Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Luật an ninh quốc gia : Logic của chế độ chuyên chế Tập Cận Bình

Anh Vũ, RFI, 02/07/2020

Mặc dù quy chế "một đất nước, hai chế độ" cho Hồng Kông còn kéo dài cho đến năm 2047, bất chấp phản ứng gay gắt của quốc tế cũng như đại đa số người dân đặc khu hành chính, chế độ Cộng sản Bắc Kinh vẫn áp đặt luật an ninh quốc gia bóp nghẹt quyền tự trị của Hồng Kông.

hk1

Cảnh sát Hồng Kong đàn áp một người biểu tình ngày 01/07/2020. AFP/File

Dưới cái nhìn của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà nước pháp quyền thắng thế ở Hồng Kông sẽ cản trở quyền lực của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

RFI xin giới thiệu bài viết của Frédéric Lemaître, thông tín viên báo Le Monde tại Bắc Kinh, để lý giải vì sao chính quyền của Tập Cận Bình quyết tâm quản lý Hồng Kông bằng luật của Đảng cộng sản.

Sau khi đã áp đặt thành công luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, giờ đây Tập cận Bình sẽ tấn công vào đâu ? Vào Đài Loan ? Chiếm hữu Biển Đông ? Hạ nhục đối thủ Ấn Độ ? Bộ luật an ninh quốc gia áp đặt ở Hồng Kông chỉ là sáng kiến mới nhất của lãnh đạo Đảng cộng sản từ khi lên nắm toàn quyền ở Trung Quốc cuối năm 2012.

Từ đó đến nay, Tập Cận Bình luôn sẵn sàng khiêu khích các đối thủ hay dư luận quốc tế để củng cố quyền lực của Đảng cộng sản Trung Quốc nói chung và quyền lực riêng của ông.

Nhớ lại sự kiện hôm 1/3/2014, khi xảy ra vụ những người Duy Ngô Nhĩ tấn công bằng dao tại nhà ga Côn Minh, thành phố nằm ở phía tây nam Trung Quốc, làm 31 người chết và 142 người bị thương, ngay tháng 4 sau đó, lãnh đạo họ Tập đã tới Tân Cương và ra lệnh cho chính quyền sử dụng "tất cả các công cụ chuyên chính" để tiến hành "đấu tranh không khoan nhượng (…) chống khủng bố và ly khai".

Thế là hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị đưa vào các trại cải tạo tập trung. Tháng 7/2015, hàng trăm luật sư chuyên bảo vệ các quyền cơ bản của con người bị bắt giữ. Đó là những vụ vi phạm nhân quyền lớn nhất ở Trung Quốc kể từ sau cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989. Dù đến nay phần lớn những người bị bắt này đã được thả, các vụ bắt giữ khác vẫn không hề chấm dứt.

Năm 2015, chủ tịch Trung Quốc khẳng định với tổng thống Mỹ, khi đó là Barack Obama, rằng : "các hoạt động xây dựng mà Trung Quốc đang tiến hành trên quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) không nhằm vào bất kỳ nước nào và Trung Quốc không có ý định quân sự hóa" các đảo trên Biển Đông đó.

Những công trình xây dựng đó được tiến hành 2 năm trước, tức là sau khi Tập Cận Bình nắm quyền. Những hình ảnh thu từ vệ tinh đã khẳng định : Trung Quốc không chỉ xây dựng các phi đạo, mà còn lắp đặt tại đó hệ thống tên lửa địa đối không và các thiết bị radar quân sự gây nhiễu.

Năm 2018, Tập Cận Bình cho sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc nhằm chấm dứt quy định giới hạn 2 nhiệm kỳ lãnh đạo. Đây là quy định mà Đặng Tiểu Bình đã đưa vào Hiến Pháp năm 1982 nhằm tránh xuất hiện những lãnh đạo độc tài muốn nắm quyền suốt đời như kiểu Mao Trạch Đông. Nhân dịp sửa đổi này "tư tưởng Tập Cận Bình" đã được đưa vào Hiến pháp.

