Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/12/2022

Cán bộ, đảng viên cộng sản có dám nói thực và từ chức không ?

RFA tổng hợp

Đến bao giờ Đảng mới lắng nghe những lời nói thật ?

RFA, 01/12/2022

Mới đây, tại buổi làm việc với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu cán bộ mặt trận phải là người dám bày tỏ tiếng nói từ thực tiễn để góp phần xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

canbo1

Ông Võ Văn Thưởng, lúc còn làm Trưởng Ban Tuyên giáo năm 2016 - AFP

Yêu cầu của ông Thưởng khiến người ta nhớ lại lại phát biểu của bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương hồi tháng 7/2022 rằng : "Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, việc phát hiện những sai phạm, tiêu cực từ nội bộ tới nay vẫn là "thách thức lớn" ; song "đã có những tấm gương về đấu tranh, nói tiếng nói thẳng thắn, nghiêm túc để bảo vệ sự trong sạch, đúng đắn trong lãnh đạo của Đảng".

Là một người từng bị kỷ luật do ‘nói thẳng, nói thật’ hơn 10 năm trước, khi còn là cán bộ của Tổng Cục 2, cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí nói với RFA sáng 1/12/2022 :

"Cựu tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev có nói thế này : ‘Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng : Đảng cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá’. Tôi thấy câu nói ấy hoàn toàn chính xác, và từ lâu tôi đã không tin vào bất cứ luận điệu nào của họ.

Cách đây hơn năm năm, với cương vị Trưởng ban Tuyên giáo của Đảng cộng sản Việt Nam, Võ Văn Thưởng từng phát biểu thế này : ‘Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý’.

Chỉ cần nhẩm đếm số người bị bắt bỏ tù từ dạo đó đến nay chỉ vì nói lên sự thật (chứ chưa tới mức đối thoại, tranh luận với Đảng cộng sản Việt Nam), chúng ta sẽ thấy chỉ những kẻ ngu ngốc mới tin vào lời nói của Thưởng".

Ông Võ Văn Thưởng, lúc còn làm Trưởng Ban Tuyên giáo đã nói như vậy tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", sáng 18/05/2017.

Nhà báo Trần Ngọc Tuấn, hiện đang ở Cộng hòa Czech thì cho rằng, một thể chế độc đảng, độc tài không bao giờ chấp nhận những ý kiến trái chiều, những phản biện xã hội. Ông nói với RFA hôm 19/10/2022 :

"Theo tôi, ai mà tin vào những điều đó thì thật là ngây thơ. Những câu như "nói thẳng, nói thật, góp ý, những việc cần làm ngay…" tôi nghe từ lâu lắm rồi nên không còn niềm tin nữa. Họ nói chỉ để mà nói thế thôi. Nó chỉ là đồ trang sức. Thực chất một chế độ độc tài không bao giờ muốn nghe những lời phản biện, cho dù đó là những lời góp ý xây dựng chân thành.

Một là họ sẽ lờ đi không nghe, hai là họ có biện pháp xử lý theo kiểu họ cho đó là gây hoang mang, tiêu cực, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng… họ cứ quy chụp như thế. Không ngạc nhiên !"

canbo2

Giáo sư Chu Hảo, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Quĩ Phan Chu Trinh. Ảnh chụp 2010. AFP

Trong thực tế, nhiều tiếng nói đóng góp thẳng thắn thường hay bị cáo buộc là đi ngược đường lối của Đảng, Nhà nước. Họ thường bị đối xử bất công, chịu nhiều thiệt thòi sau đó.

Điển hình là luật sư Nguyễn Đăng Trừng, nguyên Chủ nhiệm đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã lên tiếng yêu cầu sự độc lập khỏi Đảng cho đoàn luật sư ở Sài Gòn. Ông bị khai trừ ra khỏi Đảng ngày 31 tháng 7 năm 2014 với lý do xem nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn đối với hoạt động của Đoàn luật sư.

Một người nữa là Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Ông bị Đảng khai trừ hôm 15/11/2018 vì "có hành vi chống đối" và "tự diễn biến", dù trước đó, bản thân Giáo sư Chu Hảo đã tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản Việt Nam.

Theo Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam 2021-2022 được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam công bố hôm 24/06/2022, kể từ đầu năm 2021 đến 31/05/2022, ít nhất có 48 người bị bắt và truy tố và 72 người bị đưa ra xét xử với những bản án nặng nề. Trong số đó, hầu hết bị kết án với các tội danh liên hệ đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông để phát biểu những suy nghĩ và khát vọng khác với chủ trương của đảng cầm quyền. Theo ghi nhận của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, hiện có ít nhất 290 tù nhân chính trị và tôn giáo bị giam cầm với những bản án nhiều năm.

