Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

04/04/2017

Nước Pháp cần một cuộc cách mạng

Bùi Quang Vơm

Theo các cuộc thăm dò, ông Emmanuel Macron được dự báo sẽ lọt vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp cùng với nữ ứng cử viên cực hữu, bà Marine Le Pen, sẽ được tiến hành vào ngày 07/05/2017, mặc dù danh sách cho vòng một ngày 23/03 vẫn chưa kết thúc.

phap1

Là ứng cử viên được xếp vào cánh trung, cựu Bộ trưởng kinh tế Macron hiện đang được sự ủng hộ của nhiều nhân vật cả cánh tả lẫn cánh hữu.

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 là cuộc bầu cử đáng chú ý nhất trong lịch sử gần đây của nền Cộng hòa thứ 5. Theo những dự báo, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1965, không ứng cử viên nào của các đảng lớn sẽ lọt vào vòng bầu cử cuối cùng. Cả đảng Xã hội (PS-Parti Socialiste) lẫn đảng Những người cộng hòa (LR-Les Républicains) không còn được đa số cử tri ủng hộ. Nó phản ánh sự bắt đầu của cuộc khủng hoảng chính trị. Đó là sự cùng kiệt của tư duy chính trị cổ điển Pháp.

Sự cạn kiệt của tư duy kinh tế

Người dân Pháp đã không còn lòng tin vào các đảng chính trị lớn với những chính sách kinh tế từng thi thố nhiều năm nay, nhưng từ hơn 40 năm qua cả tả lẫn hữu thay nhau cầm quyền, thay nhau hò hét thay đổi khi vận động tranh cử, để rồi cả hai cánh chỉ làm những việc giống nhau và cùng đi đến một kết quả giống nhau là nền kinh tế bế tắc không lối thoát và từ đó, an toàn xã hội ngày càng bê bết.

Macron đang có vẻ và hình như cố tạo ra một cái vẻ bề ngoài như có cả hai con bài. Ông nguyên là cựu Bộ trưởng kinh tế của chính phủ cánh tả nhưng không thuộc phe nào trong hai trường phái chính trị lớn đang mất uy tín. Dân chúng Pháp không còn tin vào hai đảng chính trị cổ điển tả hữu và còn cho rằng cả hai đảng không hiểu biết gì về kinh tế. Cả hai cựu Thủ tướng Jean-Marc Ayrault và Mannuel Valls dẫu cố vùng vẫy cũng không vượt thoát được khỏi cái khung tả phái trong chính phủ của một Tổng thống bất tài như François Hollande.

Có lẽ người dân Pháp tin rằng, đảng Xã hội, thiên về bảo vệ người lao động và an sinh xã hội, tiêu diệt đầu tư ; còn đảng Những người cộng hòa, khi bảo vệ giới doanh nghiệp và tự do kinh doanh, gây tổn hại cho an sinh xã hội và sức mua của thị trường tiêu thụ. Vừa là chuyên gia kinh tế vừa trung dung, đó chính là nguồn gốc tạo ra sức hút của Macron. Tất nhiên, đó chỉ là những cảm nhận nếu chỉ nhìn từ xa. Còn đến thật gần, ứng cử viên Macron cũng không hơn gì, cũng chỉ là chuyện múa gậy trong bị.

Việc phải lựa chọn một ứng viên 39 tuổi vào ghế tổng thống của một quốc gia có truyền thống dân chủ lớn như nước Pháp đã bộc lộ một sự thật không thể chối cãi rằng, nước Pháp không còn chính trị gia. Nước Pháp đã cạn kiện nhân tài. Nước Pháp lâm vào khủng hoảng triển vọng. Nước Pháp đang đi đến điểm cuối cùng của tương lai.

Tăng trưởng kinh tế trên 5% suốt "30 năm huy hoàng" kết thúc vào 1976, rồi từ đó trượt dài và chìm đắm trong các cuộc suy thoái triền miên, không bao giờ gượng dậy được. Mọi cố gắng, mọi phương cách, mọi thủ đọan, mọi kỹ thuật của những kinh tế gia xuất sắc nhất của nước Pháp, từ cả hai phía tả-hữu luân phiên nhau thi thố, đều đã thất bại.

