Hơn 3 tháng kể từ khi ông tổng bí thư Tô Lâm đề cập đến "kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" lần đầu tiên trong một bài viết chính thức vào ngày 13/08/2024, hàng loạt các bài viết tiếp theo nêu ra thông điệp về "đổi mới thể chế" như là giải pháp để tiến tới "kỷ nguyên mới" đã khiến không ít người xôn xao bàn luận, trong đó có cả tâm lý hy vọng về một sự thay đổi mang tính cách mạng.
Ngày 13/8, ông Tô Lâm, trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng đã họp cho ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị cho Đại hội 14 năm 2026. Ảnh minh họa : Quang cảnh phiên họp - Ảnh : TTXVN
Kể từ khi chính thức nhậm chức tổng bí thư vào ngày 3/8/2024 cho đến nay, ông Tô Lâm đã có ít nhất 25 bài viết và bài phát biểu có thể xem là quan trọng, và trong số này có đến hơn 20 bài đề cập đến cụm từ "kỷ nguyên mới". Tần suất dày đặc của cụm từ này có trong các bài viết ở mọi chủ đề, có trong các bài phát biểu ở mọi hoàn cảnh và được phụ họa bởi cả một chính quyền, như là một cố gắng truyền thông tối đa về định hướng cho một thay đổi lớn của chế độ. Tuy vậy, bức tranh đằng sau đó trái ngược hoàn toàn với những gì dư luận thấy và kỳ vọng.
Có gì trong "kỷ nguyên mới" này ?
Nếu nhìn thoáng qua cách ông Tô Lâm đề cập đến cái gọi là ba điểm nghẽn cho sự phát triển của đất nước gồm thể chế, hạ tầng và nhân lực, cùng với cách nhận định rằng "điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế", nhiều người sẽ có cảm tưởng rằng ông ta muốn thay đổi thể chế chính trị theo nghĩa thay đổi chế độ chính trị. Dù mọi người vẫn tỏ ra dè dặt nhưng cảm tưởng này chỉ là sự ngộ nhận.
Trái với cách nghĩ của nhiều người, ông Tô Lâm dùng từ thể chế trong các bài phát biểu để nói về "bộ máy hành chính và hệ thống pháp luật". Điểm nghẽn trong thể chế được chỉ ra là bộ máy hành chính cồng kềnh, quy trình thực thi rườm rà và một số lượng công chức lớn nhưng không hiệu quả. Chính vì vậy mà họ đang phát động chiến dịch "tinh gọn bộ máy hành chính" và sửa đổi các điều khoản của pháp luật. Như vậy, những gì mà đảng cộng sản hiện nay đang hô hào chỉ đơn thuần là những điều chỉnh hoặc cải cách rất bình thường trong cách thức tổ chức của một chính quyền để hoạt động tốt hơn mà thôi.
Nhìn vào sự nghiệp công an của ông Tô Lâm và những gì ông ta đã làm (1), không khó để chúng ta thấy rằng không thể có chuyện ông Tô Lâm chủ trương hay dù chỉ là chỉ nghĩ đến vấn đề thay đổi chế độ chính trị. Trong bài viết chính thức đầu tiên kể từ sau ngày nhậm chức, một bài viết với ý nghĩa quan trọng để thể hiện quan điểm, ông Tô Lâm đã xác nhận điều trên khi khẳng định sẽ "kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin", khẳng định "vai trò lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản". Ông ta cũng không quên cảnh giác về mối nguy đối với chế độ như "chống thế lực thù địch, đối lập chính trị, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa", nghĩa là chống lại khuynh hướng dân chủ.
Trong hơn 20 bài viết tiếp theo cũng vậy, để tiến tới "kỷ nguyên mới" đó, ông Tô Lâm luôn nhấn mạnh phải kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin và duy trì sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng, không ít lần xem các tiếng nói đòi dân chủ là "thế lực thù địch" và cho rằng nguyện vọng dân chủ đa nguyên là "âm mưu thâm độc". Ông Tô Lâm có một sự hằn học và thù ghét đặc biệt đối với khát vọng dân chủ đa nguyên của dân tộc. Chúng ta cũng đừng nên quên là từ khi ông ta làm bộ trưởng Bộ Công an và cho đến bây giờ là tổng bí thư, số lượng người ủng hộ dân chủ bị bắt nhiều nhất và cũng chịu những bản án nặng nề hơn các giai đoạn trước đó.
Đằng sau "kỷ nguyên mới" của Tô Lâm
Xuyên suốt lịch sử hình thành và tồn tại, từ trong bản chất và hành động, đảng cộng sản luôn cư xử như một lực lượng chiếm đóng đối với dân tộc. Trong tất cả các cơ quan nhà nước và thậm chí là ở các xí nghiệp quốc doanh, mọi chức vụ từ cấp phó phòng trở lên phải do đảng viên cộng sản đảm nhiệm. Trong các lực lượng vũ trang như quân đội và công an thì mọi cấp bậc từ hạ sĩ quan trở lên đều phải là đảng viên cộng sản. Đảng cộng sản dành mọi chức vụ và quyền lợi cho một số ít những đảng viên trung thành và gạt ra bên lề phần còn lại của khối dân tộc hơn 95 triệu người.
Đằng sau "kỷ nguyên mới" của Tô Lâm là nơi lạnh lẽo nhất : nhà tù. Ảnh minh họa Trại giam số 6 thanh Chương, Nghệ An, nơi giam giữ những tù nhân lương tâm, người con ưu tú nhất của đất nước
Vì vậy, nhìn vào những hành động của đảng cộng sản, chúng ta chỉ cần nhìn kỹ vào mục đích mà họ hướng đến để hiểu những gì họ làm. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy trọng tâm trong những gì mà chế độ này đang tuyên truyền và hành động là nhằm hướng về Đại hội 14 vào năm 2026, cũng là khởi điểm cho "kỷ nguyên mới" của ông Tô Lâm. Quả thật khi nhìn vào những gì mà chế độ này đang làm thì đúng là không có một nội dung nào đáng để xem là tạo ra được một thay đổi mang tính cách mạng. Nhưng nếu nhìn vào tình trạng của chế độ hiện nay và thời điểm Đại hội 14 diễn ra thì chúng ta có thể có câu trả lời.
Năm 2026 diễn ra Đại hội 14 của đảng cộng sản cũng là thời điểm đánh dấu tròn 40 năm kể từ năm 1986, năm mà họ thực hiện chính sách gọi là Đổi Mới. Thời điểm năm 1986, nội bộ đảng cộng sản phân hóa nghiêm trọng do ảnh hưởng bởi làn sóng dân chủ thứ ba đang trào dâng trên khắp thế giới, làn sóng này đã làm sụp đổ các chế độ cộng sản ở Đông Âu. Lúc đó tình hình trong nước cũng trở nên nguy ngập sau những chính sách sai lầm làm tan nát đất nước về mọi mặt, với hậu quả là đã đẩy hàng chục triệu người vào cảnh đói khổ và khiến không ít người đã chết vì thiếu ăn và thuốc men. Đảng cộng sản lúc đó đã phải thực hiện "chính sách đổi mới", cách gọi này như tất cả chúng ta đã biết, chỉ để làm giảm nhẹ đi trách nhiệm của chính họ và biến sự kiện này thành một giải pháp thoát hiểm cho chế độ.
Ông Tô Lâm đã bỏ qua bối cảnh tồi tệ lúc đó và cả hiện nay, khi đem sự kiện "đổi mới" cách đây gần 40 năm để đánh dấu cột mốc cho một thay đổi lớn, từ đó khoác lên cụm từ "kỷ nguyên mới" một hình ảnh mang tính bước ngoặt như sự kiện năm 1986. Ông tổng bí thư cần tạo ra cảm tưởng về một bước ngoặt dù cho nội dung của "kỷ nguyên mới" không mang một sự đột phá nào, lý do là chế độ đang ở trong tình trạng tuyệt vọng bởi tình hình kinh tế đang trở nên nguy ngập và chính nội bộ đảng cộng sản cũng đang mất đồng thuận vì chia rẽ. Như vậy, "kỷ nguyên mới" của ông Tô Lâm thật ra là một giai đoạn mới dành riêng cho đảng cộng sản trong mong muốn tiếp tục duy trì sự tồn tại và lãnh đạo độc tôn của mình ; hoàn toàn không phải là "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" như họ gắn thêm vào để che đậy. Có thể gọi đúng hơn kỷ nguyên mới của ông Tô Lâm là "giai đoạn thoát hiểm mới" của đảng cộng sản.
Nhưng sẽ không có lối thoát
Những biến cố dồn tập từ năm 2020 đến nay, từ đại dịch Covid-19 cho đến cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine đã đưa thế giới bước vào một khúc quanh lịch sử lớn, trong đó khối các nước dân chủ -cũng đồng thời là khối áp đảo cả về kinh tế lẫn quân sự- đẩy mạnh khuynh hướng cô lập các chế độ độc tài toàn trị, trong đó có chế độ cộng sản Việt Nam. Với một nền kinh tế bị lệ thuộc bởi ngoại thương với trọng lượng hơn 200% GDP, Việt Nam nhanh chóng rơi vào khủng hoảng bởi tác động của những biến cố và khuynh hướng trên. Tần suất ngoại giao cao đột biến trong hai năm 2023 và 2024, cùng những lời phát biểu có cánh mang cảm tưởng dân chủ của ông Tô Lâm như "Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại", chỉ là cố gắng lấy lòng các nước dân chủ như Mỹ nhằm nuôi hy vọng duy trì hợp tác về mặt kinh tế. Nhưng đây là một cố gắng tuyệt vọng vì các nước dân chủ không còn nhu cầu tranh thủ Việt Nam bằng mọi giá nữa nên họ vẫn có thể giao thiệp nhưng không mặn mà. Chế độ cộng sản Việt Nam cũng như các chế độ độc tài còn lại hiện nay, đang phải đối mặt với sức ép từ làn sóng dân chủ thứ tư. Làn sóng dân chủ này vẫn đang tiến tới, bất chấp những khuynh hướng co cụm ở nhiều nước vì giờ đây, dân chủ đã là đồng thuận chung của cả loài người.
Nếu chỉ đơn thuần nhìn nhận những thay đổi mà chế độ hiện nay đang hướng đến dưới góc nhìn cải cách để tốt hơn thì đây là những gì đáng ra phải làm từ lâu. Tuy vậy, những thay đổi này chỉ là những điều mà chế độ này đã phải thực hiện chỉ vì bị hoàn cảnh ép phải thực hiện. Chế độ đang đối diện với sự bế tắc -họ gọi là điểm nghẽn- với nguyên nhân cũng chính họ thừa nhận là "do chính ta", nghĩa là do chính đảng cộng sản gây ra. Sự bế tắc của chế độ cộng sản là hiển nhiên vì bản thân nó đã tích lũy quá nhiều sự mâu thuẫn đối với sự tồn tại của chính nó.
Hệ quả của tình trạng mất lý tưởng đối với chủ nghĩa Mác-Lênin trong một thời gian dài đã khiến nhóm lãnh đạo cao cấp nhất của đảng cộng sản hiện nay chỉ gồm những con người gắn bó với đảng vì lợi ích, và giờ đây chính mâu thuẫn lợi ích đã khiến những con người đó chống đối nhau. Không thể có bất kỳ một thay đổi tích cực nào, dù là nhỏ nhất, đến từ một đội ngũ không những không có khả năng mà còn đang phải lao vào một cuộc đấu đá nội bộ sống còn. Giai đoạn thoát hiểm mới mà ông Tô Lâm muốn dành riêng cho đảng cộng sản vì vậy, cũng không thể có trong tình trạng hiện nay. Nhưng đất nước và dân tộc Việt Nam thì khác.
Vẫn có giải pháp để mở ra một kỷ nguyên mới thật sự
Tình trạng nguy ngập của đất nước trong bối cảnh thế giới đầy biến động đang đặt ra những thử thách vô cùng lớn, đòi hỏi phải có những giải pháp đúng đắn và những con người có đủ khả năng để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu và bế tắc. Giải pháp này, tất nhiên, không thể đến từ đảng cộng sản mà chỉ có thể đến từ ngoài đảng cộng sản.
Trần Khắc Đức trong một buổi chấp cung tại trụ sở công an Sài Gòn
Giải pháp thật ra không ở đâu xa mà còn rất gần. Đảng cộng sản vừa đưa giải pháp đó đến gần với họ hơn bao giờ hết nhưng không phải bằng cách đón nhận mà đã đưa vào nơi lạnh lẽo nhất : nhà tù. Ngày 20/09 vừa qua, công an của chế độ đã bắt giam anh Trần Khắc Đức, một người yêu nước chân chính, lý do là vì anh Đức đang mang trong mình một giải pháp cho tương lai đất nước. Trái ngược với đảng cộng sản, một đảng chỉ đại diện cho quyền lợi của riêng mình và đưa đất nước rơi tình trạng bế tắc, anh Trần Khắc Đức là một trí thức yêu nước chỉ biết đến quyền lợi dân tộc và ấp ủ một giấc mơ đưa đất nước tiến lên. Giải pháp mà anh Trần Khắc Đức theo đuổi là một đất nước Việt Nam dân chủ đa nguyên, được làm lại trong tình thần hòa giải và hòa hợp dân tộc để huy động mọi con tim và khối óc, cùng nhau mở ra một kỷ nguyên mới thật sự cho tất cả mọi người Việt Nam.
Chúng ta không nên và cũng không thể trông đợi gì ở một chế độ mà tự thân nó đang là một ngoặc đơn đang khép lại. Điều chúng ta cần hướng đến là một tương lai hoàn toàn mới đang mở ra dưới chân dung của những trí thức trẻ yêu nước như anh Trần Khắc Đức, đó là một tương lai mà chúng ta nên và có thể tiến đến. Những người như anh Đức là hiện thân của một thế hệ thanh niên Việt Nam mới mà đất nước cần, một thế hệ hiểu biết những vấn đề đặt ra cho đất nước và có đủ khả năng cùng tinh thần trách nhiệm để đưa dân tộc hướng về một tương lai chung tốt đẹp hơn (2).
Tương lai đó xứng đáng cho mọi người đóng góp và cũng là tương lai cần có cho mỗi người. Và tương lai chung đó đang đến rất gần. Để góp phần thúc đẩy, mỗi chúng ta có thể hành động ngay từ bây giờ bằng cách cùng nhau lên tiếng để yêu cầu chế độ trả tự do cho anh Trần Khắc Đức, một người con ưu tú hiếm hoi đại diện cho ý chí và tình cảm còn lại dân tộc (3). Đất nước chỉ có thể bắt đầu thay da đổi thịt, dân tộc Việt Nam chỉ có thể khởi hành về một tương lai tốt đẹp hơn khi chúng ta trân trọng và hướng về những người lỗi lạc và dũng cảm như anh Trần Khắc Đức.
Kỷ Nguyên
(05/12/2024)
(1). Nguyễn Gia Kiểng :
- "Tô Lâm và những gì thật sự quan trọng", Thông Luận, 29/05/2024
- "Hiện tượng Tô Lâm và những gì cần biết", Thông Luận, 17/08/2024
(2). Trần Khánh Ân, "Em chính là ngọn lửa ấy, hiện thân của một thế hệ thanh niên Việt Nam mới", Thông Luận, 16/11/2024
(3). Việt Dân, "Trần Khắc Đức : biểu tượng của ý chí và tình cảm còn lại của dân tộc", Thông Luận, 28/11/2024.
Nếu Tổng bí thư Tô Lâm muốn thực hiện một cuộc cách mạng từ trên xuống, ông cần phải thay thế "chiếc áo rách" đang bao phủ mạng lưới quyền lực của Đảng và Nhà nước bằng một cấu trúc mới, mạnh mẽ và hiệu năng hơn. Nếu thất bại, nỗ lực tái cơ cấu của ông rất có thể sẽ trở thành điểm yếu chí mạng, bị chính các đối thủ trong cuộc đấu đá nội bộ lợi dụng.
