Hôm 20/07/2018, một chuyên gia hàng đầu của CIA về Châu Á khẳng định Bắc Kinh đang huy động mọi nguồn lực, tiến hành một cuộc "Chiến trạnh Lạnh âm thầm", nhằm thay thế Mỹ lãnh đạo thế giới. Trong chiến lược này, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng và biến thành các tiền đồn quân sự tại Biển Đông được ví như một "Crimea phương Đông".
Ảnh minh họa : Ảnh vệ tinh Đá Xu Bi, Trường Sa (Ảnh chụp màn hình website AMTI) (Capture d'image @amti.csis.org)
Theo AP, trong diễn đàn về an ninh quốc tế Aspen Security Forum, tại Colorado, trợ lý phó giám đốc phụ trách Đông Á của CIA, ông Michael Collins, so sánh cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện nay với cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Chế độ Bắc Kinh hiện nay đang nỗ lực trên nhiều mặt trận để làm sói mòn ảnh hưởng của nước Mỹ, với các hoạt động rất khác với những gì mà chính quyền Nga đang làm.
Chuyên gia CIA nhấn mạnh là căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vượt xa khỏi vấn đề cuộc chiến về thuế mà hai bên liên tục đưa ra các biện pháp trả đũa, vốn thường được truyền thông đưa tin rầm rộ.
Ông Michael Collins đặc biệt lưu ý đến nỗ lực của Trung Quốc nhằm đánh cắp các bí mật công nghệ cao, việc quân đội Trung Quốc đang hiện đại hóa nhanh chóng, và các tiền đồn quân sự Trung Quốc xây cất tại nhiều hòn đảo ở Biển Đông. Tuy nhiên các hoạt động lấn chiếm của Trung Quốc diễn ra tại đây là tương đối âm thầm, khác hẳn với chiến dịch của Nga sáp nhập bán đảo Crimea, thuộc chủ quyền của Ukraine, hồi 2014, bị Hoa Kỳ và phương Tây lên án mạnh mẽ.
Trong tuần lễ vừa qua, vào thời điểm mà Washington đang rất cần đến sự giúp đỡ của Bắc Kinh để thoát khỏi ngõ cụt trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, nhiều chuyên gia về an ninh của Mỹ liên tục đưa ra cảnh báo về các đe dọa từ Trung Quốc.
Trọng Thành
**********************
Nhân đối thoại ngoại giao-quốc phòng 2+2 giữa các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng hai nước tại Anh, hai bên đã thảo luận về các kế hoạch hợp tác tại khu vực Thái Bình Dương trong đó có hợp tác hải quân chung. Trong cuộc họp báo chung ngày 20/07/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Anh xác nhận là hai bên đã thảo luận các phương án điều tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth tới vùng Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, cùng phối hợp hoạt động với Hải Quân Úc.
Ảnh minh họa : Từ trái sang phải : Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt, ngoại trưởng Úc Julie Bishop, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Gavin Williamson và đồng nhiệm Úc Maryse Payne, tại Edimburg, Scotland, ngày 20/07/2018. Reuters
Theo nhật báo Anh The Guardian, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Gavin Williamson đã nhắc lại mối quan tâm của Anh Quốc đến tình hình vùng Thái Bình Dương, thể hiện qua việc Anh Quốc mới đây, lần đầu tiên từ năm 2013 đến nay, đã triển khai 3 chiến hạm trong khu vực, một hoạt động sẽ được phát triển thêm trong những năm sắp đến.
Về nhiệm vụ của chiếc tàu sân bay mới của Anh Quốc, ông Williamson xác nhận là Luân Đôn và Canberra "sẽ phối hợp với nhau trong kế hoạch triển khai chiếc HMS Queen Elizabeth tới Thái Bình Dương... và hoạt động cùng với chiến hạm Úc…".
Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ bị Trung Quốc đe dọa
Về phần mình, ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã nhắc đến những thách thức nhằm vào những "chuẩn mực và quy tắc" quốc tế ở vùng Thái Bình Dương, trong khi lúc bộ trưởng Quốc Phòng Úc Maryse Payne cho rằng đang có những mối đe dọa rõ ràng đối với "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ" hiện nay.
Theo báo The Guardian, dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng hai nữ bộ trưởng Úc đã đưa ra đánh giá trên trong bối cảnh Bắc Kinh chiếm hữu và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông mà các nước Đông Nam Á khác cũng đòi chủ quyền, xây dựng căn cứ không quân trên đó, và bố trí các hệ thống tên lửa sát cạnh các hàng xóm và tăng cường quyền khống chế các tuyến hàng hải khu vực.
Cả 4 bộ trưởng Anh và Úc đều cho rằng những mối đe dọa mới đó cho thấy sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước.
Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch, từng khẳng định rằng tàu sân bay mới của Anh sẽ "hiện diện ở Thái Bình Dương" với mục tiêu "bảo vệ quyền tự do hàng hải, giữ cho các tuyến đường biển và đường hàng không luôn mở rộng".
Tuy nhiên, việc chiếc hàng không mẫu hạm mới nhất của Anh HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông không phải là sẽ diễn ra ngay trước mắt.
Theo kế hoạch dự kiến, phải đến năm 2020 thì chiếc tàu này mới tác chiến được, và sẽ hoạt động cùng với một hải đội tác chiến gồm nhiều khu trục hạm, hộ tống hạm trang bị hệ thống chống ngầm.
Trọng Nghĩa
Lãnh đạo và người dân Trung Quốc không tin vào một thế giới có luật lệ theo trật tự mà Mỹ và các nước phương Tây dựng lên, nên họ quyết tâm thách thức các luật lệ quốc tế ở Biển Đông và họ có thể bành trướng được như ngày hôm nay một phần cũng là do sự thất bại của Mỹ và các nước đồng minh Châu Á trong việc lập một liên minh đoàn kết để cân bằng sự ảnh hưởng của Bắc Kinh, một nhà báo Anh theo dõi thời sự quốc tế nhận định.
Chuyên gia : Việt Nam đối thủ 'khó nuốt' trên Biển Đông
Nhà báo Humphrey Hawksley, phóng viên thời sự quốc tế của hãng truyền thông BBC đã đưa ra nhận định trên tại buổi ra mắt cuốn sách mới của ông có tựa đề ‘Asian Waters – the Struggle Over the South China Sea and the Strategy of Chinese Expansion’ tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS tại Washington, Mỹ, hôm thứ Sáu ngày 22/6. Những nhận định trên nằm trong phần trình bày tóm lược về nội dung cuốn sách mới của ông.
‘Nỗi nhục trăm năm’
Trước hết, lãnh đạo và người dân Trung Quốc không tin vào trật tự thế giới dựa trên luật pháp bởi vì những bài học lịch sử mà họ đã trải qua và thấm thía trong cái mà họ gọi là ‘Bách Niên Quốc Sỉ’ (Nỗi nhục Trăm năm) mà bản thân nhà báo Hawksley đã nhìn nhận được trong thời gian ông đến Trung Quốc.
Từ sau khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền vào năm 2012, lập luận tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chuyển từ quan niệm ‘người chiến thắng’ – tức Đảng Cộng sản là lực lượng đã đưa Trung Quốc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trước các ‘lực lượng đế quốc’ – sang quan niệm ‘kẻ bị chèn ép’ – tức đất nước và dân tộc Trung Hoa là nạn nhân bị các cường quốc phương Tây bóc lột và chèn ép trong suốt quá trình lịch sử trên một trăm năm.
Bản thân ông Tập ngay sau khi lên cầm quyền năm 2012 trong một hành động mang tính biểu tượng cao đã đi thăm một cuộc triển lãm có tên là ‘Bách Niên Quốc Sỉ’ ở Bắc Kinh để gợi nhớ đến thời kỳ hơn một trăm năm Trung Quốc bị các nước phương Tây sỉ nhục kể từ cuộc chiến tranh nha phiến đầu tiên với Anh quốc vào năm 1839 cho đến khi Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời vào năm 1949.
Từ ‘nỗi nhục trăm năm’ đó, ông Tập đã đề ra khẩu hiệu 'Trung Hoa Mộng’ để đưa tới ‘sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa’. Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi năm ngoái đã đề ra ‘Bách niên Mục tiêu’ (Mục tiêu Trăm năm) để xây dựng đất nước họ thành một quốc gia hùng cường vào năm 2049 – tức tròn một trăm năm Nhà nước Trung Hoa mới ra đời.
"Suy nghĩ về ‘Nỗi nhục Trăm năm’ ăn sâu trong đầu óc của người dân Trung Quốc từ khi mới sinh ra cho đến khi học đại học vì nó là một nội dung nổi bật được giảng dạy trong chương trình đại học", ông Hawksley cho biết. "Nó cũng là câu chuyện được nhắc đến nhiều trên bàn ăn tối của người dân Trung Quốc".
Ông Hawksley kể rằng ông đã đến thăm Bảo tàng về ‘Bách niên Quốc sỉ’ này ở Bắc Kinh và ông đã tranh luận với người dân ở đó về trật tự thế giới dựa trên pháp trị.
"Đó là điều tốt nếu anh có thể tận dụng điều đó để làm cho anh giàu mạnh", ông kể lại lập luận của một người dân Trung Quốc mà ông đã trò chuyện với, "Nhưng đừng nói với họ là những luật lệ đó là công bằng và bình đẳng".
"Họ không tin vào điều đó đâu. Họ sẽ lấy những gì họ có thể".
Ông kể một người dân Trung Quốc khác đã có cách ví von như sau : "Hãy tưởng tượng : giả sử như nước Mỹ trải qua một giai đoạn dễ bị tổn thương ; không có nhà lãnh đạo đáng tin tưởng ; xã hội loạn lạc ; người dân không biết chắc đất nước mình sẽ đi về đâu. Vào lúc đó, một băng đảng buôn ma túy ở Mexico từ phía Nam tấn công lên phía bắc và yêu cầu nước Mỹ phải mở cửa các tiểu bang như New Mexico, Arizona và California để họ có thể tự do bán ma túy. Họ buộc nước Mỹ yếu ớt phải ký hiệp ước với họ và nói rằng ‘Hãy nhìn xem : đây là trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Anh phải biết tôn trọng nó’".
"Đó là điều đang được giảng dạy ở các trường học và trường đại học ở Trung Quốc", ông Hawksley nói.
Do đó, ông cho rằng phương Tây cần hiểu tâm tư của người dân Trung Quốc để có cách giải quyết quan ngại này theo cái cách mà ‘chúng ta đã không làm để có thể nắm bắt được suy nghĩ của Saddam Hussein và người dân Iraq’.
Ông Hawksley nói rằng mặc dù các tranh chấp lãnh thổ diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới nhưng vấn đề chính ở Biển Đông là trật tự quốc tế dựa trên luật pháp đã không bị tôn trọng, luật pháp quốc tế đã bị vi phạm.
Do đó, một trong những nội dung chính của cuốn sách của ông là giải thích rằng tình hình trên Biển Đông là ‘về trật tự dựa trên luật pháp và pháp trị’.
"Nếu chúng ta từ bỏ những giá trị mà chúng ta đã chiến đấu để dựng nên, nếu chúng ta để cho một chính phủ hùng mạnh và chuyên chế gặm nhấm dần dần (Biển Đông) thì họ sẽ giành được các đồng minh ở Châu Á, họ sẽ lôi kéo những quốc gia yếu ở Châu Phi, Châu Âu về phía họ", ông nói.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng vấn đề đối với những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông không làm cho các nước phương Tây cảm thấy nhu cầu phải có hành động mạnh mẽ là ‘không có ai sinh sống ngoài đó cả’.
"Anh không có bức tranh như những gì anh nhìn thấy ở Syria (nơi luật lệ quốc tế cũng bị xâm phạm với việc Tổng thống Bashar al Assad bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học giết hại dân thường) vốn khiến chúng ta nhận thấy rằng chúng ta phải làm điều gì đó", ông nói và cho biết ông muốn góp phần nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách về các tranh chấp trên Biển Đông.
Trung Quốc đang dần chiếm ưu thế ?
Nhà báo Hawksley cũng nhận định rằng ở vùng Đông Nam Á trong vòng 5, 6 năm qua Trung Quốc ‘đã có được ảnh hưởng rất lớn’ và ‘đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc đã gia tăng’.
Ông cho rằng Trung Quốc có thể xây dựng các căn cứ quân sự trên Biển Đông là do ‘Mỹ và liên minh thống nhất của Châu Á đã thất bại trong việc ngăn chặn sức ảnh hưởng của Trung Quốc’.
"Điều này đã khiến cho một số lãnh đạo Châu Á thực dụng đặt dấu hỏi tương lai đất nước họ sẽ đi về đâu", ông cho biết. "Khoảng 3,4 năm trước khi tôi nói chuyện với các chính phủ Đông Nam Á thì họ vẫn luôn nói rằng chúng tôi không muốn bị yêu cầu phải chọn đi theo bên nào như đã từng xảy ra trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng giờ đây ngày càng có nhiều chính phủ trong khu vực đã xây dựng kế hoạch B vì họ biết rằng mọi việc đang diễn ra theo chiều hướng đó".
"Tất cả các chính phủ trong khu vực đều có kinh nghiệm về việc những gì sẽ xảy đến với họ nếu họ làm cho Bắc Kinh phật lòng và nếu họ làm như những gì Bắc Kinh muốn thì họ sẽ được tưởng thưởng như thế nào", ông cho biết.
Một ví dụ mà ông đưa ra là ở Việt Nam, nơi ông đến thăm Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự lần đầu tiên vào đầu những năm 80, ông đã nhìn thấy những khí tài của người Pháp, người Mỹ, người Trung Quốc xếp chồng lên nhau để chứng tỏ rằng ‘đây là một đất nước đã từng chiến đấu với ba ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và khiến họ phải ôm đầu máu’.
