Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

12/07/2024

Hoa Kỳ sao nhãng vấn đề Biển Đông…

RFA tiếng Việt

…vì bị kéo sang các điểm nóng khác

Chương trình Đông Nam Á và Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm CSIS, một think tank ở Washington DC vừa tổ chức Hội nghị thường niên về Biển Đông lần thứ 14 vào ngày 11/7/2024. 

hoaky1

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Ely Ratner (phải) và ông Gregory Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại CSIS trong Hội nghị lần thứ 14 về Biển Đông, 11/7/2024 - RFA

Hoa Kỳ xoay trục về Châu Á : còn nhiều bất cập

Tại hội thảo, nhiều thính giả đã đặt câu hỏi với Dân biểu Darrell Issa, thuộc Hội đồng Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, về nhiều vấn đề liên quan đến chính sách của Hoa Kỳ liên quan đến Biển Đông. RFA đặt câu hỏi về khả năng Hoa Kỳ cân bằng sức mạnh của Trung Quốc khi mà Trung Quốc chủ yếu chỉ tập trung sức mạnh nhắm vào Đài Loan, Biển Đông, trong khi đó, Hoa Kỳ phải dàn trải sức mạnh của mình khắp thế giới, không chỉ Đông Bắc Á, Đông Nam Á mà cả Trung Đông và Ukraine. Ông Greg Poling, Chương trình Đông Nam Á và Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm CSIS, đặt câu hỏi rằng liệu vị Dân biểu Cộng hòa có nhiều ảnh hưởng tại Hội đồng Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ có cảm thấy là ở Châu Á, Hoa Kỳ bị thu hút vào điểm nóng Đài Loan và do đó chú ý không đúng mức tới Biển Đông. 

Dân biểu Darrell Issa cho biết đó chính là điều ông lo lắng. Một thập kỷ trước, Hoa Kỳ công bố chính sách xoay trục về Châu Á. Đó là một tuyên bố rất hay nhưng theo ông Issa, nó thiếu các cơ sở hành động đi kèm. Nó không có nhiều ý nghĩa. Ngoài ra, điều đó làm NATO ở Châu Âu bận tâm. Nga của Putin thấy vậy mà nghĩ "ồ ta có thể lấn tới ở Châu Âu". Vì lý do đó, Dân biểu Issa cho biết ông đã khuyến khích các thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện là hãy đi ít nhất hai lần, một lần về phía Tây, một về phía Đông để nắm tình hình và chia sẻ với các dân biểu khác. Theo ông, Thượng viện Hoa Kỳ cũng cần làm như vậy. Ông giải thích :

"Bởi vì thách thức lớn nhất đối với chúng ta là phải nhìn vào một đối tượng phức tạp. Hầu hết chúng tôi có thể cũng không biết rằng biết đâu Việt Nam cũng chịu sự ép rất lớn từ Trung Quốc giống như Philippines. Cả hai nước đều có lịch sử lâu dài chịu sức ép từ Trung Quốc và các nước khác. Vì vậy chúng tôi phải tìm cách cho các thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện thấy được bức tranh tổng thể". 

Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung Quốc tăng cường phong tỏa bãi Cỏ Mây của Philippines. Những hoạt động của Hoa Kỳ tại Biển Đông chủ yếu là tăng cường hợp tác với Philippines. Các phát biểu của Dân biểu Darrell Issa và ông Ely Ratner, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng đều tập trung vào mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Philippines. 

Ông Issa cho biết các hoạt động hợp tác quân sự của Hoa Kỳ với Philippines chủ yếu là hoạt động viện trợ. Philippines không đủ khả năng bảo vệ vùng biển và quyền đánh cá của mình trước sức ép của Trung Quốc. Hoa Kỳ không hành động tại hiện trường mà thực hiện các hoạt động huấn luyện, nâng cao khả năng phòng vệ của Philippines và cả khu vực. Tất cả nhắm đến mục tiêu bảo vệ luật pháp quốc tế trong vùng. Cụ thể, đó là năng lực của lực lượng cảnh sát biển, bao gồm các phương tiện hỗ trợ như máy bay không người lái và các phương tiện viễn thám khác. Phát triển năng lực của các nước trong khu vực là cơ sở bước đầu để tìm kiếm khả năng giải quyết hòa bình đối với chính sách hung hăng của Trung Quốc. 

Philippines đứng mũi chịu sào

Điểm lại các diễn biến nóng nhất trên Biển Đông năm qua, ông Harrison Prétat, Phó Giám đốc và Nghiên cứu viên, Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), CSIS, cho biết năm 2018 đánh dấu là năm đầu tiên Trung Quốc triển khai lực lượng hải cảnh và dân quân biển với số lượng lớn xuống khu vực Trường Sa, sau khi hoàn thành các cơ sở quân sự ở quần đảo này. Mục đích của Trung Quốc là đẩy lùi hoạt động của các nước khác ra khỏi khu vực đường 9 đoạn. 

Nhìn lại hoạt động của Trung Quốc năm 2023, ông Harison cho rằng cần nhìn vào 5 thực thể là bãi cạn Scarborough, bãi Cỏ Mây, cụm bãi cạn Luconia, bãi Tư Chính và đảo Thị Tứ. Trong năm 2023, Trung Quốc đã tuần tra khu vực này tổng cộng 1652 ngày quy đổi. AMIT đã đã chụp hàng ngàn ảnh vệ tinh để theo dõi lực lượng dân quân biển của Trung Quốc. Có khoảng 250 tàu dân quân biển của Trung Quốc được nhận diện trong quần đảo Trường Sa. Ngày cao điểm lên tới 375 tàu. Như vậy, con số thực tế có thể lên tới 400 đến 500 chiếc tàu dân quân biển Trung Quốc đang hoạt động ở Trường Sa. 