Nhưng người Pháp không biết tự đặt ra câu hỏi tại sao. Người Pháp đã trở nên mê muội ? Người Pháp chỉ tìm cách lẩn trốn thực tế. Người Pháp không biết tịnh tâm để xét lại mình trong ra ngoài và nhìn lại mình từ đầu đến chân. Có một cái gì không bình thường, người Pháp cố tình sửa sang, sắp xếp đồ đạc, sơn sửa vặt vảnh trong nhà, trong khi cái cần cho nước Pháp là củng cố nến móng của căn nhà để có thể đứng vững trước phong ba, bão táp đến từ bên ngoài. Hiện nay, bên trong của căn nhà Pháp có vẻ gọn gàng, nhưng khi gặp bão tố, nó sẽ rung lắc, đồ đạc sẽ đổ vỡ và tất cả sẽ đảo lộn.

Từ năm 1976 tới nay, sau hơn 41 năm vật lộn với suy thoái, không thể nói rằng người Pháp đã không nặn óc suy nghĩ hết mức, không truy tới tận cùng khoa học kinh tế. Như vậy, suy thoái có thể không thuần túy nằm trong bộ môn kinh tế. Như vậy nguồn gốc suy thoái ở đâu ? Có phải ở trong văn hóa không ? Có thể là như vậy. Người Pháp là một dân tộc văn hóa, là một dân tộc nhân đạo và có năng khiếu về văn học, một dân tộc có thiên bẩm lãng mạn hơn thực dụng. Người Pháp có khiếu tưởng tượng, mơ mộng nhiều hơn thực tại.

Trong tổng số 62 giải Nobel mà những nhân tài nước Pháp nhận được, đông nhất là của giải Nobel Văn học và Khoa học (15 giải văn chương, 13 giải vật lý, 13 giải y khoa và 9 giải hóa học), còn bộ môn Kinh tế chỉ có 3 người. Chính vì thế mà cuộc cách mạng nhân quyền đầu tiên của loài người đã xảy ra trên đất Pháp năm 1789, và bản Tuyên ngôn Nhân quyền, tài sản độc nhất vô nhị của nhân loại và là niềm kiêu hãnh của người Pháp, đã khai sinh tại Pháp.

Nhưng cũng chính bản Tuyên ngôn nhân quyền này đã trở thành một thứ Thánh Giá mà người Pháp phải mang vác suốt đời. Hơn hai trăm năm. Nó đã góp phần làm tính cách Pháp biến dạng. Khi tất cả khái niệm con người không có quốc gia, thì tính cách riêng Pháp mất dần biên giới, tính hơn hẳn không còn là một động lực thúc đẩy phát triển. Và cây Thánh Giá nhân quyền đã mặc nhiên âm thầm dẫn người dân Pháp tới một triết lý cào bằng để tạo ra công bằng.

Không phải ngẫu nhiên mà khái niệm không tưởng về "thu nhập phổ cập"của Thomas Moore, sau gần 500 năm đang quay lại thành chương trình tranh cử của cả cánh tả lẫn cánh hữu trong sinh hoạt chính trị Pháp : Benoit Hamon, cựu bộ trưởng giáo dục của đảng Xã hội trong chức vụ Tổng thống và của bà Nathalie Kosciusko-Morizet, chủ tịch nhóm Những người cộng hòa trong chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành phố Paris. Có lẽ trí tưởng tượng và bẩm tính lãng mạn đã góp phần đưa các chính trị gia Pháp mất dần khả năng tiếp nhận và đánh giá thực tế.

Nguồn gốc của phúc lợi là của cải. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của thị trường toàn cầu hóa, trước những đối thủ thực dụng tàn nhẫn như Trung Quốc, những chính trị gia có tư duy thực tế như Đức, Mỹ, Anh, Nhật đều đang vượt qua, còn những chính trị gia lửng lơ kiểu Pháp không thể có đất đứng.

