Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mỹ chuẩn bị "trừng phạt" các công ty gian lận tại Việt Nam

Hoàng Trung, Thoibao.de, 27/06/2020

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) hôm 23/6 thông báo mở cuộc điều tra chống bán phá giá với lốp xe nhập từ Việt Nam và ba quốc gia khác của Châu Á và xem liệu các nhà sản xuất ở Việt Nam có đang nhận trợ cấp không công bằng hay không.

xe1

Ảnh chụp màn hình một phần đơn kiến ​​nghị ngày 13/5 của United Steelworkers (USW), đại diện cho công nhân tại các nhà máy sản xuất lốp xe của trên toàn Hoa Kỳ

Ba quốc gia Châu Á khác bị Mỹ tiến hành cuộc điều tra với sản phẩm lốp xe xuất khẩu là Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan.

Sản phẩm lốp xe của Việt Nam bị cáo buộc bán phá giá 5-22%, mức thấp nhất trong bốn quốc gia bị điều tra lần này. Trong khi đó, biên độ phá giá của lốp nhập từ Thái Lan lớn nhất ở mức 106-217,5% ; kế đến là Đài Loan 21-116% và Hàn Quốc 43-195%.

Mặt hàng từ Việt Nam bị điều tra bán phá giá là lốp xe khách, xe tải hạng nhẹ (Passenger Vehicle and Light Truck Tires - PVLT), theo thông cáo báo chí đăng trên trang web của bộ.

Bộ này cho biết họ cũng đang điều tra xem liệu các nhà sản xuất lốp xe tại Việt Nam có nhận được trợ cấp cho lốp xe khách và lốp xe tải nhẹ hay không.

Các cuộc điều tra được thực hiện theo các kiến ​​nghị được đệ trình vào tháng 5 bởi United Steelworkers (USW), đại diện cho công nhân tại các nhà máy sản xuất lốp xe của trên toàn Hoa Kỳ.

Chủ tịch quốc tế của USW Tom Conway nói : "Mặc dù nhu cầu về lốp xe PVLT tăng lên, các nhà sản xuất trong nước vẫn buộc phải vật lộn với việc thị phần bị giảm, lợi nhuận giảm và mất việc làm".

USW đại diện cho công nhân tại các nhà máy lốp xe của Michelin (MICP.PA), Goodyear (GT.O), Cooper (CTB.N), Sumitomo (8053.T) và Yokohama (5101.T) tại Ohio, Arkansas, North Carolina, Kansas , Indiana, Virginia New York và Alabama.

Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu lượng lốp xe trị giá khoảng 4 tỷ USD từ 4 quốc gia nằm trong diện bị điều tra bán phá giá lần này.

Trong đó, Mỹ nhập gần 2 tỷ USD từ Thái Lan ; 1,2 tỷ USD từ Hàn Quốc vào năm 2019 và khoảng gần 500 triệu USD từ Việt Nam. USW cho biết nhập khẩu lốp xe từ bốn quốc gia đã tăng gần 20% kể từ năm 2017, đạt 85,3 triệu lốp, sau khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra.

Một ngày sau khi DOC ra quyết định trên, đại diện Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam hôm 24/6 cho biết, cơ quan này đang tích cực phối hợp, làm việc với các bộ, ngành, doanh nghiệp để cung cấp cho phía Mỹ những thông tin chính xác nhất về chính sách phát triển ngành cao su, về chi phí sản xuất, giá bán của doanh nghiệp…

Bộ Công thương Việt Nam cho biết đã cảnh báo nguy cơ việc sản phẩm lốp xe sẽ bị nước ngoài điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ tháng 7/2019 với mức độ cao.

Cơ quan này cũng khẳng định đã làm việc với các Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ nhằm chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó trong trường hợp bị điều tra.

Theo Zing, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết phía Mỹ mới đang bắt đầu điều tra trên cơ sở cáo cuộc của nguyên đơn là ngành sản xuất lốp xe nội địa nước này chứ chưa chính thức áp thuế.

xe2

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương)

Về mặt Chính phủ, ông Dũng cho biết Bộ Công Thương sẽ tích cực trao đổi với cơ quan Mỹ để khẳng định các chương trình của Việt Nam không mang tính trợ cấp.

Ông giải thích : "Chính sách của Việt Nam là minh bạch. Việt Nam thúc đẩy phát triển chung ngành cao su, chứ không phải riêng ngành lốp xe".