Vai trò của Đảng cộng sản

Tất cả những chi tiết trên đều có logic với nhau. Theo Tập Cận Bình, sự phát triển của Trung Quốc phải do Đảng cộng sản lãnh đạo.

Để thành công trước một phương Tây đang hy vọng đế chế Trung Hoa sẽ chịu số phận giống như Liên Xô, Đảng cộng sản Trung Quốc, với sức mạnh của hơn 91 triệu đảng viên, phải là những con người chuyên chính tốt nhất.

Theo gương các hoàng đế Trung Hoa của nhiều thế kỷ trước, Đảng cộng sản phải lãnh đạo đất nước bằng "những con người tốt", có tài, không có động cơ cá nhân, để chống lại những "kẻ hèn hạ", hay đám dân chúng vô học. Tất nhiên, những kẻ thù của đảng bị đàn áp không thương tiếc.

Có một chi tiết đáng chú ý. Ngày 01/07, tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, không chạy tựa lớn trên trang nhất về Hồng Kông.

Luật an ninh quốc gia chỉ được đăng trên các trang trong của báo. Bốn bài báo chính được dành đề nói về các phát biểu gần đây của Tập Cận Bình trong một bức thư ông gửi cho các đảng viên ở trường Đại học Phục Đán và về xuất bản tập 3 cuốn sách của ông nói về lãnh đạo Trung Quốc.

Ngày 01/07 còn là sinh nhật thứ 99 của Đảng cộng sản Trung Quốc. Trong khi chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 100 năm, Tập Cận Bình nhấn mạnh thông điệp : Đối mặt với môi trường bất ổn, đảng phải đoàn kết, huy động lực lượng phía sau lãnh tụ của mình.

Quốc Hội Trung Quốc hồi tháng 5 vừa qua đã thông qua bộ luật dân sự, đánh dấu một số tiến bộ về các quyền riêng tư. Có vẻ như đảng can thiệp ít hơn vào đời tư của dân Trung Quốc hơn là dưới thời Mao. Năm 2018, Tập Cận Bình đã cố đưa "vai trò của cá nhân lãnh đạo" Đảng cộng sản vào Hiến pháp.

Nhà nước pháp quyền, điều không dung thứ

Các lãnh đạo Trung Quốc gần đây vẫn thường giải thích là rõ ràng về mặt pháp lý, Hồng Kông thuộc Trung Quốc, nhưng thực tế thì lại không hề như vậy. Sự can thiệp của Bắc Kinh càng cần thiết khi những người dân chủ Hồng Kông không chỉ muốn "làm mất ổn định và nắm quyền ở Hồng Kông, mà còn muốn lật đổ Nhà nước và triệt hạ lãnh tụ của Đảng cộng sản Trung Quốc", theo cách giải thích chính thức của Bắc Kinh.

Đó chính là căn nguyên ra đời của luật an ninh quốc gia. Không cần lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải yêu cầu hay khẳng định cảnh sát Hồng Kông không thể duy trì trật tự ở đặc khu.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc Sebastian Veg, một lãnh đạo Trường nghiên cứu khoa học xã hội, trong một bài viết đăng trên tạp chí Tocqueville 21 phân tích : Cho dù việc trấn áp mà luật về an ninh quốc gia áp đặt tại Hồng Kông không áp dụng mạnh với người dân như tại Hoa Lục, "nhưng chắc chắn luật này được đặt trong cùng khuôn khổ chính trị, pháp lý và triết lý, theo đó chủ quyền và hệ tư tưởng của đảng được đặt lên trên các khái niệm về tự do và pháp lý".

Với Tập Cận Bình, Nhà nước pháp quyền chiếm ưu thế ở Hồng Kông là điều không thể dung thứ. Dưới mắt ông ta chỉ có luật của kẻ mạnh là thực sự quan trọng.

