Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

10/06/2021

Hoa Kỳ vận động đồng minh chống Trung Quốc trên mọi lãnh vực

RFI tổng hợp

Mỹ : Lầu Năm Góc phải "biến lời nói thành hành động" để đối phó với Trung Quốc

Thùy Dương, RFI, 10/06/2021

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm qua 09/06/2021 yêu cầu Lầu Năm Góc thực hiện các ưu tiên đã đề ra để đối phó với Trung Quốc.

vandong1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong cuộc gặp tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại trụ sở bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Arlington, Virginia, Mỹ, ngày 07/06/2021.  Reuters – Evelyn Hockstein

Theo nhận định của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, các hoạt động của Lầu Năm Góc vẫn chưa cho thấy sự gia tăng nỗ lực để đối phó với sức mạnh đang lên của Bắc Kinh, đối thủ chiến lược số một của Washington.

Chiến lược quốc phòng Mỹ công bố hồi năm 2018 đã xác định Trung Quốc là một trong những mối đe dọa chính của Hoa Kỳ và Washington cần chống lại. Nhưng theo kết luận của một nhóm công tác đặc biệt do tổng thống Joe Biden thành lập hồi tháng 02/2021 nhằm đối phó mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh, trong vòng 3 năm qua, Lầu Năm Góc đã không có nhiều hoạt động để thực hiện chiến lược quốc phòng nói trên.

Một quan chức cấp cao của bộ Quốc phòng Mỹ xin ẩn danh cho báo chí biết là nhóm công tác đã nhận thấy có một "khoảng cách giữa lời nói và việc làm" trong các vấn đề liên quan đến "các nguồn lực và quyết định" để đối phó với Trung Quốc. Quan chức này nhấn mạnh chiến lược quốc phòng năm 2018 có tầm quan trọng sống còn với nước Mỹ, nhưng giờ đây vấn đề là phải bảo đảm rằng bộ Quốc phòng đáp ứng mối ưu tiên đề ra về Trung Quốc.

Theo AFP, để đạt mục tiêu nói trên, bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã quyết định đích thân giám sát việc triển khai thực hiện các khuyến cáo của nhóm công tác đặc biệt của tổng thống Biden. Bộ trưởng Lloyd Austin cũng tuyên bố những nỗ lực mới nhằm thay đổi hướng đi của Lầu Năm Góc, vốn dĩ bị coi là một "cỗ máy quan liêu khổng lồ" và "cho phép bộ Quốc phòng Mỹ hồi sinh mạng lưới đồng minh và các quan hệ đối tác của Washington, tăng cường khả năng răn đe, đẩy mạnh sự phát triển các khái niệm tác chiến mới, các khả năng mới trỗi dậy và sự triển khai mới về các lực lượng" của Hoa Kỳ.

Thùy Dương

*********************

Mỹ mài sắc thêm vũ khí trừng phạt Trung Quốc

Trọng Nghĩa, RFI, 09/06/2021

Ngày 03/06/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra một sắc lệnh, sửa đổi lệnh trừng phạt các công ty Trung Quốc mà chính quyền tiền nhiệm Donald Trump đã ban hành, cấm đầu tư vào gần 60 doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan tới quân đội hoặc hoạt động trong lĩnh vực giám sát. Ngoài việc đưa thêm nhiều công ty vào danh sách đen các thực thể bị cấm đầu tư, sắc lệnh mới còn bổ sung một số thiếu sót trong lệnh cũ đã làm cho biện pháp trừng phạt thiếu hiệu quả.

vandong2

Cờ Trung Quốc treo cùng với cờ tập đoàn CNOOC China National Offshore Oil Corp. © Reuters

Trong bài phân tích ngày 08/06/2021, hãng tin Anh Reuters đã nhận xét rằng vũ khí trừng phạt Trung Quốc được chính quyền Biden cải thiện về nguyên tắc có khả năng khiến "nhiều công ty Trung Quốc hơn rơi vào diện bị cấm nhận đầu tư Mỹ".

