Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Theo Tom Fawthrop, Luật đặc khu đã bị trì hoãn cho đến tháng 5 năm 2019 và có thể bị hủy bỏ hoàn toàn. 

dackhu1

Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ Thủ Thiêm - Ảnh minh họa

Vào tháng 6 năm 2018, các cuộc biểu tình nổ ra ở các thị trấn lớn thuộc sáu tỉnh, khiến chính phủ Việt Nam mất cảnh giác và gây áp lực buộc họ phải hoãn luật Đặc khu.

Chính phủ Việt Nam cho rằng nếu được Quốc hội thông qua, Luật Đặc khu có thể châm ngòi cho cải cách đầu tư và kinh tế mới. Nguyễn Văn Phúc, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đã nói với cộng đồng doanh nghiệp vào tháng 5 năm ngoái : "Các nhà đầu tư đánh giá cao luật này vì nó phản ánh sự thay đổi căn bản của Việt Nam".

Nhưng công chúng Việt Nam lo ngại rằng các công ty Trung Quốc sẽ là người hưởng lợi chính của sự ưu đãi nhà đầu tư mới, kể cả đề xuất cho thuê đất 99 năm.

Luật này nhằm mục đích thành lập ba đặc khu - loại hình đầu tiên tại Việt Nam - ở các địa điểm chiến lược Vân Đồn, Bắc Văn Phong và Phú Quốc. Một số trí thức Việt Nam đã cảnh báo rằng những địa điểm này có thể gây ra các mối đe dọa an ninh quốc gia nếu rơi vào tay kẻ xấu.

dackhu2

Vị trí 3 đặc khu ở Việt Nam

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam mặc dù chỉ chiếm 5,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài, đứng thứ 7 và kém Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đánh bạc với Đặc khu 

Chính phủ Việt Nam coi các đặc khu mới là động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế quan trọng, mặc dù kết quả tại các khu vực hiện có vẫn rất đáng ngờ.

Cố vấn chính phủ Võ Trí Thành, một nhà kinh tế cấp cao tại Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết : "Mục đích của việc phát triển Đặc khu là tạo ra lợi thế hàng đầu cho sự phát triển của đất nước trước sự khan hiếm tài nguyên, cũng như sự phức tạp chính trị và xã hội".

Việt Nam đã thành lập 18 đặc khu ven biển với tới 325 khu công nghiệp được nhà nước hỗ trợ trong cả nước. Tuy nhiên, phần lớn đất nông nghiệp cho công nghiệp hóa này vẫn chưa được sử dụng.

Học giả Việt Nam Nguyễn Minh Quang tại Đại học Cần Thơ, và đồng sáng lập Diễn đàn Môi trường Mê Kông, đã lưu ý rằng phần lớn các dự án này bị đánh giá là hoạt động kém và quản lý sai, kèm theo suy thoái môi trường nghiêm trọng và lãng phí đất đai.

Bộ Tài chính ước tính Việt Nam sẽ cần 70 tỷ USD để phát triển ba Đặc khu mới. Trong trường hợp đảo Phú Quốc, các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ cung cấp 41% vốn, Việt Nam cung cấp phần còn lại.

Huỳnh Thế Du, một chuyên gia về chính sách công từ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP), đã nhấn mạnh đến gánh nặng chi phí đối với nền kinh tế quốc gia. Ông nhận xét với tờ Tuổi Trẻ rằng : "Cần kiểm tra xem các lợi ích do Đặc Khu mang lại có cao hơn chi phí hay không".

Theo ước tính hiện tại, Việt Nam sẽ may mắn tăng thêm 10 tỷ đô la thu nhập.

dackhu3

Sơ đồ nguồn đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam tháng 01/2019

Trong bài viết trên Vietnam News, cố vấn chính phủ Võ Trí Thành dường như chấp nhận yếu tố rủi ro cao với lời hô hào rằng Việt Nam phải dám chơi và đặt cược vào thành công của các Đặc khu.

