Chỉ vài ngày sau chuyến bộ hành ra khỏi Việt Nam của sư Minh Tuệ, vốn được hàng triệu người theo dõi, mọi thứ đã hiện rõ đó là bài toán của Nhà nước – dù chỉ là bước đầu – nhưng mục tiêu rõ ràng để dẹp bỏ sự thành kính không thể dập tắt của quần chúng đối vị sư chân đất, và quan trọng là lưu đày một cách hợp pháp ông ra khỏi cội nguồn quê hương.
Sư Minh Tuệ và tăng đoàn trên đất Lào. Ảnh : FB Võ Hồng Ly
Ngay cả việc đưa sư Minh Tuệ đi khỏi quê nhà Gia Lai cũng đầy bất thường. Buổi sáng ngày 12/12, những người dân trong vùng, cũng như những người khắp nơi tụ về, do phỏng đoán ngày công an sẽ đưa sư Tuệ ra cửa khẩu biên giới Lào, đã thấy công an sắc phục, mật vụ thường phục… xuất hiện dày đặc trên con đường dẫn vào nhà sư Minh Tuệ. Có khoảng bốn chốt gác được lập ra để ngăn chặn bất kỳ ai muốn tiếp cận thầy. Điều buồn cười là yêu cầu vô lý trong đơn gửi công an của bà Nguyễn Thị Hoàng ở Bình Dương về chuyện phải dẹp bỏ quán cà phê Nắng và những người buôn bán trước con đường dẫn vào nhà sư Minh Tuệ, cũng đã được công an răm rắp làm theo trong ngày hôm đó.
Giống như cuộc cưỡng bức du hành thô bỉ, những chiếc xe của công an đóng kín cửa, chở sư Minh Tuệ đi nhanh thẳng ra đường, trong sự ngơ ngác nhìn theo của nhiều người đang quan tâm và lo lắng cho thầy.
Chuyến đi này, có ông Thượng tá công an Đoàn Văn Báu, chuyên viên về tâm lý tội phạm của Bộ Công An, đi kèm cặp sư Minh Tuệ. Mặc dù người này đã lên trên các kênh truyền thông để tự giải thích rằng mình không còn trong ngành công an nữa và chỉ đi theo sư Tuệ vì mến mộ, và đi tiền trạm rồi theo luôn trong đoàn để bảo vệ, nhưng khắp nơi vẫn còn đầy các câu hỏi rằng, nếu chỉ là một người mến mộ, tại sao ông Báu lại bỏ thời gian để vạch hết tất cả những lộ trình bắt buộc cho sư Tuệ, đồng thời đưa ra những quy định hạn chế nghiêm ngặt về người đi theo sư Tuệ, cũng như về việc đưa tin, chụp hình.
Đáng nói, trong những video mà ông Báu đưa ra về lộ trình của tám người đoàn sư Minh Tuệ, ngày 14/12, ông Báu vô tình sơ hở để lộ một chi tiết rằng ông chỉ chọn những con đường heo hút và đường rừng cho sư Minh Tuệ đi, vì sợ cung đường dễ tìm gặp thì sẽ có những người từ Việt Nam chạy sang và gia nhập đoàn đi cùng sư Tuệ.
Nếu là một người mến mộ đi theo sư Tuệ bình thường, tại sao ông Báu lại có một quyền hạn đặc biệt về quyết định lộ trình, buộc mọi người phải theo, và quan trọng là chỉ cho phép ai mà ông ta đã duyệt trước mới được đi theo sư Tuệ ?
Nói trong một video, ông Báu giải thích như một cách cảnh cáo rằng những người từ Việt Nam chớ có mà tìm cách tự mình đi qua Lào, tìm kiếm lộ trình của sư Tuệ rồi nhập đoàn. Ông nói điều này chỉ gây phiền phức cho sư Tuệ, và đây là điều mà chính quyền Lào cấm đoán. Theo lời ông Báu, chính quyền Lào chỉ cho các phép một đoàn đi giới hạn với 10 người, do đó chính vì vậy mà lúc này đoàn của sư Tuệ chỉ có tám người.
Lại thêm một điều nữa gây thắc mắc cho tất cả những người đang quan tâm đến sự kiện bộ hành của sư Minh Tuệ. Đã có người lên tìm kiếm về các quy định du lịch, cũng như tôn giáo của Lào, lại không thấy sự cấm cản nào liên quan đến con số 10 mà ông Báu nói. "Em chưa nghe nói đến việc giới hạn số lượng thầy tu bộ hành khất thực như ông công an nói", một người Việt sống ở Lào chia sẻ, và cũng không dám tiết lộ tên tuổi, "có những lúc em đã thấy các đoàn sư ở Lào đi khất thực đến vài chục người mà cũng không có chuyện gì xảy ra".
Trên một diễn đàn đã có người đặt câu hỏi rằng "nếu một đoàn chỉ được 10 người, vậy thì các thầy chia làm những đoàn đi cách nhau vài trăm mét, có được không ?". Không thấy ông Báu trả lời câu hỏi này.
