Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Rút ra bài học sau ba tháng, Nga và Ukraine chuẩn bị một cuộc chiến tranh lâu dài

Ba tháng đã trôi qua từ khi Putin xua quân sang xâm lăng Ukraine. Các bộ tham mưu phương Tây rút ra được một loạt bài học quân sự quan trọng : vai trò của vũ khí cơ động, thông tin, huấn luyện, cách tổ chức… Cả Nga lẫn Ukraine đều đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài. Một thỏa thuận bất công không mang lại hòa bình thực sự, nhưng chinh chiến dai dẳng sẽ gây nhiều đau thương cho cả hai phía.

baihoc01

Một em bé trước xác một xe tăng Nga được triển lãm ở trung tâm thủ đô Kiev, Ukraine ngày 21/05/2022. Reuters – Gleb Garanich

Ba tháng chiến tranh Ukraine mang lại những bài học quý giá

Le Mondedành ba trang báo khổ lớn để phân tích "Những bài học quân sự sau ba tháng chiến tranh ở Ukraine". Cuộc xâm lăng của Nga bắt đầu từ hôm 24/02 đã giúp các bộ tham mưu phương Tây rút ra được một loạt kết luận.

Trước hết, lực lượng Ukraine thực ra không quá yếu so với Nga về nhân lực. Theo một số ước tính, Moskva đưa sang 160.000 quân, tương đương 80% quân số Pháp, nhưng riêng bộ binh Nga đã có đến 280.000 binh sĩ, chưa kể 50.000 lính nhảy dù và 15.000 thuộc hải quân. Phía Ukraine có 145.000 quân nhân, và số quân dự bị là 240.000 (gọi là lực lượng phòng vệ lãnh thổ), có thể huy động rất nhanh. Kiev còn có thể trông cậy vào hàng ngàn tình nguyện quân quốc tế. Về phương tiện thì rất bất cân xứng, Ukraine không có không quân lẫn hải quân, xe tăng, hỏa tiễn hành trình như Nga.

Kế tiếp, tập huấn ở cường độ cao là một yếu tố quyết định. Quân đội Nga tuy đã có chiến đấu ở Syria nhưng chủ yếu chỉ không quân và các đơn vị đặc nhiệm. Còn các chiến sĩ Ukraine đã được phương Tây âm thầm huấn luyện trong những năm gần đây, nên nhanh chóng thích ứng được với các loại vũ khí NATO trong khi kho vũ khí Kiev hầu hết từ thời Liên Xô cũ. Cách chỉ huy tập trung cứng nhắc của quân đội Nga cũng ngược hẳn với sự linh hoạt của Kiev, nhất là quân đội Ukraine có lực lượng hạ sĩ quan trẻ tuổi, nắm vững thực địa trong khi Nga rất thiếu.

Về vũ khí, nếu những năm gần đây các cường quốc quân sự chạy đua trang bị những khí tài ngày càng tối tân, thì chiến trường Ukraine cho thấy với những trận đánh trên bộ, chỉ cần những loại căn bản. Chẳng hạn các loại hỏa tiễn vác vai chống tăng (Javelin của Mỹ, NLAW của Anh) và hỏa tiễn phòng không đã gây kinh hoàng cho quân Nga.

Đánh nhanh thắng nhanh chỉ là ảo tưởng, vệ tinh làm thay đổi cục diện

"Chiến tranh chớp nhoáng" là một ảo tưởng cần được chôn vùi. Cuộc chiến Ukraine trước hết là thất bại của "chiến dịch đặc biệt" dự trù sẽ lật đổ chính quyền Kiev chỉ trong vài ngày. Quân sử có đầy những ví dụ tương tự, trừ vài ngoại lệ như trận chiến Sáu Ngày của Israel (05-10/06/1967). Ước tính Nga đã bắn khoảng 1.300 hỏa tiễn đạn đạo nhưng Ukraine vẫn kháng cự được, trong khi Moskva không đầu tư nhiều vào loại bom laser dẫn đường, nên nhanh chóng bị cạn nguồn.

Việc tỉ phú Mỹ Elon Musk gởi tặng Ukraine hàng ngàn thiết bị Starlink vào giữa tháng Ba được một số chuyên gia coi là "game changer" thực sự, đã làm thay đổi hẳn tình thế chiến trường. Lực lượng Ukraine không còn bị lệ thuộc vào mạng điện thoại, internet cổ điển hay mạng lưới vệ tinh quân sự nhà nước vốn hạn chế. Sự đột phá của nhà sáng lập Space X đã giúp Ukraine nhanh nhạy hơn và liên lạc được bảo mật, từ đầu tháng Năm có 150.000 người sử dụng mỗi ngày.

S-400 của Nga được cho là một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới, khiến nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ tìm cách trang bị cho bằng được. Nhưng nay hiệu quả của nó đang là nghi vấn, chỉ riêng S-400 không đủ để bảo vệ không phận của một nước cỡ như Ukraine. Hơn nữa, hệ thống này chỉ ngăn được các cuộc tấn công ở tầm trung và cao, thế nên phi cơ Ukraine thường bay rất thấp, đôi khi chỉ cách mặt đất 20 mét. Phi công Ukraine được huấn luyện chu đáo và chiến đấu để sống còn, tỏ ra rất táo bạo. Ngược lại, phía Nga thận trọng hơn, khi Kiev đã được viện trợ 1.400 hỏa tiễn Stinger kể từ đầu cuộc chiến. Trên không, Nga vẫn chiếm ưu thế áp đảo với 200 đến 300 cuộc xuất kích một ngày, so với Ukraine chỉ khoảng 30.

Trên biển, hạm đội Ukraine hầu như đã bị tiêu diệt năm 2014 khi Moskva chiếm Crimea. Nhưng từ bờ biển, Ukraine dùng hỏa tiễn và drone đánh chìm được soái hạm Moskva hôm 14/04, và đầu tháng Năm phá hủy được hai tàu tuần duyên và xà lan đổ bộ, một tàu hộ vệ type Elbruz. Tuy vậy hiện nay Moskva rõ ràng có ưu thế vượt trội về hải chiến, kiểm soát được biển Azov và Hắc Hải cũng như địa điểm quan trọng là đảo Rắn.

Putin cần một chiến thắng vẻ vang hơn những tàn tích Mariupol

Le Figaro phân tích, Nga và Ukraine chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài. Dù các nước Tây Âu muốn áp đặt ngưng bắn và đàm phán, nhưng hai bên tham chiến không hề tỏ dấu hiệu hòa dịu. Ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi chấm dứt chiến tranh, từ Roma, Berlin đến Paris. Mới nhất là một kế hoạch hòa bình do Ý đưa ra nhưng một nhà ngoại giao Ukraine đánh giá chỉ là "bản sao mờ nhạt của thỏa thuận Minsk".

Ba tháng sau khi khởi động cuộc chiến, thủ đô Kiev vẫn trong tay chính quyền Ukraine, quân Nga bị truy đuổi, còn tại Donbass những trận đánh vẫn diễn ra. Tuy đã chiếm được Mariupol, quân Nga tiếp tục củng cố công sự xung quanh các thành phố chiếm đóng Zaporijjia và Kherson để chuẩn bị chuyển sang thế thủ khi cần. Mục tiêu của Kremlin, theo bộ trưởng quốc phòng Ukraine Oleksy Reznikov, luôn là "lập ra một hành lang trên bộ nối Nga với Crimea," và "chiếm toàn bộ miền nam Ukraine". Avril Haines, lãnh đạo ngành tình báo Mỹ cũng đánh giá Vladimir Putin sẽ không dừng lại ở một chiến thắng ở miền đông và Donbass.

Putin có nhiều lý do để không kết thúc chiến tranh. Ngoài Mariupol, ông ta không đạt được bất kỳ mục tiêu nào khác. Sự kiện soái hạm Moskva bị Ukraine đánh chìm xuống đáy Hắc Hải, thiệt hại vô số kể về nhân mạng và khí tài, phải rút quân khỏi Kiev và những khó khăn ở Donbass đã bôi đen hình ảnh của quân đội Nga. Với cái giá phải trả quá đắt cho cuộc xâm lăng và hậu quả chiến lược là Thụy Điển, Phần Lan xin gia nhập NATO, Vladimir Putin cần có được một chiến thắng huy hoàng. Dù gì đi nữa, cũng phải rực rỡ hơn những tàn tích đang còn bốc khói ở Mariupol.

Nhìn từ Moskva, một cuộc chiến tranh tiêu hao thậm chí còn có lợi. Kremlin sẽ có thời gian để thay máu cho quân đội, huấn luyện tân binh. Dân Nga đã quen chịu đựng từ thời cộng sản, và Putin cũng có thể trông cậy vào Trung Quốc vốn từ đầu cuộc chiến vẫn luôn bênh vực. Nếu chiến tranh kéo dài, sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine có thể giảm sút. Một nhà ngoại giao Pháp cảnh báo : "Vladimir Putin thích những cuộc xung đột đóng băng, và ông ta luôn biết kéo dài cuộc chiến".

Ukraine không thể chấp nhận một nền hòa bình bất công

Phía Ukraine cũng có lý do để tiếp tục chiến đấu, từ chối một cuộc ngưng bắn theo điều kiện của Nga. Quân đội Ukraine đã đẩy lùi quân Nga ra khỏi Kiev, kháng cự một cách anh hùng ở Mariupol, và trên tất cả các mặt trận khác đã chứng tỏ sự dũng cảm và tính chuyên nghiệp. Phải lao vào một cuộc chiến tranh vệ quốc để bảo vệ chủ quyền đất nước và các giá trị dân chủ, người Ukraine tin rằng họ sẽ chiến thắng chủ nghĩa đế quốc của Nga. Nhất là từ khi phương Tây gia tăng nhịp độ và chất lượng vũ khí viện trợ. Phấn chấn trước sự ủng hộ của phương Tây và sự đảo lộn tương quan lực lượng trên chiến trường, Ukraine bác bỏ những yêu sách của Moskva.

Putin đòi ít nhất phải nhượng lại tất cả những lãnh thổ Nga chiếm đóng từ ngày 24/02 và phải giải giáp, tóm lại, là đầu hàng. Nếu vội vã chấp nhận một hòa bình bất công như vậy, Zelensky có nguy cơ đánh mất độc lập của đất nước, bị dân chúng và phe dân tộc chủ nghĩa chống đối. Những tội ác chiến tranh của quân Nga ở Bucha và các thành phố khác cũng làm nguội lạnh nhiệt tình của các nhà đàm phán. Kiev cần có thêm chiến thắng trên chiến trường để buộc Moskva phải chấp nhận một thỏa thuận trong đó toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Ukraine được tôn trọng.

Le Figaro kết luận, tất cả các cuộc chiến một ngày nào đó đều phải chấm dứt. Nhưng kết thúc quá sớm, không chờ đợi một chiến thắng quân sự hay trong điều kiện quá bất công cho một bên, hiếm khi dẫn đến hòa bình. Thỏa thuận Minsk năm 2014 quá ưu đãi cho Nga, chưa bao giờ giúp Donbass trở nên yên bình. Hiệp ước Dayton giữ nguyên những đường biên chưa trọn trong cuộc chiến Bosnia năm 1995 không làm vùng này ổn định. Nhưng một cuộc chiến tranh kéo dài, không bảo đảm thắng lợi của bên này hay bên kia, mang lại nhiều đau thương. Một nhà ngoại giao cho rằng cả Nga lẫn Ukraine đều thua thiệt. Châu Âu cũng sẽ bị mất an ninh, phải đối phó với khủng hoảng di dân và nguy cơ thiếu lương thực trên thế giới, chưa kể những hậu quả kinh tế khác và xăng dầu tăng giá.

Nga-Ukraine : Cuộc đối đầu thế hệ

Le Monde nhìn thấy giữa Nga và Ukraine còn là khoảng cách thế hệ. Tổng thống Volodymyr Zelensky 44 tuổi, thủ tướng Denys Chmyhal 46, ngoại trưởng và bộ trưởng nội vụ cùng 41 tuổi. Giám đốc tình báo, cố vấn tổng thống, tổng chưởng lý đều sinh trong thập niên 70. Danh sách còn kéo dài, và không chỉ ở Kiev. Theo với đà tiến (hoặc lùi) của quân Nga, người ta khám phá một loạt thị trưởng, thống đốc gan dạ ở Mykolaiv, Dnipro, ngoại ô Kiev... đa số ở lứa tuổi ba mươi, bốn mươi.

Tương phản thấy rõ với đội ngũ cầm quyền ở Moskva. Ông Vladimir Putin đã 69 tuổi, và tuổi trung bình của hội đồng an ninh - cơ quan đóng vai trò trung tâm trong hồ sơ Ukraine là 62 tuổi, bộ máy Phủ tổng thống 59. Hoàn toàn ý thức điều này, Putin đã cho kéo dài hoặc hủy bỏ giới hạn tuổi tác đối với viên chức cao cấp. Cuộc chiến ở Ukraine không chỉ là sự đối đầu giữa hai nước mà còn giữa hai thế hệ, với cung cách hoạt động và tầm nhìn khác biệt một cách sâu sắc.

Cuối 2021, hai nhà nghiên cứu Maria Snegovaya và Kirill Petrov quan sát con đường thăng tiến của top 100 trong giới tinh hoa Nga, rút ra kết luận 30 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, 60% lực lượng này vẫn là lớp người ăn trên ngồi trước xô-viết (chỉ chiếm 1 đến 3 % dân số). Riêng giới siloviki thừa kế của KGB và các cơ quan an ninh Liên Xô chiếm đến 1/3 trong top 100. Đôi khi cũng có một ít nhà kỹ trị tài năng được cất nhắc, nhưng chủ yếu cánh cửa chỉ mở cho con cái của giới cai trị, con vua thì lại làm vua.

Lên cầm quyền từ 1999, Vladimir Putin xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ về tinh thần và thể chất. Với thời gian, những người làm truyền thông của Kremlin tô vẽ hình ảnh một người đàn ông thông thái, bản lĩnh. Nhưng giờ đây tất cả đã tiêu tan. Ông Putin rõ ràng đã yếu ớt hẳn đi, và đối với nhiều người Nga, hình ảnh Putin gắn kết với boong-ke mà ông vẫn trú ẩn trong đại dịch Covid. Còn với nhiều nhà quan sát, tuổi tác còn là một trong những nguyên nhân của cuộc xâm lăng Ukraine. Trước khi chuyển giao quyền lực, Vladimir Putin muốn để lại một thành tựu mãi mãi cho hậu thế. Không hề quan tâm đến một Zelensky sinh sau đến một phần tư thế kỷ.

Mỹ không còn nhập nhằng : Sẽ can thiệp nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan

Nhìn sang Châu Á, tất cả các báo đều chú ý đến tuyên bố của tổng thống Joe Biden là Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu bị Trung Quốc tấn công. Trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Nhật tại Tokyo, tiếng "yes" của Biden đã chấm dứt sự nhập nhằng chiến lược từ gần nửa thế kỷ qua.

Cả một sự thay đổi lớn lao ! Hồi tháng 12/2021, Biden tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không tham chiến nếu Nga xâm lăng Ukraine, theo Le Figaro, có lẽ để làm hài lòng giới trung lưu Mỹ. Nhưng khi Ukraine chứng tỏ quyết tâm và khả năng kháng chiến, Biden nhanh chóng thích ứng và viện trợ quân sự ồ ạt, giúp Kiev biến quân Nga thành trò cười. Tuy không phải là thành viên NATO, nhưng lãnh thổ Ukraine chưa bao giờ được quân sự hóa theo kiểu NATO như thế.

Tại Châu Á, mọi sự cũng đã thay đổi. Bận rộn với Trung Đông, các tổng thống Bush và Obama không biết cách tỏ ra cứng rắn trước Đảng cộng sản Trung Quốc. Không chỉ đối với nạn ăn cắp công nghệ Mỹ, và cả trước sự bành trướng trên Biển Đông. Lợi dụng sự thờ ơ của Mỹ, quân Trung Quốc đã chiếm các đảo dù rất xa Hoa lục, nằm sát Việt Nam và Philippines, rồi đào đắp, xây dựng lên phi đạo, bố trí hỏa tiễn, làm nơi hạ cánh những oanh tạc cơ chiến lược mang ngôi sao đỏ.

Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên thẳng thừng ra tay cảnh cáo việc Bắc Kinh không tôn trọng sở hữu trí tuệ, ngăn cấm Hoa Vi (Huawei) chiếm thị trường 5G ở Hoa Kỳ và các đồng minh Châu Âu. Nhưng lịch sử sẽ nhìn nhận Joe Biden như tổng thống đầu tiên đưa ra chính sách rõ ràng để ngăn chặn sự bành trướng chiến lược của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh nhập nhằng ủng hộ Moskva xâm lăng Ukraine đã khiến Mỹ thêm cứng rắn. Washington tập hợp được các đồng minh Bộ Tứ (những cường quốc dân chủ ở Châu Á-Thái Bình Dương). Nhật Bản, Úc, Ấn Độ đã có những nỗ lực tái vũ trang chưa từng thấy, và Hàn Quốc cũng sẽ tham gia. Gọng kềm chiến lược của thế kỷ 21 đã bắt đầu.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Hôm nay vừa tròn ba tháng cuộc chiến xâm lược Ukraine do Putin phát động. Cục diện chiến trường và thế giới đã có nhiều thay đổi.

ukraine1

Giao tranh kéo dài sẽ ngày càng tồi tệ cho Nga trong khi Ukraine ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ của thế giới.

