Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ông Trọng đi Bắc Kinh, cư dân mạng lo lắng Việt Nam ngả về Trung Quốc quá nhiều

RFA, 31/10/2022

Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình từ ngày 30/10 đã gây ra những chú ý và bình luận bày tỏ lo lắng về việc Hà Nội dường như đang ngả quá nhiều về phía Bắc Kinh.

viettrung2

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hà Nội năm 2015 - Reuters

Người đứng đầu của Đảng cộng sản Việt Nam là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội 20 Đảng cộng sản Trung Quốc khi Tập Cận Bình chiến thắng thêm nhiệm kỳ thứ ba chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc. Theo nhận định của một số chuyên gia quốc tế, khả năng ông Tập sẽ ở lại cương vị này đến hết đời.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam đưa tin ngày 30/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nhiều quan chức cao cấp đã ra sân bay quốc tế Nội Bài để tiễn đoàn- một sự kiện chưa từng có trong quá khứ khi hai trong số bốn tứ trụ ra tiễn một lãnh đạo Đảng đi công tác nước ngoài.

Facebooker Thanh Mai với hơn 52.000 người dõi theo, nhận định từ việc Chủ tịch nước và Thủ tướng cùng ra sân bay tiễn ông Trọng cho thấy chuyến đi "là minh chứng cho sự thống nhất cao của giới lãnh đạo của Việt Nam cũng như vị thế số một của ngài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng".

Việc tổ chức buổi đưa tiễn trọng thị và chưa có tiền lệ "truyền đi thông điệp rõ ràng rằng ngài Nguyễn Phú Trọng đang đại diện cho giới lãnh đạo Việt Nam, vì vậy mọi thỏa thuận và cam kết của ngài Nguyễn Phú Trọng với Trung Quốc đương nhiên cũng sẽ là thỏa thuận của tất cả các cơ quan quyền lực khác của Việt Nam".

Theo Facebooker này thì ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay đặt kỳ vọng rất cao về chuyến đi của ông Trọng.

Trung Quốc là một trong bốn nước hiện có quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" với Việt Nam, tức là mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao giữa các nước. Ba nước còn lại là Nga, Ấn Độ, và Nam Hàn.

Trung Quốc hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu từ chính phủ Trung Quốc, kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2021 đạt 230,2 tỷ đô la, tăng 19,7% so với năm trước đó.

Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc cũng có những tương đồng về mặt chính trị khi cả hai nước đều do Đảng cộng sản lãnh đạo độc quyền.

Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam viết rằng chuyến thăm Trung Quốc lần thứ tư trên cương vị Tổng bí thư Đảng của ông Trọng diễn ra ngay sau khi kết thúc Đại hội lần thứ 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc, là "sự kiện đối ngoại đặc biệt quan trọng đối với cả Việt Nam và Trung Quốc".

"Chuyến thăm nhằm củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ giữa hai đảng làm định hướng cho quan hệ giữa hai nước ; tăng cường quan hệ trên các kênh Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc ; tạo chuyển biến mới tích cực trong hợp tác bình đẳng, cùng có lợi về kinh tế, thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác ; nâng cao hợp tác quốc phòng, an ninh, tăng cường sự hợp tác tại các diễn đàn quốc tế ; phát triển quan hệ giữa các tổ chức quần chúng, giao lưu nhân dân và thúc đẩy xu thế tích cực trong thông tin, tuyên truyền", báo Nhân Dân viết.

Ông Trọng đã từng sang thăm Trung Quốc với cương vị người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam vào các năm 2011, 2015 và 2017.

Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia tại Canberra (Úc) bình luận qua tin nhắn gửi đến Đài Á Châu Tự Do rằng chuyến đi của ông Trọng diễn ra trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với tình hình quốc tế đang thay đổi nhanh chóng với nguy cơ xung đột vũ trang gia tăng.

"Từ vị trí thuận lợi của Hà Nội, những bất ổn về tương lai của Nga dưới thời Vladimir Putin và Hoa Kỳ dưới thời Joe Biden sau cuộc bầu cử giữa kỳ chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định và liên tục ở Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, người vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba".

Giáo sư Carl Thayer nhận định mục tiêu chính của chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng là cùng người đồng cấp đưa ra phương thức hợp lý để giữ cho quan hệ song phương có thể dự đoán được và đi vào chiều hướng đồng đều. 

"Cuộc gặp giữa Tổng bí thư của hai Đảng cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc và Việt Nam là rất quan trọng đối với cả hai bên về đối nội vì nó nhấn mạnh tính hợp pháp của chế độ độc đảng, hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và con đường phát triển của họ". - Giáo sư Carl Thayer viết.

Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn ở Paris so sánh chuyến đi của ông Trọng ngay sau khi ông Tập tái cử với tập quán vua một triều đại của Việt Nam sai sứ sang Trung Quốc, thể hiện sự thần phục đối với thiên triều của một phiên bang thời xa xưa.

Ông viết trong trang Facebook cá nhân : "Trọng vương tự đày đọa tấm thân (trong chuyến đi xa) chỉ để chứng minh rằng mình là một trong những người trung thành nhứt với Tập đại đế".

Ông còn nói Việt Nam đã, đang và sẽ rập khuôn mô hình của Trung Quốc và "thay vì nhân dân là mục tiêu trung tâm để Đảng phục vụ thì Đảng trở thành mục tiêu trung tâm để nhân dân phụng sự".

Cách so sánh này cũng đã được nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn viết trong một nghiên cứu trước đó vào năm 2016.

Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, triều đình An Nam, sau này là Việt Nam (từ 1804 đến 1838), rồi Đại Nam (từ 1838 đến 1945) phải gửi đồ tế cống cho Trung Hoa hai năm một lần và cứ bốn năm phải có một sứ bộ sang chầu.

Ngoài ra, phải có sứ bộ đến Bắc Kinh, mỗi khi có hoàng đế Trung Hoa băng hà (để phúng điếu) và mỗi khi có hoàng đế mới đăng quang (để chúc mừng).

Nhà văn Lưu Trọng Văn, với hơn 106.000 người dõi theo, thì cho rằng ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay nên cân bằng ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Trên trang Facebook của mình, nhà văn Lưu Trọng Văn cũng nhắc lại trong tháng hai năm 2019 tại Hà Nội, Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là Donald Trump cũng mời ông Trọng sang Mỹ. Lúc đó ông Trọng cũng vui vẻ nhận lời nhưng rồi cũng vì lý do sức khoẻ nên ông Trọng không thực hiện được.

"Bây giờ ông Trọng rất khoẻ rồi, rất tiếc ông Trump lại về vườn, ông Trọng không thể đáp lễ như đáp lễ ông Tập được.

Hy vọng Bộ Ngoại giao sớm ra thông báo, Tổng thống Biden tiếp tục giữ lời mời của ông Trump mời ông Trọng qua Mỹ để cán cân đối ngoại của Việt Nam không bị lệch như đường lối lâu nay mà lãnh đạo Hà Nội vẫn tuyên bố".

Theo nhà văn này thì ông Trọng nên mở lời trước muốn được gặp ông Biden với nội dung như ông mở lời trước muốn gặp ông Tập.

"Dân Việt hình như không được công bằng lắm, đa số chắc sẽ hớn hở hơn nếu lãnh đạo tối cao của mình có lời với Tổng thống Mỹ như đã có lời với lãnh tụ Trung Hoa", nhà văn Lưu Trọng Văn bổ sung.

Hoa Kỳ và Việt Nam có mối quan hệ "Đối tác toàn diện". Washington thời gian qua đã nhiều lần đề nghị đưa mối quan hệ này lên thành "Đối tác chiến lược toàn diện" nhưng Hà Nội chưa đồng ý. Một số nhận định của các chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam còn ngần ngại vì sợ làm Bắc Kinh tức giận.

Theo Giáo sư Carl Thayer : "Việt Nam không thể quay sang Hoa Kỳ vì hai lý do : sợ bị cuốn vào một liên minh chống Trung Quốc và sợ bị bỏ rơi nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc thỏa thuận ngầm với nhau".

Nguồn : RFA, 31/10/2022

************************

Quan hệ Việt - Trung sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc

Thanh Phương, RFI, 31/10/2022

Sau khi kết thúc Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, ngày 23/10/2022, Ban Chấp hành Trung ương mới đã bầu lại ông Tập Cận Bình vào chức tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ 5 năm, nhiệm kỳ thứ ba. Như vậy, ông Tập Cận Bình đã trở thành lãnh đạo có thế lực nhất ở Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông.

viettrung1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 11/09/2021 tại Hà Nội, Việt Nam. AP - Le Tri Dung

Lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên đến gặp ông Tập Cận Bình không ai khác hơn, chính là tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Ông Nguyễn Phú Trọng hôm qua, 30/10/2022, đã bắt đầu chuyến viếng thăm Bắc Kinh đến ngày 02/11, theo lời mời của ông Tập Cận Bình. 

Trước đó, vào ngày 23/10, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đã gởi điện chúc mừng Tập Cận Bình nhân dịp ông được bầu lại làm tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc. Trong bức điện này, ông Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ tin tưởng là, dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, "toàn Đảng và toàn dân Trung Quốc nhất định sẽ xây dựng Trung Quốc thành quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp".

Lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam còn cho biết “luôn luôn hết sức coi trọng và sẵn sàng cùng với ông Tập Cận Bình đưa quan hệ láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc lên một tầm cao mới". 

Ông Nguyễn Phú Trọng như vậy đã là một trong những lãnh đạo các quốc gia cộng sản và hậu cộng sản (trong đó có Bắc Triều Tiên, Cuba, Lào và Cam Bốt) gởi điện chúc mừng ông Tập Cận Bình sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc.

Nếu như việc gởi điện chúc mừng lãnh đạo láng giềng mới đắc cử hay mới tái đắc cử là chuyện bình thường, thì việc Hà Nội nhanh chóng thông báo chuyến đi Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng là một sự kiện đáng chú ý, tuy không hoàn toàn bất ngờ. Không chỉ là lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên gặp tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc tái đắc cử, mà chuyến đi Bắc Kinh lần này còn là chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của Nguyễn Phú Trọng kể từ khi ông tái đắc cử tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp đầu năm 2021.

Trên trang Nikkei Asia ngày 25/10, ông Nguyễn Thành Trung, giảng viên thỉnh giảng về Việt Nam học, Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định :

"Thời điểm được chọn cho chuyến đi không chỉ là theo mong muốn của phía  Việt Nam, mà còn là theo ý của Trung Quốc. Hai quốc gia gần gũi về ý thức hệ muốn khẳng định là quan hệ của họ vẫn luôn vững chắc. Không có một thời điểm nào thích hợp hơn đối với một lãnh đạo cộng sản để chúc mừng một lãnh đạo cộng sản khác vừa tái đắc cử. Việt Nam muốn nhân dịp này xác định Trung Quốc là đối tác ngoại giao quan trọng nhất".

Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 27/10, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, nhận định:

"Chuyến thăm này của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Trung Quốc là theo lời mời của chủ tịch nước, tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, tức là không phải do phía Việt Nam đề xuất, mà Trung Quốc là phía chủ động. Điều này có thể là thể hiện phần nào sự coi trọng của Trung Quốc đối với Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ngày càng căng thẳng. 

Trong bối cảnh cạnh tranh căng thẳng như vậy thì có lẽ là Việt Nam nhận được sự coi trọng từ cả hai phía Trung Quốc và Hoa Kỳ, đặc biệt là từ Trung Quốc. Trung Quốc không muốn Việt Nam xích gần lại quá gần Mỹ. Đây cũng là một dịp phù hợp để Trung Quốc nhắc lại thông điệp này.

Điều thứ hai là chuyến đi này cũng phù hợp với truyền thống trao đổi các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên sau mỗi kỳ Đại hội Đảng. Phía Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng thì cũng cử các đặc phái viên sang Trung Quốc để thông báo cho các lãnh đạo Trung Quốc về kết quả Đại hội. Tương tự như vậy, nếu Trung Quốc tổ chức các Đại hội Đảng thì cũng sẽ cử người sang để thông tin cho Việt Nam về kết quả Đại hội. Có lẽ là thay vì cử đặc phái viên sang Việt Nam, thì họ mời lãnh đạo Việt Nam sang để trực tiếp trao đổi các thông tin, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt trong bối cảnh từ mấy năm qua đã thiếu vắng các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước do đại dịch Covid-19.

Việt Nam có lẽ cũng muốn tận dụng chuyến thăm lần này của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để giúp tăng cường quan hệ với Trung Quốc, đồng thời thể hiện sự tự chủ chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng. 

Trong nước, bản thân ông Nguyễn Phú Trọng có thể muốn sử dụng chuyến viếng thăm này để củng cố vị thế của mình, đặc biệt là sau một thời gian dài sức khỏe của ông có vấn đề. Nếu thực hiện thành công, chuyến đi này sẽ thể hiện hoạt động của ông đã trở lại bình thường, ông có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ của mình một cách bình thường, ít nhất là cho tới năm 2026 khi kết thúc nhiệm kỳ của ông".

Việt Nam, đặc biệt là về mặt kinh tế, ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo các dữ liệu của Liên Hiệp Quốc, được Nikkei Asia trích dẫn, trong năm 2020, trao đổi mậu dịch giữa hai nước láng giềng đã vượt qua mức 133 tỷ đôla, tăng hơn gấp ba so với năm 2012, năm mà ông Tập Cận Bình lên làm tổng bí thư khóa đầu. Đặc biệt ngành sản xuất hàng hàng hóa có tốc độ tăng nhanh của Việt Nam phụ thuộc rất   nhiều vào nguồn cung linh kiện điện tử, chi tiết máy và nguyên liệu từ Trung Quốc.

Tuy đang gặp những khó khăn kinh tế do vẫn thi hành chính sách Zero - Covid, Trung Quốc hiện vẫn là đối tác  thương mại hàng đầu của Việt Nam. Theo các số liệu chính thức của Việt Nam, trao đổi mậu dịch song phương Việt-Trung đã đạt 132,38 tỷ đôla trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng trong đó có gần 70% là nhập khẩu vào Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN.

Ngoài ra, tuy giữa hai Việt Nam và Trung Quốc còn nhiều nghi kỵ và vẫn còn tranh chấp chủ quyền biển đảo, quan hệ giữa hai đảng cộng sản của Việt Nam và Trung Quốc về mặt chính thức vẫn rất chặt chẽ. Ấy là chưa kể, giống như Tập Cận Bình, ông Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục nắm chức tổng bí thư quá giới hạn thông thường về số nhiệm kỳ. Giống Tập Cận Bình, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng kiêm nhiệm chức chủ tịch nước từ 2018 đến 2021.

Với nhiều điểm tương đồng như vậy giữa lãnh đạo hai nước, sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần này, quan hệ Việt-Trung sẽ có thay đổi gì lớn không ? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp dự báo :  

"Khả năng cao là sẽ không có nhiều thay đổi lớn trong quan hệ hai nước sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20. Quan hệ Việt-Trung sẽ vẫn tiếp tục theo cái đà như lâu nay chúng ta thấy: Hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là về kinh tế, tăng cường quan hệ chính trị, trong khi đó thì vẫn tìm cách giải quyết, quản lý tranh chấp Biển Đông, không để quan hệ song phương bị ảnh hưởng bởi tranh chấp này.

Việt Nam thì vẫn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, do vai trò rất lớn của Trung Quốc đối với Việt Nam về kinh tế, chiến lược, lẫn ý thức hệ. Chính vì vậy Việt Nam sẽ vẫn tìm cách phát triển quan hệ với Trung Quốc, nhưng đồng thời, như lâu nay, Việt Nam cũng tìm cách tăng cường quan hệ với các đối tác quan trọng khác, trong đó có Mỹ và các đồng minh.

