Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Biển Đông : Bắc Kinh đáp trả công hàm Anh-Đức-Pháp bác bỏ yêu sách của Trung Quốc

Trọng Nghĩa, RFI, 21/09/2020

Hai hôm sau khi ba cường quốc Châu Âu là Anh, Đức và Pháp gởi chung một công hàm đến Liên Hiệp Quốc bác bỏ các yêu sách chủ quyền trên biển của Bắc Kinh tại Biển Đông, ngày 18/09/2020, Trung Quốc đã phản pháo bằng một công hàm khác, cũng gởi đến Liên Hiệp Quốc, nội dung phủ nhận lập luận của ba nước Châu Âu.

dao1

Bản đồ Biển Đông / avsnonline

Trong công hàm mang ký hiệu CML/63/2020, Trung Quốc trước hết đã bác bỏ quan điểm dựa trên Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982 mà Anh, Đức và Pháp đã dùng làm cơ sở để phủ nhận các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trong điểm 1 của công hàm, sau khi tuyên bố chống lại "việc sử dụng UNCLOS là vũ khí chính trị để tấn công các nước khác", Trung Quốc khẳng định rằng "UNCLOS không bao trùm mọi vấn đề trên biển", trích dẫn điều khoản 8 trong Lời Nói Đầu của UNCLOS ghi nhận rằng : "các vấn đề không quy định trong Công Ước sẽ tiếp tục được điều chỉnh bằng các quy tắc và nguyên tắc của pháp luật quốc tế chung".

Đây là một lập luận phản bác lại công hàm chung của Anh, Đức và Pháp vốn đã nhấn mạnh tính chất toàn cầu và nhất quán của UNCLOS.

Điểm 2 của công hàm Trung Quốc tiếp tục cho rằng : "Chủ quyền lãnh thổ và các quyền lợi về biển của Trung Quốc tại Biển Đông đã được xác lập trong quá trình lịch sử lâu dài và luôn luôn được các chính quyền Trung Quốc liên tiếp duy trì".

Sau khi khẳng định là các quyền này "phù hợp với luật quốc tế, trong đó có Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và UNCLOS", Bắc Kinh đồng thời phủ nhận giá trị của phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye vốn cho rằng các yêu sách chủ quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông không có cơ sở pháp lý.

Điểm này cũng nhằm phản bác lập trường chung của ba nước Châu Âu, đã bác bỏ các yêu sách dựa trên lịch sử của Trung Quốc và nhấn mạnh nhu cầu tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực.

Với công hàm ngày 18/09/2020, Trung Quốc một lần nữa lại biện minh cho các đòi hỏi chủ quyền đã bị hầu hết các nước đánh giá là không hợp pháp. Chỉ riêng tại Liên Hiệp Quốc, trong số 15 công hàm về Biển Đông của các nước khác – từ Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, cho đến Mỹ, Úc rồi Anh, Đức và Pháp – hầu như tất cả đều ủng hộ phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 21/09/2020

*********************

Cuộc chiến công hàm : Biển Đông không còn là vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc

Hoàng Sa, RFA, 17/09/2020

Ngày 16/9/2020, Anh, Pháp, Đức cùng lúc gửi công hàm riêng nhưng thể hiện quan điểm chung về vấn đề Biển Đông lên Liên hợp quốc, trong đó có các nội dung :

bd1

Hình chụp vệ tinh cho thấy các tàu Trung Quốc đang nạo vết ở Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa hôm 21/5/2015 -Reuters

- Nhắc lại tính bao quát và thống nhất của UNCLOS trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động trên các biển và đại dương.

- Nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự do biển cả không bị cản trở đã nêu rõ trong UNCLOS, bao gồm tự do hàng hải, hàng không và qua lại vô hại, trong đó có Biển Đông.

- Nhấn mạnh các điều kiện cụ thể và đầy đủ về việc áp dụng đường cơ sở thẳng, đường cơ sở quần đảo được nêu rõ tại Phần II và Phần IV của UNCLOS. Do đó, không hề có cơ sở pháp lý nào để các quốc gia có thể coi các thực thể trên biển hoặc quần đảo là một thể thống nhất mà không dựa vào các điều khoản liên quan tại Phần II của UNCLOS hoặc sử dụng các điều khoản tại Phần IV chỉ áp dụng với các quốc gia quần đảo.

- Nhấn mạnh rằng các "quyền lịch sử : ở Biển Đông không tuân theo luật pháp quốc tế, UNCLOS, và nhắc lại rằng Phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016 đã chứng minh điều này.

