Khi xưa, cụ Phan Bội Châu từng viết trong "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" : "Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu, Chạy mỏi chân thì hẵng ở tù". Cuộc đời cụ Phan đúng như những vần thơ ấy. Cụ bôn ba khắp xứ để tìm con đường cứu nước. Hình như số phận bất cứ "hào kiệt" nào đi tìm con đường đi lên cho quốc gia đều gắn với "bôn ba" và "nhà ngục". Ngay cả ông Hồ Chí Minh cũng từng như như vậy (không xét đến con đường đúng hay sai).
Một cách thiết thực, giản dị để thể hiện sự ôn cố tri tân, tưởng nhớ tổ tiên, đó là hãy đi xa hơn cả họ. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi chọn điểm bắt đầu của hành trình đó là ở vấn đề tư tưởng.
Hãy bắt đầu bằng một tư tưởng cao đẹp
Mới gần đây thôi, Trần Khắc Đức là một thành viên của Tập Hợp chúng tôi cũng phải vào nhà ngục của chính quyền cộng sản. Đức chỉ gần 30 tuổi, là một thanh niên hiền lành, lương thiện, vừa phải "chạy" khắp nơi trên đường đời khốn khó trong cuộc mưu sinh và vừa phải "chạy" đua chống lại lực cản tinh thần của một thế hệ người Việt Nam đã chán chường chính trị, chán nản Tổ Quốc tới mức luôn tìm cách ra đi làm con dân của những quốc gia khác.
Đức tham gia vào Tập Hợp với ước vọng góp sức mình góp sức mình trên sự nghiệp dân chủ hóa đất nước bằng tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc, tôn trọng phẩm giá của mọi người Việt Nam. Đó là một cuộc chạy đua vô cùng khó khăn, vất vả của Tập Hợp chúng tôi và Đức nói riêng. Vất vả và khó khăn bởi vì tâm lý buông xuôi, lòng yêu nước bị xói mòn đến mức chấp nhận như một sự thật hiển nhiên với mỗi người Việt.
Trước một làn sóng Toàn Cầu Hóa đang chờ đợi để đánh vỡ tan bất kỳ tình cảm quốc gia nào, người Việt không ngoại lệ. Nguy cơ tan rã quốc gia đang trước mắt.
Trước một mãnh lực lớn như thế, một người như Đức chính là hiện thân của một thế hệ hào kiệt mới. Nếu như cụ Phan với lý tưởng giải phóng quê hương khỏi ách thuộc địa, thì lý tưởng của những thanh niên như Đức ngày nay, cũng cao đẹp không kém, đó là mộng ước cởi trói những nút thắt thù hận chia rẽ của đất nước Việt Nam bằng tinh thần hòa giải, hòa hợp.
Vừa cao đẹp, nhưng cũng là một sự cấp bách. Đất nước Việt Nam cần phải được dân chủ hóa với cốt lõi mọi con người phải được tôn trọng và vinh danh phẩm giá.
Trước nguy cơ tan rã quốc gia đang trước mắt, Đức chính là hiện thân của một thế hệ hào kiệt mới.
Ngẫm người xưa mà trông đến người nay
Trần Khắc Đức là một biểu tượng của một thế hệ "hào kiệt" mới cần có cho tương lai của đất nước. Hình ảnh đó, giống như hình ảnh của cụ Phan, sẽ truyền cảm hứng cho những người trẻ khác, là một minh chứng rõ thấy cho một thế hệ thanh niên Việt Nam dám dấn thân vì lẽ phải, lương thiện với một tấm lòng "hào kiệt" luôn trong tim.
"Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,
Chạy mỏi chân thì hẵng ở tù".
Nhưng Đức, và Tập Hợp sẽ không ngừng chạy cho lý tưởng về một kỷ nguyên Việt Nam mới : bao dung, tự do, dân chủ, xướng danh phẩm giá người Việt Nam và mộng ước đổi đời của tất cả thế hệ người Việt Nam.
Cuộc chạy đua vĩ đại nhất là cuộc chạy đua hẹn hò với tương lai. Hành trình cuộc chạy này của Đức và chúng ta xứng đáng, vì tất cả người Việt Nam chúng ta xứng đáng có một tương lai tươi đẹp.
Thanh Dương
(03/12/2024)
Hiền lành Đức sống khiêm nhường,
Yêu dân, yêu nước, yêu thương giống nòi.
Cha xa, gánh nặng trên đời,
Nuôi em khôn lớn, mẹ thời ấm yên.
Bà ngồi giữa nắng sẩy gạo
Bà già yếu, Đức thảo hiền,
Hiếu trung một dạ, giữ liền nghĩa nhân.
Cõi lòng sáng tựa trăng ngân,
Chí cao bất khuất, vì dân hết mình.
Tham gia dựng mộng hòa bình,
Đa nguyên dân chủ, nghĩa tình khắp nơi.
Bạo quyền trói buộc thân người,
Nhưng tâm Đức vẫn sáng ngời như sao.
Một thời gian khổ, lao đao,
Hy sinh chẳng quản, tự hào Việt Nam.
Tấm gương hòa giải sáng ngời,
Anh hùng thời đại, tiếng vang muôn đời.
Trần Khánh Ân
(29/11/2024)
Vài năm trước khi chúng tôi trao đổi với nhau về hiện tình đất nước, Đức đã chia sẻ một thực trạng có thật ở vùng quê của em. Hầu hết thanh niên sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đều chọn hướng đi xuất khẩu lao động vì không nhìn thấy nhiều cơ hội ở quê hương. Sau đó thì biến cố 39 người chết lạnh trong thùng container khi di chuyển trái phép vào Anh đã gây chấn động và xúc động lương tâm của thế giới. Đức đã viết một bài chia sẻ suy nghĩ của em về chuyện này.
Phần lớn người Việt ở miền Bắc nước Anh là những người từ các tỉnh miền Trung Việt Nam – BBC tiếng Việt/16/11/2021
Tôi cũng có dịp trò chuyện với những người bạn tôi quen khi đó và họ chia sẻ một cách rất thản nhiên về cái chết thương tâm của những người đồng bào mà họ gọi là "người rơm" này. Như thể đây là một trò chơi sinh tồn, mà người tham gia chơi phải ráng mà chịu lấy rủi ro. Còn chúng ta chỉ là khán giả, những người quan sát từ xa, hoàn toàn không phải chịu một cảm giác đau đớn hay cần cảm thấy có một sự đồng cảm nào ?
Năm 2024 thì câu chuyện về những người lao động chui vào Anh, hay các nước Châu Âu vẫn còn nguyên tính thời sự. Lần này, những người môi giới, những kẻ buôn người đã bị lộ diện sau khi bị bắt, thế giới và cộng đồng người Việt hải ngoại bàng hoàng khi biết những kẻ phạm tội đó là người Việt Nam. Những người này đã thành công trong những lần nhập cư chui trước đó, đã dày dạn kinh nghiệm và tường tận mọi ngóc ngách về địa lý, giấy tờ, luật lệ tại quốc gia muốn vào, nên tự đứng ra làm người tổ chức, để khỏi phải ăn chia và hốt trọn số tiền thu được vào túi của mình. Giờ đây họ đi buôn trên sinh mạng đồng bào mình. Họ tích cực bán vé sinh tồn cho chính những người Việt sẵn sàng chấp nhận rủi ro để những mong thoát khỏi hiện thực bế tắc và cơ cực.
Vào tháng 9/2024, Công an Sài Gòn đã lấy quyết định bắt tạm giam Đức với cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015".
Khi tôi đang ngồi viết những dòng này, thì ắt hẳn ở đất nước Việt Nam, đặc biệt là vùng quê mà Đức sinh ra vẫn có nhiều người đang suy nghĩ đặt cược sinh mạng của mình vào ván bài may rủi để nhập cư chui vào nước khác, chấp nhận mọi sự nhọc nhằn, làm kiếp người rơm vô danh, thậm chí làm những công việc phi pháp với hy vọng hão huyền có thể trúng tờ vé số đổi đời, rồi quay về quê hương trong vị thế của người thành công như một số người may mắn trước đó. Còn Đức, người em của chúng tôi lại đang ngồi trong trại tạm giam, chịu đựng những thiếu thốn và cả nhọc nhằn mà chế độ có thể làm.
