Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đã có những ý kiến bất đồng, thậm chí trái chiều khi nhìn lại thân thế, sự nghiệp và di sản của cố Chủ tịch Việt Nam, Đại tướng Lê Đức Anh.

lda1

Đại tướng Lê Đức Anh tặng hồi ký cho Thư viện Quân đội hồi tháng 1/2016

Hôm 02/05/2019, tại Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt từ London, một khách mời từ Viện Nghiên cứu Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tá Phạm Hữu Thắng phát biểu mở đầu Tọa đàm nói :

"Về sự nghiệp của tướng Lê Đức Anh thì ông sinh ra tại Huế. Ông là người vào Đảng rất sớm. Ông đã tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và bảo vệ biên giới phía Bắc Việt Nam. Có thể nói cuộc đời của ông là cuộc đời binh nghiệp là chủ yếu. Sau đó ông giữ cương vị Chủ tịch nước.

"Những năm sau này, có thể nói trong cuộc đời của ông thì ông luôn ở chiến trường gian khó, những nơi chiến sự ác liệt. Ông là người hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước giao cho. Có thể nói ông là người có công lao rất lớn với quân đợi cũng như nhà nước Việt Nam".

Khi được hỏi có điều gì gây tranh cãi trong thân thế, sự nghiệp của ông Lê Đức Anh hay không, Đại tá Phạm Hữu Thắng nói :

"Gây tranh cãi thì từ xưa đến nay thì cũng có nhiều ý kiến đồn đoán và nhiều sự việc lâu rồi. Nhưng cái đó cũng chưa có phát ngôn chính thức của Đảng cho nên tôi cũng không nắm rõ".

lda2

Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình là cựu sĩ quan quân đội và con gái của cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, con gái của cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, từ Hà Nội nói :

"Khi nói về ông Lê Đức Anh thì rất nhiều ý kiến mâu thuẫn với nhau. Gần đây nhất thì có cái việc ra đời cuốn sách "Gạc Ma, vòng tròn bất tử". Trong đó có ông Thiếu tướng anh hùng Lê Mã Lương, Chủ nhiệm Bảo tàng Quân đội cùng biên soạn xuất bản cuốn đó. Hiện tượng này gây ra tranh luận rất là nhiều. Mà thậm chí có người đòi cấm quyển sách đấy.

"Nhưng trong đấy nội dung là việc Trung Quốc đánh đảo Gạc Ma của Việt Nam thì do một nguyên nhân là ông Lê Đức Anh không cho nổ súng để đánh lại Trung Quốc. Đúng như ông Thắng vừa nói, không có một xác minh nào chính thống trên văn bản hay báo chí của nhà cai trị. Thành ra nó vẫn là tin đồn. Trên mạng có những ghi âm hoặc thư tố cáo ; những gì nói về ông Lê Đức Anh là người rất ham quyền lực, sẵn sàng triệt bỏ những người chia quyền lực với mình".

"Có một điều tôi nghe chính thức từ bố tôi. Cụ đã từng nói trên các kênh ở trên mạng, một là lý do ông Lê Đức Anh không cho nổ súng ở Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa. Thứ hai là ông cụ tôi với một số ông lão thành cách mạng ký vào bảng kiến nghị nói là ông Đức Anh có một lịch sử không minh bạch. Ví dụ là ngày trước chưa bao giờ ông được kết nạp vào Đảng nhưng sau đó thừa nhận ông là Đảng viên. Đề nghị Ban tổ chức trung ương xem xét vấn đề đấy. Nhưng chỉ đưa lên các thông tin của người dân thôi. Không có thông tin ai trả lời chính thống hay cái gì cả. Những việc đấy cứ tồn tại mãi trên mạng. Cái đấy đúng là gây tranh cãi rất nhiều mà không có câu trả lời chính thức".

'Để lại nhiều nghi ngờ'

Cũng từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, người gần đây có nhiều bài viết phản biện về Đảng Cộng sản Việt Nam và sự lãnh đạo, cầm quyền của đảng này, nói :

"Tôi tán thành ý kiến của chị Nguyên Bình là cuộc đời của ông Lê Đức Anh để lại nhiều nghi vấn, nhiều thắc mắc ở trong nhân dân. Ông ấy xuất thân từ anh cai đồn điền cao su. Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, thì ông vận động công nhân, rồi ông đi theo kháng chiến. Sau này thì từ việc tham gia kháng chiến, tham gia quân sự như thế, ông ấy cứ lên dần dần. Rồi đến lúc ông được phong chỉ huy quân sự của Tỉnh. Lúc ấy tự nhiên là người ta cứ tưởng rằng ông phải là một Đảng viên và người ta mời ông sinh hoạt. Tự nhiên ông sinh hoạt Đảng. Và sau này trong cái lý lịch thì bảo rằng ông ấy được kết nạp vào Đảng năm 1938. Nhưng nói rằng hồ sơ không có".

lda3

Giáo sư Nguyễn Đình Cống có nhiều bài viết phản biện về Đảng Cộng sản Việt Nam

Khi được hỏi về bằng chứng, hay cơ sở cho các nhận định trên, Giáo sư Nguyễn Đình Cống nói :

"Không, tôi không có. Thật tình phải nói như thế. Nếu có tôi đã tung ra rồi. Tôi cũng chỉ nói theo dư luận thôi. Đặc biệt có một con người cũng tương đối rõ là ông Nguyễn Khắc Mai, ít hơn ông Lê Đức Anh vài ba tuổi, cũng là người Thừa Thiên Huế. Vừa rồi ông Nguyễn Khắc Mai có viết một bài là "Kỳ quặc, người đồng hương của tôi", ông ấy thắc mắc.

