Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Biển Đông : Việt Nam chuẩn bị tâm thế ra sao nếu kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế ?

Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc (PCA) đã mở văn phòng đại diện tại Hà Nội là một lợi thế của Việt Nam, tuy nhiên tận dụng điều kiện này như thế nào và chuẩn bị tâm thế nội bộ ra sao nếu Việt Nam cân nhắc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là những câu hỏi cần có câu trả lời cụ thể, đây cũng chính là nội dung của phần hai, cũng là phần cuối của cuộc trao đổi giữa Đài Á Châu Tự Do với nhà nghiên cứu Biển Đông, luật gia Hoàng Việt từ Sài Gòn, liên quan chủ đề biển đảo và pháp lý chủ quyền của Việt Nam ở khu vực.

kien1

Người Hà Nội biểu tình chống Trung Quốc vào ngày 11/5/2014 khi nước này đem giàn khoan HD-981 vào hạ đặt ở Biển Đông - AP

Mở đầu phần trao đổi này, ông Hoàng Việt đưa ra bình luận trên quan điểm riêng về việc Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc đã mở Văn phòng đại diện tại Hà Nội cách nay không lâu và ý nghĩa của việc này.

‘Bắt đầu hòa nhập quốc tế sâu hơn‘

Hoàng Việt : Về Văn phòng đại diện của Tòa PCA mà tiếng Anh gọi là Permanent Court of Arbitration (Tòa Trọng tài Thường trực), cần nói thêm về Tòa án này rằng đây là một tòa quan trọng và nó là một định chế lâu đời nhất trên thế giới để giải quyết những tranh chấp giữa các chủ thể khác nhau, đặc biệt trong đó là các quốc gia. Việt Nam cũng đã xúc tiến quan hệ với PCA từ rất lâu và từ năm 2014, hai bên đã ký kết một loạt các thỏa thuận với nhau và gần đây, PCA cũng đã mở một Văn phòng đại diện tại Hà Nội, Việt Nam (tháng 11/2022) và đang đưa ra thông báo tuyển người một cách rộng rãi.

Điều này cho thấy Việt Nam cũng đã bắt đầu hòa nhập với thế giới. Trước đây trong thời bao cấp, Việt Nam vẫn có tư duy cho rằng các Tòa án quốc tế vẫn là công cụ của Chủ nghĩa Tư bản để chống lại Chủ nghĩa Xã hội và chính vì vậy Việt Nam gần như cách xa với thế giới phương Tây và đặc biệt với các định chế tư pháp quốc tế, trong đó có liên quan các Tòa án quốc tế. Sau này, tư duy của Việt Nam mới thay đổi dần, khi Việt Nam bắt đầu tiệm cận và bắt đầu hòa nhập sâu với thế giới khi Việt Nam đã gia nhập những định chế quan trọng như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Và điều đó cũng cho thấy rằng nếu Việt Nam muốn chơi chung với các quốc gia phương Tây thì cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế, mà trong đó vai trò của các Tòa án quốc tế rất quan trọng.

Còn trở lại với Tòa Trọng tài Thường trực, tòa này giải quyết rất nhiều vấn đề, nhưng cũng phải nói thêm rằng trong vụ Philippines kiện Trung Quốc thì không phải là PCA có thẩm quyền, mà đây là một Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục 7 của Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc, nhưng họ sử dụng PCA như một nơi để họ đăng ký xử án và làm các thủ tục pháp lý cần thiết, chứ không phải là thẩm quyền của PCA. Với cơ quan tài phán quốc tế này, nếu muốn giải quyết tranh chấp giữa hai quốc gia, cũng phải có sự đồng thuận của hai quốc gia, mà như đã đề cập, Trung Quốc luôn từ chối tất cả những biện pháp đưa ra bên thứ ba, trong đó có tòa án. Cho nên, kể cả bản thân (một bên) đưa ra PCA, thì có nhiều vấn đề không giải quyết được.

Chỉ có một phương án hiện nay mà khả thi nhất, đó là sử dụng Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục 7 của Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc , khi đó khả năng sẽ rõ hơn rất nhiều, nhưng cũng phải nói thêm là Tòa này chỉ có chức năng liên quan thẩm quyền là giải thích và áp dụng những điều khoản của Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc, cho nên sẽ gói gọn trong vấn đề đó.

RFA : Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh quan hệ quốc tế có nhiều phức tạp gần đây, chính quyền Việt Nam đang có chiều hướng ‘né tránh’, không muốn lên tiếng ‘mạnh mẽ, quyết liệt’ trước các xung đột lúc này, đặc biệt trước việc lấn lướt ngày một ‘hung hăng’ của Trung Quốc trên Biển Đông, vốn đe dọa và xâm phạm ngày một thường xuyên hơn chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, ý kiến của ông ?

Hoàng Việt : Chắc chắn là nhiều người Việt Nam sẽ cảm thấy lo lắng về chuyện này, chính phủ Việt Nam vẫn còn kiểm soát được tình hình trên Biển Đông, vừa rồi, đặc biệt chúng ta thấy Việt Nam cũng kiềm chế rất là rõ, nhất là từ hôm 07/5/2023 một đoàn tàu của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, nhưng đến ngày 25/5/2023, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam mới nhắc tới. Điều đó cho thấy Việt Nam đã kiềm chế rất nhiều và không làm những động thái căng thẳng tác động đến quan hệ Việt Nam và Trung Quốc.

Chúng ta còn nhớ là tháng 11/2022, khi Trung Quốc vừa kết thúc Đại hội Đảng của họ và ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng đã có chuyến thăm Trung Quốc và hai bên có ra một tuyên bố chung, trong đó nhắc đến vấn đề về Biển Đông, hai bên vẫn nói là tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trong đó có tôn trọng Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc.

Thế nhưng Trung Quốc luôn có những hành động khác với những lời nói, điều này rất đáng lo ngại đối với người dân Việt Nam, bởi vì Trung Quốc đã có nhiều cam kết, nhưng họ không giữ đúng những cam kết đó, và đây cũng là điều lo ngại cho toàn bộ người Việt Nam trên khắp thế giới, chứ không chỉ riêng ở trong nước. Và có lẽ không chỉ riêng người dân Việt Nam mà rất nhiều người dân các nước khác cũng có sự tương tự như vậy.

Đương nhiên cũng phải nói thêm rằng đối phó với Trung Quốc không phải là một vấn đề đơn giản, vì như đã trao đổi, tiềm lực của Trung Quốc trên biển rất mạnh, chưa kể họ có nhiều con bài trên tay, trong đó có những vấn đề về kinh tế, chính trị v.v… khiến cho các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á cảm thấy cần phải dịu giọng với Trung Quốc. Tuy nhiên, các nước này vẫn phải bảo vệ đến cùng những vấn đề thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của họ, và tôi nghĩ cách thức mà các quốc gia Đông Nam Á đang muốn làm là cân nhắc như vậy.

‘Thận trọng từng bước, chậm chắc hơn là vấp sai lầm’

RFA : Về ý kiến gợi ý rằng Việt Nam trong tương lai nên tăng cường tham gia và khi điều kiện cho phép nên ‘mời’ các quốc gia, trong đó có các cường quốc phương Tây và đồng minh của họ ở khu vực, tham gia tập trận chung trên Biển Đông, trên tư cách ‘chủ nhà’, ông nghĩ sao ?

Hoàng Việt : Thực ra từ trước Việt Nam cũng đã tham gia một số lần tập trận hoặc cử quan sát viên tham gia, chuyện tập trận có lẽ cũng không liên quan chính sách ‘bốn không’, bởi vì chính sách đó của Việt Nam là : không liên minh với quốc gia này để chống lại quốc gia khác, cũng không cho quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, rồi không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, và không tham gia những liên minh quân sự. Vậy thì việc tập trận đơn thuần có lẽ không nằm trong vấn đề ‘bốn không’ này.

Thế nhưng có lẽ quan trọng nhất là Việt Nam vẫn đang ngần ngại, thứ nhất là trước sự phản đối, sức ép từ phía Trung Quốc, đó là điều phải nói đầu tiên. Và thứ hai là trong bối cảnh thế giới đầy biến động mà mang lại cảm giác bất an như hiện nay, Việt Nam cũng đang cần có sự thận trọng. Có lẽ mỗi quốc gia sẽ có những chính sách khác nhau, nhưng chính sách của ban lãnh đạo Việt Nam là phải thận trọng, đi từng bước một, thà đi chậm mà chắc hơn là đi nhanh mà có thể dẫn đến những sai lầm.

Trong quá khứ Việt Nam đã trả giá rất nhiều sai lầm cho việc chọn bên, cho nên trong giai đoạn hiện nay Việt Nam vẫn không muốn phải chọn bên, hoặc không muốn rơi vào tình cảnh phải chọn bên, do vậy mà Việt Nam có những bước đi thận trọng như vậy…

Việt Nam đang cảm thấy lo ngại trước diễn biến của quốc tế hiện nay, trong đó có cuộc chiến tại Ukraine với đối đầu Nga – Mỹ, và cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, cho nên Việt Nam cảm thấy có nhiều điều bối rối ở đây, Việt Nam vừa có mối quan hệ thân thiết lâu đời với Nga, Việt Nam cũng có nhiều lợi ích kinh tế và nhiều lợi ích chính trị, an ninh quan trọng đối với Trung Quốc bởi vì Trung Quốc là một cường quốc nằm sát cạnh Việt Nam, và chưa kể Việt Nam lại có nhiều thúc đẩy quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây, do đó Việt Nam cũng cảm thấy mình ở trong một tình cảnh hết sức khó xử, chính vì do vậy cá nhân tôi cho rằng năm nay Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam ông Phan Văn Giang đã không tham dự Đối thoại Shangri-la ở Singapore mà chỉ có Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến tham gia, và phái đoàn Việt Nam rất kín tiếng, gần như không có một phát biểu ‘key-notes’ chính yếu nào mà chỉ tham gia thôi, và sự xuất hiện của đoàn Việt Nam cũng rất lặng lẽ.

Điều đó phản ánh sự lo ngại của Việt Nam và rằng Việt Nam lúc này không muốn lên tiếng và không muốn thể hiện quan điểm lúc này, giữa những mớ gọi là ‘hỗn loạn’ của quan hệ quốc tế gần đây.

Làm gì để biết được ý chí, nguyện vọng của người dân ?

RFA : Dường như đó là quan điểm của nhà nước, chính quyền Việt Nam theo góc nhìn của ông, còn quan điểm của người dân thì sao ? Có gì khác biệt hay không ?

Hoàng Việt : Thực ra người dân Việt Nam có tới 100 triệu, nhiều người nhiều ý lắm, cá nhân tôi chỉ biết bản thân tôi thôi, còn nói về quan điểm nói chung của người dân Việt Nam, thì tôi cũng không dám nói, bởi vì người Việt Nam có câu là ‘năm người mười ý’, mà nếu có 100 triệu người thì có thể có đến 100 triệu ý kiến khác nhau. Thế nhưng tôi hiểu rằng sự thận trọng hiện nay là một điều cần thiết, bởi vì trong thế giới hiện nay có rất nhiều vấn đề bất ổn và bất an. Trật tự thế giới đang có những bước dịch chuyển, nhưng cũng chưa rõ ràng thế nào hết, và hiện nay cũng chưa biết bên nào sẽ nắm ưu thế so với bên nào : Trung Quốc, Nga, Mỹ, hay là các nước phương Tây ?

Cho nên điều đó cũng khiến cho rằng nếu không có những nhận định chính xác và đưa ra những phán đoán chính xác để dẫn tới có những hành động phù hợp, có thể sẽ bị trả giá rất lớn. Nên có lẽ tôi cũng hiểu và đồng ý với quan điểm thận trọng của phía Việt Nam.

RFA : Để đáp ứng tâm tư, ý chí, nguyện vọng của người dân, nên chăng có những động thái thăm dò ý kiến của nhân dân, với một 100 triệu người mà có thể là một nguồn ‘nội lực lớn’ và nên chăng tạo điều kiện để các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức nghiên cứu phản biện chính sách độc lập trong nước phát huy vai trò của mình nhiều và thuận lợi hơn ?

Hoàng Việt : Nói chung vấn đề này cũng khá phức tạp, bởi vì những hội thảo, hội thảo khoa học, những đánh giá và thăm dò vẫn có diễn ra ở Việt Nam, ví dụ một Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore có những thăm dò ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có tại Việt Nam, để xem thái độ của những người mà họ thăm dò đối với những vấn đề như quan hệ với Mỹ hay với Trung Quốc, đối với các vấn đề khác v.v… cũng có, chứ không phải là không có. Thế còn ở Việt Nam, để đánh giá những vấn đề này mà có những tổ chức ở trong nước thực hiện, chắc cũng gặp nhiều rào cản, khó khăn.

Một vấn đề là Việt Nam ngày nay vẫn chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho các tổ chức xã hội nói chung, đây cũng là một vấn đề mà nhiều quốc gia hay nhiều người ở bên ngoài hay chỉ trích, nhưng tôi thấy cũng khó nói về vấn đề này, bởi vì để cho các tổ chức đó hoạt động, thì phải có một hành lang pháp lý, mà hành lang đó lại chưa có. Đây cũng là một vấn đề hạn chế của Việt Nam và có lẽ là nếu chính quyền Việt Nam muốn có những sự phát triển, thì cũng phải đặt ra những hành lang pháp lý cho các tổ chức đó hoạt động. Như thế nó sẽ dễ hơn cho nhà nước và cũng cởi bỏ tâm lý e ngại của dân chúng. Cá nhân tôi cho rằng đó là một việc cần phải nên làm.

RFA : Cũng có ý kiến nói các quyền tự do biểu đạt, ngôn luận, mà dựa trên đó người dân có thể bày tỏ thái độ, tình cảm, chính kiến công khai về vấn đề liên quan chủ quyền quốc gia, hay quyền lập các tổ chức, hội đoàn mà dựa trên đó giúp mở ra những tổ chức xã hội dân sự, viện nghiên cứu độc lập nghiên cứu, phản biện chính sách v.v... trên thực tế, nhìn chung về cơ bản đã là các quyền được hiến định trong Hiến pháp, và đã là ‘hành lang pháp lý’ ngay từ đầu tiên rồi, ý kiến của ông ?

Hoàng Việt : Nói chung ở Việt Nam có nhiều điều quy định trong Hiến Pháp, nhưng trên thực tế chưa làm được. Chuyện này rất là nhiều và đương nhiên chính quyền Việt Nam có cách giải thích của họ, nhưng chuyện này cũng khó giải quyết được vì chính quyền cũng đang trong bối cảnh cảm thấy bất an, cho nên họ càng siết chặt những vấn đề về an ninh. Và càng siết chặt các vấn đề đó, họ càng phải loại trừ ngay những vấn đề ‘nguy cơ’ họ nhìn thấy từ xa. Có thể nó chưa tới gần, nhưng họ đã nhìn thấy từ xa, đó là cách mà phía Việt Nam đang làm.

Đương nhiên là đối với phía nhà nước cảm thấy dễ chịu, bởi vì đã ‘tiêu diệt được từ trong mầm mống’, nhưng đối với người dân, có những người họ cảm thấy không hài lòng khi những quyền này của họ bị xâm phạm. Cái này cũng rất là rõ, chúng ta còn nhớ là trong đại dịch Covid-19, khi chính quyền đã đưa ra nhiều chính sách mà trong đó phải nói có một số chính sách sai lầm, rất nhiều quyền của người dân trong Hiến pháp đã bị xâm phạm, chưa kể cũng ảnh hưởng tới những Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Chúng ta nói đơn giản có những hình ảnh được đưa ra là bắt giữ một người phụ nữ ở Bình Dương, phá cửa nhà của người đó rồi vào, rồi vào bắt người phụ nữ đó đi xét nghiệm xem có bị nhiễm Covid hay không, điều đó cũng cho thấy có những hành động (vi hiến), ngăn sông, cấm chợ hoặc diễn giải rất tùy tiện, khi quyết định chính sách đưa ra rằng người dân được phép vận chuyển những hàng hóa thiết yếu, mỗi cán bộ sẽ giải thích một cách khác nhau, bởi vì không có một danh mục thiết yếu gồm những gì.

Có người cho rằng bánh mì không phải là mặt hàng thiết yếu, hoặc có người giải thích rằng băng vệ sinh của phụ nữ không phải mặt hàng thiết yếu, có người lại cho rằng tiền không phải là mặt hàng thiết yếu… Điều ấy cho thấy sự tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật ở Việt Nam và đó là một vấn đề lớn ở Việt Nam. Để giải quyết được vấn đề này chắc rất là khó, cần phải có một sự nỗ lực rất lớn từ phía chính quyền.

‘Bắt giữ chuyên gia, cho nghỉ việc nhà ngoại giao, tín hiệu gì ?’

RFA : Vừa rồi một nhà nghiên cứu, phản biện có liên quan lĩnh vực pháp lý chủ quyền biển đảo trên Biển Đông và lãnh thổ của Việt Nam, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, đứng đầu một Viện nghiên cứu, phản biện về chính sách, pháp luật, phát triển, đã bị bắt vì cáo buộc ‘trốn thuế’, một Phó Thủ tướng thường trực, nguyên là một Bộ trưởng được cho là dày dạn kinh nghiệm trong lãnh đạo ngoại giao của Việt Nam nói chung, trong hoạch định chiến lược, đối sách ngoại giao của Việt Nam với Trung Quốc nói riêng, ‘bị cho nghỉ việc’ khi đương chức, điều này có ảnh hưởng gì tới nhu cầu về chuyên gia của Việt Nam trong đấu tranh pháp lý chủ quyền quốc gia, việc này có tự gây bất lợi cho VN hay không, theo ông ?

Hoàng Việt : Có nhiều vấn đề ở đây, thứ nhất là công tác nhân sự, công tác này là phải chọn người có đầy đủ tài và đức, về lý thuyết thì dễ, nhưng làm thì khó. Ngày xưa một Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, ông Nguyễn Văn An hay nói là ‘lỗi hệ thống’, tức là trong hệ thống này, một người muốn có những lợi ích, thì họ phải đạt được, mà đạt được như thế họ phải trả giá, tức là họ phải vi phạm rất nhiều.

Câu chuyện của ông Phạm Bình Minh thì tôi không dám nói, bởi vì tôi không thể biết được hồ sơ trực tiếp, nhưng chắc chắn rằng phải có những gì đó thì mới dẫn tới ông từ chức, chứ không tự nhiên mà ông từ chức được. Ở Việt Nam câu chuyện tự nhiên từ chức gần như không bao giờ xảy ra, nếu không có vấn đề gì đó.

Còn câu chuyện với ông Hoàng Ngọc Giao tôi cũng không dám nói, vì tôi không biết được đầy đủ, chỉ biết đọc trên báo rằng ông đã bị khởi tố về tội ‘trốn thuế’. Gần đây có bà Hoàng Thị Minh Hồng, một phụ nữ là người Việt Nam đầu tiên đã leo lên đỉnh Everest, cũng đã bị bắt giữ về tội ‘trốn thuế’.

Câu chuyện này cũng rất khó nói, bởi vì chắc chắn có những hành vi ‘vi phạm’ thì chính quyền Việt Nam mới bắt được, nhưng cũng phải nói thêm rằng ở Việt Nam nếu làm đúng tất cả các quy định, thì gần như không làm được gì cả, bởi vì hệ thống pháp luật rất rắc rối. Tranh luận gần đây giữa ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, và ông Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đã cho thấy khó khăn, rắc rối của hệ thống pháp luật Việt Nam thế nào.

Đây là một vấn đề mà Việt Nam muốn phát triển thì phải làm đúng yếu tố mà ở Việt Nam hay gọi là nhà nước pháp quyền. Tức là gì ? Tức là pháp luật phải rõ ràng, dễ hiểu và phải áp dụng chung, chứ không phải áp dụng cho từng trường hợp cụ thể mà diễn giải khác nhau được. Điều đó, tôi nghĩ nếu Việt Nam muốn giải phóng sức phát triển của toàn bộ người dân trong đất nước, Việt Nam cần phải xây dựng pháp luật một cách rõ ràng hơn nữa.

Trên đây là ý kiến trên quan điểm riêng từ Sài Gòn của ông Hoàng Việt, luật gia, nhà nghiên cứu pháp lý và an ninh Biển Đông và khu vực, ông cũng là thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển, thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam. Mời quý vị bấm vào đường dẫn sau đây để theo dõi phần đầu của cuộc trao đổi giữa Đài Á Châu Tự do với nhà nghiên cứu này.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 15/06/2023

Published in Diễn đàn

Việt Nam chỉ kiện Trung Quốc về Biển Đông "khi đàm phán bế tắc và chiến tranh đã gần kề". Việt Nam cũng kiên định không đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp quyền lực ở Châu Á-Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

kien2

Tàu hải cảnh 3501 neo cạnh tàu nghiên cứu biển 20026 cạnh bãi Gạc Ma thuộc Trường Sa của Việt Nam vào tháng 4/2016. Tàu này hiện đang bảo vệ tàu Hải dương Địa chất 8 hoạt động trái phép trong thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 7/2019 - Ảnh minh họa (Thanh Niên, 24/07/2019)

Quan điểm xuyên suốt này đã được lan tỏa trong nội bộ những nhà ngoại giao có thẩm quyền nhất của Việt Nam về xung đột ở Biển Đông hiện nay.

Tuy nhiên lập trường này chưa bao giờ được nói chính thức bởi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Do đó khi Bộ Ngoại giao không lên tiếng bình luận thì coi như lời nói của người trong cuộc đã được bật đèn xanh.

Tại sao lúc này ?

Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao hai vấn đề được đưa ra cùng một lượt vào lúc này, khi hai nước Việt-Trung không có bất cứ cuộc họp song phương nào về Biển Đông. Nhưng cũng không vô ích khi để cho Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam) phổ biến bài viết quan trọng này vào dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Bộ Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2020), là nhằm trấn an Ban Chấp hành Trung ương dự bị khóa XIII an tâm về đường lối đối ngoại cơ bản giữa Việt Nam-Trung Quốc và Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ không thay đổi trong nhiệm kỳ tới.

Đáng chú ý là bài viết của VOV xuất hiện 2 tháng sau khi
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc cảnh cáo Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 12 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, ngày 21/07/2020.

Đài Phát thanh quốc tế Trung Hoa (CRI, China Radio International) đưa tin trong bản tiếng Việt ngày 22/07/2020 đã trích lời họ Vương nói với Phó Thù tướng, Bộ trường Ngoại giao Phạm Bình Minh rằng : "Trung Quốc và Việt Nam cần kiên trì kiểm soát bất đồng thông qua đối thoại và hiệp thương song phương theo nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo tối cao hai Đảng và hai nước, tìm kiếm giải pháp công bằng và hợp lý theo một loạt thỏa thuận ký giữa hai bên. Trung Quốc và Việt Nam còn cần cùng các nước ASEAN, tuân thủ "Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Nam Hải" (DOC, Declaration on the Conduct of the Parties in the South China Sea), thúc đẩy tham vấn về "Bộ Quy tắc ứng xử trên Nam Hải" (COC, Code of Conduct), không dành bất cứ cơ hội nào cho sự quấy rối và phá hoại của thế lực bên ngoài".