Diễn giải về vụ kiện, ông Dũng nói rằng phía nguyên đơn có đề nghị áp thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá với lốp xe Việt Nam. Tuy nhiên, nguyên đơn lại khiếu nại một số chính sách cũ mà Việt Nam đã từng áp dụng trước khi gia nhập WTO, nhưng hiện tại đã thay đổi. Ngoài ra, họ cũng viện dẫn một số quy định mới của Mỹ để mở rộng phạm vi khiếu nại.

Theo ông Dũng, khi có căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, một số nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư mở nhà máy tại Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Điều này khiến kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam vào Mỹ từ khoảng 150 triệu USD/năm tăng vọt lên 500 triệu USD/năm tức là tăng gấp hơn 3 lần.

Từ năm 2017, Cục Phòng vệ Thương mại đã liên tiếp cảnh báo các địa phương, bộ ngành là kim ngạch tăng cao có thể bị điều tra. Trong danh sách các mặt hàng có nguy cơ, cơ quan này đánh giá lốp xe có nguy cơ đứng thứ hai.

Từ sự vụ này, ông cho rằng đang có sự dịch chuyển đầu tư FDI từ các nước tới Việt Nam, có thể dẫn đến kim ngạch xuất khẩu một số ngành tăng vọt. Từ đó, ông cảnh báo : "Đó là những nguy cơ, lý do để các nước nhập khẩu có thể khởi xướng điều tra. Khi bị điều tra, cả ngành sẽ bị tác động".

DOC cho biết họ cũng sẽ tiến hành điều tra 20 chương trình trợ cấp ở Việt Nam, bao gồm cả các chương trình thuế, trợ cấp thay thế nhập khẩu và định giá thấp tiền tệ.

xe3

Một nhà máy sản xuất thép ở ngoại ô Hà Nội chụp ngày 30/3/2018

Bộ Công thương Việt Nam nói họ sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan của Việt Nam để cung cấp các thông tin cần thiết cho phía Mỹ về các nội dung trợ cấp bao gồm cả vấn đề "định giá thấp tiền tệ" để Bộ Thương mại Mỹ có đầy đủ căn cứ, dữ liệu trước khi ban hành kết luận điều tra vụ việc.

Giữa tháng trước, DOC cũng đã khởi xướng một cuộc điều tra xem liệu các sản phẩm thép tấm không gỉ nhập từ Việt Nam có phải là thép Trung Quốc được gia công ở nước láng giềng Đông Nam Á để xuất sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế.

Theo một thông cáo báo chí của Cơ quan Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITA) hôm 12/5, Bộ Thương mại Mỹ nghi ngờ rằng các nhà sản xuất thép của Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thép cán phẳng không gỉ từ Trung Quốc, sau đó gia công hoàn thiện rồi xuất khẩu sang Mỹ.

Theo Bộ Công thương Việt Nam, đây là vụ việc Bộ Thương mại Mỹ tự khởi xướng điều tra dựa trên các thông tin sẵn có với cáo buộc mặt hàng thép tấm không gỉ đang có dấu hiệu lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Mỹ đang áp dụng với hàng hoá tương tự của Trung Quốc từ năm 2016 với mức thuế từ 139% đến 267%.

Một căn cứ khác để Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng cuộc điều tra lần này là lượng xuất khẩu sản phẩm thép tấm không gỉ từ Việt Nam có sự gia tăng đáng kể trong giai đoạn trước và sau khi Mỹ áp thuế với Trung Quốc. Theo thông cáo của ITA, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lên mặt hàng thép tấm không gỉ của Trung Quốc vào tháng 3/2016.

Thông cáo còn cho biết, việc thực thi luật thương mại một cách chặt chẽ của Mỹ là trọng tâm hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump.

Quyết định hôm 12/5 của Bộ Thương mại Mỹ được đưa ra giữa lúc chính quyền Tổng thống Trump lặp lại đe doạ sẽ áp thêm thuế mới lên hàng hoá Trung Quốc đồng thời tiếp tục chỉ trích sự thiếu minh bạch của Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới đại dịch virus corona toàn cầu.

Trước đây, Mỹ từng ra phán quyết áp thuế đối với thép từ Việt Nam được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Phán quyết sơ bộ được đưa ra vào tháng 12/2017 và chung cuộc vào tháng 5/2018. Bộ Thương mại Mỹ khi đó thu thuế chống bán phá giá gần 200% và thuế chống trợ cấp gần 260% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất ở Việt Nam sử dụng thép chất nền xuất xứ từ Trung Quốc. Thép chống gỉ từ Việt Nam cũng đối mặt với thuế chống bán phá giá là gần 200% và thuế chống trợ cấp gần 40%.