"Thế thì chuyện mà ông Lê Đức Anh không phải là Đảng viên, không được kết nạp vào Đảng lúc nào cả thì người ta nói nhiều lắm rồi. Nhưng cái này tôi cũng chỉ nghe thôi rằng sau đó thì ông Đỗ Mười, lúc ông làm Tổng bí thư ông ấy gạt đi. Ông bảo người hoạt động xứng đáng là Đảng viên quá còn gì, cứ coi như là ông ấy vào Đảng, và rồi ông ấy thành Ủy viên Bộ chính trị, rồi làm Chủ tịch nước. Đấy là một chuyện.

"Nhưng qua việc ông Lê Đức Anh, người ta thấy đấy là sự trưởng thành của một Đảng viên điển hình. Nghĩa là từ một anh công nhân, hăng hái, từ một anh học hành chẳng có bao nhiêu, trưởng thành trong công tác, chiến tranh, trong thực tế, rồi giai cấp, người của giai cấp, lập trường giai cấp, hăng hái chiến đấu thì được đề bạt lên".

Phản biện lại các ý kiến ở trên, Đại tá Phạm Hữu Thắng nói :

"Thứ nhất về ý kiến ông Lê Đức Anh không cho nổ súng ở Gạc Ma thì tôi phản bác ý kiến này. Bởi vì tôi đã được đọc các tổng kết của Quân chủng hải quân về sự kiện 1988. Sự kiện ấy là lúc mà chúng ta đưa bộ đội ra xây dựng căn cứ hậu cần ở các đảo ngầm. Lúc đó Trung Quốc cũng đổ quân và thực hiện các hành động chiếm các đảo ngầm. Và hai bên tranh chấp nhau ở Gạc Ma. Và thực tế trong các tổng kết, lúc đó trong nhiệm vụ của Hải quân và đưa các tàu hậu cần, lực lượng công binh và hải quân đến xây dựng các nơi trú quân để mà chiếm giữ cắm cờ.

"Chúng ta [Việt Nam] có mang theo súng bộ binh, mang theo của các tàu vận tải, chứ không có tàu chiến v chúng ta tránh những xung đột lớn. Nếu xung đột lớn thì thực ra với tiềm lực hải quân của chúng ta mà xung đột lớn, chúng ta sẽ mất hết đảo. Chúng ta kiềm chế trong phạm vi xây dựng những đồn trú.

"Chứ còn có một lệnh như thế thì tôi đã xem hết những lịch sử hải quân, cũng như các tổng kết của các đơn vị hải quân tham gia sự kiện 1988, thì Bộ tư lệnh hải quân trong sự kiện ấy đã thành lập một Bộ tư lệnh Tiền phương ở trong Cam Ranh, Nha Trang, chỉ đạo việc xây dựng đảo ngầm và chiến đấu với Trung Quốc. Tôi đọc tài liệu như thế tôi không thấy có một quyết nghị nào, cũng như mệnh lệnh nào là cấm nổ súng.

'Không có lý do gì ?'

lda4

Đại tá Phạm Hữu Thắng là nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam

Khi được hỏi vì sao "không nổ súng" và trước câu hỏi của khán giả gửi Bàn tròn BBC hỏi "liệu như thế thì phải chăng Tướng Lê Mã Lương đã nói sai", Đại tá Phạm Hữu Thắng đáp :

"Chúng ta cũng có nổ súng bộ binh chứ không phải là không nổ súng. Nhưng bởi lực lượng của Trung Quốc áp đảo và chúng ta chỉ có tàu vận tải nên không thể chống đỡ nổi hoạt động quân sự của Trung Quốc ở thời điểm đó".

Về thân nhân và lý lịch Đảng của ông Lê Đức Anh, nhà nghiên cứu từ Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam nói :

"Thực ra tin này cũng đồn thổi trong nhân dân rất nhiều. Với quan điểm của tôi, khi Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, thì thu phục rất nhiều lực lượng từ người nông dân, trí thức, cả những người theo lính cho Pháp của chính quyền bên kia để tham gia một cuộc kháng chiến. Sau này, họ có những người trở thành tướng lĩnh, và trong quá trình phấn đấu vì sự sống còn của dân tộc, họ đã trưởng thành.

"Còn có hay không việc ông Lê Đức Anh không vào Đảng thì nó chỉ là đồn thổi thôi, tôi không dám khẳng định là có hay không. Nhưng với công lao của ông như thế, và được trưởng thành trong lò lửa của cuộc kháng chiến như thế, ông trưởng thành từng bước như thế ; và sau này khi ở cương vị cao, ông vẫn là người có trách nhiệm với quốc gia. Và ông có những công lao rất to lớn trong việc xây dựng đất nước. Nếu chúng ta đặt lại vấn đề đó, thì mục đích cũng không được trong sáng".

Khi được hỏi liệu lý lịch Đảng của ông Lê Đức Anh là rõ ràng, không có vấn đề hay là không, Đại tá Phạm Hữu Thắng nói tiếp :

"Bởi vì tôi không nắm được, và cái đấy là tin đồn. Cái đấy là cơ quan tổ chức Đảng thì người ta sẽ phải nắm. Và rõ ràng với một người được tôi luyện như thế và được trưởng thành trong tổ chức như thế, thì không có lý do gì họ lại làm gián điệp, phản động Tổ quốc được".

lda5

Giáo sư Ngô Vĩnh Long là sử gia từ Đại học Maine, Hoa Kỳ

Từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nêu quan điểm :

"Nước ta có câu "Sông có lúc, người có khúc". Khi ta đánh giá cống hiến của người nào thì chúng ta phải nói các giai đoạn khác nhau. Có giai đoạn tích cực và có giai đoạn không có những cống hiến tốt. Giai đoạn tích cực của ông Lê Đức Anh là khi ông ấy làm tham mưu trưởng ở Quân đội giải phóng miền Nam từ năm 1964 đến năm 1974. Lúc đó ông cũng là Phó tư lệnh Quân đội giải phóng miền Nam.