Mặc dù hồ sơ theo dõi không ấn tượng về các dự án như vậy, các bộ trưởng của chính phủ đã nói đến các dự án như các tiểu Singapore với các doanh nghiệp và ngành công nghiệp xanh, công nghệ cao và sử dụng chất xám.

Tuy nhiên, nhà kinh tế hàng đầu Vũ Quang Việt, cựu chuyên gia kinh tế, cựu nhân viên Liên Hiệp Quốc và cựu cố vấn cho thủ tướng cải cách Võ Văn Kiệt không bị thuyết phục. Ông cảnh báo rằng các Đặc khu sẽ khó thu hút bất kỳ hình thức công nghiệp công nghệ cao sạch nào vì dự thảo luật chủ yếu tập trung vào thị trường bất động sản và sòng bạc.

Viết trên Thời báo Straits, Võ Trí Thành, cố vấn kinh tế cấp cao của CIEM, thừa nhận rằng, việc thiếu minh bạch và các biện pháp phòng ngừa trong xử lý các rắc rối trước khi thực hiện dự án đã gây ra một số rối loạn xã hội, như sốt đất ở những khu vực đặc biệt khu kinh tế

Không rõ làm thế nào chính phủ sẽ thực hiện các tuyên bố chính sách của mình về việc ngăn chặn việc chiếm đất của nông dân nghèo và đầu cơ bất động sản.

Vụ bê bối ô nhiễm

Phản ứng dữ dội chống lại các Đặc khu được đề xuất cũng có thể phản ánh những lo ngại chính đáng về hồ sơ môi trường của đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam.

Năm 2009, cuộc biểu tình lớn đầu tiên chống lại một tập đoàn Trung Quốc (công ty con của Chinalco) khai thác mỏ bauxite ở Tây Nguyên của Việt Nam. Khai thác bauxite thông qua các mỏ khai thác lộ thiên tạo ra bùn đỏ độc hại có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng nếu trôi vào sông ngòi.

Ông Võ Nguyên Giáp, cánh tay phải của ông Hồ Chí Minh và anh hùng lực lượng vũ trang, đã ủng hộ các cuộc biểu tình và kêu gọi thủ tướng hủy bỏ thỏa thuận với Trung Quốc.

Một nhà máy sản xuất máy phát điện thuộc sở hữu của Trung Quốc là tâm điểm của một cuộc biểu tình ở Phan Rí, tỉnh Bình Thuận vào tháng 5 năm ngoái. Theo người dân địa phương, công ty đã tước đi tất cả các thảm thực vật và làm cho những đứa trẻ có hàm lượng chì nguy hiểm khá cao trong máu.

Hoãn lại

Rất nhiều khiếu nại và vấn đề do trải nghiệm Đặc khu của Việt Nam tạo ra không thể dễ dàng khắc phục được. Nhiều nhà kinh tế Việt Nam cho rằng nước này cần thu hút đầu tư công nghệ cao có trách nhiệm hơn là các sòng bạc và khu nghỉ dưỡng mà các nhà đầu tư Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng.

Nhưng điều này không ngăn được thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi Trung Quốc đầu tư nhiều hơn tại Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE 2018) tại Thượng Hải.

Trên thực tế, Việt Nam rất có thể sẽ thu được nhiều đầu tư của Trung Quốc do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Tiến sĩ Paul Chamber, giảng viên tại Đại học Nghiên cứu Cộng đồng ASEAN, Đại học Naresuan, nói với chinadialogue : Trung Quốc ngày càng cần Việt Nam để né lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và mong muốn tận dụng mức lương thấp hơn của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và tình trạng giao thương tối huệ quốc.

Nếu chính phủ giữ được tính hợp pháp chính trị trước sự lo lắng và sợ hãi của công chúng đối với đầu tư của Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng, họ phải phát triển một mô hình mới để đối phó với một vấn đề cũ - vấn đề nan giải từ lâu là cân bằng sự các xung đột hàng hải chưa được giải quyết với sự cần thiết phải giải quyết hợp tác hòa bình và cùng tồn tại với siêu cường khu vực ở biên giới phía bắc.

