Trình bày sự thật qua mạng xã hội : nỗi lo của đảng ! (RFA, 22/12/2019)
Tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hôm 23/12/2019, Ban Tuyên giáo Trung ương Việt Nam đưa ra cảnh báo rằng kể từ sang năm 2020 mạng xã hội tiếp tục bị sử dụng bởi giới mà những vị phụ trách tư tưởng- văn hóa của Hà Nội gọi là ‘thế lực thù địch’. Mục tiêu cũng được nêu rõ là để ‘gia tăng chống phá trong thời gian diễn ra đại hội đảng bộ các cấp và dịp Đại hội Đảng Toàn Quốc lần thứ XIII.’
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP
Ông Võ Văn Phuông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khi phát biểu tại hội nghị cho biết, Ban Tuyên giáo đang triển khai Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị "về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới".
Ban Tuyên giáo cũng nhận định, trong năm 2020, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục sử dụng mạng xã hội để gia tăng các hoạt động chống phá, nói xấu, chia rẽ đảng với dân…
Trả lời RFA hôm 23/12, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân Vận Trung ương, nhận định :
"Hiện nay đảng đang ngày một xấu đi, đấy là một sự thật, nó xấu cả về lý thuyết, nó xấu cả về chủ trương đường lối, chính sách… đặc biệt nó xấu về hệ thống tổ chức, nhất là cán bộ cầm quyền của đảng càng ngày càng xấu, càng thoái hóa, đồi trụy… Đảng không nên cấm người ta nói xấu mà nên vạch ra cái xấu để đảng thấy mà sửa. Ông Hồ nói như thế, đảng nói học theo Hồ Chí Minh, nhưng chỉ là nói phét, có học hành gì đâu. Tham nhũng, cậy quyền áp bức dân là chính, cướp bóc của dân, cái đó phải sửa chứ còn gì ? Mà ai vào tù, ủy viên bộ chính trị vào tù, ủy viên trung ương đảng vào tù, bộ trưởng đảng viên vào tù… phải sửa chứ còn sợ người ta nói xấu gì ?"
Đây không phải lần đầu tiên Chính quyền Việt Nam kêu gọi đấu tranh chống âm mưu chống phá đảng trên mạng xã hội. Vào đầu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lên tiếng kêu gọi đánh bại cái mà người đứng đầu chính phủ Hà Nội cũng như lãnh đạo Việt Nam lâu nay gọi là ‘âm mưu chống phá Đảng, nhà nước’ : "Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước".
Hay tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm ngoái, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cũng từng lên tiếng cảnh báo cần phải đấu tranh hiệu quả, quyết liệt, mạnh mẽ với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị của cán bộ đảng viên, nhất là tình trạng viết bài trên mạng xã hội hoặc đưa tài liệu cho người khác viết bài trái với quan điểm của Đảng.
Nhà báo Nguyễn Văn Khánh, nguyên phóng viên Ban Khoa giáo, báo Tiền Phong, khi trao đổi với RFA hôm 23/12, nói :
"Theo quan điểm của tôi, việc ban tuyên giáo hay đảng cộng sản lo ngại thông tin trên mạng xã hội đã có từ lâu, nhất là trong thời đại bây giờ họ không thể nào bưng bít, dối trá người dân được nữa, cho nên những biện pháp họ đưa ra tôi cho là không khả thi".
Cũng tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, Ban Tuyên giáo đã chỉ đạo phải dự báo, phát hiện sớm "điểm nóng" để tổ chức lực lượng, tin, bài đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch ; ngăn chặn các trang mạng xã hội, blog cá nhân nói xấu đảng, chống phá đảng, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng…
Trả lời RFA hôm 23/12, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên cộng sản cao niên, từng công khai lên tiếng từ bỏ đảng, nói :
"Việc người ngoài có nói xấu đảng hay không ? Tại sao đảng lại không công khai để đối thoại trực tiếp ? Tôi cho rằng đấy là các nhà hoạt động dân chủ, còn đảng thì cho rằng đấy là thế lực thù địch, tự chuyển biến, tự chuyển hóa nói xấu đảng. Nhưng mà những người phát ngôn thì họ cho rằng, đó là nói sự thật, nhưng sự thật xấu. Nói xấu có nghĩa là người ta không xấu nhưng mình bịa đặt ra, bôi nhọ người ta, nhưng nếu mình xấu thật, mà người ta vạch chuyện xấu của mình ra thì đấy là nói sự thật".
Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Đình Cống lại cho rằng, có những việc sự thật trong lịch sử rõ ràng, nhưng đảng lại nói khác đi, đảng tuyên truyền, nhưng khi có ai nói ra chuyện đấy thì, nhà cầm quyền lại cho rằng là ‘lật sử’, ‘nói ngược với đảng’. Vì vậy, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, trong chuyện này, đảng đã cố tình, dùng uy lực của mình quy kết người ta, dùng hệ thống tuyên truyền của mình để nói người ta, chứ không dám công khai nói thật.
Cũng tại Hội nghị, Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, thượng tướng phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân đội cho rằng, các thế lực thù địch luôn muốn xóa bỏ hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xóa bỏ đường lối của Đảng, thành tựu cách mạng của Đảng, phi chính trị hóa lực lượng công an, quân đội.
Liên quan vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nhận định :
"Chủ nghĩa Mác Lê-Nin vốn bản thân nó đã sai, chính ông Karl Marx cũng đã thừa nhận ý nghĩ trẻ con, lúc ấu thời ảo tưởng, bây giờ cuối đời thấy sai và bỏ đi, không coi lý tưởng cộng sản là đúng nữa. Chính người sáng lập ra nó đã công nhận là sai, thì bây giờ Việt Nam nói đúng thế nào được. Bây giờ Việt Nam nên thay đổi, đừng bám theo cái sai lầm nữa, đi về với dân đi, để dân người ta bày cho cái chuyện tử tế".
Liên quan đến những lo ngại đảng viên viết bài nói xấu Đảng, đi sai đường lối của Đảng, Ban Tuyên giáo trung ương hôm 23/12 cũng cho biết, sẽ xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị "Quy định việc lập và sử dụng các trang web, blog, fanpage, tài khoản mạng xã hội của cán bộ, đảng viên".
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nói tiếp :
"Phe nọ chống phe kia thì mới đưa ra cho bàn dân thiên hạ biết, nhưng mà không chỉ như thế, tôi nghĩ trong đảng cũng có người tử tế, và họ muốn vạch trần chuyện ấy cho công luận biết cái xấu ấy để sửa, để mà loại trừ một bầy sâu. Bây giờ không phải chỉ có một con sâu, ông Trương Tấn Sang từng nói là cả một bầy sâu cơ mà. Nói là nội bộ vạch ra, nếu không có cái xấu thì nội bộ nào vạch ra được ?"
Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, không dám nhìn nhận sự thật, mà chỉ nói loanh quanh thì không thể sửa sai được, thì làm sao có thể tiến bộ được.
Nguồn : RFA, 23/12/2019
*********************
Việt Nam chống việc lợi dụng mạng xã hội chống phá dịp Đại hội Đảng (RFA, 23/12/2019)
Ban Tuyên giáo Trung ương Việt Nam cảnh báo, sang năm 2020, mạng xã hội sẽ tiếp tục bị sử dụng bởi giới mà những vị phụ trách tư tưởng- văn hóa của Hà Nội cho là ‘thế lực thù địch’ nhằm ‘ gia tăng chống phá trong thời gian diễn ra đại hội đảng bộ các cấp và dịp Đại hội Đảng Toàn Quốc lần thứ XIII.
Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hôm 23/12/2019. Courtesy chinhphu.vn
Thông tin vừa nói được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hôm 23/12/2019.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Văn Phuông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết Ban Tuyên giáo đã tham mưu Ban Bí thư ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo 35 của trung ương, để triển khai Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị "về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới".
