Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Danh sách các tổ chức chính trị Việt Nam trước năm 1975 rất dài nhưng tất cả đều “biến mất” sau biến cố 30/4/1975. Một số tổ chức được khôi phục lại tại hải ngoại sau đó, chủ yếu là tại Mỹ. Đông nhất là các tổ chức tách ra từ Việt Nam Quốc Dân Đảng của (chủ tịch) Nguyễn Thái Học, tiểu biểu là hai tổ chức: Tân Đại Việt của ông Nguyễn Ngọc Huy và Đảng Đại Việt Cách Mạng của ông Hà Thúc Ký, được khôi phục lại năm 1988 tại Mỹ.

Sau 1975 tại Việt Nam, chính thức chỉ còn một tổ chức chính trị duy nhất đó là Đảng cộng sản và hai tổ chức ngoại vi của nó là Đảng xã Hội Việt Nam của Nguyễn Xiển và Đảng Dân Chủ Việt Nam của Dương Đức Hiền. Hai tổ chức này đều bị dẹp bỏ năm 1988.

Có khá nhiều tổ chức “bất hợp pháp” trong nước được thành lập như Đảng Thăng Tiến Việt Nam của linh mục Nguyễn Văn Lý, Đảng Vì Dân của Nguyễn Công Bằng, Đảng Dân Chủ Việt Nam của Hoàng Minh Chính, Con đường Việt Nam của Trần Huỳnh Duy Thức...

Ở hải ngoại sau năm 1975 có thêm các đảng chính trị như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng (Đảng Việt Tân) của Đỗ Hoàng Điềm, đảng Nhân Dân Hành Động của Nguyễn Sĩ Bình và Nguyễn Xuân Ngãi (đây là tổ chức do công an Việt Nam lập ra để bắt bớ những người đối lập), đảng Dân chủ Nhân dân của Đỗ Thành Công và bảy ‘chính phủ lâm thời’ của Nguyễn Hữu Chánh (2003), Đào Minh Quân, Lý Tòng Bá, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Bá Cẩn, Nguyễn Thế Quang, Trần Dần...

chinhphuluuvong1

Những “chính phủ lưu vong” như thế này không phải là các tổ chức chính trị mà chỉ là “phường chèo”.

Trước hết cần hiểu thế nào là một tổ chức chính trị? "Một tổ chức chính trị là tập hợp của những người cùng chia sẻ một lý tưởng chính trị với mong muốn tham gia vào chính trường, được nắm quyền để thay đổi xã hội theo những giá trị mà tổ chức đó đề nghị và theo đuổi".

Một tổ chức chính trị thật sự phải có ít nhất hai điều kiện: Một tư tưởng chính trị và một đội ngũ nhân sự chính trị. Đó cũng chính là hai thứ mà các tổ chức chính trị đóng góp cho phong trào dân chủ Việt Nam. Tư tưởng chính trị để làm kim chỉ nam dẫn đường cho các thành viên của tổ chức và đồng thời tư tưởng đó phải được đúc kết thành văn bản với tên gọi “Dự án chính trị” (hay cương lĩnh chính trị) để giới thiệu cho người dân. Bất cứ một tổ chức nào cũng phải đưa ra được một Dự án Chính trị để người dân biết tổ chức đó đề nghị những gì, muốn gì và sẽ làm gì trong hiện tại lẫn tương lai. Đội ngũ cán bộ nòng cốt, là những người nắm rõ tư tưởng đường lối của tổ chức, thống nhất trong lập trường và trong mọi hành động của tổ chức nhằm thực hiện những gì mà tổ chức đề nghị trong Dự án chính trị.

Nếu mọi người đồng ý với nhận định trên thì có thể thấy là các tổ chức chính trị hiện nay của Việt Nam mà tôi vừa liệt kê ở trên, hầu hết đều không có thực chất. Theo nhận định của chúng tôi thì hiện giờ chỉ còn hai tổ chức đang hoạt động là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và Việt Tân. Tất cả các đảng phái khác chỉ còn tên chứ không có hoạt động gì. Thỉnh thoảng các tổ chức ở Mỹ cũng ra vài bản tuyên bố này nọ, nhân một sự kiện nào đó nhưng chúng đều rơi vào sự thờ ơ của quần chúng.

Bảy (7) “chính phủ lưu vong” như của Đào Minh Quân hoàn toàn không phải là các tổ chức chính trị mà chỉ là những “phường chèo” do mấy ông già về hưu, không có việc gì làm, buồn, nên bày ra để mua vui với nhau. Điều đáng nói là Đảng cộng sản Việt Nam đã bắt bớ và kết tội không ít người dân trong nước với lý do tham gia vào các tổ chức “phường chèo” đó. Lên án các tổ chức “phường chèo” là tất nhiên nhưng lên án họ một thì phải lên án đảng cộng sản hai. Đảng cộng sản đã mất hết sĩ diện lẫn sự xấu hổ khi buộc tội người dân vì tham gia vào các “chính phủ lưu vong” như vậy. Đảng cộng sản thừa biết đó là các phường chèo và họ đâu có gây hại gì cho chính quyền.

