Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

01/04/2021

Đạo học hay con đường cứu nhân loại ?

Trần Công Lân

Các nhà cách mạng khi muốn lôi kéo quần chúng vào một cuộc cách mạng mà chính họ cũng không biết sẽ đi về đâu thì thường dựa vào chủ nghĩa, triết học ; nhưng quần chúng không phải đều giống như nhau, họ có trình độ hiểu biết khác nhau.

daohoc1

Suy nghĩ và hành động thế nào để thay đổi đời sống con người cho tốt đẹp hơn.

Nhưng họ có những cái giống nhau : tứ khoái và suy nghĩ. Suy nghĩ và hành động thế nào để thay đổi đời sống con người cho tốt đẹp hơn.

Đó là cách sống của loài người : Đạo.

Đạo ở đây là nói về con đường, cách sống của loài người. Nhân loại đã có di tích của những nền văn minh phát triển trên những con đường "lầm lạc" đưa đến tiêu diệt.

Vậy có gì khác biệt giữa các nền văn minh đó với chúng ta bây giờ ?

Cũng là con người với hình hài, thể chất, trí óc, suy nghĩ...với khoa học, tôn giáo của họ có thể hay hoặc cao hơn chúng ta bây giờ. Nhưng tại sao họ (nền văn minh đó) bị tiêu diệt ?

Phải chăng là cách sống ? Đạo.

Vậy Đạo là gì ?

Hãy trở về với nhân vật cổ xưa nhất của chúng ta : Lão Tử. Lão Tử nói về đạo. Đạo của Lão Tử không phải là tôn giáo. Không ai tôn thờ Lão Tử vì phép thuật, vì cứu nhân độ thế. Người ta gán cho ông là triết gia nhưng ông không viết sách, không thảo luận với thiên hạ. Ông dạy người cách sống. Sống như Lão Tử ? Nhưng có ai hiểu ông nói gì để sống như ông đã sống ? Hay không đủ can đảm để sống như Lão Tử ? Do đó, khi có người năn nỉ, Lão Tử đã viết Đạo Đức Kinh và thiên hạ đọc chẳng hiểu, chỉ tôn sùng như vật quý.

Vậy muốn bàn về "đạo" như một cách sống, một lối sống thì ít nhất bạn phải có can đảm sống theo "đạo" để hiểu giá trị thực của đạo. Và nếu có thể trường tồn, sống sót để thực hiện "đạo" thì không có nhiều vì "đạo" giả sẽ mau chóng sụp đổ.

Đạo có hai mặt phụ biến : Tôn giáo và triết học. Con người xưa suy nghĩ về sự sống của loài người và đi từ lý luận để giải thích các hiện trong đời sống. Khi lý luận không giải thích được hiện tượng thì gán cho thần thánh và trở thành tôn giáo. Triết học là hệ phái của những lý luận, nặng về hình thức hơn là thực tế trong đời sống

Triết học ít nguy hiểm hơn cho con người vì các triết gia thường chỉ đi được một đoạn đường thì tư tưởng tắc nghẽn vì chỉ nhìn thấy một góc cạnh của đời sống và đi đến tranh cãi. Triết học chỉ tốn nước bọt và cơm gạo.

Tôn giáo cũng là một loại triết học đưa vào huyền hoặc. Những gì không giải thích được thì cho là do đấng siêu phàm (thần thánh) và đặt ra giải thưởng (thiên đường, hạnh phúc) lẫn hình phạt (địa ngục) để thuyết phục và dụ dỗ con người. Do đó tôn giáo dễ kích động, lôi cuốn con người vào tranh chấp, bạo động khi đụng chạm đến niềm tin. Và mục đích của tôn giáo thay vì giúp con sống lương thiện đã trở thành dụng cụ cho con người tranh chấp chính trị, rồi cuối cùng đưa đến chiến tranh là phản bội mục đích của Đạo.

Đạo không phải chỉ sống cho mình. Đạo sống cho người khác nữa. Đó là khi Lão Tử bỏ Trung Hoa đi vì biết dân Trung Hoa không hợp với đạo. Con người cần có xã hội. Nếu xã hội không ổn định vì sự tranh chấp giữa con người với con người thì sẽ đi đến chiến tranh, hủy diệt.

Tôn giáo đóng vai trò tích cực trong thời đại con người chưa phát triển khoa học. Khi có khoa học thì vai trò của tôn giáo lu mờ. Nhưng khi khoa học không có triết học mở đường thì khoa học lôi cuốn con người vào lạc lõng, mất nhân cách, vong bản. Như vậy triết học nếu muốn lý luận để mở con đường (đạo) cho loài người thì phải là áp dụng được vào thực tế hàng ngày của con người.

Thời đại 2000s cho thấy khi khoa học tiến bộ vượt bực thì tôn giáo suy thoái. Tranh chấp đưa đến chiến tranh giữa 3 tôn giáo : Hồi, Do Thái và Thiên Chúa giáo. Mà tôn giáo không chấp nhận khoa học thì là mê tín. Con người đã rơi vào mê tín thì mất tự chủ và xã hội không còn nhân chủ, dân chủ.

Vậy thì học Đạo như thế nào ?