Tổng bí thư Tô Lâm trong ngôi vị chủ tọa Hội nghị trung ương bất thường ngày 25/11/2024 - Ảnh minh họa
-------------------------------
Chốt chặn quyền lực
Hội nghị Trung ương sáng 25/11 chỉ kéo dài nửa buổi, một sự bất thường hiếm thấy. Báo chí chính thống không gọi đây là một hội nghị bất thường, nhưng rõ ràng, các dấu hiệu từ nghị trình đến cách thức tổ chức đều cho thấy tính cấp bách đặc biệt. Sự bất thường này còn được đẩy lên cao hơn, khi chiều cùng ngày, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Tô Lâm lại xuất hiện trong vai trò Giáo sư – Tiến sĩ, chủ trì một hội thảo chuyên đề mang tên "Kỷ nguyên phát triển mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" (1). Đảng cộng sản Việt Nam rõ ràng đang đứng trước nhiều xáo trộn. Nhưng tại sao việc xem xét thực hiện Nghị quyết số 18 lại phải được bàn thảo trong một hội nghị khẩn cấp ?
Câu trả lời có thể tìm thấy trong phát biểu của ông Tô Lâm. Ông nhấn mạnh đây không chỉ là một bước đi nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, mà còn là một cuộc cách mạng đòi hỏi sự thống nhất cao trong cả nhận thức lẫn hành động : "Các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ… ‘Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở’. Quyết tâm hoàn thành việc tổng kết Nghị quyết 18 và báo cáo sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong Quý I/2025" (2).
Một điểm bất thường khác không thể bỏ qua là ông Tô Lâm vẫn "lận đận" trong việc củng cố mạng lưới quyền lực của mình, hơn 100 ngày kể từ khi được bầu làm Tổng bí thư vào ngày 3/8/2024. Khác với các Tổng bí thư tiền nhiệm, ông thiếu hẳn tính chính danh mang tính biểu tượng. Nếu như ở Trung Quốc, quá trình chuyển giao quyền lực thường đi kèm tuyên bố "đồng chí làm việc, tôi yên tâm" để tạo lòng tin nội bộ, thì ở Việt Nam, việc ông Nguyễn Phú Trọng trao quyền cho Tô Lâm chưa từng được biết đến công khai. Điều này tạo ra một khoảng trống chính danh mà chính ông Tô Lâm phải ra sức lấp đầy.
Trong hơn ba tháng qua, ông liên tục nhấn mạnh thông điệp "đoàn kết nội bộ" tại hầu hết các cuộc họp chính thức, đồng thời tổ chức hai cuộc gặp gỡ quan trọng với các cựu lãnh đạo Bộ Tứ và Bộ Chính trị qua các khóa. Đáng chú ý, ông còn đích thân gặp cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để "thỉnh thị". Đây là những động thái nhằm thu phục nhân tâm và củng cố uy tín trong nội bộ Đảng, điều mà ông còn thiếu khi so với những người tiền nhiệm.
Trước khi làm Tổng bí thư, ông Tô Lâm đã xây dựng được một mạng lưới quyền lực mạnh mẽ trong Bộ Công an. Việc đưa Lương Tam Quang lên làm Bộ trưởng Bộ Công an là bước đi chiến lược nhằm duy trì và bảo vệ mạng lưới này. Tuy nhiên, mạng lưới quyền lực trong thể chế cộng sản, vốn được ví như một tấm vải toàn trị bao phủ toàn xã hội, đã trở nên rách nát vì lợi ích phe nhóm và tham nhũng. Ông Tô Lâm hiểu rõ điều đó và đang cố gắng vá lại "chiếc áo rách" bằng cách đưa các nhân vật thân tín – đặc biệt từ nhóm Hưng Yên – vào các vị trí then chốt. Điều này không chỉ giúp ông giữ vững quyền lực mà còn tạo ra lá chắn trước các đối thủ chính trị tiềm tàng.
Nếu ông Tô Lâm thực sự muốn thay đổi "chiếc áo rách" này bằng một mạng lưới quyền lực mới, sự khéo léo của ông sẽ được thử thách ở mức cao nhất. Việc vá víu tạm bợ có thể đem lại những thành công ngắn hạn, nhưng về lâu dài, ông cần phải tạo ra một cấu trúc quyền lực mới, hiệu quả hơn. Nếu không, nỗ lực cải cách của ông sẽ thất bại, và mạng lưới quyền lực cũ kỹ ấy sẽ trở thành chiếc "bẫy" chính trị, kéo ông xuống trong những cuộc đấu đá nội bộ. Hội nghị sáng 25/11 chính là một trường hợp điển hình cho thấy nỗ lực của ông trong việc thiết lập "chốt chặn quyền lực" mang dấu ấn cá nhân. Nhưng liệu ông có thành công trong việc thay đổi cấu trúc quyền lực từ gốc rễ, hay chỉ là những giải pháp tạm thời ? Câu trả lời vẫn còn phụ thuộc vào thời gian.
Lưỡng dụng chiến thuật "cái gậy và củ cà rốt"
Chiến thuật "vừa chạy vừa xếp hàng" mà Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương không chỉ là một khẩu hiệu, mà phản ánh thực tế cấp bách. Từ nay đến Đại hội XIV, ông cần tận dụng mọi cơ hội để hoàn thành hai mục tiêu lớn. Thứ nhất, tái cấu trúc bộ máy Đảng và chính quyền theo hướng tinh gọn, nhưng thực chất là để đưa các nhân sự thân tín vào những vị trí chiến lược. Thứ hai, loại bỏ những đối thủ chính trị đang hoặc có khả năng thách thức quyền lực của mình.
Những động thái quyết liệt như kỷ luật Vương Đình Huệ – cựu Chủ tịch Quốc hội, một nhân vật từng thuộc hàng "Tứ trụ", hay nhắm đến cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, dù ông Thưởng tạm thời được "miễn dịch" với lý do sức khỏe, cho thấy Tô Lâm đang triển khai một chiến lược bài bản. Động thái xử lý kỷ luật Vương Đình Huệ trước cả khi Hội nghị Trung ương nhóm họp là minh chứng cho cách tiếp cận áp đảo của Tô Lâm. Điều này không chỉ nhằm răn đe các đối thủ chính trị khác mà còn khẳng định vị thế tối thượng của ông trong hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, Tổng bí thư Tô Lâm không chỉ sử dụng các biện pháp "cứng rắn". Ông đã tỏ ra khôn ngoan khi áp dụng chiến lược "cái gậy và củ cà rốt" một cách linh hoạt. Trong khi quyết liệt loại bỏ Vương Đình Huệ, trước mắt Tô Lâm có vẻ nương tay hơn với Võ Văn Thưởng, dù cả hai đều bị cho là có những "trọng tội" giống nhau (3). Điều này cho thấy ông đang cố gắng thu phục sự ủng hộ của các đồng chí miền Nam, hạn chế sự chống đối từ khu vực vốn rất nhạy cảm trong chính trị Việt Nam. Việc cựu Bí thư Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đột ngột xuất hiện trở lại chính trường cũng là một động thái đáng chú ý (4). Đây có thể được xem như "củ cà rốt" mà Tô Lâm đưa ra để chiêu mộ những nhân vật từng bị cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ghẻ lạnh.
Có dư luận cho rằng Đinh Thế Huynh từng là một phần trong nhóm nhân vật cao cấp có mâu thuẫn với ông Nguyễn Phú Trọng, cùng cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, trong một nỗ lực ép ông Trọng nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, sau khi kế hoạch này bại lộ, ông Huynh đã bị "cho đi tàu suốt" trong suốt nhiều năm vừa rồi. Việc ông Huynh tái xuất dưới thời Tô Lâm không chỉ phản ánh một sự "chỉnh sửa" trong cách tiếp cận nhân sự cấp cao mà còn cho thấy Tô Lâm đang xây dựng một tầng lớp lãnh đạo mang tính trung dung hơn, phục vụ mục tiêu tái cơ cấu quyền lực của mình.
Hệ thống quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay được giới quan sát ví như một mạng lưới toàn trị bao phủ toàn xã hội. Tuy nhiên, mạng lưới này đã trở nên mục nát bởi tham nhũng, lợi ích nhóm và sự đấu đá bè phái. Tô Lâm, với vị thế Tổng bí thư, rõ ràng nhận thức được tình trạng này. Hội nghị Trung ương vừa qua là một nỗ lực "giật gấu vá vai" nhằm củng cố mạng lưới quyền lực đã rệu rã. Nhưng liệu những nỗ lực này có đủ để giúp ông tạo ra một "chiếc áo mới" – một mạng lưới quyền lực mới hiệu quả và bền vững hơn ?
Thay mạng lưới cũ bằng một mạng lưới mới là một thách thức lớn. Đã có những nguồn tin khả tín cho biết, sự tinh giảm biên chế lần này còn kéo theo việc sáp nhập các tỉnh thành, 31 trên 63 tỉnh thành sẽ được sáp nhập. Điều này đòi hỏi khả năng kiểm soát quyền lực vượt trội. Nếu thành công, ông Tô Lâm không chỉ củng cố quyền lực cho bản thân mà còn định hình lại cấu trúc quyền lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong nhiều năm tới. Bộ Nội vụ trong tuần rồi đã khẳng định không có việc sáp nhập như đồn đại trên mạng xã hội, thậm chí còn đề nghị Bộ Công an có biện pháp xử lý đối với các thông tin không đúng sự thật về chuyện sáp nhập tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Ngược lại, nếu thất bại, những nỗ lực của Tô Lâm có thể trở thành con dao hai lưỡi, bị đối thủ chính trị lợi dụng để chống lại chính ông trong cuộc đấu đá nội bộ. Có thể tán thành với nhận xét của tác giả Gió Bấc : Tô Tổng vốn là người thực tiễn, bận rộn trăm công nghìn việc, chắc chắn không rảnh rang họp hành xử lý những việc vô nghĩa. Quá trình xử lý các vụ việc trước và sau cuộc họp Trung ương bất thường vừa qua có hậu ý liên quan đến cuộc đua nhân sự trong đại hội XIV sắp đến (5).
Nguyễn Đình Công
Nguồn : RFA, 30/11/2024
Tham khảo :
2. https://vtv.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-to-lam-tai-hoi-nghi-trung-uong-dang-khoa-xiii-20241125193124107.htm
3. https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-chinh-tri-ky-luat-ong-vuong-dinh-hue-20241121164235792.htm
4. https://nhandan.vn/trao-huy-hieu-50-nam-tuoi-dang-tang-dong-chi-dinh-the-huynh-post846393.html
5. https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vuong-dinh-hue-ky-luat-to-lam-chinh-tri-vo-van- thuong-11222024091219.html
Hiến pháp 2013 quy định, Nhà nước là một tổ chức mang tính chính trị, có quyền lực tối cao trong xã hội ; Chủ tịch nước giữ vai trò là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Tổng bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Malaysia Anwar trong lễ đón diễn ra vào ngày 21/11/2024. Reuters
Vi phạm hiến pháp
Trong chuyến thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến 23/11/2024, Tổng bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Malaysia Dato’ Seri Anwar Ibrahim đã quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
Trong khi đó, Tổng bí thư chỉ là chức danh lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản, dù là đảng cầm quyền nhưng vẫn chỉ là một tổ chức chính trị, chứ không đại diện cho nhà nước Việt Nam.
Do vậy, việc ông Tô Lâm đại diện Việt Nam nâng cấp quan hệ với Malaysia, là "không đúng thẩm quyền" theo luật sư Đặng Đình Mạnh.
"Theo Hiến pháp hiện tại, Chủ tịch nước là người đại diện Nhà nước Việt Nam trong quan hệ đối ngoại. Theo đó, chỉ có Chủ tịch nước mới có thẩm quyền ký kết các hiệp định song, đa phương, bao gồm cả thỏa thuận nâng cấp quan hệ ngoại giao. Cũng theo Hiến pháp, Tổng bí thư của đảng cộng sản không được quy định có vai trò gì trong quan hệ đối ngoại của Nhà nước Việt Nam cả". Luật sư Mạnh nói thêm.
Trên thực tế, chuyện ông Tổng bí thư của đảng cộng sản qua mặt nhà nước, ký kết một văn kiện ngoại giao với nước ngoài, đã từng có tiền lệ ở Việt Nam.
Tháng 9/2023, Tổng bí thư lúc đó là ông Nguyễn Phú Trọng đã cùng với tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Điều trái khoáy là lễ đón ông Biden được diễn ra tại Phủ Chủ tịch, nơi làm việc của Chủ tịch nước, người đứng đầu nhà nước Việt Nam. Thời điểm đó thì ông Võ Văn Thưởng đang giữ chức này.
Quyền lực tối thượng của Tổng bí thư
Nhiều nhà quan sát cho rằng các quốc gia gần đây đã chấp nhận làm việc trực tiếp với Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam, bởi họ nhận ra, đây mới là người có thực quyền.
Và sở dĩ ông Tô Lâm, chứ không phải Chủ tịch nước Lương Cường, đã đại diện Việt Nam tới Malaysia để nâng cấp quan hệ, bởi vì "Tô Lâm hiện là nhân vật quyền lực nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam", theo luật sư và nhà quan sát chính trị Vũ Đức Khanh.
"Chủ tịch nước Lương Cường hiện tại có vai trò mang tính nghi lễ và ít nổi bật trong các hoạt động đối ngoại. Theo thông lệ, các mối quan hệ quan trọng về chính trị hoặc nâng cấp chiến lược giữa Việt Nam và các quốc gia khác thường được thực hiện ở cấp cao nhất để thể hiện cam kết mạnh mẽ từ phía Việt Nam", Luật sư Khanh nhận định thêm.
Ở một khía cạnh khác, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc lại đánh giá cao dàn trợ lý của ông Tô Lâm đã có những bước đi ngoại giao "thời thượng" khi nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Malaysia, nước sẽ làm Chủ tịch ASEAN trong 5 năm tới.
"Chính phủ Kuala Lumpur rất cứng rắn trong vấn đề biển đảo nên Việt Nam phải nâng cấp ngay quan hệ với nước này để tạo sự đồng thuận đối phó với Trung Quốc", ông Phúc kết luận.
Còn với việc ông Tô Lâm với vai trò là Tổng bí thư lại thay mặt Nhà nước Việt Nam ký kết các văn bản ngoại giao, ông Đinh Kim Phúc cho rằng, ở Việt Nam có bốn cái ghế gọi là "Tứ trụ" theo thứ tự gồm Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội với quyền lực "không nói ai trên ai vì tất cả đều theo sự phân công của Đảng".
Rõ ràng nếu nhìn vào "sự phân công" của Đảng trong thời gian qua theo cách nói của ông Đinh Kim Phúc, thì có thể dễ dàng nhận thấy ghế Tổng bí thư vẫn hội tụ nhiều quyền lực hơn cả.
Từ khi lên nắm quyền, ông Tô Lâm đã liên tiếp phát động các kế hoạch tham vọng, nhằm "cải cách thể chế", và "chống lãng phí". Toàn bộ bộ máy chính trị cũng đã được huy động để thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư.
Mập mờ Điều 4
Điều 4 Hiến pháp 2013 quy định, Đảng cộng sản Việt Nam "là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội".
Liệu Đảng cộng sản có đang hoạt động dựa trên giả định vì điều 4 trong hiến pháp cho họ quyền "lãnh đạo" nhà nước, nên nhiễm nhiên Tổng bí thư của đảng này cũng có thẩm quyền đại diện nhà nước ?
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, toàn văn bản hiến pháp năm 2013, không hề tồn tại chức danh Tổng bí thư.
