2030-2040, Đảng Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ sụp đổ
Các tuần báo Paris không quên vụ thảm sát Thiên An Môn 1989. Cựu lãnh đạo phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh, Vương Đan dự báo "Đảng Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ tan rã". Phương Tây đã "bỏ lỡ cơ hội" để lôi kéo Bắc Kinh theo mô hình dân chủ.
Tựa và ảnh minh họa một bài viết về vụ thảm sát Thiên An Môn trên tuần báo L'Obs.
Làn gió dân chủ đó chỉ thổi qua đất nước rộng lớn này trong vài tuần lễ trước khi nhường chỗ cho "Vụ thảm sát" Thiên An Môn trong đêm mồng 3 rạng sáng mồng 4/6/1989.
Phóng viên tuần báo L'Obs, Ursula Gauthier đã đến gõ cửa nhà Vương Đan (Wang Dan) một trong những người phất ngọn cờ khởi nghĩa phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh. Sau 6 năm tù giam, Vương Đan đã được phép định cư tại Mỹ. Tốt nghiệp tiến sĩ trường Harvard, giờ đây ông Vương điều hành một nhóm tư vấn với mục tiêu chính là "đề xuất những giải phải pháp cụ thể một khi Đảng Đảng cộng sản Trung Quốc sụp đổ". Vương Đan dự báo "chế độ sẽ tan rã vào khoảng năm 2030-2040" nhưng khác với hồi năm 1989, cuộc cách mạng sắp tới tại Trung Quốc sẽ bắt nguồn từ "trong nội bộ Đảng".
Cựu lãnh đạo phong trào dân chủ Trung Quốc này không khoan nhượng với phương Tây. Vương Đan giải thích : làn sóng nổi dậy tại Bắc Kinh năm 1989 là một cơ hội bằng vàng không chỉ với Trung Quốc mà cả thế giới để một cách êm thắm, đưa Trung Quốc vào một mô hình dân chủ. Nhưng rồi "chúng ta đã thất bại để ngày hôm nay, Trung Quốc đã trở thành một siêu cường làm mọi người mê hoặc, nhưng siêu cường đó cũng là một mối đe dọa đối với toàn thế giới".
Lãnh đạo phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh ngày nào vẫn mạnh mẽ phê phán phương Tây nhắm mắt làm ngơ để cho một nhà đấu tranh như Lưu Hiểu Ba chết trong sự khốn khổ. Nhìn từ phía Bắc Kinh thái độ dửng dưng đó của phương Tây lại càng khuyến khích Trung Quốc càng quyết liệt hơn. Vương Đan kết luận : "Lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng một đất nước trở thành một siêu cường kinh tế mà không có dân chủ, quốc gia đó sẽ trở nên hung hăng hơn và là mầm mống của những tai họa".
Một nhân chứng khác được tuần báo L'Obs mời cùng nhìn lại vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 là cựu vận động viên Trung Quốc môn ném lao, Phương Chính (Fang Zheng). Năm 1989 anh đã bị xe tăng của Quân đội Giải phóng Nhân dân cán nát đôi chân. Nhưng rồi, sinh viên của Đại học Thể thao Trung Quốc này làm lại cuộc đời, đoạt chức vô địch quốc gia dành cho người khuyết tật.
Trước Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, Phương Chính được chính quyền cho sang Mỹ định cư. Tại Hoa Kỳ, năm 2009, cựu sinh viên Trung Quốc này tận mắt được xem những bức ảnh đen trắng mà phóng viên tuần báo Pháp Le Nouvel Observateur (tiền thân của L'Obs) chụp được. Một trong những bức ảnh đó cho thấy một thanh niên bên lề đường, với đôi chân bị nghiền nát đến đầu gối. Nạn nhân chính là vận động viên Trung Quốc đang nói chuyện với phóng viên Ursula Gauthier của báo L'Obs.
L'Obs dành một khung nhỏ để giới thiệu với độc giả công trình mà một cựu sinh viên khác của phong trào Thiên An Môn đang ấp ủ. Ba mươi năm trước, Dương Kiến Lợi (Yang Jianli) có mặt tại Bắc Kinh, cách quảng trường Thiên An Môn 500 thước. Tốt nghiệp tiến sĩ toán đại học Berkeley của Mỹ, Dương Kiến Lợi từng ngỡ rằng sẽ góp tiếng nói cho nền dân chủ Trung Quốc. Sau đêm kinh hoàng ngày 03/06/1989, anh đã may mắn trở về được Hoa Kỳ và đã không ngừng kể lại với báo chí, với Quốc hội Mỹ những gì đã diễn ra trên quê hương anh trong cái đêm mồng 3 rạng sáng mồng 4 tháng Sáu năm ấy.
Giờ đây, Dương Kiến Lợi dốc toàn lực vào dự án thu thập những hình ảnh, tài liệu về cuộc thảm sát Thiên An Môn và vận động để những dữ liệu đó được công nhận là di sản của UNESCO. Trả lời L'Obs, cựu sinh viên toán đại học Berkeley năm xưa hy vọng rằng, quỹ tư liệu đó sẽ là cơ sở vững chắc cho phép một ngày nào đó "xét xử về tội ác chống nhân loại từng xảy ra ở quảng trường Thiên An Môn".
Tự do báo chí : "Thời vàng son đã qua"
Dưới tựa đề ʺ30 năm sau Thiên An Môn, Trung Quốc mạnh tay kiểm duyệt báo chíʺ, Courrier International đăng lại phóng sự dài của tờ Ashahi Shimbun, một tờ báo uy tín tại Tokyo, cho thấy, không gian tác nghiệp vốn đã rất hạn hẹp của các nhà báo Trung Quốc ngày càng bị thu hẹp.
Các phóng viên điều tra ở đất nước của Tập Cận Bình lần lượt bỏ nghề. Một nhà báo độc lập nói với phóng viên Nhật : "làm cái nghề phóng viên ở Trung Quốc hiện nay không khác gì một vũ công lên sân khấu với một sợi dây thừng buộc vào hai cổ chân". Các phóng viên Trung Quốc phải bỏ nghề, từ ở Bắc Kinh đến Hồ Bắc, từ tỉnh Sơn Tây đến tận Hồng Kông đều đưa ra một nhận định chung : những bài viết hay điều tra trong các lĩnh vực từ môi trường đến tham nhũng đều là những chủ đề cấm kỵ
Vũ khí của Bắc Kinh chống Trump
Như cựu lãnh đạo phong trào sinh viên Trung Quốc năm 1989 Vương Đan nhận xét, Trung Quốc nay đã trở thành "một cường quốc làm mê hoặc thiên hạ", cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung chiếm nhiều bài báo trên các tuần san Paris. Béatrice Mathieu trên L'Express điểm qua những công cụ Tập Cận Bình có trong tay để cưỡng lại sức ép của Donald Trump trong cuộc đọ sức thương mại.
Thứ nhất, Mỹ tính sao nếu như Trung Quốc bán bớt một khối lượng nào đó trong số 1.120 tỷ đô la trái phiếu của Mỹ mà Bắc Kinh đang có trong tay ? Để "thử lửa", tháng 3/2019 Trung Quốc đã bán đi 10 tỷ đô la. Cần biết rằng, nếu ban cố vấn cho Tập Cận Bình quyết định ồ ạt bán đi công trái phiếu của Hoa Kỳ trong vài tuần lễ liên tiếp, sẽ gây hoang mang trên thị trường tài chính. Lãi suất ngân hàng dài hạn bị đẩy lên cao, gây trở ngại cho cỗ máy kinh tế đang ngon trớn của Hoa Kỳ.
Vũ khí thứ nhì được tác giả bài viết nhắc đến là thao túng tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ. Phương tiện thứ ba là ngừng bán đất hiếm cho Hoa Kỳ. L'Express không đi sâu vào chi tiết và cũng không phân tích rõ rằng cả ba loại vũ khí nói trên đều là những con dao hai lưỡi.
Trên tạp chí Le Point, nhà bình luận Nicolas Baverez nhận xét : cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về mậu dịch đang trở thành một cuộc chiến toàn diện. Mỹ đang huy động mọi nỗ lực để phá vỡ kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới của ông Tập Cận Bình.
Donald Trump có lý trên một điểm : phương Tây đã ngây thơ khi tưởng rằng với một nền kinh tế tự do, Bắc Kinh sẽ đi theo con đường dân chủ và hòa mình với thế giới. Thực tế cho thấy rằng, Trung Quốc đã có phương tiện để áp đặt luật chơi của mình ở khắp mọi nơi.
Câu hỏi là Mỹ có thể làm được gì để kềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc ? Nicolas Baverez cho rằng xét về ảnh hưởng của mỗi bên đối với thế giới, Bắc Kinh không đến nỗi thua kém Washington là bao khi biết rằng Tập Cận Bình có thể trông cậy vào một số đồng minh thuộc các nước đang phát triển, muốn phục thù với các nước phương Tây.
Tuy nhiên trong cuộc đọ sức giữa hai ông khổng lồ này, Hoa Kỳ đang nắm trong tay nhiều lá bài quan trọng. Có điều, chính sách dân tộc chủ nghĩa của Donald Trump, chủ trương bảo hộ của chính quyền Washington hiện nay đang "làm suy yếu những phương tiện của Hoa Kỳ để kềm tỏa Trung Quốc". Tiêu biểu nhất là việc Donald Trump rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương, khiến nhiều đối tác của Washington đã ngả vào vòng tay của Bắc Kinh.
Công luận quốc tế cần chú ý là Mỹ và Trung Quốc có chung cùng một tham vọng : thống lĩnh thiên hạ trong thể kỷ 21.
Làn sóng Xanh lá cây
Trở lại với hồ sơ chính của các tuần san Paris là kết quả bầu cử Nghị Viện Châu Âu 2019. "Châu Âu chuyển sang màu Xanh lá cây" tựa trên bìa tuần báo Courrier International. Xã luận của tờ báo mang tựa đề "Make Europe Green Again" lưu ý : từ Pháp đến Phần Lan, từ Bồ Đào Nha đến Ailen, đảng Xanh đều đạt được những thành tích ngoài mong đợi. Chưa bao giờ các đảng bảo vệ môi trường có được đến 70 nghị viên Châu Âu. Trọng trách của họ sẽ không nhỏ trước những ông khổng lồ như Mỹ, Ấn Độ hay Trung Quốc, đó là những quốc gia gây ô nhiễm nhất trên hành tinh. Đã đến lúc Liên Hiệp Châu Âu phải tìm ra một mô hình tăng trưởng để gìn giữ mảnh đất mà "các thế hệ mai sau đang cho chúng ta ở trọ" như văn hào Saint Exupéry từng viết.
Chính trường Pháp : hai đảng truyền thống tả hữu bị việt vị
Tuy nhiên các báo của Paris tập trung vào chính trường Pháp sau cuộc bầu cử Châu Âu hôm 26/05/2019.
Đảng cựu hữu và cánh trung của tổng Emmanuel Macron về đầu, chênh nhau chưa đến một điểm. Tất cả các đảng khác bị bỏ xa lại phía sau. L'Express chạy tựa trên trang bìa : "Cuộc đấu tay đôi Macron-Le Pen cắm rễ vào toàn cảnh chính trị Pháp", kèm theo đó là "Những nguy hiểm của một sự phân chia mới". Ở trang trong, tuần báo thiên hữu này nói rõ hơn : tầng lớp khá giả thì ủng hộ Macron, còn những người có thu nhập thấp và không bắt kịp con tàu kinh tế thì đứng về phía Marine Le Pen.
Hai đảng truyền thống là Những Người Cộng Hòa (LR) và Xã Hội (PS) đã bị đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) của tổng thống Emmanuel Macron và Tập Hợp Quốc Gia (RN) của bà Marine Le Pen thay thế. Tờ báo bồi thêm : sự kiện năm 2017 đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa lần đầu tiên trong lịch sử bị loại khỏi vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp không phải là một "tai nạn", vì trong cuộc bầu cử lần này, đảng LR đã bị bỏ xa lại phía sau, thua cả đảng Xanh. Nhìn sang bên phía cánh tả, tờ báo dùng hình tượng khá thú vị : sau thất bại vừa qua, "cánh tả : người ta đang mài dao cho sắc để thanh toán lẫn nhau".
L'Obs xem lá phiếu cả cử tri Pháp trong cuộc bầu cử hồi tuần trước là một sự "phục thù" của lãnh đạo đảng cựu hữu bà Marine Le Pen sau khi đã thất bại ê chề hai năm trước, để phải nhường chiếc ghế tổng thống cho ông Emmanuel Macron.
Quỷ Dracula và cộng sản Romania
Khép lại những bài báo quá nặng về thời sự, chính trị, để nói chuyện về quỷ Dracula hút máu người. Trong bài viết "Dracula chống Cộng" tuần báo Courrier International đăng lại từ báo Anh History Today.
Nói đến vùng Transylvania hẻo lánh của Romania ai cũng liên tưởng ngay đến ác quỷ Dracula. Mọi chuyện xuất phát từ cuốn tiểu thuyết của nhà văn Bram Stoker, phát hành năm 1897. Thật ra thì tác giả chưa từng đặt chân đến vùng đất xa xôi này. Tất cả nảy sinh từ óc tưởng tượng rất phong phú của Stoker. Dù vậy cho đến tận ngày nay, ác quỷ Dracula vẫn có sức thu hút lạ thường. Tiểu thuyết đã nhiều lần được dựng thành phim khiến không biết bao nhiêu lớp du khách- kể cả du khách phương Tây, phải đến bằng được Romania ngay từ những năm tháng quốc gia này còn khép kín với thế giới bên ngoài và bị đặt dưới bàn tay sắt của Nicolae Ceausescu.