Mục tiêu của Việt Nam là tiếp tục chính sách đối ngoại cân bằng giữa các nước lớn, đa phương hóa và đa dạng hóa, để vừa thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc và bảo vệ lợi ích của mình, vừa tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Ngược lại phía Trung Quốc sẽ tiếp tục coi trọng quan hệ với Việt Nam, nhưng có lẽ sẽ tiếp tục dùng chính sách "cây gậy và củ cà rốt", vừa ràng buộc dùng kinh tế, vừa dùng các yếu tố ý thức hệ để ràng buộc Việt Nam, vừa răn đe, gây sức ép lên Việt Nam trên vấn đề Biển Đông.

Nhưng tôi nghĩ Việt Nam mặc dù có sự liên hệ về ý thức hệ với Trung Quốc, nhưng lại có cách tiếp cận ôn hòa hơn Trung Quốc. Cho nên Việt Nam có lẽ sẽ quan sát, tiếp nhận một số bài học từ Trung Quốc, nhưng sẽ cố bảo đảm cho yếu tố ý thức hệ không ảnh hưởng đến phát triển trong nước, cũng như đến chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với Trung Quốc, các nước lớn và các nước khác.

Tuy nhiên, Biển Đông vẫn là yếu tố chứa đựng những bất ổn tiềm tàng. Nếu tranh chấp Biển Đông được quản lý tốt thì quan hệ song phương sẽ được phát triển. Còn trong trường hợp tình hình Biển Đông xấu đi thì quan hệ song phương sẽ gặp nhiều trở ngại trong thời gian tới". 

Nhưng với việc ông Tập Cận Bình thâu tóm toàn bộ quyền lực, liệu Bắc Kinh sẽ có chính sách cứng rắn hơn trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Việt Nam? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh:

"Đúng là dưới thời ông Tập Cận Bình thì Trung Quốc có một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn so với thời của ông Hồ Cẩm Đào, không phải gần đây mà là kể từ năm 2013, lúc ông Tập Cận Bình mới lên cầm quyền. Sự kiện mà chúng ta vẫn nhớ đó là khủng hoảng giàn khoan HD981 năm 2014.

Chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình nói chung và chính sách Biển Đông nói riêng nếu có vẻ sẽ trở nên cứng rắn hơn thì cũng không phải là điều gì mới mẻ. Tuy nhiên, chính sách cứng rắn đó không phải là cách tiếp cận thường xuyên của phía Trung Quốc, mà Trung Quốc sẽ chọn những thời điểm để có cách tiếp cận phù hợp, lúc thì cứng rắn, lúc thì có thể mềm mỏng, tùy thuộc vào các yếu tố như tình hình khu vực, tình hình nội bộ Trung Quốc, hay tính toán của Trung Quốc đối với Việt Nam trong từng thời điểm cụ thể.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ mong muốn ưu tiên hơn cho mục tiêu duy trì hòa bình trên Biển Đông, tìm cách duy trì các tiếp xúc, đối thoại để quản lý tốt hơn vấn đề Biển Đông. Có lẽ chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng lần này là một phần trong chính sách đó".

Không chỉ trên biển, thể hiện qua việc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, Trung Quốc nay còn là mối đe dọa cả trên bộ đối với Việt Nam, thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, và nhất là thông qua việc thực hiện ngày càng nhiều dự án lớn ở hai nước láng giềng của Việt Nam là Lào và Cam Bốt, tranh giành ảnh hưởng với Hà Nội tại hai quốc gia này. Một mặt phải cố duy trì quan hệ tốt với Bắc Kinh, mặt khác Việt Nam phải tiếp tục tăng cường quan hệ với các cường quốc khác, nhất là với Hoa Kỳ, để tạo thế đối trọng cần thiết và cũng để nâng cao khả năng phòng thủ của mình. 

Nhưng với một lãnh đạo Trung Quốc có thế lực mạnh hơn bao giờ hết, Việt Nam có thể tiếp tục giữ thế cân bằng trong quan hệ với hai cường quốc đối địch Mỹ - Trung không ? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhận định :

"Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên gay gắt như vậy, không chỉ Việt Nam, mà tất cả các nước trong khu vực đều phải làm sao duy trì được sự cân bằng giữa hai cường quốc này. Đây là một bài toán rất hóc búa, bởi vì động lực cạnh tranh Mỹ-Trung đến từ cả hai phía, cho nên rất khó làm vừa lòng cả hai bên. Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì cân bằng giữa hai bên, và đồng thời phát triển được quan hệ với hai bên. 

Tuy nhiên, lợi thế của Việt Nam là do cạnh tranh chiến lược như vậy, do muốn tranh giành ảnh hưởng như vậy, cho nên cả hai bên đều sẽ dành sự quan tâm lớn hơn cho Việt Nam. Nếu như Việt Nam khéo léo thì có thể tận dụng điều đó để mang lại lợi ích nhất định cho mình".

Tóm lại, với việc ông Tập Cận Bình nay thâu tóm toàn bộ quyền lực, quan hệ Việt - Trung có thể không có nhiều thay đổi, nhưng tranh chấp chủ quyền Biển Đông sẽ là một thách thức lớn hơn đối với Hà Nội, đồng thời, giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Hoa Kỳ, Trung Quốc, áp lực lên Việt Nam sẽ càng mạnh hơn. 

Thanh Phương

**********************

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Nguyễn Hồng Diệp, Tin Tức, 31/10/2022

Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 31/10, tại Đại Lễ đường Nhân dân, Thủ đô Bắc Kinh, ngay sau Lễ đón chính thức, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

viettrung3

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh : Trí Dũng/TTXVN

Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc nhiệt liệt chào mừng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc, bày tỏ vui mừng được gặp lại Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau 5 năm.

Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt đối với hai nước và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc ; nhấn mạnh việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo đầu tiên Trung Quốc được đón tiếp sau Đại hội XX của Đảng cộng sản Trung Quốc và việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc đầu tiên sau Đại hội XIII Đảng cộng sản Việt Nam đã thể hiện sự coi trọng cao độ quan hệ hai Đảng, hai nước.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc về sự đón tiếp chu đáo, trọng thị, thân tình và hữu nghị.

Trong bầu không khí chân thành, thẳng thắn, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước và quan hệ giữa hai Đảng, hai nước. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa chúc mừng thành công của Đại hội XX Đảng cộng sản Trung Quốc, chúc mừng đồng chí Tập Cận Bình được Đại hội XX của Đảng cộng sản Trung Quốc tín nhiệm tiếp tục bầu làm Tổng bí thư khóa XX, xác lập là "hạt nhân lãnh đạo" của Trung ương Đảng và trong toàn Đảng cộng sản Trung Quốc ; đánh giá Đại hội XX là kỳ đại hội quan trọng, có ý nghĩa lâu dài đối với sự phát triển của Trung Quốc, mở ra hành trình mới xây dựng đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc vào năm 2035, hướng tới thực hiện mục tiêu "100 năm thứ hai". Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản lãnh đạo.

Tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các vị tiền bối cách mạng hai nước dày công xây dựng và vun đắp là tài sản chung quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước. Việt Nam cảm ơn sâu sắc về những giúp đỡ to lớn, quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay. Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Về chính sách đối ngoại, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương quan hệ ; kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế ; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiệt liệt chúc mừng thành tựu mà Việt Nam đã giành được trong thời gian qua, đặc biệt là trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam ; đánh giá cao việc đại hội đã đề ra những mục tiêu phát triển, đường lối trong các lĩnh vực cho các giai đoạn đến năm 2025, năm 2030 và đến năm 2045 – dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.

Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, sẽ sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam ; mong muốn và sẵn sàng nỗ lực cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiếp tục không ngừng tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phát triển lành mạnh, ổn định theo phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt", không ngừng đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Hai Tổng bí thư bày tỏ vui mừng về xu thế phát triển lành mạnh và đánh giá cao những tiến triển tích cực của quan hệ giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian qua. Trong điều kiện khó khăn của đại dịch Covid-19, hai bên vẫn tiếp tục duy trì thường xuyên các cuộc gặp gỡ, trao đổi cấp cao. Từ đầu năm 2020 đến nay, hai đồng chí Tổng bí thư đã 4 lần điện đàm và nhiều lần trao đổi thư, điện nhân các sự kiện chính trị quan trọng của mỗi bên. Hợp tác giữa các ban, ngành của Đảng, Chính phủ, Quốc hội (Nhân đại), Mặt trận Tổ quốc (Chính hiệp), quốc phòng, công an được thúc đẩy hiệu quả, thực chất.

Các địa phương của hai nước, nhất là các địa phương ở khu vực biên giới, đã nỗ lực duy trì hợp tác thiết thực, tăng cường quan hệ hữu nghị. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và thương mại Việt-Trung chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc - ASEAN, đối tác thương mại thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới. Vướng mắc trong một số dự án hợp tác giữa hai nước được tháo gỡ, trong đó Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã chính thức đưa vào sử dụng, vận hành hiệu quả. Hợp tác phòng, chống Covid-19 đạt hiệu quả thiết thực. Hai bên nhất trí cho rằng trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng và bất ổn đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới hiện nay, sự phát triển ổn định và những thành tựu mà Việt Nam và Trung Quốc đạt được có ý nghĩa rất quan trọng đối với hai nước và nhân dân hai nước.

Hai nhà lãnh đạo đã đi sâu trao đổi về các định hướng lớn nhằm tăng cường tin cậy, củng cố hữu nghị, nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, duy trì hòa bình, ổn định trên biển, đưa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững trong thời gian tới.

Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, kịp thời trao đổi, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quan hệ song phương, duy trì cục diện hữu nghị và đà phát triển lành mạnh, ổn định của quan hệ Việt - Trung. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường và phát huy vai trò định hướng chiến lược của quan hệ kênh Đảng, đi sâu hợp tác trao đổi lý luận giữa hai Đảng, triển khai hiệu quả Kế hoạch Hợp tác giữa hai Đảng và Kế hoạch Hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng giai đoạn 2021-2025 ; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác cán bộ, phòng, chống tham nhũng, cũng như kinh nghiệm về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hai Tổng bí thư đồng ý sẽ phát huy và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai Đảng, hai nước, nhất là gặp gỡ cấp cao, Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung, nhằm xác định phương hướng và trọng tâm hợp tác phù hợp với nhu cầu và lợi ích của hai bên, góp phần thực hiện hiệu quả các thỏa thuận và nhận thức chung quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước. Tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, trao đổi giữa Quốc hội Việt Nam với Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp Trung Quốc ; làm sâu sắc thêm hợp tác trên các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh, tăng cường hợp tác giữa các lực lượng biên phòng và thực thi pháp luật hai nước, phối hợp hiệu quả tại các diễn đàn đa phương.

Trong cuộc hội đàm, hai đồng chí Tổng bí thư cũng đi sâu trao đổi về các lĩnh vực hợp tác thực chất, nhất trí cần thúc đẩy mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển quan hệ song phương ; nhấn mạnh Việt Nam – Trung Quốc là đối tác thương mại rất quan trọng và giàu tiềm năng của nhau.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Việt Nam đặc biệt coi trọng thị trường Trung Quốc, mong muốn tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, mong muốn Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, đồng thời duy trì thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa và tạo thuận lợi thông quan giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục và nâng hạn mức hàng hóa Việt Nam quá cảnh Trung Quốc đến nước thứ ba bằng đường sắt ; tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác vận tải hàng không, đường bộ và đường sắt. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lớn, có trình độ khoa học công nghệ cao của Trung Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ nỗ lực để duy trì đà phát triển quan hệ thương mại Trung - Việt theo hướng ngày càng cân bằng hơn ; tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Hai bên nỗ lực giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong quan hệ hai nước, tăng cường hợp tác về năng lực sản xuất và tích cực thúc đẩy kết nối khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường" trên cơ sở phù hợp với nhu cầu, lợi ích và chiến lược phát triển bền vững của mỗi bên ; nhất trí mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, khoa học công nghệ, y tế. Phía Trung Quốc cam kết cung cấp cho Việt Nam không dưới 1.000 suất học bổng chính phủ, đào tạo không dưới 1.000 giáo viên tiếng Trung cho Việt Nam.

Hai Tổng bí thư đã đi sâu trao đổi nhiều vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Hai Tổng bí thư nhấn mạnh, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước là nền tảng xã hội và là nguồn sức mạnh cho quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp, bền vững lâu dài. Hai Tổng bí thư đề nghị mỗi bên tiếp tục tạo điều kiện đi lại cho người dân hai nước, sớm khôi phục các chuyến bay thương mại, hợp tác du lịch, giao thương ; tiếp tục tạo điều kiện để các địa phương, nhất là các địa phương biên giới hai nước, tăng cường giao lưu, hợp tác, đồng thời mở rộng hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với một số địa phương giàu tiềm năng của Trung Quốc.

Về vấn đề biên giới, lãnh thổ, hai bên nhất trí tăng cường quản lý hiệu quả đường biên giới theo các văn kiện, thỏa thuận ký kết giữa hai bên, thúc đẩy sớm vận hành thí điểm hợp tác du lịch tại khu cảnh quan Thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc).

Về vấn đề trên biển, hai Tổng bí thư cùng cho rằng, đây là vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước, việc duy trì hòa bình, ổn định trên biển có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của cả hai Đảng, hai nước. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai bên tuân thủ nhận thức chung cấp cao, tôn trọng lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau, giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, phát huy tốt các cơ chế đàm phán trên biển, thúc đẩy phân định và bàn bạc về hợp tác phát triển ; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sớm thăm lại Việt Nam trong thời gian gần nhất. Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời.

Nguyễn Hồng Điệp

Nguồn : Tin Tức TTXVN, 31/10/2022

Published in Diễn đàn

Họa hay phúc trong bang giao với Trung Hoa "vĩ đại" phải đâu chỉ xuất hiện trong một tháng hay một năm nay. Tính đến ngày 21/12/2021, đã có đến hơn 6 ngàn 300 xe hàng hóa, nông sản, chủ yếu là hoa quả của Việt Nam ùn tắc tại các cửa khẩu xuất hàng sang Trung Quốc. Hàng đoàn xe đã phải quay lại bán "giải cứu" trong nội địa… Còn nhớ, ngày Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn thăm đáp lễ người đồng cấp Vương Nghị hồi đầu tháng (2/12), giới phân tích đã sớm "hồi hộp" lo âu : Bang giao Trung – Việt dường như đang vào hồi im lặng trước cơn bão ?

Họa phúc phải đâu một buổi

Lúc bấy giờ những lời đoán già đoán non đã được đưa ra, Trung Quốc sẽ làm gì để "dằn mặt" Việt Nam, khi mà năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, vẫn biệt tăm một chuyến "triều cống" sang Bắc Kinh của tập đoàn lãnh đạo Hà Nội. Trong cả năm 2021 này, ngoại giao cấp cao Việt Nam có sự phát triển vượt bậc về cả cường độ, chiều rộng lẫn chiều sâu. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có các chuyến công du nước ngoài không chỉ liên quan đến các diễn đàn đa phương mà còn với tất cả các đối tác và bạn bè truyền thống, từ Nga, Cuba, Lào và Campuchia, đến khối phương Tây như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc và các nước lớn khác như Ấn Độ…

Trong khi đó, quan hệ "16 chữ vàng" và "bốn tốt" hiện đang phải đối mặt với những thách thức còn lớn hơn việc tắc nghẽn 6 ngàn 300 xe chở hoa quả tươi sắp phải bán tống bán tháo trong nội địa để vớt vát chút tiền xăng dầu trở về Nam. Nếu có một chuyến thăm cấp cao Việt – Trung sau Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam và trước Đại hội 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc thì thượng đỉnh lần này phải giải quyết ít nhất một vấn đề then chốt mới trong bang giao song phương. Trước hết và quan trọng nhất, Việt Nam phải cam kết có hưởng ứng "chủ trương lớn" của Trung Quốc rằng, "hai đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam cần xây dựng nhận thức chung về tư tưởng, củng cố sự tin cậy lẫn nhau về chiến lược… đặc biệt là phải xử lý ổn thoả các vấn đề trên biển, nâng cấp quan hệ ‘đối tác hợp tác chiến lược toàn diện’ thành quan hệ ‘cộng đồng chung vận mệnh" Trung – Việt" ? (TLTKĐB ngày 9/12/2021, số 3245 TTXVN).