Đảng cầm quyền vẫn thường tuyên truyền người dân cần phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Nhưng trong trường hợp này, rõ ràng Đảng cộng sản đang hoạt động ngoài vòng hiến pháp.
"Nếu trong trường hợp hiến pháp ghi rõ, trong trường hợp Chủ tịch nước không thể thực hiện nhiệm vụ, thì Tổng bí thư được phép thay mặt chỉ đạo, thì còn được. Nhưng đằng này không hề có quy định như vậy". Một vị luật sư đang hành nghề ở Việt Nam trao đổi với RFA dưới điều kiện ẩn danh vì lý do an toàn, phần tích về bản chất của điều 4 trong hiến pháp.
Không chỉ lấn sân của Chủ tịch nước, ông Tô Lâm trong thời gian gần đây cũng đưa ra hàng loạt chỉ đạo cho các bộ ngành của chính phủ, vốn thuộc về thẩm quyền của Thủ tướng, đã được hiến pháp quy định rõ ràng.
Điều này, theo vị luật sư này, thể hiện sự "tùy tiện" của đảng cầm quyền trong việc diễn giải hiến pháp và áp dụng pháp luật.
"Đất nước gì mà chẳng tôn trọng quy định pháp lý, quy định luật lệ gì cả !", ông cảm thán.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 27/11/2024
Trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV ngày 21/10/2024, Tổng bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh một tư tưởng quan trọng : "Dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm". Đây là lần đầu tiên vấn đề này được người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam đặt ra một cách trực diện trong khuôn khổ nghị trường quốc gia, nhằm hướng đến đổi mới công tác lập pháp, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước (1). Tuy nhiên, tư duy "không quản được thì cấm" không chỉ tồn tại ở một số lĩnh vực cụ thể, mà còn là biểu hiện của một phương thức quản lý còn nhiều bất cập, tạo ra hệ lụy sâu rộng trong xã hội, ảnh hưởng lớn đến cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV ngày 21/10/2024.
"Không quản được thì cấm" – Thực tiễn và hệ quả
Trong quá khứ, Việt Nam từng chứng kiến không ít các lệnh cấm gây tranh cãi, điển hình như các quy định : cấm "ngực lép lái xe", áp dụng "xe biển số chẵn đi ngày chẵn, biển số lẻ đi ngày lẻ", hay yêu cầu xử phạt xe "không chính chủ". Những chính sách này, dù được đề xuất với mục tiêu quản lý cụ thể, lại thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn, gây ra nhiều bất tiện cho người dân. Hậu quả là chúng bị hủy bỏ sau khi gặp phải làn sóng phản đối dữ dội từ dư luận (2). Đây chính là những minh chứng điển hình cho cách tiếp cận dựa trên tư duy "không quản được thì cấm" – một phương thức tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất lại tạo ra nhiều hệ lụy tiêu cực.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở các quy định hành chính cụ thể mà còn lan rộng sang những chính sách mang tính hệ thống, như cách triển khai chiến lược "chống diễn biến hòa bình". Được đặt ra trong bối cảnh "hai phe bốn mâu thuẫn", "chống diễn biến hòa bình" là một biện pháp chiến lược nhằm đối phó với những nguy cơ có thật trong cuộc đấu tranh tư tưởng, bảo vệ an ninh quốc gia. Nhưng khi bối cảnh lịch sử thay đổi, cách tiếp cận này – vốn thiên về kiểm soát chặt chẽ thay vì thích nghi linh hoạt – lại vô tình gây ra những hệ lụy không mong muốn.
Một ví dụ rõ nét là việc khái niệm "diễn biến hòa bình" được mở rộng đến mức Đảng và Nhà nước Việt Nam đồng nhất với mọi hình thức phản biện, chỉ trích, hoặc ý kiến trái chiều. Tạp chí Lý luận Chính trị, cơ quan nghiên cứu của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ngay giờ này vẫn tiếp tục phát hành những bài viết dài trên năm nghìn chữ, nhấn mạnh vào nguy cơ và sự cần thiết của "phòng, chống diễn biến hòa bình" (3). Điều này cho thấy tư duy bảo vệ nguyên trạng, thay vì thúc đẩy sự đổi mới, vẫn tồn tại sâu sắc trong cách tiếp cận của một số cơ quan đầu não trong nghiên cứu lý luận và quản lý xã hội.
Hệ quả đầu tiên và rõ ràng nhất của các định hướng tư tưởng này chính là việc thu hẹp quyền tự do ngôn luận và không gian đối thoại công khai. Thay vì điều hướng truyền thông theo hướng chuyên nghiệp và minh bạch, các cơ quan quản lý thường đồng nhất các ý kiến trái chiều hoặc phê bình với "âm mưu chống phá" từ "các thế lực thù địch". Điều này khiến không gian phản biện xã hội trở nên ngột ngạt, đặc biệt là trên các diễn đàn truyền thông và mạng xã hội. Trí thức, văn nghệ sĩ – những người có vai trò quan trọng trong việc khuyến khích tư duy đổi mới và thúc đẩy sáng tạo – bị đẩy vào tình thế tự kiểm duyệt. Tâm lý e dè, sợ "vượt rào" hoặc bị gán nhãn đã và đang làm giảm sút năng lượng sáng tạo, kìm hãm sự phát triển của cả xã hội. Ngoài ra, việc lạm dụng khái niệm "chống diễn biến hòa bình" để hạn chế các ý kiến phản biện hợp lý còn tạo ra một văn hóa "sợ sai" trong đội ngũ cán bộ quản lý. Thay vì khuyến khích đổi mới và dám nghĩ dám làm, tâm lý an phận và "né tránh trách nhiệm" dần chiếm ưu thế, khiến các chính sách trở nên trì trệ, thiếu hiệu quả.
"Chống diễn biến hòa bình" – Quá khứ và hiện tại
Khái niệm "chống diễn biến hòa bình" ra đời trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, khi thế giới bị chia cắt bởi hai cực Đông – Tây với các cuộc đối đầu gay gắt về ý thức hệ. Thời kỳ này, xây dựng các rào cản tư tưởng và triển khai các biện pháp "chống diễn biến hòa bình" là cần thiết nhằm duy trì sự ổn định chính trị – xã hội trước các nguy cơ tác động từ bên ngoài. Đối với Việt Nam, một quốc gia vừa bước ra từ những năm chiến tranh khốc liệt, tư duy "chống diễn biến hòa bình" không chỉ mang tính phòng thủ mà còn là công cụ chính trị quan trọng nhằm bảo vệ chế độ trong bối cảnh đất nước đối mặt với những thách thức an ninh to lớn từ nội trị đến ngoại giao. Tuy nhiên, thế giới ngày nay đã bước sang giai đoạn hội nhập toàn cầu, chuyển từ trạng thái đối đầu Đông – Tây sang hợp tác, cạnh tranh toàn diện về kinh tế, công nghệ và văn hóa. Trong bối cảnh mới này, việc tiếp tục duy trì cách tiếp cận "chống diễn biến hòa bình" một cách cứng nhắc đã bộc lộ nhiều hạn chế và trở nên lỗi thời. Thay vì đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm hoặc chuyển hóa bởi những "diễn biến" từ bên ngoài, Việt Nam hiện đối diện những yêu cầu cao hơn về đổi mới, sáng tạo, và quản lý mềm dẻo để bắt kịp sự phát triển năng động của thế giới.
Cách đây nhiều năm, VOA từng thực hiện một phóng sự dài về hiện tượng "diễn biến hòa bình mang màu sắc Trung Quốc". Theo đó, Trung Quốc không những từ bỏ các khẩu hiệu cứng nhắc liên quan đến "chống diễn biến hòa bình" mà còn tích hợp khái niệm "hòa bình" vào các chiến lược phát triển lớn, từ "trỗi dậy hòa bình" đến các cam kết về gìn giữ hòa bình ở Biển Đông (4). Dẫu vậy, những khẩu hiệu này thực chất chỉ là vỏ bọc cho các chiến lược bành trướng, như chính sách vùng xám nhằm chiếm đoạt Biển Đông. Trong khi đó, Việt Nam lại có xu hướng "bảo hoàng hơn vua", tức là xiển dương chiến lược "chống diễn biến hòa bình" một cách mạnh mẽ hơn cả Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua hàng loạt cuộc hội thảo khoa học, các bài viết dài trên báo chí, hoặc những chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn. Ngay cả khi thế giới đang ưu tiên hòa giải và hợp tác, Việt Nam vẫn tiếp tục vận hành theo tư duy đối đầu đã lạc hậu, làm giảm sức cạnh tranh trong hội nhập toàn cầu (5).
Một ví dụ điển hình là trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9/2023, nhằm nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên mức "Đối tác chiến lược toàn diện", Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam vẫn phổ biến "Chỉ thị 24" – một văn bản nội bộ có nội dung mang tính tấn công quyền tự do ngôn luận và các quyền cơ bản của người dân. Sau khi văn bản này được công khai hóa, nó đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ các tổ chức quốc tế và các nhà quan sát. Theo Dự án 88 – một tổ chức bảo vệ nhân quyền, "Chỉ thị 24" là một bản sao gần như nguyên mẫu từ "Chỉ thị số 9" của Đảng cộng sản Trung Quốc, trong đó sử dụng các nguy cơ tưởng tượng để biện minh cho những biện pháp kiểm soát hà khắc (6). Điều này phản ánh rõ sự thiếu đổi mới trong tư duy chính trị, khi Việt Nam vẫn duy trì các chính sách mang nặng ảnh hưởng từ Trung Quốc, ngay cả khi Bắc Kinh đã điều chỉnh để thích nghi với xu thế quốc tế.
Đổi mới tư duy quản trị – Khi nào ?
Đã đến lúc cần nghiêm túc tự vấn : liệu cách tiếp cận "chống diễn biến hòa bình" có còn phù hợp với bối cảnh quốc tế và quốc nội hiện nay ? Thay vì chú trọng nghiên cứu sâu sắc về những chuyển dịch toàn cầu và tìm kiếm hướng đi phù hợp thông qua các think-tank – một mô hình chưa từng được thực sự phát triển ở Việt Nam, có thể thấy, đất nước vẫn bị cuốn vào các hoạt động đối đầu ý thức hệ một cách ngụy tạo. Đây là hậu quả rõ rệt từ tư duy quyết liệt "chống diễn biến hòa bình", vốn đã làm triệt tiêu các không gian sáng tạo và suy giảm năng lực định hướng tương lai.
Ngày nay, trước một thế giới mạng lưới phân mảnh và đa dạng, các quốc gia phải càng mở rộng không gian đối thoại và sáng tạo để tồn tại và phát triển. Việt Nam, một quốc gia đang tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do và thiết lập các mối quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện", cần đặc biệt chú ý đến điều này. Nếu tiếp tục duy trì một tư duy quản lý dựa trên kiểm soát và áp đặt, quốc gia sẽ khó có thể hội nhập thành công. Thực tế cho thấy, tư duy "chống diễn biến hòa bình" hiện nay không chỉ lỗi thời mà còn dễ bị lạm dụng để củng cố quyền lực. Thay vì khuyến khích sự phản biện lành mạnh, một số chính sách đã bóp nghẹt tự do ngôn luận, tạo ra tâm lý sợ hãi trong xã hội và triệt tiêu sự đa dạng tư tưởng. Nhưng câu hỏi đặt ra là :
- Liệu tuyên bố của ông Tô Lâm trước Quốc hội – rằng "phải từ bỏ tư duy không quản được thì cấm" – có thật sự phản ánh sự chuyển biến trong tư duy lãnh đạo ?
- Liệu những phát ngôn này có đồng nghĩa với việc thúc đẩy minh bạch hóa, chống lại việc lạm dụng quyền lực ?
- Hay đó chỉ là những tuyên bố mang tính biểu trưng ?
Nhìn ra thế giới, từ Thái Lan, Hàn Quốc đến Nhật Bản hay các quốc gia Bắc Âu, có thể nhận thấy một điểm chung : tự do ngôn luận đóng vai trò là động lực chính cho sự sáng tạo và tiến bộ. Tại những quốc gia này, ý kiến trái chiều không bị coi là nguy cơ, mà được xem như một nguồn lực để thúc đẩy đối thoại đa chiều, xây dựng niềm tin và đạt được sự đồng thuận xã hội. Một bài học quan trọng rút ra từ kinh nghiệm của các quốc gia phát triển chính là sự gắn kết giữa niềm tin xã hội với tự do và minh bạch. Trong "Tam tự kinh" của phát triển và thịnh vượng, tự do ngôn luận dẫn đến thể chế phù hợp chính là động lực then chốt (7). Không có niềm tin nào được củng cố bằng áp đặt hay kiểm soát ; thay vào đó, niềm tin phải được xây dựng từ sự minh bạch, khả năng lắng nghe, và đối thoại với người dân. Một chính quyền biết cách đối thoại sẽ thúc đẩy được sự đoàn kết và kiến tạo được thể chế bền vững để quản trị quốc gia.
*
Phát biểu của Tổng bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã gây chú ý mạnh mẽ. "Dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm" là một tuyên bố mang ý nghĩa chuyển giai đoạn, nếu tuyên bố đó được thực hiện. Trong trường hợp ấy, đây có thể là tiền đề cho sự thay đổi lớn trong tư duy quản trị quốc gia, cho đất nước bước vào "kỷ nguyên mới".
Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là liệu ông Tô Lâm, với tư cách một "Đại tướng An ninh" quen thuộc với các biện pháp chế tài, có thực sự đồng nhất với hình ảnh của một "Tổng bí thư" Tô Lâm như cách phát biểu tại nghị trường đã gợi lên ?
Liệu lời nói của ông có chuyển hóa thành hành động cụ thể hay không, khi các cơ quan an ninh, dưới sự chỉ đạo của ông, hiện vẫn đang bị chỉ trích vì áp dụng những biện pháp thắt chặt tự do tư tưởng và phản biện xã hội ?
115 ngày qua (tính đến 25/11), Tổng bí thư từng có nhiều tuyên bố chấn động. Đảng của ông cũng chịu khó tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia để quảng bá cho các ý tưởng mới (8). Tuy nhiên, nội hàm các khái niệm ấy, dường như vẫn còn ở tận "đường chân trời".
Trần Đông A
Nguồn : VOA, 27/11/2024
Tham khảo :
(2) https://dantri.com.vn/suc-khoe/chinh-thuc-bo-quy-dinh-nguc-lep-khong-duoc-lai-xe-tung-gay-tranh-cai-20150918152358001.htm
(3) https://lyluanchinhtri.vn/nhan-dien-va-dau-tranh-phong-chong-dien-bien-hoa-binh-co-hoi-chinh-tri-6465.html
(4) https://www.voatiengviet.com/a/dien-bien-hoa-binh-06-21-2011-124299889/905588.html
(5) http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/thuc-day-xa-hoi-dan-su-o-viet-nam-hinh-thuc-chong-pha-nguy-hiem-cua-cac-the-luc-thu-dich/19160.html
(6) https://the88project.org/vietnams-leaders-declare-war-on-human-rights/
(7) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/economic-nobel-prize-2024-vietnam-regime-reform-10212024102703.html/ampRFA
(8) https://tuyengiao.vn/gop-phan-lam-sang-to-nhung-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-viet-157702
Như một lái xe chuyên nghiệp, Tổng bí thư Tô Lâm biết rằng động cơ của cỗ xe đang hỏng hóc nghiêm trọng. Nhưng thay toàn bộ hệ thống dường như là nhiệm vụ bất khả. Ông đành cố gắng vá víu để trấn an các đồng chí trong Đảng cũng như dư luận xã hội.
