Bình Nhưỡng dường như gần đạt được mục tiêu tối hậu. Với thử nghiệm thành công lần thứ ba tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào ngày thứ ba 28/11/2017, Bắc Triều Tiên chứng tỏ "muốn đánh ai cũng được kể cả Mỹ" bằng vũ khí hạt nhân. Một thách thức mới, không riêng gì đối với tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã từng đe dọa "hủy diệt" Bắc Triều Tiên, mà còn đối với cả thế giới .
Truyền hình Hàn Quốc loan tin về vụ bắn tên lửa Bắc Triều Tiên ngày 29/11/2017. Reuters
Hỏa lực đạt được
Theo David Wright, một chuyên gia Mỹ về vũ khí chiến lược, được AFP trích dẫn, tên lửa đạn đạo mà Bắc Triều Tiên gọi là Hwasong-15 (Hỏa tinh-15) "có khả năng mang đầu đạn hạt nhân" có tầm bắn 13.000 km. Một tên lửa như thế "có thể bay đến Washington".
Tuy còn phải khắc phục kỹ năng đưa tên lửa từ thượng tầng khí quyển theo quỹ đạo hình chuông trở lại bầu khí quyển an toàn, trước khi bay đến mục tiêu, nhưng rõ ràng là Bắc Triều Tiên sắp đạt được mục tiêu tấn công bất cứ nơi nào ở Châu Mỹ.
Hoa Kỳ và các đồng minh Châu Á lo ngại nhất là một ngày nào đó Bắc Triều Tiên sẽ kiện toàn được tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Cộng đồng quốc tế phải đối phó ra sao ?
Hoa Kỳ đã tốn hàng trăm tỷ đôla để nghiên cứu và triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa, đón chận từ trên cao ở giai đoạn đầu hay giai đoạn cuối, trên bộ cũng như trên tàu chiến, nhưng tất cả đều không hiệu quả 100%.
Khi đài truyền hình Bình Nhưỡng rộn rả báo tin "thành công lịch sử", tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản ứng một cách mập mờ với tuyên bố "tôi sẽ lo chuyện đó". Washington sẽ đề nghị Hội Đồng Bảo An "cấm hết mọi đường xuất nhập hàng hóa" của Bình Nhưỡng.
Giải pháp quân sự bất toàn, mà cấm vận thương mại, hay nhử mồi kinh tế, cũng không lay chuyển được Bắc Triều Tiên.
"Bảo hiểm nhân thọ"
Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân, vì đó là "bảo hiểm nhân thọ" của chế độ khép kín này.
Dựa vào lời xác quyết của hãng thông tấn nhà nước KCNA "Bắc Triều Tiên không bao giờ ra tay trước nếu không bị đe dọa", bà Melissa Hanham, chuyên gia Mỹ thuộc viện nghiên cứu Middlebury về kiểm soát phổ biến vũ khí hạt nhân, đề nghị chính phủ Mỹ "nên chụp lấy cơ hội này để thương lượng một giải pháp ngoại giao với Bắc Triều Tiên. Tuy có rủi ro thất bại, nhưng nếu không đàm phán thì chẳng khác nào tiếp tục cho đối phương thời giờ để cải tiến vũ khí".
Nhận định này không khác gì lập trường truyền thống của Trung Quốc. Sáng nay, Bắc Kinh một lần nữa kêu gọi Mỹ và Bắc Triều Tiên "đối thoại".
Sống chung với bom
Tuy nhiên, theo AFP, ngồi vào bàn đàm phán với một chế độ luôn luôn vi phạm một cách có hệ thống mọi nghị quyết của Liên Hiệp Quốc để đạt mục tiêu trang bị vũ khí hạt nhân, thay vì chăm lo cải thiện đời sống người dân, đó là một bước lùi không thể chấp nhận được. Một bước lùi khủng khiếp cho Mỹ lẫn cộng đồng quốc tế.
Đã thế, trong những cuộc đàm phán từ trước đến nay, chế độ Bình Nhưỡng, từ đời cha đến đời con, không bao giờ nhượng bộ một ly hoặc có chấp thuận thì cũng tìm cớ lật lọng, sau khi nhận được viện trợ. Tổng thống Bill Clinton, tổng thống George W. Bush ở Washington, cùng tổng thống Kim Dae Jung ở Seoul đã học được bài học này.
Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, Jeffrey Lewis, một chuyên gia khác của viện Middlebury, hiến kế : "Không ai thích, cũng không ai muốn dàn tên lửa hạt nhân liên lục địa của Bắc Triều Tiên chỉa mũi vào nhà. Nhưng phải tập sống chung cho quen".
Tú Anh
Chinh phục không gian : Robot thay thế con người ?
Trong khi các báo ra hôm nay đều tập trung vào các đề tài chính trị Pháp, với công cuộc tái thiết đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, chuyến công du của tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Châu Phi, hay sự kiện Liên hiệp Châu Âu quyết định cho phép sử dụng thêm 5 năm nữa thuốc diệt cỏ trong nông nghiệp Glysophate, đang gây tranh cãi vì gây độc hại cho môi trường, trang Ý kiến và Tranh luận của nhật báo Les Echos (28/11/2017) có bài về cuộc chinh phục không gian với câu hỏi hình ảnh thú vị : "Liệu robot có đuổi con người ra khỏi không gian ?".
Mô hình Robot Philae được trưng bày tại Thành phố không gian ở Toulouse. AFP PHOTO / REMY GABALDA
Trong khi tiến bộ khoa học công nghệ tiến nhanh đến chóng mặt như ngày nay, các robot ngày càng trở nên tinh xảo, tự chủ, liệu con người có còn vai trò gì trong cuộc chinh phục vũ trụ ? Đây cũng là vấn đề được đặt ra tại cuộc hội thảo của Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) hôm Chủ Nhật 26/11 vừa rồi với chủ đề "Còn gì để khám phá ?".
Theo Les Echos, trong cuộc chinh phục vũ trụ, "con người hay robot" không phải là một câu hỏi mới. Nó vẫn luôn được đặt ra, nhưng ngày càng được quan tâm. Theo nhà vật lý thiên văn Sylvestre Maurice, phụ trách phần trang bị cho tàu đổ bộ nghiên cứu sao Hỏa nổi tiếng Curiosity của NASA, thì "cả hai yếu tố bổ trợ cho nhau, chúng ta vẫn cần cả con người và robot".
Les Echos viết : "Những bước đi đầu tiên của Neil Armstrong trên mặt trăng là một minh họa rõ nét. Trước Armstrong và 11 người khác lui tới mặt trăng từ 1969 đến 1972, Mỹ và Nga đã mở đường bằng hàng loạt các chuyến bay không người lên cung trăng. Không có các máy thăm dò Lunar Orbiter hay Surveyor thu thập dữ liệu thông tin về mặt trăng, thì chuyến đáp xuống mặt Trăng của tàu Appollo chắc chắn sẽ không có".
Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là làm các thực nghiệm khoa học qua máy móc từ những nơi xa xôi như sao Hỏa cũng có giới hạn nhất định. Ở khía cạnh này, con người mới là công cụ tốt nhất.
Nhà khoa học Sylvestre Maurice lý giải : "Các mẫu đất trên mặt Trăng được các các máy thăm dò Luna của Liên Xô mang về một cách máy móc. Không phải ngẫu nhiên mà các mẫu tốt nhất mà chúng ta có được chính lại là do bàn tay con người lựa chọn… đó là những mẫu của nhà địa chất học Harrison Schmitt trên con tàu Apollo 17".
Mặt khác, Les Echos lý giải vai trò của con người trong công cuộc chinh phục vũ trụ còn mang ý nghĩa chính trị. Những chuyến bay hỗn hợp các phi hành gia nhiều nước, Trạm Không gian Quốc tế ISS đã góp phần làm hòa dịu quan hệ đông-tây.
Bài viết cho rằng, đúng là đưa người vào vũ trụ rất tốn kém. Một chuyến bay có người đắt tiền và phức tạp hơn rất nhiều chuyến bay không người. Nhưng trái lại các chuyến bay có người thu hút sự quan tâm và phấn khích của công chúng nhiều hơn chuyến bay đơn thuần của máy móc. Tuy nhiên, với những cuộc chinh phục nơi xa thẳm như sao Hỏa thì một chuyến bay có người là chưa thể có được. Trước mắt vẫn robot vẫn đóng vai trò chính để giúp con người khám phá những vô số những trở ngại trên con đường rất dài đó.
Con người khó lặp lại được kỳ tích đầu tiên
Les Echos còn đặt ra vấn đề khá thú vị khác: Máy tính dùng cho con tàu Apollo chạy chậm hơn so với chiếc máy tính xách tay của chúng ta hiện nay 100 nghìn lần. Một câu hỏi được đặt ra là với thiết bị thô sơ mà người Mỹ đã làm thành công năm 1969, liệu chúng ta sẽ có khả năng làm lại trong năm 2017 hay không ? Đáng ngạc nhiên câu trả lời là không, theo ông Sylvestre Maurice. Vị chuyên gia này cho rằng việc đưa người lên mặt trăng hay sao Hỏa cần phải hội đủ những yếu tố thuận lợi như : Kiến thức chuyên môn của con người, nhà máy, quyết tâm chính trị, ngân sách. Các yếu tố này giờ đây không hội đủ.
Trung Quốc kéo dài "con đường tơ lụa" đến Đông Âu
Một thời sự kinh tế được báo Pháp chú ý nhiều là cuộc họp giữa thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường với 16 nước Đông Âu diễn ra ngày hôm qua (27/11) tại Hungary, một thành viên ngang bướng của Liên Hiệp Châu Âu.
Diễn đàn kinh tế tại Budapest thể hiện rõ tham vọng bành trướng sang Châu Âu của Bắc Kinh. Le Figaro nhận định khái quát qua hàng tựa : "Bắc Kinh trải dài những "con đường tơ lụa mới của mình" qua Đông Âu. Việc thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường được đón tiếp long trọng trong một diễn đàn kinh tế quy tụ lãnh đạo chính phủ và các bộ trưởng của 16 nước Đông Âu, trong đó nhiều nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu cho thấy Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đang đi từng bước, có phương pháp để "củng cố vị thế và ảnh hưởng tại Trung và Đông Âu".
Một lần nữa Trung Quốc lại chơi bài vung tiền để lôi kéo. Hôm qua, thủ tướng Lý Khắc Cường thông báo dành 3 tỷ euro đầu tư vào các quốc gia Đông Âu. Một chi tiết khác cũng được Le Figaro chú ý : Việc chọn thủ đô Hungary là nơi diễn ra cuộc họp cũng không hề ngẫu nhiên chút nào.
Hungary của thủ tướng Viktor Orban là nước Châu Âu cởi mở nhất với đầu tư Trung Quốc và cũng là thành viên hay chống đối lại những chủ trương của Bruxelles nhất. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto được Le Figaro trích dẫn đã khẳng định : "Trong vùng này, chúng tôi nhìn thấy vai trò lớn của Trung Quốc trong trật tự thế giới mới như là một cơ hội chứ không phải là một đe dọa".
Còn thủ tướng Hy Lạp, Alexis Tsipras, trong bài phỏng vấn của Le Figaro hôm 24/11 thì lý giải sự hấp dẫn Trung Quốc : "Châu Âu vẫn chỉ ưu tiên phạt Hy Lạp bằng áp đặt chính sách kham khổ mà chẳng đầu tư gì. Với các nước khác thì Hy Lạp rất cuốn hút, vì thế người Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội này để đầu tư".
Theo Le Figaro, năm 2016, tập đoàn hàng hải Cosco của Trung Quốc đã kiểm soát cảng Piraeus chiến lược của Hy Lạp. Để chuyển được đống của cải "made in China" đến tận trung tâm Châu Âu, Bắc Kinh chuyển cấp vốn để hiện đại hóa trục đường sắt nối cảng Piraeus-Budapest.
Tờ báo nhận định, các đầu tư Trung Quốc vào hạ tầng cơ sở ( sân bay, cảng biển, đường sắt) ở Châu Âu nằm trong chiến lược "Một con đường, một vành đai" hay còn được gọi bằng một cái tên mỹ miều hơn là "con đường tơ lụa mới".
Để thực thi ý đồ lớn này, Trung Quốc đang dệt lên tấm vải của họ không chỉ bằng tiền tỷ mà cả bằng các điểm chuyển tiếp ảnh hưởng mà các nhà ngoại giao ngày nay vẫn thường gọi là "quyền lực mềm". Một thí dụ là tuần trước, Trung Quốc và Bulgaria đã kết hợp thành lập trung tâm nghiên cứu về cơ sở hạ tầng giao thông tại Sofia, trong khi mà tại đất nước Đông Âu này đã có 11 cơ sở, tổ chức của Trung Quốc.
Le Figaro dẫn số liệu của Viện Mercator nghiên cứu Trung Quốc cho biết: Đầu tư Trung Quốc năm ngoái đổ vào Liên Hiệp Châu Âu đạt 35 tỷ euro. Hơn 2/3 số này là từ các doanh nghiệp Nhà nước nhằm phục vụ tham vọng lớn của Bắc Kinh.
Chuyến tông du nhạy cảm đến Miến Điện của giáo hoàng
Về thời sự liên quan đến Châu Á, nhiều báo Pháp hôm nay vẫn dành chú ý cho chuyến tông du của giáo hoàng Francis tới Miến Điện trong bối cảnh cuộc khủng hoảng người Hồi giáo Rohingya đang trong lúc trầm trọng nhất.
Le Monde bình luận bằng hàng tựa : "Những cái bẫy trong chuyến đi của giáo hoàng đến Miến Điện". Một trong những cái bẫy là khủng hoảng người Rohingya. Từ đầu cuộc khủng hoảng nổ ra hồi tháng 10 năm 2016, giáo hoàng Francis đã ba lần lưu ý đến số phận của những người thiểu số theo đạo Hồi này.
Lần này ở tại chỗ, giáo hoàng không thể bỏ qua được vấn đề người Rohingya, khi mà cuộc khủng hoảng đã ở cao trào như hiện nay. Có điều những con chiên Miến Điện của giáo hoàng, trong đó có cả những giám mục, chức sắc công giáo mà ngài đã phong chức, đều không muốn giáo hoàng dùng từ Rohingya, vì sợ sẽ làm người dân khó chịu.