Nhưng điều ông Báu cảnh cáo mọi người không phải là không có lý do. Trong một bản video, người ta nhìn thấy hai vị sư đi riêng lẻ, bị một chiếc xe có những người mặc Việt thường phục, rượt theo trên một đoàn đường vắng, cưỡng ép quay lại Việt Nam. Một vị dường như lên tiếng nói rằng ông hiện không đi chung đoàn với sư Minh Tuệ, nhưng không ai trả lời ông, và việc hủy bỏ chuyện bộ hành cũng không được giải thích.
Điều này cho thấy, khi đi qua biên giới, luật pháp Lào cho các vị sư này đã nhập cảnh bình thường, nhưng rồi có ai đó phát hiện và gọi báo, nhờ công an Lào phối hợp thì các vị này mới bị truy đuổi. Sau đó, thì Thượng úy Báu lên video khuyến cáo mọi người từ Việt Nam "đừng tìm cách theo thầy". Tại sao người Việt hâm mộ sư Minh Tuệ không thể tìm gặp ông, trong khi dân Lào thì đón trên đường với sự thành kính.
Hơn nữa, ông Báu, người tự xưng mến mộ đơn thuần nhưng mọi lúc trên đất Lào, đều cầm bộ đàm trong tay và liên lạc không ngừng. Đoàn của sư Minh Tuệ chỉ duy nhất có ông là cầm bộ đàm. Ông Báu phải liên lạc thường xuyên báo cáo với ai ?
Sau sự kiện vài vị sư bị rượt đuổi trên đường và trục xuất về Việt Nam. Một hiện tượng khác lại nổi lên, được bàn tán trên mạng. Một người Việt tên Nga Phạm viết trên Facebook cá nhân rằng bà ta đi qua Lào để du lịch, nhưng nhân viên hải quan Lào lại hỏi là bà có đi theo sư Minh Tuệ hay không. Dù bà khẳng định rằng bà chỉ đi du lịch, nhưng công an Lào vẫn không tin và không cho bà nhập cảnh. Đã có cuộc liên lạc cấp ngoại giao đến mức nào mà tên sư Minh Tuệ cùng những người đi theo đã bị ngăn chặn từ cửa biên giới ?
Chiếc thòng lọng của nhà cầm quyền dành cho sư Minh Tuệ hiện ra một cách rõ ràng, và có lẽ họ muốn chuyến đi của ông đi lâu hơn bình thường, để ở quê nhà người dân quên dần hình ảnh của ông, cũng như giúp phục hồi dần sự bệ rạc của Giáo hội Phật giáo tay sai trong những ngày tháng qua, khi sư Minh Tuệ còn ở trong nước.
Một trong những chi tiết ngày càng lộ rõ những điều đơm đặt, nhét chữ vào miệng sư Minh Tuệ, là công an Báu trong lúc ngồi giữa đoạn đường, có hỏi sư Tuệ rằng "Thầy đi xong rồi thì có về ẩn tu không". Sư Minh Tuệ cười và nói "Con không bao giờ chọn ẩn tu". Sự khẳng định này một lần nữa cho thấy toàn bộ hệ thống tuyên truyền của nhà nước cộng sản Việt Nam, về việc đã bắt cóc sư Minh Tuệ, cô lập ông trong một thời gian dài và gán cho cái nhãn là "tự nguyện ẩn tu", là hoàn toàn dối trá.
Và câu hỏi của công an Báu cũng làm cho nhiều người trầm ngâm suy nghĩ. Liệu sau chuyến đi đánh lạc hướng tất cả mọi người trong nước về sư Minh Tuệ, có khi nào chính quyền lại cô lập ông, và nói là sư Minh Tuệ đã tự nguyện "ẩn tu" chăng ?
Cần biết là toàn bộ chuyến đi này những phát ngôn chính thức về sư Minh Tuệ, đều do công an Báu độc quyền phát đi. Ngày 15/12, ông Báu bất ngờ phát một video ngắn trong đó nói sư Minh Tuệ có ý nguyện sau chuyến đi này sẽ đến Himalaya ẩn tu. Ngôn luận này hoàn toàn từ ông Báu đưa ra mà không có sự xác nhận của sư Minh Tuệ, và cũng hoàn toàn ngược với những gì sư Minh Tuệ khẳng định đã khẳng định trước đây.
Có lẽ chuyến đi đã nhọc nhằn, và người đóng vai người hâm mộ đơn thuần đã đến lúc mỏi mệt, và e ngại rằng sẽ có những người nhập đoàn, đưa tin không còn có thể kiểm soát được, Báu đã sớm đưa ra những viễn cảnh đã được dự tính. Một viễn cảnh mà không chỉ riêng nhà cầm quyền, mà kể cả Giáo hội tay sai cũng đang thấp thỏm chờ đợi.
Nam Việt
Nguồn : RFA, 16/12/2024