Nhìn chung, sắc lệnh vừa được tổng thống Biden ban hành sẽ nghiêm cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào 59 tập đoàn và công ty trong các lĩnh vực công nghệ giám sát hoặc quốc phòng của Trung Quốc.

Phạm vi áp dụng trừng phạt rộng hơn so với thời Donald Trump

So với văn bản tương tự do tổng thống tiền nhiệm Donald Trump ký ban hành, lệnh mới của đương kim tổng thống Joe Biden có phạm vi áp dụng rộng hơn và tiêu chí để trừng phạt dễ dàng hơn.

Theo nhận xét của luật sư Kevin Wolf, cựu quan chức bộ Thương mại Mỹ, thì lệnh mới cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty "đang hoạt động hoặc đã hoạt động" trong các lĩnh vực quốc phòng hoặc vật liệu liên quan tới quốc phòng hay công nghệ giám sát, hoặc thuộc sở hữu hay có người nắm quyền có liên hệ với các ngành trên.

Mục đích của lệnh cấm là nhằm hạn chế dòng tiền đổ vào các công ty làm suy yếu an ninh Hoa Kỳ hoặc "các giá trị dân chủ", những hành vi bị xếp vào diện vi phạm nhân quyền.

Những khái niệm được nêu lên trong lệnh cấm mới mang tính chất tổng quát hơn những gì ghi trong lệnh trừng phạt thời ông Trump, vốn chỉ được áp dụng đối với các công ty quân sự Trung Quốc như đã được định nghĩa trong Luật Ủy quyền Quốc phòng, tức là các công ty do Giải Phóng Quân Nhân Dân Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát hoặc "có liên quan với" quân đội, một bộ trong chính phủ hoặc với một cơ sở công nghiệp quốc phòng của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Lệnh đã được sửa đổi đã loại bỏ tiêu chí "liên kết trực tiếp với Nhà nước Trung Quốc", mà sử dụng ngôn từ mơ hồ hơn, nói đến những công ty "hoạt động trong -operate in" lĩnh vực quốc phòng hoặc giám sát.

Sắc lệnh mới có thể giúp tránh được những thất bại khi bị kiện

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, theo các chuyên gia pháp lý được Reuters trích dẫn, là sắc lệnh mới có thể giúp chính quyền tránh được những thất bại đáng xấu hổ trước tòa án khi bị kiện, sau ba vụ công ty ra tòa khiếu nại lệnh cấm của tổng thống Trump, và đã thắng trong hai vụ, còn vụ thứ ba chưa ngã ngũ.

Chuyên gia Bill Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), Washington nhận xét : "Các tòa án (Mỹ) thường tránh bác bỏ các quyết định của tổng thống nhân danh an ninh quốc gia. Việc họ đã phán quyết như vậy cho thấy là phía ông Trump đã thực sự kém cỏi cả trong việc soạn thảo sắc lệnh lẫn trong việc bảo vệ các quyết định đã được đưa ra".

Trong vụ kiện thứ nhất, Xiaomi, tập đoàn sản xuất điện thoại thông minh có trụ sở tại Bắc Kinh, bị mất khoảng 10 tỷ đô la vốn trên thị trường chứng khoán một tháng sau khi bị đưa vào danh sách các công ty bị cấm, là hãng đầu tiên đệ đơn kiện trước tòa để vạch rõ những sai sót trong lệnh của Trump.

Đến Tháng Ba vừa qua, tòa án đã yêu cầu đình chỉ lệnh cấm đối với Xiaomi với lý do là thiếu bằng chứng về việc tập đoàn này có liên kết với Quân Đội hoặc Nhà nước Trung Quốc. Điều đáng nói là tòa án đã gọi việc lập danh sách đen là một hành động "tùy tiện và thất thường".

Bằng chứng mà chính quyền Trump đưa ra để chứng minh "lỗi lầm" của Xiaomi chỉ là giải thưởng được Nhà Nước Trung Quốc trao tặng cho chủ tịch tập đoàn này vào năm 2014, một giải thưởng mà hơn 500 doanh nhân đã nhận được kể từ năm 2004, trong đó có cả lãnh đạo của một công ty sữa bột trẻ em. Chính quyền Mỹ cũng trích dẫn các khoản đầu tư của Xiaomi vào công nghệ 5G và trí tuệ nhân tạo, nhưng thẩm phán lưu ý rằng hai lãnh vực này đang trở thành tiêu chuẩn chung cho các sản phẩm tiêu dùng, chứ không chỉ riêng cho các thiết bị quân sự.