Một yếu tố khác khiến giáo hoàng phải thận trọng là cuộc gặp với bà Aung San Suu Kyi. Lãnh đạo thực sự này của Miến Điện đang bị cộng đồng quốc tế, chỉ trích mạnh mẽ về cách xử lý khủng hoảng Rohingya. Trong khi đó Tòa Thánh cho rằng chỉ tập trung vào chỉ trích lên án bà Aung San Suu Kyi là không công bằng, vì dù có thực sự lãnh đạo chính phủ, quyền hạn của bà vẫn bị hạn chế bởi thế lực quân đội.
Các cuộc tiếp xúc với những nhân vật chủ chốt của chính quyền Miến Điện, trong đó có chỉ huy quân đội Miến Điện tướng Min Aung Hlaing, là phần quan trọng nhất của chuyến đi và cũng sẽ được dư luận báo chí để ý nhiều hơn là các cuộc đón rước, thăm viếng giáo dân ở xứ sở mà đạo Phật chiếm đa số. Một chuyến đi mang nặng màu sắc chính trị nhiều hơn tôn giáo.
Khi hoàng tử Anh tìm được ý trung nhân
Một thông tin đều được các báo nhất loạt nhắc đến là thông báo hoàng tử Anh Harry, chàng độc thân số 1 thế giới, đã tìm được ý trung nhân để thành hôn.
Libération có bài viết ngắn cho thấy chuyện dựng vợ gả chồng cho các ông hoàng bà chúa của cung đình Anh hệ trọng thế nào ở xứ sở sương mù. Theo Libération, "sáng thứ Hai, cả vương quốc như ngừng thở trong giây lát nghe thông báo hoàng tử Hary chính thức đính hôn với diễn viên điện ảnh Mỹ Meghan Markle.
Bà thủ tướng Anh Theresa May, đang chuẩn bị giới thiệu kế hoạch chiến lược công nghiệp của đất nước sau Brexit, đã thở phào với hy vọng truyền thông sẽ tập trung vào sự kiện này mà phần nào quên đi soi mói kế hoạch của bà và hơn nữa bầu không khí nặng nề giữa Ireland và Vương Quốc Anh do Brexit cũng sẽ bị chìm xuống trong niềm hân hoan của dân chúng".
Các chương trình truyền hình bị đảo lộn để theo dõi trực tiếp những tin tức, những lời chúc mừng của hoàng gia, của chính khách trong và ngoài nước xung quanh cái thông báo đã được mong chờ từ nhiều tháng nay.
Libération cũng nhắc lại, trong lịch sử hoàng cung Anh, vua Edouard VIII, chú của nữ hoàng Elisabeth II hiện nay, từng buộc phải thoái vị năm 1936 vì kết hôn Wallis Simpson, một phụ nữ Mỹ bình dân đã 2 lần ly dị. Lần này Meghan Markl, 36 tuổi và cũng là người xuất thân từ tầng lớp bình dân, là con lai, mới chỉ ly dị có 1 lần. Cô có mẹ là giáo viên dạy yoga ở Los Angeles và cha là kỹ sư ánh sáng cho đoàn làm phim.
Libération kết luận : "Meghan Markle là người đã quen với nhiều vai diễn, tới đây cô sẽ phải hóa thân hoàn hảo trong cuốn phim nhiều tập của hoàng gia. Mong sao vương quốc Anh được sống trong hân hoan vui vẻ, điều đang rất cần cho đất nước này."
Anh Vũ
Chuyến tông du Miến Điện, thông điệp của Giáo hoàng cho Trung Quốc
Chuyến tông du Miến Điện của Giáo hoàng Francis được hầu hết các báo Paris hôm nay 27/11/2017 quan tâm. Trong bài "Chuyến đi gian truân của Giáo hoàng đến Miến Điện và Bangladesh", Le Figaro nhận định đây là sự kiện ngoại giao hết sức nhạy cảm, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Rohingya.
Giáo hoàng Francis và các trẻ em Miến Điện tại phi trường quốc tế Yangon, ngày 27/11/2017. Reuters/Max Rossi
Còn không đầy một tháng nữa là đến sinh nhật 81 tuổi, người đứng đầu Giáo hội Công giáo, trung thành với truyền thống Dòng Tên (Jésuites), tối qua đã lên đường sang Châu Á. Ngài thăm Miến Điện, đất nước mà từ trước đến nay chưa hề có Giáo hoàng nào đặt chân đến, và sau đó là Bangladesh. Bối cảnh căng thẳng giữa Miến Điện Phật giáo và Bangladesh Hồi giáo sẽ đè nặng lên chuyến đi, bên cạnh đó là hồ sơ Rohingya.
Sự nhân nhượng của Vatican ở Miến Điện
Le Figaro cho biết, chương trình tông du đã có nhiều chỉnh sửa vào phút chót tại Roma, dưới ảnh hưởng của Hồng y Charles Bo, tổng giám mục Yangon. Vị chủ chăn Miến Điện đã đích thân đến Vatican tuần trước để thuyết phục vị Giáo hoàng – thường có những tuyên bố thẳng thừng về nhân quyền – cần phải có một số nhượng bộ để tránh làm bốc lửa một tình hình vô cùng nhạy cảm.
Trước hết, là không dùng từ "Rohingya" trong chuyến thăm, thay vào đó là "người Hồi giáo ở bang Arakan". Một nhân nhượng lớn nữa là không rời Miến Điện mà không đến thăm nhân vật quyền lực thật sự, tướng Min Aung Hlaing, trước khi bay sang Bangladesh. Cuối cùng, để tránh sự cố ngoại giao, Giáo hoàng chỉ tiếp các đại diện người thiểu số Rohingya một khi đã ở trên lãnh thổ Bangladesh.
Tờ báo đặt câu hỏi, Giáo hội lùi bước trước quyền lực quân sự chăng ? Theo luật pháp Miến Điện, các tướng lãnh nắm ba bộ quan trọng là Quốc Phòng, Nội Vụ và Biên Giới. Quân đội chiếm một phần tư số đại biểu Quốc Hội, cộng với quyền đảo chính hợp pháp nếu sự đoàn kết quốc gia bị đe dọa. Thế nên sự tinh tế ngoại giao phải đặt lên hàng đầu.
Đương nhiên là Giáo hoàng sẽ bênh vực cho sự sống chung hòa bình giữa các tín ngưỡng và sắc tộc, tôn trọng nhân phẩm người tị nạn, người thiểu số, mà trước hết là người Công giáo. Nhưng nếu coi chuyến tông du này là sự ủng hộ của Giáo hoàng đối với người thiểu số theo đạo Hồi bị đàn áp, sẽ là một sai lầm, vì ba lý do.
Trước tiên, chuyến tông du được quyết định cách đây hai năm, rất lâu trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng Rohingya. Tiếp đến, vì Tòa Thánh, dựa theo các thông tin của giáo hội địa phương, quan ngại trước xu hướng Hồi giáo bạo động. Và cuối cùng, các nhà ngoại giao Vatican cũng như Giáo hoàng đều biết rằng giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi, bị chỉ trích dữ dội do sự im lặng trước thảm kịch Rohingya, có vị thế rất mong manh. Nếu bà bị gạt khỏi chính phủ, giới quân sự sẵn sàng nắm lấy mọi quyền lực. Điều quan trọng với Vatican là một sự chuyển đổi dần dà sang dân chủ tại Miến Điện.
Bóng dáng Bắc Kinh phía sau cuộc xung đột Rohingya
La Croix dẫn lời ông Greg Burke, phụ trách báo chí ở Tòa Thánh : "Còn hơn một chuyến tông du, đây là cả một cuộc phiêu lưu !". Linh mục Bernado Cervellera, giám đốc hãng tin AsiaNews của Ý nhận xét, cuộc tiếp xúc chiều thứ Tư tới giữa Giáo hoàng và các nhà sư Phật giáo là rất quan trọng. "Cách đây mười năm, chính các nhà sư đã khởi đầu những cuộc tuần hành vì dân chủ. Nhưng từ vài năm qua, giới quân sự đã đưa người vào các thiền viện để kích động chủ nghĩa dân tộc".
Cũng theo linh mục Cervellera, cuộc xung đột "chỉ mang tính tôn giáo ở ngoài mặt. Chính sách của giới Phật giáo dân tộc chủ nghĩa phù hợp với quan điểm chính trị và nhất là kinh tế của các tướng lãnh". Trong đó có thể kể dự án cảng nước sâu để đón tiếp các tàu Trung Quốc tại bang Rakhine, nơi người Rohingya sinh sống ; một đường ống dẫn dầu và một xa lộ nối với Trung Quốc, chạy qua vùng đất của người thiểu số Công giáo ở miền bắc Miến Điện. Linh mục Cervellera khẳng định : "Sự ủng hộ của Giáo hoàng đối với bà Aung San Suu Kyi còn là một thông điệp cho Bắc Kinh".
Trong chuyến tông du Châu Á lần này, Giáo hoàng Francis muốn xúc tiến đối thoại với người Phật giáo ở Miến Điện, người Hồi giáo ở Bangladesh và cả Ấn giáo. Một chuyến thăm Ấn Độ tương lai đang vấp phải trở lực : những tuyên bố dân tộc chủ nghĩa và chống Công giáo của đảng cầm quyền ở New Delhi. Như vậy, từ hai nước nhỏ (Giáo hội Công giáo chỉ chiếm 0,24% ở Bangladesh và 1,27% tại Miến Điện), Giáo hoàng muốn nhắn gởi đến hai người khổng lồ Châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ (tổng cộng 2,7 tỉ dân). Theo ông Greg Burke, "đây sẽ là chuyến tông du thú vị nhất của ngài về mặt ngoại giao".
Vương quốc tí hon Bhutan chênh vênh giữa Ấn Độ và Trung Quốc
Cũng về Châu Á, trang địa chính trị của Le Monde đăng bài phóng sự "Bhutan, chênh vênh giữa Ấn Độ và Trung Quốc". Nhờ có sự bảo trợ của Ấn Độ, vương quốc nhỏ bé này giữ được chủ quyền trong nhiều thập niên, không giao du với người láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Nhưng ngày nay, New Delhi lo ngại khi Bắc Kinh đang xích lại gần với Bhutan, thành lũy cuối cùng trước ảnh hưởng Trung Quốc tại tiểu lục địa Ấn Độ.
Khi Bắc Kinh tổ chức hội nghị thượng đỉnh về dự án "Một vành đai, một con đường" (OBOR - One Belt, One Road), Bhutan là quốc gia duy nhất ở Nam Á, không kể Ấn Độ, không gởi đến đại diện nào. Hàng tỉ nhân dân tệ đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Châu Á và xa hơn nữa, nhưng không vào được vương quốc 700.000 dân nằm kẹt giữa Ấn Độ và Trung Quốc, trên dãy Himalaya.
Làm thế nào một đất nước thuộc loại kém phát triển nhất lại có thể làm ngơ trước nền kinh tế thứ nhì thế giới, có chung 240km đường biên giới ? Theo Le Monde, Ấn Độ, nước đầu tiên công nhận Bhutan năm 1958, có thể đã cứu vương quốc nhỏ bé này ra khỏi móng vuốt của Bắc Kinh.
Năm 1950, Giải phóng quân Trung Quốc đã tràn sang Tây Tạng, và rất có thể tiến chiếm Bhutan ; nhưng năm 1959, sau chuyến viếng thăm của thủ tướng Nehru, Bhutan đóng cửa biên giới với Tây Tạng và xích lại gần hơn với New Delhi. Ba năm sau, quân đội Ấn Độ sang đóng tại bình nguyên Haa của Bhutan, về mặt chính thức là nhằm huấn luyện quân đội nước này. Cùng năm 1962, Ấn Độ thua trận trước Trung Quốc, và Bắc Kinh chiếm lấy Aksai Chin ở tây bắc bình nguyên Tây Tạng. Tại Haa, quân đội Ấn nay sẵn sàng can thiệp khi có xung đột.
Trung Quốc đang từng bước sử dụng quyền lực mềm để tranh giành ảnh hưởng, chẳng hạn mời các nhà thương thuyết biên giới của Bhutan cùng với gia đình sang hành hương Phật giáo ở bất kỳ địa phương nào họ muốn. Bhutan nhỏ bé đang phải "đi dây" giữa hai cường quốc Châu Á láng giềng, nếu nghiêng về bên nào cũng có nguy cơ đánh mất chủ quyền lâu nay có được. Hồi năm 2012, thủ tướng Bhutan Jigmi Thinley chỉ bắt tay ông Ôn Gia Bảo, mà sau đó Ấn Độ đã hủy trợ cấp xăng dầu, và vài tuần sau ông Thinley thất cử.
Angela Merkel, nước Đức và tương lai Châu Âu
Nhìn sang Châu Âu, cây bút Dominique Moisi giải thích trên nhật báo Les Echos "Vì sao bà Angela Merkel phải tiếp tục là người đứng đầu nước Đức". Theo tác giả, tuy vị thế thủ tướng Đức có yếu đi do thất bại trong việc lập liên minh cầm quyền, nhưng bà Merkel vẫn phải là lãnh đạo nước Đức, vì tương lai Châu Âu chịu ảnh hưởng lớn vào điều này.
Lần đầu tiên kể từ khi thành lập Cộng hòa Liên bang Đức năm 1949, nước Đức mới bị một cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng thấy. Việc các đảng chính trị không thỏa thuận được để lập chính phủ liên minh, tuy là điều bình thường với các láng giềng Châu Âu, nhưng trường hợp nước Đức thì khác hẳn. Ít nhất là do ba nguyên nhân : vị thế của Đức tại Châu Âu, vai trò của bà Angela Merkel, và vấn đề lịch sử.
Theo tác giả, thất bại của bà Merkel là bài học cho việc đặt đạo đức lên trên chính trị. Khi mở cửa nước Đức cho một triệu di dân Hồi giáo, bà Angela Merkel đã tự đóng lại cánh cửa cho nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư. Chỉ có một nhân vật có thể cứu vãn được tình thế, đó là tổng thống Stenmeier, tuy lâu nay chỉ đóng vai trò tượng trưng, nay lại mang ý nghĩa chính trị to lớn.
Nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, cột trụ cho sự ổn định của mô hình dân chủ, trong thời buổi Brexit và Trump, cần phải đứng vững, vì một Châu Âu tốt đẹp hơn. Người Đức có thể dửng dưng với số phận của Angela Merkel, nhưng các nước Châu Âu thì không thể.
