Mỹ : Donald Trump có phải đề phòng Elon Musk ?
Vai trò của Elon Musk đằng sau chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, tầm ảnh hưởng của giới tài phiệt công nghệ đối với chính trường Mỹ trong 4 năm tới, chiến tranh Ukraine là những chủ đề được các tuần báo Pháp kỳ này đặc biệt quan tâm.
Elon Musk trong cuộc vận động tranh cử ủng hộ Donald Trump tại Butler, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, ngày 05/10/2024. © Carlos Barria / Reuters
Trang nhất và hồ sơ chính của tuần san Courrier international nói về việc kể từ khi Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ hôm 05/11/2024, báo chí quốc tế đã không ngừng chú ý đến nhân vật giàu nhất thế giới, Elon Musk, ông chủ của X, Tesla và SpaceX, đóng vai trò không hề nhỏ trong việc giúp ứng viên Cộng Hòa trở lại Nhà Trắng.
Nhật báo Mỹ The New York Times cho biết "trong hầu hết các cuộc họp được tổ chức trong những ngày qua tại tư dinh của Donald Trump ở Mar-a-Lago, bang Florida, có một người đàn ông chưa từng chiến thắng ở bất kỳ cuộc bầu cử nào, chưa từng tham gia chính trường và cách đây vài tháng còn không có mối quan hệ gần gũi với Donald Trump. Người đàn ông đó chính là Elon Musk. Không thể phủ nhận rằng nhà tỷ phú này đã trở thành công dân quyền lực nhất Hoa Kỳ".
Vào giữa tháng 11, chủ nhân tương lai của Nhà Trắng đã không ngần ngại bổ nhiệm Elon Musk làm bộ trưởng bộ "Hiệu quả Chính phủ", phụ trách cải cách bộ máy chính phủ. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của Musk còn vượt xa hơn thế. Báo chí Mỹ nhấn mạnh ngoài sự trỗi dậy của Elon Musk, còn phải kể đến một chế độ tài phiệt công nghệ đang muốn khẳng định vị thế ở Hoa Kỳ.
Giới tài phiệt công nghệ Mỹ "tiếm quyền" Nhà nước
Trước khi diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ, nguyệt san The Atlantic đã dự báo tất cả những gì đang diễn ra và phân tích những yếu tố dẫn đến sự gần gũi giữa các tỷ phú công nghệ và Donald Trump : "Điều họ muốn là tận dụng mối quan hệ với Nhà nước để có thể tự định đoạt các chính sách về công nghệ do Nhà nước kiểm soát. Liên minh của những nhà tỷ phú này với Trump thực chất là một cuộc chiến giành quyền lực".
Nói cách khác, đây không chỉ đơn giản là một liên minh kinh tế nhằm thuận tiện hóa hoạt động của các doanh nghiệp, mà còn là cuộc cách mạng nhằm thay đổi, thậm chí là hủy bỏ các quy định, bất kể là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tiền điện tử hay khám phá không gian, với những rủi ro rất lớn về xung đột lợi ích.
"Tham nhũng", "quyền lực tập trung", cây bút Franklin Foer của The Atlantic liệt kê một loạt những vấn đề tiềm tàng có thể xuất hiện từ chế độ tài phiệt này. Chỉ cần nhìn vào vài con số là có thể thấy được sự phụ thuộc của chính quyền Mỹ vào các đại tập đoàn ở Silicon Valley. Năm 2023, Elon Musk đã ký kết "gần 100 hợp đồng khác nhau với 17 cơ quan liên bang" trị giá "3 tỷ đô la". Trong suốt 10 năm qua, SpaceX và Tesla đã ký hợp đồng trị giá ít nhất 15,4 tỷ đô la với chính quyền liên bang.
Nhìn vào những con số này, có thể dự đoán về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. The Atlantic lên án việc "các tỷ phú được hoan nghênh vào chính phủ sẽ nắm gần như toàn bộ quyền kiểm soát đối với lĩnh vực kinh tế chiến lược", và dự báo nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump sẽ được đánh dấu bởi sự trở lại của những mối quan hệ mang tính giao dịch, "thương hiệu" của nhà tỷ phú. Tuy nhiên, hiện tượng này đi đôi với rất nhiều rủi ro, "với những cá nhân bị thúc đẩy bởi lòng tham hay lòng nhiệt huyết muốn hoàn thành sứ mệnh cao cả".
