Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

23/11/2022

Tù nhân lương tâm bị đối xử tàn tệ trong trại giam

RFA tổng hợp

Cựu tù nhân lương tâm Lê Thị Bình : Trại giam An Phước đánh đập, buộc tù nhân nữ lao động nặng nhọc

RFA, 23/11/2022

Nhà hoạt động Lê Thị Bình, người vừa mãn hạn tù ngày 22/11, nói tù nhân nữ trong Trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương) bị buộc lao động nặng nhọc trong môi trường độc hại trong khi chế độ dinh dưỡng và khám chữa bệnh tồi tệ, đôi khi còn bị đánh đập dã man bởi quản giáo.

tnlt1

Bà Lê Thị Bình - Công an Nhân dân

Bà Bình, 46 tuổi, là thành viên của nhóm Hiến Pháp, bị bắt vào tháng 12/2020 với cáo buộc "lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Sau đó, bà bị kết án hai năm tù giam.

Ngay trong ngày được trở về nhà, bà đã chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về cuộc sống trong Trại giam An Phước trong hơn một năm qua.

"Ở ngoài đời tôi thấy cộng sản ác nhưng ít thôi. Vô trong đó rồi, cái ác của nó tôi thấy nhiều hơn nữa. Nó kinh doanh tù. Nó bắt tù nhân làm 10 tiếng (mỗi ngày -PV). Ăn thì cá thúi".

Theo bà Bình, trong Trại giam An Phước có khoảng 500 tù nhân nữ. Gần 20 người là tù nhân chính trị và lương tâm bị giam chung một khu có tên "An ninh", nơi họ được giao tiếp với nhau hàng ngày, trong số này có nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Hoàng Thị Thu Vang, Đinh Thị Thu Thuỷ, Huỳnh Thị Tố Nga, Ngô Thị Tường Vi…

Nhà tù cô lập nhóm tù An ninh và không cho tù hình sự giao tiếp với tù chính trị. Khi một người tù hình sự nói chuyện với tù thuộc nhóm An ninh, quản giáo sẽ gọi họ lên để tra khảo và đe nẹt.

Quản giáo trong Trại giam An Phước thường xuyên đánh đập tù nhân nữ, bà Bình cho biết.

"Án chính trị an ninh thì nó (quản giáo - PV) không dám đánh, nhưng các án khác thì (quản giáo) đánh phạm nhân một cách dã man luôn".

Chế độ dinh dưỡng kham khổ

Bà Bình nói theo quy định của trại giam thì một tuần tù nhân có ba bữa thịt, hai bữa cá và hai bữa trứng. Tuy nhiên, thịt thì được hai miếng nhỏ, còn cá thì là cá khô và hôi thối, được hấp qua loa rồi cho tù nhân ăn.

Bà nói loại cá này kém phẩm chất đến nỗi vứt cho chuột thì chuột cũng chê, và đa số tù nhân không ăn mà chỉ có khoảng 100 tù nhân vẫn phải ăn vì họ không nhận được tiếp tế từ gia đình. 

Cơm thì đủ nhưng rau thì không, cả tuần phải ăn rau muống cả gốc, bà Bình thuật lại. 

Lao động nặng nhọc

Theo Điều 32 của Luật Thi hành án hình sự, thời gian lao động của tù nhân "không quá tám giờ trong một ngày và năm ngày trong một tuần, được nghỉ vào các ngày chủ nhật, lễ, Tết theo quy định của pháp luật" và có thể bị yêu cầu làm thêm giờ nhưng không được vượt quá tổng số giờ làm thêm trong ngày theo quy định của pháp luật về lao động.

Điều luật này yêu cầu trại giam áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho phạm nhân.

Thực tế, bà Bình nói tất cả phụ nữ ở Trại giam An Phước bị buộc phải lao động 10 giờ mỗi ngày và thường phạm phải làm cả tuần trong khi tù nhân lương tâm thì chỉ phải làm năm ngày.

"Một tuần làm đến thứ sáu. Thứ bảy và chủ nhật nó (trại giam) nói tự nguyện nhưng các đội khác án khác (hình sự) thì vẫn bị bắt làm. Đội làm (cạo mủ) cao su thì suốt tuần luôn. Nhiều đội làm cả tuần luôn".

Những người nào chống đối lao động thì bị trừng phạt bằng hình thức giam giữ trong phòng và không được ra ngoài. Tù hình sự thì có thể bị đánh đập dã man khi lên tiếng phản đối.

