Cơ chế đặc thù cho phép Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai những mô hình mới nhằm thúc đẩy sự phát triển. Nhưng cuộc cách mạng tinh gọn đã đưa siêu đô thị này trở lại chiếc áo đồng phục như các địa phương khác.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh trao quyết định bổ nhiệm cho bà Phạm Khánh Phong Lan giữ chức vụ Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố
Ngày 1/1/2024, Sở An toàn Thực phẩm ra đời rầm rộ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên trong lịch sử chính quyền có một cơ quan cấp sở phụ trách ngành này. Và đó cũng là lần duy nhất.
Người đứng đầu sở là bà Phạm Khánh Phong Lan, một chính trị gia nổi bật trên diễn đàn Quốc hội trong những năm qua với các phát ngôn thẳng thắn, mạnh mẽ ở nghị trường. Bà được cho là đã dành rất nhiều tâm huyết vào việc quản lý vấn đề an toàn thực phẩm, tâm tư với bữa ăn an toàn của người dân trong bối cảnh thành phố lo lắng về nạn ngộ độc thực phẩm.
"Chúng tôi sẽ nỗ lực để người dân thành phố được an tâm mỗi khi chọn lựa đồ ăn", bà Lan phát biểu trong buổi ra mắt sở.
Sau 6 năm giữ chức trưởng ban, cũng là 6 năm triển khai mô hình thí điểm về Ban An toàn thực phẩm, bà Lan đã trở thành nữ giám đốc đầu tiên, rồi nhanh chóng được bầu làm ủy viên ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - một trong những nhóm tinh hoa hoạch định chính sách ở Thành phố Hồ Chí Minh.
'Khắc nhập', 'khắc xuất' rồi lại 'khắc nhập'
Lập Sở An toàn thực phẩm là một nỗ lực vượt ra khỏi khuôn khổ của các quy định hiện tại, một cơ chế đặc thù mà thành phố này có được, nhằm thoát ra khỏi chiếc áo khá chật chội của một chính quyền siêu độ thị đang phát triển mạnh mẽ.
Trước đó, bữa ăn của người dân do ba cơ quan chịu trách nhiệm, gồm nông nghiệp, công thương và y tế. Sở An toàn thực phẩm này được kỳ vọng sẽ giúp tập trung đầu mối thanh tra, kiểm tra, tạo thuận lợi cho người dân.
Báo cáo của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra điều này là nhằm "tránh được sự chồng chéo, tránh tình trạng mỗi năm một cơ sở, doanh nghiệp phải chịu quá nhiều sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm".
Các đánh giá của Thành phố Hồ Chí Minh về mô hình thí điểm Ban quản lý An toàn thực phẩm trước đó, cũng như Sở An toàn Thực phẩm sau này đều dành những lời đánh giá cao về "tính cấp thiết" và hoạt động hiệu quả.
Mọi sự đang tiến triển tốt đẹp.
Nhưng "kỷ nguyên vươn mình" với cuộc "cách mạng tinh gọn" như một cơn lốc ập tới.
Cùng với cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh hối hả hưởng ứng công cuộc "sắp xếp lại giang san" của Tổng bí thư Tô Lâm và Sở An toàn Thực phẩm nhanh chóng nằm trong danh sách các cơ quan bị chấm dứt hoạt động.
Chức năng quản lý an toàn thực phẩm lại được trả về chốn cũ cho ba nhà: y tế, công thương và nông nghiệp, như bao nhiêu tỉnh thành khác.
Một số chuyên gia nhận định Thành phố Hồ Chí Minh đang dần mất đi vai trò đầu tàu kinh tế của mình. Do đó, thành phố mong muốn được có cơ chế đặc thù để phục vụ cho nhu cầu của một đô thị lớn nhất trên cả nước - điều này đòi hỏi Thành phố Hồ Chí Minh có những cơ quan ban ngành khác các địa phương khác.
Không giống với nhiều địa phương khác, Thành phố Hồ Chí Minh còn có thêm Sở Du lịch và Sở Quy hoạch Kiến trúc.
Nhưng cũng chịu chung số phận với Sở An toàn thực phẩm, hai sở này cũng chấm dứt hoạt động khi mảng du lịch quay về với cơ quan cũ là Sở Văn hóa Thể thao để trở thành Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, còn "quy hoạch kiến trúc" nhập vào Sở Xây dựng và Giao thông Vận tải.
Thành phố Hồ Chí Minh được cho là đã đổ khá nhiều vốn liếng chính trị cho cơ chế đặc thù trong đó có việc thành lập Sở An toàn Thực phẩm. Một số địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng cũng đã "rục rịch" nhân rộng mô hình mô hình này. Kể cả Sở Du lịch, bên cạnh Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng, có 5 tỉnh gồm Đà Nẵng, Quảng Bình, Bình Định, Quảng Ninh, Nghệ An cũng chuẩn bị có thêm cơ quan này, tách khỏi ngành văn hóa - thể thao.
Tất cả đều dừng lại. Tất cả đều quay trở lại chốn xưa.