Chưa rõ, bài viết có tựa đề "Xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Việt – Trung" trên trang mạng của Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Marx, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc chỉ là sự tái khẳng định một khuyến nghị chính sách hay đó là một tối hậu thư cho triển vọng quan hệ hai đảng, hai nước. Chỉ biết những kiến giải trong bài viết "tràng giang đại hải" ấy khiến những ai quan tâm tới những biến động phức tạp trong quan hệ song phương Việt – Trung không khỏi băn khoăn. Tân Hoa Xã hôm 24/05/2021 đã dẫn tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, cho biết Trung Quốc sẵn sàng có những nỗ lực tích cực với Việt Nam, để xây dựng hai nước thành một "cộng đồng cùng chung vận mệnh" mang ý nghĩa chiến lược.

Đề nghị nói trên của ông Tập có vẻ chưa được phía Việt Nam đáp ứng ngay. Cũng theo Tân Hoa Xã, được ông Tập gởi lời thăm hỏi, Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chúc mừng đảng Cộng Sản Trung Quốc 100 tuổi với các thành tựu xóa đói giảm nghèo. Đồng thời khẳng định Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lãnh vực. Nghĩa là cả ông Trọng lẫn ông Phúc đều không tỏ dấu hiệu gì hưởng ứng đề nghị của ông Tập. Cho dù sau đó, ông Tập còn lưu ý cần phải có định hướng đúng đắn cho quan hệ Việt – Trung. Ông cũng hoan nghênh việc ban lãnh đạo mới của Việt Nam tiếp tục dành ưu tiên hàng đầu cho quan hệ với Trung Quốc.

bg-1

Cả doanh nghiệp, thương lái và nông dân đều thiếu sự chủ động trong việc tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.

Bị động hay chưa có chính sách

Ngay khi có thông tin Trung Quốc tạm đóng các cửa khẩu, không chỉ hàng ngàn xe nông sản bị "giam", mà ngay tại các địa phương, các mặt hàng trái cây tươi, nông sản xuất khẩu lập tức rớt giá không phanh. Cả doanh nghiệp, thương lái và nông dân đều thiếu sự chủ động trong việc tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Vì ngoài chính sách "nói không với dịch Covid-19", từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới khắt khe với hàng loạt quy định mới về các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ các nước. Trong đó, nội dung quan trọng là Trung Quốc sẽ không khuyến khích nhập khẩu theo đường tiểu ngạch nữa. Rủi ro xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, sự cần thiết phải chuyển đổi sang đường chính ngạch đã được đặt ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thực sự được cả thương lái, doanh nghiệp quan tâm và chủ động trong việc chuyển hướng.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tại Hà Nội cho biết ước tính ban đầu cho thấy việc Trung Quốc kiểm soát biên giới trong vài tuần qua đã khiến thương mại Việt Nam thiệt hại khoảng 174 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu nông sản và thủy sản sang Trung Quốc trị giá 8,1 tỷ USD vào năm 2020, với nhập khẩu theo chiều ngược lại – chủ yếu là máy móc và sản phẩm điện tử – trị giá 43,3 tỷ USD. Hà Hoàng Hợp, một thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore cho biết : "Hà Nội phải yêu cầu các bên liên quan và các nhà xuất khẩu làm việc về dịch vụ hậu cần thay thế, vì hiện tại nhiều xe tải bị mắc kẹt đang chở hàng đến Thái Lan qua tuyến Trung Quốc, để tăng tốc xuất khẩu nhằm cứu chuỗi cung ứng của mình".

Ông Hồ Tỏa Cẩm, tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam, trong cuộc họp báo ngày 20/12 tại Hà Nội, nói rằng, ông không thể báo trước dịp nghỉ Tết tới các cảng Trung Quốc sẽ nghỉ 15 hay 60 ngày. Trong khi đó, đài báo Trung Quốc không nói gì nhiều về chuyện hàng Việt Nam bị ách tắc bên phía Việt Nam. Nhưng truyền thông Trung Quốc lại đưa tin vui về việc thông tuyến tàu liên vận mới. Tân Hoa Xã cho biết, ngày 9/12, chuyến tàu liên vận đường bộ và đường sắt Trung – Việt lần đầu tiên xuất phát từ thành phố Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc chở 1200 tấn sản phẩm hóa chất của Công ty hoá chất xuất sang Việt Nam, bằng đường sắt Quảng Tây, sau đó chuyển đường bộ qua cửa khẩu Hữu Nghị vào Việt Nam.

Củ cà rốt và cái gậy của Bắc Kinh

Trung Quốc không chỉ "chơi khó" với một mình Việt Nam. "Các chính sách kinh tế cưỡng chế" của Trung Quốc đã trở thành nội dung trung tâm tại cuộc họp ngoại trưởng G-7 vào cuối tuần trước, sau một thời gian đầy biến cố chứng kiến Nicaragua cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để ủng hộ Bắc Kinh và Trung Quốc tăng cường trả đũa Lithuania, sau khi Quốc gia vùng Baltic đã cho phép mở Văn phòng đại diện Đài Loan tại Vilnius vào tháng trước. Evan Ellis, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quân đội Hoa Kỳ, cho rằng việc Nicaragua chuyển từ Đài Loan sang Trung Quốc là do hiệu quả của chính sách ngoại giao vaccine của Bắc Kinh. Điều này tăng thêm tầm quan trọng của Trung Quốc đối với Mỹ Latinh, trong khi nhu cầu tài chính của các chính phủ Trung Mỹ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, vì các nước Trung Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi những tác động từ đại dịch Covid-19.

Giáo sư Ellis nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters : "Trung Quốc, khi theo đuổi các lợi ích kinh tế chiến lược của mình, đang duy trì quyền lực của những người theo chủ nghĩa dân túy độc tài, dẫn đến một khu vực kém dân chủ hơn bao giờ hết. Nhưng củ cà rốt mà Bắc Kinh đưa ra cho các đối tác quốc tế sẽ chỉ là một khía cạnh trong chính sách đối ngoại của họ. Và các nước phương Tây ngày càng quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là cách Trung Quốc vũ khí hóa thương mại và các công cụ thương mại khác để đạt được các mục tiêu địa chính trị của mình. "Chúng tôi đã nói rõ tại cuộc họp cuối tuần này rằng chúng tôi lo ngại về các chính sách ‘kinh tế cưỡng bức’ của Trung Quốc", Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói với báo chí tại Liverpool, sau cuộc họp của các ngoại trưởng G-7. 

Trần Đông A

Nguồn : VOA, 28/12/2021

Published in Diễn đàn

Báo chí thế giới bắt đầu gọi cuộc đối đầu Mỹ-Trung bằng cụm từ quen thuộc "Chiến tranh Lạnh". Không ít người lo ngại sẽ xảy ra đối đầu quân sự giữa hai cường quốc. Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng xấu đi là điều ai cũng có thể thấy. Nước Mỹ của Donald Trump đang thoái lui với chủ trương "America First" (nước Mỹ trước hết), cũng đồng nghĩa với "America Alone" (nước Mỹ một mình) và Trung Quốc thì có vẻ muốn lấp vào chổ trống mà Mỹ bỏ lại. Liệu chiến tranh có xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc để khẳng định ngôi vị bá chủ thế giới không ?

Đầu tiên, thế nào là "Chiến tranh Lạnh" ? Đây là cuộc chiến về ý thức hệ giữa hai khối "Cộng sản - Dân chủ" (Xã hội chủ nghĩa - Tư bản chủ nghĩa) do Liên Xô và Mỹ lãnh đạo sau thế chiến 2. Tuy hai siêu cường Mỹ và Liên Xô không trực tiếp giao chiến với nhau nhưng cả hai đều đã ủng hộ và giúp đỡ tận tình cho các nước đồng minh giao tranh với nhau trên toàn thế giới như Việt Nam, Triều Tiên, Indonesia, Afghanistan, Nicaragoa, Bolivia, Cuba… Các cuộc chiến đó không hề Lạnh chút nào mà rất Nóng. Trong cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953) thì cả Trung Quốc và Mỹ đều đã trực tiếp tham chiến. Chiến tranh Việt Nam cũng vậy, Mỹ và quân đồng minh đã trực tiếp đổ quân vào miền Nam, Trung Quốc và Liên Xô cũng gửi chuyên gia và cố vấn đến miền Bắc. Hàng triệu người Việt Nam đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Gần 8 triệu tấn bom đã thả xuống Việt Nam (gấp 2 lần số bom được dùng trong thế chiến 2) chưa kể 7,5 triệu tấn đạn dược và 75 triệu lít chất độc hóa học...

coldwar1

Chiến tranh Lạnh có xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc không ?

Chiến tranh Lạnh kéo dài hơn 40 năm với tất cả quyết tâm hạ gục lẫn nhau của hai khối cộng sản và dân chủ. Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân và chinh phục không gian đã làm Liên Xô kiệt quệ. Chiến tranh Lạnh kết thúc khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.

Có thể thấy hiện nay Mỹ và Trung Quốc không hề có mâu thuẫn đối kháng về ý thức hệ như hồi Chiến tranh Lạnh dù hai chế độ có khác nhau về thể chế chính trị. Mỹ dưới thời Donald Trump đã từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới. Khối các nước dân chủ đang bối rối và chưa kịp trở tay trước sự rút lui đột ngột của Mỹ. Donald Trump gây hấn với tất cả các nước dân chủ, từ Châu Âu cho đến Châu Á trong khi lại tỏ ra thân thiết với Nga, Bắc Triều Tiên, Việt Nam...

Trung Quốc cũng vậy, họ gây hấn với tất cả thế giới kể cả với một quốc gia đàn em có cùng ý thức hệ độc tài cộng sản là Việt Nam. Mỹ công khai từ nhiệm vai trò lãnh đạo khối dân chủ và Trung Quốc cũng gây gổ để rút lui và co cụm lại như nhận định của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp). Cả hai đều không chuẩn bị cho chiến tranh vì họ không hề lôi kéo hay tranh thủ đồng minh. Rõ ràng là cả Mỹ và Trung Quốc đều không có ý định gây chiến với nhau.

Trong Chiến tranh Lạnh cả Mỹ và Liên Xô đều xông lên tuyến đầu và hai khối "Cộng sản - Dân chủ" đã hình thành hai chiến tuyến rất rõ ràng. Hiện nay cả Mỹ và Trung Quốc đều cô đơn. Không chỉ thế cả hai đang gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng trong nội bộ. Tại Mỹ, chủ nghĩa phóng khoáng đang bị khủng hoảng khi tự do được đẩy lên quá cao trong lúc liên đới xã hội và bình đẳng bị bỏ lại phía sau. Donald Trump là một tổng thống dân túy nên chỉ càng làm cho nước Mỹ chia rẽ sâu sắc hơn thay vì đoàn kết lại. Người dân tức giận và phẫn nộ trước sự bất bình đẳng ngày càng sâu sắc. Các cuộc biểu tình và bạo loạn sau cái chết của người Mỹ da đen George Floyd đã chứng minh cho điều đó.

coldwar2

Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc cô đơn ?

Trung Quốc đang gây hấn để co cụm như phân tích của Tập Hợp. Họ đang phải đối đầu với làn sóng chống đối quyết liệt của người dân Hồng Kông. Bất lực và sợ đám cháy Hồng Kông lan rộng nên Trung Quốc đã lấy một quyết định cứng rắn là xóa bỏ quyền tự trị của Hồng Kông khi thông qua "Đạo luật an ninh quốc gia" đối với Hồng Kông. Trung Quốc và các nước độc tài còn lại sẽ vô cùng khốn đốn sau đại dịch Covid-19. Nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc đang đứng trước bờ vực khủng hoảng và đổ vỡ. Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu (EU) sẽ tìm cách rút các nhà máy ra khỏi Trung Quốc sang các nước khác để bao vây và cô lập Trung Quốc. Một đồng thuận trên toàn thế giới (chứ không riêng mỗi chính quyền Donald Trump) là xem Trung Quốc như mối đe dọa cho hòa bình thế giới khi Trung Quốc phát triển nhưng vẫn từ chối công nhận các quyền cơ bản của con người.

Đó là bề chìm, còn bề nổi thì chúng ta đang chứng kiến các cuộc khẩu chiến ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ đã hủy bỏ những ưu đãi kinh tế dành cho Hồng Kông và mới nhất là việc ngoại trưởng Mỹ đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Tàu chiến Mỹ hiện diện ngày càng nhiều hơn ở khu vực này. Liệu có xảy ra đụng độ ở Biển Đông hay không ? Câu trả lời là có thể có, có thể không.

coldwar3

Biển Đông sẽ là nơi xảy ra xung đột Mỹ-Trung ?

Trung Quốc bị vây bọc tứ phía trên biển, biển Hoa Đông thì có Nhật trấn giữ, rồi đến Đài Loan và sau đó là Biển Đông. Việc Trung Quốc hù dọa tấn công Đài Loan là chuyện khó xảy ra vì không quân của Đài Loan được giới chuyên gia nhận định là tinh nhuệ nhất thế giới. Nhật Bản lại càng không thể, như vậy chỉ có Biển Đông là yếu nhất. Philippines và Việt Nam đều không phải là đối thủ của Trung Quốc, trình trạng pháp lý nơi đây không được rõ ràng và đang có tranh chấp giữa nhiều quốc gia. Nếu cần một cuộc giao chiến trên biển thì chắc chắn Trung Quốc sẽ chọn Biển Đông. Tuy nhiên như đã phân tích, Trung Quốc không sẵn sàng cho một cuộc chiến với Mỹ và EU. Tương quan lực lượng giữa hai bên quá chênh lệch.

Chính quyền Donald Trump đang khiêu khích và gây gỗ với Trung Quốc trên mọi mặt trận vì chống Trung Quốc là lá bài cuối cùng của Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Chúng ta hy vọng là Trung Quốc không mắc mưu Mỹ khi khai chiến ở Biển Đông. Tất nhiên là Trung Quốc sẽ không nhằm vào quân đội Mỹ mà sẽ nhắm vào Việt Nam vì vậy chính quyền Việt Nam cũng cần cảnh giác, tránh khiêu khích hay chọc giận Trung Quốc để họ có cớ tấn công, chiếm đóng các đảo của Việt Nam. Đồng thời phải chuẩn bị để đối phó các cuộc tấn công từ Trung Quốc. Việt Nam phải kiên quyết giữ các đảo đến cùng vì nếu mất đi sẽ không bao giờ lấy lại được. Nên gửi đến Trung Quốc một thông điệp là Việt Nam sẵn sàng biến một xung đột khu vực thành xung đột quốc tế. Với thái độ chống Trung Quốc như hiện nay trên thế giới thì Bắc Kinh sẽ mất nhiều hơn là Hà Nội. Bài học từ Ukraine vẫn còn đó. Nga lấy được bán đảo Crimea nhưng bị Mỹ và EU cấm vận, Ukraine thì mất đất. Chỉ có Mỹ là được lợi khi có cớ cấm vận và làm suy yếu nước Nga.

