Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

16/09/2022

Tại sao văn hóa Việt Nam ngày càng bệ rạc ?

Nguyễn Ngọc Già

Phần 1

Có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau về văn hóa, cả nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp. Tuy nhiên, hầu hết các định nghĩa đều thống nhất rằng : Văn hóa là sản phẩm của con người trong suốt quá trình sống, lao động, ứng phó với thiên nhiên, với con người lẫn nhau. Kể cả từ tranh chấp trong đời sống loài người và chiến tranh, văn hóa cũng được sinh ra từ đó.

vanhoa0

Văn hóa luôn biến động và biến đổi theo sinh hoạt

Sơ lược về thuộc tính văn hóa

Văn hóa không chỉ là cái đẹp mà văn hóa là những gì phù hợp với đời sống loài người. Do vậy, văn hóa có hai thuộc tính căn bản như sau :

1. Tính vận động.

2. Tính tác động lẫn nhau và tác động đa chiều của các loại hình văn hóa, cũng như nguồn gốc văn hóa giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả văn hóa bản địa nơi mà con người được sinh ra và lớn lên.

Trên đây là hai tính chất quan trọng nhứt, theo Triết học. Nói cách khác, văn hóa luôn biến động và biến đổi theo sinh hoạt, kể từ khi loài người xuất hiện trên Trái Đất. Kể từ thuở hồng hoang, lúc con người còn ở thời kỳ "ăn lông ở lỗ", văn hóa theo đó đã dần xuất hiện, dù lúc đó loài người chưa biết gọi tên.

Biết tạo ra lửa và dùng trong nhiều loại hình sinh hoạt đời sống, kể cả bảo vệ bản thân trước thú dữ, đó là biểu hiện đầu tiên của văn hóa, từ cách đây khoảng 500.000 năm trước công nguyên, xuất phát từ thực tế trong cuộc sống khi con người quan sát và nhận biết qua hiện tượng sấm sét. Các loài động vật khác không có khả năng này.

Tiếng nói và chữ viết - đặc tính phong phú nhất của văn hóa - cũng do loài người phát minh ra. Rồi từ đó, con người gọt giũa, sáng tạo, trao dồi và trao đổi (tức là sinh ngữ) qua các sinh hoạt trong đời sống. Văn hóa sinh ra giáo dục.

Tín ngưỡng nói chung và tôn giáo nói riêng là một phần của văn hóa. Phạm trù này cũng xuất phát từ đời sống hàng ngày. Con người thuở xưa cần một niềm tin đi liền với sự chở che, bảo bọc từ siêu nhiên ; cần sự an ủi, ân cần chia sẻ, giúp đỡ khi đối diện trước những đau khổ trong đời sống, trong những lúc tuyệt vọng nhất mà ngay chính con người cũng không thể là điểm tựa cho nhau.

Theo dòng tiến hóa, loài người đã tạo ra văn hóa để phục vụ cho chính mình. Loài người còn tồn tại là các loại hình văn hóa còn hiện diện hay mai một theo sự tiến hóa nhân loại.

Văn hóa là sản phẩm riêng có của loài người.

Văn hóa Việt Nam theo chiều hướng thời cuộc

Việt Nam, ít nhứt 2000 năm qua, nhiều loại hình văn hóa đã được nhiều thế hệ kế thừa và phát triển hoặc mai một (tức là thuộc tính vận động) cũng như tiếp nhận văn hóa bên ngoài qua sự giao thương nội địa - ngoại quốc, cũng như sự xâm lược hay bị xâm lược (tức là thuộc tính tác động lẫn nhau và tác động đa chiều). Có thể đưa vài ví dụ dễ thấy, để minh họa cho lý luận này :

- Chiếc áo dài Việt Nam, qua nhiều thế hệ đã tạo ra nét riêng biệt cho Việt Nam. Dĩ nhiên, do những tác động đa chiều và tác động lẫn nhau giữa các sự vật - hiện tượng, làm cho chiếc áo dài, có lúc bị cách tân tới mức xã hội Việt Nam không chấp nhận và nó bị đào thải theo đúng quy luật Triết học đã chỉ ra. Tà áo dài Việt Nam đã vươn ra thế giới, để được UNESCO công nhận là Văn Hóa Phi Vật Thể.

- Âm nhạc Việt Nam, vốn được biết là ngũ cung, được tiếp nhận thêm âm nhạc phương Tây (thất cung), do giao thương kinh tế và giao thoa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Sau này, âm nhạc thất cung theo chân người Pháp, đã được biết đến rõ ràng hơn tại Việt Nam, từ những cuộc xâm lăng, khởi đầu tại Đà Nẵng, vào tháng Tám năm 1858, cách đây hơn 160 năm.

