Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tấn công Syria : Nhiệm vụ còn dang dở

Vụ tấn công Syria của liên minh ba nước Anh, Pháp, Mỹ tiếp tục gây chia rẽ làng báo Pháp số ra ngày 17/04/2018. Nếu như một số chuyên gia trong nước không kiệm lời chỉ trích chiến lược của tổng thống Pháp, bài xã luận của Le Monde cho rằng cả ba nước vẫn còn "Một nhiệm vụ cần phải hoàn thành tại Syria" sau chiến dịch quân sự ngày 14/04.

tancong1

Đường phố Douma, ảnh ngày 16/04/2018.Reuters

Đầu tiên hết bài xã luận cho rằng nếu như có những cụm từ mà tổng thống Mỹ Donald Trump cần gạch bỏ khỏi vốn từ vựng của ông, thì đó là "nhiệm vụ đã hoàn thành". Câu nói này gợi nhắc lại tuyên bố thiếu cẩn trọng của cựu tổng thống Mỹ George Bush đưa ra hồi tháng 05/2003 trong hồ sơ Iraq. Tuy nhiên, lưu ý Donald Trump về lịch sử Hoa Kỳ để rút kinh nghiệm, cũng như khuyên ông không nên ưỡn ngực tự hào gửi Twitt sau vụ tấn công quân sự vào Syria ngày 14/04 vừa qua, là những đòi hỏi quá mức đối với đương kim tổng thống Mỹ.

Nếu như nhiệm vụ tấn công quân sự ba mục tiêu của Syria trong ngày 14/04 vừa qua đã hoàn thành, thì vẫn còn một nhiệm vụ khác mà phương Tây cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để hoàn thành, đó là tái tạo lòng tin vào những tuyên bố của cộng đồng quốc tế.

Các nhóm đối lập với chế độ Damascus phàn nàn là vụ tấn công quân sự chỉ diễn ra ở quy mô rất hạn chế và rất muộn. Đúng vậy, cũng như đợt tấn công cách nay hơn một năm, lần này, hơn một trăm quả tên lửa bắn vào các mục tiêu ở Syria không làm thay đổi tương quan lực lượng trên thực địa. Tuy nhiên, theo xã luận của Le Monde, đợt phối hợp tấn công quân sự giữa Mỹ, Anh, Pháp cũng mang lại ba hệ quả tích cực.

Thứ nhất, trước việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học, nếu không có hành động gì, thì "tiếng nói của cộng đồng quốc tế" đòi chế độ Damascus phải tôn trọng các công ước quốc tế, coi như bị chôn vùi. Việc Mỹ, Anh từ chối tấn công năm 2013 đã làm thay đổi tương quan lực lượng tại Syria, sau khi Nga trực tiếp can thiệp. Do vậy, bằng bất cứ giá nào, không để cho Damascus vượt lằn ranh đỏ mà không bị trừng phạt.

Thứ hai, việc Mỹ, Anh, Pháp phối hợp tấn công Syria ngày 14/04, với sự ủng hộ của Liên Hiệp Châu Âu và NATO, có nghĩa là cả Thổ Nhĩ Kỳ, cho thấy là một phần của "cộng đồng quốc tế" vẫn còn tồn tại, bất chấp Nga liên tục dùng quyền phủ quyết trong hồ sơ Syria tại Hội Đồng Bảo An.

Cuối cùng, quân đội Syria tìm cách tái chiếm Idlib, hiện do quân nổi dậy kiểm soát và nơi đây có gần 2 triệu thường dân. Cần tấn công để răn đe chế độ không nên tái sử dụng vũ khí hóa học.

Le Monde kết luận, nhiệm vụ thực sự cần hoàn thành là tranh thủ hành động phối hợp quân sự ngày 14/04 để tạo ra một động lực ngoại giao nhằm đạt được ngừng bắn và bước khởi đầu tiến trình giải quyết chính trị hồ sơ Syria.

Ảnh hưởng bị mai một ?