Năm 2021 xảy ra vụ tấn công bằng vòi rồng của Trung Quốc đối với tàu Philippines tiếp tế cho binh sĩ đồn trú trên bãi Cỏ Mây. Từ đó căng thẳng ngày càng tăng và hiện nay AMTI vẫn đang theo dõi thấy có khoảng 30 - 40 tàu Trung Quốc vẫn đang chờ đợi các tàu tiếp tế của Philippines đến để đánh chặn. 

Tại sao từ đầu năm 2023 đến nay, Trung Quốc chọn Philippines để gây căng thẳng bằng cách bao vây bãi Cỏ Mây mà không chọn một nước nào khác, chẳng hạn như Việt Nam ? Đó là câu hỏi ông Mary Hebert Eli, nhà nghiên cứu không thường trú tại CSIS, dành cho bà Hong Nong, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ - Trung Quốc, một think tank ở Washington DC. Các nghiên cứu của bà công bố quan điểm ủng hộ Chính phủ Trung Quốc, phản bác phán quyết của Tòa PCA năm 2016. Theo bà Hong Nong, Tổng thống Philippines muốn xử lý mối quan hệ với Trung Quốc bằng cách công bố các hình ảnh, video về các sự kiện xung đột. Hong Nong cho biết bà cũng đã xem nhiều video trên mạng Trung Quốc về các sự kiện xung đột của Trung Quốc với Philippines. Cho rằng phải so sánh từng video mới thấy ai mới là bên kích động cuộc xung đột, bà Hong Nong cho rằng Trung Quốc thay đổi chính sách là do sự kích động của Philippines. Cho rằng Philippines đã mang theo cả thiết bị và vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng thay vì chỉ mang theo thực phẩm cho binh sĩ đồn trú trên Bãi Cỏ Mây, bà Hong Nong nói đó là điểm gây ra sự thay đổi chính sách của Trung Quốc đối với Philippines.

Các khả năng hợp tác trong vùng 

Ông Mary Hebert Eli đặt câu hỏi với Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Ely Ratner rằng mặc dù năm qua, hoạt động của Mỹ ở Biển Đông chủ yếu là hỗ trợ Philippines, nhưng liệu Mỹ có hoạt động gì thúc đẩy quan hệ với Việt Nam hay không. Ông Ely Ratner nhắc lại sự kiện Việt Mỹ nâng cấp mối quan hệ lên thành "đối tác chiến lược toàn diện" trong năm 2023. Ông coi điều đó thể hiện một tầm nhìn mới của lãnh đạo hai nước để gỡ bỏ các vướng mắc và xây dựng các hình thức hợp tác mới. 

Theo ông Ely, quan hệ Việt Mỹ tập trung vào việc giải quyết các "di sản chiến tranh", bao gồm vấn đề chất độc màu da cam, tìm kiếm hài cốt binh sĩ hai bên mất tích trong chiến tranh. Các trường Đại học Mỹ đã giúp phân tích bộ dữ liệu còn lại từ thời chiến để tìm ra những thông tin hữu ích cho việc tìm kiếm hài cốt binh sĩ mất tích trong cuộc chiến kết thúc gần 50 năm trước. Ông tin rằng những điều này sẽ giúp củng cố niềm tin để thúc đẩy những cuộc thảo luận về các lĩnh vực khác như hợp tác bảo vệ an ninh trên biển. Ở lĩnh vực hợp tác an ninh trên biển, Hải quân và Lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò chủ đạo ở phía Mỹ. Nhìn từ góc độ lịch sử thì mối quan hệ Việt Mỹ là phức tạp nhưng nhìn vào hiện tại thì hai bên chia sẻ nhiều lợi ích chung. 

Trả lời câu hỏi của RFA về những khả năng hỗ trợ của Chương trình Viện trợ An ninh Chính thức (OSA) của Nhật Bản năm 2024 đối với sáu nước, trong đó có Việt Nam, Philippines và Indonesia, Giáo sư Saya Kiba, Trường Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kobe, Nhật Bản, cho biết khả năng thành công của chương trình Viện trợ An ninh Chính thức sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chương trình này cũng giống như chương trình viện trợ phát triển ODA. Nó dựa trên yêu cầu cụ thể của phía quốc gia muốn nhận viện trợ và dựa trên các thỏa thuận song phương. Nếu các quốc gia đó muốn phát triển những năng lực liên quan đến viện trợ OSA thì chúng ta có thể thảo luận. Dĩ nhiên, tài chính có giới hạn. Nếu các quốc gia muốn nhận viện trợ những thiết bị quá đắt đỏ thì việc viện trợ không hoàn lại sẽ khó khăn mà có thể phải mua. Bà Saya Kiba bày tỏ lòng rằng chương trình viện trợ OSA sẽ không loại trừ ai và không gây thêm căng thẳng trong khu vực. 

RFA đặt câu hỏi với Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Nghiên cứu Luật biển và Bang giao trên biển, Đại học Quốc gia Philippines, về khả năng hợp tác giữa Philippines và Việt Nam khi mà hai nước cũng có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên nhau. Giáo sư Jay cho rằng mặc dù hai nước có những tranh cãi về chủ quyền, mối quan hệ giữa hai nước vẫn rất tốt và vững chắc. Đó thực sự là một mô hình để cho các nước khác thấy xung đột trên Biển Đông nên được giải quyết như thế nào. Hai nước đã trao đổi các mối quan hệ kinh tế và chính trị ở cả cấp độ cá nhân và quốc gia. Ông cho rằng đó là điều các nước khác, trong đó có Trung Quốc, nên làm để xử lý xung đột trên Biển Đông. 

Nguồn : RFA, 12/07/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 263 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)