Ngày 19/11/2024, Tổng bí thư Tô Lâm kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết đã chủ trì Phiên họp thứ nhất nhằm xem xét việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
Thực trạng và thách thức
Ngày 19/11/2024, Tổng bí thư Tô Lâm kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết đã chủ trì Phiên họp thứ nhất nhằm xem xét việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ban hành từ năm 2017 bởi Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Tại phiên họp này, Tổng bí thư nhấn mạnh rằng việc đổi mới, tinh gọn và sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn. Ông nhấn mạnh rằng công cuộc này đã nhận được sự kỳ vọng lớn lao và sự ủng hộ mạnh mẽ từ cán bộ, đảng viên, cũng như toàn thể nhân dân. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định đây không chỉ là nhiệm vụ trọng yếu mà còn là một cuộc cách mạng, đòi hỏi quyết tâm cao nhất cùng hành động quyết liệt từ toàn hệ thống [1].
Thế nhưng, bảy năm đã trôi qua kể từ khi Nghị quyết số 18 được ban hành, thực tế cho thấy 70% ngân sách quốc gia vẫn phải dùng để duy trì bộ máy Đảng và Nhà nước. Điều này đặt ra câu hỏi nghiêm túc : Vì sao nghị quyết không mang lại hiệu quả như mong đợi ?
Phải chăng chúng ta chỉ dừng lại ở việc đặt vấn đề, nêu nguyên nhân, mà không ai dám đi đến tận cùng của sự thật ? Và nếu đi đến tận cùng, liệu có ai đủ can đảm để thực hiện những thay đổi triệt để ? Ngày 5/11/2024 trước đó, Tổng bí thư Tô Lâm cũng đã có bài trên Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ, với đầu đề "Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả" [2]. Dù khẩu hiệu này thể hiện khát vọng cải cách, nhưng vẫn "hoài niệm" về một hệ thống dựa trên các tiêu chí Lê-nin-nít. Câu hỏi đặt ra là : Nếu tư duy Lê-nin là đáp án đúng trong lịch sử, thì tại sao Liên bang Xô-viết và hàng loạt quốc gia theo mô hình này lại sụp đổ vào cuối thế kỷ 20 [3] ? Nếu các Hội nghị tổng kết lần này vẫn tái sử dụng những công thức cũ, hoặc lặp lại các khẩu hiệu cách đây hàng chục, thậm chí cả trăm năm, thì rõ ràng chúng ta đang bỏ lỡ cơ hội vàng để đổi mới thực sự.
Điều bất thường ở đây có lẽ nằm ở việc Tổng bí thư Tô Lâm đang phải gồng mình "kháng cự một cách mãnh liệt" [dùng chính chữ của Lê-nin] trước các lực cản bảo thủ trong nội bộ Đảng. Với vai trò người cầm lái, ông hiểu rõ bộ máy hiện đang suy yếu nghiêm trọng. Nhưng làm mạnh tay hơn, ông có thể phải đối mặt với những hệ lụy khôn lường – Bài học từ những trường hợp trước ông như Trần Xuân Bách hay Nguyễn Cơ Thạch là minh chứng [4]. Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam đã chứng minh rằng những người dám "đổi mới triệt để" đều dễ bị chính bộ máy mà họ muốn cải cách nghiền nát [5]. Ngay cả những nhân vật nổi trội như Võ Văn Kiệt, với tầm nhìn đổi mới, cũng chỉ có thể "gửi gắm" thông điệp cải cách qua những tiếng nói dè dặt, chứ chưa bao giờ thực sự dám vượt qua được sức ì của hệ thống. Đấy là chưa kể sức ì ấy còn bị cộng hưởng bởi các thế lực đã vứt bỏ chủ nghĩa Mác – Lê từ lâu rồi nhưng vẫn thường xuyên kích động, o ép nội bộ Việt Nam "không được quên nguyện ước ban đầu, khắc ghi sứ mệnh chung…" [6].
Nhân dân đang chờ đợi "Đổi mới 2"
Trong nhiều năm qua, Đảng đã ban hành hàng loạt nghị quyết với kỳ vọng tái cấu trúc hệ thống và nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia. Từ Nghị quyết 10-TƯ (2007), Nghị quyết 22-TƯ (2008), đến Nghị quyết 18-TƯ (2017), mỗi văn bản đều nhấn mạnh tính cấp bách của tinh giản biên chế, thúc đẩy minh bạch và trách nhiệm giải trình [7]. Tuy nhiên, các thay đổi đạt được vẫn chỉ mang tính hình thức, dừng lại ở mức "vá víu". Nghị quyết 18 và hàng tá văn kiện khác lần lượt "trình làng" nhưng bộ máy vẫn cồng kềnh, kém hiệu quả. Xin được nhắc lại số liệu do chính Tổng bí thư đưa ra : 70% ngân sách quốc gia bị sử dụng để duy trì hệ thống vận hành. Vậy, nếu không tiến hành cải cách triệt để ngay bây giờ, thì khi nào ? Chần chừ thêm nữa, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội chuyển mình để thực sự trở thành một quốc gia mạnh mẽ, tự chủ, có sức hút trong khu vực và trên toàn cầu.
Câu ngạn ngữ : "Thời gian và thủy triều không chờ đợi ai" (Time and tide wait for no one) thật hợp với tình cảnh Việt Nam lúc này. Thế giới đang chuyển động với những thay đổi địa-chính trị quyết liệt. Sự dịch chuyển quyền lực sang khu vực "Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (FOIP) mang đến cho Việt Nam cả cơ hội lẫn thách thức để khẳng định vị thế [8]. Chính quyền mới "Trump 2.0" cùng nhiều quốc gia khác đang cân nhắc các chính sách đối với Việt Nam dựa trên hai yếu tố : vai trò địa-chính trị và năng lực tự cải cách của đất nước. Nếu Việt Nam không thể chứng minh được khả năng đổi mới và tự cường, thì những kỳ vọng chiến lược này có thể sẽ bị giảm sút, đồng nghĩa với việc mất đi nhiều lợi ích lớn lao về kinh tế, ngoại giao, và an ninh [9]. Chính thời điểm này, với kỳ vọng của người dân và áp lực từ bên ngoài, là cơ hội quý giá để thực hiện "Đổi mới 2" – một cuộc cải cách đủ mạnh để định hình tương lai Việt Nam trong thế kỷ 21. Nếu không chứng minh được khả năng đổi mới từ bên trong, Việt Nam sẽ mất đi những lợi ích chiến lược về địa-chính trị và địa-kinh tế. Đây chính là thời điểm để thực hiện "Đổi mới 2" – một cuộc cải cách toàn diện mở ra Kỷ nguyên mới cho Việt tộc.
Chuyến thăm Malaysia của Tổng bí thư Tô Lâm đang diễn ra là một lời nhắc nhở thâm hậu. Malaysia từng đối mặt với khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội, nhưng đã vươn lên nhờ cải cách. Những bài học dân chủ hóa của đất nước này thực sự đáng để cho chúng ta suy ngẫm. Bản thân ông Anwar Ibrahim là minh chứng sống động cho sự tái sinh trong chính trị [10] : từ những cáo buộc mang tính vu khống, từ ngục tù giam hãm đến việc trở lại chính trường trong vinh quang để dẫn dắt đất nước. Sự thành công của Anwar không chỉ nằm ở ý chí cá nhân, mà còn ở khả năng tận dụng thời cơ, đối thoại và xây dựng lòng tin từ nhân dân. Đối với Việt Nam, bài học từ Malaysia không chỉ là về dân chủ hóa mà còn là về việc thiết kế một hệ thống chính trị linh hoạt, minh bạch, và gắn kết với lợi ích thực sự của người dân. "Đổi mới 2" phải mang trong mình bản lĩnh ấy : Không chỉ cải cách bộ máy, mà còn cải cách tư duy và văn hóa lãnh đạo, đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết !
Lời kết : Đổi mới toàn diện hay tụt hậu ?
Hệ thống chính trị hiện tại như một cơ thể đang mang trọng bệnh : nếu không có các biện pháp "hóa trị" hay "phẫu thuật" tận gốc, mọi giải pháp vá víu chỉ mang tính tạm thời. Với cả ba yếu tố : thể chế, hạ tầng và nhân lực đều trong tình trạng "báo động đỏ", như chính những bài viết và tuyên bố gần đây của Tổng bí thư Tô Lâm đã đề cập, chúng ta cần sự thay đổi thực sự. Bản kiến nghị từ chín tổ chức xã hội dân sự ngày 3/11/2024 cũng đã gửi đi những lời cảnh báo theo hướng ấy [11]. Một thể chế dù ưu việt đến đâu cũng không thể tự làm sạch nếu thiếu sự giám sát thực chất từ nhân dân. Khi ý Đảng và lòng Dân tìm lại được tiếng nói chung, một bộ máy tinh gọn, hiệu quả sẽ không còn là điều xa vời [12]. Nếu Tổng bí thư Tô Lâm muốn để lại một di sản thực sự, ông cần nhìn xa hơn những giải pháp tạm thời, đặt nền móng cho một Việt Nam dân chủ, hiện đại và thịnh vượng. Đổi mới toàn diện hay tiếp tục tụt hậu ? Câu trả lời không chỉ định đoạt di sản của ông mà còn mở ra con đường cho tương lai đất nước.
Đinh Hoàng Thắng
Nguồn : VOA, 24/11/2024
Tham khảo :
[2] https://baochinhphu.vn/bai-viet-cua-tong-bi-thu-to-lam-tinh-gon-manh-hieu-nang-hieu-luc-hieu-qua-102241105172459096.htm
[3] https://www.britannica.com/story/why-did-the-soviet-union-collapse
[4] https://www.voatiengviet.com/a/vi-sao-tran-xuan-bach-moi-chua-xuat-hien-o-viet-nam/3660204.html
[5] https://econpapers.repec.org/paper/osfsocarx/nqzhf.htm
[6] https://www.vietnamplus.vn/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-post971575.vnp
[7] https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/what-vietnam-needs-to-do-first-to-brace-new-era-11162024080414.html
[8] https://geoconfluences.ens-lyon.fr/programmes/dnl/dnl-hg-anglais/indopacific-space-geopolitics
[9] https://www.vietnam-briefing.com/news/op-ed-trump-2-0-will-benefit-vietnam-but-only-if-trade-surpluses-avoid-populist-backlash.html/
[10] https://www.isis.org.my/2024/09/23/what-does-anwar-ibrahim-stand-for-malaysias-pm-on-his-balancing-act-at-home-and-abroad/
[11] https://baotiengdan.com/2024/11/03/kien-nghi-khan-cap-ve-cai-cach-the-che/#google_vignette
[12]https://www.facebook.com/permalink.php ?story_fbid=pfbid02AzpMjkn4Etnb4du6EkAtW7ze5xGznrwHzCXmMckw46EskmApbyNJVnSJEFk7RFLfl&id=100059910855657
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra người thiên cổ từ ngày 19/07/2024, thọ 80 tuổi. Người thay thế là Đại tướng Công an Tô Lâm, 67 tuổi quê Hưng Yên. Ông Trọng
đã để lại hai gánh nặng "chống tham nhũng" và "xây dựng, chỉnh đốn Đảng" cho ông Tô Lâm.
Bóng Nguyễn Phú Trọng vẫn lờn vờn sau lưng Tô Lâm.
Về phương diện chống tham nhũng, ông Tô Lâm đã tạo được uy tín khi giữ Bộ trưởng Bộ Công an. Chính ông Tô Lâm đã ra kế hoạch "bắt cóc" thành công Trịnh Xuân Thanh, một quan chức tham nhũng đào thoát qua Đức.
Trong cuộc họp báo tại Hà Nội sau khi được bầu làm Tổng bí thư, tướng Tô Lâm nói : "Thời gian tới, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ với mục tiêu, quan điểm, phương châm, nhiệm vụ, giải pháp như thời gian vừa qua. Trong đó phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được đẩy mạnh theo phương châm không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".
Ông Tô Lâm nói thêm : "Các cơ quan sẽ tập trung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết từ những cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ; đẩy lùi "tham nhũng vặt" bằng nhiều giải pháp cụ thể ; mở rộng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngoài khu vực nhà nước, góp phần làm trong sạch tổ chức Đảng, bộ máy cơ quan Nhà nước. Các biện pháp kiểm soát quyền lực, chấn chỉnh đạo đức công vụ, tác phong, lề lối phục vụ nhân dân sẽ được tăng cường".
Khoe kinh nghiệm
Về kinh nghiệm bản thân, tướng Tô Lâm tự mãn khoe rằng : "Cá nhân tôi rất may mắn khi còn làm Bộ trưởng Bộ Công an cũng đồng thời nhận nhiệm vụ Phó Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trực tiếp tham gia lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bám sát ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiều năm. Do vậy tôi đã có những kinh nghiệm nhất định.
Hiện được sự tin tưởng của Đảng, tín nhiệm của nhân dân bầu tôi làm Tổng bí thư, đồng thời giao luôn trọng trách Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tôi tin tưởng rằng công tác này sẽ được tiếp tục triển khai với phương hướng, cường độ, tần suất, nhịp điệu không thay đổi và nhất định chúng ta sẽ chiến thắng giặc "nội xâm".
Ông nói thế, nhưng chưa thấy ông ra tay. Theo Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) thì tình trạng tham nhũng vặt đã giảm ở Việt Nam, nhưng "quốc nạn tham nhũng quyền lực" lại gia tăng trong hàng ngũ những kẻ có chức có quyền. Tình trạng tẩu tán tài sản và tiền bạc tham nhũng ra nước ngoài đã hết kiểm soát nổi, trong khi "lợi ích nhóm" không còn giữ kín trong nội bộ như trước đây.
Tình trạng này sẽ kìm chân ông Tô Lâm khi quyết định chống tham nhũng theo kế hoạch của ông Nguyễn Phú Trọng để lại, trong đó có tệ nạn "phe anh, phe tôi", "đổ lỗi cho nhau" và "đùn đẩy trách nhiệm".
Do đó, ông Tô Lâm đã hứa : "Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh ; kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm "không ngừng", "không nghỉ", đưa cuộc chiến chống "giặc nội xâm" tới thắng lợi cuối cùng".
Bọn "giặc nội xâm" đã bị đánh từ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2005, nhưng chúng vẫn "trơ ra", theo lời ông Nguyễn Phú Trọng. Liệu ông To Lâm có làm nên cơm cháo gì không ?
Vẫn như cũ
Bước sang lĩnh vực chính trị, Tổng bí thư Tô Lâm không có sáng kiến mới trong dự thảo "Báo cáo chính trị" cho Khóa đảng XIV. Ông vẫn đi theo đường lối cũ, lập lại chủ trương xưa cũ. Ông hô hào phải : "Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý luận về đường lối đổi mới của Đảng ; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".
Bóng mờ Nguyễn Phú Trọng
Chủ trương "không đổi mới chính trị" cũng không mới. Bóng mờ Nguyễn Phú Trọng vẫn lảng vảng trong đầu ông Tô Lâm khi ông nhắc lại : "Tiếp tục quán triệt sâu sắc những tư tưởng chỉ đạo của đồng chí cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ; đặc biệt là ba nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng văn kiện : kiên định và đổi mới ; kế thừa và phát triển ; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với định hướng chính sách".
"Trong đó, kiên định hệ quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc là : Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý luận về đường lối đổi mới của Đảng ; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".
Với quan điểm "cũ mèm" như thế mà ông Tô Lâm vẫn có thể tự khoe : "Báo cáo chính trị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, phải thật sự có chất lượng, thật sự là cơ sở định hướng cho các văn kiện khác, thậm chí là "ánh sáng soi đường" cho những kỳ đại hội tiếp theo".
Lời nói này của ông Tô Lâm giống như câu ca dao "chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng" của thới quan lại. Bởi vì khi còn sống ông Trọng đã nhìn nhận thực trạng bê bối của cán bộ, đảng viên. Ông nói : "Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, luật pháp, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng…".