Trong hành trình vận động liên tục và tác động mãnh liệt của các sự vật - hiện tượng, văn hóa Việt Nam cũng theo đó biến động và biến đổi theo.

Văn hóa mang tính đa nguyên. Điều này đối lập hoàn toàn tính đơn nguyên trong xã hội độc đảng toàn trị tại Việt Nam, vốn chiếm hữu hơn 76 năm qua tại miền Bắc và hơn 46 năm qua, trên toàn cõi Việt Nam. Nói cách khác, tính đơn nguyên làm nghèo văn hóa, nếu như không muốn nói, tính đơn nguyên làm cho văn hóa trở nên đơn điệu, lạt lẽo, nhàm chán và dễ đi đến diệt vong đối với nhiều loại hình văn hóa. Văn hóa là biểu hiện cao nhứt về TÍNH NGƯỜI với đặc trưng nổi trội : Tự Do Tư Tưởng.

Văn hóa mang trong mình tính mai một hay sự kế thừa, ví dụ như văn hóa tảo hôn đã mai một hay văn hóa ăn trầu, nhuộm răng đen, v.v. cũng vậy. Về tính kế thừa, ngoài tà áo dài, dễ nhận thấy, văn hóa ẩm thực Việt Nam ngày càng phong phú các món ăn truyền thống và nhiều loại hình văn hóa khác cũng như tiếp nhận nhiều món ăn, thức uống trên thế giới rất đa dạng.

Văn hóa còn mang tính đại diện của quốc gia, dân tộc và cộng đồng một nhóm người. Văn hóa còn có nhiệm vụ truyền bá những cái riêng, nét độc đáo của dân tộc - quốc gia này đến với dân tộc - quốc gia khác. Không chỉ vậy, văn hóa còn mang cả tính trách nhiệm, không chỉ đối với thế hệ mai sau mà còn đối với thế giới.

Văn hóa chi phối trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, giáo dục, ngoại giao Vì vậy văn hóa mang tầm quan trọng rất lớn lao. Văn hóa tạo nên nhân phẩm và nhân cách cho dân tộc. Chính văn hóa sẽ làm cho thế giới hiểu rõ bản chất của từng dân tộc, từng quốc gia...

Ngày 22/11/2021, báo VnExpress cho biết : Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, nêu quan điểm "Xã hội đang thiếu giá trị văn hóa chuẩn mực để soi chiếu". Phát ngôn của ông Sơn có thật vậy không ?...

***************************

Phần 2

Như trong Phần 1 đã trình bày, văn hóa có những đặc điểm :

- Tính vận động

- Tính tác động lẫn nhau và tác động đa chiều

- Tính đa nguyên

- Tính kế thừa hoặc mai một

- Tính chính trị

- Tính chi phối

- Tính đại diện

- Tính trách nhiệm.

vanhoa2

Một trường phái lớn, nhận được nhiều đồng thuận trên thế giới. Trường phái đó cho rằng, văn hóa là tất cả những cái đẹp của nhân loại. Trong quá trình vận động và tác động của xã hội loài người, những cái đẹp này được tạo ra, sử dụng rồi truyền bá, trao đổi giữa các quốc gia, cũng như giữa các dân tộc để học hỏi và chuyển giao cho nhau những điều tốt đẹp ấy, nhằm để nhân loại ngày càng cảm thông và dễ dàng chung sống với nhau trong hòa bình và nhân ái.

Chính sự cảm thông về văn hóa lẫn nhau giữa các dân tộc, từ đó tác động lên nền chính trị mọi quốc gia, rồi chính trị sẽ được cải sửa, sao cho thích nghi dần, theo xu hướng ngày càng văn minh.

Tuy nhiên, ở trường phái khác, văn hóa - nói chính xác hơn - là sản phẩm của loài người, do loài người tạo ra và phục vụ cho loài người, do đó văn hóa không chỉ là những cái đẹp cần kế thừa, truyền bá, học hỏi, chuyển giao lẫn nhau mà trên hết, văn hóa là những gì phù hợp với xã hội cụ thể, trong những quốc gia cụ thể. Điều này lý giải tại sao có những nền văn hóa, những nét văn hóa đã mai một dần trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Luận điểm này cũng nhằm giải thích thêm, có những loại hình văn hóa phù hợp với quốc gia này, dân tộc này nhưng không chắc được quốc gia khác, dân tộc khác chấp nhận.