"Giờ đây, nếu anh tới đó anh sẽ không còn thấy phương tiện vận tải quân sự nào của Trung Quốc được trưng bày ở đó nữa. Họ (Việt Nam) muốn xoa dịu Trung Quốc bằng cách đó", ông nói, mặc dù ông cũng cho biết những trận đánh cổ xưa như trận Bạch Đằng năm 938 vẫn được trưng bày và so sánh việc này với việc các bảo tàng ở Anh Quốc trưng bày về cuộc xâm lược của người Norman từ Pháp vào năm 1066 nhưng lại ‘không có gì về hai cuộc Thế chiến’.
Liên minh không vững ?
Đề cập đến diễn biến gần đây là chính quyền Tổng thống Donald Trump của Mỹ đưa ra chiến lược ‘Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do’ để thay thế cho chiến lược ‘xoay trục về Châu Á’ của cựu Tổng thống Barack Obama, ông cho rằng chiến lược mới – với trọng tâm là xây dựng tứ giác Mỹ-Nhật-Úc-Ấn – này ‘sẽ không hiệu quả’ trong việc cân bằng với ảnh hưởng của Trung Quốc (ông không dùng từ ‘kiềm chế’ hay ‘đẩy lùi’ mà chỉ là ‘cân bằng’).
"Nhân tố mới là Ấn Độ. Đây không phải là đồng minh mới mà là đối tác mới. Chúng ta đã từng thấy việc này trước đây. Nó sẽ không như là những gì mọi người nói. Một liên minh của các giá trị dân chủ chống lại các giá trị độc tài sẽ không có tác dụng", ông phân tích.
Ông đưa ra dẫn chứng là vào năm 1962 khi chiến tranh bùng nổ tại biên giới Trung-Ấn thì chính quyền của Tổng thống Kennedy đã gửi khí tài và cố vấn quân sự đến giúp Ấn Độ chống lại Trung Quốc khiến Trung Quốc cuối cùng phải lui quân sau chiến thắng quân sự do lo ngại Mỹ sẽ tham chiến với vũ khí hạt nhân. Lúc đó mọi người nghĩ rằng liên minh kề vai sát cánh giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới sẽ bền vững nhưng mọi chuyện về sau lại không phải như vậy.
"Chín năm sau, khi chiến tranh giành độc lập của Bangladesh nổ ra, Mỹ đứng về phía Pakistan còn Ấn Độ ký hiệp ước với Nga và cho đến bây giờ hiệp ước đó vẫn còn duy trì rất tốt. Nga đã trở thành nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ", ông cho biết.
Một trong những lý do mà ông Hawksley chỉ ra để giải thích cho việc liên minh không bền vững với Ấn Độ là ‘sự thiếu tin tưởng nói chung’ giữa hai nước.
"Kịch bản có thể xảy ra là mối quan hệ Mỹ-Nga xấu đi. Lúc đó Ấn Độ được yêu cầu phải đứng về một phía. Nhiều khả năng New Dehli sẽ trở lại chính sách không liên kết của họ và họ đi con đường riêng của họ. Họ xem Nga là nhà cung cấp vũ khí đáng tin cậy còn Mỹ thì không", ông giải thích.
Trả lời câu hỏi của VOA về những đòn bẩy gì mà Washington có thể sử dụng để buộc Bắc Kinh tôn trọng trật tự dựa trên luật pháp trên Biển Đông, ông Hawksley nói : "Đó là vấn đề mà Mỹ đang gặp phải. Nếu không, các đồng minh của Mỹ trong khu vực đã không chào đón Anh, Pháp để tham gia (vào việc duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông)".
Ông đưa ra dẫn chứng là Philippines mới đây đã bác bỏ việc tuần tra chung trên Biển Đông với Mỹ ‘bởi vì họ không muốn vấn đề của Mỹ với Trung Quốc nằm trong những hành động của họ’ và việc Manila giảm nhẹ một phần của hiệp định an ninh tăng cường Mỹ-Philippines.
"Mọi người trong khu vực đều cảnh giác trước việc họ có thể đi xa đến đâu (trong việc hợp tác với Mỹ). Việt Nam có lẽ là nước mạnh mẽ nhất với những chiếc cập cảng của tàu chiến Mỹ", ông giải thích. "Chúng ta sẽ không có một mặt trận thống nhất của các nước đồng minh dân chủ (để cân bằng với Trung Quốc)".
Trả lời câu hỏi của VOA về chiến lược gì giúp Trung Quốc thành công trong việc bành trướng trên Biển Đông, ông Hawksley đưa ra dẫn chứng là bãi cạn Sscarborough mà Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát từ phía Philippines hồi năm 2012.
"Bãi cạn Sscarborough là nơi diễn ra trò chơi chiến lược. Bắc Kinh đã kiểm soát được nó. Tôi đồ rằng vào lúc nào đó họ xây dựng cái gì đó ở đấy. Không phải là vào lúc này. Họ sẵn sàng giảm bớt căng thẳng. Đó là một nơi cần phải theo dõi".
Một dẫn chứng nữa mà ông đưa ra là việc Trung Quốc liên tục đưa những ‘lực lượng dân quân hải quân’ mà thực chất là những tàu cá do Giải phóng Quân PLA Trung Quốc kiểm soát ra cái mà họ gọi là Quần đảo Đông Sa (tên quốc tế là quần đảo Pratas) để diễn tập phòng vệ đảo.
Khi được hỏi về điểm mạnh và điểm yếu của chiến lược ‘Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do’ của chính quyền Mỹ, ông Hawksley nói đó thực chất là sự ‘mở rộng của chiến lược xoay trục sang Châu Á của chính quyền Obama để bao gồm luôn cả Ấn Độ Dương để vươn tới vùng bờ biển phía đông Châu Phi nơi Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti thuộc vùng sừng của Châu Phi’.
Tuy nhiên ông cho rằng chiến lược này chỉ mới tập trung vào tứ giác Mỹ-Nhật-Úc-Ấn chứ chưa ‘chính thức lôi kéo những nước nhỏ như Việt Nam và Philippines tham gia vào’.
Một hạn chế nữa ông chỉ ra là tốc độ của liên minh này đang diễn ra rất chậm chạp so với sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc. "Mỹ đã cố gắng lôi kéo Ấn Độ đã gần 20 năm kể từ vụ khủng bố 11/9 vào năm 2001. Đó là công việc mất nhiều thời gian trong khi Trung Quốc đang hành động rất nhanh chóng".
"Đó là vấn đề liệu anh có thể hình thành một liên minh kinh tế, chính trị và quân sự ở Châu Á trước khi Trung Quốc hướng về phía Châu Âu (xuyên qua Châu Á) với dự án Một Vành đai, Một Con đường hay không", ông nói.
Về vai trò của Việt Nam, ông nói Hà Nội ‘đã là nước đứng lên chống lại Trung Quốc mạnh mẽ nhất trên Biển Đông’ và đưa ra dẫn chứng là cuộc khủng hoảng giàn khoan HD-981 của Trung Quốc hồi năm 2014 mà Việt Nam đã đấu tranh mạnh mẽ với Trung Quốc và rằng ‘các ngư dân ở đảo Lý Sơn vẫn liên tục ra đánh bắt ở Hoàng Sa để thể hiện chủ quyền với vùng biển họ tuyên bố là lãnh hải của họ’.
"Vấn đề của Việt Nam là Trung Quốc là một cường quốc có đòn bẩy kinh tế đối với khu vực. Nếu Việt Nam muốn nâng cao mức sống của người dân thì họ buộc phải làm việc với Trung Quốc", ông nói.
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Hà Nội đã từng đặt nhiều hy vọng vào để giảm bớt sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc cũng như được chính quyền Obama hy vọng là tăng cường sự hiện diện kinh tế của Mỹ ở khu vực trước ảnh hưởng kinh tế lớn mạnh của Trung Quốc đã bị Tổng thống Donald Trump từ bỏ sau khi ông lên cầm quyền.
"Đồng thời, Trung Quốc cũng biết rằng Việt Nam là một đất nước rất khó chơi. Họ đã từng có chiến tranh ở biên giới (vào năm 1979) mà Trung Quốc thật ra đã thua. Bắc Kinh không muốn xung đột với Hà Nội một lần nữa".
"Nếu Trung Quốc đối xử tệ với Việt Nam hoặc được nhìn thấy là đối xử tệ với Việt Nam thì phần còn lại ở Đông Nam Á sẽ không tin vào Trung Quốc nữa vì Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ đối tác chiến lược", ông nói. "Có rất nhiều lợi ích kinh tế mà hai bên đang khai thác nhưng không có nhiều sự tin tưởng".
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 26/06/2018
Philippines chống đối Trung Quốc chiếm giữ sản lượng ngư dân tại Biển Đông (CaliToday, 10/06/2018)
Cảnh sát tuần hải của Trung Quốc đã tiếp tục chiếm giử sản lượng khai thác của ngư dân Philippines tại một bãi biển tranh chấp ở Biển Đông mặc dù có một cuộc biểu tình của Philippines sau một sự kiện như vậy xảy ra trước đó, hai quan chức cho biết hôm thứ Sáu.
Lực lượng hải quân Philippines - Ảnh minh họa : Reuters
Philippin bày tỏ quan ngại với Trung Quốc trong một cuộc họp ở Manila vào tháng Hai sau khi nhận được một báo cáo nhân viên bảo vệ bờ biển Trung Quốc lên thuyền đánh cá Philippines tại Scarborough Shoal và chiếm một số cá của ngư phủ.
Các viên chức Trung Quốc tại cuộc họp "đã lưu ý" về những lo ngại và hứa sẽ xem xét các sự kiện được báo cáo, các quan chức nói, với điều kiện giấu tên vì sự nhạy cảm của vấn đề. Trung Quốc và Philippines đã đồng ý tổ chức các cuộc họp như vậy để thảo luận về các tranh chấp của họ ở Biển Đông.
Philippines cho biết sẽ tăng cường mối quan tâm của mình trong một cuộc họp khác với Trung Quốc, có thể trong tháng 9, do báo cáo tiếp tục về những sự kiện như vậy, trong đó có một nhân viên thông tin trên tàu đánh cá tại Scarborough.
Các viên chức Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã không đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano đã nói rằng sự tham gia chặt chẽ hơn của Tổng thống Duterte với Trung Quốc đã giảm bớt căng thẳng ở vùng biển tranh chấp và tạo ra kết quả tích cực, bao gồm cả việc tiếp tục đánh cá của người ngư dân Philippines ở Scarborough, nơi trước đó họ bị chặn bởi các tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc. Ông Duterte đã lặng lẽ phản đối một số hành động của Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp và tránh các cuộc biểu tình ồn ào công khai để thúc đẩy các cuộc đàm phán ngoại giao, ông nói.
Sau khi nắm quyền cách đây gần hai năm, Tổng thống Duterte tuyên bố ông sẽ đưa ra một chính sách đối ngoại không gần gủi quá mức đối với Hoa Kỳ, đồng minh của quốc gia này. Ông đã thực hiện các bước để làm sống lại mối quan hệ băng giá với Bắc Kinh trong khi tìm cách thúc đẩy thương mại, đầu tư và các quỹ cơ sở hạ tầng với Trung Quốc
Ông Antonio Carpio, một quan chức cao cấp của Tòa án Tối cao đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng về tranh chấp lãnh thổ, cho biết Philippines có thể đệ đơn kiện Trung Quốc vì vi phạm phán quyết trọng tài năm 2016 về việc vô hiệu hóa các tuyên bố lãnh thổ rộng lớn của Bắc Kinh tại Biển Đông. Phán quyết, mà Trung Quốc đã bỏ qua, và ông Antonio cũng nói rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền của ngư dân Philippines bị ngăn cấm đánh bắt cá tại Scarborough, một khu vực đánh cá truyền thống của Châu Á.
Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết Philippines có thể soạn thảo một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc rằng sẽ yêu cầu Trung Quốc và cộng đồng quốc tế tuân thủ phán quyết trọng tài. Ông Del Rosario dẫn đầu khiếu nại trọng tài, mà phần lớn Philippines giành được.
Tổng thống Duterte đã từ chối yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết này nhưng đã nhiều lần nói rằng ông sẽ đưa ra quyết định trọng tài với Trung Quốc trong một thời gian tương lai không xác định trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Tuy nhiên, các nhà phê bình và các nhóm cánh tả đã chống đối ông Duterte vì không công khai cảnh cáo về các hành động gần đây của Trung Quốc, bao gồm việc lắp đặt hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo trên các hòn đảo nhân tạo mới được thiết lập và hạ cánh máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân tại đảo Woody trong quần đảo Hoàng Sa.
Họ cho biết cách lối ngoại gia mềm mại của ông Duterte đã tiếp tục khuyến khích Trung Quốc.
Ngọc Thạch
(theo Miami Herald)
*******************
Pháp tăng cường hiện diện quân sự tại Châu Á (RFI, 09/06/2018)
Hải quân Mỹ và Trung Quốc không còn độc quyền tuần tra trong vùng biển Thái Bình Dương. Vì lợi ích chiến lược, quân sự và kinh tế, Paris liên tục tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.
Sơ đồ chiến dịch Không Quân PEGASE- Ảnh : Twitter Không Quân Pháp. Nguồn : Armee_de_lair
Hãng tin Pháp AFP ngày 09/06/2018 nhắc lại, cuối tháng 5/2018, Paris đã điều tàu chỉ huy đổ bộ Dixmude cùng với một chiếc tàu hộ tống tuần tra Biển Đông, nơi Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên hơn 80 % diện tích.
Trong một cuộc hội đàm qua truyền hình hôm 07/06/2018, chỉ huy trưởng tàu Dixmude Jean Porcher cho biết đã tiến đến gần các đảo trong khu vực Trường Sa để "thu thập một số thông tin" và phía Pháp đã có một số trao đổi "nhã nhặn" qua radio với đội tàu của Trung Quốc hiện diện trong vùng, cho đến khi tàu của Pháp "ra khỏi khu vực" này.