Công việc là cạo mủ cao su hoặc làm đồ vàng mã để xuất khẩu đi Trung Quốc. Nguyên liệu làm hàng mã được sản xuất từ phế liệu tái chế và phẩm màu công nghiệp nên rất độc hại trong khi người lao động không được trang bị bảo hộ lao động.

"Nó bắt đi làm vàng mã mà bụi lắm. Hàng mã để xuất sang Trung Quốc. Không có trang thiết bị (bảo hộ lao động - PV) gì".

Nhà tù giao định mức sản phẩm cho ngày công rất cao, và định mức này cho thường phạm cao nhiều lần so với tù chính trị, bà Bình cho hay.

Nếu không hoàn thành định mức, người tù phải nộp tiền hoặc chịu kỷ luật bằng nhiều hình thức như không được giảm án, bị đánh, bắt phạt mang cơm cho cả đội và cọ rửa nồi cơm sau khi đi lao động về.

Bà Bình cho biết bà cũng như các tù nhân tham gia lao động không được trại giam trả tiền cho công sức của họ.

Người tù hình sự bị buộc lao động nặng nhọc và đánh đập nhiều nên mỗi khi có tù nhân chính trị mãn hạn tù thì thường phạm mong họ đưa thông tin ra bên ngoài, mong xã hội can thiệp để cuộc sống của họ được cải thiện, bà Bình nói.

Trong một lần trả lời phỏng vấn của RFA trước đây, cựu tù nhân lương tâm Trần Thanh Phương, người vừa mãn hạn tù đầu tháng 3 năm nay cho biết, cán bộ trại giam An Phước bóc lột sức lao động của tù nhân và chỉ trả tiền công bằng 1/10 so với giá trị thực tế lao động.

Ông Phương cho biết, một người có sức khỏe như ông mà lao động chăm chỉ cũng chỉ có thể được trả công 300.000-350.000 đồng/tháng còn một người tù thường phạm khỏe mạnh chỉ được trả công 60.000 đồng/ngày khi đi làm việc ở ngoài trại giam. 

Chăm sóc y tế tồi tệ

Bà Bình nói chế độ chăm sóc y tế trong Trại giam An Phước vô cùng tồi tệ. Trạm xá của trại chỉ cung cấp một vài loại thuốc cho tất cả các bệnh trong khi nhà tù chỉ cho phép gia đình gửi vào cho thân nhân một số loại thuốc nhất định.

"Đau răng đau đầu hay đau ngực thì cũng có một viên thuốc Paradol thôi".

Bà kể tuần trước có một đoàn y tế vào trại để khám bệnh cho tù nhân, tuy nhiên, họ chỉ làm một cách chiếu lệ, không thực hiện việc khám bệnh mà chỉ hỏi người tù vài câu rồi ghi "bình thường" vào sổ y bạ.

Điều kiện giam giữ và cách đối xử với tù chính trị trong Trại giam An Phước đã từng được nêu lên trước đây. Gần đây nhất là vào đầu năm 2022 khi người thân của tù nhân lương tâm Lê Quý Lộc cho RFA biết ông Lộc bị cán bộ trại giam đánh đập. Lý do là ông đòi hỏi quyền được ra ngoài chơi thể thao vào thứ Bảy cho những người tù chính trị. Ông Lộc sau đó đã tuyệt thực trong tám ngày để phản đối việc mình bị hành hung.

Đài Á Châu Tự Do đã gọi điện thoại liên hệ với Trại giam An Phước nhiều lần để lấy phản hồi về các cáo buộc này nhưng không ai trả lời máy.

Điều kiện giam giữ và đối xử với tù chính trị tại các trại tù ở Việt Nam đã từng bị các tổ chức về nhân quyền quốc tế lên tiếng phản đối.

****************************

Gia đình cáo buộc Trại giam số 6 gây áp lực nhằm buộc tù nhân lương tâm Trịnh Bá Tư lao động

RFA, 23/11/2022

Cựu tù nhân lương tâm Trịnh Bá Khiêm nói Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) gây áp lực nhằm buộc con trai ông Trịnh Bá Tư đi lao động ngay sau khi tù nhân lương tâm này bị kỷ luật cùm chân và tuyệt thực.

tnlt2

Ông Trịnh Bá Tư - Facebook Trịnh Bá Tư/RFA edit

Ông Trịnh Bá Khiêm cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết thông tin trên vào ngày 23/11, hai ngày sau khi ông đi thăm con trai út, người đang thi hành án tù tám năm với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước.