"Trong giai đoạn này, ông có nhiều cống hiến tốt. Và đặc biệt là sau Hiệp định Paris, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh Quân đội Sài Gòn đi đánh các vùng của Mặt trận giải phóng. Họ gọi là Hành quân tràn ngập lãnh thổ và Mỹ không biết cho bao nhiêu súng ống, đạn dược. Và chính các tư liệu của Mỹ nói là phần lớn những cuộc tấn công này là do ông Thiệu gây nên. Và bên Việt Nam thiệt hại rất nhiều. Ngoài Bắc thì bảo là không được tấn công lại, không được đánh lại, không được đánh các đồn của Sài Gòn.

"Nhưng cuối cùng, với sự đồng ý của ông Võ Văn Kiệt và một số người khác, thì cuối năm 1973, ông Lê Đức Anh chỉ huy đánh lại. Và khi chỉ huy đánh lại thì quân đội của Sài Gòn nhiều nơi tan rã. Cái này dẫn đến cuối cùng là chiến tranh đã được kết thúc. Nếu không có sự đánh lại dưới sự chỉ huy của ông Lê Đức Anh, chưa chắc gì bộ đội của Mặt trận giải phóng miền Nam có thể sống còn trong giai đoạn rất là khó khăn này. Cái đó là giai đoạn tích cực.

"Còn giai đoạn tôi nghĩ là ông Đức Anh làm nhiều sai lầm là khi ông có trách nhiệm ở Campuchia. Từ cuối năm 1979, thì ông đã đề ra chủ tương khóa chặt biên giới, xây dựng phòng thủ biên giới với mật danh là K5, bằng cách bắt nhiều người dân địa phương chặt cây, chặt từ rừng núi, chặt xuống đến đồng bằng. Nhiều tài liệu nước ngoài nói cái bề dài của tuyến phòng thủ là 1.200km, nhưng mà đặc biệt là từ tháng 7/1984, 700km được xây dựng bằng cách chặt rừng và từ đó là 700km, và bề rộng là 500 thước.

"Trong cái bề rộng này, mỗi một cây số phía Việt Nam chôn 3.000 mìn. Vì chôn mìn như thế, sau này gây ra rất nhiều thương vong cho người Campuchia. Có một số tài liệu cho rằng năm 1990, có 6.000 người Campuchia bị thương vong, nhiều người phải cắt bỏ chân. Đây là vấn đề gây nhiều căng thẳng giữa Việt Nam với Campuchia, cũng như là Việt Nam mất sự ủng hộ trên thế giới".

'Không có lửa, sao có khói ?'

Về bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ của Việt Nam và vài trò của ông Lê Đức Anh, Đại tá Phạm Hữu Thắng nói :

"Có thể nói nhiệm kỳ mà ông Lê Đức Anh làm chủ tịch nước thì Việt Nam đã bình thường hóa được quan hệ với hai nước lớn là Trung Quốc và Mỹ. Và ông Lê Đức Anh cũng là người đầu tiên đến trụ sở Liên Hiệp Quốc sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Và ông Lê Đức Anh là một trong những người đầu tiên có những đóng góp trong việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Thế còn tranh luận về việc quan hệ với Trung Quốc thì lại coi ông ấy là "Việt gian" thì tôi cho rằng cái đấy cũng không thật đúng đắn".

Khi được mời trao đổi lại, Giáo sư Nguyễn Đình Cống nói :

"Trong nhân dân thì có những chuyện nói như thế nhưng mà không thể kết luận như thế được. Nhưng mà rõ ràng người mà "móc ngoặc" để làm nối với Trung Quốc, việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc là việc tốt, nhưng để cho Việt Nam lệ thuộc nhiều quá vào Trung Quốc thì đấy là chuyện dở. Nếu như việc bình thường ấy mà mang lại một sự bình đẳng hợp tác tương trợ lẫn nhau thì rất đẹp, ví dụ như là bình thường hóa quan hệ với Mỹ chẳng hạn.

"Nhưng mà bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc đưa cho Việt Nam ở cái thế là bị lệ thuộc nhiều hơn và hiện nay nói dẫn tới rất nhiều lĩnh vực của Việt Nam bị lệ thuộc vào Trung Quốc, thì cái ấy nó không tốt".

lda6

Bộ đội Việt Nam rút quân khỏi Campuchia

Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình bình luận thêm :

"Tôi nghĩ là những chuyện người ta đồn đoán trong dân gian thì trong tục ngữ Việt Nam có câu "không có lửa làm sao có khói", nó phải có vấn đề gì chứ. Thế tại sao người ta không đồn người khác ?

"Nhưng mà tại vì thế này, đã bảo từ trước đến nay chưa bao giờ có một cái sự minh bạch, chưa có sự công nhận một cách chính thống nào cả cho nên là chỉ có thể nói đến thế thôi".

Về di sản và bài học rút ra từ cuộc đời, sự nghiệp của ông Lê Đức Anh, Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Mỹ nói :

"Tôi nghĩ rằng vấn đề đối đãi với các nước láng giềng thì nên học một bài học về sự đối đãi của ông Lê Đức Anh ở bên Campuchia và tại sao nó gây khó khăn cho Việt Nam sau này. Thành ra tôi nghĩ là phải nghiên cứu kỹ về vai trò của ông Lê Đức Anh ở Campuchia, đặc biệt là từ năm 1981 cho đến năm 1986 lúc ấy ông là tư lệnh quân đội Việt Nam ở bên đó. Và những gì ông đã làm ở bên đó như là bắt bớ một số lãnh đạo ở bên Campuchia… thì tôi nghĩ Việt Nam nên học bài học này và không nên đối đãi với các nước anh em của mình theo kiểu như vậy.