Đến tháng 8/2018, Không Quân Pháp sẽ tập trận tại Đông Nam Á trong khuôn khổ chiến dịch Pegase. Ba chiến đấu cơ Rafale, máy bay tiếp liệu, máy bay vận tải của Pháp sẽ bay từ Úc đến Ấn Độ và sẽ dừng tại nhiều quốc gia là "những đối tác của Pháp trong khu vực".
Vẫn theo lời chỉ huy trưởng Porcher, chiến dịch Pegase nhằm "góp phần tăng cường sự hiện diện của Pháp trong khu vực vì lợi ích chiến lược".
Một nhà nhà quan sát khác được AFP trích dẫn nhắc lại trong chuyến công du Úc hồi tháng 4/2018, tổng thống Emmanuel Macron đã đề ra mục tiêu "xây dựng trục Ấn Độ -Thái Bình Dương để các quyền tự do giao thông trên biển và trên không phải được tôn trọng".
Tránh nêu đích danh Trung Quốc nhưng nguyên thủ Pháp nói rõ chủ đích nhằm ngăn ngừa mọi tham vọng "bá quyền".
Lời lẽ trên phản ánh mối lo ngại của Paris trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương.
Chuyên gia Mỹ, Jonas Parello Plesner, thuộc viện nghiên cứu Hudson ghi nhận : Emmanuel Macron tỏ ra thực thế trước thách thức mà Trung Quốc đang đặt ra cho khu vực này. Đây là một sự thay đổi lớn so với các đời tổng thống Pháp trước, vốn bị lá bài kinh tế của Trung Quốc làm mê hoặc.
Thực ra chính sách của Paris trên hồ sơ này đã bắt đầu thay đổi từ năm 2014. Hải Quân Pháp thường xuyên tuần tra ở Biển Đông để thể hiện quyết tâm bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Năm 2016, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, Jean-Yves Le Drian từng kêu gọi Châu Âu "hiện diện thường xuyên trong các vùng biển Châu Á".
Paris một mặt không chấp nhận kịch bản "chuyện đã rồi" trước những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc. Mặt khác, Ấn Độ -Thái Bình Dương cũng là một vùng biển mà Pháp có nhiều quyền lợi cần bảo vệ. Đây là nơi Pháp có 5 vùng lãnh thổ hải ngoại, một triệu rưỡi công dân Pháp sinh sống, và có tới 9 triệu cây số vuông thuộc về vùng đặc quyền kinh tế của Pháp.
Chẳng vậy mà phát biểu tuần qua tại diễn đàn an ninh Châu Á Shangri-La ở Singapore, bộ trưởng Quân Lực Florence Parly tuyên bố Ấn Độ-Thái Bình Dương "cũng là ngôi nhà của chúng ta".
Chuyên gia về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, bà Valérie Niquet, nhìn nhận : đành rằng trong khu vực, Mỹ đóng vai trò hàng đầu để ngăn chận tham vọng chủ quyền của Trung Quốc, nhưng việc một cường quốc như là Pháp và cũng là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc gia tăng sự hiện diện quân sự là việc làm "hữu ích". Không phải "tình cờ" mà Paris đã có những "hành động cụ thể" như vừa nêu.
Bên cạnh những tính toán về chiến lược, Pháp còn phải bảo vệ những quyền lợi kinh tế và thương mại sau khi đã thu về nhiều hợp đồng quân sự quan trọng với các đối tác Châu Á, kèm theo đó là những hoạt động hợp tác an ninh như với New Delhi và Canberra.
Pháp bán 36 chiến đấu cơ Rafale cho Ấn Độ, còn Úc thì đặt mua 12 tàu ngầm của Pháp. Chuyên gia Niquet, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược, kết luận : Những hợp đồng quân sự đó cũng là yếu tố khiến Paris tỏ lập trường cứng rắn hơn trên hồ sơ nhạy cảm này.
Thanh Hà
************************
Trung Quốc bị giục cắt giảm trợ cấp cho các đội tàu đánh cá (RFA, 08/06/2018)
Những quốc gia có kỹ nghệ đánh bắt cá hàng đầu trên thế giới như Trung Quốc cần cắt giảm trợ cấp chính phủ cho những đội tàu cá vì những khoản tiền như thế giúp duy trì hoạt động hủy hoại ngoài biển khơi.
Hoạt động đánh bắt cá tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc - Reuters
Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng vào ngày 7 tháng 6 dẫn kết luận như vừa nêu từ một phúc trình toàn cầu về tình hình đánh bắt hải sản trên thế giới được công cố trong cùng ngày trên Tạp chí Science Advances.
Phúc trình được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Địa lý Quốc gia ở Washington, Đại học California, Đại học British Columbia và Đại học Tây Úc. Theo đó có đến 54% ngành công nghiệp đánh bắt hải sản biển khơi ở qui mô hiện nay sẽ không lãi nếu không có những khoản trợ cấp lớn từ phía chính phủ.
Trung Quốc là nước đứng thứ 3 thế giới về trợ cấp cho hoạt động đánh bắt cá với 418 triệu 418 triệu USD viện trợ cho hoạt động đánh bắt xa bờ, sau Nhật Bản và Tây Ban Nha.
Bắc Kinh cho biết sẽ thực hiện những cam kết trong hoạt động bảo vệ môi trường, với mục tiêu giảm ít nhất 20% sản lượng khai thác hải sản và cắt giảm đội tàu đánh cá xuống còn 3000 tàu vào năm 2020.
Cuối năm 2017 vừa qua, Trung Quốc, cùng với tám quốc gia khác và Liên minh Châu Âu (EU), đã cam kết dừng đánh bắt cá ở vùng biển Bắc Cực trong ít nhất 16 năm để bảo vệ môi trường.
Trong những năm qua, do nguồn hải sản trong vùng biển gần bờ bị khai thác quá mức nên chính phủ Trung Quốc khuyến khích ngư dân đánh bắt ngoài khơi xa bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của quốc gia này. Trung Quốc đã sử dụng quyền đánh bắt ở các vùng biển xa bờ để phát triển kinh tế biển.
Ngư dân Trung Quốc đã nhiều lần đụng độ với các đội tàu và lực lượng cảnh sát biển của các quốc gia khác. Vào tháng 3 năm 2016, lực lượng bảo vệ bờ biển của Argentina đã đánh chìm một tàu cá Trung Quốc trong vùng lãnh hải của nước này.
Trung Quốc đã bắt được 1,52 triệu tấn hải sản tại các vùng biển xa. Trong khi khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương mang lại nguồn thu tốt thì tại khu vực Tây Nam Đại Tây Dương, dù đã được hỗ trợ từ chính phủ, mức lỗ ròng trung bình hàng năm là 98 triệu USD.
*************************
Philippines phản đối Trung Quốc tịch thu hải sản của ngư dân (RFA, 08/06/2018)
Lực lượng Tuần Duyên Trung Quốc tiếp tục tịch thu hải sản mà ngư dân Philippines đánh bắt được tại Bãi cạn Scaborough ở Biển Đông ; mặc dù Manila từng lên tiếng phản đối sau khi xảy ra tình trạng như thế trước đây.
Một ngư dân Philippines với hải sản vừa đánh bắt được. Ảnh minh họa. AFP
Hai quan chức Philippines cho AP biết như vừa nêu vào ngày 8 tháng 6 ; tuy nhiên hai vị này không muốn nêu tên vì cho rằng vấn đề mang tính nhạy cảm.
Vào tháng hai vừa qua, Philippines nêu quan ngại với Trung Quốc trong một cuộc họp ở Manila, sau khi nhận được báo cáo nói rằng Tuần Duyên Trung Quốc đã tịch thu hải sản đánh bắt được của ngư dân Philippines tại Bãi cạn Scarborough.
Cũng tại cuộc họp đó, phía Trung Quốc nói sẽ lưu tâm đến quan ngại mà Philippines nêu ra và hứa sẽ xem xét các sự việc được báo cáo. Hai phía đồng ý tổ chức những cuộc họp để thảo luận về các tranh chấp ở Biển Đông.
Tuy nhiên tiếp tục có báo cáo về những vụ việc Tuần Duyên Trung Quốc tịch thu hải sản của ngư dân đánh bắt ở Bãi Cạn Scaborough, trong đó có vụ mà một nhóm phóng viên truyền hình chứng kiên được, nên Manila đang có ý định nêu lại vấn đề trong một cuộc họp dự kiến được tổ chức vào tháng 9 tới đây.
AP trong bản tin phát đi ngày 8 tháng 6 cho biết Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về tin này.
Các báo cáo về hoạt động của Tuần Duyên Trung Quốc liên quan ngư dân Philippines đưa đến kêu gọi chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte cần có biện pháp mạnh mẽ hơn để vệ quyền lợi của Philippines trong vùng biển tranh chấp.
Sau khi lên nắm quyền cách đây gần hai năm, ông Duterte tuyên bố sẽ hoạch định một chính sách đối ngoại từ bỏ quan hệ đơn phương hướng đến Hoa Kỳ, đồng minh lâu đời của Philippines. Ông Duterte đã làm mọi cách để hâm nóng quan hệ với Bắc Kinh cũng như thúc đẩy thương mại, đầu tư và các quỹ cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.
Ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế có trụ sở tại Hà Lan đã ra một phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc chống lại những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Tổng thống Duterte không buộc Trung Quốc phải tuân thủ ngay phán quyết của Tòa mà luôn lặp đi, lặp lại sẽ đưa phán quyết PCA ra để nói chuyện với Bắc Kinh vào một thời điểm nào đó trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cũng cho rằng quan hệ nồng ấm giữa tổng thống Duterte với Trung Quốc đã giúp giảm bớt căng thẳng ở vùng biển tranh chấp và Trung Quốc đồng ý cho ngư dân Philippines được đánh bắt hải sản lại tại bãi cạn Scarborough. Đây là nơi mà Bắc Kinh chiếm của Philippines vào năm 2012.
Tin tặc Trung Quốc chiếm dữ liệu về tên lửa chống hạm của Hải Quân Mỹ (RFI, 09/06/2018)
Báo Washington Post ngày 08/06/2018 tiết lộ Hải Quân Mỹ vừa bị đánh cắp hàng loạt dữ liệu mật về tàu ngầm và cả kế hoạch phát triển hỏa tiễn chống hạm mới. Thủ phạm là các tin tặc làm việc cho bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc, có cơ sở tại tỉnh Quảng Đông.
Lầu Năm Góc, trụ sở bộ Quốc Phòng Mỹ. Ảnh minh họa. Wikimedia/CC 2.0/David B. Gleason
Nhật báo Washington Post dẫn lời các nhà điều tra Hoa Kỳ, theo đó các vụ tấn công của tin tặc Trung Quốc diễn ra trong tháng Giêng và tháng Hai 2018. Đích nhắm là một nhà thầu làm việc cho Naval Undersea Warfare Center, một trung tâm phụ trách nghiên cứu và phát triển các vũ khí trên tàu ngầm của Hải Quân Mỹ.
Tin tặc đã đánh cắp tổng cộng 614 gigabyte dữ liệu, bao gồm các hệ thống mã hóa và một dự án rất ít được biết đến mang bí số "Sea Dragon". Đây là một dự án được khởi sự từ năm 2012, có mục tiêu áp dụng các công nghệ quân sự mới.
Theo yêu cầu của Hải Quân Mỹ, báo Washington Post không đưa ra các thông tin chi tiết về loại tên lửa chống hạm mới, mà chỉ cho biết đây là một tên lửa siêu thanh, có thể bắn từ tàu ngầm.
Theo các chuyên gia, hiện tại quân đội Hoa Kỳ ở thế thượng phong do có được đội tàu ngầm, có khả năng tấn công hạt nhân, cùng nhiều chiến hạm trang bị hỏa tiễn liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân. Trung Quốc và Nga đang cố bắt kịp. Tin tặc Trung Quốc liên tục tìm cách thâm nhập vào hệ thống tin học của quân đội Mỹ để đánh cắp thông tin.
Mới đây, Lầu Năm Góc đã phải thừa nhận là Bắc Kinh đã chiếm đoạt được nhiều thông tin quan trọng về chiến đấu cơ tàng hình F-35 thế hệ mới, cũng như hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot.
Thông tin mà Washington Post vừa loan tải có nguy cơ khiến quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, vốn đã tồi tệ, càng thêm căng thẳng. Cùng với các nỗ lực quân sự hóa Biển Đông, hoạt động táo tợn của tin tặc Trung Quốc là lý do khiến bộ Quốc Phòng Mỹ hủy bỏ kế hoạch mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn thường niên RIMPAC hồi cuối tháng 5/2018
Trọng Thành
*********************
Tin tặc Trung Quốc đánh cắp dữ liệu mật về chiến tranh dưới mặt biển của Mỹ (CaliToday, 08/06/2018)
Theo các giới chức Mỹ, tin tặc của chính phủ Trung Quốc đã xâm nhập các máy điện toán của một nhà thầu Hải quân, đánh cắp một số lượng lớn dữ liệu quan trọng liên quan đến chiến tranh dưới mặt biển, bao gồm các kế hoạch bí mật để phát triển hệ thống hỏa tiễn đạn đạo chống tàu siêu âm được sử dụng trên các tàu ngầm của Mỹ vào năm 2020.
Hải quân Mỹ đang mở một cuộc điều tra về sự vi phạm với sự hỗ trợ của FBI - Ảnh minh họa Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh - Photo Credit : WP
Các vi phạm xảy ra vào tháng Giêng và tháng Hai, các viên chức cho biết, với điều kiện giấu tên tiết lộ, một cuộc thảo luận điều tra đang diễn ra. Các tin tặc nhắm vào một nhà thầu làm việc cho Trung tâm Chiến tranh Hải quân dưới mặt biển, một tổ chức quân sự có trụ sở tại Newport, R., tiến hành nghiên cứu và phát triển cho tàu ngầm và vũ khí dưới nước.
Các viên chức không tiết lộ tên nhà thầu.
Số lượng bị lấy trộm là 614 gigabyte tài liệu liên quan đến một dự án tổ chức chặt chẽ được gọi là Sea Dragon, cũng như tín hiệu và dữ liệu phản ứng, thông tin hệ thống mật mã chiến tranh điện tử của đơn vị phát triển tàu ngầm.