Cuốn sách của văn hào người Anh bất ngờ biến vùng Transylvania thành một địa điểm du lịch hấp dẫn. Chính dân cư trong vùng cũng ngạc nhiên khi thấy những du khách Tây Âu cứ đòi tham quan cho bằng được tòa lâu đài của Dracula. Năm 1972 một công ty du lịch tại New York mở hẳn một chương trình mang tên Spotlight on Dracula. Cũng chính nhờ nguồn thu nhập này mà Nicolae Ceausescu đã phần nào giữ khoảng cách với Moskva.
Hiềm nỗi, các chuyến du lịch với chủ đề Dacrula đắt khách ở chỗ, người tham quan muốn tìm đến một vùng đất hoang vu, lạnh giá, nơi nếp sống đọng lại từ một thời cổ xưa. Nhưng tất cả những điều ấy lại trái ngược với hình ảnh mà những người cộng sản ở Bucarest muốn đưa ra về Romania. Ceausescu thời đó muốn rằng thế giới phải nhìn đến đất nước ông như quốc gia công nghiệp, phát triển và hiện đại.
Thêm vào đó là nhân vật giống như trong truyện của Bram Stoker từng có thật ở ngoài đời trong lịch sử Romania. Đấy không hẳn là một tay bạo chúa mà là ông hoàng Dracul sống tại Transylvania hồi thế kỷ thứ 15. Dracul tàn bạo nhưng lại nổi tiếng là can đảm chống giặc ngoại xâm.
Vào lúc Stoker cho ra đời cuốn tiểu thuyết quỷ hút máu người Dracula, thì tại vào thế kỷ thứ 19 và 20 một số các nhà sử học đề cao vai trò của ông hoàng Dracul. Không một quốc gia nào muốn một trong những vị anh hùng quốc gia bị đánh đồng với một con "quỷ hút máu người". Năm 1973 Bucarest tự tổ chức các chuyến du lịch Dracula nhưng đấy là để tô điểm cho huyền thoại về nhân vật hoàng tử Dracul và những chương trình du lịch kiểu này đã tồn tại cho đến khi chế độ cộng sản Romania sụp đổ năm 1989.
Thanh Hà
Mỹ : Bộ Quốc phòng tìm cách tránh phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc
Trung Quốc cung cấp hơn 90% lượng đất hiếm cho nhu cầu của thế giới, trong đó Hoa Kỳ nhập 80% trong giai đoạn 2004-2017. Bị Hoa Kỳ gây sức ép khi đưa Hoa Vi vào đàm phán thương mại, Trung Quốc cảnh báo chính quyền Trump về khả năng cắt nguồn cung cấp đất hiếm.
Khu khai thác đất hiếm Bayan Obo, tại Nội Mông. Ảnh minh họa, chụp ngày 16/07/2011. Reuters/Stringer
Hai nhật báo Le Figaro và Les Echos đều bình luận về "vũ khí chiến lược" của Trung Quốc trong số ra ngày 31/05/2019.
Nhật báo Les Echos nhận định : "Đất hiếm là vũ khí chiến lược của Bắc Kinh trong cuộc xung đột với Washington". Bắc Kinh tự tin cảnh báo Washington "đừng đánh giá thấp khả năng đáp trả của Trung Quốc". Ngày 29/05/2019, tờ Nhân Dân nhật báo dọa : "Trung Quốc có khả năng làm ngừng hoạt động hầu hết dây chuyền sản xuất xe hơi, máy tính, điện thoại thông minh và máy bay trên thế giới, nếu Trung Quốc quyết định ngừng xuất khẩu các loại kim loại hiếm này".
"Liệu đất hiếm sẽ trở thành vũ khí để Trung Quốc đáp trả sức ép vô cớ của Hoa Kỳ ?", Nhân Dân nhật báo cho rằng "câu trả lời chẳng có gì là bí ẩn" trước "hành động khủng bố kinh tế" của Hoa Kỳ. Les Echos nhắc lại rằng Bắc Kinh từng dùng đất hiếm làm vũ khí đáp trả Nhật Bản vào năm 2010 khi xảy ra tranh chấp biển đảo.
Cũng vì quyết định áp dụng hạn ngạch trên của Trung Quốc, Hoa Kỳ đã đề phòng cho tái thúc đẩy hoạt động khai thác đất hiếm trên lãnh thổ vốn bị tạm ngừng trong thập niên 1980 vì quá gây ô nhiễm và chi phí khai thác đắt hơn so với Trung Quốc. Với cuộc chiến thương mại hiện nay, Mỹ, đặc biệt là "Lầu Năm Góc muốn giảm phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc", theo nhận định của Le Figaro và Les Echos.
Theo một bản báo cáo năm 2016 của Văn phòng Kiểm toán Chính phủ (Gouvernment Accountabilty Office), Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng 1% tổng số lượng đất hiếm tiêu thụ tại Hoa Kỳ. Hoa Kỳ sản xuất khoảng 6,5% lượng đất hiếm trên thế giới. Điều trớ trêu, theo Les Echos, là khu mỏ khai thác đất hiếm lớn nhất của Mỹ, Moutain Pass, lại nằm trong tay tập đoàn Trung Quốc Sheng He, sau khi nhà khai thác Mỹ Molycorp bị phá sản. Nhật báo Le Figaro nêu cụ thể hơn là 50.000 tấn quặng khai thác tại Moutain Pass lại được chuyển về Trung Quốc để xử lý.
Cùng ngày Bắc Kinh để báo chí chính thức đe dọa Mỹ, Lầu Năm Góc đã gửi đến Nhà Trắng một bản báo cáo, trong đó yêu cầu tăng ngân sách liên bang nhằm khuyến khích khai thác và sản xuất đất hiếm tại Hoa Kỳ. Hiện tại, có ba khu vực khai thác đang được xây dựng hoặc đang trong quá trình chuẩn bị : Khu thứ nhất cũng nằm trong vùng Moutain Pass, sẽ đi vào hoạt động năm 2020, có thể cung cấp 5.000 tấn hai loại đất hiếm được sự dụng nhiều nhất tại Mỹ ; hai khu còn lại chỉ có thể được khánh thành năm 2022.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng khẳng định "tiếp tục làm việc chặt chẽ với tổng thống, Quốc hội và ngành công nghiệp Mỹ để cải thiện khả năng canh tranh của Hoa Kỳ trên thị trường quặng mỏ".
Sự phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc từng được đánh động năm 2014 sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới lên án quyết định của Bắc Kinh áp đặt hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản. Dường như, sự độc quyền của Trung Quốc trong lĩnh vực này giờ mới thật sự được chú ý nghiêm túc.
Bắc Kinh lại mua quảng cáo tuyên truyền chính sách của Tập Cận Bình
Trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ trên mọi lĩnh vực, Trung Quốc đã mua 4 trang của nhật báo thiên hữu Le Figaro để quảng bá cho chính sách của Bắc Kinh. Bốn phụ trang về "China Watch" đăng nhiều hình ảnh của một xã hội Trung Quốc phồn thịnh, phong cảnh trù phú, hữu tình và người dân hạnh phúc. "China Watch" nhấn mạnh đến "Các giá trị : Thông điệp về nền văn minh của Tập Cận Bình", "người Trung Quốc bị quyến rũ với tuyến đường sắt du lịch sang Châu Âu", thương mại, đầu tư xã hội giúp giảm nghèo ở Tây Tạng…
Thổ Nhĩ Kỳ : Nền dân chủ bị đe dọa vì hệ thống Erdogan
Ngày 06/05/2019, Hội đồng Bầu cử Cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ quyết định hủy kết quả bầu cử địa phương của Istanbul ngày 31/03 do tổng thống Erdogan gây sức ép. Đợt bầu cử lại sẽ diễn ra ngày 23/06 và đảng AKP của tổng thống Erdogan hy vọng giành chiến thắng trước nhà đối lập Ekrem Imamoglu.
Để chắc chắn có được chiến thắng, chính quyền Erdogan liên tiếp tấn công các nhà báo hoặc giới giảng viên đại học, đồng thời tìm cách khóa chặt mọi lĩnh vực trong đời sống chính trị và kinh tế. Theo Le Figaro, "nền dân chủ vốn đã mong manh ở Thổ Nhĩ Kỳ" lại "bị đe dọa vì hệ thống Erdogan".
Phe đối lập dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn muốn tin vào quyền lực của là phiếu. Vì vậy, hủy kết quả bầu cử Istanbul, với họ là "cuộc đảo chính phòng phiếu". Vai trò của thành phố Istanbul được thể hiện rõ trong phát biểu của tổng thống Erdogan, được Le Figaro trích dẫn : "Chiến thắng ở Istanbul, cũng là chiến thắng trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ".
Từ sau cuộc đảo chính hụt mùa hè 2016, chế độ của tổng thống Erdogan không ngừng đẩy đất nước vào vòng chuyên chế. Quân đội, tư pháp, truyền thông, đại học… đều bị đẩy nằm dưới gót giầy của tổng thống Erdogan. Những người chống đối đều bị thanh trừng, bị hăm dọa hoặc bị bắt. Chiến thắng của phe đối lập ở thành phố mang tính biểu tượng lớn là thất bại không thể chấp được đối với tổng thống Erdogan.
Trả lời phóng viên của Le Figaro khi viết phóng sự về sự sa đà của chế độ Erdogan, một giáo sư xã hội học Thổ Nhĩ Kỳ nhận định : "Không thể giải mã được chiến lược của đảng AKP để giành thêm phiếu. Thêm vào đó, liệu đảng của tổng thống có đủ khả năng để thu hút được những cử tri đã quá thất vọng không ? Liệu chính quyền có thể tráo kết quả hay không ? Không ai dám dự đoán. Chính trị Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ thiếu hợp lý đến như vậy".
Thủ tướng Israel cho tổ chức bầu lại Quốc hội để cố bám quyền lực
Liệu nền dân chủ tại Israel cũng bị đe dọa ? Thất bại trong việc thành lập tân nội các, thủ tướng Netanyahu buộc phải giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử lại ngày 17/09. Sự kiện này được Le Figaro, Libération và La Croix cùng đưa trên trang nhất.
Le Figaro và Libération đều đánh giá đây là "sự kiện chưa từng có trong lịch sử của nhà nước Do Thái". Nền dân chủ có còn tồn tại ở Israel hay không ? Nhật báo Haaretz, được Libération trích lại trong bài xã luận, cho rằng "sự đúng mực và truyền thống dân chủ là những từ xa lạ trong vốn từ của thủ tướng Israel. Nền dân chủ đối với ông Netanyahu chỉ có ý nghĩa chừng nào nó cho ông kéo dài quyền lực".
Căn cứ vào tình hình hiện nay, ông Netanyahu đã mở ra một trong những cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử Israel. Không những thế, quyết định giải thể Quốc hội cũng bóp từ trong trứng nước kế hoạch tái lập hòa bình Israel-Palestine của chính quyền Trump.
Tự tin vào tài tuyển cử của mình, thủ tướng Netanyahu dường như chưa từng nghĩ đến việc không thể thành lập được liên minh mà ông đã lên kế hoạch một cách tỉ mỉ. Thực tế đã cho thấy ngược lại, "tình hình trở nên phức tạp cho ông Netanyahu", theo nhận định trong xã luận của nhật báo công giáo La Croix.
Thủ tướng Israel bị suy yếu trong các cuộc đàm phán với "các đối tác" vì ông liên quan đến ba hồ sơ tham nhũng. Ông cũng phải đối đầu với Avigdor Lieberman, thủ lĩnh mới của cánh hữu, trong đàm phán về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo. Theo xã luận của La Croix, chính "vấn đề tôn giáo đang gây chia rẽ Israel" và cho rằng "cuộc bầu cử sắp tới sẽ lại cho thấy sự chia rẽ này, dù ông Netanyahu còn đó hay không".
Khủng bố ở Lyon : Nghi phạm từng thề trung thành với Daesh
Sau 72 giờ bị tạm giam, nghi phạm vụ nổ ở thành phố Lyon, người tự nhận là "sinh viên", đã thú nhận "từng tuyên thệ trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo". Tuy nhiên, theo Le Figaro, động cơ gây án vẫn chưa được làm rõ. Cảnh sát điều tra đã tìm thấy dấu ADN của Mohamed M. trên ba công cụ gây án, trong đó có chiếc túi giấy đựng chất nổ.
Điện tăng giá tại Pháp
Công ty điện lực Pháp EDF quyết định tăng giá điện thêm 5,9% từ ngày 01/06/2019, có nghĩa là khoảng 25 triệu người dân Pháp sẽ phải trả thêm khoảng 85 euro mỗi năm. Đây là mức tăng cao nhất từ 20 năm nay.
"Tại sao hóa đơn điện lại tăng ?", câu hỏi được La Croix đặt ra trên trang nhất. Giá điện tăng có thể do chịu ảnh hưởng của một số yếu tố : giá xăng dầu thế giới tăng, giá cho mỗi tấn khí thải CO2 tăng từ 6 lên thành 26 euro, điện hạt nhân cũng không còn lợi thế như cách đây 30 năm…
Tuy nhiên, mục "Sự kiện" của La Croix, trích nhận định của Liên hiệp Điện lực Pháp (UFE), cho rằng Pháp vẫn nằm trong số những nước có giá điện thấp nhất Châu Âu, thấp hơn khoảng 20% so với mức trung bình của khối.
Còn nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng "Điện tăng giá có thể kích thích cạnh tranh". Tập đoàn điện lực EDF không còn là giữ độc quyền phân phối điện tại Pháp nên một số tập đoàn cung cấp năng lượng khác như Total Direct, Energie và Engie bắt đầu đưa ra một số đề xuất giá cạnh tranh hơn.
Hội bảo vệ người tiêu dùng Pháp UFC-Que Choisir đưa ra ý tưởng mua chung điện và khí đốt và sẽ kí hợp đồng với nhà cung cấp có giá ưu đãi nhất.
Pháp : Một kho báu 500 tuổi được phát hiện ở thành phố Dijon
Trong lĩnh vực khảo cổ, Le Figaro quan tâm đến khám phá một kho báu có hơn 5 thế kỷ tại thành phố Dijon, miền đông nước Pháp.