Cuộc chiến Nga-Ukraine : cục diện chiến trường và thế giới đã có nhiều thay đổi

Sự kiện quan trọng đầu tiên đánh dấu cho cột mốc này là việc hai nước hàng xóm của Nga, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Như vậy, mục tiêu của Putin khi đánh Ukraine nhằm đẩy NATO ra xa biên giới Nga đã thất bại.

Sự kiện thứ hai là Quốc hội Mỹ đồng ý cấp cho Ukraine 40 tỉ USD nhằm hỗ trợ kinh tế và quân sự giúp Ukraine bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đây là việc làm đúng đắn của Joe Biden và Quốc hội để lấy lại uy tín cho nước Mỹ. Putin trả đũa bằng cách cấm cửa 963 người Mỹ vĩnh viễn không được nhập cảnh vào Nga, trong đó có cả tổng thống và ngoại trưởng Mỹ. Không hiểu sau này Nga muốn đối thoại với Mỹ thì phải làm thế nào.

Sự kiện thứ ba, gây chấn động cho người dân Nga là những cảnh báo của cựu đại tá Nga trên truyền hình, ông Mikhail Khodarenok hôm 18/5. Ông cho rằng tinh thần và ý chí chiến đấu của người dân Ukraine rất mãnh liệt. Giao tranh kéo dài sẽ ngày càng tồi tệ cho Nga trong khi đó Ukraine ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ của thế giới. Cuối cùng là nước Nga đang bị cô lập hoàn toàn trên thế giới.

Sự kiện buồn đánh dấu cho ba tháng giao tranh Nga-Ukraine là thành phố biển có vị trí chiến lược của Ukraine, Mariupol đã thất thủ khi nhóm lính cuối cùng thuộc tiểu đoàn Azov cố thủ trong nhà máy luyện kim đã ra hàng. Việc Mariupol thất thủ không làm ai ngạc nhiên, điều làm mọi người ngạc nhiên là không ai nghĩ những người lính Ukraine có thể cầm cự lâu như vậy. Thành phố Mariupol gần như đã bị Nga san phẳng và chiếm đóng cách đây một tháng. Tương quan lực lượng quá chênh lệnh. Quân đội Ukraine mỏng nhưng phải căng mình trên mọi mặt trận nên không thể dồn hết quân bảo vệ Mariupol. Quân Nga đã bao vây và cắt mọi nguồn tiếp viện cho tiểu đoàn Azov. Đã có 500 binh sĩ bị thương không được chăm sóc y tế, lương thực và vũ khí hoàn toàn cạn kiệt. Trước tình hình đó Bộ Quốc phòng Ukraine đã ra lệnh cho các binh sĩ cố thủ tại đây ra hàng. Đây là một quyết định đúng đắn và có lương tâm của chính quyền Ukraine. Để đảm bảo cho tính mạng của những người lính này Ukraine đã yêu cầu sự tham gia của Hội chữ thập đỏ và Liên Hợp Quốc. Putin muốn bức hại họ cũng khó vì danh sách đầy đủ của họ đã có trong tay Liên Hợp Quốc. Hơn nữa trước đó đã có cuộc trao đổi giữa Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ với đồng cấp phía Nga. Nội dung chưa được công bố nhưng có thể sẽ đề cập đến số phận của các tù binh Ukraine.

Như vậy sau ba tháng giao tranh Nga chỉ chiếm được hai thành phố hạng trung của Ukraine là Kherson và Mariupol. Tại thành phố lớn thứ hai của Ukraine là Kharkiv, quân đội Ukraine đã đánh bật quân Nga về bên kia biên giới. Các cuộc giao tranh dữ dội vẫn diễn ra khắp miền Đông Ukraine và Nga không chiếm thêm được thành phố nào.

Cuộc chiến sẽ tiếp tục kéo dài vì sự sống còn của cả Nga lẫn Ukraine

Với Putin và nhiều người Nga thì Ukraine là một phần của đế chế Nga. Mất Ukraine không chỉ là một nỗi đau và còn có thể kéo theo sự sụp đổ của cả đế chế. Với người Ukraine thì cuộc chiến này phải chiến thắng để khẳng định sự độc lập và để tách rời vĩnh viễn khỏi quĩ đạo Nga. Ukraine dù yếu hơn Nga nhưng lại nhận được sự ủng hộ toàn diện từ các nước dân chủ. Nguồn tiếp tế từ các nước dân chủ vẫn tiếp tục đổ vào Ukraine không giới hạn cho đến ngày chiến thắng theo cam kết của nhiều nước như Mỹ, Đức, Ba Lan...

ukraine2

Hàng triệu người Ukraine đã rời bỏ quê hương tị nạn sang nước người

Cuộc chiến càng kéo dài thì càng bất lợi cho Nga. Với GDP chỉ còn hơn 1000 tỉ USD, tức 2% trọng lượng của nền kinh tế thế giới Nga không thể đương đầu với 85% còn lại của các nước dân chủ. Với sự ủng hộ to lớn và toàn diện của thế giới, đặc biệt là Mỹ, Ukraine có thể đẩy lùi quân đội Nga ra khỏi biên giới và thậm chí có thể lấy lại bán đảo Crimea và vùng Donbass. Trước khi xâm lược Ukraine, Putin yêu cầu Zelensky phải đầu hàng, ba tháng sau đại sứ Nga tại Mỹ tuyên bố Nga sẽ không đầu hàng.

Cuộc chiến càng kéo dài thì Ukraine càng lợi thế khi vũ khí tối tân của phương Tây viện trợ cho Ukraine ngày càng nhiều. Quân đội Ukraine sẽ có thêm thời gian để huấn luyện và sử dụng các loại vũ khí đó. Nga không thể nào sản xuất kịp các loại vũ tối tân vì không đủ tiền và linh kiện do các lệnh cấm vận của thế giới. Cuộc chiến kéo dài cũng khiến cho xã hội Nga bất ổn khi các lệnh trừng phạt kinh tế bắt đầu có tác dụng. Nước Nga sẽ lụn bại hoàn toàn sau cuộc chiến điên rồ với Ukraine. Nước Nga có thể tan vỡ thành nhiều quốc gia độc lập. Putin sẽ đi vào lịch sử khi đặt dấu chấm hết cho đế chế Nga.

Cuộc chiến này có ảnh hưởng gì đến Việt Nam không ?

Câu trả lời là rất lớn. Có lẽ Đảng cộng sản Việt Nam vẫn chưa nhận ra tác động sâu sắc từ cuộc chiến này. Trật tự thế giới đã hoàn toàn thay đổi, sự hợp tác toàn diện và ưu tiên đặt quyền lợi kinh tế lên trên các giá trị phổ cập giữa các nước độc tài và dân chủ đã chấm dứt. Việt Nam sẽ bị khủng hoảng kinh tế ngay lập tức khi giao thương với các nước dân chủ giảm sút. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào bên ngoài khi nhiều năm qua chính quyền ưu tiên quá mức cho xuất khẩu thay vì phát triển thị trường nội địa.

ukraine3

Kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào bên ngoài khi nhiều năm qua chính quyền ưu tiên quá mức cho xuất khẩu thay vì phát triển thị trường nội địa.

Phái đoàn Việt Nam đã nhân cơ hội tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN để tiếp xúc với mọi cấp, mọi giới của Mỹ nhằm kêu gọi đầu tư và tăng cường hợp tác giữa hai nước. Đã có 60 cuộc tiếp xúc của thủ tướng Phạm Minh Chính với chính giới Mỹ cũng như với các đại công ty Mỹ như Apple, Google, Intel, Microsoft... trong suốt một tuần lễ.

Kết quả từ cuộc thăm viếng này rất khiêm tốn, thậm chí có thể không thu được kết quả tốt đẹp nào. Hình ảnh tươi cười của tổng thống Mỹ Joe Biden với thủ tướng Phạm Minh Chính trước ống kính không che giấu được sự bẽ bàng của phái đoàn Việt Nam khi phải chờ chực để được gặp ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại một căn phòng nhỏ và cuộc nói chuyện chỉ diễn ra trong 7 phút. Thái độ của Bộ ngoại giao Mỹ, vốn nổi tiếng cẩn trọng trong từng chi tiết nhỏ với thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy lập trường của Mỹ đối với Việt Nam đã thay đổi. Mỹ không thể không nhớ việc ba lần Việt Nam bỏ phiếu ủng hộ Nga tại diễn đàn Liên Hợp Quốc.

Như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phân tích, mọi ưu ái của Mỹ và phương Tây dành cho Việt Nam sẽ kết thúc khi Trung Quốc không còn là mối đe dọa cho hòa bình thế giới. Thái độ 'hiền lành' của Trung Quốc trong thời gian qua, nhất là trong cuộc chiến Nga-Ukraine cho thấy họ đang gặp nhiều vấn đề nội bộ. Trung Quốc đã khủng hoảng và bắt đầu quá trình suy thoái.

Đảng cộng sản Việt Nam không thể tiếp tục đu dây mà phải chọn phe. Hoặc là chọn Nga và Trung Quốc để chìm xuồng cùng họ, hoặc là dân chủ hóa đất nước để gia nhập vào khối các nước dân chủ. Việt Nam chỉ có thể phát triển và hội nhập vào dòng chảy của thời đại mới nếu có dân chủ, nhưng Đảng cộng sản không đủ tầm vóc để dân chủ hóa đất nước một mình.

Nếu ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam không ý thức được điều đó thì các đảng viên trung, cao cấp phải ý thức được rằng cái gì phải đến sẽ đến. Mọi sự trì hoãn chỉ làm cho tình hình trở nên nguy hiểm và tồi tệ hơn mà thôi.

Việt Hoàng

(24/5/2022)

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm

Ukraine : Mỹ tận dụng cơ hội hiếm có để chận Nga và răn đe Trung Quốc

Quân Nga sau khi rút khỏi Kiev lại tiếp tục thất bại tại Kharkov, còn trận Donbass được loan báo rầm rộ vẫn chưa thực sự khởi đầu. Giờ đây có thể ngăn chận mối đe dọa từ Moskva, "cơ hội duy nhất chỉ đến có một lần trong một thế hệ". Biden đã thắng Putin, và việc Mỹ ủng hộ mạnh mẽ Ukraine còn nhằm dằn mặt Tập Cận Bình.

ukraine1

Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden tặng hoa cho bà Olena Zelenska, phu nhân tổng thống Volodymyr Zelensky tại một trường học ở Uzhhorod, Ukraine ngày 08/05/2022. Đến thăm một đất nước đang chiến tranh, phía Mỹ tự tin cho thấy Putin đang bất lực trong cuộc chiến.  Reuters - Pool

Phần Lan, Thụy Điển và NATO : Chuyện gì phải đến đã đến

Sự kiện Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO tiếp tục được các tuần báo chú ý. Trong bài "Phần Lan, Thụy Điển, hồi kết của trung lập", L'Express nhắc đến cuộc tập trận Locked Shield của NATO ở Estonia.Ít nhất 8.000 vụ tấn công phối hợp vào 5.500 hệ thống vi tính dân sự và quân sự của Berylie, một đảo quốc ảo : đó là thách thức mà 24 ê-kíp phải đối phó trong. Ê-kíp thắng trận chính là Phần Lan, quốc gia vừa xin gia nhập NATO. Đất nước Bắc Âu có một trong những quân đội được chuẩn bị chu đáo nhất Châu Âu với 280.000 quân có thể huy động lập tức, trang bị vũ khí hiện đại, một chế độ "quốc phòng toàn dân" và dư luận nhạy cảm với mối đe dọa từ Nga.

Le Figaro Magazine nhận xét người Phần Lan "nhớ dai". Năm 1939, Stalin tung 450.000 quân tấn công "xứ tuyết" nhỏ bé, tưởng rằng nuốt chửng ngay, nhưng một tháng sau Phần Lan vẫn chống chọi được. Tờ báo cánh hữu Pháp đề ngày 24/12/1939 chạy tựa "Ở phía bắc hồ Ladoga, người Phần Lan giành hai trận thắng, một phần quân xô-viết bị bao vây". Nhưng cuối cùng sau khi ngưng bắn, hồ Ladoga rộng nhất Châu Âu thuộc về Liên Xô cho đến nay. Trung lập "kiểu Phần Lan" có cái giá của nó, và nay Helsinki đã quyết định chia tay.

Theo The Economist, ông Vladimir Putin chỉ có thể tự trách chính mình. Nhật báo Thụy Điển Aftonbladet (Courrier International trích dịch) khẳng định "Nếu Putin không xâm lược Ukraine, chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra". Tờ L'Expresshoan nghênh "Rốt cuộc Thụy Điển trở thành một quốc gia bình thường" và cổ vũ "Đừng sợ hãi, nhưng hãy sẵn sàng" đối phó với Nga.

Đức, Nhật vốn chủ hòa, sắp tới sẽ có bom nguyên tử ?

Không chỉ hai nước Bắc Âu. Le Pointlưu ý đến "Đức và Nhật, các nước chủ hòa tái vũ trang". Cú sốc Ukraine có thể thúc đẩy Tokyo và Berlin trở thành cường quốc quân sự thứ ba và thứ tư thế giới, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Nhà bình luận Luc de Barochez cho rằng không có gì mang tính biểu tượng hơn sự đảo lộn địa chính trị do cuộc xâm lăng Ukraine gây ra, khiến hai nước lớn bại trận trong Đệ nhị Thế chiến năm 1945 phải thay đổi quan điểm. Tại Đức và Nhật Bản, ngân sách quân sự tăng vọt, phe diều hâu thắng thế trước bồ câu. Thủ tướng Olaf Scholz cam kết dành 100 tỉ euro trong 5 năm, và tại Tokyo, đồng nhiệm Fumio Kishida thuyết phục phe đa số diễn dịch lại Hiến Pháp chủ hòa.

Berlin và Tokyo tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP thay vì lần lượt là 1,3 và 1% như hiện nay. Như vậy Nhật Bản với 100 tỉ đô la/năm sẽ có ngân sách quân sự thứ ba thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc, còn Đức theo bén gót với 85 tỉ đô la. Trật tự sức mạnh thay đổi, khiến Pháp bị bỏ xa phía sau. Nhưng theo tác giả thì chẳng có gì phải lo lắng. Liên Hiệp Châu Âu sẽ an ninh hơn, với một nước Đức có quân đội xứng tầm với trọng lượng kinh tế. Tương tự, Châu Á cũng ổn định hơn với một Nhật Bản mạnh mẽ, vào lúc sự bành trướng của Trung Quốc và những khiêu khích của Bắc Triều Tiên biến châu lục này thành thùng thuốc súng. Tokyo cần phải hành động nhiều hơn để bảo vệ không gian dân chủ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Sự chuyển đổi từ "loài ăn cỏ" sang "loài ăn thịt" liệu có bền vững ? Phe chủ hòa lâu nay vẫn nhiều ảnh hưởng tại Đức và Nhật, nhưng bỗng dưng chỉ trong vài tuần lễ, quan niệm của chính giới Đức thay đổi hẳn, ý tưởng thương mại sẽ thuần hóa được gấu Nga trở thành ảo tưởng. Ở Nhật, sự thay đổi có chậm chạp hơn, nhưng tại đất nước kịch liệt chống hạt nhân sau hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki, ông Shinzo Abe vừa đòi hỏi việc Nhật trang bị đầu đạn hạt nhân Mỹ. Tại Berlin, các chuyên gia còn đi xa hơn, nếu Donald Trump quay lại năm 2024, lực lượng răn đe có thể là của Châu Âu hay Đức thay vì Hoa Kỳ ? Lời đe dọa vũ khí nguyên tử của Vladimir Putin đã để lại dấu ấn, và với nhịp độ này, không loại trừ một ngày nào đó Đức và Nhật Bản sở hữu bom nguyên tử.

Lịch sử lặp lại : Nga thất bại ở Kharkov như quân Stalin 80 năm trước

Trên thực địa Ukraine, The Economistnhận thấy "Tại Kharkov, Nga một lần nữa lại kiệt sức", lực lượng Ukraine đang phản công. Tuần báo Anh nhắc lại cách đây 80 năm, Hồng quân cũng đã từng tấn công vào Izyum, thành phố phía nam Kharkov ngày 12/05/1942 nhưng đại bại, trên 170.000 người lính xô-viết tử trận. Về sau Nikita Khrushchev đã mỉa mai "thiên tài" của người tiền nhiệm Stalin. Giờ đây một lần nữa quân Nga lại tập trung xung quanh Izyum, và đang phải rút khỏi Kharkov, ở một số nơi phải lui hẳn sang bên kia biên giới.

Nga cũng có một số thành công nho nhỏ, chẳng hạn đã gần như chiếm trọn Luhansk, và hai thành phố kỹ nghệ Slovyansk, Kramatorsk. Thế nhưng mỗi ngày chỉ tiến được một, hai kilomet, và thiệt hại rất nhiều. Đôi bên đấu pháo với nhau thay vì xung trận bằng xe tăng. Việc quân Nga tiến chậm không có gì đáng ngạc nhiên, vì trên lý thuyết lực lượng tấn công phải nhiều gấp ba quân phòng thủ, trong khi Nga rất thiếu người dù đã huy động cả các cựu quân nhân, hứa trả lương cao.

Còn phía Ukraine hết sức tự tin, các chiến đấu cơ hoạt động trên bầu trời Donbass dù rất gần lực lượng phòng không của quân Nga ở miền đông. Tuy nhiên trải dài lực lượng trên hàng trăm kilomet – chỉ riêng ở Donbass, và trên tổng cộng 1.300 kilomet ; chuyển từ thế thủ sang thế công là một thách thức lớn. Thế nên hiện "chưa mèo nào cắn mỉu nào", cơ quan tình báo Mỹ cho là đang trong ngõ cụt. Nhưng Kiev không tin vào tuyên bố này, và trước chiến tranh Ukraine cũng đã từng bị đánh giá thấp.

