Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/11/2024

Tương lai của NATO phụ thuộc vào Donald Trump

RFI tổng hợp

Trump đắc cử tổng thống Mỹ và những hệ quả đối với NATO

Thanh Phương, RFI, 08/11/2024

Tổng thư ký khối NATO và tổng thống Ukraine đã là hai trong số các lãnh đạo thế giới đầu tiên gởi lời chúc mừng đến tổng thống thứ 47 tương lai của Hoa Kỳ. Một số nguyên thủ quốc gia khác của Châu Âu đã nhanh chóng chúc mừng Donald Trump và tuyên bố sẵn sàng hợp tác với ông, đồng thời nhấn mạnh họ sẽ bảo vệ lợi ích của Châu Âu.

otan1

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại thượng đỉnh NATO ngày 04/12/2019, tại Watford, Anh Quốc. AP - Evan Vucci

Nhưng chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang làm dấy lên nhiều lo ngại trong các nước Châu Âu thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO, bởi vì việc nhà tỷ phú thuộc đảng Cộng Hòa trở lại Nhà Trắng chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm tàng đối với khối quân sự mà cho tới nay Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò lãnh đạo.

Chiến thắng của Donald Trump dĩ nhiên là khiến Nga vui mừng. Không chỉ có thái độ thù nghịch với NATO, ông Donald Trump vẫn không che giấu sự thán phục đối với tổng thống Vladimir Putin. Chủ nhân điện Kremlin thì cũng có cảm tình với tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ.

Putin hy vọng là khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump sẽ cắt giảm mạnh, thậm chí ngưng viện trợ cho Ukraine để buộc tổng thống Volodymyr Zelensky đàm phán với Nga, rồi phải từ chức sau khi thua trận.

Vào đầu năm 2024, trong một cuộc mít tinh, chính Donald Trump đã thuật lại cuộc trao đổi giữa ông với một lãnh đạo quốc gia thành viên khối NATO. Nhà lãnh đạo đó đã hỏi Trump : "Nếu chúng tôi không chi tiền mà chúng tôi bị Nga tấn công, ông có sẽ bảo vệ chúng tôi không ?". Trump trả lời : "Không, tôi sẽ không bảo vệ các ông. Tôi sẽ để cho Nga muốn làm gì các ông thì làm. Các ông phải trả nợ của các ông".

Đóng góp tài chính cho quốc phòng

Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, Donald Trump đã lên tục chỉ trích Liên minh Bắc Đại Tây Dương, than phiền là khoản đóng góp của Mỹ quá cao, và yêu cầu các nước thành viên khác của NATO tăng ngân sách quốc phòng của mình.

Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, Donald Trump thậm chí còn tuyên bố là Mỹ sẽ chỉ bảo vệ các thành viên NATO trước một cuộc tấn công có thể xảy ra từ Nga với điều kiện là các nước đó thi hành nghĩa vụ ngân sách quốc phòng của mình.

Những lời đe dọa đó của ông Trump cùng với nguy cơ bị Nga tấn công giống như Ukraine đã thúc đẩy nhiều nước Châu Âu gia tăng chi tiêu quốc phòng trong những năm qua.

Theo NATO, 23 trong số 32 thành viên của tổ chức này sẽ đạt mục tiêu chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng trong năm nay, trong khi cách đây một thập niên, chỉ có 3 quốc gia đạt được tỷ lệ này.

Trong Liên Hiệp Châu Âu, lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, năm nay Đức đã đạt được mục tiêu 2% GDP chi tiêu quốc phòng, Pháp cũng đạt mức tương tự. Nhiều quốc gia giáp Ukraine và Nga, như Estonia, Phần Lan, Romania, Hungary và Ba Lan, cũng đã tăng chi tiêu quân sự do chiến tranh đang diễn ra trước cửa nhà họ. Đáng chú ý là Ba Lan đã tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng, nay đã lên đến hơn 4% GDP và chính phủ Vacxava đã cam kết tăng chi tiêu lên 5% GDP vào năm tới. Như vậy, Ba Lan sẽ trở thành nước đóng góp lớn nhiều nhất cho NATO, tính theo tỷ lệ với sản lượng kinh tế quốc gia.