Quan điểm này của Le Monde không được bà Caroline Galactéros, chủ tịch hội đồng cố vấn Geopragma chia sẻ trong bài viết đề tựa "Ảo ảnh cường quốc, thất bại ảnh hưởng", đăng trên mục ý kiến của Le Figaro. Bà lấy làm tiếc rằng hành động can thiệp thiếu chiến lược hiệu quả đã làm tổn hại đến uy tín ngoại giao của Pháp trên trường quốc tế.

Hoa Kỳ : Một thách thức khác dành cho Macron

Về phần mình, nhà báo Renaud Girard, cũng trên Le Figaro quan tâm đến việc "Tổng thống Macron đối mặt với thách thức Mỹ".

Nhà báo nhắc lại hôm Chủ Nhật 15/04/2018, trên đài truyền hình BFMTV, tổng thống Pháp vui mừng thông báo là đã thuyết phục được Hoa Kỳ không từ bỏ hồ sơ Syria, rút quân về nước. Hiện nay, khoảng 2000 lính đặc nhiệm Mỹ đang hoạt động ở phía bắc Syria. Nếu Mỹ rút, thì lực lượng nhỏ yếu của Pháp không thể ở lại một mình, trước nguy cơ nổi dậy của quân thánh chiến và đà tiến quân của Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurdistan.

Chỉ vài giờ sau phát biểu của tổng thống Pháp, Nhà Trắng đã ra thông báo nói ngược lại hoàn toàn. Theo phát ngôn viên Sarah Sanders, nhiệm vụ của lính Mỹ không thay đổi. Tổng thống Trump đã nói rõ là ông muốn đưa lính Mỹ về nước càng sớm càng tốt.

Nhà báo Renaud Girard nhận định, tính cách của Trump đối ngược hoàn toàn với George Bush. Ông không phải là một chính trị gia tân bảo thủ. Ông không nghĩ rằng Hoa Kỳ có trách nhiệm hay quyền lợi gì chống lại những tên bạo chúa, thiết lập nền dân chủ khắp nơi trên thế giới.

Nguyên thủ Mỹ cho rằng Trung Đông là một vùng phức tạp và bất ổn từ trong nội tại, ở đó, Mỹ phải hứng chịu thua thiệt. Donald Trump đã nói là người dân Trung Đông từ nay phải tự lo vận mệnh của mình. Chiến lược của Mỹ tại vùng này mang tính trừng phạt, trả thù : Đánh tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo vì đã dám bắt cóc, giết hại công dân Mỹ, trừng phạt chế độ Damascus vì đã sử dụng vũ khí hóa học, vi phạm các công ước quốc tế… Các việc đó đã làm, giờ đây là lúc đưa lính Mỹ về nước.

Do vậy, trong chuyến công du Hoa Kỳ ngày 23/04 sắp tới, tổng thống Emmanuel Macron ít có khả năng thuyết phục được Donald Trump trong hai hồ sơ : Syria và thỏa thuận khí hậu Paris.

Theo Renaud Girard, tổng thống Macron cần tập trung sức lực vào việc thuyết phục Hoa Kỳ thay đổi lập trường trong hồ sơ quan trọng chiến lược : Đó là thỏa thuận hạt nhân Iran. Không một nước nào có lợi ích gì khi để cho vùng Trung Đông lao vào cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.

Bắc Triều Tiên : Không sợ trừng phạt bằng thiếu cứu trợ nhân đạo

Về thời sự Đông Á, thông tín viên của Les Echos tại Tokyo cho biết Liên Hiệp Quốc lo sợ thiếu hụt nguồn tài chính để tài trợ cho các chương trình lương thực và y tế cho Bắc Triều Tiên.