Công chúng Việt Nam cũng vô cùng lo lắng về việc vốn đầu tư và đầu tư của Trung Quốc đang mở rộng nhanh chóng trong khu vực, sức mạnh mềm của Trung Quốc cũng có thể làm bế tắc cuộc đấu tranh giành độc lập của họ.

Việc thông qua và phê chuẩn luật đặc khu đã bị trì hoãn cho đến tháng 5 năm 2019 nhưng giờ đây dường như nhiều khả năng sẽ được đưa vào back-burner. Bà Phạm Chi Lan, cố vấn kinh tế cho một số cựu thủ tướng, nhận xét : "Tôi không nghĩ rằng chính phủ sẽ đưa luật đặc khu trở lại Quốc hội trong năm nay vì gây quá nhiều tranh cãi".

Tom Fawthrop

Nguyên tác : Public criticism pressures Vietnam to back down on new economic zones, chinadialogue, 26/03/2019

Khánh Anh dịch

Nguồn : VNTB, 28/03/2019

Published in Diễn đàn

Trung Quốc mưu đồ biến Pakistan thành đặc khu kinh tế

Huyền thoại Emmanuel Macron tiêu tan, báo chí trong và ngoài nước thất vọng tổng thống Pháp. Venezuela lung lay nhưng tổng thống Nicolas Maduro vẫn bám trụ nhờ vàng đen và… Mỹ. Con đường tơ lụa mới của Tập Cận Bình tại Pakistan : Trung Quốc mua chính phủ nhưng không mua được dân, là một số chủ đề của các tạp chí trong tuần.

pakistan1

Một cửa hiệu ở Peshawar, Pakistan tràn ngập hàng nhập khẩu Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 07/08/2018. Reuters/Fayaz Aziz

Trên trang bìa, tuần báo L'Express đặt câu hỏi : "Tại sao Macron phải thay đổi ?". Hai đồng nghiệp L’ObsLe Point tiên đoán điện Elysée đang mưu tính gì trong khi trang nhất của Courrier international khẳng định huyền thoại Macron đã tan biến và do đâu mà báo chí quốc tế thất vọng. Về hồ sơ quốc tế, "hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan" được đặc phái viên Le Point phân tích lợi hại :

Hải cảng Gwadar được Trung Quốc đầu tư 500 triệu đô la để nâng cấp chỉ là bước đầu trong dự án thiết lập một đường hành lang trên bộ 2000 km để Trung Quốc có thể vận chuyển hàng hóa từ Kachgar đến biển Arabie nhằm làm sống lại con đường tơ lụa nối liền hai lục địa Á- Âu.

Hai mục tiêu công khai của Trung Quốc là mở cánh cửa thông thương cho các tỉnh miền tây nối với Châu Phi qua ngã Pakistan và giúp cho quốc gia nghèo đông dân, 210 triệu dân, được phát triển để không rơi vào ảnh hưởng của thánh chiến Hồi giáo.

Các công ty nhà nước Trung Quốc đã đầu tư 62 tỷ đôla để xây dựng nhà máy điện mặt trời, canh tân hệ thống xa lộ, đường xe lửa và đặt cáp quang. Thế nhưng một nhà phân tích chính trị người Trung Quốc, xin giấu tên, lại cho rằng chủ tịch Tập Cận Bình có một "thâm ý" khác, đó là muốn được lịch sử ghi tên : "Dự án hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan cũng như con đường tơ lụa mới được Tập Cận Bình khai thác để củng cố quyền lãnh đạo và để lại dấu tích trong lịch sử".

Về phần Islamabad, từ 2008 đến nay, do tình hình bất an, do khủng bố, Pakistan bị giới đầu tư lần lượt rút bỏ : Đầu tư Trung Quốc là cơ hội để Pakistan đuổi theo Ấn Độ. Quân đội Pakistan nghĩ rằng New Delhi không bao giờ chấp thuận để mất một phần lãnh thổ sau khi Anh Quốc trao trả độc lập nay là Pakistan Hồi giáo. Đối với quân đội, điều sinh tử là phải ngăn chặn Ấn Độ trở thành cường quốc số một trong vùng và do thế cần một nền kinh tế hùng mạnh để có tiền trang bị vũ khí.