- Các tranh chấp tại Biển Đông cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc và quy định của UNCLOS.

- Anh, Pháp, Đức giữ lập trường trung tập đối với các tranh chấp tại Biển Đông.

- Công hàm này thể hiện lập trường pháp lý từ lâu của Anh, Pháp, Đức.

- Với tư cách là các quốc gia thành viên của UNCLOS, Pháp, Đức và Anh sẽ tiếp tục thực thi các quyền tự do và quyền khác của mình theo UNCLOS và đóng góp vào việc thúc đẩy hợp tác tại khu vực như đã ghi rõ tại Công ước.

Bắt đầu từ việc Malaysia đệ trình Báo cáo về thềm lục địa của họ đối với Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (Viết tắt tiếng Anh là CLCS) trên khu vực Bắc Biển Đông vào ngày 12/12/2019/ Ngay trong ngày hôm đó, Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối đệ trình này của Malaysia. Sau đó, lần lượt Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia cùng gửi công hàm phản đối các lập luận của Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc cũng gửi công hàm đáp trả các quốc gia này và khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Ngày 1/6/2020, Hoa Kỳ cũng gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc, qua đó chỉ trích và phản đối các yêu sách đi ngược lại với luật quốc tế và Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS). Ngày 23/7/2020, Australia cũng gửi một công hàm phản đối các luận điệu sai trái của Trung Quốc về chủ quyền của họ trên biển Đông.

Ngoài ra, ngày 13/7/2020, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã ban hành một Bản Tuyên bố về lập trường của Hoa Kỳ đối với các yêu sách trên biển Đông, trong đó tập trung chỉ trích các yêu sách phi lý và trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng đã đưa ra danh sách 24 doanh nghiệp Trung Quốc bị trừng phạt do liên quan đến hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo trên biển Đông.

Ngày 3/9/2020, Vương Quốc Anh cũng cho ra một bản tuyên bố về các vấn đề pháp lý phát sinh trong vấn đề biển Đông, trong đó cũng tập trung chỉ trích Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS và Phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề biển Đông.

Ý nghĩa của công hàm nhóm ba nước Châu Âu

Với việc cùng lúc 3 quốc gia Châu Âu cùng lên tiếng về vấn đề này, thể hiện các ý nghĩa sau :

- Vấn đề biển Đông đã không chỉ đơn thuần là vấn đề giữa ASEAN với Trung Quốc mà còn là mối quan tâm của hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới, bởi vì tầm quan trọng của biển Đông đối với an ninh và sự phát triển trên phạm vi toàn thế giới. Việc Hoa Kỳ, Australia và Anh, Pháp, Đức cùng gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để tỏ thái độ là minh chứng rõ ràng cho điều đó.

bd2

Công trình do Trung Quốc xây dựng trên Đá Subi ở Trường Sa Reuters

- Nội dung các công hàm của tất cả các quốc gia kể trên gửi tới Liên Hợp Quốc đều có chung một số nội dung, bao gồm :

i) Thứ nhất, chỉ trích và lên án các yêu sách phi lý của Trung Quốc, trong đó có "đường lưỡi bò" đi ngược lại với luật pháp quốc tế và UNCLOS ;

ii) Thứ hai, khẳng định UNCLOS là văn bản pháp lý quan trọng, đóng vai trò nền tảng để giải quyết các vấn đề liên quan đến biển và đại dương. Các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đều là thành viên của UNCLOS, cho nên phải có nghĩa vụ tuân thủ UNCLOS ;

iii) Khẳng định Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 là một phần quan trọng của luật pháp quốc tế và UNCLOS, cho nên, Trung Quốc cần phải tôn trọng Phán quyết này ;

iv) Các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi lấp trên biển Đông không làm thay đổi bản chất thật sự của nó là các "bãi lúc nổi lúc chìm" hoặc "đá", chứ không phải là "đảo" để có thể có các vùng biển kèm theo như Trung Quốc thường rêu rao. Điều này cho thấy bản chất phi lý trong các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông, cho dù Trung Quốc muốn lấp liếm sự thật.

- Các công hàm này đều là các văn bản chính thức được gửi lên Liên Hợp Quốc và tất cả các thành viên, cho nên mang tính pháp lý cao nhất và rõ ràng nhất. Trung Quốc khó mà biện giải cho các sự phản đối này.

- Trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc đang nối lại các cuộc đàm phán về nội dung của Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) vào tháng 11 sắp tới. Các bản công hàm mang tính pháp lý mạnh mẽ này sẽ giúp cho ASEAN và Việt Nam - nước Chủ tịch ASEAN năm nay, có thể vận dụng trong việc yêu cầu các bên tham gia tuân thủ UNCLOS và Phán quyết năm 2016 như một phần của luật biển quốc tế. Từ đó có thể cho ra đời một COC mang tính ràng buộc pháp lý, hiệu quả và thực tiễn trong việc ngăn ngừa việc nguy cơ xung đột gia tăng trên khu vực biển Đông.

Hoàng Sa

Nguồn : RFA, 17/09/2020

**********************

Biển Đông : Pháp, Đức, Anh cùng gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc

Trọng Nghĩa, RFI, 17/09/2020

Theo trang mạng của Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa của Liên Hiệp Quốc (Commission on the Limits of the Continental Shelf - CLCS), Pháp, Đức và Vương Quốc Anh vừa đệ trình một công hàm chung gởi Liên Hợp Quốc, bác bỏ các yêu sách rộng khắp của Trung Quốc tại Biển Đông.

bd3

Một bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông nằm bên bờ tây Philippines. Ảnh chụp ngày 11/05/2015.  Reuters/Ritchie B. Tongo / Pool

Trong công hàm đề ngày 16/09/2020, ba quốc gia Châu Âu xác định rằng "các quyền lịch sử" đối với vùng biển ở Biển Đông "không tuân thủ" luật pháp quốc tế và các quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Các nước viện dẫn phán quyết trọng tài năm 2016 mà Philippines giành được chống lại Trung Quốc.

Công hàm cũng ghi rõ : "Pháp, Đức và Vương Quốc Anh nhấn mạnh rằng các tuyên bố chủ quyền dựa trên việc thực thi "quyền lịch sử" trên vùng Biển Đông không tuân thủ luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS". Công hàm nhắc lại rằng phán quyết trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, đề ngày 12/07/2016, xác nhận rõ ràng điểm này.

Khẳng định trở lại lập trường pháp lý của mình với tư cách là các quốc gia thành viên của UNCLOS, ba nước Pháp, Đức và Anh cũng cho rằng tất cả các yêu sách trên biển ở Biển Đông "cần được đưa ra và giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc và quy tắc của UNCLOS, cũng như các phương thức và thủ tục để giải quyết tranh chấp được quy định trong Công Ước". 

Công hàm của Pháp, Đức và Anh đã được đệ trình để đáp lại quan điểm mà Trung Quốc đã đưa ra để biện minh cho các yêu sách chủ quyền biển của họ ở Biển Đông trong các công hàm trước đó, cũng như bức thư của Trung Quốc về việc Malaysia gởi đệ trình vào tháng 12/2019 lên Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa của Liên Hiệp Quốc.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 17/09/2020

***********************

Anh, Pháp, Đức gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

RFA, 17/09/2020

Bộ Ngoại giao các nước Anh, Pháp, Đức (còn gọi là nhóm E 3) hôm 16/9 đã chính thức gửi công hàm  lên Liên Hợp Quốc (UN), phản đối yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời khẳng định tự do hàng hải và hàng không qua khu vực này.

bd4

Tàu chiến của Hải quân Mỹ và Hải quân Hoàng gia Úc ở Biển Đông hôm 18/4/2020 - Reuters

Đây là công hàm mới nhất gửi lên UN phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông sau một loạt các công hàm tương tự được gửi đi từ các nước Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Hoa Kỳ, Australia, được bắt đầu từ công hàm của Malaysia gửi UN hồi tháng 12 năm 2019 để đăng ký phần thềm lục địa mở rộng ở khu vực phía Bắc Biển Đông.

Trong công hàm mới, nhóm E 3 khẳng định việc các quốc gia tuân thủ Công ước về luật biển của UN (UNCLOS), bác bỏ yêu sách đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc áp dụng đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Nhóm E3 cũng nhấn mạnh "các đòi hỏi (về chủ quyền) liên quan đến quyền lịch sử ở Biển Đông là không đúng với luật quốc tế và các điều khoản của UNCLOS", đồng thời khẳng định điều này trong phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế đưa ra hồi năm 2016 bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên biển.

Anh, Pháp, Đức, trong công hàm này, cũng bày tỏ mong muốn các bên có yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông nên tìm giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp trong khu vực theo quy định của UNCLOS.