Năm 2017, Liên Hiệp Quốc chỉ thu nhặt được chưa tới 30% số tiền ước tính là 111 triệu đô la cho các chương trình hỗ trợ nhân đạo tại Bắc Triều Tiên. Nguyên nhân là các nhà hảo tâm, các ngân hàng hay các nhà cung cấp trang thiết bị đều giảm nguồn hỗ trợ vì e sợ bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của quốc tế nhằm chống lại chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, hệ thống kinh tế quốc doanh của Bình Nhưỡng đã lỗi thời, an ninh lương thực bất ổn vì mùa màng thất bát do hạn hán nghiêm trọng, ngành xuất khẩu thủy hải sản và khoáng sản cũng bị lao đao do các lệnh trừng phạt. Theo ước tính các chuyên gia, trong hoàn cảnh này cùng với việc nguồn trợ cấp bị suy giảm, hơn 10 triệu dân Bắc Triều Tiên, tức chiếm khoảng 40% dân số đang cần đến "sự hỗ trợ nhân đạo" của cộng đồng quốc tế.

Nói tóm lại, như tựa đề bài viết, "Tại Bắc Triều Tiên : Người dân đang hứng chịu sụt giảm cứu trợ nhân đạo nhiều hơn là các biện pháp trừng phạt".

Bắc Kinh - Bình Nhưỡng hòa dịu : Sau ngoại giao là kinh tế

Cũng theo quan sát của thông tín viên Les Echos tại Tokyo, ngay sau khi quan hệ Bắc Kinh - Bình Nhưỡng đã được sưởi ấm, giao thương giữa hai nước cũng bắt đầu tái khởi động.

"Sau hòa dịu, công việc làm ăn lại khởi sắc cho Bình Nhưỡng", Les Echos đề tựa. Kể từ sau chuyến thăm Bắc Kinh đặc biệt của Kim Jong Un hồi cuối tháng Ba năm 2018, chính quyền Trung Quốc dường như đã chấp thuận giảm bớt một phần lệnh cấm vận quốc tế.

Nhật báo kinh tế trích dẫn nhiều nguồn tin khác nhau, nhất là từ nhật báo Hàn Quốc Daily NK, hay được giới chuyên gia tham khảo, cho biết dường như hơn một nghìn lao động Bắc Triều Tiên đã rục rịch quay trở lại làm việc tại các nhà xưởng của Trung Quốc, mà họ buộc phải rời khỏi vào cuối năm 2017.

Vào thời điểm đó, Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu các nước phải cho hồi hương toàn bộ số lao động Bắc Triều Tiên, mà một phần lớn lương của họ đã bị chế độ trưng thu một cách có hệ thống.

Nhật Bản : Shinzo Abe bị tai tiếng bủa vây

Tại Nhật Bản, "Shinzo Abe tứ bề thọ nạn" là nhận định của Le Figaro. Thủ tướng Nhật Bản hôm nay đến Wahsington trong trạng thái bị suy yếu vì các vụ tai tiếng.

Thủ tướng Nhật Bản đến Washington trong một tâm thế bất an trước một loạt các tiết lộ tai tiếng : giao dịch bất động sản, gây sức ép lên các quyết định của nhà nước có lợi cho người bạn cũ, tư vị, bị kiện vì chôn vùi cáo buộc quấy nhiễu tình dục, nói dối… Một cuộc biểu tình quy tụ hơn một chục nghìn người đã diễn ra trước toàn nhà Quốc hội tại Tokyo hôm thứ Bảy 14/04.

Theo Le Figaro, chưa có lúc nào uy tín của thủ tướng Nhật Bản, người đã đưa ra các chính sách cải cách kinh tế mang tên Abenomics đã được giới quan sát đánh giá cao, nay sụt giảm thê thảm, không chỉ trong dân chúng (31%) mà ngay cả trong chính nội bộ đảng chính trị của ông.

Giới chuyên gia đặt câu hỏi : Phải chăng thời của ông Shinzo Abe bắt đầu chấm dứt ? Về phần mình, Le Figaro hóm hỉnh nhận xét : "Ít ra giữa Donald Trump và Shinzo Abe còn có một chủ đề chung để nói chuyện : Làm thế nào điều hành đất nước trong cơn bão tai tiếng".