Iran mở rộng ảnh hưởng tận Đại Tây Dương
Còn tại Trung Đông, Le Figaro cho biết "Iran áp đặt sự tăng trưởng của phe Shia". Thông qua các lực lượng dân quân Shia, Tehran đã thiết lập được vùng ảnh hưởng kéo dài đến tận Đại Tây Dương.
Tờ báo cho rằng có một "trước và sau Abu Kamal". Thành phố cuối cùng của Syria nằm trong tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daesh, IS) dọc theo dòng sông Euphrates chạy dài theo biên giới Iraq, vào giữa tháng 11 đã được quân của Assad tái chiếm cùng với các đồng minh Vệ binh Cách mạng Iran, dân quân Shia của Lebanon và Iraq. Lần đầu tiên kể từ khi Cộng hòa Hồi giáo Iran được thành lập năm 1979, đã hình thành được một hành lang nối liền Tehran với Baghdad, Damascus và Beirut. Dân quân Kurdistan, đồng minh Mỹ ở miền bắc Syria đã cố chận bước nhưng không thành công.
Tuy là thiểu số đối với Hồi giáo thế giới nhưng chiếm đa số ở Irak, người Shia đã nắm lại quyền từ sau cuộc chiến do ông Bush tiến hành, và người kế nhiệm Obama từ chối hỗ trợ quân nổi dậy Sunni vốn cố gắng lật đổ Assad từ năm 2011. Trong cuộc chiến tại các nhà nước yếu kém này, mô hình Iran tỏ ra rất hiệu quả, dựa trên lực lượng dân quân đôi khi còn mạnh hơn quân đội chính quy. Tehran dệt nên một mạng lưới chân rết địa phương, nên có thể kiểm soát mà không cần đổ quân ồ ạt tại thực địa.
Trong bài xã luận mang tên "Trò chơi lớn phương Đông", Le Figaro nhận định phương Tây hầu như đã để mặc cho Iran tự do hành động ở Syria. Bên cạnh trục Iran-Iraq-Syria, quân Hezbollah tung hoành ở Lebanon và tại Yemen, quân nổi dậy Houthis thách thức Riyad. Tehran theo hệ phái Shia có hẳn một dây chuyền vừa mang tính tôn giáo, vừa quân sự và chính trị để ra mệnh lệnh. Ngược lại hệ phái Sunni thì tản mác như rắn không đầu. Trong bối cảnh đó, nước Pháp tìm kiếm một giải pháp dung hòa, và vụ đưa thủ tướng Lebanon Saad Hariri ra khỏi Saudi Arabia là một bước khởi đầu, để tránh cho Lebanon không bị rơi vào vòng xoáy.
Tàu ngầm Argentina mất tích do quân đội kém trang bị ?
Về số phận chiếc tàu ngầm San Juan của Argentina mất tích cùng với 44 thủy thủ, Les Echos cho biết ngân sách èo uột của quân đội được cho là thủ phạm.
Chỉ chiếm có 1,07% tổng sản phẩm nội địa, ngân sách quốc phòng Argentina ngày càng chiếm vị trí hết sức khiêm tốn. Nỗi ám ảnh do thời kỳ độc tài quân sự (1976-1983) để lại với 30.000 người mất tích, và những thiệt hại trong cuộc chiến Malouines (Falklands) 1982 với Anh quốc, đã khiến Argentina tiến hành giải trừ quân bị từ thập niên 1990. Hiện nay, trên 80% ngân sách của quân đội được dùng để trả lương và lương hưu, chỉ có gần 5% để mua trang thiết bị.
Tờ báo La Nación có được nhiều báo cáo nội bộ, hôm Chủ Nhật 26/11 tiết lộ có những bất thường trong việc mua bình điện cho tàu ngầm đã được cảnh báo. Giáo sư Sergio Eissa, trường đại học Buenos Aires nhận định : "Sự kiện vừa qua không có gì bất ngờ, mà điều đáng ngạc nhiên là sao không xảy ra sớm hơn". Theo ông : "Argentina đang đối mặt với nghịch lý : làm thế nào một quốc gia có thể có sức nặng trên trường quốc tế nếu không có được một quân đội xứng tầm ?".
Cho đến nay, chính phủ vẫn từ chối nhìn nhận cái chết của thủy thủ đoàn chiếc San Juan, và mở rộng tìm kiếm. Hiện đã có 4.000 người tham gia với sự hỗ trợ của 12 quốc gia. Nữ dân biểu Elisa Carrió thuộc liên minh trung hữu cầm quyền thẳng thắn : "Tôi xin nói điều mà chính quyền không thể nói : tất cả chắc đều đã chết".
Thuốc ung thư, bạo hành phụ nữ, Trung Đông, Rohingya : Tựa chính báo Pháp
Đề tài chính của nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay tập trung cho "Y tế : Quỹ an sinh tấn công vào giá trị phát minh". Giúp cho một lượng bệnh nhân ngày càng lớn có được thuốc trị ung thư mới mà không bị thâm hụt quá nhiều, đó là mục tiêu của Quỹ an sinh xã hội Pháp. Sau sáu tháng thương lượng, cơ quan này đã đạt được thỏa thuận về giá cả hai loại thuốc mới, tuy hiệu quả nhưng rất đắt tiền, hy vọng kềm được số chi khoảng 600 triệu euro một năm cho hai dược phẩm mới này.
Cũng trên lãnh vực xã hội, Libération quan tâm đến "Trẻ em nghèo, trường học ở tuyến đầu". Trước cảnh nghèo khổ của một số học sinh, các thầy cô giáo cố gắng giúp đỡ các em chỗ ở, thức ăn…
Le Mondedành chủ đề cho "Bạo hành tình dục, cú sốc toàn thế giới". Nhân Ngày thế giới đấu tranh chống bạo lực đối với phụ nữ, tờ báo điểm qua tác động vết dầu loang từ vụ Weinstein ở Hollywood, nay đã lan ra rất nhiều nước, với hàng loạt tố cáo không chỉ trong ngành giải trí mà cả truyền thông và chính trị.
Le Figaro nhìn sang vùng Trung Đông, chạy tựa trang nhất : "Lebanon, Syria, Iraq : Iran đã mở rộng tầm ảnh hưởng như thế nào". Iran đã trở thành một cường quốc khu vực mà ảnh hưởng trải dài từ biên giới Afghanistan cho đến Đại Tây Dương. Sự đối địch với Saudi Arabia làm khu vực Trung Đông thêm rạn nứt.
La Croix "Đến với người Rohingya, dân tộc vô tổ quốc". Nhân sự kiện Giáo hoàng Francis đến Miến Điện sáng nay, nhật báo công giáo đăng bài phóng sự về sắc dân thiểu số mà số phận đang được quốc tế quan ngại.
Thụy My
Trump "nối giáo’" cho Trung Quốc khống chế Bắc Cực ?
Chủ đề liên quan đến thời sự Pháp chiếm trọn trang bìa các tạp chí lớn ở Paris trong tuần này. Tạp chí L’Obs không ngoại lệ, nhưng đã dành một hồ sơ nêu bật một ý đồ bành trướng của Trung Quốc với tựa đề rất gọn : "Bắc Cực Made in China". Bài báo phân tích chiến lược của Bắc Kinh nhằm thâu tóm tài nguyên khoáng sản rất dồi dào, nhưng chưa được khai phá tại vùng đất băng giá này, một chiến lược đã bất ngờ được tổng thống Mỹ Donald Trump hỗ trợ đắc lực.
Trong tương lai không xa Bắc cực quanh năm băng giá sẽ trở thành tuyến đường hàng hải tấp nập. Reuters/Alistair Scrutton
Theo Pascal Riché, tác giả bài báo, mọi sự khởi đầu từ việc khí hậu toàn cầu bị hâm nóng, làm tan băng ở vùng Bắc Cực, cho phép tạo ra những tuyến đường hàng hải mới, và nhất là mở ra triển vọng khai thác các trữ lượng dầu khí, sắt, kẽm... trước đây còn bị băng phong tỏa. Đối với phóng viên tuần báo L’Obs, có thể nói là "sự mở cửa" của Bắc Cực, dưới tác động của việc Trái Đất bị hâm nóng, là thay đổi địa lý quan trọng nhất kể từ khi kỷ nguyên băng hà kết thúc.
Không giống như Nam Cực, được các hiệp ước cụ thể "bảo vệ", Bắc Cực ngày nay, giống như miền Viễn Tây Far West của Mỹ trước đây, vẫn còn hoang dã và đang trở thành một cục nam châm thu hút mọi tham vọng.
Các nước bao quanh Bắc Cực như Nga, Mỹ (nhờ vùng với Alaska), Canada, Đan Mạch (với Groenland), Iceland và Na Uy đều đã tìm cách khai thác và mở rộng khu vực kiểm soát, thế nhưng theo tạp chí Pháp, điểm nổi bật của năm 2017 này là họ đã bị một nước ngoài khu vực qua mặt : đó là Trung Quốc.
Trump đã giúp Trung Quốc làm chủ Bắc Cực
Vấn đề đáng chú ý là Trung Quốc đã lộ rõ tham vọng khống chế Bắc Cực từ lâu, nhưng cho đến nay đã vấp phải cản lực từ Mỹ. Thế nhưng, ngày 9 tháng 11 vừa qua, trong chuyến thăm Bắc Kinh, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý cho Trung Quốc đầu tư 43 tỷ đô la Mỹ vào bang Alaska để khai thác, hóa lỏng và vận chuyển khí đốt tự nhiên. Đây là khoản đầu tư lớn nhất vào vùng Bắc Cực từ trước đến nay.
Đối với Mikaa Mered, giáo sư chuyên nghiên cứu Nam Cực và Bắc Cực tại Đại Học Khoa Học Ứng Dụng Lapland ở Phần Lan, đồng thời là chuyên gia cho Ủy Ban Châu Âu, hệ quả của thỏa thuận Mỹ-Trung trên đây rất rõ : "Trung Quốc đã trở thành ông chủ của Bắc Cực".
Chuyên gia này giải thích : "Trung Quốc đã có phần trong các dự án ở Canada, họ đã đầu tư vào hai dự án khí đốt lớn ở Nga, họ đã sưởi ấm quan hệ với Na Uy, họ đã có một thỏa thuận thương mại tự do với Iceland, họ đã nắm trong tay gần như tất cả các dự án khai thác mỏ lớn ở Greenland. Người ta từng cho rằng họ sẽ khó mà vào được Mỹ do quan điểm (được tuyên bố trước đây) của Trump đối với họ. Rốt cuộc, họ chỉ cần sáu tháng để được toại nguyện...".
Theo tạp chí Pháp, tổng thống Mỹ đã bị thống đốc Bill Walker cùng với các nghị sĩ thuộc tiểu bang Alaska, tất cả đều cùng trong đảng Cộng Hòa, thuyết phục. Từ khi giá dầu sụt giảm, bang này bị lâm vào khó khăn kinh tế và tài chính, và dự án Alaska LNG ký với Trung Quốc được coi là mang tính chất sống còn. Các đối tác ban đầu là Exxon Mobile, TransCanada, ConocoPhillips, BP, đã không hứng khởi lắm với dự án do lợi nhuận không chắc chắn, và đã rút lui vào năm ngoái.
Khống chế Bắc Cực để nắm nguồn tài nguyên
Đối với Trung Quốc thì khác, không có lợi nhuận ngay lập tức không phải là vấn đề, ưu tiên của họ là đảm bảo nguồn năng lượng để duy trì sự tăng trưởng trong nhiều thập niên.
Theo Mark Rosen, chuyên gia về Bắc Cực ở CNA, một cơ quan nghiên cứu thân cận với bộ Quốc Phòng Mỹ thì đối với Bắc Kinh, "Bắc Cực trước tiên hết là nguồn cung cấp các nguyên liệu mà ngành công nghiệp Trung Quốc rất cần. Thay vì đi mua, Bắc Kinh đã quyết định làm chủ các mỏ để nắm quyền kiểm soát sản lượng và giá cả".
Thế là Trung Quốc đã lợi dụng thời cơ lao vào thương lượng về việc tham gia dự án Alaska LNG. Theo thỏa thuận, thì một đại tập đoàn (consortium) bao gồm 3 tập đoàn Trung Quốc sẽ tiếp quản dự án này (mặc dù Alaska sẽ vẫn nắm đa số) : Đó là tập đoàn hóa dầu Sinopec, quỹ đầu tư nhà nước CIC, và Ngân Hàng Nhà Nước Trung Quốc. Bắc Kinh dự định nhập khẩu 75% khí đốt sẽ được khai thác.
Đối với Hoa Kỳ thì mối lợi sẽ là 12.000 việc làm và giảm được 10 tỷ đô la thiếu hụt thương mại với Trung Quốc (lên đến 350 tỷ đô la vào năm ngoái). Món lợi đó, theo tạp chí L’Obs, đã đập tan luận điệu chống Trung Quốc hùng hồn của ứng cử viên Trump. Thời kỳ mà Trung Quốc "cưỡng bức Hoa Kỳ" giờ đây chỉ còn là ký ức.
Khi giới lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ ăn nói linh tinh
Tại Ấn Độ, giới khoa học đang động viên nhau để chống lại nguy cơ những môn khoa học giả hiệu, như bói toán chẳng hạn, được đưa vào chương trình giảng dạy, nhờ được một số thực thể trong chính quyền dân tộc chủ nghĩa đương quyền ủng hộ.
Tạp chí Courrier International đã trích dẫn truyền thông Ấn Độ điểm qua một số tuyên bố cực kỳ linh tinh của nhiều giới chức chính quyền hiện nay để kích động tinh thần dân tộc Ấn.
Trong số người phát biểu quá đà, có cả thủ tướng Narendra Modi. Theo tờ báo Ấn Độ The Financial Express, ông Modi đã từng công khai tuyên bố rằng Ganesh, vị thần đầu voi của Ấn Độ, là sản phẩm của nền "phẫu thuật thẩm mỹ" mà người Ấn đã thành thạo từ thời xa xưa.
Những tuyên bố kiểu trên đây không hiếm. Theo Courrier International, từ khi lên cầm quyền cách đây 3 năm, Đảng BJP của thủ tướng Modi đã không ngần ngại thao túng khoa học, tôn giáo và lịch sử vì mục đích ý thức hệ.