Anh Vũ

Nguồn : RFI, 02/07/2020

*******************

Hồng Kông gồng mình trước làn sóng trấn áp mới của Đảng cộng sản Trung Quốc

The Economist, Nghiên cứu quốc tế, 02/07/2020

Nhiều người Hồng Kông vẫn chưa biết chính xác luật an ninh quốc gia mới mà Trung Quốc áp đặt lên lãnh thổ này có nội dung như thế nào. Hồi tháng 5, Trung Quốc tuyên bố sẽ ban hành một đạo luật về Hồng Kông để xử lý các tội như lật đổ và ly khai mà không nhắc đến vai trò của cơ quan lập pháp thành phố. Được thông qua bởi quốc hội mang tính hình thức của Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 30 tháng 6 và được ban hành bởi một lệnh ký bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nội dung của nó chỉ được công bố vào tối hôm đó, khi chính phủ Hồng Kông công bố đạo luật trên công báo (một bản tóm tắt đã được công bố mười ngày trước đó). Nhưng đạo luật này đã ngay lập tức gây nên những tác động sâu sắc lên cả chính trị nội bộ Hồng Kông lẫn các mối quan hệ quốc tế.

hk2

Joshua Wong, một nhà hoạt động hàng đầu, và các đồng nghiệp trẻ của ông ở Đảng Demosisto, một đảng ủng hộ dân chủ nhỏ, đã tuyên bố giải tán. Ông Wong hứa trên Facebook sẽ tiếp tục công việc vận động của mình trên tư cách cá nhân : "Tôi sẽ tiếp tục bảo vệ quê hương của mình – Hồng Kông – cho đến khi họ bịtmiệng, xóa sổ tôi khỏi mảnh đất này". Lời lẽ mang âm hưởng tận thế của ông cũng tượng trưng cho nỗi losợ của những người biểu tình chống Trung Quốc khác. Đến lúc đó, người ta vẫn chưa biết chính xác những tội nào sẽ được điều chỉnh bởi luật này, cũng như những hình phạt nào mà luật sẽ đưa ra. Nhưng ủng hộ độc lập cho Hồng Kông chắc chắn sẽ bị cấm và dẫn tới án tù dài. Ba nhóm nhỏ vận động cho độclập của Hồng Kông cũng đã tự giải tán.

Trên bình diện quốc tế, đạo luật đã dẫn tới sự lên án của Anh, quốc gia quản lý Hồng Kông trước đây, và nhiều nước phương Tây khác, coi đó là sự vi phạm lời hứa của Trung Quốc là sẽ tôn trọng quyền tự trị của Hồng Kông dưới mô hình "một quốc gia, hai chế độ". Chính phủ Mỹ đã cảnh báo rằng để đáp trả, họ sẽ chấm dứt địa vị giao thương đặc biệt của Hồng Kông và coi nó y hệt như phần còn lại của Trung Quốc. Hiện tại, Mỹ đã đình chỉ chế độ ưu đãi mà Hồng Kông được hưởng trong việc miễn cho các công ty Mỹ (tại Hồng Kông) không phải xin giấy phép xuất khẩu khi bán hàng sang Trung Quốc đại lục. "Hiện tại, Bắc Kinh đã đối xử với Hồng Kông theo kiểu "một quốc gia, một chế độ", nên chúng tôi phải hành động tương tự", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố.

Luật này đã được vội vàng thông qua ngay trước ngày 1 tháng 7, ngày kỷ niệm lễ bàn giao Hồng Kông từ Anh sang Trung Quốc vào năm 1997. Lúc ấy, Trung Quốc hứa hẹn một giai đoạn quá độ 50 năm trong đó lối sống và các quyền tự do chính trị của Hồng Kông sẽ được bảo đảm. Lễ kỷ niệm là một dịp thường niên cho các lễ kỷ niệm chính thức lẫn các cuộc biểu tình chống chính phủ lớn, gần đây nhất là vào năm ngoái, khi những người biểu tình đột nhập vào cơ quan lập pháp Hồng Kông.