Ông Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc lại : "Bốn nguy cơ (tụt hậu xa hơn về kinh tế ; chệch hướng xã hội chủ nghĩa ; nạn tham nhũng và tệ quan liêu ; "diễn biến hòa bình") mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn hiện hữu, có mặt gay gắt hơn".
Ông còn cho biết : "Tình hình tư tưởng trong Đảng và tâm trạng trong nhân dân, bên cạnh mặt tích cực là cơ bản, cũng có những biểu hiện đáng lo ngại. Nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ; tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức mới chỉ bước đầu được ngăn chặn, đẩy lùi".
Do đó, ông yêu cầu : "Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất cao ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…".
Đó là giâc mơ của ông Trọng khi còn sống. Bây giờ đến lượt ông Tô Làm phải làm theo "tư tưởng chỉ đạo" của ông Trọng. Nhưng liệu ông Tô Lâm có vượt qua khỏi những thất bại của ông Nguyễn Phú Trọng" không ? -/-
Phạm Trần
(23/11/2024)
Tô Lâm có vẻ như đã thành công trong việc chuẩn bị để thâu tóm một nhiệm kỳ vào tháng 1/2026
Các ủy viên Bộ Chính trị chúc mừng Tô Lâm, tân Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, tại Hà Nội ngày 03/08/2024 – Trọng Hải
Việc Tô Lâm từ bỏ chức chủ tịch nước Việt Nam gần đây không phải là dấu hiệu của sự thất thế hay thách thức đối với khả năng lãnh đạo của ông. Đó là một bước đi hợp lý để tiến tới việc giành trọn một nhiệm kỳ Tổng bí thư Đảng cộng sản.
Trong một hệ thống vốn vẫn tự hào về cơ chế lãnh đạo tập thể, thì sự thâu tóm quyền lực nhanh chóng của Lâm trong năm qua đã khiến nhiều người trong Đảng cộng sản Việt Nam tỏ ra kinh ngạc. Từ tháng 8, Quốc hội đã phát tín hiệu rằng việc chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra.
Đối với ông Tô Lâm, ghế Chủ tịch Nước chỉ là bước đệm.
Mặc dù có vẻ thích thú với chức năng ngoại giao và đã đi tới tám quốc gia trong nhiệm kỳ năm tháng ngắn ngủi của mình, và theo lẽ thường thì người đại diện của quốc gia cũng là người quyền lực nhất, thế nhưng ưu tiên hàng đầu của Tô Lâm nằm ở việc được bầu giữ trọn một nhiệm kỳ ở Đại hội Đảng lần thứ 14 vào tháng 1 năm 2026.
Dù có là Tổng bí thư nhưng Tô Lâm vẫn cần sự ủng hộ của Ban Chấp hành Trung ương và ông cũng phải đối đầu với những trung tâm quyền lực khác.
So với mức độ kiểm soát mà ông Tập Cận Bình nắm đối với Đảng cộng sản Trung Quốc thì Tô Lâm vẫn còn thua xa.
Cài người vào Bộ Chính trị
Bộ Chính trị gồm 18 thành viên được bầu tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vào tháng 1 năm 2021, có thời điểm đã tụt xuống mức thấp nhất là 12 thành viên. Và Tô Lâm đã tranh thủ lấp đầy các chỗ trống.
Kể từ tháng 5, đã có thêm năm ủy viên Bộ Chính trị mới được bầu, bao gồm cả Lương Tam Quang của Bộ Công an - người được Tô Lâm bảo trợ.
Trong những ngày cuối cùng trên ghế Chủ tịch Nước, Tô Lâm đã thăng hàm cho người đồng hương Hưng Yên, Lương Tam Quang, lên hàm đại tướng.
Còn Lê Minh Hưng, ủy viên mới của Bộ Chính trị, có bố là thủ trưởng cũ của Tô Lâm trong Bộ Công an, được bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương chuyên trách việc bổ nhiệm các vị trí từ trung cho đến cao cấp trong Đảng.n
Mở rộng Bộ chính trị
Tô Lâm đang chuẩn bị cất nhắc thêm hai người nữa vào Bộ Chính trị, hiện đang có 15 ủy viên. Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị được cho là sẽ được thăng chức Phó thủ tướng tại Đại hội 14, hoặc có thể sẽ sớm hơn.
Ông Nghị thừa hưởng nền giáo dục Hoa Kỳ và là con trai của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn dũng. Trước khi được bầu giữ chức Tổng bí thư, ông Tô Lâm đã tới thành phố Hồ Chí Minh nơi ông có cuộc gặp với vị cựu Thủ tướng.
Phe miền Nam đang tỏ ra bất mãn bởi hiện tại họ thậm chí còn có ít đại diện trong Bộ Chính trị hơn bình thường, và Tô Lâm cần củng cố mối quan hệ với Nguyễn Tấn Dũng, bởi ông Dũng là một nhân vật nhiều ảnh hưởng của miền Nam.n
Người thứ hai có khả năng được bổ nhiệm là ông Trần Lưu Quang, hiện đang là Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng. Ông Quang là ứng viên cho ghế Thủ tướng, nên việc bổ nhiệm này nhẽ ra phải được thực hiện từ trước.
Việc bổ nhiệm hai ông Nghị và Quang rõ ràng có lợi về mặt chính trị cho Tô Lâm, ngoài ra, động thái này còn có lý do chính đáng về mặt kinh tế, bởi Bộ Chính trị hiện thời đang thiếu kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Tô Lâm hiểu rõ tính chính danh của đảng cầm quyền phụ thuộc vào sự hiệu quả trong điều hành đất nước.
Ông ta đang không chỉ cài thêm người vào Bộ Chính trị, mà còn đưa những người thân tín, đặc biệt là những người đồng hương Hưng Yên của ông ta, vào các vị trí trọng yếu trong Đảng.
Tô Lâm đã bổ nhiệm một Thứ trưởng Bộ Công an khác là Nguyễn Duy Ngọc làm Chánh văn phòng Trung ương Đảng, một ví trí hậu trường đầy quyền lực trong vấn đề nhân sự và nghị trình. Giờ đây Tô Lâm đã có tai mắt ở ngay tại trung tâm đầu não của Trung ương Đảng. Ông Ngọc còn là một trong 12 thành viên của Ban bí thư, với chức năng điều hành công việc hàng ngày của Đảng.
Cơ chế kiểm soát
Một thành viên mới khác của Ban bí thư là ông Lê Minh Trí - người đứng đầu Ban cán sự Đảng và là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Ông Lê Hoài Trung, cố vấn ngoại giao hàng đầu của Tô Lâm, người tháp tùng Tô Lâm trong mọi chuyến công du và gặp gỡ quan chức nước ngoài, cũng là thành viên của Ban bí thư.
Tô Lâm cũng đang có những động thái nhằm vô hiệu hóa sự chống đối. Ông ta đã đưa Vũ Hồng Văn, một Thiếu tướng Công an cùng quê Hưng Yên, sang làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Người đứng đầu ủy ban này là Trần Cẩm Tú, và cũng là người duy nhất trong Bộ Chính trị có khả năng tạo ra rắc rối cho ông Tô Lâm, bởi ông ta đứng đầu một cơ quan điều tra với quyền lực điều tra các cán bộ cấp cao nằm ngoài tầm kiểm soát của Tô Lâm.
Như một lời nhắc nhở rằng Tô Lâm vẫn chưa hoàn toàn nắm toàn bộ quyền lực, Bộ Chính trị đã bầu Trần Cẩm Tú làm Thường trực Ban bí thư vào ngày 25 tháng 10, thay vì Nguyễn Duy Ngọc, ứng viên mà ông Tô Lâm ủng hộ.
Một cơ chế kiểm soát khác là Quân đội Nhân dân
Trong khi ở các quốc gia Đông Nam Á khác thì quân đội có xu hướng chi phối chính trị, ở Việt Nam, quyền lực nằm ở bộ máy cảnh sát do nỗi lo Cách mạng Màu.
Ngoài Tô Lâm và Lương Tam Quang, Bộ Chính trị còn có thêm bốn thành viên gốc công an.
Nhiều người kỳ vọng quân đội đóng vai trò là cơ chế kiểm soát đối với Bộ Công an, đó cũng là lý do việc ông Lương Cường được bầu giữ chức Chủ tịch nước vào ngày 21/10 được coi là rất quan trọng.
Tướng Cường dành cả sự nghiệp trong vai trò chính ủy, trở thành Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào năm 2016. Với tư cách đảng viên cao cấp nhất của quân đội, tướng Cường cũng giữ chức vụ trong Ban bí thư, và lên làm Thường trực Ban Bí thư sau khi bà Trương Thị Mai bị buộc thôi chức vào tháng năm vừa qua.
Ngoài ông Cường, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cũng là ủy viên Bộ Chính trị.
Vun vén quan hệ với quân đội
Tổng bí thư Tô Lâm đang cố găng xây dựng quan hệ với bên quân đội.
Là Tổng bí thư, ông Tô Lâm đồng thời là người đứng đầu Quân ủy Trung ương, cơ quan tối cao trong việc ra quyết định về quốc phòng. Với tư cách đó, ông thường xuyên gặp gỡ các đơn vị và lãnh đạo quân đội khác nhau.
Tô Lâm cũng cố gắng cẩn thận tạo dấu ấn về mặt nhân sự trong quân đội. Ông thăng chức cho Trịnh văn Quyết, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị đương nhiệm, vào Ban bí thư.
Ba sĩ quan cao cấp khác của quân đội quê Hưng Yên cũng được thăng chức, trong đó bao gồm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến, và Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Tư lệnh Quân khu 1 giáp Trung Quốc.
Ngay cả khi các tướng lĩnh không hài lòng với việc một cảnh sát làm Bí thư Quân ủy Trung ương, Tô Lâm vẫn đang dần đưa người của mình vào các vị trí lãnh đạo.
Điều này rất quan trọng bởi vì quân đội là khối lớn nhất trong Trung ương Đảng, chiếm từ 11% đến 13% tổng số ủy viên.
Tô Lâm hiểu rằng việc đưa các đồng minh vào các vị trí chủ chốt sẽ khiến bản thân bất khả chiến bại, trong bối cảnh chỉ hơn một năm nữa thì Đại hội 14 sẽ diễn ra.
Thông qua Lương Tam Quang, Tô Lâm vẫn có thể tiếp tục điều tra các đối thủ. Còn các đồng minh khác thì phụ trách lựa chọn nhân sự, và soạn thảo các văn kiện quan trọng của Đảng.
Đảng cộng sản Việt Nam có văn hóa lãnh đạo tập thể, tuy nhiên truyền thống này đã bị ông Tô Lâm đã vi phạm trong một khoảng thời gian ngắn.
Bằng cách nhường chức Chủ tịch nước, đặc biệt là cho một người bên quân đội, Tô Lâm đã vô hiệu hóa một số chỉ trích nhắm vào mình, nhưng đồng thời không khiến quyền lực bị giảm sút.
Trong quá trình củng cố quyền lực, Tô Lâm đã hạ gục tám đối thủ khác nhau trong Bộ Chính trị kể từ tháng 12 năm 2022, tạo ra một thời kỳ chính trị hỗn loạn chưa từng có. Bất kỳ sự hỗn loạn nào nữa sẽ có thể phản tác dụng.
Tô Lâm dường như đã thành công trong việc sắp xếp các quân bài để đảm bảo bản thân được bầu giữ đủ nhiệm kỳ vào tháng 1 năm 2026. Vì vậy, thay vì coi việc từ bỏ chức vụ chủ tịch nước là một dấu hiệu của sự yếu kém, sẽ chính xác hơn nếu coi đó là một dấu hiệu của sự gia tăng sức mạnh chính trị.
Zachary Abuza
Nguồn : RFA, 10/11/2024
Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.
Sau một vài tuyên bố bị các đồng chí cho đã "đi quá xa", có thể Tổng bí thư Tô Lâm buộc phải "lùi về giữ khung thành". Để các thế lực bảo thủ yên tâm trước ý chí "thép đã tôi thế đấy", tại bài giảng ở Trường Đảng, Tổng bí thư buộc đành phớt lờ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang rúng động toàn cầu.
Tổng bí thư Tô Lâm trao đổi với các học viên cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIV về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ảnh : Thống Nhất/TTXVN
_________________________
Donald Trump sẽ là Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ trong những năm tới. Chiến thắng của Trump rúng động toàn cầu. Chiến thắng vang dội ấy sẽ có những hậu quả kinh tế đối với phần còn lại của thế giới, khả năng sẽ rất sâu sắc và khá cấp bách. Nếu Trump chỉ thực hiện một phần nhỏ trong những cam kết của mình – từ thuế quan thương mại cao hơn đến bãi bỏ quy định, khoan dầu nhiều hơn và đòi hỏi nhiều hơn đối với các đối tác NATO – thì áp lực đối với tài chính các chính phủ, lạm phát, tăng trưởng kinh tế và lãi suất sẽ được cảm nhận ở mọi ngóc ngách trên thế giới (1). Ngày 7/11, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chúc mừng Donald Trump về chiến thắng của ông và thúc giục cả hai quốc gia tìm ra "cách đúng đắn để hòa thuận", khi mức thuế quan sắp tới của Mỹ sẽ đưa họ trở lại thời kỳ chiến tranh thương mại nhiều năm trước (2). Gần như trong cùng ngày 7/11, Tổng bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã gửi điện chúc mừng Trump thắng cử. Lo ngại các biến động thương mại dưới thời Trump, các quan chức giấu tên cho biết, họ ưa chuộng chính sách thương mại ổn định từ một Tổng thống Dân chủ hơn là sự bất định của ông Trump (3).
Những ngày này, các loại điện mật – từ Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại và trước hết là từ Tổng Cục 2, Bộ Quốc phòng – đang như "bươm bướm" bay tới tấp về Văn phòng Tô Ân Xô để báo cáo cho Tô Lâm những phân tích mới nhất về cuộc bầu cử đầy kịch tính trên nước Mỹ. Nhưng lạ lùng thay, trong bài thuyết giảng được cho là "cuộc trao đổi" quan trọng trước đó (dài suýt soát 10.000 chữ) tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư Tiến sĩ Tô Lâm lại tảng lờ, không đề cập một lời nào về sự kiện đang khiến hàng tỷ người trên thế giới quan tâm (4). Tuy nhiên, trước thời điểm Trump về đến đích, đã có ba, bốn tờ báo chính thống ở Việt Nam được phép đặt bảng thăm dò "Ai sẽ là người đắc cử Tổng thống Mỹ 2024 ?", cùng với đó là hàng ngàn bài viết khác nhau trên các trang mạng xã hội tiếng Việt "bình loạn" về các ứng cử viên cho chức vụ Tổng thống (5). Chỉ riêng điều này thôi cũng đủ thấy dân Việt háo hức được hưởng một cuộc bầu cử tự do như thế nào ! Điều trớ trêu là trong khi báo Nhà nước cho phép biểu quyết "Ai sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ " thì đối với Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, nếu chỉ căn cứ bài giảng của ông tại Trường Đảng, chuyện ấy như xẩy ra trên Sao Hỏa, Sao Kim…
Cuộc "trao đổi" của Giáo sư Tiến sĩ Tô Lâm được các tờ báo Nhà nước quảng bá bao hàm nhiều nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cuộc "trao đổi" ấy dành cho các học viên "Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV" (Lớp thứ ba). Đây là một lớp thuộc đội ngũ cốt cán, nhiều khả năng phần lớn các học viên của lớp này có khả năng được "cơ cấu" vào Trung ương tại Đại hội XIV sắp tới.