Đấu tranh chính trị là làm những gì? Không phải ai cũng biết điều này. Đã có nhiều người hiểu ra rằng, đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Đảng cộng sản Việt Nam là một tổ chức chính trị vì thế để chiến thắng nó thì phải có một tổ chức chính trị ngang tầm hoặc hơn tầm.

Phương pháp hay lộ trình tranh đấu của một tổ chức chính trị để dành được chính quyền bằng phương pháp bất bạo động là gì? Theo chúng tôi thì phương pháp đó là: "Mỗi một tổ chức chính trị sẽ đưa ra một ‘giải pháp thay thế’ với những khác biệt so với chính sách hiện hành, thuyết phục người dân, vận động tranh cử và cố gắng dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử công khai để trở thành đảng cầm quyền. Cuối cùng là thực thi những giải pháp đã đề nghị". (1)

luatkhoa2

Giải pháp thay thế của Tập Hợp được trình bày rất rõ ràng và đầy đủ trong Dự án chính trị có tên gọi: Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.

Muốn chiến thắng đảng cộng sản và thiết lập dân chủ cho Việt Nam thì phong trào dân chủ phải có một vài tổ chức chính trị thực sự có tầm vóc. Các tổ chức chính trị này phải có một “giải pháp thay thế” khả thi để thuyết phục và động viên quần chúng. Quần chúng cần một giải pháp mới và một niềm tin vào thắng lợi. Họ cần được hướng dẫn và lãnh đạo, quan trọng nhất, quần chúng cần biết sau chế độ cộng sản sẽ là gì? Nếu không hình dung được tương lai thì quần chúng sẽ không ủng hộ cho bất cứ cuộc cách mạng nào. Giải pháp thay thế của Tập Hợp được trình bày rất rõ ràng và đầy đủ trong Dự án chính trị có tên gọi: Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.

Như vậy nhiệm vụ chính của các tổ chức đối lập là đưa ra một “giải pháp thay thế” cho “giải pháp cộng sản” và thuyết phục người dân rằng giải pháp đó sẽ mang lại tự do, dân chủ cho mọi người và sự phồn vinh cho đất nước. “Hành động” quan trọng nhất trong cuộc tranh đấu hiện nay chủ yếu là trên mặt trận lý luận và tư tưởng. Hai nhiệm vụ của các tổ chức chính trị là thuyết phục và kết hợp.

Hầu hết các tổ chức đối lập hiện nay không hoặc chưa đưa ra được các giải pháp cho Việt Nam. Cứu cánh (mục đích sau cùng) của một tổ chức dân chủ là mang lại tự do và dân chủ thực sự cho Việt Nam. Đánh bại Đảng cộng sản chỉ là một công việc trên hành trình thiết lập dân chủ cho đất nước chứ đó không phải là cứu cánh. Nếu thuyết phục được người dân để họ ủng hộ cho một giải pháp mới thì khi đó không cần phải xuống đường biểu tình thì Đảng cộng sản cũng phải rút lui vào lịch sử. Đảng cộng sản Liên Xô đã sụp đổ dù không có các tổ chức đối lập dân chủ. Tuy nhiên, vì thiếu vắng các tổ chức dân chủ thực sự nên hậu quả là nước Nga đã chuyển hóa từ chế độ độc tài tập thể sang độc tài cá nhân (Putin).

Một tổ chức dân chủ phải có tư tưởng và nhân sự. Nhân sự của các tổ chức đối lập là bí mật của các tổ chức vì vậy để nhận diện các tổ chức chính trị dân chủ đối lập chỉ còn một cách là nhìn vào tư tưởng, dự án chính trị và lãnh đạo của tổ chức đó.

Tầm vóc của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vẫn còn khá khiêm tốn vì chưa nhận được sự ủng hộ của người dân, nhất là trí thức Việt Nam. Văn hóa Khổng Giáo vẫn còn ngự trị và chi phối mạnh mẽ tư duy của giới trí thức Việt Nam. Nên biết văn hóa Khổng Giáo hoàn toàn mâu thuẫn và chống đối văn hóa dân chủ. Trí thức Khổng Giáo được đào tạo để làm công cụ, tay sai cho chế độ chứ không phải để tranh đấu và lãnh đạo xã hội.

Suốt mấy ngàn năm lịch sử của nước ta, các cuộc thay đổi triều đại đều do các quan võ hoặc các anh hùng hảo hán lãnh đạo chứ chưa bao giờ do giới trí thức lãnh đạo, kể cả cuộc cách mạng cộng sản.

Cuộc cách mạng lần này dứt khoát là phải do trí thức lãnh đạo. Có thế Việt Nam mới thực sự bước vào kỷ nguyên dân chủ. Nếu không chúng ta chỉ thay đổi chế độ độc tài cộng sản bằng một chế độ độc tài khác như ở Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ.