Thẩm phán cũng lưu ý những sai sót trong bản ghi nhớ quyết định của chính phủ, bao gồm các trích dẫn không chính xác quy chế được đề cập đến, và cho rằng chính quyền không đáp ứng thỏa đáng định nghĩa "có liên hệ với", cụ thể là "do một người khác kiểm soát trong thực tế hoặc liên kết với những người khác để cùng sở hữu hoặc kiểm soát".

Những công ty thoát nạn và những tập đoàn nổi bật bị trừng phạt

Do vậy, tháng Năm vừa qua, chính quyền Biden đã đồng ý rút tên Xiaomi ra khỏi danh sách.

Cũng giành được thắng lợi tương tự là công ty công nghệ bản đồ Luokung Technology Corp. Cả Xiaomi, Luokung và công ty bán dẫn Gowin Semiconductor, công ty thứ ba kiện lệnh cấm của chính quyền Trump, đều không nằm trong danh sách đen được sửa đổi của chính quyền Trump.

Dẫu sao thì danh sách 59 doanh nghiệp Trung Quốc bị cấm nhận đầu tư Mỹ vẫn bao gồm một loạt các đại tập đoàn, trong đó có nhiều thực thể nằm trong cả hai danh sách đen, cả thời Donald Trump lẫn thời Joe Biden.

Nổi bật trong danh sách là tập đoàn dầu hỏa ngoài khơi CNOOC, rất được người Việt Nam biết đến trong vai trò chủ nhân giàn khoan HD-981, tập đoàn công nghệ kỹ thuật số chuyên về camera giám sát Hikvision, tập đoàn điện thoại thông minh Hoa Vi và nhà sản xuất thiết bị bán dẫn SMIC.

Đối với luật sư Wendy Wysong hoạt động tại Hồng Kông, người đã từng cân nhắc việc kiện danh sách đen thời Donald Trump, thì bản danh sách của chính quyền Biden dường như có cơ sở vững chắc hơn.

Luật sư này giải thích : "Kiện các lệnh trừng phạt mới của Mỹ giờ đây sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì lẽ lập luận không còn yếu như trước, trong lúc các tiêu chí không còn được định nghĩa một cách hạn hẹp nữa".

Chuyên gia Reinsch của CSIS thì dự đoán rằng nhiều công ty khác của Trung Quốc có thể bị liệt vào diện cấm nhận đầu tư Mỹ trong khuôn khổ lệnh trừng phạt của tổng thống Biden. Vấn đề chỉ là liệu Washington có muốn quyết liệt hơn với Bắc Kinh hay không.

Khả năng Mỹ trừng phạt Trung Quốc mạnh mẽ hơn hoàn toàn có thể xẩy ra trong bối cảnh mới đây Bắc Kinh chuẩn bị thông qua một bộ luật nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây, đặc biệt là các biện pháp từ phía Mỹ. Đang được thảo luận tại Quốc Hội Trung Quốc, dự luật này, theo Tân Hoa Xã sẽ được thông qua vào năm tới.

Trọng Nghĩa

*********************

Mỹ và Châu Âu tìm cách lập ''Liên minh công nghệ số'' để đối phó với Bắc Kinh

Trọng Thành, RFI, 10/06/2021

Trung tuần tháng 6/2021, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden công du Châu Âu, chuyến công du quốc tế đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Trái ngược với chủ trương "Nước Mỹ trên hết", của người tiền nhiệm Donald Trump, tổng thống thứ 46 của nước Mỹ chủ trương siết chặt hợp tác với đồng minh truyền thống bên kia Đại Tây Dương, với mục tiêu chống lại ảnh hưởng gia tăng của mô hình độc tài toàn trị Trung Quốc.

vandong3

Cờ Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu.  AP - Jacquelyn Martin

"Liên minh công nghệ số" giữa Liên Âu (EU) và Mỹ được coi là một lĩnh vực mà Washington và Bruxelles muốn thúc đẩy, như một cột trụ của kế hoạch siết chặt hợp tác. Gần nửa năm sau khi ông Biden lên nắm quyền, dự án xây dựng Liên minh công nghệ số Âu – Mỹ đang trong tình trạng nào, và đâu là những thách thức chính ? RFI tổng hợp một số thông tin báo chí Âu – Mỹ, và giới thiệu dưới dạng hỏi đáp.