Về nhiệm vụ năm 2020, Ban Tuyên giáo nhận định các thế lực thù địch tiếp tục sử dụng mạng xã hội để gia tăng các hoạt động chống phá, chia rẽ đảng với dân, nhất là trong dịp đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII theo dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2021.
Ban Tuyên giáo cũng chỉ đạo phải dự báo, phát hiện sớm "điểm nóng" để tổ chức lực lượng, tin, bài đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch ; ngăn chặn các trang mạng xã hội, blog cá nhân chống phá Đảng, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là trong dịp tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Ngoài ra, Ban Tuyên giáo trung ương cho biết, sẽ xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị "Quy định việc lập và sử dụng các trang web, blog, fanpage, tài khoản mạng xã hội của cán bộ, đảng viên".
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, cũng cảnh báo về chiến dịch chống phá Đại hội XIII của Đảng. Theo ông, các đối tượng đã lập blog "Lập dân quyền" tán phát những bài viết xuyên tạc về đường lối của Đảng. Rồi trang danluan.org trong đó đưa cả tài liệu mật, tối mật, những tài liệu xuyên tạc…
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành cho biết, theo chỉ đạo của Đảng uỷ công an, đã có hơn 50 đơn vị địa phương thành lập ban chỉ đạo, bộ phận thường trực của công an địa phương trong công tác bảo vệ tư tưởng, đấu tranh với quan điểm thù địch phản động.
Thứ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông, ông Hoàng Vĩnh Bảo, lên tiếng tại hội nghị vào ngày 23 tháng 12 rằng nếu không quản lý tốt sẽ dẫn đến việc mà theo ông này là lợi dụng cung cấp thông tin sai để bên nọ chiến đấu bên kia.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Thượng tướng, Phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân đội cũng thừa nhận rằng nhiều thông tin do nội bộ trong đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam đưa ra để thế lực thù địch chống phá. Và theo ông này đây là biểu hiện của lợi ích nhóm trong công tác tư tưởng cần phải ngăn chặn.
Nguồn : RFA tiếng Việt, 23/12/2019
Tuân thủ luật pháp Việt Nam, phục vụ cho đường lối của đảng cộng sản, các mạng xã hội do các công ty Việt Nam phát triển sẽ không thể có tự do thông tin, bày tỏ chính kiến, suy nghĩ…
Một trang mạng xã hội muốn thành công phải tạo dựng được sự tin tưởng của người dùng. Muốn vậy, đảm bảo về bảo mật, tự do thông tin, phát biểu suy nghĩ... Dưới sự cai trị của đảng cộng sản các trang mạng xã hội do Việt Nam làm chủ khó đảm bảo được điều này.
Các mạng xã hội do các công ty Việt Nam phát triển sẽ không thể có tự do thông tin, bày tỏ chính kiến, suy nghĩ…
Mạng xã hội đâu phải là nơi "bế quan tỏa cảng" !
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt Mạng xã hội Lotus, vào ngày 16/9 vừa rồi, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc của Vccorp nói : "Thông tin trên mạng xã hội mà ông đọc được trong 10 năm trở lại đây không đem lại cho ông cảm giác thỏa mái. Do đó, Mạng xã hội Lotus chỉ hướng tới sự tích cực, tạo ra điều tích cực".
Làm sao có thể chỉ nói đến những điều tích cực khi thực tế tại Việt Nam đang có quá nhiều bất công, lẽ phải bị chà đạp, luật pháp bị xem thường, giá trị cơ bản của con người không được tôn trọng ?
Ông Tân chắc có ước muốn Mạng xã hội Lotus không cần chia sẻ suy nghĩ thật, ở đó chỉ có thái độ trốn tránh thực tại. Một nơi như thế chắc chỉ sẽ là nơi rất thích hợp để ‘bò đỏ’ tự rống, họ với nhau.
Nhận xét về Mạng xã hội Lotus, Chi Giao, một cô gái có bằng thạc sĩ truyền thông ở Úc, hiện đang làm việc tại thành phố Đà Nẵng cảm nhận : "Mới dùng lần đầu nhưng email được báo đã được dùng để đăng ký tài khoản. Điều này khiến mình rất lùng bùng về việc mấy người phát triển của Lotus đã sử dụng dữ liệu người dùng internet tùy tiện. Việc đăng ký rất dễ dãi, mức độ dễ dãi này đồng nghĩa với sự thiếu chuyên nghiệp và kém bảo mật. News feed toàn tin bài nhảm nhí! Người dùng không thể tự chọn lọc nội dung : Sự hấp dẫn của Mạng xã hội Lotus do các nhà sáng tạo nội dung. Trong tương lai thì chưa biết thế nào, chứ hiện tại 500 nhà sáng tạo nội dung mà Lotus đề cập chỉ thấy toàn tin báo (nhiều báo lá cải), chưa thấy cái gì đặc sắc. Chưa kể một lô một lốc các hội trai xinh gái đẹp nhìn rất trẻ trâu nhảm nhí (bullshit). Vậy mà Lotus lại rất hạn chế các tùy chọn để lọc news feed. Người dùng không thể thiết kế news feed theo chủ ý, mà phải chấp nhận lắm thứ ngớ ngẩn. Không thể xóa được tài khoản: Giờ lỡ tạo tài khoản rồi mà thấy ghét bỏ, muốn xóa cũng không có lựa chọn !".
Thực tế, khi đọc điều khoản sử dụng các trang Mạng xã hội do các công ty Việt Nam làm chủ không thể có được sự tự do bày tỏ thông tin. Để tuân thủ nó người dùng phải cực kỳ ngoan ngoãn. Mạng xã hội Zalo còn cấm người dùng : "Tuyệt đối không bàn luận về các vấn đề chính trị".
Mạng xã hội là sản phẩm của tự do, trí tuệ, thông tin, kết nối, dân chủ, văn minh chứ không thể là sản phẩm của kiểm duyệt kiểu cộng sản, độc quyền, không thể chơi trò ‘bế quan tỏa cảng’. Nếu muốn thành công phải đảm bảo được những điều cơ bản trên.
Nhà nước cộng sản Việt Nam luôn cay cú với những thông tin mà người dùng Facebook, Youtube đưa lên. Họ luôn tìm cách để cản trở, gỡ bỏ và tạo ra đội ngũ báo cáo giả để khiếu nại. Chính quyền Việt Nam đã dùng nhiều cách, thủ đoạn, ngay cả Luật An ninh mạng để ‘trói’ Facebook, Youtube... Do đó, chắc chắn một mạng xã hội trong nước không thể có tự do thông tin.
Quá lạc quan
Tại buổi lễ ra mắt, Lotus đặt mục tiêu sẽ có bốn triệu người dùng sau một năm đưa vào vận hành. Trước đó, vào tháng 6 năm nay, Mạng xã hội hahalolo khi đưa vào vận hành kỳ vọng đạt hai tỷ người dùng vào năm 2024, lên sàn chứng khoán Mỹ vào năm 2025 và cạnh tranh trực tiếp với Facebook. Một tháng sau đó, Mạng xã hội Gapo ra đời và đặt mục tiêu 50 triệu người dùng sau hai năm.
Khi mới nhậm chức ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông đã đặt mục tiêu đến năm 2022, người Việt dùng Mạng xã hội do Việt Nam làm chủ sẽ bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam (hiện FB đang có khoảng 58 triệu tài khoản tại Việt Nam) và chiếm 60 - 70% thị phần.
Không phải đến thời ông Nguyễn Mạnh Hùng, các đời bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông trước đó Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son luôn mong mỏi có được Mạng xã hội do Việt Nam làm chủ, được người dùng tin tưởng để có thể cạnh tranh, thay thế được Mạng xã hội từ bên ngoài.