Bài giảng của Tô Lâm dài dòng nhưng lại thiếu chiều sâu về đột phá. Mặc dầu ông có nêu lên bảy định hướng chiến lược để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình (6). Nhưng nếu cho phép làm một cuộc trắc nghiệm khách quan và công khai thì chính các đồng chí học viên trong lớp ấy cũng không thể nào thu hoạch nổi, đâu là những nội dung then chốt nhất, có ý nghĩa đột phá để minh họa cho nội hàm của "kỷ nguyên mới" là gì ? Bởi vì, tất cả bảy định hướng nêu trong bài chỉ là sự lặp lại gần như y chang đường lối của các Đại hội XI, XII và XIII, chứ chẳng có bất cứ một luận điểm đột phá hay bứt phá nào mà Tô Lâm từng kêu gọi lâu nay.
Cũng dịp này, với một tinh thần cẩn trọng trên cả mức thông thường, nhà văn Tạ Duy Anh đã giới thiệu cuốn sách "Thư gửi nước Mỹ" của Hồ Chí Minh, do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Cuốn sách được xuất bản nhân sự kiện Tổng thống Biden sang thăm Việt Nam và hai nước nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất vào tháng 9 năm 2023. Theo Tạ tiên sinh, 80 năm trước đây, ông Hồ Chí Minh đã thiết tha mong muốn được gửi 50 thanh niên sang Mỹ nhằm "một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết..., mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác" (Hồi bấy giờ chưa có công nghệ cao và semiconductor). Tổng bí thư Tô Lâm và các đồng chí của ông chắc hẳn biết rằng, ngay trong thời kỳ cách mạng Việt Nam còn trong trứng nước, Hồ Chí Minh vẫn hết lời ngợi ca những giá trị Mỹ, như Tự do – Dân chủ – Nhân quyền – Thượng tôn Công lý. Thậm chí, tại thư đề ngày 22/11/1945, ông Hồ không ngần ngại dùng từ "cầu xin" với Tổng thống Mỹ : "Vì thế tôi tha thiết cầu xin Ngài về bất cứ sự giúp đỡ nào có thể được" (7).
Còn giờ đây, tình hình Việt Nam hiển nhiên khác xa thuở tháng 9 năm 1945. "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" (Nguyễn Phú Trọng). Nhưng để có được cái cơ đồ ấy, ngay trên đất Mỹ, tháng 9 vừa qua, Tô Lâm đã dõng dạc tuyên bố : "Con đường phát triển (ấy) của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại…" Và Tổng bí thư, Chủ tịch nước (lúc bấy giờ) còn đi xa hơn, khi nhắc lại những ký ức lịch sử của cái thuở "bộ đội Mỹ là bạn ta…" Những "chiến sĩ phá băng" (8) ngày ấy từng là thượng khách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đứng bên cạnh Người, trên Lễ đài Ba Đình rực rỡ trong nắng chiều ngày 2/9/1945. Nhưng than ôi ! Ngay cả cái ký ức thiêng liêng và vĩ đại ấy, bộ máy tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam ngày nay vẫn không muốn cho người dân được biết. Tại buổi nói chuyện ở Đại học Columbia, cử tọa đinh ninh, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là người cởi mở, ủng hộ hòa giải và tự do học thuật ! (9). Nhưng chính đoạn phát biểu về "cái thuở ban đầu" của quan hệ Mỹ – Việt đã bị Ban Tuyên giáo thẳng tay đục bỏ. Vì vậy, phải chăng khi "trao đổi" với học viên Trường Đảng, Tô Lâm phải chọn lời lẽ khác so với lúc nói chuyện cùng sinh viên Trường Columbia ?
Cũng có quan điểm cho rằng, chưa hẳn vì Tổng bí thư Tô Lâm coi thường trình độ học viên tại "Lớp bồi dưỡng" đến mức không muốn mở rộng tìm nhìn cho họ. Nhưng sau một vài tuyên bố về "kỷ nguyên mới của dân tộc", Tô Lâm bị các thế lực bảo thủ trong Đảng cho là "đã đi quá xa", do đó ông buộc phải "ghìm mình" để bào toàn lực lượng. Trong thâm tâm, có thể Giáo sư Tiến sĩ Tô Lâm cũng muốn giảng cho học viên nghe về tầm quan trọng, cả cơ hội lẫn thách thức đối với Việt Nam, từ kết quả cuộc bầu cử, cho dù Cộng hòa hay Dân chủ thắng. Đến một chính khách như cựu Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện Campuchia, cũng còn dám công khai phân tích lý do chiến thắng của Donald Trump trong bài viết được đăng trên Facebook chính thức ngay vào hôm 6/11 (10). Mà không riêng gì dân Campuchia, dân trên toàn cầu, mà trước hết là công dân nước Việt, cũng cần được biết những điều gì đang và sẽ xẩy ra trên thế giới, trong tương quan của cuộc cạnh tranh sống mái giữa các cường quốc, có liên đới đến thân phận Việt tộc trong năm mười năm tới. Chứ chẳng nhẽ cứ bắt người dân phải nhắm mắt, tuân theo "lời hẹn ước ban đầu" với Trung Quốc – theo Tuyên bố chung giữa hai Đảng – "đi lò dò, lom dom" (từ GS. Tô Lâm dùng mới đây (11) trên con đường bất định ?
Trong tinh thần hưởng ứng nhận định của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu sáng 21/10/2024 trước Quốc hội khóa XV về thể chế, nhân sự và cơ sở hạ tầng, trong đó thể chế là "điểm nghẽn" trọng yếu cho sự phát triển, tám tổ chức xã hội dân sự trong Nam ngoài Bắc đã đồng ký thư kiến nghị gửi Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng, trong đó kêu gọi xây dựng một lộ trình Đổi Mới lần thứ hai về chính trị sau "Cải cách kinh tế" năm 1986, gồm các chương trình hành động cụ thể với mục tiêu thời gian thực hiện rõ ràng (12). Ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng, vốn là một cựu tù Côn Đảo, đã nói với Đài RFA ngày 5/11 : "Lần Đổi Mới này không phải là ý muốn của ai cả, tình thế bắt buộc phải làm chứ không phải là ý muốn của ông A bà B. Không thay đổi là chết, tất nhiên dân chết thì Đảng cũng chết, không có cách gì khác !" (13) Nhắc lại thế để Tổng bí thư Tô Lâm vững tin, nếu ông dám hành động để cải cách thể chế cho đất nước cất cánh, thì ông có thể yên chí, hàng trăm chữ ký trong Bản kiến nghị đủ nói lên đấy là chỗ gặp nhau giữa ý Đảng và lòng Dân… Giáo sư Tiến sĩ Tô Lâm không có gì cần lảng tránh như từng phải phớt lờ, không giảng giải cho các đồng chí học viên Trường Đảng về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử vừa qua tại Hoa Kỳ.
Trần Hiếu Chân
Nguồn : RFA, 08/11/2024
Tham khảo :
(1) https://www.reuters.com/markets/us/trump-victory-reverberate-through-global-economy-2024-11-06/
(2) https://www.cnbc.com/2024/11/07/china-congratulates-trump-says-it-respects-americas-choice.html
(3) https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-doi-mat-bien-dong-thuong-mai-duoi-thoi-trump/7855062.html
(4 và 6) https://dangcongsan.vn/thoi-su/noi-dung-chuyen-de-cua-tong-bi-thu-to-lam-ve-ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-682050.html
(5) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-actively-taking-about-us-election-shows-desire-for-self-determination-11052024055522.html
(7) https://vanviet.info/van-de-hom-nay/doc-xong-dau-don-v-tiec-nuoi/
(8) https://www.youtube.com/watch?v=8dq0Obp53Tk
(9) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz04yg347e5o
(10) https://www.bbc.com/vietnamese/live/c3rxp0qz9gxt
(11) https://www.voatiengviet.com/a/to-lam-sot-ruot-viet-nam-lo-do-lom-dom-dan-chu-hoa-la-chia-khoa/7844295.html
(12) https://baotiengdan.com/2024/11/03/kien-nghi-khan-cap-ve-cai-cach-the-che/
(13) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/people-call-for-second-reform-to-settle-obstacles-11052024051651.html
Sau gần ba tháng ‘chấp chính’ tân Tổng bí thư Tô Lâm đã có khởi đầu ‘suôn sẻ’ và tuyên bố về "kỷ nguyên mới", "đổi mới phương thức lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam", thể hiện mong muốn, mục tiêu và phương châm hành động cho thời kỳ cầm quyền của người đứng đầu Đảng. Nó khẳng định quan điểm ‘đảng trị’ nhưng sẽ đổi mới cách lãnh đạo.
Tổng bí thư Tô Lâm tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 21/10/2024 - Nhac Nguyen / AFP
Trong bối cảnh tham nhũng, suy thoái đạo đức lối sống của quan chức mang tính hệ thống và nghiêm trọng, chế độ toàn trị bởi độc Đảng cộng sản đang trải qua những biến cố thay đổi nhân sự ‘rung động’ chính trường. Trong chiến dịch ‘đốt lò’ đã có hàng chục nghìn lãnh đạo, đảng viên bị kỷ luật và bị bỏ tù. Từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến nay đã có bảy ủy viên Bộ Chính trị bị miễn nhiệm và có bốn lãnh đạo tuyên thệ chủ tịch nước! Ông Nguyễn Xuân Phúc (5/4/2021-18/1/2023); ông Võ Văn Thưởng (2/3/2023-21/3/2024); ông Tô Lâm (22/5/2024- 10/2024) và ông Lương Cường - Tân Chủ tịch nước (21/10/2024 -)…
Sự chuyển tiếp quyền lực tối cao diễn ra vào giữa nhiệm kỳ Đại hội 13 từ cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, qua đời ngày 19/7/2024 vì trọng bệnh, sang cho ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, người mà trước đó ‘ít ai nghĩ’ sẽ thừa kế. Ông Tô Lâm đã nhậm chức Chủ tịch nước ngày 22/5/2024 và, trở thành người ‘tạm quyền’, rồi ngay sau đó được Ban chấp hành Trung ương khóa 13 bầu làm tân Tổng bí thư ngày 3/8/2024.
Phần một
Khởi đầu ‘suôn sẻ’
Trên cương vị Tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có khởi đầu ‘suôn sẻ’. Sự đồng thuận ở thượng tầng Đảng cộng sản phản ánh cách xử lý trong tình huống ‘bất thường’. Là vị tướng cầm đầu ngành an ninh, một thời gian dài được củng cố bởi chiến lược an ninh chế độ [1] ông Tô Lâm có điều kiện cần để bảo vệ chế độ và duy trì quyền lực Đảng.
Tuy nhiên, trong suốt gần 40 năm Đổi mới từ 1986 chức vụ tổng bí thư luôn được quyết định trong đại hội Đảng toàn quốc và, người kế vị thường là, theo thông lệ, một trong ‘tứ trụ’ của Đảng : Tổng bí thư (tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai), Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội và Thường trực Ban bí thư. Tuy nhiên, sự chuyển tiếp quyền lực lần này được cho là ‘bất thường’. Việc một Bộ trưởng Công an lên nắm quyền là sự kiện ‘chưa từng có’. Bởi vậy, mọi động thái cá nhân của vị tân tổng bí thư, ê-kíp của ông ấy, cũng như bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách, nhân sự và thể chế… sẽ được chăm chú ‘theo dõi.’ Ông Tô Lâm có những quyết định thế nào? Chương trình nghị sự đảng trị ra sao? Và, liệu cách mà hệ thống chính trị và người dân sẽ ‘tâm phục khẩu phục’ thế nào?
Trong bước khởi đầu quyền lực phải được củng cố bởi các quyết định nhân sự đổng thời với một chương trình nghị sự đảng trị. Tân tổng bí thư Tô Lâm đã sử dụng quyền ‘tuyệt đối’ của chế độ Đảng tập quyền, đã có những quyết định nhân sự nhanh chóng, vượt qua rào cản thủ tục, để củng cố quyền lực. Ông Tô Lâm quyết đoán bố trí những nhân sự thân tín, đồng hương Hưng Yên và đồng nghiệp an ninh vào các vị trí then chốt như các trợ lý, chánh văn phòng trung ương Đảng, Bộ trưởng công an… Việc bổ sung các ủy viên Bộ chính trị cũng nhanh chóng hoàn tất. Ngoài ra, trong chế độ quyền lực tập trung việc triệu tập các Hội nghị trung ương hay Quốc hội bất thường cần thiết về thủ tục để thông qua các chức danh theo chế độ ‘đảng cử dân bầu’ cũng diễn ra đúng ‘ý Đảng.’ Các nhà phân tích chính trị cho rằng việc ông Tô Lâm đã phải chia sẻ quyền lực với ‘phái quân đội’ (ông ấy không kiêm chức chủ tịch nước) là cần thiết để ổn định lãnh đạo…
Mặc dù là chế độ tập quyền theo mô hình cũ nhưng duy trì nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo thì việc định hình chương trình nghị sự đảng trị trong nội bộ Đảng là một nguồn quyền lực quan trọng để khẳng định vị trí, đặc biệt đối với ‘tân’ lãnh đạo như ông Tô Lâm. Sau khi ông Vương Đình Huệ ‘ngã ngựa’, ông Trần Thanh Mẫn, người phó được cho là không ‘sắc xảo’ lên thay, đồng thời một số đại biểu, lãnh đạo ban của Quốc hội thường có ý kiến ‘phản biện’ như Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội "bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" [2] thì việc Đảng ‘lãnh đạo’ Quốc hội đã ‘tạm ổn’. Một loạt nhân sự Chính phủ như bổ sung, luân chuyển, bổ nhiệm thêm các phó thủ tướng, Chánh án Tòa án, Viện kiểm sát, các bộ trưởng quan trọng như tài chính, tư pháp… Gần đây nhất, hôm 20/10/2024 Với tư cách Chủ tịch nước, ông Tô Lâm đã ký quyết định thăng hàm Đại tướng cho ông Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang và Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Tân Cương [3], một động thái quyết đoán trước kỳ họp thứ 8 Quốc Hội khóa 15 vào hôm sau, ngày 21/10, trong đó có nội dung bầu chủ tịch nước mới và nhân sự khác.
Sau khi công tác tổ chức ‘tạm ổn’ ông tân Tổng bí thư đã thiết lập một chương trình nghị sự ‘đối ngoại’ để khẳng định tính chính danh mà lễ nghi ngoại giao và các bản ghi nhớ, thậm chí ký kết chỉ là ‘phụ lục’. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay việc công nhận sự khác biệt chế độ chính trị vì tăng trưởng kinh tế quốc gia đã là ưu tiên nên các chuyên công du của vị chủ tịch nước kiêm tổng bí thư là cơ hội quảng bá. Trước hết, đó là những chuyến công du nước ngoài ‘đặc biệt’ dày đặc. Ngày 18/8/2024, ông đi Bắc Kinh và được tiếp kiến bởi Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngày 20/9/2024 ông đi New York dự họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, gặp Tổng thống Hoa Kỳ J. Biden bên lề và có một số hoạt động khác. Sau đó ông Tô Lâm đến Cuba vào ngày 28/9... Tiếp theo là chuyến công du Mông cổ, Cộng hòa Ireland và Pháp của ông Tô Lâm từ ngày 30/9 đến 7/10, trong đó dấu ấn là nâng cấp quan hệ với Pháp lên Đối tác chiến lược toàn diện… Trong đoàn tháp tùng Chủ tịch nước, ngoài e-kíp lãnh đạo mới được trình diện, còn có đông đảo các cựu lãnh đạo Đảng, Chính phủ như bà Tòng Thị Phóng, nguyên Trưởng ban Dân vận và ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư thành ủy Hồ Chí Minh… Họ là những người lan toả ảnh hưởng của Tổng bí thư…
Chương trình nghị sự cho việc chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2026, có ý nghĩa quan trọng cho nhiệm kỳ công tác năm năm của ông tân Tổng bí thư Tô Lâm. Năm 2025 Đại hội Đảng các cấp ở địa phương tỉnh, thanh cũng như ở các cơ quan trung ương phải hoàn tất cùng với các nhân sự lãnh đạo mới. Các văn kiện, báo cáo chính trị, báo cáo phát triển kinh tế xã hội trình Đại hội và đề án tổng kết 40 năm đổi mới… Tất cả đều dưới sự chỉ đạo của cá nhân ông và tập thể lãnh đạo.