Trong chiếc hộp nhỏ bằng đồng có 34 đồng tiền, trong đó có 10 đồng vàng. Những đồng tiền cổ nhất được đúc năm 1432 và 1467 và đồng mới nhất được đúc năm 1494. Ông Pascal Listrar, người nghiên cứu số tiền trên, cho biết "ngoại trừ hai đồng tiền, phần còn lại là tiền nước ngoài. Có nhiều khả năng là chủ nhân chiếc hộp đã phân loại chúng, sau đó cất vào hộp" và bỏ quên.
Phần lớn những đồng tiền mới được phát hiện rất hiếm, thậm chí đồng tiền mới nhất đúc năm 1494, có nguồn gốc Thụy Sĩ, là bản duy nhất. Các nhà khảo cổ không tiết lộ khu vực tìm được kho báu để tránh thu hút những người hiếu kì hoặc kẻ trộm.
Thu Hằng
Trái phiếu Mỹ : Vũ khí hạt nhân "khó dùng" của Trung Quốc
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn được các nhật báo Pháp ngày 30/05/2019 tiếp tục khai thác. Trong cuộc đối đầu này, Bắc Kinh nắm trong tay một vũ khí lợi hại trị giá hơn một ngàn tỷ đô la : Trái phiếu Mỹ.
Ảnh minh họa. Liệu Trung Quốc có thể bán hết trái phiếu Mỹ để trả đũa Washington ? AFP/Ali al-Saadi
Tuy nhiên, báo Le Monde cho rằng Bắc Kinh không dễ gì thanh lý số trái phiếu Mỹ để trả đũa Washington.
Khi xuất khẩu ồ ạt sang Hoa Kỳ, Trung Quốc, cho đến giữa thập niên này, vẫn tích trữ nguồn thu có được từ thặng dư mậu dịch bằng cách mua trái phiếu Mỹ. Nhìn trong tổng số nợ vay toàn cầu, nợ của Mỹ chỉ chiếm có 7%. Trong số này, Trung Quốc nắm giữ đến 17% nợ công Mỹ, so với các nhà đầu tư khác.
Đống núi nợ Mỹ mà Trung Quốc cất giữ cho thấy mối quan hệ chặt chẽ và phức tạp đang ràng buộc hai cường quốc hàng đầu thế giới. Rõ ràng với Trung Quốc, đây thật sự là một thứ vũ khí lợi hại, chẳng khác gì "vũ khí hạt nhân". Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc bán hết số trái phiếu đó ?
Le Monde ghi nhận trong thời gian gần đây, không những Bắc Kinh ngừng mua thêm trái phiếu của Mỹ, mà theo như các số liệu do bộ tài chính Mỹ công bố hồi trung tuần tháng 5/2019, trong tháng Ba năm nay, Bắc Kinh còn bán ra hơn 10 tỷ đô la trái phiếu Mỹ. Một dấu hiệu đáp trả đầu tiên của Trung Quốc chăng ?
Trước hết, ông Victor Lequillerier, thuộc cơ quan cố vấn độc lập BSI Economics, lưu ý : Trung Quốc bán trái phiếu Mỹ là nhằm "ổn định giá đồng nhân dân tệ". Chính quyền Bắc Kinh thường xuyên trích từ nguồn dự trữ dồi dào 3.200 tỷ đô la để điều chỉnh tỷ giá hối đoái.
Do vậy, báo Le Monde trích dẫn phân tích của nhiều chuyên gia cho rằng "Trung Quốc khó kích hoạt vũ khí trái phiếu Mỹ". Thứ nhất là vì Bắc Kinh chưa có một giải pháp thay thế nào khác để đáp ứng nhu cầu tích trữ ngoại tệ của mình. Thị trường trái phiếu Mỹ vẫn là nơi duy nhất có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu dự trữ tiền tệ của Trung Quốc. Trái phiếu Mỹ vẫn là nguồn lãi tốt nhất so với bất kỳ phương tiện tài chính nào khác và có giá trị bảo toàn như là Bunds - trái phiếu Đức hay trái phiếu Nhật Bản.
Nếu Bắc Kinh bán tống bán tháo trái phiếu Mỹ, tờ giấy bạc xanh của Hoa Kỳ rớt giá, Trung Quốc sẽ là nạn nhân bị trừng phạt đầu tiên. Một biện pháp trả đũa như thế sẽ làm giảm giá trị của chính nguồn dự trữ bằng đô la của Trung Quốc, theo như giải thích của ông Gregori Volokhine, chủ tịch Meeschaert Capital Markets, ở New York.
Thứ hai, việc bán tháo trái phiếu sẽ làm tăng lãi suất vay ở Mỹ, và những nước mới trỗi dậy, những nước có nợ vay bằng đô la có nguy cơ trả giá đắt cho biện pháp này. "Những nền kinh tế mới trỗi dậy này sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho Trung Quốc nếu họ phải gánh lấy một cuộc khủng hoảng tiền tệ vì lỗi của Trung Quốc", ông Patrick Artus, kinh tế gia trưởng tại Natixis nhấn mạnh.
Cuối cùng, biện pháp gây bất ổn thị trường này sẽ làm mai một hình ảnh "đạo đức" mà Trung Quốc muốn đưa ra : Một cường quốc tích cực đối với nền kinh tế thế giới, trước một nước Mỹ khó lường của Donald Trump.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu : Viên "ngọc quý" ?
Mặt trận giành ghế nghị sĩ tại nghị trường Châu Âu đã được khép lại từ ba ngày qua, nhưng một mặt trận mới đang mở ra : "Cuộc chiến bổ nhiệm" (vị trí lãnh đạo) như thông báo của Le Monde trên trang nhất.
Một loạt các vị trí lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu phải được thay mới : Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, chủ tịch Nghị Viện và lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu rồi lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Châu Âu… Trước mắt, ai là người thay thế ông Jean-Claude Juncker chủ tịch Ủy ban Châu Âu sắp hết nhiệm kỳ vào tháng 10/2019 ?
Việc không một nhóm chính trị nào có đủ đa số tuyệt đối ở nghị trường còn khiến cho việc tìm kiếm một đồng thuận trong việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo các định chế quan trọng thêm phần khó khăn. Theo các tiêu chí chọn lãnh đạo do 28 nước thành viên đề ra được Libération trích dẫn, ứng viên được đề cử phải có một chương trình hành động cụ thể xử lý các vấn đề : Tăng trưởng kinh tế và cách tân, môi trường, an ninh, di dân, chính sách quốc phòng và xã hội.
Vấn đề cân bằng nam - nữ là một điểm hoàn toàn mới, cũng như là sự cân đối quyền lực giữa Đông và Tây, Bắc và Nam Âu cũng phải được tôn trọng. Một người mà phải được cả cánh hữu, cánh tả và cánh trung đồng chấp thuận và tôn trọng về mặt ý thức hệ. Với những tiêu chí này, Libération kết luận, "Liên Hiệp Châu Âu đang mò tìm viên ngọc hiếm để thay thế Juncker".
Venezuela "phung phí" một nửa tài sản trong vòng 5 năm
Về tình hình kinh tế - xã hội Venezuela, Le Figaro có bài viết đề tựa "Trong vòng 5 năm, Venezuela đánh mất một nửa tài sản của mình".
Thứ Ba 28/05, chính quyền Maduro chính thức thừa nhận tình trạng thảm hại của đất nước. Lần đầu tiên, trong vòng ba năm qua, Ngân hàng Trung ương Venezuela công bố số liệu thống kê xác nhận trong giai đoạn 2013-2018, tổng sản phẩm nội địa GDP bị thu hẹp mất 47,6%. Lạm phát tăng vọt từ hơn 274% (2016) lên đến hơn 130.060% (2018). Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính tỷ lệ lạm phát lên đến hàng triệu.
Vì sao một đất nước giầu có như Venezuela, với nguồn dự trữ dầu khí dồi dào lại đến nông nỗi này ? Theo Le Figaro, câu trả lời rất đơn giản : Venezuela không tạo ra của cải nữa mà chỉ sống dựa vào nguồn vàng đen. Tiền thu được từ bán dầu khí dùng để nhập khẩu hàng hóa và vận hành nền kinh tế do Nhà nước chỉ huy.
Rủi ro thay giá dầu thế giới sụt giảm trong năm 2014, cộng thêm với phần quản lý yếu kém, thiếu đầu tư và nạn tham nhũng tại tập đoàn dầu khí PDVSA đã đẩy nhanh đất nước rơi vào khủng hoảng. Vẫn theo Ngân hàng Trung ương Venezuela, xuất khẩu dầu khí, chiếm 96% nguồn thu quốc gia giảm từ 85,6 tỷ đô la (2013) xuống còn 29,8 tỷ (2018).
Trong vòng 10 năm, sản lượng khai thác dầu lửa của Venezuela từ 3,2 triệu thùng/ngày xuống ở mức một triệu thùng vào tháng 4/2019. Đương nhiên, sự sụp đổ này còn trầm trọng thêm phần nào do trừng phạt của Hoa Kỳ và cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài từ nhiều tháng qua.
Trong tình cảnh thê thảm này, người dân Venezuela không còn giải pháp nào khác là chọn việc bỏ xứ ra đi. Theo các số liệu do Liên Hiệp Quốc công bố, ước tính đã có ba triệu dân rời bỏ đất nước từ năm 2015. Trung bình mỗi ngày có khoảng từ 3000-5000 người rời xa xứ sở.
Liêu Diệc Vũ và những số phận nghiệt ngã của Thiên An Môn
Ngày 04/06/2019 đánh dấu đúng 30 năm vụ thảm sát phong trào đòi dân chủ Thiên An Môn. Với chính quyền Trung Quốc, Thiên An Môn là ba chữ cấm kỵ, cần phải cho rơi vào quên lãng. Nhưng với những người từng trải qua sự kiện đau thương này, đây cũng là dịp để nhắc lại, để tưởng nhớ đến những ai đã ngã xuống và chia sẻ nỗi đau, nỗi thống khổ của những người phải chịu cảnh ngục đày sau sự kiện.
Phụ trang Le Monde nhân dịp này giới thiệu nhiều đầu sách nói về sự kiện bi thương này. Trong số các tập sách, đáng chú ý nhất là quyển "Những viên đạn và nha phiến" của nhà văn Liêu Diệc Vũ, đang sống tị nạn tại Đức.
Tâm sự cùng phóng viên Brice Pedroletti, nhà văn khẳng định ông là một người tị nạn "hạnh phúc". Bởi vì, không ai ở Berlin có thể tịch thu các bản ghi chép của ông hay chặn bắt ông giữa đêm khuya. Ông thuật lại, để có thể chạy trốn khỏi đất nước năm 2011, từ Vân Nam, qua ngả Việt Nam, trong người ông lúc nào cũng có 4 chiếc điện thoại di động.
Một chiếc để liên lạc với những người dẫn đường vượt biên giới. Một chiếc để liên lạc với những người ủng hộ ông ở Đức. Một chiếc sử dụng hằng ngày mà ông biết rằng bị cảnh sát nghe lén. Và một chiếc để dự phòng.
Tập sách "Những viên đạn và nha phiến" phát hành lần đầu tiên tại Pháp và tại nhiều nước khác trên thế giới mô tả những mảng đời mà chính quyền Bắc Kinh liệt vào hạng "những kẻ bạo động xúi giục gây rối" sau ngày xảy ra vụ thảm sát phong trào Thiên An Môn.
Theo ông, họ đã bị trừng phạt với một sự bạo tàn phi lý chưa từng thấy, những người bị gán tội tham gia các cuộc biểu tình ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh từ ngày 15/04 - 04/06/1989. Nhiều người trong số họ là những công dân tầm thường, bất bình trước sự can thiệp của quân đội, tìm cách ngăn chặn xe tăng, hay chửi mắng các lãnh đạo cầm quyền.
Những câu chuyện của ông cho thấy rõ một cái nhìn bao quát về sự tiến triển của xã hội Trung Quốc sau biến cố. Ông viết : "Vụ đại thảm sát ngày 04/06 đã vạch ra một lằn ranh giới. Trước đó, tất cả mọi người, như một đàn ong vỡ tổ, sôi sục tinh thần yêu nước. Giờ thì ai cũng xếp hàng ngay ngắn, vây quanh ôm chặt đồng tiền".
Minh Anh
Bầu cử Châu Âu : "Làn sóng Xanh" thay đổi diện mạo chính trị Châu lục
Ý nghĩa của cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu tiếp tục là chủ đề lớn.
Cuộc tuần hành của giới trẻ vì khí hậu toàn cầu tại Bruxelles, Bỉ, ngày 24/05/2019. Reuters/Yves Herman
Tựa trang nhất Le Monde : "Giới trẻ tham gia đông đảo khiến thế cuộc Châu Âu đảo lộn". Les Echos chú ý đến "Cuộc chiến giành các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Châu Âu bắt đầu", trong lúc tổng thống Pháp "trở lại trung tâm" bàn cờ chính trị Châu lục. Tít chính Le Figaro : "Cánh hữu tìm đường sống, sau thảm bại".
Trước hết xin giới thiệu xã luận của Le Monde : "Làn sóng Xanh tràn đến Châu Âu". Le Monde quả quyết với độc giả không nên để bị vẻ ngoài đánh lừa. Ý nghĩa của "sự trỗi dậy của quyền lực Xanh vượt xa" số 69 ghế dân biểu (trên tổng số 751), mà các đảng phái vì Sinh thái, Môi trường vừa giành được trong cuộc bầu cử này. Số lượng dân biểu được bầu vào Nghị viện của các đảng Xanh, tăng vọt đến 40%, một phần chủ yếu là nhờ sự tham gia của đông đảo cử tri, vốn không mặn mà với các cuộc bầu cử Châu Âu.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng phái Môi trường đi liền với "sự suy tàn" của một thế giới chính trị cũ, vốn dựa trên sự thống trị của thế phân cực tả - hữu truyền thống, đảng cánh hữu PPE và đảng xã hội dân chủ S&D, thay nhau ngự trị chính trường. Xu hướng đi xuống của hai đảng phái lớn Châu Âu nói trên vốn đã được khẳng định trước đó, trong nhiều cuộc bầu cử cấp quốc gia từ hai năm nay.