Thực tế đã có rất nhiều trang mạng xã hội do chính quyền hậu thuẫn Tamtay, Yume, Yobanbe... nổi bật hơn có Zingme. Tất cả đều đã bị thất bại. Nguyên nhân chưa hẳn ở nền tảng kỹ thuật, mà nguyên nhân chính ở việc không tạo được sự tin tưởng của người dùng, đảm bảo được sự tự do bày tỏ suy nghĩ.
Tuy nhiên, việc Việt Nam giới thiệu hàng loạt các Mạng xã hội mới trong thời gian gần đây không phải không có những cảnh báo. Anh Hoàng Dũng, một nhà hoạt động xã hội nhận định: "Cứ tặc lưỡi xài. Nghĩ có sao đâu, vì tao chẳng có gì bí mật. Tao chỉ cài vào thôi chứ không dùng. Nên nhớ, khi Lotus bắt đầu có chỗ đứng, vài triệu người dùng thường xuyên thì chiến dịch giết Facebook sẽ bắt đầu.
Chặn Facebook từ từ theo nguyên tắc lùa gà. Bạn không thể cấm người ta lên mạng, dùng mạng xã hội để chửi đảng, để thể hiện bản thân thì bạn phải tạo ra sân chơi cho nó. Xây được chuồng mới (Lotus) rồi, thì mới dần phá chuồng cũ (chặn Facebook). Các nhà phản động đừng đùa. Đừng nghĩ rằng tao đéo qua thì làm gì được tao. Ơ kìa. Hát thì phải có khán giả. Nó lùa hết khán giả sang Lotus rồi thì cho bọn phản động ở lại Facebook làm được gì. Đảng càng mừng".
Hắn mong mỏi người Việt có được những sản phẩm tốt, đảm bảo được các tiêu văn minh, tiến bộ. Không chỉ hắn mà nhiều người sẽ dùng mạng xã hội "made in Việt Nam" khi ở đó sự bảo mật được đảm bảo, tự do thông tin, bày tỏ suy nghĩ, tôn trọng chính kiến…
Võ Ngọc Ánh
(23/9/2019)
Lotus vừa trình làng đã có kết quả như mong muốn
Mặc Lâm, VOA, 19/09/2019
Chính phủ nào lại không có mơ ước làm cho dân mình tiến bộ ngang bằng với các nước phát triển, chí ít trên lĩnh vực thông tin mà thời đại mới cho thấy chỉ có Internet là sợi giây vô địch nối liền năm châu bốn biển và từ đó đẻ ra vô số các lĩnh vực khác để người dân sử dụng như một cách kết nối với nhau trong công việc lẫn vô số chuyện tư riêng cần thiết.
Lotus : mạng xã hội Việt Nam - Ảnh minh họa
Facebook, Instagram, Twitter là thành tựu trong khoa học IT biến người dùng kết nối với nhau thành mạng xã hội. Không những chúng khiến mặt đất trở nên nhỏ bé và mọi sự việc lón nhỏ đều nhanh chóng chia sẻ như đang ngồi đối diện với nhau khiến những tên tuổi này lớn đến nỗi rất nhiều chính phủ muốn nó trở thành sở hữu của mình. Tuy nhiên vấn đề không phải ở chỗ kỹ thuật hay tiền bạc mà nó nằm ở chỗ làm sao hấp dẫn được người dùng, mặc dù họ không phải trả một chi phí nào cả vì mọi chi phí đều do các doanh nghiệp chi trả cho quảng cáo của họ, thông qua số người sử dụng.
Việt Nam có lẽ nhận thấy sự lợi hại của mạng xã hội từ rất sớm, không những nó làm cho người dân gắn kết mà nó còn có khả năng chia sẻ ý tưởng, hình ảnh, sinh hoạt và nhất là thông tin từ mọi ngóc ngách cuộc sống trong cũng như ngoài nước.
Từ năm 2009, mạng xã hội Việt Nam được chú ý từ 360 Plus, Multiply, WordPress, Yume, Tamtay… Ít tháng sau đó là Zing Me rồi Hahalolo, và gần đây nhất là Gapo với số tiền được đầu tư lên đến 500 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư G-Capital. Mọi người háo hức chờ đợi nhưng hụt hẫng vì nó không… hoạt động được vì lý do kỹ thuật mặc dù trước đó Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng hết lời khen ngợi và hy vọng nó sẽ trở thành thủ lĩnh hay ít ra cũng đầu đàn trên lĩnh vực mạng xã hội.
Hy vọng và thất vọng rồi lại hy vọng… doanh nghiệp Việt Nam được nhà nước mớm những niềm hy vọng to lớn đến nỗi nhiều công ty không lo ngại tiền vốn bỏ ra có thu về được hay không khi chính phủ Việt Nam khẳng định họ chính là những hạt nhân khiến mạng xã hội Việt Nam bung ra với thế giới hay chí ít cũng được 3/4 dân số trong nước tiếp tay. Họ được rỉ tai về kinh nghiệm của Trung quốc vì nước này có mạng Weibo và không cần đến Facebook hay Twitter vẫn có thể cung cấp mọi tiện nghi cho người sử dụng. Muốn hoạt động hiệu quả và được nhà nước vận động, hỗ trợ họ chỉ cần làm một công việc duy nhất : ngăn chặn thông tin từ những người bất đồng chính kiến, từ dân oan, từ những nhóm phản động hay bị nhà nước lên danh sách, ngay cả những bài viết phản biện có vấn đề được nhà nước nhắc nhở.
Xem ra những yêu cầu này không quá lớn vì người dùng mạng xã hội tại Việt Nam không có quá nhiều người bị nhà nước lên danh sách như vậy và doanh nghiệp có chú tâm đến vấn đề này tiếp tục âm thầm góp vốn hay kêu gọi cổ đông để thực hiện trang mạng xã hội vì họ biết không gì lời bằng một trang mạng thành công.
Và một trong những doanh nghiệp tự tin với phiên bản mạng xã hội mới nhất là Lotus được VCCorp ra mắt vào ngày 16 tháng 9 và bắt đầu chạy bản thử nghiệm. Theo báo chí cho biết nhà phát triển tuyên bố đầu tư 1.200 tỷ đồng để theo đuổi dự án này. Không chỉ những tên tuổi mới, ứng dụng Mocha - một công cụ giao tiếp được phát triển bởi Viettel từ cuối năm 2018 cũng nâng cấp trở thành một mạng xã hội dành cho giới trẻ.
Và một lần nữa Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lại đăng đàn quảng cáo cho Lotus với những ví von hết sức ấn tượng : "Người Việt có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm".
Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp nói rằng bản thân ông cảm thấy những cuộc tranh luận trên môi trường mạng không đem lại cho mình hạnh phúc, cảm giác thoải mái và có lẽ do đó ông muốn Lotus có một chức năng khác, "Lotus ra đời nhằm mục đích cho người dùng cảm giác thoả mãn nhất. Cụ thể, chúng tôi đã ra đời những công cụ như tút ảnh (đăng trạng thái, kể chuyện thông qua hình ảnh), viết blog, chùm ảnh... giúp lan toả những giá trị tích cực, đem lại những cảm xúc tuyệt vời cho người dùng".
Và cảm xúc tuyệt vời cho người dùng mà ông Tân muốn chỉ hai ngày sau đã có kết quả.
Báo Lao Động Online đăng một bài viết điều tra về Lotus với cái tựa khiến người đọc chưng hửng : "Mạng xã hội 1.200 tỉ : Chỉ toàn hot girl vậy sao ?".
Mở đầu bài báo viết : "Hội gái xinh, Gái xinh Châu Á, Thích ngắm gái xinh, Gái xinh free, Trai xinh gái đẹp... Đây là những gì tràn ngập dòng thời gian của mạng xã hội thuần Việt 1.200 tỉ Lotus sáng nay. Xen giữa, có thêm VuiVL, Cup E Việt Nam, OK để coi. Và khi mở ra, cũng lại chỉ toàn gái".