"Trại giam gây áp lực để bắt Tư đi lao động. Tư bảo là 'tôi không có tội. Lao động thì chỉ là tự nguyện, thích thì làm không thích thì thôi. Tôi không có tội nên tôi không đi lao động'. Họ gây áp lực trong tháng mười và sang tháng 11 thì bớt đi".

Phóng viên đã gọi điện cho Trại giam số 6 để kiểm chứng thông tin nhưng không ai nghe máy.

Ông Khiêm cho biết con trai ông đã dừng tuyệt thực gần hai tháng trước và hiện giờ sức khỏe đã hồi phục nhiều.

Trong buổi gặp vào thứ hai vừa qua, Trịnh Bá Tư cho bố mình biết là ông đã tuyệt thực trong 22 ngày, từ ngày 6/9 và kết thúc vào ngày 28/9. Sau lần bị đánh, bị cùm chân và tuyệt thực thì tù nhân lương tâm 37 tuổi này bị giảm 10 kg.

Ngày 23/11, bà Đỗ Thị Thu, vợ tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương, đã vào Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An để làm việc theo đơn tố cáo của bà về việc Trại giam số 6 đã đánh đập, kỷ luật, cùm chân ông Trịnh Bá Tư trong 10 ngày vào tháng 9 vừa qua.

Bà cho RFA biết bà đã làm việc với ông Lê Quốc Bảo - Phó trưởng phòng 8 của Viện Kiểm Sát nhân dân tỉnh Nghệ An, người đã vào Trại giam số 6 để điều tra về cáo buộc đàn áp ông Trịnh Bá Tư trong tháng 9.

Ông Bảo cho biết theo tố cáo của ông Tư thì vào ngày 4/9, ông Tư đã làm đơn tố cáo Trại giam số 6 độc ác vì không dừng thi hành án cho tù nhân lương tâm Đỗ Công Đương để ông có thể được về nhà khám chữa bệnh. Nhà báo công dân Đỗ Công Đương mất tại trại giam này vào đầu tháng tám vừa qua vì không được chữa trị y tế kịp thời.

Vẫn theo lời khai của Trịnh Bá Tư, vào ngày 6/9, đại tá Trần Anh Quế và trung tá Trương Công Hiển của Trại giam số 6 đã làm việc với ông về đơn tố cáo. Ngoài ra, trong buổi làm việc còn có thêm hai tù nhân bị kết tội buôn ma tuý khác.

Trong lúc làm việc, trung tá Hiển đã ném bật lửa vào ông Trịnh Bá Tư nhưng không trúng. Thấy buổi làm việc có thể gây ảnh hưởng nguy hiểm đến mình nên ông Tư đã đứng dậy và từ chối không làm việc.

Khi đó, một trong hai phạm nhân đã ghì cổ ông Tư xuống, còn viên công an tên Hiển đã đứng dậy đánh vào gần đỉnh đầu bên trái ông. Viên công an này còn hô "mang cái dùi cui vào đây, chết tao chịu trách nhiệm !".

Ông Bảo cho bà Thu biết ông đã vào Trại giam số 6 ngày 26/9 để điều tra về cáo buộc trại giam đánh ông Tư nhưng những người bị ông Tư tố cáo đều khẳng định không hành hung ông Tư.

Đại diện Viện Kiểm sát nói vì không có bằng chứng về việc đánh đập nên không thể khẳng định ông Tư bị đánh.

Về việc kỷ luật cùm chân và không cho quyền gặp thân nhân trong tháng 10, phía trại giam nói với ông Bảo là do ông Tư vu cáo họ trong vụ tù nhân lương tâm Đỗ Công Đương nên ông Tư bị kỷ luật như vậy.

Bà Thu cho rằng Viện Kiểm sát tỉnh Nghệ An bao che cho Trại giam số 6. Bà nói với RFA qua tin nhắn :

"Tôi nghĩ phía Viện Kiểm sát Nghệ An bao che cho Trại giam số 6. Tôi tin rằng nếu có một cơ quan nhân quyền hay tờ báo độc lập vào điều tra thì sẽ biết em Tư bị đánh. Nếu em Tư ở trong đó được dùng điện thoại để ghi âm, ghi hình thì sự thật sẽ được phơi bày cho công luận biết".