Vương Nghị không nói tên "thế lực bên ngoài", nhưng ai cũng hiểu là Hoa Kỳ, đồng minh của khối ASEAN, đã tăng cường các cuộc tuần duyên và tập trận của Hạm đội số 7 ở Biển Đông từ đầu năm 2020.

Nhưng Trung Quốc lại không có quyền chủ quyền ở Biển Đông như trong hình Bắc Kinh tự vẽ được gọi là Lưỡi bò, để tiếm nhận 3/4 điện tích trên 3 triệu cây số vuông biển đảo ở Biển Đông, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cho đến tháng 1/1974, cả hai quần đảo này thuộc quyền kiểm soát và bảo vệ của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam. Sau năm 1975, bắt đầu từ năm 1988, Trung Quốc đã đánh chiếm thêm 8 vị trí đá và bãi san hô ở quần đảo Trường Sa, sau 13 năm hoàn toàn kiểm soát bởi hải quân cộng sản Việt Nam.

Các vị trí bị quân Trung Quốc chiếm gồm Châu Viện, Chữ Thập, Ga Ven, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Xu Bi và Vành Khăn (mất năm 1995). Sau khi Vành Khăn mất, Việt Nam coi như mất luôn quyền kiểm soát bãi Cỏ Mây, một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa nằm về phía đông nam của đá Vành Khăn. Hiện bãi Cỏ Mây đang bị tranh chấp giữa Phi Luât Tân và Trung Quốc.

Trong khi đó phía Việt Nam kiểm soát 21 thực thể địa lý ở Trường Sa, gồm 7 đảo san hô/cồn cùng 14 rạn san hô.

Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho biết Trường Sa được chia thành thành 2 nhóm đảo, tuyến Bắc Trường Sa và Nam Trường Sa. Ông nói :

"Các đảo phía Bắc Trường Sa mà Việt Nam đang canh giữ, thực thi chủ quyền gồm 10 đảo, đá gồm : Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết, Len Đao, Cô Lin, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Lớn. Các đảo phía Nam Trường Sa mà Việt Nam đang bảo vệ gồm 11 đảo, đá sau : Trường Sa, Trường Sa Đông, An Bang, Phan Vinh, Thuyền Chài, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Đá Tây, Đá Đông, Đá Lát" (theo Infonet).

Khi nào kiện ?

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, tình hình Biển Đông đã đột biến căng thẳng với các hoạt động đe dọa Mã Lai, Nam Dương, Brunei, Phi Luật Tân và Việt Nam của Hải quân Trung Quốc khiến Mỹ phải lên tiếng.

kien0 (2)

Trong tuyên bố cứng rắn nhất từ trước đến nay, đưa ra ngày 13/07/2020, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã quyết liệt bác bỏ yêu sách của Trung Quốc giành làm chủ các nguồn tài nguyên ở hầu hết Biển Đông, cũng như việc nước này mở chiến dịch đe dọa để kiểm soát. Ông nói hành động của Bắc Kinh là hoàn toàn phi pháp (1).

Tuyên bố của ông Pompeo lưu ý rằng Trung Quốc không có bất cứ quyền gì để áp đặt ý muốn của mình ở Biển Đông, cũng như không có căn bản pháp lý nào để dành quyền chủ quyền về Đường 9 Đoạn (hay còn gọi là đường Lưỡi bò) mà Bắc Kinh công bố năm 2009. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nhắc nhở Bắc Kinh rằng yêu sách vô căn cứ của họ cũng đã bị Tòa hòa giải Quốc tế bác bỏ hoàn toàn ngày 12/07/2016 trong vụ kiện về đường 9 đoạn của Phi Luật Tân (2).

Nhiều nước lớn trên Thế giới, kể cả khối Liên hiệp Châu Âu, Úc, Tân Tây Lan, Ấn Độ, Nhật Bản v.v. đã lên án Trung Quốc lợi dụng nạn dịch phát xuất từ Vũ Hán (Trung Quốc) , tên khoa học là Covid 19, để gia tăng áp lực lên các nước có tranh chấp ở Biển Đông với Bắc Kinh, bao gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương và Brunei, để giành phần thắng.

Vì ở vào vị trí chiến lược quan trọng và chiếm phần lớn cửa ngõ ra Biển Đông, Việt Nam đã biến thành đối tượng mà Trung Quốc muốn khống chế, hay chiếm đóng nếu có cơ hội. Trong vòng 5 năm qua , kể từ năm 2014, Trung Quốc đã đem tầu thăm dò dầu khí Hải dương 981 vào hoạt động bên trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có chiều rộng 200 hải lý (1 hải lý = 1,852 km). Vụ thứ hai xẩy ra năm 2019, với Hải Dương 8 tại bãi Tư Chính, chỉ cách Vũng Tấu khoảng 370 cây số hướng Đông Nam.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã ép buộc Việt Nam phải hủy bỏ các dự án tìm kiếm dầu và khí đốt với một số công ty nước ngoài ở khu vục nam Hoàng Sa và ở Trường Sa. Trong số này có nhiều đại công ty gồm BP (Anh, 2008) Chevron (Mỹ, 2015), Repsol (Tây Ban Nha, 2018), ConocoPhillips (2012).

Mới đây, ngày 9/7/2020, liên doanh dầu khí Rosneft Việt Nam đã hủy hợp đồng khoan dầu với công ty Noble Corporation tại Lô 06-01 vì bị áp lực từ Trung Quốc.

Vị trí Lô 06-01 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Bãi Tư Chính mà Trung Quốc tự coi thuộc khu vực Đường Chín Đoạn, hay Đường lưỡi bò do Bắc Kinh tự vẽ để giành chủ quyền.

Ngoài ra lính Trung Quốc, giả dạng thường dân đánh cá và tầu Hải giám có võ trang đã liên tục đàn áp hay đâm chìm nhiều thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trong nhiều năm qua ở vùng biển Hoàng sa và Trường Sa.

Mỗi lần quân Trung Quốc hành hạ, hay sát hại ngư dân là thêm một lần người dân Việt Nam, trong và ngoài nước, đổ tội hèn nhát không dám chống trả của Hải quân, Cảnh sát biển và Lực lượng Biên phòng Việt Nam.

Dó đó, đã có nhiều kiến nghị và đề nghị của trí thức và người dân yêu cầu nhà nước cộng sản Việt Nam phải kiện Trung Quốc ra trước Tòa trọng tài Quốc tế như Phi Luật Tân đã làm và thắng kiện năm 2016. Cho đến nay, phía Việt Nam chỉ nói miệng là đã chuẩn bị mọi phương án và chỉ áp dụng pháp lý khi cần thiết.

Nói thế, nhưng ai cũng biết lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam rất sợ bị chưa biết phía Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào nên chưa dám nhúc nhích.

Vì vậy, trong cuộc phỏng vấn ngày 7/9/2020, Đài VOV đã đặt vấn đề "kiện Trung Quốc" với ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn.

VOV viết : "Khi Trung Quốc liên tiếp có các hành vi ngang ngược, gây hấn, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, đã có nhiều ý kiến cho rằng ta nên khởi kiện nước này lên tòa quốc tế".

Về vấn đề này, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nói : "Theo tôi hiểu đó là một phương án, và không ai loại trừ phương án đó cả. Ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, kể cả phương án khởi kiện khi cần thiết cũng như nhiều phương án khác nữa. Nhưng khởi kiện vào lúc nào và khởi kiện như thế nào thì ta cần tính toán hết sức kỹ lưỡng với cái đầu lạnh và tỉnh táo để nếu có làm thì phải đạt được hiệu quả cao nhất".

Đại sứ Cường nói tiếp : "Không thể phủ nhận một phán quyết công tâm của Tòa sẽ tạo tiền lệ cho các nước theo đuổi một giải pháp pháp lý khi một bên chỉ muốn dùng sức mạnh cơ bắp thay vì đưa ra bằng chứng thuyết phục để chứng minh yêu sách của mình là có cơ sở. Tuy nhiên, giải pháp pháp lý nên chỉ là lựa chọn cuối cùng khi đàm phán bế tắc và chiến tranh đã gần kề".

Trên thực tế thì các cuộc đàm phán về tranh chấp biển, đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bế tắc từ lâu. Lập trường khư khư của Bắc Kinh là "hãy gác tranh chấp để cùng khai thác". Nhưng khi Trung Quốc không có chủ quyền ở Biển Đông mà lại muốn biến vùng "không có tranh chấp" thành "tranh chấp" thì có phải Bắc Kinh đã chiếm nhà hàng xóm rồi bắt chủ nhà phải thương lượng và chia của cải trong nhà thì có vô lý không ?

Phía Việt Nam biết rõ như thế nhưng vẫn không dám có hành động chống Trung Quốc, phần chính vì sợ bị Bắc Kinh trừng phạt kinh tế, vì sinh hoạt kinh tế của Việt Nam lệ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu và máy móc nhập từ Trung Quốc.

Ngoài ra, Việt Nam còn gánh một khoảng nợ khổng lồ với Trung Quốc mỗi năm. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hợp Quốc, thì : "Tổng số nợ của Việt Nam với Trung Quốc (bao gồm cả Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư) có thể đã lên tới 4 tỉ đô la Mỹ, đó chỉ là tính đến hết năm 2013.

Trên cơ sở đó, với ước tính tổng nợ nước ngoài của quốc gia hiện đang ở mức khoảng 100 tỷ USD (năm 2016 là 86,9 tỷ USD – theo World Bank), thì số nợ mà Việt Nam đang vay mượn từ Trung Quốc vào năm 2018 có thể lên tới hơn 6 tỷ USD.

Thậm chí số nợ Trung Quốc có thể còn vượt xa con số trên, bởi từ sau năm 2010 Bộ Tài chính chỉ theo dõi và công bố nợ công – bao gồm nợ chính phủ và nợ của các doanh nghiệp nhà nước do chính phủ bảo lãnh".

(Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 03/09/2018)

Với những ràng buộc về chính trị, ngoại giao và kinh tế mỗi ngày một lún sâu vòng lệ thuộc Trung Quốc, Việt Nam tỏ ra dè dặt đến mức phải ngậm đắng nuốt cay chịu trận.

Đó là lý do tại sao Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đã cắn răng thừa nhận rằng : "Ngay cả khi Tòa ra một phán quyết bất lợi cho Trung Quốc mà nước này không thực thi thì cũng không mang đến hiệu quả như mong muốn. Đó là còn chưa kể đến việc cán cân công lý có thể bị các thế lực tác động cho mưu đồ riêng".

Đứng về phe nào ?

Vậy vị trí chiến lược của Việt Nam giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh đang ở đâu ?

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn, Nguyễn Quốc Cường trả lời : "Rõ ràng cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung là một thực tế, dù có muốn hay không muốn thì cuộc cạnh tranh đó vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra một cách gay gắt, toàn diện. Ta muốn đứng ngoài cuộc cũng không được. Chọn bên thì chắc chắn là không. Lựa chọn đúng đắn nhất cho Việt Nam, đó chính là lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc. Đó là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc".

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ tại Hoa Kỳ, Phạm Quang Vinh cũng cho rằng : "Trong cạnh tranh Mỹ-Trung, rõ ràng chúng ta không nên đứng về phía nào mà nên soi chiếu vào luật pháp quốc tế, vào các nguyên tắc, lợi ích chung của khu vực mà đặc biệt là ASEAN, soi chiếu vào lợi ích của ta. Việt Nam cũng như ASEAN muốn quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc vì đây là hai đối tác rất quan trọng cả về kinh tế, cả về chính trị-an ninh. Chúng ta cần phải tiếp tục tranh thủ".

(Phỏng vấn của VOV, ngày 7/9/2020)

Vậy cơ bản chính sách ngoại giao của nhà nước cộng sản Việt Nam, trong bối cảnh không còn thế giới cộng sản sau khi khối Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã từ 1989 đến 1991, như thế nào ?

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết : "Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm "Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển. Việt Nam chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước và vùng lãnh thổ, trong đó ưu tiên cho việc phát triển quan hệ với các nước láng giềng và khu vực, với các nước và trung tâm chính trị, kinh tế quốc tế lớn, các tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc".

(Bộ Ngoại giao, tháng 8/2004)

Tuy nói như thế, nhưng Đảng cộng sản Việt Nam có quan hệ ngoại giao và nhiều mặt khác, trong đó có sự lệ thuộc vào kinh tế với Trung Quốc chặt chẽ hơn với nhiều nước khác. Việt Nam và Trung Quốc, vẫn nói với nhau ngoài miệng "vừa là đống chí, vừa là anh em", có chung một biên giới dài khoảng 1.450 cây số, nhưng người Việt Nam không bao giờ quên mối hận lịch sử từng bị các triều đại người Hán đô hộ một ngàn năm.

Trong khi ấy thì các lãnh đạo Tầu, từ thời đại Đặng Tiểu Bình (13/9/1982-2/11/1987) vẫn luôn nuôi mộng có ngày sẽ "dạy cho Việt Nam bài học" thứ hai khốc liệt hơn" bài học thứ nhất của Đặng Tiểu Bình, xẩy ra ngày 27/2/1979. Hồi ấy, họ Đặng đã xua 600.000 quân với xe tăng và đại pháo yểm trợ tràn qua biên giới đánh vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Lai Châu, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên và Quảng Ninh.

Cuộc chiến đẫm máu này chỉ kéo dài đến ngày 16/3/1979 là một thất bại cho Trung Quốc, nhưng sau đó, năm 1984, Đặng Tiểu Bình cho mở cuộc tấn công lần thứ hai qua Việt Nam ác liệt hơn, tập trung vào vùng biên giới Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, và kết thúc năm 1989.

Bách khoa Toàn thư mở viết về mặt trận ác liệt Vị Xuyên : "Số liệu Việt Nam công bố gần đây ghi nhận khoảng 4.000 bộ đội hy sinh và hơn 9.000 người khác bị thương tại khu vực này trong giai đoạn từ năm 1984 đến 1989. Phía Trung Quốc tuyên bố con số thương vong tương ứng của họ là 4.100, trong đó có hơn 2.000 binh sĩ tử trận".

Không có thống kê chính thức nào về thiệt hại nhân mạng của đôi bên trong 10 năm chiến tranh biên giới (1979-1989), nhưng ước tính có lối 45.000 quân và dân người Việt Nam thiệt mạng và bị thương. Phương Tây ước tính có 28.000 lính Trung Quốc chết và nhiều ngàn khác bị thương.

Vết thương chưa lành

Dù chiến tranh biên giới đã qua 41 năm, nhưng tang thương và đổ vỡ vẫn sống lại vào mỗi dịp 27/2. Thế mà Đảng cộng sản Việt Nam đã không dám tổ chức truy điệu để ghi ơn những người đã nằm xuống vì chống quân Tầu xâm lược để bảo vệ Tổ quốc. Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam cũng vô ơn bạc nghĩa đối với 74 chiến sĩ Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã bỏ mình trong trận chiến bào vệ Hoàng Sa chống quân Tầu đánh chiếm ngày 19/01/1974.

Không những thế, Chính phủ còn cho công an, an ninh và côn đồ khủng bố, đe dọa và ngăn cấm người dân không được tổ chức ghi ơn những chiến sĩ của đôi bên trong cuộc chiến đã hy sinh chống quân Tầu xâm lăng từ Hoàng Sa đến biên giới phía Bắc (1979-1989) và ở Gạc Ma năm 1988.

Những hành động phản bội này nên được đưa ra tòa nào xét xử để cho các tử sĩ và dân lành vô tội được ngậm cười nơi Chín suối, hay Việt Nam còn muốn đợi cho đến khi Trung Quốc dạy cho bài học nữa rồi mới vác đơn đi kiện ?

Phạm Trần

(10/09/2020)

Chú thích :

(1) "Beijing’s claims to offshore resources across most of the South China Sea are completely unlawful, as is its campaign of bullying to control them". –State Department, July 13/2020.

(2) "The PRC has no legal grounds to unilaterally impose its will on the region. Beijing has offered no coherent legal basis for its "Nine-Dashed Line" claim in the South China Sea since formally announcing it in 2009. In a unanimous decision on July 12, 2016, an Arbitral Tribunal constituted under the 1982 Law of the Sea Convention – to which the PRC is a state party – rejected the PRC’s maritime claims as having no basis in international law. The Tribunal sided squarely with the Philippines, which brought the arbitration case, on almost all claims".

Published in Diễn đàn

Liệu Việt Nam có đang chuẩn bị khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Quốc tế về Luật Biển ?

Hôm 28/8, trên tài khoản cá nhân của một facebooker người Việt, cư ngụ tại Australia, dẫn lại tin từ một facebooker khác là "Vào ngày 19/5 Việt Nam đã "âm thầm" nộp lên UN danh sách 4 trọng tài viên và 4 hòa giải viên theo qui định Điều 2, Phụ lục VII của UNCLOS. Nói "âm thầm" là vì ngay thời điểm đó báo chí trong nước không có thông tin gì về việc này, mãi đến ngày 27/7 mới có một bản tin ngắn của Báo Quốc tế và được vài tờ báo mạng đăng lại nhưng dư luận hầu như không chú ý".

kien0

Người lính hải quân Việt Nam đứng canh ở đảo Thuyền Chài thuộc quần đảo Trường Sa hôm 17/1/2013 - Reuters

4 người mà Việt Nam đề cử vào UNCLOS hôm 19/5/2020 có 2 học giả về Luật Quốc Tế và Biển Đông là Giáo sư Robert Beckman, Đại học Quốc Gia Singapore, Giáo sư Nguyễn Hồng Thao, Học viện Ngoại giao, Giáo sư Nguyễn Thi Lan Anh, Học viện Ngoại giao, và Tiến sĩ Nguyễn Đăng Thắng, trưởng Ban Biên giới Bộ Ngoại giao, thành viên Tòa Trọng tài thường trực PCA ở The Hague.

Nơi nhận danh sách trọng tài viên và hòa giải viên vào UNCLOS là trang web Treaties.un.org. Hôm 6/8 vừa qua, trang mạng Đại Học Quốc Gia Singapore cũng đã loan tin và hình ảnh giáo sư Robert Beckman là người được Việt Nam đề cử.

Việt Nam đã ký kết UNCLOS từ năm 1994 và hiện làm theo thủ tục của Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển này chứ không phải sắp kiện Trung Quốc ra ITLOS Tòa quốc tế về Luật biển như nhiều người lầm tưởng, là nhận định đầu tiên của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia Đông Nam Á, Đại học Singapore.

Đối với Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Hoa Kỳ, lý do Việt Nam đưa tên các trọng tài viên và hoà giải viên lên LHQ theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cho thấy :

"Là Việt Nam sẽ sẵn sàng kiện Trung Quốc nếu Trung Quốc tiếp tục quá lố và Việt Nam không có cách gì khác để giải quyết vấn đề với Trung Quốc. Việt Nam phải chứng minh việc "không còn đường nào khác" như Phillipines đã chứng minh. Theo tôi nghĩ, đây chỉ là việc chuẩn bị thôi. Khi nào khởi kiện còn tuỳ thuộc hành động của Trung Quốc mà Việt Nam cho là quá mức, chẳng hạn như khi Trung Quốc đe doạ xung quanh bãi Tư Chính trong 3 năm vừa qua và đưa đến việc hãng dầu Repsol của Tây Ban Nha phải rút đi và Việt Nam đã phải bồi thường khoảng 1 tỷ Mỹ kim. Nhưng Việt Nam đã không khởi kiện vì bị nhiều sức ép của Trung Quốc trên bình diện kinh tế và quân sự."

Nhà chuyên môn về các vấn đề chính trị, an ninh chiến lược quốc tế, cũng là nhà nghiên cứu Đông Nam Á và Việt Nam, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, tin rằng Việt Nam chưa kiện mà cũng không sắp sửa kiện Trung Quốc ra ITLOS dù từng đôi ba lần viện đến khả năng này :

"Lần đầu tiên hồi 2014 Việt Nam có nêu vấn đề xem xét khởi kiện Trung Quốc ra một Tòa Án Quốc Tế khi mà Trung Quốc hồi tháng 5/2014 đã kéo dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Cuối 2019 thì cũng đã nhắc lại và nêu rõ hơn khả năng sử dụng pháp lý để đáp trả hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, nói rằng nếu không còn cơ hội nào để xứ lý vấn đề Biển Đông bằng hòa bình nữa thì chỉ còn cách sử dụng biện pháp pháp lý mà thôi".

"Việc nộp danh sách trọng tài viên lần này lên Tổng Thư Ký của Liên Hiệp Quốc thì nó phù hợp với các tuyên bố của Việt Nam gần đây về khả năng sử dụng các biện pháp pháp lý để giải quyết vấn đề Biển Đông đối với Trung Quốc".

Qua việc đề cử lên Liên Hiệp Quốc những nhân vật có uy tín vào UNCLOS 1982 Việt Nam đã chứng tỏ khả năng hội nhập của mình, là lời Thạc sĩ Luật Hoàng Việt :

"Tuy nhiên trong bối cảnh này mà làm rùm beng quá thì người ta sẽ lại nghĩ ra những vấn đề khác, chứ còn không phải là âm thầm vì việc này phải được lên lịch từ rất lâu rồi".

"Nó cũng thể hiện được là Việt Nam đã hòa nhập, hội nhập với quốc tế, đã có người đề xuất vào cơ quan quốc tế về xét xử như vậy. Điều đó cũng chứng tỏ nếu muốn khởi kiện thì Việt Nam có lợi thế cũng như đủ điều kiện để có thể làm được điều đó".

Đương nhiên, vẫn lời Luật gia Hoàng Việt, không có gì chắc chắn để xác quyết Việt Nam sẽ kiện vì quyết định nằm trong đối sách của lãnh đạo cấp cao đảng và nhà nước Việt Nam những ngày tới.

Chiếu theo nội dung các Điều trong Phụ lục V của Công ước LHQ về Luật Biển, trong mục Hòa Giải thì các quốc gia thành viên có quyền đề cử. Chính vì thế Việt Nam có quyền nộp lên Liên Hiệp Quốc danh sách 4 hòa giải viên mà Hà Nội đã chọn lựa.