Các đảng cực hữu, dân túy, dân tộc chủ nghĩa - cho dù giành được tổng cộng khoảng 90 ghế - đã không đủ sức tạo ảnh hướng lớn, do quá phân tán, và chỉ dựa trên "sự bài bác", hơn là nhờ vào một "dự án" mang tính xây dựng.
Đòi hỏi khẩn cấp của cử tri, của giới trẻ
Trong khi đó, Sinh thái đã thực sự trở thành một nhân tố trung tâm trong cuộc tranh cử vào Nghị Viện Châu Âu, vượt xa các đối lập tả - hữu truyền thống. Các đảng phái tả cũng như hữu đều phải đưa các mục tiêu Môi trường mang tính khẩn cấp vào cương lĩnh tranh cử, do đòi hỏi của đông đảo cử tri. Theo Le Monde, một bộ phận đáng kể cử tri Châu Âu giờ đây đã sẵn sàng "từ bỏ các đảng phái truyền thống", với khát vọng tìm kiếm "một mô hình kinh tế xã hội khác".
Một điểm đáng chú ý khác dẫn đến sự bật dậy của làn sóng Xanh là do sự tham gia mạnh mẽ của "xã hội dân sự, đặc biệt là giới trẻ". Le Monde nhấn mạnh đến "hiệu ứng Greta Thunberg", cuộc chiến của thiếu nữ Thụy Điển để cứu hành tinh là hiện thân cho một thế hệ, không còn bị hấp dẫn bởi "các ý thức hệ cũ", mà sẵn sàng tham gia vào các dự án hành động tập thể, vì Khí hậu, vì Môi trường.
Một dự án hành động vì Sinh thái, vì Môi trường mang tính rộng mở, cho phép mọi thành phần xã hội tham gia, chính là nằm trong bản sắc của Châu Âu. Trong cuộc chiến toàn cầu vì Khí hậu, vì Môi trường, Châu Âu đóng vai trò tiên phong. Chính vì vậy, sự đột phá của làn sóng Xanh tại Nghị Viện Châu Âu là "một tin vui", "đối với hành tinh, đối với sự đổi mới chính trị".
Sự mù quáng của "một thế giới già nua"
Cũng về bầu cử Châu Âu, Le Monde có bài phân tích đi sâu hơn vào trường hợp nước Pháp, với tựa đề "Sự mù quáng của một thế giới già nua". Nhà báo Françoise Fressoz nêu bật hai ví dụ tiêu biểu. Thứ nhất là đảng cánh hữu LR (Những Người Cộng Hòa), với tỉ lệ phiếu ủng hộ 8,2%, so với 27,8% trong cuộc bầu cử tổng thống 2012 và 20% hồi 2017. Nhà báo Le Monde chỉ ra một nguyên nhân thất bại chính của đảng chính trị lớn này là đã chủ yếu dựa vào các tuyên truyền siết chặt nhập cư và đề cao bản sắc dân tộc. Lập trường này gây phân hóa mạnh mẽ, khiến một bộ phận lớn cử tri ngả sang phe cực hữu (18 % theo thăm dò của Ipsos/Sopra Steria), và một bộ phận có quan điểm "tự do" ngả theo đảng cầm quyền của Macron (27%).
Ví dụ thứ hai mà Le Monde nêu ra là đảng Xã Hội. Với khoảng 6% tỉ lệ cử tri ủng hộ, đảng chính trị này rõ ràng đang đi vào cõi chết, do không hiểu thực sự điều gì đang xảy ra. Một bộ phận lớn cử tri truyền thống của đảng cánh tả này đã dồn phiếu cho đảng Xanh.
Cánh hữu đối diện với nguy cơ tan rã
"Cánh hữu đối diện với chính mình" là tựa bài xã luận Le Figaro. Tờ báo thiên hữu nêu rõ sự tương phản giữa thất bại trong cuộc bầu cử Châu Âu với vị thế hiện tại của đảng cánh hữu LR. Hiện tại đảng LR lãnh đạo hầu hết các thành phố lớn, các tỉnh và các vùng của nước Pháp, cũng như kiểm soát Thượng Viện. Tuy nhiên, Le Figaro đặt câu hỏi : "Tình trạng này còn kéo dài bao lâu nữa ?". Bởi đảng LR "không còn cử tri nữa". Muốn hồi sinh, đảng này buộc phải đổi mới triệt để. Vấn đề là, theo Le Figaro, đảng cánh hữu hiện nay không có người nào xứng tầm lãnh đạo, cũng không có một cương lĩnh hành động nào xứng đáng.
Mắt xích quan trọng : Khối Visegrad
Trên cấp độ Châu Âu, trong lúc Le Monde thừa nhận cho dù là một nhân tố quan trọng, làm thay đổi diện mạo chính trị Châu lục, "làn sóng Xanh" hiện tại chưa tràn sang được khu vực miền đông và nam Châu Âu, thì Le Figaro chú ý đến vai trò của Visegrad, khối các nước trung và đông Châu Âu (bao gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia), được coi là "mắt xích quyết định của thế cân bằng lực lượng tương lai".
Le Figaro nhấn mạnh đến thái độ "không phải là bài Châu Âu", nhưng cũng không ủng hộ "các lực lượng cấp tiến của Châu Âu" của đảng bảo thủ dân tộc chủ nghĩa cầm quyền tại Ba Lan, một thành viên trụ cột của khối Visegrad. Theo nhà nghiên cứu Pawel Zerka của ECFR, các lực lượng cấp tiến vì Châu Âu cần tạo dựng được liên minh với nhiều đảng phái chính trị miền đông Châu Âu, đồng thời vẫn duy trì "các lằn ranh đỏ", không chấp nhận trong hàng ngũ của mình các thế lực phản dân chủ.
Vị trí trung tâm của tổng thống Pháp
Báo chí Pháp có nhiều bài nói về vị trí trung tâm của tổng thống Pháp trong cục diện chính trị mới của Châu Âu. Le Figaro lưu ý là khát vọng xây dựng Châu Âu đã là mục tiêu hàng đầu của nguyên thủ Pháp ngay sau khi ông đắc cử năm 2017. Giờ đây, với kết quả bầu cử thuận lợi, với hơn 20 dân biểu đắc cử, đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Pháp trở thành nhóm trụ cột của đảng Tự Do Dân Chủ Châu Âu.
Trong ba ngày vừa qua, tổng thống Macron liên tục có các tiếp xúc với các đối tác Châu Âu, từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đến các nước nhóm Visegrad, với Đức… Hôm qua, đảng Tự Do Dân Chủ Châu Âu (Alde), sức mạnh chính trị thứ ba của Châu lục, tuyên bố lập một nhóm "cải cách" tại Nghị Viện Châu Âu. Đây được coi là bước đi đầu tiên để việc hình thành một liên minh mới, bao gồm các lực lượng xã hội dân chủ, đảng bảo thủ PEE, đảng Xanh.
Tuy nhiên, Le Figaro cũng nhấn mạnh đến rất nhiều thách thức chờ đợi tổng thống Pháp. Trước hết là các bất đồng với Đức trong việc lựa chọn cương vị chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu, chức vụ được coi là "có ảnh hưởng nhất".
Từ Tokyo, Trump dịu giọng với Tehran và Bình Nhưỡng
Le Monde quan tâm đến chuyến công du Nhật Bản của tổng thống Hoa Kỳ và nhận thấy, "Từ Tokyo, Donald Trump dịu giọng với Tehran và Bình Nhưỡng".
Trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ngày 27/05, khi đề cập đến Iran, Donald Trump tuyên bố : "Chúng tôi không tìm cách thay đổi chế độ, tôi muốn nói rõ điều này. Điều mà chúng tôi muốn, đó là Iran không có vũ khí nguyên tử", và ông vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán với Iran. Tuyên bố trên trái ngược với các tweet trước đó của nguyên thủ Hoa Kỳ. Ngày 19/05, Trump dọa : "Nếu Iran muốn đánh nhau, thì đó sẽ là sự kết liễu đối với nước này" ; ngày 24/05, ông thông báo cho triển khai thêm 1.500 binh sĩ trong vùng Trung Đông.
Chưa hết, tổng thống Mỹ lại còn ủng hộ thủ tướng Nhật làm trung gian để giải quyết khủng hoảng trong khu vực. Do Nhật Bản và Iran chuẩn bị kỷ niệm 90 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, thủ tướng Shinzo Abe, từ năm 2013 đến nay, thường xuyên gặp lãnh đạo Iran bên lề khóa họp thường niên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, tổng thống Mỹ ngỏ ý : "Tôi biết rõ rằng ngày thủ tướng rất gần gũi với các lãnh đạo Iran".
Trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ cũng có phát biểu làm dịu tình hình. Trái ngược với những tuyên bố cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, tố cáo các vụ bắn thử tên lửa của Bắc Triều Tiên, tổng thống Trump lại cho rằng Kim Jong-un muốn gây sự chú ý và muốn Bắc Triều Tiên có được kinh tế hùng mạnh. Đồng thời, tổng thống Mỹ ủng hộ đề nghị của thủ tướng Nhật sẵn sàng gặp Kim Jong-un mà không có điều kiện tiên quyết, để giải quyết vấn đề người Nhật bị tình báo Bắc Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970-1980.
Le Monde đặt câu hỏi một cách hài hước : Phải chăng không khí Nhật Bản, đi đánh golf và xem đấu vật Sumo đã giúp cho Trump dịu giọng như vậy ?
Bắc Triều Tiên : Nguy cơ khủng hoảng lương thực mới
Vẫn liên quan đến Châu Á, trang quốc tế của báo Le Figaro báo động "Nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực mới bao trùm Bắc Triều Tiên". Nhiều tín hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên đang phải đối mặt với nạn khan hiếm lương thực nghiêm trọng nhất kể từ nhiều thập niên qua. Các áp-phích tuyên truyền của chế độ cũng nhắc nhở người dân rằng "gạo quý hơn vàng".
Theo tổ chức Chương trình Lương thực Thế giới (PAM) và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), sản lượng vụ thu hoạch năm ngoái của Bắc Triều Tiên bị giảm 12%, tệ hại nhất kể từ năm 2008. Từ tháng Giêng năm nay, khẩu phần lương thực của người dân giảm xuống còn 300 gram mỗi ngày, thay vì 380 gram như trong năm 2018. Tình trạng này làm sống lại ký ức về nạn đói trên quy mô lớn tại Bắc Triều Tiên, làm một triệu người chết, trong những năm 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ.
Hôm qua, bà Michelle Bachelet, lãnh đạo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền tố cáo chính sách trấn áp của chế độ Bình Nhưỡng trong lúc đang xẩy ra nạn khan hiếm lương thực. Theo lời các nhân chứng Bắc Triều Tiên tị nạn tại Hàn Quốc, 75% người dân Bắc Triều Tiên sống nhờ vào mạng lưới "chợ trời" tự phát. Thế nhưng, người dân có thể bị bắt, giam giữ khi mua bán những thứ hàng thiết yếu. Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, Bắc Triều Tiên đã không tìm cách thay đổi hệ thống phân phối lương lượng không hiệu quả, không hỗ trợ thiết lập một nền kinh tế tư nhân tiện lợi để cải thiện điều kiện sinh sống của người dân.
Những cáo buộc trên đây trái ngược với những lời hứa hẹn của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ưu tiên cải thiện đời sống cho người dân. Theo giới chuyên gia được Le Figaro trích dẫn, thì Kim Jong-un chấp nhận mạo hiểm trong hồ sơ nguyên tử nhưng lại quá thận trọng trong cải cách kinh tế. Có thể ông ta không hiểu biết nhiều về lĩnh vực kinh tế. Dường như, Kim Jong-unvẫn bị ám ảnh lo sợ về tình trạng hỗn loạn do cuộc cải cách tiền tệ mà người cha Kim Jong-il đã tiến hành năm 2009.
Từ sau thất bại của cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Trump ở Hà Nội hồi cuối tháng Hai, bộ máy tuyên truyền của chính quyền Bình Nhưỡng nhấn mạnh đến khẩu hiệu "Tự túc về lương thực", nhằm chuẩn bị tinh thần cho người dân đối phó với tình trạng khó khăn, thiếu thốn.
Trung Quốc : Dấu hiệu khủng hoảng ngân hàng ?
Về Trung Quốc, Les Echos có bài đáng chú ý mang tựa đề "Việc một ngân hàng nhỏ của Trung Quốc bị đặt dưới sự kiểm soát thổi bùng lên lo ngại". Baoshang Bank là một ngân hàng nhỏ thuộc xứ Nội Mông, miền bắc, đứng thứ 50 trong bảng xếp hạng các ngân hàng Trung Quốc. Các hoạt động hàng ngày của ngân hàng này kể từ giờ bị đặt dưới sự bảo trợ của ngân hàng lớn thứ hai nước này do "nguy cơ tín dụng nghiêm trọng". Đây là điều chưa từng thấy tại Trung Quốc kể từ năm 1998. Việc ngân hàng nói trên bị đặt dưới sự kiểm soát diễn ra đúng vào lúc nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, nguy cơ nợ không đòi tăng cao. Hồi năm ngoái, chính quyền Trung Quốc cũng buộc một công ty bảo hiểm hàng đầu (An Bang) dưới sự kiểm soát.
Trọng Thành
Chiến tranh sẽ xảy ra trên Biển Đông hay Vùng Vịnh ?
Tác giả Dominique Moïsi trên Les Echos phân tích về "Hai cuộc chiến tranh lạnh của nước Mỹ", đặt câu hỏi liệu Mỹ có khả năng tiến hành hai cuộc chiến cùng một lúc : một với Trung Quốc ở Châu Á, và một với Iran ở Trung Đông hay không ?
Khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Preble (DDG 88) của Mỹ đi qua Ấn Độ Dương ngày 29/03/2018.Morgan K. Nall/U.S. Navy/Handout via REUTERS
Vào thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây, các chiến lược gia đều nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ là đại cường duy nhất trên thế giới có thể lao vào hai cuộc xung đột cùng một lúc. Và đó là xung đột quân sự. Còn ngày nay, khi chiến tranh kinh tế đang trở thành một hình thái thay thế cho chiến tranh trên chiến trường, thì như thế nào ? Liệu có thể định nghĩa việc trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt đối với Iran là một dạng chiến tranh chọn lựa, còn trừng phạt Hoa Vi (Huawei) là một cuộc chiến cần thiết ?
Nói cách khác, ông Donald Trump có thể không phải là một tổng thống tốt cho nước Mỹ, nhưng chính sách đối với Trung Quốc của ông hàm chứa các yếu tố tích cực. Cần phải có một tiếng nói cất lên để chấm dứt thái độ sai trái, không thể chấp nhận được của Bắc Kinh.
Vấn đề là ở chỗ Mỹ không hành động nhân danh lợi ích chung như trong thời kỳ chiến tranh lạnh với Liên Xô cũ, mà chỉ vì nước Mỹ, không quan tâm đến trật tự đa phương. Về phía Châu Âu, vừa hài lòng vì rốt cuộc có được một nhân tố nặng ký lớn tiếng với Trung Quốc, lại vừa sợ đến lượt mình sẽ là mục tiêu của Washington trong tương lai.
Để làm rõ tình hình địa chính trị hiện nay, cần phải hiểu được mục tiêu của mỗi bên. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Iran muốn gì ?
Đối mặt với Trung Quốc, Hoa Kỳ muốn tái khẳng định vị thế đại cường số một. Tất nhiên thế giới không còn đơn cực như trong suốt một thập niên, từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 cho đến khi tòa tháp đôi ở Manhattan bị tấn công năm 2001. Nhưng nước Mỹ không thể chấp nhận ý tưởng đang được phố biến rộng rãi, rằng thế kỷ 20 là thế kỷ của Mỹ, còn thế kỷ 21 là của Trung Quốc.
Về quân sự, Trung Quốc còn rất lâu mới có thể sánh ngang hàng được với Mỹ. Về kinh tế, tăng trưởng của Mỹ đã bật lên một cách ngoạn mục, trong lúc Trung Quốc sa sút đáng kể. Nhưng về công nghệ, Bắc Kinh đã ngoi lên, thậm chí còn tiến bộ vượt bực trong một số lãnh vực chiến lược. Liệu có thể để cho một cường quốc độc tài tha hồ lợi dụng các thông tin độc quyền sở hữu, hay để loại vũ khí hủy diệt khủng khiếp trong tay một chế độ cực đoan ?
Ý định của Mỹ rất rõ : ngăn trở Trung Quốc tại Châu Á và lật đổ chế độ của các giáo chủ Hồi giáo tại Trung Đông, với nguy cơ Trung Quốc sẽ lo tự cung tự cấp, và tăng sức mạnh cho phe cứng rắn ở Iran.
Ý đồ của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với Hoa Kỳ : khẳng định tính vượt trội, thậm chí bước đầu là khống chế toàn bộ Châu Á, tiếp đến là tiến lên đại cường số một thế giới. Bắc Kinh sẽ áp đặt mô hình toàn trị, tập trung quyền lực vào trung ương ; và xa hơn nữa, là nền văn minh Trung Hoa sẽ phải đứng trên mô hình dân chủ, nền văn minh phương Tây.
Bắc Kinh vừa công lại vừa thủ. Cần phải duy trì một chế độ có cấu trúc đầy nghịch lý : vừa cộng sản vừa tư bản. Như vậy phải kiểm sát chặt chẽ xã hội đồng thời duy trì tăng trưởng, và dân tộc chủ nghĩa cao độ. Còn Teheran mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, và chọn lựa cung cách khiêu khích thường xuyên để bảo đảm sự sống còn cho một chế độ rất dễ tổn thương.
Cả Washington lẫn Bắc Kinh, Tehran đều không muốn chiến tranh, nhưng tất cả đều đang đùa với lửa. Từ Biển Đông cho đến vùng Vịnh Ba Tư, nguy cơ bất ngờ xảy ra chiến tranh ngày càng lớn, nếu mỗi bên tự đánh giá quá cao nước cờ của mình và coi thường đối thủ.
Một cách khách quan, các lá bài của Mỹ đều "trên cơ" Trung Quốc, và đối với Iran thì lại càng vượt trội, cả về quân sự lẫn kinh tế. Nhưng khả năng chịu đựng của người dân Trung Quốc thì bền bỉ hơn, cộng với xu hướng dân tộc chủ nghĩa, còn chế độ Iran cũng kích thích dân chúng không để bị "đế quốc Mỹ" sỉ nhục.
Ngược lại, chính quyền Mỹ phải đối mặt với sự chống đối của công dân nếu lao vào các cuộc xung đột. Trong bối cảnh đó, vũ khí kinh tế tỏ ra ít tốn kém mà lại hiệu quả hơn. Tuy nhiên lại bao hàm nguy cơ chiến tranh kinh tế bất chợt biến thành chiến tranh thực sự. Với một câu hỏi nhức nhối : xung đột sẽ xảy ra trên Biển Đông hay tại Vùng Vịnh ?
Chiều chuộng ông Trump : Chiến lược hiệu quả của Nhật
Cũng liên quan đến nước Mỹ, thông tín viên của Les Echos tại Tokyonhận xét "Được chủ nhà Nhật Bản chiều chuộng, Donald Trump không o ép về thương mại". Trong bài trả lời phỏng vấn, giáo sư Stephen R.Nagy khẳng định "Nịnh nọt ông Trump là chiến lược hiệu quả của Tokyo".
Suốt cuối tuần qua, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đều gắng sức làm vui lòng ông Trump, trước khi đôi bên bắt đầu đề cập đến vấn đề tế nhị là thương mại song phương vào hôm nay.
Hai nhà lãnh đạo đi chơi gôn, và ông Trump được phục vụ món ưa thích là cheeseburger với… thịt bò Mỹ, mặt hàng mà tổng thống Hoa Kỳ muốn được tạo điều kiện ở thị trường Nhật. Khi tổng thống và phu nhân dự khán một trận đấu vật sumo, những chiếc ghế bành đã được đặt gần sàn đấu, phá vỡ truyền thống xưa nay là khách phải ngồi trên những chiếc gối ở sàn nhà, kể cả khách VIP. Ông Trump, cũng là thượng khách đầu tiên của tân vương Naruhito, tỏ ra hài lòng vì được biệt đãi.
Theo giáo sư Nagy, chiến lược "tranh thủ" ông Donald Trump là hết sức hiệu quả. Tokyo luôn chứng tỏ rất nỗ lực tham gia "Make America Great Again", qua việc đầu tư vào Hoa Kỳ và liên tục đặt mua thiết bị quân sự của Mỹ. Tuy nhiên Nhật chưa bao giờ tỏ ra như một "chư hầu" : vẫn luôn giao thiệp với Iran, Nga, và đã thành công trong việc thúc đẩy hiệp ước TPP gồm 11 nước trong đó không có Hoa Kỳ.
Kỹ nghệ Châu Âu và nỗi lo cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc
Về kinh tế, trong bài "Liên Hiệp Châu Âu đối mặt với sự cạnh tranh trên thế giới", Le Monde đặt vấn đề, làm thế nào Châu Âu có thể chống chọi được với các tập đoàn đa quốc gia Mỹ và Trung Quốc.
Sau Brexit, Liên Hiệp Châu Âu chỉ có 12 hãng trong số 100 công ty đứng đầu thế giới. Cho dù thành phần của Ủy ban Châu Âu mới là như thế nào đi nữa, chính sách kỹ nghệ Châu Âu luôn là một hồ sơ nóng bỏng.
Việc ủy viên Châu Âu phụ trách cạnh tranh, Margrethe Vestager, từ chối cho sáp nhập Siemens và Alstom trong lãnh vực đường sắt đã gây sốc cho cả Paris và Berlin. Với lý do bảo vệ người tiêu dùng, chống độc quyền, Bruxelles đã ngăn Pháp & Đức hình thành một tập đoàn hàng đầu về hỏa xa, trong khi nhà cạnh tranh chính là CRRC của Trung Quốc có tầm cỡ lớn gấp đôi ! Bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire bực tức : "Sẽ có những đoàn tàu Trung Quốc tại Châu Âu. Người ta đã phá hủy kỹ nghệ pin mặt trời Châu Âu, để mặt hàng - được Bắc Kinh tài trợ ồ ạt - tràn ngập thị trường của chúng ta".
Pháp : Tập đoàn Trung Quốc bị phản đối khi mua lại phi trường Toulouse-Blagnac
Bài điều tra trên Les Echos đưa ra một ví dụ cụ thể về "Thất bại trong việc tư nhân hóa phi trường Toulouse-Blagnac" : từ năm 2015, các tập thể ở địa phương luôn bền bỉ phản đối cổ đông Trung Quốc hiện nắm đa số vốn.
Bốn năm sau khi mua được 49,99% cổ phần và có được lời hứa sẽ được bán thêm 10,01% cổ phần của Nhà nước Pháp, tập đoàn Trung Quốc Casil Europe đành rút lui vì vấp phải sự chống đối dữ dội của dân chúng. Các chuyên gia tình báo kinh tế cũng cảnh báo, Blagnac không giống những sân bay khác. Các phi đạo tại đây đã chứng kiến những chuyến bay thử của tất cả những kiểu máy bay Airbus trong suốt năm thập niên qua.
Sinh viên Trung Quốc tràn ngập các đại học Anh
Trên lãnh vực giáo dục, Le Monde trích dẫn The Guardian cho biết "Sinh viên Trung Quốc tràn ngập các trường đại học Anh". Do thiếu tiền, nhiều trường đã mở rộng cửa cho sinh viên từ Hoa lục vì học phí phải trả cao hơn sinh viên Châu Âu.
Số sinh viên Trung Quốc trên đất Anh đã tăng gấp ba, lên 127.330 người, cao hơn tất cả các nước Châu Âu cộng lại. Riêng trường đại học Manchester đã có 5.000 sinh viên Trung Quốc trên tổng số 40.000 sinh viên của toàn trường, một phần do cái tên Manchester rất nổi tiếng ở Trung Quốc vì… bóng đá. Thậm chí có những cours mà người duy nhất không phải người Hoa chính là giảng viên. Đây cũng là nỗi đau đầu cho trường, vì sinh viên Trung Quốc chỉ tập trung vào một số bộ môn : kế toán, tài chính, kinh tế, thương mại, điện tử.
Bầu cử Châu Âu tái khẳng định diện mạo mới của chính trường Pháp
Kết quả cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu chiếm trang nhất tất cả các báo Pháp ra ngày hôm nay 27/05/2019. Ảnh bìa của Le Figaro là chân dung tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ lãnh đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia (RN), với tựa đề "Macron song đấu với Le Pen". Les Echos nhận xét "Macron suýt nữa là vượt qua được thách thức". La Croix chạy tựa "Đảng RN về đầu và những ngạc nhiên". Libération quan tâm đến thắng lợi của các đảng sinh thái "Bầu cử Châu Âu : Tăng trưởng màu xanh". Riêng Le Monde ra từ ngày hôm trước tỏ ra lo âu về "Bóng ma một Brexit cứng rắn".
Các báo Pháp cho rằng kỳ bỏ phiếu lần này đã khẳng định sự tái cấu trúc chính trường nước Pháp : đảng LREM (Cộng Hòa Tiến Bước) đối đầu với Tập Hợp Quốc Gia (RN) thay vì cánh hữu và cánh tả như truyền thống.
Cực hữu về đầu, đây là ngạc nhiên đầu tiên cho dù sự kiện này đã được cảm nhận trước. Có đến gần 52% cử tri tham gia cuộc bầu cử đầu tiên trong nhiệm kỳ của tổng thống Emmanuel Macron, sau khủng hoảng Áo Vàng và cuộc tranh luận toàn quốc, cao hơn kỳ trước, thậm chí hơn cả cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2017. Và suốt cả ngày hôm qua, các đảng phái đều tự hỏi ai sẽ được lợi với sự hưởng ứng đông đảo này.
Đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) thất bại nặng nề, là nạn nhân của những lá phiếu thực dụng, Nước Pháp Bất Khuất (LI) không gượng dậy được sau những bê bối, đảng Xã Hội ngỡ rằng đại bại nhưng rốt cuộc kết quả không đến nỗi nào.
Thua suýt soát đảng RN, ông Macron đã gỡ được danh dự, còn cực hữu tuy phục thù được, nhưng vẫn chưa đạt tỉ lệ cách đây 5 năm – và lúc đó đảng LREM vẫn chưa được khai sinh. Hơn nữa lãnh tụ đảng này, bà Marine Le Pen cho thấy không thay đổi mấy, khi chọn lựa ba ứng cử viên đang bị rắc rối với tư pháp, nhiều ứng viên chưa hề xuất hiện trước công chúng trong thời gian gần đây nhưng là bạn bè. Tổng thống Macron có thể tiếp tục yên tâm cải cách trong hai năm cuối của nhiệm kỳ.
Thụy My
Châu Âu : Con thuyền sắp đắm hay đang chuyển động ?
Những thách thức, những lo ngại trong mùa bầu cử Nghị Viện Châu Âu, Châu lục có đời sống "hạnh phúc nhất thế giới" ; chiến lược của Mỹ đối phó với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Iran, Cuba là những chủ đề chính trên các tạp chí cuối tuần.
Ảnh minh họa : Người dân Áo tuần hành vì "Một Châu Âu cho mọi người", ngày 19/05/2019. Reuters/Lisi Niesner
Trên trang bìa, bên cạnh bức hí họa bốn nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Ý, Hungary và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, L’Express đặt câu hỏi : Liệu còn cơ may tránh cho Châu Âu lâm vào cảnh chìm tàu ? Trong khi đó, L’Obs nêu lên "10 vấn đề tiêu cực" của Liên Hiệp Châu Âu, nhưng trên thực tế là bị hiểu lầm.