"Liên quan Hội nghị Thành Đô (1990), ông Lê Đức Anh được cử sang để liên lạc với bên Trung Quốc, bên Trung Quốc phải có tin tưởng gì ông thì Việt Nam mới cử sang. Còn như mà Trung Quốc không tin tưởng như là trong vấn đề với bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch thì sau hội nghị đó bên Trung Quốc bắt Việt Nam phải đuổi ông Nguyễn Cơ Thạch ra khỏi bộ chính trị. Nếu chúng ta so sánh vấn đó ta hiểu rằng là vai trò của ông Lê Đức Anh là như thế nào. Nhưng tôi muốn nói thêm một vấn đề nữa là vấn đề bình thường hóa với Trung Quốc và Mỹ sẽ không có được nếu không có vấn đề Việt Nam đã vận động tốt các nước trong ASEAN. Các nước trong ASEAN đã ủng hộ Việt Nam, tất cả các nước đó đã bỏ vấn đề cấm vận với Việt Nam, tất nhiên là Mỹ và Trung Quốc không thể tiếp tục được nữa. Lúc đó Mỹ và Trung Quốc thấy là phải làm sao bỏ chính sách chống Việt Nam. Nhưng mà lý do Trung Quốc làm được như vậy là bởi vì bên Việt Nam chịu nhượng bộ rất nhiều ở bên Campuchia và các nơi khác".

lda7

Chủ tịch Việt Nam Lê Đức Anh, Tổng Bí thư Đỗ Mười tiếp Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân

Giáo sư Nguyễn Đình Cống nêu quan điểm :

"Tôi đang suy nghĩ xem thử ông Lê Đức Anh có để lại một cái gì cho dân tộc Việt Nam hay không thì tôi thấy chung chung qua những ý người ta đánh giá ông Lê Đức Anh không cao lắm. Có thể đối với đảng Cộng sản, đặc biệt là đối với lãnh đạo đảng Cộng sản hiện nay người ta đề cao quan hệ với Trung Quốc, vì thế mà người ta đánh giá cao ông Lê Đức Anh. Còn những người đảng viên hoặc quần chúng hoặc nhân dân mà người ta không thích thú lắm cái chuyện quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay thì người ta lại xem ông Lê Đức Anh là người mà có nhược điểm".

'Đặt vào bối cảnh và viễn thị'

Đại tá Phạm Hữu Thắng nói :

"Thời điểm chúng ta bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1991 cũng là thời điểm sau đó chúng ta bình thường hóa quan hệ với Mỹ là thời điểm kinh tế đất nước đang ở thời điểm hết sức khó khăn, bị hai nước cấm vận. Có lẽ là không ai thấu hiểu bằng những người lính chúng tôi trong cái điều kiện của những năm tháng đó. Những năm tháng mà miền Bắc thiếu từ các kim, hộp thuốc đánh răng, nhân dân trước năm 1986 thì đói kém, và một đất nước sau chiến tranh mà bị cấm vận của các nước lớn như thế rồi bị chiến tranh ở hai đầu như thế nó đang cực kỳ khó khăn.

"Việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc cũng như với Mỹ là yêu cầu cấp thiết. Và thực ra thì sau này bản thân chúng tôi thấm trải cái xung đột của ta [Việt Nam] với Trung Quốc, quan hệ Việt Nam với Trung Quốc nó trục trặc thì nền kinh tế của chúng ta nó ọp ẹp. Do đó, điều kiện như thế mà bây giờ chúng ta lại đổ lỗi cho đồng chí Lê Đức Anh trong việc thân Trung Quốc thì tôi cho rằng cái đấy là không đúng. Và cũng cái thời điểm như thế, ông cũng là Chủ tịch nước và cũng là thời điểm bình thường hóa quan hệ và tạo ra quan hệ tốt đẹp với Mỹ thì chúng ta lại chỉ lấy cái gán cho "thân Trung Quốc" rồi "lệ thuộc Trung Quốc" mà chúng ta đã đổ lỗi cho ông Lê Đức Anh thì tôi cho rằng cái đấy không phù hợp".

Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình phát biểu :

"Từ lâu lắm tôi đã đọc ở đâu đấy một câu nói người ta nói là lịch sử là một "sinh vật viễn thị". Cho nên người ta muốn đánh giá lịch sử cho đúng thì người ta phải lùi ra rất xa. Bây giờ tôi nghĩ trong thời đại này, thời đại Internet, rồi được cởi mở hơn trước thì người ta nhìn nhận lịch sử phải khác. Mà thời gian đã lùi xa rồi thì có rất nhiều cái ngày xưa người ta là tốt thì bây giờ nó thành là bị hỏng, cả những con người cũng thế.

"Công tội thì tôi nghĩ là theo cái cách để mà đánh giá chung, đúng đắn, thì phải rõ ràng. Ngay phía bên Trung Quốc, ông Mao là một ông to lớn được gọi là nổi bật nhất của Trung Quốc thì người ta còn dám viết ra quyển sách là "Công bảy, tội ba". Thế thì bây giờ những nhân vật như từ ông Lê Đức Anh trở lên thì đáng lẽ phải công khai, phải có đánh giá công tội, nhất là bây giờ ông ấy mất rồi thì "Cái quan định luận", tức là đóng nắp quan tài rồi sẽ đánh giá.