Thomas Moore đã tưởng tưởng ra một xã hội hoàn hảo, nơi con người không lo âu về khả năng sinh tồn của mình. Những nhu cầu và sinh hoạt của con người khi đó chỉ là lòng tốt, sự cao thượng và sự hảo tâm độ lượng, vị tha. Trong xã hội ấy, mọi nhu cầu, dù quái đản nhất cũng có thể được thỏa mãn một cách miễn phí, là nguồn cảm hứng cho những sáng tạo kế tiếp, tạo ra một nền sản xuất hiện đại xuất chúng và gia tăng gấp bội của cải vật chất, và thỏa mãn các nhu cầu không giới hạn khác. Xã hội đó không biết tới hàng hóa, tức các vật dụng cần tiền để trao đổi vì vậy xã hội đó không có tiền. Xã hội đó không có giàu nghèo, vì người nghèo nhất, nếu cần, cũng có thể có được mọi thứ mà một người giàu có thể tưởng tượng được ra và có khả năng sở hữu riêng. Hãy nghĩ xem, nếu xã hội nhân loại hơn 7 tỷ người đều là những Bill Gates thì ai giàu hơn ai, sự giàu có còn ý nghĩa hay gây khác biệt gì nữa không ?

Nhưng Thomas Moore cũng biết rằng xã hội ấy nếu có, cũng hỉ có thể có trên một hòn đảo biệt lập và khép kín, nơi mà lợi ích tổng thể, lợi ích bao trùm là đồng nhất vả khả dĩ quản trị được. Nếu xã hội đó mở toang cửa, và xung quanh nhà nước đó là hàng ngàn những nhà nước khác, những dân tộc và công dân khác, có mức sống khác, nhu cần khác và những lợi ích khác, không đồng nhất và không thể khống chế, điều tiết và quản trị, thì lập tức xã hội đó sẽ tan vỡ. Đó là toàn cầu hóa và thu nhập phổ cập.

Trước không tưởng thu nhập phổ cập của ứng cử viên đảng Xã hội Benoit Hamon, cựu Thủ tướng Manuel Valls dù là đồng chí cùng đảng, thậm chí còn là bạn với Benoit Hamon, đã từ chối ủng hộ Hamon và còn tuyên bố sẽ "chiến đấu" để Hamon không thể qua vòng hai và sẽ làm tất cả để Hamon "kết thúc vòng một dưới 10% "...Còn những đồng chí khác của Hamon nói rằng Hamon "buôn giấc mơ, muốn đưa tất cả vào một cơn ác mộng".

Quả thật, ý tưởng "thu nhập phổ cập" chỉ có thể hiện thực khi thu nhập đầu người bình quân hiện nay phải trên 10.000 euros/năm, và quan trọng hơn là khoản thu nhập này phải là thu nhập chung toàn cầu và thế giới không còn biên giới. Thế giới đó là một quốc gia duy nhất. Nếu chưa xây dựng được thế giới này thì ý tưởng "thu nhập phổ cập" chỉ là một sự phá hoại, mọi nền tảng của xã hội sẽ bị phá vỡ tận gốc.

Cần một tư duy cách mạng

Nếu cứ tiếp tục như thế này, ứng cử viên Emmanuel Macron cũng sẽ không thể làm gì khác, cũng không thoát ra ngoài quỹ đạo của nền kinh tế và kết cấu xã hội Pháp hiện có. Và nước Pháp cứ sẽ tiếp tục như vậy.

Nhưng Macron không phải là con người đó. Macron còn trẻ tuổi. Macron có thể là một nhân vật mà nhiều người kỳ vọng có thể làm được thay đổi. Macron thuộc gien người không chịu bó buộc, không khuôn phép, không chấp nhận giới hạn, có máu nổi loạn.

Macron là một người có thể gạt bỏ mọi định kiến, mọi nếp nghĩ khuôn sáo của văn hóa truyền thống trong gia đình trong bạn bè và của cả xã hội để khẳng đị̣nh mình. Mười sáu tuổi có thể chiếm đoạt tâm hồn chính cô giáo dạy tiếng Pháp của mình, một người phụ nữ hơn mình 24 tuổi, mẹ của ba đứa con gần bằng tuổi mình.

Macron còn là một chuyên gia ngân hàng tài ba, một bộ trưởng ủng hộ tự do kinh tế. Macron chưa bị nếp sống và sinh hoạt chính trị Pháp tha hóa.

Macron còn trẻ. Con đường chinh phục tương lai còn dài, do đó không thể bị sa ngã hay bị lôi cuốn vào những quyền lợi, do cuộc sống và nghề nghiệp mang lại, như những bậc đàn anh chính trị đã và đang vấp phải.