Đặc khu kinh tế khắp nước hay cả nước biến thành đặc khu kinh tế ?

Tuy không rõ thâm ý của Bắc Kinh và quy mô thực sự của dự án nhưng Islamabad chấp nhận bởi vì… tâm lý chống Ấn Độ. Trong khi đó, ngay giới chuyên gia Trung Quốc cũng nghi ngờ có điều bí ẩn.

Để thực hiện mục tiêu cân bằng lực lượng với Ấn Độ, Islamabad chọn liên minh với Bắc Kinh thay vì với Washington. Vụ đột kích giết Bin Laden năm 2011 không thông báo trước với chính quyền Pakistan đã đánh dấu mối rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Pakistan.

Trong thời gian qua, Mỹ cũng xích lại với Ấn Độ qua các thỏa thuận về hạt nhân dân sự, về hợp tác hải quân và trở thành nguồn cung cấp vũ khí cho Ấn Độ đứng thứ hai chỉ sau nước Nga. Hãy nghe tướng Ghafoor phát biểu : "Nhìn xem chính quyền Trump : đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley là người gốc Ấn, đại sứ Mỹ tại New Delhi cũng gốc Ấn, áp lực hành lang của người Ấn tác động lên chính sách ngoại giao của Mỹ".

Vấn đề, theo Le Point, từ khi Trung Quốc khởi động dự án "hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan", tiếng nói chỉ trích nổi lên trong nước. Khurram Husain, phóng viên kinh tế của báo Dawn lưu ý : "Dự án Trung Quốc kéo dài đến 2030 và xa hơn thế nữa. Chính quyền nói đến các đặc khu kinh tế đó đây trên lãnh thổ nhưng một nguồn tin Trung Quốc cho biết các công trường hiện tại chỉ là nốt nhạc đầu của một bản đại hòa tấu". Được báo chí đặt câu hỏi, đại sứ Trung Quốc từ chối trả lời, viện lý do chỉ nói chuyện với chính quyền sở tại.

Bắc Kinh giăng bẫy nợ

Tại Pakistan, không ai rõ điều kiện tài trợ cho các đại công trình ra sao. Ngân hàng Trung Quốc cho vay nhưng ai bảo hiểm và bảo hiểm bao nhiêu ? Nếu Pakistan vỡ nợ thì sao ? Chuyên gia kinh tế Akbar Zaidi lo ngại đất nước của ông sẽ đánh mất chủ quyền.

Tại Trung Quốc cũng có quan điểm ngờ vực. Nhà phân tích Trung Quốc trích dẫn bên trên cho biết : Nhiều chuyên gia và quan chức trong đảng cộng sản cũng nghi ngờ thực chất của dự án hành lang kinh tế. Vận chuyển hàng từ miền tây Trung Quốc đến cảng Gwadar dài 3.000 km, qua những ngọn núi cao 4.600 mét sẽ tốn kém vô cùng.

Nhưng phe chủ xướng mang "lợi ích chiến lược" ra giải thích : Trung Quốc được quyền sử dụng hải cảng trong biển Arabian nằm gần vịnh Ba Tư. Nhà phân tích Trung Quốc bình luận : Lợi ích chỗ nào ? Chi ra 62 tỷ đôla để có một căn cứ hậu cần là điều phi lý.

Cho đến nay, hàng lang kinh tế làm Pakistan trả giá nặng : tăng nhập khẩu hàng Trung Quốc lên bốn lần, tính đến tài khóa 2016-2017, Pakistan chi ra 14 tỷ đô la để mua máy móc và xi măng của Trung Quốc, trong khi trữ lượng ngoại tệ chỉ đủ để chu toàn nhập khẩu trong hai tháng.

Tập Cận Bình "ma cà rồng"

Nhân công Trung Quốc tràn ngập. Tại một nước Hồi giáo mà thịt heo bán công khai và nhất là cách thức Bắc Kinh đối xử với người Duy Ngô Nhĩ làm dân chúng Pakistan bất bình, phong trào chống Trung Quốc trỗi dậy.