Nếu Trung Quốc vì bị khiêu khích hay vì một lý do (điên rồ) nào đó mà quyết định gây ra một cuộc hải chiến nhỏ, cho dù có kềm chế, trên Biển Đông thì hậu quả Trung Quốc sẽ bị cấm vận còn Việt Nam sẽ mất đảo và cũng chỉ Mỹ là hưởng lợi. Mỹ sẽ không đánh trả Trung Quốc nếu Trung Quốc không trực tiếp tấn công Mỹ. Khác với Đài Loan, Mỹ cũng không có lý do gì để giúp Việt Nam chiếm lại các đảo nếu bị Trung Quốc xâm chiếm. Quan hệ Mỹ-Việt chưa đủ lớn và đủ độ tin cậy để Mỹ làm điều đó. Hy vọng Donald Trump đánh Trung Quốc hộ Việt Nam chỉ là giấc mơ hoang đường. Cũng may cho Mỹ và thế giới là Donald Trump kém cỏi và vụng về nếu không hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Theo nhận định của Tập Hợp thì căng thẳng Mỹ-Trung là có thật và ngày càng dâng cao khi mọi thăm dò đều cho thấy Donald Trump đang bị thua điểm Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 sắp tới. Tuy nhiên chiến tranh sẽ không xảy ra dù Nóng hay Lạnh. Mỹ và Trung Quốc không hề đối đầu về ý thức hệ mà chỉ vì lý do kinh tế. Mỹ không còn là lãnh đạo của khối dân chủ mà chỉ là một "chế độ tài phiệt". Trung Quốc cũng không còn là quốc gia cộng sản mà chỉ là chế độ độc tài cá nhân trị. Cả hai nước đều sỡ hữu vũ khí hạt nhân, cả hai đều không dám gây chiến và xung đột, ngoại trừ "khẩu chiến".

Vậy Mỹ và Trung Quốc sẽ làm gì ? Cả hai sẽ ngày càng to tiếng và "ăn miếng trả miếng" với nhau để đổ lỗi và biện hộ cho những thất bại trong đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế. Khả năng cao là Mỹ sẽ có tổng thống mới trong cuộc bầu cử tới đây. Đoàn kết người dân Mỹ, hàn gắn với các đồng minh dân chủ sẽ là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền mới. Mỹ cũng cần thời gian để trấn tĩnh và chấn chỉnh lại nền dân chủ của mình.

coldwar4

Khả năng cao là Mỹ sẽ có một vị tổng thống mới biết đoàn kết người dân Mỹ, hàn gắn với các đồng minh dân chủ - Ảnh minh họa Donald Trump và Joe Biden (phải)

Trung Quốc sẽ rút lui và co cụm lại trước khi tan vỡ. Thời gian này có thể kéo dài khoảng 10 năm. Làn sóng bất mãn sẽ gia tăng khi kinh tế Trung Quốc sa sút. Người dân Trung Quốc đã hội nhập sâu rộng với thế giới. Họ làm ăn và đi du lịch khắp thế giới, cuộc sống của họ đã cải thiện rất nhiều, cho nên rất khó để quay lại với cuộc sống nghèo khó như trước. Không chỉ các tỉnh nghèo của Trung Quốc bất mãn mà sắp tới các tỉnh giàu có của Trung Quốc cũng sẽ bất mãn và không muốn chia sẻ gánh nặng với Bắc Kinh. Trung Quốc tan vỡ thành nhiều quốc gia độc lập là điều khó tránh khỏi. Hy vọng là sự tan vỡ đó xảy ra trong hòa bình như Liên Xô hồi trước.

Việt Nam có mọi lý do để lo lắng và thận trọng. Đảng cộng sản Việt Nam rất khó khăn khi bắt buộc phải chọn phe.

"Bỏ Tàu theo Mỹ" là một lựa chọn tình thế nhằm lợi dụng Mỹ trong quan hệ song phương chứ không hẳn vì chia tay ý thức hệ cộng sản. Sự xoay trục nửa vời này có thể sẽ gặp rắc rối với Donald Trump, một tổng thống dân túy bốc đồng. Sau khi Trung Quốc co cụm và rút lui thì vai trò của Việt Nam sẽ giảm đi, những ưu đãi và dễ dãi của Mỹ và EU dành cho Việt Nam cũng không còn. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ rất bối rối và khốn đốn trong những ngày tới.

Việt Hoàng

(06/06/2020)

Published in Quan điểm

Một nhà nghiên cứu đang công tác ở Viện Chính trị học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan, chia sẻ với BBC News tiếng Việt về hướng đi trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay.

vietrung1

Ngành may mặc Việt Nam hưởng một số lợi ích vì thương chiến Mỹ - Trung - Ảnh minh họa

Bà Christina Lai, nhận bằng tiến sĩ về quan hệ quốc tế ở Đại học Mỹ Georgetown, nói phương châm 16 chữ vàng từ 1999 vẫn đóng vai trò quan trọng cho Việt Nam và Trung Quốc.

Năm 1999, trong Tuyên bố chung cấp cao, Trung Quốc, dưới thời Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, đã khái quát phương châm 16 chữ vàng với Việt Nam : "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai".

Bà Christina Lai nhận định "16 chữ vàng" này hàm chứa cả góc độ song phương và khu vực.

"Nhìn tới tương lai, cả hai nước đều rất cần duy trì trật tự khu vực ổn định, và phương châm 16 chữ có thể là phương tiện diễn ngôn quan trọng.

"Phương châm này tới nay chưa có gì thay đổi đáng kể.

"Tuy nhiên, vẫn còn sự bất an trong quan hệ Việt - Trung. Căng thẳng đang lên từ sự cạnh tranh Mỹ - Trung, và sự cứng rắn của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa có thể ảnh hưởng tới mức độ định vị lại chính sách Trung Quốc của Việt Nam".

BBC : Từ năm ngoái, giữa căng thẳng thương chiến Mỹ - Trung, bà có thấy xu hướng gì nổi bật trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc ?

Christina Lai : Chính sách của Việt Nam với Trung Quốc phải giữ sự cân bằng tế nhị giữa quan hệ kinh tế khăng khít và căng thẳng trong tranh chấp biển đảo.

Ví dụ, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam mới đây đã chỉ ra sự cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông. Sự o ép chính trị, các biện pháp đơn phương và vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc có thể gây hại cho lợi ích an ninh của Việt Nam và ổn định khu vực.

Trong tương lai, chính phủ Việt Nam nên giữ các kênh ngoại giao ổn định với Trung Quốc để giải quyết căng thẳng gia tăng ở Đông Nam Á.

vietrung2

Vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Hà Nội tháng 11/2015

BBC : Một số người đã nói rằng Việt Nam có thể hay sẽ là nước chiến thắng về kinh tế, trong lúc Mỹ tìm cách tách ra khỏi Trung Quốc. Bà nghĩ thế nào ?

Christina Lai : Dựa vào thống kê, dữ liệu có tới nay, Việt Nam quả thật hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung. Xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng nhiều trong giai đoạn 2018-19. GDP Việt Nam cũng tăng trưởng 6,7% năm ngoái.

Thương chiến hiện nay đặt ra cả thách thức và cơ hội cho chính phủ Việt Nam.

Ví dụ, số lượng mobile phone, dệt may, đồ gia dụng, trước làm ở Trung Quốc để xuất sang Hoa Kỳ, thì nay đã tăng ở Việt Nam.

Đồng thời, Việt Nam phải thắt chặt kiểm tra xuất nhập khẩu để ngăn ngừa việc hàng hóa Trung Quốc dùng Việt Nam làm trạm trung chuyển rồi xuất sang Mỹ.

Việt Nam nên tập trung nhiều hơn vào việc củng cố tính cạnh tranh của nhân lực, cải thiện cung cấp năng lượng và hạ tầng…

BBC : Trung Quốc mới đây cảnh báo rằng Washington đang đẩy hai nước đến bờ vực "chiến tranh lạnh". Trong tương lai, liệu cạnh tranh Mỹ - Trung có tác động sâu sắc tới chính sách ngoại giao của Việt Nam ?

Christina Lai : Trong mấy thập niên gần đây, Việt Nam luôn duy trì chính sách cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, chiến lược duy trì khoảng cách bằng nhau như vậy có thể khó giữ mãi trong lúc Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh.

Trong khi Việt Nam thận trọng để không làm mất lòng Trung Quốc, thì sự cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm Hà Nội rất lo ngại.

Tuy nhiên, không chắc chắn là Washington và Hà Nội sẽ có thể thắt chặt quan hệ tới mức nào ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Một số người ở Việt Nam nghi ngại Mỹ sẽ không bảo vệ Việt Nam nếu xảy ra xung đột quân sự nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông.

BBC : Năm 2021 tại Việt Nam sẽ diễn ra Đại hội Đảng 13, với sự chuyển giao lãnh đạo mới. Bà có nghĩ rằng Việt Nam sẽ có tư tưởng và nguyên tắc mới trong quan hệ với Trung Quốc trong 5 năm tới ?

Christina Lai : Nếu chuyển giao lãnh đạo ở Việt Nam diễn ra êm đẹp, chính sách của Việt Nam với Trung Quốc sẽ có sự tiếp nối liên tục.

Mặc dù Đảng cộng sản Việt Nam chi phối hệ thống chính trị, nhưng Việt Nam nói chung là vẫn "đa nguyên" hơn, theo đó, sự đồng thuận đứng cao hơn cung cách lãnh đạo mạnh. Vì thế, dù cho các lãnh đạo cao cấp mới sẽ là ai, ưu tiên của chính phủ Việt Nam vẫn là duy trì tăng trưởng kinh tế cao và trật tự khu vực ổn định.

Việt Nam sẽ chỉ đề ra nguyên tắc mới trong quan hệ với Trung Quốc nếu họ quyết định từ bỏ chính sách cân bằng và chuyển sang gần với Mỹ trong tương lai.

Nguồn : BBC tiếng Việt, 02/06/2020

Published in Diễn đàn
lundi, 27 avril 2020 08:50

Trung Quốc hậu Covid-19

Đến hôm nay trên thế giới đã có hơn 2,9 triệu ca nhiễm Covid-19 với hơn 200.000 người chết. Mỹ vẫn đứng đầu với hơn 900.000 ca nhiễm và hơn 53.000 người tử vong. Tuy nhiên con số tử vong và lây nhiễm đang có dấu hiệu giảm xuống. Dù vậy thì đại dịch Covid-19 đang và sẽ làm thay đổi thế giới mà chúng ta vốn đã quen thuộc.

Trung Quốc, cường quốc thứ hai trên thế giới và cũng là nơi bắt nguồn đại dịch sẽ đi về đâu ? Liệu Trung Quốc có thể thay thế vai trò của Mỹ không và quan hệ giữa Trung Quốc-Việt Nam sẽ như thế nào ?

1. Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ lãnh đạo thế giới ?

Đại dịch Covid-19 bắt nguồn từ Trung Quốc là điều mà ai cũng biết. Nhưng liệu con virus này có phải do con người, cụ thể là Trung Quốc tạo ra không thì có lẽ không bao giờ có câu trả lời. Nhiều quốc gia trong đó có Mỹ đang yêu cầu mở một cuộc điều tra quốc tế độc lập để tìm hiểu về nguồn gốc của con virus corona nhưng có thể đoán được là Trung Quốc sẽ không chấp nhận chuyện đó và thế giới cũng chẳng làm gì được.

My-TQ-0

Liệu Trung Quốc có thay thế Mỹ để lãnh đạo thế giới sau Covid-19 ?

Nhiều người dân Mỹ, trong đó có cả người Mỹ gốc Việt đang viết đơn kiện ra tòa đòi Trung Quốc đền bù cho những thiệt hại do Covid-19 gây ra. Đây cũng là việc làm mang tính hình thức vì kể cả khi tòa ra phán quyết thì Trung Quốc cũng không trả và một lần nữa, chẳng ai làm gì được Trung Quốc.

Tuy vậy có một sự thật hiển nhiên mà ai cũng có thể thấy và điều này mới thực sự gây hậu quả nghiêm trọng cho Trung Quốc đó là thái độ của người dân trên thế giới nói chung và nhất là người dân Mỹ nói riêng đối với Trung Quốc. Theo thăm dò dư luận của hãng Pew ngày 21/04/2020 thì có đến 2/3 người dân Mỹ có thái độ tiêu cực đối với Trung Quốc và 90% người được hỏi xem Trung Quốc là một mối đe dọa.

Hiện tại các quốc gia trên thế giới đều đang phải tập trung mọi cố gắng để dập dịch nên chưa có thái độ với Trung Quốc nhưng rõ ràng là quan hệ với Trung Quốc đang xấu đi. Mặt khác do quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp vật liệu y tế từ Trung Quốc nên phương Tây đang phải "ngậm bồ hòn làm ngọt". Đại dịch Covid-19 cho thấy Châu Âu quá lệ thuộc vào "công xưởng thế giới". Trung Quốc cung cấp 97% lượng kháng sinh tiêu thụ tại Mỹ. 80% hoạt chất chính dùng trong ngành sản xuất dược phẩm nằm ở Trung Quốc. 80-90% dược liệu để bào chế ra các hoạt chất chính đó cũng do Trung Quốc nắm giữ. 70% khẩu trang bảo hộ đang dùng ở Mỹ là sản xuất ở Trung Quốc.

TQ-Y-2

Đại dịch Covid-19 cho thấy Châu Âu quá lệ thuộc vào "công xưởng thế giới" Trung Quốc.

Phong trào toàn cầu hóa và chủ nghĩa phóng khoáng bùng lên sau khi Liên Xô sụp đổ, đã đặt quyền lợi kinh tế lên trên tất cả khiến Mỹ và thế giới bỏ hết trứng vào cái giỏ Trung Quốc. Covid-19 làm cho thế giới chao đảo và trả giá đắt vì sự lệ thuộc đó. Việc phong tỏa và cô lập Trung Quốc là một quá trình lâu dài, cần quyết tâm cao, có sự chuẩn bị chu đáo và phối hợp đồng bộ giữa các nước dân chủ chứ không "dễ thắng" như Trump huênh hoang.

Kế hoạch rời Trung Quốc đang được các cường quốc lên kế hoạch. Nhật chi 2,2 tỉ USD để hỗ trợ các công ty Nhật chuyển nhà máy về trong nước hoặc chuyển sang Đông Nam Á. Tuần báo Politico ngày 21/4 đưa tin, Cao ủy Thương mại Liên Hiệp Châu Âu Phil Hogan cho biết khối này sẽ tìm cách "giảm sự lệ thuộc thương mại" vào Trung Quốc sau đại dịch. Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Mỹ Larry Kudlow nói Washington nên trả chi phí để các công ty Mỹ đưa sản xuất rời khỏi Trung Quốc về Mỹ, trong đó các công ty sản xuất thiết bị bảo hộ y tế và các loại thuốc thiết yếu được ưu tiên hàng đầu.

Quá trình này không thể nhanh gọn mà sẽ kéo dài trong nhiều năm : Thứ nhất các công ty không muốn từ bỏ thị trường 1,4 tỉ dân. Thứ hai chi phí về nhân công và các qui định khắt khe về môi trường tại các nước phát triển ngăn cản sự "hồi hương" các công ty đa quốc gia. Thứ ba, quá trình toàn cầu hóa không thể đảo ngược mà chỉ có thể điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Nhiều ngành nghề như sản xuất và gia công cần nhiều lao động đã chuyển dịch hoàn toàn sang các nước đang phát triển. Toàn cầu hóa bằng cách bỏ hết trứng vào giỏ Trung Quốc sẽ kết thúc sau đại dịch và chuyển sang hình thái "khu vực hóa", tức là chia nhỏ các nhà máy và chia đều ra năm châu. Châu Á sẽ phục vụ cho thị trường Châu Á ; Châu Âu sẽ phục vụ cho thị trường Châu Âu…

Trung Quốc sẽ là một trong những nước khốn đốn nhất trong đại dịch này theo phân tích của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Nền kinh tế của Trung Quốc bắt đầu rơi vào khủng hoảng khiến Tập Cận Bình bắt buộc phải rút lui và co cụm lại kể cả khi không xảy ra đại dịch (*). Covid-19 sẽ làm cho quá trình đó diễn ra nhanh hơn. Sự rút lui đột ngột khỏi vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ thời Donald Trump đã làm cho thế giới bối rối và xáo trộn. Tuy nhiên Trung Quốc không có đủ uy tín để lấp vào chổ trống mà Mỹ đã tạo ra. Các chiến dịch ngoại giao nhằm đánh bóng hình ảnh của Trung Quốc sẽ nhanh chóng thất bại, việc thao túng các định chế quốc tế như WHO cũng vậy. Thế giới đã đủ văn minh để hiểu việc tôn trọng nhân phẩm con người quan trọng hơn tiền bạc.