Nước Pháp cần một cách làm khác, một lối tư duy khác, mạnh bạo và cách mạng, nhưng phải là một tư duy và hành động có kiến thức kinh tế. Nước Pháp cần một nhân vật chính trị trong sạch và cần một người có đời sống minh bạch. Đó là tất cả những gì nước Pháp mong muốn.

Nhân vật chính trị đó, con người đó, nhân vật chính trị đó chỉ có thể là Macron. Cái may của Macron là lúc này. Cho nên có nhiều hy vọng, hiển nhiên và dứt khoát, Macron bắt buộc phải trúng cử vào chức vụ tổng thống nước Cộng Hòa Pháp vào tháng  sắp tới.

Áp đặt hay áp dụng tư tưởng xã hội chủ nghĩa vào sinh hoạt chính trị nước Pháp ngày nay không còn hợp thời nữa, phải dứt khoát loại bỏ không thương tiếc. Không thể duy trì công bằng xã hội bằng cách cào bằng đói khổ, không thể tạo ra của cải xã hội bằng chỉ huy kinh tế, ép buộc sản xuất và kềm hãm đầu tư. Trong một thế giới toàn cầu hóa, công bằng, bác ái và nhân đạo phải được thể hiện qua cách thức phân phối của cải và cách điều hành quốc gia chứ không ở trong khâu sản xuất. Của cải tạo ra phúc lợi, muốn ban phát phúc lợi đồng đều phải có sản xuất, phải có đầu tư cho sản xuất tạo ra của cải.

Cái mà nước Pháp đang cần là một nền kinh tế tiên tiến, có năng suất vượt bậc. Nước Pháp cần có một cuộc cách mạng kỹ thuật thông số (digital) 100%, trong mọi lãnh vực và trong mọi ngành nghề. Nghĩa là phải khai triển tiến trình robot hóa, tự động hóa một cách nhanh nhất và toàn thể, trong sản xuất cũng như trong dịch vụ. Không có con đường nào khác. Thông số hóa, từ động hóa có thể thể gây ra thất nghiệp, nhưng với nguồn của cải do của cách mạng này tạo ra, ngân sách xã hội sẽ dồi dào hơn để có thể dồn vào việc đào tạo thành phần nhân sự mới cho nền sản xuất mới.

Nhìn chung mọi khủng hoảng xã hội trong các xã hội phát triển hiện nay đều bắt nguồn từ năng suất lao động. Năng suất lao động nếu không được cập nhật hóa thường xuyên sẽ không bắt kịp đà tiến hóa mới, sẽ bị lạc hậu và bị bỏ rơi. Từ chối trào lưu tất đến của các cuộc cách mạng kỹ thuật thứ ba và thứ tư không khác nào chọn cái chết, chết vì suy kiệt cố gắng trí tuệ. Cải tổ phương pháp giáo dục không những là một ưu tiên hàng đầu mà còn là một bắt buộc. Vấn đề là tìm nguồn kinh phí để tài trợ cho các cuộc cách mạng đó trở thành hiện thực.

Ngoài giáo dục còn phải làm gì thêm nữa ? Nước Pháp cần phải giảm thuế doanh nghiệp xuống dưới 20% để kích thích đầu tư và sản xuất. Phải tăng đầu tư công lên 20% ngân sách quốc gia để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở và nhà ở cho người thu nhập thấp. Cùng với lãi suất ngân hàng dưới 1%, đơn giản tối đa dịch vụ trợ cấp và khoán của quỹ bảo hiểm xã hội cho của công ty tư để giảm số lượng nhân viên công chức. Chấm dứt chế độ đoàn tụ gia đình tự động với những công dân nhập cư. Giảm lượng nhập cư có chọn lọc xuống dưới mức 20.000người/năm, tương đương 1/5 thất nghiệp tự nhiên.

Trong những chỉ tiêu nền tảng vừa kể, giảm thuế doanh nghiệp xuống dưới 20%, tăng đầu tư công lên trên 20% và giảm lãi suất vay xuống dưới 1% là ba chỉ tiêu chính, bắt buộc. Tất cả những chỉ tiêu khác, xã hội và nhân đạo, sẽ tự động đến. Vấn đề là làm thế nào để hiện thực ba chỉ tiêu đó, trong khi vẫn phải duy trì chỉ tiêu thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP.