Washington Post đã đồng ý giữ lại một số chi tiết về dự án hỏa tiễn đạn đạo bị xâm phạm theo yêu cầu của Hải quân, cho rằng việc đưa tin của họ có thể gây hại cho nền an ninh quốc gia.
Dữ liệu bị đánh cắp là một tài liệu rất nhạy cảm mặc dù trện trang mạng không có tên của nhà thầu. Các viên chức cho biết các dữ liệu này khi tổng hợp, có thể được coi là một tài liệu quan trọng, một thực tế làm dấy lên lo ngại về khả năng của Hải quân trong việc giám sát các nhà thầu được giao nhiệm vụ phát triển vũ khí tối tân.
Việc vi phạm này là một phần trong nỗ lực lâu dài của Trung Quốc nhằm phá hại quân sự Hoa Kỳ trên lãnh vực kỷ thuật và giúp Trung Quốc trở thành cường quốc ở Châu Á. Tin tức được đưa ra khi chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách bảo đảm sự ủng hộ của Bắc Kinh trong việc thuyết phục Bắc Hàn từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, ngay cả khi có sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong các vấn đề thương mại và quốc phòng.
Hải quân đang mở một cuộc điều tra về sự vi phạm với sự hỗ trợ của FBI, các viên chức cho biết. Trong khi đó FBI từ chối bình luận.
Hôm thứ Sáu, văn phòng tổng thanh tra của Ngũ Giác Đài nói rằng Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã yêu cầu họ xem xét các vấn đề an ninh trang mạng các mật mã của nhà thầu liên quan đến vấn này.
Phát ngôn viên Hải quân Chỉ huy Trưởng Bill Speaks cho biết : "Có các biện pháp tại chỗ yêu cầu các công ty thông báo cho chính phủ khi xảy ra ‘sự kiện tin tặc trang mạng’ có tác động bất lợi hoặc tiềm ẩn trên trang mạng của họ chứa thông tin chưa được kiểm soát".
Ông Bill Speaker nói thêm "vấn đề không thích hợp để thảo luận thêm chi tiết tại thời điểm này".
Nhìn chung, các chi tiết về hàng trăm hệ thống cơ khí và nhu liệu điện toán đã bị xâm nhập – một sự xâm nhập quan trọng trong một lĩnh vực chiến tranh mà Trung Quốc đã xác định là ưu tiên, để xây dựng khả năng của riêng mình và thách thức của Hoa Kỳ.
"Sự kiện này rất đáng lo ngại", cựu Thượng nghị sĩ Jim Talent (R-Mo.), một thành viên của Ủy ban Thẩm định Kinh tế và An ninh của Hoa Kỳ, cho biết. "Nhưng đó là một phần những gì người Trung Quốc đang làm. Họ hoàn toàn tập trung vào việc nâng cao công kỷ nghệ vũ khí thông qua tất cả các loại phương tiện. Điều đó bao gồm ăn cắp bí mật từ các nhà thầu quốc phòng của chúng ta".
Ngọc Thạch
(theo Washington Post)
**************************
Trung Quốc đánh cắp dữ kiện của hải quân Mỹ (VOA, 09/06/2018)
Vụ tấn công xảy ra trong hai tháng đầu năm nay, các giới chức cho biết khi nói về cuộc điều tra của hải quân với sự hỗ trợ của FBI.
Chính phủ Trung Quốc tấn công tin tặc máy tính của một nhân viên hợp đồng của hải quân Mỹ và đánh cắp một lượng lớn dữ kiện nhạy cảm về cách thức vận hành một cuộc chiến tranh dưới lòng biển, kể cả kế hoạch dùng phi đạn siêu thanh chống tàu trên các tàu ngầm Mỹ, Reuters ngày 8/6 dẫn tin Washington Post thuật lời các giới chức ẩn danh.
Cục Điều tra Liên bang FBI không hồi đáp yêu cầu bình luận về tin này.
Các tin tặc nhắm mục tiêu một nhân viên hợp đồng làm việc cho Trung tâm của Hải quân phụ trách Chiến tranh Dưới biển có trụ sở tại Newport, Rhode Island.
Tài liệu bị xâm nhập bao gồm 614 gigabytes liên hệ tới một dự án gọi là Rồng Biển cũng như các dữ liệu về tín hiệu và cảm biến, thông tin liên quan tới các hệ thống dữ liệu mã hóa và thư viện chiến tranh điện tử thuộc đơn vị tàu ngầm Hải quân.
Washington Post/Reuters
Kể từ tháng Bảy năm 2017 khi lần đầu tiên phải cắm mặt yêu cầu hãng dầu khí Repsol của Tây Ban Nha lặng lẽ rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, cho đến gần đây chính thể độc đảng ở Việt Nam mới lần đầu tiên ‘hé răng’ một cách ẩn dụ rằng họ vẫn phải tìm cách khai thác dầu khí chứ không thể ngừng hoạt động này do sức ép của ‘đồng chí tốt’ ở phương Bắc.
Hãng dầu khí Repsol của Tây Ban Nha lặng lẽ rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ tháng Bảy, 2017.
Lần đầu tiên thừa nhận ‘tháo chạy’
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 31/5/2018, khi phóng viên đặt câu hỏi về khả năng Việt Nam cân nhắc lại các dự án dầu khí của mình hay không khi Việt Nam đã đề nghị công ty dầu Repsol của Tây Ban Nha dừng khai thác, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao là bà Lê Thị Thu Hằng đã không phủ nhận câu hỏi này và trả lời : ‘Các hoạt động dầu khí cũng như các hoạt động kinh tế biển khác của Việt Nam được tiến hành bình thường trong khu vực biển hoàn toàn thuộc vùng thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam - được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982’.
Mặc dù ‘công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982’ vẫn là cụm từ được Bộ Ngoại giao và giới chuyên gia ‘bảo vệ chủ quyền’ của Việt Nam lặp đi lặp lại không biết chán, nhưng từ sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc lao vào Biển Đông như một cái tát nổ đom đóm vào mặt những quan chức Việt vẫn còn mơ màng hay chăm bẳm về tình hữu nghị Việt - Trung, Bộ Chính trị đảng cầm quyền ở Việt Nam vẫn không có nổi một nghị quyết lên án Trung Quốc can thiệp vào Biển Đông hay đệ trình hồ sơ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Vậy dựa vào cơ sở nào mà Bộ Ngoại giao Việt Nam phát ra ẩn ý ‘khai thác dầu khí bình thường’ ở Biển Đông ?
Trong khi đó, hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam là hoàn toàn không bình thường, hoặc cực kỳ bất bình thường kể từ tháng Bảy năm 2017 đến nay.
Mất ăn ngay trong vùng chủ quyền
Tháng Bảy năm 2017 đã xảy ra một sự kiện mà xứng đáng được liệt vào loại "nhục quốc thể" : chính quyền Việt Nam phải "giương cờ trắng" khi yêu cầu Repsol ngừng hoạt động thăm dò khí đốt tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở khu vực Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam." Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại Giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ "nhục quốc thể" ấy, nhưng vụ "giương cờ trắng" này lại trùng hợp một cách kỳ lạ với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí. Sau vụ bỏ chạy không ngoái cổ ấy của liên doanh dầu khí Việt Nam - Tây Ban Nha, đã có tin quốc tế xác nhận ý đồ của hải quân Trung Quốc là có kịch bản tấn công quân sự, đặc biệt khi ‘bạn vàng’ này đã đưa cả một giàn phóng tên lửa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa vào năm 2016.
Vào tháng Tư, 2018, một lần nữa Repsol vội vàng tháo chạy khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ. Lần thứ hai phép thử lấy tiền trong túi quần của mình đã không thành công. Chính thể Việt Nam đã rơi vào cảnh nạn bĩ cực đến mức dù quá muốn khai thác dầu khí ngay trong vùng chủ quyền của mình cũng phải bó tay. Cũng vẫn do sức ép không hiểu đến mức độ nào của Trung Quốc.
Đến lúc đó, tình thế đã trở nên bi kịch hơn hẳn : không những các giàn phóng tên lửa của Việt Nam ở Trường Sa đã chẳng thể khiến Trung Quốc hoảng sợ, mà cả sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson ở Đà Nẵng vào đầu tháng Ba, 2018 - theo lời "cầu viện" chính thức của Bộ Quốc Phòng Việt Nam - cũng chẳng mấy có tác dụng răn đe Trung Quốc.
Và thay vì tiếp tục "can đảm bám biển," "bản lĩnh Việt Nam" lại thể hiện bằng cơ chế "tự xử" : nếu ở "nỗi nhục Bãi Tư Chính" lần đầu, Petro Vietnam có thể phải bồi thường cho Repsol khoảng 36 triệu USD - phần kinh phí mà Repsol đã phải bỏ ra để thăm dò dầu khí, thì đến tháng Tư năm 2018, con số bồi thường đã lên đến 200 triệu USD.
Chính trong cuộc họp báo thường kỳ cuối tháng Năm năm 2018, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gián tiếp thừa nhận rằng họ đã yêu cầu Repsol - một hãng dầu khí Tây Ban Nha liên doanh với PetroVietnam - dừng khai thác dầu khí ở khu vực Bãi Tư Chính.
Trong khi đó, Tập Cận Bình lại cử Vương Nghị - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - đến Việt Nam ngay sau vụ Bãi Tư Chính lần hai, với một "tối hậu thư" : Việt Nam phải "cùng hợp tác khai thác" mỏ Cá Rồng Đỏ với Trung Quốc. Nếu không, "bản lĩnh Việt Nam" sẽ hết cửa kiếm tiền ngay trong vùng lãnh thổ của mình.
Hy vọng gì ở Lan Đỏ ?
Sau vụ Repsol và nỗi nhục Cá Rồng Đỏ, chính thể độc đảng ở Việt có vẻ ‘khôn ra’ khi tìm cách dựa dẫm vào Công ty dầu mỏ quốc gia Nga Rosneft để khoan giếng LD-3P, thuộc mỏ khí ngoài khơi Lan Đỏ ở Lô 06.1, cách phía đông nam Việt Nam 370 km.
Nhưng ‘cái khó lại ló cái ngu’. Ngay cả Rosneft của người Nga cũng đang có thể rơi vào tình trạng cám cảnh như Repsol của Tây Ban Nha khi bắt đầu bị Trung Quốc gây sức ép buộc phải rời bỏ mỏ Lan Đỏ.
Theo Reuters, ngày 17/5/2018 Rosneft đã phải lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng hoạt động khoan dầu mới hợp tác với Việt Nam gần đây trong khu vực Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận.
Tuyên bố của Rosneft được đưa ra vào lúc tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng lên tiếng cảnh cáo là không một quốc gia, tổ chức, công ty hoặc cá nhân nào có quyền tiến hành thăm dò hoặc khai thác dầu khí trong vùng biển của Trung Quốc nếu không được phép của Bắc Kinh.
Một thực trạng trần trụi là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính và mỏ Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi, và mỏ Lan Đỏ là một số ít tiềm năng cuối cùng có thể cứu vãn ngân sách Việt Nam đang cạn kiệt.
Chính thể Việt Nam, cùng nền ngân sách đang rơi vào cảnh suy kiệt mà chỉ còn trông chờ vào thói đè đầu dân chúng để tróc thuế và khai thác nguồn tài nguyên gần như duy nhất còn lại là dầu khí, lại đang lâm vào bi kịch không những phải ‘giương cờ trắng’ tại mỏ Cá Rồng Đỏ và mỏ Cá Voi Xanh, mà còn phải ‘quy hàng thiên triều’ ở mỏ Lan Đỏ.
Cho Bộ Chính trị ra khơi để khai thác dầu khí ?
Trong khi đó, ngày càng nhiều tàu cá Việt Nam bị tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc tấn công, đâm chìm, còn ngư dân Việt bị hành hung và bị hất xuống biển.
Không chỉ đặt tên lửa, Trung Quốc còn tiến thêm một bước dài khi mang cả máy bay quân sự ra đảo Đá Subi ở quần đảo Trường Sa.
Sau bi kịch quân sự là bi kịch xã hội. Phép thử chiến thuật "áo lưỡi bò" của du khách Trung Quốc phô diễn tại sân bay Cam Ranh - mang tính thách thức của giới chuyên gia tâm lý chiến Bắc Kinh - đã khiến cho toàn bộ bộ máy đảng cầm quyền, chính quyền và chính sách "Ba không" của Việt Nam hầu như tê liệt.
Giờ đây, cái bộ máy tê liệt đó sẽ ‘quyết tâm’ ra sao và sẽ làm cách nào để ‘khai thác dầu khí bình thường’ khi còn không dám nhìn thẳng vào mặt Bắc Kinh ? Sẽ đủ can đảm để chấp nhận một cuộc xung đột quân sự khi không muốn chia bôi lợi nhuận với kẻ cướp ? Cả Bộ Chính trị và 200 ủy viên trung ương đảng có dám chường mặt ra để khai thác dầu khí ? Hay lại ‘huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc’ như cách hô hào của thủ tướng bị xem là ‘phá chưa từng có’ - Nguyễn Tấn Dũng - và được di truyền cho các đời quan chức sau này vào bất kỳ khi nào chính quyền cần tróc thuế dân, mị dân và đàn áp dân theo cách ‘hèn với giặc, ác với dân’ ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 08/06/2018
Mỹ cho B-52 bay sát đảo nhân tạo xây dựng trái phép của TQ ở biển đông (CaliToday, 06/06/2018)
Hoa Kỳ thực hiện hành động mới nhất ở biển Đông là cho hai máy bay ném bom chiến lược B-52 bay sát với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cho xây cất một cách trái phép ở Biển Đông, khiến không khí căng thẳng càng gia tăng.
Hoa kỳ không chịu ngồi yên khi thấy Trung Quốc bành trướng biển đông. Photo Credit : AP
Theo CNN thì Ngũ Giác Đài loan báo các phi cơ này đang trong một nhiệm vụ huấn luyện, đã cất cánh từ đảo Guam và bay ngay trên quần đảo Trường Sa hôm qua.