Với nhận xét không kém phần chua chát bài báo cho rằng "Một mạng xã hội cần thời gian để hoàn chỉnh, để thu hút đủ số người dùng cần thiết. Nhưng nếu chỉ gom nhặt vài thứ từ Zalo, vài thứ từ Facebook, vài thứ từ Instagram mà cơ chế tạo động lực cho những người làm content, cho sáng tạo - token - giống y như "kim cương" cho các cô gái uốn éo trên Bigo thì rõ ràng hoặc vị vua ấy còn lâu mới xuất hiện, hoặc đã băng hà khi còn chưa kịp sinh ra".
Như vậy thật buồn. Cái buồn thứ nhất là Lotus vay mượn từ những trang mạng xã hội khác làm cho câu nói của ông Nguyễn Mạnh Hùng lạc lõng. Cái buồn thứ hai là người hiểu biết về cấu trúc mạng xã hội không còn hy vọng gì với các trang do người Việt được nhà nước đỡ đầu như Lotus sẽ thỏa mãn những yêu cầu đứng đắn nhất của họ. Cái buồn thứ ba là cái tên Lotus, nó đã biến thành bùn chứ không còn là sen đúng như nó mang trên mình.
Làm sao là sen được khi hình ảnh hot girl thiếu vải tràn ngập trên khuôn mặt mà nó vừa kéo chiếc khăn khánh thành xuống. Làm sao là sen được khi nó lan tỏa những thứ mà thanh niên Việt Nam "tâm đắc" trong bao năm qua để nhà nước yên tâm làm việc lớn. Nó không thể là sen và vì vậy trở về với nơi nó được sinh ra : Những vũng bùn lầy lội nhơ nhớp của ý tưởng dùng hình ảnh khiêu dâm, nhục dục để khiến thanh thiếu niên Việt Nam lánh xa những gì mà nhà nước đang cố tình che giấu.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 19/09/2019
****************
Mới trình làng, mạng xã hội Lotus của Việt Nam lộ nhiều nội dung phản cảm (Người Việt, 18/09/2019)
Một số người sử dụng bản beta của mạng xã hội Lotus "100% của người Việt" vừa ra mắt đã tỏ ra bất ngờ khi giao diện xuất hiện nhiều hình ảnh phản cảm và nhiều nội dung kích dục.
Mạng xã hội Lotus vừa ra mắt đã lập tức trở thành "miền đất hứa" cho hội chị em bán hàng online. (Hình : Kênh14)
Anh Trường Phong (thành phố Hà Nội) là một trong những người hào hứng ghi danh tạo lập trang cá nhân Lotus ngay khi mạng xã hội này ra mắt vào tối 16 tháng Chín, 2019. Thế nhưng theo anh Phong, sau vài giờ đầu tiên thì "đập vào mắt là hàng họ các kiểu, có cả trang gái gọi cao cấp như Hội Gái Xinh, Gái Xinh Châu Á, Thích Ngắm Gái Xinh…".
Theo báo Thanh Niên, đến sáng 18 tháng Chín tuy không còn nhiều hiển thị các hình ảnh phản cảm, nhưng toàn trang chủ (news feed) của mạng xã hội "thuần Việt" này là dẫn tin bài từ các báo, không tạo được cảm giác hứng thú.
Nhiều người dùng khác thì tỏ ra khá bối rối khi tham gia mạng nhưng "chơ vơ như giữa hoang đảo", vì không có bạn bè chung, không biết phải kết bạn như thế nào. Một số người "mách" nhau copy link follow trang cá nhân Lotus đem quảng cáo trên Facebook để tìm kiếm thêm bạn bè.
Theo báo Thanh Niên, sau hai ngày thử nghiệm, bản beta của Lotus "chưa tạo được nhiều ấn tượng do giao diện còn khá nghèo nàn, gần giống một trang tổng hợp của các báo và các fanpage lớn. Một phần do hình ảnh và video hiển thị kích cỡ lớn, khiến giao diện trên điện thoại không hiển thị được nhiều nội dung cùng lúc".
Chưa hết, trang chủ Lotus hiện tại có các nội dung như Trending (xu hướng), giải trí. Ngoài ra, với công cụ tìm kiếm, người dùng có thể đi đến các kênh khác, bản tin hoặc bạn bè. Nhưng việc tìm kiếm bạn bè tương đối khó khăn, do Lotus "chưa có công cụ quét số điện thoại như Zalo hay Facebook".
Nhiều thông tin phản cảm xuất hiện trên mạng xã hội Lotus. (Hình : Thanh Niên)
Hiện tại, mạng xã hội Lotus mới chỉ dùng được trên điện thoại, phiên bản web vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Nói với báo Thanh Niên chiều 18 tháng Chín, ông Nguyễn Thế Tân, tổng giám đốc VCCorp, đơn vị phát triển mạng xã hội Lotus, cho biết việc xuất hiện các hình ảnh phản cảm do lỗ hổng trong thuật toán "gợi ý thêm" nội dung của mạng này.
"Trang (feed) của Lotus lấy thông tin từ nhiều nguồn, trong đó có các nguồn subcrise, follow, sau đó có thêm thuật toán gợi ý nội dung lấy từ các nguồn khác. Ban đầu, người mới ghi danh chưa follow ai, nên hiện chủ yếu lên màn hình là các nội dung gợi ý. Lotus sử dụng thuật toán của máy tính tự động đọc và lọc các nội dung có vấn đề không đưa lên. Nhưng lỗi logic vận hành nên các nội dung có hình ảnh phản cảm vẫn lọt lên", ông Tân lý giải.
Trên thực tế, dù muốn hay không, người dùng đều tự động so sánh giữa Lotus và các mạng xã hội lớn khác như Facebook, Twitter. Đây là lý do nếu bản beta của Lotus không khắc phục được các lỗi kỹ thuật, không tạo được sức hút lớn trong thời gian ngắn, người dùng sẽ tự động rời bỏ, không sử dụng.
"Chúng tôi cũng không ngờ số lượng người quan tâm đến Lotus lớn như vậy, nên bản beta giai đoạn đầu vẫn còn khá nhiều thiếu sót, sẽ phải update nhanh hơn nữa. Chúng tôi cũng hiểu không thể đơn thuần kêu gọi người Việt phải dùng hàng Việt, anh phải hay người ta mới dùng. Người ta cài đặt tài khoản Lotus, log in vào để sử dụng đã là một cách ủng hộ rồi. Mình phải làm hay, hoàn thiện hơn nữa", ông Tân nói.
Trước đó, hôm 16 tháng Chín, trong buổi lễ mạng xã hội Lotus chính thức ra mắt người dùng Việt, ông Nguyễn Mạnh Hùng, bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông, đánh giá mạng xã hội Lotus "là một sản phẩm của làn sóng Internet thứ ba, một tiếp cận theo cách mới. Là sự gặp nhau của những người làm công nghệ khát khao một mạng xã hội đời mới, cách tiếp cận mới, công nghệ mới, đáp ứng những nhu cầu mới và những nhà đầu tư Việt Nam có khát vọng Việt Nam hùng cường, kết hợp với chương trình ‘Make in Vietnam’ của chính phủ". (Tr.N)
********************
Ý kiến sơ khởi về mạng xã hội 'nhà trồng' - Lotus (BBC, 18/09/2019)
Trên mạng xã hội, một số người nói nên ủng hộ mạng xã hội Lotus do người Việt làm trong khi số khác nói sẽ chỉ dùng Facebook vì sợ bị kiểm soát thông tin.
Một quảng cáo của Lotus
Mạng xã hội Made in Việt Nam Lotus vừa chính thức ra mắt hôm 16/9 với nhiều hứa hẹn bất chấp nhiều mạng 'nhà trồng' trước đó đã bị 'khai tử'.
