Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tròn một năm sau khi Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, thời điểm đầu tháng Tám năm 2018 đang chứng kiến cơn khủng hoảng Slovakia – Việt Nam ập đến rất gần !

slovak1

Trước bão khủng hoảng Slovakia, giới quan chức Việt Nam vẫn im lặng. Im lặng như thể bị cấm khẩu. Hoặc chỉ hồi đáp theo cách chống chế một cách đầy gượng gạo, khiên cưỡng và thật thiếu liêm sỉ. Ảnh : Tintuchangngayonline.com

Dù cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kaliňák tuyên bố rằng những bài viết trên báo Đức (tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung) và báo Slovakia ngày 3/8/2018 về ‘Robert Kaliňák đã giúp Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia’ là ‘bịa đặt’, nhưng cho tới nay Kaliňák lại chẳng thể tự bảo vệ mình khi không chứng minh được báo chí bịa đặt về ông ta ra sao.

Trong khi đó, báo chí quốc tế lại mô tả một cách chi tiết : "Bộ trưởng Tô Lâm là người đầu tiên bước lên chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia, tiếp theo là các thành viên của phái đoàn Việt Nam, tất cả 12 người. Trịnh Xuân Thanh là người cuối cùng được đưa lên máy bay, rõ ràng là ông ta bị thương, trông có vẻ đờ đẫn và được hai mật vụ Việt Nam xốc nách hai bên dìu đi…" (1).

Cảnh sát Slovakia đã chính thức tiến hành cuộc điều tra về hành vi và trách nhiệm của cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kaliňák. Rồi đây ông Kaliňák thậm chí có thể bị bắt giữ về hành vi ‘tiếp tay cho bắt cóc’.

Để ngay sau đó, Chính phủ Slovakia – để tự bảo vệ lòng tự trọng của mình – sẽ phải tung ra một quyết định dù rất khó khăn nhưng thật sự cần thiết và cứng rắn với chính thể độc đảng ở Việt Nam và những kẻ bắt cóc.

Lời chỉ trích nghiêm khắc của Tổng thống Slovakia Andrej Kiska đối với Cảnh sát trưởng Milan Lučanský vào một ngày tháng Bảy nóng rẫy của năm 2018, về trách nhiệm của cảnh sát và Bộ Nội vụ nước này liên quan vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, có thể chỉ là khởi đầu cho một chuỗi tiếp nối nhiều chuyện còn căng thẳng hơn.

Còn về phía Việt Nam, cụ thể là Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an mà chưa kể một ‘bộ’ khác là Bộ Chính trị đảng, cho tới nay đã bày tỏ hay phản hồi gì với Slovakia ?

Im lặng. Im lặng như thể bị cấm khẩu. Hoặc chỉ hồi đáp theo cách chống chế một cách đầy gượng gạo, khiên cưỡng và thật thiếu liêm sỉ.

Thái độ phản đối yếu ớt lại là một bằng chứng gián tiếp về sự thừa nhận hành vi phạm pháp. Dẫn chứng gần nhất và sống động nhất là cuộc khủng hoảng Đức – Việt.

Thông thường, hành động của một quốc gia nhằm trả đũa quốc gia khác trục xuất nhân viên ngoại giao của mình là trục xuất lại nhân viên của quốc gia đối phương. Nhưng kể từ tháng Tám năm 2017 khi Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và trục xuất ít nhất hai nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, cho tới nay phía Việt Nam vẫn chỉ một mực ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ nhưng lại chẳng dám có bất kỳ phản ứng công khai hay trục xuất trả đũa nào đối với các nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.

Vào tháng Năm năm 2018, sau khi bị thủ tướng Đức Angela Merkel chất vấn, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Slovakia đã triệu tập Đại sứ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – ông Dương Trọng Minh, để yêu cầu giải thích về những nghi ngờ nghiêm trọng trong vụ công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh bị đưa về nước (bằng chuyên cơ của Slovakia).

Nhưng trong vài tuần sau đó, phía Việt Nam đã im như thóc. Phản ứng của chính thể Việt Nam nói chung và Bộ Ngoại giao Việt Nam nói riêng là quá yếu ớt và quá mập mờ.

Chỉ sau khi bị phía Slovakia làm căng theo cách ‘không thể chờ đợi lâu hơn’, Đại sứ Việt Nam Dương Trọng Minh mới chịu hiện ra cùng câu trả lời không thể ngắn ngủn hơn ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’.

Tại sao nội dung trả lời của Đại sứ Dương Trọng Minh lại không hề thanh minh cho việc ‘Việt Nam không bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ ?

Nhưng với những bài điều tra kèm cáo buộc của báo chí Đức và Slovakia, ngay cả ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’ cũng rất có thể đã là một sự dối trá vĩ đại.

Trong khi đó, hầu hết Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an Việt Nam vẫn như những đứa trẻ chưa hề biết nói trước vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, cho dù giới quan chức Việt đi đến đâu trong nước cũng ‘tự sướng’ bằng thành tích ‘Uy tín Việt Nam luôn nâng cao trên trường quốc tế’.

Cho tới nay, tuyệt nhiên vẫn không thấy Bộ trưởng công an Tô Lâm hiện ra để ‘phản bác những luận điệu sai trái’ của phía Slovakia và Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’. Hiện tượng quá trống vắng này càng khiến dư luận quốc tế tin rằng đã có một mối liên đới nào đấy giữa tướng Tô Lâm và Trịnh Xuân Thanh trong vùng lãnh thổ Slovakia vào cuối tháng Bảy mướt mồ hôi của năm 2017.

Cái cách lấp ló như thế của phía Việt Nam càng phác ra bức tranh tổng quát : vào chính lúc này, hình như không một cơ quan nào, nhất là Bộ Ngoại giao, muốn "dây" đến vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" và bị biến thành kẻ đổ vỏ bất đắc dĩ mà rất dễ thành ‘bất đắc kỳ tử’ cho những cơn khủng hoảng ngoại giao Việt – Đức lẫn Việt – Slovakia.

Trong cảnh ‘tang gia bối rối’ của chính giới Việt, mối quan hệ giữa ‘đối tác thân thiện nhất’ Slovakia với Việt Nam lại đang trở nên kém hẳn thân thiện cứ sau mỗi ngày.

Một lần nữa kể từ đầu năm 2018, ‘điềm báo vi cá mập’ lại ứng nghiệm.

6 tháng sau vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Chilê phơi phóng hàng trăm vi cá mập trên nóc tòa đại sứ và vi phạm nghiêm trọng các công ước và quy định bảo vệ động vật quý hiếm của nước sở tại, ‘năm thành công đối ngoại chưa từng có’ mà Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tuyên rao vào cuối năm 2017 đang có thể tiếp biến thành một khủng khủng hoảng ngoại giao mới mang tên ‘Slovakia – Việt’.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 06/08/2018

(1) Thoibao.de dịch từ http://bit.ly/2Kk7jh3

Published in Diễn đàn