Vì sao vậy ? Có sự liên hệ nào giữa hai chuyện này ?
Còn Đức, người em của chúng tôi lại đang ngồi trong trại tạm giam, chịu đựng những thiếu thốn và cả nhọc nhằn mà chế độ có thể làm.
Theo một thống kê từ trích dẫn lại từ BBC, thì dòng người Việt nhập cư chui vào Anh trong những năm qua còn cao hơn cả những nước như Afghanistan, hay các nước Châu Phi ốn có truyền thống di dân lậu vào Anh. Người ta sẵn sàng bỏ nước ra đi trong những tình trạng rủi ro nhất. Đây là một thực tại đáng buồn. Nó cũng tiết lộ về tình trạng bi đát của chế độ hiện tại. Người dân chọn bỏ phiếu bằng chân.
Nhưng chế độ đã làm gì ? Họ tuyên truyền về lối sống tích cực, đất nước vẫn đang tiến vào kỷ nguyên mới với những chỉ số tăng trưởng giả tạo. Một lớp váng những người giàu và quyền thế sống trong những ảo tưởng của riêng mình và gạt tuyệt đại đa số người dân Việt ra khỏi mặt nước trong vũng ao của họ.
Trần Khắc Đức đại diện cho một thế hệ thanh niên mới của đất nước. Nhờ sự thông minh, hiền lành, và bản chất chăm chỉ đặc trưng xuất phát từ vùng quê nghèo miền Trung, em hoàn toàn có thể tìm kiếm thành công cá nhân cho riêng mình, vươn lên trên để hội nhập vào lớp người ăn trên ngồi trốc và xa cách với lớp người bên dưới nếu muốn. Nhưng Đức đã không muốn làm vậy.
Trần Khắc Đức có một giấc mơ chung cho Việt Nam. Giấc mơ ấy là lý tưởng dân chủ đa nguyên. Giấc mơ ấy là quốc gia được nhìn nhận như là một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung. Đất nước phải giản dị và gần gũi, lòng yêu nước phải hoàn toàn tự nguyện. Những nền tảng căn bản ấy sẽ động viên được mọi con tim, khối óc và tinh thần của mọi người Việt Nam trong một cố gắng chung làm lại đất nước.
Nhưng chế độ đã không chia sẻ giấc mơ chung ấy. Họ đã lấy quyết định bắt Đức để triệt khả năng quảng bá tư tưởng bao dung của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.
Suy cho cùng chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay đang bước vào tiến trình cuối của giai đoạn cáo chung. Không thể đảo ngược. Các lãnh đạo của chế độ hô hào một cách bối rối về kỷ nguyên mới của dân tộc mà họ dường như vẫn chưa ý thức được rằng phải đoạn tuyệt với những ứng xử cũ. Gần 50 năm độc quyền lãnh đạo đất nước, Việt Nam ngày hôm nay vẫn là nước có mức thu nhập thấp. GDP bình quân đầu người theo thống kê là hơn 4000 đô la/năm, tức koarng 350 đô la/tháng. Đất nước vẫn còn là một nền kinh tế nông nghiệp, sản xuất gia công, may mặc với giá trị thặng dư thấp.
Với những khó khăn hiện tại, chúng ta đang có nguy cơ mắc kẹt ở bẫy thu nhập trung bình thấp. Khi cơ cấu dân số lão hóa tăng lên sau năm 2030, trong khi tỷ lệ sinh sản đang giảm sút nghiêm trọng thì tương lai đất nước không có gì sáng sũa. Đời sống kinh tế khó khăn, giá nhà cao, thanh niên nông thôn đổ dồn vào những đô thị lớn… Việt Nam có nguy cơ mắc kẹt và tụt hậu mãi mãi trước khi tan rã.
Nếu thành tâm suy nghĩ, các lãnh đạo đảng cộng sản phải hiểu rằng sự tồn tại của Đảng cộng sản là phải khẩn thiết đóng góp vào tiến trình dân chủ hóa đất nước, nghĩa là tổ chức bầu cử tự do và cổ xúy tự do tư tưởng. Chỉ có một bước nhảy vọt về tâm lý chính trị này thì đất nước mới có cơ hội thực sự tiến lên.
Trần Khắc Đức là một thanh niên hiền lành và là một người con ưu tú của đất nước. Em chọn ủng hộ và tham gia Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vì tin rằng, muốn đất nước phát triển cần phải đoạn tuyệt với một văn hóa chính trị cũ đã bao trùm đất nước trong suốt dòng lịch sử. Chúng ta phải sáng tạo ra lòng yêu nước tự nguyện. Muốn vậy, đất nước phải được xây dựng lại trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Trần Khắc Đức đã nhiều lần chia sẻ với tôi rằng em không thù hận với bất cứ một ai và sẽ mang tinh thần đó bước vào cánh cửa nhà tù. Em chính là hiện thân cho ý chí và tình cảm còn lại của đất nước. Điều đúng đắn và sáng suốt nhất mà chế độ có thể làm lúc này là trả tự do cho tất cả những người bị bắt chỉ vì dám đề cao lòng bao dung và quyền tự do phát biểu. Họ là những tù nhân chính trị, họ bị bắt chỉ vì muốn góp phần vào quá trình chuyển tiếp về dân chủ trong tình anh em tìm lại và trong nghĩa đồng bào.
Việt Dân
(28/11/2024)
Tôi gặp Trần Khắc Đức vào một buổi chiều đầu năm 2023. Đức từ Sài Gòn ra Hà Nội để chuẩn bị cho một giải Marathon tổ chức ở Mộc Châu.
Trần Khắc Đức tham dự cuộc chạy Half Marathon 21 km
Tôi biết Đức qua những thảo luận trên mạng xã hội về môi trường và dân chủ. Đức là người rất quan tâm đến môi trường và đã từng tham gia bày tỏ sự quan tâm đó trong sự kiện thảm họa môi trường Fomorsa. Hơn hết Đức là một người rất nhiệt huyết với lý tưởng dân chủ đa nguyên mà chúng tôi cùng chia sẻ.
Lần đầu gặp mặt, tôi rất ngạc nhiên vì - dù là một thanh niên đẹp trai, hay nở nụ cười hiền lành với đôi má lúm đồng tiền rất duyên, dù rất hăng hái trên mạng xã hội - ngoài đời Đức khá ít nói. Không thể ngờ ẩn trong một con người hiền lành, ít nói như vậy lại là một người luôn trăn trở những vấn đề của đất nước.
Ở cái độ tuổi 30 - tam thập nhi lập - trong khi bạn cùng trang lứa trăn trở để tìm kiếm công danh, sự nghệp, tiền bạc thì em lại không màng đến những thứ ngoài thân như thế mà đi tìm lời giải cho công cuộc dân chủ hóa đất nước, cho hạnh phúc tha nhân. Vì cảm phục, chúng tôi vừa gặp mặt đã thành thân thiết.
Tôi không thể nghĩ ra tại sao chế độ lại phải quyết định bắt giữ em ấy. Qua những hình ảnh đưa lên các mặt báo, Đức gầy và xanh đi nhiều. Có lẽ những buổi làm việc thâu đêm với an ninh, những hành hạ về mặt tinh thần cùng với điều kiện khắc nghiệt trong trại giam đã lấy đi của em sức khỏe và sự nhanh nhẹn vốn có.
Tại sao chế độ lại bắt giam và hành hạ một người con ngoan, một trụ cột gia đình còn phải lo cho mẹ già và bà nội, một người chỉ ưu tư cho đất nước mà quên đi hạnh phúc cá nhân, một người kiên định với lập trường bất bạo động không gây hại gì cho họ ? Câu hỏi này xin để lương tâm những người đang tra khảo Đức suy xét. Để họ tự chất vấn lương tâm họ, còn chúng tôi luôn biết những gì họ làm với người anh em của chúng tôi cũng là thực hiện một quyết định từ cấp trên. Chúng tôi không cầu xin sự đối xử một cách nhẹ nhàng nhưng hi vọng họ ý thức được những gì họ đang làm.
Tôi tin rằng dù phải chịu những thiệt hại cho bản thân như thế nào cũng là kịch bản mà mỗi anh em chúng tôi đều đã cân nhắc và nghĩ đến - trong đó có Đức.