***

1. Dự án lập liên minh công nghệ số Âu – Mỹ hiện đang trong tình trạng nào ?

Dự án lập liên minh Âu – Mỹ trong lĩnh vực công nghệ số là một đề xuất từ phía Liên Âu, được Ủy Ban Châu Âu công bố hồi đầu tháng 12/2020, chỉ ít tuần sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Dự án đặt hy vọng vào việc "các giá trị chung" mà Hoa Kỳ và Liên Âu cùng chia sẻ (quyền cá nhân, các nguyên tắc dân chủ, phẩm giá con người) khiến Mỹ và EU "có thể cùng nhau khai thác được các cách tân công nghệ nhanh chóng và hóa giải được các thách thức đặt ra từ các hệ thống điều hành kỹ thuật số mang tính đối địch (ngụ ý đến hệ thống kiểm soát kỹ thuật số theo mô hình Trung Quốc)". Dự án của Ủy Ban Châu Âu nhấn mạnh là hai bên có "một cơ hội chưa từng có để xác lập một chương trình hợp tác công nghệ chung".

Ủy Ban Châu Âu đề xuất thành lập một Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU – Hoa Kỳ (EU-U.S. Trade and Technology Council, gọi tắt là TTC), được đưa ra trong chương trình "New EU-US Agenda for Global Change ", công bố đầu tháng 12/2020. Đây có thể coi là bước khởi đầu giúp cho việc đặt các nền móng hợp tác. Dự án liên minh công nghệ số, bao gồm nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, an ninh mạng, nằm trong hướng hợp tác chung này.

Vào thời điểm đó, politico.com, trang mạng chuyên về chính sách của chính quyền Mỹ, ghi nhận việc thiết lập các hợp tác xuyên Đại Tây Dương sẽ gặp nhiều trở ngại. Về phía Hoa Kỳ, một số giới chức cao cấp cảnh báo là tân chính quyền Biden chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì các chính sách với Liên Âu như thời Donald Trump, đặc biệt là sẽ làm mọi cách để chống lại các nỗ lực có thể khiến "các khoản thu" của chính quyền Mỹ, từ các tập đoàn đa quốc gia công nghệ số của Hoa Kỳ bị sụt giảm. Đề xuất của Liên Âu đã không nhận được hồi đáp của chính quyền Trump, vào giai đoạn ít tuần trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Đã nửa năm trôi qua từ đó. Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền từ hơn 5 tháng nay, có chủ trương ưu tiên tái lập quan hệ với các đồng minh, cùng chia sẻ các giá trị dân chủ, đặc biệt là các đồng minh Châu Âu, vốn đã bị rạn nứt nghiêm trọng trong thời kỳ ông Trump cầm quyền. Đầu tháng 5/2021, tổng thống Biden và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Layen đã có cuộc điện đàm, với dự án liên minh công nghệ là chủ đề trọng tâm, theo trang mạng Science Business, chuyên về lĩnh vực chính sách công nghệ, công nghiệp Châu Âu.

Trung tuần tháng 6/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du quốc tế đầu tiên, và Châu Âu được chọn làm đích đến. Bài "US and Europe to forge tech alliance amid China’s " của mạng Politico hôm 09/06, dẫn hai nguồn tin là giới chức cao cấp của Liên Âu, cho biết, trong khuôn khổ chuyến công du của nguyên thủ Mỹ, Liên Âu và Hoa Kỳ sẽ công bố một dự án hợp tác quy mô lớn về công nghệ và thương mại, nhằm "đẩy lùi Trung Quốc và cổ vũ cho các giá trị dân chủ". Các chi tiết của dự án sẽ được tổng thống Mỹ và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu công bố tại Bruxelles ngày 15/06.