Cuộc cách mạng dân chủ của chúng ta khác hẳn với cuộc cách mạng cộng sản. Nó là cuộc cách mạng của trí tuệ, lẽ phải và lòng quảng đại; nó dứt khoát từ chối bạo lực và hận thù. Nhưng nó cũng vẫn là một cuộc cách mạng và phải cũng diễn ra theo qui luật của những cuộc cách mạng. Vì thế chúng ta không thể tiết kiệm những cố gắng để xây dựng một tổ chức mạnh về cả tư tưởng lẫn đội ngũ. Không thể đốt giai đoạn”. (2)

Cuộc cách mạng do trí thức lãnh đạo khác gì các cuộc cách mạng khác trong lịch sử Việt Nam? Khác biệt lớn nhất và quan trọng của cuộc cách này này là quan niệm về chính trị. Phải xem chính trị là đạo đức ứng dụng, là một cố gắng thể hiện, qua pháp luật, lẽ phải và các giá trị đạo đức trong xã hội. Cứu cánh của chính trị là phục vụ và tôn vinh con người. Như vậy, bắt buộc những người hoạt động chính trị phải có sự hiểu biết về quốc gia và thế giới, hiểu biết về cách vận hành của các định chế quốc tế và bộ máy nhà nước. Đức tính mà những người làm chính trị cần có đó là sự dũng cảm, lòng bao dung, sự lương thiện, tôn trọng lẽ phải, sự thật và nhất là lý tưởng phục vụ con người và xã hội.

Cuộc cách mạng này “không nhằm tiêu diệt hay hạ nhục bất cứ ai mà để tôn vinh mọi người, tôn vinh quyền làm người và quyền được hưởng hạnh phúc như một dân tộc lớn mà dân tộc ta rất xứng đáng để có”.

(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai)

Sở dĩ trí thức Việt Nam vẫn chưa ủng hộ cho các tổ chức đối lập là vì họ không hiểu, thế nào là một tổ chức chính trị, cứu cánh của hoạt động và đấu tranh chính trị là gì? Họ không biết vì họ không muốn biết chứ không phải vì chúng quá khó hay vì chúng chưa được khám phá.

Các tổ chức đối lập dân chủ Việt Nam muốn nhận được sự ủng hộ của người dân thì phải thay đổi các quan niệm cũ về hoạt động chính trị bằng những quan niệm mới, văn minh, tiến bộ và phù hợp với thời đại. Trí thức và người dân Việt Nam cũng thế, phải dành thì giờ để tìm hiểu về chính trị và các tổ chức chính trị để quyết định nên ủng hộ cho tổ chức nào. Đảng cộng sản Việt Nam đã chết vì nó không có bất cứ một Dự án chính trị nào cho đất nước. Chủ nghĩa Mác Lênin đã được thực tế chứng minh là hoang tưởng, độc ác và nhảm nhí. Chủ nghĩa đó đã bị cả thế giới lên án như là tội ác chống lại nhân loại và đã bị vứt vào sọt rác của lịch sử.

Việt Hoàng

(16/04/2020)

(1). https://www.thongluan.blog/2020/01/tranh-au-nao-e-thang-loi-viet-hoang.html?

(2). https://www.thongluan.blog/2016/12/chon-lua-giua-van-ong-quan-chung-va.html

Published in Quan điểm

Chắc có lẽ không mấy ai còn phản đối ý kiến "đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức với nhau chứ không phải giữa các cá nhân". Tất nhiên là như thế vì tranh đấu cá nhân chỉ là hoạt động chính trị nhân sĩ. Nếu ai chưa rõ thế nào là đấu tranh kiểu nhân sĩ thì có thể xem lại bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Gia Kiểng với nhà văn Phạm Thị Hoài "Về văn hóa chính trị nhân sĩ" (1).

chinhtri1

Chính trị là làm việc chung, để cùng cống hiến cho một lý tưởng đẹp và quảng đại chứ không phải tìm kiếm vinh quang cho cá nhân. Ảnh minh họa nghề làm muối (tiin.vn)

Một trong những điều kiện cần của thể chế dân chủ là phải có "đa đảng". Đa đảng cũng chưa hẳn có dân chủ như trường hợp Nga, Iran, Venezuela… Nhưng nếu chỉ có một đảng thì không thể có dân chủ. Đa đảng để làm gì ? Tất nhiên là để cạnh tranh với nhau. Mỗi tổ chức sẽ đưa ra một Dự án chính trị (hay còn gọi là Cương lĩnh chính trị) về quản trị quốc gia. Dự án nào khả thi, hợp lý và được nhiều người dân ủng hộ nhất thì đảng đó sẽ được dân bầu để trở thành đảng cầm quyền.

Theo định nghĩa của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, thì "một chính đảng đúng nghĩa được quan niệm như là một dụng cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị và để thực hiện một dự án chính trị".

Nếu làm chính trị chỉ để tranh giành quyền lực và sau đó xem đất nước như là một chiến lợi phẩm để chia chác và ban phát cho nhau như đảng cộng sản đang làm thì đó không phải là làm chính trị mà là… làm cướp. Cướp chính quyền cũng là cướp.

Như vậy "một đảng (hay một tổ chức) chính trị là tập hợp của những người cùng chia sẻ một lý tưởng chính trị với mong muốn tham gia vào chính trường, được nắm quyền để thay đổi xã hội theo những giá trị mà tổ chức đó đề nghị và theo đuổi" (2).