Mạng Lotus do các kỹ sư Việt Nam thuộc Công ty cổ phần VCCorp nghiên cứu và phát triển với chi phí 1.200 tỷ đồng, có tham vọng thu hút được khoảng 50 triệu người dùng thường xuyên, theo truyền thông Việt Nam.
Lôi kéo người dùng bằng 'tiền tip'
Để lôi kéo người dùng, mạng này được quảng bá là "khác với các mạng xã hội khác", như có "giao diện trực quan và bắt mắt. Các nội dung hiển thị đều được tối ưu dưới dạng hình ảnh nhằm tạo hiệu ứng thị giác ấn tượng cho người xem", mỗi người dùng đều là một "nhà sáng tạo nội dung", v.v...
Trong lễ ra mắt rầm rộ trên sân khấu lớn hôm 16/9, với thiệp mời 3D 'gây sốt', các nhà quản lý VCCorp hứa hẹn nội dung trên Lotus sẽ 'mới hơn, đẹp hơn, sinh động hơn' và có nhiều tính năng tương tác hơn cả "like", "share" ; đồng thời hứa rằng các nhà sáng tạo nội dung trên Lotus sẽ có nguồn thu từ quảng cáo ngay lập tức.
Ngoài ra, Lotus tạo ra hệ thống điểm thưởng (Token). Người dùng càng tích cực hoạt động trên Lotus càng nhận được nhiều Token như một dạng 'tiền tip'. Với số Token kiếm được, người dùng có thể đổi lấy Voucher mua sắm hoặc để đẩy tăng lượt hiển thị bài viết.
Trong việc xử lí các nội dung xấu độc, theo ông Nguyễn Thế Tân, CEO của VCCorp cho biết, khi xác minh được các thông tin rõ ràng về sai phạm, fake news, hàng hóa bán giả, đa cấp,… thì "sẽ có những biện pháp để sàng lọc".
Về bảo mật, đại diện VCCorp nói "đảm bảo theo luật pháp Việt Nam" và "chắc chắn Lotus sẽ không tự động đem dữ liệu người dùng đi bán cho bên thứ ba".
Nhiều mạng Việt đã bị "khai tử"
Trước Lotus, nhiều mạng 'nhà trồng được' khác đã ồ ạt ra mắt với các mức đầu tư khủng trong nỗ lực "vượt mặt" Facebook của Bộ Thông tin Truyền Thông.
Hồi tháng Bảy, Việt Nam tung ra mạng xã hội GAPO với mức đầu tư 500 tỷ, kỳ vọng đạt 500 triệu người dùng đến năm 2020, nhưng ngay khi vận hành đã vấp phải phản ứng không mấy lạc quan của người dùng do có nhiều trục trặc kỹ thuật.
Hồi tháng Sáu, mạng xã hội "Made in Vietnam" Hahalolo ra mắt, đặt tham vọng đạt 2 tỉ người dùng trong vòng 5 năm, đồng thời sẽ niêm yết chứng khoán tại Mỹ. Thời điểm đó, báo Việt Nam từng đặt câu hỏi "Mạng xã hội Việt Hahalolo sẽ "đè chết" Facebook, đánh bại Twitter ?"
Cũng vào tháng Bảy, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh Việt Nam "cần có mạng xã hội và công cụ tìm kiếm riêng, khác biệt với Google, Facebook".
Nhưng cũng chính báo Việt Nam sau đó đánh giá dù cả GAPO và Hahalolo đều tham gia vào cuộc đua "đốt tiền để mua người dùng", nhưng "về công nghệ, cấu trúc cho đến thiết kế giao diện và tính năng đều chưa có gì khác biệt nổi bật và hấp dẫn hơn so với Facebook".
Tham vọng hình thành một mạng xã hội "made in Vietnam" và mục tiêu "vượt qua Facebook" trước đó cũng từng được loan báo rầm rộ với các mạng xã hội Zingme, Yume.vn, Tamtay.vn, Zalo.vn, Go.vn... và gần đây có Biztime và Gapo, nhưng đến nay đều rơi vào cảnh "vườn không nhà trống", "rất ít trong số đó tồn tại được quá một năm trước khi phải khai tử", theo Thanh Niên.
Mạng xã hội nói gì ?
Trên mạng xã hội, một số người mới tải Lotus về dùng thử đã kịp có phản hồi, chủ yếu là về việc diễn đàn này tràn ngập các hình ảnh quá khêu gợi.
Facebooker Đăng Hoàng : "Hahaha : đây mới là mạng ảo nè. Hội gái xinh, Gái xinh Châu Á, Thích ngắm gái xinh, Gái xinh free, Trai xinh gái đẹp. Đây là những gì tràn ngập dòng thời gian của mạng xã hội thuần Việt 1.200 tỉ Lotus sáng nay. Xen giữa, có thêm VuiVL, Cup E Việt Nam, OK để coi. Và khi mở ra, cũng lại chỉ toàn gái".
Facebooker Đào Tuấn : ..."Vừa lướt trộm Lotus sáng nay, quả nhiên xịt máu mũi. Toàn hốt gơn, mắt rất đẹp. Hội gái xinh, Gái xinh Châu Á, Thích ngắm gái xinh, Gái xinh free, Trai xinh gái đẹp. Ngập mạng. Xen giữa, có thêm VuiVL, Cup E Việt Nam, OK để coi. Và khi mở ra, cũng lại chỉ toàn hốt gơn. Nhưng những bức ảnh đã cho thấy các CEO của Lotus đã nói đúng. Nó là thảo chứ ko phải ozawa. Nó thuần Việt. Chỉ có điều slogan "nội dung là vua" nên đổi thành là nữ hoàng, cho logic".
Trước đó, ngay sau khi Lotus ra mắt, đã có hai luồng ý kiến quanh việc ủng hộ mạng xã hội Việt hay chỉ nên dùng Facebook vì lo ngại mạng Việt sẽ kiểm soát thông tin.
Facebooker Hoàng Anh Minh : "Mạng xã hội Lotus vừa được ra mắt một cách khá rầm rộ trong ồn ã khen ngợi lẫn nghi ngờ. Là người ủng hộ thị trường tự do và kinh tế tư nhân, tôi vỗ tay cho bất cứ kế hoạch làm ăn nào được khởi xướng bởi các nhà đầu tư tư nhân".
Facebooker Phạm Quốc tháng : "Sáng ra, thấy mạng xã hội Hoa Sen (Lotus) được gọi tên đầy mạng xã hội với rất nhiều ý kiến hoài nghi".
"Hôm qua là lễ ra mắt, cũng xem như thủ tục làm giấy khai sinh. Sự nghi ngờ, khi lớn lên, đứa trẻ thành người tốt được không là bình thường. Đó không chỉ là sự hoài nghi. Trong sự hoài nghi đó có niềm hy vọng. Chỉ là trước đây, người ta đã thất vọng hơi nhiều về mạng xã hội Việt nên niềm hy vọng được thể hiện dưới hình bóng của hoài nghi thôi".
"Như thế, sự hoài nghi không hẳn đã là một tin xấu cho Lotus. Sự hoài nghi dễ lan tỏa và làm cho cộng đồng biết đến Lotus nhiều hơn. Và là động lực để Lotus vươn lên, tự khẳng định mình".
"Chỉ cần Lotus sớm có những bước đi chắc chắn, khẳng định các thuộc tính tích cực của mình thì sự hoài nghi sẽ hiện nguyên là niềm hy vọng".
"Nhất thiết, Việt Nam phải có mạng xã hội Việt Nam bởi đó là kho thông tin khổng lồ. Mà thông tin chính là an ninh quốc gia, không thể giao phó tùy tiện cho các nước khác".
Facebooker Phạm Vũ Tùng cho rằng đây là "Mạng xã hội đáng mong chờ của người Việt... Một dự án đầy dũng cảm của VCCorp và người anh em Tuan Nguyen. Hãy cổ vũ và động viên mạng xã hội của người Việt bằng cách tham gia Lotus".