Tăng đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo sức mua của thị trường tiêu thụ, giữ lãi suất thấp cho nhà đầu tư, giảm thuế lợi tức và thuế doanh nghiệp để thu hút đầu tư… tất cả những cái đó phải được đảm bảo bằng ngân sách quốc gia, chứ không bằng con đường vay nợ. Đó là tất cả vấn đề cho bài toán Pháp.

Nhiều người nói chỉ cần bán một nửa số vàng dự trữ mà nước Pháp đang tồn trữ là có thể giải quyết một phần khó khăn về cân bằng ngân sách. Cũng nên biết nước Pháp có một nguồn dự trữ vàng bằng 2.435,4 tấn (75.500 tỷ euros), nằm chết dí không dùng vào việc gì, trong khi trên thực tế, dự trữ vàng không còn là một thế chấp đảm bảo trị giá đồng tiền từ khi Hiệp định Bretton Woods hết hiệu lực năm 1971. Từ sau ngày đó, đồng đôla Mỹ được thả nổi tự do, trị giá của nó không còn căn cứ vào lượng vàng tồn trữ trong của kho dự trữ liên bang. Mỹ được tự do in tiền, tự do hạ giá đồng đôla bất cần khối lượng vàng hay bất cứ tài sản thế chấp nào khác. Sức mạnh áp đảo của nền kinh tế Mỹ buộc các đồng tiền khác, muốn duy trì trao đổi thương mại với Mỹ, phải xếp chung vào giỏ đồng đôla Mỹ. Từ đó, chỉ cần một cú nhích về lãi suất của Quỹ dự trữ trung ương liên bang Hoa Kỳ, tất cả các đồng tiền khác đều bị ảnh hưởng theo. Cũng kể từ đó, tất cả các quốc gia lệ thuộc vào giỏ đồng đôla Mỹ đều có nhiệm vụ bảo vệ trị giá đồng đôla Mỹ, nghĩa là nền kinh tế Mỹ. Đó là quy luật kinh tế hiện nay. Đó là chủ nghĩa đế quốc Mỹ hiện đại, chủ nghĩa bóc lột quy mô toàn cầu.

Tình trạng này không thể tiếp tục. Nước Pháp không muốn tiếp tục là nô lệ của vàng và của đồng đôla. Nhiều người nghĩ rằng chỉ với một nửa số vàng trị giá 75.500 tỷ euros đang đắp chiếu đó, nước Pháp hoàn toàn đủ sức để tiến hành cuộc cách mạng kinh tế cho thế kỷ XXI, vừa dẫn đầu hai cuộc cách mạng kỹ thuật thứ ba và thứ tư, vừa đảm bảo an sinh và trật tự xã hội.

Nước Pháp cần một nhà lãnh đạo hiểu biết và can đảm. Phải giảm thuế lợi tức doanh nghiệp xuống càng thấp càng tốt. Cần phải bơm tiền, giảm tối đa lãi vay, cấp vốn vay giá thấp cho nhu cầu vay vốn đầu tư. Hãy dùng dự trữ vàng để bù đắp cho mọi thâm hụt xã hội. Thực hiện đồng bộ các biện pháp đó sẽ giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống hạn tiêu chuẩn là 5%. Đó là con số 5 tỷ euros tiết kiệm cho ngân sách một năm, và sẽ bổ sung 10 tỷ cho tiêu thụ.

Sử dụng số vàng dự trữ là giải pháp vừa cho Pháp vừa cả cho Châu Âu. Tổng số vàng dự trữ hiện nay của Châu Âu lớn nhất toàn cầu, trên 10.792 tấn, tương đương 334.500 tỷ EUR (356.700 tỷ USD), gấp ba lần tổng tài sản toàn cầu. Nếu sử dụng số vàng đang nằm nghỉ vô dụng này, đồng Euro hoàn toàn đủ sức tách khỏi toàn cầu hóa trong một thời gian ngắn. (Châu Âu sẽ chỉ đủ sức chịu đựng toàn cầu hóa khi thu nhập bình quân đầu người đạt tới mức từ 60-80.000 đôla/ /năm trên toàn Châu Âu. Khả năng này sẽ phải mất ít nhất 10 năm).