Tiến trình đi từ hoang dại đến văn minh là tiến trình bắt buộc của loài người. Dù có lúc tiến trình này gặp lực cản và chống lại của các chế độ độc tài phong kiến, độc tài cánh tả, cánh hữu nhưng tiến trình đó là một quy luật của tự nhiên. Con người cùng với sự tiến bộ về tri thức và sự hiểu biết sẽ khám phá ra chính họ, quyền của họ. Dân chủ phải đến là tất yếu cùng với sự ý thức được bản thân và quyền cá nhân đó. Thế giới đã như thế và Việt Nam cũng không thể khác.
Dân chủ là một tương lai bắt buộc phải tới. Chúng tôi vững tin vào điều đó và tin rằng những những hi sinh ngày hôm nay của Đức sẽ không vô nghĩa.
Với những sai lầm về chính sách điều hành đất nước do độc tài quyền lực quá lâu, sự chia rẽ vì mất lý tưởng và tham nhũng nặng nề, chế độ hiện tại đã tích lũy đủ mâu thuẫn để đi đến tiến trình cáo chung. Lý tưởng cộng sản phải nhường chỗ cho một lý tưởng khác xứng đáng hơn, đó là lý tưởng cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc bằng phương pháp bất bạo động. Với lý tưởng này, chúng tôi tin mình rằng đang đóng góp cho sự hình thành một đất nước Việt Nam xứng đáng để những con người hôm nay phấn đấu xây dựng và các thế hệ mai sau tiếp nối trong niềm tự hào.
Rất sớm thôi, chúng tôi sẽ gặp lại người anh em của chúng tôi trong một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên trọn vẹn. Chúng tôi sẽ cùng nhau thực hiện một lời hẹn chưa trọn vẹn với Đức : cùng nhau tham dự một giải Marathon tự do và dân chủ cho Việt Nam.
Duy Quang
(21/11/2024)
Trong lịch sử nhân loại, những người tu hành và những người tranh đấu bất bạo động thường được nhìn nhận như hai hình ảnh đối lập : một bên tập trung vào sự tĩnh lặng nội tâm và sự giải thoát cá nhân, còn một bên đấu tranh cho sự thay đổi xã hội.
Thích Minh Tuệ và Trần Khắc Đức
Tuy nhiên, qua hai nhân vật tiêu biểu là Thích Minh Tuệ và Trần Khắc Đức, chúng ta nhận ra rằng con đường tu hành và tranh đấu bất bạo động thực chất có những điểm giao thoa sâu sắc, từ mục đích đến phương pháp và tinh thần hành động.
Thích Minh Tuệ
Sự tu hành giữa đời thường Thích Minh Tuệ, một nhà tu hành thực hành pháp tu Hạnh Đầu Đà, là minh chứng rõ nét cho sự kết hợp giữa việc sửa mình và sửa đời. Với tinh thần tu giữa chợ, ông vừa tu tập cá nhân, vừa mang lại ánh sáng giác ngộ cho xã hội thông qua các bài giảng khi ông nghỉ chân.
Dù bị chính quyền cản trở, bắt cóc và giam giữ, ông vẫn giữ vững tinh thần ôn hòa và lòng bao dung. Câu nói của ông : "Giờ đây con coi mọi người đều là anh em", hay "Trong lòng con không còn ích kỷ, thù hận. Con coi tất cả mọi người trong thế gian đều bình đẳng", cho thấy ông đã vượt lên trên mọi phân biệt.
Ngay cả khi bị ép làm căn cước công dân, ông vẫn thản nhiên trả lời : "Nếu việc làm căn cước mà thuận tiện cho việc tu hành thì cũng tốt đẹp thôi". Thái độ này không chỉ giúp ông duy trì sự tự tại mà còn khiến chính quyền trở nên lúng túng.
Ông không cần lên tiếng phản đối gay gắt, nhưng từng lời nói và hành động của ông đã trở thành một tuyên ngôn bất bạo động mạnh mẽ. Tâm thái này không chỉ thể hiện tinh thần giữ vững Lý Trung Đạo sau khi thực hành Bát Chánh Đạo của nhà Phật mà còn là một lời phản biện mạnh mẽ nhưng không bạo lực trước áp lực từ chính quyền.
Hành trình của ông không chỉ là hành trình tâm linh cá nhân mà còn là nguồn cảm hứng cho xã hội Việt Nam – nơi mà con người đang tìm kiếm ý nghĩa trong bối cảnh đầy biến động.
Trần Khắc Đức
Đấu tranh trong tinh thần hòa giải
Trần Khắc Đức, một người tranh đấu bất bạo động, lại đại diện cho một khía cạnh khác của sự kiên trì vì lý tưởng. Anh tham gia Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, một tổ chức nhấn mạnh hành động bằng lời nói trong tinh thần hòa giải dân tộc. Trong bối cảnh bị chính quyền áp bức, anh nhiều lần bị thẩm vấn, thậm chí bị đánh, nhưng không vì thế mà chùn bước. Anh thể hiện sự kiên nhẫn và ôn hòa, coi trọng mọi người Việt Nam như anh em.
Đấu tranh cho sự thay đổi chính trị vì một lý tưởng lớn : xây dựng lại đất nước trên tinh thần đoàn kết và bình đẳng
Những câu chuyện của anh gợi nhớ đến những người tranh đấu bất bạo động nổi tiếng như Mahatma Gandhi hay Martin Luther King Jr. Cũng giống như họ, anh hiểu rằng sức mạnh thực sự không nằm ở sự đối đầu bạo lực mà ở việc kiên trì lý tưởng trong mọi hoàn cảnh.
Tinh thần bất bạo động
Những điểm tương đồng sâu sắc cả Thích Minh Tuệ và Trần Khắc Đức đều thể hiện tinh thần bất bạo động một cách rõ ràng.
Đối với Thích Minh Tuệ, đó là sự ôn hòa trong hành động và lời nói để giữ vững lời Phật dạy. Đối với Trần Khắc Đức, đó là quyết tâm tranh đấu bằng lý trí và hòa giải, bất chấp sự đàn áp.
Tinh thần bất bạo động không chỉ là công cụ để đạt được mục tiêu mà còn là bản chất của sự đấu tranh cao cả. Cả hai đều chứng minh rằng không cần đến bạo lực, con người vẫn có thể lay chuyển xã hội và thay đổi trái tim của người khác. Cả hai nhân vật đều coi tất cả mọi người là anh em, không phân biệt giai cấp, vị trí hay thậm chí là kẻ thù.
Quan điểm này không chỉ phản ánh tâm hồn cao cả mà còn là nền tảng quý giá để xây dựng một xã hội dân chủ, nơi mọi người được đối xử công bằng và tôn trọng.
Kiên trì không ngừng nghỉ
Dù con đường của họ khác nhau, cả hai đều kiên trì không ngừng nghỉ. Thích Minh Tuệ chọn con đường tu hành đến trọn đời, còn Trần Khắc Đức bền bỉ đấu tranh bất chấp hiểm nguy.
Họ đều nhận ra rằng sự thay đổi lớn lao không đến trong một sớm một chiều, và sự kiên định là yếu tố quyết định thành công.
Thích Minh Tuệ cho rằng giữ được Giới thì sẽ khởi sinh Bi, Trí, Dũng (Từ Bi, Trí Tuệ và Lòng Dũng Cảm). Khi đó con người sẽ được giải thoát khỏi bể khổ.
Trần Khắc Đức thì cho rằng con người cần đề cao bốn đức tính : Lẽ phải ; Sự thận trọng (hay sự lương thiện trong suy nghĩ) ; Sự chừng mực ; Sự mạnh mẽ trong tâm hồn để luôn bảo vệ lẽ phải. Anh cho rằng chỉ khi giữ được 4 đức tính đó thì mới có thể có đủ sức khỏe tinh thần để thực hiện một Dự án Chính trị. Anh tin rằng một thắng lợi về mặt tư tưởng thì sẽ dẫn đến thắng lợi của một xã hội thay đổi lớn, chiến thắng đó là cách để giải thoát 100 triệu người Việt Nam ra khỏi sự nghèo khổ, kìm kẹp, thù hận.