Búp bê Matryoska
Có thể nhận thấy trong cuộc cách mạng tinh gọn với tinh thần "trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng", các tỉnh, thành dường như nhất loạt làm theo một cách cơ học "trung ương có gì địa phương có nấy" khi tất cả đều vận một bộ "đồng phục" như nhau bất kể quy mô về dân số, diện tích có phải là cách làm hiệu quả.
Hình ảnh những con búp bê Nga Matryoska đôi khi được dùng để ví von cho cấu trúc chính trị Việt Nam, cấp Trung ương có cơ quan nào, cấp địa phương có cơ quan đó
Quản lý một siêu đô thị như Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 10 triệu dân hoàn toàn khác với quản lý một tỉnh như Bắc Kạn chỉ có hơn 352.000 dân, hay Đắk Nông với 770.000 người. Chính vì thế, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 31 sở, ngành thì con số này ở Đắk Nông chỉ là 20, tùy theo đặc thù địa phương.
Không chỉ nhiều hơn về số lượng sở ngành, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có số biên chế cao hơn số được giao. Cụ thể, Trung ương phân cho địa phương này 6.777 biên chế, nhưng con số thực tế lên đến 10.073 người, theo Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh.
Vậy nhưng, dự kiến sau cuộc "đại giải phẫu", số lượng sở ban ngành ở Thành phố Hồ Chí Minh cắt giảm còn 22, và một số sở đặc thù quay về chiếc áo đồng phục xưa, cùng với đó sẽ không ít người chịu cảnh "tinh giản biên chế".
"Có đồng chí phải rời vị trí của mình để đất nước phát triển cũng là việc làm có ý nghĩa, không có gì phải trăn trở", Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nói.
Nhưng dường như còn rất nhiều thứ phải "trăn trở".
Cuộc cách mạng tinh gọn của Tổng bí thư Tô Lâm dường như nhận được nhiều hưởng ứng và được cho là điều cần thiết cho sự phát triển của đất nước, nói như ông Tô Lâm là "phẫu thuật khối u" để cơ thể khỏe mạnh, hướng tới "kỷ nguyên vươn mình".
Thông thường, một cơ quan ở địa phương sẽ phải chịu sự quản lý theo hàng ngang và hàng dọc, thường được nhắc đên là hệ thống "song trùng trực thuộc".
Hàng ngang là sự quản lý về hành chính của địa phương, còn hàng dọc là quản lý chuyên môn của cơ quan trung ương.
Hình ảnh những con búp bê Nga Matryoska đôi khi được dùng để ví von cho cấu trúc này, với hệ thống chính quyền 4 cấp.
Chẳng hạn, ở chính quyền trung ương có chính phủ, thì về các địa phương sẽ là các ủy ban nhân dân tỉnh/thành, xuống đến quận/huyện và phường/xã.
Các bộ cũng như vậy, như Bộ Y tế, theo mô hình hàng dọc, các tỉnh, thành sẽ có các Sở Y tế, xuống quận, huyện sẽ là các Trung tâm y tế, và phường, xã là Trạm y tế.
Riêng Ngân hàng Nhà nước thì có chi nhánh tại 63 tỉnh thành, không triển khai xuống cấp thấp hơn.
Trong khi đó các đoàn thể như Mặt trận tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, cũng đều theo mô hình hàng dọc từ Trung ương xuống tận các phường xã.
Hệ thống các tổ chức đảng, ngoài các cấp hành chính này, còn được tổ chức tại các cơ sở như thôn, xóm.
Trong khi đó, hệ thống lập pháp, ngoài Quốc hội ở trung ương, hệ thống này ở cấp tỉnh - thành phố trực thuộc trung ương là Hội đồng nhân dân. Mô hình hội đồng nhân dân của hai cấp quận/huyện và phường/xã đã được bãi bỏ.
Riêng với Sở An toàn Thực phẩm thì đây là một bộ phận hoàn toàn mới, trên vẫn chưa có mà dưới cũng chưa xuất hiện.
Không rõ có phải là luyến tiếc về một mô hình hiệu quả hay tiếc sức cho quá nhiều vốn chính trị được đổ vào mà Thành phố Hồ Chí Minh, một mặt tuân theo chủ trương của trung ương, mặt khác đã có báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng về Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh lại tầm quan trọng và tính cấp thiết của cơ quan này, theo một số tờ báo trong nước như Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Dân Trí...
Cuộc sắp xếp mới được đánh giá là cần thiết. Nhưng đồng thời cũng đặt ra câu hỏi lớn về tính hiệu quả khi những đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh phải "mặc chung đồng phục" với các tỉnh miền núi khác không chỉ tạo ra sự bất cập lớn mà còn có nguy cơ kìm hãm bước tiến của thành phố, vốn đang đánh mất đi vị thế đầu tàu kinh tế trong thời gian qua.
Cuộc tinh giản thực ra đã được thực hiện trong nhiều năm qua. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, từ năm 2016 đến năm 2023, cả nước đã tinh giản gần 90.000 biên chế. Đến năm 2025, Nhà nước tiếp tục giảm tối thiểu bình quân 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021.