Mục đích của luật mới rõ ràng là để ngăn chặn những bất ổn vốn đã gây chấn động Hồng Kông kể từ giaiđoạn đó. Các khẩu hiệu ca ngợi đạo luật đã được dán trên khắp Hồng Kông ngay cả trước khi các quan chức cấp cao trong thành phố nhìn thấy nội dung đạo luật. Bản tóm tắt dự luật nhấn mạnh rằng dự luật sẽ tuân thủ "các nguyên tắc quan trọng về pháp quyền" cũng như pháp luật quốc tế về nhân quyền. Nhưng nó sẽ được ưu tiên áp dụng nếu xảy ra xung đột giữa đạo luật mới và các quy định pháp luật hiện hành. Cơ quan lập pháp ở Bắc Kinh cũng sẽ có thể bác bỏ bất kỳ phán quyết nào của các tòa án Hồng Kông. Có thể điều đó là không cần thiết : Chính quyền ngoan ngoãn của Hồng Kông sẽ quyết định thẩm phán nào đượcgiao xét xử các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia.

Cảnh sát Hồng Kông sẽ điều tra những vụ án như vậy. Tuy nhiên, trong một số "rất ít" các vụ án quan trọng, các cơ quan chính phủ trung ương sẽ được phép tham gia. Trưởng đặc khu Hồng Kông sẽ đứng đầu một ủy ban an ninh quốc gia mới, trong đó có một ghế được dành cho một cố vấn từ chính phủ trung ương. Một cơ quan mới sẽ được thiết lập tại Hồng Kông để giúp các nhân viên an ninh đại lục thu thập và phân tích thông tin tình báo về an ninh quốc gia. Điều đó có thể có nghĩa là họ sẽ xác định các mục tiêu, dù các vụ bắt giữ có thể được thực hiện bởi một bộ phận mới của cảnh sát địa phương tập trung vào lĩnh vực an ninh quốc gia.

Lau Siu-kai, một cố vấn cấp cao cho chính quyền trung ương ở Hồng Kông, nói rằng mục đích chính là để "giết gà doạ khỉ", hay để răn đe người dân bằng một vài vụ bắt giữ gây chú ý thay vì thực hiện các vụ bắt giữ hàng loạt. Đó là cách đảng thường dập tắt bất đồng chính kiến ​​tại đại lục. Thử nghiệm đầu tiên củachiến thuật đe doạ này sẽ là việc có bao nhiêu người dám phản đối đạo luật mới. Ngay cả trước khi dự luật được thông qua, cảnh sát đã bác đơn xin tổ chức một cuộc biểu tình vào ngày 1 tháng 7. Tuy nhiên, dù điều gì xảy ra trên đường phố đi nữa, mô hình "một quốc gia, một chế độ" đã đến gần hơn bao giờ hết.

The Economist

Nguyên tác :"Hong Kong braces itself for repression by China’s Communist Party", The Economist, 30/06/2020.

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 01/07/2020

*****************

Việt Nam lên tiếng về luật An ninh Quốc gia ở Hong Kong

RFA, 02/07/2020

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 2/7 nói rằng Việt Nam tôn trọng chính sách một Trung Quốc và không can thiệp vào chuyện nội bộ của Hong Kong.

hk3

Hình minh hoạ. Người biểu tình ở Hong Kong hôm 1/7/2020 nhân kỷ niệm 23 năm Anh trả Hong Kong cho Trung Quốc - AFP

Bà Lê Thị Thu Hằng đưa ra phát biểu này khi trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Quốc hội Trung Quốc hôm 30/6 thông qua luật An ninh Quốc gia ở Hong Kong cho phép cảnh sát đàn áp các cuộc biểu tình dân chủ, chống ly khai, can thiệp từ bên ngoài và cho phép Trung Quốc lập cơ quan an ninh quốc gia ở Hong Kong.