Theo L’Express, Châu Âu chỉ có tương lai nếu khắc phục được bốn thách thức, gồm khủng hoảng dân chủ, bảo vệ môi trường, quyền tự do đi lại và khả năng cạnh tranh kinh tế. Thường xuyên, những cản lực nằm trong tương quan luật quốc gia-luật Liên Hiệp, nhất là khi Châu Âu muốn nhưng một thành viên không làm. Cụ thể về môi trường và năng lượng tái tạo : Ba Lan vẫn sử dụng than đá còn Pháp vẫn chưa dứt khoát bỏ hạt nhân.
Trên thương trường, trong thế kẹt giữa "Nước Mỹ trước hết" và "Made in China 2025", giới doanh nghiệp Châu Âu tìm thế độc lập. Tuy vẫn đứng đầu trong các lãnh vực xe hơi, hàng không, nông phẩm, thời trang nhưng Châu Âu chậm chân trong các ngành kỹ thuật số, thông minh nhân tạo. Thế mà, Ủy Ban Châu Âu lấy một quyết định mà theo giới chuyên gia là "sai lầm lịch sử" khi cấm hai tập đoàn Alstom (Pháp) và Siemens (Đức) nhập một.
Cùng nhận định này, tuần báo thiên tả L’Obs trình bày một cách tích cực và mô phạm qua hai bài "5 lý do phải đi bầu" và "10 chuyện bị hiểu lầm". Đi bầu để ngăn chận phe dân túy, để đối đầu với các siêu cường, để chủ động trong trào lưu bảo vệ môi trường, để có chỗ đứng trong công nghệ số và để đương đầu với những cuộc chiến trong tương lai.
Để thuyết phục công luận, L’Obs liệt kê 10 "tội" của Ủy Ban Châu Âu thường nghe phe mị dân cáo buộc : nào là Ủy Ban Châu Âu độc tài, Châu Âu đe dọa bản sắc dân tộc, Châu Âu bị Đức thao túng… Bằng lối phân tích mô phạm, tuần báo thiên tả chỉ ra đâu là sự thật và đâu là giả trá.
Xin đơn cử hai thí dụ : Bruxelles bị lên án thi hành chính sách kinh tế cực tự do nhưng thực tế chính Ủy Ban Châu Âu, nhân danh chống độc quyền thương mại, đã trừng phạt Google một cách nặng nề. Thứ hai, Châu Âu có "tiêu diệt" bản sắc dân tộc như những chủ trương Brexit hay Frexit hay không ? L’Obs chất vấn những ngòi bút, những chính trị gia dân túy ước mơ trở lại thời "đại đế Nã Phá Luân" bằng cách nào, một mình nước Pháp có thể chống lại Tập Cận Bình trong các cuộc đàm phán thương mại ? Nước Pháp xây dựng tương lai một mình với 67 triệu dân hay cùng 500 triệu công dân Châu Âu cùng tiến bước ?
"Thời Châu Âu thống trị thế giới"
Le Point bi thảm hóa tình hình nhưng kèm theo tiểu tựa hy vọng : Vì sao Châu Âu chưa nói tiếng cuối cùng ?
Trái với tựa đượm vẻ bi quan, 8 trang hồ sơ của Le Point chứng minh lịch sử là một vòng luân hồi, không một ai hưng thịnh đời đời hay suy yếu vĩnh viễn : Trong 2000 năm qua, lần lượt Ấn Độ ở thế kỷ thứ nhất tới thứ 10, rồi Trung Hoa vươn lên đến thế kỷ 17 và sau đó mới đến Châu Âu thống trị cho đến hậu bán thế kỷ 20 thì phần còn lại của thế giới bật lên với những tiểu long và tiểu hổ.
Khi Liên Xô sụp đổ, lẽ ra Châu Âu được mở đường phục hồi thế lực, nhưng vì thiếu một chương trình hành động đáp ứng với trào lưu mới trong một thế giới đa cực, tư bản không biên giới, châu lục nhỏ bé này lại bị chia rẽ trước các "đế chế mới". Theo Le Point, Châu Âu đang đứng trước khúc quanh lịch sử, còn từ 5 đến 10 năm nữa để cải cách cho phù hợp với tình hình thế kỷ 21, nếu không sẽ bị tan rã.
Nhưng cải cách theo hướng nào ? Le Point đặt câu hỏi. Pascal Lamy, cựu tổng giám đốc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) hiến kế : Khi chúng ta sụt kílô thì phải tập cho nở bắp thịt. Cụ thể, Châu Âu phải tăng cường sức mạnh quân sự, phải sử dụng đồng euro như Mỹ sử dụng đôla làm vũ khí chính trị, phải sử dụng viện trợ như vũ khí trói buộc đối tác "bánh ích đi, bánh qui lại". Theo ông Pascal Lamy, Washington và Bắc Kinh sử dụng viện trợ một cách thâm hiểm trong khi Châu Âu không biết đòi hỏi nhiều.
Trên thế giới có nơi nào hơn Châu Âu ?
Khác với các đồng nghiệp, tuần báo Courrier International, tuyển chọn các nhân chứng và bài bình luận quốc tế khẳng định : Châu Âu chuyển động, trên thế giới có nơi nào hơn Châu Âu ?
Nơi nào hơn Châu Âu ? Bài xã luận mở đầu với tuyên bố của thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel : "Ông nội, ông ngoại của tôi, một người là Nga, theo Chính Thống giáo, người kia là Do Thái quốc tịch Ba Lan, cha mẹ tôi theo Công giáo, "chồng" của tôi là người Bỉ, tôi là người Luxembourg, đồng tính có máu Do Thái… Nếu không có Liên Hiệp Châu Âu và (sức mạnh) bảo đảm hòa bình thì có lẽ một người như tôi khó sống".
Courrier International nhắn nhủ độc giả : Vì cứ bị đập vào mắt hình ảnh rạn nứt của Châu Âu mà người ta mải mê công kích châu lục này mà quên đi cốt lõi, không nhớ một lời tuyên bố của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 06/04/2019 : "Châu Âu 2019 đã đạt đến đỉnh cao nhất của hạnh phúc nhân loại. Nhìn chung, người dân ở Châu Âu hưởng được cuộc sống cao nhất trong lịch sử nhân loại. Người dân có trong tầm tay lượng thông tin không đâu có, người ta qua lại biên giới một cách tự do".
Thế mà, Châu Âu đó của chúng ta, theo Courrier International, bị những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan công kích hàng ngày. Barack Obama không khen bừa, ông chỉ đúng vào những ưu điểm của Châu Âu : từ y tế đến giáo dục và tự do đi lại. Tuy nền dân chủ bị thách thức nhưng Châu Âu đề kháng. Thế giới bất bình đẳng và Châu Âu không toàn hảo. Nhưng có ai nói ở đâu hơn ?
Sóng gió trong chính trường Áo
Kết thúc phần thời sự Châu Âu với cuộc động đất chính trị tại Áo. Vụ lãnh đạo đảng cực hữu trúng mỹ nhân kế, tuyên bố "bán nước" cho Nga. Báo chí Áo nói gì ?
Liên minh với cực hữu là "một sai lầm chí tử", Der Standar khẳng định trong bài tường thuật toàn bộ vụ việc phó thủ tướng Áo Heinz-Christian Strach, để lộ "bản chất không xứng đáng là một nhà lãnh đạo quốc gia". Trong cuộn băng dài 7 tiếng đồng hồ, quay lén vào tháng 07/2017, tại một khu nghỉ hè ở Tây Ban Nha, lãnh đạo đảng FPO bị một cô gái người Nga, tự xưng là cháu một tỷ phú gài bẫy.
Tai tiếng đổ bể, Heinz-Christian Strach thú nhận phùng cánh như "con gà trống" trước người phụ nữ xinh đẹp, khoe khoang ý đồ khống chế nước Áo, kiểm soát báo chí, truyền thông, thanh trừng kẻ thù trong giới phóng viên, tư nhân hóa hệ thống nước lọc và thành lập bộ máy kinh tài bí mật cho đảng. Trong tình trạng say khướt rượu Vodka, Heinz-Christian Strach còn cam kết với nhà tỷ phú Nga sẽ bán rẻ "chế độ Cộng hHòa Áo" đổi lấy trợ cấp tài chính để tranh cử Quốc hội. Der Standar đặt câu hỏi : Liệu có thể trao quyền chỉ huy quân đội, cảnh sát, tình báo cho đảng cực hữu hay không ?
Trong diễn văn loan báo giải tán Quốc hội để bầu lại, thủ tướng Sebastian Kurz, lãnh đạo phe hữu truyền thống vẫn giữ được thái độ trầm tĩnh cho dù tai tiếng chấn động chính trường. Der Standar đặt câu hỏi thứ hai : Liệu kẻ chọn cực hữu làm liên minh có còn xứng đáng là lãnh đạo quốc gia hay không ?
Mỹ-Trung : Chiến tranh lạnh về công nghệ
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bước vào một giai đoạn mới : chiến tranh lạnh công nghệ học. Đặt Hoa Vi vào danh sách đen, tổng thống Donald Trump hy vọng đánh bại Bắc Kinh. Giới tài chính bình luận ra sao ? Mỹ và Châu Âu phải đối phó với Trung Quốc như thế nào thay vì xung đột ?
Theo quan điểm của Financial Times, tổng thống Mỹ suy tính lầm. Kế hoạch này bắt nguồn từ quan điểm đã bắt rễ trong giới an ninh Hoa Kỳ : Trung Quốc của Tập Cận Bình, trong bản chất, đã có gian ý và sắp vượt qua nước Mỹ về công nghệ tối tân. Chiến lược của Mỹ là ngăn chặn tiến độ phát huy sức mạnh Trung Quốc như đã thành công trong cuộc đọ sức với Liên Xô thời chiến tranh lạnh. Tấn công vào Hoa Vi là "đánh vào tử huyệt" của Trung Quốc.
Nhưng theo Financial Times, đòn tấn công này có thể gây ra hệ quả bất lợi, thúc đẩy Bắc Kinh khắc phục nhược điểm phụ thuộc nước ngoài bằng cách xây dựng một hệ thống cung cầu độc lập. Trong thập niên 1950, sau khi Moskva rút các cố vấn quân sự Nga về nước, Trung Quốc của Mao tự chế bom nguyên tử đầu tiên.
Nhưng cũng theo báo tài chính Anh, trước khi trách Donald Trump, Tập Cận Bình phải tự trách mình. Chính Trung Quốc đã gây chiến trước khi cấm nhiều công ty và trang mạng internet quốc tế nhất là Twitter, Facebook và các dịch vụ của Google như Gmail và YouTube hoạt động tại Hoa lục. Trong hai năm qua, số công ty Châu Âu bị buộc phải chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc để được giấy phép hoạt động đã tăng gắp đôi. Tuy các sở tình báo phương Tây không đồng ý nhau về quy mô hiểm họa của Hoa Vi nhưng tất cả đều nhìn nhận Trung Quốc là nơi phát xuất tin tặc xâm nhập các trang web an ninh quốc phòng và các công ty kỹ nghệ chiến lược của phương Tây.
Nếu Trung Quốc muốn gây được niềm tin thì phải dứt khoát chấm dứt chính sách ngăn cấm thị trường và sử dụng tin tặc. Về phần Mỹ và Châu Âu, thay vì ngăn cản Trung Quốc phát triển, nên khuyến khích Bắc Kinh gia nhập một hệ thống thương mại có luật lệ rõ ràng và bản thân phương Tây cũng phải tỏ ra gương mẫu. Hoa Kỳ có quyền tự vệ nhưng đừng vì thế mà dựng lên hàng rào bảo hộ gây bất ổn định.
Kim Jong-un chọn vũ trang thay vì phát triển kinh tế
Trang quốc tế của L’Express tuần này dành cho Bắc Triều Tiên. Đặc phái viên Clément Daniel cho biết vì sao Kim Jong-un chọn con đường vũ trang thay vì phát triển kinh tế, trong nỗi thất vọng của người dân Nam Hàn.
Điểm cốt lõi trong bài tóa phi hạt nhân hóa là làm sao "hai bên Mỹ-Triều" có thể tin nhau. Như trình bày của Yoo Chang-geun, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư vào Bắc Hàn với nhà báo Pháp, ông rất lạc quan và hy vọng khi thấy tổng thống Moon Jae-in và chủ tịch Kim Jong-un gặp nhau lần đầu vào tháng 04/2018. Sau đó có hai cuộc gặp Mỹ-Triều ở Singapore và Việt Nam.
Nhưng chuyện gì xảy ra tại Hà Nội ? Kim Jong-un sẵn sàng phá hủy toàn bộ trung tâm hạt nhân Yongbyon để đánh đổi lại, mở cửa khu công nghệ Kaesong và ngành du lịch Bắc Triều Tiên. Kim rất kỳ vọng vào sự trợ giúp của Moon. Nhưng tại Hà Nội, chủ tịch Bắc Hàn bị một gáo nước lạnh. Câu trả lời của Donald Trump là "chưa đủ", do bị áp lực của Hạ Viện Mỹ.
Nhà phân tích Cheong Seong-chang cũng ngạc nhiên vì không ngờ Kim Jong-un không thủ một lá bài nào khác. Giới phân tích Nam Hàn cho rằng "phá hủy căn cứ Yongbyon" là một nhượng bộ quá nhỏ vì chỉ chiếm có một phần tư số căn cứ hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Phía Hoa Kỳ muốn Bình Nhưỡng phải cung cấp danh sách toàn bộ khả năng hạt nhân. Không bao giờ Bắc Triều Tiên chấp nhận yêu sách này và hơn thế nữa Bình Nhưỡng sợ Washington đòi hỏi thêm và cuối cùng sẽ tấn công như đã đánh Iraq.