Giải pháp sử dụng nguồn vàng dự trữ là giải pháp hay nhất. Nhưng một Châu Âu khép kín trong một thế giới mở với thị trường tiến tới toàn cầu hóa sẽ cũng không kém ảo tưởng như "thu nhập phổ cập" như một ứng cử viên tổng thống Pháp đề nghị. Nước Pháp không thể vừa là của riêng nước Pháp, vừa là thành viên không thể tách rời của Châu Âu, giữa hai phải chọn một.

Khủng hoảng thể chế

Nhiều phân tích khẳng định rằng, sau cuộc bầu cử này, cho dù bất kỳ ai thắng cử, nước Pháp vẫn sẽ thất bại và sẽ còn tiếp tục thất bại. Lý do đơn giản là cho dù trẻ và khác người, Emmanuel Macron vẫn chưa đạt tới hình tượng tương xứng với đòi hỏi của lịch sử, bởi một nguyên nhân rất cơ bản khác còn nằm trong sự nửa vời của thể chế chính trị.

Câu hỏi đặt ra là sau ngày 07/05/2017, cái gì sẽ xảy ra ? Trong hệ thống chính trị Pháp, cuộc bầu cử tổng thống mới chỉ là một nửa đoạn đường phải đi. Chặng đường tiếp theo là cuộc bầu cử quốc hội, cơ quan lập pháp. Và từ sau cuộc quốc hội này, cơ quan hành pháp mới được hình thành, chính phủ và thủ tướng, để điều hành quốc gia.

Như vậy cuộc bầu cử quốc hội là bước tiếp theo để hoàn thành hai đầu chế hành pháp, tổng thống và thủ tướng chính phủ, chứ không phải hai cuộc bầu cử để tạo ra hai cơ chế hành pháp độc lập. Đây là lỗ hổng hay sự nửa vời của hiến pháp nền Cộng hòa thứ 5.

Điều 8 Hiến pháp 1958 của Pháp quy định, thủ tướng do tổng thống bổ nhiệm và bãi miễn, nhưng lại không quy định chi tiết mối liên hệ giữa tính đại diện chủ quyền quốc gia của Tổng thổng với các thiết chế dân cử khác. Điều này có nghĩa rằng, khi một ứng viên được bầu chọn bằng phổ thông đầu phiếu trực tiếp toàn dân, thì sau khi đắc cử tổng thống, người đó phải là biểu tượng đại diện chủ quyền quốc gia và đại diện bảo đảm các lợi ích tổng thể bao trùm của toàn thể quốc dân. Như vậy, chương trình kinh tế xã hội thuộc nội dung tranh cử của tổng thống phải có tính pháp quy tương đương với hiến pháp, phải có chức năng làm khuôn khổ cho các chính sách của chính phủ.

Điều này cũng có nghĩa rằng, cuộc bầu cử tiếp theo, bầu cơ quan lập pháp, về thực chất là lựa chọn đảng phái hay lực lượng chính trị có năng lực thực hành tốt nhất chương trình của tổng thống. Như vậy, việc cạnh tranh chính trị giữa các đảng ở vòng bầu cử lập pháp sẽ là cuộc cạnh tranh năng lực triển khai hiệu quả nhất chương trình đã được lựa chọn, không phải bằng những chương trình riêng biệt hay khác biệt với chương trình của tổng thống. Nếu lâm vào thế yếu, Tổng thống có quyền bãi miễn Quốc hội mới và tổ chức một cuộc bầu cử Quốc hội khác để bầu ra một thủ tướng mới thực hiện chương trình của mình.

Nội dung như vậy không được đề cập trong hiến pháp 1958, dẫn đến một thực tế là ở vòng bầu cử lập pháp, các đảng phái đưa ra chương trình của mình không căn cứ vào chương trình đã trúng cử của Tổng thống. Và tùy thuộc vào ảnh hưởng và hiệu quả của tuyên truyền vận động, đảng hoặc liên minh chiếm đa số trong quốc hội được quyền thành lập chính phủ với một chương trình thậm chí chống lại chương trình của ứng cử viên tổng thống đắc cử. Đây là tính không nhất quán của thể chế bán đại nghị lưỡng chế, áp dụng trong nền Cộng hòa thứ 5 của Pháp từ cuộc bầu cử tổng thống năm 1959.