Chính trị là làm việc chung, để cùng cống hiến cho một lý tưởng đẹp và quảng đại chứ không phải tìm kiếm vinh quang cho cá nhân. Chính vì không phải tìm kiếm thành công cho cá nhân nên một tổ chức chính trị phải có Dự án chính trị để giới thiệu với người dân. Căn cứ những đề nghị trong Dự án chính trị đó mà người dân có thể biết được và đánh giá tổ chức đó muốn gì, đề nghị cụ thể gì cho đất nước. Cũng căn cứ vào Dự án chính trị đó để người dân theo dõi xem tổ chức có làm theo đúng những gì đã đề nghị hay không.

Xin nhắc lại ba đặc tính căn bản của một xã hội dân chủ đó là :

- Tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tín ngưỡng.

- Tự do kết hợp, tức là tự do lập hội và tham gia vào các tổ chức xã hội dân sự hoặc các đảng phái chính trị.

- Tự do bầu cử và ứng cử vào các cơ quan công quyền.

Như vậy dân chủ bắt buộc phải có đa đảng và bầu cử tự do để người dân lựa chọn và trao quyền lãnh đạo đất nước cho một tổ chức chính trị mà họ cảm thấy có khả năng nhất. Nếu không có các chính đảng lớn và có tầm vóc, kể cả khi không còn cộng sản nữa thì Việt Nam vẫn không có dân chủ. Một đất nước dân chủ không phải có chính quyền mạnh mà là có đối lập mạnh. Không có cạnh tranh chính trị thì đất nước sẽ không có tiến bộ và phát triển. Đảng cộng sản Việt Nam "một mình một chợ" lãnh đạo đất nước hơn 70 năm qua nhưng thay vì phát triển thì họ càng ngày càng suy thoái và sẽ sớm bị đào thải. Họ không có cơ chế và công cụ để thay đổi vì không có cạnh tranh chính trị.

Với mức độ tự do hiện nay, nếu có quyết tâm và biết cách thì vẫn có thể thành lập các chính đảng. Việc đầu tiên là tổ chức đó phải có một "tư tưởng chính trị" để gắn kết các thành viên lại với nhau. Tiếp theo là tổ chức đó phải xây dựng và đào tạo được một "đội ngũ cán bộ nòng cốt", là những người hiểu rõ tư tưởng và lộ trình tranh đấu của tổ chức, có quyết tâm và khả năng động viên quần chúng bằng lý luận, bằng sự hiểu biết thông qua khả năng diễn thuyết, viết, nói… Các bước tiếp theo là kiểm điểm phương tiện, xây dựng cơ sở quần chúng và bước cuối cùng mới là đứng lên "hiệu triệu quần chúng" khi cơ hội đến.

Để tránh bị chính quyền đàn áp thì ban lãnh đạo của các tổ chức chính trị Việt Nam lúc ban đầu bắt buộc phải đặt đầu não và cơ quan truyền thông ở hải ngoại. Phân công công việc cho hợp lý giữa người trong nước và ngoài nước là rất quan trọng. Việc cho rằng đấu tranh là phải đối đầu trực diện với chính quyền, ví dụ việc đặt ban lãnh đạo trong nước là một sai lầm như trường hợp Hội Anh Em Dân Chủ, với hậu quả toàn bộ ban lãnh đạo bị bắt và kết án rất nặng. Tranh đấu dân chủ là con đường dài và gian nan, bảo toàn lực lượng phải là ưu tiên lớn nhất của các tổ chức chính trị đứng đắn.

Thành lập một tổ chức chính trị mới là điều không hề đơn giản, kể cả ở hải ngoại, nơi mà người Việt hoàn toàn tự do và không bị ai đàn áp. Không có Kinh thì không thể có Đạo. Không có tư tưởng chính trị thì không thể qui tụ được thành viên. Chưa kể văn hóa Khổng giáo ngăn cấm mọi kết hợp tự do của người dân nên người dân Việt Nam khá xa lạ với "văn hóa tổ chức", dù chỉ là tổ chức xã hội dân sự. Việt Nam có hơn 20 tổ chức xã hội dân sự đã ra đời nhưng sự thực có bao nhiêu tổ chức hoạt động có hiệu quả ? Và chính những người đã từng tham gia vào các tổ chức xã hội đó mới thấu hiểu những khó khăn khi làm việc với những người khác trong một tổ chức. Chính vì khó nên đa số người Việt luôn chọn cách đấu tranh nhân sĩ, tức là một mình.

Cũng cần biết rằng một tổ chức chính trị rất khác với một tổ chức xã hội dân sự. Tổ chức xã hội dân sự là tất cả những kết hợp tự do của người dân và độc lập với chính quyền. Các tổ chức xã hội dân sự không có tham vọng cầm quyền và chỉ có một (hay vài) mục tiêu cụ thể như bảo vệ môi trường, bảo vệ nhân quyền, bảo vệ tự do tôn giáo… Trong khi đó, tổ chức chính trị là một tổ chức phức tạp nhất và cao nhất trong các hình thái của các tổ chức vì nó có nhiều mục tiêu khác nhau và có tham vọng cầm quyền để nhằm thực thi một dự án chính trị đã đề nghị trước đó. 