Nếu nói là Đạo làm người thì con người phải lương thiện. Có sống lương thiện thì mới thật lòng với nhau để giải quyết những bất đồng, khác biệt. Đó là "Sống Thật".

Con người có thể có hình hài giống nhau nhưng khả năng suy nghĩ khác nhau. Do đó để hiểu biết nhau, đả thông tư tưởng với nhau đòi hỏi phải "Sống biết".

Thế giới loài người có nhiều chủng tộc, sắc tộc, ngôn ngữ, màu da... những khác biệt bên ngoài có thể vượt qua để nhân loại có thể sống chung hòa bình nếu cá nhân biết "Sống đúng".

"Sống thật, sống biết, sống đúng" đó là Đạo làm người. Mặt khác nếu đọc về Nhân Luận thì con người phải có nhân cách, nhân đạo, nhân chủ... Vậy nếu con người lạc lối trong tôn giáo, chính trị... thì đã quá trễ để bàn về Đạo học. Vì kẻ học đạo là kẻ bước chân vào đời (tuổi đôi mươi) tìm đường để học làm người. Nếu "nói với tuổi 20" (Nhất Hạnh), hay tủ sách học làm người của Hoàng Xuân Việt, Nguyễn Hiến Lê... không đủ để dẫn đường thì con đường đi đến Krishnamurti còn rất xa vời. Vì đạo là con đường (tinh thần) nhưng phải thực tâm đi trên con đường đó, theo đuổi và sống vật chất hàng ngày thì mới gọi là "học" đạo vì học và hành phải đi đôi (đối lập thống nhất). Nếu học để bàn suông như triết gia thì cũng chỉ là một loài thú nhai lại. Và nếu không thay đổi được bản thân thì làm sao thay đổi xã hội ? Vì muốn thay đổi xã hội thì phải có "đồng chí" là người cùng phẩm chất, chí hướng thì mới thực hiện cách mạng thay đổi xã hội.

Để có thể tìm và nhận ra người "đồng chí" thì phải "Sống thật, sống biết, sống đúng" tức là sống lương thiện từ ban đầu chứ không phải cuối đời.

Và khi sống như vậy thì chẳng cần Khảo cổ, Nhân chủng học, triết Đông hay triết Tây, màu da hay sắc tộc, tôn giáo hay khoa học vì tất cả chẳng có ý nghĩa gì khi con người mất nhân cách.

Hãy nhìn vào thời đại 2000s khi các tôn giáo trở thành yếu tố để con người giết nhau chứ không phải là thương yêu nhau. Khi các hệ thống chính trị tư bản hay cộng sản đều biến thái để trở thành giống nhau từ phẩm chất đến ngôn ngữ và khoa học kỹ thuật san bằng các dị biệt về thuốc men, thực phẩm, di chuyển, truyền thông nhưng lại tạo khác biệt về giàu nghèo, chung vấn nạn về môi sinh. Nếu gọi là thành công thì tại sao xã hội loài người vẫn còn bị đe dọa bởi xung đột và nghèo đói ? Tại sao con người vẫn sản xuất súng đạn để giết người, vẫn dùng bạo lực để giải quyết các tranh chấp thay vì đối thoại ? Phải chăng sự giáo dục con người đã có sai lầm ? Vì chính trị hay vì tôn giáo ?

Nếu tôn giáo suy tàn thì chính trị sẽ phải thay đổi như thế nào ? Chúng ta đã thấy lạm dụng tình dục xảy ra trong tôn giáo cũng như các hệ thống chính trị. Khi các ông tòa còn vướng mắc các vụ tấn công tình dục, xử án thiên vị, mâu thuẫn thì thần công lý đã mất sự lương thiện.

Sự hiểu biết, sáng suốt của con người đến từ giáo dục, mà khởi điểm và chung điểm của giáo dục là sự quan sát. Nếu bạn không có khả năng quan sát thì khó mà học hỏi. Khi khả năng tự giáo dục của bạn không có mà phải nhờ vào hệ thống "giáo dục" của xã hội thì thật là nguy hiểm vì thầy giáo, cô giáo của ngày nay chỉ là những người làm việc, ăn lương chứ không phải thực sự là một nhà giáo dục đúng nghĩa. Và khi giáo dục con người sai lầm thì chúng ta có các hệ thống xã hội, chính trị sai lầm vì "giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị".

Vậy thì thay đổi giáo dục trước hay thay đổi chính trị trước ?

Cũng như khi bạn chỉ đường (đạo học) cho người khác thì bạn đã đi trên con đường đó chưa ? Hay chỉ là dùng họ như con vật thí nghiệm : Nếu đúng thì tôi theo còn không đúng, có gì xảy ra cho bạn thì tôi sẽ tìm, vẽ ra con đường khác và bàn luận tiếp....

Hãy sống thật với chính mình.

Và đó là căn bản của con người : Tự do đầu tiên và cuối cùng.


Tr
n Công Lân

Tháng 12 năm 2020 (Vit lch 4899)


Tài liệu tham khảo :

- Nhân Luận của Lê Hữu Khóa

- Chủ Nghĩa Duy Dân của Lý Đông A

- Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng của Krishnamurti

- Giáo Dục và Ý Nghĩa Cuộc Sống của Krishnamurti

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Công Lân
Read 770 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)