Tuy vậy, với cái nhìn lạc quan, Giáo sư Đặng Hùng Võ, hiện là Đảng viên, nêu nhận định với RFA sáng 1/12/2022 :

"Tôi cho rằng đây cũng là ý nghĩ thật. Thực tế đã đến lúc buộc chính quyền phải tiếp nhận việc đó, nếu không thì sẽ lợi dụng việc chính quyền quyết định một chiều. Hay nói cách khác đây cũng là thể nghiệm về quản trị mà các nước khác họ đã làm từ rất lâu rồi.

Ở đây, chuyện chính quyền quyết định một chiều là nguyên nhân đưa đến những cái quyết định sai chính. Vì vậy phải cần một cái chiều ngược lại. Đó là nguyên tắc của quản trị mà Việt Nam thì vẫn dùng những từ như ‘phản biện xã hội’, ‘góp ý’, ‘nói thẳng, nói thật’… Chỉ có điều phải hiểu rằng, những điều này ở Việt Nam vẫn phải đảm bảo cái nguyên tắc là tất cả đều trên nguyên tắc xây dựng, chứ không phải dùng cái mà Việt Nam gọi là ‘chống phá’".

Giáo sư Đặng Hùng Võ nói thêm, chuyện khuyến khích công chức hay người dân phản biện những vấn đề mà họ thấy sai, hoặc lên tiếng góp ý những sai trái, là điều các nước dân chủ đã làm từ lâu. Và đó là chân lý mà Việt Nam phải theo. Tuy nhiên, ông nói tiếp :

"Ở Việt Nam thì con đường nó vẫn còn xa, tức là nó đòi hỏi một quãng đường khá xa để tiếp cận những cái mà trên thế giới người ta nhìn thấy như là một chân lý. Nó dẫn tới việc phát triển chậm hơn. Muốn phát triển nhanh thì phải thay đổi. Cái quy luật quản trị chung nó diễn ra như vậy. Không có cách gì không xảy ra cả, chỉ có điều xảy ra sớm thì toàn dân được nhờ, đất nước được nhờ".

Tại buổi làm việc với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm 1/12/2022, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng lưu ý tình hình mới hiện nay đã đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi trong công tác mặt trận phải có tầm nhìn, ý tưởng và những nhiệm vụ, giải pháp mới để xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nguồn : RFA, 01/12/2022

***********************

Cán bộ "có khuyết điểm" xin từ chức, có thoát tội ?

RFA, 30/11/2022

Ban Chấp hành Trung ương vừa ban hành nghị quyết 28, trong đó có nêu cần kịp thời thay thế cán ộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Đồng thời khuyến cán bộ từ chức khi có khuyết điểm. Mục đích là gì ?

canbo3

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hà Nội vào ngày 20/10/2022. AFP

"Buộc phải làm…"

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Nội dung Nghị quyết có nêu khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm ; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm ; kiên trì thực hiện "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ.

Trước đó, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, thông qua truyền thông Nhà nước, kêu gọi cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút thì nên tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Việc kêu gọi cán bộ có khuyết điểm từ chức được coi là một điểm mới, bởi trước đây, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn tại chức, ông đã được coi là "từ chối từ chức", dù vào thời điểm đó (năm 2012), truyền thông Nhà nước đăng tải thông tin ông đã tự nhận khuyết điểm tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII.

Chúng tôi trích nguyên văn từ nguồn Tuổi Trẻ : "Tập thể Ban cán sự Đảng và mỗi đồng chí chúng tôi đã thành khẩn nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm và chân thành cầu thị rút ra những bài học thấm thía, sâu sắc nhất trong thực thi chức trách nhiệm vụ được giao và trong cả quá trình hoạt động cách mạng của mình. Với trọng trách là ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước ; một số tập đoàn, tổng công ty, điển hình là Vinashin, Vinalines, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước". 

Sau lần nhận khuyết điểm đó ông vẫn tại vị mãi đến năm 2016. Một trường hợp nữa xảy ra gần đây là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Người được cho đã vi phạm trong chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Y tế và một số cơ sở khám, chữa bệnh vi phạm có hệ thống, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước nhưng bà này vẫn không "tự nguyện từ chức".

Có ý kiến về vấn đề này, Trung tá Quân Đội Đinh Đức Long nhận định với RFA sáng 30/11 :

"Thực ra cái này không có gì là mới cả. Ngày xưa cán bộ bị kỷ luật thì tùy theo mức độ sai phạm mà có ba khả năng kỷ luật. Một là vẫn cho làm hết nhiệm kỳ, hai là thuyên chuyển công tác khác, vị trí khác nhưng chức cũng tương đương như cũ, ba là cách chức. Còn bây giờ như ông Trọng hay là trung ương vừa nói thì người ta loại bỏ hết hai khả năng, chỉ còn khả năng là động viên nghỉ việc, có nghĩa là cách chức. Thật ra kỷ luật cũng tùy tình hình chính trị và nhu cầu nhân sự từng thời điểm".