Tin tức về việc tù nhân lương tâm Trịnh Bá Tư bị đánh đập và cùm chân cũng khiến tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch hồi tháng 9 vừa qua ra thông cáo kêu gọi nhà chức trách điều tra. Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW nói trong thông cáo : "Cách đối xử đó là quá đáng và không thể chấp nhận được, và thủ phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi ngược đãi tù nhân".

Human Rights Watch cũng kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các nhà ngoại giao nước ngoài yêu cầu chính quyền Việt Nam cho phép họ được tiếp cận ông Tư trong trại giam.

****************************

Tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca bị bệnh ở Trại giam Xuân Lộc, vẫn chờ phẫu thuật

RFA, 22/11/2022

Tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca, người đang thi hành án tù năm năm sáu tháng tại Trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai), bị bệnh và cần phải phẫu thuật nhưng bác sĩ của trại giam chưa xếp lịch.

tnlt3

Ông Huỳnh Trương Ca tại tòa án hồi năm 2018 - Công an Đồng Tháp

Gia đình nói họ nhận được thông tin ông Ca bị bệnh từ thân nhân của một tù nhân khác cùng buồng giam ngày 16/11. Một ngày sau đó, hai con của ông đã đến thăm ông tại trạm xá của trại giam.

Bà Phạm Thị Tâm, vợ của ông Ca, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại như sau :

"Anh Ca rất là yếu. Anh cho biết đã vô trạm xá được tám ngày rồi. Vào đó thì qua xét nghiệm đường máu và huyết áp thì ổn. Bác sĩ cho biết cần phải phẫu thuật mụn ở háng nhưng chờ theo dõi hoài. Hiện giờ mụn sưng rất to và đỏ, gây nhức và sốt làm anh ấy rất khó chịu".

Bà được hai con kể lại ông Ca trông rất tiều tuỵ, không tự đi được mà phải có sự trợ giúp của một quản giáo. Ông cũng không nói chuyện được nhiều với các con, kêu mệt và muốn quay về phòng giam trước khi thời gian thăm gặp kết thúc.

Ông dặn gia đình chuẩn bị tiền để phẫu thuật, và có thể phải chuyển đi viện khác.

Bà Tâm cho biết thêm gia đình rất lo lắng cho sức khỏe và tính mạng của chồng bà. Tuy nhiên, gia đình chỉ được thăm ông một lần một tháng theo quy định chung và phải đợi sang tháng 12 tới mới có thể gặp lại ông.

Bà nói ông Ca ngoài ra còn có một số bệnh như bệnh tiểu đường, viêm phổi, và cao huyết áp.

Phóng viên có gọi điện cho Trại giam Xuân Lộc để kiểm chứng thông tin nhưng không ai nghe máy.

Ông Huỳnh Trương Ca, 51 tuổi, bị bắt vào đầu tháng 9/2018 khi đang trên đường đến thành phố Hồ Chí Minh để tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa. Ông là một thành viên của nhóm có tên Hiến Pháp với tôn chỉ giúp cho người dân hiểu rõ các quyền của họ được qui định trong Hiến pháp Việt Nam.

Cuối năm 2018, ông bị kết tội "Tuyên truyền chống nhà nước" kèm theo án tù 5 năm và 6 tháng.

Kể từ khi bị đưa đi thi hành án ở Trại giam Xuân Lộc, ông bị giam giữ trong điều kiện hà khắc. Ông bị giam chung với bốn tù nhân khác trong một phòng nhỏ thiếu ánh sáng, và không được phép rời khỏi phòng giam kể cả trong giờ ăn.

Vào tháng 10/2019, ông cùng nhiều tù nhân tuyệt thực nhiều ngày để phản đối việc đối xử vô nhân đạo của trại giam.

Trại giam Xuân Lộc là nơi giam giữ một số tù chính trị ở phía Nam và nổi tiếng là nơi có chế độ giam giữ hà khắc đối với những người tù này. Việc tuyệt thực của tù chính trị phản đối điều kiện giam giữ xảy ra khá phổ biến ở nhà tù này. Mới đây nhất là vụ tuyệt thực của một số tù nhân lương tâm ở đây vào tháng 9/2020 để phản đối điều kiện giam giữ và đòi quyền lợi. 