Bà Hằng nói : "Các vấn đề liên quan đến Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc. Việt Nam mong muốn tình hình Hong Kong được ổn định và phát triển thịnh vượng, là một trung tâm tài chính, kinh tế quan trọng của thế giới".

Luật An ninh Quốc gia áp dụng cho Hong Kong đã gặp phải nhiều chỉ trích từ Mỹ và EU vì các điều khoản được cho là không tôn trọng quyền tự trj của Hong Kong, đi ngược lại với những cam kết giữa Trung Quốc và Anh vào năm 1997 khi Anh trả lại Hong Kong cho Trung Quốc.

Bắc Kinh nói rằng những phản ứng của Mỹ, Anh và các nước phương Tây là can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.

Từ tháng 6 năm ngoái đến nay, nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ đã nổ ra ở khắp Hong Kong để phản đối sự can thiệp của Bắc Kinh vào Hong Kong. Những cuộc biểu tình tạm lắng lại trong các tháng đầu năm 2020 do dịch bệnh COVID-19, nhưng các tuần qua đã quay trở lại vì Bắc Kinh kiên quyết thông qua luật An ninh Quốc gia cho Hong Kong.

**********************

Luật an ninh Hong Kong có gì khác biệt so Bộ Luật hình sự của Việt Nam ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 01/07/2020

Nhà nước Việt Nam đã thể hiện quan điểm của mình qua việc ‘bật đèn xanh’ cho báo chí trong nước đưa tin đa chiều về Luật an ninh quốc gia tại Hong Kong.

hk4

Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 13 đã bế mạc kỳ họp thứ 20, thông qua Luật Bảo vệ An ninh Quốc gia ở Đặc khu Hành chính Hong Kong. Sau khi tham khảo ý kiến của Ủy ban Luật cơ bản Hong Kong thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính quyền Hong Kong, Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã quyết định bổ sung vào danh sách các luật quốc gia trong phụ lục III của Luật Cơ bản Hong Kong.

Luật bảo vệ an ninh quốc gia tại Hong Kong tổng cộng có 66 Điều, chia làm 6 chương, nội dung bao gồm : các nguyên tắc chung, chức năng và cơ cấu bảo vệ an ninh quốc gia của Đặc khu hành chính Hong Kong, hành vi phạm tội và xử phạt, thẩm quyền xét xử vụ án, trình tự áp dụng pháp luật, cơ cấu bảo vệ an ninh quốc gia của trung ương đóng tại Đặc khu hành chính Hong Kong và các điều khoản bổ sung.

Cụ thể, Luật trên định nghĩa 4 tội danh : hoạt động ly khai, lật đổ nhà nước, hoạt động khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài, các nội dung của luật, có hiệu lực vào 22h00 ngày 30/6 (giờ Việt Nam) quy định :

– Luật an ninh này có hiệu lực pháp lý cao hơn pháp luật Hong Kong hiện hành

– Các tội ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài có thể bị phạt tới tù chung thân.

– Các hoạt động của cơ quan an ninh quốc gia mới cùng hệ thống nhân sự tại Hong Kong sẽ không thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.

– Chính quyền đại lục sẽ thực thi quyền xét xử trong những vụ "phức tạp" như vụ việc liên quan tới nước ngoài hoặc các vấn đề gây ra mối đe dọa lớn và hiện hữu đối với an ninh quốc gia.

– Các công ty hoặc nhóm vi phạm luật an ninh quốc gia sẽ bị phạt và có thể bị đình chỉ hoạt động.

– Tài sản liên quan đến các tội danh được nêu trong luật mới này có thể bị phong tỏa hoặc tịch thu.

– Làm hỏng các thiết bị và phương tiện giao thông nhất định sẽ bị cân nhắc coi là hành động khủng bố.