Hiệp định mậu dịch tự do với Trung Quốc cũng là lưỡi dao kề cổ Pakistan. Chủ tịch nghiệp đoàn chủ nhân Ehsan Malik cho biết một thí dụ : buôn bán với Trung Quốc, xí nghiệp Pakistan bị thuế quan cao hơn là giao dịch với ASEAN nhất là gạo và bông sợi. Pakistan cũng phải xuất khẩu hầu hết bông vải sang Trung Quốc để Trung Quốc dệt may… bán quần áo sang Mỹ để cạnh tranh với Pakistan.

Chưa hết, các công trình xây dựng tại Pakistan đều do công nhân Trung Quốc thực hiện với vật liệu nhập từ Trung Quốc. Tóm lại, Pakistan không thu lợi được bao nhiêu. Từ 20.000 đến 30.000 kiều dân Trung Quốc lưu trú tại Pakistan, với hàng quán mọc lên như nấm, bán cả thịt heo, món cấm tại xứ Hồi. Sự hiện diện này, cộng với dự án thiếu minh bạch và cách đối xử thô bạo của Bắc Kinh đối với người dân Tân Cương đã làm trỗi dậy một phong trào bài Trung Quốc.

Trường hợp một người dân Pakistan 39 tuổi, năm 2008, sang Tân Cương làm việc rồi lấy vợ Trung Quốc. Năm 2016, người vợ bị bắt đi "học tập chính trị" và biệt tích. Người chồng không được đi thăm, sau đó giấy cư trú không được gia hạn, phải chạy về nước. Vụ này đã gây một làn sóng phản đối tại Pakistan. 62 tỷ đôla xứng đáng để chính quyền im lặng nhưng báo chí lên tiếng phát động chiến dịch đòi sự thật. Trên Facebook, Tập Cận Bình bị miêu tả là "ma cà rồng" hút máu 20 triệu dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Pháp : Thần tượng sụp đổ ?

Trở lại tình hình chính trị nước Pháp, năm thứ hai nhiệm kỳ của tổng thống Emmanuel Macron được dự báo sẽ rất phức tạp. Kinh tế hụt hơn và một số vụ tai tiếng trong giới thân cận đã làm thần tượng sụp đổ, theo nhận định của hai tờ báo Anh và Canada được Courrier International trích dịch. Trái lại, một nhật báo Ý an ủi dân Pháp nên biết có nhiều may mắn hơn láng giềng Ý.

Theo Le Point, tổng thống Pháp chỉ có nỗi ám ảnh là chiến thắng bầu cử Nghị viện Châu Âu trong năm 2019. Chủ nhân điện Elysée kỳ vọng vào chính sách cải cách xã hội để thuyết phục cử tri : luật khế ước xí nghiệp cho phép nhân viên tham gia đầu tư và chia lợi nhuận, luật chống nghèo khó khuyến khích dân chúng tự lập xí nghiệp, luật hưu trí kéo dài tuổi lao động…

Cùng nhận định, tuần báo cánh tả L’Obs xác quyết là cho dù bị tai tiếng trong vụ cận vệ đặc biệt lộng quyền đánh người biểu tình, hành pháp vẫn tiếp tục tiến hành cải cách từ chống nghèo khó, thất nghiệp, hưu trí đến tái tổ chức bệnh viện… Trong hồ sơ y tế này, độc giả tò mò có thể xem trên Le Point danh sách 50 nhà thương hàng đầu của Pháp. Theo điều tra riêng của tuần báo, ba hạng đầu là bệnh viện của đại học y khoa Toulouse, Bordeaux và Lille. Nhiều bệnh viện ở Paris đứng cuối bảng.