Do đó, theo dữ liệu của Bộ Công thương Việt Nam, xuất khẩu sản phẩm thép tấm không gỉ từ Việt Nam sang Mỹ trong thời gian qua liên tục giảm từ 32.000 tấn năm 2017 xuống còn 25.000 tấn năm 2018 và tiếp tục giảm xuống còn 23.000 tấn năm 2019. Hiện nay, Việt Nam đang áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm thép cán phẳng không gỉ nhập từ Trung Quốc với mức từ 17,94%-31,85%.

Bộ Công thương Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước phải "hợp tác" và "cung cấp thông tin đầy đủ" liên quan đến "nguồn nguyên liệu, quy trình quản lý" cho Bộ Thương mại Mỹ trong quá trình điều tra.

Bộ này còn cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu, Hiệp hội Thép Việt Nam "trong suốt quá trình điều tra vụ việc và có phương án hỗ trợ, xử lý phù hợp bao gồm cả việc trao đổi với Bộ Thương mại Hoa Kỳ để làm rõ căn cứ khởi xướng điều tra, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp xuất khẩu" Việt Nam.

Hồi tháng 12 năm ngoái, DOC đã ban hành phán quyết về việc áp thuế lên tới hơn 456% đối với các sản phẩm thép nhập vào Hoa Kỳ từ Việt Nam có sử dụng nguyên liệu xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan.

xe4

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lễ ký kết Thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn 1 tại Nhà Trắng ngày 15/01/2020

Theo Bộ này, các mặt hàng bị Mỹ áp thuế là các loại thép có xuất xứ từ hai quốc gia trên được đưa sang Việt Nam, sau đó qua công đoạn gia công đơn giản rồi xuất khẩu sang Mỹ.

Theo nhận định của Bộ Công thương Việt Nam, việc Bộ Thương mại Mỹ tự khởi xướng điều tra chống phá giá và chống trợ cấp sau 26 năm "thể hiện chính quyền mới của Hoa Kỳ đang quyết liệt đấu tranh chống lại các hành vi thương mại không công bằng, bảo vệ ngành sản xuất trong nước".

Theo Cục Phòng vệ thương mại, trong các chương trình bị cáo buộc trợ cấp, đáng lưu ý, lần đầu tiên kể từ khi pháp luật chống trợ cấp sửa đổi của Mỹ được ban hành và có hiệu lực vào tháng 4.2020, nội dung "định giá thấp tiền tệ" được Bộ Thương mại Mỹ điều tra trong khuôn khổ vụ việc chống trợ cấp. Đây là chương trình bị điều tra dựa trên cáo buộc của nguyên đơn Mỹ cho rằng chính sách "định giá thấp tiền tệ" đã mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Dự kiến, vụ việc sẽ được tiến hành điều tra trong vòng 12 tháng (có thể gia hạn thêm 6 tháng).

Ngay từ khi tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Donald Trump luôn nêu ra khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết". Sau khi nhậm chức, ngày 23/01/2017, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ và 11 nước trong khu vực đã ký. Đồng thời, Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương đàm phán và thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương thay vì đa phương nhằm phát huy lợi thế của Mỹ và gia tăng lợi ích của Mỹ trong thương mại quốc tế ; thúc đẩy xu hướng gia tăng bảo hộ và sẵn sàng tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng mà Mỹ có lợi thế để bảo vệ sản xuất trong nước. Cũng chính ông Trump là người khai hỏa cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vào ngày 06/7/2018 khi chính thức tuyên bố áp thuế 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc giá trị lên tới 34 tỷ USD chủ yêu trong lĩnh vực công nghệ cao như người máy, công nghệ thông tin, hàng không vũ trụ, máy in, mô tô… và cho đến nay cuộc chiến vẫn đang leo thang mặc cho hai nước đã hòa hoãn bằng thỏa thuận thương mại song phương giai đoạn 1 hồi tháng 01/2020.