Vào tháng 1 năm 2015, tại Hội Nghị Khoa học Ấn Độ, một cựu phi công đã khẳng định rằng chính tại Ấn Độ mà phi cơ đã được phát minh "cách nay 7000 năm". Theo nhật báo Times of India đã loan tin trên vào lúc đó, thì nhân vật này cho biết là ông đã đọc được điều đó trong kinh cổ Vedas, viết bằng tiếng Phạn. Theo ông, những văn bản cổ xưa đó còn nói rằng những chiếc máy bay "có thể bay từ nước này sang nước khác, từ một châu lục này sang châu lục khác, và từ một hành tinh này qua một hành tinh khác".
Còn ông Vijay Bhatkar, lúc đó là chủ tịch Học Viện Công Nghệ Ấn Độ ở New Delhi, ngay hôm đó cũng lên án cái ông gọi là "tư tưởng nô lệ", đã thúc đẩy người Ấn chỉ công nhận các phát minh tại nước ngoài. Kể từ đó, trang web tin tức The Wire đã tiết lộ rằng ông Vijay Bhatkar là thành viên tổ chức RSS, một phong trào bán quân sự cực hữu, mà đảng BJP đương quyền là tủ kính chính trị.
Sau đó, nhiều nhân vật đã thản nhiên có những tuyên bố hết sức phi lý nhằm đề cao dân tộc Ấn. Bộ trưởng nội vụ hiện nay chẳng hạn, đã khẳng định rằng bất kỳ một tu sĩ Ấn Độ Giáo nào cũng có thể dự đoán nhật thực của mặt trời "hàng trăm năm trước". Bộ trưởng nông nghiệp cũng không thua kém khi tuyên bố rằng nếu tập yoga, người nông dân có thể "tự bảo vệ mình chống lại những tác động có hại của hiện tượng khí hậu bị hâm nóng" !
Có nên hạ bệ các nhân vật lịch sử bị "tỳ vết" ?
Như nói ở trên, các tuần báo Pháp đều đã dành trang bìa cho thời sự Pháp. L’Obs chẳng hạn, đã đặt một câu hỏi thành tựa trang nhất : "Có nên hạ bệ những vĩ nhân của chúng ta hay không ?", bên dưới là ảnh vẽ một số nhân vật lịch sử Pháp, với câu hỏi nhỏ ở mỗi ảnh vẽ nêu bật điều bị coi là tội trạng của những nhân vật đó.
Dưới hình vẽ tướng De Gaulle, người hùng trong cuộc chiến chống phát-xít Đức, sáng lập ra nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp, là câu hỏi về tính chất độc tài (autocrate) của cố tổng thống, ngày nay bị tố là có thiên hướng chuyên chế và tại chức quá lâu.
Ngược về thế kỷ 19, Jules Ferry, nhà sáng lập hệ thống giáo dục công lập, phi tôn giáo, không còn lệ thuộc vào các trường dòng như trước đó, thì lại bị tố là một tên "thực dân", chủ trương chế độ thuộc địa (colonialiste). Hoàng đế Napoléon, thì bị cho là "một kẻ buôn nô lệ (esclavagiste), trong lúc lãnh tụ cách mạng Robespierre thời Cách Mạng Pháp 1789, bị cáo buộc là "một tên khủng bố (terroriste)". Ngay cả vua Louis thứ 9 thời Trung Cổ (thế kỷ thứ 13), từng được phong làm Thánh Louis (Saint-Louis), cũng bị đặt vấn đề là một kẻ bài Do Thái.
Câu hỏi mà tuần báo Pháp đặt ra xuất phát từ việc một số hiệp hội chống kỳ thị chủng tộc tại Pháp, mới đây đã bày tỏ thái độ phẫn nộ trước sự kiện nhiều nhân vật lịch sử như kể trên vẫn được tôn vinh.
Đối với L’Obs, vấn đề đã xâu xé nước Mỹ vào mùa hè vừa qua liên quan đến ký ức về cuộc nội chiến Mỹ, cũng đang được đặt ra tại Pháp, với câu hỏi là liệu có nên đổi tên đường phố và dẹp bỏ những tượng đài tôn vinh những nhân vật mà di sản ngày nay đang gây tranh cãi hay không ?
Trong một hồ sơ 12 trang, L’Obs nhắc lại rằng hoàng đế Napoléon chẳng hạn, đã phục hồi chế độ nô lệ ở các thuộc địa vào năm 1802, trong lúc Jules Ferry, người khai mở nền giáo dục thế tục thì lại là một kẻ "kiên quyết bảo vệ chế độ thực dân, thuộc địa".
Tuần báo Pháp đăng một số ý kiến trái chiều của cả bên bênh lẫn bên chống việc đặt lại vấn đề lịch sử này. Chẳng hạn như liên quan đến cố tổng thống De Gaulle, Daniel Cohn-Bendit, một gương mặt tiêu biểu trong phong trào sinh viên đấu tranh thời Mai 68, tháng Năm 1968, đã làm rung chuyển chế độ De Gaulle lúc bấy giờ, thì "Tướng De Gaulle đã là cản lực trên con đường dân chủ hóa nước Pháp". Ngược lại, theo Jean-Louis Debré, chủ tịch Hội Đồng Bảo Hiến Pháp, từng là chủ tịch Quốc Hội Pháp, thì cố tổng thống Pháp là người đã "khôi phục nền Cộng Hòa Pháp vào năm 1958".
Có dính líu ít nhiều đến Việt Nam là trường hợp của Jules Ferry. Nhà biên khảo kiêm ký giả Natacha Polony đã ghi nhận mong muốn của Jules Ferry là giúp con người nói chung "thoát ra khỏi chủ nghĩa u muội", còn Lilian Thuram, cầu thủ bóng đá vô địch thế giới năm 1998, người sáng lập một hiệp hội chống kỳ thị chủng tộc, thì cho rằng cựu bộ trưởng giáo dục Pháp đã bật đèn xanh cho việc "cướp của, giết người và bắt các dân tộc khác làm nô lệ".
Đối với L’Obs, vấn đề cần được xem xét thấu đáo, bằng không thì chỉ còn có nước là biến Điện Panthéon ở Paris, nơi tôn vinh các vĩ nhân Pháp, thành một công viên !
Đảng Cộng Hòa Tiến Bước LREM : Tử huyệt của Macron ?
Tuần báo L’Express cũng dành trang bìa và hồ sơ chính 13 trang cho thời sự Pháp, nhưng để ghi nhận rằng Đảng Cộng Hòa Tiến Bước LREM mà tổng thống Macron lập ra có thể trở thành ‘tử huyệt’ của chính ông.
Chính vì vậy mà đương kim tổng thống đã cử một người thân cận cứng cỏi là ông Castener, nguyên là phát ngôn viên chính phủ, qua nắm đảng, không cần thủ tục bầu bán phức tạp.
Đối với một đảng vừa được thành lập từ một phong trào kể như là mới toanh, vấn đề đặt ra là đi sâu được vào quần chúng để quảng bá cho chủ trương đường lối của chính phủ Macron. L’Express đã cử phái viên xuống thành phố Dijon, và ghi nhận các nhà hoạt động ráo riết của những người trong đảng Cộng Hòa Tiến Bước.
Một người xác định "Một nhiệm vụ nặng nề đang đè nặng trên vai chúng tôi. Đó là giáo dục quần chúng" : 6000 tờ rơi về chủ đề này đã được gửi đến nơi đây. Các đảng viên đảng Xã Hội tại chỗ không tránh khỏi ghen tị. Antoine Hoareau, thư ký đảng Xã Hội khu vực Dijon ngậm ngùi : "Người của đảng Cộng Hòa Tiến Bước quả là không ngu như chúng tôi. Trong 5 năm qua, chúng tôi chưa hề nhận được tài liệu nào từ đảng để vận động ủng hộ chính sách của François Hollande".
Theo Fadila Khattabi, một trong bốn dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa Tiến Bước vùng Côte-d'Or, đã đến lúc tiếp tục trở lại các hoạt động thực địa : "Sau thời kỳ phấn chấn nhờ thắng lợi tại cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội, chúng tôi quả là đã sao lãng một chút trong mùa hè... Để giữ lời hứa "Làm chính trị một cách khác đi", các đảng viên tại cơ sở sẽ nhân rộng các sáng kiến".
Báo giới Châu Âu chưa hết ngạc nhiên trước Emmanuel Macron
Courrier International tuần này cũng dành trang nhất cho nước Pháp, nói về "Một nghìn lẻ một trò biến hóa của Macron", tựa lớn trang bìa với ảnh ghép tổng thống Pháp đóng vai một nhà ảo thuật.
Tuần báo Pháp ghi nhận những cái nhìn đầy ngạc nhiên của báo giới ngoại quốc, thấy rằng cho dù bị lận đận trong các cuộc thăm dò dư luận trong nước, tổng thống Pháp đã bắt đầu cải tổ được đất nước. Bằng chứng là ông đã thành công trong việc cho thông qua một loạt các kế hoạch cải tổ quan trọng mà không làm dấy lên bất kỳ phong trào phản đối rầm rộ nào.
Theo Courrier International, sở dĩ các tờ báo The Irish Times ở Ireland, Der Standard ở Áo, Le Temps ở Thụy Sĩ và Politico ở Bruxelles, cảm thấy ngạc nhiên, đó là vì nước Pháp nổi tiếng là thủ cựu, không tài nào cải cách được. Nhưng dẫu sao thì dù cho các thay đổi cụ thể vẫn còn chưa rõ nét, báo giới tại các láng giềng của Pháp đều ghi nhận một thay đổi thực thụ trong cách suy nghĩ của người Pháp.
Trong loạt bài phân tích rất khô khan về tổng thống Pháp, có một bài rất tình cảm của nữ ký giả Lara Marlowe trên tờ The Irish Time xuất bản tại Dublin khi nói về tài chinh phục nhân tâm của tổng thống Pháp :
"Tôi nghe nói là ông Macron có tài quyến rũ đến mức có thể dụ dỗ cả một chiếc ghế ! Tôi thấy ông cương quyết, năng động, thậm chí tài ba, nhưng không đặc biệt quyến rũ. Sức quyến rũ thực sự của ông ấy mang tính chất rất tự nhiên. Ông Macron sẽ không bỏ cuộc trước khi thuyết phục được đối tượng. Sáu tháng sau cuộc bầu cử, rõ ràng là ông Macron đã thay đổi được nước Pháp theo chiều hướng tốt hơn. Đa số những lời chỉ trích nhắm vào ông đều bất công. Có thể là người Pháp rất khó thỏa mãn".
Vụ tai tiếng về bác sĩ Pháp tốt nghiệp tại Romania
Hồ sơ đáng chú ý nhất trên L’Express tuần này là "Vụ scandale về bằng bác sĩ tại Romania", nêu bật tình trạng sinh viên Pháp ngày càng chạy qua Romania để theo học ngành y khoa, tốt nghiệp ở đấy, rồi trở về Pháp hành nghề một cách hoàn toàn hợp pháp, nhưng trình độ và năng lực thực thụ lại là một vấn đề lớn.
Theo đặc phái viên L’Express tại Romania, nước này đã mở rộng vòng tay đón nhận 2.135 sinh viên Pháp, đa số là những người đã bị rớt tại Pháp khi thi tuyển vào năm thứ nhất y khoa, một cuộc sàng lọc gắt gao vì có đến 90% thí sinh bị rớt. Tại Romania thì không có thi tuyển như ở Pháp, thậm chí không có cả thi vấn đáp sơ bộ, thí sinh chỉ cần điền vào mẫu hồ sơ đăng ký học, đánh dấu vào chuyên ngành mình muốn theo như y học tổng quát, nha khoa, dược khoa hoặc bác sĩ thú y là xong.
Cách tuyển chọn của nhà trường cũng không gắt gao lắm. Viorel Scripcariu, hiệu trưởng Trường Y khoa Grigore T. Popa cho biết : "Chúng tôi đã nhận được 170 đơn xin học trong năm nay, và đã nhận 150 người, mức tối đa mà Nhà Nước cho phép. Một khi được nhận vào, sinh viên sẽ phải đóng 5000 euro một năm, tức là 30.000 euro để hoàn thành hai cấp học đầu tiên".
Vấn đề mà L’Express đặt ra là trình độ chuyên môn của các bác sĩ tương lai đó khi về làm việc tại Pháp. Do chế độ được Châu Âu quy định, công nhận sự tương đương văn bằng giữa các nước Châu Âu, các sinh viên Pháp học y khoa ở Romania, sau khi tốt nghiệp, đều có thể về hành nghề tại Pháp, bất kể là trình độ của họ ra sao vì không thể kiểm tra được.
Tình hình kể trên, theo L’Express, quả là đáng ngại, đồng thời gây phẫn nộ trong giới y học Pháp.
Mai Vân
Giảm ăn thịt để tăng sức khỏe, bảo vệ súc vật và Trái đất
Tương lai Syria trong trận thế Trung Đông, số phận người Rohingya ở Miến Điện, tệ nạn buôn người ở Libya, cuộc "đảo chính" ở miền Đông Ukraine thân Nga, bế tắc chính trị Đức, kinh tế Pháp hưng phấn là những chủ đề chính trên báo Pháp hôm nay bên cạnh lời cảnh báo của tổ chức môi trường Pháp Terra Nova : bớt ăn thịt để cứu trái đất và sức khỏe.
Từ năm 1998, người Pháp có xu hướng ăn "bớt thịt, thêm rau". Keith Weller, USDA ARS/CC/Wikimedia Commons
Le Monde "điều tra tệ nạn sách nhiễu tình dục ở các công ty", Le Figaro phân tích về lời hứa "cải cách thuế sâu rộng" của tổng thống Macron, Libération đánh cược vào nữ "cứu tinh" của đảng Xã Hội Najat Vallaud Belkacem, Les Echos phấn khởi với dự báo kinh tế Pháp tăng trưởng mạnh vào cuối năm trong khi nhật báo công giáo La Croix ưu tư cho cộng đồng Do Thái sống ở ngoại ô. Trên đây là những tựa lớn trên trang nhất báo chí Pháp hôm nay
Bớt lạm dụng thịt, ăn chay, thêm sức khỏe
Trong không khí chuẩn bị lễ hội Giáng Sinh và Tất Niên, mùa ăn uống tiệc tùng, tổ chức chuyên gia Terra Nova đánh tiếng chuông cảnh tỉnh mà Le Monde tường thuật bằng một trang báo : "Thời vàng son của thịt đã chấm dứt", còn La Croix đặt câu hỏi hướng dẫn : "Làm cách nào để bớt ăn thịt ?".