The Atlantic không phải là tạp chí duy nhất lo ngại trước tham vọng của các tỷ phú Silicon Valley. Tại Đức, tờ Süddeutsche Zeitung cảnh báo về những hình mẫu của "chủ nghĩa tư bản cực đoan" : "Việc Trump tái đắc cử là một sự khẳng định đối với một bộ phận không nhỏ các tên tuổi lớn trong ngành công nghệ, về tầm nhìn của chính họ về thế giới".
Đệ Tam Thế Chiến đã bắt đầu ?
Về chiến tranh Ukraine, bài xã luận của tuần san Le Point đặt câu hỏi phải chăng Đệ Tam Thế Chiến đã bắt đầu ? Ít nhất, đó là điều mà Vladimir Putin muốn khẳng định. Vào ngày thứ 1.000 của chiến tranh Ukraine, tổng thống Nga muốn nhấn mạnh cuộc chiến này đã mang tính "toàn cầu" sau khi Washington bật đèn xanh cho Kiev sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga. Để trả đũa, chủ nhân điện Kremlin đã đe dọa sẽ oanh kích các cơ sở quân sự của những quốc gia cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine. Và như vậy, các quốc gia Châu Âu sẽ đối mặt với mối nguy ở tuyến đầu.
Lời nói đi đôi với hành động. Tổng thống Vladimir Putin đã ký thông qua học thuyết hạt nhân sửa đổi của mình và đã cho tấn công một nhà máy sản xuất vũ khí ở Ukraine bằng tên lửa đạn đạo tầm trung có thể mang được đầu đạn hạt nhân.
Mối đe dọa hạt nhân từ Nga vừa ghê rợn vừa hoang đường. Tuy nhiên, dường như nó mang lại hiệu quả ! Hoa Kỳ và Đức vẫn tích cực hỗ trợ quân sự Ukraine, trong bối cảnh cả hai nước đều đang trong giai đoạn chuyển giao chính trị. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, Donald Trump đã nhấn mạnh phương Tây đang liều mình mở rộng cuộc xung đột với việc kéo dài cuộc chiến. Tình cờ thay, nhận định của nhà tỷ phú trùng hợp với lập trường của điện Kremlin. Về phần mình, thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng muốn thể hiện mình là "thủ tướng ủng hộ hòa bình", dường như với hy vọng sẽ tránh được một thất bại ê chề trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn diễn ra ngày 23/02/2025.
Tuần báo thiên hữu nhấn mạnh Vladimir Putin đang bóp méo sự thật. Chiến tranh Ukraine rõ ràng đang trở thành một cuộc chiến toàn cầu, nhưng chính chủ nhân điện Kremlin là người đã quyết định thu nạp hơn 10.000 binh lính Bắc Triều Tiên để hỗ trợ quân đội Nga trên chiến trường. Chính ông là người đã kêu gọi Iran và Bắc Triều Tiên tiến hành những hoạt động gây bất ổn ở Châu Âu và cả hai nước cũng đang cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga để nước này dùng trên chiến trường Ukraine. Và cũng chính Putin đã thành lập một liên minh đặc biệt với Trung Quốc để có thêm nguồn hậu thuẫn vững chắc. Theo Financial Times, nguyên thủ Nga thậm chí còn ký một thỏa thuận với phiến quân Houthi ở Yemen để tuyển mộ hàng trăm chiến binh cho chiến trường Ukraine.
Tuy nhiên, việc Vladimir Putin đe dọa hạt nhân cũng thể hiện việc quân đội Nga đang hụt hơi. Chủ nhân điện Kremlin buộc phải tuyển mộ binh lính Bắc Triều Tiên vì không dám động viên thêm binh sĩ nước nhà. Quân đội Nga tiếp tục gặm nhấm khu vực Donbass, nhưng phải trả giá bằng những tổn thất khủng khiếp. Nền kinh tế Nga được duy trì nhờ hoạt động sản xuất vũ khí quy mô lớn, nhưng điều này khiến hệ thống phân phối hàng hóa bị thiếu hụt.