"Chứ bây giờ cứ nói một người này tài giỏi quá, lộng lẫy quá, rất là nhiều công lao nhưng mà khuyết điểm của người ta ở đâu cũng không được công khai hóa những chuyện đấy. Thì cái đó tôi thấy là lịch sử cũng chưa đúng đắn mà phải đến một lúc nào đó vấn đề gì cũng phải được công khai hóa và vấn đề lịch sử phải đánh giá cho khách quan hơn bây giờ, chứ bây giờ là chưa khách quan".

Đưa ra nhận xét cuối cùng tại cuộc Tọa đàm, Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Mỹ nói :

"Tôi đồng ý với ý kiến vừa mới đưa ra, chỉ xin nói thêm như thế này. Nếu mà những tài liệu ở trong nước chưa đưa ra được thì những người nghiên cứu cũng nên dùng tài liệu của nước ngoài ; là bởi vì những tài liệu về những cống hiến của ông Lê Đức Anh ở nước ngoài cũng có rất là lạ".

Mời quý vị theo dõi toàn văn cuộc Tọa đàm Bàn tròn về Di sản Đại tướng Lê Đức Anh tại đây.

Quốc Phương thực hiện

Nguồn : BBC, 05/05/2019

Published in Diễn đàn
jeudi, 25 avril 2019 16:20

Di sản Lê Đức Anh

LTS/TL : Nhân dịp ông Lê Đức Anh qua đời chúng tôi đăng lại bài sau đây để nhắc lại trách nhiệm của ông Lê Đức Anh đối với đất nước trong một khúc quanh lịch sử quan trọng.

Lê Đức Anh đã là nhân vật quyền lực nhất trong chế độ cộng sản Việt Nam trong giai đoạn Liên Bang Xô Viết suy yếu rồi sụp đổ và nhiều năm sau đó. Quyền lực của ông có thể còn hơn cả hai tổng bí thư đảng Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười cùng thời với ông. Sau khi chính thức về hưu năm 2001, Lê Đức Anh vẫn còn tiếp tục chi phối quyền lực trong hậu trường cho đến đại hội 11 của Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 2011. Với ảnh hưởng đó Lê Đức Anh đã có thể chọn con đường dân chủ và đi vào lịch sử như một con người mở ra một giai đoạn vinh quang cho đất nước, nhưng ông đã chọn hàng phục Trung Quốc. Lê Đức Anh không gian nhưng thiển cận và đã đặt Đảng Cộng Sản lên trên đất nước. Ông sẽ được nhớ tới như một người đã góp phần quyết định đưa đất nước vào thảm kịch tụt hậu, mất chủ quyền, mất đất, mất đảo và mất biển.

Cũng cần lưu ý là chính Lê Đức Anh và Nguyễn Văn Linh đã giúp cho Trung Quốc có mặt tại Trường Sa từ năm 1988 sau khi đánh chiếm một số đảo của Việt Nam. Trung Quốc đã dựa vào sự kiện này để vẽ ra đường lưỡi bò và xấc xược tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông.

Nếu chính quyền cộng sản Việt Nam làm quốc táng cho Lê Đức Anh thì đó sẽ là một xúc phạm lớn đối nhân dân và lịch sử.

Thông Luận

*****************

Một nghi vấn về Trường Sa

Nguyễn Gia Kiểng, tháng 3/2013

So với những thiệt hại mà Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh đã gây ra cho đất nước việc Mạc Đăng Dung dâng đất cầu hòa hồi thế kỷ 16 chẳng thấm vào đâu.

lda33

Hai người có trách nhiệm lớn nhất trong chọn lựa phục tùng Trung Quốc, mà sự nhượng bộ tại Trường Sa là hệ quả, là Nguyễn Văn Linh (trái) và Lê Đức Anh (phải).

Tháng 3 này là tròn 25 năm ngày hải quân Trung Quốc đánh chiếm nhiều đảo đá ở Trường Sa làm 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam thiệt mạng. Đây là dịp để đặt ra một câu hỏi lớn và nghiêm trọng : Trung Quốc đã thực sự lấn chiếm Trường Sa hay đã có thỏa hiệp ?

Thỏa hiệp có thể chỉ là một thỏa hiệp ngầm không thành văn tự, mà có thể cũng không cần được nói ra một cách minh bạch để ai đó có thể ghi lại nguyên văn trong một báo cáo hay một hồi ký. Nó có thể là sự hiểu ngầm giữa hai bên sau nhiều trao đổi.

Đàng nào thì câu hỏi cũng rất nghiêm trọng. Nếu câu trả lời là Trung Quốc đã thực sự đánh chiếm Trường Sa thì có lý do gì để Việt Nam chủ trương "giữ nguyên trạng" trên Biển Đông như lời ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và hơn thế nữa còn trân trọng tình hữu nghị "4 tốt, 16 chữ vàng" ?

Còn nếu ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã thỏa thuận, dù là thỏa thuận ngầm, nhượng cho Trung Quốc một phần Trường Sa thì họ đã mang một tội vô cùng lớn. Không phải chỉ là tội phản trắc đối với các chiến sĩ hải quân đã hy sinh tính mạng. Cũng không phải chỉ là tội làm mất một số đảo đá mà còn là, và nhất là, tội đã làm mất quyền lợi vô cùng lớn của Việt Nam trên Biển Đông. Trước năm 1988 Trung Quốc không có mặt tại Trường Sa, chỉ sau khi đã lấy được một số đá của Việt Nam họ mới có lý cớ để vẽ ra cái lưỡi bò liếm gần hết Biển Đông. Tình trạng này đặt Việt Nam trong thế phải mãi mãi tranh chấp với Trung Quốc trên một vùng biển đáng lẽ ra đương nhiên là của mình.

Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma 1988 - VTV 15/03/2016

Trước mọi thảo luận chúng ta có thể khẳng định hai điểm.

Một là, đối với các chiến sĩ hải quân đã chiến đấu tại Trường Sa ngày 14/03/1988, nhất là đối với 64 người đã hy sinh, Trung Quốc đã lấn chiếm thực sự và họ đã chiến đấu để bảo vệ tổ quốc. Sự hy sinh của họ phải được ghi nhận trọn vẹn. Nhưng họ có thể không biết những tính toán của ban lãnh đạo cộng sản.

Hai là chắc chắn ít ra đã có sự chấp nhận, dù là miễn cưỡng, để Trung Quốc chiếm một số đá trong vùng của Việt Nam để có mặt tại Trường Sa. Bằng cớ là Trung Quốc đã đưa hải quân đến Trường Sa ngay từ đầu năm 1988 và trong hai tháng 1 và 2 đã chiếm nhiều đá trong khu vực thuộc Việt Nam nhưng chính quyền cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn không có phản ứng nào. Nếu họ dừng lại ở đó thì đã không có vấn đề gì. Hải chiến chỉ đã xảy ra ngày 14/03/1988 khi Trung Quốc tấn công ba đảo đá mà hải quân Việt Nam đang trấn giữ: Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin.

Các diễn biến tại Trường Sa đã xảy ra như thế nào ? Theo những tài liệu của chính quyền Việt Nam thì từ đầu năm 1988 hải quân Trung Quốc đã đến vùng Trường Sa của Việt Nam. Ngày 31/01 họ chiếm đá Chữ Thập phía Bắc đảo Trường Sa Đông, ngày 18/02 chiếm đá Châu Viên, ngày 26/02 chiếm đá Ga Ven sâu trong khu vực Việt Nam ngay kế bên đảo Nam Yết, ngày 28 chiếm đá Tư Nghĩa (Hughes) kế cận và ở giữa hai đảo Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông. Chính quyền Việt Nam hoàn toàn không có phản ứng nào dù những đá này đều là những đá mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền và thuộc hải phận Việt Nam tính từ các đảo mà Việt Nam đã có chủ quyền từ lâu. Sự im lặng này không thể có giải thích nào khác hơn là một sự chấp nhận, nếu không phải là một thỏa hiệp từ trước.

Đầu tháng 3, Trung Quốc lại tăng cường thêm lực lượng hải quân lên đến 12 tầu chiến. Ngày 14/03 hải quân Trung Quốc tiến đánh các đá Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin, bắn chìm ba tầu HQ-604, HQ-505 và HQ-605 đang trấn giữ. Lực lượng quá chênh lệch đã khiến hải quân Việt Nam không gây được một thiệt hại nào cho phía Trung Quốc. Điều lạ là dù đã đánh bại hoàn toàn lực lượng phòng vệ Việt Nam Trung Quốc chỉ chiếm đá Gạc Ma, được coi là có vị trí quan trọng nhất, mà không chiếm hai đá Len Đao và Cô-Lin. Ngày 23/03 họ chiếm thêm đá Xu Bi. Mãi đến ngày 31/03, vào lúc trận chiến đã chấm dứt hẳn từ hai tuần rồi, một lực lượng nhỏ của hải quân Việt Nam mới được điều động đến nơi nhưng cũng tránh đụng độ với tầu Trung Quốc.

Những sự kiện quá không bình thường trong biến cố này buộc người ta phải đặt câu hỏi phải chăng giữa lãnh đạo hai bên đã có thỏa hiệp.

Tại sao chính quyền cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn không có phản ứng nào, kể cả lên tiếng phản đối, trong suốt hai tháng đầu năm 1988 khi Trung Quốc tuần tự chiếm đóng đá này rồi đá khác trong khu vực của mình ? Cũng nên biết là chính quyền cũng như các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn im lặng trước cũng như sau biến cố này, chỉ có bộ ngoại giao ra một tuyên bố phản đối có lệ ngày 14/03. Rồi thôi.

Tại sao Trung Quốc mặc dù đã đánh bại hoàn toàn hải quân Việt Nam lại chỉ chiếm đá Gạc Ma chứ không chiếm hai đá Len Đao và Cô Lin ? Sau này bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng họ lấy làm tiếc rằng đã có sự "hiểu lầm" để xẩy ra đụng độ chứ họ không có ý định đánh chiếm những đảo và đá mà Việt Nam có đóng quân (dầu vậy họ vẫn giữ Gạc Ma). Như vậy nếu "hiểu đúng" thì họ có thể chiếm các đá khác mà không xẩy ra đụng độ ? Người ta càng có thêm lý do để tin rằng đã có thỏa hiệp.

Câu hỏi lớn nhất là tại sao không quân Việt Nam đã không tham chiến dù chỉ cách Trường Sa một giờ bay và có thừa khả năng tiêu diệt nhanh chóng toàn bộ lực lượng hải quân Trung Quốc có mặt tại trận lúc đó mà không chịu một thiệt hại nào. Trường Sa nằm ngoài tầm hoạt động của không quân Trung Quốc, các tầu chiến Trung Quốc tại đó cũng quá sơ sài để có thể đương đầu với máy bay chiến đấu. Lý do chỉ có thể là vì không quân Việt Nam đã nhận được lệnh cấm tham chiến và lệnh này chỉ có thể đến từ ông Lê Đức Anh, lúc đó vừa là bộ trưởng quốc phòng vừa là cánh tay mặt của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nên lấn át cả ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch về mặt đối ngoại. Mặt khác Trung Quốc cũng phải tin là không quân Việt Nam sẽ không can thiệp mới dám hành động như thế.