Tính theo giá trị tuyệt đối thì cho tới nay, đúng là Hoa Kỳ vẫn đóng góp tài chính nhiều nhất cho khối NATO, cụ thể là phần đóng góp của Mỹ chiếm đến 16,34% trong năm 2024, hơn Đức, Anh Quốc và Pháp, ba nước chi nhiều nhất trong số các thành viên Châu Âu. Nếu không có phần đóng góp của Hoa Kỳ thì Châu Âu sẽ buộc phải thay đổi sâu rộng cấu trúc phòng thủ của mình.

Theo ước tính mới nhất của Liên minh, Hoa Kỳ sẽ chi gần 968 tỷ đôla cho quốc phòng trong năm 2024. Tuy nhiên, nước Mỹ đang gặp khủng hoảng nợ, làm thế nào chính phủ Mỹ có thể duy trì - hoặc tăng - chi tiêu quốc phòng, trong khi lãi suất nợ liên bang đã đạt mức kỷ lục, và các kế hoạch của Donald Trump trong lĩnh vực này có thể sẽ chỉ làm tăng thêm gánh nặng này. Trong trường hợp đó, tổng thống Mỹ thứ 47 tương lai sẽ lại càng gây áp lực buộc các đồng minh Châu Âu trong NATO đóng góp thêm cho phòng thủ chung.

Châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ

Từ nhiều năm qua, không quân nhiều nước Châu Âu đã trang bị chiến đấu cơ F-35 của Mỹ thay vì dùng các phi cơ Châu Âu. Đó là trường hợp của các nước Anh Quốc, Ý, Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Na Uy, Thụy Sĩ, Phần Lan và Đức. Khi ký hợp đồng mua chiến đấu cơ F-35, thủ tướng Đức Olaf Scholz giải thích rằng F-35 có thể mang theo bom nguyên tử B61-12 của Mỹ, mà chiến lược răn đe của NATO chính là dựa trên loại bom này.

Vấn đề là việc sử dụng chiến đấu cơ F-35 trong một cuộc xung đột, dù là chiến tranh quy ước, cũng đều phải có sự chấp thuận của Washington. Trump sẽ quyết định ra sao nếu như sau Ukraine, Nga tấn công một nước Châu Âu khác ?

Sự phụ thuộc của Châu Âu còn lớn hơn thế nữa. Thomas Schumacher, chuyên gia về các vấn đề quốc phòng, trong một bài viết đăng trên Tạp chí Quốc phòng, lưu ý hệ thống liên lạc của toàn bộ các phi cơ của lực lượng khối NATO, không chỉ F-35, mà cả Rafale và Eurofighter đều nằm dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ.
Có thể thuyết phục được Trump ?

Theo một số nhà phân tích chính trị, cần phải có thái độ thực dụng để có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến NATO với Donald Trump. Về điểm này thì Châu Âu có thể trông chờ vào tân tổng thư ký khối NATO Mark Rutte. Mối quan hệ giữa ông nhà tỷ phú Mỹ và nhà lãnh đạo Hà Lan nói chung là hữu hảo.

Theo lời kể của nhà nghiên cứu về an ninh và quốc phòng tại Viện Clingendael, trụ sở tại La Haye, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Euronews, tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2018, khi Donald Trump ám chỉ rằng Hoa Kỳ có thể rời khỏi Liên minh, Mark Rutte, lúc đó còn là thủ tướng Hà Lan, đã ca ngợi tổng thống Mỹ vì đã thúc đẩy Châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng (cho dù thực tế lúc đó không phải như thế). Được nịnh hót như vậy, Trump rất khoái. Kể từ đó, khi nào đến Nhà Trắng, Mark Rutte cũng được Donald Trump tiếp đón niềm nở.

Tại cuộc họp thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Châu Âu ở Budapest hôm qua, 7/11/2024, lãnh đạo khối NATO đã cố lôi kéo tổng thống tân cử của Mỹ vào cuộc đối đầu với mối đe dọa Nga, bằng cách nhấn mạnh sự tham gia của Bắc Triều Tiên vào chiến tranh Ukraine đã làm thay đổi cục diện, kể cả đối với Hoa Kỳ.
Nga và Bắc Triều Tiên đã thắt chặt quan hệ kể từ khi tổng thống Putin phát động cuộc chiến tranh Ukraine tháng 2/2022. Bình Nhưỡng bị phương Tây cáo buộc cung cấp một số lượng lớn đạn pháo và tên lửa cho quân đội Nga và gần đây đã gởi hàng ngàn binh sĩ đến vùng biên giới Nga-Ukraine.