Hãng tin Reuters cho hay hai phi cơ này đã thách thức rêu rao của giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc, vốn cứ khẳng định là bất cứ tàu hay phi cơ quân sự ngoại quốc nào cũng không ngăn cản được quyết tâm bảo vệ "toàn vẹn lãnh thổ" của Trung Quốc.
Vụ bay trong bầu trời Biển Đông là hành động mới nhất của Hoa Kỳ cho thấy Washington cũng không ngần ngại quyết tâm thi hành quyền tự do hải hành trong khu vực, vốn có nhiều tiềm năng hải sản, dầu mỏ và cũng là con đường huyết mạch cho nhiều tàu bè buôn bán của thế giới qua lại hàng năm.
Trong tháng 5, Bắc Kinh cũng cho các máy bay ném bom có khả năng chở theo vũ khí nguyên tử H-6K đáp xuống lần đầu tiên ở đảo Phú Lâm của quần đảo Hoàng Sa, một hành động làm lo lắng nhiều nước trong khu vực. Theo giới chỉ huy Không Quân Trung Quốc, đây cũng là những chuyến bay ‘thực tập’
Trung Quốc còn trắng trợn nói các máy bay ném bom này nằm trong kế hoạch chuẩn bị cho "chiến cuộc Biển Đông". Quả thật, trong đợt thao diễn này, các chiến đấu cơ của Trung Quốc đã nhào lộn bắn hỏa tiễn vào các mụ ctiêu giả định trên biển.
Phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã cảnh cáo Hoa Kỳ, sau khi hai máy bay B-52 bay xong, là ‘phải tránh những hành động không kiểm soát như thế, vì như thế rất nguy hiểm’ và tố cáo Hoa Kỳ muốn ‘quân sự hóa’ Biển Đông.
Đào Nguyên (theo Newsweek)
***************************
Bắc Kinh có thể đã tháo gỡ các hỏa tiễn tại vùng Biển Đông (CaliToday, 06/06/2018)
Bắc Kinh có thể đã tháo gỡ các hệ thống hỏa tiễn đạn đạo tại một trong những hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông ngay cả khi họ cáo buộc Hoa Kỳ gửi những "vũ khí tấn công" đến khu vực.
Bắc Kinh có thể đã tháo gỡ các hệ thống hỏa tiễn đạn đạo tại một trong những hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông - Photo CNN
Việc thiết lập một số hệ thống hỏa tiễn đạn đạo trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong tháng 5 đã châm ngòi cho một cuộc nổi dậy giận dữ từ Washington về việc "quân sự hóa" của Bắc Kinh. Hầu hết trong vùng tranh chấp này Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Sau đó một pháo đài bay B-52 đã bay qua trên quần đảo Trường Sa trong tuần này, mà Hoa Kỳ cho biết là một phần của "chương trình huấn luyện thường lệ".
Phân tích mới từ cơ quan tình báo Do Thái, Israel Image Sat International (ISI) cho thấy các hệ thống hỏa tiễn đạn đạo của Trung Quốc có thể đã bị loại bỏ hoặc dời đi.
Hôm thứ Tư, Bắc Kinh cho biết Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, quân sự hóa khu vực.
"Tôi hy vọng Mỹ có thể giải thích cho tất cả mọi người : Không phải là quân sự hóa khi Mỹ gửi vũ khí tấn công như pháo đài bay B-52 tới Biển Đông ? Có phải B-52 qua đó vì "tự do hàng hải và tự do không phận ? Nếu một quốc gia nào biểu dương vũ lực và nhúng vào chuyện chung quanh gần lãnh thổ của một nước khác thì quốc gia đó có hay không nên nâng cao sự đề phòng và phát triển khả năng phòng thủ của họ ?" - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cho biết tại một cuộc họp báo thường xuyên.
"Trung Quốc sẽ không bị đe dọa bởi bất kỳ phi cơ hay chiến hạm nào. Chúng tôi sẽ cương quyết hơn trong quyết tâm thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh cũng như duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông".
Hình ảnh vệ tinh trước đây cho thấy một số dàn phóng hỏa tiễn và một hệ thống radar trên bờ đảo tranh chấp Woody trong chuỗi đảo Hoàng Sa, được bao phủ bởi lưới ngụy trang.
Những trang bị đó đã biến mất theo những gì ISI nói có thể quyết định của Bắc Kinh loại bỏ, hoặc di chuyển đến một địa điểm khác trong vùng tranh chấp Biển Đông.
"Mặt khác, sự kiện này có thể là một cuộc thao dợt thường xuyên", tình báo ISI cho biết. "Nếu vậy, trong vài ngày tới, chúng ta có thể quan sát sự thiết lập các trang bị quân sự đó trong cùng một khu vực".
Các nhà phân tích khác đồng ý có thể là do các hỏa tiễn đạn đạo không phù hợp với việc vị trí vì có thể dễ bị hư hại do nước mặn, và do đó có thể đang được thay thế hoặc sửa chữa.
Trong những tháng gần đây, các viên chức Mỹ đã nói rằng quân đội Trung Quốc đã thiết lập các hỏa tiễn chống chiến hạm, hệ thống hỏa tiễn địa đối không và các thiết bị làm nhiễu điện tử đến các đặc điểm tranh chấp trong khu vực đảo Trường Sa của Biển Đông.
Trung Quốc cũng vừa hạ cánh một chiếc máy bay ném bom H-6K có khả năng hạt nhân trên đảo Woody lần đầu tiên.
Sau khi Mỹ phản đối việc thiết lập các hỏa tiễn đạn đạo trên Quần đảo Trường Sa, Trung Quốc tuyên bố đó là "các cơ sở quốc phòng cần thiết", và nhắc lại "chủ quyền không thể tranh cãi" của Bắc Kinh trên lãnh thổ này.
Đáp lại, Hoa Kỳ đã loại Trung Quốc khỏi một cuộc tập trận hàng hải lớn vào hàng quốc tế ở Thái Bình Dương liên quan đến hơn 20 quốc gia, theo những gì một nhà phân tích nói "những ngày nhân nhượng đã chấm dứt".
"Cho dù Trung Quốc có tuyên bố gì đi nữa, việc đặt các hệ thống vũ khí này cho thấy chúng sẽ trực tiếp dùng vào mục đích sử dụng quân sự đe dọa và cưỡng chế", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết tại một hội nghị thượng đỉnh tại Singapore tuần này.
"Đừng nhầm lẫn : Hoa Kỳ đang hiện diện tại Ấn Độ-Thái Bình Dương và sẽ ở lại lâu dài. Đây là sự ưu tiên của chúng tôi", Ông Mattis nói
Các đại biểu khác đến hội họp các vấn đề quốc phòng trong khu vực cũng bày tỏ lo ngại về hoạt động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và những nỗ lực phá bỏ "trật tự theo luật lệ" của họ.
Ngọc Thạch (theo CNN)
*********************
Nhật chặn máy bay Trung Quốc do thám lúc Đài Loan tập trận (RFI, 06/06/2018)
Không quân Nhật Bản đã ngăn chặn một chiếc phi cơ do thám Trung Quốc bay sát không phận Đài Loan trong ngày khởi động cuộc tập trận thường niên Hán Quang (Han Kuang) hôm thứ Hai. Tờ Taipei Times hôm nay 06/06/2018 cho biết như trên.
Đài Loan : Một cảnh cuộc tập trận Hán Quang (Han Kuang) ngày 5/06/2018. Military News Agency /Handout via Reuters
Chiếc máy bay thuộc loại Shaanxi Y-9 đã bay từ Biển Hoa Đông đến Tây Thái Bình Dương, đi qua eo biển Miyako rồi hướng về phía nam qua kênh Ba Sĩ (Bashi) trước khi quay về Trung Quốc, theo bộ Quốc Phòng Nhật Bản. Còn bộ Quốc Phòng Đài Loan nói rằng phi cơ do thám này muốn thu thập các dữ liệu của hệ thống radar, và quân đội Đài Loan luôn theo dõi tình hình.
Trong cuộc tập trận Hán Quang, không quân và hải quân Đài Loan được triển khai hôm thứ Hai 4/6 sau khi có tin tức tình báo giả định là Trung Quốc sắp tấn công. Các chiến đấu cơ General Dynamiques F-16, Dassault Mirage 2000 và AIDC F-CK-1 (Kinh Quốc) cất cánh từ căn cứ ở Hoa Liên (Hualien). Còn hải quân tiến hành sơ tán các tàu tại nhiều quân cảng đến các vùng an toàn, chuẩn bị phản công.
Trên đất liền, hôm qua 5/6 quân đội Đài Loan tiến hành 25 phút tập trận bắn đạn thật gần sông Đạm Thủy (Tamsui), đẩy lùi cuộc đổ bộ giả định của quân Trung Quốc với các chiến xa, hỏa tiễn chống tăng, moọc-chê. Theo tướng Lại Vinh Kiệt (Lai Rong Jie), sông này là phòng tuyến cuối cùng bảo vệ thủ đô Đài Bắc cách đó 22 km. Tổng thống Thái Anh Văn đã thị sát cuộc tập trận bắn đạn thật này.
Biển Đông : B-52 bay qua Trường Sa, Trung Quốc phản đối
Liên quan đến Biển Đông, hôm nay 06/06/2018, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phản đối việc Hoa Kỳ điều hai pháo đài bay B-52 đến gần quần đảo Trường Sa, cho rằng Mỹ chỉ "thổi phồng việc quân sự hóa và gây ra những rắc rối".
Thụy My
*******************
Ấn Độ cụ thể hóa chiến lược Đông Nam Á thách thức Trung Quốc (RFI, 06/06/2018)
Báo India Today ngày 05/06/2018 tiết lộ : sau khi rời Việt Nam vào hạ tuần tháng Năm, đội chiến hạm được Ấn Độ triển khai làm nhiệm vụ trong vùng Đông Á và Đông Nam Á đã bị tàu quân sự Trung Quốc bám đuôi trên vùng biển quốc tế để dọ thám.
Ảnh minh họa : Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (G) và phó thủ tướng Malaysia Wan Azizah (P) cùng ông Anwar Ibrahim (T) tại Sepang, Malaysia, ngày 31/05/2018. Department of Information/Muhairul Azman via Reuters
Hành vi thiếu thân thiện của Trung Quốc thể hiện rõ thêm thái độ tức tối của Bắc Kinh trước việc New Delhi ngày càng tăng cường sự hiện diện tại vùng Biển Đông, với một chiến lược Đông Nam Á càng lúc càng rõ nét
Mục tiêu được tuyên bố của Ấn Độ là góp phần kiến tạo một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương "vận hành trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế", một nhóm từ đã trở thành đồng nghĩa với chống lại các hành vi bành trướng, coi thường luật lệ quốc tế mà Trung Quốc đang áp đặt, đặc biệt là tại Biển Đông.
Trong một bài phân tích ngày 03/06/2018, hãng tin Anh Reuters đã nêu bật nỗ lực mới nhất của Ấn Độ được ghi nhận nhân dịp giới lãnh đạo quốc phòng các nước quan tâm đến an ninh Châu Á tề tựu về Singapore trong ba ngày 01-03/06 để tham gia Đối Thoại Shangri La.
Theo Reuters, trong dòng thời sự đáng chú ý với thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên và tranh chấp thương mại Mỹ-Trung, Ấn Độ đã bình thản tiến thêm một bước trong việc củng cố quan hệ ngoại giao và an ninh ở Đông Nam Á trong một động thái rõ ràng là thách thức Trung Quốc.
Đối với hãng tin Anh, dĩ nhiên người ta vẫn có thể tự hỏi là Ấn Độ sẽ thúc đẩy những quan hệ đó đi xa đến đâu vì đã từng hứa hẹn từ nhiều năm qua, trong bối cảnh là nước này sẽ bầu lại Quốc Hội trong không đầy một năm, khiến thủ tướng Modi bị phân tâm. Bên cạnh đó, cho dù đã chọc giận Trung Quốc, nhưng New Delhi rõ ràng là không muốn đối đầu trực diện với Bắc Kinh.
Những đề xuất cụ thể mới của thủ tướng Modi
Thế nhưng phải công nhận rằng trong những ngày gần đây, thủ tướng Ấn Độ đã đưa ra nhiều bước cụ thể về ngoại giao và an ninh ở Đông Nam Á.
Ấn Độ đã ký với Indonesia thỏa thuận phát triển một cảng ở thành phố Sabang nhìn ra lối vào phía tây của eo biển Malacca, một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất hành tinh. New Delhi đồng thời thỏa thuận với Singapore về cung cấp hậu cần cho tàu chiến, tầu ngầm, máy bay quân sự trong các chuyến ghé cảng.
Ông Modi cũng đã bay sang Kuala Lumpur trong một chuyến thăm lên chương trình vào giờ chót để tiếp xúc với tân thủ tướng Malaysia Mahathir, và qua đó thắt chặt thêm quan hệ với ba nước có ảnh hưởng nhất ở Đông Nam Á.
Hôm 01/06 vừa qua, ở Đối Thoại Shangri La tại Singapore, hội nghị an ninh hàng đầu tại Châu Á, ông Modi tuyên bố sẽ cùng làm việc với các quốc gia ASEAN để phát huy trật tự dựa trên luật pháp ở vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương.
Trong bài dẫn đề (keynote speech) tại Đối Thoại Shangri La, thủ tướng Ấn Độ xác định : "Chúng tôi sẽ làm việc cùng với ASEAN, với riêng từng nước hay trên thể thức 3 quốc gia hay nhiều hơn, để bảo đảm ổn định và hòa bình trong vùng".
Nhiều đại biểu tại hội nghị trong đó có cả bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis đã lên tiếng ủng hộ.
Khi hội nghị an ninh kết thúc hôm Chủ Nhật 03/06, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore Ng Eng Hen đã đánh giá : "Tôi chắc chắn là nhiều quốc gia đã vui mừng khi thấy Ấn Độ chứng tỏ quyết tâm dấn thân rõ ràng vào khu vực".