Hoàng Trung (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 27/06/2020

********************

Chuẩn bị "ra đòn" mạnh hơn – Trump hoãn phạt Trung Quốc

Hoàng Lan, Thoibao.de, 27/06/2020

Tổng thống Donald Trump nói ông đã không trừng phạt thêm các quan chức Trung Quốc về vụ giam giữ người Hồi giáo ở Tân Cương, vì đang ở "giữa một thỏa thuận thương mại".

xe5

Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra thông báo về quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc và Hồng Kông tại Vườn hồng của Nhà Trắng ở Washington, Mỹ, ngày 29/5/2020.

Ông Trump nói với trang tin Axios rằng đạt được thỏa thuận "tuyệt vời" có nghĩa là ông không thể áp đặt "thêm các biện pháp trừng phạt".

Trung Quốc giam giữ khoảng một triệu người Uighur (Duy Ngô Nhĩ) và các nhóm sắc tộc khác trong các trại ở Tân Cương để cải tạo tư tưởng và trừng phạt nhưng phủ nhận việc ngược đãi họ.

Vấn đề trên nảy sinh sau những cáo buộc trong cuốn sách của John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump.

Ông Bolton cáo buộc rằng tại một hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, ông Trump đã bật đèn xanh cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xây các trại giam người Uighur ở khu vực phía Tây, nói rằng đó "chính xác là điều nên làm".

Bình luận của tổng thống được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu tuần trước, sau đó được trang tin Axios của Mỹ công bố hôm Chủ nhật.

Axios nói rằng khi được hỏi tại sao lại trì hoãn việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt với các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Trump nói : "Chà, chúng tôi đang ở giữa một thỏa thuận thương mại lớn".

"Và khi bạn đang ở giữa một cuộc đàm phán rồi đột nhiên bạn bắt đầu đưa thêm các biện pháp trừng phạt – chúng tôi đã phạt họ rất nhiều. Tôi áp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, điều tồi tệ hơn nhiều so với bất kỳ hình phạt nào bạn có thể nghĩ tới. "

Trong diễn tiến của cuộc chiến thương mại cay đắng, Mỹ đã áp thuế lên hơn 360 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc đã trả đũa bằng cách đánh thuế lên hơn 110 tỷ đôla sản phẩm Hoa Kỳ trước khi thỏa thuận "giai đoạn một" được ký kết vào tháng Giêng.

Khi được hỏi tại sao ông không sử dụng Đạo luật Magnitsky toàn cầu – được Quốc hội thông qua năm 2016, để chống lại các vi phạm nhân quyền – ông Trump nói "không ai đề cập cụ thể với tôi về Trung Quốc".

Axios cũng gạn hỏi về những cáo buộc của John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông, nói rằng ông đã nhờ Chủ tịch Tập Cận Bình giúp giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử, bằng cách mua nông sản từ nông dân Mỹ.

"Không, hoàn toàn không. Những gì tôi nói với mọi người mà chúng tôi thương thảo với, không chỉ là với Chủ tịch Tập Cận Bình, tôi muốn họ kinh doanh với đất nước này. Những gì tốt cho đất nước thì tốt cho tôi".

"Nhưng tôi không đi quanh nói, ‘Ồ, giúp tôi trong việc tái tranh cử.’ Tại sao tôi lại nói thế ?"

Trung Quốc bị cáo buộc gì về vụ Tân Cương ?

Các nhà hoạt động nói rằng Trung Quốc đang tìm cách đồng hóa các nhóm sắc tộc Hồi giáo bằng vũ lực, bằng cách phá hủy văn hóa của họ và cấm các hoạt động của họ.

Tìm kiếm sự thật trong các trại ‘cải tạo’ người Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc nói rằng các trại trong lãnh thổ tự trị là các trung tâm giáo dục nghề nghiệp nhắm vào người theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Một báo cáo vào tháng Ba cho biết hàng chục ngàn người Uighur đã được chuyển ra khỏi Tân Cương để làm việc trong các nhà máy trên khắp Trung Quốc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết bất kỳ di chuyển nào của người lao động nào cũng là tự nguyện.

xe6

Cựu cố vấn Bolton nói Ông Trump nhờ Tập Cận Bình giúp để tái đắc cử. Cuốn sách mới của cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton tiết lộ như vậy.

Mùa thu năm 2018, Mỹ đang trên bờ vực áp đặt các biện pháp trừng phạt với quan chức và thực thể hàng đầu của Trung Quốc, liên quan đến các trại giam hàng loạt người Uighur. Được thúc đẩy bởi một yêu cầu lưỡng đảng hiếm hoi từ các nhà lập pháp, các quan chức từ bộ ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia đã lên tiếng ủng hộ. Nhưng như ông Trump nói, ý tưởng này đã được gác lại để không gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh.