Trong bản báo cáo công bố ngày 23/11/2017 mà Le Monde có đặc quyền tiếp cận trước, tổ chức chuyên gia có xu hướng thiên tả đề nghị cần phải thiết lập quân bình giữa tập quán phải có thịt trong món ăn với nhu cầu gìn giữ sức khỏe và bảo vệ môi trường. Terra Nova (tạm dịch là hành tinh mới) không có dụng ý khuyến khích người dân Pháp ăn chay nhưng khuyến cáo trong 20 năm tới đây cần giảm ít nhất 50% khẩu phần thịt và cá hàng ngày.
Ba lý do khẩn cấp : mức độ chăn nuôi công nghiệp đã đi đến tình trạng bão hoà, không đủ khả năng nuôi sống 10 tỷ dân địa cầu vào thập niên 2050 cũng như không thể chu toàn từ vệ sinh cho đến môi trường. Trung bình mỗi người Pháp tiêu thụ 86 kg thịt và xương vào năm 2014, giảm 8 kg so với thống kê vào năm 1998.
Học sinh đi tiên phong
Để thúc đẩy xu hướng bớt thịt tăng rau - đã được ghi nhận tại Pháp từ 1998 đến nay - Terra Nova đưa ra 11 đề nghị giảm ăn thịt cần thực hiện ở mức độ lớn : thêm món ăn chay trong thực đơn ở các trường trung học, huấn luyện cho đầu bếp nấu các món rau, đậu hợp khẩu vị…
Sáu ngàn tỷ con bò, heo, gà, vịt mỗi năm nuôi 7 tỷ miệng ăn
Hiện nay, mỗi năm phải làm thịt 60 tỷ con vật, đánh bắt 1.000 tỷ hải sản để phục vụ cho nhu cầu thực phẩm càng ngày càng tăng trên thế giới. Trong 50 năm qua, với mức sống được cải thiện, Châu Á tiêu thụ thịt tăng 15 lần hơn, Châu Phi 5 lần hơn… nhưng vẫn còn thấp so với các nước Tây phương. Tình hình ngày càng tệ hơn bởi vì nhu cầu lương thực phải tăng thêm 75% từ nay đến 2050.
Bớt dùng thịt còn giúp bảo vệ sức khỏe : hàng trăm cuộc khảo sát dịch tễ học xác nhận ăn nhiều rau sẽ giảm cơ nguy bị bệnh ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường, mỡ máu và béo phì. Ăn trên 500g thị bò, heo hay 150g thịt ướp như jambon mỗi tuần làm tăng xác xuất bị ung thư ruột già.
Theo kịch bản khối lượng thịt tiêu thụ giảm 1/3 từ nay đến giữa thế kỷ thì lượng khí thải phát ra làm tăng nhiệt độ địa cầu cũng được giảm một nửa.
Và để làm lượng CO2 gây hiệu ứng nhà kính giảm hơn 50%, một nhà canh tác Pháp kêu gọi : món ăn Pháp dùng rau đậu của Pháp, không cần phải nhập khẩu từ Nam Mỹ xa xôi. Đây cũng là kết luận của La Croix trong bài báo cùng chủ đề "tăng rau, bớt thịt" để bảo vệ sức khỏe và Trái đất.
Miến Điện : Lời trẻ và tuyên truyền
Sắc tộc Rohingya có thật sự bị "thanh lọc" hay không ? Tài liệu do quân đội Miến Điện phổ biến nói là không. Các nhân chứng, phần đông là trẻ em và thiếu niên, tuổi chưa biết nói dối, do Liberation thu thập, bác bỏ từng điểm của quân đội.
Từng điểm một, trong bài "Lời nói của người Rohingya trước tuyên truyền của quân đội Miến Điện", Libération dẫn nhập bằng thông cáo của bộ ngoại giao Mỹ, tiếp sau Liên Hiệp Quốc, lên án quân đội Miến Điện "thanh lọc sắc tộc". Trong khi đó, báo cáo của quân đội cho rằng người Rohingya tự đốt nhà để thu hút công luận quốc tế. Đặc phái viên nhật báo cánh tả Pháp ở Bangladesh đến các trại tị nạn đặt câu hỏi kiểm chứng :
- An ninh không bắn một phát đạn vào dân lành ? Cậu bé 7 tuổi nói : Ngày thứ Bảy (26/08), lính tới làng, con đang ngồi trong nhà thì bị một viên đạn vào chân. Một chục em nhỏ khác, từ nhiều làng khác nhau, đều thuật lại những chuyện mắt thấy tai nghe tương tự.
- Quân đội không hãm hiếp phụ nữ, không dọa nạt dân làng, không dùng súng lớn ? Libération trích dẫn hàng chục nhân chứng xác nhận ngược lại : người phụ nữ trẻ nào bị hãm hiếp, trưởng làng nào bị bắt để đòi tiền, làng nào bị cảnh sát và quân đội phóng hỏa….
Syria hòa giải dân tộc hậu Daesh : nói dễ, làm khó
Tương lai Syria nằm trong tay nước Nga ? Không chắc ! Tại Sochi, sau khi tiếp tổng thống Syria và thảo luận với tổng thống Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về sáng kiến triệu tập "Đại hội đối thoại dân tộc Syria", tổng thống Nga Vladimir Putin đụng phải "chướng ngại" Kurdistan, nhưng không phải chỉ có thế.
Theo Le Monde, cho dù tổng thống Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ dự án Đại hội dân tộc Syria của Putin nhưng Erdogan nhất định không cho người Kurdistan tham gia. Thế mà, tổ chức đảng Kurdistan - Syria và cánh tay võ trang lực lượng Kurdistan tự do là thành phần chủ lực trong cuộc chiến chống Daesh ở vùng bắc Syria. Một trắc trở khác cho sáng kiến của Nga là cho đến bây giờ chưa rõ thành phần đối lập Syria nào tham gia đàm phán. Chính tổng thống Nga phải tuyên bố : giai đoạn hậu Daesh tùy thuộc vào khả năng thỏa hiệp của các phe, kể cả phía chính phủ Damascus. Mọi tầng lớp xã hội Syria cùng nhau soạn Hiến Pháp mới, tổng thống Iran, đồng minh của Bachar al Assad cũng nhận định như thế. Nhưng liệu nhà độc tài Bachar al-Assad có chấp nhận một chế độ đa đảng ?
Les Echos cũng lưu ý một số yếu tố bất trắc khác trong dự án Nga bảo trợ : các nhóm đối lập họp tại Ryadh, đối thủ cúa Teheran và Damascus, tẩy chay sáng kiến của Nga và tiếp tục đòi Bachar al Assad ra đi "khi bắt đầu" thảo luận về tiến trình chuyển tiếp chính trị.
Tuy nhiên, Les Echos không loại hết mọi hy vọng. Bởi vì cụm từ "khi bắt đầu" mang ý nghĩa nhẹ nhàng hơn là điều kiện "ngay trước khi bắt đầu".
Cũng trong tình hình căng thẳng và phức tạp ở Trung Đông, nhật báo kinh tế Pháp ghi nhận một biến chuyển mới : "Israel và Saudi Arabia cùng đối đầu với tham vọng bá quyền của Iran". Israel "muốn chia sẻ thông tin tình báo với Ryadh". Tuyên bố của tham mưu trưởng quân đội Israel với báo chí của Saudi Arabia hồi đầu tuần, vào thời điểm khủng hoảng chính trị ở Lebanon, được Les Echos ví như như một quả bom.
Đảo chính ở miền đông Ukraine : đạo diễn Putin ?
Tổng thống Putin hiện diện trên nhiều mặt trận. Theo Le Figaro, vụ "đảo chính ở nước cộng hòa tự phong Louhansk" chỉ là đòn "hỏa mù" của Moskva để lấy cớ đưa quân chiếm đóng miền đông Ukraine.
Từ hai năm nay, tỉnh Louhansk ly khai với Ukraine là một "vùng tối" của báo chí quốc tế. Thế nhưng, từ đầu tuần đã xảy ra một cuộc binh biến. Thanh tra của cơ quan OSCE, có nhiệm vụ kiểm sóat lệnh ngưng bắn giữ quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga cho biết khoảng 30 xe quân sự, kể cả xe thiết giáp trấn giữ nhiều đường phố. Sự kiện này cho thấy có sự rạn nứt trong nội bộ các ban ngành trong quân đội Nga, chủ nhân của phe ly khai Ukraine. Từ 2014, Louhansk nằm trong tay người hùng Igor Plotsniski, kẻ bị nghi ngờ ám sát hai đối thủ chính trị để củng cố quyền lực.
Giờ đây, "tổng thống Igor Plotsniski" có lẽ bị "bộ trưởng nội vụ" Igor Kornet lật đổ, phải chạy sang Nga.
Nhưng Le Figaro cảnh báo, tại Louhansk, lực lượng võ trang ly khai do quân đội Nga làm nòng cốt còn cảnh sát, tức "bộ Nội Vụ" do cơ quan phản gián liên bang FSB chỉ huy. Do vậy, vụ đảo chính có thể do FSB tổ chức để củng cố thế lực tại Donbas Ukraine.
Tuy nhiên, cũng phải dè chừng Putin muốn thay đổi các bộ mặt thân Nga tại địa phương. Theo một nguồn tin thông thạo, tổng thống Nga dàn dựng chuyện đảo chính để đưa quân vào miền đông Ukraine tái lập trật tự và sau đó đề nghị với Liên Hiệp Quốc để Nga tham gia đóng vai trò bảo vệ hòa bình, kéo dài không biết đến bao giờ.
Đương nhiên, Kiev dường như biết rõ âm mưu. Lợi dụng hai phe ly khai đấu đá lẫn nhau, quân đội Ukraine chiếm ba ngôi làng và nhiều cao điểm chiến lược.
Tú Anh
Ngày 20/11/2017, Hoa Kỳ thông báo một chiến lược mới tại Afghanistan : Đó là tập trung tấn công vào các cơ sở trồng và chế biến ma túy nhằm "tận diệt" nguồn thu tài chính của phe Taliban. Tuy nhiên, giới quan sát tỏ ra bi quan và cho rằng chiến lược mới này của Mỹ có nhiều "rủi ro".
Quân đội Mỹ chuẩn bị máy bay không người lái tại căn cứ không quân Kandahar, Afghanistan 09/03/2016. Reuters/Josh Smith
Trái với những gì được tuyên bố hùng hồn trong suốt quá trình vận động tranh cử tổng thống, ông Donald Trump hồi tháng 8/2017 buộc phải thông báo thay đổi chiến lược quân sự tại Afghanistan. Hoa Kỳ không chỉ đưa thêm quân sang Afghanistan, nâng tổng số lính Mỹ tại đây lên 14 000, không quân Hoa Kỳ còn gia tăng các cuộc oanh kích.
Từ đầu năm đến hết tháng 10/2017, không quân Mỹ thả hơn 3 550 quả bom xuống Afghanistan, tăng gấp 3 lần so với toàn năm 2016. Và mới đây nhất, tướng John Nicholson, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Afghanistan, thông báo đã cho không kích các cơ sở chế biến ma túy tại Helmand, "xứ sở hoa anh túc" do quân Taliban kiểm soát.
Đáng chú ý là lần đầu tiên Hoa Kỳ sử dụng máy bay tàng hình F-22A, đồng thời với việc tăng cường triển khai các loại máy bay không người lái, loại vũ khí công nghệ đời mới nhất, sau thất bại của Daech tại Syria và Irak.
Đương nhiên, giới quân sự phải trấn an công luận là các vụ tấn công này được thực hiện một cách chính xác nhất. Thế nhưng Human Rights Watch lo ngại rằng các chiến dịch không kích này có thể khiến cho người dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế phẫn nộ.
Bà Andrea Prasow, đại diện của HRW, lưu ý, công luận Afghanistan rất nhạy cảm với vấn đề thường dân là nạn nhân của các đợt không kích. Một báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc nêu rõ trong vòng 9 tháng (từ tháng 1-9/2017), hơn 460 dân thường, trong đó có 2/3 là phụ nữ và trẻ em đã bị sát hại hay bị thương trong các trận dội bom, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016.
AFP nhắc lại vào tháng 9/2017, một đợt oanh kích của Mỹ tại Kabul đã làm thiệt mạng nhiều thường dân. Vụ việc xảy ra ngay giữa lúc bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis và tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đến Afghanistan nhằm tái khẳng định "cam kết" chống khủng bố của Mỹ và NATO tại Afghanistan.
Thế giới còn chưa quên vụ không kích năm 2015 của Mỹ nhắm vào một bệnh viện của tổ chức phi chính phủ Y sĩ không biên giới MSF ở Kunduz làm thiệt mạng 42 người, trong đó có 24 bệnh nhân. Vụ việc đã làm dấy lên một cơn bão chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.
Bất chấp những cảnh báo, dường như Hoa Kỳ vẫn chủ trương theo đuổi chiến lược mới này. Ông John Hannah, thuộc đảng Cộng Hòa, cựu cố vấn của phó tổng thống Dick Cheney, khẳng định chiến lược mới này là cần thiết, "có thể giúp cho quân đội Afghanistan lấy lại thế tấn công, và về lâu dài, thay đổi đảo tình thế cuộc chiến".
Đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ dùng chiến lược đánh thẳng vào "hầu bao" của kẻ thù. Washington đã từng tìm cách triệt hạ nguồn thu tài chính của Daech khi tấn công vào các cơ sở khai thác dầu khí tại Irak và Syria.
Thế nhưng cuộc chiến ở Afghnaistan chẳng khác gì như trò "mèo vờn chuột". Liên quân Hoa Kỳ và NATO giành được nhiều thắng lợi quân sự nhưng quân Taliban lại tái chiếm những vùng lãnh thổ này ngay khi quân đội Afghanistan và liên quân quốc tế rút đi. Với chiến lược mới này của Donald Trump, ngày về của lính Mỹ như đã hứa có lẽ sẽ còn xa vời vợi.
Minh Anh
Liên Hiệp Châu Âu và sự thích nghi với thể chế dân chủ độc đảng ở Cuba
Trong báo cáo nhân quyền thường niên, được công bố hôm 16/11/2017, Liên Hiệp Châu Âu gọi Cuba là một "thể chế dân chủ độc đảng" có được thông qua bầu cử cấp địa phương, cấp vùng và quốc gia.