Ánh sáng dẫn đường cho những người đang lạc lối
Trong một xã hội Việt Nam đầy rối ren, cả hai hình tượng này đều mang ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ. Hành động của họ không chỉ là lựa chọn cá nhân mà còn là ánh sáng dẫn đường cho những người đang lạc lối.
Hình ảnh Thích Minh Tuệ lang thang khắp nơi để tìm kiếm chân lý khiến nhiều người phải suy ngẫm. Nó gợi lên bản năng sâu xa của con người – luôn tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống. Trong khi đó, Trần Khắc Đức đại diện cho những người trẻ dũng cảm, sẵn sàng hi sinh để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Sứ mệnh độc nhất của mỗi người, cả Thích Minh Tuệ và Trần Khắc Đức, đều là minh chứng cho câu nói : "Mỗi người đều có một sứ mệnh độc nhất trong cuộc đời mà không ai có thể thay thế". Họ nhận ra sứ mệnh của mình và dồn hết tâm huyết để thực hiện nó, không chỉ vì bản thân mà còn vì lợi ích chung.
Con đường của họ tuy khác nhau nhưng đều hướng đến một mục tiêu cao cả : mang lại sự giải thoát và tự do, cả về tinh thần lẫn xã hội, cho con người. Và chính điều này đã kết nối họ lại, dù họ đứng ở những vị trí hoàn toàn khác nhau trong xã hội.
Hành trình hướng đến sự thật và công lý luôn cần đến lòng bao dung, tinh thần bất bạo động và sự kiên trì.
Sự tương đồng giữa việc tu hành và tranh đấu bất bạo động qua hình ảnh Thích Minh Tuệ và Trần Khắc Đức cho thấy rằng hành trình hướng đến sự thật và công lý luôn cần đến lòng bao dung, tinh thần bất bạo động và sự kiên trì.
Dù mỗi người một con đường, họ đều là ngọn sáng dẫn lối trong thời điểm đầy rối ren, thách thức của đất nước, nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của ý chí, tình yêu thương và lòng bao dung cao đẹp.
Con người, dù trong hoàn cảnh nào đều có quyền lựa chọn thái độ của mình trước những gì xảy ra, tuy nhiên để thay đổi xã hội thì cần có một thái độ dũng cảm. Chỉ có sự dũng cảm thực sự trong tâm hồn thì mới sinh ra lòng từ bi và nhẫn nại để đối diện với thử thách. Đó là phẩm hạnh căn bản nếu muốn tự do và an lạc.
Trần Khánh Ân
(26/11/2024)
Sáng ngày 20/9/2024, một số anh em Sài Gòn bị bắt giữ và giải lên đồn công an từ sáng sớm. Nghe tin, tôi bèn gọi cho Đức, khi đó là 8g08. Đức nói "anh yên tâm, nếu không có vấn đề gì thì tối em sẽ chủ động gọi anh". Tôi chờ đến tối, rồi đến đêm với hy vọng là Đức chỉ bị làm việc như mọi lần nhưng về muộn, không kịp liên lạc lại. Tuy vậy, đến sáng hôm sau, tôi hiểu là khả năng xấu nhất đã xảy ra, Đức đã bị bắt giam. Ngày 9/11/2024, chính quyền cho đăng bản tin về việc bắt giữ Đức kèm theo mấy tấm hình. Đúng 50 ngày chúng tôi mới được nhìn thấy Đức - đã gầy đi khá nhiều nhưng đôi mắt vẫn đầy rắn rỏi.
Ngày 9/11/2024, chính quyền cho đăng bản tin về việc bắt giữ Đức kèm theo mấy tấm hình.
Từ hơn 300 lần dõng dạc, đối với anh em chúng tôi, khi lựa chọn tham gia ủng hộ lập trường của Tập hợp Dân chủ Đa nguyên, chúng tôi đều biết sẽ có một thời điểm anh em chúng tôi có thể bị bắt giữ. Dù luôn mong muốn cuộc chuyển hóa về dân chủ của Việt Nam sẽ xảy đến mà không gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho bất kỳ ai nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng tự do, dân chủ không hề miễn phí. Những rủi ro như bị bắt giữ, hành hung, sách nhiễu hoàn toàn có thể xảy đến với một số hoặc tất cả anh em chúng tôi. Chúng tôi sẽ đón nhận chuyện này một cách bình thản như một phần tất yếu trong cuộc đời tranh đấu cho đất nước mà chúng tôi đã chọn lựa.
Trần Khắc Đức đã thể hiện rõ ràng tinh thần trên trong tất cả mọi buổi làm việc từ tháng 12/2023. Ngày 21/8/2023, Đức bị triệu tập đến trụ sở cơ quan an ninh và được thông báo là đã bị cấm xuất cảnh. Lý do, theo cơ quan an ninh, là Đức đang bị xem xét khởi tố. Cơ quan an ninh yêu cầu Đức cam kết không tham gia, liên lạc với Tập hợp Dân chủ Đa nguyên nữa. Mặc dù biết mình sẽ gặp nguy hiểm nếu không chấp hành yêu cầu trên nhưng Đức vẫn ôn tồn trả lời là "cam kết vẫn tham gia, ủng hộ Tập hợp Dân chủ Đa nguyên". Cơ quan an ninh đã dựa vào một bản kết luận giám định tư tưởng để cho rằng Đức đã có hành vi "tuyên truyền chống Nhà nước".
Bản kết luận giám định này nói rằng Đức đã đăng tải, làm ra 20 bài có nội dung "vi phạm luật an ninh mạng, chống Nhà nước". Đây là 20 bài trên tổng số hơn 300 bài đã đăng mà Đức xác nhận từ buổi làm việc đầu tiên vào tháng 12/2023, khi cơ quan an ninh in ra hơn 300 bài viết này từ fanpage Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Đức đã bình thản xác nhận đã đăng tải hơn 300 bài viết này dù hiểu rõ chúng sẽ được dùng làm bằng chứng "buộc tội" mình. Đức cho rằng nếu việc làm của bản thân mình là đúng thì phải vui vẻ xác nhận. Mỗi lần ký tên vào các bài viết được in ra, theo Đức, là một lần xác nhận lập trường dân chủ đa nguyên và tinh thần hòa giải dân tộc. Anh em chúng tôi hoàn toàn tán thành và rất tự hào vì lập trường dân chủ đa nguyên - hòa giải dân tộc đã được Đức xác nhận và phát biểu thay anh em qua hơn 300 lần như vậy.
Anh em chúng tôi không thách thức lực lượng an ninh và chế độ cộng sản. Chúng tôi chỉ đơn giản thực hiện quyền tự do ngôn luận để chia sẻ những ý kiến đúng. Chúng tôi không bắt buộc ai, không cưỡng ép ai phải nghe theo ý kiến của mình. Chúng tôi chọn cách đối thoại, nếu có ai chưa đồng ý thì chúng tôi chọn lựa sự nhẫn nại và ôn tồn để tiếp tục thảo luận và thuyết phục.
Có những lúc trong buổi "làm việc" (chấp cung), có nhân viên an ninh khuyên nhủ anh em chúng tôi là "ý kiến mà mình cho là đúng thì chỉ nên giữ ở trong đầu thôi". Lời khuyên đó thể hiện sự quan tâm đến an toàn của anh em chúng tôi nhưng cũng là một sự xác nhận rằng chúng tôi đã thuyết phục được không ít anh em an ninh. Tuy vậy, chúng tôi vẫn có đôi chút lấn cấn về lời khuyên trên. Theo anh em chúng tôi, một ý kiến đúng không phải chỉ cần được nói lớn ra cho mọi người nghe thấy mà còn phải được phát biểu trong một tư thế dõng dạc. Vào lúc này, đất nước Việt Nam đang rất cần dân chủ đa nguyên và hòa giải dân tộc, do vậy anh em chúng tôi có bổn phận phải phát biểu những lập trường đó một cách nghiêm trang, dõng dạc, bằng tất cả niềm tin và trong mọi nghịch cảnh, nhất là trong các buổi thẩm vấn, trong đồn công an, trong trại giam hay trong phòng xử án.