Chính quyền Biden chiến thắng Putin ở Ukraine

Cũng về cuộc xâm lăng Ukraine, L'Express đánh giá Mỹ chiến thắng, còn Sa hoàng Putin đã thất bại. Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden đã chọn một thời điểm mang tính biểu tượng là Ngày của Mẹ 08/05 (theo thông lệ Mỹ) cho chuyến viếng thăm bất ngờ Ukraine. Bà đã gặp Olena Zelenska, phu nhân tổng thống Volodymyr Zelensky - ôm hôn, tặng hoa, chụp ảnh, tuyên bố chung trước báo chí... Nhà sử học Françoise Coste nhận định : "Việc Nhà Trắng để cho đệ nhất phu nhân đến đất nước Ukraine đang chiến tranh là một cái tát thẳng cánh cho Putin. Đó là cách để nói rằng ông ta chẳng chủ động được gì trên thực địa, và chứng tỏ chính quyền Biden rất tự tin".

Sắp bước sang tháng thứ ba của cuộc chiến, nỗi sợ đã chuyển bên. Sau khi đẩy lùi quân Nga khỏi thủ đô Kiev hồi tháng Tư, đến giữa tháng Năm quân Ukraine đã buộc đội quân của Putin tiếp tục nếm mùi thất bại ở Kharkov, thành phố lớn thứ nhì. Còn trận "đại tiến công" Donbass được loan báo cách đây một tháng thì vẫn chưa bắt đầu. Mariupol dù đã bị san bằng thành bình địa, những người hùng ở Azovstal vẫn bám trụ, và Kiev vẫn chưa công nhận kết thúc cuộc di tản. Tổng cộng số thiệt hại nhân mạng của Nga là khổng lồ : 20.000 lính tử trận, theo Ukraine, còn xe tăng, trực thăng bị các hỏa tiễn Javelin, Stinger bắn cháy vô số kể.

Tướng Ben Hodges, từng tham gia chiến tranh Iraq và Afghanistan dự báo "Trước cuối mùa hè này, Nga sẽ đạt mức huy động tối đa năng lực quân sự. Ukraine không chỉ chận được đà tiến của địch mà còn tổng phản công, và đến tháng Chín, sẽ tìm lại đường biên giới ngày 23/02". Ông cho rằng giờ đây có khả năng chận đứng hẳn mối đe dọa từ Moskva, "cơ hội duy nhất chỉ đến có một lần trong một thế hệ". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng từng tuyên bố "muốn làm Nga yếu đi đến mức không thể tái diễn việc xâm lược như ở Ukraine".

Mỹ ủng hộ Ukraine chống xâm lăng còn nhằm răn đe Trung Quốc

Để đạt mục đích này, Washington và các đồng minh đã bóp nghẹt kỹ nghệ quốc phòng Nga, cấm bán cho Moskva tất cả phụ tùng và vật liệu bán dẫn (cần cho hỏa tiễn). Thế nên Uralvagonzavod, nhà máy xe tăng lớn nhất nước đã phải ngưng sản xuất. Nhưng mục tiêu chiến lược của "sen đầm quốc tế" Mỹ vượt quá chiến trường Ukraine, "sự ủng hộ mạnh mẽ Kiev còn nhằm răn đe các nhà lãnh đạo khác". Theo nhận xét của chuyên gia Max Bergmann, đây còn là thông điệp cho Tập Cận Bình và các nước Châu Phi.

Trong viễn cảnh đó, việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO đóng vai trò quan trọng. Thật là thảm hại cho Putin : Phần Lan mang lại thêm 1.340 km đường biên giới chung với NATO, và biển Baltic đang trở thành "ao nhà của NATO". Còn Hắc Hải, đường xuất khẩu chính cho ngũ cốc Ukraine và Nga, đóng vai trò chủ chốt cho an ninh lương thực thế giới, các nhà chiến lược Mỹ đã nghĩ đến việc ổn định lâu dài.

Muốn vậy, theo tướng Hodges, cần cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, gắn bó hơn với Romania, ủng hộ Ukraine và hỗ trợ cho nền dân chủ non trẻ Gruzia. Diễn tiến tình hình được Bắc Kinh theo dõi sát, hy vọng sưởi ấm lại quan hệ với Washington và đang thông qua một kênh ở Canada để mong Mỹ bỏ một số cấm vận dưới thời ông Donald Trump.

Khi truyền hình Nga đổi giọng

Về đối nội, Le Point chú ý đến sự kiện một đại tá về hưu công khai phê phán quân đội Nga trên truyền hình, nhưng sau đó đã bị Kremlin nhanh chóng chấn chỉnh. Ông Mikhail Khodaryonok, 68 tuổi, hôm 17/05 trên kênh Rossiya1 đã kêu gọi : "Hãy ngưng uống thuốc an thần thông tin, nói thẳng ra là tình hình ngày càng tệ hơn cho chúng ta (…). Ukraine có thể huy động trên một triệu quân đã được huấn luyện, sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc".

Những người tham dự sững sờ. Người dẫn chương trình Olga Skabeiva, được mệnh danh là "búp bê sắt của Putin" vì tài tuyên truyền, cắt ngang : "Nhưng đó không phải là một quân đội chuyên nghiệp" - "Chẳng sao, Ukraine sẵn sàng chiến đấu đến người cuối cùng". Cũng theo vị đại tá, "Trên chiến trường, chiến thắng thuộc về bên có tinh thần chiến đấu cao nhất" và ông nhấn mạnh "Cả thế giới đang chống lại chúng ta".

Vladimir Putin không thể hình dung được một quảng cáo ngược chiều như vậy trong chương trình truyền hình có nhiều người xem nhất. Chuyên gia Andrei Kolesnikov của Viện Carnegie cho rằng ông đại tá không thể xuất hiện trước ống kính trong thời điểm kiểm duyệt gắt gao như thế, nếu không phải là người bảo thủ. Đơn giản là Khodaryonok phản ánh suy nghĩ của những người ủng hộ Putin.

Người dẫn chương trình nổi tiếng hiếu chiến là Vladimir Soloviev sau khi soái hạm Moskva bị đánh chìm cũng đã chỉ trích gay gắt. Các blogger thân chính quyền như Yuri Podolyaka với 2,1 triệu người theo dõi trên Telegram bị chấn động nặng nề, đả kích các cấp chỉ huy sau vụ một tiểu đoàn bị thiệt hại lớn khi cố vượt qua sông Severski Donets, có thể trên 400 lính đã thiệt mạng và gần 80 xe bọc thép bị phá hủy. Kremlin đã ra tay. Trong một chương trình sau đó, vị đại tá về hưu đã đổi giọng, và "búp bê sắt của Putin" không phải cắt lời.

Moskva phải nói lời từ biệt với năng lượng ở Bắc Cực

Tuần báo L'Expresscũng giải thích "Cuộc chiến tranh ở Ukraine đã ảnh hưởng đến tham vọng của Nga tại Bắc Cực như thế nào". Dự án Arctic LNG 2 ở bán đảo Gydan, Siberia, nơi nhiệt độ có thể xuống đến -60°C, lẽ ra sẽ cho ra sản phẩm khí hóa lỏng (GNL) vào năm 2023 và ba năm sau đạt sản lượng gần 20 triệu tấn/năm. Nhưng do xâm lăng Ukraine, tập đoàn Total của Pháp dưới sức ép đã rút lui, và Linde của Đức cũng vậy. Không có tài chính và công nghệ phương Tây, dự án này đành dở dang. Giải pháp duy nhất là quay sang Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh chỉ ủng hộ bằng miệng vì không muốn bị phương Tây trừng phạt. 

Hòa bình nào cho Ukraine ?

L’Expresstuần này đặt vấn đề "Phải chăng thế hệ baby-boomer đã làm kiệt quệ đất nước ?". L’Obsđề cập đến "Hồi kết của tham vọng" : sau đại dịch, quan niệm về việc làm đã thay đổi. Le Point đăng ảnh tân thủ tướng Pháp, bà Élisabeth Borne trước cuộc khủng hoảng nợ, lạm phát, cải cách… RiêngCourrier Internationalnhìn sang "Ukraine : Liệu có thể có hòa bình ?". Tuần báo Pháp dịch bài viết của tờ Der Tagesspiegel ở Berlin kêu gọi "Đừng quên giải pháp ngoại giao". Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeir, từng giữ chức ngoại trưởng hai nhiệm kỳ dưới thời bà Merkel, và ngoại trưởng hiện nay, bà Annalena Baerbock có thể dùng phương cách ngoại giao con thoi, hy vọng nước chảy đá mòn.

The Observer xuất bản ở Luân Đôn thì cho rằng "Nhượng lãnh thổ không hẳn là thất bại". Theo tờ báo Anh, nên tách biệt khái niệm "độc lập" và "toàn vẹn lãnh thổ", như Ba Lan, Hungary, Gruzia đã từng bị mất đất nhưng vẫn là các quốc gia độc lập. Đàm phán hòa bình chắc chắn sẽ tập trung vào việc vẽ lại các đường biên giới, và nguy hiểm nằm ở đây. Tổng thống Volodymyr Zelensky tuy đã lãnh đạo một cách can đảm cuộc kháng chiến, nhưng nếu ông chấp nhận nhượng Crimea để chấm dứt chiến tranh chẳng hạn, sẽ có nguy cơ bị kết tội phản bội lại độc lập của đất nước.

Courrier International cũng trích dịch The Atlantic, kể lại câu chuyện một gia đình ở Lukachivka, một ngôi làng miền bắc Ukraine phải sống chung với năm người lính Nga trong hầm nhà vào lúc quân Nga chiếm đóng. Nhà Horbonos gồm hai vợ chồng và người con trai ban đầu rất sợ hãi, năm người lính Nga gồm bốn từ Siberia và một người Tatar cũng không bao giờ rời vũ khí. Ban đầu họ nói cùng giọng điệu tuyên truyền : họ đến để cứu người Ukraine, chống Mỹ, và một khi "chiến dịch đặc biệt" kết thúc, tất cả có thể sống hạnh phúc dưới chế độ Putin. Nhưng bà chủ nhà Ukraine đáp trả rằng không cần ai cứu vớt, cũng chẳng có một người lính Mỹ nào ở Ukraine.

Dần dà những người lính Nga tỏ ra thất vọng trước thực tế chiến trường. Đối thoại bắt đầu dễ dàng hơn với những câu chuyện về các món ăn truyền thống, và rồi những người lính thổ lộ họ theo binh nghiệp chỉ vì tiền, người thì nợ nần, người do chi phí thuốc thang... Rốt cuộc họ đã xin lỗi gia đình vì những gì đã gây ra. Tác giả cho rằng đây là trường hợp hiếm hoi người Nga phải đối mặt với thực tế và nạn nhân trực tiếp.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Lính Ukraine vừa mệt mỏi vừa quyết tâm

Chuyến thăm Châu Á của tổng thống Mỹ Joe Biden và tình hình Ukraine là 2 chủ đề được các nhật báo Pháp quan tâm nhất ngày 20/05/2022. 

linhukraine1

Xe tăng Ukraine tại thành phố Kramatorsk (Ukraine) ngày 22/04/2022.  Reuters

Nhật báo thiên hữu Le Figaro nói tới chuyến đi Châu Á đầu tiên của Joe Biden trên cương vị tổng thống Hoa Kỳ. Mở đầu chuyến công du, Biden thăm Seoul, Hàn Quốc hôm nay. Chuyến công du Châu Á này nhằm tìm những giải pháp ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, vốn là hồ sơ quan trọng nhất đối với chính quyền của ông, phần nào bị sao nhãng trong nhiều tháng bởi cuộc chiến tranh ở Ukraine.  Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết : "Sau khi tập hợp được các đồng minh để bảo vệ Ukraine, ông Biden chọn thời điểm này để khẳng định sức mạnh của Mỹ ở một khu vực quan trọng khác là Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Sau Hàn Quốc, tổng thống Mỹ sẽ đến Nhật Bản với tham vọng chứng minh rằng Hoa Kỳ vẫn là một siêu cường quốc, có khả năng giải quyết khủng hoảng ở nhiều mặt trận trong khi những nghi ngờ đang gia tăng ở các nước Châu Á về những cam kết lâu dài của Mỹ ở Châu lục này. Ông Biden đang tìm cách trấn an các đồng minh quan trọng ở khu vực trước sự phát triển không ngừng của Bắc Kinh dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, và đồng thời phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân của Kim Jong-un, lãnh đạo tối cao của Bắc Triều Tiên. 

Mối đe dọa về một "sự khiêu khích" từ Bình Nhưỡng, dưới hình thức phóng tên lửa xuyên lục địa (ICBM), hoặc thậm chí là một vụ thử nghiệm hạt nhân, vẫn đang được chú ý nhân chuyến công du Đông Bắc Á của ông Biden, trong khi Bắc Triều Tiên đang phải gồng mình chống dịch Covid-19 và đã gia tăng các cuộc thử nghiệm vũ khí trong thời gian gần đây. "Khả năng Bắc Triều Tiên thử vũ khí hoàn toàn có thể xảy ra", ông Sullivan nhận định như trên, đồng thời cho biết Nhà Trắng đang chuẩn bị cho một phản ứng mạnh mẽ. Đối mặt với việc kho vũ khí của Bắc Triều Tiên tiếp tục phát triển, ông Biden sẽ phải đưa ra những bảo đảm mới về sức mạnh của "chiếc ô nguyên tử" của Mỹ, trong khi ngày càng có nhiều lời kêu gọi ủng hộ việc đưa vũ khí hạt nhân trở lại Hàn Quốc. 

Về phần mình, nhật báo công giáo La Croix dẫn lời Go Myong-hyun, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asean cho biết : "Một cuộc thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong khi tổng thống Mỹ đang ở trên đất Hàn Quốc đồng nghĩa với việc cắt đứt mọi quan hệ". Điều này có thể chôn vùi hy vọng đối thoại rất mong manh giữa Kim Jong-un và chính quyền Biden. Với hai triệu trường hợp được báo cáo về bệnh "sốt" - một từ được dùng để chỉ những bệnh nhân nhiễm Covid, Bắc Triều Tiên đang ở trong tình trạng khủng hoảng y tế. Tuy nhiên, điều này chưa chắc cản được Bình Nhưỡng thể hiện sức mạnh của mình. 

Đối với Daniel Pinkston, giáo sư quan hệ quốc tế tại Seoul của đại học Troy, cách tiếp cận này của Bình Nhưỡng sẽ phản tác dụng. "Điều này gần như chắc chắn sẽ buộc các nước đồng minh quyết tâm đáp trả bằng vũ lực. Về lâu dài, điều này có thể khiến Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và các đối tác NATO khác nhích lại gần nhau hơn". Dù thế nào đi chăng nữa, Seoul đang cố gắng tìm kiếm một cam kết rõ ràng từ phía Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Hàn Quốc, như thể đó là lãnh thổ của Hoa Kỳ. 

Nga trục xuất các nhà ngoại giao Châu Âu là dấu hiệu của việc đối thoại giữa Macron và Putin đi vào ngõ cụt 

Nhìn sang đề tài chiến tranh Ukraine, xã luận tờ Le Monde nói về việc Nga trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Châu Âu, được điện Kremlin công bố hôm 18/05, khẳng định rằng chiến tranh vẫn còn tiếp tục và việc hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự vẫn là điều cần thiết, để Kiev được ở vị thế thuận lợi nhất khi các cuộc đàm phán diễn ra. 

Thông báo của Nga về việc sắp trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Tây Ban Nha, Pháp và Ý hôm 18/05 khẳng định rằng, trong cuộc xung đột do Moskva châm ngòi ở Ukraine, biện pháp được ưu tiên là vũ lực chứ không phải là ngoại giao. Đây là phản ứng trả đũa đối với việc Châu Âu trục xuất các nhà ngoại giao Nga, những người bị cáo buộc tham gia vào các hoạt động gián điệp tại Châu Âu. Kiev cũng đã thông báo một ngày trước đó rằng các cuộc đàm phán do hai nước khởi xướng cũng đã bị đình trệ vì không có triển vọng đáng kể. 

Lính Ukraine vừa mệt mỏi vừa quyết tâm 

Về tình hình chiến sự tại Ukraine, tờ La Croix có bài về những sĩ quan Ukraine đã mệt mỏi, những vẫn quyết tâm bảo vệ tổ quốc. Trước một bệnh viện ở Kramatorsk, với những người lính Ukraine đi tới đi lui, Vladislav đội mũ sắt trên đầu với khẩu Kalashnikov áp vào ngực tâm sự. Trung sĩ 23 tuổi trong lực lượng lính dù không cho biết họ của mình, giống như tất cả các binh sĩ Ukraine khác, bởi những người lính thường không có quyền nói chuyện với báo chí. Vladislav nói rằng, anh chưa được về nhà lần nào kể từ khi chiến tranh nổ ra. 

"Tôi là một chỉ huy, và do có ít chỉ huy, nên chúng tôi không thể quay vòng để nghỉ", Vladislav cho biết. Đối với những người lính này, được gặp gia đình là một điều không tưởng. "Trong mọi trường hợp, hầu hết các gia đình của chúng tôi đều đã được sơ tán khỏi nơi này", một người lính tên Oscar nói. Nằm ở trung tâm của khu vực mà quân đội Nga đã tìm cách bao vây và tiêu diệt kể từ khi xung đột nổ ra, Kramatorsk là một thành phố công nghiệp và vào năm 2014 đã trở thành thủ phủ của vùng Donetsk và hiện vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, giờ đây trông giống như một thị trấn trung chuyển của quân đội Ukraine. 