****************************

Đồng Nai : Hai vợ chồng bị kết tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ" trong phiên tòa không luật sư

RFA, 22/11/2022

Tòa án Nhân dân huyện Tân Phú, Đồng Nai ngày 22/11 đã kết án một cặp vợ chồng theo tội danh "Lợi dụng quyền tự do dân chủ" để bôi xấu chế độ và xúc phạm lãnh đạo trong một phiên tòa không có luật sư.

tnlt4

Ông Nguyễn Thái Hưng và bà Vũ Thị Kim Hoàng - FBNV/RFA edit

Trong phiên tòa bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc sau gần ba giờ, ông Nguyễn Thái Hưng (sinh năm 1972) chủ kênh YouTube "Nói bằng thực TV" với gần 40.000 người đăng ký theo dõi, bị kết án bốn năm tù giam. Người vợ chưa cưới của ông, bà Vũ Thị Kim Hoàng (sinh năm 1978), bị kết án hai năm sáu tháng tù.

Bà Hoàng, người bị bắt cùng chồng vào đầu tháng 1 năm nay nhưng được tại ngoại từ cuối tháng tư, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết cả hai vợ chồng không thuê luật sư và cũng không có luật sư chỉ định.

Bà nói ban đầu họ cũng thuê luật sư Nguyễn Văn Miếng nhưng phía công an kết hợp thuyết phục và đe doạ khiến cả hai phải viết đơn từ chối luật sư. Họ cũng tự tin cho rằng tự mình có thể tự biện hộ khi bị xét xử.

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác. Bà Hoàng kể về diễn biến phiên tòa hôm nay :

"Hôm nay tòa xét xử nhưng mình không được tranh luận bao nhiêu. Gần như là họ hỏi mình đúng hoặc sai, xác nhận như vậy thôi. Mình không có luật sư, mình không được nói.

Còn mình có nói vô tình hay không như thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng án vẫn như Viện Kiểm sát đề nghị ban đầu".

Bà nói mặc dù là phiên tòa mở công khai nhưng chỉ có con gái bà được vào phòng xử án, những người thân khác phải quan sát phiên tòa từ ngoài cổng của trụ sở tòa án huyện.

Ngay sau khi tòa tuyên án, cả ông Hưng và bà Hoàng đều tuyên bố sẽ kháng án và thuê luật sư nhằm tìm kiếm một bản án công bằng hơn.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, từ đầu tháng 6/2020 đến khi bị bắt, ông Nguyễn Thái Hưng lấy danh khoản YouTube có tên "Nói bằng thực TV" để thực hiện 21 cuộc nói chuyện trực tuyến có nội dung "nói xấu Đảng và Nhà nước, xuyên tạc chính sách phát triển kinh tế xã hội, vu khống lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc không đúng sự thật những vụ việc nổi bật diễn ra gần đây".

Cáo trạng cũng nói những bình luận của ông Hưng "gây hoang mang trong nhân dân, xúc phạm nghiêm trọng lãnh tụ, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước".

Những vụ việc mà cáo trạng nhắc tới có vụ tấn công của cảnh sát cơ động vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, vào đầu năm 2020 và các vấn đề khác như quản lý tù nhân, chế độ cộng sản, pháp luật Việt nam… Số lượng người xem từ 19.000 đến 56.000 mỗi một chương trình.

Ông Hưng bị cho là thu lợi bất chính hơn 384 triệu đồng quảng cáo từ việc phát trực tiếp lên YouTube.

Hiện kênh YouTube này đã không còn nội dung nào kể từ sau khi hai người bị bắt giữ.

Bà Hoàng bị buộc tội "là người liên quan, tiếp sức" vì đã cung cấp chỗ ăn ở cho ông Hưng bên cạnh việc cho ông này mượn tài khoản ngân hàng và một máy tính xách tay. Bản thân bà Hoàng không hề có phát ngôn nào trên mạng xã hội.

Cáo trạng cho biết bà Hoàng thừa nhận các hành vi trên còn ông Hưng không thừa nhận hành vi phạm tội mà cho rằng việc ông phát trực tiếp các buổi nói chuyện trên YouTube là thực hiện quyền tự do dân chủ và ngôn luận.

Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tân Phú kết luận trong cáo trạng rằng ông Hưng và bà Hoàng đã vi phạm điểm a khoản 1 và khoản 5 của Điều 16 Luật An ninh mạng và phạm tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại khoản 2 Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

Trong khi bà Hoàng được tại ngoại từ cuối tháng tư thì ông Hưng vẫn tiếp tục bị giam giữ. Quá trình điều tra kết thúc từ cuối tháng sáu nhưng năm tháng sau nhà chức trách huyện Tân Phú mới đem vụ án ra xét xử.

Từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 15 người bị kết tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ" với mức án từ một đến năm năm tù.

Nguồn : RFA, 22/11/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 284 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)