Trung Quốc tỏ thái độ lạnh nhạt
Cụm từ "Ấn Độ-Thái Bình Dương" ngày càng được sử dụng trong thời gian gần đây, trong giới ngoại giao và an ninh ở Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, thay cho khái niệm "Châu Á Thái Bình Dương" mà theo một số người là quá đặt Trung Quốc vào trọng tâm.
Như một sự thừa nhận vị trí ngày càng lớn của Ấn Độ trong khu vực, Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii đã chính thức đổi tên thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương trong một buổi lễ tổ chức vào ngày thứ Tư 30/05 tuần qua.
Cho dù bề ngoài hai nước Ấn Độ và Trung Quốc đều tỏ thái độ hữu nghị, và trong diễn văn của mình, thủ tướng Modi cũng nói đến quan hệ mạnh mẽ giữa hai nước, Bắc Kinh đã lạnh lùng phản bác chiến lược của thủ tướng Ấn Độ.
Trong bài xã luận tuần qua, Hoàn Cầu Thời Báo cảnh báo : "Nếu quả thực là Ấn Độ thật sự muốn cho quân đội tiếp cận cảng chiến lược Sabang, thì họ đã tính toán sai lầm khi lao vào một cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc với khả năng tự làm phỏng tay".
Đại tá Triệu Hiểu Trác (Zhao Xiaozhuo), thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Quân Sự Trung Quốc đã nói với báo giới bên lề hội nghị Shangri La là ông Modi "đã có những đánh giá riêng về những gì ông nghĩ về khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương". Nhân vật này không nói chi tiết nhưng Hoàn Cầu Thời Báo đã trích lời ông cho rằng : "Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương và liên minh giữa Mỹ, Úc, Nhật, Ấn Độ sẽ không tồn tại lâu dài".
Mục tiêu của Ấn Độ rộng lớn hơn
Các quan chức bộ ngoại giao Ấn Độ công nhận rằng nỗ lực của New Delhi nhằm bảo đảm an toàn cho tuyến hàng hải qua eo biển Malacca xuất phát từ một động cơ tư lợi mạnh mẽ : đó là vì 60% ngoại thương Ấn Độ đi qua ngã này. Thế nhưng dấu ấn của Ấn Độ có vẻ rộng lớn hơn.
Hạ tuần tháng Năm vừa qua, 3 tàu chiến của Ấn Độ đã cùng với Hải Quân Việt Nam lần đầu tiên tập trận tại Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đòi chủ quyền hầu như toàn bộ.
Thủy thủ tàu ngầm Việt Nam cũng được huấn luyện tại Ấn Độ trong lúc hai bên gia tăng việc chia sẻ thông tin tình báo và xem xét khả năng mua bán vũ khí tối tân.
Ở phía tây, Ấn Độ ký thỏa thuận để tiếp cận cảng Duqm trên bờ biển phía nam Oman, trong chuyến viếng thăm của thủ tướng Modi vào đầu năm nay. Với thỏa thuận đó, theo nguồn tin báo chí, Hải Quân Ấn Độ có thể sử dụng cảng Duqm cho vấn đề hậu cần và tiếp liệu,cho phép Ấn Độ thực hiện những chiến dịch dài hạn ở phía tây Ấn Độ Dương.
Vào tháng Giêng, Ấn Độ cũng đã đúc kết một thỏa thuận trao đổi với Pháp theo đó Ấn Độ có thể sử dụng những cơ sở quân sự của Pháp ở Ấn Độ Dương.
Các nhà phân tích cho rằng một Ấn Độ quyết đoán hơn sẽ giúp giảm bớt các mối quan ngại ở Đông Nam Á về sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng và mối lo ngại về khả năng Mỹ lơ là khu vực.
Theo các chuyên gia này, tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như sự đảo ngược trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đang tìm kiếm hòa bình với Bắc Triều Tiên, đã làm nhiều nước trong vùng bất an.
Ông C. Raja Mohan, giám đốc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á tại Đại học Singapore nhận định : "ASEAN đã bị sức ép là phải đa dạng hóa quan hệ an ninh, tìm kiếm những đảm bảo khác", thay vì chỉ dựa vào Mỹ. "Một Ấn Độ năng động rất phù hợp với tình hình đó".
Tuy nhiên, theo chuyên gia Mohan, cho dù ông Modi đã khởi động mạnh mẽ, nhưng chưa rõ là chiến lược của ông bền vững như thế nào :
"Thực hiện các chiến lược luôn luôn là một vấn đề đối với Ấn Độ. Ông Modi đang cố sức tăng cường khả năng của New Delhi thực hiện những chủ trương bên ngoài biên giới. Đã có một số tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều thách thức mang tính chất cơ cấu".
Mai Vân
Tướng "Chó Điên" điểm mặt Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông (RFI, 06/06/2018)
Tác giả Euan Graham trên trang web của Lowy Institut, một think tank Úc nhận định, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis đã hành động rất tốt tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis tại Shangri-La, Singapore ngày 02/06/2018. Bài phát biểu của ông mang tựa đề "Sự lãnh đạo của Mỹ và thách thức an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương". Reuters/Edgar Su
Cuộc Đối thoại Shangri-La, tức Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á, được tổ chức trong bối cảnh chỉ một tuần nữa sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, cũng ngay tại Singapore.
Cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim vốn rất được chờ đợi, bị tổng thống Trump hủy bỏ, rồi lại được loan báo vẫn diễn ra như dự kiến… đã gây ra nhiều đồn đãi, bàn tán trong hành lang hội nghị. Tuy nhiên nhờ sự dẫn dắt của tướng James Mattis, mà các đại biểu không bị xao lãng qua sự kiện trên. Thay vào đó, chính thái độ hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông lại trở thành trung tâm chú ý của Đối thoại Shangri-La.
Bên cạnh bài phát biểu chỉ trích Trung Quốc rất thẳng thừng của tướng Mattis, điều đáng chú ý là nhiều bộ trưởng Quốc Phòng các nước, kể cả bộ trưởng Hoàng Vĩnh Hoành (Ng Eng Hen) của nước chủ nhà Singapore, đều cho rằng việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông là mối quan ngại hàng đầu.
Vạch trần tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông
Sau đây là nguyên văn đoạn phát biểu của tướng Mattis liên quan đến Trung Quốc tại Diễn đàn Shangri-La :
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ là dự báo cho mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Chúng tôi đã cảnh báo Bắc Kinh là sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức và cơ hội trong những năm sắp tới. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ, nếu Trung Quốc chọn lựa hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả các nước, trong khu vực năng động này.
Nhưng chính sách của Bắc Kinh tại Biển Đông lại hoàn toàn tương phản với sự cởi mở của chiến lược mà Hoa Kỳ muốn phát huy, đặt ra các câu hỏi về những mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc.
Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông, kể cả triển khai các hỏa tiễn chống hạm, hỏa tiễn địa-không, thiết bị điện tử gây nhiễu, và mới đây nhất là việc cho oanh tạc cơ hạ cánh xuống đảo Phú Lâm.
Mặc dù Bắc Kinh chối cãi, sự bố trí các hệ thống vũ khí này trực tiếp gắn với việc sử dụng trên phương diện quân sự, mà mục đích là hù dọa và bức hiếp. Việc quân sự hóa Biển Đông cũng trái ngược hẳn với những cam kết công khai của chủ tịch Tập Cận Bình, ngay tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng vào năm 2015.
Vì những lý do đó, tuần trước Hoa Kỳ đã rút lại lời mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018. Đó là câu trả lời bước đầu của chúng tôi trước tình trạng Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông, vì thái độ này đi ngược lại với các nguyên tắc và mục tiêu của cuộc tập trận RIMPAC – mà điểm nổi bật nhất trong những nguyên tắc đó là tính minh bạch và tinh thần hợp tác.
Nói rõ hơn, chúng tôi không yêu cầu bất kỳ quốc gia nào phải chọn lựa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bởi vì một người bạn không đòi hỏi bạn phải chọn lựa.
Trung Quốc cần và phải có được tiếng nói trong hệ thống quốc tế đang được định hình, và tất cả các láng giềng của Trung Quốc phải có tiếng nói về vai trò của Trung Quốc đang được xác định. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục mối quan hệ mang tính xây dựng và hướng đến kết quả với Trung Quốc ; hợp tác khi nào có thể, hay đối địch mạnh mẽ, một khi cần phải như thế.
Tất nhiên chúng tôi ghi nhận Trung Quốc có vai trò trong một trật tự Ấn Độ - Thái Bình Dương bền vững. Theo lời mời của Trung Quốc, tôi sắp đến Bắc Kinh với tinh thần cởi mở, minh bạch, để mở rộng và đào sâu đối thoại giữa hai quốc gia Thái Bình Dương chúng ta.
"Hoa Kỳ không mơ thống trị ai cả"
Tôi xin kết thúc như đã bắt đầu : với tư cách một quốc gia Thái Bình Dương, Hoa Kỳ vẫn luôn cam kết chia sẻ vận mệnh với khu vực.
Hoa Kỳ đề nghị mối quan hệ đối tác chiến lược, chứ không phải lệ thuộc về chiến lược. Bên cạnh các đồng minh và đối tác, nước Mỹ tiếp tục cam kết duy trì an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Một quan điểm sẽ được lưỡng đảng trong hệ thống chính trị ở Washington ủng hộ cả trong thời kỳ chuyển tiếp.
Như tổng thống Donald Trump đã phát biểu tại Đà Nẵng : "Chúng tôi sẽ không bao giờ đòi hỏi các đối tác phải đầu hàng về mặt chủ quyền, hay về sở hữu trí tuệ…Hoa Kỳ không mơ thống trị nước nào cả".
Làm việc cùng nhau trên cơ sở những nguyên tắc được chia sẻ, chúng ta sẽ tạo ra một tương lai hòa bình, thịnh vượng và an ninh cho tất cả mọi người. "Một chùm sao gồm những quốc gia, mà mỗi nước là một ngôi sao lấp lánh ánh sáng riêng của mình, không là vệ tinh của ai cả".
Đây là lần đầu tiên một quan chức cao cấp Mỹ chỉ đích danh Trung Quốc âm mưu độc chiếm Biển Đông, tại một hội nghị quan trọng như Đối thoại Shangri-La. Ông còn nhấn mạnh, việc không cho Trung Quốc tham dự cuộc tập trận RIMPAC năm nay ở ngoài khơi Hawai chỉ mới là một lời cảnh báo nhẹ nhàng sơ khởi. Trong tương lai, sẽ là "những hậu quả lớn hơn" nếu Trung Quốc tiếp tục hù dọa các láng giềng.
Trước đó, tướng James Mattis trong đoạn đầu của bài diễn văn đã nhắc nhở, từ đầu những năm 1800, tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson đã quan tâm đến sự hiện diện của Mỹ tại Thái Bình Dương, và nước Mỹ đã gia tăng những cam kết trong khu vực ngay từ thời đó.
Bên cạnh đó, ông cũng không ngần ngại khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cung cấp các thiết bị quốc phòng và dịch vụ cho Đài Bắc, phản đối mọi hành động nhằm thay đổi nguyên trạng hai bên bờ eo biển Đài Loan.
Trung Quốc thất thế tại Shangri-La
Bị "chạm nọc", đoàn đại biểu Trung Quốc phản ứng ra sao ?
Hãng tin AP cho biết trong phần chất vấn, đại tá Trung Quốc Triệu Tiểu Trác (Zhao Xiaozhuo) nói rằng việc Washington gởi hai chiến hạm đi vào "vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc" mới đây là "vi phạm luật pháp", một sự "khiêu khích trắng trợn về an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ". Nhưng tướng Mattis đáp trả rằng câu hỏi này hoàn toàn tách rời khỏi thực tế, với phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye. Hai chiến hạm Mỹ đi gần quần đảo Hoàng Sa hôm 27/5, là việc tái khẳng định trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.
South China Morning Post ghi nhận một cảm giác hoang mang, thất bại của cả đoàn. Trung tướng Hà Lôi (He Lei), phó viện trưởng Viện hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc tuy mạnh miệng nói rằng "Hoa Kỳ là nguồn gốc gây xung đột trong khu vực", nhưng phía sau hậu trường, đoàn đại biểu Trung Quốc cảm thấy hoàn toàn ở thế bất lợi tại Đối thoại Shangri-La năm nay.
Tướng về hưu Diêu Vân Trúc (Yao Yunzhu) phàn nàn : "Mỹ đã tạo ra một loạt từ khóa như ‘trật tự dựa trên cơ sở luật pháp’, ‘tự do hàng hải và hàng không’, ‘quân sự hóa’…Mỗi lần nghe những cụm từ đó trên diễn đàn, chúng ta biết rằng những chỉ trích này nhắm vào Trung Quốc".
Nhiều nhà quan sát cho rằng, với việc gởi một đoàn đại biểu cấp thấp đến Shangri-La, Bắc Kinh muốn tránh né đồng thời làm giảm tầm quan trọng của hồ sơ Biển Đông. Một nguồn tin thông thạo cho South China Morning Post biết, ban tổ chức đã chuẩn bị phương tiện cho bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc phát biểu, nhưng vào giờ chót Bắc Kinh đã hủy.
William Choong, chuyên gia của IISS nói rằng các nhà tổ chức năm nay đã hai lần đến Bắc Kinh để cố thuyết phục Trung Quốc gởi đoàn đại biểu cấp cao đến, nhưng không thành công. Một chuyên gia khác nhận xét có lẽ "Bắc Kinh muốn giảm thiểu tầm vóc của Đối thoại Shangri-La vì muốn tạo ra một sự kiện song song", chẳng hạn như Diễn đàn Hương Sơn (Xiangshan Forum). Tuy nhiên "chẳng có gì hay nếu chỉ đối thoại với những người luôn đồng ý với mình".