Từ Pháp, nhà nghiên cứu độc lập về Biển Đông, ông Trương Nhân Tuấn, giải thích khi nội vụ Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc phải ra trước Tòa Án Quốc Tế Về Luật Biển ITLOS :

"Phụ lục VII nói về thủ tục "trọng tài". Tương tự Phụ lục V, mỗi quốc gia thành viên có quyền đề cử 4 trọng tài viên, những người hiểu biết về biển, có khả năng và nổi tiếng thanh liêm, vào danh sách trọng tài viên của LHQ. Tòa trọng tài được thành lập khi bất kỳ một bên tranh chấp muốn giải quyết tranh chấp bằng Tòa Trọng Tài. Mỗi bên được quyền đề cử 1 người trong bản danh sách của LHQ và người đó có thể là công dân của mình hay công dân nước khác theo thỏa thuận".

Philippines đã sử dụng thủ tục qui định theo Phụ lục VII để kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thường trực PCA, được thành lập theo các qui chế của Phụ lục VII UNCLOS.

"Tương tự vụ xử của Philippines, nếu một bên vắng mặt, Tòa vẫn có thẩm quyền tiếp tục phân xử và phán quyết của tòa, trong bất cứ trường hợp nào, đều có hiệu lực bắt buộc và bên kia không thể khiếu nại.

Chiếu theo thủ tục đã ghi ở Phụ lục V và VII của Công Ước LHQ về Luật biển, Việt Nam đề cử 4 hòa giải viên và 4 trọng tài viên".

"Việc đề cử này có hiệu lực ở LHQ từ ngày 15/5/2020. Việt Nam phải sử dụng hết các biện pháp, từ dễ đến khó, từ đàm phán qua hòa giải. Nếu không giải quyết được thì Việt Nam mới có lý do để đưa ra Tòa Trọng Tài hay Tòa Án về Luật Biển (ITLOS), hay một tòa quốc tế khác".

Ngay cả điều vừa nói, vẫn lời ông Trương Nhân Tuấn, ít có khả năng xảy ra, do những bảo lưu của Trung Quốc ở Điều 298 như không chấp nhận trọng tài phân giải ở các tranh chấp đến từ việc phân định biển, khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc do đó bị giới hạn.

Điều cần rõ là Công Uớc Quốc Tế Về Luật Biển không có mục đích giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, do đó nếu có kiện tụng mà đưa vụ việc Hoàng Sa, Trường Sa vào như nhiều người đặt vấn đề là không phù hợp. Ông Trương Nhân Tuấn phân tích :

"Hành vi thủ đắc lãnh thổ bằng vũ lực của Trung Quốc năm 1974 tại Hoàng Sa là vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Trên quan điểm Công Pháp Quốc Tế, chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa không được nhìn nhận, vì vậy sự khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa cũng không được công nhận".

"Còn tại Trường Sa, hay ở các khu vực bãi Tư Chính, phản ứng của Việt Nam bị cho là yếu trước hành vi ngang ngược cũng như thù nghịch của Trung Quốc. Nhưng dầu sao cũng có chút đỉnh hiệu quả là không để cho Trung Quốc đặt giàn khoan khai thác trên thềm lục địa của Việt Nam".

Dù Trung Quốc ngang nhiên và quá lố đến mức nào trên Biển Đông thì Việt Nam cũng chưa thể khởi kiện đối tác khó ưa này được, là ý kiến tiếp theo của thạc sĩ Đinh Kim Phúc, tác giả tập sách nghiên cứu "Biển Đông : Luận Cứ và Sự Kiện" :

"Theo tôi, hiện nay quan hệ Việt-Trung đã, đang và vẫn sẽ là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nên không có việc Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa Án Quốc Tế về chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

"Cũng không có chuyện Việt Nam sẽ đệ đơn lên Tòa Trọng tài thường trực thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS 1982 (vì Tòa đã phán quyết vụ Philippines mà Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày 12/7/2016 đã tán thành phán quyết trong các công hàm gửi LHQ trong thời gian gần đây".

Tuy nhiên Việt Nam đã thành công trong việc quốc tế hóa và bước đi tiếp theo của Việt Nam vẫn là quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, là khẳng định của ông Đinh Kim Phúc :

"Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN tiếp tục "trận chiến công hàm", dùng UNCLOS 1982 để mở rộng vùng đặc quyền kinh tế ra 350 hải lý là phương thức đầu tiên để phá thế bao vây của Trung Quốc. Việt Nam và các nước ASEAN sẽ vận động để đi đến xem phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS 1982 ngày 12/7/2016 trở thành Luật để buộc Trung Quốc tuân thủ."

Việt Nam có thể đề cử bất cứ ai vào Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển như vừa qua, còn khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Quốc Tế như Philippines thì cần rất nhiều động thái chính trị ngay từ trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam, là quan điểm của chuyên gia Renalto De Castro, Giáo sư danh dự Khoa Nghiên Cứu Quốc Tế tại Đại học De La Salle ở Manila, Philippines :

"Tôi còn nhớ năm 2011 tôi từng được một vị lãnh đạo khi ấy nói với tôi rằng Việt Nam đã nghĩ đến việc kiện Trung Quốc ra PCA Tòa Trọng tài thường trực, thế nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra từ bấy đến giờ".

"Theo tôi nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc thì quá nhiều xung đột chính trị và lập trường dẫn tới nguy cơ tan rã hoàn toàn hữu nghị giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đối với Ban Chấp hành đảng cộng sản Việt Nam chuyện này chẳng khác nào đốt bỏ cây cầu nối 2 đảng cộng sản 2 nước mà Việt Nam vẫn rất cần. Philippines thì không phải một đảng cộng sản như Việt Nam".

Đây là mặt trái trong quan hệ 2 đảng cộng sản mà người dân Việt Nam phải nhận thức khi bàn đến chuyện kiện Trung Quốc liên quan đến Biển Đông, giáo sư Decastro nói tiếp :

"Lại nữa, Tòa Án Quốc Tế Về Luật Biển hoặc Tòa Trọng tài thường trực không giải quyết vấn để chủ quyền, vì thế nguyên đơn phải minh định những hạng mục nào trong hồ sơ kiện tụng. Philippines được nghe phán quyết là đường lưỡi bò Trung Quốc vạch ra, trong đó có hải phận của Phi, là không đủ chứng cứ lịch sử lẫn cơ sở pháp lý để xác minh thuộc về Hoa Lục. Nếu Việt Nam không chuẩn bị kỹ càng và cứ đưa vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thì e rằng sẽ không đi tới đâu trong lúc Trung Quốc chắc chắn sẽ không theo vụ kiện".

Điều này được tiến sĩ Hà Hoàng Hợp bổ sung :

"Việt Nam cần làm giống Philippines tức là vận dụng Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển thôi. Chứ còn bây giờ kiện Trung Quốc về mặt chủ quyền thì không có tòa nào xử thấu đáo được. Khẳng định chủ quyền thì khẳng định chứ không xử được, chỉ có mỗi Tòa Hình Sự Quốc Tế xử thôi và sẽ kéo dài vĩnh viễn. Philippines không kiện về chủ quyền mà kiện để Tòa PCA ra phán quyết là Trung Quốc không có chủ quyền ở trong đường lưỡi bò đấy".

Cái khó của Việt Nam hiện nay, theo nhà nghiên cứu độc lập Trương Nhân Tuấn ở Pháp, là Trung Quốc ngày càng lộ rõ khuynh hướng giải quyết tranh chấp về chủ quyền bằng sức mạnh.

Công hàm gần đây của Trung Quốc gửi lên Liên Hiệp Quốc, ông nói, phản biện lập luận về chủ quyền của Viết Nam ở Hoàng sa và Trường Sa, cho thấy Trung Quốc có thể sử dụng mọi phương cách để dành lấy chủ quyền gọi là không cần tranh cãi của họ trên Biển Đông.

Theo Giáo sư Renalto Decastro, đại học De La Salle ở Philippines, quyết định Việt Nam dám hay không dám kiện Trung quốc hoàn toàn nằm trong tay đảng cộng sản Việt Nam chứ không nằm trong tay Nhà Nước Việt Nam.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 02/09/2020

Published in Diễn đàn

Làm sao kiện Trung Quốc vì khủng hoảng đại địch virus corona ?

Đại dịch virus corona và những hậu quả nhiều mặt, vẫn là đề tài chính trên các báo Pháp ra hôm nay 18/05/2020. Các báo lớn dành nhiều sự chú ý vào sự kiện Tổ chức Y tế Thế giớibắt đầu họp đại hội đồng với tâm điểm chú ý vẫn là Trung Quốc, nơi xuất phát dịch bệnh Covid-19.

kien1

Các báo lớn tại Pháp ngày 18/05/2020 dành nhiều sự chú ý vào sự kiện Tổ chức Y tế Thế giớibắt đầu họp đại hội đồng với tâm điểm vẫn là Trung Quốc, nơi xuất phát dịch bệnh. Covid-19. AFP/Archivos

Trang thế giới của nhật báo Libération có bài : "Điều tra của WHO : Trung Quốc bị chỉ mặt" cho thấy trong trận đại dịch này, Bắc Kinh đang ngày càng bị tấn công nhiều mặt. Đi đầu là Hoa Kỳ với những cáo buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm làm lây lan virus corona. Và đây sẽ là một trong những vấn đề gây tranh cãi trong phiên họp đại hội đồng của WHO, bắt đầu từ hôm nay.

Tờ báo ghi nhận : "Cả thế giới mong đợi một cuộc điều tra lớn về xử lý khủng hoảng dịch Covid-19. Sau nhiều tuần bị áp lực từ mọi phía, hôm 08/05 Trung Quốc cuối cùng đã chấp nhận về nguyên tắc cuộc điều tra 'đánh giá tình hình' dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới". Thế nhưng Bắc Kinh vẫn cố gỡ gạc nói rằng cuộc điều tra này phải diễn ra vào thời điểm thích hợp là sau đại dịch và bước tiến hành phải được các cấp điều hành của WHO thông qua trước và thủ tục này không chỉ nhằm vào riêng Trung Quốc mà liên quan đến cả cách xử lý khủng hoảng ở mọi nước.

Tờ báo cho biết "nhiều tuần qua, chính quyền Trump, các nghị sĩ, luật sư Mỹ và nhiều chính phủ các nước khác, nhiều định chế, chuyên gia tổ chức xã hội dân sự đã lên tiếng chỉ trách nhiệm thuộc về chính quyền Trung Quốc. Người này thì muốn tìm ra thủ phạm, người khác thì hy vọng đòi được Bắc Kinh bồi thường và có những người cũng chỉ muốn rút ra những bài học từ trận đại dịch Covid-19". Tất cả các cáo buộc đều cho rằng Bắc Kinh đã cố tình che đậy nạn dịch ngay từ đầu.

Cơ sở pháp lý nào để kiện Trung Quốc ?

Nhưng Libération đặt câu hỏi : Cấp cơ quan có thẩm quyền nào có thể tiếp nhận vụ kiện vừa mang tính pháp lý nhưng đồng thời cũng mang tính chính trị này ?

"Tội ác về y tế" không tồn tại trong hệ thống pháp lý quốc tế, mà WHO cũng không có cấp pháp lý nào để phán xử. Tuy nhiên tờ báo nhận thấy trong thời gian xảy ra đại dịch, nhiều lần Tòa án Hình sự Quốc tế La Haye (CPI) được nhắc đến như là định chế có thể tiếp nhận vụ kiện Trung Quốc này.

Trong quá khứ gần đây CPI cũng đã tiếp nhận nhiều hồ sơ kiện theo hướng đó nhưng chỉ phán xử các cá nhân về tội ác diệt chủng, chiến tranh hay chống nhân loại, CPI không có thẩm quyền và cũng không thể chứng minh được chế độ Trung Quốc có ý đồ gây hại cho thế giới trong nạn dịch này.

Có một định chế pháp lý khác cũng đóng tại La Haye là Tòa Công Lý Quốc Tế (CIJ) của Liên Hiệp Quốc, nhưng Tòa chỉ phân xử các bất đồng giữa các quốc gia. Về khả năng này, các chuyên gia luật quốc tế được Libération trích dẫn cũng đánh giá là không khả thi vì sẽ không có nước nào đối mặt với Trung Quốc đứng ra kiện vì biết đâu có ngày trận dịch khác bùng phát ở nước mình.

Mặc dù không có cấp thẩm quyền nào thì có một văn bản khung có thể làm cơ sở cho các thủ tục pháp lý trong trường hợp dịch Covid : Quy định Y tế Quốc Tế (RSI) của WHO. Đó là văn bản luật ra 2005 nhằm "phòng chống các bệnh dịch lây lan trên phạm vi quốc tế, hành động tránh trở ngại cho thông thương quốc tế".

Trong một báo cáo hồi đầu tháng Tư, liên quan đến dịch virus corona công ty tư vấn Anh Quốc Henry Jackson Society (HJS) ghi nhận : "Nếu, trong trận dịch này, Đảng cộng sản Trung Quốc đã hoàn thành nghĩa vụ theo RSI, phần lớn tai họa hiện nay đã có thể tránh được. Nhưng dường như Đảng cộng sản Trung Quốc đã không rút ra bài học từ dịch SARS (2002-2003)". Các luật gia đều cho rằng, trên phương diện Nhà nước, Trung Quốc thực tế đã không tuân thủ các nghĩa vụ ghi trong Quy định Y tế Quốc tế.

Dù các tố cáo về trách nhiệm của Trung Quốc trong trận dịch Covid-19, vào đòi bồi thường thiệt hại đã có nhiều từ giới chính trị hay các tổ chức xã hội dân sự, đặc biệt ở Mỹ, nhưng không đơn giản để có được phán quyết pháp lý nhằm vào Trung Quốc.

Theo Libération chỉ còn lại giải pháp là một nước hay một nhóm nước đơn phương trừng phạt theo kiểu như đã làm với Nga sau vụ sáp nhập Crimea 2014. Ở khía cạnh này, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa bắt Bắc Kinh phải trả giá bằng các đòn áp thuế vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.

Đài Loan đi tìm chỗ đứng trong WHO

Cũng tại đại hội đồng của Tổ chức Y tế Thế giới, một vấn đề gai góc được dư luận quan tâm đó là tư cách thành viên trong WHO mà Đài Loan đấu tranh để có.

Hòn đảo ly khai từ năm 1949 và luôn bị Hoa Lục coi là 1 tỉnh này đang tìm kiếm một cơ hội để khẳng định vị thế một quốc gia thực thụ trong một định chế quốc tế, qua đại dịch Covid-19.

Với bài báo : "WHO : Đài Loan thách thức Bắc Kinh giữa lúc Trung -Mỹ đọ sức", Le Figaro ghi nhận : "Một Đài Loan nhỏ bé, dân chủ, tấm gương ứng phó với Covid-19, đang thách thức một nước Trung Quốc chuyên chế, với việc đòi có được vị trí quan sát viên tại Tổ chức Y tế Thế giới". Đòi hỏi của Đài Loan được My ủng hộ tất nhiên khiến Bắc Kinh bực tức.

Từ đầu trận dịch này, đảo Đài Loan với 23 triệu dân, chỉ có 440 ca nhiễm và 7 trường hợp tử vong. Đây là một thành công đáng để cho nhiều nước lớn học hỏi. Nhưng Bắc Kinh thì không hề hài lòng khi họ đang mở chiến dịch tán dương thành tích xử lý khủng hoảng virus corona, nhằm che khuất các cáo buộc về trách nhiệm để dịch lây lan khắp thế giới.

Chuyên gia Mathieu Duchâtel, phụ trách khu vực Châu Á Viện Montaigne của Pháp phân tích : "Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã tặng cho Đài Loan một không gian quốc tế ngoài mong đợi từ cuối thế kỷ 20. Đó là điều mà Bắc Kinh lo lắng". Trong cuộc đấu tranh này Đài Loan có được sự ủng hộ của đồng minh Mỹ.

Tuy nhiên cuộc chiến ngoại giao của Đài Loan rất gay go, kết quả dường như đã biết trước. Tổng giám đốc của WHO không có quyền mời Đài Loan vào tổ chức mà quyền quyết định thuộc các thành viên tham gia đại hội. Mà các thành viên thì hầu hết đều bị Bắc Kinh khống chế bằng các mối quan hệ làm ăn hay ngoại giao.

Mặc dù vậy, Le Figaro ghi nhận đây là một "thách thức lịch sử" cho Đài Loan. Không có chân trong Liên Hiệp Quốc, nếu được hưởng quy chế quan sát viên của một tổ chức quốc tế như WHO thì Đài Bắc có quyền được chia sẻ thông tin về đại dịch. Từ 2009 đến 2016, Bắc Kinh đã nhượng bộ cho chính quyền Mã Anh Cửu, được cho là thân Bắc Kinh, được hưởng quy chế này, nhưng đến thời bà Thái Anh Văn, người chủ trương độc lập cho Đài Loan, thì Bắc Kinh ngay lập tức gây sức ép để đẩy Đài Loan ra khỏi WHO. Với Bắc Kinh, điều kiện duy nhất để Đài Loan gia nhập WHO là thừa nhận thỏa thuận 1992, tức là phải tôn trọng nguyên tắc 1 nước Trung Quốc, điều mà chính quyền của bà Thái Anh Văn không thể chấp nhận.

Vậy là "thách thức lịch sử đã đẩy 23 triệu dân hòn đảo ra bên lề của con đường sức khỏe giữa đại dịch", Le Figaro kết luận.

Covid-19 : Cuộc chiến y tế - địa chính trị

Cũng liên quan đến mặt trận ngoại giao y tế, nhật báo La Croix có bài "Trận chiến chống virus corona cũng là trận chiến địa chính trị".

Bài viết ghi nhận một thực tế đang diễn ra trong trận dịch Covid-19 này là một số nguyên thủ quốc gia như Donald Trump hay Emmanuel Macron, không còn ngại nhảy vào mặt trận các cuộc thử nghiệm lâm sàng trị Covid-19. Lý do là vì vấn đề điều trị hay vac-xin mang những thách thức được mất về địa chính trị rất lớn, không riêng với Pháp, Mỹ mà với cả nhiều nước lớn khác, trong đó phải kể đến cả Trung Quốc.

Bên ngoài, ai cũng hô hào các nhà khoa học thế giới phải phối hợp hành động để đẩy lùi virus corona. Nhìn chung thì các nhà khoa học cũng đã có chia sẻ các nghiên cứu của mình. Nhưng thực chất bên trong đang diễn ra cuộc cạnh tranh giành giật các thành tựu nghiên cứu về cho nước mình.

Tờ báo nhấn mạnh, không phải ngẫu nhiên mà một số nguyên thủ quốc gia thường hay thay vị trí của các bác sĩ hay các nhà khoa học để thông báo tiến triển từng bước liệu pháp chữa trị bệnh hay nghiên cứu vac-xin,

Đến giờ chưa thể nói thành công khoa học đẩy lùi đại dịch Covid-19 thuộc về ai, nhưng có điều chắc chắn nước nào triển khai đầu tiên sản xuất vac-xin phòng ngừa virus corona sẽ có được uy tín quốc tế rất lớn, chưa nói đến nguồn lợi về tài chính.

La Croix kết luận : "Một trận chiến để cứu mạng người. Nhưng cũng để giữ hoặc để trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, có khả năng cứu vớt phần còn lại của thế giới".

Trở lại với trang nhất các báo Pháp

Libération lấy chủ đề chính : "Được giảm phong tỏa cũng không dễ gì". Tờ báo lấy ý kiến của nhiều người dân sau khi gỡ bỏ phong tỏa cho thấy, trong khi mà một phần đông dân Pháp tìm lại được niềm vui tự do đi lại, thì một số không ít lại tỏ ra khó khăn khi được giải tỏa vì nỗi lo sợ dịch bệnh bên ngoài và có phần tiếc nuối nhịp sống chậm trong phong tỏa vì Covid-19. Giờ họ đang lại phải dần dần thích ứng với cuộc sống tự do.

Le Monde chú ý đến mối liên hệ giữa nhập cư với các thầy thuốc tham gia chống đại dịch. Tờ báo dẫn các số liệu thống kê mới đây ở nhiều nước cho thấy : Hơn 1/4 các bác sĩ ở các nước thuộc Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE) là người nhập cư. Những thầy thuốc nhập cư này trên tuyến đầu chống Covid 19 là một đội ngũ cốt tử của hệ thống y tế của các nước giàu. Con số cho thấy các nước giàu có thiếu nhân sự y tế nhưng đồng thời đang làm cạn nguồn lực của các nước nghèo.

Anh Vũ

Published in Châu Á

Vụ Trung Quốc ra lịnh cấm đánh cá...

Trương Nhân Tuấn, 13/05/2020

Nếu Việt Nam thực sự muốn "kiện" Trung Quốc thì lịnh "cấm đánh cá" của Trung Quốc trên Biển Đông là lý do cụ thể để Việt Nam đi kiện.

bando1

Lịnh "cấm đánh cá" của Trung Quốc trên Biển Đông là lý do cụ thể để Việt Nam đi kiện. Ảnh minh họa

Lịnh cấm đánh cá của Trung Quốc bắt đầu áp dụng từ năm 1999, thời gian mỗi năm kéo dài từ 1 tháng năm đến hết ngày 16 tháng tám. Lịnh cấm đánh cá có hiệu lực ở Biển Đông, trong vùng từ 12 độ vĩ Bắc trở lên, phát sinh từ vùng "kinh tế độc quyền - EEZ" tính bờ biển Phúc Kiến đến Quảng Đông, vùng EEZ của Tây Sa (Hoàng Sa) và EEZ của Trung Sa (Scarborough và Macclesfield).

Rõ ràng lịnh cấm đánh cá của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam trong vùng kinh tế độc quyền, phát sinh từ bờ biển Việt Nam.

Lịnh cấm đánh cá của Trung Quốc ngang ngược tương tự cấm Việt Nam đánh cá trên "ao nhà" của Việt Nam.

Việt Nam ngoài việc phản đối miệng "quan ngại" thì hoàn toàn không có biện pháp cụ thể nào khác.

Tình hình "càng để lâu càng khó". "Cứt trâu để lâu hóa bùn". Hành vi "khẳng định chủ quyền" của Trung Quốc lâu ngày được quốc tế nhìn nhận như "việc đã rồi".

Cái "khó" của Việt Nam không phải vì không có lý do phản biện trước tòa, mà khó vì học giả Việt Nam đã tự trói tay mình.

Việt Nam nhìn nhận hiệu lực công hàm 14 tháng chín 1958 của Phạm Văn Đồng ở khoản "hải phận 12 hải lý".

Học giả Việt Nam vịn lý do Công hàm Phạm Văn Đồng không nhắc tới Hoàng Sa và Trường Sa, do đó Trung Quốc không thể "suy diễn" là Việt Nam nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc ở hai quần đảo này.

Lịnh cấm đánh cá bắt đầu từ năm 1999. Đến nay Việt Nam vẫn không thể đi kiện. Lý do không (hay chưa) đi kiện là vì xác suất thua cao hơn thắng.