Là nhà cai trị không thể không chú ý đến triết lý quyền lực làm cho người khác sợ đã khó nhưng làm cho người ta phục, người ta tin còn khó hơn. Đây là giai đoạn thử thách lớn hơn đối với vị tân Tổng bí thư. Có những biểu hiện cho thấy là người lãnh đạo thực dụng, cứng rắn. Những người đồng chí lãnh đạo dưới quyền ông có thể ‘sợ’ ông vì những lý do khác nhau, đặc biệt trong bối cảnh Đảng cam kết tiếp tục chống tham nhũng ‘không ngừng nghỉ’ và tăng trưởng luôn gặp rào cản thể chế và thủ tục hành chính còn dung dưỡng công quyền, đặt gánh nặng lên người dân. Nhưng nếu họ phục ông những phản ứng đối phó sẽ giảm đi, chức trách được thực hiện hiệu quả… Hơn thế, đối với người dân khi họ tin vào hệ thống chính trị với những chính sách phát triển đúng đắn không chỉ mang lại sự thụ hưởng vật chất mà còn để họ có nhiều quyền tự do hơn, nhiều nguồn lực hơn để quyết định số phận của chính họ.
***************************
Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) và Tổng bí thư Tô Lâm (phải) đến viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội hôm 21/10/2024 trước phiên khai mạc Quốc hội - Nhac Nguyen / AFP
Sau gần ba tháng ‘chấp chính’ tân Tổng bí thư Tô Lâm đã có khởi đầu ‘suôn sẻ’ và, tuyên bố về "kỷ nguyên mới" và "đổi mới phương thức lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam (Đảng)" thể hiện mong muốn, mục tiêu và phương châm hành động cho thời kỳ cầm quyền của người đứng đầu Đảng. Nó khẳng định quan điểm ‘đảng trị’ nhưng ‘đổi mới phương thức lãnh đạo’… để bước vào "kỷ nguyên mới"
Phần hai
‘Kỷ nguyên mới’
‘Kỷ nguyên mới’ được nhiều lần nhấn mạnh trên nhiều diễn đàn. Đây là phát biểu ‘chính sách’ trong chuyến công du mới đây tới Cộng hòa Ireland : "… Đối với Việt Nam, đây là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút để kiến tạo kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; hiện thực hóa các mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045, và khát vọng xây dựng nước Việt Nam "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" của Chủ tịch Hồ Chí Minh" [4].
‘Kỷ nguyên mới’ cắt nghĩa cho việc tân Tổng bí thư Tô Lâm khởi đầu thời kỳ cầm quyền của mình thay vì một tuyên bố về quan điểm chính sách. Điều này lý giải cho một số ý kiến từ giới nghiên cứu và quan sát rằng không thấy đề cập về những nội hàm cần có trong ‘kỷ nguyên mới.’ Nó có thể coi như sự quyết tâm chính trị và lời kêu gọi chung, hướng tới các mục tiêu được phóng chiếu theo các mốc thời gian năm chẵn gắn với ngày ra đời của Đảng (1930) và thành lập Nước (1945) với những ‘khát vọng’ của các nhà sáng lập chế độ. Chẳng hạn, sẽ trở thành nước có thu nhập cao vào năm nào đó trong tương lai.
Cách mô tả kỷ nguyên mới là "vươn mình" sẽ tập trung về tăng trưởng kinh tế. Đây là chỉ tiêu tổng quát và dễ nhận biết, có thể lượng hóa và có thể đạt được bằng nhiều cách kể cả việc huy động nguồn lực tối đa trong thời gian ngắn và xem nhẹ tính hiệu quả, tính bền vững. Ông thủ tướng Chính phủ được Đảng phân nhiệm điều hành lĩnh vực kinh tế. Từ đầu nhiệm kỳ ĐH 13 người ta thấy ông ấy ‘năng nổ’ như ‘tư lệnh mặt trận’ và, cùng với thường trực Chính phủ trung ương tháo gỡ ‘khó khăn, vướng mắc’ cho các công trình giao thông trọng điểm, như dự án đường dây 500kV mạch 3 (từ Quảng Bình đến Hưng Yên), sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai… và thúc đẩy các dự án đầu tư công, đặc biệt ở nhiều địa phương tỉnh... Ông ấy kêu gọi hãy "cùng nhau xây dựng các công trình tầm cỡ đánh dấu sự vươn mình của đất nước" [5]…
Hiện tại, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam là ‘quyết tâm chính trị’ của Đảng, Bộ Chính trị, Ban chấp TƯ đã "nhất trí cao" và nay đưa ra kỳ họp 8, Quốc hội khóa 15 đã khai mạc ngày 21/10. Dự án này được Nhà nước tuyên truyền rầm rộ nhưng dây là dự án đang gây nhiều quan ngại, không chỉ về quy mô 70 tỷ đô-la Mỹ và đến năm 2035 mà chủ yếu về tính khả thi và tính hiệu quả. Mặc dù không gian mạng xã hội bị giới hạn nhưng đã có những ý kiến ‘phản biện’ mang tính xây dựng, chẳng hạn bài viết tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu trên Facebook nhận được nhiều bình luận ủng hộ. Ngoài ra, 17 nhà chuyên môn, kỹ sư giao thông đường sắt đã có thư góp ý về đề án ‘khủng’ này, sau tham dự một hội thảo "Lấy ý kiến về dự thảo Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam" vào ngày 7/11/2023 do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức, nhưng không được công khai… Phần nào các ý kiến này đã phản ánh niềm tin giảm sút về thực trạng những gì đang diễn ra đối với những dự án đường sắt : dang dở, kéo dài và đội vốn nhiều lần. Ngoài ra, đã có một tiền lệ là Quốc hội khóa 12 dưới thời cố Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đã ‘không thông qua’ đề xuất một dự án đường sắt Bắc – Nam vào năm 2010 [6]. Sau hơn 10 năm đề án mới ‘tham vọng’ hơn nhiều đang được thảo luận tại Quốc hội 15. Trong bối cảnh ‘thiếu vắng không gian phản biện và nhiều lãnh đạo ‘im lặng chờ thời’ liệu dự án này sẽ được thông qua ?
So sánh ‘hơn kém’ giữa nhiệm kỳ khác nhau dưới thời của các lãnh đạo khác nhau là điều cấm kỵ và, nếu có thể, sẽ là bí mật nội bộ Đảng. Tuy nhiên, sự cảm nhận của người dân và các nhà quan sát về thực trạng đất nước theo thời gian thực là một kênh quan trọng. ‘Kỷ nguyên mới’ được ngầm hiểu sự cam kết kế thừa nhưng sẽ làm tốt ‘hơn’ người tiền nhiệm. Sự khác biệt tạo ra sự hy vọng trong bối cảnh phức tạp hiện nay. Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Đảng ca ngợi là "nhà lý luận xuất sắc" [7], ông ấy từng muốn ‘lý luận’ trở thành một trong tiêu chuẩn cho cương vị tổng bí thư Đảng, nhưng đã không kịp ‘bồi dưỡng’ người kế nhiệm mình khi qua đời ở giữa nhiệm kỳ thứ ba cầm quyền. Giới nghiên cứu đã đặt vấn đề liệu di sản, được in thành sách theo các chủ đề như ‘mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam’, về chiến dịch ‘đốt lò’ hay ‘ngoại giao cây tre’…, nhưng vẫn ‘dở dang’ sẽ tiếp tục thực hiện thế nào ?
Gốc gác là viên tướng đầu ngành an ninh là cơ sở cho suy đoán rằng vị tân Tổng bí thư Đảng sẽ là người lãnh đạo ‘thực dụng’, ông Tô Lâm sẽ tiếp cận khác người tiền nhiệm đối với thực tế thay vì sa vào những vấn đề ‘lý luận’ mang tính thử nghiệm của học thuyết Mác, vận dụng cho mô hình Liên Xô trước đây và đã thất bại. Và hiện tại mô hình Trung Quốc đang thử nghiệm và Việt Nam học theo. Tạo sự khác biệt để thành công cần có sự thay đổi mạnh mẽ, trong đó hai vấn đề quan trọng. Thứ nhất, liệu ông ấy tránh được ‘chông gai’ (giáo điều) trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thế nào để xây dựng ‘kỷ nguyên mới’ ? Thứ hai, minh bạch và thể chế hóa mối quan hệ trong cơ chế "đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân là chủ" thế nào ?
Sự giáo điều chủ nghĩa xã hội ‘quá thái’ khiến nhiều cơ hội ‘vươn mình’ trong quá khứ bị bỏ lỡ, chuyển đổi kinh tế thị trường bị kìm hãm, siết chặt kiểm soát xã hội, cấm đoán quyền cơ bản của công dân được hiến định. Đức trị ‘quá thái’ khiến quan chức nhờn bỡn, luật pháp không nghiêm và bị lợi dụng, phân biệt đối xử giữa quan và dân… Hậu quả là động lực, nguồn lực vật chất và tinh thần đều không được phát huy. Ngoài ra, mối quan hệ ‘phức tạp’ giữa Đảng và Chính phủ dưới thời cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những nguyên nhân bất ổn chính trị, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là ‘một di sản nữa’ sẽ cũng là thách thức đối với người kế nhiệm.
Thừa nhận vấn đề là khởi đầu, nhưng lay chuyển ‘di sản’ để đổi mới là việc khó khăn. Tổng bí thư Tô Lâm kêu gọi "đổi mới phương thức lãnh đạo" của Đảng [8]. Thay vì ‘chờ’ tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương ban hành các nghị quyết hay ra quyết định, ông Tô Lâm đã cá nhân hóa một số vấn đế bằng các bài viết của mình. Mới đây, hôm 20/10 ông có bài viết "Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" [9] nhấn mạnh thượng tôn pháp luật tạo nên pháp luật. Và trước đó ông ấy viết về "Chống lãnh phí" [10] và v.v. Những bài viết này chứa đựng các thông điệp được ‘cá nhân hóa’ liệu có phản ánh sự khởi đầu cho "đổi mới phương thức lãnh đạo" của Đảng ?
Tổng bí thư Tô Lâm đang thể hiện là lãnh đạo ‘thực dụng’, trong bối cảnh duy trì đảng trị nhưng đã tỏ rõ sự cứng rắn, quyết đoán. Có ý kiến ông sẽ phải trở thành ‘độc đoán’ để cải cách và thúc đẩy hệ thống chính trị đang trì trệ và kém hiệu năng. "Kỷ nguyên mới" là mục đích và phương tiện là "phương thức lãnh đạo của Đảng" nhưng phải "đổi mới" – đây là việc quảng bá nhấn mạnh vào hành động thực tế nhưng không thể là triết lý lãnh đạo mới. Hãy tự an ủi : sau ‘độc đoán’ sẽ là ‘dân chủ’ như kiểu Hàn Quốc hay Đài Loan trước kia !
Huỳnh Trần
Nguồn : RFA, 21/10/2024
Tham khảo :
[2] https://hanoimoi.vn/khoi-to-bat-tam-giam-ong-le-thanh-van-671696.html;
[6] https://vnexpress.net/quoc-hoi-bac-du-an-duong-sat-cao-toc-2166401.html
Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện
Trọng Thành, RFI, 08/10/2024
Hôm 07/10/2024, trong ngày thứ hai của chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm và tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Quyết định nâng cấp quan hệ song phương được đưa ra trong chuyến thăm chính thức Pháp đầu tiên của nguyên thủ quốc gia Việt Nam từ 22 năm nay.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt tay chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm trong cuộc họp báo chung tại Điện Elysee, Paris, Pháp, ngày 07/10/2024. AFP – Terasa Suarez
Pháp trở thành nước thứ 8 và là nước đầu tiên của Liên Hiệp Châu Âu có quan hệ cấp Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam.
Tuyên bố chung của lãnh đạo hai bên nhấn mạnh trước hết đến việc "làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị trước những thách thức quốc tế", cụ thể là thúc đẩy quan hệ song phương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng bình đẳng, chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi bên.
Trong phần "hợp tác chính trị", hai bên cam kết "duy trì trao đổi và tiếp xúc cấp cao thông qua tất cả các kênh giữa chính quyền Pháp với Đảng Cộng Sản, chính phủ, Quốc hội và chính quyền địa phương Việt Nam".
Hợp tác an ninh - quốc phòng là một trụ cột của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Pháp. Hai bên cam kết sớm tổ chức "Đối thoại chiến lược an ninh - quốc phòng", "tạo động lực mới cho hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng thông qua nghiên cứu, đề xuất và triển khai các dự án mang tính cơ cấu". "Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho các tàu quân sự của Pháp cập cảng Việt Nam…., nhằm phát triển hợp tác và trao đổi chuyên môn giữa hải quân và lực lượng cảnh sát biển hai nước".
Về Biển Đông, vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền với khoảng 90% diện tích, Pháp và Việt Nam "phản đối mạnh mẽ mọi hình thức đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trái với luật pháp quốc tế", "tái khẳng định cam kết duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông", "tôn trọng đầy đủ Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật biển".
Hai bên cũng "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Ukraina, phù hợp với luật pháp quốc tế và trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc".
Trong cuộc họp báo chung với lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ca ngợi "thành công ngoạn mục của Việt Nam (về kinh tế) mang lại các cơ hội mới cho nhiều dự án chung trong các lĩnh vực hàng không, cơ sở hạ tầng, y tế, quốc phòng, nông nghiệp và năng lượng".
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, ngày hôm qua, trong buổi gặp chủ tịch Quốc hội Pháp, Yaël Braun-Pivet, tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm đã đề nghị Quốc hội Pháp sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên Âu (EVIPA), nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư của hai nước cũng như của Liên Âu.
Trọng Thành
*****************************
Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm thăm Pháp, bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ song phương
Chi Phương, RFI, 07/10/2024
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tại phủ tổng thống vào chiều nay, 07/10/2024. Hai bên ký kết một số thỏa thuận về giáo dục, an ninh và quốc phòng. Lãnh đạo Việt Nam bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ với Pháp lên một tầm cao mới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 07/10/2024. © RFI/Chiphuong
Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm được tiếp đón tại điện Élysée vào lúc 13 giờ 30, giờ địa phương. Trả lời trước báo giới, trong chuyến thăm đầu tiên tới Pháp với tư cách chủ tịch nước, tổng bí thư Tô Lâm khẳng định "Pháp luôn đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao của Việt Nam", và bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ giữa hai nước, hiện đang ở mức đối tác chiến lược. Các điều khoản cụ thể về khuôn khổ hợp tác sẽ được trao đổi vào chiều nay.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, trả lời báo giới, tại điện Élysée, ngayg 07/10/2024. © RFI
Về phần mình, tổng thống Pháp khẳng định rằng Việt Nam và Pháp đều "tuân thủ luật pháp quốc tế", khi phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng hay xung đột, dù là xảy ra ở Trung Đông, Ukraine hay Biển Đông. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác song phương, về quốc phòng, đặc biệt là trao đổi chuyên môn về hải quân và hải cảnh.
Nguyên thủ Pháp cũng nhấn mạnh đến việc hợp tác kinh tế giữa hai nước, nhất là thị trường 100 triệu dân, tạo ra những cơ hội mới, xây dựng các dự án chung trong lĩnh vực hàng không, quốc phòng và y tế. Trong lĩnh vực năng lượng, ông Macron cho biết từ nay đến cuối năm, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) sắp tới sẽ làm việc với tập đoàn điện lực Việt Nam để hiện đại hóa hệ thống điện.