Ngay tại Việt Nam, người ta dễ thấy những nét văn hóa ngày càng mất dần trong đời sống hiện tại, như : tảo hôn, thách cưới, môn đăng hộ đối về văn hóa kết hôn hoặc chèo cổ, hát bội về văn hóa âm nhạc hoặc cải lương cũng dần dần thu hẹp phạm vi hoạt động và tính kế thừa cũng dần dần mờ nhạt, giống như kinh kịch của Trung Hoa. Còn nhiều nét văn hóa cũng mai một dần, mặc dù không thể nói nó không đẹp, như : đi thưa về trình đối với thanh thiếu niên Việt ngày nay, ra đường gặp đám tang cần ngã mũ chào v.v.

Trong khi đó, có những nét văn hóa không ai có thể chấp nhận nhưng nó vẫn đang thể hiện dày đặc và sinh sôi rộng khắp tại Việt Nam, trong những năm gần đây. Đó là văn hóa ngoa ngôn (nói láo) và lộng ngôn (nói quá sự thật, tức là phóng đại, cường điệu sự vật - hiện tượng). Tại sao nét văn hóa này, dù rất xấu và nguy hại vô song trong đời sống mà nó ngày càng phát triển, theo chiều hướng thật sự đáng lo ngại ở mức cao nhứt, về nhân cách và nhân phẩm cho người Việt và đặc biệt đối với lớp trẻ Việt Nam ? Bởi đơn giản, văn hóa là những gì phù hợp với xã hội cụ thể. Khi xã hội đó vẫn cần sự có mặt của nó thì nó không có lý do gì để mai một. Điều này sẽ khiến cho vô số người phải giựt nảy mình, khi soi chiếu lại hiện trạng văn hóa ngoa ngôn và lộng ngôn đang ngập tràn và lênh láng trong xã hội Việt Nam đương đại. Đó cũng chính là quốc đề gai góc, bắt buộc những nhà xã hội học, tâm lý học, chính trị học phải đau đầu suy nghĩ và dám nhìn thẳng vào sự thật, khi gắn kết văn hóa ngoa ngôn và lộng ngôn với tính chính trị trong xã hội Việt Nam ngày nay.

Tại Việt Nam, văn hóa ngoa ngôn và lộng ngôn, ngày càng phát triển rộng về mặt địa lý và thấm rất sâu trên mọi lĩnh vực, với tốc độ nhanh dần - đều đặn, trong mọi ngành nghề, đang hiện diện tại Việt Nam. Để chứng minh điều này, cần nhắc về thuộc tính đại diện của văn hóa, với hai loại hình chiếm ngự lớn và chi phối rộng trong đời sống người Việt : Thể Thao (bóng đá - môn được coi là "vua") và Âm Nhạc (vốn là nhu cầu tối thiểu nhứt nhưng cũng cao nhứt cho con người với đặc tính giải trí).

Trận bóng đá Việt Nam - Mã Lai Á mới nhứt với kết quả Việt Nam thắng đậm 3 - 0, đi kèm những lời bình luận viên trên sóng tivi, lộng ngôn tới mức, khiến ngay những người rất yêu thích bộ môn "thể thao vua" cũng cảm thấy khó chịu. Còn về những thể hiện trong đám đông cuồng nhiệt sau trận thắng, người ta sửng sốt về sự ngây ngất chiến thắng đội nhà, từ lớp trẻ với ngôn từ thô tục, bỉ ổi mà nó dường như đang trở thành bình thường, trên cửa miệng thanh niên ngày nay. Khi sự bình thường lên ngôi trong trường hợp như thế này, tất sự bất thường về nhân cách và nhân phẩm con người Việt Nam đã hiển hiện và chiếm ngự gần như là vị trí trung tâm với "tư cách" không thể thiếu được, để bày tỏ sự tự mãn hão huyền núp dưới danh nghĩa "tự hào dân tộc". Tại đây, người ta thấy tính chính trị chi phối dữ dội nhưng thoạt nhìn qua bề ngoài, không mấy ai chịu nhìn nhận.