Tập quán quốc tế cho thấy Việt Nam có thể giải quyết các tranh chấp "từng phần" với Trung Quốc, như thỏa thuận "vùng đánh cá chung" (như Trung Quốc với Nhật vùng biển Hoa Đông hay Việt Nam và Trung Quốc trong vùng Vịnh Bắc Việt). Đến nay hai bên không thỏa hiệp để có vùng "đánh cá chung" khu vực biển Hoàng Sa (và vùng cửa vịnh Bắc Việt) hiển nhiên là Việt Nam đứng vào thế (rất) yếu.

Bởi vì khi Việt Nam chủ trương nhìn nhận hiệu lực công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, mặc dầu chỉ ở khoản "hải phận 12 hải lý", thì mặc nhiên đã nhìn nhận "hiệu lực trên toàn bộ" công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng.

Khác biệt giữa hai bên là "cách diễn giải" nội dung công hàm Phạm Văn Đồng "nhìn nhận và tán thành" cái gì ?

Dĩ nhiên là công hàm Phạm Văn Đồng "nhìn nhận và tán thành" nội dung Tuyên bố của Trung Quốc : hải phận 12 hải lý của Trung Quốc ở Tây Sa và Nam Sa.

Học giả Việt Nam tưởng rằng Việt Nam có thể "trụ" được ở khoản "nhìn nhận hải phận 12 hải lý". Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa nếu thuộc về Trung Quốc thì Việt Nam cũng không mất nhiều.

Học giả Việt Nam "quên" tính một điều là nếu qui chiếu theo "Công ước Vienne 1969 về Luật các công ước", Luật Quốc tế về Biển 1982 sẽ thay thế Luật Quốc tế về Biển 1958.

Luật biển năm 1958 chỉ có khái niệm về "lãnh hải 12 hải lý" và chưa có khái niệm về hải phận "kinh tế độc quyền" và thềm lục địa 200 hải lý. Công ước Vienne 1969 cho phép Trung Quốc có quyền mở rộng hải phận 12 hải lý ra 200 hải lý, sao cho phù hơp với Luật Biển 1982.

Thấy có học giả hiện nay đang viết bài chứng minh các đảo Hoàng Sa không có cái nào được tính là "đảo", theo điều 121 khoản 1 của Luật biển.

Làm việc này là "tự bắn vào chân", Việt Nam mặc nhiên từ bỏ chủ quyền Hoàng Sa, bởi vì yêu sách của Việt Nam qua bản đồ "bụng chửa" đã từng chủ trương Hoàng Sa và Trường Sa có hiệu lực của "đảo", theo điều 121.1.

bando2

Bản đồ chủ quyền lãnh hải Biển Đông của các quốc gia đang tranh chấp

Trước Tòa Việt Nam có thể yêu cầu Tòa "giải thích và cách áp dụng luật Biển ở Hoàng Sa". Nhưng Việt Nam không thể "chứng minh" các đảo Hoàng Sa không có hiệu lực là "đảo" theo điều 121.1. Nếu Hoàng Sa là của Việt Nam thì người Việt Nam không ai làm vậy.

Trong khi đó "lý thuyết" của tôi nhằm hóa giải công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, đề nghị từ hơn 20 năm nay, thuyết "quốc gia chưa hoàn tất".

Theo thuyết "quốc gia chưa hoàn tất" Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không phải là "quốc gia độc lập có chủ quyền". Cả hai Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đều thuộc vào một "quốc gia duy nhứt, độc lập có chủ quyền và thống nhứt lãnh thổ", đúng theo qui định của hai hiệp định Genève 1954 và Paris 1973.

Lập luận của tôi cực kỳ đơn giản, "chủ quyền" của quốc gia là "duy nhứt và bất khả phân". Vì vậy "Việt Nam" theo qui định của hai hiệp định Ganève 1954 và Paris 1973 là "Quốc gia - State - Etat" không thể phân chia thành "hai quốc gia" Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

"Quốc gia -State - Etat" có hai phần : phần thể xác và phần linh hồn. Thể xác là "lãnh thổ, dân chúng, chính phủ và có khả năng thiết lập bang giao với các quốc gia khác". Phần "thể xác có thể phân chia. Phần "hồn" là "chủ quyền", là đối tượng (hay chủ thể) của Luật quốc tế. Phần "hồn" chỉ có một, duy nhứt và tối thượng, không thể phân chia.

Quốc gia có "quyền lợi và nghĩa vụ", đúng theo qui định của công ước Montevideo 1933 và Hiến chương Liên Hiệp Quốc 1948. Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không phải là "quốc gia". Ta có thể gọi hai thực thể này là "quốc gia chưa hoàn tất". Bởi vì hai thực thể Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không hề là "đối tượng" hay là "chủ thể" của Luật quốc tế.

Việt Nam Cộng Hòa lúc 1974 bị Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chạy "hết cách" cũng không thể triệu tập Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để khiếu nại và kiện Trung Quốc trước Tòa Công lý quốc tế. Lý do thất bại là vì Việt Nam Cộng Hòa không có "tư cách quốc tế" và không phải là "đối tượng" của Luật quốc tế. Ngay cả lúc Việt Nam Cộng Hòa bị Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đưa vào vòng nguy khốn tháng tư 1975, Việt Nam Cộng Hòa vẫn không thể cầu cứu Liên Hiệp Quốc.

Việt Nam Cộng Hòa không phải là "quốc gia", không có "tư cách quốc tế", không phải là đối tượng của Luật quốc tế nên không có "quyền" yêu cầu Liên Hiệp Quốc can thiệp. Các quốc gia khác cũng không có nghĩa vụ phải giúp đỡ Việt Nam Cộng Hòa.

Tương tự, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng không phải là "quốc gia". Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không có "tư cách quốc tế" và cũng không phải là đối tượng của Luật quốc tế. Hiển nhiên công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng không phải là một "công văn", theo nghĩa ràng buộc của công pháp quốc tế. Công hàm 1958 không thể xét dưới ánh sáng của Luật quốc tế.

"Lý thuyết quốc gia chưa hoàn tất", tôi có đề cập sơ lược trong lá thư 2014 gởi lãnh đạo Việt Nam, nhân vụ giàn khoan HD 981. Dĩ nhiên việc làm của tôi không hề có ý giúp cho Đảng cộng sản Việt Nam mà chỉ nhằm bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ quyền và lợi ích của các thế hệ Việt Nam trong tương lai.

Lá thư của tôi như viên đá ném chìm trong ao nước, không có một tiếng động hồi âm, cho tôi dịp để phân tích lý thuyết của tôi ra sao.

Đảng cộng sản Việt Nam tin tưởng vào học giả "đỉnh cao" của mình, tự đưa mình vào thế kẹt, không thể kiện Trung Quốc.

Nếu nói Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là "hai quốc gia độc lập có chủ quyền, Việt Nam sẽ bị Tòa bác đơn ngay từ đầu. Đơn giản vì lập luận ngược nội dung hai hiệp định Genève 1954 và Paris 1973.

Còn nếu chứng minh các đảo Hoàng Sa không có hiệu lực đảo theo điều 121.3, Việt Nam bị "estopped", bác đơn ngay từ đầu. Việt Nam đã từng chủ trương y chang như Trung Quốc. Việt Nam không thể "cấm" Trung Quốc có chủ trương giống như mình.

Ngoài học giả Ngô Vĩnh Long Ngo Vinh LongViệt Hoàng, Đinh Kim Phúc Phuc Dinh Kim... cùng các học giả thuộc nhóm "Quĩ nghiên cứu Biển Đông" là những người tôi "biết", có chủ trương "có hai quốc gia Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa độc lập, có chủ quyền" và "công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng nhìn nhận hải phận 12 hải lý". Không biết tôi có sót tên những ai khác hay không ?

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 13/05/2020

********************

Ai mới là kẻ tàn phá nguồn cá ở Biển Đông

Trương Hoàng Phương, RFA, 13/05/2020

Ngày 11/5, cơ quan truyền thông của Trung Quốc dẫn tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Việt Nam "không có quyền" bình luận về lệnh cấm đánh bắt cá mùa Hè của Trung Quốc ở Biển Đông vì biện pháp này thuộc về cái gọi là "các quyền hành chính của Trung Quốc".

bando3

Biểu tình phản đối Trung Quốc ở Manila, Philippines hôm 18/6/2019 - AFP. Hình minh họa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh phát biểu như trên sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh không làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.

Các nguồn tin của Trung Quốc nhắc lại : Lệnh cấm đánh bắt cá năm nay bắt đầu vào ngày 1/5 và dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 16/8 ở các vùng nước phía Bắc kéo đến 12 độ Vĩ Bắc của Biển Đông, với việc lực lượng bảo vệ bờ biển (Hải Cảnh) và nhà chức trách ngư nghiệp Trung Quốc khởi động việc thực thi pháp luật.

Tin cũng cho biết, tại cuộc họp báo, bà Hoa Xuân Oánh còn tuyên bố "không thể chối cãi rằng quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) là một phần của lãnh thổ Trung Quốc", "Trung Quốc được hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán ở vùng biển có liên quan của Biển Đông theo luật pháp quốc tế và luật pháp trong nước của Trung Quốc", "việc thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá mùa Hè ở vùng biển có liên quan của Biển Đông là một biện pháp hợp pháp của Trung Quốc để thực hiện các quyền hành chính và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế có liên quan theo luật pháp"…

Cũng trong ngày 11/5, một người phát ngôn khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Triệu Lập Kiên tuyên bố Việt Nam "không được quyền phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông và không có quyền khuyến khích ngư dân xâm phạm cái gọi là lợi ích và quyền lợi của Trung Quốc ở vùng biển này".

bando4

Tàu cá ngư dân ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hôm 10/4/2012 - Reuters. Hình minh họa.

Theo truyền thông Trung Quốc, Triệu Lập Kiên phát biểu như trên "để đáp lại sự phản đối của Hiệp hội Nghề cá Việt Nam đối với lệnh cấm đơn phương của Trung Quốc". Triệu Lập Kiên nói thêm rằng, theo luật pháp quốc tế và luật pháp Trung Quốc, Trung Quốc được hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với một số phần cụ thể của Biển Đông.

Triệu Lập Kiên nhấn mạnh 50.000 tàu cá sẽ phải dừng hoạt động đánh bắt trong thời gian 3,5 tháng và dọa rằng "Việt Nam không được khuyến khích ngư dân xâm phạm chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc".

Ai là người tàn phá nguồn thủy sản ở Biển Đông ?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục khẳng định lệnh cấm mà Trung Quốc đơn phương đưa ra là biện pháp có lợi cho việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển bền vững ở Biển Đông ; đồng thời cho rằng, Việt Nam không nên khuyến khích ngư dân xâm phạm cái gọi là quyền và lợi ích của Trung Quốc và làm suy yếu sự phát triển bền vững của các nguồn lợi thủy sản ở Biển Đông.

Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu Greg Poling, Giám đốc tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á, lệnh cấm của Trung Quốc bao trùm 1,3 triệu km2, nhưng chỉ có 28% là vùng biển đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Phần còn lại, 25% là vùng biển tranh chấp với các nước khác, 18% là vùng biển quốc tế, 18% là vùng biển đặc quyền kinh tế của Philippines và 10% là vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo một tổ chức quốc tế chuyên theo dõi về tình trạng đánh bắt cá lậu (IUU) trên thế giới, với những số liệu họ thống kê thì Trung Quốc quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng các tàu cá đánh bắt vi phạm trên thế giới.

Còn theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, trụ sở tại Washington) khẳng định việc khai thác ngao khổng lồ ở quy mô lớn và nạo vét để xây dựng đảo nhân tạo là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng tận diệt sinh vật biển, mà trong số này, phải đặc biệt kể đến những "hoạt động" của Trung Quốc.

Tin dẫn lời ông Gregory Poling khẳng định Trung Quốc đã phá hủy khoảng 40.000 mẫu rạn san hô để xây dựng các đảo nhỏ. Ông còn dẫn số liệu từ báo chí Philippines cho biết, năm ngoái, các hoạt động thu hoạch ngao khổng lồ của tàu thuyền Trung Quốc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các rạn san hô quanh bãi cạn ở phía tây đảo Luzon ở Philippines.

bando5

Hải quân Philippines kiểm tra tàu cá Trung Quốc đánh bắt nghêu khổng lồ ở bãi cạn Scarborough hôm 11/4/2012 AFP - Hình minh họa.

Ông Hunter Stires của Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Hàng hải Hoa Kỳ John B. Hattendorf (thuộc Đại học Hải chiến Hoa Kỳ) công bố cùng số liệu mà ông Greg Poling đưa ra : "Trung Quốc khét tiếng cả thế giới với việc ‘lát gạch’ trên hàng nghìn mẫu rạn san hô để tạo ra một loạt đảo nhân tạo được quân sự hóa ở quần đảo Trường Sa".

Ông Hunter Stires nói thêm rằng hoạt động đánh bắt bằng lưới cào của các đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc đã phá hủy những đáy biển ở vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác. Trung Quốc thậm chí đã dùng tàu lắp hệ thống chân vịt để phá hủy các rạn san hô ở bãi cạn Scarborough (mà Philippines tuyên bố chủ quyền) với mục tiêu đánh bắt loài ngao khổng lồ đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Không chấp nhận "lệnh cấm"

Trong những ngày qua, tuyên bố của Việt Nam bác bỏ quyết định của Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông đã được hàng loạt hãng tin khu vực và quốc tế như BenarNews (tin tức Đông Nam Á), Nationalpost.com (Canada), Nikkei Asia Review (Nhật Bản), Reuters (Anh), Bloomberg và voanews.com (Mỹ), Koreatimes (Hàn Quốc)… đưa tin.

Trước lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc, cùng với hành vi hung hăng của lực lượng bảo vệ bờ biển nước này trong những tháng gần đây, một số hiệp hội ngư dân trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Philippines, đang kêu gọi chính phủ phản ứng.

Tại Manila, các tổ chức thủy sản địa phương đã kêu gọi chính phủ Philippines không nhượng bộ hành vi "bắt nạt" này. Ông Fernando Hicap, Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức ngư dân nhỏ, nói : "Chính phủ Philippines không nên lãng phí thời gian và để cho các cảnh sát biển của Trung Quốc bắt giữ ngư dân của chúng ta".

Theo ông Gregory Poling, khoảng 4 triệu ngư dân Trung Quốc có thể sẽ tuân theo lệnh cấm của Trung Quốc, nhưng ngư dân từ các quốc gia khác sẽ không như vậy vì họ không công nhận yêu sách của Trung Quốc.

Bộc lộ âm mưu "chủ nghĩa Đại Hán"

Khi Bắc Kinh đưa ra lệnh cấm đánh cá, Tân Hoa xã loan báo lực lượng Hải cảnh nước này được lệnh "thi hành nghiêm ngặt" lệnh cấm đánh bắt thủy sản, có nghĩa là họ sẽ gia tăng bắt giữ, đâm chìm các tàu đánh cá và khai thác các loại thủy sản của ngư dân Việt Nam ở trong phạm vi "đường 9 đoạn" quanh vùng biển Hoàng Sa.

Ông Hunter Stires tại Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Hàng hải Hoa Kỳ cho rằng đằng sau "lệnh cấm đánh bắt cá" là mưu toan của Trung Quốc tiến tới một trật tự "khép kín, không tự do và theo chủ nghĩa Đại Hán (tức là coi Trung Quốc là trung tâm của thế giới )" ở Biển Đông.

Ông nói : "Để biến tầm nhìn tham vọng của mình thành hiện thực, Trung Quốc đang nỗ lực áp đặt ý chí và luật pháp của nước này với ngư dân của các quốc gia khác".

Kể từ năm 199, Trung Quốc đều đặn ban hành lệnh cấm nói trên, nhưng trong bối cảnh của năm 2020, động thái này có một ý nghĩa mới.

Trả lời tờ The Diplomat, ông Gregory Poling bình luận : Các hành vi quấy rối tại Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn phù hợp với chính sách và hành vi lâu dài của nước này. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước đang phải bận tâm đối phó với những hậu quả nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, hành động của Trung Quốc làm trầm trọng thêm những sự bất bình cụ thể, dù muốn hay không, cũng đều vô nghĩa.

Trong khi đó, tờ South China Morning Post, có trụ sở tại Hong Kong, cảnh báo, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng với các bên tranh chấp ở Biển Đông. Kang Lin, một thành viên nghiên cứu của Đại học Hải Nam, nói rằng trong tương lai gần sẽ không có khủng hoảng lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, nếu đại dịch tiếp tục xấu đi và xuất khẩu thực phẩm bị cấm nhiều hơn, các quốc gia trong khu vực có thể gửi thêm tàu đánh cá đến vùng biển để đảm bảo an ninh lương thực. Trong trường hợp đó, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc sẽ vấp phải sự phản đối ngày càng mạnh mẽ.

Trong bối cảnh thế giới đang phức tạp như vậy, cùng với việc Trung Quốc đang gia tăng các hành động để thực hiện mưu toan của họ trên Biển Đông. Tất cả các quốc gia có liên quan đều cần tỏ rõ thái độ một cách quyết liệt để có thể ngăn chặn bớt các hành động đơn phương hung hăng kiểu như vậy của Trung Quốc.

Trương Hoàng Phương

Nguồn : RFA, 13/05/2020

Published in Diễn đàn

Virus corona : Các nước có thể kiện Trung Quốc ra tòa ?

Thụy My, 27/04/2020

Giấu giếm thực tế về khả năng giết người hàng loạt của virus corona chủng mới, Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm rất lớn trong việc để cho đại dịch lan ra toàn thế giới. Nhưng làm thế nào buộc được Trung Quốc bồi thường thiệt hại ?

kien1

Mỹ là nước bị thiệt hại nhiều nhất vì đại dịch virus corona, với gần 55.000 người thiệt mạng tính đến ngày 27/04/2020. Ảnh minh họa : Một nữ y tá trước bệnh viện Elmhurst ở New York, 20/04/2020. © Reuters/Lucas Jackson

Hơn 200.000 người trên thế giới đã thiệt mạng vì con virus xuất phát từ Vũ Hán, những cái chết tức tưởi trong cô đơn, đau đớn…trong đó có những tài năng còn có thể cống hiến cho đời.

Trong khi đó chính quyền Trung Quốc tìm cách lấp liếm, viết lại lịch sử, thậm chí còn tung hỏa mù để đổ tội cho nước khác. Bắc Kinh nhân cơ hội thế giới lao đao vì đại dịch để tung ra chiến dịch ngoại giao khẩu trang nhằm tuyên truyền gây thanh thế, làm áp lực. Không dừng lại ở đó, các cơ quan ngoại giao Trung Quốc ở nhiều nước còn ngang nhiên loan tin vịt, chê bai chính quyền sở tại, như đã diễn ra ở Pháp.

Bắc Kinh dường như đã làm cho giọt nước phải tràn ly. Ngày 21/04/2020, Missouri là tiểu bang đầu tiên của Mỹ khởi kiện chính quyền và đảng cộng sản Trung Quốc vì đã "che giấu những thông tin quan trọng" về sự trầm trọng của nạn dịch virus corona chủng mới. Tuy nhiên số tiền đòi bồi thường trong vụ kiện dân sự này chưa được tiết lộ. Sau đó tiểu bang Mississippi cũng theo chân.

Trên Figaro Magazine, hai luật sư Pierre Farge và Odile Madar đã giải thích khả năng khởi kiện Trung Quốc vì đã dối trá trong đại dịch virus corona.

Câu hỏi được tờ báo đặt ra như sau : Giấu diếm thực tế về khả năng giết người hàng loạt của virus corona chủng mới, Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm rất lớn trong việc để cho đại dịch lan ra toàn thế giới. Như vậy vấn đề trách nhiệm của Trung Quốc trong việc bồi thường thiệt hại cần thiết được đặt ra, nhưng làm thế nào để thực hiện ?

Phần trả lời của hai luật sư Farge và Madar :

Cơ quan tư vấn Anh Henry Jackson Society, thân cận với đảng bảo thủ, dự kiến nhiều con đường thông qua tư pháp để yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại. Hiện đã có nhiều chính khách Anh, Mỹ đòi hỏi chính phủ khởi kiện chính quyền Trung Quốc ra trước các tòa án.

Về mặt luật pháp, các động thái này khó thể đạt được kết quả. Công cụ đầu tiên mà các Nhà nước có được là quy định về vệ sinh dịch tễ quốc tế, đó là Điều lệ Y tế Thế giới. Các Nhà nước có nhiệm vụ phải hành động để phòng chống các bệnh truyền nhiễm lây lan. Việc báo cáo đại dịch phải được nhanh chóng tiến hành, trên cơ sở các thông tin cụ thể và hoàn chỉnh.

Thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc đã vi phạm các điều 6 và 7 của quy định này, vì đã không thông báo các dữ liệu cho thấy bằng chứng virus corona lây từ người sang người, đợi tới ba tuần lễ sau mới báo. Tuy nhiên trong IHR (International Health Regulations - Điều lệ Y tế Thế giới, hay RSI trong tiếng Pháp) không dự trù các biện pháp trừng phạt đối với các Nhà nước không tôn trọng quy định này.

Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ hay CIJ trong tiếng Pháp), cơ quan tư pháp chính của Liên Hiệp Quốc, có thể vào cuộc. Tuy nhiên chỉ có những Nhà nước tự nguyện chấp nhận quyền xét xử của cơ quan này mới phải tôn trọng phán quyết. Nói cách khác, khó thể có việc Trung Quốc chấp nhận thẩm quyền của Tòa án Công lý Quốc tế, trước nguy cơ bị kết án, và như vậy các bản án của tòa không thể thực hiện.

Về phần Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC, hay CPI trong tiếng Pháp) thì có thẩm quyền xét xử tội ác chống nhân loại. Hiện nay tòa đang thụ lý hai đơn kiện của các Nhà nước thành viên có liên quan đến Covid-19. Một đơn nhắm vào các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đơn kia vào tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Các đơn này dựa vào điều 7 của Hiệp ước Roma, định nghĩa tội ác chống nhân loại là "một cuộc tấn công toàn diện hoặc có hệ thống vào thường dân", hay "các hành động vô nhân đạo", "cố tình gây ra đau đớn khủng khiếp".

Tuy không thể khởi kiện ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế với tư cách pháp nhân (dành riêng cho các Nhà nước), nhưng ngược lại các thể nhân vẫn có thể cung cấp thông tin cho tòa. Nếu công tố viên nhận định là nghiêm túc, thì tòa có thể mở điều tra trên cơ sở này. Có điều để đánh giá là "cố ý", rất khó khẳng định chính quyền Trung Quốc cố tình sát hại người dân trong trường hợp dịch virus corona.

Dù sao đi nữa, khó có khả năng Trung Quốc chấp nhận thẩm quyền của tư pháp quốc tế, và Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách để trốn tránh trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc - mà Trung Quốc làm chủ tịch luân phiên kể từ tháng Ba năm 2020 - giữ im lặng.