Thất bại, Kim Jong-un cách chức tướng Kim Yong-chol. Chiến lược gia số một của Bắc Triều Tiên không dự trù được phản ứng của tổng thống Mỹ, cũng không chuẩn bị cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên phương án B. Thời gian không còn thuận lợi cho Kim Jong-un. Cuộc gặp với Putin không giúp cho Bắc Triều Tiên nhẹ bớt áp lực trừng phạt quốc tế. Mỹ còn gia tăng sức ép, tịch thu một tàu Bắc Triều Tiên chở than đá xuất khẩu và mua máy móc.
Tại Hoa Kỳ, mùa bầu cử đã đến, Donald Trump sẽ rất bận rộn từ nay đến 2020. Trong tình thế này, hai bên cố duy trì quan hệ "tin cậy". Cho dù vẫn lên án Mỹ-Hàn tập trận nhưng Kim không đụng tới tổng thống Donald Trump. Về phần chủ nhân Nhà Trắng, sau hai loạt thử tên lửa của Bắc Triều Tiên, Donald Trump không quan trọng hóa vấn đề, gọi đây là loại hỏa tiễn tầm ngắn. Đặc phái viên L’Express so sánh : Nếu là Iran, liệu thông điệp của ông Trump có nhẹ nhàng như thế hay không ?
Theo chuyên gia Hàn Quốc, trích dẫn bên trên, chỉ có Nam Hàn là có thể giúp Mỹ và Bắc Triều Tiên "thông hiểu" nhau. Tháng 06/2019, sẽ có cuộc hội kiến Trump-Moon tại Seoul. Nhưng liệu Kim Jong-un có thực tâm đối thoại hay không ? Kim Jong-il trước đây chỉ có một mục tiêu duy nhất : Củng cố quyền lực bằng mọi giá, nới lỏng kinh tế dù một chút thôi sẽ là suy yếu chế độ. Kim Jong-un giờ đây đứng trước ngã ba đường : Chọn quả bom để đất nước nghèo đói hay bỏ quả bom để phát triển đất nước ?
Trong văn phòng ở Keasong, doanh nhân Hàn Quốc Yoo Chang-geun bi quan : Kim dường như chọn giải pháp thứ nhất.
Tại sao Cuba hứng thêm cấm vận từ Mỹ ?
Trung Quốc và Bắc Triều Tiên bị Washington trừng phạt còn có thể hiểu được. Còn Cuba, quốc đảo nghèo tả tơi vì chế độ độc tài hơn nửa thế kỷ, Donald Trump cấm vận thêm để làm gì ? Courrier International giới thiệu quan điểm của một nhật báo Colombia.
El Espectador lý giải : Chính sách hòa giải của Barack Obama đã qua rồi. Một lần nữa, Cuba bị đặt trong tầm nhắm của Washington bởi mối quan hệ mật thiết với Venezuela của Maduro, bị xem là mối đe dọa an ninh nước Mỹ. Cô lập điểm tựa ý thức hệ và trung tâm quyết định chiến lược của chế độ Maduro, tức chế độ La Havana, Washington nghĩ rằng có thể nhanh chóng làm thay đổi chính trị ở Venezuela.
Chưa rõ Mỹ sẽ áp dụng đạo luật Hems-Burton - khoản 3 - như thế nào nhưng có nhiều khả năng các công ty Châu Âu làm ăn với Cuba bị vạ lây và La Havana sẽ gặp khó khăn tìm nguồn ngoại tệ để nhập khẩu.
Tú Anh
Bầu cử Châu Âu : Sự quan tâm đặc biệt của các nước lớn
Chủ đề bao trùm các báo Pháp ngày 24/05/2019 là bầu cử. Châu Âu bầu lại Nghị Viện. Còn tại Châu Á, cuộc bầu cử ở Ấn Độ vừa khép lại với chiến thắng của đảng dân tộc chủ nghĩa Hindu BJP. Trong khi ở Châu Âu, người ta đang lo ngại tỷ lệ đi bầu thấp, làn sóng dân túy cực hữu lên cao. Ở ngoài Châu Âu, cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu đang được nhiều nước để ý, đặc biệt là các nước lớn.
Lá cờ của Liên Hiệp Châu Âu trước trụ sở Ủy Ban Châu Âu. Reuters/Yves Herman
Với hàng tựa lớn trang nhất : "Cuộc bỏ phiếu Châu Âu, thách thức tầm thế giới", nhật báo công giáo La Croix tập trung phản ánh mối quan tâm của các nước lớn, Mỹ, Nga, Trung Quốc vào cuộc bầu cử lần này, trong bối cảnh làn sóng dân túy dân tộc chủ nghĩa cực đoan đang dâng cao.
Trước hết nhìn từ Mỹ. Thường thì dư luận Mỹ không mấy khi quan tâm đến bầu cử ở Châu Âu, thế nhưng kỳ bầu cử này lại được người Mỹ rất chú ý, ít ra là trong phạm vi của chính quyền Washington. Theo chuyên gia Charles Kupchan, chuyên gia về Châu Âu tại trung tâm tư vấn Council on Foreign Relation, trụ sở tại Washington : "Chưa bao giờ lại có nhiều quan tâm đến thế. Ngày nào các cơ quan truyền thông lớn của Mỹ cũng nói về bầu cử Châu Âu".
La Croix ghi nhận kỳ bầu cử Châu Âu lần này đánh dấu bằng việc các đảng dân tộc chủ nghĩa và dân túy đang lên mạnh trong các cuộc thăm dò dư luận. Vì thế mà cuộc bầu cử Châu Âu được người đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương nhìn nhận như là chiếc hàn thử biểu đo ý tưởng bảo thủ hiện đang được chủ nhân Nhà Trắng bảo vệ.
Sự kiện nhân vật Steve Bannon, cựu cố vấn của tổng thống Trump, mới đây đích thân đến Châu Âu vận động cho các đảng cực hữu cũng là vì lợi ích Mỹ, tờ báo nhấn mạnh.
Chuyên gia Kupchan giải thích : "Donald Trump và những người hoài nghi Châu Âu cùng chung quan điểm về nước Nga, hôn nhân đồng giới, Hồi giáo và nhập cư. Ông ta nghĩ rằng Châu Âu bị thống trị bởi những người chủ trương tự do và những thành phần quan liêu không hiểu về bản sắc dân tộc. Donald Trump thiên về các dân tộc da trắng và Thiên Chúa giáo".
La Croix ghi nhận, từ khi lên lãnh đạo nước Mỹ, tổng thống Donald Trump đã gây xáo động cả thế giới, trong đó có quan hệ với Châu Âu. Nicholas Dungan, nhà nghiên cứu thuộc Atlantic Council nhận định : "Châu Âu càng suy yếu, lộn xộn và mất đoàn kết bao nhiêu thì càng khó thực thi quyền lực. Dưới quan điểm của người luôn kêu gào "Nước Mỹ trước tiên" thì như thế tốt hơn. Ông ta không muốn thấy một sức mạnh có tổ chức trước mặt ông".
Còn chuyên gia Charles Kupchan cho rằng nếu các trào lưu tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và mị dân thắng thế ở Châu Âu thì điều đó càng có lợi cho ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.
Trung Quốc : Phe nào cũng chơi, dân túy càng hay
Còn Trung Quốc, sự quan tâm đến Châu Âu lúc này cũng không hề kém Mỹ dù có phần kín đáo hơn. Theo ghi nhận của La Croix : "Trước một Châu Âu chia rẽ xung quanh dự án con đường tơ lụa mới, Trung Quốc không giấu chiến lược ủng hộ các lãnh tụ dân túy. Tuy nhiên, Trung Quốc thích nghi với mọi kịch bản miễn sao tìm được lợi ích của mình trong đó".
Quan điểm ngoại giao chính thức thì luôn tỏ ra ủng hộ một Châu Âu thống nhất, nhưng thực tế, Bắc Kinh không ngừng tạo mâu thuẫn trong nội bộ Châu Âu để dễ dàng cắm chân vào lục địa này, La Croix nhận định.
Câu hỏi được đặt ra : Đâu là lợi ích của Trung Quốc ở Châu Âu ? Chuyên gia Sophie Boisseau du Rocher, giám đốc Viện Nghiên cứu Trung tâm Châu Á của Pháp, được tờ báo trích dẫn nhận định : "Với Trung Quốc, Châu Âu không được quá mạnh để có thể cưỡng lại sức hấp dẫn của họ, vì thế Bắc Kinh từ nhiều năm qua tìm cách để chia rẽ Châu Âu" và họ ít nhiều đã thành công. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ hiện nay, thì mối quan tâm đến Châu Âu của Bắc Kinh càng lớn.
Moskva hy vọng Nghị Viện mới của Châu Âu bớt ghét Nga
Nhìn sang nước Nga, dù truyền thông tỏ ra hờ hững nhưng ở thượng tầng chính quyền, Kremlin lại theo dõi rất sát cuộc bầu cử Châu Âu.
Lý do : "Sau cuộc bầu cử Nghị Viện là đến bầu lại Ủy Ban Châu Âu. Chính quyền Nga hy vọng các ủy viên Châu Âu mới sẽ cởi mở, các nghị sĩ Châu Âu đỡ chống Nga hơn những người cũ".
Mặc dù căng thẳng ngoại giao với Nga, nhưng Liên Âu vẫn là đối tác thương mại chính của Nga, nhập 40% hàng xuất khẩu của Châu Âu. Ngược lại, Nga là nguồn cung cấp khí đốt chính của Liên Hiệp Châu Âu, đồng thời là đối tác kinh tế đứng hàng thứ 4 của Châu Âu, sau Mỹ, Trung Quốc và Thụy Sĩ.
Tuy nhiên các phong trào, đảng phái dân túy, cực hữu ở khắp Châu Âu, từ Hungary qua Áo, Ý đến Pháp đều được cho là thân Moskva.
Châu Âu đã làm được gì trong nhiệm kỳ qua ?
Vẫn liên quan đến Châu Âu, Le Figaro nhìn lại một số công việc mà Liên Hiệp Châu Âu đã làm được trong nhiệm kỳ vừa qua với câu hỏi : Châu Âu có bảo vệ được cư dân mạng trước sự thao túng của GAFA ?
Le Figaro ghi nhận trong 5 năm, Châu Âu đã không ngừng nghỉ tìm cách tự khẳng định mình trong lĩnh vực công nghệ số. Ủy Ban Châu Âu dưới thời ông Juncker đã đề xuất 30 văn kiện trong đó có 28 đã được thông qua. Đó là các biện pháp liên quan từ quyền của người tiêu dùng đến quyền tác giả, hay thương mại điện tử, xóa cước phí chuyển vùng viễn thông trong các nước thành viên… Tất cả các văn bản đó nằm trong quyết sách biến 28 nước thành viên thành một thị trường số hóa đồng bộ và để chống lại sự thống trị của Mỹ với đại diện là nhóm GAFA, 4 ông lớn internet : Google, Amazon, Facebook và Apple. Đối phó với 4 tác nhân lĩnh vực công nghệ số có tiềm lực mạnh không kém nhiều quốc gia, nắm trong tay hơn 3.000 tỷ đô la, Bruxelles đã có nhiều quyết định can đảm như truy thuế của Apple 13 tỷ đô la, phạt Google hơn 6 tỷ euro vì vi phạm luật cạnh tranh hay phạt Facebook hơn 100 triệu cũng vì độc quyền. Từ nay đến cuối tháng 10 dự kiến Ủy Ban Châu Âu còn phải tuyên phạt nốt Amazon.
Nỗ lực tự bảo vệ của Châu Âu được ghi nhận là có kết quả, tuy nhiên Liên Âu vẫn loay hoay không thể làm xuất hiện những nhà mạng khổng lồ của riêng mình ?
Ấn Độ tiếp tục với phe dân tộc Hindu
Chuyển qua Ấn Độ với kết quả cuộc bầu cử kéo dài cả tháng trời, vừa có kết quả hôm 23/05/2019, đảng cầm quyền của thủ tướng Modi tiếp tục chiến thắng.
Nhật báo Libération nhận xét, đảng của thủ tướng Narendra Modi đã giành đa số ở Quốc hội, lần thứ 2 liên tiếp, bất chấp tình hình kinh tế đất nước tồi tệ.
Thành công đó là nhờ vào chiến dịch vận động tranh cử của đảng cầm quyền BJP tập trung khai thách chia rẽ tôn giáo, thổi phồng đe dọa khủng bố.
Nhiều nhà quan sát chính trị Ấn Độ bình luận : "Chiến thắng này cho thấy ở Ấn Độ, từ giờ người ra có thể thắng trong một cuộc bầu cử lớn mà không cần có một kết quả kinh tế tốt". Ấn Độ giờ đây cũng giống như ở nhiều nước trên thế giới, cử tri dễ dàng lắng nghe những giọng điệu dân túy mị dân dựa chủ yếu vào nỗi hoang mang về an ninh, nhập cư, tinh thần dân tộc của người dân.
Nhân sự kiện này, Libération cũng có một bài dài mô tả chân dung vị thủ lĩnh của phe dân tộc chủ nghĩa Hindu, Narendra Modi, có tựa đề "Từ một người bán trà đến sự sùng bái cá nhân". Bài báo cho thấy thủ tướng Ấn Độ, một người xuất thân trong một gia đình thuộc giai tầng thấp của xã hội, nhưng với tài hùng biện dân túy tuyệt đỉnh, biết tận dụng triệt để các phương tiện truyền thông hiện đại ông đã thuyết phục được dân chúng cho dù những hứa hẹn của ông hầu như chỉ là hứa suông.