Quay lại với bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis, tướng Mỹ được báo Pháp Le Monde gọi là "vị tướng thầy tu". Vị tướng trí tuệ có tủ sách hàng ngàn cuốn, độc thân, là nhân vật duy nhất đã khiến Quốc Hội Mỹ an tâm trong cuộc điều trần trước khi được chính thức bổ nhiệm, nhận được những tràng pháo tay vang dội. Tuy mang biệt danh "Chó Điên" (Mad Dog),nhưng ông được coi là nhân vật "người lớn", có cách ứng xử mẫu mực trong chính quyền Trump.
Hôm nay CNN đưa tin hai oanh tạc cơ B-52 của Mỹ đã bay ngang quần đảo Trường Sa, theo nguồn tin quốc phòng Mỹ, chỉ hai ngày sau khi tướng Mattis tố cáo Trung Quốc "hù dọa và bức hiếp" láng giềng tại Biển Đông. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ khẳng định Hoa Kỳ không hề có ý định rút khỏi khu vực này, bất chấp phản ứng tức tối của Bắc Kinh.
Tác giả Euan Graham nhận định, gánh nặng đang đặt trên vai ông Mattis, trong hồ sơ Ấn Độ - Thái Bình Dương, trước bối cảnh Trung Quốc đã và đang làm mưa làm gió tại khu vực.
Thụy My
*********************
Tàu chiến Ấn Độ bị Trung Quốc ‘theo đuôi’ khi vừa rời Việt Nam (RFA, 05/06/2018)
Tàu chiến Trung Quốc đã "theo đuôi" ở khoảng cách an toàn đối một biên đội tàu của Hải quân Ấn Độ khi các tàu này rời Việt Nam cuối tháng 5 vừa rồi.
Tàu khu trục D55 Ranvijay của Hải quân Ấn Độ neo tại cảng Tiên Sa ở thành phố biển miền Trung Đà Nẵng năm 2013 Photo : RFA
India Today TV trích những nguồn tin tin cẩn cho biết như vậy hôm thứ Ba, ngày 5-6-2018.
Theo Indian Today, biên đội tàu chiến Ấn Độ bao gồm tàu vũ trang chống tàu ngầm tàng hình INS Kamorta, một tàu chở dầu, đã rời Việt Nam trong tuần cuối cùng của tháng 5 sau buổi diễn tập với hải quân Việt Nam, đã phát hiện ra một tàu chiến Trung Quốc "theo đuôi họ ở một khoảng cách an toàn".
Indian Today dẫn lời các nguồn tin từ quan chức hàng đầu Ấn Độ cho biết "Chúng tôi biết mình đang bị theo dõi, nhưng chúng tôi đang di chuyển trên vùng biển quốc tế, do đó chúng tôi đã triển khai các biện pháp tránh va chạm".
Phía giới chức Ấn Độ cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực theo dõi để thu thập những dữ liệu và thông số điện tử nhằm xác định các mã bảo mật của những chiến hạm Ấn.
Biên đội tàu chiến Ấn Độ bao gồm tàu hộ vệ săn ngầm INS Kamorta, khu trục hạm INS Sahyadri và tàu chở dầu INS Shakti cùng 913 sĩ quan, thủy thủ ngày 21/5 cập cảng Tiên Sa, thực hiện chuyến thăm hữu nghị 5 ngày tới thành phố Đà Nẵng của Việt Nam.
***********************
Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng với Canada (RFA, 05/06/2018)
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Singh Sajjan thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 6 năm 2018.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc Việt Nam tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Singh Sajjan tại Trụ sở Bộ Quốc phòng Việt Nam ở Hà Nội vào chiều ngày 5 tháng 6. Courtesy mod.gov.vn
Tin cho biết chuyến thăm Việt Nam lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Canada theo lời mời của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc Việt Nam.
Hai vị Bộ trưởng quốc phòng Canada và Việt Nam đã có buổi gặp gỡ tại Trụ sở Bộ Quốc phòng Việt Nam ở Hà Nội vào chiều ngày 5 tháng 6.
Theo báo chí trong nước, chuyến thăm Việt Nam của ông Harjit Singh Sajjan có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường quan hệ giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ quốc phòng, phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện vừa được thiết lập giữa hai quốc gia.
Việt Nam và Canada sẽ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao : 21/8/1973-21/8/2018.
Trước đó, vào ngày 4 tháng 6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Singh Sahan tại Trụ sở Bộ Ngoại giao.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với Canada.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Singh Sahan cũng bày tỏ ấn tượng về sự phát triển của Việt Nami, đánh giá cao chính sách đối ngoại và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Harjit Singh Sahan khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Canada.
Cũng tin liên quan, thủ tướng chính phủ Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 6 này sẽ có chuyến công du đến Canada để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm nước này.
Vào ngày 4 tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cũng hội đàm cùng gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo đến thăm Việt Nam.
Trong buổi hội đàm với Bộ trưởng Song, ông Ngô Xuân Lịch cho biết chuyến thăm sẽ tạo thuận lợi cho việc thực hiện có hiệu quả Tuyên bố Tầm nhìn chung về Hợp tác Quốc phòng đến năm 2030 đã ký kết vào tháng 4 năm 2018 giữa hai Bộ Quốc phòng Việt Nam và Hàn Quốc.
Ông Lịch cũng bày tỏ sự ủng hộ cho sự phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam gắn liền với mối quan hệ ổn định và lâu dài với Hàn Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho biết, Hàn Quốc đánh giá cao vị trí và vai trò trung tâm của Việt Nam trong ASEAN cũng như khu vực Đông Nam Á.
Kết thúc buổi hội đàm, hai vị bộ trưởng quốc phòng đã cùng chứng kiến việc ký biên bản ghi nhớ về hỗ trợ hậu cần trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, các hoạt động chống thiên tai, nhân đạo và hỗ trợ giữa hai bộ quốc phòng.
*********************
Tàu chiến hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ tập trận với Hải quân Việt Nam (RFA, 04/06/2018)
Các tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ tham gia tập trận cùng Hải quân Việt Nam. Hãng tin TASS của Nga dẫn lời Chỉ huy nhóm tàu Hải quân Nga đến cảng Cam Ranh của Việt nam, Thuyền trưởng Oleg Korolyov cho biết như vậy.
Hình minh họa. Các thủy thủ Nga trên tàu tuần dương hạm có tên lửa dẫn đường Varyag thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga ở Manila hôm 20/4/2017- AP
Ông Korolyov nói trong chuyến thăm tại cảng Cam Ranh, các tàu Nga sẽ tham gia diễn tập theo Bộ Quy tắc về đối tác Tây Thái Bình Dương. Thỏa thuận này cung cấp cho các thủy thủ các nước cơ hội để hiểu nhau tốt hơn khi ở ngoài biển, tạo ra cách thức ứng xử khi ở trong các tình huống tranh chấp hoặc những đối đầu không báo trước ngoài biển. Diễn tập sẽ được diễn ra vào ngày 6 tháng 6 tới với sự tham gia của một tàu thuộc vùng 4 Hải quân Việt nam.
Nhóm tàu của Hải quân Nga đến cảng Cam Ranh, miền Trung Việt nam vào ngày 3/6 bao gồm hai tàu chiến chống tàu ngầm có tên Đô đốc Tributs và Đô đốc Vinogradov, cùng một tàu dầu cỡ trung Pechenga.
Từ năm 1979 đến năm 2002, Nga mà trước kia là Liên Xô cũ đã thuê cảng Cam Ranh của Việt nam và đặt trung tâm hậu cần của Hạm đội Thái Bình Dương của mình tại đây.
Sau khi Nga rời Cam Ranh, Việt Nam đã phát triển cảng này thành cảng quốc tế và khánh thành vào tháng 3 năm 2016 tiếp nhận tàu từ nhiều nước.
Thuyền trưởng Korolyov được TASS trích lời nói rằng trong suốt gần 4 thập kỷ qua, Cam Ranh đã là nơi hải quân Nga và Việt Nam gắn bó. Vịnh Cam Ranh có vị trí chiến lược trên toàn cầu tại khu vực Đông Nam Á và là nơi cung cấp sự trợ giúp cho các tàu của Hạm đội Thái Bình Dương cũng như những hạm đội tàu khác của Nga.
************************
Tàu chiến Pháp và Anh sẽ đi vào Biển Đông thách thức Trung Quốc (RFA, 03/06/2018)
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và Anh hôm 3/6 cho biết tàu chiến của những nước này sẽ đi vào Biển Đông thách thức sự hiện diện về quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực này. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng loan tin vào cùng ngày.
Máy bay quân sự Shaanxi - Y 8 của Trung Quốc ở đá Subi, Trường Sa hôm 28/4/2018 Courtesy AMTI (CSIS)
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, bà Florence Parly phát biểu tại hội nghị Shangri-la ở Singapore rằng một nhóm tàu của Pháp đi cùng với trực thăng vào tàu của Anh sẽ đến thăm Singapore vào tuần tới trước khi đi vào vùng Biển Đông. Bà Parly cho biết dù Pháp không là nước đòi chủ quyền ở Biển Đông nhưng bằng việc thực thi quyền tự do hàng hải, Pháp cũng đặt mình vào một vị trí thường xuyên phản đối bất cứ những đòi hỏi chủ quyền không được công nhận ở các đảo, ý muốn nói đến những đòi hỏi về chủ quyền quá đáng của Trung Quốc với các đảo và bãi đá tại Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson có mặt tại hội nghị Shangri-la được tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời cho biết 3 tàu chiến của Anh sẽ đến khu vực Biển Đông trong năm nay để đối phó với ảnh hưởng xấu và duy trì trật tự theo luật về lâu dài. Bộ trưởng Quốc phòng Anh nói Anh cần phải làm rõ là các quốc gia cần chơi theo luật. và những nước không theo luật sẽ chịu hậu quả.
Hôm 2/6 Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lên tiếng cáo buộc việc Trung Quốc triển khai vũ khí ra Biển Đông là có ý đe doạ và xâm lấn các nước khác.
Đáp lại những cáo buộc từ phía Mỹ, trung tướng Hà Lôi, đại diện đoàn Trung Quốc có mặt tại hội nghị nói rằng việc triển khai quân đội và vũ khí tới các đảo đá ở Biển Đông là nằm trong chủ quyền của Trung Quốc và được cho phép theo luật quốc tế. Ông này còn nói rằng những nhận xét vô trách nhiệm của bất cứ nước nào về vấn đề này là không thể chấp nhận.
Các hình ảnh vệ tinh hôm 12/5 của Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) cho thấy Trung Quốc đã triển khai tên lửa chống tàu và đất đối không đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hôm 18/5, Trung Quốc cũng thừa nhận đã triển khai máy bay ném bom đến Biển Đông.
Trước đó thông tin tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc cũng đã triển khai tên lửa đất đối không và chống hạm tới 3 tiền đồn thuộc quần đảo Trường Sa.
Tờ Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng hôm 3/6 trích nguồn tin giấu tên từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết để đối phó với hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, sắp tới Hoa Kỳ sẽ tăng cường hoạt động tuần tra trong chương trình tự do hàng hải ở Biển Đông như các chuyến tuần tra dài hơn, sử dụng nhiều tàu chiến hơn và giám sát gần hơn các thiết bị của Trung Quốc bao gồm hệ thống nhiễu sóng và hệ thống radar.
Hoa Kỳ cũng kêu gọi các đồng minh tăng cường sự hiện diện hải quân ở khu vực Biển Đông.
Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi cứng rắn với Trung Quốc trên Biển Đông (VOA, 31/05/2018)
Một nhóm ba thượng nghị sĩ thuộc cả hai Đảng thúc giục chính quyền của Tổng thống Donald Trump có hành động cứng rắn hơn để đối phó với việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, đồng thời bày tỏ ‘quan ngại nghiêm trọng’ trước các hành động gần đây của Bắc Kinh.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc triển khai một số hệ thống võ khí mới lên căn cứ ở Đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, ngày 12/5/2018.
Các Thượng nghị sĩ Marco Rubio, Cory Gardner của Đảng Cộng hòa và Ed Markey của Đảng Dân chủ hồi tuần trước gửi một lá thư đến các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng để than phiền rằng phản ứng của chính quyền Tổng thống Trump trước các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là ‘không đủ’ và ‘gia tăng nguy cơ xung đột’.
"Chúng tôi tin rằng có sự ủng hộ phi đảng phái trong Quốc hội đối với việc có hành động mạnh mẽ đáp lại việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông", các thượng nghị sĩ viết trong lá thư đề ngày 24/5.
Lá thư được gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo ba ngày trước khi Hải quân triển khai hai tàu chiến đến phạm vi 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa hôm 27/5 để phô diễn sức mạnh quân sự.
Ba vị thượng nghị sĩ nói trong thư rằng Trung Quốc đã quân sự hóa Biển Đông với việc triển khai vũ khí trên các hòn đảo và bãi san hô được bồi đắp của quần đảo Trường Sa bao gồm bãi đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn. Việc triển khai vũ khí này đã tăng cường khả năng Trung Quốc thực thi sức mạnh ở Thái Bình Dương, lá thư viết.
Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm lời hứa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Barack Obama hồi tháng Chín năm 2015 rằng Trung Quốc sẽ không ‘theo đuổi việc quân sự hóa Biển Đông’, các thượng nghị sĩ lưu ý.
Các thượng nghị sĩ cũng nhắc lại lời phát biểu hồi tháng Tư của người sắp nhậm chức Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương là Đô đốc Philip Davidson rằng ‘Trung Quốc đang tiến gần đến việc kiểm soát tuyến đường biển chiến lược’.
"Điều duy nhất Trung Quốc còn thiếu là triển khai lực lượng", ông Davidson từng nói. "Một khi Trung Quốc đưa quân ra đảo, họ sẽ có thể mở rộng ảnh hưởng ra cả ngàn dặm xuống phía nam và thể hiện sức mạnh sâu vào vùng biển Châu Đại Dương".