Tranh cãi gần đây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là ví dụ điển hình nhất : Washington đã yêu cầu ghi vào văn bản chính thức xuất xứ của con virus là từ Trung Quốc, tuy nhiên Bắc Kinh kiên quyết bác bỏ, dù sự thật đã rành rành. Sự chối từ trách nhiệm này ngăn chận hoạt động của cơ chế Liên Hiệp Quốc và cho thấy thất bại của định chế đa phương. Trước việc Nga và Trung Quốc liên kết với nhau, có thể chắc chắn rằng chỉ có những nghị quyết mang tính tham khảo chứ không phải cưỡng chế, mới có thể được ban hành.

Tiếc thay, luật quốc tế thất bại về chủ đề này - một lỗ hổng pháp lý cần nhấn mạnh trong các hoàn cảnh đặc thù. Không có đòn bẩy luật pháp nào để đưa Bắc Kinh ra trước công lý. Tuy vậy, không nên thối chí : vẫn có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và thuế quan. Bên cạnh đó là tấn công ngoại giao, và gây áp lực thường xuyên về mặt đạo đức, để buộc Trung Quốc phải trả giá cho hành động của mình đối với cộng đồng quốc tế.

Như vậy cần có lòng can đảm và tình liên đới của thế giới để áp đặt các cuộc điều tra độc lập trên lãnh thổ Trung Quốc, để tìm hiểu về nguyên nhân cuộc khủng hoảng và tránh không để thảm họa tái diễn trong tương lai.

Thụy My

Nguồn : RFI, 27/04/2020

******************

Để đại dịch Covid-19 bùng lên từ Vũ Hán : Mỹ có trách nhiệm gì ?

Trọng Thành, RFI, 27/04/2020

Đại dịch Covid-19 lan khắp thế giới - khiến hơn 200.000 người chết - tiếp tục là mối lo sợ của nhân loại trong nhiều tháng tới, khi chưa có vác-xin và thuốc đặc hiệu. Trách nhiệm của Bắc Kinh trong việc để bệnh dịch bùng phát đang được nhiều quốc gia, tổ chức kêu gọi điều tra. Hoa Kỳ, dường như là một tác nhân không kém phần quan trọng trong đại dịch, lại ít được chú ý.

kien2

Giáo sư Anthony Fauci và tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo tại Washington, Mỹ, ngày 10/04/2020 Reuters/Yuri Gripas

Trong thời gian gần đây, giả thiết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm tại Vũ Hán được nói đến nhiều hơn. Thông tin về việc chính phủ Mỹ tài trợ cho Trung Quốc trong việc nghiên cứu các virus corona ở loài dơi bắt đầu được giới chuyên gia phân tích. Chuyên mục "Theo dòng thời sự" của RFI giới thiệu một số thông tin về chủ đề này. 

***

Giả thiết về virus corona thoát ra khỏi phòng thí nghiệm tại Vũ Hán dường như không phải là chuyện mới ? 

Hồi giữa tháng 2/2020, vào lúc đại dịch Covid-19 còn hoành hành chủ yếu tại Trung Quốc, đã có một số tiếng nói cảnh báo khẩn thiết về khả năng virus corona mới lọt ra từ phòng thí nghiệm tại chính thành phố Vũ Hán. Một đại diện của quan điểm này là nhà nhân chủng học người Mỹ Steven Westley Mosher, chuyên gia về dân số học Trung Quốc. Trong một bài viết đăng tải trên báo The New York Post , ngày 23/02/2020, mang tựa đề "Virus corona có thể đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc", ông đặc biệt chú ý đến quyết định mà chủ tịch Trung Quốc đưa ra trước đó ít hôm, coi việc "kiểm soát các nguy cơ về an toàn sinh học" là vấn đề "an ninh quốc gia". Ông Tập Cận Bình không nói gì về virus corona, nhưng ngay hôm sau, bộ Khoa Học và Công Nghệ Trung Quốc ra một thông tư quy định cụ thể về việc "quản lý an toàn sinh học tại các phòng thí nghiệm liên quan đến các virus …, chẳng hạn virus corona mới". 

Nhà khoa học Mỹ đặt câu hỏi : Có bao nhiêu phòng thí nghiệm về virus corona tại Trung Quốc ? Ông tự trả lời, trên khắp Trung Quốc chỉ có một, và phòng thí nghiệm đó nằm tại Vũ Hán, nơi dịch vừa bùng phát. Phòng thí nghiệm nói trên thuộc Viện Virus Học Vũ Hán, là phòng thí nghiệm vi sinh học duy nhất ở cấp 4, đủ tiêu chuẩn để nghiên cứu các loài virus nguy hiểm nhất. 

Điểm đáng chú ý khác là ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố phong tỏa Vũ Hán, thiếu tướng Trần Vi (Chen Wei), được coi là chuyên gia số một về chiến tranh sinh học của Quân Đội Trung Quốc, được cử ngay đến Vũ Hán để ngăn dịch. Theo nhật báo của Quân Đội Trung Quốc, tướng Trần Vi chuyên nghiên cứu về các loại virus corona kể từ dịch SARS.

Nhà nhân chủng học Mosher cũng lưu ý đến một số thông tin khác cho giả thiết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm có nhiều khả năng xảy ra. Đó là virus SARS đã từng hai lần thoát ra khỏi một phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh và gây một số hậu quả, trước khi bị khống chế. Thứ hai là tại Trung Quốc, xảy ra tình trạng một số nhân viên bán các động vật phòng thí nghiệm ra chợ để có thu nhập bổ sung. Một nhà khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh từng kiếm được tiền triệu nhờ bán khỉ và chuột ở phòng thí nghiệm, trước khi bị phạt tù vì tội này.

Nhà khoa học Mỹ Steven Mosher cũng tố cáo việc chính quyền Trung Quốc tuyên truyền là chợ hải sản gần Viện Virus Học là nguồn gây bệnh chính, gây nhiễu loạn thông tin. Theo ông, các loài rắn bán tại chợ hải sản không thể mang virus corona, trong lúc loài dơi có thể mang virus corona thì lại không thể có ở chợ hải sản.

Các nghi vấn và bằng chứng liên quan đến khả năng virus thoát khỏi phòng thí nghiệm, mà nhà nhân chủng học Mosher đặt ra là khá rõ. Tuy nhiên vào thời điểm đó, một quan điểm như vậy nhìn chung có xu hướng bị khá đông người làm khoa học liệt vào hàng thuyết âm mưu. Ngày 18/02/2020, trên mạng y học nổi tiếng The Lancet, một nhóm 27 khoa học gia hàng đầu trong ngành y tế  từ 9 nước, đã ra một tuyên bố chung lên án các tin đồn không có cơ sở, theo đó những thông tin sai lầm về nguồn gốc virus gây bệnh Covid-19 có hại cho việc chia sẻ các thông tin khoa học về dịch bệnh. 27 khoa học gia nói trên không lên án đích danh giả thiết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, nhưng khẳng địch chắc nịch : virus corona mới gây dịch bệnh có nguồn gốc từ tự nhiên.

Giả thiết virus corona gây bệnh Covid-19 lọt khỏi phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, gây dịch bệnh, đang ngày càng được chú ý hơn ?

Đúng là giả thiết virus corona "sổng chuồng" chưa được đông đảo giới chuyên gia thực sự coi là một chủ đề nghiêm túc vào thời điểm cách nay hai tháng. Tình hình bắt đầu thay đổi khi đại dịch tràn ra toàn cầu, tấn công chính nước Mỹ. Chính quyền Donald Trump phải đổi giọng, từ chỗ ca ngợi Trung Quốc chống dịch thành công, sang chỗ lên án Bắc Kinh che giấu dịch, và tuyên bố sẽ tiến hành điều tra. Giả thiết virus sổng chuồng một lần nữa lại được truyền thông đặc biệt quan tâm.

Trong bài tổng hợp ý kiến các chuyên gia về giả thiết virus thoát khỏi phòng thí nghiệm Vũ Hán, báo Anh The Sunday Guardian , ngày 25/04/2020, đã chú ý đến ba nguồn thông tin quan trọng. Thứ nhất là một nghiên cứu của nhà khoa học Trung Quốc Tiểu Ba Đào (Botao Xiao). Trong một công trình công bố ngày 12/02/2020, giáo sư công nghệ sinh học Đại học Công Nghệ Hoa Nam (Quảng Châu) nêu bật giả thiết là virus rất có thể đã thoát ra khỏi một phòng thí nghiệm Vũ Hán. Nghiên cứu chỉ rõ nguy cơ từ phòng thí nghiệm cách chợ hải sản Vũ Hán khoảng 300 mét, nơi bị coi là xuất phát nguồn lây chính. Theo ông Tiểu Ba Đào, phòng thí nghiệm Vũ Hán chuyên nghiên cứu về các virus corona ở dơi.

Nguồn thông tin thứ hai là từ lãnh sự quán Mỹ ở Vũ Hán. Cách nay hai năm, chính lãnh sự quán Mỹ tại Vũ Hán đã gửi thông báo về Washington cho biết tình trạng an toàn kém tại Viện Virus Học Vũ Hán, trong thời gian tới có nguy cơ sẽ có đại dịch, do virus corona lây được từ người sang người. 

Giả thiết virus sổng chuồng có thêm sức nặng với nhận định của nhà sinh học phân tử Mỹ Richard H. Ebright, Đại học Rutgers, được coi là một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực an toàn sinh học. Trả lời báo The Sunday Guardian, giáo sư Ebright cho biết : "Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Vũ Hán và Viện Virus Học Vũ Hán đang tiến hành một số dự án nghiên cứu lớn về các virus mới ở loài dơi. Tại phòng thí nghiệm Vũ Hán có nhiều sưu tập về các virus mới, trong đó có loài virus rất gần với virus đang gây đại dịch". Theo chuyên gia Mỹ nói trên, có nguy cơ cao là một nhân viên phòng thí nghiệm do sơ suất đã mang virus lọt ra ngoài, bên cạnh đó, chuyện lây nhiễm tại phòng thí nghiệm đã từng xảy ra nhiều. 

Trong thời gian gần đây, truyền thông cũng cho biết thêm về việc Viện Virus Học Vũ Hán nhận được tài trợ từ chính phủ Mỹ để tiến hành các nghiên cứu về virus corona ở loài dơi. Viện Y Học Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH) tài trợ cho phía Trung Quốc 3,7 triệu đô la cho đề tài này. 

Hoa Kỳ đầu tư cho nghiên cứu về virus corona ở loài dơi tại Vũ Hán để làm gì ? 

Bài "Vì sao Mỹ đưa nghiên cứu về virus ở loài dơi sang Vũ Hán ?" của báo mạng Asia Times, dẫn lại một nguồn tin từ báo Anh Daily Mail, theo đó việc tài trợ này diễn ra sau khi chính phủ Mỹ, năm 2014, quyết định cấm tiến hành các nghiên cứu can thiệp với các virus nguy hiểm, có nguồn gốc tự nhiên, khiến chúng trở nên nguy hiểm hơn vốn có, để từ đó tìm kiếm các biện pháp đối phó trước. 

Các nghiên cứu - thuộc nhóm công trình khoa học mang tên GOF (tên viết của Gain-of-Function research ) - bị cấm tại Mỹ, sau khi xảy ra một số tai nạn về an toàn sinh học tại một số cơ sở có mức độ bảo đảm an ninh sinh học cao tại Mỹ, do các nhân viên không tuân thủ quy định. Vào thời điểm đó, Trung tâm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã phải đóng cửa hai phòng thí nghiệm vì việc này. 

Năm 2015, lãnh đạo Viện Quốc Gia về Các Bệnh Lây Nhiễm (National Institute of Allergy and Infectious Diseases - NIAID), bác sĩ Anthony Fauci, đã quyết định chuyển các nghiên cứu GOF sang phòng thí nghiệm Vũ Hán, và cho phép cơ sở này nhận được tài trợ của chính phủ Mỹ. 

Hiện nay, chính phủ Mỹ đang bắt đầu điều tra về khoản tài trợ 3,7 triệu đô la cho phòng thí nghiệm Vũ Hán, và truy tìm phần trách nhiệm của Bắc Kinh trong việc để xảy ra đại dịch. Một số chuyên gia thậm chí kêu gọi Washington tuyên chiến với Trung Quốc, nếu như virus Covid-19 đã được sử dụng để gây chiến tranh sinh học. Tuy nhiên, phần trách nhiệm của Hoa Kỳ dường như cũng được đặt ra, bởi phòng thí nghiệm tại Vũ Hán nhận được tài trợ của Mỹ, theo mục tiêu được phía Mỹ đề ra. Dân biểu đảng Cộng Hòa Matt Gaetz kêu gọi đình chỉ ngay lập tức tài trợ của NIH cho các nghiên cứu về virus tại Trung Quốc. 

Thí nghiệm trên các loài virus nguy hiểm thiếu kiểm soát ? 

Không chỉ hiện nay mà từ khá lâu, đặc biệt từ năm 2017, trong giới khoa học quốc tế, lại có nhiều lo ngại về nguy cơ đại dịch do virus nguy hiểm thoát ra từ phòng thí nghiệm, khi chính quyền Mỹ, thời tổng thống Donald Trump, ra quyết định cho phép tiến hành trở lại các nghiên cứu thuộc nhóm GOF ngay trên đất Mỹ. 

Tuần báo Pháp Le Point , trong một bài viết cuối năm 2017 mang tựa đề "Có nên lo ngại việc Mỹ bật đèn xanh cho việc tạo ra các virus chết người ?", dẫn lại quan điểm của chính quyền Mỹ. Mục tiêu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), khi tiến hành các nghiên cứu đặc biệt nguy hiểm này, theo giám đốc NIH Francis Collins, là "giúp cho việc phát triển các chiến lược và phản ứng hiệu quả, đối với các yếu tố gây bệnh (trong tự nhiên) đang có sự phát triển đột biến, trở thành mối đe dọa với sức khỏe toàn xã hội". Việc các môi trường thiên nhiên hoang dã bị hủy diệt, trên quy mô lớn, khiến các loài virus nguy hiểm ngày càng có nguy cơ đe dọa xã hội con người là điều được các nhà khoa học liên tục cảnh báo. 

Trong số ba nhóm virus nguy hiểm được Hoa Kỳ chú ý nghiên cứu có các chủng virus corona. Chủ tịch cơ quan phụ trách an toàn sinh học quốc gia Mỹ (NSABB), ông Samul Stanley, vào thời điểm đó, giải thích rõ : "Thiên nhiên chính là kẻ khủng bố sinh học vô cùng nguy hiểm, và chúng ta phải làm tất cả trong khả năng để hiểu biết của con người luôn đi trước một bước". Việc can thiệp để khiến một số loài virus trở nên nguy hiểm hơn, từ đó chủ động tìm cách đối phó, trước khi chúng đột biến một cách tự nhiên để nguy hiểm hơn, chính là đi theo mục tiêu này. 

Tuy nhiên, quan điểm này bị một bộ phận giới khoa học phản đối dữ dội. Chuyên gia về dịch tễ học Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm Đại học Minnesota (nguyên cố vấn đặc biệt của Bộ Y tế Mỹ về khủng bố sinh học), lo ngại là "một kế hoạch nghiên cứu biến đổi gien, khiến virus có thể lan truyền dễ dàng trong không khí (để từ đó tìm vác-xin đối phó) không hề hứa hẹn điều gì tốt lành". Nhiều nhà khoa học lo ngại "các quái vật" mới được tạo ra trong phòng thí nghiệm. 

Chính phủ Mỹ có vai trò gì trong các nghiên cứu về virus corona tại Trung Quốc là câu hỏi còn đề ngỏ cho các thẩm định khoa học. Nhưng có một điều là chính phủ Mỹ có vai trò không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển các nghiên cứu về những loài virus cực kỳ nguy hiểm tại Trung Quốc. Nguy cơ các nghiên cứu như vậy gây đại dịch toàn cầu đã được chính nhiều nhà nghiên cứu Mỹ cảnh báo lâu nay. 

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 27/04/2020

Published in Diễn đàn

Virus Vũ Hán : Hàng nghìn đơn kiện Trung Quốc – Tập Cận Bình "tránh mặt"

Hải Yến, Thoibao.de, 19/04/2020

Người Mỹ gốc Việt đang cùng "hàng nghìn nguyên đơn" tham gia kiện chính phủ Trung Quốc vì để virus Cúm Vũ Hán lây lan và "đòi bồi thường hàng tỷ đôla" cho các thiệt hại về thể xác cũng như tài chính.

kien1

Ảnh : Văn phòng Công ty Berman Law Group ở bang Florida

Theo hồ sơ do Công ty Luật Berman đệ trình lên tòa án ở tiểu bang Florida, vụ kiện đầu tiên nhắm vào Trung Quốc và nhiều cơ quan chính quyền của quốc gia đông dân nhất thế giới này vì "vai trò trong thất bại ngăn chặn Cúm Vũ Hán".

Đơn kiện này cho rằng "thay vì cung cấp thông tin chính xác cho các nước khác trên thế giới, Trung Quốc tích cực che giấu mối nguy hiểm, bóp méo thông tin quan trọng và bịt miệng các y bác sĩ lên tiếng về sự nghiêm trọng của virus này" và "vì thế, virus đã gây ra sự tàn phá ở phần còn lại của thế giới".

Công ty Luật Berman còn nộp đơn kiện thứ hai "thay mặt cho tất cả các nhân viên chăm sóc y tế đang ở tuyến đầu chống đại dịch Cúm Vũ Hán".

Nội dung đơn kiện cho rằng "khi các người hùng này gấp rút tới tuyến đầu để cứu người thì Đảng Cộng sản Trung Quốc và Trung Quốc trực tiếp làm tổn hại tới sức khỏe và sự an toàn của họ bằng cách tích trữ và cố tình chèn ép thị trường đồ bảo hộ" và "trực tiếp cấm các nhà máy ở Trung Quốc, kể cả các nhà máy do các tập đoàn Mỹ sở hữu, xuất khẩu đồ bảo hộ sang Hoa Kỳ".

Theo tìm hiểu của VOA Việt Ngữ, tới ngày 16/4, Trung Quốc chưa có bất kỳ phản ứng nào đối với hai vụ kiện được Công ty Luật Berman công bố lần lượt vào ngày 12/3 và 8/4.

Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo hôm 15/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố rằng "với thái độ cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm, Trung Quốc đã cập nhật cho Tổ chức Y tế Thế giới, các nước và khu vực liên quan về sự bùng phát dịch bệnh".

"Những ai cáo buộc Trung Quốc thiếu minh bạch là không công bằng và là sự sỉ nhục đối với những hy sinh to lớn của nhân dân Trung Quốc", ông Triệu nói thêm, theo nội dung buổi họp báo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ông Vinh Vương, phát ngôn viên về hai vụ kiện của Công ty Luật Berman, "xác nhận" với VOA Việt Ngữ rằng cũng có người Mỹ gốc Việt tham gia vào bước đi pháp lý chống Trung Quốc này, nói thêm rằng "vụ kiện đầu tiên đã có hơn 5 nghìn nguyên đơn, trong khi vụ thứ hai đã có hàng trăm y tá và bác sĩ tham gia".

Phóng viên VOA Việt Ngữ không thể kiểm chứng độc lập con số "hơn 5 nghìn nguyên đơn" mà ông Vinh nêu lên.

Ông Vinh nói rằng hai vụ kiện trên nhắm mục tiêu buộc chính quyền cộng sản Trung Quốc phải "công bố hơn 20 tài liệu và dữ liệu quan trọng họ đang giữ lại, mà chính phủ các nước và lãnh đạo y tế đang cần để hiểu rõ hơn về virus Cúm Vũ Hán" cũng như phải "bồi thường cho các hành động sai trái của họ cho các nạn nhân ở Mỹ".

kien2

Ảnh : Các Luật sư của Công ty Berman Law Group ở bang Florida

Theo hồ sơ vụ kiện, Công ty Luật Berman sử dụng Đạo luật Miễn trừ Chủ quyền Nước ngoài (FSIA), vốn cho phép các tòa án Hoa Kỳ thụ lý và xét xử ở Mỹ các vụ kiện chính phủ nước ngoài, làm căn cứ pháp lý để đâm đơn kiện chính quyền Trung Quốc.

Trả lời VOA tiếng Anh, Giáo sư Chimene Keitner từ Trường Luật Hastings thuộc Đại học California ở San Francisco nói rằng từ các vụ đã xử liên quan tới thương tật cá nhân theo FSIA, "hành xử của một quan chức Trung Quốc cần phải xảy ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ" thì mới "áp dụng" được đạo luật này. Bà nói thêm rằng "ta không thể kiện các nước khác vì các quyết sách của họ".

Một nhóm ở Mỹ mới đây đã đệ đơn kiện chính quyền Trung Quốc số tiền lên tới 20 nghìn tỷ USD liên quan đến sự bùng phát của virus Cúm Vũ Hán. Họ cáo buộc đây là một loại vũ khí sinh học.

Cụ thể, luật sư người Mỹ Larry Klayman và nhóm các luật sư biện hộ có tên Freedom Watch cùng với công ty Buzz Photos (ở Texas, Mỹ) đã đệ đơn kiện chính phủ Trung Quốc, quân đội Trung Quốc, Viện Virus học Vũ Hán, Viện trưởng Thạch Chính Lệ và Thiếu tướng Trần Vi thuộc quân đội Trung Quốc.

Các nguyên đơn đã yêu cầu bồi thường khoản tiền 20 nghìn tỷ USD, lớn hơn GDP của Trung Quốc, đồng thời tuyên bố virus corona là kết quả của một loại vũ khí sinh học được chuẩn bị bởi chính quyền Trung Quốc.

Nhóm đã cáo buộc Trung Quốc giúp đỡ và tiếp tay dẫn đến sự chết chóc, cung cấp vật chất hỗ trợ cho những kẻ khủng bố, âm mưu gây thương tích và tử vong cho công dân Mỹ, thái độ thờ ơ vô trách nhiệm, gây tử vong bất đáng, tấn công và bạo hành.

Nhóm cho rằng virus đã được phát tán từ Viện Virus học Vũ Hán. Các nguyên đơn tuyên bố virus Cúm Vũ Hán được Trung Quốc "tạo ra" nhằm hủy diệt con người trên diện rộng. Vũ khí sinh học đã bị cấm vào năm 1925 và do đó đây là loại vũ khí hủy diệt hàng loạt liên quan đến khủng bố, theo nội dung đơn kiện.

Nhóm người Mỹ đã trích dẫn nhiều báo cáo phương tiện truyền thông cho biết rằng chỉ có một phòng thí nghiệm vi sinh ở Trung Quốc xử lý các loại siêu virus kiểu như virus Cúm Vũ Hán ở Vũ Hán. Chính quyền Trung Quốc đã viện cớ vấn đề an ninh quốc gia để che đậy sự thật trong các tuyên bố về virus Cúm Vũ Hán.