Những con số này tuy tạo ấn tượng nhưng một số chuyên gia nhận định các biện pháp này là chưa đủ, thậm chí nảy sinh vấn đề nếu chỉ cắt giảm các đầu mối như hiện tại.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang viết trên mục Góc nhìn của VnExpress như sau :
"Cắt giảm cơ học nảy sinh nhiều vấn đề, đặc biệt khi các ngành và địa phương có khác biệt lớn về nhiệm vụ và ưu tiên phát triển. Chẳng hạn, quản lý một phường trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh rõ ràng phức tạp hơn rất nhiều so với một phường ở các tỉnh miền núi.
"Thế nhưng các đơn vị hành chính này lại chịu sự điều chỉnh chung bởi các quy định đồng nhất. Trong khi đó, yêu cầu cắt giảm biên chế không tính đến biến động về khối lượng công việc thực tế".
Bên cạnh đó, theo một số nhà quan sát, việc tinh gọn một cách cơ học trong khoảng thời gian gấp rút sẽ dẫn đến nhiều xáo trộn, khối lượng công việc nặng nề trong sau khi cắt giảm biên chế có khả năng sẽ có thể ảnh hưởng tới hệ thống hành chính, tới đội ngũ công chức viên chức và nhất là người dân.
Nhân sự dôi dư
Cùng với việc cắt giảm các sở, ngành, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện "cú bồi" cho công cuộc tinh gọn khi sáp nhập 80 phường xã để thành lập 41 phường mới, giảm 39 phường ngay từ ngày 1/1/2025.
Dự kiến có hơn 1.000 nhân sự dôi dư và Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng lộ trình sắp xếp số lượng nhân sự dôi dư này trong vòng 5 năm, đồng thời áp dụng các chính sách hỗ trợ bổ sung.
Tuy nhiên, đây chỉ là kế hoạch cho cán bộ phường, xã, còn công chức dôi dư do sáp nhập, giải thể các sở chưa rõ sẽ được sắp xếp, tính toán như thế nào.
Bộ trưởng Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà đã mạnh mẽ phát biểu rằng, đề nghị những người đứng đầu phải sẵn sàng tâm thế như ra trận và chiến thắng và rằng cán bộ "cần vui vẻ chấp hành sự phân công, quyết định của tổ chức".
Tuy nhiên, giải quyết nhân sự dôi dư là bài toán cam go, nhất là đối với những người chưa đến tuổi về hưu thì sau cắt giảm họ sẽ đi về đâu, có thực sự vui vẻ và ở tâm thế ra trận chiến thắng như những thúc giục của lãnh đạo ?
Đấy là chưa kể mới đây, năm 2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Bộ luật lao động mới, theo đó tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng từ 60 lên 62 đối với nam, và 55 lên 60 đối với nữ.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu trong năm 2025, năm mà cuộc sắp xếp lại giang sơn diễn ra mạnh mẽ, lao động nam sẽ là 61 tuổi 3 tháng, lao động nữ sẽ là 56 tuổi 8 tháng.
Vẫn chưa rõ những người được khuyến khích về hưu sớm sẽ nhận được những hỗ trợ như thế nào, tuy nhiên, mới đây, ngày 12/12, Bộ Nội vụ đã bác bỏ thông tin lan truyền trên mạng xã hội về chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp bộ máy là "không chính xác".
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm đã nhận định rằng, sự xung đột lợi ích, sự chống đối là điều không thể tránh khỏi trong cuộc "thay máu" nhân sự và hệ thống này.
"Một số cán bộ, đảng viên có thể cố tình đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm hoặc trì trệ, bàn lùi. Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải đưa ra các gói trợ cấp thôi việc cho một số trường hợp, đồng thời cần phải hành động nhanh chóng để loại bỏ những cán bộ bất hợp tác".
Giáo sư Thayer cũng cho rằng Tổng bí thư Tô Lâm sẽ ưu tiên những người thể hiện sự chủ động và hành động nhanh chóng. Những ai tỏ ra kém cỏi hoặc chống đối sự thay đổi sẽ bị cách chức.
Trong buổi tọa đàm của báo Thanh Niên về vấn đề tinh gọn ngày 11/12, Tiến sĩ Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) cho rằng cần có chính sách vượt trội cho từng đối tượng, để có điều kiện chuyển công việc mới, bước cuối cùng mới là ra khỏi bộ máy. Ông Hòa nêu ví dụ nếu có hai ông trưởng phải chọn một ông thì một ông nếu xuống làm phó thì phải có chế độ phù hợp. Tương tự, trường hợp sẵn sàng về hưu thì cũng cần có chính sách phù hợp.
Hiện chưa rõ những chính sách "vượt trội" mà Đảng và Nhà nước ban hành sẽ hỗ trợ cho các cán bộ dôi dư ra sao, nhưng có điều chắc chắn đây sẽ là đối tượng bị tác động sẽ rất lớn, phải cần có thời gian, lộ trình cụ thể và những điều này không chỉ bằng quyết tâm chính trị, phát ngôn mạnh mẽ là làm được.
Nguồn : BBC, 16/12/2024