Do đó, các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức chính trị hoàn toàn khác nhau. Khác nhau về mục tiêu cũng như phương pháp hành động. Nên hiểu điều này để không chỉ trích lẫn nhau vì các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức chính trị là đồng minh quan trọng của nhau. Ví dụ một tổ chức xã hội dân sự chuyên làm từ thiện thì phải công khai và kêu gọi mọi người ủng hộ nhưng một tổ chức chính trị thì nếu muốn làm từ thiện cũng phải bí mật vì nếu không chính quyền sẽ chụp mũ người nhận từ thiện là ‘nhận tiền của các thế lực thù địch’... Các tổ chức chính trị cần đi xa hơn với mục tiêu là thay đổi chế độ trong khi các tổ chức từ thiện là ‘cấp cứu’ hay ‘cứu nguy’ ngay lập tức những người lâm nạn hay cần giúp đỡ. Từ thiện là hành động cao đẹp của tâm hồn con người mà chúng ta cần ủng hộ và tôn vinh.

Trong quá trình tham gia vào các tổ chức xã hội sẽ có những người sẽ khám phá ra rằng ra gốc rễ của mọi vấn đề ở Việt Nam nằm trong thể chế độc quyền chính trị và họ sẽ dấn thân thêm một bước cao hơn là kết hợp lại với nhau trong một tổ chức chính trị.

Giai đoạn kết hợp lại với nhau trong một tổ chức chính trị để cùng tranh đấu là giai đoạn quan trọng nhất của mỗi người. Nó đánh dấu việc kết thúc tranh đấu cá nhân và tiến lên một bậc cao hơn: Đấu tranh có tổ chức. Từ một tiếng nói lương tâm chuyển lên đấu tranh chuyên nghiệp, quyết tâm thay đổi xã hội cùng với những người chung chí hướng’ (3).

Đảng cộng sản Việt Nam đang tồn tại trong vật vã vì khủng hoảng toàn diện. Họ rất muốn thay đổi nhưng lại không thể thay đổi. Họ muốn chống tham nhũng nhưng không thể chống được vì ‘ta đánh ta’. Vì không có cạnh tranh chính trị nên họ không có áp lực và công cụ để thay đổi bất cứ điều gì, từ thể chế đến nhân sự. Việc ông Nguyễn Phú Trọng bị đột quị khi đang thăm và làm việc tại Kiên Giang sau đó phải cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy đã khiến không chỉ dư luận Việt Nam nổi sóng mà còn khiến nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam chao đảo. Nếu vì lý do sức khỏe mà ông Trọng không thể tiếp tục công việc của mình thì chính trường Việt Nam sẽ gặp khủng hoảng nghiêm trọng. Các phe nhóm sẽ đấu đá dữ dội để tranh giành quyền lực trong hoàn cảnh không có một khuôn mặt nào sáng giá và có khả năng để thay thế ông Trọng (nếu có thì ông Trọng đã được nghỉ hưu lâu rồi chứ không phải một mình ngồi hai ghế).

Một điều cũng rất không bình thường trong vụ ông Trọng bị đột quị đó là dư luận và mạng xã hội không có bất cứ ai tỏ ý buồn rầu hay lo lắng cho ông Trọng mà trái lại là một tâm lý hả hê, vui mừng... Chỉ trong một đất nước không bình thường thì người dân mới có tâm lý đó. Đây là một cảnh báo nghiêm trọng cho Đảng cộng sản Việt Nam. Họ đã đánh mất hết niềm tin trong dân chúng. Đã đến lúc họ cần phải chủ động thay đổi đất nước về hướng dân chủ thay vì tiếp tục ‘cố đấm ăn xôi’ khi kéo dài sự cai trị của mình.

Tình trạng ruỗng nát của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực và rất có thể các nhóm tài phiệt tư bản đỏ sẽ cấu kết với các nhân sĩ để giành lấy chính quyền và lấp vào khoảng trống quyền lực đó (4). Nếu trong thời điểm chuyển giao sắp tới mà đất nước vẫn chưa có một giải pháp nào để thay thế cho giải pháp cộng sản thì chính quyền sẽ rơi vào tay giới tư bản đỏ. Chính vì lẽ đó mà người dân Việt Nam cần phải ủng hộ cho một hay vài tổ chức chính trị dân chủ đứng đắn với một giải pháp mới vào thời điểm lịch sử sang trang. Tổ chức chính trị đó sẽ mang lại một hy vọng và niềm tin cho đất nước đồng thời có tác dụng ngăn chặn các thế lực bất chính lên nắm quyền và giải quyết các di sản mà chế độ cộng sản để lại.