Trật tự thế giới sẽ thay đổi sau Covid-19. Mỹ đã từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới và thế giới đã chấp thuận sự từ nhiệm đó. Trong đại dịch Covid-19, không ai kêu gọi trách nhiệm của Mỹ mà chỉ yêu cầu Mỹ tôn trọng các thỏa thuận đã ký kết. Tuy nhiên, do trọng lượng rất lớn về kinh tế-quân sự nên Mỹ vẫn có một tiếng nói quan trọng trong một liên minh dân chủ, thay Mỹ, lãnh đạo thế giới. Liên minh đó có thể là G7. Trung Quốc sẽ rút lui và co cụm lại trước khi tan vỡ. Việc Trung Quốc thay thế Mỹ lãnh đạo thế giới là điều không thể xảy ra.

2. Quan hệ Trung Quốc với Việt Nam sẽ ra sao ?

Ai cũng thấy là mối quan hệ anh em, đồng chí giữa Trung Quốc và Việt Nam đang xấu đi. Ngày 30/3/2020, Việt Nam gửi lên Liên Hiệp Quốc công hàm khẳng định chủ quyền của mình tại Hoàng Sa và Trường Sa, và phản đối các yêu sách vô lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Ngày 02/04/2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu đánh cá Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa, và sau đó vu cáo tàu đánh cá Việt Nam đâm vào tàu của họ.

Ngày 14/04/2020, Việt Nam gửi Liên Hiệp Quốc thêm hai công hàm để đáp lại quan điểm của Malaysia và Philippines.

tauTQdamtauVN3

Tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu đánh cá Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa.

14/04/2020 tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi bờ biển của Việt Nam và tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), được đi kèm bởi tàu tuần duyên Trung Quốc, theo số liệu từ Marine Traffic, một trang mạng theo dõi vận tải biển.

19/04/2020 Trung Quốc đặt tên cho 80 đảo, đá và thực thể tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời lập hai quận Tây Sa và Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa để quản lý hai quần đảo này.

Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc định làm gì trên Biển Đông ? Liệu Trung Quốc có tấn công và xâm chiếm các đảo của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa như những đe dọa bóng gió của họ không ? Theo phân tích của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì Trung Quốc chỉ khiêu khích và quấy rối trên Biển Đông chứ không có ý định dùng vũ lực tấn công các đảo của Việt Nam. Việc tàu HD8 của Trung Quốc đi lại trên Biển Đông, kể cả trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không vi phạm pháp luật quốc tế. Khi nào họ tiến hành khai thác trong khu vực đó thì mới nên chuyện. Theo Tập Hợp thì các đế quốc chỉ bành trướng khi mạnh và thường co cụm khi nội bộ có vấn đề.

Việc Trung Quốc tăng cường khiêu khích và quấy rối trên Biển Đông đồng thời tung hết các quân bài như gửi công hàm của Phạm Văn Đồng năm 1958 lên Liên Hợp Quốc phản ánh điều gì ? Câu trả lời ngày càng rõ ràng : Quá trình "bỏ Tàu theo Mỹ" của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đang tăng tốc và không thể đảo ngược. Đã có một sự thỏa thuận ngầm nào đó giữa Việt Nam và Mỹ nên trong việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam thì không chỉ Bộ Ngoại giao Mỹ mà còn cả Bộ Quốc phòng Mỹ cũng lên tiếng phản đối. Hiện tại Mỹ cũng đã cử hai tàu chiến đến tuần tra trên Biển Đông. Họ đang sửa chữa sai lầm của 30 năm về trước.

Trung Quốc còn một "vũ khí" nữa để đe dọa Việt Nam là chặn biên giới, không cho hàng hóa nhập vào Trung Quốc. Tuy nhiên vũ khí này cũng là con dao hai lưỡi vì trong giao thương với Trung Quốc thì Việt Nam là nước nhập siêu chứ không phải Trung Quốc. Mỗi ngày Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc một lượng hàng trị giá 320 triệu USD, chủ yếu là nguyên vật liệu để gia công và xuất khẩu. Đồng thời mỗi ngày Việt Nam cũng xuất sang Trung Quốc một lượng hàng là nông hải sản trị giá 115 triệu USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2019 là gần 117 tỉ USD, trong đó Việt Nam mua hàng hóa của Trung Quốc là 75,4 tỉ USD và xuất sang Trung Quốc 41,4 tỉ USD (Việt Nam nhập siêu 34 tỉ USD).

Nếu đóng cửa hoàn toàn biên giới thì Trung Quốc thiệt nhiều hơn, cho nên khả năng là Trung Quốc chỉ gây khó dễ rồi cũng phải mở cửa thông thương. Dù thế thì Việt Nam cũng cần phải có kế hoạch giảm phụ thuộc vào xuất nhập khẩu từ Trung Quốc vì nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp 15 lần Việt Nam. Nếu xảy ra khủng hoảng giữa hai nước thì thiệt hại về phía Việt Nam sẽ rất lớn vì là nước nghèo nên dễ tổn thương.

Hơn lúc nào hết Việt Nam đang rất cần một chính phủ sáng suốt và có bản lĩnh. Đại hội 13 đang đến gần nhưng thay vì cởi mở hơn, dân chủ hơn thì đảng cộng sản chọn co cụm lại. Mọi nhân sự của khóa tới đều do Tổ giúp việc của Tiểu ban nhân sự Đại hội 13 do ông Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban quyết định tất cả. Tức là mọi nhân sự khóa 13 đều được "quy hoạch" chứ không được bầu chọn, ngay cả trong nội bộ đảng. Như vậy chất lượng của các nhân sự này thế nào thì ai cũng có thể đoán được.

Việt Nam đang đứng trước một thời cơ vô cùng lớn để đất nước hội nhập và có chổ đứng trong một trật tự thế giới mới sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên nhiều khả năng là đất nước lại lỡ hẹn một lần nữa bởi Đảng cộng sản Việt Nam với cơ chế chính trị như hiện nay không có khả năng để tạo ra bất cứ sự thay đổi lớn nào.

Việt Hoàng

(27/04/2020)

(*) Trung Quốc sẽ bành trướng ra hay co cụm lại ?

Published in Quan điểm

Thành ngữ "có kiêng, có lành" ca c nhân không phi lúc nào cũng đúng, đc bit là trong cách hành x ca "ta" đi vi Trung Quc…

vietrung1

Thêm một ngày 17 tháng 2 na trôi qua trong lng l. Đng "ta", quc hi "ta", nhà nước "ta", chính ph "ta" tiếp tc làm ngơ, không đ đng gì đến s kin Trung Quc tn công Vit Nam cách nay 41 năm (17/2/1979 – 17/2/2020)

***

Thêm một ngày 17 tháng 2 na trôi qua trong lng l. Đng "ta", quc hi "ta", nhà nước "ta", chính ph "ta" tiếp tc làm ngơ, không đ đng gì đến s kin Trung Quc tn công Vit Nam cách nay 41 năm (17/2/1979 – 17/2/2020), tước đot mng sng ca hàng trăm ngàn người Vit trong cuc chiến kéo dài sut mười năm (1979 – 1989).

Giống như nhiu năm, người Vit t t chc tưởng nim nhng người đã ngã xung trong cuc chiến tranh v quc y bng cách đến thăm nhng nghĩa trang lit sĩ, thp hương, đt hoa và viết – chia s thông tin, ý kiến trên mng xã hi. Ging như nhiu năm, ch có nhng cơ quan truyn thông được "ta" xếp loi hai, loi ba tham gia "ôn c tri tân". Nhng cơ quan truyn thông loi mt – "tiếng nói chính thc" ca đng "ta", quc hi "ta", nhà nước "ta", chính ph "ta" – như Nhân Dân, tiếp tc xem ngày 17 tháng 2 không phải là chuyn ca mình, k c nhng cơ quan truyn thông vn được xem là "xung kích" như Quân Đi Nhân Dân, Công An Nhân Dân,…

"ta" Trung Quc vn là ch đ cm k mà đng "ta", quc hi "ta", nhà nước "ta", chính ph "ta" kiêng như qun thn, con cháu kiêng… húy của thiên t, t tiên !

Vì tự thy phi kiêng mà "ta" l đi s hy sinh ca nhng anh hùng v quc, t ý đc b khi sách giáo khoa, các b s, không dy, không cho hát, không cho din… tt c nhng gì có th nh hưởng không hay đến nhn thức về Trung Quc. T thp niên 1990, sau khi Trung Quc phàn nàn vì h thng truyn thông ca "ta" chưa "thun", "ta" cm các cơ quan truyn thông đưa tin, dn nhng phát biu ch trích v hàng gian, hàng gi có xut x t Trung Quc, thành ra ch x ta mi có chuyn, phàm đã là Trung Quc thì dt khoát phi là "16 ch vàng", phi là "tinh thn bn tt", không phi "vàng", không "tt", không th l đi thì phi dùng t… "l" !

***

Thời thế đi thay, "16 ch vàng" và "tinh thn bn tt" không còn hp cnh nhưng "ta" vẫn kiên đnh vi ch trương "kiêng" cho… lành !

Cũng tại vy nên khi thiên h thi nhau đóng ca biên gii tiếp giáp Trung Quc, hn chế nhp cnh đi vi nhng cá nhân đến t Trung Quc đ ngăn nga dch viêm đường hô hp cp do virus Corona gây ra, lan sang xứ ca h, "ta" – tuy sát nách nhưng vn làm thinh. Trung Quc mun t đóng, t chn thì c đóng, c chn (1) ch "ta" không ch đng làm chuyn tuy nhiu người thy là cn nhưng chc chn s b Trung Quc xem là thiếu… thành ý đó.

Dân "ta" vốn… non nớt v nhn thc nên nhìn không ra, chính nh vy mà "ta" không b Trung Quc chi như đã chi tt c nhng quc gia đóng ca biên gii, hn chế hay cm công dân Trung Quc nhp cnh đ phòng nga Covid – 19 lây lan là…tàn bạo như đóng ca biên giới đối vi người Do Thái chy trn phát xít Đc vào thp niên 1930 (2).

Dân "ta" không thấy, ngay c M cũng b Trung Quc cáo buc là "gieo rắc s hãi" nên Trung Quốc liên tc khai… trí cho M rng, "cấm hay hn chế công dân Trung Quc nhp cnh không phi là sự giúp đ bn vng trong bi cnh dch bnh bùng phát". Thậm chí khi Covid-19 đã xut hin tt c các lc đa trên toàn cu, k c Châu Phi, Úc ch thc hin cách ly trong vòng hai tun bt kỳ ai t Trung Quc đến Úc mà cũng b Trung Quc chi vo mặt (3).

Tất nhiên đã không thy s "tài tình, sáng sut" ca "ta" khi không đóng ca biên gii, không hn chế nhp cnh, dân "ta" làm sao hiu được ti sao "ta" không cm thu gom, xut cng khu trang sang Trung Quc (4), cho dù ngay c các bnh vin lớn và đội ngũ nhân viên y tế ca ta đang thiếu khu trang hp cách đ t phòng dch, t bo v khi chiến đu vi dch nếu dch bùng phát, thành ra phi tính đến chuyn t t chc may khu trang (5) và chun b khu trang bng vi kháng khun (6).

Nhìn Đài Loan đi ! Lệnh cm xut cng khu trang và gn đây còn dám vut râu hùm thêm mt ln na - gia hn hiu lc thc thi lnh này cho đến cui tháng 4 năm nay (7) b Trung Quc chi ra sao ? Làm sao có th đ lãnh đo đng "ta", quc hi "ta", nhà nước "ta", chính phủ "ta" b Trung Quc – người bn ln xã hi ch nghĩa, luôn luôn ha hn gíup "ta" xây dng ch nghĩa xã hi - vch mt, ch tên chi là "nhn thc bnh hon" (8) như bà Thái Anh Văn được ?

***

Chẳng phi c nhân tng bo "có kiêng, có lành" đó sao ? Rõ ràng "ta" cần "n đnh chính tr", cho nên phi "kiêng" Trung Quc. Du "kiêng" Trung Quc có th khiến "ni thương" mãi mãi không lành nhưng đó là "chuyn ni b", "ta" có th "đóng ca" đ "giáo dc đng chí, đng bào" theo cách ca "ta".

Trân Văn

Nguồn : VOA, 19/02/2020

Chú thích :

(1) https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/trung-quoc-lui-thoi-gian-thong-quan-hang-bien-gioi-den-cuoi-thang-22020-1180366.html

(2) https://www.voatiengviet.com/a/bắc-kinh-lên-án-nhng-ngăn-cm-đi-vi-các-chuyến-bay-t-trung-quc/5273203.html

(3) https://www.voanews.com/science-health/coronavirus-outbreak/china-criticizes-australias-coronavirus-travel-ban

(4) https://www.phunuonline.com.vn/nhan-vien-benh-vien-tu-du-tro-tai-may-khau-trang-chong-dich-corona-xuyen-nhung-gio-nghi-trua-a1403130.html

(5) https://tuoitre.vn/36-tan-khau-trang-da-duoc-xuat-ra-nuoc-ngoai-qua-cua-khau-tan-son-nhat-20200211144011149.htm

(6) https://tuoitre.vn/tp-hcm-chuan-bi-nguon-khau-trang-vai-20200212101807843.htm

(7) https://www.taiwannews.com.tw/en/news/3875745

(8) http://global.chinadaily.com.cn/a/202002/17/WS5e4a928aa3101282172782a6.html

Published in Diễn đàn

Giới quan sát cho rng mi quan h tng được coi là "môi h, răng lnh" gia Hà Ni và Bc Kinh đang trong "giai đon sóng gió nhất" trong nhiu năm.

viettrung1

Chủ tch Tp Cn Bình và Tng bí thư Nguyn Phú Trng khi nhà lãnh đo Trung Quc thăm Vit Nam cui năm 2015.

Mối bang giao Vit – Trung, theo nhn đnh ca giáo sư Carl Thayer, "đang mc thp nht k t giai đon tháng Năm ti tháng By năm 2014", khi hai quc gia thế đi đu quanh giàn khoan du HD 981 mà Hà Ni nói là Bc Kinh đưa vào Vùng Đc quyn Kinh tế ca mình.

"Trung Quốc không ch hy các hot đng giao lưu hu ngh quc phòng trên biên gii mà tin cho hay, còn đe da s dng vũ lc nếu Việt Nam tiếp tc khoan thăm dò du khí Bãi Tư Chính [ Trường Sa]. Vit Nam đã phi ngưng hot đng ca công ty Repsol ca Tây Ban Nha ti đó", ông Thayer cho biết.

"Một cuc gp gia b trưởng ngoi giao hai nước bên l cuc hp b trưởng thường niên của ASEAN Manila hôm 7/8 đã b hy. Hi cui tháng Tám, tin tc xut hin v chuyn các chuyên gia mng cùng các hacker ca Trung Quc đã tn công vào các h thng ca doanh nghip và chính ph ca Vit Nam".

viettrung2

Tướng Phm Trường Long, Phó ch tch Quân y Trung Ương Trung Quc, đt ngt ct ngn chuyến thăm Vit Nam hi tháng Sáu.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Quc tế và Chiến lược (CSIS), các quan chc tham d cuc hp ca các b trưởng ngoi giao ASEAN Manila đu tháng trước suýt na không th ra được mt thông cáo chung vì nhng bt đng liên quan ti vic đ cp tranh chp Bin Đông do vp phi s phn đi t Campuchia và nước ch nhà Philippines, trong khi Vit Nam thúc đy vic s dng ngôn t mnh hơn.

quan Sáng kiến Hàng hi ca CSIS viết tiếp trong mt bài phân tích rng Trung Quc đã phn đi tuyên b mnh hơn và cáo buộc Vit Nam "là nước duy nht ln bin Bin Đông".