Klayman và các nguyên đơn cũng cáo buộc chính quyền Trung Quốc đã "bịt miệng" các bác sĩ và nhà nghiên cứu của quốc gia này – những người đã lên tiếng về virus Cúm Vũ Hán và "gióng lên hồi chuông cảnh báo ra thế giới bên ngoài". Nhóm còn nói thêm rằng trong sự tuyệt vọng để cứu lấy mình, Thiếu tướng Trần Vi đã tự tiêm và đồng thời tiêm cho 6 thành viên trong nhóm của mình bằng một loại vắc-xin tiềm năng chưa được thử nghiệm.

Họ cũng cáo buộc rằng tất cả các bị cáo đang làm việc cùng nhau để duy trì hoạt động "khủng bố quốc tế".

Theo đơn kiện, trong khi virus Cúm Vũ Hán hoạt động và lây lan chậm, khó có thể sử dụng chống lại quân đội của một quốc gia, nhưng "nó được tạo ra nhắm vào người dân của một hoặc nhiều quốc gia mà Trung Quốc coi là kẻ thù, ví dụ như Mỹ".

Các nguyên đơn người Mỹ cũng yêu cầu việc xét xử bởi bồi thẩm đoàn đối với các bị cáo Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Mỹ, ông Tom Cotton khẳng định giới lãnh đạo Trung Quốc "phải trả giá" nếu thế giới xác minh được virus corona có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Fox News, Thượng nghị sĩ Tom Cotton nói rằng các quan chức Mỹ ngày càng tin rằng virus Cúm Vũ Hán đến từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Mặc dù nó không phải vũ khí sinh học nhưng là nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm cạnh tranh với Mỹ.

"Từ tháng 1, tôi đã nói rằng có sự trùng hợp đáng ngạc nhiên khi địa điểm bùng phát dịch corona chỉ cách phòng thí nghiệm Vũ Hán vài km, nơi mà Đảng Cộng sản Trung Quốc nghiên cứu về virus corona," ông Cotton nói.

Ông Tom Cotton đang là thành viên của Ủy ban Quân sự và Tình báo của Thượng viện Hoa Kỳ. Ngay từ tháng 1/2020, ông Cotton đã nhận định rằng, Phòng thí nghiệm An toàn Sinh học Quốc gia Vũ Hán, tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) có thể là nguồn xuất phát của loại virus nguy hiểm này.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 15/4, ông Tom Cotton tiếp tục bình luận : "Bài báo trên Fox News hôm nay cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho từng người tử vong, cho từng việc làm bị mất vì dịch Cúm Vũ Hán. Tập Cận Bình và các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc phải trả giá, nếu virus đó đến từ phòng thí nghiệm Vũ Hán".

Fox News đưa tin hôm 15/6 rằng, virus Cúm Vũ Hán có nguồn gốc từ Viện Virus học Vũ Hán và "bệnh nhân số 0" là một nhân viên phòng thí nghiệm đã bị nhiễm bệnh trước khi lan truyền virus trong cộng đồng.

Theo Fox News, phòng thí nghiệm Vũ Hán đã nghiên cứu về virus corona "không phải như một vũ khí sinh học, mà là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc để chứng minh rằng năng lực của họ trong việc xác định và chiến đấu với virus là ngang bằng hoặc tốt hơn khả năng của Hoa Kỳ". Vì vậy, việc lây lan virus ra bên ngoài là một tai nạn đến từ phòng thí nghiệm.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton nói ông muốn mở các phiên tòa cho các công dân Mỹ kiện giới lãnh đạo Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ cũng dự đoán rằng các công ty Mỹ sẽ "ồ ạt rút" các nhà máy của họ khỏi Trung Quốc, và điều đó sẽ là "thảm họa đối với kinh tế Trung Quốc".

"Hãy tưởng tượng, không chỉ Mỹ mà cả thế giới sẽ cùng yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Tập phải chịu trách nhiệm về hậu quả của dịch bệnh nếu đại dịch này xảy ra do sự bất cẩn và sự che đậy của họ".

Bài báo của Fox News cũng cho rằng Trung Quốc "100%" đã đàn áp và thay đổi dữ liệu về virus thông qua việc tiêu phá các mẫu bệnh phẩm, cọ rửa các khu vực bị ô nhiễm và siết chặt kiểm duyệt các bài báo học thuật liên quan đến nguồn gốc virus Cúm Vũ Hán. Có những bác sĩ và nhà báo, những người cảnh báo về khả năng lây truyền virus từ người sang người – đã "biến mất".

Viện Virus học Vũ Hán nằm ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc là nơi chuyên nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất, đây là nơi lưu giữ hơn 1.500 chủng virus chết người.

Hôm đầu tháng 4, một tổ chức nghiên cứu thuộc phái hữu ở Anh, The Henry Jackson Society, tung ra sáng kiến kiện Trung Quốc "vi phạm các nguyên tắc y tế quốc tế" trong cách xử lý dịch Cúm Vũ Hán.

Chiến dịch của tổ chức này được một số báo Anh và báo thiên hữu trên thế giới giới thiệu, nói về chuyện kiện Trung Quốc để đòi bồi thường 4 nghìn tỷ USD (3,2 nghìn tỷ bảng Anh).

Chỉ trong số tiền này thì Anh Quốc "phải được bồi thường thiệt hại" 449 tỷ USD, theo trang henryjacksonsociety.org.

Tuy thế, một số ý kiến trong giới luật gia Phương Tây cho rằng việc kiện chính phủ Trung Quốc là bất khả thi vì các chính quyền hợp pháp được quyền miễn tố theo luật quốc tế.

Trước khi ở Anh có "chiến dịch vận động kiện Trung Quốc" nói trên, đã có không ít tiếng nói khác nhau ở Phương Tây đòi kiện hoặc trừng phạt Trung Quốc bằng cách nào đó.

Stephen Carter viết trong mục Ý kiến trên trang Bloomberg ở Hoa Kỳ hôm 24/03/2020 rằng không thể nào kiện đích danh chính phủ Trung Quốc được, nhưng nếu các công ty Trung Quốc bị chứng minh là "không phải bộ phận của chính phủ, để hưởng chủ quyền miễn tố" thì họ có thể là đối tượng của các vụ kiện tập thể theo luật Hoa Kỳ.

Trong bài "Có thể kiện Trung quốc vì virus Cúm Vũ Hán hay không ?" tác giả này viết :

"Chính quyền Trung Quốc trên thực tế đang đặt cược rằng họ sẽ không chịu nhận trừng phạt gì hết, vì chính trị sẽ là lá chắn bảo vệ họ. Nhưng người ta có thể đặt câu hỏi điều đó sẽ còn đúng hay không. Cả thế giới đang thiệt hại hàng nghìn tỷ đô la vì chế độ Trung Quốc liều ẩu. Va chạm kinh tế với Trung Quốc sẽ còn kéo dài, rất dài. Có thể các lãnh đạo quốc tế sẽ phải có hành động nào đó".

Đầu tháng 4, các báo ở Trung Đông đưa tin luật sư Mohamed Talaat ở Cairo nói ông kiện chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, đòi bồi thường 10 tỷ USD cho Ai Cập vì Trung Quốc "chế tạo và phát tán virus Cúm Vũ Hán".

Tuần này, một nhà vận động nhân quyền và tự do tôn giáo ở Ý, ông Massimo Introvigne, có bài "Đảng Cộng sản Trung Quốc hãy dè chừng, các luật sư sắp gọi".

Ông Introvigne, cựu chủ tịch Observatory of Religious Liberty, Cơ quan giám sát tự do tôn giáo thế giới do Bộ Ngoại giao Ý bảo trợ, nói cần phải kiện Đảng Cộng sản và chính phủ Trung Quốc vì "vi phạm nhân quyền" và vi phạm "quy định dịch tễ quốc tế" qua dịch Cúm Vũ Hán.

Trong một bài viết cuối tháng 3, ông Massimo Introvigne đưa tin đã có luật sư Mỹ kiện chính phủ trung ương Trung Quốc và chính quyền tỉnh Hồ Bắc ra tòa án ở Nam Florida, Hoa Kỳ.

Đứng trước tình hình các vụ kiện trên thế giới ngày càng tăng cao nhằm vào Trung Quốc – nơi khởi nguồn viêm phổi Vũ Hán, đã giết chết gần 150.000 người và làm trên 2 triệu người mắc phải chứng bệnh nguy hiểm này, thì Đảng và Chính phủ Việt Nam cũng nên xem xét khả năng khiếu kiện lên tòa án quốc tế, yêu cầu bồi thường các thiệt hại mà nhà cầm quyền Bắc Kinh đã gây ra cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam.

Gần đây, qua các hành động đơn phương đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, đã cho thấy Trung Quốc ngày càng hung bạo, việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, quyền lợi về kinh tế, xã hội, con người tại đất nước với trên 90 triệu dân càng cần phải vận dụng luật pháp quốc tế.

Nhưng điều quan trọng, là nhà cầm quyền tại Hà Nội có đủ bản lĩnh để đối diện với Bắc Kinh hay ? chúng ta sẽ tiếp tục quan sát và đón xem phản ứng của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Hải Yến (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 18/04/2020

****************

Tập Cận Bình gây nguy hiểm cho thế giới

Julian Reichelt, VNTB, 18/04/2020

Ông muốn tăng cường sức mạnh Trung Quốc bằng dịch bệnh lây lan từ Trung Quốc. Tôi không tin rằng ông thành công. Tôi tin rằng chẳng chóng thị chầy virus corona sẽ làm ông thân bại danh liệt.

kien3

Hôm thứ Năm ngày 16/4/2020 Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức đã công bố một bức thư ngỏ bác bỏ một bài báo trên tờ nhật báo BILD cho rằng Trung Quốc nợ "nợ" nước Đức vì đại dịch Covid-19.

Bức thư ngỏ của Đại sứ quán Trung Quốc cho biết bài báo của nhật báo BILD đã "bỏ qua" một số sự thật quan trọng là Trung Quốc "chưa bao giờ đàn áp thông tin quan trọng về Covid-19" và "Trung Quốc đã thực hiện nghĩa vụ đưa thông tin đến cho Tổ chức Y tế Thế giới".

Trong thư nêu rõ : "Nhiều quốc gia hiện đang chiến đấu với Covid-19 đã có thời gian chuẩn bị cho sự lây lan của virut sang nước khác sau khi Trung Quốc báo cáo dịch bệnh theo hướng dẫn về Quy định sức khỏe quốc tế".

"Một số nhà khoa học quốc tế nổi tiếng cũng xác nhận rằng hành động nhanh chóng và quyết đoán của Trung Quốc đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn đại dịch này và đã giúp thế giới có được ít nhất một tháng [để chuẩn bị phản ứng]. Thật không may, chúng tôi không tìm thấy những thông tin như vậy trong bài báo".

"Một vài chính trị gia, chuyên gia hoặc đại diện truyền thông muốn đổ lỗi lẫn nhau để đánh lạc hướng dư luận khỏi những thất bại và điểm yếu của chính họ (trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan)".

Bức thư nói rằng tờ báo "lá cải" này cổ súy "chủ nghĩa dân tộc, định kiến và bài ngoại" và "không có lợi cho tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân Đức và Trung Quốc" (2).

Đáp lại lá thư trên tổng biên tập Julian Reichelt đã gởi một lá thư tới Tập Cận Bình ngày 16/4 (1).

-----------------------

Kính gửi Chủ tịch Tập Cận Bình,

Đại sứ quán của ông ở Berlin đã gởi tôi một bức thư ngỏ vì tờ báo BILD của chúng tôi đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại kinh tế khủng khiếp trên toàn thế giới do virus Corona gây ra hay không ?.

Đại sứ quán Trung Quốc cho điều này là "bỉ ổi" và công kích tôi khi bảo rằng, đã "xách động chủ nghĩa dân tộc" !

Tôi xin phép được trả lời như sau :

1. Ông lãnh đạo Trung Quốc bằng việc theo dõi. Nếu không có theo dõi vậy thì ông đã không thể làm chủ tịch nước. Ông có thể theo dõi mọi thứ, mọi công dân trong nước ; nhưng ông lại lơ là kiểm soát chợ thịt rừng có thể gây nguy cơ dịch bệnh rất lớn.

Ông cho đóng cửa tất cả báo hay trang mạng nào phê phán chỉ trích, nhưng ông không dẹp những hàng quán bán canh dơi. Ông không chỉ theo dõi dân chúng mà còn khiến cho họ gặp nguy hiểm và rồi gây nguy hiểm cho toàn thế giới.

Theo dõi kiểm soát khiến cho con người mất tự do. Những người mất tự do thì không thể sáng tạo. Người không có sáng tạo thì không thể phát minh ra bất cứ cái gì. Đó là lý do tại sao ông đã biến Trung Quốc trở thành quốc gia vô địch thế giới về trộm cắp tài sản trí tuệ. Trung Quốc tự làm giàu bằng những phát minh của người khác thay vì tự phát minh. Nguyên do của việc này là vì ông không cho phép những người Trung Quốc trẻ tuổi được tự do suy nghĩ. Món hàng xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc là virus corona, thứ không ai muốn nhưng đã lan ra khắp thế giới.

3. Khi ông, chính phủ và các nhà khoa học của ông đã biết từ lâu rằng virus corona có thể truyền từ người sang người, nhưng ông bưng bít thông tin này. Các chuyên gia hàng đầu của ông đã không trả lời điện thoại, không trả lời e-mail khi các nhà nghiên cứu phương Tây muốn biết chuyện gì đang xảy ra ở Vũ Hán. Vì lòng tự tôn dân tộc quá lớn mà ông không dám nói ra sự thật, vì cảm thấy rằng sự thật đó là nỗi nhục quốc gia.

4. Báo Washington Post tường trình rằng các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán đã nghiên cứu virus corona ở dơi mà không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt nhất. Tại sao phòng thí nghiệm độc hại lại không bảo đảm được an toàn như trại tù chính trị ? Ông có thể giải thích điều đó với những thân nhân đau khổ của các nạn nhân Corona trên khắp thế giới ?

5. Người ta đang bàn tán về ông ở Trung Quốc. Quyền lực của ông đang dần sụp đổ. Ông đã tạo ra một Trung Quốc không minh bạch. Một Trung Quốc từng là một nhà nước theo dõi và kiểm soát vô nhân đạo và giờ lại là nhà nước làm lây lan dịch bệnh chết người. Đấy di sản chính trị của ông đấy.

Đại sứ của ông viết rằng có lẽ tôi không xứng đáng với "tình hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc". Tôi cho rằng ông nghĩ viêc gởi khẩu trang đi khắp thế giới là "tình hữu nghị" vĩ đại. Tôi không cho đó là tình hữu nghị, mà là chủ nghĩa đế quốc trá hình – là con ngựa thành Troy.

Ông muốn tăng cường sưc mạnh Trung Quốc bằng dịch bệnh xuất phát từ Trung Quốc. Tôi không tin rằng ông sẽ thành công. Tôi tin rằng chẳng chóng thị chầy virus corona sẽ làm ông thân bại danh liệt.

Julian Reichelt

Nguyên tác : "You are endangering the world", Bild, 17/04/2020

Ngân Bình dịch

Nguồn : VNTB, 18/04/2020

Chú thích :

(1) https://www.bild.de/politik/international/bild-international/bild-chief-editor-responds-to-the-chinese-president-70098436.bild.html

(2) http://www.chinatoday.com.cn/ctenglish/2018/zdtj/202004/t20200417_800201239.html

************************

Vòng vây xiết chặt Tập Cận Bình

Từ Thức, 17/04/2020

Vòng vây nghi kỵ về đại dịch càng ngày càng xiết chặt chung quanh Tập Cận Bình. Sau Hoa kỳ, nhiều nước trên thế giới, từ Anh Quốc tới Liên Hiệp Châu Âu, đã công khai hoài nghi về những con số thống kê của Bắc Kinh, trong khi người ta có bằng chứng là Trung Quốc đã cố tình giấu nhẹm trong 6 ngày, trong giai đoạn khẩn trương nhất, khiến virus đã lây lan khắp thế giới. Mặt khác, Hoa Kỳ chính thức điều tra về nghi vấn virus đã "xổng chuồng" từ một phòng thí nghiệm Vũ Hán.

ktvn5

Covid-19 : Vòng vây xiết chặt Tập Cận Bình

Câu hỏi hóc búa

Donald Trump đã nhiều lần tố cáo Bắc kinh che giấu mức độ nghiêm trọng từ những ngày đầu, khiến Covid-19 trở thành đại họa cho cả thế giới.

Boris Johnson nói "Trung Quốc phải trả lời những câu hỏi hóc búa về nguồn gốc virus, và lý do tại sao không ngăn chặn từ khi khởi dịch". Thủ tướng Anh không ngần ngại tố cáo Trung Quốc, mờ ám, mặc dù sau Brexit, một trong những mục tiêu của Anh là thắt chặt giao thương với Tàu để thay thế thị trường Châu Âu
Emmanuel Macron, vốn dè dặt, cũng vừa công khai lên tiếng. Tổng thống Pháp nói, trong một cuộc phỏng vấn dành cho Financial Times : "có những vùng bóng tối trong việc xử lý đại dịch. Đừng ngây thơ nghĩ (nước Tàu) giỏi nhất trong việc quản trị virus. Chắc chắn đã có nhiều chuyện mà chúng ta không biết".

Đây là lần đầu tiên người ta thấy trong ngôn ngữ ngoại giao, nhất là đối với một cường quốc, những lời đả kích gay gắt, không úp mở như vậy.

Các đảng viên, nhất là những người đã đưa hoàng đế lên ngôi, một cách nhiệt thành hay miễn cưỡng, khám phá ra Tập không còn được thế giới kính nể nữa.

6 ngày sinh tử

Trong khi đó, một cuộc điều tra của AP, chạy trang nhất các media thế giới, cho thấy Bắc Kinh đã giấu nhẹm chuyện virus 6 ngày, trong giai đoạn khẩn trương nhất, khi đã có hàng ngàn người lây nhiễm, khi hàng trăm triệu người di chuyển nhân dịp Tết, mang virus đi khắp nước Tàu, khắp thế giới.

AP đã tìm được một tài liệu, trong đó giới chức có thâm quyền, ngày 14/01 ra lệnh cho các địa phương chuẩn bị đương đầu với đại dịch. Nghĩa là họ đã biết, đã chuẩn bị từ ngày 14, nhưng không nói gì với dân Tàu cũng như viớ thế giới, cho tới ngày thông báo chính thức 20/1.

Marie Holman, chuyên viên về Trung Hoa nói với đài truyền hình Pháp France 5 : hai ngày trước khi Tập Cận Bình thông báo chính thức về đại dịch, Đảng Cộng Sản Tàu đã tổ chức một đại tiệc hàng năm tại Vũ Hán cho 40.000 gia đình đảng viên, với trên dưới 100.000 người tham dự.

AP nhấn mạnh tới 6 ngày nguy kịch nhất, nhưng ký giả Pháp Nicolas Clemanceau cho hay việc giấu giếm đã kéo dài 3 tuần lễ, từ ngày một bác sĩ Vũ Hán báo cáo về một trường hợp lây nhiểm, ngày 30/12/2019 tới 20 tháng 1/2020.

Mặt khác, ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho hay Hoa Kỳ mở một cuộc điều tra về nguồn tin coronavirus đã "xổng chuồng" từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Pompeo nói Washington coi giả thuyết này có tính cách nghiêm chỉnh, cần một cuộc điều tra để biết nguồn gốc của đại dịch đã khiến gần 140.000 người chết.

Cách đây hai năm, đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đã báo cáo Washington về tình trạng thiếu an toàn của các phòng nghiên cứu về virus, gốc từ loài dơi, ở Vũ Hán.

Hầu như để trấn an dư luận về chuyện bưng bít thông tin, Bắc Kinh hôm qua đã chính thức nâng số tử vong ở Vũ Hán thêm… 50% (!), từ 2.579 tới 3.832 nạn nhân (với tổng số 4.632 trên toàn quốc).

Bắc Kinh giải thích sở dĩ có sai lầm, vì nhiều báo cáo địa phương chưa về tới trung ương, và nhiều nhà thương chưa quen xử dụng phương tiện thống kê qua Internet (ở một xứ kỹ thuật hiện đại đã được tận dụng khại thác để kiểm soát mỗi người dân !).

Việc thanh đổi, thêm bớt nhưng con số thống kê, thay vì nâng cao uy tín, càng chứng tỏ sự lúng túng của Bắc Kinh, khiến người ta nghi ngờ hơn nữa.

Kinh tế suy sụp

Trong khi Tập bị chỉ trích từ bốn phía, kinh tế Tàu đang chìm vào khủng hoảng. Bắc Kinh nhìn nhận PIB Trung Quốc suy giảm nặng, - 6,8 %, con số xấu nhất kể từ cuộc Cách Mạng Văn Hóa cách đây 40 năm đã làm nước Tàu kiệt quệ.

Sau dịch SARS (SRAS) những năm 2002-04, nước Tàu đã phục hồi kinh tế một cách nhanh chóng, nhưng lần này, kịch bản khác hẳn.

Thứ nhất : Covid-19 trầm trọng hơn, đe dọa kinh tế toàn cầu.

Thứ 2 : Trước đây, kinh tế Tàu phát triển nhanh chóng nhờ xuất cảng, ngày nay các quốc gia lâm nạn đã rút tỉa bài học, sẽ tự sản xuất những sản phẩm nhu yếu.

Thứ 3 : ngày nay, Trung Hoa bị các nước đang phát triển cạnh tranh, vì lương bổng Tàu đã lên cao.

Thứ 4, quan trọng nhất : từ 3 năm nay, Trung Quốc, để đối phó với những khó khăn trong việc xuất cảng, đã đặt trọng tâm vào phát triển khả năng tiêu thụ nội địa, nhưng với virus vẫn còn đe doạ, ít người Tàu nghĩ dến việc tiêu thụ, ở một xứ không có an sinh xã hội, tương lai bấp bênh.

PIB suy giảm - 6,8% là một gánh nặng đối với những nước phương Tây, nhưng là một đại họa với một quốc gia muốn ổn định, nhất là muốn dóng vai leader thế giới, phải có mức tăng trưởng ít nhất 6%.

Từ Thức

Nguồn : tuthuc-paris-blog.com, 17/04/2020

- AP : 6 ngày sinh tử

- Tuyên bố của Macron

Published in Diễn đàn

Trung Quốc sẽ bị trừng phạt như thế nào ?

Cánh Cò, RFA, 09/04/2020

Người dân Mỹ còn nhớ trong khi dịch bệnh bắt đầu hoành hành tại Mỹ thì Trung Quốc đã ra lệnh cấm công ty Mỹ là 3M không được chở 1 tỷ khẩu trang N95 và các vật dụng y tế khác về Mỹ mặc dù những sản phẩm này được công ty 3M bỏ tiền ra sản xuất tại Trung Quốc.