Botswana : Voi Châu Phi bị đe dọa trở lại
Liên quan đến môi trường, Le Figaro loan tin : "Botswana bỏ lệnh cấm săn voi". Tờ báo cho biết trong một bối cảnh chính trị đặc biệt, Botswana vừa quyết định bỏ lệnh cấm săn voi trên đất nước ở miền nam Châu Phi. Voi là loài động vật nằm trong số những loài bị đe dọa diệt chủng bởi nạn săn bắt lấy sừng. Năm 1970 Châu Phi có khoảng hơn 1 triệu con voi, đến nay chỉ còn 415 nghìn con. Riêng Botswana còn khoảng 130 nghìn con. Quyết định trên của Botswana gây bất ngờ là vì từ lâu nay, đất nước này vẫn luôn là tấm gương trong cuộc chiến chống săn bắt voi. Lý do được chính phủ Botswana đưa ra là vì quần thể voi tập trung quá đông gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân.
Anh Vũ
Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung : Nguy hại hơn thời Liên Xô cũ
Về cuộc xung đột hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tác giả Nouriel Roubini trên Les Echos hôm 23/05/2019 cho rằng "Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung sẽ tệ hại hơn so với Liên Xô trước đây".
Thời kỳ trăng mật Trump-Tập đã qua, bây giờ là cuộc chiến tranh lạnh mới. Ảnh tư liệu chụp ngày 09/11/2017 khi tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Bắc Kinh. REUTERS/Damir Sagolj/File Photo
Tuy cả Washington lẫn Bắc Kinh đều ý thức về "chiếc bẫy Thucydide" - một cuộc chiến tranh khó tránh khỏi giữa cường quốc đang thống trị và cường quốc đang lên muốn hất cẳng - nhưng cả đôi bên dường như đều ngả theo xu hướng này. Nếu một cuộc chiến tranh trực diện giữa hai đại cường Mỹ-Trung khó thể xảy ra, nhưng sự kiện được khởi đầu như một cuộc chiến thương mại từ nay chuyển thành tình trạng xung khắc thường trực.
Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Donald Trump coi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược", cần ngăn chặn trên mọi lãnh vực. Hoa Kỳ hạn chế hẳn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các lãnh vực nhạy cảm, và có những động thái để bảo đảm sự thống trị của phương Tây trong những ngành kỹ nghệ chiến lược như trí thông minh nhân tạo và 5G.
Mỹ gây áp lực để các đồng minh và đối tác không tham gia chương trình đại quy mô từ Âu sang Á mang tên "Một vành đai, Một con đường" của Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng tăng cường các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải tại Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh ngày càng tỏ ra hung hăng để áp đặt các yêu sách chủ quyền gây tranh cãi.
Tác giả cho rằng hậu quả toàn cầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trầm trọng hơn chiến tranh lạnh trước đây giữa Hoa Kỳ và Liên Xô cũ.
Bởi vì nếu Liên Xô thời đó là một cường quốc đang đi xuống, với mô hình kinh tế thất bại, thì Trung Quốc lại sắp trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới và còn tiếp tục phát triển. Ngoài ra, trao đổi thương mại giữa Mỹ và Liên Xô rất ít ỏi, trong khi Trung Quốc nay đã hội nhập hoàn toàn vào hệ thống thương mại và đầu tư thế giới, có quan hệ tương tác chặt giữa các bên, cụ thể là với Hoa Kỳ.
Một cuộc chiến tranh lạnh toàn diện có nguy cơ gây ra một thời kỳ mới phi toàn cầu hóa, hay một sự phân đôi thành hai khối kinh tế không tương hợp. Trong các kịch bản này, việc buôn bán hàng hóa, dịch vụ, người lao động, công nghệ và dữ liệu bị giới hạn, môi trường kỹ thuật số không còn nối kết giữa phương Tây và Trung Quốc. Như khi Mỹ trừng phạt Hoa Vi (Huawei) và ZTE (Trung Hưng), Bắc Kinh sẽ giúp hai tập đoàn này có được các đầu vào quan trọng, có thể từ các đối tác thương mại bạn bè độc lập với Mỹ.
Trong thế giới phân cực này, cả Washington lẫn Bắc Kinh đều chờ đợi các nước khác chọn lựa đứng về phía mình, trong khi đa số các chính phủ cố gắng duy trì quan hệ kinh tế tốt đẹp với cả hai. Số đồng minh của Mỹ làm ăn với Trung Quốc nhiều hơn với Hoa Kỳ, và việc thỏa hiệp ngày càng khó khăn hơn.
Dù sao đi nữa, quan hệ Mỹ-Trung là vấn đề địa chính trị chủ yếu của thế kỷ, một sự đối địch, ở mức nào đó, là không thể tránh khỏi. Trong giả thiết lạc quan, hai bên có thể hợp tác trên một số vấn đề và cạnh tranh lành mạnh trên các lãnh vực khác. Một trật tự thế giới mới được thành lập, dựa trên việc công nhận vai trò của cường quốc trong việc hình thành các quy chuẩn và định chế quốc tế.
Còn ngược lại, nếu Mỹ nhất quyết cản trở trong lúc Trung Quốc hung hăng phô diễn sức mạnh tại Châu Á và trên thế giới, thì không loại trừ giả thiết cuộc chiến tranh lạnh sẽ được tiếp nối bằng một cuộc chiến mở rộng, hoặc một loạt các cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Chiếc bẫy Thucydide trong thế kỷ 21 có nguy cơ nuốt chửng không chỉ hai cường quốc này, mà cả phần còn lại của thế giới.
Điện thoại Hoa Vi bị loại ở Anh và Nhật
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Les Echos nêu ra việc "Các điện thoại thông minh của Hoa Vi bị loại ở Anh và Nhật".
Tuần tới, công nghệ 5G sẽ trở thành hiện thực ở Luân Đôn và năm thành phố khác của Anh quốc. Khách hàng của hãng EE, nhánh điện thoại di động của BT, có thể lướt web nhanh gấp 10 lần so với các láng giềng… nhưng không phải với một điện thoại do Hoa Vi sản xuất. Mẫu điện thoại 5G mới nhất của Hoa Vi là Mate20X sẽ không được EE đề nghị với khách hàng trong dịp này.
Đau hơn nữa cho Hoa Vi, EE không phải là trường hợp đơn lẻ. Tập đoàn Anh Vodafone, sẽ cung cấp 5G vào mùa này, cũng ngưng mua các điện thoại hiệu Huawei. Tại Nhật Bản, nhiều nhà cung cấp cũng theo chân : NTT DoCoMo, KDDI và Softbank. Chưa hết, theo BBC, hãng Anh ARM trong một thông cáo nội bộ đã chỉ thị cho các nhân viên ngưng mọi việc hợp tác với Hoa Vi. Hãng này cung ứng các thành phần căn bản và thiết kế các chip vi xử lý cho điện thoại di động Hoa Vi. Phát triển các vi mạch mới mà không còn đối tác Anh cũng phức tạp như không còn dịch vụ của Google.
Nga : Biểu tình và một xã hội dân sự mới
Tại Nga "Những vụ xuống đường lẻ tẻ của người dân cũng đã làm rung chuyển điện Kremlin", theo Les Echos. "Một dự án nhà thờ làm Ekaterinbourg bốc lửa" -phóng sự của Libération.
Les Echos cho rằng thắng lợi của đường phố đã khẳng định sự trỗi dậy của một xã hội dân sự mới tại Nga : sẵn sàng phản kháng Kremlin. Tại Ekaterinbourg, thủ phủ Ural, quê hương của Boris Yeltsin, các nhà đấu tranh sau bốn ngày đêm đã làm chính quyền thành phố, các nhà tài phiệt và giới chức Chính Thống giáo phải lùi bước. Họ phản đối một dự án xây nhà thờ mới tại một trong những quảng trường ưa thích của người dân, hiện vẫn tránh được cơn sốt xây dựng.
Đây không phải là chiến thắng đầu tiên của người biểu tình. Tại Arkhangelsk, một thành phố lớn phía bắc Moskva, hàng ngàn người liên tục xuống đường phản đối một bãi rác do tài phiệt cấu kết với chính quyền âm thầm lập ra. Nhiều người thay phiên nhau canh gác địa điểm, rốt cuộc Moskva đã yêu cầu ngưng dự án. Không có thủ lãnh lẫn tổ chức, các phong trào loại này đều tự khởi phát trên mạng xã hội.
Venezuela : Đối thoại giữa Maduro và đối lập qua trung gian Na Uy
Le Figaro nhìn sang Venezuela, cho biết "Na Uy cố gắng làm trung gian hòa giải giữa Maduro và Guaido". Các cuộc đối thoại sẽ được tái khởi động vào tuần tới ở Oslo, nhưng không có cuộc gặp trực tiếp nào giữa hai phe.
Đối với nhiều người trong phe đối lập, từ "đối thoại" lâu nay bị coi là cấm kỵ. Dù sao đi nữa, ngày càng nhiều người nhận ra rằng những lời kêu gọi đối với quân đội không mang lại hiệu quả, và cần đối thoại với phe Maduro. Thật ra đôi bên cũng đã từng đàm phán tại Saint-Domingue năm 2017 để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống. Ủy ban bầu cử được bố trí lại, có cả sự hiện diện của quan sát viên quốc tế, nhưng rốt cuộc những người cực đoan của cả hai phía đã làm cuộc đối thoại thất bại.
Còn các đại diện của Maduro cố lợi dụng tối đa việc hòa giải ở Oslo để gây chia rẽ trong phe đối lập, và trưng ra một bộ mặt ôn hòa. Nicolas Maduro nói rằng ông ta đã đề nghị đối thoại "hơn 600 lần" và sẽ còn tiếp tục. Nhưng mỗi một ngày trôi qua mà không có thay đổi gì là Maduro lại được lợi, còn thủ lãnh đối lập Juan Guaido bị thiệt hại : tình trạng này càng kéo dài, người ủng hộ càng nản lòng.
Trong khi chờ đợi, Quốc hội được bầu lên một cách dân chủ và do đối lập kiểm soát vẫn rất khó khăn để thực hiện nhiệm vụ. Các dân biểu không được trả lương từ năm 2015 đến nay, quyền đặc miễn của một số bị bãi bỏ, số khác bị khởi tố, và đôi khi lối vào tòa nhà Quốc hội còn bị phong tỏa.
Công chúng và sức sáng tạo của điện ảnh Pháp
Trên lãnh vực văn hóa, xã luận của Le Monde kêu gọi "Bảo vệ sáng tạo trong điện ảnh".
Trước khi Liên hoan điện ảnh Cannes lần thứ 72 khai mạc, chủ tịch hội đồng giám khảo người Mexico khi trả lời phỏng vấn đã đặt câu hỏi : "Trong số những phim mà chúng ta sẽ xem, có bao nhiêu phim sẽ được chiếu hàng loạt tại các rạp ? May lắm là 10%". Theo Le Monde, tỉ lệ này đúng đối với Mỹ và Mexico, nhưng không đúng đối với Pháp.
Mỗi tuần lại có khoảng 20 phim mới ra rạp, trong đó phân nửa sản xuất tại Pháp, và không chỉ ở các thành phố lớn, nhờ một mạng lưới rạp chiếu duy nhất trên thế giới : phim Nhật "Một câu chuyện gia đình", đoạt Cành cọ vàng năm 2018 hay phim bom tấn "Avengers" đều thu hút đông đảo công chúng.
Tuy nhiên ngân sách trung bình cho phim đang giảm xuống từ 10 năm qua, còn số lượng phim lại tăng lên, trong đó có những phim không đủ tầm để ra rạp. Le Monde cho rằng để cứu vãn điện ảnh Pháp, một mặt cần có sự hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà sáng tác, mặt khác chính phủ cần phải hỗ trợ.
Các chương trình tự động nhập dữ liệu đe dọa việc làm tại Ấn Độ
Về công nghệ cao, Les Echos nói về hiện tượng "Bùng nổ các chương trình tự động nhập dữ liệu". Được đặt tên là "RPA", những phần mềm nằm gần ranh giới trí thông minh nhân tạo thu hút các nhà đầu tư, tuy nhiên đang đe dọa công ăn việc làm của hàng trăm ngàn chuyên gia vi tính Ấn Độ.
Đối với những nhà sáng chế, đây là các "nhân viên ảo" đắc lực, xuất hiện bên cạnh những người thật tại các ngân hàng, công ty bảo hiểm, trung tâm hành chính. Nhưng tại Ấn Độ, người ta bắt đầu lo sợ cho tương lai của các chuyên gia vi tính làm việc cho các công ty phương Tây từ những năm 2000. Theo Viện nghiên cứu HFS, khoảng 750.000 việc làm không cần chuyên môn cao sẽ biến mất từ nay cho đến năm 2022, đặc biệt là những ai làm các công việc cần lặp đi lặp lại nhiều lần những thao tác.
Cải cách Nhà nước, Brexit, Châu Âu : Tựa chính báo Pháp
Le Mondelo ngại "Cải cách Nhà nước sẽ dẫn đến hồi kết của những tên tuổi lớn" như Trường Quốc gia Hành chánh (ENA) trong việc đào tạo ra các quan chức cao cấp tương lai.
Về mặt xã hội, Libération chạy tựa "Vụ án France Télécom : Không có gì biện minh được cho cái chết tại nơi làm việc". Phiên xử các cựu lãnh đạo của tập đoàn điện thoại công kéo dài hai tuần qua về tội "quấy nhiễu" cho thấy cách hành xử có hệ thống, bất chấp những vụ tự tử của nhân viên. La Croix nêu ra một kết quả thăm dò cho thấy người Pháp vẫn chia rẽ về việc tiếp nhận người tị nạn, nhưng một phần ba sẵn sàng giúp đỡ về mặt cá nhân.
Le Figaronhận xét "Brexit : Nước Anh nóng rực vì bầu cử Nghị Viện Châu Âu". Thất bại được báo trước của đảng bảo thủ trong cuộc bầu cử hôm nay có thể làm cho thủ tướng Theresa May phải sớm ra đi.
Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos nhận thấy "Gọng kềm đang siết lại xung quanh Boeing". Do không thể cho các máy bay 737 MAX hoạt động, một số hãng hàng không đòi Boeing bồi thường, trong khi tập đoàn Mỹ cố gắng lấy lại uy tín.
Thụy My