Tính chính trị chi phối văn hóa bóng đá và văn hóa xem bóng đá, không chỉ dừng lại ở những lời lẽ thô tục, bỉ ổi như vậy mà âm hộ phụ nữ đã được nhắc tới, kể cả trong trường hợp thắng hay thua. Âm hộ phụ nữ bỗng trở thành nơi tốt đẹp nhứt để ngợi ca, khi người hâm mộ bóng đá tạo một biểu tượng với hình dáng đó và gọi là "thần" ; cũng từ cái tốt đẹp nhứt, bỗng biểu trưng hoàn hảo đó lọt tõm xuống tận đáy vực văn hóa bằng con chữ "vãi L...". Nó xuất hiện rộng khắp, để cười cợt đội Mã Lai Á thua trận. Làm sao có thể hiểu được, sự cười cợt bên bại trận như vậy là văn hóa, nếu không chấp nhận văn hóa là những gì phù hợp với xã hội Việt Nam ngày nay (?). Thật khó chối cãi luận điểm - "nét văn hóa" này vẫn phù hợp với đời sống xã hội Việt Nam.

Trở lại tính đại diện của văn hóa ở lãnh vực Âm Nhạc, cô hoa hậu Việt Nam - Đỗ Thị Hà dự thi Hoa hậu Thế giới 2021. Trong phần dự thi tài năng, cô Hà dùng đàn T'rưng diễn tấu bản nhạc "Cô Gái Vót Chông", vốn được nhạc sĩ Hoàng Hiệp sáng tác từ những năm thuộc thập niên 60' thế kỷ trước, với ca từ gây rợn tóc gáy về cuộc chiến quá vãng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cùng chiến thắng được cho là "vẻ vang", khi "xiên thây quân cướp nước" được hiểu rõ là quân nhân Hoa Kỳ. Dư luận chê cười cách cô hoa hậu Đỗ Thị Hà mang "văn hóa Việt Nam" ra trình diễn, trong bối cảnh người Mỹ viện trợ hơn 24 triệu liều dung dịch gọi là giúp người Việt Nam chủng ngừa cho cúm Tàu đang hoành hành dữ dội. Người ta cũng hiểu rõ, không phải tự nhiên cô Hà có quyền chơi bản nhạc cũ, vừa sắt máu vừa dã man như vậy, nếu như Bộ Văn Hóa - Thể Thao - Du Lịch không cho phép. Do đó, một lần nữa, cần khẳng định, văn hóa không bao giờ mang tính độc lập, như nhiều người nghĩ. Tính chính trị đã chi phối văn hóa. Hiện tượng cô hoa hậu chơi bản nhạc sắt máu cũng không thoát khỏi phạm vi văn hóa ngoa ngôn và lộng ngôn vốn thấm sâu trong người Việt, hàng chục năm qua.

Yêu thương - quý mến hay hận thù - ghét bỏ chỉ là vỏ bọc văn hóa núp dưới một thể chế chính trị đơn nguyên độc đảng tại Việt Nam hiện nay, mà người đời thường gọi "kẻ sống hai mặt". Điều này không thể nào thể hiện rõ hơn, với chính sách "đu dây" trong lãnh vực ngoại giao - quốc phòng của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

************************

Phần 3

Như Phần 1 và Phần 2 đã trình bày - những thuộc tính quan trọng của văn hóa - dường như chưa bao giờ được Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Bộ Thông tin và truyền thông và những cơ quan chịu trách nhiệm, cần nghiêm túc nghiên cứu và soi xét thấu đáo, để có thể cải sửa hành vi mang tính lây lan - tính tiêm nhiễm - tính liên tục trong quảng đại quần chúng, để làm sao nhân cách - phẩm giá người Việt Nam đỡ dần trong cái nhìn rẻ rúng của thế giới.

vanhoa3

Hàng ngàn người đổ về chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương để cầu nguyện cho gia đình bình an

Bảng xếp hạng passport mới nhứt [1] năm 2021, Việt Nam đã rớt xuống hạng 95 (chỉ đến được 53 quốc gia mà không cần xin thị thực nhập cảnh) so với năm 2020 ở hạng 88. Năm 2021, Nhật Bản và Singapore giữ vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng và được đánh giá là hộ chiếu quyền lực nhất thế giới, khi công dân của hai đất nước này có thể thoải mái đi đến 192 quốc gia khác mà không cần phải xin thị thực nhập cảnh.

Passport là một nét văn hóa điển hình để chứng tỏ phẩm giá & nhân cách của người dân xứ đó. Cầm cuốn hộ chiếu trên tay, tức là "nắm văn hóa" quê hương mình để "trình diện" trước bạn bè năm châu bốn biển. Hầu hết các quốc gia trên thế giới, người ta khá "sợ hãi" với những hộ chiếu mang quốc tịch Việt Nam. Điều đó có đủ căn cứ, bởi hành vi ứng xử của người Việt Nam, ngày càng bệ rạc và thậm chí, nói không ngoa, cái gọi là "văn hóa Việt Nam" gây cảm giác bất an cho dân sở tại rất nhiều, với những tệ nạn : trộm cướp, ăn uống bốc hốt và phí phạm, buôn người, trồng cần sa, lao động trốn lại (không chịu về nước) sau thời gian ký hợp đồng lao động, thanh toán băng nhóm v.v.

Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội - ngày 22/11/2021 cho báo VnExpress biết [2] : "...Xã hội đang thiếu giá trị văn hóa chuẩn mực để soi chiếu…". Nói cho chính xác, xã hội Việt Nam hiện nay, không phải ĐANG THIẾU mà là KHÔNG CÓ bất kỳ một loại "chuẩn mực" nào tương thích với văn hóa thế giới. Nói dễ hiểu, "văn hóa Việt Nam" phù hợp tại nội địa nhưng hoàn toàn bất xứng đối với các quốc gia khác.

Để chứng minh cho luận điểm này, ba ví dụ dễ thấy như sau, sẽ làm rõ :

1. Văn hóa trong tín ngưỡng - tôn giáo : Dù năm nay bị đại dịch cúm Tàu nhưng người người vẫn chen chúc đi lễ chùa. Tuy nhiên, đó như là những nơi để chúng sanh tụ họp, tìm kiếm một niềm tin bất định và vô vọng hơn là thực hành tín ngưỡng - tôn giáo.

Một điệp khúc cũ "đừng thắp nhang" (bởi vì khói um mù mịt và dễ gây cháy) vẫn được các chùa chiền cảnh báo cho chúng sanh - vào dịp lễ tết - như chưa từng được thông báo. Cũng viếng chùa chiền, nhưng trong các chuyến du lịch tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore v.v. hoặc ngay tại "thủ phủ" người Việt hải ngoại ở California, những hình ảnh nghi ngút khói hương đến ngộp thở, hoàn toàn vắng bóng ngay trong những du khách người Việt, khởi hành từ Việt Nam. Đó là hình ảnh cần suy ngẫm rất nhiều, không chỉ cho các công ty chuyên ngành du lịch.

Cũng liên quan đến văn hóa tín ngưỡng - tôn giáo, người đời không thể nào quên cái gọi là "lễ hội khai ấn đến Trần" mà thiên hạ chen chúc, thậm chí giành giựt cho bằng được một "lá ấn" mang về nhà, như là rước lộc may mắn đầu năm, không được phép thiếu. Tại sao người dân giành nhau cướp ấn, trong một lễ hội được coi là "văn hóa" của xứ ngàn năm văn vật ? Thật dễ hiểu, bởi rất nhiều quan chức cấp cao như : Trần Đại Quang (khi còn là Bộ trưởng Bộ Công an), Nguyễn Thiện Nhân (khi đương chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) v.v đã xuất hiện mà báo chí gọi là "thành tâm dâng lễ" [3]. Sự xuất hiện của họ chính là "bảo chứng" mang chất "brand name", đó chính là tính ĐẠI DIỆN của văn hóa mà lẽ ra nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, nên nhìn nhận từ lâu để có biện pháp loại trừ thói "xử hư" cho dân chúng từ những vị quyền cao chức trọng. Rất tiếc ! Mọi việc cứ được trôi đi dễ dài, trong sự lãng tránh nhiều năm qua. Thế cho nên, đừng đòi hỏi người dân phải chịu trách nhiệm về nhân cách - phẩm giá của mình.

2. Văn hóa ẩm thực : Hình ảnh ông Tô Lâm - một người đàn ông luống tuổi - há miệng đớp miếng bò dát vàng và đưa ngón tay cái ra hiệu "rất tuyệt vời" cách đây không lâu, khiến cả thế giới báo chí xôn xao một việc ngỡ nhỏ nhặt nhưng mang đậm tính ĐẠI DIỆN văn hóa người Việt.

Những hình ảnh đớp bò dát vàng của Bộ trưởng Bộ Công an họ Tô vừa không phải là "văn hóa Việt Nam" nhưng lại vừa là "văn hóa Việt Nam". Nghe có vẻ nghịch lý. Rất tiếc ! Đó lại là sự thật cần phải đào xới. Văn hóa ẩm thực của người Việt Nam thời phong kiến suy tàn với tục ngữ "Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp", vốn đặt miếng ăn như là một cách khoe khoang địa vị trong xã hội, mỗi khi có dịp, hơn là thật sự thích thú và ý nhị thưởng thức hương vị của món ăn mang lại. Quả thật ! Mấy ai có đủ tiền và có đủ khả năng, để được tay đầu bếp lừng danh thế giới, tận tay đút cho ăn (?) Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Công an - ăn bò dát vàng trong lúc đi công du nước ngoài, tức là mang tính ĐẠI DIỆN cho văn hóa Việt Nam - đó chính là "văn hóa Việt Nam". Tuy vậy, từ hàng ngàn năm qua, người Việt Nam - dù là vua chúa - không một ai có "phong cách" ăn thịt bò - được chĩa tới tận họng - bằng một con dao dài nhọn hoắc như vậy - đó không phải là "văn hóa Việt Nam".

