Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 18 juin 2020 08:17

Học làm chính trị ở đâu ?

Chính trị là lĩnh vực đặc biệt, nó không thể chính xác và rạch ròi như toán học vì thế ai cũng có thể nói và bàn luận về chính trị dù không phải ai cùng biết và hiểu rõ về chính trị. Trên thực tế, chính trị là bộ môn tổng hợp của nhiều bộ môn, là kiến thức tổng hợp của nhiều kiến thức. Chính trị rất khó khăn chứ không hề đơn giản. Chính trị quyết định mọi vấn đề quan trọng, lớn nhỏ của đất nước và tác động đến cuộc sống của mỗi người.

politic1

Chính trị là bộ môn tổng hợp của nhiều bộ môn, là kiến thức tổng hợp của nhiều kiến thức. Ảnh minh họa 

Một tiến sĩ nghiên cứu về chính trị cũng chỉ là một chuyên viên, tức là quần chúng và khác với những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Người làm chính trị mưu tìm giải pháp cho cả dân tộc còn các nhà nghiên cứu chính trị chỉ làm công việc mưu sinh.

Trí thức Việt Nam hầu như tâm đắc với ý kiến là cần phải "khai dân trí" cho người dân. Họ cho rằng khi người dân khôn ra và hiểu được vấn đề thì sẽ đứng dậy và tạo ra sự thay đổi "đẩy thuyền đi là dân, lật thuyền cũng là dân". Chẳng có gì đảm bảo cho xác quyết đó cả. Ngoài ra còn nhiều câu hỏi quan trọng khác : Ai là người có đủ trình độ và kiến thức để khai dân trí ? Tiêu chuẩn nào để một người được xem là trí thức ? Ai là người "khai sáng" cho trí thức ?

Có thể hiểu giản dị rằng trí thức là những người có kiến thức trên mức trung bình, có hiểu biết, có quan tâm xã hội và dám nói, dám làm, dám bảo vệ những điều đúng đắn. Trí thức là người có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, tôn trọng lẽ phải và sự thật vì thế bắt buộc phải lương thiện và dũng cảm.

Không phải tri thức tự nhiên sinh ra mà phải trải qua một quá trình học hỏi nghiêm túc. Học hỏi về chính trị ở đâu ? Tất nhiên là học từ các nhà tư tưởng chính trị. Thế nào là một nhà tư tưởng chính trị ? Các nhà tư tưởng chính trị là những người uyên bác, có viễn kiến vượt lên thời đại và tư tưởng của họ tạo ra sự thay đổi tích cực cho xã hội. Tư tưởng chính trị chỉ được xem là đúng khi nó làm cho xã hội tốt đẹp và nhân văn hơn. Các-Mác (Karl Marx) không thể xem là nhà tư tưởng chính trị vì "tư tưởng" của ông đã gián tiếp giết hại hơn 100 triệu người trên trái đất.

Có nhiều người tự tin cho rằng mình đã đủ kiến thức và hiểu biết để "khai dân trí" cho người khác. Thực tế, các ý kiến về chính trị của cá nhân thường là sai so với những ý kiến của những người có sinh hoạt trong các tổ chức nghiêm túc. Tổ chức là môi trường để học hỏi về chính trị, là nơi sản xuất và sàng lọc các ý kiến. Các ý kiến của người tham gia tổ chức đã được kiểm tra và sàng lọc trước trong nội bộ, bởi những người có hiểu biết và quan tâm về chính trị, vì thế những ý kiến đó thường có chất lượng hơn những ý kiến cá nhân. Chỉ có những người xem nhau như là chí hữu hay anh em mới có sự thẳng thắn và chân thành khi nhận xét về các ý kiến của nhau.

politic2

Phạm Quỳnh, một học giả lớn của Việt Nam thời Pháp thuộc. Ảnh minh họa Phạm Quỳnh tại văn phòng Lại bộ Thượng thư (Huế – 1942).

Việt Nam có những ai được xem là nhà tư tưởng chính trị ? Cách đây 7 thế kỷ, dân tộc ta có một nhân vật kiệt xuất là Nguyễn Trãi (1380-1442), tư tưởng của ông lóe sáng trong tác phẩm bất hủ "Bình Ngô Đại Cáo" : "Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo…". Sang đầu thế kỷ 20, có nhà cách mạng Phan Châu Trinh (1872-1926) với chủ trương "đấu tranh bất bạo động" và "khai dân trí"… Ông là người Việt Nam đầu tiên có tư tưởng dân chủ nhưng rất tiếc là ông đã không diễn tả một cách rõ ràng và cụ thể về dân chủ để các thế hệ mai sau tiếp bước. Phạm Quỳnh (1892-1945) là một học giả lớn của Việt Nam, kiến thức của ông được xem là uyên bác nhất thời Pháp thuộc nhưng ông đã không vạch ra được một con đường đi cho dân tộc. Phan Bội Châu (1867-1940) hay Hồ Chí Minh (? - 1969) thì đã không vượt thoát ra khỏi được văn hóa Khổng giáo, ngoài giải pháp bạo lực và dựa vào ngoại bang để làm cách mạng ra họ chẳng có gì mới. Còn lại bao nhiêu trí thức của Việt Nam thuộc thế hệ 1945 và 1975 đã qua đi mà không để lại một di sản nào cho hậu thế.