Tuần báo L’Express "lo lắng" cho Emmanuel Macron bởi vì "dư chấn của vụ tai tiếng mà cận vệ đặc biệt Benalla gây ra". Những ngày tháng tới sẽ rất căng, L’Express, mượn lời của cựu bộ trưởng đại học Valérie Pécresse, cảnh báo : Năm thứ hai nhiệm kỳ là cơ may cuối cùng để thực hiện lời hứa với cử tri, tổng thống không thể chậm trể hơn nữa vì đã mất hết hào quang của một nhân vật được mô tả là "đổi mới". Chủ nhân điện Elysée phải thay đổi, đó là kết luận của L'Express.

Courrier International cũng cho rằng tổng thống trẻ tuổi của Pháp đã mất hết huyền thoại, theo báo chí nước ngoài. Daily Telegraph từ Luân Đôn lấy làm tiếc là lẽ ra nước Pháp phải bước vào thời kỳ hiện đại với tổng thống 40 tuổi, được bầu vào năm 2017. Tuy nhiên, các biện pháp cải cách chỉ được thực hiện một cách rụt rè. Thuế đánh lên xí nghiệp vẫn còn cao và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp rơi từ hạng 22 xuống 26.

Báo The Globe and Mail của Canada , bên cạnh hí họa một người đàn ông trung niên vất vả đẩy chiếc xe 2 mã lực (deux chevaux) đề tựa khôi hài : Tổng thống không có toàn hảo lắm. Tính tự ái cho mình là "chiếc rốn của vũ trụ" có lẽ Emmanuel Macron là số một, không ai bằng. Donald Trump và Justin Trudeau là những ông thầy tu nếu so sánh với tổng thống Pháp.

Dễ thương hơn hai đồng nghiệp báo Anh ngữ, nhật báo Ý Il Foglio, tuy cũng chỉ trích những khiếm khuyết của tổng thống Pháp, đã kêu gọi dân Pháp không nên thất vọng : Nếu tôi là người Pháp, trước khi khẻ tay tổng thống, tôi nhìn qua một vòng nước Ý để thấy giới chính khách mị dân phô trương bản lãnh phá hoại Châu Âu như thế nào.

Dầu hỏa cứu chế độ Maduro

Về thời sự Nam Mỹ, trong lúc Venezuela bị lạm phát phi mã, có thể đến 1.000.000% vào cuối năm nay, theo dự báo của Quỹ IMF, đất nước phá sản, hơn 2 triệu dân đi tị nạn, thực phẩm khan hiếm, giá cả leo thang, chính quyền vô kế khả thi thế mà tổng thống Nicolas Maduro vẫn thản nhiên, giới thân cận và phe ủng hộ vẫn tin tưởng. Đó là nhờ hai yêu tố không ngờ mà nhật báo El Nuevo Diario của Nicaragua lý giải sau đây :

Trong bài "Vàng đen cứu tổng thống Venezuela" nhà báo Adolfo Miranda Saenz nói thẳng đó là dầu hỏa và nước Mỹ. Đồng minh của Venezuela là Nicaragua cũng không mua dầu của nước bạn mà nhập dầu lọc của Mỹ. Bản thân Venezuela là nguồn cung cấp dầu hỏa đứng hàng thứ tư của Mỹ. Cho dù Venezuela có trữ lượng dầu hỏa to lớn nhưng chỉ chọn khách hàng "tiền trao cháo múc", chỉ có ba nước là Mỹ, Ấn và Trung Quốc.

Do tình trạng các nhà máy lọc dầu xuống cấp, Venezuela bán dầu thô cho Mỹ và nhập dầu đã lọc từ Mỹ cũng như Nicaragua bán ngô bắp cho Costa Rica để nhập lại hạt bắp nướng. Tại Mỹ, công ty dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA là chủ nhân duy nhất của Citgo, một đại tập đoàn có trụ sở tại Houston, Texas, chủ nhân của 3 nhà máy lọc dầu, 48 kho dự trữ và 6.000 cây xăng với doanh số hàng năm 32,4 tỷ đô la.

Cho dù khối lượng dầu hỏa sản xuất có ít đi nhưng với thu hoạch khổng lồ này, tổng thống Nicolas Maduro có đủ đôla để bám quyền, để sống vương giả và bảo đảm cho những người thân cận và đám công chức trung thành cũng như sĩ quan quân đội một cuộc sống đầy đủ trong khi đất nước phá sản.