2. Liên minh công nghệ số nhằm đối phó với Trung Quốc này có những mục tiêu chính nào ?

Xác lập "các tiêu chuẩn chung" trong lĩnh vực công nghệ số, thương mại kỹ thuật số là mục tiêu hàng đầu của dự án hợp tác Âu – Mỹ này. Mạng Politico dẫn lời phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu phụ trách kỹ thuật số, bà Margreth Vestager, hồi tuần trước, nhấn mạnh : "Mục tiêu chắc chắn là gây áp lực để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu thực sự, các tiêu chuẩn dựa trên việc tôn trọng đời sống riêng tư, bảo vệ phẩm giá con người …". Đầu tuần này, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông Jake Sullivan, giải thích rõ : tổng thống Biden và các lãnh đạo Liên Âu "sẽ tập trung vào việc phối hợp các tiếp cận về thương mại và công nghệ với mục tiêu để cho các nền dân chủ, chứ không phải là các thế lực nào khác, không phải Trung Quốc hay các chế độ độc tài nào khác, ấn định được các quy tắc thương mại và công nghệ của thế kỷ 21".

Washington và Bruxelles dự kiến tập trung vào ba lĩnh vực căn bản, vẫn theo thông tin từ hai giới chức cao cấp Châu Âu xin ẩn danh. Đó là quy tắc kinh doanh, chíp điện tử, và đầu tư nghiên cứu.

Lĩnh vực khẩn cấp đầu tiên là, thông qua việc hợp tác xuyên Đại Tây Dương về các tiêu chuẩn thương mại và công nghệ quốc tế, chống lại ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc, cũng như hợp tác để giải quyết các thách thức liên quan đến "chuỗi cung ứng toàn cầu", trở nên gay gắt hơn nhiều với đại dịch Covid, đặc biệt trong lĩnh vực linh kiện bán dẫn hay chíp điện tử, vật liệu căn bản của kỷ nguyên công nghệ số. Theo bản dự thảo thượng đỉnh Âu – Mỹ, mà Politico có được, Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU – Hoa Kỳ (TCC) sẽ được giao phó phụ trách việc thiết lập các chính sách nhằm hướng đến việc "tái cân bằng các chuỗi cung ứng toàn cầu về linh kiện bán dẫn", nhằm bảo đảm để Liên Âu và Hoa Kỳ có đủ nguồn lực sản xuất linh kiện bán dẫn "tiên tiến nhất" và "tiết kiệm nguyên liệu nhất".

Lĩnh vực hợp tác căn bản thứ hai là các "giá trị dân chủ" trong lĩnh vực kỹ thuật số. Cụ thể là, hợp tác để ấn định các luật về thị trường kỹ thuật số, tạo điều kiện cho sự phát triển "các thị trường mở, công bằng", "đẩy lùi áp lực của các chế độ độc tài" trong lĩnh vực internet. "Chống độc quyền" trong lĩnh vực kỹ thuật số là một định hướng căn bản trong lĩnh vực này. Đây là một nội dung mà khối G7 sẽ phải làm rõ trong những tháng tới.

Lĩnh vực hợp tác thứ ba là tạo điều kiện cho các cách tân công nghệ và đầu tư tại Liên Âu và Hoa Kỳ. Hoa Kỳ và Liên Âu có thể lập "các công ty liên doanh đặc biệt" thúc đẩy các nghiên cứu - phát triển liên quan đến các công nghệ mũi nhọn, như tin học lượng tử.

3. Đâu là các thách thức, trở ngại chính cần vượt qua ?

Dự án liên minh công nghệ số Âu – Mỹ phải đối mặt với rất nhiều trở lực. Chủ trương đổi mới quan hệ Âu – Mỹ, tái lập hợp tác tuy được lãnh đạo hai phía ủng hộ nhiệt liệt, trên thực tế hoàn toàn không phải là việc "ngon ăn" (một "slam dunk" hay "cú úp rổ", thuật ngữ trong môn bóng rổ để chỉ cú ghi bàn chắc ăn 100%), theo như ghi nhận của Politico trong bài "US and Europe to forge tech alliance amid China’s".