Động thái này được xem là đi ngược lại với những ký kết mà Trung Quốc đã đặt bút trong WTO cũng như các hiệp định thương mãi khác với thế giới. Ngay sau đó chính phủ của Tổng thống Trump đã phản đối mạnh mẽ trước hành vi này. Cố vấn pháp lý cao cấp của Tổng thống, Bà Ellis, nói hôm 5/4 rằng "Người dân Mỹ đang kề cận với cái chết, những hành động có chủ đích và máu lạnh như của Trung Quốc sẽ bị coi là giết người cấp độ một". Chính quyền Trump đang xem xét đệ đơn kiện lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu, hoặc sử dụng các cơ chế của Liên Hợp Quốc để giải quyết vấn đề này.

phat0

Bức tranh tổng thể cho thấy hầu như cả thế giới đang trút sự giận dữ vào Trung Quốc khi phát hiện nước này đã vô tình hoặc cố ý gây tai ương cho con người.

Vào ngày 6/4, cựu công tố viên của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ Klayman cho biết ông đã đệ đơn kiện lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tại thành phố The Hague, Hà Lan vào tuần trước và đã nhận được thông báo của tòa vào cùng ngày. Trong đơn, Ông cáo buộc chính phủ và quân đội Trung Quốc vi phạm các công ước quốc tế, sản xuất vũ khí sinh học và phạm tội phản nhân loại, tạo ra virus Corona Vũ Hán gây nguy hiểm cho người dân Trung Quốc và thế giới. yêu cầu bồi thường 20.000 tỷ USD.

Cùng lúc với phản ứng của Hoa Kỳ trước hành động vô lương của Trung Quốc thì tại Anh, Henry Jackson Association, một tổ chức chiến lược ngoại giao của Anh đã công bố một báo cáo tuyên bố rằng virus Corona Vũ Hán đã khiến nhóm G7 của Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Canada bị thiệt hại 3,2 nghìn tỷ bảng Anh. Trung Quốc phải bồi thường 351 tỷ bảng cho Vương quốc Anh, và cũng phải bồi thường khoản tiền rất lớn cho các thành viên khác trong G7.

Hiệp hội Henry Jackson là một tổ chức phân tích có trụ sở tại London, gồm các thành viên là chuyên gia về chính sách đối ngoại của Anh chứng minh rằng Trung Quốc đã cố tình giấu nhẹm những thông tin về virus Vũ Hán, bắt giữ một nhóm BS khi nhóm này lên tiếng sự thật đang xảy ra tại Vũ Hán và những động thái này gây ra thiệt hại tiền của và nhân mạng khắp thế giới.

Trước đó một ngày, Hội đồng Luật sư Quốc tế Ấn Độ và Hiệp hội Luật sư Ấn Độ đã đệ đơn kiện lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, cáo buộc Trung Quốc gây tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tâm lý cho người dân trên thế giới, cũng như gây thiệt hại lớn về kinh tế và xã hội. Theo Business Today, cho biết việc phong tỏa đã gây ra thiệt hại mỗi ngày cho Ấn Độ lên tới 4,64 tỷ USD.

Tờ báo The Sydney Morning Herald của Úc dẫn lại lời của các chuyên gia và think tank tại Anh cho biết Trung Quốc sẽ bị kiện và đòi bồi thường 6 ngàn 500 tỷ USD về hành vi gây lây lan của virus Vũ Hán.

Các báo cáo khoa học mới đây cho thấy Trung Quốc sẽ bị khởi kiện trước các tòa án quốc tế vì không thể trình dữ liệu có thể cho thấy bằng chứng lây truyền từ người sang người trong khoảng thời gian tối đa ba tuần kể từ khi biết có dịch bệnh, vi phạm điều 6 và 7 của IHRs.

Trung Quốc đã cung cấp cho WHO thông tin sai lệch về số lượng người nhiễm bệnh từ ngày 2 tháng 1 năm 2020 đến ngày 11 tháng 1 năm 2020, vi phạm Điều 6 và 7 của IHRs. Trung Quốc cũng không mô tả việc lây nhiễm virus gây bệnh có nguồn gốc động vật, thay vào đó, cho tiêu thụ các vật chủ có virus nguy hiểm cho con người, vi phạm Điều 12 của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. (Trong vấn đề này nếu thế giới phát hiện Trung Quốc đã mua chuộc WHO để che giấu thông tin thì Bắc Kinh lại phạm thêm một tội danh khác nữa).

Trung quốc đã cho phép 5 triệu người rời khỏi Vũ Hán trước khi cách ly thành phố này vào ngày 23 tháng 1 năm 2020 mặc dù đã biết có lây truyền từ người sang người. Cụ thể là 430 ngàn người Trung Quốc đã tới Mỹ trong thời gian này.

Bức tranh tổng thể cho thấy hầu như cả thế giới đang trút sự giận dữ vào Trung Quốc khi phát hiện nước này đã vô tình hoặc cố ý gây tai ương cho con người. Mỗi ngày khi người chết tăng cao thì sự giận dữ ấy càng sâu đậm. Nhiều người không tin vào những lý do mà các tổ chức khởi kiện chứng minh nhưng hầu hết quên rằng các tổ hợp luật sư, các NGO nổi tiếng và ngay cả các chính phủ sẽ không vội vã và tắc trách khi đưa ra bằng chứng cho vụ kiện của mình.

Trung Quốc có đôi co kéo dài vụ kiện cách nào đi nữa thì thiệt hại vật chất lẫn danh tiếng của một cường quốc thứ hai thế giới lần này không dễ được hàn gắn bằng đòn phép tiền bạc hay lươn lẹo ngoại giao. Cuối cùng Bắc Kinh cũng phải trả giá, cái giá che đậy sự thật bằng sự mua chuộc, bắt bớ, sách nhiễu người dân cũng như quốc tế. Thế giới lên án Trung Quốc không những gian dối mà còn có những hành vi phản trắc. Vụ buộc Ý phải mua vật dụng y tế mà nước này từng gửi tặng cho Trung Quốc trước đó là một cái tát vào mặt Bắc Kinh khi thế giới bày tỏ sự bất bình về hành vi đê tiện này.

Giàu có và mạnh mẽ tới đâu khi đã phạm vào nguyên tắc con người thì Trung Quốc phải trả cái giá mà nó gây ra. Một khi tòa đã phán quyết Trung Quốc không thể cù nhây hay lì lợm như phán quyết tòa trong vụ Philippines. Cả thế giới không phải là Philippines để cho Trung Quốc bắt nạt, nếu anh không thực hiện phán quyết của tòa thì những áp đặt sẽ được đưa ra.

Không tiêu thụ sản phẩm của Trung Quốc, điển hình là sản phẩm 5G của Huawei. Không thực hiện những ký kết trước đó với Trung Quốc. Đóng băng tài sản của Trung Quôc trên vùng đất của nước khởi kiện. Vô hiệu trái phiếu của Trung Quốc như Mỹ chẳng hạn….cùng vô số những biện pháp mà thế giới có thể áp dụng một cách hợp pháp bất kể Trung Quốc có đồng ý hay không.

Sau khi virus Vũ Hán rút đi là lúc người dân Vũ Hán được xem kịch bản mà chính phủ của họ gây ra cho toàn thế giới.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 09/04/2020

******************

Trung Quốc đối diện án phạt 6.500 tỷ đô - Quốc tế vận động lập Tòa án

Hoàng Lan, Thoibao.de, 09/04/2020

Trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã khiến gần 1,5 triệu người nhiễm bệnh và hơn 80.000 nghìn người tử vong, việc tập trung tìm kiếm vác-xin là rất cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Một việc làm khác cũng quan trọng không kém là truy xét nguồn gốc của dịch bệnh.

quocte1

Giáo sư Didier Sicard của trường đại học Sorbonne, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm

Kênh RFI đã tường thuật lại cuộc nói chuyện của Giáo sư Didier Sicard của trường đại học Sorbonne, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm với Đài phát thanh Pháp France Culture.

Trong cuộc phỏng vấn, vị giáo sư nhấn mạnh sự cần thiết của việc hình thành một tòa án y tế quốc tế hoàn toàn độc lập để truy xét nguồn gốc của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, giống như tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh.

Theo giáo sư, điểm xuất phát của đại dịch này là một ngôi chợ ở Vũ Hán, tại đó chen chúc đủ loại thú hoang : rắn, dơi, tê tê… nhốt trong những lồng tre. Tại Trung Quốc, những con thú này được mua để ăn Tết Canh Tý. Chúng khá đắt, và đây là món ăn rất được ưa thích.

Tại chợ này, thú hoang bị người bán tóm lấy, làm thịt trong lúc thân mình chúng ướt nhẹp nước tiểu, hàng ngàn con ve và muỗi bu đầy những con vật đáng thương này.

Trong điều kiện như thế, chỉ cần vài con thú bị nhiễm virus là vô số con khác bị lây trong vài ngày. Có thể một người bán bị thương hay đụng vào nước tiểu nhiễm trùng, trước khi quẹt lên mặt. Thế là đã quá đủ để bị nhiễm bệnh.

Điều khiến vị giáo luôn choáng váng là sự thờ ơ trước sự khởi đầu của nạn dịch. Cứ như là xã hội chỉ chú trọng đến đoạn cuối : vác-xin, chữa trị, hồi sức tích cực… Nhưng để cho những tai họa như thế không tái diễn, xác định điểm xuất phát là vô cùng quan trọng. Thế mà người ta vô tình đến không ngờ. Giáo sư khẳng định sự dửng dưng trước việc mua bán động vật hoang dã trên thế giới là thảm kịch. Thị trường này mang lại lợi nhuận cũng như thị trường ma túy.

Đây không phải là lần đầu mà thú vật là nguyên nhân của các cuộc khủng hoảng dịch tễ.

Lâu nay thú vật vẫn là nguồn gốc của đa số cuộc khủng hoảng dịch tễ : SIDA, cúm gà H5N1, Ebola. Các chứng bệnh này luôn đến từ nguồn dự trữ virus trong súc vật, và hầu như ít ai để ý đến. Tương tự với bệnh sốt xuất huyết.

Bản thân loài dơi mang trên mình khoảng 30 loại virus corona ! Cần phải nghiên cứu kỹ loài vật này. Đương nhiên là không dễ dàng : phải đi vào những hang động, trang bị bảo hộ kỹ lưỡng, bắt những con rắn độc, tê tê, kiến, xem xét những loại virus chúng đang mang trên mình. Đó là những công việc vô vị, không được các phòng thí nghiệm quan tâm. Các nhà nghiên cứu nói : "Chúng tôi thà làm việc trong phòng thí nghiệm phân tử với trang bị như phi hành gia. Đi vào rừng rậm mang các loài muỗi về thật nguy hiểm".

Bên cạnh đó, những nạn dịch này sẽ còn tái diễn nhiều lần trong những năm tới, nếu không cấm hẳn việc mua bán động vật hoang dã. Phải coi đó là tội phạm như bán ma túy, phải bỏ tù.

Việc này khiến giáo sư nghĩ đến việc nuôi công nghiệp gà, heo như ở Trung Quốc. Mỗi năm lại có những dịch cúm mới từ gia cầm ; tập trung đại trà những con vật theo kiểu đó là không nghiêm túc. Quốc tế phải tập trung nỗ lực tìm ra nguyên nhân nạn dịch.

quocte2

Chợ hải sản đầu mối ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc (sau khi đã được di tản vì covid - 19) - nơi được cho là phát sinh dịch bệnh viêm phổi mới hiện nay

Nghiên cứu trên loài vật là một việc làm rất quan trọng mà lịch sử y tế đã chứng minh. Bệnh dịch hạch là một minh chứng cụ thể.

Chuột là kho trữ vi khuẩn dịch hạch. Có những đàn chuột làm lây lan vi khuẩn này, còn bản thân chúng vẫn vô sự tức là đã kháng khuẩn, và cũng có những đàn nhạy cảm hơn.

Chỉ cần một ngày nào đó, vài con chuột loại nhạy cảm gặp chuột kháng khuẩn, bị nhiễm độc và chết. Lúc đó những con rệp sống bằng máu của chuột sẽ quay sang cắn người.

Tại những nơi bệnh dịch hạch còn hoành hành như California, Madagascar, Iran, Trung Quốc, khi thấy hiện tượng hàng trăm con chuột chết là phải can thiệp, vì lúc đó rệp sẽ quay sang loài người, rất nguy hiểm.

May thay, dịch hạch là một chứng bệnh đã thuộc về quá khứ, nay chỉ còn 4.000 hay 5.000 ca trên thế giới, và thuốc kháng sinh rất hiệu quả. Nhưng đó là một ví dụ cho thấy nguyên nhân từ loài vật là cơ bản, cần phải tìm hiểu kỹ và có chính sách dự phòng.

Giáo sư người Pháp cũng nêu lên một vấn đề bất cập trong giới nghiên cứu là : việc nghiên cứu dịch tễ về các loài vật trung chuyển virus chưa xứng với tầm quan trọng của vấn đề, chỉ chiếm khoảng 1% các công trình. Bởi vì những gì khiến các ứng viên giải Nobel mơ ước là khám phá một con virus mới, chứ không phải lần tìm chuỗi lây nhiễm. Thế nhưng những phát hiện quan trọng về bệnh nhiễm như ký sinh trùng sốt rét chẳng hạn, chính là do một người Pháp, bác sĩ quân y Alphonse Laveran, tìm ra trên thực địa ở Tunisie.

Giáo sư Sicard cho rằng cần phải thực hiện ngay các nghiên cứu về con đường lây nhiễm khiến loài dơi chứa chấp virus corona từ hàng triệu năm qua và gieo rắc đi các nơi.

Loài dơi được cho là cũng lây nhiễm sang những con thú khác. Rắn và đặc biệt là rắn độc rất thích ăn xác dơi. Dơi con bị rơi xuống đất là sẽ bị rắn nuốt ngay - giáo sư cũng đặt ra giả thuyết đã từng được đưa ra trước đó là có thể rắn là vật chủ trung gian cho virus.
Hơn nữa trong những hang động có cả những đám mây ve, muỗi, cần phải xem loài côn trùng nào có thể lan truyền virus.

Một giả thuyết khác là khi dơi bay đi ăn đêm, chúng rất thích những cây thuộc họ thu hải đường. Dơi có phản xạ tự nhiên là tiểu tiện khi nuốt thức ăn, như vậy chúng làm nhiễm độc trái cây và cả cầy hương vốn cũng thích những cây thuộc họ thu hải đường giống loài dơi.

Kiến cũng loài dễ bị nhiễm virus từ đó, và đến lượt tê tê - con vật mà thức ăn khoái khẩu nhất của nó là loài kiến - ăn vào cũng bị nhiễm virus.

Đó là cả một chuỗi lây nhiễm cần nghiên cứu. Kho trữ virus nguy hiểm nhất có lẽ là loài rắn, vì chúng thường xuyên ăn thịt dơi vốn chứa sẵn virus corona. Như vậy rắn luôn có chứa virus, vì vậy cần phải kiểm tra. Các nhà nghiên cứu phải đi bắt dơi, và tương tự với loài kiến, cầy hương, tê tê, cố gắng hiểu được chúng dung dưỡng virus trong người như thế nào. Đó là một công việc nhạt nhẽo như lại là chủ yếu.

Chính Trung Quốc cũng là tác nhân thúc đẩy quá trình lây nhiễm khi mà con đường tơ lụa mới mà Trung Quốc muốn xây dựng có thể trở thành con đường lây nhiễm các loại bệnh trầm trọng.

Những cánh rừng nguyên sinh tại Lào đang bị tàn phá để người Trung Quốc xây dựng các nhà ga và tuyến đường xe lửa. Những chuyến xe này chạy qua rừng rậm mà không có biện pháp bảo hộ y tế nào, có thể trở thành vec-tơ cho các loại bệnh từ ký sinh trùng và virus, đưa chúng đi xuyên qua Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia và cả Singapore. Con đường tơ lụa mới mà Trung Quốc đang ấp ủ rất nhiều khả năng sẽ chuyên chở các loại bệnh trầm trọng đi khắp nơi.

Trên thực địa, con người có xu hướng tiến gần vào các hang động, nơi cư ngụ của loài dơi vì chúng là loại thực phẩm rất được ưa chuộng. Người ta cũng lập vườn cây ăn trái rất gần những hang động này, vì cây rừng bị đốn hạ. Cư dân có cảm giác lấn được đất, lập ra các vùng trồng trọt sát bên khu dự trữ virus vô cùng nguy hiểm.

Việc mua bán động vật hoang dã đã bị cấm, thậm chí còn có công ước quốc tế về vấn đề này… nhưng tại Trung Quốc, công ước này không được tôn trọng.
Do vậy, giáo sư cho rằng cần phải thành lập một loại tòa án quốc tế về y tế vì nếu chỉ đòi hỏi từng quốc gia sẽ chẳng thay đổi được gì.

Ngay từ đầu Bắc Kinh đã gây áp lực lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để tổ chức này không tuyên bố đại dịch. Những năm trở lại đây, Trung Quốc đóng góp tài chính rất nhiều cho WHO nên đã có một tiếng nói quan trọng tại đây.

Thói quen ‘con gì cũng ăn’ từ 5.000 năm nay của Trung Quốc đã và đang ngày càng đe dọa sức khỏe nhân loại.

Người Trung Quốc thường khoe sẵn sàng ăn "tất cả những gì có bốn chân trừ cái bàn, những gì bơi được trừ tàu thuyền, những gì bay được trừ máy bay". Những loài động vật hiếm cũng được săn lùng vì tin rằng có dược tính.

Tuy nhiên Christian Walzer, hiệp hội sinh thái Mỹ Wildlife Conservation Society cảnh báo thói quen "con gì cũng xơi tuốt" tiềm ẩn những nguy cơ cho sức khỏe con người. Theo ông, 70% bệnh lây nhiễm là từ động vật hoang dã, và các ngôi chợ là môi trường lý tưởng của virus để truyền bệnh sang người.

Peter Daszak, chủ tịch EcoHealth Alliance, một tổ chức phi chính phủ chuyên về phòng chống các loại bệnh dễ lây nhiễm giải thích : Việc buôn bán thịt rừng đi kèm với việc phá hủy không gian sinh tồn của thú rừng, khiến con người ngày càng tiếp cận nhiều hơn với các loại virus có trong thú hoang. Chúng có thể lan tràn nhanh chóng trong môi trường siêu kết nối của chúng ta.

Theo dự án Global Virome có mục đích cải thiện cung cách đối phó với dịch bệnh, hiện nay trong động vật hoang dã có đến 1,7 triệu loài virus chưa được nhận diện, trong đó gần phân nửa có hại cho sức khỏe con người.

Khi mà đề xuất về một tòa án y tế thế giới của Giáo sư Sicard chưa thể được thực hiện ngay thì thế giới cần đồng thuận ngăn chặn những thói quen không lành mạnh hay chiến dịch con đường tơ lụa mang tên Trung Quốc để phòng ngừa những hậu họa tiếp theo. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp 2003 và dịch viêm phổi Vũ Hán hôm nay đã là quá đủ những mất mát cho nhân loại rồi.

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán có khởi nguồn từ Trung Quốc vẫn đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, hàng trăm nghìn , thậm chí có thể lên đến hàng triệu người sẽ mất mạng vì căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

Nhiều ý kiến cho rằng, Trung Quốc sẽ phải chịu hình phạt, bồi thường thiệt hại lên đến trên 6.500 tỷ đô la.
Một nhà nước cộng sản độc tài với người đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình có chịu chấp nhận điều tra độc lập của các tổ chức y tế, quốc tế hay không vẫn là một câu hỏi lớn.

Nếu không truy ra nguồn gốc thực sự, thì nhân loại sẽ phải tiếp tục chết dưới tay Trung Quốc ngày càng nhiều hơn nữa.

Trung Quốc đối diện "án phạt" 6 nghìn tỷ đô và toàn cầu hóa

Hoang Lan (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 09/04/2020

Published in Diễn đàn

Luật sư Đặng Đình Mạnh (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cảm thán : "Giới luật sư Việt Nam nghĩ gì về một động thái tư pháp ‘khởi kiện chính phủ Trung Quốc gây ra đại dịch Covid 19’ do các đồng nghiệp từ Hoa Kỳ khởi xướng ? Có lẽ, ngả nón từ xa rồi… từ xa ngả nón !".

kien1

Các kệ hàng bày bán sản phẩm tẩy rửa và giấy vệ sinh tại một siêu thị Giant ở Baltimore, do sự lây lan của coronavirus (COVID-19), vào ngày 12/3/2020 đã gần như trống rỗng.

Tình hình có thể tóm tắt như sau : một số luật sư người Mỹ đã tiến hành vụ kiện tập thể, cáo buộc Trung Quốc kích hoạt bùng phát dịch bệnh viêm phổi do virus Corona chủng mới trên toàn cầu vì lợi ích kinh tế của chính họ (1).

Trong vụ kiện này, Matthew Moore, một luật sư của Văn phòng luật The Berman Law Group ở Boca Raton, bang Florida, đã cho rằng việc Trung Quốc không nhanh chóng báo cáo và khống chế virus, thậm chí che giấu các tình hình dịch bệnh thực tế, đã dẫn đến bùng phát một vụ dịch lớn, "về thực chất, Trung Quốc đã trở thành nơi nuôi dưỡng nguồn virus khổng lồ".

Các nguyên đơn trong vụ án là bốn cư dân của Florida và một trung tâm đào tạo cầu thủ bóng chày ở Boca Raton. Họ cùng ủy quyền cho The Berman Law Group nộp cho Tòa án Liên bang Mỹ tại Miami bản cáo trạng dài 20 trang. Các bị cáo bao gồm : Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Bộ Y tế Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Ủy ban Y tế quốc gia), Bộ Nội vụ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Bộ Quản lý Khẩn cấp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, chính quyền tỉnh Hồ Bắc và chính quyền thành phố Vũ Hán.

Đơn kiện cũng đưa ra một số "sự thật" để chứng minh rằng chính phủ Trung Quốc đã không làm hết trách nhiệm của mình, bao gồm Vũ Hán che giấu dịch bệnh, cảnh sát cảnh cáo và trách phạt 8 bác sĩ, sự kiện Vũ Hán tổ chức "Vạn gia yến" (bữa tiệc tập thể chục ngàn người dự khi đang có dịch", rò rỉ virus tại Viện Virus học Vũ Hán và Bộ Khoa học, Công nghệ Trung Quốc yêu cầu tăng cường quản lý Luật thí nghiệm sinh học…

"Nếu phán quyết của Mỹ được thực thi trên phạm vi thế giới thì Trung Quốc phải nhìn nhận vụ kiện. Nếu coi nó được xử lý theo pháp luật chứ không phải vụ án chính trị thì chúng ta có thể lạc quan hơn về kết quả" – một luật sư nói.

