minh Phan Văn Giang – Lương Cường hoàn toàn có thể cân bằng quyền lực với Tô Lâm.

Tại Hội nghị Trung ương bất thường vừa rồi, giữa Tô Lâm và Lương Cường vẫn chưa đạt được sự thống nhất về phân chia quyền lực. Điều này cho thấy, ông Lương Cường vẫn còn đủ mạnh để gây khó khăn cho ông Tô Lâm. Đây chính là mầm họa mà Tô Lâm chưa thể xử lý ổn thỏa. Một Tô Lâm tưởng như vô đối, nhưng lại phải dùng kế hoãn binh trước Lương Cường, thì xem ra, chính trường sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp.

Với tiềm lực còn khá mạnh, nếu để ông Lương Cường lại trong Ban Bí thư, rất có thể, ông Tô Lâm sẽ không dễ dàng kiểm soát được Ban này. Có một cấp phó không thần phục, không nghe lời, và có thế lực đủ mạnh để gây khó dễ, thì quyền lực của Tô Lâm sẽ bị hạn chế rất nhiều.

Trong hơn 1 tháng tới, ông Tô Lâm phải tìm ra hướng giải quyết đối với ông Lương Cường. Tuy nhiên, nếu để ông Lương Cường ở Ban Bí thư, thì Tô Lâm khó có thể kiểm soát hoàn toàn Ban này. Nhưng nếu đẩy Lương Cường sang ghế Chủ tịch nước, thì lại e ngại khả năng Lương Cường bắt tay Phan Văn Giang, để cân bằng quyền lực với Tô Lâm.

Có lẽ, bài toán của Tô Lâm là làm sao chọn giải pháp ít bất an hơn, chứ chưa thể có giải pháp hoàn hảo, vì không thể cho tướng Lương Cường rơi khỏi vũ đài chính trị, như trường hợp Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ được. Bởi Công an không có thẩm quyền điều tra tướng Quân đội.

Tuy thế và lực của ông Lương Cường không thể so bì với ông Tô Lâm, nhưng ông Lương Cường lại có quân đội bảo vệ. Ông Tô Lâm không thể dùng công cụ thông thường như đã dùng với các đối thủ khác để triệt hạ. Có lẽ, với ông Lương Cường, ông Tô Lâm có thể dùng cách như ai đó đã dùng với ông Trần Đại Quang.

Đợi xem, ông Tô Lâm sẽ giải quyết bài toán Lương Cường như thế nào ?

Thái Hà

Nguồn : Thoibao.de, 29/08/2024

Quay lại trang chủ
Read 491 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)