Trong bối cảnh Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng, Moskva và Kiev có thể sẽ cố gắng tìm kiếm một giải pháp ngoại giao và cả hai đều muốn đàm phán ở thế thuận lợi nhất có thể. Vào thời điểm hết sức nhạy cảm này, các quốc gia Châu Âu cần giữ bình tĩnh và không nhượng bộ trước Kremlin. Le Point kết luận nếu muốn ngăn xung đột lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine và tràn sang phương Tây, giải pháp duy nhất là hỗ trợ Kiev một cách kiên định với việc cung cấp cho họ vũ khí và đạn dược.
Donald Trump có thuyết phục được Nga-Ukraine đàm phán ?
Vẫn về chiến tranh Ukraine, tuần san Le Nouvel Obs chú ý đến khía cạnh Donald Trump trở lại lãnh đạo Hoa Kỳ có thể sẽ tác động đến diễn biến cuộc chiến, sau khi nhà tỷ phú đã cam kết nhanh chóng chấm dứt xung đột. Vladimir Putin khẳng định sẵn sàng đàm phán, nhưng theo điều kiện của mình, và thái độ của ông đã trở nên cứng rắn hơn kể từ khi Donald Trump tái đắc cử tổng thống.
Chính quyền Biden đang rơi vào tình thế khó xử. Một bên là Trump, muốn cắt giảm viện trợ cho Ukraine, mặt khác, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên ngày càng tham gia tích cực vào cuộc xung đột, làm dấy lên lo ngại về khả năng hình thành một liên minh chống phương Tây. Kể từ tháng 9, các quan chức Mỹ đã bắt đầu nghi ngờ về vai trò của Trung Quốc, sau khi có những tiết lộ về việc Moskva và Bắc Kinh hợp tác phát triển một chương trình trang bị vũ khí bí mật. Ngoài ra, sự xuất hiện của quân đội Bắc Triều Tiên ở Châu Âu là một bất ngờ lớn, mặc dù các quan chức phương Tây tìm cách giảm tầm quan trọng của sự kiện này khi nhận định đó là dấu hiệu cho thấy Nga đang "mệt mỏi".
Gần đây, tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhận định "nếu Ukraine thương lượng với Putin trong bối cảnh hiện tại, Kiev sẽ thất thế trong các cuộc đàm phán". Do vậy, chính quyền Biden đang tìm mọi cách để thay đổi tình thế trước khi Trump tuyên thệ nhậm chức, bao gồm việc cấp thêm cho Ukraine gói viện trợ quân sự trị giá 6 tỷ đô la và cho phép nước này sử dụng tên lửa ATACMS. Tuần báo thiên tả cho rằng quyết định này không nhằm thay đổi cục diện cuộc chiến, nhưng có ý nghĩa quan trọng về mặt biểu tượng, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine.
Hiện nay, mọi sự chú ý đang đổ dồn về Donald Trump, có thể sẽ là nhân vật then chốt thúc đẩy một hiệp định hòa bình. Nếu nhà tỷ phú đạt được một thỏa thuận giữa hai bên, điều đó có thể đồng nghĩa với việc Ukraine phải nhượng bộ không ít. Ngoài ra, giới chuyên gia cũng nhận định chủ nhân tương lai của Nhà Trắng có thể bị Vladimir Putin "lấy lòng", và cho rằng Trump có thể "tặc lưỡi" với những điều kiện bất lợi cho Ukraine, như sự xuất hiện của một khu phi quân sự lớn, quân đội bị hạn chế, và Kiev không gia nhập NATO, tương tự như những điều kiện mà Đức phải chấp nhận sau Đệ Nhị Thế Chiến.