Trên Le Grand Continent, trang mạng Châu Âu chuyên về địa chiến lược, chuyên gia về chính sách công nghiệp, công nghệ, ông Andre Loesekrug-Pietri , tỏ ra hết sức dè dặt trước triển vọng hợp tác Âu – Mỹ, theo đề xuất của Ủy Ban Châu Âu, với sáng kiến Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU – Hoa Kỳ (TCC). Theo tác giả, để có được một hợp tác giữa các "đối tác" (chứ chưa ở mức "đồng minh") trong lĩnh vực này, Liên Âu cần phải xác lập được một "chính sách công nghệ" đủ khả năng cân bằng với Hoa Kỳ trong tương quan lực lượng, bởi "nếu tương quan lực lượng quá bất lợi, thì các điểm đồng thuận về lý thuyết có thể tìm thấy với Washington (ví dụ như trong việc xác định các tiêu chuẩn về những công nghệ mới như trong lĩnh vực "trí tuệ nhân tạo" hay công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin Blockchain), trên thực tế, sẽ trở thành các lĩnh vực có lợi nhiều hơn cho các tác nhân Hoa Kỳ".

Chuyên gia Andre Loesekrug-Pietri cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc, để cho hợp tác xuyên Đại Tây Dương không trở thành một mối nguy từ bên trong đối với Liên Âu, Hoa Kỳ cần phải từ bỏ việc cho phép cơ quan An ninh Quốc gia NSA đặt "các cửa hậu" trong các phần mềm tin học Mỹ, cũng như cần tách bạch nghiêm ngặt hai lĩnh vực, một là hoạt động của các nhà mạng cung cấp dịch vụ internet, kỹ thuật số và và hai là các cơ sở hạ tầng Internet của chính quyền Mỹ (như cáp ngầm dưới biển…).

Trong khi đó, đối với nhiều chính trị gia Liên Âu, lĩnh vực liên minh công nghệ số là "quan trọng", nhưng chưa hẳn đã là điều ưu tiên hàng đầu với Liên Âu hiện nay. Theo Science Business, "khôi phục những cây cầu hợp tác" (vốn đã bị hủy hoại nhiều dưới thời Donald Trump, với nhiều quyết định đơn phương), cho phép thúc đẩy các hợp tác kinh tế, công nghệ, thương mại, xuyên Đại Tây Dương nói chung mới là thách thức khẩn cấp hiện nay. Một nhà ngoại giao xin ẩn danh cho Politico biết "các thương lượng về thuế là điều quan trọng nhất".

Các bất đồng trong nội bộ Liên Âu về chiến lược quan hệ với Trung Quốc cũng là một thách thức, một ẩn số khác với dự án liên minh công nghệ số Âu – Mỹ. Một số lãnh đạo Châu Âu, như thủ tướng Đức Angela Merkel, ít có xu hướng hy sinh quan hệ kinh tế quan trọng với Trung Quốc, để dấn mình với thế đối đầu quyết liệt với Bắc Kinh.

Dù sao, nhìn chung, việc Liên Âu và Hoa Kỳ chậm trễ trong việc thúc đẩy các hợp tác về công nghệ số rõ ràng là để ngỏ sân chơi cho đà lấn tới của Trung Quốc, như cảnh báo của bà Luisa Santos, phó tổng giám đốc Business Europe (Hiệp hội của giới chủ Châu Âu), trên mạng Science Business. "Hợp tác được là điều tốt !", theo lãnh đạo Business Europe. Hồi tháng Giêng 2021, Hiệp hội của giới chủ Châu Âu và Phòng Thương mại Mỹ đã ra tuyên bố chung, ủng hộ sáng kiến thiết lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU – Hoa Kỳ (TCC).