Khác với thể chế tổng thống áp dụng tại Mỹ và thể chế đại nghị áp dụng tại Vvương quốc Anh, cả hai loại hình thể chế này chỉ bầu ra một đầu chế hành pháp duy nhất, hoặc Tổng thống, hoặc Thủ tướng gọi là đơn đầu chế, và tùy theo quan niệm hay truyền thống của từng quốc gia, mà quyền lực của hành pháp được kiểm soát và kiềm chế theo các hình thức khác nhau. Do nguyên nhân này hay nguyên nhân khác, tính đơn chế trong hành pháp không tránh được nguy cơ quá lạm quyền lực, hoặc của cá nhân Tổng thống, hoặc của cá nhân Thủ tướng khi có đa số hay của Quốc hội khi không có đa số.

Pháp là quốc gia thực hành chế độ đại nghị lưỡng chế, nghĩa là cùng một lúc tồn tại hai đầu chế hành pháp : Tổng thống và Thủ tướng. Hai đầu chế này hỗ trợ cho nhau khi thuận chiều, và quản chế lẫn nhau khi khác chiều.

Nhưng Hiến pháp hiện nay không khống chế điều kiện của các cuộc bầu cử lập pháp, nên hiện tượng không nhất quán trong hành pháp làm suy giảm hiệu lực điều hành và làm giảm hiệu năng quản trị đất nước. Đặc biệt trong trường hợp chính phủ được lập ra từ một đảng đối lập chiếm đa số trong Quốc hội, giành được quyền lập chính phủ bằng một chương trình khác biệt, thậm chí đối nghịch với chương trình của Tổng thống, gọi là "sống chung" (cohabitation). Việc vận hành một nhà nước như vậy tạo ra rối loạn chính sách điều hành quốc gia, gây trì trệ cho công tác quản trị hành chính và quản lý các chương trình kinh tế.

Như vậy, phải phân biệt rõ hai chức năng Tổng thống và Thủ tướng ngay trong hiến pháp. Hiện tượng "sống chung" khập khiễng giữa tổng thống và thủ tướng đã xảy ra dưới thời Mitterrand-Chirac (1986), Mitterrand-Balladur (1993) và giữa Chirac-Jospin (1997) đáng lẽ phải làm các nhà hiến pháp học phải suy nghĩ, nhưng trong suốt thời gian ấy đã chẳng có chuyện gì xảy ra.

Và sau ngày 18/06/2017 sắp tới, tình trạng "sống chung" chắc chắn sẽ xảy ra với hai ứng cử viên Tổng thống có nhiều khả năng đắc cử nhất là Emmanuel Macron với phong trào Tiến bước (En Marche) và Marine Le Pen với đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (Front National). Vì đảng Tiến Bước mới có 10 tháng tuổi, chắc chắn sẽ không thể đủ phiếu để lập chính phủ thân tổng thống. Mặt trận quốc gia từ trước đến nay chưa bao giờ có quá 2 Đại biểu trong Quốc hội Pháp, nếu bà Marine Le Pen đắc cử Tổng thống lần này, tổng số Đại biểu Quốc hội lạc quan lắm cũng không qua 60 trên tổng số 577 ghế. Với hai ứng cử viên có nhiều triển vọng đắc cử chưa có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo quốc gia, và với một chính phủ bất phục khác đường lối, sẽ chỉ là một Nhà nước bất lực.

Điều này cho thấy nếu không kịp sửa và bổ sung hiến pháp, nước Pháp sẽ thất bại.

Sự thiếu hụt trong các mô hình dân chủ

Trước hết, các cuộc khủng hoảng thể chế chính tri toàn cầu, thể chế tổng thống ở Mỹ với Trump, thể chế đại nghị ở Vương quốc Anh với Brexit, và khủng hoảng bán tổng thống tại Pháp với khả năng đắc cử của một ứng viên trung dung không có một đảng chính trị mạnh ủng hộ đến từ khủng hoảng kinh tế.

Đó là khủng hoảng đặc trưng tất yếu trước và trong các cuộc cách mạng kỹ thuật. Sự chênh lệch giữa năng suất tổng thể với thu nhập tổng thể. Tức là mâu thuẫn giữa khu vực năng suất tụt hậu dẫn đến thu nhập tụt hậu với khu vực thu nhập siêu tốc kết quả của năng suất siêu tốc.