3. Văn hóa giao tiếp : Hình ảnh bà Nguyễn Thị Kim Ngân trong tư cách Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - lụm vài miếng mồi cho cá ăn, rồi lẹ tay hất cả rổ như thể đang buộc phải diễn cho gọn lẹ và cho tròn vai, khi tiếp đón cựu Tổng thống Obama, cùng với việc để một số người lợi dụng chuyến công du của bà ta, để trốn lại Hàn quốc cũng là giải thích hành vi không phải là "văn hóa Việt Nam" nhưng lại là "văn hóa (cộng sản) Việt Nam". Bà Ngân là một phụ nữ có vẻ bề ngoài, có thể nói, đẹp nhứt trong các nữ lãnh đạo cao cấp, suốt hơn 40 năm qua. Nhưng những bộ cánh áo dài mang nét ĐẠI DIỆN cho vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng của người đàn bà Việt, qua "quốc phục" của nữ Chủ tịch đầu tiên thuộc Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa, bỗng chốc bay đậu tuốt luốt trên cành cao như những con két biết nói, đang khoe bộ lông sặc sỡ của nó hơn là người "đàn bà đẹp" được sanh ra và dưỡng dục trong một gia đình nề nếp.

Kết

Còn rất nhiều hình ảnh vừa không phải là văn hóa Việt Nam vừa là văn hóa Việt Nam, xuất hiện trong rất nhiều những người cộng sản Việt Nam với vị trí cao chót vót. Điều đáng phàn nàn, bởi : tính đại diện và tính trách nhiệm.

Cả hai thuộc tính nói trên, hoàn toàn vắng bóng, trong gần như toàn bộ hệ thống cầm quyền, ở cả 3 nhánh lập pháp - hành pháp - tư pháp.

Trong kỳ đại hội đảng mới nhứt, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn xác định [4] : "...xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…" nhưng gần như toàn bộ đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam vẫn loay hoay và họ chưa từng biết được, "bản sắc dân tộc đậm đà" đến mức độ nào, mà làm cho công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa đi đến bất kỳ quốc gia nào, cũng để lại tai tiếng và đầy sự coi thường tại quốc gia đó ?

Vậy cho nên, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam nên pháp điển hóa tính Đại Diện và tính Trách Nhiệm về văn hóa, trước khi muốn làm cho "bản sắc dân Việt Nam đậm đà" hoặc là, cứ mãi chạy trốn 2 thuộc tính đó, để mặc cho văn hóa Việt Nam ngày càng bạc thếch "tính Người" trong mắt người dân các nước !

Vụ án bán vé máy bay giá cắt cổ, trong những chuyến bay gọi là "giải cứu" dân Việt thoát khỏi "tâm dịch" vừa "khơi thông dòng chảy" cho một loại hình văn hóa mới mà cũ : Văn hóa đạo đức giả - ngày càng ngập tràn trong xã hội Việt Nam đương đại.

Cho tới nay, dân Việt vẫn nhớ phong trào "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", còn nguyên giá trị nhưng không thấy "văn hóa Hồ Chí Minh" ! Phải chăng Hồ Chí Minh để lại rất nhiều cái gọi là "di sản" nhưng không để lại cho hậu duệ cái gọi là "di sản văn hóa" (?).

**********************

Phần 4

Trong 3 phần trước, văn hóa Việt Nam đã được trình bày và cô đọng trong 8 tính chất như liệt kê dưới đây :

1. Tính vận động,

2. Tính tác động lẫn nhau và tác động đa chiều,

3. Tính đa nguyên,

4. Tính kế thừa hoặc mai một,

5. Tính chính trị,

6. Tính chi phối,

7. Tính đại diện,

8. Tính trách nhiệm,

cùng nhiều dẫn chứng về "nét văn hóa" được gọi "đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc" mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cố công hàng chục năm để gầy dựng. Rất tiếc, gần nửa thế kỷ trôi qua, cùng với sự "phát triển" và "hội nhập" thế giới, văn hóa Việt Nam được đại diện bởi quan chức cấp cao và cấp cao nhứt - không thể "ngẩng cao đầu", khi bước ra "khỏi nhà".

vanhoa4

Nét văn hóa quan trọng bậc nhứt để làm nên hồn cốt nhân loại nói chung và làm người Việt Nam nói riêng - Đó là nét văn hóa mang tên "Hổ Thẹn", vốn thuộc về tính chất thứ nhứt và thứ nhì theo liệt kê trên.