Thuyên chuyển nơi công tác như ông Long nói cũng đã từng xảy ra với rất nhiều lãnh đạo vi phạm ở Việt Nam. Thậm chí có những trường hợp quan chức bị kỷ luật "được" điều chuyển về một cơ quan khác, ở vị trí khác rồi sau đó mới bị bắt tạm giam, khởi tố và bị tuyên án tù như trường hợp ông Đinh La Thăng.

Ông Thăng từng là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bị ra khỏi Bộ Chính trị, được điều động ra Hà Nội làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương và rồi bị đưa ra xét xử trong hai vụ án với tổng mức án tù lên đến 31 năm.

canbo4

Ông Đinh La Thăng ra tòa năm 2018. AFP

Ngoài ra, còn trường hợp ông Trương Minh Tuấn. Ông Tuấn bị ngưng chức Bộ trưởng Thông Tin - Truyền Thông, được điều chuyển về Ban Tuyên giáo Trung ương, nơi được mệnh danh là nhóm ‘quyền lực thứ tư’ trong xã hội.

Tại lễ bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng, kỷ luật cán bộ đảng viên là rất đau xót nhưng vì sự lớn mạnh của Đảng nên phải làm.

Tránh "phạt nặng" đồng chí ?

Một số người quan tâm tình hình chính trị, xã hội tại Việt Nam cho rằng, để tránh việc kỷ luật quá nhiều đảng viên là "đồng chí, đồng đội" của mình nên ông Trọng ban hành Nghị quyết số 28, kêu gọi cán bộ có khuyết điểm từ chức sớm và cán bộ bị kỷ luật sẽ bị thay thế mặc dù chưa hết nhiệm kỳ.

Góp ý trong quan điểm này, nhà quan sát chính trị Hà Hoàng Hợp nói với RFA :

"Đây là những điều không căn bản, nghĩa là hiểu thế nào cũng được. Trước đây nếu bị kỷ luật thì mức kỷ luật tùy thuộc vào mức độ vi phạm. Sẽ có thay đổi về mặt hành chính, chức vụ. Người ta quy định rất rõ. Bây giờ, trong tình cảnh có quá nhiều người bị kỷ luật cho nên nếu áp dụng như cũ, tức chuyển chỗ này rồi lại chuyển chỗ kia thì nó không ổn. Vì vậy cho nên người ta bảo là thôi thì từ chức đi. Ý của cái nghị quyết mới này như thế. Thật ra nó không có giá trị pháp lý mà chỉ là khuyến khích, cho nên nếu người ta vi phạm, thay vì kỷ luật thì từ chức trước có khi không bị truy cứu về hình sự nữa chẳng hạn".

Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho rằng, đây có thể là một tín hiệu cho cán bộ vi phạm nhưng "chưa bị lộ" tự rút lui :

"Theo tôi nghĩ, họ ra cái nghị quyết này vì họ thấy số cán bộ ở Việt Nam bị xử lý nhiều quá có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng. Thay vì phải điều tra những vụ việc liên quan như vậy thì người ta sẽ loại đi bằng cách kêu gọi từ chức và thay thế bằng những lãnh đạo mới.

Đó là điều tôi thấy nó mới. Đúng nguyên văn là ‘khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm’. Mình có thể hiểu là từ chức trước thì sẽ không bị điều tra những vụ việc họ gây ra nữa. Chỉ chính người vi phạm mới biết mình vi phạm gì khi mọi việc chưa bị phanh phui, vụ án chưa bị khởi tố".

Cũng theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, chuyện từ chức sớm không có nghĩa sẽ ‘hạ cánh an toàn’ nếu vụ án bị khởi tố và cán bộ đã từ chức có liên quan.

Đã từng có ý kiến cho rằng, những ông quan to hạ cánh an toàn sau khi nghỉ hưu. Nhưng vài năm qua, một số quan chức, lãnh đạo đã nghỉ hưu vẫn bị bắt. Điều này được cho là nhằm để xoa dịu lòng dân với những vụ án mà số tiền vi phạm quá lớn, hoặc mức độ ảnh hưởng đến người dân quá nặng nề, như vụ Thủ Thiêm với Tất Thành Cang.

Một số ý kiến khác mà RFA đã từng ghi nhận thì cho rằng, Đảng cộng sản chỉ lo giữ uy tín của mình, không muốn bị giảm sút thêm nữa, nhất là đang trong cuộc chiến chống tham nhũng, chứ chẳng phải vì dân.

Nguồn : RFA, 30/11/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 246 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)