Tháng Năm năm nay, vài tháng sau khi giai đoạn đầu tiên của một thỏa thuận thương mại cuối cùng đã đạt được, Quốc hội đã bỏ phiếu áp đảo ủng hộ Dự luật Bảo vệ Nhân quyền của người Uighur. Mặc dù cuối cùng ông Trump đã ký nó thành luật, nhưng vẫn chưa rõ liệu ông sẽ có thi hành luật này hay không.

Một hiệp ước kinh tế lịch sử với Trung Quốc đóng vai trò trụ cột trong chiến dịch tái tranh cử của ông, nhưng căng thẳng về đại dịch có thể thay đổi tính toán đó.

Chính quyền đã báo hiệu rằng họ có thể trừng phạt Bắc Kinh vì che đậy sự bùng phát của virus corona lúc đầu, và đã lên án luật an ninh mới của nước này với Hong Kong. Sự giận dữ với Trung Quốc hiện là một đề tài bầu cử lớn và điều đó có thể ảnh hưởng đến bất kỳ hành động nào liên quan đến sự đàn áp người Uighur.

Hoa Kỳ đã thực hiện những bước nào ?

Chính quyền Trump đã bị chỉ trích vì không nhắm vào mục tiêu Trung Quốc rõ ràng hơn về quyền con người.

Tuy nhiên, một số thành phần của chính phủ đã công khai chỉ trích cách đối xử với người Uighur của Trung Quốc.

Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra các cáo buộc về tra tấn và lạm dụng. Đồng thời bộ thương mại đã áp đặt một số lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc về việc Tân Cương.

Nhập khẩu hàng của một số công ty Trung Quốc đã bị hạn chế , một số quan chức Trung Quốc không được cấp Visa, và đã có lệnh cấm đối với hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức – nhưng không phải là lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn từ Bộ Ngân khố.

Thứ Tư tuần trước, tổng thống đã phê chuẩn các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các quan chức Trung Quốc về vấn đề Tân Cương, nhưng nói rằng ông sẽ là người quyết định việc sử dụng chúng.

Hôm thứ Hai, Mỹ chỉ định bốn cơ quan truyền thông Trung Quốc là cơ quan ngoại giao nước ngoài.

Những cơ quan này, China Central Television, China News Service, People’s Daily và Global Times, thực sự là những "cơ quan tuyên truyền" chứ không phải là cơ quan truyền thông, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói.

Họ sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin về nhân viên làm việc tại Hoa Kỳ cho chính phủ Mỹ và liệt kê các giao dịch bất động sản. Họ sẽ không bị hạn chế trong công việc truyền thông.

Đầu năm nay, Mỹ đã có hành động tương tự với năm cơ quan truyền thông khác của Trung Quốc, bao gồm Tân Hoa Xã.

Những công ty truyền thông này được lệnh cắt giảm một số công dân Trung Quốc làm việc tại Hoa Kỳ.

Trung Quốc phản ứng bằng cách trục xuất các nhà báo từ ba tờ báo của Mỹ, bao gồm Wall Street Journal, New York Times và Washington Post.

Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nhau cả về thương mại và đầu tư suốt hơn 20 năm qua, khiến việc độc lập là không thực tế.

Những bình luận của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc "tách rời" kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc đang vấp phải hiện thực khá thách thức. Đó là hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ ngày càng tăng, các công ty Mỹ ngày càng đầu tư nhiều vào Trung Quốc, và thị trường sẽ chao đảo nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tách rời.

Hôm qua, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Peter Navarro khiến các thị trường Châu Á lo lắng khi trả lời trên Fox rằng thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung Quốc "đã chấm dứt". Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ đi xuống, đồng đôla mạnh lên và các chỉ số theo dõi biến động cũng tăng vọt.

Navarro sau đó nhanh chóng đính chính, rằng ông chỉ đang đề cập đến niềm tin giữa Mỹ và Trung Quốc qua vấn đề đại dịch. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khẳng định trên trang cá nhân rằng thỏa thuận không bị ảnh hưởng.

Hôm qua, cố vấn kinh tế Larry Kudlow còn khen ngợi Bắc Kinh. Trên Fox Business Network, ông cho biết "họ thực sự đã có cải thiện" khi đề cập đến thỏa thuận thương mại.