Một số binh sĩ mà La Croix gặp ở Kramatorsk đã được triển khai trong khu vực này trước khi Nga quyết định xâm lược Ukraine. Họ hoạt động dọc theo một chiến tuyến dài gần 450 km mà tính đến năm 2016, quân đội Ukraine và lực lượng ly khai dưới sự giám sát của Moskva đã đụng độ nhau bằng các cuộc bắn pháo với các mũi tiến công nhỏ. Nhưng bây giờ mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi. Vào thời điểm đó, có những vũ khí bị cấm, ngày nay không còn giới hạn nào nữa với việc các hiệp định Minsk bị hủy bỏ, mà trong đó có điều khoản cấm hai bên sử dụng các loại vũ khí hạng nặng. Oscar nói : "Nga muốn bao vây Kramatorsk, nhưng họ sẽ không làm được điều này". Hầu hết tất cả những người lính trả lời La Croix đều miêu tả rằng quân đội Nga là một quân đội yếu kém. 

Sau ba tháng chiến tranh, quân đội Ukraine đã giành được hai chiến thắng lớn : trận chiến giành thủ đô Kiev và trận chiến ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của đất nước, nơi đã chứng kiến lực lượng Ukraine đẩy lùi quân đội Nga ra đến tận biên giới. Đây là một cuộc chiến mà phần lớn được tiến hành bằng hỏa lực đại bác. Một người lính tên Oleg nói : "Thực tế là chúng tôi, những người lính bắn tỉa không có nhiều việc phải làm. Tại thời điểm này, chúng ta đang ở trong một cuộc chiến tranh pháo binh". Ba tháng sau khi xung đột bắt đầu, cả Moskva lẫn Kiev đều tránh tiết lộ con số rất nhạy cảm về tổn thất quân sự của mình. 

Roland Garros 2022 khai mạc vào Chủ nhật 

Nhìn sang Pháp, nhật báo Les Echos dành trang nhất cho giải quần vợt Pháp mở rộng (Roland Garros) khai mạc vào Chủ nhật 22/05/2022. Cho đến hôm nay, mới chỉ có vài trận tranh vé vớt diễn ra trên các sân nhỏ, và lác đác vài cửa hàng mở cửa để đón những khán giả đầu tiên, Roland Garros thực sự trở lại sau hai năm bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng y tế. 

Liên đoàn quần vợt Pháp (FFT), chủ sở hữu của giải đấu đã chuẩn bị cho hai tuần lễ cực kỳ quan trọng này trong nhiều tháng. Không chỉ bởi vì sự kiện quần vợt được xem nhiều nhất trên thế giới (690 triệu giờ xem - tính gộp - ở 220 quốc gia vào năm ngoái), mà vì Roland Garros trên hết là lá phổi kinh tế của bộ môn này, một "cỗ máy rút tiền" mà lợi nhuận lên đến 101 triệu euro vào năm 2021. 

Lionel Maltese, giảng viên ngành tiếp thị thể thao và nhà tổ chức các giải đấu ATP ở Lyon và Marseille cho biết : "Roland Garros không chỉ là một doanh nghiệp, giải Grand Slam này còn là một dịch vụ công có lợi nhuận đóng góp cho quần vợt nghiệp dư. Đó là lý do tại sao ở Pháp có những câu lạc bộ lớn, nhiều giáo viên dạy tennis với giá không đắt". 

Alcaraz phải chăng là một Nadal mới ? 

Nhật báo thiên tả Libération có bài viết về tay vợt số 6 thế giới Carlos Alcaraz có khả năng gây bất ngờ ở Roland Garros năm nay. "Tôi cảm thấy mình đã sẵn sàng để giành một Grand Slam trong năm nay. Và tôi không ngại nói ra điều đó". Những lời nói này có vẻ đầy tham vọng đến từ một tay vợt trẻ chỉ mới 19 tuổi, vẫn chưa được công chúng biết đến cách đây vài tháng. Nhưng trên thực tế, với những kết quả giành được từ đầu năm, Alcaraz hoàn toàn có cơ sở để tự tin vào khả năng của mình. 

Toni Nadal, chú của huyền thoại Rafael nói : "Trong nhiều năm, tôi lo lắng về khoảng trống mà cháu tôi có thể để lại đối với tennis Tây Ban Nha khi gác vợt. Giờ thì tôi tin rằng khoảng trống này sẽ được lấp đầy một cách trọn vẹn". Người chú của Rafael Nadal hết lời ca ngợi ngôi sao quần vợt Tây Ban Nha mới, người mà ông đã coi là "thủ lĩnh tương lai của bảng xếp hạng quần vợt nam (ATP)". 

Tay vợt 19 tuổi năm nay đã vô địch ở 2 giải ATP 500 ở Rio và Barcelona, và sau đó là giải Masters 1000 tại Miami. Carlos Alcaraz gần đây đã thực sự gây ấn tướng mạnh khi liên tiếp đánh bại người đàn anh Rafael Nadal và tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic để đoạt cúp tại Madrid Masters 1000 vào đầu tháng Năm. Trước đó, chưa ai có thể đánh bại hai huyền thoại quần vợt trong cùng một giải đấu trên sân đất nện. 

Phan Minh

Additional Info

  • Author Phan Minh
Published in Quốc tế

Đã có bao nhiêu lính Nga tử trận tại Ukraine ?

Cuộc chiến tranh tại Ukraine vẫn là chủ đề được báo chí Pháp ra ngày 19/05/2022 quan tâm nhiều nhất. Vấn đề tội ác chiến tranh của Nga được hai tờ Le Figaro và Le Monde nêu bật trên trang nhất. Bên cạnh đó nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến cuộc chiến cũng được phân tích, đặc biệt là thực hư các tổn thất của quân đội Nga sau hơn 80 ngày xâm lược Ukraine, đã được tờ Libération phân tích chi tiết.

linhnga1

Lính Nga đang canh giữ một khu vực tại nhà máy Azovstal (Mariupol - Ukraine), nơi đang có mặt một số nhà báo quốc tế ngày 18/05/2022.  AP

Trong bài "Tổn thất của Nga : Sự mập mờ chiến thuật", nhật báo thiên tả Pháp ghi nhận thực tế là sau hơn 80 ngày xung đột, con số chính xác của binh lính Nga thiệt mạng tại Ukraine vẫn chưa thể xác định được, vì bên thì thổi phồng, bên thì giảm thiểu. Riêng đối với Nga, thì đây là một dữ liệu được tuyệt đối giữ bí mật. 

Libération trước hết ghi nhận là vào hôm qua, 18 tháng Năm, bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết là đã có 28.300 quân nhân Nga thiệt mạng kể từ ngày 24 tháng Hai. Theo phía Ukraine, con số đáng kể này sẽ còn tăng lên nữa. 

Nga thừa nhận "tổn thất đáng kể", nhưng không nói là bao nhiêu

Điện Kremlin chưa trực tiếp phản ứng trước nguồn tin trên. Ước tính tổn thất cuối cùng (và gần như là duy nhất) về "chiến dịch đặc biệt" đã được Moskva công bố ngày 25 tháng Ba, theo đó chỉ có 1.351 binh sĩ Nga thiệt mạng. Phát ngôn viên của điện Kremlin sau đó đã nói đến "Những tổn thất đáng kể", thậm chí còn gợi lên một "thảm kịch", nhưng từ đó đến nay Moskva vẫn giữ im lặng, bất chấp những bằng chứng rõ ràng về tổn thất được quan sát trên hiện trường. 

Thấp hơn so với Ukraine, nhưng cao hơn nhiều so với Nga, bộ trưởng quốc phòng Anh ngày 25 tháng Tư đã ước tính là đã có "khoảng 15.000 lính Nga thiệt mạng trong cuộc tấn công vào Ukraine", một con số còn cao hơn cả những tổn thất mà quân đội Liên Xô phải gánh chịu trong mười năm chiến tranh ở Afghanistan (1979-1989). Và mới đây, hôm 15 tháng Năm, Bộ quốc phòng Anh đã làm rõ ước tính của họ : Nga rất có thể là đã mất "một phần ba lực lượng tác chiến trên bộ", tức là khoảng 50.000 quân, bị thương hoặc bị chết. 

Theo Libération, tình trạng mập mờ mà Moskva duy trì về số thương vong, trong cuộc chiến xâm lược Ukraine, đã khuyến khích các quan sát viên độc lập vào cuộc. 

Đa số lính Nga thiệt mạng dưới 26 tuổi

Kênh truyền thông trực tuyến Mediazona của Nga chẳng hạn đã có thể xác nhận và thống kê được cái chết của hơn 2.000 lính Nga ở Ukraine, dựa trên các thông tin báo tử được đăng trên báo chí địa phương và tin nhắn từ thân nhân tử sĩ. 

Theo Mediazona, phần lớn binh sĩ thiệt mạng là nam thanh niên dưới 26 tuổi, đến từ Daghestan, ở vùng Kafkaz, hoặc từ Buryatia, ở miền Viễn Đông Nga. Cách đây vài ngày, chuyên gia về các xã hội hậu xô viết Anna Colin Lebedev phân tích : "Ở những đia phương có tỷ lệ thất nghiệp cực cao này, việc nhập ngũ tiếp tục là một phương tiện đảm bảo tương lai cho một người và gia đình người đó". 

Theo chuyên gia này, "người ta có thể lầm tưởng rằng cư dân của hai nước Cộng hòa đó sẽ là những kẻ thù đầu tiên chống lại cuộc chiến tranh Ukraine khi thấy xác con cháu họ trở về. Thực tế hoàn toàn ngược lại" và những người lính tử trận "được xem như là những anh hùng đã ngã xuống vì tổ quốc vinh quang". 

Đối với bà Lebedev, phản ứng đó cho thấy là tuyên truyền của Putin đã rất có hiệu quả. Tương tự như vậy, các hiệp hội của các bà mẹ lính Nga đã không lên tiếng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, khác hẳn so với không khí phản đối rầm rộ và nhanh chóng, vào thời điểm nổ ra các cuộc chiến tranh ở Chechenya những năm 1990. 

Ukraine khẳng định : 12 viên tướng và 300 sĩ quan Nga tử trận

Tỷ lệ binh lính trẻ, đôi khi là lính nghĩa vụ, thường thiếu kinh nghiệm và hơn nữa được trang bị với thiết bị kém, có thể giải thích phần nào mức độ tổn thất của Nga. Nó cũng có thể biện minh cho việc mất nhiều sĩ quan cấp cao : Điều động một đội quân không đủ tinh thần chiến đấu, các sĩ quan cấp cao sẽ buộc phải xông lên tuyến đầu trong cuộc giao tranh để khích lệ quân lính của họ. Theo Kiev, 12 tướng lĩnh và hơn 300 sĩ quan Nga đã thiệt mạng. 

Những tổn thất này khiến chính quyền Nga bối rối, đặc biệt là khi Ukraine tăng cường thông tin tuyên truyền. Vào tháng 4, Kiev thông báo 7.000 thi thể của lính Nga được lưu giữ trong các nhà xác của Ukraine. Trong những ngày gần đây, một số hình ảnh về những chiếc túi đựng thi thể cất trong xe lạnh đã được lan truyền. Theo chính quyền Ukraine, đó là "hàng trăm" thi thể có thể được hồi hương về Nga, chỉ chờ Moskva chấp thuận. 

Một đoạn băng ghi âm do cơ quan mật vụ Ukraine công bố cũng hàm ý cho thấy điện Kremlin muốn che giấu bằng chứng về những tổn thất quân sự của Nga. Một người đàn ông, được giới thiệu là một người lính, kể lại : "Đó không phải là nhà xác, đó là một bãi rác. Không ai được phép vào đó. Họ đưa hàng nghìn người đến đó". Cái nhà xác mà người này gợi lên được cho là gần Donetsk. Tình báo Ukraine khẳng định : "Có nhiều thi thể đến nỗi đống rác cao tới hai mét". 

Kharkov, hiện trường tội ác mới của Nga

Tội ác của Nga tại Ukraine đã được tờ báo thiên hữu Le Figaro nhấn mạnh trên trang nhất trong hàng tựa lớn : "Tại Kharkov, hiện trường của những hành vi tàn bạo mới của Nga". Theo tờ báo, sau các tội ác chiến tranh bị phát hiện ở khu vực phía bắc thủ đô Kiev, quân đội Nga tiếp tục hoành hành tại các vùng xung quanh thành phố lớn thứ hai của Ukraine. 

Trong bài phóng sự dài trang trong mang tựa đề : "Khu vực phía đông thành phố Kharkov trở thành địa ngục với những vụ giết người và hãm hiếp do lính Nga thực hiện trong cuộc tháo chạy", đặc phái viên Cyril Louis của tờ Le Figaro đã đến tìm hiểu tình hình tại Malaya Rohan, một ngôi làng từng bị quân Nga chiếm đóng trong hơn một tháng. 

Theo nhà báo Pháp, tại nơi này, cư dân đã phải cố ẩn náu để tránh bom đạn cũng như thoát khỏi các hành vi tàn bạo của lính Nga. Đây là một ngôi làng nằm ở vùng ven thành phố Kharkov, lực lượng Nga đã chiếm đóng nơi này, chỉ hai ngày sau khi tiến vào Ukraine, trước khi bị đánh đuổi vào ngày 28/03. Thảm cảnh mà ngôi làng phải gánh chịu được thấy rõ qua việc gần hai tháng sau khi được giải phóng, vẫn chưa thể biết là đã có bao nhiêu cư dân ở đó bị sát hại !

Tại Kiev, người lính Nga đầu tiên công nhận phạm tội ác chiến tranh

Cũng liên quan đến các hành vi tàn ác của lính Nga tại Ukraine, Le Figaro đã chú ý đến phiên tòa đầu tiên xét xử một người lính Nga về tội ác chiến tranh, được mở ra tại Kiev. Tờ báo Pháp nêu bật trong hàng tựa : "Tại Kiev, người lính Nga đầu tiên bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh đã công nhận là mình có tội". 

Đối với Le Figaro, phiên tòa đầu tiên này là một thắng lợi hiển nhiên cho chính quyền Kiev, đồng thời là bước mới trong chiến dịch truyền thông vốn được Ukraine kiểm soát hoàn hảo. Tuy nhiên, các nhà quan sát, đặc biệt là những người thuộc Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, không giấu giếm thái độ dè dặt trước tốc độ quá nhanh của tiến trình tư pháp bởi vì các vụ án kiểu này thường phải mất nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ, mới đúc kết được. 

Họ cũng nghĩ rằng các cuộc tranh luận khó có thể thanh thản trong bối cảnh chiến tranh vẫn tiếp diễn, với số thương vong tiếp tục gia tăng. Ngoài ra, họ cũng ghi nhận tình trạng thiếu kinh nghiệm của tư pháp Ukraine trong lĩnh vực tế nhị này. 

Cuộc đua vạch trần tội ác của Nga tại Ukraine

Trên trang nhất của mình, Le Monde cũng chú ý đến phiên tòa mở ra ngày hôm qua, 18/05. Dưới hàng tựa lớn thứ hại "Tại Kiev, phiên tòa đầu tiên dành cho tội ác chiến tranh của Nga", tờ báo ghi nhận là các hành vi tàn ác của Nga tại Ukraine giờ đây đã "có một khuôn mặt" : Một trung sĩ trẻ bị buộc tội bắn chết một thường dân Ukraine đang đi xe đạp. 

Theo Le Monde, việc xét xử những người lính bình thường - ngay cả trước khi truy tố các sĩ quan cấp cao - về những hành vi như vậy vẫn còn rất hiếm trên cấp độ quốc tế, và càng đặc biệt hơn nữa khi các cuộc giao tranh vẫn diễn ra trong nước. Thế nhưng đây chỉ là bước khởi đầu của một loạt phiên tòa khác : Ngành công tố Ukraine tuyên bố là đã xác định được hơn 12.000 trường hợp bị cáo buộc là phạm tội ác chiến tranh. 

Đối với tờ báo Pháp, phiên tòa mở ra hôm qua là bề nổi của một cuộc chạy đua cuồng nhiệt tại Ukraine nhằm thiết lập nhanh chóng các hồ sơ nhằm buộc tội Nga về tội ác chiến tranh, với sự tham gia của đông đảo cư dân Ukraine. 

Le Monde cho rằng tư pháp cũng là một mặt trận trong cuộc chiến phức hợp giữa Nga và Ukraine, vì tại Moskva, Ủy ban Điều tra Liên Bang Nga, cơ quan điều tra tư pháp chính, cũng đang làm việc toàn thời gian về các tội ác chiến tranh mà Ukraine bị cáo buộc. Một thẩm phán Ukraine xác định : "Chúng tôi phải đi nhanh hơn họ để xác lập sự thật, chứ không thể để họ áp đặt những luận điệu hư cấu". 

Theo Le Monde, cả đất nước Ukraine như đang lao vào cuộc chạy đua điều tra về các tội ác chiến tranh, ngay khi vừa diễn ra, để có được công lý ngay lập tức. 

Hạt nhân dân sự Pháp : Một nửa số lò phản ứng không hoạt động

Le Monde đã đưa hồ sơ Ukraine lên trang nhất, tuy nhiên tờ báo đã dành tựa lớn của mình cho một vấn đề đáng lo ngại mà nước Pháp đang gặp phải : "Hạt nhân : Một nửa số lò phản ứng của Pháp đang phải ngừng hoạt động". 

Theo Le Monde, vào lúc tổng thống Pháp Emmanuel Macron có dự định đẩy mạnh trở lại ngành điện hạt nhân tại Pháp, với việc xây dựng các nhà máy mới, số lượng các lò phản ứng nguyên tử, đang lâm vào tình trạng không hoạt động, đạt mức kỷ lục.  