Tất cả những sự kiện trên đây đã quá đủ để tin là giữa hai chính quyền đã có thỏa hiệp để Trung Quốc chiếm một phần Trường Sa, nhưng bối cảnh quan hệ Việt Trung vào lúc đó còn hỗ trợ hơn nữa giả thuyết này.

Cần nhớ lại là chiến thắng 30/04/1975 đã khiến Đảng Cộng Sản Việt Nam hân hoan đến mức gần như mất trí. Họ tin mình là thiên tài, chủ nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng, phong trào cộng sản do Liên Xô lãnh đạo sắp thành công đến nơi, chủ nghĩa tư bản đang giãy chết. Họ đặt điều kiện để cho phép Mỹ được bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Lúc đó họ đã đứng hẳn về phía Liên Xô trong cuộc xung đột giữa hai đàn anh, quan hệ của họ đối với chế độ cộng sản Trung Quốc đã chuyển sang thế kình địch. Trong Đại hội IV cuối năm 1976 của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Trung Quốc không gửi phái đoàn sang tham dự. Dầu vậy Đảng Cộng Sản Việt Nam bất chấp Trung Quốc. Đại hội IV đã là đại hội liên kết toàn diện và tuyệt đối với Liên Xô, thách thức cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc. Tháng 11/1978 Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gia nhập khối COMECON và ký hiệp ước liên minh quân sự với Liên Xô ; tháng sau quân Việt Nam tràn qua Campuchia và đánh gục chế độ Khmer Đỏ thân Trung Cộng. Tháng 2/1979 Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc. Mặc dầu bị thiệt hại nặng, chế độ cộng sản Việt Nam huênh hoang là đã chiến thắng ; họ hoàn toàn tin tưởng vào hiệp ước liên minh quân sự với Liên Xô. Năm 1980 một hiến pháp mới của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành với lời nói đầu coi "bọn bá quyền Trung Quốc" là kẻ thù. Năm 1982 tại Đại hội đảng lần thứ 5, các phần tử bị coi là thân Trung Quốc bị thanh trừng, trong đó có cả Nguyễn Văn Linh. Bản điều lệ đảng cũng được sửa đổi để tuyên chiến với Trung Quốc.

Sự thức dậy đã rất kinh hoàng. Liên Xô sụp đổ thay vì toàn thắng. Tháng 4/1984 Trung Quốc tung đợt tấn công thứ 3 kéo dài hơn ba tháng vào Việt Nam, với cao điểm là trận Lão Sơn được Trung Quốc coi là một chiến thắng lịch sử của họ trong đó báo chí Trung Quốc cho biết là ba quân đoàn của họ đã đánh gục ba sư đoàn Việt Nam. Hà Nội cầu cứu Liên Xô để chỉ được trả lời rằng Liên Xô đã kiệt quệ và Việt Nam nên cố gắng để thương thuyết với Trung Quốc. Lúc đó Liên Xô đang sa lầy thê thảm tại Afghanistan, Brezhnev đã chết và Andropov đang cố gắng hòa giải với Trung Quốc. Trong cơn hoảng loạn tuyệt vọng đó, ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam đã âm thầm lấy quyết định đầu hàng, và đối sách với Trung Quốc đã thay đổi hẳn từ tháng 7/1984. Xấc xược nhường chỗ cho khúm núm, thách thức nhường chỗ cho van xin. Hà Nội khẩn khoản xin hòa và Trung Quốc đắc thắng làm cao.

Năm 1985 Nguyễn Văn Linh, người đã thất sủng vì thân Trung Quốc, được đưa trở lại bộ chính trị và làm thường trực ban bí thư, năm sau lên làm tổng bí thư. Trung Quốc chỉ chấp nhận nói chuyện với những cấp lãnh đạo Việt Nam do họ chọn. Trong cuốn Hồi Ức và Suy Nghĩ của ông Trần Quang Cơ, thứ trưởng ngoại giao đặc trách quan hệ Việt Trung, tiết lộ : "từ năm 1980 đến năm 1988 ta đã ngót hai mươi lần đề nghị đàm phán, Trung Quốc chỉ làm ngơ". Đúng ra là từ 1984, vì trước đó Việt Nam không sợ Trung Quốc. Còn 1988 ? Đó là năm Trung Quốc xâm chiếm Trường Sa.

Có mọi xác xuất Trường Sa đã là cái giá mà chế độ cộng sản Việt Nam phải trả để được bình thường hóa quan hệ đối với Trung Quốc. (Theo Trần Quang Cơ thì phải nói là để được lệ thuộc Trung Quốc mới đúng). Người ta có quyền và phải tin như thế vì chỉ hai tháng sau, ngày 25/05/1988, bộ chính trị họp và ra Nghị Quyết 13 khẳng định phải "phấn đấu bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, mọi vấn đề khác đều có thể giải quyết sau". Các nghị quyết chiến lược của bộ chính trị đều được chuẩn bị rất lâu trước khi công bố. Tháng 9, hiến pháp Việt Nam được tu chỉnh để bỏ đoạn coi Trung Quốc là kẻ thù. Thật là kỳ diệu, Trung Quốc không còn là kẻ thù sau khi đã đánh chiếm Trường Sa ! Cũng kể từ đó đàm phán giữa hai bên đã tăng vận tốc để nhanh chóng tiến đến tình hữu nghị "4 tốt, 16 chữ vàng".

Cho dù có những dữ kiện hội tụ đến đâu đi nữa thì cho đến khi các hồ sơ được mở ra và các nhân chứng có đủ mạnh dạn để nói hết những điều họ biết, đây cũng chỉ mới là một giả thuyết, dù là một giả thuyết gần như chắc chắn đúng, nhất các tiết lộ lẻ tẻ của những người trong cuộc ngày càng xác nhận chính ông Lê Đức Anh đã ra lệnh cho không quân không được can thiệp.