Cho đến nay, dù không rõ niên đại loại người bắt đầu xuất hiện trên Trái Đất nhưng các nhà khảo cổ học cho rằng, khoảng trên dưới 200.000 năm về trước, loài người đã có mặt, căn cứ vào những chi tiết hóa thạch mà sau này người ta tìm thấy.

Những bộ phim tài liệu và theo sau đó là những bộ phim truyện mang tính huyền thoại và dã sử, gần như đồng ý với nhau về khái niệm "ăn lông, ở lỗ", khi loài người bắt đầu xuất hiện trên Trái Đất. Khái niệm đó nhằm nói về tính chất hoang dã và man rợ thuở hồng hoang, lúc mà loài người không khác bất kỳ loài động vật nào, được tạo hóa sanh ra.

Dù sao đi nữa, các nhà khoa học đã thống nhứt một đặc tính của loài người, với sự ban ơn từ Thượng Đế về bộ não - được cho là thông minh nhứt, so với tất cả các loài động vật, cùng những giọt NƯỚC MẮT nóng hổi để bày tỏ niềm hân hoan - nỗi buồn tủi - sự sợ hãi, khi loài người đối diện với sự khắc nghiệt từ thiên nhiên và đối phó với muôn loài, cũng như giữa người và người với nhau.

Ban đầu, loài người cũng có đời sống bầy đàn và giao phối như tuyệt đại đa số muôn loài trên Trái Đất. Dần dần, cùng với bộ não và những giọt nước mắt được Thượng Đế ban cho, loài người hiểu ra tính luân thường đạo lý, khi đời sống bầy đàn dần dần thay đổi với các khái niệm lòng tham - tranh giành - cưỡng đoạt - chiếm đóng - hạnh phúc - đau khổ, để từ đó chế độ Chiếm Hữu Nô Lệ ra đời, cách đây hơn 11.000 năm - bắt đầu phân chia giai cấp và khởi đầu cho một xã hội, sống tuân theo đạo đức và luật pháp - hai khái niệm chỉ có loài người phát minh ra.

Trải dài theo sự phát triển của xã hội loài người, hầu hết ai cũng biết có nhiều hình thái nhà nước đã và đang diễn ra : Nhà nước của chế độ Chiếm Hữu Nô Lệ - Nhà nước của chế độ Phong Kiến - Nhà nước của chế độ Tự Do - Dân Chủ (riêng ở Việt Nam, do giáo dục bị bóp méo hơn 70 năm, nên người ta thường gọi là chế độ Tư Bản Chủ Nghĩa) - Nhà nước (các hình thái) độc tài - Nhà nước độc đảng toàn trị (Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba, Lào - các quốc gia này không lấy quốc hiệu Xã hội Chủ nghĩa. Chỉ riêng có Việt Nam gọi là Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa (Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa), kể từ ngày 2/7/1976 - Quốc hội đầu tiên, sau khi sát nhập hai nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.

Trước đó, đài BBC cho biết [1] : "...Sau ngày 30/4/1975, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thay thế Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, cai quản đất nước từ vĩ tuyến 17 vào Nam. Giữa tháng 7/1975, hai nước Việt Nam "rủ nhau'' nộp đơn vào Liên Hiệp Quốc, nói theo lời của Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Hoa Kỳ. Hai vị đại diện cho hai nước là ông Nguyễn Văn Lưu, đại diện cho Hà Nội, và ông Đinh Bá Thi đại diện cho Sài Gòn. Ngày 11/8/1975 Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu đồng ý cho hai nước Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc, trừ Mỹ bỏ phiếu chống…".

Chế độ chính trị phản khoa học tạo ra văn hóa phi nguồn cội

Như vậy, từ năm 1976, văn hóa của người dân Việt Nam bắt đầu xuôi dòng và dần dần thay đổi, rồi biến dạng theo chế độ xã hội chủ nghĩa (một hình thái chế độ không giống bất kỳ quốc gia nào trên thế giới).