Du khách phương Tây trên đường phố La Havana, Cuba, ngày 09/11/2017 - Reuters/Alexandre Meneghini
Trong bài viết "Liên Hiệp Châu Âu thích nghi với thể chế dân chủ độc đảng ở Cuba", báo Le Monde nhận xét khái niệm "nền dân chủ độc đảng" có lẽ đã làm hài lòng những người luôn hoài niệm về các nền dân chủ nhân dân thời trước ở Đông Âu. Các quốc gia này giờ cũng đã là thành viên của Liên Hiệp.
Nhưng tại sao hai khái niệm vốn trái ngược nhau là "dân chủ" và "độc đảng" lại được Châu Âu lồng ghép vào một khái niệm chung như vậy ? Theo Le Monde, đó là vì Liên Hiệp đang nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Cuba. Vào năm 1996, Châu Âu ra điều kiện chỉ hợp tác với Cuba nếu chính quyền cộng sản La Havana đạt được tiến bộ về dân chủ.
Giờ đây, việc cần làm là tạo điều kiện thúc đẩy giao thương và đầu tư song phương để cạnh tranh với Hoa Kỳ, trong bối cảnh hai kẻ thù thời chiến tranh lạnh là Washington và La Havana đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Các nhà nghiên cứu đại học và bình luận quan tâm tới "vùng nửa tối nửa sáng" giữa dân chủ và độc tài nhắc tới thể chế "dân chủ phi tự do". Trước đây, họ nói tới "dân chủ bá quyền", "dân chủ được tuyên truyền rầm rộ" và chế độ chuyên chế mà người ta quảng bá là có được thông qua bầu cử phổ thông đầu phiếu.
Độc đảng vẫn là một dấu hiệu của chế độ toàn trị trong thế kỷ XX. Cùng với Bắc Triều Tiên, Cuba là một trong hai nước cộng sản vẫn tiếp tục chế độ lãnh đạo "gia đình trị". Ngay cả khi Raul Castro hứa chuyển giao quyền lực vào tháng 02/2018, nhiều vị trí quan trọng vẫn sẽ nằm trong tay các thành viên khác thuộc gia đình Castro.
Để chuẩn bị cho kỳ bầu cử địa phương ngày 26/11/2017, cơ quan An Ninh Nhà Nước đã tìm đủ mọi cách, thậm chí là phi pháp để răn đe cử tri và ngăn cản các ứng viên độc lập.
Phó chủ tịch Miguel Diaz-Canel, người có nhiều khả năng kế nhiệm chủ tịch Raul Castro, cũng thừa nhận chính phủ đã tìm cách làm cho các ứng cử viên độc lập mất uy tín nhằm tránh hình thành một xã hội dân sự đúng nghĩa.
Người Cuba không có quyền tự do biểu đạt, tụ họp, tuần hành hay thành lập các hiệp hội, cũng không có tự do nghiệp đoàn và quyền bãi công. Viện công tố không được độc lập, các luật sư cũng không được quyền tự do bào chữa cho thân chủ.
Mới đây, chính quyền Cuba công bố danh sách 200 ngành nghề mà khu vực tư nhân có thể hoạt động, ngoại trừ nghề luật sư, kiến trúc sư, kỹ sư công nghệ thông tin, bác sĩ và nhà báo.
Đảng cộng sản Cuba độc quyền về truyền thông và báo chí, biến truyền thông và báo chí thành phương tiện tuyên truyền cho Đảng. Truyền hình, phát thanh, phim ảnh, biểu diễn và xuất bản đều bị kiểm duyệt. Chính phủ còn tìm cách kiểm soát không gian mạng và viễn thông. Cuba là nước ít kết nối mạng nhất thế giới.
Tuy nhiên, thế hệ nhà báo mới tại nước này không muốn bị báo chí Nhà nước kìm kẹp. Họ tìm mọi cách để "vượt tường lửa" của chế độ. Nhưng những con người can đảm đó đang trong tình trạng rất bấp bênh.
Các nhà báo độc lập bị quấy rầy, đe dọa bị tố cáo "vượt quá chức năng" ngay cả khi họ chỉ muốn tìm hiểu thông tin về thiệt hại do cơn bão Irma gây ra. Le Monde kết luận "ở Cuba làm gì có dân chủ !".
Ba Lan và Liên Hiệp Châu Âu: Hồi chuông báo động
Vẫn liên quan đến Châu Âu, Le Monde giới thiệu bài viết của phóng viên Sylvie Kauffmann : Warsawa và "kế hoạch của điện Kremlin". Hôm 09/11, trên tài khoản Twitter cá nhân, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk đã đăng tải một tin nhắn bằng tiếng Ba Lan.
Theo phóng viên Sylvie Kauffmann, đó chỉ là một tin nhắn ngắn nhưng lại là một quả tên lửa đạn đạo nhắm vào Ba Lan, quê hương của chính ông Donald Tusk.
Ông Donald Tusk lên tiếng "báo động" và đặt câu hỏi liệu mâu thuẫn của Ba Lan với Ukraine, sự xa cách với các thành viên Liên Hiệp Châu Âu, khoảng cách với Nhà nước pháp quyền và tư pháp, cuộc chiến chống các tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông độc lập là chiến lược của đảng cầm quyền dân tộc thiên hữu Luật Pháp Và Công Lý (PiS) của Ba Lan hay là kế hoạch của điện Kremlin, Nga.
Nghi vấn trên là sự tấn công nhắm vào đảng PiS và chính quyền của thủ tướng Kaczynski, kẻ trù truyền kiếp của Donald Tusk. Tác giả bài viết nói đến nguồn cội sâu xa của vấn đề. Trước khi trở thành chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Donald Tusk là thủ tướng Ba Lan, nhưng vào năm 2015 đảng Cương Lĩnh Công Dân (PO) của ông đã bị đảng PiS đánh bại.
Sau khi lên nắm quyền, đảng PiS đã hạn chế sự độc lập của tư pháp và truyền thông. Chính sách trên đương nhiên bị Ủy Ban Châu Âu và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk phản đối. Chính quyền Ba Lan đáp trả bằng việc bỏ phiếu chống ông Donald Tusk tiếp tục nắm quyền ở Liên Hiệp Châu Âu.
Nhưng theo tác giả bài viết, mọi chuyện không chỉ là do sự thù hằn chính trị trỗi dậy, mà còn là câu hỏi để ông Donald Tusk lưu ý dân chúng Ba Lan về vị trí của của nước này trong Liên Hiệp, rằng liệu Ba Lan có muốn chia sẻ các giá trị chung, sự đoàn kết và vận mệnh của Châu Âu hay đơn giản Ba Lan chỉ muốn được hưởng lợi từ ngân sách và thị trường Châu Âu.
Tại các cơ quan đầu não của Liên Hiệp, nhiều người cho rằng Tweet của ông Donald Tusk là một dấu hiệu vụng về cho thấy ông muốn quay lại chính trường Ba Lan để chuẩn bị cho kỳ tranh cử tổng thống 2020.
Thường thì các lãnh đạo Châu Âu không can thiệp vào công việc nội bộ các nước. Và người ta nói rằng ông Donald Tusk đang lơ đãng, thờ ơ hơn với công việc của Liên Hiệp. Nhưng một dân biểu Châu Âu người Ba Lan cho rằng, đó là tiếng kêu đầy lo ngại của ông Donald Tusk về tình hình đất nước.
Thực vậy, ngày 15/11, khi đang tham dự diễn đàn Á-Âu ASEM tại Miến Điện, ông Donald Tusk cũng đã đăng Tweet bày tỏ lo ngại rằng cuộc tuần hành của 60.000 người cực đoan với những khẩu hiệu kỳ thị ở Warsawa làm xấu hình ảnh của đất nước Ba Lan.
Sau Hoa Kỳ, Anh Quốc và Tây Ban Nha cũng đã nói tới sự can thiệp của Nga vào bầu cử. Người Ba Lan chắc chắn cũng sẽ lo ngại về nghi vấn Moskva nhúng tay vào công việc nội bộ của mình. Nhưng theo tác giả Sylvie Kauffmann, chính phủ Ba Lan đã không khoanh tay.
Ngay hôm Chủ Nhật, thủ tướng Ba Lan, bà Beata Szyclo, đã phẫn nộ coi Tweet của ông Donald Tusk là một vụ tấn công nhắm vào đất nước và chỉ trích là ông Donald Tusk không làm được gì cho đất nước từ khi nắm quyền ở Liên Hiệp.
Hôm nay 23/11 thủ tướng Ba Lan tới Paris và có buổi làm việc với tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Quan hệ giữa hai nước đang xấu do hồ sơ lao động biệt phái ở Châu Âu, nhưng quan hệ giữa Ba Lan với Đức cũng chẳng tốt đẹp gì. Liên Hiệp Châu Âu không thể để hố sâu ngăn cách Đông Âu và Tây Âu thêm lớn.
"Lời qua tiếng lại" giữa ông Donald Tusk và giới lãnh đạo Ba Lan là biểu hiện của một sự bất hòa sâu sắc. Và đó chính là một lời báo động. Giờ đã đến lúc hai bên tìm ra một con đường chung. Tổng thống Pháp Macron có thể góp phần làm được điều đó. Và Ủy Ban Châu Âu cũng như Hội Đồng Châu Âu phải coi đó là một ưu tiên.
Zimbabwe : tổng thống Mugabe ra đi, Trung Quốc mất một người bạn lâu năm
Nhờ nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, Zimbabwe đã luôn được Trung Quốc ủng hộ, giúp đỡ. Nhưng giờ đây, khi "tổng thống Mugabe ra đi, Trung Quốc mất một người bạn lâu năm". Đó là nhận xét của báo kinh tế Les Echos.
Khi vị tổng thống cao tuổi nhất hành tinh từ chức, Bắc Kinh đã ngay lập tức ca ngợi sự lãnh đạo của ông Mugabe trong suốt 37 năm qua. Ngoại trưởng Trung Quốc coi ông Mugabe vẫn "là một người bạn tốt của nhân dân Trung Quốc".
Khi Trung Quốc bắt đầu đầu tư vào Zimbabwe, Bắc Kinh đã dựa vào ông Mugabe đồng thời ủng hộ nhà lãnh đạo này vô điều kiện. Kể cả khi ông bị quốc tế trừng phạt vì vi phạm nhân quyền, Bắc Kinh vẫn đứng về phía ông Mugabe. Lý do ? Đơn giản là vì Zimbabwe giàu khoáng sản (platine, vàng, kim cương, niken) và đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho trồng trọt (ngô, cây thuốc lá, bông).
Còn Zimbabwe, quốc gia này hướng về Bắc Kinh để tìm nguồn đầu tư. Và kể từ năm 2005, sự phụ thuộc của Zimbabwe vào Trung Quốc ngày càng tăng, sau khi đồng nhân dân tệ trở thành một tiền tệ đơn vị của Zimbabwe.
Mặc dù sự ra đi của tổng thống Mugabe khiến Trung Quốc mất một đồng minh, nhưng theo báo Les Echos, cựu phó tổng thống Emmerson Mnangagwa, người kế nhiệm ông Mugabe, về cơ bản, sẽ không thay đổi chính sách với Bắc Kinh. Bởi vì ông Emmerson Mnangagwa cũng đã được đào tạo quân sự tại Trung Quốc, rồi sau đó tham gia cuộc đấu tranh để giải phóng Zimbabwe khỏi Anh Quốc năm 1980.
Hạn hán ở Bồ Đào Nha
Trên lĩnh vực xã hội, báo công giáo La Croix cho biết "Trước nạn hạn hán, Bồ Đào Nha tìm kiếm giải pháp khắc phục". "Đại hạn hán" xảy ra trên 94% lãnh thổ Bồ Đào Nha. Lượng nước mưa năm 2017 thấp kỷ lục tính từ năm 1931. Thêm vào đó, nạn cháy rừng đã khiến chính quyền phải tốn rất nhiều nước cho công tác chữa cháy.
Hạn hán diện rộng ảnh hưởng trước tiên tới nông dân và khiến toàn thể dân chúng lo ngại. Ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề, chính quyền địa phương phải khẩn cấp can thiệp và yêu cầu hạn chế sử dụng nước.
Hàng ngàn thành phố, làng mạc, kể cả thủ đô Lisboa cũng phải hạn chế sử dụng nước. Các đài phun nước ngưng hoạt động, hoạt động tưới cây nơi công cộng, phun nước rửa đường đều bị hạn chế. Người dân được tuyên truyền tiết kiệm nước sinh hoạt.
Ở nhiều địa phương, nước bị cắt vào ban đêm. Nhưng theo một quan chức, biện pháp này không hiệu quả, mà chỉ khiến người dân đổ xô tích trữ nước, khiến việc cung cấp nước sạch này càng khó khăn.
Cách duy nhất là cầu cho trời mưa ! Và trời phải mưa liên tục trong hai tháng mới khắc phục được tình trạng khan hiếm nước ở Bồ Đào Nha. Mà theo dự báo thời tiết, còn lâu trời mới mưa !
Bạo hành phụ nữ : những con số đáng lo ngại
Trong lĩnh vực xã hội, báo Le Figaro đề cập tới "Bạo hành phụ nữ : những con số đáng lo ngại". Theo một báo cáo thường niên của một ủy ban liên bộ của Pháp, "trong năm 2016, cứ ba ngày lại có một phụ nữ bị người đàn ông đang sống chung hoặc đã từng sống chung giết hại" và nhóm đàn ông này cũng là thủ phạm gây ra 1/3 số các vụ cưỡng hiếp phụ nữ.
Lý do chủ yếu là cãi cọ, ghen tuông và không thống nhất trong việc chia tay. Tuy nhiên, chỉ có 20% nạn nhân trình báo cảnh sát và khởi kiện. Và 2/3 số vụ sau đó không bị xử lý. Thêm vào đó, số bản án về tội hiếp dâm lại có chiều hướng giảm.
Trái Đất quay chậm gây ra động đất cường độ mạnh ?
Trong lĩnh vực khoa học, báo Le Figaro đặt câu hỏi : "Trái Đất quay chậm gây ra nhiều trận động đất cường độ mạnh hơn ?". Liệu năm 2018 sẽ là năm đen tối về động đất ? Không ai có thể dự đoán vì động đất thường khó đoán định.
Nhưng hai nhà địa chấn học của Mỹ cho rằng đã tìm thấy mối liên hệ giữa tốc độ xoay của Trái Đất và tần xuất các trận động đất cường độ cao hơn 7 độ trên thang Richter : Tốc độ quay của Trái Đất càng giảm thì nguy cơ động đất cường độ mạnh càng cao.