Lãnh đạo của Vietjet Air ký hợp đồng cung cấp động cơ và bảo dưỡng động cơ với các đối tác Pháp tại điện Élysée, Paris, Pháp, ngày 07/10/2024. © RFI
Hai bên cũng thực hiện nghi thức ký kết các văn bản hợp tác về giác dục, và đặc biệt là hợp đồng về hàng không, với sự hiện diện của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, lãnh đạo của Vietjet Air, ký hợp đồng với các đối tác Pháp về cung cấp động cơ và bảo dưỡng động cơ cho 200 máy bay của công ty hàng không Việt Nam.
Sáng nay, lễ nghi đón tiếp chuyến thăm chính thức nước Pháp của chủ tịch nước Tô Lâm đã được tổ chức tại điện Invalides, dưới sự chủ trì của bộ trưởng Quân lực Pháp Sébastien Lecornu. Theo lịch trình, tổng thư đảng cộng sản, chủ tịch nước Việt Nam gặp chủ tịch Quốc hội Pháp, chủ tịch Thượng Viện và bí thư toàn quốc đảng cộng sản Pháp
Trả lời báo chí trong nước, đại sứ Việt Nam tại Pháp, Đinh Toàn Thắng, khẳng định hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để "tăng cường quan hệ". Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Olivier Brochet, trả lời RFI Việt Ngữ, cũng khẳng định rằng đây là dịp để hai bên thảo luận về quan hệ đối tác chiến lược từ 11 năm nay".
Pháp là đối tác thương mại Châu Âu thứ năm của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương 7 tháng đầu năm 2024, đạt gần 3 tỷ đô la.
Chi Phương
******************************
Macron-Tô Lâm hội đàm, hướng tới nâng cấp quan hệ Pháp-Việt
VOA, 07/10/2024
Tại Điện Élysée vào ngày 7/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiếp và hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, người nói trước báo giới rằng ông muốn nâng cấp quan hệ Pháp-Việt ‘lên tầm cao mới’, theo ghi nhận của VOA.
v
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. (Ảnh TTXVN)
Pháp hiện là một trong những nước Việt Nam có quan hệ ở mức ‘đối tác chiến lược’, thấp hơn một cấp so với mức ‘đối tác chiến lược toàn diện’ mà Hà Nội hiện đang có với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật và Úc.
‘Cần nâng cấp quan hệ’
Thông cáo của Phủ Tổng thống Pháp cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ hội đàm về các chủ đề quốc phòng và an ninh.
Tại buổi họp báo trước khi bước vào hội đàm, ông Macron nói rằng trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như hiện nay, Pháp và Việt Nam cùng theo đuổi kim chỉ nam chung là luật pháp quốc tế, cho dù đó là cuộc khủng hoảng ở Ukraine, khủng hoảng Trung Đông hay tranh chấp trên Biển Đông.
Về phần mình, ông Tô Lâm nói rằng Việt Nam quan ngại về tình hình Ukraine, Trung Đông cũng như Biển Đông và nói rằng Hà Nội sẵn sàng làm việc cùng với Paris để tìm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột này ở cấp độ khu vực cũng như quốc tế.
Ông Macron nói rằng trong lúc Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi năng lượng, kể từ giờ cho đến cuối năm, Cơ quan Phát triển Pháp sẽ phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam để hiện đại hóa lưới điện của nước này.
Về kinh tế, ông Macron đánh giá hai nước có cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như hàng không, cơ sở hạ tầng, nông nnghiệp và năng lượng. "Chúng tôi cũng muốn cùng nhau tăng cường năng lực sáng tạo bằng cách tạo ra sự liên kết giữa hai hệ sinh thái của chúng ta", ông Macron nói tại buổi họp báo.
Ông Tô Lâm cho rằng sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm trở thành đối tác chiến lược, quan hệ Việt-Pháp đã chứng kiến những bước tiến quan trọng trong nhiều lĩnh vực. "Nước Pháp luôn là lựa chọn ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam", ông nói.
Để đáp ứng nhu cầu mối quan hệ đang phát triển cũng như để phản ứng trước những thách thức khu vực và toàn cầu, ‘hơn lúc nào hết hai nước cần phải nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới’, ông Tô Lâm nói trước báo giới và cho biết ông cùng ông Macron sẽ bàn về vấn đề này tại cuộc hội đàm.
Các lĩnh vực mà hai nước sẽ tăng cường hợp tác, theo ông Lâm, sẽ là quốc phòng và an ninh, kinh tế, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường…
Ký kết hợp tác
Tại buổi họp báo, hai vị nguyên thủ cũng đã chứng kiến các văn kiện hợp tác giữa Bộ giáo dục hai nước và hợp đồng bảo dưỡng động cơ máy bay giữa VietJet Air của Việt Nam và các tập đoàn CFM, Safran của Pháp.
Trước khi đến Điện Élysée, ông Lâm đã được nước chủ nhà tổ chức lễ đón chính thức tại Điện Invalides, nơi tổ chức những nghi thức quan trọng của Nhà nước Pháp, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Quân lực Sébastien Lecornu, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.
Sau lễ đón, ông Lâm đã đến chào Chủ tịch Quốc hội Pháp, tức Hạ viện, bà Yael Braun-Pivet, tiếp Bí thư toàn quốc Đảng cộng sản Pháp Fabien Roussel, tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt Nguyễn Hải Nam.
Ngoài ra, theo lịch làm việc, ông Tô Lâm cũng hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher và đến thăm trụ sở UNESCO ở Paris.
Sau Paris, nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã đến thăm thành phố cảng Le Havre nằm trên bờ biển Manche, một trong những cửa ngõ quan trọng trong thương mại đường biển thế giới, và đã được Thị trưởng Edouard Philippe, vốn từng là thủ tướng Pháp, tiếp đón.
Ông Edouard Philippe, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội cảng biển quốc tế, hứa sẽ hỗ trợ kết nối cảng Việt Nam với hệ thống cảng thế giới, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.
Nhân dịp này, hai ông Lâm và Philippe đã nhấn mạnh Biển Đông là huyết mạch vận tải hàng hoá của thế giới và tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở vùng biển này, cũng theo hãng tin nhà nước Việt Nam.
Bên lề chuyến thăm, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) Philippe Orliange đã nói với Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Thắng rằng Pháp với kinh nghiệm phát triển đường sắt cao tốc sẽ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực này, Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết.
Nhân dịp đến thăm Pháp để dự hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã hội kiến Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.
Cũng giống như chuyến thăm Mỹ của nhà lãnh đạo Việt Nam hồi cuối tháng trước, có khoảng 100 người gốc Việt từ nhiều quốc gia ở Châu Âu như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan…đã đến Paris để biểu tình phản đối chuyến thăm của ông Tô Lâm, theo tìm hiểu của VOA. Tới tối ngày 7/10, phía Việt Nam chưa lên tiếng về các cuộc biểu tình này.
Nguồn : VOA, 07/10/2024
*****************************
Ông Tô Lâm thăm Mông Cổ : nhìn lại hành trình khác nhau của hai quốc gia
RFA, 07/10/2024
Hôm 1/10/2024, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm kết thúc chuyến thăm Mông Cổ, tiếp tục lên đường thăm Ireland và hiện thăm chính thức nước Pháp. Đây là chuyến công du dài ngày, diễn ra ngay sau một chuyến công du dài ngày khác vừa kết thúc của ông Tô Lâm tới Liên Hiệp quốc, Hoa Kỳ và Cuba từ 22 đến 27/9.
Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh đón Tổng bí thư - Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tại Thủ đô Ulaanbaatar ngày 30/9/2024 - Chính phủ Việt Nam
Mông Cổ là nước có vị trí địa chiến lược khá đặc biệt : nằm giữa sa mạc, bốn phía bị bao bao quanh bởi hai cường quốc độc tài lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Nga nhưng quốc gia nhỏ bé này đã có những bước đi dân chủ hóa một cách mạnh mẽ và quyết đoán.
Về mặt địa lý, Mông Cổ chỉ có hai láng giềng là Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, nước này đã xây dựng chương trình "đối tác láng giềng thứ ba" (the Strategic Third Neighbor Partnership) với Hoa Kỳ dù Hoa Kỳ ở phía bên kia địa cầu. Sự hợp tác này nhấn mạnh vào ba trụ cột : phát triển kinh tế, phát triển hệ thống dân chủ và phát triển hợp tác quân sự, an ninh.
Nhiều nhà quan sát đặt ra câu hỏi tại sao Mông Cổ lại là nước được lãnh đạo Việt Nam chọn thăm ngay sau khi thăm Hoa Kỳ, Cuba. Các nhà quan sát đưa ra nhiều giải thích về mặt địa chiến lược và hai con đường trái ngược của Việt Nam và Mông Cổ sau khi Liên Xổ sụp đổ.
Mông Cổ xích lại gần Hoa Kỳ quyết đoán hơn Việt Nam
Năm 2019, Mông Cổ nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên "đối tác chiến lược". Bốn năm sau, năm 2023, Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên hàng "đối tác chiến lược toàn diện", tức là cao hơn mối quan hệ Hoa Kỳ - Mông Cổ một bậc. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, mối quan hệ Mông Cổ - Hoa Kỳ mới thực sự "toàn diện" và đi sâu vào phát triển các vấn đề có tính "chiến lược" hơn mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Trao đổi với RFA, Giáo sư Carl Thayer ở Đại học UNSW Canberra điểm lại các bước đi của Mông Cổ đối với Hoa Kỳ và các đồng minh, so sánh với Việt Nam, và khẳng định rằng Mông Cổ đã nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này một cách quyết đoán hơn Việt Nam. Các nguồn lực của Mông Cổ không thể so sánh với Việt Nam : dân số chưa tới 3,5 triệu người, GDP chưa đầy 22 tỷ USD, không có biển, nằm giữa sa mạc và bị bao quanh bởi Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam có hơn 100 triệu dân, GDP gấp hai mươi lần Mông Cổ, giáp với Biển Đông và nằm ở trung tâm Đông Nam Á về mặt địa lý. Theo Giáo sư Carl Thayer, Mông Cổ "không có chính sách quốc phòng bốn không" như Việt Nam. Và quan trọng hơn, "quân đội Mông Cổ đã đến Afghanistan với Hoa Kỳ !"
Luật sư Vũ Đức Khanh, Giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Ottawa, Canada, đồng tình với nhận định của Giáo sư Carl Thayer và đồng thời cho rằng sự quyết đoán của Mông Cổ đã bắt đầu từ giai đoạn cuối cùng của Liên Xô chứ không phải đợi đến những năm gần đây.
Năm 1911, Trung Hoa Dân Quốc sau khi lật đổ nhà Mãn Thanh đã chiếm đóng Mông Cổ. Đến năm tháng 1 năm 1921, lực lượng Bạch Vệ Nga đã đẩy lùi quân Trung Quốc và giành quyền thống trị Mông Cổ. Đến tháng 6 cùng năm, lực lượng cộng sản Nga tiến vào Mông Cổ, đánh bại Bạch Vệ Nga và dựng lên chế độ xã hội chủ nghĩa ở Mông Cổ từ đó đến năm 1991. Điểm lại lịch sử hiện đại nói trên của Mông Cổ, Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng đó là bối cảnh dẫn đến sự khác biệt giữa Mông Cổ và Việt Nam khi Liên Xô bắt đầu sụp đổ. Ông nói tiếp :
"Tháng 12/1986, khi Đảng cộng sản Việt Nam tiến hành đại hội 6 để đổi mới, thì tháng 1 năm 1987, Hoa Kỳ thiết lập bang giao với Mông Cổ, đến tháng 6, họ thành lập đại sứ quán tại thủ đô Mông Cổ Ulaanbaatar. Tức là khi Liên Xô đã tan ra và Việt Nam biết là không thể bám vào Liên Xô thì Mông Cổ đã đi xa hơn Việt Nam rồi. Năm 1991 lại là một dịp đặc biệt khác. Trước khi Liên Xô sụp đổ vào tháng 12 thì Mông Cổ đã làm một cuộc cách mạng dân chủ một cách hòa bình, xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản ở Mông Cổ".
Với những bước đi như vậy, Luật sư Vũ Đức Khanh đồng tình với Giáo sư Carl Thayer rằng Mông Cổ đã có những bước đi quyết đoán hơn Việt Nam trong quan hệ với Mỹ. Theo Luật sư Khanh, Việt Nam chỉ loay hoay với chính sách đu dây, còn Mông Cổ dứt khoát hơn. Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng chúng ta có thể nhìn từ quán tính lịch sử. Trước khi Liên xô sụp đổ, Mông Cổ đã ngả về phía Mỹ và sau khi Liên Xô sụp đổ thì lập tức dân chủ hoá, còn Việt Nam lập tức tới Thành Đô bắt tay với Trung Quốc. Việt Nam bắt tay với Mỹ chậm 8 năm. Theo Luật sư Khanh, điều này có thể được giải thích từ quán tính lịch sử : một bên từng bị Trung Hoa thống trị trong đêm dài "ngàn năm Bắc thuộc", còn bên kia từng thống trị Trung Hoa trong suốt triều đại nhà Nguyên thế kỷ 13 và 14.
Việt Nam - Mông Cổ trong cạnh tranh Mỹ Trung
Trao đổi với RFA, Giáo sư Carl Thayer cho rằng sự cạnh tranh toàn cầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có nhiều chiều hướng, bao gồm cả việc quốc gia nào đưa ra mô hình phát triển tốt nhất. Chính quyền Biden lập luận rằng sự lựa chọn của các nước khác không phải là chọn phe mà là giữa chế độ chuyên quyền và dân chủ. Trong bối cảnh đó, Mông Cổ là một ví dụ về một quốc gia đã chuyển từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Mông Cổ cũng tìm cách duy trì nền độc lập của mình khỏi Trung Quốc và Nga bằng cách thúc đẩy chính sách "Láng giềng thứ ba" bằng cách thiết lập quan hệ với các quốc gia bên ngoài khu vực lân cận của mình. Hoa Kỳ đã trở thành đối tác chiến lược thứ năm của Mông Cổ vào năm 2019. Giáo sư Carl Thayer nhấn mạnh sự hỗ trợ của Hoa Kỳ được cung cấp để giải quyết nạn tham nhũng tràn lan và thúc đẩy quản trị tốt. Ngày nay, Mông Cổ là một trong hai mươi mốt quốc gia tham gia Quan hệ đối tác dân chủ của Hạ viện Hoa Kỳ. Ngoài ra, kể từ năm 2002, Mông Cổ cũng đã đóng góp hơn 18.000 nhân sự cho Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trên toàn thế giới. Từ năm 2003, Mông Cổ và Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (trước đây là Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ) đã đồng tổ chức Khaan Quest, một cuộc tập trận quân sự đa quốc gia nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực ở Đông Bắc Á.
Theo Giáo sư Carl Thayer, Mông Cổ đóng góp vào an ninh ở Châu Á bằng cách trở thành một ví dụ thành công về một quốc gia đã chuyển đổi thành công sang nền dân chủ với sự hỗ trợ từ bên ngoài. Mông Cổ từ đó cũng trở thành quốc gia đóng góp đáng kể cho các nỗ lực gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc.
Trong khi đó, cả Giáo sư Carl Thayer và Luật sư Vũ Đức Khanh đều chỉ ra sự khác biệt của Việt Nam so với Mông Cổ là Việt Nam kiên trì chính sách ngoại giao quốc phòng "bốn không". Ngoài ra, Mông Cổ nhấn mạnh cả ba trụ cột là kinh tế, phát triển hệ thống dân chủ và quân sự, an ninh với Hòa Kỳ. Trong khi đó, Việt Nam né tránh hợp tác với Hoa Kỳ về vấn đề phát huy dân chủ, nhân quyền, chỉ muốn hợp tác quốc phòng và kinh tế.
Nguồn : RFA, 07/10/2024