Trong số 56 lò phản ứng đang vận hành, 29 lò đang phải ngừng hoạt động, một số để kinh qua các cuộc kiểm tra cần thiết, nhưng một số khác là do bị tình trạng ăn mòn bất ngờ, một tình trạng đang đặt ra vấn đề về việc bảo đảm nguồn cung cấp điện và cũng đặt ra câu hỏi về vấn đề an toàn của các nhà máy điện hạt nhân. 

Trong bối cảnh quan hệ đối kháng giữa Nga và Liên Hiệp Châu Âu - mà nước Pháp là thành viên - trên vấn đề cuộc chiến tranh Ukraine, Liên Âu đang thực hiện một kế hoạch dừng sử dụng năng lượng của Nga. Việc khai thác tối đa các nhà máy điện hiện có là biện pháp cấp thiết. Vấn đề đối với Pháp, theo Le Monde, là tình trạng lão hóa của các lò phản ứng hạt nhân đang trở thành một thách thức lớn cho một quốc gia có ý định tăng cường sự độc lập về năng lượng của mình. 

Ở Pháp, khoa cấp cứu cần được "cứu cấp"

Cũng liên quan đến thời sự Pháp, nhưng trong địa hạt y tế, Libération báo động trong tựa lớn trang nhất: "Các khoa cấp cứu đang trong tình trạng cần được cứu cấp". 

Theo Libération, do tình trạng thiếu nhân sự, việc tiếp nhận bệnh nhân vào ban đêm, hay nhân những ngày cuối tuần tại nhiều bệnh viện ở Pháp, đã trở nên cực kỳ phức tạp, thậm chí không còn có thể thực hiện được. Đối với tờ báo Pháp, tình trạng này có nguy cơ tở thành nghiêm trọng hơn vào mùa hè tới đây, khi rất nhiều nhân viên đi nghỉ. 

Công ty hàng hải đầu tư cho hàng không

Cũng về nước Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos dành tựa lớn trang nhất cho một sự kiện hy hữu : Một tập đoàn vận tải đường biển vừa quyết định hùn vốn vào một tập đoàn hàng không. Tờ báo chạy tựa hóm hỉnh : "Thương mại thế giớ i: Tập đoàn CMA-CGM tung cánh bay cao"

Theo Les Echos tập đoàn vận tải biển Pháp CMA-CGM, hiện đứng hàng thứ ba thế giới về vận chuyển hàng hải, vừa liên kết với tập đoàn hàng không Air-France-KLM để thành lập công ty số một thế giới về vận tải đường hàng không. CMA-CGM sẽ trở thành một trong những cổ đông chủ chốt của hãng hàng không Pháp-Hà Lan. 

"Toàn cầu hóa : Tiến tới một thế giới manh múm hơn"

Cũng về thương mại, nhưng ở cấp độ thế giới, nhật báo công giáo La Croix hôm nay đã tập trung đề cập đến một chủ đề rộng lớn trong hàng tựa lớn trang nhất : "Toàn cầu hóa : Tiến tới một thế giới manh múm hơn".  Theo tờ báo, sau tình trạng toàn cầu hóa vô giới hạn trong 30 năm vừa qua, các trao đổi thương mại giờ đây đang được tổ chức bên trong những khối mậu dịch lớn. La Croix cho biết là đây sẽ là một chủ đề trong chương trình nghị sự của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos ngày 22 tháng Năm tới đây.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Những quốc gia nào đang lo ngại sẽ là mục tiêu tiếp theo của Nga sau Ukraine ?

Nguyễn Giang, BBC, 15/05/2022

Trong video explainer, nhà báo Nguyễn Giang từ BBC News tiếng Việt sẽ trả lời các câu hỏi sau :

1/ Tại sao các quốc gia Baltic gồm Estonia, Latvia, Lithuania và Gruzia (Georgia) lo sợ sẽ là mục tiêu tiếp theo của Nga sau Ukraine ?

2/ Sau nhiều lần cảnh báo Nato về mưu đồ của Tổng thống Nga Putin thì khối quân sự Nato đã hứa hẹn gì với các quốc gia này ?

3/ Nga đã đe dọa về tăng cường năng lực hạt nhân tại vùng Baltic và nguy cơ hiện nay là gì ?

4/ Kho vũ khí hạt nhân tại thành phố Kaliningrad của Nga, nơi được xem là điểm nóng chiến lược ngay trong lòng Nato hiện như thế nào ?

Nguồn : BBC tiếng Việt, 15/05/2022

*********************

Giải đáp các câu hỏi về chủ đề Phần Lan và Thụy Điển có ý định gia nhập Nato

Nguyễn Giang, BBC, 26/04/2022

Trong video explainer giải thích về chủ đề Phần Lan và Thụy Điển có ý định gia nhập Nato, nhà báo Nguyễn Giang sẽ trả lời các câu hỏi như sau :

1/ Tại sao Phần Lan và Thụy Điển chưa gia nhập Nato ?

2/ Sự ủng hộ của Nato và tâm lý công chúng đối với vấn đề gia nhập của hai quốc gia Bắc Âu này như thế nào ?

3/ Việc Phần Lan và Thụy Điển vào Nato quan trọng thế nào ?

4/ Nga đe doạ hai quốc gia này sẽ lãnh hậu quả nếu gia nhập Nato, thế thì khả năng Moscow có thể làm gì ?

5/ Khi chờ vào Nato Phần Lan và Thụy Điển có được liên minh quân sự này hỗ trợ hay không ?

Nguồn : BBC, 26/04/2022

Additional Info

  • Author Nguyễn Giang
Published in Video

Xung đột Nga-Ukraine đã bước sang ngày thứ 77, ngày càng có nhiều người cảm thấy khó hiểu về xu thế của cuộc xung đột này. Bà Haynes, Giám Đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ, cho rằng Tổng thống Nga Putin đang chuẩn bị tiến hành một "cuộc chiến tranh tiêu hao lâu dài" tại Ukraine, mục tiêu không chỉ là vùng Donbas mà gồm cả một số vùng ở miền Nam Ukraine. Phía Nga ngày 11/5 không bình luận chính diện về quan điểm nói trên của cơ quan tình báo Mỹ. Tuy vậy, rõ ràng Mỹ và phương Tây đang chuẩn bị cho việc xung đột Nga- Ukraine sẽ kéo dài. Sau khi Tổng thống Biden cảnh báo nguồn vốn viện trợ Ukraine "sẽ cạn kiệt trong vòng 10 ngày", Hạ viện Mỹ tối hôm 10/5 đã "khảng khái mở hầu bao" duyệt khoản viện trợ 40 tỷ USD cho Ukraine, cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện [để duyệt khoản viện trợ này] sẽ được tổ chức trong vài ngày tới. Ngày 10/5, Ngoại trưởng Đức Baerbock đến thăm Kyiv, trở thành quan chức Đức cấp cao nhất thăm Ukraine sau ngày nổ ra xung đột, và tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Phía Ukraine tỏ ý cảm ơn hành động đó và nói "Đây là bước ngoặt lớn trong lịch sử".

khidot1

Ukraine đóng cửa một trạm trên đường ống dẫn khí đốt Nga cung cấp cho Châu Âu

Cơ quan Tình báo Mỹ đưa ra dự đoán

Theo Nhật báo phố Wall, ngày 10/5 khi trả lời chất vấn tại phiên điều trần của Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ, bà Haynes có nói với các nghị sĩ rằng "Chúng tôi đánh giá Tổng thống Putin đang làm công tác chuẩn bị cho cuộc xung đột lâu dài tại Ukraine, ông ta vẫn có ý định tiến đánh các mục tiêu ngoài Donbas". Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ Berrier cùng dự phiên điều trần này nói người Nga và người Ukraine hiện nay "đang ở trạng thái giằng co".

Haynes đã trình bày quan điểm của bà về các mục tiêu cụ thể Nga nhắm tới trong hành động quân sự này : Chiếm hai vùng miền Đông Ukraine là Donesk và Luhansk, khống chế thành phố Kherson và thành lập một hành lang trên đất liền nối Nga với vùng Donbas và Crimea.

Trang Russia Today (Nước Nga hôm nay) ngày 10 đăng bài viết : "Làm được như thế sẽ là một thắng lợi lớn có tính chiến lược của Nga và sẽ làm cho Ukraine trở thành quốc gia lục địa [không có biển]". Song le, mục tiêu này của Nga còn chưa rõ ràng. Hồi tháng 2 năm nay, khi xuất quân đánh Ukraine, Putin từng nói Hành động quân sự của Nga nhằm để làm cho Ukraine "phi quân sự hóa", làm cho tầng lớp lãnh đạo Ukraine "phi phát xít hóa" và để bảo vệ nhân dân vùng Donbas đang bị hãm hại. Bài báo viết, từ sau năm 2014, Putin chưa từng đưa ra bất cứ mục tiêu lãnh thổ rõ ràng nào đối với Ukraine.

Trong phiên điều trần, bà Haynes còn nói trong vài tháng tới, hành động của Nga có thể leo thang và trở thành không thể dự đoán được, ví dụ thi hành lệnh thiết quân luật trong nước, đặt nền kinh tế Nga vào trạng thái thời chiến. Nói về khả năng "Nga sử dụng vũ khí hạt nhân", hai vị quan chức tình báo cấp cao Mỹ kể trên đều cho rằng giới tình báo không tin là Putin sẽ chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân, trừ phi ông ta cho rằng nước Nga đứng trước mối đe dọa sống còn. Haynes nói : "Vì Nga và Ukraine đều tin rằng họ có thể tiếp tục có tiến triển về quân sự, chúng tôi cho rằng ít nhất là trong ngắn hạn vẫn chưa có con đường đàm phán khả thi".

Ngày 11/5, khi được hỏi "Phía Nga có đồng ý với cách đánh giá của tình báo Mỹ hay không ?", ông Peskov, Thư ký báo chí Tổng thống Nga, nói "Chúng tôi đề nghị hãy quan tâm đến tuyên bố của Tổng thống (Putin). Gần đây Tổng thống có nhắc lại rằng hành động quân sự đặc biệt đang tiến hành theo kế hoạch". Đồng thời ông nói tiến trình đàm phán giữa Nga với Ukraine vẫn đang tiếp tục, nhưng "rất chậm, không có kết quả".

Khoản viện trợ lớn của Mỹ "bị các tập đoàn công nghiệp quân sự chia nhau thụ hưởng"

Tối hôm 10/5 (giờ địa phương), Hạ viện Mỹ với kết quả biểu quyết 368 phiếu tán thành, 57 phiếu phản đối đã thông qua luật viện trợ khẩn cấp 40 tỷ USD cho Ukraine và các đồng minh của Mỹ trong vùng đó, cao hơn khoản viện trợ 33 tỷ USD mà trước đó Biden từng yêu cầu, trong đó bao gồm tăng khoản tiền Tổng thống ủy quyền chi do chính phủ Biden yêu cầu từ mức 5 tỷ USD lên thành 11 tỷ USD. Khoản tiền này là phương thức chủ yếu mà Mỹ chuyên chở vũ khí cho Ukraine sau khi nổ ra xung đột Nga—Ukraine.

Báo Quan điểm của Nga đưa tin : Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ngày 11/5 viết trên mạng xã hội rằng kim ngạch "Luật Viện trợ Ukraine" mà Hạ viện Mỹ phê chuẩn lớn hơn nhiều so với yêu cầu của Biden, "Mấy tỷ USD cấp phát thêm được khảng khái mở hầu bao, được các tập đoàn công nghiệp quân sự Mỹ chia nhau thụ hưởng". Bài viết cho thấy không thể giải thích khoản "viện trợ" quy mô lớn như thế là tình yêu đối với Ukraine, thậm chí không phải là sự giúp đỡ nền kinh tế Ukraine, mục tiêu của nó là tiếp tục phát động cuộc chiến tranh ủy nhiệm đối với Nga. "Sẽ không xảy ra sự thất bại của Nga, mà cỗ máy in tiền của Mỹ sẽ càng chóng hư hỏng". Tháng 3 năm nay, Quốc hội Mỹ thông qua luật cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự, nhân đạo và kinh tế trị giá 13,6 tỷ USD, khoản tiền này gần như đã dùng hết.

Ukraine đóng cửa một trạm trên đường ống dẫn khí đốt Nga cung cấp cho Châu Âu

Đồng thời chiến sự tại miền Đông Ukraine vẫn diễn ra kịch liệt. Tối 10/5 Tổng thống Zelensky ra tuyên bố nói quân đội Ukraine đã chiếm lại được 4 ngôi làng ở vùng Kharkiv. Ông nói điều đó có thể báo trước cuộc chiến tranh đang tiến sang một giai đoạn mới, đồng thời cảnh báo chớ có mong mỏi "chiến thắng lớn".

Ngoài sự phản công trên chiến trường, Ukraine còn có động tác lớn hơn trên một "chiến trường" khác. Theo tin ngày 11/5 của mạng Sputnik Nga, công ty vận hành hệ thống chuyên chở khí đốt Ukraine OGTSU hôm trước có thông báo cho phía Nga biết, do những nhân tố "bất khả kháng" từ 7 g sáng ngày 11/5, bắt đầu ngừng vận chuyển quá cảnh khí đốt Nga qua trạm trung chuyển Sohranovka và trạm tăng áp Novovskov, đề nghị phía Nga chuyên chở toàn bộ khí đốt qua trạm trung chuyển Suja. Phía Ukraine nói, do sự có mặt của "những kẻ chiếm đóng người Nga" mà các nhân viên OGTSU "không thể tiến hành thao tác và kiểm soát kỹ thuật đối với trạm Sohranovka" và công ty này không thể chấp hành nghĩa vụ theo hợp đồng. Tin tức cho biết, lượng khí đốt chuyên chở qua trạm Sohranovka chiếm gần một phần ba tổng lượng khí đốt Nga chở sang Châu Âu – mỗi ngày lên tới 32,60 triệu mét khối.

Phía Nga đã phủ nhận phát biểu của phía Ukraine. Kupriyanov người phát ngôn Công ty cổ phần Khí đốt Nga Gazprom ngày 10/5 nói chưa hề thấy bất cứ nhân tố hoặc trở ngại "bất khả kháng" nào cản trở tình hình công việc của phía Ukraine, các chuyên gia Ukraine vẫn triển khai bình thường công việc ở trạm Sohranovka. Ông nói, "Xét về mặt kỹ thuật, chuyển dịch việc chuyên chở toàn bộ khí đốt sang trạm Suja là không thể làm được. Trong hiệp định hợp tác đã quy định sự phân phối lượng vận chuyển khí đốt, phía Ukraine hiểu rất rõ điều đó". "Theo quy định của hợp đồng, công ty chúng tôi thi hành nghĩa vụ đối với những người tiêu dùng ở Châu Âu, cung cấp khí đốt quá cảnh qua Ukraine, toàn bộ phí dịch vụ quá cảnh đã chi trả xong". Công ty này tuyên bố, (nếu) Ukraine chỉ giữ lại một đầu vào để cho khí đốt Nga quá cảnh chở tới Châu Âu, thì sẽ giảm đáng kể tính tin cậy cung ứng khí đốt (cho Châu Âu).

Ngày 11/5 hãng tin AFP cho biết, số liệu hôm đó cho thấy lượng khí đốt quá cảnh qua trạm Sohranovka đã giảm xuống bằng số không, tuy lượng khí đốt qua các trạm khác có tăng lên nhưng không đủ bù cho phần thiếu hụt. Công ty Khí đốt Nga Gazprom cho hãng tin TASS biết, tổng lượng khí đốt quá cảnh qua Ukraine hôm 11/5 là 72 triệu mét khối, trong khi ngày hôm trước là 95,8 triệu mét khối. Tin tức cho biết, sau khi Nga-Ukraine nổ ra xung đột, Ukraine vẫn là tuyến cung cấp chủ yếu khí đốt Nga đến Châu Âu. EU đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ Nga, nhưng họ lại lảng tránh việc trừng phạt đối với khí đốt.

Khi nói về ý đồ kể trên của Ukraine, báo Quan điểm Nga ngày 11/5 dẫn ý kiến phân tích của Youskov, chuyên gia Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Nga, cho biết, như thế là Ukraine đang chẹt cổ Châu Âu, buộc Châu Âu phải tăng sức ép với Nga và hy vọng nổ ra cuộc khủng hoảng năng lượng ở Moldova và vùng dọc sông Dnister. Chịu tác động của sự kiện nói trên, ngày 11/5 khí đốt trên thị trường Châu Âu xuất hiện tăng giá. Người phát ngôn Bộ Kinh tế Đức cho biết Bộ này đang "quan tâm chặt chẽ tình hình", và nói rằng "Hiện nay an ninh năng lượng nước Đức vẫn tiếp tục được bảo đảm".

Ngày 11/5, trang mạng Poltics của Châu Âu viết "Ukraine đã nổ phát súng báo động". Hôm đó lưu lượng khí đốt Nga đi qua Ukraine chảy sang Châu Âu giảm 1/4. Khoảng 40% khí đốt của EU đến từ Nga, trong đó 1/3 đi qua Ukraine. "Tuy rằng Ukraine còn chưa hoàn toàn đóng van khí đốt cấp cho các bạn đồng minh EU, song đã làm tăng tính bất định cho việc cung ứng năng lượng trong tương lai".

Nguyên tác : Cơ quan tình báo Mỹ "dự đoán" về cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine, và động thái tiếp theo của Nga làm dấy lên đồn đoán (美情报机""乌冲突长期化,俄罗斯下一步行动引发猜测), Global Times, 12/05/2022

Nguyễn Hải Hoành biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 14/05/2022

Additional Info

  • Author Nguyễn Hải Hoành
Published in Diễn đàn

Chiến tranh Ukraine : Kiev cũng đã phản công ngay trên lãnh thổ Nga ?