Trong một đng thái mà các nhà quan sát cho rng Bc Kinh không còn "kiêng dè" Hà Ni, CSIS dn li B trưởng Ngoi giao Trung Quc Vương Ngh nói rng "ti thi đim này, nếu hi ai thc hin việc lấn bin, thì dt khoát không phi Trung Quc. Có l nước nêu lên vic này làm chuyn đó".

Theo ông Thayer, cho dù quan hệ hai nước có chiu hướng đi xung, Vit Nam tiếp tc theo đui chính sách "va hp tác va đu tranh" vi Trung Quc.

Giáo sư nghiên cu v chính trường Vit Nam đ cp ti chuyn hi tháng Tám, B trưởng Quc phòng Vit Nam Ngô Xuân Lch đã ti Washington đ gp người đng nhim James Mattis và cng c hp tác quc phòng, mà đáng chú ý nht là thông báo rng Vit Nam sẽ đón một hàng không mu hm ti cp cng quc tế Cam Ranh vào năm ti.

Ông cũng nói tới chuyn cui tháng trước, Tng bí thư Nguyn Phú Trng đã thăm Indonesia và Miến Đin. Trong khi Jakarta, ông Trng đã c th kêu gi đoàn kết khu vc v vn đ tranh chấp Bin Đông.

Ngày 31/8, phản ng trước cuc din tp quân s ca Trung Quc ca Vnh Bc B, phát ngôn viên B Ngoi giao Vit Nam đã "hết sc quan ngi", và kêu gọi Trung Quc "chm dt và không lp li các hành đng làm phc tp tình hình ti Bin Đông", "đại din B Ngoi giao Vit Nam đã giao thip vi đi din Đi s quán Trung Quc ti Hà Ni, đ nêu rõ lp trường ca Vit Nam".

Ít ngày sau đó, hôm 6/9, Việt Nam mt ln na li phn đi cuc tp trn bn đn tht ca Trung Quc ngoài khơi qun đo Hoàng Sa.

Theo Giáo sư Carl Thayer, phát ngôn viên B Ngoi giao Vit Nam đã s dng ngôn ng mnh m hơn như "mnh m phn đi hành đng này ca Trung Quốc, nghiêm túc yêu cu Trung Quc tôn trng ch quyn ca Vit Nam đi vi qun đo Hoàng Sa, không lp li các hành đng tương t, không làm nh hưởng đến hòa bình, n đnh khu vc và Bin Đông".

Tuy nhiên, sau đó, Trung Quốc đã bác b ch trích ca Vit Nam, nói "không làm gì sai" và đng thi kêu gi "bên có liên quan nên xem xét các cuc tp trn mt cách bình tĩnh và hp lý".

viettrung3

Du khách Trung Quốc thăm Vnh H Long Vit Nam.

Trong khi đó, trong cùng thời gian, theo Giáo sư Thayer, s du khách Trung Quc ti Vit Nam "tăng mnh, đu tư tăng và thương mi hai chiu đt 25,5 t đôla trong quý đu tiên".

"Nhiều kh năng hin trng này s tiếp din cho ti khi Trung Quc t chc đại hội ca Đng Cng sn Trung Quc bt đu vào ngày 18/10", nhà nghiên cu nói vi VOA tiếng Vit t Australia.

Tờ Hoàn cu Thi báo có tư tưởng dân tc ca Trung Quc tng đăng mt bài xã lun trong đó nhc ti chuyến thăm M và Nht ca Th tướng Việt Nam Nguyn Xuân Phúc hi cui tháng Năm và đu tháng Sáu.

Bài báo có đoạn : "Các chuyến thăm liên tiếp ti M và Nht Bn cho thy sáng kiến ca Vit Nam nhm đóng vai trò ln hơn trong các vn đ khu vc".

Hoàn cầu Thi báo viết tiếp rng "đi mt với sự tri dy ca Trung Quc, Vit Nam cn phi ve vãn các nước khác ngoài khu vc nhm khng chế Trung Quc Bin Đông và bo v các quyn li ca mình".

Viễn Đông

Nguồn : VOA, 18/09/2017

Published in Diễn đàn

Quan hệ Việt-Trung đã chuyển từ xám sang đen trong thời gian kỷ lục chưa đầy 60 ngày, sau khi Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chủ động hủy bỏ cuộc họp đã sắp đặt trước với Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 7/8/2017.

viettrung1

Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chủ động hủy bỏ cuộc họp đã sắp đặt trước với Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 7/8/2017

Chuyện này xẩy ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 50 của Hiệp hội 10 nước Đông Nam Á (ASEAN, The Association of South East Asia Nations) tại Thủ đô Manila, Phi Luật Tân từ ngày 05 đến 08/08/2017

Cả hai nuớc Việt-Trung đều im tiếng về quyết định bất ngờ của Vương Nghị, nhưng các nhà ngoại giao theo dõi Hội nghị cho biết họ Vương đã nổi giận khi thấy nội dung lên án hành động lấn chiếm và những hoạt động quân sự khác của Trung Quốc ở Biển Đông do Phạm Bỉnh Minh chủ động đã thuyềt phục được các nước trong ASEAN ghi vào Thông cáo cuối cùng của Hội nghị.

Tuy không có sự thống nhất của tất cả 10 Quốc gia, nhưng đoạn Tuyên bố nói vể Biển Đông viết rằng (tạm dịch) :

"Chúng tôi đã thảo luận sâu rộng những vấn đề liên quan đến Biển Đông và ghi nhận sự bầy tỏ mối quan tâm của vài Bộ trưởng về tình hình chiếm lĩnh đất đai và những hoạt động khác trong khu vực đã xói mòn lòng tin và sự tín nhiệm, gia tăng căng thẳng và phương hại đền hòa bình, an ninh và sự ổ định của khu vực".

(We discussed extensively the matters relating to the South China Sea and took note of the concerns expressed by some Ministers on the land reclamations and activities in the area, which have eroded trust and confidence, increased tensions and may undermine peace, security and stability in the region).

Thông cáo chung không tiết lộ "vài Bộ trưởng" là ai, nhưng viết tiếp rằng :

"Chúng tôi khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và cổ võ hòa bình, an ninh, sự ổn định, an toàn và tự do lưu thông trên không và trên mặt biển ở Biển Đông".

(We reaffirmed the importance of maintaining and promoting peace, security, stability, safety and freedom of navigation in and over - flight above the South China Sea.)

Tất nhiên chỉ có Trung Quốc là nước duy nhất đã lấn chiếm nhiều đảo và bãi đá của Việt Nam và không ngừng đe dọa sẽ chiếm dẫy bãi đá Scarborough Shoal tranh chấp với Phi Luật Tân mà họ gọi là quần đảo Trung Sa (Phi gọi là Biển Tây Phi Luật Tân).

Bắc Kinh đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19/01/1974 từ tay Hải Quân Việt Nam Cộng hòa. Sau đó, từ đầu năm 1988, theo tài liệu của Bách khoa toàn thư mở, Trung Quốc xua quân tấn công Trường Sa, khi ấy do quân cộng sản Việt Nam kiểm soát, chiếm 5 vị trí gồm đá Chữ Thập (31 tháng 1), đá Châu Viên (18 tháng 2), đá Ga Ven (26 tháng 2), đá Tư Nghĩa (Huy Gơ) (28 tháng 2), Xu Bi (23 tháng 3).

Đến ngày 14/03/1988 Bắc Kinh lại tung quân đánh chiếm thêm 3 bãi đá Gạc Ma (Johnson South Reef hay Chigua Jiao),  Cô Lin và (Johnson North/Collins Reef, hay Guihuan Jiao) Len Đao (Lansdowne Reef, hay Qiong Jiao) ở Trường Sa.

Cho đến nay (tháng 8/2017) Trung Quốc đã xây dựng căn cứ phòng thủ, xây sân bay, bến cảng và đóng quân kiểm soát một vùng biển rộng lớn bao quanh các đảo nhân tạo mà trước đây là các bãi đá Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn và Xu Bi.

Năm 2013, Phi đã kiện Trung Quốc ra tòa Quốc tế vì Bắc Kinh không ngừng đem quân và tầu chiến đấu vào lãnh hải Phi để đòi quyền biển đảo phi lý. Đến năm 2016, tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc phán quyết chủ quyền vùng Biển Tây hoàn toàn thuộc về Phi Luật Tân. Tòa cũng bác bỏ chủ quyền tự nhận của Trung Quốc trong "đường 9 đoạn", hay còn được gọi là đường Lưỡi Bò (vì đường vẽ giống cái Lưỡi Bò), chiếm 3/4 diện tích trên 3 triệu cây số vuông Biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Tòa án nói rằng, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy người Trung Quốc đã sinh sống thường trực và có những chứng tích lịch sử tại những vùng lãnh thổ trong hình Lưỡi Bò.

Thắng lợi của Phi cũng đem lại chiến thắng cho những quốc gia có biển đảo bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, hay đang bị đe dọa, đặc biệt là Việt Nam.

Nhưng dù được Phi mời tham gia vụ kiện đảng cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn không dám đưa Trung Quốc ra tòa vì sợ bị Bắc Kinh trừng phạt kinh tế và quân sự.

Vì vậy, trong cuộc họp báo ngày 6/8/2017 tại Manila, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghịđã nói "chỉ có hai" trong số 10 nước ASEAN chống Trung Quốc.

Nam Dương, Mã Lai Á và Brunei cũng tranh chấp chủ quyền một số bãi đá ở Biển Đông, nhưng chưa bao giờ bị Bắc Kinh lấn chiếm.

Riêng Tân Gia Ba (Singapore), Thái Lan, Lào, Cao Miên và Miến Điện (Myanmar, tên cũ là Burma) không có tranh chấp với Trung Quốc nên thường đứng giữa hay thiên về Bắc Kinh để bảo vệ quyền lợi chính trị, thương mại và viện trợ kinh tế. Vì vậy chưa bao giờ ASEAN đạt được thống nhất lập trường khi phải đối phó với Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong Thông cáo chung, các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN cũng đã nhất trí nhấn mạnh trong Thông cáo cuối cùng rằng (tạm dịch) :

"Chúng tôi cũng khẳng định thêm rằng cần phải tăng cường lòng tin và sự tín nhiệm, tự chế trong các hành động và tránh những động thái làm cho tình hình thêm rắc rối, theo đuổi tìm giải pháp cho các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình và luật pháp quốc tế, bao gồm cả Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự chế các hoạt động của các bên liên quan và các nước khác, kể cả những quốc gia có tên trong Văn kiện Tuyên bố ứng xử giữa các bên (Declaration of Conduct, DOC), có thể làm cho tình hình phức tạp hơn và lan rộng căng thẳng ở Biển Đông".

(We further reaffirmed the need to enhance mutual trust and confidence, exercise self-restraint in the conduct of activities and avoid actions that may further complicate the situation, and pursue peaceful resolution of disputes in accordance with international law, including the 1982 United Nations Convention on the Law of the Sea (UNCLOS). We emphasised the importance of non-militarisation and self-restraint in the conduct of all activities by claimants and all other states, including those mentioned in the DOC that could further complicate the situation and escalate tensions in the South China Sea.)

Ngoài 10 nước hội viên của ASEAN, tài liệu DOC ký ở Nam Vang, Cao Miên ngày 04/11/2002 còn có chữ ký của, Đặc phái viên, Phó Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Wang Yi.

Trong diễn văn đọc tại diễn đàn ASEAN ngày 06/08 (2017), theo bản tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thì Trưởng đoàn cộng sản Việt Nam Phạm Bình Minh đã có những tuyên bố khiến Vương Nghị hủy bỏ cuộc gặp Phạm Bình Minh. TTXVN viết :

"Phó Thủ tướng đã chia sẻ lo ngại về những diễn biến phức tạp gần đây và hiện nay tại Biển Đông, bao gồm các hành động đơn phương như bồi đắp, cải tạo đất và quân sự hóa, làm xói mòn lòng tin và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông ; đề nghị các nước tiếp tục ủng hộ ASEAN và đóng góp xây dựng cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực ; thúc đẩy các bên tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, kiềm chế, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, sớm đi vào đàm phán thực chất và hoàn tất Bộ quy tắc COC hiệu quả trên cơ sở Khung COC đã được thông qua".

Từ DOC đến COC

Nên biết Tuyên bố ứng xử (DOC-Declaration of Conduct) là văn kiện không có ràng buộc pháp lý. Sự tuân theo tùy vào thiện chí của các nước đã ký nên Trung Quốc đã lợi dụng kẽ hở này để ngang nhiên xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của các bên ở Biển Đông, bất chấp cam kết của Phó Bộ trưởng Ngoại giao Wang Yi tại Nam Vang.

Tỷ dụ như Điều 4 của DOC đã viết :

"Các bên liên quan chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và về quyền thực thi luật pháp bằng các phương tiện hòa bình mà không viện đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua các cuộc tham vấn thân thiện và những cuộc đàm phán bởi các quốc gia có chủ quyền có liên quan trực tiếp, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận phổ quát của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982" (bản dịch chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam)

(The Parties concerned undertake to resolve their territorial and jurisdictional disputes by peaceful means, without resorting to the threat or use of force, through friendly consultations and negotiations by sovereign states directly concerned, in accordance with universally recognized principles of international law, including the 1982 UN Convention on the Law of the Sea).

Hay như đã đồng ý ghi trong
Điều 5 :

"Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng…".

("The parties undertake to exercise self-restraint in the conduct of activities that would complicate or escalate disputes and affect peace and stability including, among others, refraining from action of inhabiting on the presently uninhabited islands, reefs, shoals, cays, and other features and to handle their differences in a constructive manner…").

Chỉ trong phạm vị 2 Điều này, so với những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đối với Việt Nam và Phi Luật Tân từ năm 2002 đến 2017, tổng cộng 15 năm, đã có bao nhiêu mạng ngư dân Việt Nam đã hy sinh ở Biển Đông vì sự tàn bạo của quân Trung Quốc ?

Vậy mà đảng cầm quyến cộng sản Việt Nam, chỉ vì mối lợi thiển cận cần sự bảo hộ để tồn tại mà đã cúi đầu cam chịu để cho Trung Quốc tự do lấn chiếm biển đảo và tài nguyên của Tổ tiên để lại ở Biển Đông từ sau 1975 đến nay.

Có lẽ đã thấm đòn mà từ tháng 7/2992, Việt Nam và Phi Luật Tân đã chủ động việc thành hình văn kiện Quy tắc ứng xử (Code of Conduct-COC) để ràng buộc các bên phải trả gía cho những hành động bất hợp pháp của mình.

Nhưng Trung Quốc không bao giờ chịu vào khuôn phép của pháp luật nên đã tìm mọi cách và lợi dụng mọi cơ hội để từ chối hoàn tất văn kiện COC (Code of Conduct), hay Bộ Quy tắc ứng xử, bắt đầu thương lượng giữa ASEAN và Trung Quốc từ năm 2000.

Sau 17 năm giằng co, mãi đến ngày 06/08/2017, ASEAN và Trung Quốc mới đạt thỏa thuận một "dự thảo khung" cho COC tại Manila, Phi Luật Tân để bắt đầu thương thảo, bắt đầu từ tháng 11/2017 tại Hội nghị ASEAN-Trung Quốc.

Tuy nhiên, nội dung cái khung của COC như thế nào không được tiết lộ. Một mẩu tin của Thông tấn xã Việt Nam chỉ cho biết :

"Tại hội nghị, các Bộ trưởng ASEAN và Trung Quốc đã chính thức thông qua dự thảo khung COC, tạo cơ sở đi vào đàm phán thực chất nội dung COC trong giai đoạn tới. Các nước đồng thời tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông ; giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 ; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, kiềm chế và tránh các hành động đơn phương, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực".