Trần Khắc Đức đã vô tình có dịp thay mặt anh em chúng tôi phát biểu lập trường dân chủ đa nguyên - hòa giải dân tộc một cách trọn vẹn và đầy đủ nhất. Lập trường Hòa giải và hòa hợp dân tộc là giá trị cốt lõi và tinh thần nền tảng của Tập hợp Dân chủ Đa nguyên. Đối với anh em chúng tôi, đất nước cần được quan niệm như một tình cảm, như một sự tự nguyện gắn bó thay vì là một áp đặt. Sự hòa hợp giữa đất nước và người dân và giữa người dân với nhau làm nên một đất nước lành mạnh và đáng sống. Sự hòa hợp đó là mục tiêu mà mọi người, nhất là chính quyền và những người hoạt động chính trị, phải cố gắng hướng đến. Muốn đạt được mục tiêu hòa hợp dân tộc như trên, chúng ta phải thực hiện hòa giải dân tộc một cách khẩn cấp. Phải hóa giải, hàn gắn những đổ vỡ, hận thù, chia rẽ từ quá khứ và phải chú ý phát hiện và thận trọng xoa dịu những mầm mống chia rẽ luôn âm thầm nảy sinh.
Nếu hòa giải dân tộc là nhu cầu của mọi quốc gia thì với Việt Nam đó là nhu cầu sống còn. Chúng ta đã chịu đựng quá nhiều đổ vỡ, chia rẽ, hận thù từ di sản lịch sử đầy bạo lực, nội chiến, trả thù báo oán, diệt cỏ tận gốc, cấm đạo, xung đột ý thức hệ. Đảng cộng sản cũng đã tiếp nối và đóng góp một phần không nhỏ vào di sản lịch sử đó.
Lập trường hòa giải là một bắt buộc để gìn giữ đất nước của mọi người và cho mọi người. Tuy vậy, trong thông báo ngày 9/11/2024, chính quyền cáo buộc Đức đã tuyên truyền "phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc". Không gì sai hơn ! Đức chỉ làm một việc là thay mặt anh em Tập hợp Dân chủ Đa nguyên phát biểu và thể hiện tinh thần hòa giải dân tộc, trong một cố gắng không có gì khác là để xây dựng và bồi đắp cho nền tảng của khối đại đoàn kết đó. Phải có những lý do rất sai, rất uẩn khuất và rối bời thì mới có thể buộc tội một người có một cố gắng cao cả như vậy.
Anh em chúng tôi không oán trách ai trong việc bắt Đức. Bản thân Đức cũng tâm niệm như thế và nếu không tin thì những người có trách nhiệm trong chuyện này có thể nhìn lại quá trình làm việc với Đức và nếu cần có thể gặp Đức để thêm một lần xác nhận. Chúng tôi chỉ buồn. Buồn vì giải đáp cho đất nước đã được anh em chúng tôi đề nghị suốt hơn 40 năm nay nhưng chỉ nhận được sự do dự, lúng túng, sợ hãi và những cáo buộc vô lý. Tuy vậy, điều đó cũng không quan trọng.
Quan trọng là đất nước Việt Nam. Quan trọng là làm thế nào để đất nước bước sang kỷ nguyên dân chủ đa nguyên một cách nhanh chóng, trong hòa bình và trật tự, trong tinh thần hòa giải và trong tình anh em, nghĩa đồng bào. Tâm nguyện duy nhất của anh em chúng tôi là như vậy. Đây cũng là tâm nguyện mà Đức đã chấp nhận tất cả, chấp nhận bước chân vào hiểm nguy để phát biểu một cách dõng dạc cho tất cả đồng bào Việt Nam được nghe.
Việt Nhẫn
(25/11/2024)
Người đứng đầu tổ chức Tập hợp Dân chủ Đa nguyên cho rằng ông Trần Khắc Đức chỉ là một người yêu nước, nhận thức được tiến trình dân chủ hóa "không đảo ngược" của Việt Nam, nhưng đã bị chính quyền bắt giam, trong một hành động mà nhóm này cho là "chà đạp lên hiến pháp của chính chế độ cộng sản".
Báo Pháp Luật online hôm 9/11/2024 loan tin ông Trần Khắc Đức bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giam theo Điều 117 Bộ luật Hình sự.
"Khi Đức được chừng 20 tuổi, lúc còn là sinh viên, Đức có đọc một số tài liệu của Tập hợp Dân chủ Đa nguyên, trong đó có Dự án chính trị ‘Khai sáng kỷ nguyên thứ 2’, Đức hoàn toàn đồng ý và tự nguyện tham gia vào năm 2017", ông Nguyễn Gia Kiểng ở Paris, Pháp, Thường trực ban lãnh đạo của Tập hợp Dân chủ Đa nguyên, chia sẻ ý kiến với VOA.
"Khi bị người ta khám phá ra thì Đức hiên ngang, không giấu ai về việc mình tham gia Tập hợp Dân chủ Đa nguyên. Chính thái độ công khai đó khiến công an biết Đức là thành viên của Tập hợp Dân chủ Đa nguyên, và trong gần một năm qua họ liên tục chất vấn, thẩm vấn, tịch thu máy tính, điện thoại di động, hăm dọa. Nhưng Đức là một thanh niên can trường và luôn giữ lập trường đó và không thay đổi thái độ", ông Nguyễn Gia Kiểng đưa ra nhận xét.
Báo chí dưới sự kiểm soát của chính quyền Việt Nam đưa tin hôm 9/11 rằng nhà chức trách ở thành phố Hồ Chí Minh đã bắt tạm giam ông Trần Khắc Đức (29 tuổi) về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" quy định theo Điều 117 Bộ luật Hình sự, sau khi ông bị phát hiện tham gia tổ chức mà họ gọi là "phản động lưu vong" mang tên Tập hợp Dân chủ Đa nguyên".
Chính quyền cáo buộc rằng ông Đức "nhận sự chỉ đạo từ những người cầm đầu tổ chức bên ngoài, tiến hành nhiều hoạt động, quản trị các trang mạng phản động".
"Đức là một thanh niên quý hiếm có tài năng, ý chí và tâm hồn mà đất nước Việt Nam có thể tự hào", thông cáo báo chí hôm 18/11 của Tập hợp Dân chủ Đa nguyên viết. "Kiến thức và lòng yêu nước đã cho Đức niềm tin là đất nước ta cần tiến tới dân chủ đa nguyên bằng những phương thức bất bạo động trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc".
Tổ chức này cho rằng việc viết và phổ biến những bài nghiên cứu và bình luận về triết học, lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội là "hoàn toàn phù hợp" với những quyền con người cơ bản của Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc mà chính quyền Việt Nam đã ký kết.
Ngoài ra, nhóm này cho rằng ông Đức đã bị chính quyền Việt Nam bắt giam từ 20/09/2024, sau nhiều tháng bị công an "thẩm vấn, đe dọa và sách nhiễu" và không hiểu vì sao đến ngày 9/11/2024 báo chí quốc doanh mới đưa tin.
Việc bắt giam ông Đức dựa vào Điều 117 của Bộ luật Hình sự là "một hành động chà đạp lên Hiến pháp của chính chế độ cộng sản", thông cáo viết. "Trần Khắc Đức không phải là nạn nhân đầu tiên của điều luật tùy tiện này, hàng trăm người dân chủ đã và đang phải chịu những án tù tàn nhẫn".
"Họ buộc tội chúng tôi là đã thành lập nhiều nhóm, nhiều hội để chống nhà nước. Đó là đều bịa đặt hoàn toàn", ông Kiểng khẳng định. "Sự đồng thuận của anh em đối với lập trường Tập hợp Dân chủ Đa nguyên chỉ là sự đồng thuận trên những ý kiến mà thôi, chứ chúng tôi không thành lập ra một hội nào, tổ chức nào hay nhóm nào ở trong nước như họ bịa đặt ra".
Trước đó, chính quyền Việt Nam cáo buộc rằng Tập hợp Dân chủ Đa nguyên đã "thành lập các hội nhóm trong nước để tiến hành hoạt động chống lại Nhà nước Việt Nam" và quả quyết "đây là hành vi rất nguy hiểm, xâm phạm trực tiếp đến an ninh quốc gia và tình hình an ninh chính trị".