Còn một số khác thì cho rằng nguyên thủ Nga có thể đồng ý nhượng bộ nhiều hơn những gì ông từng tuyên bố, chẳng hạn như rút khỏi các khu vực đã chiếm được ở Kharkiv và Mykolaiv. Tuy nhiên, Vladimir Putin vẫn sẽ coi bán đảo Crimea và khu vực biển Azov là một "lằn ranh đỏ".
Sự nhiệt tình của Donald Trump, sự kiên nhẫn của Vladimir Putin cũng như tình hình "nước sôi lửa bỏng" ở Ukraine có thể tạo ra một tình huống "lý tưởng" khiến cho các bên đúc kết một thỏa thuận không có lợi cho Kiev. Ngoài ra, Nga đã có mối quan hệ với Donald Trump từ rất lâu, trước khi ông bắt đầu sự nghiệp chính trị. Phim tài liệu "Chiến dịch Trump" cho biết KGB đã từng quyến rũ Trump từ những năm 1980. Theo cuốn sách "War" của Bob Woodward, Trump và Putin đã điện đàm bảy lần kể từ khi nhà tỷ phú rời Nhà Trắng vào năm 2021. Sau khi Donald Trump bị ám sát hụt hồi tháng 7 vừa qua, chủ nhân điện Kremlin đã ca ngợi lòng dũng cảm của nhà tỷ phú. Theo báo chí Mỹ, Donald Trump đã ngay lập tức nhấc điện thoại để nói chuyện với Vladimir Putin.
Trong khi đó, tuần báo L’Express, trích dẫn ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna, khuyến khích các quốc gia Bắc Âu và vùng Baltic chuẩn bị sẵn sàng gửi quân sang Ukraine để duy trì ổn định và trật tự trong trường hợp thỏa thuận ngưng bắn đến sớm hơn dự kiến, mặc dù ông vẫn khẳng định "gia nhập NATO là cách bảo đảm an ninh tốt nhất đối với Ukraine". Trong khi chờ đợi, các quốc gia Bắc Âu và Baltic đang chuẩn bị cho mọi kịch bản.
Những bước đột phá trong phương pháp điều trị Down, Parkinson và Alzheimer
Về lĩnh vực y tế, báo Le Point có bài viết quan tâm đến những tiến bộ về phương pháp chữa trị hội chứng Down, Parkinson và Alzheimer. Hãng dược phẩm Aelis Farma ở Bordeaux, đã thông báo về một bước tiến toàn cầu : thuốc thử nghiệm AEF0217 đã cho thấy tác dụng tích cực đối với các vấn đề nhận thức và hành vi liên quan đến hội chứng Down, sau cuộc thử nghiệm lâm sàng trên 29 người trưởng thành (18-35 tuổi). Không có tác dụng phụ nguy hiểm nào được ghi nhận, và loại thuốc này đã giúp cho các bệnh nhân tiến bộ đáng kể, đặc biệt là trong giao tiếp và tương tác xã hội.
AEF0217 cũng cho thấy sự cải thiện về khả năng linh hoạt nhận thức, tức là khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Các phân tích cũng cho thấy não bộ được bớt gánh nặng đối với những việc cần đến trí nhớ.
Những thử nghiệm đã được tiến hành ở Tây Ban Nha, và Aelis Farma dự định mở rộng thử nghiệm vào năm 2025 với nhiều bệnh nhân hơn ở các quốc gia Châu Âu khác. AEF0217 tác động đến các thụ thể CB1, giúp điều hòa nhiều chức năng trong cơ thể như trí nhớ và tâm trạng mà không làm gián đoạn hoạt động bình thường của chúng.
Những người mắc hội chứng Down có thể không phải là những bệnh nhân duy nhất được hưởng lợi từ phương pháp điều trị mới này. Aelis Farma đã thu thập được số liệu cho thấy về tính hiệu quả của AEF0217 đối với rối loạn nhận thức hoặc các rối loạn liên quan đến tuổi tác, chẳng hạn như trong giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer. Hãng dược phẩm hiện đang tiến hành các nghiên cứu tiền lâm sàng để xác định những tác dụng mới, chẳng hạn như đối với rối loạn nhận thức trong bệnh Parkinson hay tâm thần phân liệt.
Phan Minh