Trọng Nghĩa, RFI, 11/05/2022

Một nhà máy hóa chất ở Dzerzhinsk, miền tây nước Nga phát nổ dữ dội hôm 04/05/2022, sau nhiều vụ hỏa hoạn tại một số cơ sở quân sự khác ngay trên lãnh thổ Nga, từ một viện nghiên cứu quân sự ở Tver, phía tây bắc Moskva, cho đến một nhà máy sản xuất đạn dược ở Perm, cách thủ đô Nga khoảng 1.100 km về phía đông, hay hai kho nhiên liệu ở Bryansk, gần biên giới với Belarus và Ukraine. Phải chăng Ukraine đã khởi động một cuộc chiến tranh phá hoại để chống Nga ?

uk1

Một kho nhiên liệu tại Belgorod (Nga) bị bốc cháy dữ dội. Ảnh do Bộ Cứu trợ khẩn cấp Nga công bố ngày 01/04/2022.  AP

Trong một phân tích ngày 08/05, hãng tin Pháp AFP, đang tự hỏi là loạt sự cố trên đây tại Nga chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, hay đó là dấu hiệu cho thấy là chính quyền Ukraine đang thực hiện một chiến dịch phá hoại ngay bên trong nước Nga để đáp trả cuộc chiến tranh xâm lược mà Moskva đã khởi động vào ngày 24/02.

Nghi vấn lại càng dày đặc trong bối cảnh Kiev liên tục bị Moskva tố cáo về việc cho lực lượng đột nhập tấn công phá hoại cơ sở hạ tầng trên đất Nga, chẳng hạn như vụ phá hủy một kho xăng dầu tại thành phố Belgorod ở miền tây, chỉ cách biên giới Ukraine 35 cây số, bị cho là đã do hai chiếc trực thăng Ukraine thực hiện.

Một cuộc chiến tranh phá hoại bí mật do Ukraine tiến hành ?

Theo AFP, kể từ khi xảy ra vụ hỏa hoạn tại Viện Nghiên Cứu Trung Ương của Lực Lượng Hàng Không Vũ Trụ Nga ở thành phố Tver hôm 21/04, đã khiến ít nhất 17 người thiệt mạng, mỗi vụ hỏa hoạn ở Nga, đặc biệt là ở những cơ sở nhạy cảm, luôn bị tình nghi là dấu hiệu cho thấy nước này đang hứng chịu một cuộc tấn công bí mật do Ukraine hay những người ủng hộ Kiev tiến hành.

Theo AFP, mặc dù chưa có ai lên tiếng tự nhận mình là tác giả các sự cố, nhưng giới phân tích cho rằng một số vụ nổ, đặc biệt là tại hai kho nhiên liệu, một quân sự và một dân sự, ở thành phố Bryansk, gần vùng biên giới với Ukraine và Belarus hôm 25/04, là do chính lực lượng Ukraine gây ra nhằm tấn công kẻ đang xâm lược nước mình.

Một cố vấn của Tổng thống Zelensky : Ukraine không phủ nhận hay xác nhận

Về các vụ hỏa hoạn tại Nga, ông Mykhaylo Podolyak, cố vấn tổng thống Ukraine, đã gọi đó là dấu hiệu cho thấy là trời đang trừng phạt Nga. Trong một tin nhắn đăng trên mạng Telegram, nhân vật này tuyên bố : "Các kho nhiên liệu lớn (tại Nga) thường xuyên bốc cháy... vì nhiều lý do khác nhau… Nghiệp chướng thật độc ác".

Trong bài trả lời phỏng vấn của nhật báo Mỹ New York Times hôm 30/04, Oleksiy Arestovych, một cố vấn khác của ông Volodymyr Zelensky, cũng duy trì thái độ mập mờ về vai trò của Ukraine trong các "sự cố" tại Nga, khi nói thẳng rằng "Chúng tôi không xác nhận mà cũng không phủ nhận", đồng thời nhắc lại ví dụ của Israel vốn không bao giờ thừa nhận các cuộc tấn công và ám sát bí mật của họ.

Tâm lý lo ngại dâng cao tại Nga

Theo AFP, trong bối cảnh bình thường, trên một đất nước rộng lớn như Nga, các vụ hỏa hoạn tại những nhà máy ở những vùng xa xôi thường ít được quan tâm. Thế nhưng vào lúc tâm lý lo ngại về một chiến dịch phá hoại có phối hợp từ phía Ukraine dâng cao, hơn một chục vụ nổ trong thời gian qua đã làm mạng xã hội Nga dậy sóng.

Các đám cháy trong tháng Tư vừa qua, đã thiêu rụi một căn cứ không quân ở phía bắc Vladivostok và một nhà máy điện ở Sakhalin, dù xảy ra tại miền viễn đông Nga, cách xa Ukraine, cũng đã làm dấy lên nhiều mối nghi ngờ.

Riêng về vụ nổ gần đây nhất tại nhà máy hóa chất Dzerzhinsk hôm 04/05, Igor Sushko, một tay đua người Ukraine, người thường xuyên loan tải hình ảnh hoặc video về các hành vi được cho là phá hoại - mà không đưa ra bằng chứng - bình luận : "Những người phá hoại Nga chống lại Putin đang tiếp tục công việc anh hùng của họ".

Cơ sở hạ tầng vùng giáp giới Ukraine bị tấn công ?

Đối với một số chuyên gia được AFP trích dẫn, vụ hỏa hoạn ở hai kho dầu tại Bryansk, nguồn vận chuyển nhiên liệu qua Châu Âu, xuất phát từ các hành vi có chủ ý và có liên quan đến chiến tranh. Vụ này nằm trong một loạt những vụ tấn công dùng đến trực thăng hay drone, cũng như những hành động phá hoại rõ ràng nhắm vào cơ sở hạ tầng ở các tỉnh Kursk và Belgorod, gần biên giới Ukraine.

Giáo sư Phillips O'Brien, chuyên nghiên cứu về chiến lược tại Đại học St Andrews ở Scotland, cho biết : "Không có gì để khẳng định đó là những hành vị phá hoại của Ukraine, ngoài thực tế là hầu hết các vụ hỏa hoạn đều nhắm vào các mục tiêu chiến lược hoặc quân sự".

Thế nhưng, theo ông, những cuộc tấn công như vậy "hoàn toàn có thể nằm trong chiến lược của Ukraine".

Nga đích danh tố cáo Kiev là thủ phạm

Về phía Nga, chính quyền hai tỉnh Belgorod và Kursk đã quy trách nhiệm cho những "kẻ phá hoại" đến từ Ukraine.

Theo Vyacheslav Gladkov, thống đốc vùng Belgorod, cuộc tấn công ngày 01 tháng 04 vào một kho nhiên liệu là kết quả của một vụ không kích do trực thăng Ukraine bay rất thấp để tiến vào thực hiện trên lãnh thổ Nga.

Truyền thông Nga cũng cho biết là hôm 01/05 vừa qua, một cây cầu xe lửa đã bị đánh sập ở quận Suzhansky của tỉnh Kursk của Nga, giáp với Ukraine. Thống đốc vùng Kursk Roman Starovoyt đã không ngần ngại cáo buộc Ukraine là đã phá hoại cây cầu, đồng thời tố cáo thêm vụ quân đội Ukraine pháo kích vào các trạm kiểm soát biên giới trong hai ngày liên tiếp 29 và 30/4.

Theo chính quyền địa phương, cây cầu xe lửa rõ ràng đã bị hư hại do bị đánh mìn. Một ủy ban của Nga đang điều tra vụ việc theo hướng hoạt động khủng bố.

Tổng thống Ukraine phủ nhận

Dẫu sao thì trên mặt chính thức, chính quyền Ukraine luôn luôn khẳng định rằng nước họ không hề tấn công vào lãnh thổ của Nga, bác bỏ các cáo buộc từ phía Nga.

Tổng thống Ukraine ngày 02/05 vừa qua đã khẳng định rằng quân đội nước ông không hề tiến hành các hoạt động trên lãnh thổ Nga. Theo ông Zelensky, xung đột chỉ giới hạn trong lãnh thổ Ukraine và chưa lan sang Nga, nhấn mạnh rằng quân đội Ukraine không hề có các hoạt động tác chiến trên đất Nga.

Tổng thống Zelensky còn nói thêm rằng quân đội Ukraine đang bảo vệ quê hương của họ và không có ý định chiếm đóng lãnh thổ Nga.

Anh Quốc ủng hộ việc đánh qua Nga

Còn theo New York Times, Anh Quốc là nước không ngần ngại ủng hộ việc Ukraine tấn công vào Nga. Theo ông James Heappey, một quan chức trong văn phòng ngoại trưởng Anh cho rằng đó là những cuộc tấn công "hoàn toàn hợp pháp", do vai trò của các kho nhiên liệu và đạn dược trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Riêng đối với một số quan chức Lầu Năm Góc Hoa Kỳ, các lực lượng Nga ở Ukraine đang gặp khó khăn vì nguồn tiếp tế yếu kém, và các cuộc phá hoại nhắm vào các cơ sở hạ tầng tại Nga sẽ tác hại mạnh hơn đến nỗ lực chiến tranh của Moskva.

Trọng Nghĩa

********************

Tình báo Mỹ dự đoán chiến tranh sẽ lan ra bên ngoài Ukraine

Thanh Phương, RFI, 11/05/2022

Tình báo Hoa Kỳ dự đoán là cuộc xung đột sẽ lan ra bên ngoài Ukraine, cụ thể là tổng thống Nga Vladimir Putin muốn đánh sang nước láng giềng Moldova.

uk2

Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines (trái) và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng, tướng Scott Berrier, trong buổi điều trần tại Tiểu ban Quân sự của Thượng Viện Mỹ, Capitol, Washington, Hoa Kỳ, ngày 10/05/2022.  Reuters – Kevin Lamarque

Theo hãng tin AFP, trong một cuộc điều trần trước Thượng Viện Mỹ hôm qua, 10/05/2022, lãnh đạo ngành tình báo Hoa Kỳ Avril Haines tuyên bố : "Chúng tôi đánh giá là tổng thống Putin chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài ở Ukraine và ông ta còn có ý định đạt được những mục tiêu bên ngoài vùng Donbass, miền đông Ukraine. Cụ thể là nhắm tới Transnistria, vùng ly khai ở Moldova".

Bà Avril Haines cho rằng nếu muốn đạt được những mục tiêu đó, điện Kremlin sẽ buộc phải ban hành lệnh tổng động viên. Lãnh đạo ngành tình báo Hoa Kỳ còn đánh giá là những tham vọng của tổng thống Putin vượt quá khả năng của quân đội Nga, cho nên tình hình chiến sự ở Ukraine rất có thể sẽ diễn biến khó lường hơn và trong những tháng tới sẽ leo thang. Ngoài ra, theo bà Avril Haines, rất có thể là chính quyền Moskva "sẽ thi hành các biện pháp mạnh hơn, kể cả ban hành thiết quân luật, định hướng lại sản xuất công nghiệp". 

Lãnh đạo tình báo Mỹ còn khẳng định tổng thống Putin tin rằng sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine rồi sẽ suy giảm. 

Nới lỏng gọng kềm chung quanh Kharkov

Về tình hình tại chỗ, chính quyền Kiev đêm qua cho biết là gọng kềm của quân Nga đối với Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine đã được nới lỏng. Trong một đoạn video, tổng thống Zelensky khẳng định : "Quân chiếm đóng đã dần dần bị đẩy lùi khỏi Kharkov". Còn bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine thông báo trên mạng Facebook là các địa phương chung quanh thành phố này đã được "giải phóng" và như vậy là quân địch đã bị đẩy xa Kharkov. Nhưng họ cũng ghi nhận là các trận oanh kích vào thành phố này đã gia tăng và khi rút đi, quân Nga đã để lại nhiều mìn. Vào cuối tháng 2, quân Nga đã cố đánh chiếm thành phố, nhưng sau các trận giao tranh ác liệt, lực lượng Ukraine đã đẩy lùi được quân Nga xa vài km.

Còn tại thành phố Mariupol ở miền đông nam Ukraine, theo lời phó thủ tướng Iryna Vereshchuk nói với hãng tin AFP hôm qua, vẫn còn hơn 1.000 binh lính Ukraine, trong đó có hàng trăm người bị thương, trong khu nhà máy Azovstal đang bị quân Nga bao vây, sau khi toàn bộ thường dân đã được sơ tán khỏi nơi đây. 

Thanh Phương

***********************

Quốc hội Mỹ biểu quyết khoản viện trợ 40 tỷ đôla cho Ukraine

Thanh Phương, RFI, 11/05/2022

Hôm 10/05/2022, Quốc hội Hoa Kỳ đã vượt qua bước đầu tiên tiến đến việc tháo khoán một khoản viện trợ mới cho Ukraine lên tới gần 40 tỷ euro.

uk3

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi (giữa) phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 10/05/2022.  Reuters – Leah Millis

Theo hãng tin AFP, dự luật về khoản viện trợ mới này đã được các dân biểu của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ thông qua ở Hạ Viện và nay chỉ còn chờ được biểu quyết ở Thượng Viện, trước khi được tổng thống Joe Biden ký ban hành. 

Tuyên bố vài giờ trước cuộc biểu quyết hôm qua, chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi, đảng Dân Chủ, nhấn mạnh : "Với chương trình viện trợ mới này, nước Mỹ gởi đến thế giới một tín hiệu về quyết tâm không gì lay chuyển của chúng ta ủng hộ nhân dân Ukraine can đảm cho đến ngày chiến thắng nước Nga". 

Trong khoản viện trợ mới gần 40 tỷ đôla nói trên, có 6 tỷ đôla để giúp quân đội Ukraine trang bị xe thiết giáp, tăng cường hệ thống phòng không. Gần 9 tỷ đôla sẽ được dùng để bảo đảm cho các định chế dân chủ của Ukraine tiếp tục vận hành. Ngoài ra còn có một khoản viện trợ nhân đạo. 

Từ nhiều tuần qua, tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội cấp thêm một ngân sách 33 tỷ đôla để yểm trợ Ukraine chống quân xâm lược Nga, bởi vì theo ông viện trợ của Mỹ cho Kiev sẽ cạn kiệt trong vòng 10 ngày nữa. 

Đến tối thứ Hai vừa qua, các lãnh đạo Dân Chủ và Cộng Hòa ở Quốc hội Mỹ đã đạt được thỏa hiệp nâng khoản viện trợ mới này lên tới gần 40 tỷ đôla, tương đương với tổng sản phẩm nội địa của Cameroon năm 2020. Hiếm khi nào mà Quốc hội lưỡng viện của Mỹ lại có một sự đồng thuận như vậy. 

Theo dự kiến, Thượng Viện Mỹ sẽ biểu quyết về khoản viện trợ mới cho Ukraine vào cuối tuần này hoặc vào đầu tuần tới. 

Trong khi đó, hai nhân vật cao cấp của Thượng Viện là Lindsey Graham (Cộng Hòa) và Richard Blumenthal (Dân Chủ) đã đề xuất một nghị quyết yêu cầu ngoại trưởng Mỹ xếp nước Nga vào danh sách đen "Các quốc gia yểm trợ khủng bố". Hiện nay chỉ mới có bốn quốc gia nằm trong danh sách này là Bắc Triều Tiên, Iran, Syria và Cuba.

Thanh Phương

********************

Quân đội Nga không được huấn luyện cách chiến đấu thực sự

Chi Phương, RFI, 11/05/2022

Marat Gabidullin là cựu lính đánh thuê Wagner đầu tiên và duy nhất lộ diện chia sẻ về kinh nghiệm của mình. Trong 4 năm chiến đấu trong lực lượng vốn rất kín tiếng, với mức lương hơn 3000 euros, ông từng được điều đến Donbass vào năm 2015, sau đó đến Syria. Ông Marat cho biết quân đội Nga chưa sẵn sàng khi phải đối mặt với lực lượng Ukraine. 

Marat Gabidullin từng là lính đánh thuê cho tập đoàn bán quân sự Wagner, chiến đấu cùng quân đội Nga ở Syria. Ông đã rời khỏi Wagner từ năm 2019 do bị thương, nhưng khi chiến tranh Ukraine nổ ra, ông cho biết tập đoàn bán quân sự thân điện Kremlin đã mời gọi ông quay trở lại. Tuy nhiên cựu lính đánh thuê từ chối tham chiến ở Ukraine vì cho rằng nhiệm vụ này có nguy cơ thất bại cao. Ông nhận định :

"Lực lượng quân đội Nga, trên thực tế, khi cần phải học cách chiến đấu lại không được huấn luyện cách chiến đấu thực sự".

uk4

Ảnh chụp ông Marat Gabidullin, cựu lính đánh thuê Wagner ở Syria.  © Reuters

Những người ở phía quân đội Nga nói với ông rằng, khi xâm lượng Ukraine, họ cứ tưởng phải đối mặt với lực lượng dân quân mặc đồ bảo hộ tạm bợ, chứ không phải quân đội chính quy được huấn luyện tốt. Ông cho biết thêm :

"Quân đội Nga hoàn toàn bị bất ngờ trước khả năng kháng cự mạnh mẽ của lực lượng Ukraine. Một điều bất ngờ khác nữa đó là họ phải đối mặt với một quân đội thực sự.

uk5

Marat Gabidullin cựu lính đánh thuê của tập đoàn Wagner, ảnh chụp tại Neuilly-sur-Seine, gần Paris, Pháp.  Reuters – Christian Hartmann

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời Reuters rằng không biết ông Marat là ai và không rõ ông có được tuyển dụng bởi các công ty bán quân sự hay không. Bộ Quốc Phòng Nga từ chối bình luận về những tuyên bố của ông Marat. Hãng tin Reuters xác nhận qua nguồn tin độc lập rằng ông Marat từng làm việc cho Wagner và tham chiến ở Syria. Hiện ông đang ở quê nhà tại Pháp và vừa xuất bản một cuốn sách về kinh nghiệm lính đánh thuê của ông. 