Tập hợp Dân chủ Đa nguyên được thành lập vào năm 1982 và do ông Nguyễn Gia Kiểng lãnh đạo. Ông là một trí thức và là cựu quan chức trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam, đồng minh của Hoa Kỳ trước khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, theo hãng tin AFP.
"Tiến trình dân chủ hóa sẽ đến và tự nhiên nó đến, mà không cần phải có bạo loạn. Nếu nói ‘chống đối’ là chủ trương bạo loạn là không đúng trong trường hợp của Tập hợp Dân chủ Đa nguyên. Chúng tôi không những không chủ trương bạo loạn, mà chúng tôi còn chống lại bạo loạn", ông Nguyễn Gia Kiểng nhấn mạnh.
"Giữ chế độ độc tài đảng trị là một cố gắng tuyệt vọng, nó chỉ gây thiệt hại cho đất nước thôi. Anh em đều đồng ý rằng sự chuyển hóa về dân chủ đa nguyên là một bắt buộc và sắp tới gần. Họ nghĩ rằng Đảng cộng sản nên tham gia vào tiến trình đó để làm tác nhân thì còn có chỗ đứng vinh quang trong lịch sử, hơn là ngoan cố chống lại để rồi trở thành nạn nhân", người đứng đầu Tập hợp Dân chủ Đa nguyên nêu quan điểm.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra ý kiến về tuyên bố và phát biểu trên của Tập hợp Dân chủ Đa nguyên, nhưng chưa được trả lời.
Hôm 20/11, báo Sài Gòn Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, cáo buộc rằng Tập hợp Dân chủ Đa nguyên "đã lợi dụng các trang mạng xã hội, kênh truyền thông để móc nối, lôi kéo người tham gia tổ chức, thành lập các hội nhóm trong nước để hoạt động chống lại Nhà nước Việt Nam ; rao giảng, xuyên tạc, đả kích chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam".
Trang này cho rằng quan điểm "đa nguyên, đa đảng mới có dân chủ" là một nhận định "phiến diện và thiếu cơ sở thực tiễn". Sài Gòn Giải Phóng lập luận thêm rằng mỗi quốc gia xây dựng nền dân chủ của mình dựa trên bối cảnh lịch sử, văn hóa, kinh tế và xã hội riêng, và Việt Nam "đã xây dựng một mô hình dân chủ phù hợp với bối cảnh, nhu cầu phát triển của mình".
Nguồn : VOA, 23/11/2024
Nếu có một trạng thái tâm lý thể hiện mối tương quan mang tính trái ngược giữa đảng cộng sản và nhân dân Việt Nam thì đó chính là, khi chính quyền công bố bắt giam những tù nhân lương tâm thì cũng là lúc người dân sẽ nhận ra đó là những người yêu nước.
Trần Khắc Đức là cánh hoa tiêu biểu cho sự bao dung nẩy mầm trên bức tường cằn cỗi
Lý do để giải thích cho mối tương quan trên, trước hết là, những tù nhân lương tâm đều là những người yêu nước và chấp nhận hiểm nguy để lên tiếng trước những vấn nạn của đất nước. Họ là những người ôn hòa và sử dụng quyền tự do ngôn luận để biểu đạt ý kiến, họ ý thức được quyền con người và đấu tranh cho một dân tộc đang thiếu những quyền căn bản nhất. Đối nghịch với những tù nhân lương tâm là một đảng cộng sản từ khi thành lập cho đến khi giành được chính quyền, và sau này được toàn quyền lãnh đạo trên cả nước, đã chỉ chứng tỏ là một tổ chức không yêu nước.
Đảng cộng sản từ khi thành lập đã luôn khẳng định theo đuổi chủ nghĩa Mác-Lênin, một chủ nghĩa với mục đích sau cùng là xóa bỏ quốc gia để hòa nhập vào thế giới đại đồng cộng sản, với tổ quốc duy nhất là Liên Xô. Phương pháp đấu tranh mà họ vẫn kêu gọi là đấu tranh giai cấp giữa các thành phần dân tộc như giai cấp công nhân, nông dân, còn gọi là liên minh công nông, để tiêu diệt các thành phần khác như trí thức, văn nghệ sĩ, tư sản, địa chủ như họ đã từng làm trong cuộc nổi dậy Xô Viết Nghệ Tĩnh hay cải cách ruộng đất. Những sai lầm này đã làm thiệt mạng hàng trăm ngàn người vô tội, tội của những nạn nhân đôi khi chỉ là đã sở hữu một vài sào ruộng, không bằng một góc nhỏ những bất động sản của một ông bí thư xã bây giờ sở hữu.
Thực ra đấu tranh giai cấp chỉ là một lời kêu gọi nội chiến, vì trí thức, văn nghệ sĩ, tư sản, địa chủ đều là người Việt Nam. Không có một thực dân hay binh sĩ Pháp nào chết trong những cuộc đấu tranh giai cấp này.
Một đảng ra đời với mục đích là xóa bỏ quốc gia, không những vậy còn kêu gọi nội chiến giữa những người Việt Nam với nhau thì trong bản chất tự nó đã khước từ lòng yêu nước. Chủ trương này đã là nguyên nhân gây ra cuộc nội chiến kéo dài 30 năm (1945-1975) làm hơn 6 triệu người Việt chết. Một tai họa thật kinh khủng.
Chính vì thế, với một di sản đẫm máu người Việt, Đảng cộng sản cầm quyền có một quá khứ cần phải quên đi. Sự mê cuồng chủ nghĩa Mác-Lenin, và cả tư tưởng Hồ Chí Minh, ngày nay đã mất nội dung. Nếu có chăng thì chỉ là những hành động tuyệt vọng, những tiếng kêu trong sa mạc của Ban Tuyên giáo trung ương. Sự cuồng tín này đã gây biết bao nhiêu tai họa cho đất nước trong công tác điều hành và quản lý quốc gia. Đặc biệt sau ngày 30 tháng 4, chính sách phân biệt đối xử và đày đọa những gia đình thuộc phe thua cuộc trong những trại học tập cải tạo, trong những vùng kinh tế mới, chiến dịch đánh tư sản mại bản, đổi tiền hay tổ chức những cuộc vượt biển vĩ đại để thu vàng đã không tạo cho Đảng cộng sản một hình ảnh đáng yêu. Rồi từ sau ngày đó, chính sách ngăn sông cấm chợ đã đẩy hàng chục triệu người vào cảnh đói khổ và không ít người đã chết vì thiếu ăn và thuốc men. Phải chờ đến tháng 12/1986 Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam mới thấy là sai lầm và thi hành chính sách đổi mới. Trong thâm tâm, Đảng cộng sản không còn nghĩ đến xây dựng quốc tế cộng sản chủ trương xóa bỏ quốc gia, cũng không dám kêu gọi đấu tranh giai cấp nhưng kiên quyết duy trì sự độc quyền lãnh đạo một cách hung hăn.
Những đau thương của quá khứ đã là bài học chung cho cả dân tộc, điều quan trọng là cần nhìn ra được hướng đi đúng đắn để mọi người Việt Nam -trong đó cả người cộng sản- cùng hướng về một tương lai chung tốt đẹp hơn. Điều này không thể khác, vì không có một dân tộc nào có tương lai xán lạn nếu vẫn còn sống trong hận thù và chia rẽ. Đáng ra với một quá khứ tệ hại và sau những sai lầm ghê gớm, Đảng cộng sản phải biết trân trọng những người yêu nước vì họ những bông hoa quý mọc lên giữa vùng đất ô trọc không còn sự sống. Nhưng thật đáng giận là cho tới nay, chế độ cộng sản vẫn ban hành các điều luật tùy tiện và mơ hồ như những điều 117 hay 331 của Bộ luật Hình sự để làm công cụ đàn áp những tiếng nói yêu nước, dù họ là những người hiền lành và ôn hòa, chỉ vì muốn bảo vệ những quyền lợi và quyền lực đang nắm giữ.
Ngày 20/09 vừa qua, chế độ vừa làm một hành động vô cùng vụng về và thiếu trách nhiệm khi bắt giam một người, không những yêu nước mà còn là một người yêu nước đặc biệt, mang tên Trần Khắc Đức. Vì, đối diện với chính quyền cộng sản lần này, Trần Khắc Đức không những là một trí thức lỗi lạc, mà còn là hiện thân của tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, một tấm lòng bao dung và sự vị tha ngay cả đối với những người an ninh của chế độ đã bắt giữ anh.