Bé sơ sinh học nhanh hơn người lớn

Về y khoa, tuần báo L’Express giới thiệu một khám phá mới về trí thông minh của trẻ sơ sinh. Trước khi biết nói, trẻ sơ sinh đã học nhanh hơn người lớn biết rút tỉa bài học sai lầm, phân biệt được kinh nghiệm đã biết và những gì mới chưa gặp, biết tìm thông tin mới và học cách tránh lầm lỗi. Cụ thể là biết đánh tiếng gọi người lớn nếu cảm thấy có nguy cơ té ngã.

Tú Anh

Published in Châu Á

Quốc hội Việt Nam vào trung tuần tháng 11 thảo luận về Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, hay còn gọi là "đặc khu kinh tế", với ý kiến của nhiều Đại Biểu là cần thiết phải ban hành.

zes1

Một góc Đảo Phú Quốc, Kiên Giang. Hình chụp tháng 6/2017.  Citizen’s photo.

Đài RFA ghi nhận qua thông tin vừa nêu, dư luận trong nước đặt câu hỏi liệu rằng các đặc khu kinh tế tại Việt Nam được hình thành và hoạt động có hiệu quả khi cơ chế vận hành theo luật định mới ?

Nhiều ưu đãi và thuận lợi

Tại phiên họp lần thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra hồi trung tuần tháng 9, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt có nhiều ưu đãi và thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế và khu kinh tế tự do ở các nước trong khu vực Đông Nam Á và các quốc gia Châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh một trong những yếu tố trọng tâm giúp cho các đặc khu kinh tế của Việt Nam có thể thành công, là nhờ vào môi trường đầu tư kinh doanh và chính sách ưu đãi cạnh tranh quốc tế cùng với vị trí chiến lược.

Tuy nhiên, đa số Đại biểu quốc hội trong buổi thảo luận, vào chiều ngày 10 tháng 11 vừa qua, tại tổ về Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt mặc dù đồng ý có nhiều điểm tiến bộ, cần thiết ban hành nhưng không nên thu hút đầu tư bằng mọi giá vì các đặc khu đều ở những vị trí chiến lược của Việt Nam.

Về tổ chức chính quyền của đặc khu kinh tế, các Đại biểu quốc hội đề nghị nên mở rộng quyền hạn của Đặc khu trưởng để tạo ra cơ chế thông thoáng ; đồng thời phải xây dựng một tổ chức kiểm soát quyền lực hiệu quả để tránh lạm quyền.

Tờ trình Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được thảo luận lần này đối với 3 đặc khu, bao gồm Vân Đồn-Quảng Ninh, Bắc Vân Phong-Khánh Hòa và Phú Quốc-Kiên Giang.

Đài RFA ghi nhận một số chuyên gia trong nước lên tiếng rằng với chủ trương và nỗ lực của Chính phủ Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi và ưu đãi nhiều hơn tại các đặc khu kinh tế ở Việt Nam, thông qua đơn giản hóa thủ tục hành chính, chế độ ưu đãi thuế phí…có thể sẽ thu hút được đầu tư nước ngoài. Đáp câu hỏi của chúng tôi liệu những đặc khu kinh tế sẽ là môi trường đầu tư tốt khi Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc khu được thông qua và ban hành, Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành khẳng định Việt Nam vẫn còn gặp trở ngại trong lãnh vực thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Bùi Kiến Thành nói :

"Việt Nam còn phải học hỏi rất nhiều. Lúc nào Việt Nam cũng sợ cái này, sợ cái kia…Xã hội đóng khép dưới chế độ Chủ nghĩa Xã hội Cộng sản mà bây giờ mở ra hội nhập, thì tư duy của lãnh đạo muốn thật sự là một chế độ mở hay chế độ vừa đóng vừa mở ? Mình thì không mở ra, mà thế giới thì người ta mở ; vì vậy người ta đến làm ăn với mình nhưng lo sợ bị nhốt trong lồng nên người ta không đến".