Chính quyền Trump đang nỗ lực kiểm soát thiệt hại sau khi Tổng thống Mỹ tuần trước tuyên bố sẽ cân nhắc "tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc". Trước đó, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã nói với các nghị sĩ Mỹ rằng việc này không thực tế.

Chiến dịch tái tranh cử của Trump đang được thực hiện theo phương châm "cứng rắn với Trung Quốc". Nhà Trắng đã đổ lỗi cho Bắc Kinh khiến đại dịch lây lan và 120.000 người Mỹ tử vong.

Tuy nhiên, một phần thông điệp này – rằng Mỹ có thể độc lập khỏi nhà cung cấp lớn nhất cho họ hiện tại – sẽ gặp rất nhiều thách thức. Trên thực tế, thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tăng lên, dù đại dịch khiến hoạt động này đi xuống trong thời gian ngắn. Hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đạt 8,6 tỷ USD hồi tháng 4, tăng so với đáy 10 năm hồi tháng 2 (6,8 tỷ USD). Nhập khẩu từ Trung Quốc cũng lên 31,1 tỷ USD, từ 19,8 tỷ USD tháng 3.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng cho thấy xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc đạt gần 424.000 tấn trong tháng 4, hơn gấp đôi tháng 3. Các quan chức Mỹ, gồm Lighthizer, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin gần đây xác nhận lại cam kết của Trung Quốc rằng sẽ tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận giai đoạn một. Theo đó, Trung Quốc sẽ mua thêm 200 tỷ USD nông sản, sản phẩm công nghiệp, năng lượng và dịch vụ Mỹ trong 2 năm.

Hôm qua, khi được hỏi trên một chương trình radio về viễn cảnh chiến tranh lạnh mới, Pompeo cho biết kinh tế Mỹ gắn chặt với Trung Quốc hơn nhiều so với Liên Xô cũ.

"Chúng ta phải nghĩ về việc này theo hướng là các thách thức với tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng của Mỹ ngày nay đang gắn bó sâu sắc với kinh tế Trung Quốc", ông nói. Pompeo cũng khẳng định Trump sẽ bảo vệ lợi ích của nước Mỹ.

Còn với Mnuchin, khi được hỏi về việc tách rời tại một diễn đàn của Bloomberg-Invesco, ông cho biết việc này sẽ xảy ra nếu các công ty Mỹ không được tạo điều kiện cạnh tranh công bằng tại Trung Quốc.

Reuters trích lời một nguồn tin thân cận với cả Trung Quốc và Mỹ cho biết bình luận hôm thứ Hai của Navarro chỉ là "lỡ lời", cho thấy quan điểm cá nhân cứng rắn của ông với Trung Quốc, chứ đây không phải chính sách của Mỹ. Người này nói rằng giới chức Trung Quốc đã ra tín hiệu nhập khẩu tháng 6 của nước này với hàng Mỹ sẽ tăng mạnh sau nhiều tháng đi xuống vì đại dịch.

Rhodium Group cho biết trong một báo cáo gần đây rằng quý đầu năm, doanh nghiệp Mỹ đã công bố các dự án đầu tư mới trị giá 2,3 tỷ USD vào Trung Quốc. Bất chấp Covid-19, con số này chỉ giảm nhẹ so với trung bình quý năm ngoái. Điều này cho thấy rất ít công ty Mỹ muốn giảm hiện diện tại Trung Quốc.

Bill Reinsch – một cố vấn cấp cao tại Trung tâm Quốc tế học và Chiến lược cho biết kinh tế Mỹ và Trung Quốc đã mất hơn 20 năm để phát triển cùng nhau. Vì thế, việc tách rời sẽ không dễ dàng.

Một số công ty sẽ rời đi, nhưng không phải vì lời đe dọa của ông Trump, mà vì lương nhân công tại Trung Quốc tăng và các chính sách của Bắc Kinh gây bất lợi cho doanh nghiệp nước ngoài. "Nếu ở Trung Quốc để phục vụ thị trường này, bạn sẽ chẳng đi đâu, vì không thể phục vụ họ từ nước ngoài được", ông nói, "Tổng thống không thể chỉ đơn giản là yêu cầu mọi người quay về được. Các doanh nghiệp phải đưa ra quyết định hợp lý và mang tính kinh tế".

Hoàng Lan (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 27/06/2020

Published in Diễn đàn