Minh Anh

Published in Quốc tế

Ngày 07/04/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump khiến cả thế giới ngạc nhiên khi ra lệnh bắn 59 tên lửa hành trình vào căn cứ không quân Shayrat tại Syria để đáp trả vụ tấn công hóa học do chính quyền Damas tiến hành nhắm vào thường dân ở Khan Cheikhoun. Theo trang Huffington Post (07/04/2017), chỉ một mũi tên bắn đi, tổng thống Mỹ đạt được bẩy mục tiêu, đồng thời một lần nữa chứng minh ông là người khó lường.

syria1

Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng trên chiếc Marine One, Washington, ngày 09/04/2017. REUTERS/Joshua Roberts

Cho đến giờ, đường lối đối ngoại của tổng thống Mỹ khá rõ ràng : hạn chế vai trò của Hoa Kỳ trong mọi hiệp định khác nhau, từ lĩnh vực thương mại đến quân sự, vì mục đích "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại". Ngày 30/03, ngoại trưởng Rex Tillerson, rồi đến đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, đều tuyên bố việc tổng thống Syria Bachar al-Assad ra đi không còn là "ưu tiên" đối với Mỹ.

Vậy mà mọi chuyện thay đổi trong vòng một tuần. Sau khi lên án vụ ấn công hóa học tại Syria như nhiều nguyên thủ khác, tổng thống Donald Trump dường như quyết định tăng tốc khi ra lệnh bắn 59 tên lửa vào lãnh thổ Syria. Ngoài hậu quả, hiện chưa chắc chắn, về phương diện địa chính trị thế giới, bước ngoặt này có thể phục vụ các lợi ích của tổng thống Mỹ, trên trường quốc tế cũng như các vấn đề chính trị nội bộ. Trang Huffington Post phân tích 7 điểm chính.

1. Donald Trump thể hiện vị trí tổng thống và muốn mọi người nhớ điều này

Đợt tấn công của Mỹ tại Syria đánh dấu quyết định đầu tiên về lập trường của Donald Trump, hoàn toàn độc lập với di sản chính trị mà cựu tổng thống Barack Obama để lại. Đối với tổng thống Mỹ đương nhiệm, vụ tấn công Syria cũng là cách thể hiện khác biệt với người tiền nhiệm.

Năm 2012, Barack Obama từng khẳng định việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria sẽ là "lằn ranh đỏ" không được vượt qua. Một lời tuyên bố gây xôn xao, cuối cùng lại tác động ngược lại tổng thống Mỹ thời đó. Vì sau vụ thảm sát Ghouta (Syria) năm 2013, Barack Obama đã chần chừ can thiệp quân sự, để cuối cùng rút lui và chấp nhận một bản thỏa thuận với Nga về việc phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria. Vậy là "lằn ranh đỏ" bị chế nhạo, trong đó có cả tướng Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh của Donald Trump.

Khi cho thực thi những lời đe dọa của mình chỉ trong vòng vài giờ, phải chăng Donald Trump (cuối cùng) cũng tìm cách thể hiện vai trò của người đứng đầu hành pháp ? "Bỗng nhiên, chúng ta tin vào lời nói của Trump. Đó là một đòn truyền thông bậc thầy", theo phân tích của Pierre Guerlain, giáo sư về văn minh Mỹ, với Hufington Post.

Tuy nhiên, chẳng có gì đảm bảo về tỉ lệ tín nhiệm của tổng thống Mỹ, cú đánh cược này sẽ phải trả giá, vì bị tổn thương do chiến tranh Irak, rồi đến Afghanistan, người dân Mỹ không hưởng ứng một cuộc tham chiến mới. Vì vậy, quyết định của Donald Trump có thể tác động đến tỉ lệ được lòng dân của ông, đang bị sụt giảm từ khi ông bắt đầu nhiệm kỳ.

2. Gây ấn tượng với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Iran

Như trùng hợp ngẫu nhiên, quyết định can thiệp của Mỹ được đưa ra đúng lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang công du Hoa Kỳ. Sự tính toán hoàn hảo cho phép Donald Trump chứng minh quyền lực trong mắt Trung Quốc mà ông chủ Nhà Trắng duy trì mối quan hệ tế nhị.