Facebooker Cường Đặng : "Hahalolo ra mắt cho 2 tỷ người dùng Facebook, nhưng đã 5 năm không ai biết về mạng Xã hội Hahalolo. Vào ngày 16/9/2019 mạng xã hội Việt Nam Lotus sẽ ra mắt cạnh tranh với Facebook Mạng Xã Hội của Mỹ".
Facebooker Quốc Bảo : "Đề nghị kỷ luật cán bộ nào không sử dụng mạng xã hội Lotus. Người ta đã tốn biết bao nhiêu công sức để thiết kế ra "cái lồng" dành riêng cho người Việt Nam mà không chịu vào lồng là sao ?"
Facebooker Jason Vo : "Mạng xã hội dùng để giao lưu giữa người Việt với thế giới. Nếu chỉ đóng cửa bảo nhau như cái XHCN thì dùng mạng xã hội làm gì ? Hay là lên Lotus để cập nhật status" đảng cộng sản Việt Nam quang vinh, muôn năm ?"
Facebooker Tuan Pham : "Ui mạng này ở Việt Nam chẳng khác gì mạng Trung Quốc ! Bị kiểm soát và mù thông tin. Thôi mình dùng Facebook thôi !".
********************
Dự án mạng xã hội Lotus được thành lập và đầu tư, triển khai bởi VCCorp với sự tham gia vốn của các doanh nghiệp, tư nhân trong nước. Theo thông tin tại sự kiện, mạng xã hội Lotus đã huy động được 1.200 tỷ đồng vốn đầu tư, với quy mô cho phép hàng triệu người sử dụng cùng một lúc và nhà đầu tư cam kết "giải phóng sức sáng tạo" cho người dùng.
Lễ ra mắt mạng xã hội Lotus. Courtesy of Bộ Thông tin và truyền thông
Tại buổi ra mắt ông Nguyễn Thế Tân tổng giám đốc VCCorp chia sẻ rằng, hơn 10 năm qua thông tin trên mạng xã hội mà ông đọc không đem đến cho ông cảm giác thoải mái, thỏa mãn.
"Tôi suy nghĩ nhiều làm sao để khi lên mạng chúng ta có cảm giác thoả mãn chứ không phải cảm giác băn khoăn khó chịu với các cuộc tranh luận. Để thấy được những hình ảnh đẹp, đem đến cảm giác hạnh phúc và cảm xúc tốt, chúng tôi cố gắng xây dựng mạng xã hội để làm được việc đó" (trích từ baotintuc.vn ngày 16/9/2019)
Ông Tân khẳng định mạng xã hội Lotus sẽ hướng đến việc : "nội dung là vua, thượng đế là người sử dụng". Chính những người sử dụng Lotus sẽ mang đến những giá trị tốt đẹp bằng cách lan tỏa những giá trị tích cực, những hình ảnh đẹp và bài viết có giá trị.
Ngay sau những lời "có cánh" quảng bá cho sản phẩm con đẻ của mình từ Tổng giám đốc VCCorp, thì tiếp đến những phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông tại lễ ra mắt mạng xã hội này đã khiến dư luận đứng, ngồi không yên. Ông Bộ trưởng Hùng nói : "Tôi cũng có một niềm tin là người Việt Nam có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm…không có sự sáng tạo nào lớn hơn chính sự sáng tạo của những người dùng và đó là sức mạnh của tất cả người Việt Nam".
Ngoài ra ông Hùng còn hy vọng số lượng người Việt Nam sử dụng mạng xã hội Lotus có thể cao bằng số người sử dụng các mạng xã hội thế giới. Theo số liệu thống kê mới nhất, có khoảng 58 triệu người Việt Nam dùng mạng xã hội Facebook và 62 triệu tài khoản Google. Nghĩa là ý ông Hùng, mạng xã hội Lotus sẽ đạt ngưỡng 60 triệu người dùng ?
Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Bkav thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội ông Nguyễn Tử Quảng nhận định về điều này rằng :
"Họ có tiềm năng ở chỗ như thế này, hiện nay họ có trong tay rất nhiều tờ báo, trang tin có số lượng người truy cập nhiều, nhiều nội dung được nhiều người quan tâm nên đó là một trong những lợi thế của họ. Nếu họ tận dụng tốt và có chiến lược đúng đắng thì họ có thể thực hiện được điều mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói. Tuy nhiên cũng còn cần nhiều thời gian mới có thể trả lời được".
Đồng ý với điều này ông Diệp Quang Văn, giám đốc một công ty công nghệ thông tin, có trụ sở tại Bình Dương, đang sở hữu trang mạng xã hội VietNamTa chia sẻ với chúng tôi qua tin nhắn rằng, giai đoạn đầu do ra mắt và quảng cáo mạnh nên lượng người dùng sẽ tăng nhanh, lọt vào top 1 ứng dụng được tải về. Còn về mặt nội dung và chất lượng thì phải để một thời gian ngắn người dùng sẽ nhận xét là chính xác nhất nhưng suy cho cùng đó cũng là mạng xã hội có tiềm năng.
Lãnh đạo VCCorp tại buổi ra mắt cho biết, hiện nay, mạng xã hội Lotus lấy nội dung và trải nghiệm người dùng làm trọng tâm và công bố hợp tác với hơn 500 nhà sáng tạo với 20 lĩnh vực khác nhau như giáo dục, kinh tế, nhiếp ảnh, viết truyện, vlog… và trên 30 nguồn chính luận như thông tấn xã Việt Nam… có 50 nền tảng đa dạng như video, giải trí, hình ảnh, blog, tạp chí, nhạc… giúp chuyển tải các loại nội dung khác nhau cho người đối tượng như làm báo, viết blog, chuyện …Để minh chứng điều đó, ngay sau lễ ra mắt, Lotus sẽ phát hành bản dùng thử trong vòng từ 3 – 6 tháng.
Chuyên gia công nghệ thông tin Lê Ngọc Sơn từ Đức chia sẻ với chúng tôi rằng, mạng xã hội này muốn thành công cần phải dựa rất nhiều yếu tố trong đó bài toán kỹ thuật là điều vô cùng khó khăn và hệ sinh quyển truyền thông trên mạng là điều không thể loại bỏ.
"Tôi thật sự muốn có một mạng xã hội của Việt Nam nhưng khả năng thành công của mạng xã hội nói chung và Lotus thì tôi không thấy nó khả dĩ lắm. Bởi vì một số nguyên do, về mặt kỹ thuật chúng ta còn thua xa so với các mạng xã hội hiện nay, thứ hai người ta lo ngại về sinh quyển, đàm luận trên không gian mạng và sự an toàn của nó. Thì những thứ này đang là một dấu chấm hỏi, các nhà phát triển cần phải trả lời vấn đề này một cách sòng phẳng với người tiêu dùng thì khi đó mới có thể dùng được".
Ngoài ra, ông Lê Ngọc Sơn còn cho hay, mặc dù mạng xã hội này đang cố gắng định hình một bản sắc riêng dựa trên nội dung khi người dùng là vua nhưng đó cũng chỉ là diễn ngôn quảng cáo thôi. Điều quan trọng nhất của mạng xã hội là khả năng kết nối người dùng và phải kết nối được nội dung tranh luận. Nếu đủ hai yếu tố đó thì mạng xã hội đó mới gọi là King của mạng xã hội.