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa với gần 47 năm thành lập trải qua hai thời kỳ : Thời kỳ từ 1976 - 1995 (20 năm bị Hoa Kỳ cấm vận) và từ 1995 - hiện tại (27 năm - thời kỳ hậu cấm vận). Kể từ 1993, Hoa Kỳ không còn ngăn cấm các nước cho nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vay vốn, để hình thành những bước đi đầu tiên cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa đôi bên.

Hầu hết người dân đều nhận thấy, thời kỳ cấm vận, dù vô cùng đói khổ nhưng văn hóa của Việt Nam không gây bàng hoàng - sửng sốt - chết lặng như mãi về sau này và đặc biệt trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, tính chất man rợ - hoang dã của thuở hồng hoang hình như đang có xu hướng trở lại mạnh mẽ và khốc liệt hơn bao giờ hết.

Đại dịch chưa chấm dứt nhưng khái niệm "hậu covid" đã được gọi tên hơn 1 năm qua. Theo sau đó, Thứ trưởng Bộ Công an - Đỗ Duy Ngọc đã tuyên bố [2] : "Chúng tôi thừa nhận cơ cấu tội phạm hậu Covid-19 đang rất phức tạp ở một số nhóm tội danh như : mâu thuẫn trong nhân dân dẫn đến giết người thân, giết nhiều người thân, tội phạm tâm thần, ngáo đá, lừa đảo, tệ nạn xã hội, dâm ô…". Đây là phát ngôn chính thức từ đại diện của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Tư pháp vào ngày 9/9/2022.

Quả thật vậy, dù năm 2022 còn hơn 3 tháng nữa mới chấm dứt nhưng báo chí đã đưa tin từ rải rác đến ngày một dày đặc, về các loại "tội phạm hậu covid", khiến người bình thường về đầu óc, không thể nào tưởng tượng chúng đang diễn ra trên xứ thiên đàng (!).

Mới nhứt, một người phụ nữ bị chồng chặt đứt lìa 1 cánh tay phải và cánh tay trái chỉ còn chút xíu da giữ lại tòng teng. Nhiều vụ ẩu đả, chém giết thật rùng mình - nổi da gà đang gây bất an trầm trọng trong dân chúng. Trang mạng Beatvn [3] đưa thêm chi tiết về vụ người phụ nữ bị chặt lìa cánh tay, khi người chồng phát hiện được ảnh thân mật từ người thứ ba, người vợ không hối lỗi mà lên tiếng thách thức và đổ lỗi cho người chồng không thương yêu, chăm sóc cho mình. Không chỉ riêng vụ việc gây rúng động nhân tâm này, nhiều vụ "lang chạ" khác cũng diễn ra tương tự.

Chưa hề có một cuộc điều tra xã hội học - tâm lý học - tâm thần học nào được thực hiện nhưng để đặt một CÂU HỎI chung cho tất cả các vụ đâm chém và giết người, không thể khác hơn : tính TRÁCH NHIỆM của tất cả những người liên quan đến mọi vụ án ở đâu ? Đó cũng là tính chất thứ Tám như liệt kê từ đầu bài. Tính chất này hoàn toàn vắng bóng trong xã hội hàng chục năm qua. Vắng bóng trên mọi lãnh vực, không chỉ riêng các vụ án hình sự giết người, do các nguyên nhân khác nhau.

Lý do làm cho văn hóa Việt Nam ngày càng bệ rạc, bởi thể chế chính trị phản khoa học (tức là thể chế Xã Hội Chủ Nghĩa là cái không có thật trong đời sống nhân loại nói chung và đời sống người Việt Nam nói riêng) đã sanh ra một loại văn hóa phi nguồn cội làm người, ở mức tối thiểu nhứt - Mức độ con người biết Hổ Thẹn để không đổ trút Trách Nhiệm cho bất cứ ai, một khi hậu quả gây ra không thể nào cứu vãn được, bởi người phụ nữ bị chặt đứt lìa cánh tay kia cùng cả đại gia đình đôi bên và các con của họ, không có cách nào xoay xở giữa muôn trùng vây, trong một xã hội bế tắc - u ám...

Còn tệ hơn cả thời đại "Chị Dậu", vốn được xuất bản vào năm 1937 - cách đây tròn 85 năm về trước, xã hội Việt Nam hoang dã - man rợ đến tận cùng vậy sao ?

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 16/09/2022

Chú thích :

[1] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48009443

[2] https://vietnamnet.vn/thu-truong-cong-an-toi-pham-hau-covid-19-dang-rat-phuc-tap-2058413.html

[3] https://www.facebook.com/beatvn.network/posts/3441716969478973/?comment_id=445002654277271

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Ngọc Già
Read 455 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)