Chi Phương

**********************

Chiến sự gia tăng ở miền đông và nam Ukraine, dân sơ tán bắt đầu trở về Kiev

Minh Anh, Phan Minh RFI, 10/05/2022

Cuộc xâm lăng Ukraine của Nga hôm 10/05/2022 bước sang ngày thứ 77. Chiến sự gia tăng dữ dội tại miền đông và nam Ukraine, vào lúc Hoa Kỳ cũng tăng tốc giao thêm vũ khí cho Kiev. 

uk6

Địa điểm xảy ra vụ tấn công tên lửa, tại Odessa, Ukraine, ngày 10/05/2022. via Reuters – State Emergency Srrvice of Ukraine

Bộ tổng tham mưu Ukraine, hôm nay, cho biết, quân Nga "tiếp tục chuẩn bị các chiến dịch tấn công tại Lyman và Severodonetsk", thuộc vùng Donbass, miền đông Ukraine. Cùng lúc, khu nhà máy luyện kim Azovstal tại Mariupol vẫn tiếp tục bị nã pháo.

Hôm qua, vào lúc Nga rầm rộ mừng Ngày Chiến Thắng Đức Quốc Xã, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt ở Odessa.

AFP trích dẫn thông tin từ quân đội Ukraine cho biết, Nga đã bắn bảy tên lửa vào vùng Odessa, làm một người chết và năm người khác bị thương. Vụ tấn công xảy ra đúng vào lúc chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel có chuyến thăm bất ngờ tại thành phố lớn phía nam, buộc ông phải tìm nơi ẩn náu. Còn theo lời thống đốc, Serguii Gaidai, "chiến sự đã gia tăng dữ dội xung quanh Roubijné và Bilogorivka" vùng Lugansk, phía đông đất nước. 

Người dân sơ tán quay trở về Kiev 

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, gần 8 triệu người đã phải đi sơ tán ngay trong nước, kể từ khi Nga xâm lăng Ukraine. Người dân chủ yếu chạy ra khỏi các khu vực phía nam và phía đông, những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do chiến sự. Nhưng trong vài ngày qua, một số cư dân Kiev đã bắt đầu quay trở về nhà. Tình hình ở đó dường như đã bớt căng thẳng, mặc dù thành phố vẫn đối mặt với nguy cơ bị Nga ném bom. 

Từ Kiev, đặc phái viên Sami Boukhelifa và Murielle Paradon gửi về bài phóng sự : 

"Còi báo động vẫn vang lên ở Kiev. Nhưng tình hình không còn giống như những ngày đầu tiên của cuộc chiến và nhất là ngày 24/02. Hôm đó Sergei và vợ, Natalia bị đánh thức bởi tiếng bom.

Sergei nói : "Chúng tôi hiểu ngay rằng chiến tranh đã bắt đầu. Vì vậy, chúng tôi đã lập tức quyết định rời Kiev, bởi đây là thủ đô và thành phố nhất định sẽ thành mục tiêu tấn công của Nga. Chúng tôi thu gom một số đồ đạc cho bọn trẻ và đi về phía tây, nhưng không biết cụ thể là sẽ đi đâu. Chúng tôi có nên đến nhà bạn bè không ? Đến thành phố nào ? Thành thật mà nói, chúng tôi không hề nghĩ gì về những điều đó. Mục đích của chúng tôi đơn giản là chạy đi".

Tuy nhiên, Natalia không muốn ra nước ngoài cùng các con mà không có Sergei. Đàn ông từ 18 đến 60 tuổi không được phép xuất cảnh. Sau hai tháng ở miền tây Ukraine ở những khu vực tương đối không bị ảnh hưởng bởi xung đột, gia đình Sergei quyết định trở về Kiev. Đối với Natalia, gia đình trở về hơi sớm.

Natalia nói : "Mọi người đều nói rằng tình hình ở Kiev vẫn còn nguy hiểm. Chúng tôi lo sợ một cuộc tấn công hạt nhân và tôi thực sự sợ điều đó sẽ xảy ra. Tôi không tin rằng chúng tôi hoàn toàn an toàn ở đây. Nhiều người bạn của chúng tôi cũng đang có ý định quay lại Kiev, nhưng không phải ngay lập tức".

Sergei thì muốn trấn an : "Không ai thực sự an toàn ở Kiev hay ở bất cứ thành phố nào khác. Tên lửa của Nga có thể rơi xuống ở bất cứ đâu trên lãnh thổ Ukraine, vì vậy thà rằng bạn cứ ở nhà".

Minh Anh – Phan Minh

Additional Info

  • Author Trọng Nghĩa, Thanh Phương, Chi Phương, Minh Anh, Phan Minh
Published in Quốc tế
mercredi, 11 mai 2022 21:22

Chiến tranh có thể còn kéo dài

Ngày 09/05/2022 vừa qua, Putin đã không tuyên chiến với Ukraine như đã dự định. Tuy nhiên các bạn đừng tưởng đó là dấu hiệu xuống thang của Putin. Không tuyên chiến, Putin vẫn có thể và đang có ý định áp dụng tình trạng thời chiến, hay tình trạng chiến tranh ở nước Nga. Khi áp dụng tình trạng này chính quyền Putin được phép :

- Giới hạn nhiều quyền tự do của công dân. Đã ra luật có quyền bắt bớ bỏ tù người dân 15 năm nếu tuyên truyền hay nói không đúng đường lối của (Đảng) Putin. Bây giờ ở trong tình trạng chiến tranh thì còn tồi tệ hơn nhiều.

- Tổng động viên bắt buộc từ 14 tuổi trở lên để ném vào chiến trường. Chết nhiều quá rồi, có thể con số đã lên tới 20.000. Thật là đau xót.

modolvie1

Bản đồ Modolva bao gồm cả vùng ly khai Tranistria (hay Pridnestria) đang xảy ra những vụ nổ bom

Thực sự là Ukraine đang thắng thế trên chiến trường. Trước đây, người ta đã tưởng Kiev và Odessa đã nằm trong tay của Putin, điều đó bây giờ chỉ là chuyện trong mơ của Putin.

Tuy nhiên chúng ta cũng phải thật thà mà nói quân Nga không thể thua ngay được đâu và thế trận nhiều ngày nay vẫn ở trong giai đoạn giằng co (ông được chỗ này, tôi được chỗ kia).

Mấy ngày gần đây, nhiều tin tức cho biết, Putin chuẩn bị cho chiến tranh lâu dài, mặc dù tất cả nhận định của các chuyên gia đều cho thấy chiến tranh càng lâu dài càng bất lợi cho Nga. Nhưng những kẻ cuồng như Putin đâu có thèm đếm xỉa gì đến thảm họa sau này của nước Nga sau chiến tranh. Putin hiện nay không chỉ muốn cướp không vùng Donbass mà còn phát triển chiến tranh xuống phía nam Ukraine rồi lấn sang vùng Transnistria (Pridnestrovie) nơi đang có cả quân Nga ở đó.

modolvie2

Pridnestrovie kêu gọi chính quyền Moldova công nhận nền độc lập của nước cộng hòa

Putin đang rất mong và cho rằng nhiệt tình ủng hộ của Mỹ và Tây Âu sẽ giảm xuống trong thời gian tới khi mà các khó khăn về kinh tế xuất hiện do cuộc khủng hoảng chiến tranh này gây ra.

Hiện tại ở Châu Âu, nơi tôi đang sinh sống thì thấy cuộc sống không có gì bị đảo lộn, giá cả 1 số mặt hàng có lên 1 tý và nhiệt huyết ủng hộ Ukraine không hề suy giảm. Mỹ thì khỏi nói rồi. Tông thống Biden mới ban hành đạo luật Cho vay-cho thuê (tạm gọi vậy bằng tiếng việt, Lend-Lease). Đạo luật này đã được kích hoạt cách đây 80 năm, cho phép Mỹ gửi tiền của, vũ khí ào ạt cho quân đồng minh, trong đó có cả Liên Xô để đánh phát xít Đức. Bây giờ lại được kích hoạt để đánh bọn phát xít mới.

Nói tóm tắt một vài từ về sự khác nhau cơ bản giữa Pháp và Mỹ trong cuộc chiến này :

- Mỹ rất tích tích cực và rất cương, muốn nhân dịp này hạ gục Nga luôn.

- Pháp vẫn ủng hộ Ukraine hết mình, nhưng mềm mỏng hơn và vẫn muốn một giải pháp ngoại giao. Tổng thống Macron là người duy nhất còn điện đàm với Putin. Có nhiều bạn rất bực mình với ông Macron về chuyện này. Nhưng theo tôi, ở tầm chúng ta, chúng ta không thể biết họ nói gì với nhau và tác dụng của nó như thế nào. Riêng tôi thấy là có thể Macron là người duy nhất có thể và dám nói những gì đang thực sự xẩy ra trên chiến trường, những điều mà các tướng tá Nga đâu dám nói. Ít ra nó cũng có tác dụng giảm ảo tưởng của Putin.

Rất tiếc là cuộc chiến này có thể còn kéo dài, còn có nhiều người chết. Không ai có thể tượng tượng được tình trạng này của thế giới cách đây vài tháng. Tất cả chỉ tại một tên khùng, trước tiên làm hại nước Nga và từ đó làm hại cả thế giới.

Thế giới đang có rất nhiều vấn nạn chưa giải quyết được. Không có chiến tranh, làm ăn còn khó khăn. Thêm chiến tranh vào, không khéo sẽ chết cả nút.

Paris, 11/05/2022

Hoàng Quốc Dũng

Additional Info

  • Author Hoàng Quốc Dũng
Published in Quan điểm

Cuộc chiến của Nga chống Ukraine không chỉ diễn ra trên chiến trường. Có một cuộc chiến không kém phần dữ dội : Cuộc chiến giữa các hồi ức trái ngược, thậm chí thù nghịch về giai đoạn Thế chiến II, về Chiến thắng chống Phát xít 1945.

thechien1

Tượng đài Mẹ - Tổ quốc ở Kiev. Bên cạnh tượng đài : các xe tăng đối đầu, biểu tượng cho cuộc chiến giữa quân đội Ukraine và phe ly khai thân Nga ở vùng Donbass. © Flickr

Trong lúc chính quyền Nga của tổng thống Putin khẳng định tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine nhằm giải phóng người Ukraine khỏi "nạn phát xít" và "quân phiệt", nối tiếp truyền thống của chế độ Xô Viết, thì chính quyền Ukraine khẳng định quyền tự vệ chính đáng. Ukraine cũng khẳng định kế tục di sản chống phát xít, nhưng theo cách riêng của mình. Từ hơn 10 năm nay, Nhà nước Ukraine độc lập đã dần dần cố gắng xây dựng một cách nhìn nhận riêng về Thế chiến II, độc lập hoàn toàn với Nga.

Giới chuyên gia ghi nhận hồi ức về Thế Chiến II là nơi diễn ra "một cuộc chiến khác" giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, việc xây dựng một cách nhìn riêng của Ukraine về lịch sử quốc gia, lịch sử Thế Chiến II là chuyện không hề đơn giản với một Nhà nước non trẻ, ra đời mới hơn 30 năm nay. Nhiều xung đột về ký ức diễn ra ngay cả trong lòng xã hội Ukraine, trong lòng Nhà nước Ukraine, đang tìm đường dân chủ hóa. RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.

***

Hồi ức đối nghịch Nga - Ukraine : Những điểm chính nào đáng chú ý ?

Về Thế Chiến II, Ukraine vốn kế thừa quan điểm truyền thống thời Liên Xô. Tuy nhiên, kể từ khi độc lập năm 1991, đặc biệt từ đầu những năm 2000, trong xã hội Ukraine, đã trỗi dậy những cách nhìn nhận mới về giai đoạn lịch sử bản lề này. Cách nhìn nhận mới về Thế Chiến II gắn liền với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc hiện đại của Ukraine, khẳng định đóng góp riêng của Ukraine chống chủ nghĩa phát xít, đồng thời cũng gắn liền cuộc chiến vì quyền tự quyết của dân tộc Ukraine với cuộc chiến chống lại chế độ cộng sản toàn trị Liên Xô (bắt đầu từ trước, trong và sau Thế Chiến II). 

Trong di sản tranh đấu vì quyền dân tộc tự quyết của Ukraine, mới được khôi phục, xuất hiện hình tượng của một số gương mặt hàng đầu, có quan hệ với chế độ Đức Quốc Xã, như ông Stepan Bandera (1909-1959). Một số phong trào dân tộc chủ nghĩa Ukraine gần đây lấy cảm hứng từ nhân vật lịch sử này. Chính quyền Nga đã coi việc Stepan Bandera (1), có quan hệ với chế độ Đức Quốc Xã, được chính quyền Ukraine trong một số giai đoạn tôn vinh, như là một biểu hiện cho nguy cơ "phát xít hóa" xã hội Ukraine. Và đây có thể coi là một trong những lý do chính thức, được chính quyền Putin sử dụng để biện minh cho quyết định tấn công Ukraine (2).

Quá trình xây dựng các hồi ức mới về Thế Chiến II khác biệt hẳn với truyền thống Xô Viết, về cuộc chiến chống Phát xít, chống chế độ cộng sản toàn trị Liên Xô, là một bình diện căn bản của tiến trình xây dựng một ý thức dân tộc độc lập của xã hội Ukraine. Nhật báo Pháp Le Monde có bài tổng thuật đáng chú ý về chủ đề này, với tiêu đề "Đọc lại về Đệ Nhị Thế Chiến : một mặt trận khác giữa Nga và Ukraine " (*).

Hai cú sốc với Putin

Le Monde đặc biệt chú ý đến bước ngoặt 2014 – 2015, với việc ghi nhận hai cú sốc với Putin, khi nhiều láng giềng Châu Âu đề cao vai trò tích cực, riêng của Ukraine trong cuộc chiến chống Phát xít, trong Thế Chiến II.

Tại nơi xưa kia là một trại tập trung khổng lồ của phát xít Đức, ở Auschwitz-Birkenau (Ba Lan), ngày 27/01/2015, khoảng 40 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ đã tụ hợp để kỉ niệm 70 năm ngày Hồng Quân Liên Xô "giải phóng" trại tập trung, nơi hơn một triệu người – đa số là người Do Thái – bị giết hại. Trong số các lãnh đạo vắng mặt, đáng chú ý có tổng thống Nga, Vladimir Putin. Để giải thích lý do vắng mặt, điện Kremlin cho biết trước đó một tuần, đã không nhận được giấy mời. Trên thực tế, theo Le Monde, đã không có bất cứ một giấy mời chính thức nào. Tất cả các lãnh đạo chính quyền các nước tham dự đều đến đây theo sáng kiến riêng. Lý do thực sự của việc ông Putin vắng mặt, là không muốn tới Ba Lan. Ba Lan là một trong những quốc gia NATO ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, chống lại cuộc can thiệp của Nga ở vùng Donbass, sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Trong dịp kỉ niệm này, chính quyền Ba Lan chủ trương nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt của Ukraine trong cuộc chiến chống Phát xít. Mục tiêu của Ba Lan khi đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các lực lượng Ukraine trong sự sụp đổ của chế độ Quốc Xã rõ ràng là nhằm phản biện lại quan điểm của tổng thống Nga, tố cáo ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng phát xít trong xã hội Ukraine. Quan điểm của chính quyền Ba Lan vào lúc đó ngay lập tức đã bị chính quyền Nga phản bác, khi tố cáo ngược lại, việc nhiều người "vì tình cảm chống Nga điên cuồng, mà tỏ ra thiếu tôn trọng những người đã hy sinh mạng sống để cứu Châu Âu". Theo bài viết của Le Monde, quan điểm của Ba Lan cũng đã có phần thổi phồng vai trò của Ukraine. 

Một sự kiện khác diễn ra trước đó ít lâu cũng cho thấy sự đối chọi của hai quan điểm trái ngược về vai trò của Ukraine trong cuộc chiến chống Phát xít. Tổng thống Ukraine Petro Porochenko, vừa đắc cử, được mời tham dự lễ kỉ niệm 70 năm cuộc đổ bộ của quân đội các nước đồng minh chống Đức phát xít, tại Normandie, ngày 06/06/2014, tức hai tháng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và chiến tranh bùng lên tại vùng Donbass, nơi phe ly khai thân Nga trỗi dậy chống chính quyền Kiev.

Theo Le Monde, "với độ lùi thời gian", có thể thấy là tổng thống Nga (vào thời điểm lễ kỉ niệm mùa hè 2014 tại Normandie, Pháp) đã cảm thấy bị xúc phạm khi tổng thống Ukraine là một khách mời của một buổi lễ, mà vốn thường chỉ có Nga đại diện cho Liên Xô. Lý do của cảm giác xúc phạm : việc thừa nhận phần đóng góp của Ukraine trong cuộc chiến phát xít đã "phản lại quan điểm chính thống" của Nga.