Đúng là cuộc gặp giữa hai nguyên thủ được đánh giá "rất khó khăn" với nhiều cuộc đàm phán nhạy cảm về thâm hụt thương mại và vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nhưng quyết định đầy ngạc nhiên của Donald Trump đã làm đảo lộn mọi vấn đề ưu tiên và gửi một tín hiệu đặc biệt mạnh mẽ đến châu Á : Tổng thống Mỹ "sẵn sàng đưa ra các biện pháp dứt khoát, khi cần thiết", như tuyên bố ngày 06/04 của ngoại trưởng Rex Tillerson.

Đây là thông điệp cần được chú ý tiếp nhận tại châu Á, vì chỉ vài ngày trước khi đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Mỹ đã lên tiếng cảnh cáo Bình Nhưỡng trong buổi trả lời phỏng vấn Financial Times : "Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, chúng ta sẽ làm".

Một nước khác có thể cũng đang chú ý theo dõi cuộc phản công của Mỹ là Iran. Quốc gia Trung Đông này duy trì mối quan hệ căng thẳng với chính quyền Trump. Điểm bất đồng chính giữa hai nước là thỏa thuận hạt nhân Iran được chính quyền Obama ký năm 2015 và thường xuyên bị chính phủ hiện nay chỉ trích.

Donald Trump từng trực tiếp đe dọa Iran sau khi nước này tiến hành thử tên lửa hành trình ngày 29/01. Vài ngày sau, tổng thống Trump viết trên Twitter : "Iran đang đùa với lửa. Họ đã không biết đánh giá lòng tử tế của tổng thống Obama với họ. Nhưng tôi thì không !". Khi tấn công Syria, thông điệp đưa ra rất rõ ràng : Donald Trump, càng khó đoán hơn bao giờ hết, không ngần ngại cho thi hành những lời đe dọa của mình.

3. Giữ khoảng cách với Nga

Khi bước vào Nhà Trắng, Donald Trump ngay lập tức nói thẳng : Quan hệ Mỹ-Nga phải tiến triển, thậm chí tổng thống Mỹ còn hy vọng "một mối quan hệ rất tốt đẹp" với đồng nhiệm Nga. Nhưng ý định rõ ràng này, cùng với những nghi ngờ về việc Nga can thiệp vào đợt tranh cử tổng thống Mỹ, cuối cùng lại tác động ngược đến tổng thống Donald Trump, người từng bị bà Hillary Clinton cáo buộc là "con rối" của Vladimir Putin.

Khi tấn công vào quốc gia được Moskva bảo trợ ở Trung Đông, Donald Trump có thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng của tổng thống Nga. Vladimir Putin coi sự can thiệp của Mỹ là "hành động xâm lược đối với một nhà nước có chủ quyền". Còn theo nhận định của giáo sư Pháp Pierre Guerlain, "với hành động mang tính biểu tượng này, Donald Trump muốn gột bỏ mọi nghi ngờ là con rối của Putin".

Liệu cuộc tấn công ngày 07/04 có đủ để làm dịu công luận và bịt miệng mọi nghi ngờ can thiệp hay không ? Chưa chắc, vì FBI đã mở một cuộc điều tra. Ngược lại, quyết định đánh vào Syria "giáng thêm một đòn đáng kể cho quan hệ Nga-Mỹ, hiện đang trong tình trạng xấu", như khẳng định trước báo giới của ông Dmitri Peskov, một trong số phát ngôn viên của tổng thống Putin.

4. Không cần đồng minh

Từ khi được bầu làm tổng thống, Donald Trump không ngừng cáo buộc NATO "lỗi thời" và chỉ làm hao tiền tốn của cho Hoa Kỳ. Ông cũng chỉ trích tổ chức quốc phòng này chưa hành động hết sức để chống khủng bố. Với đợt tấn công ngày 07/04, tổng thống Mỹ đơn phương hành động, trước một cộng đồng quốc tế khó khăn đưa ra phản ứng.