Ông Mark Rutte lưu ý, đổi lại Nga cung cấp công nghệ cho Bắc Triều Tiên, quốc gia hiện đang đe dọa đến cả Hoa Kỳ, Châu Âu cũng như các đối tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương" và ông nhấn mạnh đây là một diễn biến "nguy hiểm". Iran bị cáo buộc cung cấp máy bay không người lái và tên lửa cho Nga, còn Trung Quốc giúp Matxcơva lách các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với công nghệ có thể giúp Nga trong cuộc chiến chống lại Kiev.

Châu Âu phải tự lo cho an ninh của mình ?

Nhưng những lập luận đó không chắc là sẽ đủ để thuyết phục được một nhân vật tính khí bất thường, khó mà lường trước như Donald Trump. Khi vận động tranh cử, Donald Trump đã hứa sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraine trong vòng 24 giờ mà không nói rõ bằng cách nào. Các thành viên Châu Âu trong NATO lo ngại trước khả năng Donald Trump, như ông đã nhiều lần đề nghị, cắt viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, số tiền mà ông thường xuyên đánh giá là quá cao.

Trước khi có kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Marko Mikhelson, chủ tịch ủy ban về các vấn đề đối ngoại của Quốc hội Estonia và cũng là trưởng phái đoàn Estonia tại NATO, trong một bài đăng đăng trên mạng xã hội X, đã cảnh báo Châu Âu phải "sẵn sàng chiến đấu cho chính mình và các đồng minh. Cho dù tổng thống tiếp theo của Mỹ rất có thể sẽ là Donald Trump, Châu Âu phải làm mọi cách để bảo vệ liên minh xuyên Đại Tây Dương. Những năm khó khăn nhất của NATO đang ở phía trước chúng ta".

Tại cuộc họp thượng đỉnh ở Budapest hôm qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã tuyên bố rằng Châu Âu "không thể cứ mãi giao phó cho Washington việc đảm đảo an ninh, mà phải bảo vệ mạnh mẽ hơn các lợi ích của mình trước Hoa Kỳ và Trung Quốc".

Thanh Phương

**************************

Chiến lược của Zelensky để thuyết phục Trump không bỏ rơi Ukraine

Thu Hằng, RFI, 08/11/2024

Trong suốt quá trình vận động tranh cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump nhắc đi nhắc lại là sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraine "trong vòng 24 giờ" để Mỹ ngừng viện trợ quân sự cho Kiev. Chính quyền tổng thống Volodymyr Zelensky chưa hẳn đã thất vọng khi thấy tổng thống thứ 47 của Mỹ là người chủ trương "Nước Mỹ trên hết", mà dường như ngay từ tháng 09/2024, Kiev đã chuẩn bị chiến lược thuyết phục ông Trump không bỏ rơi Ukraine.

otan2

Tổng thống Volodymyr Zelensky và ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa Donald Trump tại New York, Hoa Kỳ, ngày 27/09/2024. AP - Julia Demaree Nikhinson

Ngay ngày 06/11, ông Volodymyr Zelensky là một trong những lãnh đạo đầu tiên chúc mừng chiến thắng của tổng thống tân cử Mỹ, nước viện trợ quân sự chính cho Ukraine với 175 tỉ đô la từ năm 2022. Ông cũng không quên nhấn mạnh đến những lợi ích mà Washington có từ việc tiếp tục hỗ trợ cho Kiev, vì "Ukraine là một trong những nước có sức mạnh quân sự ở Châu Âu và trong cộng đồng xuyên Đại Tây Dương, với sự hỗ trợ của các đồng minh".