Có thể là không liên quan, song nếu xâu chuỗi sự kiện, có thể thấy rằng nhiều khả năng vụ kiện này sẽ nhận được sự ủng hộ của tổng thống Hoa Kỳ. "Nước Mỹ sẽ hỗ trợ mạnh mẽ các ngành như hàng không và các lĩnh vực khác đang bị ảnh hưởng đặc biệt do virus Trung Quốc. Chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết !" – ông Trump viết trên Twitter, lần đầu tiên dùng cụm "Virus Trung Quốc".

"Virus Trung Quốc" dịch nôm sang ngôn ngữ dân dã của người Việt, đó là ‘cúm Tàu’. Liệu tổ chức Liên đoàn Luật sư Việt Nam có rút ra được bài học nào trong động thái tiếp cận tư pháp về ‘cúm Tàu’ để khởi kiện chính phủ Trung Quốc về chuyện – ví dụ như là đã vi phạm thỏa thuận về "Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt" ?.

Năm 1999, trong Tuyên bố chung cấp cao, Trung Quốc đã khái quát phương châm 16 chữ vàng với Việt Nam : "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Đến năm 2002, Trung Quốc lại khái quát một phương châm nữa, gọi là "4 tốt" : "Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt".

Thế nhưng trước khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam và có những hành động gây hấn đối với các tàu cảnh sát biển, tàu cá Việt Nam thì Trung Quốc biết rõ đã phá bỏ 16 chữ vàng và 4 tốt trong mối quan hệ với Việt Nam.

Như vậy, chỉ mới xét riêng chuyện ’16 vàng – 4 tốt’ cho thấy đang là một phép thử về khả năng tiếp cận tư pháp để Việt Nam khởi kiện Trung Quốc. Điều này đang có một thuận lợi về lý thuyết của yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đó là người giữ vị trí Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, cũng đồng thời là Tổng bí thư, Chủ tịch nước.

Xem ra đại dịch virus Vũ Hán corona cũng đang mở ra những chương mới cho nền pháp chế xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 18/03/2020

(1)https://www.law.com/dailybusinessreview/2020/03/13/class-action-filed-against-china-over-covid-19-outbreak/

Published in Diễn đàn

Tranh chấp Biển Đông : Việt Nam cân nhắc giải pháp đưa Trung Quốc ra tòa

Hoài Hương, VOA, 07/11/2019

Việt Nam có th cân nhc hành đng pháp lý để gii quyết v tranh chp bin đo vi Trung Quc trong Bin Đông, mt quan chc cp cao Vit Nam cho biết hôm th Tư. Lên tiếng ti mt hi ngh Hà Ni, Th trưởng Ngoi giao Lê Hoài Trung nói Vit Nam s ưu tiên chn đàm phán, nhưng nếu đàm phán không mang lại kết qu, thì Vit Nam bt buc phi cân nhc "nhng s la chn khác". Mt s nhà quan sát t lâu đã hi thúc Vit Nam hãy đưa v tranh chp vi Trung Quc ra trước tòa án trng tài quc tế. Giáo sư T Văn Tài, tng ging dy môn lut ti Đại hc Harvard, cho VOA-Vit ng biết ý kiến v gii pháp kin Trung Quc liên quan ti nhng đng thái ti bãi Tư Chính.

kien1

Tàu hải cnh Trung Quốc trong vụ giàn khoan HD-981 hồi năm 2014

Căng thẳng gia Vit Nam và Trung Quc Bin Đông âm t lâu đã đt ngt leo thang t tháng 7 năm 2019, sau khi Trung Quc điu tàu kho sát đa cht Hi Dương 8 cùng đoàn tàu h tng vào hot đng trong vùng bin chung quanh bãi Tư Chính.

Những đng thái của Trung Quc, ra vào bãi Tư Chính như chn không người, trong khi nơi này là khu vc mà lut quc tế công nhn là thuc khu dc quyn kinh tế và thm lc đa Vit Nam, đã gây phn n trong và ngoài nước, dn đến nhng phát biu hiếm hoi ca B Ngoi giao Việt Nam và các quan chc cp cao Vit Nam, công khai phn đi các hành đng có tính khiêu khích ca Bc Kinh đ khng đnh ch quyn Bin Đông.

kien2

Tọa đàm v Bãi Tư Chính Hà Ni ngày 6/10/2019

Tuyên bố ca Th trưởng Ngoi giao Lê Hoài Trung rng Vit Nam có th phi nghĩ ti "các la chn khác" ngoài đàm phán, là phản ng mi nht th hin s bt bình ca Hà ni trước toan tính ca Trung Quc mun thâu tóm gn hết Bin Đông, biến vùng bin này thành ‘ao nhà’ ca h, đ tiếp tc theo đui "gic mng Trung Quốc" mà Ch tch Trung Quc Tp Cn Bình đã hồi sinh và quyết tâm thc hin.

Từ Hà ni, Th trưởng Lê Hoài Trung lit kê các gii pháp chn la ca Vit Nam :

"Chúng tôi hiểu rng các bin pháp đó gm tìm hiu các tài liu chng minh, nh hòa gii, hàn gn, thương thuyết, trng tài và c kin tng".

Giáo sư lut T Văn Tài ca Đi hc Harvard lưu ý rng mun có cơ may thng kin, trước hết cn thu đáo các khía cnh pháp lý ca vn đ. Ông nói trong các cuc bàn lun trong nước cũng như trên internet, ít ai phân bit rõ rt được kin v vùng nước vi kiện v đo đá nó khác nhau như thế nào, mt mt là kin v đt đai, ch quyn lãnh th, mt khác là kin v vùng bin, và tùy trường hp nào, lut được áp dng và Tòa có thm quyn x cũng khác đi. Giáo sư T Văn Tài gii thích rõ hơn khía cnh pháp lý của điểm khác bit này.

"Nếu mà nói kin v Hoàng Sa vi đo Gác Ma thì nó thuc v ch quyn lãnh th thì nó theo mt quy chế khác hn, không phi là lut bin quc tế na mà là lut quc tế c truyn t 400 năm nay v chiếm hu, qun lý đt đai đ mà xác lp ch quyn ca mình. Lut quc tế c truyn thì do tòa án International Court of Justice La Haye- tc Tòa án Công lý quc tế The Hague, có thm quyn, ch không phi tòa án lut bin".

Tòa Luật Bin năm 2016 phán rng các đo đá qun đo Trường Sa mà Trung Quốc nhn là ca mình, không phi là đo, và do đó không có EEZ và thm lc đa, mà đó là lp lun ca Trung Quc đ đưa ra yêu sách ch quyn trùng lp vi EEZ và thm lc đa ca Vit Nam.

Giáo sư T Văn Tài nói trước khi khi kin, Vit Nam phi khng đnh rõ ràng mc đích v kin, phi minh đnh rõ ch quyn mà Vit Nam mun bo lưu là "quyn v du khí nm trong thm lc đa ni rng 350 hi lý khu vc phía Nam Bin Đông"- mà Vit Nam đã lp h sơ và đăng ký hp l" t nhiu năm trước.

Việt Nam và Malaysia đã gửi hồ sơ đăng ký riêng và chung hồi đầu tháng Năm 2009, trước thời hạn mà Liên Hiệp Quốc đặt ra.

Theo Công ước Liên Hiệp Quốc v Lut Bin (UNCLOS), mi nước ven bin được hưởng mt vùng đc quyn kinh tế rng ti đa là 200 hi lý tính t đường cơ s ca nước đó. UNCLOS quy đnh thêm rng nếu thềm lc đa ca nước ven bin kéo dài ra xa hơn 200 hi lý thì nước đó có đc quyn khai thác tài nguyên dưới đáy bin trong mt vùng bên ngoài 200 hi lý gi là thm lc đa m rng.

Giáo sư T Văn Tài khng đnh rng trong tư cách là mt nước cn duyên, Việt Nam có quyn chuyên đc (exclusive rights), chng mi s xâm phm ca các nước khác. Ông khuyên Vit Nam nên áp dng lut ni dung v quyn ch quyn cho đúng.

Theo ông thì lần này, nếu kin đúng lúc theo lut t tng quc tế thì bên cnh ch quyn về thm lc đa, Vit Nam nên kin luôn c các quyn vùng dc quyn kinh tế (EEZ), gm quyn gi môi sinh bin như bo tn san hô, quyn ca dân chài được mưu sinh bng ngh đánh cá, tàu bè không b tn công, đâm chìm, và không phi tuân lnh cm đánh cá mà Trung Quốc đơn phương ban hành hàng năm. Giáo sư Tài nói đây là mt v t tng hết sc phc tp, không có gì bo đm s đi đến thng li d dàng, tuy vy điu phi làm ngay bây gi, theo ông, là cp tc chun b đ khi thi cơ đến, thì đã có h sơ sn sàng.

Ông hối thúc :

"Cứ np đơn kin đi, như là treo mt cái bn án hay là bn tin án trước ca tòa án, nói rng ‘Tôi có bng này nhng điu tôi khiếu ni vi tòa đây này, nhưng Tòa Công lý quc tế không x vì quy chế ca tòa không x, nhưng tôi có s phàn nàn lớn lao đây này, thì đy là mt bin pháp v chính tr, ngoi giao v tuyên truyn quc tế có th làm được".

Giáo sư T Văn Tài nói điu thun li là đã có bn án năm 2016 ca Tòa án trng tài quc tế trao phn thng cho Philippines làm tin l, thì không có lý do gì Việt Nam không có cơ may ít ra là ngang hàng v Philippines đ có th thng kin.

Hoài Hương

Nguồn : VOA, 07/11/2019

*****************

Biển Đông : Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế

Thụy My, RFI, 06/11/2019

Một quan chức cao cấp Việt Nam hôm 06/11/2019 tuyên bố có thể tiến hành thủ tục pháp lý, trong số nhiều giải pháp khác nhau, để khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông trước người láng giềng khổng lồ Trung Quốc.

kien3

Một tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu cảnh sát biển Việt Nam đối đầu trong vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, tại vùng biển cách Việt Nam 130 hải lý. Ảnh tư liệu chụp ngày 14/05/2019. Reuters/Nguyen Minh/File Photo

Reuters dẫn lời thứ trưởng ngoại giao Lê Hoài Trung trong một hội nghị ở Hà Nội, nói rằng Việt Nam tuy chủ yếu muốn thương lượng, nhưng cũng có những chọn lựa khác. Những biện pháp này gồm cả đàm phán, hòa giải, trọng tài và kiện tụng. Ông Trung nhấn mạnh :

"Trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 đã dự trù đầy đủ các cơ chế cho chúng tôi để áp dụng các biện pháp này".

Trung Quốc yêu sách hầu hết toàn bộ Biển Đông, và những năm gần đây đã tự ý xây dựng các đảo nhân tạo, quân sự hóa Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 2016, Philippines đã giành được chiến thắng tại Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, với phán quyết đường lưỡi bò tự vẽ của Bắc Kinh là bất hợp pháp. Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết của tòa.

Về phía chính phủ Việt Nam tỏ ra thận trọng với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất, chỉ mới đề cập đến khả năng đi kiện gần đây. Năm 2014 khi Trung Quốc cho kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du (Haiyang Shiyou) 981 đến vùng biển Hoàng Sa, gây đối đầu trên biển và những cuộc biểu tình phản đối trên cả nước, cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng Việt Nam cân nhắc về hành động pháp lý.

Trong cuộc xung đột mới nhất khi Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 8 cùng các tàu hải cảnh xâm nhập bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Hà Nội nhiều lần ra thông cáo khẳng định chủ quyền và đòi hỏi Bắc Kinh phải rút nhóm tàu này ngay lập tức. Tuy nhiên chỉ đến hôm nay, 06/11/2019, Việt Nam mới nêu ra khả năng đi kiện.

"Đây là chuyển biến lớn về chính trị trong quan hệ Việt-Trung, nhưng có lẽ đó cũng là khả năng duy nhất còn lại đối với Việt Nam" - chuyên gia về Biển Đông Bill Hayton của think tank Chatham House nhận định. Ông nói thêm, nội dung hội nghị do chính phủ Việt Nam tổ chức dường như tập trung cho sự kiện này. Reuters ghi nhận sự hiện diện của một số chuyên gia pháp lý, trong đó có cựu thẩm phán Rudiger Wolfrum của Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS).

Thụy My

Nguồn : RFI, 06/11/2019

******************

Biển Đông : Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam nói không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc

BBC, 07/11/2019

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hoài Trung nói rằng trong nhiều biện pháp để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam không loại trừ khả năng tiến hành các hành động pháp lýtheo Reuters.

kien4

Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông lần thứ 11

Nhận định này được ông Trung đưa ra trong phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11, diễn ra hôm 6/11 tại Hà Nội.

Ông Trung cũng nói rằng, hợp tác trên biển, trong đó có Biển Đông "cần có lòng tin vào môi trường luật pháp quốc tế, vào các cơ chế và thể chế chung".

"Việc đơn phương diễn giải luật quốc tế trái với chuẩn mực chung và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, làm giảm lòng tin vào luật pháp quốc tế, làm xói mòn thượng tôn pháp luật. Việc này có thể trở thành tiền lệ nguy hiểm đe doạ hòa bình, ổn định hòa bình, an ninh ở khu vực và quốc tế", ông Trung nói, theo tờ VnExpress.

Theo Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nói rằng, Việt Nam thích đàm phán nhưng không còn sự lựa chọn nào khác cho tranh chấp trên biển Đông.

"Chúng tôi biết rằng, các biện pháp này bao gồm tìm kiếm sự thật, trung gian hòa giải, đàm phán, trọng tài và kiện.

"Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước về luật biển của Liên Hiệp quốc 1982 (UNCLOS 1982) có đủ các cơ chế cho chúng tôi áp dụng những biện pháp này", ông Trung nói.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn diện tích biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn. Nước này đã thiết lập các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo.

Tuy nhiên, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan đều có tuyên bố chủ quyền ở các khu vực thuộc vùng biển này.

Năm 2013, Philippines từng kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague.

Phán quyết của tòa vào năm 2016 đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc.

Hồi năm 2014, cựu Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng từng cho biết là, Chính phủ Việt Nam đang xem xét những phương án phòng vệ đối với Trung Quốc, trong đó có cả việc kiện ra tòa, sau vụ Trung Quốc dịch chuyển trái phép dàn khoan vào vùng lãnh hải của Việt Nam trên Biển Đông.

Còn năm nay, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc lại gia tăng sau khi tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc tiến hành khảo sát địa chấn kéo dài một tháng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) nhưng cũng bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Trong lần xâm phạm mới này của tàu khảo sát Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần cáo buộc tàu khảo sát này và các tàu hộ tống vi phạm chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu các tàu Trung Quốc ngay lập tức rời khỏi khu vực trên.

Tuy nhiên, lần này, Việt Nam chưa từng đề cập công khai đến khả năng tiến hành các hành động pháp lý như biện pháp phòng vệ cho đến phát biểu nói trên của ông Lê Hoài Trung.

Tại kỳ họp Quốc hội Việt Nam khóa XIV lần thứ 8 đang diễn ra tại Hà Nội, hôm 31/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng, cần đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế liên quan tới việc nước này xâm phạm bãi Tư Chính của Việt Nam và nhiều hoạt động xâm phạm chủ quyền khác.

Ông Bill Hayton, chuyên gia về biển Đông tại Viện hoàng gia về Các vấn đề quốc tế Chatham House, cho biết, có thể điều này sẽ dẫn đến có sự chia rẽ lớn về chính trị trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, đây có lẽ là lựa chọn duy nhất còn lại với Việt Nam, theo Reuters.

Ông Hayton cũng nói thêm rằng, toàn bộ Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 này dường như tập trung quanh câu hỏi đó.

Trong 50 diễn giả tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông năm nay, có cả một số chuyên gia pháp lý liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc, gồm cựu thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) Rudiger Wolfrum.

Hội thảo năm nay có chủ đề "Hợp tác vì An ninh và Phát triển tại Khu vực", diễn ra trong hai ngày 6 và 7/11.

Hợp tác ASEAN để giải quyết thách thức biển

Bài phát biểu trên của ông Trung, theo VnExpress, đề cập đến việc Việt Nam vừa đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, ông Trung nói rằng, Việt Nam hy vọng sẽ cùng các đối tác thúc đẩy hiệu quả hợp tác các cơ chế của ASEAN để giải quyết các thách thức biển.

kien5

Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020

"Việt Nam tin tưởng rằng duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông không chỉ là lợi ích mà còn là trách nhiệm của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế", ông Trung được VnExpress dẫn lời nói.

Trả lời câu hỏi của BBC News Tiếng Việt qua thư điện tử, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, chuyên gia nghiên cứu cộng tác Trung tâm Nghiên cứu quốc tế thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn ở Sài Gòn, cho rằng, việc Việt Nam trở thành Chủ tịch ASEAN vào năm sau sẽ giúp thúc đẩy giải quyết một số vấn đề tồn tại ở Biển Đông.

Tuy nhiên hiệu quả tới đâu thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Cụ thể, ông Phương nhìn nhận rằng, Việt Nam sẽ đẩy vấn đề Biển Đông trở thành ưu tiên nghị sự trong các cuộc họp ASEAN, cũng như giữa ASEAN với các nước đối tác.

Đây là lợi thế của việc làm chủ tịch.

Đồng thời, Việt Nam có thể đưa các phát ngôn lên án Trung Quốc vào tuyên bố chung, đẩy mạnh giải quyết các bất đồng trong đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), và chủ động đưa ra những biện pháp giúp kết nối phản ứng của ASEAN cũng như các đối tác trước hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo ông Phương, về mặt đối ngoại đa phương, Việt Nam luôn coi ASEAN tổ chức đa phương quan trọng nhất trong việc đảm bảo duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, và trong việc cân bằng giữa các nước lớn, cụ thể là với Trung Quốc và Mỹ.

Tình hình Biển Đông, nếu thiếu tiếng nói của ASEAN, sẽ không thể giải quyết được một cách căn cơ, vì dù gì các tranh chấp ở Biển Đông cũng có yếu tố đa phương.

"Khả năng của Việt Nam trong việc dẫn dắt ASEAN tốt tới mức nào sẽ được thể hiện qua năm Việt Nam làm chủ tịch.

"Bản thân tôi hy vọng rằng, Việt Nam sẽ nắm lấy các cơ hội để trở thành một trong những nước đầu tàu ASEAN trong một số vấn đề. Điều này Việt Nam có thể làm được, thứ quyết định là quyết tâm chính trị.

"Nói cách khác là, liệu Việt Nam có muốn làm đầu tàu hay không", ông Phương nói.

Tuy nhiên, ông Phương cũng cho rằng, không nên coi ASEAN là một công cụ toàn năng hay duy nhất, giúp giải quyết các vấn đề ở Biển Đông.

"ASEAN quan trọng, ASEAN cần có tiếng nói, nhưng ASEAN đang bị chia rẻ trầm trọng với sự ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc lên một số nước thành viên.

"Thêm vào đó, "phương cách ASEAN" vốn yêu cầu sự đồng thuận, khiến cho các biện pháp thống nhất, hiệu quả đối phó với Trung Quốc chỉ là một giấc mơ. Bản thân tôi không đặt quá nhiều kỳ vọng đột phá trong năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN 2020 sắp tới", ông Phương khẳng định.

Nguồn : BBC, 07/11/2019

********************

Việt Nam cân nhắc việc kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

RFA, 06/11/2019,

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung hôm 6/11 cho biết Việt Nam cân nhắc các biện pháp giải quyết căng thẳng Biển Đông với Trung Quốc trong đó có cơ chế trọng tài và kiện.

kien6

Ông Nguyễn Vũ Tùng - Giám đốc Học viện Ngoại giao phát biểu tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 11 ở Hà Nội hôm 6/11/2019, daibieunhandan.vn

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam phát biểu điều này tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 do Học Viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinhd đã gia tăng trong khoảng 4 tháng qua sau khi Trung Quốc điều các tàu hải cảnh, dân binh, và khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí lâu dài của Việt Nam.

Nói về các biện pháp giải quyết căng thẳng, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói :

"Chúng tôi biết rằng các biện pháp này bao gồm tìm kiếm sự thật, trung gian hòa giải, đàm phán, trọng tài và kiện".

"Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước về luật biển của Liên Hiệp quốc 1982 (UNCLOS 1982) có đủ các cơ chế cho chúng tôi áp dụng những biện pháp này", ông Trung nói tiếp.

Biển Đông là khu vực biển được cho là rất giàu nguồn tài nguyên dầu khí. Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích vùng biển này với đường đứt khúc 9 đoạn đòi chủ quyền lịch sử tới khoảng 90% diện tích vùng nước. Các nước khác cũng đòi chủ quyền tại khu vực này bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Năm 2013, Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế, yêu cầu tòa giải thích những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh.

Phán quyết năm 2016 của tòa đã bác bỏ tính hợp lý của đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra. Tuy nhiên Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết này.

Kể từ khoảng giữa tháng 6 và đầu tháng 7, khi Trung Quốc điều các tàu vào vùng biển Việt Nam, nhiều chuyên gia trong và ngoài Việt Nam đã kêu gọi Hà Nội nên cân nhắc kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp quốc ở New York hôm 28/10, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dù không trực tiếp nêu tên Trung Quốc nhưng cũng đã nhắc tới biện pháp kiện ra tòa.

Trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam, hội thảo Biển Đông lần thứ 11 được tổ chức, với sự tham gia của hơn 50 diễn giả và khoảng 250 quan chức, học giả và nhà ngoại giao từ Việt Nam và nước ngoài.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền phát biểu khai mạc hội thảo, nhận định đây là cơ hội cho các luật sư trong và ngoài nước chia sẻ các biện pháp để duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực.

Hội Luật gia Việt Nam đang có tiếng nói ngày một quan trọng trong các vấn đề an ninh, bao gồm cả vấn đề Biển Đông, ông Quyền nói.

Giám đốc Học Viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng cho biết, kể từ khi hội thảo Biển Đông được bắt đầu 10 năm về trước, đến nay hội thảo đã trở thành một sự kiện quan trọng về Biển Đông, nơi các chuyên gia, học giả quan tâm đến vấn đề an ninh biển và Biển Đông chia sẻ thông tin và ý tưởng.

Hội thảo đã nhận được hơn 350 báo cáo từ các chuyên gia và học giả, chào đón hơn 2000 đại diện, ông Tùng cho biết.

Cũng tại hội thảo lần này, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, vào tuần tới Việt Nam, Canada và EU sẽ phối hợp tổ chức một hội thảo về việc thực thi UNCLOS và các vấn đề biển mới nổi trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tại Hà Nội.

Nguồn : RFA, 06/11/2019

Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 2