Thùy Dương
Trung Quốc hưởng lợi từ khủng hoảng Rohingya
Về thời sự Châu Á, báo Le Monde có bài của Bruno Philippe thông tín viên tại Bangkok Thái Lan, nhận định "Thảm cảnh của người Rohingya tại Miến Điện có lợi cho Trung Quốc".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) tiếp bà Aung San Suu Kyi, Bắc Kinh, ngày 19/08/2016 -Reuters/Rolex Dela Pena/Pool
Trước đây, Trung Quốc là đồng minh duy nhất của chế độ quân sự độc tài Miến Điện. Giờ đây, việc Miến Điện bị phương Tây chỉ trích trong hồ sơ khủng hoảng Rohingya cho phép Trung Quốc tìm lại được vai trò là một tác nhân quan trọng cần hợp tác để giải quyết hồ sơ này.
Ngày 06/11 vừa qua, Trung Quốc, thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An đã phủ quyết dự thảo nghị quyết yêu cầu Miến Điện tổ chức cho hàng trăm ngàn người Rohingya đang tị nạn tại Bangladesh được hồi hương, đồng thời quân đội Miến Điện phải chấm dứt các hành vi bạo lực nhắm vào sắc tộc thiểu số Hồi giáo này. Ngay từ thời bà Aung San Suu Kyi bị chính quyền quản thúc tại gia, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, cung cấp hầu như toàn bộ các thiết bị mà bà cần…
Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Miến Điện, trước đây đã tỏ ra lo lắng khi thấy quốc gia này xích lại gần phương Tây. Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Miến Điện hai lần, trong các năm 2012 và 2014.
Với hơn hai ngàn cây số biên giới chung và đã có quan hệ với Miến Điện từ rất lâu, Trung Quốc không thể chấp nhận chỉ có vai trò phụ trên sân khấu chính trị khu vực.
Nhà báo Thụy Điển Bertil Lintner, chuyên gia về Miến Điện, gần đây cho biết vào đầu những năm 2000, có một tài liệu dày được lưu hành trong giới quân sự Miến Điện, giải thích rằng Miến Điện quá phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức đe dọa chủ quyền quốc gia.
Trong khi đó, Trung Quốc luôn luôn chơi trò hai mặt : vừa tỏ sự thân thiện, hữu nghị với chính quyền Miến Điện, vừa cung cấp vũ khí cho lực lượng du kích thuộc các sắc tộc thiểu số ở vùng biên giới.
Tính chất hai mặt trong chiến lược của Trung Quốc cho phép ve vãn chính phủ Miến Điện đồng thời vẫn duy trì được các phương tiện để gây sức ép qua việc thao túng các kẻ thù của chính quyền Miến Điện.
Đối với Trung Quốc, Miến Điện là một quốc gia quan trọng. Về mặt kinh tế, Bắc Kinh cần bảo đảm an toàn cho hệ thống ống dẫn dầu và khí đốt đi qua vịnh Bengale để tới tỉnh Vân Nam (Yunnan). Nhờ vậy, các tàu chở dầu của Trung Quốc có thể đi tới vùng duyên hải ở phía đông mà không cần phải qua eo biển Malacca.
Hiện nay, Trung Quốc đang tìm cách có được 80% tổng số vốn của dự án xây dựng một cảng nước sâu, với tổng đầu tư hơn 7 tỉ đô la. Dự án này nằm rất gần các cảng tiếp dầu lửa và khí đốt, tại bang Arakan, nơi sinh sống của người Rohingya.
Le Monde kết luận, cho dù Miến Điện không trở thành một quốc gia tồi tệ như trước đây, nhưng Trung Quốc đã có thể xoa tay hài lòng : phương Tây càng chỉ trích, xa lánh Miến Điện, thì nước này càng trượt sâu vào quỹ đạo của Bắc Kinh.
Cũng về hồ sơ này, báo Les Echos đưa tin : "Rohingya : Ân Xá Quốc Tế tố cáo tình trạng phân biệt chủng tộc".
Trong bản báo cáo được công bố hôm qua, 21/11, Ân Xá Quốc Tế cho rằng Miến Điện là một nhà tù ngoài trời giam hãm cộng động thiểu số Rohingya và kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy mở mắt để thấy được cơn ác mộng mà sắc tộc này phải hứng chịu hàng ngày.
Đức tê liệt vì khủng hoảng chính trị
Ngoài khu vực Châu Á, các báo Pháp quan tâm đến tình hình Đức. Le Monde nhận định "Angela Merkel lung lay nhưng vẫn muốn tiếp tục cầm quyền". Sau khi dự án liên minh lập chính phủ không thành, thủ tướng Đức muốn tổ chức bầu cử lập pháp một lần nữa thay vì lập một chính phủ chỉ có thiểu số tại Quốc hội.
Tuy nhiên, để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tê liệt do khủng hoảng chính trị chưa từng thấy, báo Le Figaro qua bài "Tại Đức : tổng thống làm trung gian để tránh một cuộc bầu cử mới", cho biết, tổng thống liên bang Frank Walter Steinmeier, vừa được bầu hồi tháng 03/2017, nguyên là nhà ngoại giao và theo xu hướng dân chủ xã hội, hy vọng có thể sử dụng hai lợi thế này để tháo gỡ khủng hoảng.
Hồ sơ Syria : Nga gạt phương Tây ra ngoài
Với việc tổng thống Vladimir Putin tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh ba bên, Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran, tại Sochi, hồ sơ Syria được nhiều báo đưa tin và bình luận. Trong mục "Ý kiến", báo Le Figaro có bài "Syria : Phương Tây bị Nga gạt ra bên lề".
Kể từ khi Daesh bị thảm bại, các tác nhân liên quan trong hồ sơ Syria lao vào cuộc chạy đua tốc độ nhằm tái lập hòa bình ở nước này. Và trong cuộc chạy đua đó, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bỏ xa phương Tây. Khi tổ chức cuộc họp thượng đỉnh ba bên tại Sochi, điện Kremlin, một mặt, muốn biến vòng đàm phán Astana (Kazakhstan) - cho phép thành lập các vùng giảm căng thẳng - thành một giải pháp chính trị, mặt khác, cạnh tranh với vòng đàm phán Geneva dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, thậm chí làm cho vòng đàm phán này trở nên vô ích, trống rỗng nội dung.
Ý thức được là với tư tưởng "chính trị thực tế", các nước phương Tây sẽ có lập trường uyển chuyển hơn trong việc đòi tổng thống Syria Bachar al-Assad phải ra đi, Nga muốn hành động nhanh chóng, để không bị mất các lợi thế có được nhờ thắng lợi quân sự trên thực địa. Moskva muốn tạo ra một "việc đã rồi" về ngoại giao, trước khi vòng đàm phán Geneva được nối lại vào ngày 28/11, giữa chế độ Damascus đang ở thế mạnh và phe đối lập bị phân tán và suy yếu.
Trong chiến tranh, thực tế chiến trường quyết định mọi việc. Tại Syria, quân đội Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ở thế mạnh. Bà Margaret MacMillan, sử gia Canada nhận định : Trong hồ sơ Syria, khi Mỹ rút, không một cường quốc dân chủ nào có thể bù lấp vào chỗ trống.
Việc Nga can thiệp quân sự vào Syria, từ năm 2015, đã làm thay đổi tương quan lực lượng trên chiến trường và cứu được chế độ Damas, trong khi đó, quân đội Iran và đồng minh từng bước củng cố vị thế tại Syria và từ mùa hè 2016, đến lượt quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến tại nước này.
Kể từ khi Putin tổ chức vòng đàm phán Astana, bộ ba này đã từng bước nắm lại hồ sơ Syria, phối hợp với nhau và gạt phương Tây ra bên lề.
Tuy nhiên, đồng thuận ba bên này có thể là chưa đủ để tái lập hòa bình tại Syria. Chính quyền Ankara lo ngại Moskva có thể ủng hộ về mặt ngoại giao lực lượng Kurdistan, kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ và đang kiểm soát một phần lãnh thổ phía bắc Syria.
Phe đối lập, tuy bị suy yếu nhưng vẫn có tiếng nói. Với sự ủng hộ của Hoa Kỳ, các phe phái đối lập với Bachar al-Assad, ngày hôm nay, tới Saudi Arabia, nhằm tìm kiếm đồng thuận, để có lập trường chung trước khi bước vào vòng đàm phán Geneva.
Cho dù muốn làm chủ tiến trình đàm phán hòa bình tại Syria, Nga vẫn cần cộng đồng quốc tế "bật đèn xanh" để tạo tính chính đáng cho các nỗ lực ngoại giao của mình. Phải chăng vì thế mà Vladimir Putin có cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump vào tối hôm qua ?
Về vai trò của Moskva trong hồ sơ Syria, báo Les Echos có cùng nhận định : "Nga tìm cách tổ chức tương lai chính trị Syria". Trước cuộc gặp thượng đỉnh ba bên tại Sochi, tổng thống Vladimir Putin đã kín đáo tiếp đồng nhiệm Bachar al-Assad cách nay hai hôm và trong cuộc gặp này, Moskva muốn thúc đẩy tổ chức một "Đại hội các dân tộc Syria" bao gồm cả các lực lượng thân Damascus và nhiều phe phái đối lập khác. Còn theo Liberation : "Tương lai chính trị của Syria được làm rõ tại Sochi".
"Roma, thủ đô của sự bần hàn"
Lời báo động này của hiệp hội hoạt động từ thiện Caritas, được đăng trên báo Le Figaro.
Theo báo cáo của Caritas, nước Ý hiện có tới 4,7 triệu người nghèo, tăng gấp đôi so với thời kỳ 2012-2015, trong số này có hơn một triệu người trẻ, và 3 triệu người trong độ tuổi lao động.
Thủ đô Roma cổ kính vĩnh cữu có 16 ngàn người bần hàn, 45% trong số này là người Ý. Một phần ba có bằng đại học.
Theo một giáo sư kinh tế thuộc đại học Luiss, để giải quyết tình trạng này, nước Ý phải có được tỷ lệ tăng trưởng từ 3 đến 4% trong nhiều năm. Thế nhưng, năm nay, theo dự tính, tỷ lệ tăng trưởng của Ý có thể chỉ là 1,5% và đối với chính quyền, thế là đáng mừng lắm rồi.
Trang nhất các báo Pháp
Tổng thống "Macron muốn làm dịu sự chống đối của các dân biểu địa phương", "Tuyển chọn vào đại học không phải là điều kiêng kỵ đối với giới trẻ", đó là tựa trên trang nhất các báo Le Monde và Le Figaro. Trong khi đó, Libération quan tâm đến việc Tòa án quốc tế về Nam Tư cũ, ngày hôm nay, ra phán quyết xét xử "Tên đồ tể cuối cùng", đó là Ratko Mladic, cựu chỉ huy quân đội Serbia Bosnia, bị cáo buộc phạm tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại. Còn Les Echos giải thích "Paris muốn kiếm lợi từ Brexit như thế nào".
Trang nhất báo La Croix đặt câu hỏi "Có nên nữ hóa chữ viết hay không ?". Bởi vì trong thời gian qua, tại Pháp, nhiều hiệp hội đấu tranh cho bình đẳng nam nữ cho rằng trong tiếng Pháp, giống đực chiếm ưu thế hơn giống cái, trong danh từ chung và về ngữ pháp. Tuy nhiên, Viện Hàn Lâm Pháp đã bác bỏ đề nghị "nữ hóa" này và thủ tướng Edouard Philippe ra thông tư yêu cầu các bộ trưởng không sử dụng loại ngôn ngữ "ngôi gộp - inclusive" trong các văn bản chính thức.
RFI tiếng Việt, 22/11/2017
Khủng hoảng Đức : Angela Merkel bất lực, Châu Âu lo ngại
"Khủng hoảng chính trị lớn tại Đức" lả tựa trang nhất nhật báo Le Monde đồng thời là chủ đề chính của các báo Pháp ra hôm nay 21/11/2017. Độc giả Pháp có thể thấy trên khắp các trang báo hình của bà Angela Merkel trong tâm trạng mệt mỏi, ánh mắt nhìn xa xăm, bất lực.
Thử tướng Merkel với gương mặt não nề sau thất bại đàm phán thành lập chính phủ, Berlin ngày 21/11/2017. Reuters/Axel Schmidt
Đó là chân dung của bà thủ tướng Đức vừa thất bại trong cuộc thương lượng thành lập chính phủ liên minh sau cuộc bầu cử Quốc hội hôm 24/9 vừa qua. Thất bại của bà Angela Merkel đang đẩy đất nước đầu tàu của Liên Hiệp Châu Âu vào một cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có.
Sự kiện được chú ý khi đêm Chủ Nhật (19/11), Đảng Dân Chủ Tự Do FDP quyết định ngừng đàm phán từ hơn một tháng qua với đảng Xanh và đảng CDU-CSU của bà Merkel để thành lập một chính phủ liên minh. Bế tắc chính trị này đang dẫn tới khả năng phải tổ chức một cuộc bầu cử Quốc hội mới, mà hậu quả rất có thể bà Merkel phải rời bỏ quyền lực nắm giữ từ 12 năm qua. Trong trường hợp như vậy, điều tệ hại hơn là rất có thể nước Đức sẽ lại thấy đảng cực hữu AfD trỗi dậy mạnh hơn sau lần đầu tiên có mặt tại Quốc hội.
"Trong quá khứ bà Merkel đã từng tỏ ra là người có tài thỏa hiệp, nhưng lần này bà đã thất bại, không thể tập hợp được một chính phủ đa số sau khi đảng của bà thắng cử", Le Monde ghi nhận. Cụm từ lặp lại nhiều ở các báo Pháp hôm nay là : "Nước Đức giữa cơn bão chính trị", một cơn bão chính trị có tác động mạnh đến cả Châu Âu.
Mối lo ngại này có thể thấy ở rất nhiều tựa bài báo khác. Trong bài mang tiêu đề "Châu Âu lo sợ khoảng trống quyền lực ở Berlin", nhật báo Pháp khẳng định không có được chính phủ mới ở Đức sẽ làm chậm lại sự phục hồi kinh tế của cả Liên Âu. Với góc nhìn như vậy, xã luận Le Monde chạy tựa : "Đức : một tin rất xấu cho Châu Âu".