Ukraine đã lường khả năng Trump trở lại Nhà Trắng

Theo trang L’Express ngày 08/11, đề xuất này được trích từ "Kế hoạch Hòa bình" được tổng thống Zelensky trình bày vào tháng 9 ở Mỹ, kể cả với ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump và đội ngũ thân cận. Nói cách khác, một nước Ukraine độc lập, vững mạnh sẽ có lợi cho kế hoạch của Hoa Kỳ giảm sự can thiệp và hiện diện ở Châu Âu trong khuôn khổ NATO để đối phó với Nga.

Khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ lần đầu, ông Zelensky cũng đã là nguyên thủ quốc gia phương Tây đầu tiên chúc mừng. "Zelenky rất quan tâm và dành sự tôn trọng nhất định cho Trump", theo nhận định của nhà chính trị học Volodymyr Fessenko, được trang Le Temp của Thụy Sĩ trích dẫn ngày 08/11. Còn giáo sư Olexiy Haran, Đại học Mohyla ở Kiev, nhắc lại cũng chính "Donald Trump là người cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine" (tên lửa chống tăng Javelin) vào năm 2019.

Có lẽ mối liên hệ khá tốt giữa hai nhà lãnh đạo sẽ được chính quyền Kiev khai thác trong chiến lược thuyết phục tổng thống thứ 47 của Mỹ không bỏ rơi Ukraine. Ngoài ra, cả một ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ, kể cả tại những bang bầu cho ứng viên Cộng Hòa (Arkansas, Alabama, Florida), được tăng tốc để đáp ứng nhu cầu viện trợ quân sự cho Ukraine với khoản đầu tư lên đến 50 tỉ đô la. Trang L’Express cho rằng nền kinh tế địa phương sẽ bị tác động nặng nề nếu kế hoạch sản xuất vũ khí cho Ukraine bị đình chỉ ngay lập tức.

Vận động để tạo thuận lợi trong trường hợp đàm phán

Cựu ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkim lưu ý "ông Donald Trump không phải là người ủng hộ một tiến trình dài hạn. Đa số đảng Cộng Hòa, kể cả ông Trump, không sẵn sàng viện trợ cho một cuộc chiến tiêu hao". Lời tuyên bố giải quyết chiến tranh Ukraine "trong vòng 24 giờ" hiện không được coi là nghiêm túc, vì chủ yếu nhằm mục đích thắng cử, nhưng trước mắt, có nhiều khả năng hai bên tham chiến sẽ bị gây sức ép để ngồi vào bàn đàm phán.

Nhà chính trị học Volodymyr Fessenko cho rằng "Nếu Ukraine từ chối một thỏa thuận hòa bình theo điều khoản của ông Trump, Hoa Kỳ có thể đe dọa cắt viện trợ quân sự cho Ukraine. Và nếu ông Putin từ chối một thỏa hiệp hòa bình, Mỹ sẽ đe dọa điện Kremlin là sẽ gia tăng hỗ trợ cho Ukraine". Có thể thấy, "với Donald Trump, sẽ có nhiều nguy cơ hơn nhưng cũng có cơ may hơn", theo cựu ngoại trưởng Ukraine.

Và dường như kịch bản chuyển giao quyền lực ở Mỹ đã được Kiev chuẩn bị từ lâu, theo nhận định của ông Oleksandr Kraiev, giám đốc chương trình Bắc Mỹ của tổ chức Ukrainian Prisme ở Kiev : "Donald Trump, người không thể đoán trước được, có thể trao cho chúng ta (Ukraine) tất cả những gì chúng ta cần nếu chúng ta chấp nhận đàm phán. Ông cũng có thể ngừng giao vũ khí nếu ông bỗng nhiên quên mất chúng ta là ai".

Do đó, Kiev phải tìm một cách tiếp cận khác, chấp nhận phương thức hoạt động của tổng thống thứ 47 của Mỹ. Phát biểu trong buổi họp báo tại Budapest, bên lề thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Châu Âu, tổng thống Zelensky không chấp nhận ngừng bắn bây giờ và nhượng lãnh thổ cho Nga, nhưng không loại trừ khả năng "sẽ xem xét sau này". Có lẽ đó sẽ là quãng thời gian để Kiev vận động tân tổng thống Mỹ, thuyết phục ông thực hiện cam kết chấm dứt chiến tranh "trong vòng 24 giờ" nhưng theo hướng có lợi cho người dân Ukraine.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương, Thu Hằng
Read 85 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)