Từ phục hồi "lịch sử bị phủ nhận"… đến "giã từ ý thức hệ cộng sản Liên Xô"

Sau cuộc "Cách mạng Da Cam", cuối năm 2004, tổng thống Ukraine Viktor Iouchtchenko đã khởi sự chính sách xây dựng một cách nhìn nhận mới, đoạn tuyệt với lịch sử chính thống thời Xô Viết. Hồi ức về Thế Chiến II có thể nói đã bắt đầu trở thành trận địa đối kháng Nga – Ukraine. Trước đó, quan điểm giống như thời Xô Viết vẫn là chủ đạo trong xã hội Ukraine. Nạn đói khủng khiếp mang tên "Holodomor" – do chính quyền Staline chủ động gây ra, theo nhiều nghiên cứu sử học – đã được Quốc Hội Ukraine ra luật vào năm 2006, khẳng định như một hành động "diệt chủng" (nạn đói giết hại ước tính từ khoảng 2,5 đến 5 triệu người Ukraine).

Kể từ năm 2005, chính quyền Ukraine bắt đầu lấy hoa Anh Túc đỏ làm biểu tượng chính thức Kỷ niệm ngày Chiến thắng Phát xít, giống như nhiều nước tây Âu, thay thế cho ruy-băng Thánh George, biểu tượng truyền thống cho sức mạnh quân sự của nước Nga, kế thừa thời Liên Xô và thời các Sa Hoàng.

Đỉnh điểm của tiến trình này dưới thời tổng thống Viktor Yushenko là việc phục hồi nhân vật lịch sử Stepan Bandera, vào năm 2010. Bandera được coi là người "gây tranh cãi nhất" trong các đại diện của chủ nghĩa dân tộc Ukraine. Ông Bandera được phong làm "anh hùng dân tộc", với lời giải thích là để tôn vinh "ý chí không gì lay chuyển nổi của ông trong việc bảo vệ tinh thần dân tộc, chủ nghĩa anh hùng, và tinh thần hy sinh về nền độc lập của Nhà nước Ukraine".

Đối kháng Nga – Ukraine trong hồi ức về Thế Chiến Hai, và về lịch sử thời Liên Xô nói chung, tiếp tục gia tăng sau cuộc Cách mạng Maidan đầu năm 2014. Tháng 2/2015, vào lúc chiến tranh dữ dội với phe ly khai thân Nga vùng Donbass, chính quyền thời tổng thống Petro Porochenko đã ra bốn luật "giã từ ý thức hệ Liên Xô" chưa từng có (3). Các luật liên quan đến ký ức nói trên của Ukraine thời chính quyền Porochenko đã khiến nhiều sử gia lo ngại. Nhiều người lên án mưu toan của Ukraine viết ra một lịch sử "chính thống", trái ngược hẳn với các giá trị dân chủ mà Kiev biểu dương.

Nội bộ chính quyền Ukraine : Từ những thay đổi cực đoan đến tự điều chỉnh

Quyết định phục hồi nhân vật lịch sử Bandera - được đưa ra trong những ngày đảm nhiệm chức vụ cuối cùng, của tổng thống Viktor Iouchtchenko (thất cử ngay trong vòng 1 với 5% phiếu bầu) - đã gây ra "một cơn lốc về chính trị và ngoại giao", theo ghi nhận của Le Monde. Đối với Liên Xô trước đây, và sau đó là Nga, Stepan Bandera luôn bị coi là một phần tử nguy hiểm, bị cấm nói đến. Vào thời điểm năm 2010, tổng thống Nga Putin ngay lập tức đã lên án việc phục hồi Bandera như một hành động "xúc phạm" đến nước Nga.

Tuy nhiên, đối kháng Nga – Ukraine trong hồi ức về Thế Chiến Hai, xung quanh nhân vật Bandera trên thực tế chỉ là một phần nhỏ của bức tranh hiện thực. Giới chuyên gia về Ukraine thường xuyên nhấn mạnh đến ảnh hưởng không thật đáng kể trong xã hội Ukraine, của nhiều người theo tư tưởng Quốc Xã mới, vốn coi Bandera như thần tượng.

Hành động của tổng thống mãn nhiệm Iouchtchenko, tôn vinh Bandera vào những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, cho thấy phần nào tính mâu thuẫn cao độ trong xã hội Ukraine, xung quanh nhân vật lịch sử này. Ngay sau khi đắc cử, tổng thống Viktor Ianoukovitch (cầm quyền từ đầu 2010 đến cách mạng Maidan, tháng 2/2014) tuyên bố sẽ hủy bỏ quyết định của người tiền nhiệm phong Bandera là "anh hùng dân tộc". Dự kiến ra quyết định đúng vào ngày 09/05 biểu tượng, ngày Kỷ niệm Chiến thắng Phát xít theo truyền thống của Liên Xô (tuy nhiên, ngay trước đó, một tòa án Ukraine đã ra hủy bỏ sắc lệnh của tổng thống tiền nhiệm, với lý do Bandera "không có quốc tịch Ukraine").

Trên thực tế, phong trào cực hữu mang tư tưởng tân phát xít chỉ giành được 2% phiếu bầu trong cuộc bầu cử Quốc Hội Ukraine năm 2019. Nhiều người tranh đấu vì dân chủ trong cuộc chính biến Maidan 2014 thường hô vang khẩu hiệu "Vinh quang Ukraine ! Vinh quang cho những anh hùng !". Đây là một khẩu hiệu được coi là gắn chặt với phong trào cực hữu OUN của Bandera. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, như sử gia Andrii Portnov (4), đại học Frankfurt an der Oder (Đức), khẩu hiệu này chủ yếu để chuyển tải khát vọng về một Nhà nước Ukraine độc lập, chứ không phải để tuyên truyền cho quan điểm cực hữu. 

Chính quyền Ukraine sau này cũng đã nhiều lần tìm cách hóa giải dấu ấn cực đoan này, đặc biệt dưới thời tổng thống Zelensky, khi ông Zelensky tuyên bố Bandera "chỉ là một anh hùng đối với một bộ phận người dân Ukraine", và đồng thời khẳng định tên của Bandera đã "được đặt cho quá nhiều đường hay cầu" tại Ukraine. Sau khi lên nắm quyền năm 2019, tổng thống Zelensky cũng quyết định cách chức giám đốc Viện Ký ức Quốc gia Ukraine (thành lập dưới thời tổng thống Iouchtchenko), một trong những người chủ trương tôn vinh những thành phần cực hữu đi theo Bandera, và người thúc đẩy nhiều bộ luật cực đoan liên quan đến hồi ức lịch sử.

Putin thổi bùng không khí sùng bái Ngày "Chiến Thắng Phát xít" như thời Liên Xô

Trong lúc Ukraine tìm cách thoát khỏi vòng vây kiềm tỏa của "lịch sử chính thống" thời Liên Xô về Thế Chiến II, thì cũng từ 20 năm nay tại Nga, và đặc biệt từ năm 2012 (khi ông Putin bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ ba), chính quyền Putin tiến hành một cách có hệ thống việc phục hồi lại không khí sùng bái vai trò của Liên Xô trong Thế Chiến Hai.

Theo sử gia Andrei Kozovoi, việc sùng bái cuộc "Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Đại" đã hình thành dưới thời tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Leonid Brejnev (trở thành ngày nghỉ lễ chính thức từ năm 1965). Vào thời đó, ngày lễ này trở nên quan trọng còn hơn cả kỷ niệm Cách mạng tháng 10 năm 1917, dẫn đến sự ra đời của Liên Xô. Cuộc "Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Đại" theo cách hiểu của giới lãnh đạo Liên Xô thời Brejenev áp đặt cách nhìn đề cao vai trò gần như duy nhất của Liên Xô trong cuộc chiến chống Phát xít Đức, giảm thiểu tối đa đóng góp của các lực lượng đồng minh. Cuộc chiến chống Phát xít trong Thế Chiến Hai được quy giản thành cuộc chiến của Liên Xô chống Đức Quốc Xã, cuộc chiến của "Thiện chống Ác". Sau thời Brejenev cho đến Elsin, không khí sùng bái nói trên suy giảm mạnh.

Nhà sử học Pháp Andrei Kozovoi – một chuyên gia về chính trị Nga thời Chiến Tranh Lạnh - trong bài "Putin dùng sự tôn sùng Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Đại để biện minh cho chính sách của mình", nhấn mạnh đến việc tổng thống Nga ra luật ngày 05/05/2015 (được chuẩn bị từ nhiều năm trước đó) trừng phạt đến 5 năm tù những ai đưa ra quan điểm bị khép tội "xuyên tạc" vai trò của Liên Xô trong cuộc "Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Đại". Theo vị chuyên gia này, "không phải là phóng đại, khi khẳng định là chính quyền Nga đã lập ra cả một thứ tôn giáo dân sự (religion civile), để tôn vinh Chiến Thắng, với các chức sắc tôn giáo, nghi lễ, biểu tượng". Bộ luật 2015 nói trên có thể ví với một hệ thống giáo luật cho phép trừng phạt đối với những ai dám báng bổ niềm tin thiêng liêng, mà chính quyền muốn áp đặt lên toàn xã hội.

Sử gia Galia Ackerman (5) cũng nhấn mạnh đến việc chính quyền Nga tự khẳng định là người kế thừa Liên Bang Xô Viết trong cuộc chiến của cái Thiện chống lại cái Ác, "dân tộc Nga có sứ mạng cứu chuộc nhân loại", sứ mạng ra đời từ thời các Sa hoàng, được đạo Chính Thống Giáo dày công vun đắp. Một trong những biểu hiện tiêu biểu của nỗ lực tôn sùng công lao chống Phát xít của Liên Xô là phong trào "Trung đoàn bất tử", ra đời năm 2012, tại Tomsk, đông Siberi. Kể từ năm 2015, các thành viên "Trung đoàn bất tử" mang theo ảnh những liệt sĩ, đã trở thành yếu tố trung tâm trong các cuộc duyệt binh mừng Ngày Chiến Thắng. Trong bầu không khí sùng kính này, ắt hẳn nhiều người Nga sẽ tin tưởng họ là thành viên của một cộng đồng các thế hệ anh hùng, công chính chống lại "các thế lực phát xít" trước kia và hiện nay, "các thế lực phát xít tại Ukraine, vùng Baltic, hay kể cả tại Châu Âu nói chung".

Đa số dân Ukraine muốn đoạn tuyệt với "lịch sử chính thống" của Nga

Theo nhiều nhà quan sát, chính quyền Nga muốn thổi phồng vai trò của Stephan Bandera, nhân vật lịch sử gây tranh cãi, có liên hệ phức tạp với chế độ Quốc Xã Đức, để che lấp một câu chuyện căn bản hơn rất nhiều. Đó là nhu cầu của đông đảo người dân Ukraine có một cách nhìn nhận khác hẳn về lịch sử Thế Chiến Hai, đoạn tuyệt với quan điểm chính thống của điện Kremlin. Đây là quan điểm coi nước Nga là như anh hùng gần như duy nhất giải phóng Châu Âu khỏi ách phát xít, gọi cuộc chiến chống phát xít là "Cuộc Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Đại", hạ thấp vai trò của các nước đồng minh phương Tây, và của các nước Cộng hòa khác trong Liên Xô trước đây.

Theo một thăm dò dư luận của viện tư vấn Ukraine Ilko Kucheriv Democratic Initiatives Foundation, phối hợp với Viện Xã hội học Quốc tế Ukraine hồi 2020, thì hố sâu ngăn cách giữa Nga và Ukraine trong quan niệm về Thế chiến II ngày càng lớn.

61% dân Ukraine phản đối các lãnh đạo Ukraine tham dự lễ mừng chiến thắng 09/05 tại Moskva (tại các vùng dân cư đông đảo nói tiếng Nga tại miền đông và nam Ukraine, tỉ lệ này cũng là khoảng 50%). 53% đồng ý với ngày kỉ niệm 08/05 chiến thắng Phát xít, cũng được gọi là Ngày của kỉ niệm và hòa giải (Kỉ niệm vào ngày 08/05 là giống như đa số các nước Châu Âu khác). 56% người được hỏi đồng ý với việc coi Liên Xô và nước Đức Phát xít đều có phần trách nhiệm về Thế Chiến Hai (chống lại 24% có ý kiến ngược lại).

Bài viết nói trên của Le Monde khép lại với nhận định : "hai năm trước cuộc xâm lược Ukraine, tại Ukraine, chế độ Putin đã thất bại trong cuộc chiến Hồi ức". Tuy nhiên, việc đông đảo người Ukraine đoạn tuyệt với "lịch sử chính thống" của Nga về Thế Chiến Hai, về chế độ toàn trị cộng sản, điều đó chưa hẳn đã đồng nghĩa với việc người Ukraine xây dựng được cho mình một truyền thống lịch sử độc lập, và vững chắc. Ảnh hưởng nhiều khi bùng phát của các phong trào cực đoan có thể chính là biểu hiện cho bản sắc còn mong manh này. Sử gia Pháp Adrien Nonjon - chuyên về Ukraine và các phong trào cực hữu trong không gian hậu Xô Viết - lưu ý : "Nước Ukraine độc lập mới chỉ có 30 năm lịch sử, đó là một quốc gia chưa từng có cơ hội xây dựng cho mình một cộng đồng văn hóa, hồi ức chung, đủ mạnh" (6). Tuy nhiên, cũng theo sử gia Adrien Nonjon, thách thức này không chỉ với Ukraine, bản thân chính quyền Nga Putin cũng hậu thuẫn cho nhiều phong trào cực hữu trong chính nước Nga, với mưu đồ củng cố quyền lực.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 10/05/2022

Ghi chú

(*) Đây là bài viết thứ ba của Le Monde trong loạt ba bài về lịch sử quan hệ Nga – Ukraine. Bài đầu tiên là về "Nước Cộng hòa Nhân dân Ukraine 1918 – 1920 : Lịch sử về một sự hủy diệt". Bài hai là về "Nạn đói kinh hoàng 1933 tại Ukraine : Một giai đoạn lịch sử bị chôn vùi".

1/ Stepan Bandera là thủ lĩnh của Tổ chức Dân tộc Chủ nghĩa Ukraine (OUN), phong trào cực hữu hoạt động bí mật, được thành lập từ năm 1929, với mục tiêu giải phóng Ukraine khỏi sự thống trị của Ba Lan và Liên Xô. Stepan Bandera đã được chế độ Đức Quốc Xã ủng hộ trong 2 năm, từ 1939 đến 1941. Năm 1941, Stepan Bandera tuyên bố lập Nhà nước Ukraine độc lập với thủ đô là thành phố Lviv, xứ "Galicie", miền tây Ukraine hiện nay (xứ "Galicie" thuộc Ba Lan cho đến năm 1939, trước khi bị Liên Xô xâm chiếm phần miền tây, rồi sau đó bị Đức Quốc Xã thôn tính). Stepan Bandera bị chế độ Đức Quốc Xã giam giữ sau đó từ 1941 đến 1944. Phong trào tranh đấu vũ trang vì độc lập của Ukraine OUN tiếp tục hoạt động tại Liên Xô, kể cả sau khi Thế chiến II kết thúc, cho đến giữa những năm 1950. Thủ lĩnh Bandera bị tình báo Liên Xô ám sát khi đang ở Munich (Tây Đức) vào năm 1959.

2/ Nhà sử học Pháp Andrei Kozovoi nhấn mạnh đến việc lãnh đạo Nga Putin đã lợi dụng sự trỗi dậy của một số nhóm xã hội tại Ukraine ủng hộ Bandera để quy kết Ukraine đang trên đường phát xít hóa. Việc chính quyền Ukraine năm 2010 gọi Bandera là "anh hùng dân tộc" tạo thêm cớ cho ông Putin (Bài "Andrei Kozovoi : ‘‘Putin dùng sự tôn sùng Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Đại để biện minh cho chính sách của mình’’ », L’Express, 08/05/2022).

3/ Luật thứ nhất lên án "các chế độ toàn trị cộng sản và phát xít tại Ukraine", cấm việc phủ nhận "tính chất tội phạm" của các chế độ này. Luật thứ hai cho phép giải mật các hồ sơ của mật vụ "thời chế độ toàn trị cộng sản từ 1971 đến 1991". Giao cho Viện Ký ức Quốc gia Ukraine (thành lập năm 2006) quản lý, để thúc đẩy xây dựng một lịch sử "chính thức". Luật thứ ba tập trung nhấn mạnh đến "chiến thắng chống Phát xít trong giai đoạn Thế Chiến II, từ 1939 đến 1945", khác hẳn với lịch sử chính thống của Nga, coi Chiến tranh chống phát xít bắt đầu từ tháng 6/1941, khi chế độ Quốc Xã tấn công Liên Xô. Mở đầu từ năm 1939 có nghĩa là bao gồm hòa ước Liên Xô – Đức Quốc Xã và việc Liên Xô và Đức Quốc Xã thỏa thuận chia đôi Ba Lan. Chính quyền Ukraine nhấn mạnh đến việc trước khi bị nước Đức Hitler tấn công, "Liên Xô và Đức Quốc Xã đã từng là đồng minh". Bộ luật thứ tư chủ trương tưởng nhớ đến "những chiến binh vì nền độc lập của Ukraine trong thế kỷ 20", không chỉ Stephen Bandera.

4/ Nhà sử học Andrii Portnov là tác giả cuốn "Histoire partagée. Mémoires divisées. Ukraine. Russie. Pologne" (tạm dịch là "Một lịch sử chung. Những hồi ức riêng. Ukraine. Nga. Ba Lan"), Nxb Antipodes, 2020.

5/ Trong cuốn "Régiment immortel. La guerre sacrée de Poutine" (Trung đoàn bất tử. Cuộc chiến thiêng liêng của Putin), Nhà xuất bản Premier Parallèle, 2019. 

6/ Bài "Y a-t-il vraiment des 'nazis' en Ukraine, comme l'affirme Vladimir Poutine ?  ", Le Figaro, ngày 23/03/2022. 

Additional Info

  • Author Trọng Thành
Published in Diễn đàn