Đó là sự mơ ước của ASEAN đã có từ mấy chục năm rồi, nhưng Trung Quốc vẫn làm ngơ và tiếp tục bồi đắp các bãi đá thành đảo để xây dựng căn cứ quân sự có khả năng khống chế con đường lưu thông hàng hải huyết mạch từ Địa Trung Hải (Trung Đông) xuyên qua Ấn Độ Dương để sang Thái Bình Dương đi sang Bắc Đại Tây Dương.

Vương Nghị - Phạm Trường Long

Nhưng Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị đã nói gì về triển vọng của COC ?

Trong cuộc họp báo ngày 06/08/017 ở Manila, họ Vương đã bất ngờ đưa ra một lịch trình thương thuyết có điều kiện và yếu tố nước ngoài khó hiểu.

Theo Tân Hoa Xã của Trung Quốc (Xinhua News Agency), ông Vương đưa ra 3 giai đoạn, tóm tắt là :

1. Bước một, các cuộc tham khảo sâu rộng sẽ bắt đầu trong năm nay (2017), sau khi những chuẩn bị cần thiết đã hoàn tất.

(In the first step, 11 Foreign Ministers jointly confirm the framework of the COC and announce that the next substantive consultations should be initiated in due course within the year when the necessary preparations ar.)

2. Bước hai. thi hành những sáng kiến, các nguyên tắc và quảng bá kế hoạch của COC đã thảo luận tại Toán hỗn hợp bàn về Tuyên bố ứng xử của các bên về Biển Đông vào cuối tháng 8.

(The second step is to implement the ideas, principles and promotion plans of the COC discussed on the joint working group meeting for the Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea at the end of August).

3. Bước thứ ba, lãnh đạo Trung Quốc và các quốc gia ASEAN chính thứccông bố bản dự thảo về đàm phán COC cho bước tiếp theo tại kỳ họp của lãnh đạo Trung Quốc-ASEAN vào tháng 11. 
Tuy nhiên, Vương Nghị đã ra 2 điều kiện tiên quyết để Trung Quốc tham dự các cuộc họp bàn về COC trong tương lai sau khi các bên đã chuẩn bị xong, đó là : 1. không có sự can thiệp từ bên ngoài. Và 2. Ổn định ở Biển Đông.

(In the third step, leaders of China and ASEAN countries officially announce the draft consultation on the COC for the next step at the China-ASEAN Leaders' Meetings in November after the basic completion of the preparation, and without significant interference from the outside world and on the basically stable situation in the South China Sea...

Đọc 2 điều kiện của họ Vương, ai cũng biết ông ta muốn mua thời gian để thực hiện các mưu đồ của Trung Quốc ở Biển Đông vì rất khó mà định nghĩa rõ thế nào là "có can thiệp từ bên ngoài" và "tình hình ở Biển Đông phải ổn định như thế nào mới thỏa mãn đòi hỏi của Trung Quốc ?

Bởi vì hiện nay, ngoài lực lượng quân sự của Trung Quốc còn có hoạt động của Hải quân Mỹ ở Biển Đông. Như vậy, bất cứ động thái quân sự nào của Mỹ trong khu vực cũng có thể bị Băc Kinh lấy cớ để trì hoãn thương thuyết về COC.

Nhưng không chỉ có Vương Nghị mới "giở chứng bất thường" như thế mà chuyện cơm không lành, canh không ngọt giữa Việt Nam và Trung Quốc đã nóng lên từ chuyến sang thăm và làm việc với lãnh đạo Việt Nam của Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong) trong hai ngày 18-19/06/2017.

Tướng họ Phạm đã gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch ngày 18/6/2017.

Báo chí Việt Nam tường thuật chi tiết các cuộc họp với lời lẽ ôn hòa để đề cao hợp tác giữa hai nước, nhưng lại bỏ sót câu nói hỗn xược như nhổ nước bọt vào mặt các lãnh đạo của cộng sản Việt Nam.

Đó là khi Phạm Trường Long đã lưu ý nhóm lãnh đạo Việt rằng tất cả những đảo ở Biển Nam Hải (Biển Đông) là của Trung Quốc từ thời cổ đại.

Lời nói của họ Phạm chỉ đến tai người Việt Nam sau khi bài tường thuật các cuộc họp đôi bên của Tân Hoa Xã (Xinhua News Agency)có ghi câu :

"Liên quan đến vấn đề Biển Nam Hải, tướng Phạm nhấn mạnh rằng những đảo ở Biển Nam Hải là của Trung Quốc từ thời cổ đại".

(Regarding the South China Sea issue, Fan stressed that the South China Sea islands have been China's territory since ancient times").

Tướng Phạm của Trung Quốc đã rời Hà Nội ngay sau lời tuyên bố này và không tham dự chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt–Trung lần thứ 4 tại tỉnh Lai Châu (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) dự trù diễn ra từ ngày 20/6 đến 22/6.

Không biết bên nào chủ động hủy bỏ cuộc giao lưu, nhưng sau đó phía Trung Quốc nói tướng Phạm bận với chuyến đi khác nên không tham dự được.

Không có bất cứ phản ứng nào từ phiá Việt Nam được công khai, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên một tướng lãnh của Trung Quốc đã dám tuyên bố chủ quyền biển đảo như tạt gáo nước lạnh vào mặt nhóm Lãnh đạo đầu não của đảng cộng sản Việt Nam.

Biến cố này, nếu so với vụ Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan tìm dầu Hải Dương 981 vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ bờ biển của Việt Nam năm 2014 (mỗi Hải lý dài 1.852 mét) thì sức ép làm nhục lãnh đạo Việt Nam của Phạm Trường Long nặng hơn ngàn cân. Bởi vì trong khi Hải Dương 981 ở cách xa bờ biển Việt Nam 130 hải lý thì họ Phạm đã vào tận trong Văn phòng trung ương đảng cộng sản Việt Nam để nói thẳng điều Trung Quốc muốn với ông Nguyễn Phú Trọng thì có cay đắng và hổ thẹn không ?

Bây giờ, tại diễn đàn ASEAN ngày 7/8 (2017) ở Manila, Phi Luật Tân, chưa đầy 60 ngày sau khi tướng Phạm Trường Long rời Hà Nội, Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị của Tầu lại công khai vỗ vào mặt Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh khi Vương tự ý bỏ cuộc hẹn đã đồng ý thì cuộc tình Việt-Trung đã rã rời chưa, hay biết ê chề mà lãnh đạo cộng sản Việt Nam vẫn cố níu chânTrung Quốc để được nuôi ăn ?

Phạm Trần

(10/08/2017)

Published in Diễn đàn

Ngày 20/06/2017, Bộ quốc phòng Trung Quốc đột ngột loan báo hủy bỏ vào giờ chót cuộc Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với Việt Nam được dự kiến mở ra cùng ngày.

bd1

Một chiếc tàu cảnh sát biển Trung Quốc (phải) đi qua giàn khoan HD-981 (trái) ở Biển Đông, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Ảnh chụp ngày 13/06/2014. REUTERS/Nguyen Minh

Thông báo được đưa ra sau khi tướng Phạm Trường Long (Fan Chanlong), phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, rút ngắn chuyến công du Việt Nam. Ngày 29/06, trên tập san Nhật Bản The Diplomat, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện quốc phòng Úc tự hỏi : "Phải chăng một cuộc khủng hoảng mới về Biển Đông đang âm ỉ giữa Trung Quốc và Việt Nam ? - Is a New China-Vietnam Maritime Crisis Brewing in the South China Sea ?", nêu lên tác động có thể có của sự kiện này.

Bài phân tích trước hết ghi nhận sự kiện là có tin cho rằng sở dĩ Trung Quốc hủy bỏ cuộc Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ tư được dự trù cả năm trước đây, đó là để tỏ thái độ không hài lòng trước việc Việt Nam bắt đầu lại các hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Dĩ nhiên là không bên nào chính thức xác nhận thông tin đó, và giáo sư Thayer đã điểm lại các thông tin công khai cũng như những tiết lộ nội bộ từ cả hai phía để tìm hiểu thực hư.

Sự cố mới với Việt Nam cho thấy Bắc Kinh quyết đoán hơn

Kết luận của giáo sư Thayer rất rõ ràng : Sự cố Việt-Trung là một thực tế, và đây là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang trở nên quyết đoán hơn, trong việc chống lại các hoạt động thăm dò dầu khí tiềm tàng của Philippines và thực tế của Việt Nam.

Thế nhưng cũng có những diễn biến khác, khi gắn lại với nhau, sẽ giải thích được hành động bất thường của tướng Phạm Trường Long.

Những diễn biến đó bao gồm : việc chính quyền Trump vào ngày 24/05 tái lập chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải của tại quần đảo Trường Sa ; việc Trung Quốc đánh chặn một chiếc máy bay tuần tra hàng hải của Hoa Kỳ P-3C Orion tuần tra trên vùng biển gần đảo Hải Nam, cũng vào ngày 24 tháng 5 ; chuyến thăm cuối tháng 5 và đầu tháng 6 của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc qua Washington và Tokyo, nơi mà các quan hệ quốc phòng và an ninh hàng hải đã được thảo luận ; các cuộc tập trận hải quân chung Mỹ-Nhật ngoài khơi Hàn Quốc đầu tháng 6 ; và những lời chỉ trích mạnh mẽ hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông do thủ tướng Úc và các bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Úc và Nhật Bản tại Đối thoại Shangri-La, cũng vào đầu tháng Sáu.

Bằng chứng về mối liên hệ giữa việc tướng Phạm Trường Long hủy bỏ các hoạt động Giao lưu biên giới Việt-Trung với các hành động của Hoa Kỳ và các đồng minh, có thể được thấy chính trong các bài viết trên tờ báo Trung Quốc Global Times (Hoàn cầu Thời báo) về chuyến thăm Việt Nam của ông Phạm Trường Long : "Mong muốn của các cường quốc ngoài khu vực như Hoa Kỳ và Nhật Bản không phải là giảm căng thẳng ở Biển Đông. Họ muốn biến Biển Đông thành nơi cạnh tranh về địa chính trị. Họ sẵn sàng nhìn thấy Việt Nam và Philippines gặp rắc rối với Trung Quốc, tạo cơ hội cho họ can thiệp. Giờ đây họ đã coi trọng Hà Nội hơn sau khi Manila thay đổi thái độ".

Đã có những suy đoán cho rằng tướng Phạm Trường Long đã làm theo ý riêng của mình. Trong trường hợp đó, hành động của ông rất vụng về vì công việc phản đối như vậy thường do Bộ ngoại giao Trung Quốc thực hiện, nhận xét của ông Phạm Trường Long, một vị tướng cấp cao, có thể hàm ý đe dọa sử dụng quân đội. Những lời lẽ đó cũng phản tác dụng vì không có khả năng đe dọa các lãnh đạo Việt Nam. Trong thực tế, các nguồn tin Việt Nam cho biết là "các lãnh đạo Việt Nam đã phản đối tướng Phạm Trường Long, khiến ông ta bực tức và quyết định trở về Trung Quốc ngay trong đêm".

Bước lùi quan trọng nhất trong quan hệ Việt-Trung từ sau vụ HD-981

Đối với giáo sư Thayer, việc đột ngột hủy bỏ cuộc Giao lưu biên giới Việt-Trung đã tác hại đến lòng tin chiến lược giữa Hà Nội và Bắc Kinh, và là bước lùi quan trọng nhất trong quan hệ song phương kể từ vụ giàn khoan HD-981 vào giữa năm 2014.

Câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có sẽ tăng áp lực lên Việt Nam hay không, để chứng minh rằng Tập Cận Bình là một lãnh đạo mạnh trước Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19.

Các nguồn tin từ Việt Nam đã cho rằng việc Trung Quốc triển khai giàn khoan cỡ lớn HD-981 ở vùng biển gần Hoàng Sa vài ngày trước chuyến thăm của ông Phạm Trường Long có thể báo hiệu cho một cuộc khủng hoảng mới. Những nguồn tin này cũng tiết lộ những thông tin chưa được xác nhận, theo đó Trung Quốc đã triển khai 40 tàu thuyền đủ loại xuống Biển Đông.

Diễn tiến vụ Bắc Kinh hủy bỏ Giao lưu quốc phòng biên giới

Về phía Trung Quốc, ngay từ ngày 12 tháng 6, Bắc Kinh đã loan báo thông tin về chuyến công du Tây Ban Nha, Phần Lan rồi Việt Nam của tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong), phó chủ tịch Quân ủy trung ương, đã rời Bắc Kinh đến thăm Tây Ban Nha, Phần Lan và Việt Nam. Tháp tùng theo ông là một phái đoàn rất cao cấp bao gồm Thiệu Nguyên Minh (Shao Yuanming), phó tham mưu trưởng Bộ tham mưu Liên hợp Quân ủy trung ương ; Lưu Chấn Lập (Liu Zhenli), tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc ; Lưu Nghị (Liu Yi), phó tư lệnh Hải Quân ; Tống Côn (Song Kun), phó chính ủy Không Quân ; và Viên Dự Bách (Yuan Yubai), tư lệnh Bộ tư lệnh Miền Nam.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc xác nhận rằng tướng Phạm Trường Long "cũng sẽ tham dự cuộc họp biên giới cấp cao lần thứ 4 giữa quân đội Trung Quốc và Việt Nam" nhân dịp ghé Việt Nam.

Về phía Việt Nam, chương trình chuyến thăm của ông Phạm Trường Long cũng được thông báo chính thức, đặc biệt là cuộc giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới lần thứ tư (20-22/06), tổ chức đồng thời tại tỉnh Lai Châu của Việt Nam và Vân Nam của Trung Quốc, do đích thân bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và tướng Trung Quốc Phạm Trường Long đồng chủ trì.

Về mặt chính thức thì mọi sự đều tích cực, quan hệ quốc phòng Việt-Trung đang chuyển biến tốt đẹp... Truyền thông của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc thoạt đầu đều đưa tin lạc quan về các cuộc thảo luận ngày 18 tháng 6 giữa tướng Phạm Trường Long với bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Trần Đại Quang và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc...

Bình luận của các phương tiện truyền thông từ cả hai bên đều lạc quan và tích cực về tình hữu nghị, quan hệ hợp tác song phương, kể cả trong lãnh vực quốc phòng...

Biển Đông vẫn là đầu mối bất đồng được nêu lên

Riêng về Biển Đông, các phương tiện truyền thông Việt Nam và Trung Quốc đều ghi nhận việc vấn đề này đã được nêu ra trong các cuộc thảo luận giữa tướng Phạm Trường Long với giới lãnh đạo Việt Nam. Tân Hoa Xã chẳng hạn đã trích dẫn thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng "Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để thực thi Tuyên bố về ứng xử (DoC) của các Bên ở Biển Đông và đạt được thỏa thuận về một bộ Quy tắc ứng xử (CoC) thông qua những cuộc tham vấn sẽ sớm được mở ra".

Điểm đáng chú ý là việc Tân Hoa Xã Trung Quốc trích dẫn tuyên bố của tướng Phạm Trường Long theo đó : "các hòn đảo ở Biển Đông đã là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ xưa... và tình hình hiện nay ở Biển Nam Hải (tên Trung Quốc gọi Biển Đông) đã ổn định và đang trở nên tích cực...". Ông cũng kêu gọi "cả hai bên tuân thủ đồng thuận quan trọng mà lãnh đạo hai nước đã đạt được. Hai bên phải tăng cường liên lạc chiến lược, quản lý đúng đắn và kiểm soát những bất đồng để duy trì mối quan hệ tổng thể cũng như hòa bình và ổn định ở Biển Đông".

Báo Nhân Dân của Việt Nam, khi tường trình về cuộc họp giữa hai ông Phạm Trường Long và Ngô Xuân Lịch, thì lưu ý rằng "cả chủ nhà và khách đều đồng ý không cho phép các vấn đề liên quan đến biển ảnh hưởng đến quan hệ hai nước".

