Mối quan hệ giữa Tổng bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường xấu đến mức nào ?
Trà My, Thoibao.de, 22/11/2024
Ảnh hưởng chính trị của cựu Thủ tướng Ba Dũng còn rất lớn đối với chính trường Việt Nam, cùng với bề dày kinh nghiệm gần 8 năm "nằm gai, nếm mật", để lội nước ngược dòng và cuối cùng đã thành công.
Tổng bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường tại buổi bàn giao công tác của Chủ tịch nước
Đây là lý do, trong bối cảnh, Tổng bí thư Tô Lâm được cho là đã và đang trong tình trạng bế tắc và nguy ngập. Giới quan sát tin tưởng rằng, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Ba Dũng, ông Tô Lâm sẽ hóa giải được tình thế, và dễ dàng vượt qua.
Sự mâu thuẫn của Tổng bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường đã trở thành tâm điểm trong cuộc chiến quyền lực hiện nay, mà nguồn gốc sâu xa được cho là do cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – một lãnh đạo được cho là có mối quan hệ rất thân thiết với Trung Quốc.
Việc ông Trọng đã ký kết 27 văn kiện bí mật với phía Trung Quốc, trong các chuyến thăm cấp nhà nước đến Bắc Kinh vào các năm 2015, và 2017 đã cho thấy điều đó. Ngoài ra, ông Trọng thường xuyên thăm Trung Quốc sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, được xem như một hình thức "báo cáo" kết quả với lãnh đạo Bắc Kinh.
Điều đó cho thấy, sự phụ thuộc của chính trị, cũng như mối quan hệ bất bình đẳng giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc. Từ đó đã tạo ra những lo ngại rằng, Việt Nam có thể ngả quá nhiều về phía Trung Quốc và chịu sự chi phối từ Trung Nam Hải.
Thậm chí, có nhiều bằng chứng cho thấy, Chủ tịch Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc đã tạo được ảnh hưởng trong quá trình lựa chọn nhân sự cấp cao của Việt Nam. Cụ thể, Trung Quốc được cho là đã sử dụng ông Lương Cường, để khống chế đối với Việt Nam trong quỹ đạo ảnh hưởng của mình.
Với tham vọng không hề giấu giếm của Trung Nam Hải cho thấy, tại Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam 14, sẽ diễn ra vào đầu năm 2026, tân Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam khả năng cao sẽ là Lương Cường, chứ không phải là Tô Lâm.
Không chỉ bởi vì, Đại tướng Lương Cường từng đóng vai trò Tổng cục trưởng Tổng Cục Chính trị của Quân đội. Đồng thời, ông Lương Cường đã tham gia 2 khóa đào tạo cán bộ lãnh đạo "chủ chốt" tại Trung Quốc. Đây là lý do, Đại tướng Lương Cường liên tiếp được đặc cách là "trường hợp đặc biệt", trong việc bổ nhiệm vào các vị trí Thường trực Ban Bí thư, cũng như chức vị Chủ tịch nước như đã thấy.
Theo Quy định 214/QĐTW, để lên được chiếc ghế Thường trực Ban Bí thư, cũng như chức vụ Chủ tịch nước, đòi hỏi nhân sự được lựa chọn cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên. Ông Cường chưa kinh qua làm lãnh đạo cấp bộ hay tỉnh, thành. Điều đó khiến cho công luận nghi ngờ có sự thao túng từ Trung Nam Hải.
Việc Thường trực Ban Bí thư Lương Cường bất ngờ sang thăm Trung Quốc, theo lời mời của ông Tập Cận Bình, trước khi Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu chuẩn thuận. Giữa lúc Tổng bí thư Tô Lâm đang thực hiện chuyến công du ngoại quốc hơn 2 tuần. Điều đó đã làm dấy lên những suy đoán về sự can thiệp của Trung Quốc trong việc lựa chọn lãnh đạo Việt Nam cho chức vị Chủ tịch nước.
Đây là lý do, dư luận xã hội đã hết sức lo ngại Chủ tịch nước Lương Cường sẽ đưa Việt Nam trở lại quỹ đạo của Trung Quốc, như dưới thời của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Những điều kể trên cho thấy rằng, sự mâu thuẫn giữa Tổng bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cương, là hệ quả của cuộc chiến quyền lực dai dẳng một mất, một còn không có hồi kết, giữa cố Tổng bí thư Trọng với cựu Thủ tướng Ba Dũng và các hậu duệ.
Đây là cuộc đấu tranh giành quyền lực hết sức phức tạp, với nhiều diễn biến và hệ quả trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Đồng thời sẽ còn nhiều ẩn số và diễn biến khó lường từ nay đến Đại hội Đảng 14.
Trà My
Nguồn : Thoibao.de, 22/11/2024
*************************
Sau đại hội võ lâm Chile là đại hội võ lâm Sài Gòn, 2 phe sẽ quyết sống mái ?