Lý tưởng mà Trần Khắc Đức theo đuổi hướng đến một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên, một quốc gia tôn trọng chỗ đứng ngang nhau và tiếng nói ngang nhau cho tất cả mọi người, trong tinh thần bao dung xóa bỏ những hận thù của quá khứ để lại. Chính những người an ninh của chế độ qua những lần tiếp xúc với anh Trần Khắc Đức -bằng những lời nhận xét nhưng không dám nói thẳng- phải ngầm thừa nhận anh Đức là một người tài giỏi, hiền lành và dũng cảm.
Với trách nhiệm của một người luôn ý thức rằng, những vết thương của quá khứ vẫn còn rỉ máu và những hận thù vẫn còn âm ỉ trong lòng người, anh Trần Khắc Đức đã ủng hộ một cách quả quyết lập trường đấu tranh bất bạo động của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Chính lập trường ôn hòa mà anh Trần Khắc Đức đang theo đuổi là liều thuốc duy nhất để hóa giải những sai lầm và hận thù trong quá khứ để mọi người Việt Nam cùng nhau nắm tay xây dựng một tương lai dân chủ đa nguyên trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Những ai đã từng được tiếp xúc với anh Trần Khắc Đức, hay ít nhất đọc qua các bài viết của anh ấy đều sẽ cảm nhận ở anh là một người hiền lành, tình cảm và hiểu biết sâu sắc về những vấn đề đặt ra cho đất nước. Đối với anh, lựa chọn lập trường và tư tưởng đúng đắn như trên không những là lựa chọn của trí tuệ, của tinh thần trách nhiệm mà còn sự thôi thúc của một tình cảm lớn đối với dân tộc. Hành động bắt giam một người như anh Trần Khắc Đức không những cho thấy chế độ cộng sản vẫn chưa học được bài học đau thương của lịch sử do chính mình gây ra, và đang hành xử như một kẻ mù lòa dẫn cả một dân tộc đi về tương lai.
"Chế độ sẽ phải sớm nhận ra sai lầm của mình vì cuộc chuyển hóa về tự do và dân chủ của đất nước đằng nào cũng đến và sắp đến, hành động thiếu trách nhiệm này của chế độ sẽ khiến cuộc chuyển hóa bắt buộc phải tới thêm phần trắc trở và gây khó khăn thêm cho nỗ lực hòa giải. Tuy vậy, chính trong lúc này, lý tưởng bao dung và đầy tình người của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đến gần gũi hơn với mọi người Việt Nam".
Hình ảnh của Trần Khắc Đức là đại diện xứng đáng cho sự nảy mầm và tiếp nối của tư tưởng dân chủ đa nguyên, và là minh chứng cho lý tưởng mà anh đang theo đuổi sẽ trở thành tương lai tất yếu của dân tộc. Những gian truân và nhọc nhằn mà anh Trần Khắc Đức đang phải chịu đựng trong lao tù, hoàn toàn không vô nghĩa.
Kỷ Nguyên
(24/11/2024)
Khi Donald Trump chiến thắng được vài ngày thì công an Thành phố Hồ Chí Minh cho công bố rộng rãi thông tin bắt giữ Trần Khắc Đức sau khi giam giữ 51 ngày, từ 20/9/2024.
Trần Khắc Đức, biểu tượng của hy vọng và đạo đức trong chính trị
Có vài người bạn của chúng tôi cho rằng có thể do Donald Trump đắc cử nên chính quyền mới lấy quyết định không thả Đức nữa. Ý kiến tuy không phù hợp về mặt lý luận, bởi vì chuyện một thanh niên yêu nước ở Việt Nam bị bắt thì liên quan gì tới chuyện nước Mỹ, nhưng ý kiến này không phải không có lý.
Với một lịch sử cầm quyền 4 năm tệ hại, ngó lơ mọi giá trị của Donald Trump thì sự kiện này đã động viên chính quyền Việt Nam là có thể sẽ được yên ổn một thời gian nữa, ít nhất trong nhiệm kỳ của Doanld Trump.
Khi đó tôi không để ý gì lắm tới ý kiến này lắm bởi vì ưu tư trước mắt của tôi là làm sao để mọi người Việt Nam phải biết rõ hơn về một tấm gương hiếu thảo, có trí tuệ rực rỡ, hiền lành và bao dung, đương nhiên, cũng cực kỳ dũng cảm của Trần Khắc Đức. Một đứa con của miền Trung khắc nghiệt nhưng lại rất hiền hòa.
Trước đây Donald Trump đã tốn khá nhiều giấy mực của anh em chúng tôi và cũng gây cho anh em chúng tôi nhiều sự ghét bỏ, đã có hơn 3000 người rời bỏ hay theo dõi trang fanpage Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nữa, con số thực tế có lẽ còn lớn hơn nhiều. Nhưng sau đó thì sự ủng hộ dành cho trang fanpage của chúng tôi có thực chất hơn hẳn trước, bởi vì tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc và dân chủ đa nguyên đã hội nhập vào tâm hồn của mọi người.
Những tranh cãi về Donald Trump đã chấm dứt, bây giờ nếu có thù cũng chỉ là để chiêm ngưỡng ông ta sẽ phá nước Mỹ tới mức nào mà thôi.
Khi bắt đầu đặt bút viết những dòng này, tôi cũng thoáng nghĩ có thể sự ủng hộ đối với Trần Khắc Đức sẽ giảm đi vì tôi lại nhắc tới Donald Trump. Nhưng không, trái lại, tôi và Đức đều tin vào một điều : Chúng ta là người Việt Nam, yêu nước chính là yêu đồng bào mình. Chúng ta cùng có một mục tiêu chung là phải suy nghĩ tìm cho ra giải pháp dân chủ hóa đất nước. Chúng ta không thể vì những khác biệt ý kiến về một nhân vật mà lại ghét bỏ nhau.
Yêu thương lẫn nhau, hòa giải với nhau là những giá trị và cũng là căn cước chính thức của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ khi ra đời.
Donald Trump, cựu Tổng thống Mỹ vừa đắc cử, và Trần Khắc Đức, một thanh niên Việt Nam ưu tú, là hai nhân vật đại diện cho những giá trị đối lập trong cung cách con người về tầm nhìn chính trị, đạo đức và tương lai. Trong khi Trump là biểu tượng của sự hỗn loạn, ái kỷ, và thiếu vắng đạo đức, Trần Khắc Đức là hình mẫu của sự cống hiến, lòng hiếu thảo, và khát vọng xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Sự tương phản rõ nét này không chỉ phản ánh thực trạng chính trị thế giới mà còn đặt ra những câu hỏi nhức nhối về giá trị văn hóa, đạo đức của người Việt trong bối cảnh hiện nay.
Donald Trump và hiện tượng tâm lý xã hội Việt Nam
Trong nhiệm kỳ của mình (2016-2020), Donald Trump nổi tiếng với những phát ngôn mâu thuẫn, hành động phi lý, và thái độ xem thường sự thật. Ông ta đã tạo ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ và thế giới, đồng thời để lại di sản với hơn 15.000 lời nói dối công khai. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là trong khi phần lớn người Mỹ và các quốc gia phát triển phê phán Donald Trump một cách gay gắt, thì tại Việt Nam, một bộ phận không ít người dân lại ủng hộ ông ta, thậm chí còn cuồng nhiệt hơn cả người Mỹ.
Hiện tượng này, ở một góc độ nào đó, phản ánh tâm lý của một xã hội thiếu niềm tin vào các giá trị đạo đức và trí tuệ trong sinh hoạt chính trị.
Ba đặc điểm nổi bật thường được thấy ở những người Việt cuồng Trump là :
- Họ tin rằng tài năng chính trị là bẩm sinh và không cần học hỏi, giống như Trump.
- Họ coi chính trị chỉ là công cụ để đạt được quyền lực, không gắn với đạo đức hay trách nhiệm xã hội.
- Họ xem nhẹ hoặc thậm chí phớt lờ các giá trị đạo đức cơ bản, coi chúng là thứ yếu trong bối cảnh hiện thực khắc nghiệt.