Chúng ta chưa có những nhà tư tưởng, nhất là tư tưởng chính trị vì lịch sử của nước ta là các cuộc chiến liên miên, thời gian hòa bình và thịnh trị rất ngắn ngủi, hơn nữa văn hóa Việt Nam là văn hóa Nho giáo (Khổng giáo). Người sĩ phu Khổng giáo bị mặc định là nô lệ, tôi tớ cho vua chúa chứ không phải là những người tranh đấu cho cái đúng, cái tốt trong xã hội.

"Văn minh Khổng giáo kiểm soát và tha hóa một cách tuyệt đối những người có học được gọi là giai cấp sĩ. Họ được giáo dục để coi việc phục tùng một cách tuyệt đối và làm dụng cụ vô điều kiện cho kẻ cầm quyền như một vinh dự và một đạo lý. Đạo đức của kẻ sĩ chỉ giản dị là trung thành với vua, ngay cả một hôn quân bạo chúa" (*).

Chính vì thiếu vắng các nhà tư tưởng nên cho đến ngày hôm nay chúng ta vẫn đang ở trong kỷ nguyên thứ nhất, kỷ nguyên của thời kỳ dựng nước và giữ nước. Chúng ta vẫn chưa bước vào kỷ nguyên thứ hai : Kỷ nguyên của dân chủ và tự do. Thiếu vắng tư tưởng chính trị để soi đường dẫn lối nên con thuyền Việt Nam ra khơi mà không hề có la bàn và một thủy thủ đoàn đúng nghĩa cần phải có.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) may mắn hơn vì được một nhà tư tưởng chính trị uyên bác, có viễn kiến đồng thời cũng là một nhà cách mạng là ông Nguyễn Gia Kiểng dẫn dắt và lãnh đạo. Theo ý kiến cá nhân người viết thì ông là nhà tư tưởng chính trị đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Tư tưởng của ông nói riêng và của Tập Hợp nói chung được trình bày qua hai tác phẩm là "Tổ Quốc Ăn Năn""Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai". Có thể nói tư tưởng của Tập Hợp đã được hệ thống và diễn đạt một cách trong sáng, rõ ràng, đầy đủ và cụ thể. Tuy nhiên vì quá mới đối với người Việt Nam nên tư tưởng đó vẫn chưa nhận được sự ủng hộ đáng ra phải có. Sở dĩ người Việt chưa ủng hộ, chưa hiểu, chưa thông suốt vì tư tưởng của Tập Hợp không giống với văn hóa truyền thống của Việt Nam. Tư tưởng của Tập Hợp đặt trên các giá trị nền tảng như tôn trọng sự thật, lẽ phải, lương thiện, đạo đức, hợp tác, bao dung, liên đới, viễn kiến và trách nhiệm. Thay đổi văn hóa của cả một dân tộc chưa bao giờ là chuyện dễ dàng và nhanh chóng. Cần phải có thời gian.

politic3

Tư tưởng của Nguyễn Gia Kiểng nói riêng và của Tập Hợp nói chung được trình bày qua hai tác phẩm là "Tổ Quốc Ăn Năn" và "Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai".

Quan điểm của Tập Hợp là tư tưởng chính trị phải đi trước và dẫn đường cho các cuộc cách mạng và chỉ có các cuộc cách mạng bất bạo động, ôn hòa mới có thể xây dựng được một thể chế dân chủ. Chúng tôi phản đối bất cứ một hình thức bạo lực nào. Nhưng muốn thế thì người Việt Nam phải có đồng thuận với một dự án chính trị của một tổ chức chính trị dân chủ nào đó. Không có đồng thuận thì chỉ có các cuộc cách mạng bạo lực và đập phá. Đất nước không thể gượng dậy sau các cuộc cách mạng bạo lực như vậy.

Trong đấu tranh chính trị bằng phương pháp ôn hòa thì "lời nói" là tất cả. Lời nói đó là tư tưởng, là lý luận vì vậy phải xem đấu tranh trên mặt trận tư tưởng và lý luận là quan trọng nhất. Trên mặt trận này thì muốn hay không trí thức cũng phải đi trước để dẫn đường cho dư luận và quần chúng. Một số người và cả đảng cộng sản vẫn xem lối đấu tranh của Tập Hợp là "cải lương" vì họ quen với lối tranh đấu tranh bằng bạo lực. Sự thực là không có quốc gia văn minh nào đấu tranh chính trị bằng bạo lực. Tất cả đều bằng lời nói, tư tưởng và lý luận thông qua nghị trường.

Tập Hợp cho rằng, thuyết phục được trí thức thì tất sẽ thuyết phục được quần chúng. Người dân họ cảm nhận được ai là trí thức và ai là đúng, ai là sai nhưng họ không thể lý luận sâu sa. Nếu chiến thắng trên mặt trận tư tưởng và lý luận thì sẽ hiệu triệu được quần chúng và khi đó sẽ buộc đảng cộng sản ngồi vào bàn đàm phán. Như Tập Hợp đã phân tích, hai nhiệm vụ chính của phong trào dân chủ Việt Nam là "thuyết phục và kết hợp", và để làm được việc đó thì trí thức phải tiên phong.