Người Việt Nam vẫn còn tâm lý ‘nước đến chân mới nhảy’ khi có những người phát biểu rằng ‘cứ lật đổ chế độ cộng sản đi cái đã, mọi chuyện sau đó hẵng tính’. Rất tiếc là khi đó mọi chuyện đã quá muộn. Ai Cập là một ví dụ. Sau khi lật đổ được nhà độc tài Hosni Mubarak bằng một cuộc ‘cách mạng đường phố’ thì nay họ lại rơi vào một chế độ độc tài khác của tướng Sissi. Muốn hay không thì người dân Việt Nam cũng phải ủng hộ cho một tổ chức chính trị nào đó để chuẩn bị và thay thế cho chế độ cộng sản. Nên ủng hộ cho các tổ chức chính trị thay vì các nhân sĩ.

Các tổ chức chính trị dân chủ đang còn hoạt động của người Việt không nhiều nên không quá khó để chọn ủng hộ ai, tổ chức nào ? Đồng ý là cho đến giờ vẫn chưa có một tổ chức chính trị đối lập nào thật sự có tầm vóc và hùng mạnh, chính vì lẽ đó mà người dân Việt Nam trong và ngoài nước cần tìm hiểu để ủng hộ cho các tổ chức để các tổ chức đó trở nên hùng mạnh và có tầm vóc.

Làm thế nào để ‘yên tâm’ tham gia hay ủng hộ một tổ chức chính trị đối lập ? Làm sao để biết được một tổ chức chính trị nào là tốt hay xấu ? Chỉ có một yếu tố duy nhất để có được điều đó chính là NIỀM TIN. Niềm tin đó phải có điều kiện, vì niềm tin vào một tổ chức chính trị khác với niềm tin vào một tôn giáo. Đức tin của các tôn giáo gần như là mặc định và không bàn cãi, nhưng niềm tin vào một tổ chức chính trị phải dựa ít nhất trên hai yếu tố, thứ nhất là ‘tư tưởng chính trị’ và thứ hai là ‘đội ngũ nhân sự’ của tổ chức đó’ (5).

Việt Hoàng

(22/04/2019)

(1) https://www.thongluan.blog/2019/02/ve-van-hoa-chinh-tri-nhan-si-pham-thi.html

(2) https://www.thongluan.blog/2018/01/vi-sao-viet-nam-chua-co-cac-to-chuc.html

(3) https://www.thongluan.blog/2017/10/niem-tin-yeu-to-quyet-inh-cho-moi-thang.html

(4) https://www.thongluan.blog/2019/04/canh-giac-voi-cac-lien-minh-quyen-tien.html

(5) https://www.thongluan.blog/2018/10/phuong-phap-au-tranh-cua-tap-hop-dan.html

Published in Quan điểm
vendredi, 15 février 2019 15:56

Chúng ta học được gì từ Venezuela ?

…nhiều người hướng đến dân chủ nhưng lại không có khái niệm đúng đắn thế nào là dân chủ. Đối với họ dân chủ mới là khát vọng chứ chưa phải là lý tưởng. Họ lao về dân chủ như những con thiêu thân mà thiếu hẳn những hoạch định từng bước, những điều kiện và giải pháp cho mỗi khó khăn trên con đường tranh đấu.

vene1

Phe đối lập đã giành được vị thế quan trọng trong đời sống chính trị và Venezuela đang chắp cánh cho giấc mơ dân chủ - Ảnh minh họa

Venezuela đang đứng trước ngưỡng cửa của sự thay đổi. Vấn đề Venezuela đã trở thành tâm điểm chính trị không chỉ của riêng người dân Venezuela mà còn là của thế giới. Nhiều nguyên thủ các quốc gia có tầm vóc đã lên tiếng. Đặc biệt giới đấu tranh Việt Nam đang dán mắt dõi theo khi thấy phe Nicolás Maduro càng ngày càng mất ưu thế trong khi ngược lại phe đối lập đứng đầu là Juan Guaidó đã giành được vị thế quan trọng trong đời sống chính trị của Venezuela, thêm vào đó sự ủng hộ chính thức từ tổng thống cường quốc số một Hoa Kỳ. Niềm mơ ước chấm dứt chế độ độ tài theo xu hướng cộng sản có vẻ như rất gần và Venezuela đang chắp cánh cho giấc mơ dân chủ. Nhiều người đấu tranh Việt Nam đã thốt lên "Venezuela ngày nay, Việt Nam ngày mai".

Venezuela có thực sự như mơ không ? Trước hết phải nhìn nhận tình trạng máu vẫn tiếp tục đổ và chưa có điều gì hứa hẹn nó sẽ dừng lại. Chế độ độc tài Maduro chắc chắn phải ra đi vì nó bấu víu vào ý thức hệ xã hội chủ nghĩa lỗi thời và đã bị đào thải từ lâu. Chế độ xã hội chủ nghĩa đã tàn phá một đất nước giàu có thành một đất nước tàn tạ không chỉ bây giờ mà đã khiến người dân sống trong cơ cực trong nhiều năm. Nó không còn lý do để tồn tại. Nhưng cái quan trọng là chế độ Maduro ra đi bằng cách nào ? Tôi chắc chắn có nhiều người sẽ nói :

- Đâu có quan trọng ra đi bằng cách nào. Quan trọng là nó ra đi.