– Bất kỳ ai bị kết án vi phạm luật an ninh sẽ không được phép tham gia bất kỳ cuộc bầu cử nào ở Hong Kong.

– Cơ quan chức năng có thể giám sát và nghe lén những người bị nghi ngờ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

– Luật này sẽ áp dụng đối với các cư dân thường trú và không thường trú tại Hong Kong.

– Việc quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các hãng tin tức tại Hong Kong sẽ được tăng cường.

Quy định (tóm tắt) :

- Luật an ninh này có hiệu lực pháp lý cao hơn pháp luật Hong Kong hiện hành ; Các tội ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài có thể bị phạt tới tù chung thân ; Các hoạt động của cơ quan an ninh quốc gia mới cùng hệ thống nhân sự tại Hong Kong sẽ không thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.

- Chính quyền đại lục sẽ thực thi quyền xét xử trong những vụ "phức tạp" như vụ việc liên quan tới nước ngoài, hoặc các vấn đề gây ra mối đe dọa lớn và hiện hữu đối với an ninh quốc gia ; các công ty hoặc nhóm vi phạm luật an ninh quốc gia sẽ bị phạt và có thể bị đình chỉ hoạt động ; Tài sản liên quan đến các tội danh được nêu trong luật mới này có thể bị phong tỏa hoặc tịch thu ; Làm hỏng các thiết bị và phương tiện giao thông nhất định sẽ bị cân nhắc coi là hành động khủng bố.

- Bất kỳ ai bị kết án vi phạm luật an ninh sẽ không được phép tham gia bất kỳ cuộc bầu cử nào ở Hong Kong ; Cơ quan chức năng có thể giám sát và nghe lén những người bị nghi ngờ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia ; Luật này sẽ áp dụng đối với các cư dân thường trú và không thường trú tại Hong Kong ; Việc quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các hãng tin tức tại Hong Kong sẽ được tăng cường.

Như vậy, nếu ‘tò mò’ ngồi làm một so sánh giữa Luật an ninh quốc gia Hong Kong với Bộ Luật hình sự hiện hành ở Việt Nam, có thể thấy khá tương đồng ở nguyên tắc chung là "bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa" được nêu tại điều 1, Bộ Luật hình sự.

Về cách định nghĩa của 4 tội danh của Luật an ninh quốc gia Hong Kong, xem ra là một phiên bản của Chương XIII, "Các tội xâm phạm an ninh quốc gia" ở Bộ Luật hình sự của Việt Nam ; có khác chăng là Luật an ninh quốc gia Hong Kong không có điều khoản nào về tử hình.

Một minh họa ngắn gọn : "Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh" sẽ bị cáo buộc tội phản quốc, và có thể nhận mức án tử hình. (Điều 108, Bộ Luật hình sự).

Chỉ xét riêng cụm từ ‘gây nguy hại chế độ xã hội chủ nghĩa’ đầy cảm tính, cho thấy ở Việt Nam ai cũng có thể bị bắt bỏ tù, nếu như người đó diễn tả tâm trạng ‘ghét chế độ xã hội chủ nghĩa’ qua việc cổ vũ các quyền tự do chính trị.

Có lẽ nay mai phía Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ phát biểu vầy : "Việt Nam tôn trọng và ủng hộ chính sách một nước hai chế độ của Trung Quốc, các vấn đề liên quan tới Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc".