Để tránh lạc đường và phân tâm trước các biến cố xảy ra trước mặt hàng ngày thì người làm chính trị phải có kiến thức về chính trị. Tranh đấu mà không có kiến thức chính trị và tư tưởng chính trị thì cũng giống người đi biển không có la bàn. Không đâm vào núi băng này thì cũng đụng vào tảng đá ngầm khác.

politic4

Tác phẩm Tổ Quốc Ăn Năn và ông Nguyễn Gia Kiểng tại nhà riêng (2019) - Ảnh minh họa 

Hiện tượng nhiều người tranh đấu Việt Nam đặt mọi hy vọng vào Donald Trump là biểu hiện của sự thiếu hụt nghiêm trọng về tư tưởng chính trị. Thái độ đó phơi bày sự bế tắc, tuyệt vọng, bất lực và vọng ngoại. Trump chưa bao giờ và sẽ không bao giờ xứng đáng là một người dân chủ vì đã phủ nhận hoàn toàn các giá trị của dân chủ. Không thể lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện. Một mục tiêu tốt đẹp và nhân văn phải được thực thi bởi những phương tiện lành mạnh và lương thiện chứ không phải bằng sự dối trá và thủ đoạn. "Cuồng Trump" là hiện tượng khủng hoảng về các giá trị đạo đức. Hy vọng sau khi Trump thất cử thì những người đó có lý do và thời gian để ngẫm nghĩ lại bản thân mình và khám phá ra đâu là các giá trị cần có đối với những người làm chính trị đứng đắn.

Trong 38 năm qua Tập Hợp đã làm được rất nhiều việc như hoàn thiện và liên tục cập nhật dự án chính trị của mình, đó là một đóng góp trí tuệ rất lớn về tư tưởng chính trị cho phong trào dân chủ Việt Nam. Các bài chính luận của anh em Tập Hợp đã bổ sung cho dự án chính trị và là nguồn tham khảo, nghiên cứu và học hỏi quan trọng về chính trị và các hoạt động chính trị cho những người tranh đấu. Chúng tôi cũng đã có một khoảng thời gian cần thiết để trao đổi, học hỏi và xây dựng một đội ngũ nhân sự nòng cốt, là những người không chỉ hiểu rõ mà còn thấm sâu vào tâm hồn tinh thần dân chủ đa nguyên của tổ chức. Chúng tôi đã chuẩn bị và sẵn sàng cho một cuộc thay đổi về dân chủ trong tương lai chứ không chờ đợi một phép màu hay một ân huệ nào cả.

Tập Hợp vẫn tiến về phía trước, một cách từ tốn chứ không đứng yên một chỗ. Tập Hợp cũng không hề giáo điều và cứng nhắc, bằng chứng là dự án chính trị của chúng tôi vẫn liên tục được cập nhật sau mỗi năm năm. Tư tưởng chính trị của Tập Hợp ngày càng nhận được sự chia sẻ và đồng thuận của nhiều trí thức Việt Nam. Sự phát triển của Tập Hợp vẫn còn chậm, lỗi đó không phải hoàn toàn từ phía chúng tôi mà vì văn hóa và tư duy của người Việt Nam vẫn chưa kịp thích nghi với những tư tưởng và giá trị mới.

Anh em Tập Hợp vẫn thường xuyên học hỏi về chính trị. Chúng tôi học hỏi từ ông Nguyễn Gia Kiểng, học hỏi từ mọi người và học hỏi lẫn nhau. Chúng tôi cũng thường xuyên đọc và cập nhật tư tưởng chính trị của thế giới. Tất cả suy tư và trăn trở của chúng tôi đều chú trọng cho dự án dân chủ hóa đất nước thay vì các dự án cá nhân. Niềm tin của chúng tôi là "nước nổi, bèo nổi". Khi đất nước có dân chủ và tự do thì trí tuệ và sức mạnh của 100 triệu người Việt Nam sẽ được giải thoát và cuộc sống của mỗi người trong chúng ta sẽ được cải thiện. Chúng ta có thể biến "Giấc mơ Việt Nam" thành hiện thực ngay trên mảnh đất quê hương. Người Việt không còn phải bỏ xứ ra đi, phiêu bạt nơi chân trời góc bể mà không biết tương lai ngày mai sẽ ra sao.

Việc ai cũng nói, cũng bàn về chính trị đã nói lên sự quan trọng của nó, vấn đề là phải có kiến thức về chính trị thì các cuộc thảo luận về chính trị mới có chất lượng và ý nghĩa. Vai trò của trí thức Việt Nam, của những người "dẫn đường" là rất quan trọng.

Việt Hoàng

(18/06/2020)

(*) Nguyễn Gia Kiểng, 45 năm sau, một truyện thuyết cho tương lai, 02/05/2020

Published in Quan điểm