Thái Hà, Thoibao.de, 22/11/2024
Chuyến thăm Chile của Chủ tịch nước Lương Cường, từ ngày 9 đến ngày 12/11, bị bóng đen của một vụ scandal che phủ. Dư luận quan tâm đến vụ Thượng tá Lại Đắc Tuấn quấy rối tình dục, hơn là vai trò của tân nguyên thủ quốc gia trong chuyến thăm viếng này.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao Quyết định thăng cấp bậc hàm Đại tướng đối với Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh : Lâm Khánh - TTXVN
Chuyến đi Chile này có sự tham gia của những nhân vật rất quan trọng trong Bộ Quốc phòng, gồm : Đại tướng – Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang ; Trung tướng – cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quân đội Phạm Ngọc Hùng ; Trung tướng – tân Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Trần Công Chính. Ngoài ra, còn có sự tháp tùng của ông Trần Quốc Tỏ – Thượng tướng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an.
Như vậy, rất có thể, ông Lương Cường và ông Phan Văn Giang lợi dụng chuyến đi Chile, để tổ chức một "đại hội võ lâm", quy tụ quần hùng thuộc phe quân đội, và phản tướng của phe công an sang đầu quân.
Chuyến đi này không có Thượng tướng – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến, và Trung tướng – Tư lệnh Quân khu 1 Nguyễn Hồng Thái. Đây là 2 tướng gốc Hưng Yên, được xem là nguồn lực của Tô Lâm, trong Bộ Quốc phòng.
Hẳn phe Tô Lâm cũng nhận ra sự bất thường trên. Đằng sau chuyến công du này, rất có thể là những cuộc họp mang tính chất phe phái, để bàn tính về kế sách chia xẻ quyền lực trên vũ đài chính trị. Hiện nay, chỉ có phe quân đội mới có "thanh kiếm", cân bằng với "thanh kiếm" của phe công an.
Thế lực Hưng Yên đứng đầu là Tô Lâm, tuy nhiên, quân sư đằng sau được cho là ông Ba Dũng. Có thể, ông mới là người đưa ra những kế sách đem lại thắng lợi cho phe Hưng Yên. Có ý kiến cho rằng, dù đang ở đỉnh cao quyền lực, nhưng ông Tô Lâm vẫn rất nể ông Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Ba Dũng từng được ông Nguyễn Phú Trọng xem là đối thủ ngang tài ngang sức. Sau khi ông về hưu, chưa có ai có thể làm được như ông, để đấu tay đôi với Nguyễn Phú Trọng. Đó là lý do tại sao, dù Ba Dũng về hưu đã lâu, nhưng "minh chủ võ lâm" Tô Lâm lại xem ông là "đại ca".
Quả thật, ông Nguyễn Tấn Dũng được xem là cáo già chính trị. Với việc ông mượn ngày sinh nhật lần thứ 75 của mình, tổ chức hoành tráng để quy tụ quần hùng, cho thấy, ông đã nhìn thấu nước cờ của phe quân đội.
Phe quân đội mượn chuyến đi Chile tổ chức "đại hội võ lâm", thì ngay sau đó, Ba Dũng mượn sinh nhật để tổ chức một đại hội tương tự .
Nguồn tin nội bộ cho thoibao.de biết, trong "đại hội võ lâm" do Ba Dũng tổ chức tại tiệc sinh nhật lần thứ 75 của mình ở Sài Gòn, ông đề nghị, phải đưa Nguyễn Thanh Nghị vào Bộ Chính trị trước Đại hội 14. Có như vậy, đến kỳ Đại hội diễn ra vào đầu năm 2026, ông Nghị mới có đủ sức mạnh, để tranh giành miếng bánh quyền lực.
Cũng tại đại hội võ lâm này, ông Ba Dũng vừa hiến kế gỡ rối cho Tô Lâm, vừa khai thông bế tắc cho Nguyễn Thanh Nghị. Bởi hiện nay, cả người dân và đa số đảng viên đều biết, thế lực Tô Lâm là Công an + Hưng Yên. Việc đưa Nguyễn Thanh Nghị vào Bộ Chính trị, có nghĩa, phe công an đã mở rộng sang dân sự, và Hưng Yên cũng kết nạp thêm Cà Mau. Đôi bên cùng có lợi.
Như vậy là, sau "đại hội võ lâm" tại nhà ông Ba Dũng, thế trận trên chính trường chia làm 2 phe rõ rệt. Mỗi phe đều có những toan tính riêng. Tương lai, có khả năng 2 phe này sẽ xảy ra kịch chiến. Nếu điều này xảy ra, thì khi đó, dù Phạm Minh Chính yếu hơn Tô Lâm, nhưng lại tránh được trận đại chiến sinh tử.
Lương Cường và Phan Văn Giang vốn là đại kình địch trong Bộ Quốc phòng, nhưng nay, họ lại đứng cạnh nhau, thì rõ ràng, đấy là một thông điệp rất mạnh mẽ đối với Tô Lâm. Công an và quân đội đang phân cực rất rõ, tương lai sẽ có phim hay.
Thái Hà
Nguồn : Thoibao.de, 22/11/2024