Chỉ trong một ngày sau khi ra mắt, nhiều người cho RFA biết họ cảm thấy thất vọng với mạng xã hội này. Một giám đốc truyền thông quảng cáo tại Sài Gòn nói :
"Cái Lotus nó y hệt như Báo Mới đó, không khác là mấy, có nghĩa nó là nơi kiểm duyệt nội dung, nó sẽ quét từ các báo rồi đưa thông tin người dùng lên. Đối tượng chính của Báo Mới là những người lớn tuổi nên hầu như các độc giả họ đều vào xem Lotus đều các độc giả trẻ mà vào thấy như Báo Mới là họ thoát ra ngay, vì mã quét của Lotus thì 40% sẽ là báo chính thống và nó không khác gì mình đọc tin cả và chưa có người dùng đăng tin của họ. Tức là hệ thống của nó sẽ như thế này, bước đầu họ sẽ đưa các báo lên trước, còn người trên Lotus không có chế độ kết bạn mà chỉ có chế độ theo dõi thôi, nếu mình là một nhà sản xuất nội dung như Vlog chẳng hạn thì mình bấm theo dõi khi nào ra nội dung mới thì có thông báo để xem, như vậy nó rất giống cơ chế của Youtube".
Ngoài ra, vị này cho biết thêm, đa số người dùng Việt Nam chỉ thích viết và quan tâm những điều gì đó nhanh, dễ dàng câu view chứ bắt người sử dụng mạng xã hội phải suy nghĩ để "sản xuất" nội dung và đối chiếu chất lượng thì không nhiều quan tâm.
Trước đây, cũng có một số mạng xã hội do người Việt Nam sáng tạo và được truyền thông rộng rãi nhưng một thời gian sau thì không còn ai nhắc đến hay bình luận như Hahalolo, Gapo… mạng xã hội Lotus có thể lại sẽ rơi vào tình trạng như các mạng xã hội khác không ?
Ông Nguyễn Chí Tuyến, một nhà hoạt động xã hội từ Hà Nội cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ hàng Việt người Việt tạo ra nhưng ông nghĩ khó mà đạt được như Facebook. Ông giải thích.
"Thứ nhất bây giờ không phải có cái gì mới là người ta vào dùng vì nó mất thời gian lắm, sử dụng mạng xã hội cũng mất thời gian lắm chứ không phải đơn giản. Thứ hai là Facebook họ có cả một hệ sinh thái, người dùng đã tạo được sự tương tác, liên kết với nhiều bạn bè khác rồi, có người hàng chục ngàn Follow(theo dõi) thì bây giờ sang mạng mới tất nhiên để thiết lập được như vậy thì nó tốn rất là nhiều thời gian và công sức chứ không đơn giản".
Ngoài ra, ông Tuyến còn khẳng định thêm nguyên do vì sao ông sẽ không bao giờ sử dụng mạng xã hội này. "…vì họ yêu cầu phải đăng nhập bằng tài khoản Facebook, nếu như không có bắt phải gửi 4 tấm ảnh của chứng minh thư (ID), thì việc lấy thông tin cá nhân như thế thì dĩ nhiên chúng tôi chắc chắn không bao giờ sử dụng vì ở Việt Nam là một đất nước do công an toàn trị thì dù bất kỳ doanh nghiệp nào đi nữa thì dưới bàn tay sắt của an ninh thì họ chỉ cần ho cái thì buộc các doanh nghiệp phải tuân theo…".
Để buộc người dùng phải bỏ thói quen cũ, đòi hỏi sản phẩm mới phải thật sự tuyệt vời, cả về tính năng sử dụng lẫn phương pháp tiếp cận. Nhưng với những trải nghiệm trong ngày đầu ra mắt theo như người dùng phân tích thì rõ ràng cả hai yêu cầu thứ yếu trên mạng xã hội Việt Nam đều không đáp ứng tốt. Cái kết của mạng xã hội mới sẽ như thế nào, nói như ông Nguyễn Tử Quảng –cần thời gian mới trả lời được !
Nguồn : RFA, 17/09/2019
Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong một cuộc họp đã tái khẳng định về việc xây dựng mạng xã hội Việt Nam, với tham vọng sẽ chiếm 60% thị phần.
Tham vọng lớn, lụi tàn sớm
Không phải đến bây giờ, người đứng đầu một cơ quan nhà nước về quản lý báo chí truyền thông mới đề cập đến tham vọng cho ra đời mạng xã hội 'Made in Vietnam', mà từ khi mạng xã hội liên tục có những dấu hiệu làm suy đổ nền tuyên giáo và báo chí định hướng, thì sự ra đời một mạng xã hội có thể kiểm soát được là một nhiệm vụ chính trị.
Gần nhất đây là tuyên bố của ông Trương Minh Tuấn vào năm 2017, khi nhấn mạnh rằng cần phải hình thành hệ sinh thái số lớn mạnh thì mới hy vọng trong 5-7 năm tới Việt Nam có ứng dụng thay thế Facebook và YouTube.
Tuy nhiên, giữa tuyên bố và hiện thực hóa sự ra đời của một mạng xã hội không phải là dễ dàng, không nằm ở sự ra đời, mà là sự tồn tại và phát triển được (tức thu hút người dùng, tương tác người dùng).
Năm 2007, Vega Corporation - một doanh nghiệp công nghệ cho ra đời trang clip.vn mà nhiều người kỳ vọng sẽ thay thế Youtube, tuy nhiên số phận của nó sớm chìm vào quên lãng khi mà hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng nổi nhu cầu người dùng. Ba năm sau (2010), Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC) cũng cho ra mắt Go.vn, và cũng đặt mục tiêu chiếm 40-50% lưu lượng truy cập mạng xã hội trong 5 năm (2015) với 4 triệu người dùng. Dự án này được sự tán thành và ủng hộ của ông Lê Doãn Hợp, bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, nhưng đến giờ nó vẫn đang trong trạng thái 'chết'.
Bản thân tập đoàn Viettel cũng tham gia vào mảng mạng xã hội này khá sớm, từ những năm 2008, tập đoàn này cũng ra mắt dịch vụ mạng xã hội mobile với tên Game EGO, và vài năm sau lại cho mắt MYCLIP cũng với tham vọng tìm chỗ đứng bên cạnh youtube. Dù cách bố trí và cam kết kỹ thuật, cũng như ưu đãi người dùng 3G/4G nhưng MYCLIP chỉ hiện diện số nhỏ trong nhóm người dùng internet tại Việt Nam.
MYCLIP chỉ hiện diện số nhỏ trong nhóm người dùng internet tại Việt Nam.
Với tập đoàn VNG, thì có mạng xã hội Zingme, mạng xã hội này ra mắt người dùng vào năm 2010, sau một năm thử nghiệm đang được triển khai, nhưng sau đó với định hướng game, mạng xã hội Zingme cũng từng bước lụi tàn. Đến năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước thực tiễn phát triển như vũ bão của mạng xã hội Facebook, cũng như Chính phủ lần đầu tiên đối diện với chỉ trích công khai về chủ trương, chính sách của người dân trên mạng xã hội này khiến ông hối thúc đề án 200 triệu USD nhằm xây dựng một mạng xã hội.
Những dự án mạng xã hội nêu trên ra đời trong bối cảnh mà người dùng mạng xã hội Facebook hoặc Youtube còn nhiều giới hạn và chưa phát triển mạnh khả năng 'chỉ trích Chính phủ', tuy nhiên - tất cả đều bị phá sản. Vậy thì lý do nào để tin rằng, khi nhà nhà livestream 'tố cáo, chỉ trích' chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên mạng xã hội hiện nay, thì sự ra đời của một mạng xã hội 'Made in Vietnam' lại có cơ hội phát triển ? Và nó phát triển với nguyên lý nào ? Nếu đó không phải là 'tôn trọng sự khác biệt', chỉ chú trọng 'kiểm duyệt thông tin' thì phần trăm nào cho sự tồn tại và phát triển của nó ?
Thế nhưng Quyền Bộ trưởng Thông tin và truyền thông vẫn rất quyết tâm, và ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ cũng tỏ ra tin tưởng, hồ hởi ? Tại sao ?
Luật an ninh mạng và sự bảo hộ vô hình
Luật An ninh mạng với lý do ra đời rất chính trị : bảo vệ chế độ. Luật này được diễn giải qua câu nói đầy ngô nghê của tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phong An ninh : kéo đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam.