Trọng Thành

**********************

Thượng Viện Mỹ thông qua kế hoạch hơn 170 tỷ đầu tư cho công nghệ để đối phó với Trung Quốc

Anh Vũ, RFI, 09/06/2021

Thượng Viện Hoa Kỳ, ngày 08/06/2021, đã thông qua một kế hoạch đầu tư hơn 170 tỷ đô la, để khuyên khích các công ty sản xuất tại Mỹ và đối phó với Trung Quốc trên lĩnh vực công nghệ. Bắc Kinh tố cáo Washington thổi phồng cái gọi là mối "đe dọa Trung Quốc".

vandong4

Lãnh đạo phe thiểu số Cộng hòa tại Thượng Viện Mỹ, Mitch McConnell, phát biểu với giới truyền thông, tại trụ sở Quốc Hội, Đồi Capitol, Washington, Mỹ, ngày 08/06/2021.  Reuters – Evelyn Hockstein

Trong một phiên họp đặc biệt giữa đảng Dân Chủ và Cộng Hòa hôm qua, Thượng Viện Mỹ đã thông qua dự luật dự trù các khoản đầu tư lớn trong lĩnh vực khoa học công nghệ để ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc.

Theo AFP, văn kiện luật được đánh giá mang tính "lịch sử" này được thông qua với 68 phiếu thuận và 32 phiếu chống, sẽ còn phải được đưa qua Hạ Viện phê chuẩn vòng cuối cùng trước khi tổng thống ký ban hành. Tuy nhiên lịch trình công việc này tại Hạ Viện vẫn chưa được ấn định.

Ngay sau khi Thượng Viện Mỹ thông qua dự luật trên, Ủy ban Đối ngoại Quốc Hội Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Washington thổi phồng "mối đe doa Trung Quốc" thể hiện tâm lý "hoang tưởng" của Mỹ với Trung Quốc.

Kế hoạch đầu tư được Thượng Viện vừa thông qua dành hơn 170 tỷ đô la cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất tại Hoa Kỳ các chi tiết bán dẫn, hiện chủ yếu được sản xuất tại Châu Á. Tình trạng khan hiếm vật liệu bán dẫn khắp thế giới đang tác động đến các ngành sản xuất trọng yếu, từ xe hơi đến viễn thông. Chế tạo bán dẫn trở thành một thách thức chiến lược với nhiều nước trên thế giới.

Cụ thể kế hoạch đầu tư dự trù 52 tỷ trong 5 năm để khuyến khích sản xuất bán dẫn trên đất Mỹ. 120 tỷ đô la dành cho nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ bản lề như trí tuệ nhân tạo, phát triển mạng 5 G, những lĩnh vực cạnh tranh căng thẳng nhất giữa Mỹ và Trung Quốc.

 Tổng thống Joe Biden đã khen ngợi việc thông qua dự luật. Ông tuyên bố "Vào lúc các nước khác tiếp tục đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển cho riêng mình. Chúng ta không chậm trễ. Nước Mỹ phải giữ vị thế của quốc gia cải tiến và sản xuất mạnh nhất thế giới".

Bảo vệ nền kinh tế Mỹ, đặc biệt trước sự bành trướng của Trung Quốc là chủ đề hiếm hoi có được đồng thuận giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tại Quốc Hội Mỹ. Lãnh đạo phe Dân Chủ tại Thượng Viện Chuck Schumer đánh giá dự luật này "mở đường đầu tư rộng rãi nhất trong khoa học và công nghệ từ nhiều thế hệ qua".

Còn lãnh đạo phe Cộng Hòa tại Thượng Viện Mitch McConnell nhất mạnh : "Từ các dây chuyền cung ứng thiết yếu đến sở hữu trí tuệ qua đến chống gián điệp, dự luật tấn công vào vấn đề chủ chốt để giúp chúng ta xác định cơ sở chiến lược cho nhiều thập kỷ". Các nghị sĩ Mỹ nhất trí cho rằng dự luật này mang lại cho Hoa Kỳ khả năng đáp trả mạnh mẽ cuộc cạnh tranh không trung thực từ chế độ Cộng Sản Trung Quốc.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương, Trọng Thành, Trọng Nghĩa, Anh Vũ
Read 605 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)