Hiện tượng thắng thế của chủ nghĩa dân túy đang tạo ra một cảm giác nghi ngờ sự lỏng lẻo, bấp bênh của nền dân chủ thế giới. Đó là một cảm giác lầm lẫn. Không ai có thể nghi ngờ tính dân chủ kiểu mẫu của thể chế chính trị dựa căn bản trên nền tảng Tam quyền phân lập của nhà nước Hợp chủng quốc Hoa kỳ. Tòa án có thể ngăn chặn các sắc lệnh của tổng thống. Và tổng thống không bị loại trừ điều tra và khởi tố bởi cơ quan pháp luật. Đó là khác biệt không thể chối cãi so với chế độ chuyên chế độc đảng.

Nhưng tại sao hệ thống ấy để lọt một nhân vật như Donald Trump, một doanh nhân buôn bán bất động sản, không năng lực, không kinh nghịêm chính trị, phẩm chất cá nhân bất định, có thể trúng cử tổng thống một quốc gia có tầm ảnh hưởng toàn thế giới ?

Cùng với Brexit của Vương quốc Anh, những khuôn mẫu khổng lồ của nền dân chủ tiến bộ thế giới đang sụp đổ ?

Không, nền dân chủ không sụp đổ, cũng không thoái trào. Nhưng có những kẽ hở trong các quy chế vận hành của nó chưa hoàn thiện, không đủ sức kháng cự với hoàn cảnh đặc biệt. Có thể tóm lược trong ba quy chế như sau :

1. Các cuộc bầu sơ bộ không được đưa ra đại chúng. Ứng viên cho vòng bầu sơ bộ là đại biểu của các đảng và tổ chức chính trị, phải đủ uy tín trong đảng và phải đại diện cho đảng, vì vậy phải do nội bộ đảng bầu và giới thiệu ra ứng cử cho vòng bầu cử đại chúng. Không chấp nhận ứng viên chiếm được phiếu quần chúng nhưng không có uy tín trong đảng, không đại diện cho đảng. Ứng viên này nếu tiếp tục tranh cử phải xin rút khỏi đảng hoặc chịu khai trừ.

2. Cơ chế ứng cử nhiều hơn hai đảng cho vòng đầu phải là một quy tắc hiến định, nghĩa là được ghi trong hiến pháp. Bắt buộc số đảng phái tham gia ứng cử vòng đầu phải tối thiểu là bốn. Hội đồng Hiến pháp sẽ xem xét quy định này như một điều kiện hợp hiến của bầu cử.

3. Cơ chế bỏ phiếu đơn danh một vòng theo đa số chỉ dùng để bầu cho 1/3 đại biểu Quốc hội, 2/3 còn lại phải bầu theo quy tắc tỷ lệ. Để đơn giản hóa vì mục đích tiết kiệm, 1/3 số đại biểu sẽ được bầu bằng đơn danh một vòng lấy phiếu cao nhất. 2/3 số còn lại bầu theo tỷ lệ với tối thiểu 5%.

Nếu trước hết phải chiếm được uy tín trong đảng Cộng hòa thì Donald Trump không thể thắng ở vòng sơ bộ.
Nếu có nhiều hơn ba đảng tranh phiếu, thì điều chắc chắn là không một đảng nào có đủ quá bán tuyệt đối số phiếu. Khả năng dồn phiếu ngăn cản, không cho phép các đảng cực đoan hoặc mị dân thắng ở vòng cuối cùng. Nếu không phân tán số phiếu ở vòng đầu và dồn phiếu ở vòng sau thì Mặt trận quốc gia của gia đình Le Pen có lẽ đã nắm ghế tổng thống Pháp sau nhiều cuộc bầu cử.

Cơ chế bầu tỷ lệ đảm bảo tính đa đảng trong cơ quan đại diện, phản ánh tiếng nói đại chúng và khuyến khích các đảng nhỏ tham gia hoạt động cộng đồng như một đảm bảo của nền chính trị đa nguyên, chống lại xu thế hình thành hai đảng trong sinh hoạt chính trị.

Paris, 04/04/2017

Bùi Quang Vơm

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bùi Quang Vơm
Read 695 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)