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 01/07/2020

*********************

Ngoại trưởng Mỹ : "Một ngày buồn" cho Hồng Kông

Thanh Hà, RFI, 01/07/2020

Trong thông cáo ngày 30/06/2020, ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo, tuyên bố "Mỹ sẽ không khoanh tay nhìn Hồng Kông bị nhận chìm trong guồng máy an ninh" của Bắc Kinh. Washington dọa ban hành thêm một loạt biện pháp trả đũa việc Trung Quốc tước đoạt quyền tự trị của đặc khu hành chính này.

hk5

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo, ngày 30/6/2020 tuyên bố Mỹ sẽ không khoanh tay nhìn Hồng Kông bị guồng máy an ninh của Bắc Kinh nhấn chìm. Pool/AFP/Archivos

Cuối tháng 5/2020, Mỹ đã rút lại quy chế ưu đãi về tài chính thương mại dành cho Hồng Kông. Ngoài ra, ông Pompeo đánh giá hôm qua là một ngày "buồn thảm đối với Hồng Kông, đối với tất cả những người yêu chuộng tự do tại Trung Quốc" ;

Tại Ottawa, chính phủ Canada kêu gọi các kiều dân đang sinh sống tại Hồng Kông đề cao cảnh giác trước nguy cơ bị bắt giữ vô tội vạ và rủi ro bị dẫn độ về Hoa lục, do luật an ninh Hồng Kông vừa có hiệu lực.

Liên Hiệp Châu Âu ngay hôm qua bày tỏ "lo ngại" và lấy làm tiếc là Trung Quốc đã ban hành luật an ninh Hồng Kông, bất chấp những cảnh báo về "hậu quả tiêu cực" đối với Bắc Kinh. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, cho rằng luật an ninh nói trên "có nguy cơ làm tổn hại nghiêm trọng đến quy chế tự trị của Hồng Kông và tác động xấu đến tính độc lập của tư pháp" tại đặc khu hành chính này. Còn chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula Von der Leyen, cho rằng "hình ảnh và mức độ tin tưởng vào Trung Quốc của các tập đoàn Châu Âu có thể sẽ bị xấu đi".

27 quốc gia trong Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, trong đó có Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản, cũng đã lên án luật an ninh Hồng Kông mà Bắc Kinh vừa ban hành. Đài Loan mở văn phòng đón nhận người tị nạn Hồng Kông.

Đáp lại những chỉ trích nói trên, trong cuộc họp báo sáng nay, lãnh đạo văn phòng đại diện Trung Quốc đặc trách về Hồng Kông và Macao, Triệu Hiểu Minh (Zhang Xiaoming), gay gắt tuyên bố, phương Tây "có quyền gì để hạch sách Trung Quốc" về luật an ninh Hồng Kông ? Hồng Kông không còn "liên quan gì đến các nước Tây phương nữa". Nếu muốn áp đặt mô hình "một quốc gia, một chế độ", thì đó là "công việc nội bộ của Trung Quốc". Ông Triệu cũng chỉ trích những quốc gia muốn trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông khi cho rằng đó là lối suy nghĩ của "quân ăn cướp".

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 01/07/2020

*******************

Bắc Kinh khẩn cấp ra luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông

Trọng Thành, RFI, 30/06/2020

Hôm 30/06/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua luật liên quan đến an ninh quốc gia cho Hồng Kông. Luật được ban hành ngay trước ngày kỉ niệm 23 năm Hồng Kông được Anh trao lại cho Trung Quốc, ngày 01/07/1997.

hk6

Cờ Trung Quốc-Hồng Kông được những người thân Bắc Kinh trương lên chào mừng Hoa lục thông qua, ban hành luật an ninh cho đặc khu hành chính ngày 30/06/2020. Reuters - Tyrone Siu

Đối với Bắc Kinh, luật cho phép bảo vệ Hồng Kông chống lại các hoạt động "lật đổ", "ly khai", "khủng bố". Đối với giới bảo vệ nhân quyền, với luật này, Bắc Kinh có thể thẳng tay đàn áp mọi hình thức đối lập về chính trị tại cựu thuộc địa Anh Quốc.

Luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông được soạn thảo chỉ trong vòng sáu tuần. Hơn 7 triệu người Hồng Kông không hề hay biết về nội dung của luật. Việc thông qua luật liên quan đến Hồng Kông, nhưng hoàn toàn không có sự tham gia của cơ quan lập pháp Hồng Kông. Đây là điều chưa từng có.