Khi chế độ độc tài ra đi là điều tất yếu thì việc ra đi không còn quan trọng nữa mà ra đi như thế nào mới là quan trọng. Ra đi như đế quốc Anh khỏi Ấn Độ hay 'ra đi' như Gadafi. Trong khía cạnh này tôi không có ý chỉ nhắc đến cái chết thê thảm của Gadafi mà cả một bối cảnh chuyển mình đau đớn của Libya với những cái chết không quan trọng người đó là ai, không quan trọng người đó ở phe nào.

Sẽ có người cho rằng thành quả cách mạng xứng đáng cho mọi sự hy sinh. Máu sẽ tô thắm thêm ngọn cờ cách mạng.

Ngăn chặn đổ máu trên phương diện quốc gia là nghĩa vụ trách nhiệm của người làm chính trị đứng đắn.

Bạo lực sẽ xảy ra và có cần thiết hay không ?

Tạm nhìn nhận Venezuela hiện có hai lực lượng chính trị đang ở thế đối kháng mà sức mạnh vũ trang đang đóng một vai trò quan trọng. Sự ủng hộ của Trump có vẻ làm nặng thêm cán cân cho phe đối lập. Trong khi đó việc chống lưng cho Maduro từ phía Nga, Trung Quốc cũng là một thực tế. Một số chỉ dấu cho thấy chính quyền Maduro có thể bất chấp sự đổ máu trừ khi là máu mình. Phía Guaido thì chưa có biểu hiện gì nhưng rõ ràng là chưa thấy những nỗ lực thể hiện quan điểm chính trị của Guaido về vấn đề này. Tất cả những dữ kiện trên đều có thể dẫn đến cảnh ‘nồi da xáo thịt’ không mong muốn. 

Kinh nghiệm can thiệp quân sự từ bên ngoài để giải quyết vấn đề bên trong mỗi quốc gia đều phải trả giá rất đắt và thường là không thành công. Sự kêu gọi can thiệp từ bên ngoài của bất cứ phe nào cũng chứng tỏ sự kém cỏi của chính họ. Nó nói nên một điều rằng họ chưa phải là một lực lượng đủ tầm vóc để cáng đáng việc quốc gia. Vì thế tôi không thể đồng ý với mong muốn của nhiều người là Mỹ cũng như các lực lượng khác phải can thiệp vào Venezuela bằng quân sự. 

Hiển nhiên tôi mong muốn và cầu chúc cho Venezuela cũng như Việt Nam có dân chủ, nhưng quan điểm chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và tôi là không chấp nhận trả giá cho nó bằng máu. Một lực lượng chính trị với quan điểm như vậy có thể không ngăn cản được hoàn toàn bạo lực nhưng chắc chắn nó cũng giảm thiểu tối đa sự thiệt hại. Để làm được điều đó thì lực lượng chính trị này phải có đủ niềm tin vào giải pháp chính trị phi bạo lực, phải đủ lý lẽ để đối phương thấy đó là con đường tốt đẹp nhất cho chính họ và cũng là cho dân tộc. Bất bạo động không phải là thủ pháp chính trị mà là lập trường chính trị xuất phát từ lý trí và tình yêu dân tộc. 

vene2

Bất bạo động không phải là thủ pháp chính trị mà là lập trường chính trị xuất phát từ lý trí và tình yêu dân tộc. Ảnh minh họa

Trong tình thế đứng trước ngưỡng cửa của bước ngoặt lịch sử này, nếu Guaido và cộng sự có được tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc thì chắc chắn Guaido sẽ có được hàng loạt các cuộc vận động chính trị để tháo gỡ bế tắc chính trị hiện nay. 

Tôi không có đủ thông tin để xác quyết nội tình phe Maduro nhưng có thể đoán nó cũng không khác xa nội tình Đảng cộng sản Việt Nam rằng, sự ủng hộ của các tướng lãnh với Maduro không thuần túy là niềm tin hay sự kính quý. Nó đơn thuần chỉ là một liên minh ma quỷ gắn kết với nhau thuần túy vì quyền lợi và quyền lực bất minh. Tuy nhiên chất gắn kết này (quyền lợi và quyền lực bất minh) cũng chính là chất hủy diệt của liên minh cầm quyền. 

Liên minh ma quỷ đó đã trải qua nhiều năm tháng tàn phá đất nước và phạm nhiều tội ác. Họ đã tha hóa trầm trọng để cảm thấy đây là bước ngoặt sống còn của họ. Nhiều người có tội không chỉ với Venezuela mà còn bị truy nã quốc tế. Nghĩa là ngoài Venezuela họ không còn chốn dung thân. Tôi nghĩ rằng đây là lý do quan trọng nhất cho sự tồn tại của liên minh Maduro.

Mặc dù Guaido đã có lời kêu gọi các tướng lĩnh đứng về phía nhân dân nhưng kết quả cho thấy lời kêu gọi chưa đủ khả năng thuyết phục. Có thể có hai khả năng, một là lời hứa chưa đủ cho niềm tin, hai là lời kêu gọi nặng về tình cảm, thiếu tính thực tế.

vene3

Guaido có làm lên lịch sử hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nhận thức và bản lĩnh chính trị của ông và phe nhóm.