Bài viết ghi nhận : "Nước Đức vừa chìm vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và cả Châu Âu sẽ bị đình đốn. Cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh ở Berlin bị dừng lại, bà Angela Merkel bị mất ảnh hưởng và tình hình bất trắc đang vượt ra bên sông Rhin và sông Oder (hai đường biên giới đông và tây của Đức), đó là một tin rất xấu cho Liên Hiệp Châu Âu".
Xã luận Le Monde viết tiếp : "Cuộc khủng hoảng này quả thực xảy ra vào lúc Châu Âu đang khởi sắc trở lại, sau 10 năm trời không ngừng phải lo giải quyết các cuộc khủng hoảng. Hết khủng hoảng đồng euro đến nợ công, nối tiếp bằng cuộc khủng hoảng tị nạn, trong khi đó, nhiều quốc gia thành viên phải đối mặt với các vụ khủng bố lặp đi lặp lại, rồi lại đến Brexit".
Đúng lúc Châu Âu đang hồi phục thì cuộc khủng hoảng chính trị Đức hiện nay như một gáo nước lạnh đổ xuống Bruxelles. Đức không chỉ là nền kinh tế hàng đầu của EU, nước Đức còn trọng tâm ổn định của Liên Hiệp và là đối tác chiến lược của Pháp trong tổng thể dự án Châu Âu, Le Monde khẳng định.
Tương lai chính trị của Merkel bất định
Đồng thanh với Le Monde, Le Figaro nhận định trên trang nhất : "Trong trận cuồng phong, Merkel đánh cược cho sự sống còn chính trị". Xã luận của tờ báo đặt câu hỏi : "Buổi hoàng hôn của bà thủ tướng chăng" ?
Theo Le Figaro, "Từ 10 năm nay, người ta vẫn nhìn bà Merkel như là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới và giờ đây bỗng nhiên bà trở thành người bất lực nhất trong số các lãnh đạo Châu Âu". Nhưng điều đáng quan tâm nữa là việc bà Angela Merkel bất lực không thành lập được một liên minh trong chính phủ đang đẩy nước Đức vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất từ nhiều thập kỷ qua.
Le Figaro khẳng định, vào thời điểm đang phải đàm phán về Brexit và "lập lại nền móng cho Liên Âu, nước Đức có thể còn bị tê liệt nhiều tháng, dự án lớn về Châu Âu của tổng thống Pháp Macron sẽ phải chờ. Với Châu Âu, cuộc khủng hoảng ở Berlin làm một tin tai hại".
Những ngày tới, cả Châu Âu sẽ phải lo lắng theo dõi cuộc chạy đua với thời gian của bà Angela Merkel để cứu vãn thất bại và duy trì quyền lực.
Châu Âu và Nga vẫn cần đến nhau
Vẫn là chủ đề liên quan đến Liên Hiệp Châu Âu nhưng trong mối quan hệ với Nga. Trang dư luận của Le Figaro có bài "Sự phi lý của cuộc ly dị Châu Âu- Nga".
Bài viết trở lại sự kiện hôm 15/11, Hạ Viện Nga Duma đã nhất trí hoàn toàn thông qua bộ luật cho phép xác định quản lý các cơ quan truyền thông quốc tế hiện diện trên lãnh thổ Nga như là những "nhân tố nước ngoài". Như vậy cơ quan truyền thông nước ngoài nằm trong diện điều chỉnh của luật trên sẽ bị kiểm soát chặt chẽ về hoạt động cũng như tài chính. Khái niệm "nhân tố nước ngoài" với người Nga còn bao hàm nghĩa xấu là nhân viên gián điệp cài cắm hoạt động chống lại nước Nga.
Việc thông qua luật này là sự đáp trả của Kremlin đối với quyết định tương tự của chính quyền Mỹ nhằm vào kênh truyền hình vệ tinh RT, một cơ quan truyền thông nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Putin. Tuy nhiên, luật mới tất nhiên cũng nhằm cả vào các hãng truyền thông Châu Âu. Vụ việc vừa rồi là thêm một màn mới trong cuộc đối đầu giữa Nga và Phương Tây, trong đó các nước Châu Âu chiếm một phần không nhỏ.
Tác giả bài viết điểm lại những đổ vỡ trong quan hệ giữa Châu Âu và Nga và ghi nhận, "trong 9 năm đầu cầm quyền ở Nga, ông Putin thực thi chính sách bắt tay với Phương Tây, đồng thời duy trì chiến lược quan hệ láng giềng tốt với Trung Quốc. Ông Putin đã từng tỏ cho thấy cần đến Châu Âu, xích lại gần với Mỹ… Tuy nhiên những biến động địa chính trị ở Châu Âu với các sự kiện như các cuộc cách mạng màu sắc ở một số nước Đông Âu, khủng hoảng Ukraina, NATO mở rộng sang sát sườn tây của Nga… đã làm thay đổi mối quan hệ của Nga với phương Tây. Nước Nga rơi vào hội chứng hoang tưởng luôn cảm thấy bị phương Tây phong tỏa, chèn ép và khống chế và họ phải tìm cách đáp trả".
Tác giả bài viết nhận thấy cuộc ly dị giữa Nga và Châu Âu hiện nay là phi lý vì : "Liên Hiệp Châu Âu cần đến Nga để chống chọi lại tốt hơn với chính sách bá quyền về thương mại của Trung Quốc. Nga thì cần đến Châu Âu để xây dựng ở đất nước họ điều đang thiếu trầm trọng là : một Nhà nước pháp quyền".
Châu Âu sực tỉnh đối phó với nhà mạng khổng lồ Mỹ
Chuyển qua với La Croix, sự kiện chính của tờ báo công giáo là "Châu Âu đối mặt với những người khổng lồ web". Cụ thể là Châu Âu đang tìm cách đối phó với những người khổng lồ Mỹ trong lĩnh vực mạng internet.
La Croix nhận định trong một bài viết dài rằng : "Quá lớn, quá mạnh, quá thiếu minh bạch… Google, Apple, Facebook và Amazon ngày càng gây thêm lo ngại, tới mức mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã phải ví các đại tập đoàn đó như những vị "hành khách lậu của thế giới hiện đại". Châu Âu đã cam kết sẽ mạnh tay với các tập đoàn lớn của Mỹ về công nghệ số".
Theo La Croix, những cái tên trên được viết tắt thành từ GAFA, giờ được coi như là một tổ hợp quản lý đầu não và thống trị toàn bộ thế giới mạng hiện nay. Trong vòng một thập kỷ GAFA đã trở thành những người khổng lồ thế giới làm đảo lộn toàn bộ các lĩnh vực kinh tế đồng thời viết lại những quy định cạnh tranh của họ. Trở nên giàu có với tiền tỷ trong tay, các hãng này lao vào cuộc cạnh tranh khốc liệt, đè bẹp những đối thủ làm ăn và cả các Nhà nước.
Châu Âu lâu nay vẫn không có phản ứng gì với đà bành trướng của các đại tập đoàn dịch vụ mạng của Mỹ, nhưng giờ đây dường như đã có biến chuyển. Ủy Ban Châu Âu đang cố gắng kiềm chế sức mạnh của các tập đoàn này, buộc họ phải tuân theo một số các quy định trong nhiều lĩnh vực như thuế khóa, chống độc quyền dữ liệu…
Ủy ban Châu Âu đã mở các cuộc thảo luận để có thể trong năm 2018 đưa ra những quy định mới đối với những người khổng lồ Mỹ đang thống trị dịch vụ mạng toàn cầu. Theo La Croix, tại hội nghị bộ trưởng kinh tế Châu Âu hồi cuối tháng 9 vừa qua tại Tallinn, Estonia, khoảng hai chục nước trong Liên Hiệp Châu Âu đã thống nhất với nhau trên ý tưởng đánh thuế các tập đoàn mạng Mỹ dựa trên doanh thu của họ.
Tuy nhiên, khi được đưa ra thảo luận trong các doanh nghiệp về kỹ thuật số của Châu Âu thì lại nhận được ý kiến cho rằng những quy định thắt chặt quản lý như vậy có nguy cơ làm cô lập Châu Âu với thế giới trong lĩnh vực dịch vụ thông tin internet.
Anh : Xe bus chạy bằng bã cà phê
Phần cuối mục điểm báo hôm nay xin được dành cho một sáng kiến bảo vệ môi trường của người Anh đăng trên mục "Câu chuyện trong ngày" của Le Monde. Từ thứ Hai đầu tuần này (20/11), ở Luân Đôn xuất hiện những chiếc xe bus đỏ chạy bằng bã cà phê, vì lý do bảo vệ môi trường chứ không phải kinh tế. Cụ thể động cơ của các xe này sẽ được cung cấp nhiên liệu hỗn hợp gồm : 80% diesel và 20% nhiên liệu sinh học dầu chiết xuất từ bã cà phê.
Đây là kết quả nghiên cứu từ 4 năm qua của công ty khởi nghiệp Anh có tên Bio-Been. Công ty đã thu gom bã cà phê từ các quán ở Luân Đôn và nhiều thành phố khác của Anh để chế biến thành một loại dầu sinh học có thể dùng làm nhiên liệu cho động cơ xe.
Họ đã chiết xuất được 6 nghìn lít dầu như vậy từ bã cà phê, đủ để một xe bus chạy trong cả năm. Theo Bio-Been, dầu cà phê pha với dầu cho động cơ có thể cho phép giảm từ 10 đến 15% lượng phát thải CO2 mà không cần phải thay đổi động cơ hay tiêu tốn thêm nhiên liệu. Nếu việc chạy thử xe bus tại Luân Đôn thành công, Bio-Been sẽ tính tới mở rộng sử dụng nhiên liệu bã cà phê cho các loại xe taxi, xe ca hay xe tải.
Anh Vũ
Người tị nạn Rohingya gặp vấn đề về tâm lý do khủng hoảng (RFA, 22/11/2017)
Hàng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya chạy khỏi Myanmar đến Bangladesh đang chán ngán về tâm lý vì những chịu đựng mà họ đã phải trải qua trong quá trình chốn chạy, Cao ủy Liên Hiệp quốc về người tị nạn cho biết như vậy hôm 22/11.
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người Tị nạn Filippo Grandi nói chuyện với một người tị nạn khi ông đến thăm trại tị nạn Kutupalong ở Bangladesh hôm 23/9/2017 - AFP
Có hơn 600.000 người Rohingya đã phải chạy khỏi Myanmar từ hồi cuối tháng 8 vì chiến dịch của quân đội nước này ở bang Rakhine.
Người đứng đầu cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc Filippo Grandi cho hãng tin Reuters biết triệu chứng mà ông thấy nhiều nhất khi ông đến thăm trại tị nạn của người Rohingya ở Bangladesh là tâm lý chán ngán do những biến động lớn mà họ trải qua. Ông nói đã rất lâu rồi ông không thấy tình trạng tâm lý này. Lần cuối ông chứng kiến tình trạng này là vào những năm 90 trong cuộc nội chiến ở Congo, trung Phi.
Ông Grandi cho biết những người tị nạn đã không có đáp ứng và rất bi quan khi ông đến thăm họ hồi tháng 9 vừa qua.
Ông Grandi cũng cho biết những thành công trong việc giúp đỡ người Rohingya ở bang Rakhine phụ thuộc vào việc chính phủ nước này giúp giảm thù hận mà những nhân viên cứu trợ nhân đạo gặp phải tại đây.
Kể từ khi chiến dịch của quân đội Myanmar bắt đầu vào hôm 25/8 sau các cuộc tấn công của những phiến quân người Rohingya tại bang Rakhine, chính phủ đã cấm gần như tất cả các tổ chức nhân đạo, trừ hội Chữ Thập Đỏ được làm việc tại bang Rakhine. Trong nhiều trường hợp, các hàng cứu trợ đã bị những người theo Phật giáo ở Rakhine chặn lại.
****************
Miến Điện và Bangladesh bàn về hồi hương người Rohingya (RFI, 21/11/2017)
Cố vấn nhà nước Miến Điện kiêm ngoại trưởng Aung San Suu Kyi ngày 21/11/2017 cho biết bà hy vọng các cuộc đàm phán với Bangladesh trong tuần này sẽ thành công và đi đến việc ký kết một bản ghi nhớ về việc "hồi hương an toàn và tự nguyện" người Rohingya đang tị nạn tại Bangladesh từ 3 tháng nay.
Cố vấn Nhà nước Miến Điện, Aung San Suu Kyi phát biểu trong buổi họp báo nhân cuộc họp ASEM, Naypyitaw, Miến Điện ngày 21/11/2017. Reuters
Bà Aung San Suu Kyi đã phát biểu như trên với báo giới bên lề cuộc họp diễn đàn Á-Âu, gọi tắt là ASEM, đang diễn ra tại thủ đô Naypyitaw. Theo hãng tin Reuters, hai ngoại trưởng Miến Điện và Bangladesh sẽ đàm phán trong hai ngày 22 và 23/11. Vào tháng 10, nhiều quan chức của hai nước cũng đã thảo luận về tiến trình xử lý các yêu cầu hồi hương của người Rohingya.
Về những cáo buộc vi phạm nhân quyền, bà Aung San Suu Kyi phát biểu : "Chúng tôi không thể nói là điều đó đã xảy ra hay không, nhưng chúng tôi cam kết rằng việc đó sẽ không xảy ra".
Amnesty International tố cáo Miến Điện "thanh lọc chủng tộc"
Trong bản báo cáo công bố ngày 21/11, được AFP trích dẫn, bà Anna Neistat, giám đốc nghiên cứu của tổ chức Amnesty International, khẳng định "chiến dịch thanh lọc chủng tộc mạnh mẽ của lực lượng an ninh trong ba tháng vừa qua là sự thể hiện cực đoan của chính sách đầy tai tiếng này". Cuộc điều tra kéo dài hai năm của tổ chức Ân Xá Quốc Tế cũng khẳng định cộng đồng thiểu số theo Hồi giáo này bị "kẹt trong một hệ thống phân biệt chủng tộc, được Nhà nước hậu thuẫn, và gần giống chế độ ‘apartheid’".
Trước đó, tại Genève ngày 20/11, Amnesty International Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc họp khẩn về khủng hoảng người Rohingya Miến Điện. Đề nghị này được gửi đến 47 nước thành viên Hội đồng Nhân Quyền, đồng thời kêu gọi Hội đồng thông qua một nghị quyết buộc Miến Điện "ngừng ngay mọi hành động vi phạm nhân quyền" và "ngay lập tức cho phép các tổ chức nhân đạo quốc tế và Miến Điện được tự do vào tất cả các vùng của nước này".
Thu Hằng