 Lãnh đạo đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) giữ im lặng vào thời điểm luật được Quốc Hội Trung Quốc thông qua, trong lúc các đảng phái, báo chí thân Bắc Kinh ở Hồng Kông, cũng như rất nhiều báo địa phương khác, đồng loạt đăng tải thông tin này.

Đối lập Hồng Kông lo sợ trước viễn cảnh luật về an ninh quốc gia nói trên sẽ được sử dụng để bóp nghẹt mọi tiếng nói phản kháng, chà đạp các quyền tự do cơ bản và quy chế bán tự trị mà đặc khu Hồng Kông đang được hưởng. 

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình : 

Theo báo South China Morning Post, trong vòng chưa đầy 15 phút đồng hồ, 162 thành viên của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc đã hoàn toàn nhất trí thông qua dự thảo luật, trong lần xem xét thứ hai. Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội là cơ quan lập pháp có thẩm quyền cao nhất. 

Trước đó, Quốc Hội Trung Quốc đã họp ít nhất hai lần, trong hai tuần lễ, để hoàn tất việc biên soạn dự luật, bị Washington và Bruxelles, cũng như những người tranh đấu cho dân chủ tại Hồng Kông lên án. Tuy nhiên, đối với các phương tiện truyền thông Nhà nước Trung Quốc, luật này là biện pháp rất cần thiết để "bảo vệ an ninh quốc gia tại đặc khu hành chính Hồng Kông". 

Ông Wu Qiang, một nhà bình luận chính trị ở Bắc Kinh, giải thích : "Nếu như các đại biểu Quốc Hội quyết định họp lại một cách gấp gáp như vậy, rõ ràng là vì Bắc Kinh đang sốt ruột. Luật sẽ có hiệu lực ngay sau cuộc bỏ phiếu này. Mục tiêu là để kịp ngăn chặn các phản kháng trước dịp 23 năm ngày Hồng Kông được trao lại cho Trung Quốc.

Và một mặt nào đó, đối với chính quyền Trung Quốc, với việc thông qua luật về an ninh quốc gia này, coi như là ‘‘Hồng Kông trở về với Trung Quốc lần thứ hai’’. Luật cho phép chính quyền trung ương gia tăng quyền lực, với việc thiết lập một cơ quan phụ trách an ninh, các tòa án đặc biệt, cũng như một ủy ban an ninh quốc gia. Bộ luật này rất quan trọng với chính quyền Trung Quốc. 

Hiện tại, mới chỉ có một vài đại biểu Hồng Kông trong Quốc Hội Trung Quốc có điều kiện đọc được văn bản này, theo báo South China Morning Post. Đối với các dân biểu khác, dự kiến sẽ có một buổi thông tin về luật vào hôm nay, trước khi thảo luận về việc đưa các biện pháp mới này vào phụ lục III của "Luật Cơ bản", tên gọi chính thức của Hiến pháp Hồng Kông". 

Đảng Demosito giải thể do sợ bị luật an ninh nhắm đến

Theo AFP, chỉ vài giờ sau khi luật an ninh quốc gia áp dụng cho Hồng Kông được Trung Quốc thông qua, đảng Demosito đã tuyên bố giải thể do lo ngại bị luật mới nhắm đến. Trước đó, bốn nhà lãnh đạo trẻ của đảng là Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Chu Đình (Agnes Chow), La Quán Thông (Nathan Law) và Jeffrey Ngo, đã từ chức.

Sau Nhật Bản, Liên Hiệp Châu Âu lấy làm tiếc về việc Trung Quốc thông qua luật an ninh Hồng Kông và lo ngại về những hậu quả của đạo luật mới này đối với đặc khu hành chính. Trong khi đó, Đài Loan cảnh báo công dân về những rủi ro có thể xảy ra khi đến Hồng Kông, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân đặc khu hành chính.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 30/06/2020

Published in Diễn đàn