Cả hai yếu tố trên cho thấy, quyết tâm kiểm soát bằng được lượng thông tin truyền tải bởi các dịch vụ công nghệ nước ngoài (Facebook, Google ; dịch vụ Cloud,...). Điều này sẽ được bổ trợ dựa trên pháp lý và các biện pháp trừng phạt nếu như không tuân thủ sự kiềm soát.
Và 60% thị phần giờ đây sẽ được hiện thực hóa bằng luật an ninh mạng ; lịch đứt cáp.
Hãy xem cách Trung Quốc sử dụng luật pháp để 'sách nhiễu' Facebook và Google, khiến cả hai không thể thâm nhập hoặc tồn tại đủ lâu để trở thành xu hướng người dùng. Trong khi đó, chính luật pháp về an ninh mạng cũng bảo hộ cho mạng xã hội của Trung Quốc (Sina Weibo, Youku).
Luật an ninh mạng ở Việt Nam dù chưa chính thức có hiệu lực, nhưng Nhà nước Việt Nam cũng mở đường cho sự hình dung của người Việt Nam về hệ quả pháp lý nếu vượt quá 'kiểm soát' trên mạng xã hội Youtube hay Facebook. Và thực tế, trong tháng Tám vừa qua, đã có nhiều Facebooker bị bắt về vấn đề này, liên quan đến tội danh 'bôi nhọ'.
Răn đe những cá nhân đang cổ vũ 'tự do ngôn luận' trên mạng xã hội nước ngoài, áp dụng Luật an ninh mạng ; áp dụng kỹ thuật gây chập chờn trong truy cập mạng xã hội ; đẩy mạnh nâng cấp hệ thống mạng xã hội Made in Vietnam. Đó có lẽ là một tiến trình mà Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đang hình dung như cách ông tuyên bố : Hạ tầng viễn thông, CNTT liên quan đến an ninh quốc gia phải dùng sản phẩm của Việt Nam.
Nhưng sẽ không đảm bảo nguyên tắc tự do ?
Như đề cập trên, chu trình có thể nhận diện là : ra đời mạng xã hội mới ; chặn mạng xã hội Facebook ; chặn theo chu kỳ Youtube ; xác lập hệ thống pháp lý nhằm vào Facebook và Youtube.
Chu trình này có thể thành công ? Có thể, nếu nhà nước Việt Nam hình thành một mạng lưới kiểm soát (bức tường lửa) đủ tốt để ngăn chặn lượng thông tin từ mạng xã hội, bao gồm việc truy tố theo chủ đề các Facebooker như trong thời gian vừa qua. Luân chuyển một lượng người dùng lớn từ hai mạng xã hội này qua mạng xã hội made in Việt Nam.
Hoặc, Nhà nước Việt Nam sẽ hướng tới xây dựng một mô hình làm việc qua mạng xã hội, tức là đảm bảo mạng xã hội mới này được các công chức - viên chức nhà nước sử dụng, như là một phương án triển khai của Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động. Điều này cơ bản giống như Zalo, một công cụ OTP đã trở thành một phương tiện truyền tin quen thuộc cũng hầu hết người Việt Nam hiện nay. Cũng có thể, Nhà nước Việt Nam sẽ xây dựng mạng xã hội mới dựa trên nền tảng Zalo, và lúc này, một lượng người dùng rất lớn sẽ nhanh chiếm được Nhà nước Việt Nam chiếm hữu. Đây là cơ sở để hình thành mạng xã hội mới cả về sự ra đời và phát triển.
Tuy nhiên, vấn đề này có thể bị ràng buộc bởi nhiều lý do mà bản thân Nhà nước Việt Nam chưa hoặc không thể sẵn sàng cung cấp. Cụ thể là sự tự do, sự tự do trong ngôn luận, tự do về mặt truyền tải và chia sẻ thông tin - quan điểm. Gần như khi mạng xã hội mới ra đời, nó sẽ xóa bỏ thuộc tính tự do này, bởi suy cho cùng, một mạng xã hội được cung cấp bởi Nhà nước thì nhiệm vụ chính trị là chính yếu, trong đó kiểm soát thông tin và dập tắt chỉ trích (như Trung Quốc vẫn đang tiến hành, hoặc Việt Nam qua kiểm soát hệ thống tin nhắn trên mạng di động). Vấn đề là, con số người dùng ưa đề cao tính tự do không hề ít ỏi. Nhiều người dùng sẵn sàng rời bỏ một mạng xã hội nếu mạng xã hội đó bị một Chính phủ tác động sau lưng. Và thực tế, số lượng người dùng mạng xã hội Facebook chuyển sang Minds đã chứng minh sự sẵn sàng rời bỏ một công cụ/phương tiện nếu như nó bị tác động bởi Chính phủ.
Và còn gì nữa ?
Một tham vọng ra đời mạng xã hội Việt Nam cũng cho thấy một góc cạnh khác, cụ thể, sự kiện Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông lên tiếng như vậy cũng là một sự kiện quan trọng trong tiến trình phát triển internet tại Việt Nam. Sự kiện này vừa biểu hiện một hiện thực kiểm soát trong thời gian sắp tới, và chu trình phát triển người dùng internet có thể bị nghẽn, nhưng quy luật phát triển internet gắn liền với tự do là không thay đổi, nhất là khi mạng xã hội tự do tạo điều kiện cho người dân nói lên tiếng nói của chính mình.
Kế đó, sự tuyên bố này ra đời sau khi Luật an ninh mạng được giới thiệu và thông qua. Tuyên bố lần này được bổ trợ khá tốt bởi luật, và sự hỗ trợ của cuộc cách mạng 4.0 của Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Như vậy, tỷ suất ra đời của mạng xã hội lần này so với các đề án trước đó, và có thể tập đoàn Viettel sẽ đứng đằng sau dự án này theo cách thức hỗ trợ tốt nhất.
Ngoài ra, dù mức chỉ ở cương vị là 'Quyền Bộ trưởng', nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng đã thể hiện sự mạnh mẽ trong bao quát quản lý, và tối đa hóa quản lý, định hướng bằng được dư luận xã hội, nói cách khác ông muốn xây dựng Bộ Thông tin và truyền thông không phải qua mặt báo chí, mà cái ông nhắm đến là không gian mạng xã hội - nơi mà trong mắt không ít quan chức trở thành một yếu tố mang tính thách thức quyền lực và tính chính danh của chính quyền. Và điều này khiến cho bản thân ông Nguyễn Mạnh Hùng gia tăng quyền lực của Bộ Thông tin và truyền thông trong thời gian tới.
Cuối cùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng có vẻ đã tranh thủ được sự ủng hộ rất lớn từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Khi ngay trong buổi họp, ông Phúc đã bày tỏ sự ủng hộ tối đa đối với ý tưởng được truyền đạt từ Quyền Bộ trưởng Thông tin và truyền thông. Sự ủng hộ này có thể được hiểu như một cách nắm bắt cơ hội và tạo cơ hội cho việc hình thành một dấu ấn mang tính 'cách mạng 4.0' hay không ? Nhất là khi mà ông Phúc đang vật lộn trong chủ thuyết 4.0, khái niệm đang gặp sự chỉ trích từ dư luận xã hội vì mang tính 4 không : không nhân lực, không kinh nghiệm, không vốn, không hạ tầng cơ sở. Và hình thành mạng xã hội Made in Việt Nam có thể là cơ hội để ông Phúc ghi dấu ấn về 4.0.
Như vậy, bản thân đề án này sẽ là một đề án lớn trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Yếu tố này hiện diện cực kỳ mạnh mẽ và đảm bảo giá trị kiểm soát về bộ mặt thông tin của Nhà nước Việt Nam, giúp Việt Nam nhanh chóng tiệm cận với giá trị kiềm soát tư tưởng từ Trung Quốc ?.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 10/09/2018