Trung Quốc phản đối hoạt động dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông

Tuy nhiên, theo giáo sư Thayer, ngay sau đó, rõ ràng là mâu thuẫn đã xuất hiện giữa hai bên với việc Việt Nam cho khoan dầu trở lại ở Biển Đông, và những bất đồng đó đã dẫn tới việc hủy bỏ các hoạt động giao lưu quốc phòng biên giới.

Một vấn đề chưa được sáng tỏ là tướng Trung Quốc đã nói chung chung về các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam trong vùng biển đang tranh chấp, hay nêu cụ thể một khu vực nào đó.

Một nguồn tin Việt Nam qua thư điện tử cá nhân, cho biết rằng ông Phạm Trường Long đã "nêu câu hỏi với các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong đó có thủ tướng [Nguyễn Xuân Phúc], và yêu cầu Việt Nam dừng khoan dầu tại lô 136/03". Lô 136/03 nằm ở Bãi Tư Chính (Vanguard Bank). Một số nhà phân tích khác thì nói rằng ông Phạm Trường Long đã đề cập đến lô 118, còn được gọi là Cá Voi Xanh, ngoài khơi miền Trung Việt Nam, nơi mà tập đoàn Mỹ ExxonMobil đang hoạt động.

Các nguồn tin của Việt Nam nói rằng nhà lãnh đạo Việt Nam (mà họ không nêu đích danh) bị tướng Phạm Trường Long nêu câu hỏi, đã trả lời bằng cách bảo vệ mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam. Chính lời lẽ này đã khiến ông Phạm Trường Long hủy bỏ sự tham gia của Trung Quốc vào cuộc Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới lần thứ 4 và trở về Trung Quốc một cách đột ngột.

Cũng không rõ là tướng Phạm Trường Long rời khỏi Hà Nội ngay vào đêm 18 tháng 6 hay sáng ngày hôm sau. Cuộc Giao lưu biên giới năm 2017 dự kiến bắt đầu vào ngày 20 tháng 6.

Việt Nam bất bình vì tướng Trung Quốc khẳng định lại đường lưỡi bò

Đối với giáo sư Thayer, có thể là những tuyên bố của tướng Phạm Trường Long khẳng định giá trị của đường lưỡi bò Trung Quốc đã gây nên bất bình nơi lãnh đạo Việt Nam.

Cần lưu ý rằng năm 2016, Tòa trọng tài La Haye đã phán quyết rằng đường chín đoạn của Trung Quốc đòi Biển Đông không có cơ sở trong luật quốc tế. Tòa cũng phán quyết rằng yêu sách của Bắc Kinh về chủ quyền dựa trên các quyền lịch sử đã bị triệt tiêu khi Trung Quốc phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Những nhận xét được báo chí nêu lên của tướng Phạm Trường Long về Biển Đông, có thể được hiểu là nhằm nhấn mạnh rằng Việt Nam không tuân thủ "đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo hai nước và hai đảng". Tuyên bố của ông, mà báo chí tiết lộ, có thể đã làm cho các lãnh đạo của Việt Nam cảm thấy khó chịu vì hai lý do : Thứ nhất, bởi vì nó do một viên tướng quân đội đưa ra, chứ không phải là một người thuộc Bộ ngoại giao, và thứ hai, là vì nó thể hiện việc tái khẳng định đường chín đoạn của Trung Quốc và tuyên bố của Trung Quốc về «chủ quyền không thể tranh cãi" của họ đối với các vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, mà Hà Nội có quyền chủ quyền.

Vào ngày 22/06, tờ Global Times của Trung Quốc loan tin Việt Nam đã tiến hành thăm dò dầu khí trở lại ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa trong năm nay, và gián tiếp gắn điều này với việc tướng Phạm Trường Long hủy bỏ cuộc Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới năm nay.

Hoàn cầu Thời báo không trích dẫn nguồn tin chính thức, mà nhưng trích lời nhà phân tích dân sự Lưu Phong (Liu Feng) : "Việt Nam đơn phương phá vỡ sự đồng thuận của mình với Trung Quốc, trong đó có việc gác tranh chấp để đồng phát triển, và động thái của Việt Nam là nhằm củng cố yêu sách lãnh thổ của mình đối với khu vực... Hành động đó tác hại đến sự ổn định của Biển Đông, và vi phạm chủ quyền và quyền hàng hải của Trung Quốc".

Tuy nhiên, tờ Hoàn cầu Thời báo đã xác nhận việc tướng Phạm Trường Long "đột ngột cắt ngắn chuyến đi Việt Nam", và trích dẫn Bộ quốc phòng Trung Quốc giải thích rằng đó là vì vấn đề "sắp xếp công việc". Global Times cũng gắn liền việc hủy bỏ cuộc Giao lưu biên giới với bất đồng giữa hai nước về Biển Đông bằng cách trích dẫn "truyền thông nước ngoài". Global Times tiếp tục lưu ý rằng "không có tuyên bố chính thức nào được đưa ra từ phía Việt Nam".

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 03/07/2017

Published in Diễn đàn

tnt1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tại Bắc Kinh đầu năm 2017

Sau chuyến đi Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua, BBC đăng bài có tựa đề : Việt Nam-Trung Quốc thỏa thuận 'kiểm soát bất đồng' Biển Đông.

Bài báo cũng dẫn bình luận từ Tân Hoa Xã : "Hai bên tin rằng chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng đã "đạt thành công to lớn" trong việc nâng cao sự tin cậy chính trị giữa hai bên, thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống, củng cố quan hệ đối tác chiến lược hợp tác toàn diện, và đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực".

Tôi thì không hề tin chuyến đi của ông Trọng "đạt thành công to lớn" như Tân Hoa Xã đã phóng đại.

Từ bao đời tổng bí thư, với biết bao nhiêu tuyên bố từ sau khi hai bên thiết lập lại bang giao 1991, hai bên luôn khẳng định những điều mà Tân Hoa Xã đã nói (là thắt chặt hữu nghị, quan hệ đối tác chiến lược, gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển...).

Nhưng những gì Trung Quốc hứa hẹn trên lý thuyết hoàn toàn trái ngược với những gì Trung Quốc đã làm trên thực tế.

Các tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc đưa ra các năm 2011, 2013, 2015, 2016, 2017… luôn khẳng định hai bên "không tiến hành các hành động làm thêm phức tạp, hoặc mở rộng tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc de dọa sử dụng vũ lực…".

Trong khi trên thực tế thì các việc như đặt giàn khoan 981 (tháng 5/2014) của Trung Quốc rõ ràng là hành vi "mở rộng tranh chấp và làm phức tạp tình hình".

Trung Quốc nhất quán trong lập trường là "không có tranh chấp ở Hoàng Sa". Nhưng vị trí giàn khoan 981 là đặt trên thềm lục địa của Việt Nam. Mặc dầu giàn khoan đặt cách đảo Tri Tôn (thuộc Hoàng Sa) khoảng 20 hải lý, nhưng cái gọi là "đảo" Tri Tôn, thực tế chỉ là một thực thể địa lý nổi thường trực trên mặt nước biển, không có người sinh sống.

Mặt khác, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, được khẳng định từ thời nhà Nguyễn. Nhà nước bảo hộ Pháp tái khẳng định lại hai lần, chủ quyền Hoàng Sa (và Trường Sa) thuộc Việt Nam, trước và sau Đệ nhị Thế chiến. Trung Quốc đã chiếm quần đảo này của Việt Nam bằng vũ lực vào tháng Giêng năm 1974.

Vì vậy hành vi đặt giàn khoan 981 của Trung Quốc là "mở rộng tranh chấp", từ tranh chấp chủ quyền mở rộng qua tranh chấp về phân định biển (khu vực của vịnh Bắc Bộ).

Chưa hết, thái độ hung hăng của các tàu hải quân, hải cảnh… của Trung Quốc, lúc bảo vệ giàn khoan 981, đã đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam (gây tử thương cho nhiều người), cũng như tàu của các lực lượng này gây hấn đâm tàu hải cảnh của Việt Nam … gọi đúng là hành vi chiến tranh, nhẹ nhàng là gây hấn… "làm phức tạp thêm tình hình".

Sau đó Trung Quốc cho xây dựng các đảo nhân tạo và mở rộng chúng, ở các bãi đá ngầm chiếm (bằng vũ lực) của Việt Nam năm 1988. Sau đó xây sân bay với đầy đủ hạ tầng cơ sở cho không quân, hải quân, sau đó lại đặt các giàn hỏa tiễn địa không…

Hành vi của Trung Quốc cũng là "mở rộng tranh chấp". Bởi vì, như đã nói, chiếu Hiến chương Liên Hiệp Quốc, chủ quyền của Trung Quốc ở các bãi đá này không được nhìn nhận. Trong khi các thực thể này, một số là đá ngầm, không thể chiếm hữu, theo Phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài ở La Haye. Việc chiếm hữu bằng vũ lực các bãi là vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Việc xây dựng đảo và "quân sự hóa" chúng vừa làm "phức tạp thêm tình hình", lại vừa "đe dọa chiến lược" đối với các nước chung quanh. Hành vi của Trung Quốc cũng phạm Luật quốc tế, vì việc xây dựng đảo nhân tạo đã gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường biển.

tnt2

Tàu khu trục USS Decatur tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa hổi tháng 10/2016, trong chương trình Mỹ gọi là hoạt động tự do hàng hải

Đồng thời cái gọi là "thỏa thuận kiểm soát bất đồng ở Biển Đông", theo như tựa đề bài báo thì có nhiều điều cần xét lại.

Thời ông Nông Đức Mạnh, tuyên bố chung năm 2011 đã có nội dung về kềm chế sự "bất đồng" : "không để bất đồng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của quan hệ hai nước".

Đến thời ông Nguyễn Phú Trọng, như Tuyên bố năm 2013 nói về việc "kiểm soát tốt những bất đồng trên biển". Tuyên bố 2015 nói đến việc "Hai bên nhất trí cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển". Tuyên bố 2017 thì nói "kiểm soát tốt bất đồng trên biển".

Từ việc "kiểm soát tốt" để đi tới việc ký kết thỏa thuận "kiểm soát bất đồng" là một bước dài. Người ta hoài nghi về sự hiện hữu của thỏa thuận này. Khoản 9 bản Tuyên bố chung 2017, nhiều thỏa thuận, kết ước hai bên đã được ký kết. Tuy nhiên không hề thấy thỏa thuận về "kiểm soát bất đồng trên biển".

Vấn đề độc lập quốc gia

Tháng Mười 2016 ông Đinh Thế Huynh (nghe đồn đoán là sẽ thay thế ông Trọng), có chuyến đi thăm Trung Quốc. Nhân dịp này Tập Cận Bình có nói với ông Huynh rằng : "Hai nước là một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai".

Vấn đề là, ý nghĩa của câu "một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai" chỉ dành cho nhân dân trong một nước. Chỉ có người dân trong một nước mới chia sẻ một tương lai chung.

Tuyên bố năm 2017 lặp lại ý kiến này : "Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có truyền thống hữu nghị lâu đời... có chế độ chính trị tương đồng... có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung…".

Ta không thấy ý kiến tương tự ở thời Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, hay các Tổng bí thư tiền nhiệm.

Ý kiến này, nếu theo dõi nội dung các tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc, ta thấy là của Tập Cận Bình, biểu lộ lúc ông này sang thăm Việt Nam năm 2015.

Sau chuyến đi của ông Trọng, ý kiến của họ Tập trở thành "tuyên bố chung của hai nước".

Theo tôi, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phạm những lỗi lầm vô cùng trọng đại, vì đã làm thương tổn nền độc lập của một quốc gia có chủ quyền.

Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ mong muốn "chia sẻ vận mệnh chung" với nhân dân Trung Quốc hết cả. Chưa bao giờ "tiền đồ" đất nước Việt Nam lại có mối "tương quan" với Trung Quốc hết cả.

Tiền đồ là gì ? Nghĩa tiếng Hán là "con đường phía trước, tương lai tốt đẹp phía trước".

Khi "chia sẻ vận mệnh chung", có "chung một tương lai", thì Việt Nam đã không còn "độc lập và tự chủ" trong những quyết định của mình (về tương lai) nữa.

Việc này đã phá vỡ "nguyên tắc độc lập tự chủ, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau", đã được khẳng định theo Tuyên bố chung Việt Nam và Trung Quốc về hợp tác toàn diện 2000.

Nó cũng đi ngược tinh thần Hiến chương Liên Hiệp Quốc "bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia". Đồng thời đi ngược lại nội dung Tuyên bố "5 điểm chung sống hòa bình" của Trung Quốc.

Tillerson - cứu tinh của Việt Nam ?

tnt3

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa kỳ tương lai, Rex Tillerson

Vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa kỳ tương lai, Rex Tillerson, ngày 11/1 nhân buổi điều trần tại Thượng viện, đã có những tuyên bố liên quan đến Biển Đông.

Trong chừng mực, nếu ý kiến của ông này được thực hiện, hầu hết các vấn đề ở Biển Đông sẽ tự động hóa giải.

Theo ông Tillerson, hành vi Trung Quốc xây dựng đảo ở Biển Đông tương đương với hành vi Nga chiếm Crimea. Ông này khuyến cáo Washington rằng phải gởi một tín hiệu cứng rắn đến Bắc Kinh :

1/Trung Quốc ngưng ngay các việc xây dựng đảo.

2/Trung Quốc không được tiếp cận các đảo này nữa.

Câu hỏi đặt ra, Hoa Kỳ có thẩm quyền để phát biểu (như vậy) cũng như có khả năng làm việc này hay không ?

Theo tôi là Hoa Kỳ có thể phát biểu những lời như vậy.

Tillerson so sánh các đảo Biển Đông (mà Trung Quốc chiếm và xây thành đảo nhân tạo) với Crimea. Dĩ nhiên ai cũng biết Crimea thuộc Ukraine. Nhưng các đảo (mà Trung Quốc đã chiếm) thì không ai biết chúng thuộc chủ quyền nước nào.

Có ba giả thuyết để Tillerson củng cố cho lập trường của mình.

Thứ nhất, Trung Quốc không có chủ quyền ở các bãi đá, đơn giản vì họ xâm chiếm (của Việt Nam) năm 1988 bằng vũ lực. Ý kiến của Tillerson phù hợp tinh thần quốc tế công pháp.

Thứ hai, vịn vào yếu tố Mỹ có quyền quản lý các đảo ở Thái Bình Dương do Nhật chiếm đóng trước Thế chiến thứ hai (theo một điều ước của Hội Quốc liên trước 1945). Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Thái Bình Dương. Các đảo này bị Nhật chiếm đóng. Vì vậy Mỹ có quyền lên tiếng đòi quyền quản lý. Dựa trên lập luận này thì Mỹ có quyền "cấm" Trung Quốc léo hánh đến các đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thứ ba, các đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Pháp. Vấn đề là Pháp "im lặng" về việc này từ sau khi rời Việt Nam cho đến nay. Pháp tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa, sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa, do "khám phá". Không quốc gia nào phản đối việc này. Sẽ là một sự "đảo lộn" về địa chính trị nếu bây giờ Pháp lên tiếng đòi Trường Sa và Mỹ ủng hộ yêu sách này.

Về khả năng, câu trả lời bỏ ngỏ.

Trung Quốc có dám "mất tất cả" những gì đã tạo dựng lên, từ thập niên 1980 đến nay, (có thể còn mất thêm nhiều thứ quí giá khác như vấn đề ly khai…) để khai chiến với Mỹ hay không ?

Và Mỹ có dám "chấn thương nội tạng lâu dài" để gây chiến tranh với Trung Quốc vì những hòn đảo mà Mỹ không có (hay có mà ít) lợi ích chiến lược hay không ?

Trương Nhân Tuấn, Nhà nghiên cứu ở Pháp

BBC tiếng Việt, 17/01/2017

Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 2