Điều hoàn toàn chắc chắn là đụng độ đã chỉ xẩy ra và bộ ngoại giao Việt Nam đã chỉ lên tiếng phản đối vì Trung Quốc đánh vào ba đá Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin ngày 14/03/1988. Nếu Trung Quốc chỉ chiếm những đá khác, như họ đã làm trong hai tháng trước đó, thì tất cả đã êm xuôi. Như thế thì phải kết luận rằng đàng nào ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam cũng đã chấp nhận để Trung Quốc lấy một số đá của Việt Nam để hiện diện tại Trường Sa. Sự kiện này đặc biệt nghiêm trọng vì nếu không có sự hiện diện này thì Trung Quốc hoàn toàn vắng mặt tại nửa phía Nam của Biển Đông và không có lý cớ gì để tuyên bố Biển Đông là vùng "quyền lợi cốt lõi" của họ. Trận hải chiến chung quanh Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao không cần thiết cho Trung Quốc và có thể chỉ là một dàn dựng, do phía Việt Nam yêu cầu, có mục đích cho phép ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam biện luận trước nhân dân Việt Nam rằng Trung Quốc đã đánh chiếm Trường Sa chứ không phải họ đã dâng đảo. Một lần nữa không nên để cây che khuất rừng, điều nghiêm trọng nhất và vô cùng tai hại cho Việt Nam là Trung Quốc đã có mặt tại Trường Sa để có lý cớ đòi quyền lợi trên phần lớn Biển Đông, và điều này ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã chấp nhận. Họ phải chịu trách nhiệm.

Nước ta là một dải bờ biển. Biển là tài sản lớn nhất của chúng ta. Tài sản đó đang bị đe dọa vì chủ trương đầu hàng Trung Quốc của ban lãnh đạo đảng cộng sản. Không phải là không có chọn lựa nào khác. Một chọn lựa khác, hiển nhiên cho quyền lợi dân tộc, là thẳng thắn bắt tay với Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước dân chủ để được các thị trường lớn, các nguồn đầu tư, các cơ hội chuyển giao kỹ thuật và đồng thời được bảo vệ bởi công pháp quốc tế để có thể có quan hệ hợp tác lành mạnh với Trung Quốc. Ban lãnh đạo cộng sản đã từ khước chọn lựa hiển nhiên đó bởi vì nó đòi hỏi phải từng bước dân chủ hóa, nghĩa là sau cùng từ bỏ độc quyền chính trị. Đối với họ giữ độc quyền chính trị là mục tiêu duy nhất, quyền lợi dân tộc nếu có cũng chỉ đi rất sau quyền lợi của Đảng. Trường Sa chỉ là một thí dụ.

Hai người có trách nhiệm lớn nhất trong chọn lựa phục tùng Trung Quốc, mà sự nhượng bộ tại Trường Sa là hệ quả, là Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh. Họ là hai người quyền lực nhất lúc đó và cũng là hai người quả quyết nhất trong chủ trương này. So với những thiệt hại mà họ gây ra cho đất nước, việc Mạc Đăng Dung dâng đất cầu hòa hồi thế kỷ 16 chẳng thấm vào đâu. Nhưng họ cũng đã chỉ hành động như mọi lãnh tụ cộng sản Việt Nam khác. Trước họ, Hồ Chí Minh, qua Phạm Văn Đồng, đã ký công hàm nhìn nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc để được viện trợ trong cuốc nội chiến. Sau họ, Lê Khả Phiêu đã ký hiệp định nhường cho Trung Quốc hàng ngàn kilômet vuông trên đất liền và hàng chục ngàn kilômet vuông trên biển để được yên thân. Các lãnh tụ cộng sản đều được đào tạo và sàng lọc như nhau qua các thế hệ theo cùng một khuôn mẫu Stalin, một khuôn mẫu khủng bố trong đó quyền lực là tất cả và tổ quốc vắng mặt.

Từ Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đến Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng qua Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Đỗ Mười, họ có thể xung đột với nhau, thậm chí căm thù nhau nhưng họ đều giống nhau trên ít nhất hai điểm : họ đều đặt quyền lực của đảng lên trên hết và trước hết và đều chống dân chủ. Lợi ích dân tộc nếu có cũng chỉ là thứ yếu. Họ có thể làm những điều khó tưởng tượng để giữ lấy quyền lực. Họ đều tin rằng nhân dân Việt Nam thù ghét họ và sẽ bỏ phiếu sa thải họ nếu được chọn lựa tự do. Nguyễn Minh Triết đã chỉ phát biểu lập trường chung của ban lãnh đạo cộng sản khi ông ta nói "bỏ điều 4 là ta tự sát". Họ không thể liên kết với các nước dân chủ bởi vì như thế cái giá phải trả cuối đoạn đường là dân chủ. Não trạng đó buộc họ phải phục tùng Trung Quốc, không phải để có chỗ dựa mà chủ yếu là để được nhẹ tay trong thế cô lập tuyệt vọng. Dù trong thâm tâm không ai thực sự yêu Trung Quốc.

Phải hiểu não trạng này để ý thức rằng không thể hy vọng có dân chủ chỉ bằng những yêu cầu và kiến nghị. Người ta có thể ủng hộ Đảng Cộng Sản vì quyền lợi cá nhân nếu muốn nhưng không nên ngộ nhận bản chất của nó. Đảng Cộng Sản không phải là một đảng yêu nước.

Nguyễn Gia Kiểng

(tháng 03/2013)

Published in Quan điểm