Bao giờ thành hình và hoạt động ?

Trong số các doanh nghiệp trong nước mà Đài RFA tiếp xúc, thì hầu hết đều cho rằng họ rất quan tâm đến các đặc khu kinh tế. Nhiều doanh nhân cho biết họ muốn có thêm thông tin về 3 đặc khu kinh tế mới : Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc để tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp tại Sài Gòn tỏ ra không mấy phấn khởi do nguyên nhân đề án thành lập đặc khu kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua, đối với họ dường như chỉ là trên giấy tờ cùng các lời tuyên bố hoa mỹ của giới lãnh đạo. Nữ giám đốc của một công ty tư nhân chia sẻ với RFA :

"Xét về mặt ưu điểm thì hầu như ai cũng thấy được đặc khu kinh tế hỗ trợ cho các doanh nghiệp chung trong cộng đồng đó cùng phát triển và đẩy mạnh cộng đồng đó lên. Tức là, xét về mặt lý thuyết, các doanh nghiệp vẫn mong đợi có các đặc khu kinh tế để khoanh vùng và hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng việc phổ biến và công tác tuyên truyền về quy trình không đươc rõ và sát sao cho lắm nên các doanh nghiệp vẫn chưa thật sự quan tâm về vấn đề này và họ cứ nghĩ khi nào có thì làm. Vậy thôi".

zes2

Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp tháng 2/2017. AFP.

Đề án thành lập Khu kinh tế đặc biệt thành phố Hồ Chí Minh từng được đề xuất từ những năm cuối của thập niên 90, trong thế kỷ XX. Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án Đặc khu kinh tế, với lộ trình qua 4 giai đoạn và thành phố Hồ Chí Minh khẳng định vị thế của đặc khu kinh tế vào mốc thời gian 2025-2035.

Ông Đinh La Thăng, khi còn giữ chức Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2016, đã từng tuyên bố tại hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố rằng "thành phố Hồ Chí Minh phải trở thành đặc khu kinh tế như Thượng Hải".

Hồi hạ tuần tháng 6 năm 2016, trong buổi làm việc với lãnh đạo của thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh thành phố Hồ Chí Minh luôn là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước sau ngày 30/04/1975 nên "thành phố Hồ Chí Minh phải là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông".

Trước những lời tuyên bố khẳng khái như vừa nêu, không ít người dân Sài Gòn bày tỏ với Đài Á Châu Tự Do rằng họ mong muốn thành phố nơi họ gắn bó hàng thập niên qua sẽ mau chóng "thay da đổi thịt" về đúng vị trí "Hòn ngọc Viễn Đông" như trước năm 1975. Mặc dù hy vọng như thế, nhưng không phải ai cũng có niềm tin là thành phố trở thành đặc khu kinh tế thì người dân sẽ có cuộc sống tốt hơn. Một kiến trúc sư, thế hệ 8X, yêu cầu không không nêu tên, chia sẻ suy nghĩ của anh :

"Tại vì bộ máy vận hành đất nước hiện tại thì không ai tin chính sách sẽ thành công. Thật sự, mọi người đều có cảm giác rằng tất cả những việc họ làm là trong nhiệm kỳ của họ thì họ cố gắng làm để vơ vét cho xong, rồi hết nhiệm kỳ thì họ bỏ chạy. Tất cả hậu quả sau cùng là người dân lãnh đủ hết. Tôi nghĩ rằng họ vẫn cứ làm, nhưng con đường họ đi thì không ai tin là họ sẽ đi đến cùng và người dân sẽ được hưởng lợi từ những thành quả đó".

Qua các cuộc trao đổi của RFA cùng người dân trong nước, họ cho biết luôn trông đợi viễn ảnh quốc gia với các đặc khu kinh tế sầm uất và phồn thịnh. Tuy nhiên, những đặc khu kinh tế tại Việt Nam giống như Thẩm Quyến hay Thượng Hải của Trung Quốc, thì theo họ có lẽ còn lâu lắm.

Hòa Ái

Nguồn : RFA, 22/11/2017

Published in Diễn đàn