Trong bài diễn văn đọc từ tư dinh ở Mar-a-Lago, Florida, tổng thống Mỹ phát biểu : "Trong nhiều năm, mọi ý định nhằm làm thay đổi thái độ của tổng thống Syria al-Assad đều thất bại và thật sự thất bại thảm hại. Hậu quả là cuộc khủng hoảng di dân càng thêm nghiêm trọng và tình hình khu vực tiếp tục trở nên bất ổn, đe dọa đến Hoa Kỳ và các đồng minh. Tối nay, tôi kêu gọi các quốc gia văn minh tham gia với chúng tôi để tìm cách chấm dứt cuộc thảm sát và bể máu tại Syria, cũng như chấm dứt mọi phương tiện, mọi hình thức khủng bố".

Khi đột nhiên và tạm thời lấy lại vị trí đứng đầu một cộng đồng quốc tế còn đang lưỡng lự, dường như Hoa Kỳ quyết định làm gương, đồng thời vừa tái khẳng định khả năng dấn thân vào một cuộc phản công đơn phương, cả về mặt quân sự lẫn ngoại giao.  

Vả lại, đợt tấn công của Mỹ cũng không bị tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lên tiếng cáo buộc. Trong một thông cáo, không tỏ ra vui mừng cũng không tố cáo sự đổi hướng bất ngờ của tổng thống Mỹ, ông Jens Stoltenberg chỉ tuyên bố NATO ủng hộ "mọi nỗ lực quốc tế trong mục đích mang lại hòa bình và giải pháp chính trị tại Syria".

5. Làm hài lòng ngành công nghiệp vũ khí Mỹ

Hoa Kỳ luôn là nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới và chiếm 33% thị trường, vượt qua cả Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, dù chiếm vị trí nổi trội và ngân sách khổng lồ (582,7 tỉ đô la cho năm 2017) dành cho quốc phòng, thì việc rút quân khỏi Trung Đông và các khoản cắt giảm từ thời chính quyền Obama cũng làm nguội lạnh phần nào tham vọng của các nhà công nghiệp. 

Khi lên nắm quyền, ông Donald Trump chủ trương đặt an ninh quốc gia là một trong những ưu tiên của mình và đã ngáng chân người tiền nhiệm khi tuyên bố ủng hộ đánh giá lại ngân sách quốc phòng. Ngày 27/02, tổng thống Mỹ đã đề xuất "một khoản tăng lịch sử" cho quốc phòng năm 2018 để "kiến thiết lại" quân đội và để đối phó với các mối đe dọa của một thế giới "nguy hiểm". Mục tiêu là đạt đến 603 tỉ đô la vào năm 2018. Ngay lập tức, thông báo trên đã khiến cổ phần của các công ty có hợp đồng với Lầu Năm Góc tăng lên. Nhưng với thượng nghị sĩ Cộng Hòa John McCain, kiêm chủ tịch Ủy ban Quân sự tại Thượng Viện, khoản tăng đó vẫn chưa đủ và ông yêu cầu phải tăng thành 640 tỉ đô la cho năm 2018.

Khi ra lệnh bắn 59 tên lửa Tomahawk, mỗi tên lửa trị giá 832.000 đô la, tổng thống Mỹ gửi tín hiệu tích cực mới đến một trong số các tập đoàn công nghiệp có thế lực của Mỹ, như nhận định của chính trị gia cực hữu Pháp Marion Maréchal Le Pen. Và dù trận oanh kích vào Syria hẳn là lựa chọn "được cân nhắc" nhất và (hiện tại) không kéo Hoa Kỳ về lâu dài vào cuộc chiến tại Syria, thì quyết định trên cũng được hiểu là lời hứa một tương lai xán lạn cho ngành công nghiệp vũ khí.

6. Làm hòa với các "lão thành" đảng Cộng Hòa

Giữa Donald Trump và các thành viên đảng Cộng Hòa là một câu chuyện phức tạp. Một số nghị sĩ (Cộng Hòa cũng như Dân Chủ) cáo buộc quyết định tấn công của Mỹ là một hành động vi hiến. Nhưng với những người chủ chốt trong đảng Cộng Hòa, đây lại là thời điểm cho tập hợp, trong đó có cả những người đã chỉ trích quyết định giảm ngân sách cho quốc tế để tăng chi phí quốc phòng.