Cơ hội ngàn năm đang ở trong tay Guaido. Ông có làm lên lịch sử hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nhận thức và bản lĩnh chính trị của ông và phe nhóm. Nói lý thuyết nghe có vẻ hay nhưng rốt cuộc khả năng nhận thức và bản lĩnh chính trị là cái gì ? Nó cũng không phải cái gì quá cao siêu ghê gớm. Nó đơn giản là ông Guaido và đồng sự đã thảo luận để nhìn thấy trước xu hướng chuyển biến chính trị chưa ? Họ đã có nhận định bối cảnh chính trị sẽ chuyển biến đến đâu hay chưa ? Họ đã có kế hoạch để giải quyết khủng hoảng chưa ? Hay chính họ cũng bất ngờ ?

Diễn tiến quá khứ không xa của Venezuela, phe đối lập đã từng thành công và chiếm 2/3 ghế trong quốc hội. Có lẽ họ bất ngờ ngay với thành công của mình nên không biết làm gì với nó. Họ đã không biết sử dụng vị thế chính trị, mà họ đã giành được một cách chính đáng. Rất tiếc là đối lập đã bị Maduro lật lại dẫn đến cơn khủng hoảng chính trị ngày hôm nay. 

Điều đó cho thấy đối lập chưa hẳn là lực lượng dân chủ có viễn kiến và có tầm vóc. Nói đúng hơn họ chỉ là lực lượng chống độc tài Maduro. Chống bất công, chống sự chà đạp nó đơn thuần là phản ứng tự nhiên. Nó khác với đấu tranh dân chủ, vì đấu tranh dân chủ là sự dấn thân của lý trí. Nó xác định mục đích dài hạn là xây dựng nền dân chủ. Việc giành vị thế chính trị hay lật đổ độc tài chỉ là một bước bắt buộc để đi đến việc thiết lập dân chủ. Người đấu tranh cũng phải có thời gian nghiền ngẫm để thấy được tính chính đáng cũng như sức mạnh của dân chủ, thấy được ưu thế cũng như những vấn đề của mô hình dân chủ.

Có lẽ thành tựu của dân chủ, sự hơn hẳn mọi mặt của các nước dân chủ so với độc tài khiến cho nhiều người dứt khoát chọn dân chủ mà không cần thảo luận cần suy nghĩ. Điều này dẫn đến việc đáng tiếc là nhiều người hướng đến dân chủ nhưng lại không có khái niệm đúng đắn thế nào là dân chủ. Đối với họ dân chủ mới là khát vọng chứ chưa phải là lý tưởng. Họ lao về dân chủ như những con thiêu thân mà thiếu hẳn những hoạch định từng bước, những điều kiện và giải pháp cho mỗi khó khăn trên con đường tranh đấu.

Khủng hoảng kinh tế trầm trọng kéo dài đòi hỏi sự thay đổi. Nỗi khốn khó từng ngày trên mỗi người dân trong nhiều năm là quá đủ để người ta căm ghét sự độc tài, đây là cơ hội rất lớn cho dân chủ. Nhưng dân chủ có đến hay không lại là một chuyện khác. Nó phụ thuộc vào việc đã hình thành được lực lượng chính trị dân chủ hay chưa. Cơ hội đến rồi đi, nó chỉ ở lại với lực lượng đã có sự chuẩn bị để chờ đón nó. Nhiều cuộc "cách mạng" đã nổ ra, nhiều chế độ độc tài đã ra đi nhưng nó chỉ được thay thế bằng một chế độ độc tài khác. Đây là kết quả hiển nhiên khi thiếu vắng một lực lượng chính trị có lập trường và tư tưởng dân chủ, có lộ trình dẫn đến thành công.

Juan Guaidó bắt đầu tham gia chính trị từ năm 2007 cho đến ngày trở thành "tổng thống lâm thời" và nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Ông và đồng sự đã có khoảng thời gian dài hơn 10 năm để chuẩn bị cho ngày hôm nay. Đây chính là lúc cần thiết nhất để vận động chính trị, họp báo, diễn thuyết, thông cáo, thảo luận, đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khủng hoảng chính trị, xúc tiến các cuộc thương thuyết với tất cả các bên, từ giới quân sự đang ủng hộ Maduro cho đến các nước dân chủ trên thế giới... Ông có làm được điều đó hay không ? Có gì để nói, để thương thảo hay không ? Tất cả phụ thuộc vào việc ông có dự án chính trị hay không ?

Vấn đề dân chủ hóa Việt Nam cũng có những nét tương đồng đó. Tôi thấy có khá nhiều người Việt phản ứng tiêu cực với cụm từ "Dự án chính trị" và nhìn nó với sự kỳ lạ. Có thể cảm thông cho điều đó nói chung nhưng không thể chấp nhận được khi có người đấu tranh nói không cần dự án chính trị. Sự thiếu vắng những "dự án chính trị" nghiêm túc và khả thi trong các tổ chức đấu tranh, chính là sự đảm bảo cho chế độ độc tài tiếp tục cầm quyền.

Đỗ Xuân Cang

(15/02/2019)

Published in Quan điểm