Nhóm E3 khẳng định rằng mặc dù nhóm nêu lập trường về Biển Đông nhưng không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp về chủ quyền trong vùng nước tranh chấp này.

Hồi tháng 8 năm 2019, nhóm 3 nước cũng đưa ra một tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông, đồng thời kêu gọi Trung Quốc và ASEAN sớm đạt được một Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, hợp tác và dựa trên luật pháp.

Trung Quốc hiện là nước đòi hỏi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò. Các nước khác cũng có những đòi hỏi về chủ quyền ở đây bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Nguồn : RFA tiếng Việt, 17/09/2020

Published in Diễn đàn

Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu cảnh báo về quân sự hóa Biển Đông (RFI, 05/08/2019)

Tai Hà Nội hôm nay, 05/08/2019, Đại diện cao cấp về ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Federica Mogherini cảnh báo là việc Trung Quốc "quân sự hóa" Biển Đông đang đe dọa hòa bình tại vùng biển tranh chấp này. Trung Quốc đã bị tố cáo triển khai nhiều chiến hạm, đặt nhiều vũ khí trên các đảo mà họ bồi đắp, tấn công các tàu cá, đặc biệt là của Việt Nam, ở vùng Biển Đông.

chau1

Đại diện cấp cao về ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Federica Mogherini và ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tại Hà Nội, ngày 05/08/2019. Reuters/Kham

Bà Mogherini thăm theo lời mời của ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với ông Phạm Bình Minh hôm nay, bà Federica Mogherini cho biết là Liên Hiệp Châu Âu rất quan ngại trước tình hình căng thẳng tại Biển Đông, cho rằng đó không phải là những yếu tố thuận lợi cho môi trường hòa bình, ổn định tại khu vực.

Căng thẳng giữa Việt Nam với Trung Quốc đã gia tăng, sau khi Bắc Kinh vào đầu tháng 7 vừa qua đưa tàu khảo sát với nhiều tàu hộ tống vào khu vực bãi Tư Chính, gần quần đảo Trường Sa, tức là nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Hà Nội đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút các tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, nhưng các tàu này cho tới nay dường như vẫn còn trong khu vực bãi Tư Chính.

Theo báo chí trong nước, trong bản thông cáo chung, được công bố hôm nay, Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu cho biết đã hoàn tất việc đàm phán Hiệp định về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của Liên Hiệp Châu Âu (Hiệp định FPA). Hai bên đang "hoàn thiện các thủ tục nội bộ dẫn tới việc ký kết, phê chuẩn và thực hiện đầy đủ Hiệp định trên".

Thanh Phương

******************

EU chỉ trích Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông (RFA, 05/08/2019)

Hoạt động quân sự hóa Biển Đông đang đe dọa hòa bình tại khu vực có tranh chấp giữa các bên.

chau2

Trung Quốc đưa tiêm kích Su-35 ra Biển Đông - AFP

Đây là phát biểu của Phó Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Federica Mogherini, nhân chuyến thăm đến Hà Nội vào ngày 5 tháng 8. Hãng AFP loan tin cho biết bà Federica Mogherini nói rõ Liên Minh Châu Âu quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng tại khu vực Bỉển Đông.

Cũng theo nguyên văn lời của bà Federica Mogherini thì hoạt động quân sự hóa chắc chắn không dẫn đến một môi trường hòa bình.

Bà này nhắc lại ủng hộ của quyền tự do đi lại, tự do hàng không trên biển và ủng hộ tiến trình hoàn tất đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông (COC) và tôn trọng Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982.

Trong cùng ngày, theo truyền thông trong nước, Bà Federica Mogherini bày tỏ vui mừng lần đầu đến thăm Việt Nam tại cuộc hội đàm với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh về chính sách đối ngoại và an ninh. Tại đây, bà Federica Mogherini khẳng định EU coi Việt Nam là đối tác hàng đầu tại khu vực và EU đang triển khai nhiều chính sách và biện pháp cụ thể để phát triển sâu rộng hơn các mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Theo tin từ báo Tuổi Trẻ, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao hỗ trợ của EU và các nước thành viên EU dành cho Việt Nam. Nhân dịp này, ông Phạm Bình Minh đề nghị phía EU tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam để tăng cường lực thể chế, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững.

Theo thông cáo chung do phía EU công bố trong ngày 5/8/2019, EU và Việt Nam hoan nghênh việc kết thúc đàm phán Hiệp định về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (Hiệp định FPA).

Published in Quốc tế