Trong số họ, cựu ứng viên tổng thống năm 2008 John McCain và thượng nghị sĩ Lindsey Graham đều hoan nghênh quan điểm chống chế độ Bachar al-Assad và hành động nhanh chóng của Nhà Trắng. Trong một thông cáo chung, hai chính trị gia Cộng Hòa viết : "Ngược với chính quyền trước, tổng thống Donald Trump đã đối mặt với một thời điểm bản lề tại Syria và đã chọn hành động. Vì thế, ông xứng đáng với sự ủng hộ của dân tộc Mỹ".

Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người từng đánh giá đề xuất ngân sách của tổng thống Trump là "thảm họa", cũng có cùng nhận định : "Tối nay, cuộc tấn công chống chế độ Assad sẽ làm giảm bớt, chúng ta hy vọng như vậy, khả năng gây ra những hành động tàn bạo nhắm vào người vô tội của chế độ này".

Paul Ryan, chủ tịch phe Cộng Hòa tại Hạ Viện và có lẽ là người chỉ trích tổng thống Trump nhiều nhất trong đảng, cũng đã đánh giá hành động tại Syria là "phù hợp và đúng đắn… Cuộc tấn công sách lược này chứng minh rằng chế độ Assad, từ giờ trở đi, đừng trông chờ vào việc Mỹ không hành động trước những tội ác của chế độ Damas đối với người dân Syria".

7. Đánh lạc hướng dư luận trong nước

Giữa cuộc tuần hành của Phụ nữ, sắc lệnh về nhập cư bị phản đối và thất bại đau đớn trong cải cách luật bảo hiểm Obamacare, những tháng cầm quyền đầu tiên của tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng chưa biết đến thành công trong chính sách đối nội. Hầu như các cải cách mà ông cố tiến hành đều không đạt thành công và khiến ông suy yếu đi.

Và để làm quên đi những thất bại của mình, còn gì tốt hơn là chuyển hướng sang điều gì đó có quy mô hơn ? Bằng cách tấn công Syria và làm mếch lòng Nga, Donald Trump chắc chắn đã đẩy được sự chú ý của thế giới, của các phương tiện truyền thông và người dân Mỹ, đến nơi mà ông muốn : nơi nào đó tách xa hẳn những vấn đề liên quan đến việc quản lý nội tình nước Mỹ.

"Bài trắc nghiệm thật sự đối với ông Trump là chuyện xảy ra sau này"

Khi chọn tấn công có chủ ý nhắm vào một căn cứ không quân Syria, ông Donald Trump muốn gửi một thông điệp đến tổng thống Syria Bachar al-Assad, mà vẫn không thay đổi căn bản sự can thiệp của Mỹ vào Syria, như nhận định của cố vấn an ninh quốc gia Herbert Raymond McMaster, được tờ Washington Post trích dẫn.

Thế nhưng, hành động bất ngờ trên lại làm dấy lên hàng loạt câu hỏi về trật tự địa chính trị. Ông Antony Blinken, thứ trưởng ngoại giao Mỹ dưới thời chính quyền Obama, khi trả lời phỏng vấn New York Times, cho rằng bài trắc nghiệm thật sự đối với tổng thống Donald Trump bắt đầu từ bây giờ.

Vì quyết định bất ngờ của chủ nhân Nhà Trắng có thể đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ Nga-Mỹ, cùng đang dấn thân vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và trong bối cảnh ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dự kiến đến Moskva ngày 12/04. Và Washington có nguy cơ phải chấp nhận trò chơi người giữ thăng bằng : một bên là cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Syria, hoàn toàn nằm dưới sự bảo trợ của Moskva ; bên kia là khả năng chỉ trích, thậm chí là trừng phạt, như hiện đang làm, các quyết định gây tranh cãi của Bachar al-Assad. Để làm được"tất cả chuyện này sẽ cần một điều gì đó mà chính quyền tỏ ra ít quan tâm : đó là nền dân chủ thông minh", như cựu thứ trưởng ngoại giao Antony Blinken nhấn mạnh.

Nguồn : RFI tiếng Việt, 10/04/2017

Published in Quốc tế