Sự cuồng nhiệt của một bộ phận người Việt đối với Trump phần nào cho thấy trình độ nhận thức và đạo đức trong tâm hồn Việt Nam không cao lắm. Một xã hội mà trong đó đạo đức không được đặt lên hàng đầu thì khó lòng xây dựng được một thể chế chính trị công bằng, minh bạch, và văn minh.
Trần Khắc Đức : biểu tượng của hy vọng và đạo đức trong chính trị
Ngược lại với hình ảnh đầy tranh cãi của Trump, Trần Khắc Đức là một hình mẫu lý tưởng về đạo đức và trách nhiệm xã hội. Là một thanh niên ưu tú, Đức đã dành cả tuổi trẻ để chăm sóc gia đình – mẹ và bà nội – đồng thời thay cha nuôi dạy em trai ăn học. Không chỉ vậy, anh còn tham gia ủng hộ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên với mong muốn góp phần xây dựng một Việt Nam dân chủ và phát triển, nơi mà mọi tầng lớp trong xã hội, kể cả đảng cộng sản, cùng tham gia vào quá trình dẫn đưa đất nước vào quỹ đạo tiến bộ chung của thế giới.
Sự kiện Đức bị chính quyền bắt giữ chỉ vì khát vọng cải cách đất nước là một biểu hiện đau lòng của tình trạng đàn áp chính trị tại Việt Nam. Nhưng đồng thời, nó cũng là lời nhắc nhở về sự cần thiết của những cá nhân dũng cảm và kiên định như Đức trong hành trình dẫn đưa đất nước thoát khỏi bế tắc.
Chính trị, suy cho cùng, là nghệ thuật hiện thực hóa các giá trị đạo đức trong xã hội.
Chính trị là đạo đức ứng dụng
Sự đối lập giữa Donald Trump và Trần Khắc Đức đã làm nổi bật một chân lý quan trọng : Chính trị không thể tách rời đạo đức.
Chính trị, suy cho cùng, là nghệ thuật hiện thực hóa các giá trị đạo đức trong xã hội. Khi đạo đức bị xem nhẹ hoặc bị loại bỏ khỏi chính trị, chúng ta không chỉ đánh mất đi ý nghĩa của chính trị mà còn tạo điều kiện cho các thảm họa xã hội xảy ra.
Donald Trump là minh chứng cho một phong cách sinh hoạt chính trị thiếu vắng đạo đức. Những quyết định của ông ta, từ việc rút Mỹ ra khỏi các thỏa thuận quốc tế đến việc thúc đẩy chia rẽ xã hội, đều xuất phát từ tư duy vị kỷ và quyền lợi cá nhân hơn là lợi ích cộng đồng. Trái lại, Trần Khắc Đức là minh chứng cho một nền chính trị dựa trên đạo đức và khát vọng phục vụ. Anh đã sẵn sàng hy sinh tự do cá nhân để đấu tranh cho một Việt Nam tốt đẹp hơn.
Những bài học từ hai biểu tượng và nền tảng của phát triển
Hai nhân vật này đặt ra những bài học quan trọng cho chúng ta.
1. Bài học về đạo đức trong chính trị : Một xã hội chỉ có thể phát triển bền vững nếu nền chính trị của nó dựa trên đạo đức và trách nhiệm xã hội.
2. Bài học về nhận thức : Sự cuồng nhiệt của người Việt đối với Trump phản ánh một thực tế đáng lo ngại : Nhiều người vẫn bị hấp dẫn bởi những hình mẫu "mạnh mẽ", là lãnh đạo phải ăn to nói lớn, bảnh bao… nhưng thiếu đạo đức, thay vì tôn vinh những cá nhân thực sự cống hiến vì cộng đồng như Trần Khắc Đức.
3. Bài học về tương lai Việt Nam : Để đất nước có thể tiến xa, cần nhiều hơn những con người như Trần Khắc Đức, những người dám đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân.
Donald Trump và Trần Khắc Đức là hai biểu tượng đối lập về cách con người nhìn nhận chính trị và đạo đức. Một bên là biểu tượng của sự hỗn loạn, ái kỷ, và bất tín ; bên kia là biểu tượng của hy vọng, trách nhiệm, và khát vọng thay đổi tích cực. Sự kiện Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và sự kiện Trần Khắc Đức bị bắt giữ là hai mảnh ghép quan trọng để chúng ta nhìn nhận lại giá trị đạo đức trong chính trị và xã hội.
Một đất nước chỉ có thể thực sự phát triển nếu đạo đức được đặt làm nền tảng. Đó là bài học mà mỗi người Việt Nam cần ghi nhớ khi hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho dân tộc.
Thế nào là một cuộc sống lành mạnh và xứng đáng ?
Để thay cho lời kết, tôi xin được nhắc lại một ý kiến của ông Nguyễn Gia Kiểng, một ý kiến mà tôi nghĩ nếu chúng ta đồng ý được với nhau thì lịch sử mới có thể sang trang :
"Đạo đức và chính trị là cố gắng để trả lời cùng một lúc hai câu hỏi :
1. Phải sống và hành động như thế nào ?
2. Thế nào là một cuộc sống lành mạnh và xứng đáng ?"
Trần Khánh Ân
(22/11/2024)
Tập hợp Dân chủ Đa nguyên : Chí hữu Trần Khắc Đức không phải là nạn nhân đầu tiên của Điều luật 117 tùy tiện !
Tập hợp Dân chủ Đa nguyên nói ông Trần Khắc Đức, người bị bắt gần đây chỉ là người cùng chí hướng với tổ chức, không phải là thành viên và đã có nhiều người như ông bị cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước".
Ảnh chụp màn hình tin bắt giữ ông Trần Khắc Đức trên Báo Điện tử Chính phủ - RFA edited
Trong Tuyên bố ngày 18/11 về việc chí hữu Trần Khắc Đức bị an ninh Việt Nam bắt giữ theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự chín ngày trước, kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng - Thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nêu rõ :
"...Đức chỉ là chí hữu về mặt tình cảm và lý tưởng. Vì lý do an ninh của anh em trong nước Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không có thành viên chính thức trong nước để tạo lý do cho chính sách đàn áp tùy tiện và hung bạo của Đảng Cộng Sản".
Theo tuyên bố, các chí hữu trong nước không có sinh hoạt tổ chức và cũng không tham gia bầu cử các cơ chế của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, những người này chỉ thảo luận và học tập để giúp nhau nhìn rõ những vấn đề và đóng góp cho một đồng thuận dân tộc và không làm bất cứ gì trái với luật pháp hiện hành.
Dù vậy nhiều người đã bị sách nhiều trong hơn một năm qua, kể cả hai người bị đánh tại trụ sở công an trong lúc thẩm vấn. Trong khi đó, trước khi bị khởi tố, ông Đức bị tạm giữ từ ngày 20/9 sau nhiều tháng bị công an thẩm vấn, đe dọa và sách nhiễu.
Báo chí Nhà nước dẫn nguồn tin từ cơ quan công an cáo buộc ông Đức đã viết bốn bài và phát tán 16 bài viết khác có nội dung chống chế độ độc đảng ở Việt Nam, tuy nhiên, theo khẳng định của ông Nguyễn Gia Kiểng các bài viết này chỉ là những bài nghiên cứu và bình luận về triết học, lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, nhiều bài đã đăng cách đây hơn mười năm.
Quan điểm của tổ chức thành lập tại Pháp sau năm 1975 khẳng định, hành vi viết và phổ biến những bài này hoàn toàn phù hợp với quyền con người được ghi trong Hiến pháp hiện hành của Việt Nam cũng như các công ước quốc tế về nhân quyền mà Hà Nội đã ký kết.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên khẳng định không có thành viên chính thức nào trong nước để tránh bị đàn áp, và các chí hữu trong nước không có sinh hoạt tổ chức cũng như không tham gia bầu cử các cơ chế của tổ chức.
Tổ chức này khẳng định lại chủ trương chuyển hóa về dân chủ đa nguyên trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc bằng đường lối bất bạo động "là một tiến trình bắt buộc, không thể đảo ngược và đã rất gần".
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về tuyên bố của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nhưng chưa nhận được phản hồi.
Nguồn : RFA, 21/11/2024