Các thượng nghị sĩ nói rằng các loại tên lửa mà Trung Quốc triển khai trên đảo không nhằm mục đích phòng vệ mà sẽ tăng cường hỏa lực tấn công của Trung Quốc. Các tên lửa này sẽ giúp cho Trung Quốc sức mạnh cưỡng ép đối với các nước khác có tranh chấp trên Biển Đông.
"Những hành động hung hăng mới nhất của Trung Quốc chứng tỏ rõ rằng việc tiếp tục lên án mạnh mẽ thông qua con đường ngoại giao là chưa đủ", lá thư viết và yêu cầu chính quyền của ông Trump cần hành động nhiều hơn để buộc Trung Quốc chấp nhập phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague vào năm 2016.
Ngoài ra, ba vị thượng nghị sĩ cũng muốn chính quyền làm việc nhiều hơn với Quốc hội để cung cấp sự hỗ trợ quân sự mạnh mẽ cho các nước trong khu vực quan ngại về hành động hung hăng của Trung Quốc.
**********************
Trung Quốc sẽ cử đoàn tham dự diễn đàn Shangri-La (RFA, 31/05/2018)
Trung Quốc sẽ cử các học giả quân sự dẫn đầu phái đoàn tới dự Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore từ ngày 31 tháng 5 đến ngày 3 tháng 6 này. Mục tiêu được cho biết nhằm giảm thiểu căng thẳng về vấn đề Biển Đông với Hoa Kỳ.
Bộ trưởng quốc phòng các nước chụp hình cùng nhau tại Diễn đàn Shangri-La năm 2017. AFP
Mạng báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng dẫn một số nguồn tin ẩn danh cho biết như vậy vào ngày 31 tháng 5.
Theo đó, dự báo trước khả năng Mỹ sẽ đề cập vấn đề quân sự hóa mạnh mẽ các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông ở Diễn đàn Shangri-La, Bắc Kinh đã tuyển chọn cẩn thận một phái đoàn tham dự nhằm giảm thiểu căng thẳng.
Các nguồn tin cho hay thay vì một quan chức quốc phòng cao cấp, đoàn Trung Quốc sẽ do trung tướng Hà Lôi, phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học quân sự, dẫn đầu.
Ngoài ra, đại tá Chu Ba, giám đốc Trung tâm Hợp tác an ninh quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, sẽ có bài phát biểu tại phiên thảo luận đặc biệt về hợp tác và cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ, ngay trước bài phát biểu chính của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về nguy cơ xung đột khu vực.
Theo một nhà phân tích quân sự Trung Quốc đã nghỉ hưu, diễn đàn luôn bị phía Mỹ và đồng minh tận dụng như một cơ hội để chỉ trích Hoa Lục. Như vậy, bằng cách cử đoàn đại diện tới tham dự, Trung Quốc muốn phản bác quan điểm mà Bắc Kinh cho là sai trái như thế, đồng thời tái khẳng định hội nghị Shangri- La là dịp chia sẻ các lý thuyết về mặt quân sự.
Phía Việt Nam có ông Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại diện tham dự.
Trước thềm diễn ra hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các chiến dịch tuần tra hàng hải trên Biển Đông và nói bóng gió rằng dường như chỉ có một quốc gia khó chịu với điều này.
Hội nghị thượng đỉnh An ninh Châu Á hay còn được biết đến với tên gọi Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn an ninh liên chính phủ tổ chức hàng năm bởi Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS).
Năm nay hội nghị diễn ra từ ngày 1 đến 3 tháng 6, với sự có mặt của bộ trưởng quốc phòng và quan chức từ hơn 50 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Việt Nam, Philippines...
Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra trong bối cảnh Mỹ chỉ trích mạnh mẽ hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là việc triển khai vũ khí hiện đại và máy bay tác chiến, trong đó có máy bay ném bom H-6K đến các vùng biển đang tranh chấp.
******************
Trung Quốc : Mỹ ‘vừa ăn cướp vừa la làng’ ở Biển Đông (VOA, 31/05/2018)
Hôm 31/5, Trung Quốc nói việc Hoa Kỳ cho rằng Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông là điều "nực cười" và cho rằng việc Mỹ can thiệp vào vấn đề Biển Đông là "vừa ăn cướp vừa la làng", theo hãng tin Reuters.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh.
Trung Quốc lên tiếng như vậy sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm 29/5 nói rằng Washington sẽ đối đầu với các hành động của Trung Quốc trên các tuyến hàng hải trong vùng biển đang có tranh chấp.
Ông Mattis nói rằng Hoa Kỳ sẽ phản đối điều Washington xem là hành động quân sự hóa các hòn đảo ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis.
Tại một cuộc họp báo hôm 31/5, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói : "Sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Biển Đông lớn hơn cả sự hiện diện quân sự của Trung Quốc và các nước khác trong vùng gộp chung lại".
Bà Hoa Xuân Oánh cũng đặt nghi vấn rằng liệu các hoạt động "tự do hàng hải" của Hải quân Hoa Kỳ có thực sự là đảm bảo quyền lưu thông cho tàu thuyền đi qua lại trong khu vực này hay cố tình duy trì quyền bá chủ.
Bà nói thêm : "Điều này nghe có vẻ giống như một trường hợp "vừa ăn cắp vừa la làng" để che giấu những hành vi sai lầm của họ.
Phát biểu tại một cuộc họp báo khác hôm 31/5, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhậm Quốc Cường cho biết Bắc Kinh thấy rằng Washington gần đây đã "làm ngơ các sự thật và thổi phồng" vấn đề quân sự hóa trên Biển Đông.
Ông Nhậm nói thêm rằng không nước nào có quyền "đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm" về việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở quốc phòng cần thiết trên lãnh thổ của mình.
Quân đội Trung Quốc tuần tra trên một hòn đảo ở Biển Đông.
Tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc hôm 31/5 cho biết rằng Bắc Kinh phải chuẩn bị phản ứng mạnh đối với bất kỳ sự can thiệp "cực đoan" nào của Hoa Kỳ tại Biển Đông.
Tờ báo của Trung Quốc nói : "Ngoài việc triển khai vũ khí phòng thủ trên quần đảo Trường Sa, Trung Quốc nên xây dựng một hệ thống đánh chặn hùng mạnh, bao gồm việc xây dựng một căn cứ không quân và một lực lượng hải quân chuyên tuần tra trên biển".
Bộ trưởng Mattis dự kiến sẽ lên tiếng mạnh mẽ đối với phía Trung Quốc khi ông tham dự đối thoại quốc phòng Shangri-la ở Singapore bắt đầu ngày 1/6 này.
****************
Trung Quốc nói nhóm tàu sân bay đã đạt mức sẵn sàng chiến đấu (RFA, 31/05/2018)
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 31/5 cho biết nhóm tàu hàng không mẫu hạm của nước này dẫn đầu là tàu Liêu Ninh đã bước đầu đạt mức sẵn sàng tham chiến, một bước tiến được coi là quan trọng trong chương trình hiện đại hóa quân đội của nước này.
Hình chụp hôm 18/5/2018 : tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc được biết dưới tên 'loại 001A' về cảng Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh miền đông bắc Trung Quốc. AFP
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhiệm Quốc Cường phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ rằng các cuộc tập trận của nhóm tàu sân bay hiện đã được tăng cường thêm để bao gồm cả hoạt động tham chiến ở vùng biển mở.
Trung Quốc mua hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, đã qua sử dụng do Liên Xô chế tạo, từ Ukraine hồi năm 1998, và sửa chữa tàu này để dùng cho mục đích chính là đào tạo. Tuy nhiên tàu Liêu Ninh thời gian qua đã tham gia các hoạt động gây chú ý khác như đi qua Đài Loan và vào vùng Biển Đông.
Chiếc tàu sân bay thứ hai do Trung Quốc tự đóng đã bắt đầu chạy thử vào hồi đầu tháng 5. Hiện Trung Quốc vẫn chưa đặt tên cho tàu này. Các chuyên gia quốc phòng của Trung Quốc được báo chí trích lời cho biết tàu sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020 sau khi đã được trang bị vũ khí đầy đủ.
Thế giới vào lúc này vẫn chưa biết được chi tiết cụ thể về chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc vì đây được coi là bí mật quốc gia.
Tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình là gia tăng trang bị lực lượng vũ trang với nhiều loại vũ khí được nói là tối tân từ máy bay tàng hình đến tên lửa chống vệ tinh. Nỗ lực này được thực hiện vào khi Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực Đài Loan cũng như vùng Biển Đông đang tranh chấp với một số nước Đông Nam Á.
**********************
Mỹ sẽ giữ nhịp độ điều đặn về tự do hàng hải tại Biển Đông (CaliToday, 30/05/2018)
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis cho biết hôm thứ Ba rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục "giữ nhịp điệu không giảm" các cuộc thao dợt hải quân để thách thức những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và quân sự hóa của Trung Quốc ở vùng tranh chấp Biển Đông.
Oanh tạc cơ hạng năng của Trung Quốc bay trên bầu trời Trường Sa - Photo Credit : CNN
Phát biểu của ông Mattis đưa ra sau khi Bắc Kinh bày tỏ "sự phản đối mãnh liệt" vào hôm Chủ nhật khi hai chiến hạm Mỹ hải hành trong vòng 12 hải lý của bốn hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong chuỗi đảo tranh chấp Hoàng Sa, phía đông Việt Nam.
Nói chuyện với các phóng viên trong một chuyến bay đến Hawaii, Bộ trưởng Mattis nói Biển Đông là vùng biển quốc tế và "rất nhiều quốc gia" muốn có sự tự do hàng hải được duy trì trong khu vực này.
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố phần lớn Biển Đông là lãnh thổ chủ quyền của họ, đã thiết lập những căn cứ quân sự quan trọng trong khu vực, thiết lập các hệ thống radar và phi đạo trên các đảo và rạn san hô.
Ông Mattis cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không giữ lời hứa ông đã tuyên bố tại Tòa Bạch Ốc năm 2015 liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông.
"Ông Tập nói rằng họ sẽ không quân sự hóa các đảo, tuy nhiên chúng ta đã thấy rõ ràng họ đã làm chính xác các điều đó, kể cả di chuyển vũ khí với mật độ chưa từng có trước đây", ông Mattis nói.
Vào tháng Năm, quân đội Trung Quốc đã cho hạ cánh những chiếc máy bay ném bom có khả năng hạt nhân trên những hòn đảo nhân tạo của họ lần đầu tiên. Tuần trước đó, tình báo Mỹ thông báo có khả năng Bắc Kinh đã thiết lập các dàn phóng hỏa tiễn đạn đạo chống chiến hạm và máy bay phản lực như là một phần của các tập trận quân sự.
Mặc dù sự hoạt động tự do hàng hải mới nhất của Hoa Kỳ có thể được chuẩn bị vài tháng trước, các chuyên gia cho rằng điều này nói lên nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc theo đuổi một đường lối khó khăn hơn chống lại Trung Quốc ở vùng Biển Đông.
Hôm Chủ nhật, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Wu Qian đã cho rằng sự trở lại của các chiến hạm Mỹ là "sự khiêu khích" vi phạm luật pháp Trung Quốc và quốc tế, cáo buộc các cuộc tập trận quân sự của Hoa Kỳ ngày càng tăng trong khu vực.
Ông Mattis đã đi dự hội nghị thượng đỉnh quốc phòng Shangri-La hàng năm tại Singapore vào ngày 1 tháng Sáu, cho biết Hoa Kỳ cố gắng giữ các hoạt động quân sự của họ ở Thái Bình Dương "rất rõ ràng" và mong muốn các quốc gia và đồng minh cũng là như vậy.
"Do đó, khi (Bắc Kinh) làm những điều mờ ám đối với chúng ta, thì chúng ta không thể hợp tác với họ các lĩnh vực mà chúng tôi có thể hợp tác", ông nói.
Nhận xét của ông Mattis có vẻ đề cập đến quyết định của Hoa Kỳ hủy bỏ lời mời quân đội Trung Quốc tham gia vào các hoạt động hàng hải ở Thái Bình Dương do các hành động của Bắc Kinh ở vùng Biển Đông, mà Washington mô tả là "mâu thuẫn với các nguyên tắc và mục đích" của các cuộc thao dợt.
Cuộc tập trận quốc tế, được gọi là RIMPAC, điều động bởi Hải quân Hoa Kỳ là cuộc tập trận chiến tranh hàng hải quốc tế lớn nhất thế giới và liên quan đến hơn 20 quốc gia từ khắp nơi trên thế giới.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi cho biết vào thời điểm quyết định của Hoa Kỳ "rất không có xây dựng".
"Không có sự thông hiểu hổ tương thật sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ thay đổi nếp suy nghĩ tiêu cực như vậy", ông Wang nói với các phóng viên ở Washington.
Ngọc Thạch (Theo CNN)
Mỹ : Sẽ tiếp tục chống Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông (RFI, 30/05/2018)
Sau các cử chỉ cụ thể để cảnh cáo Trung Quốc về việc đưa vũ khí hạng nặng xuống Biển Đông và quân sự hóa các đảo họ bồi đắp trong vùng đang có tranh chấp với các láng giềng, Mỹ tiếp tục cứng giọng với Bắc Kinh : Trên đường bay đến Hawaii để tham dự lễ bàn giao quyền chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis ngày 29/05/2018 tuyên bố: Washington sẽ tiếp tục đối đầu với các hành vi quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis phát biểu với báo giới trên máy bay đến Hawaii ngày 29/05/2018.Thomas WATKINS / AFP
Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu với các nhà báo tháp tùng theo ông đến Hawaii, rồi sau đó qua Singapore tham gia Đối Thoại An Ninh Shangri La vào đầu tháng Sáu, ông Mattis ghi nhận thực tế là cho đến nay "dường như chỉ có một nước duy nhất (là Mỹ) là đã có những biện pháp cụ thể để tố cáo các hành vi đó (của Trung Quốc)" trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục cho thấy sự hiện diện của mình tại Biển Đông vì "đó là vùng biển quốc tế nơi nhiều quốc gia muốn được quyền đi lại tự do".
Theo ông Mattis, chiến hạm Mỹ đang duy trì những hoạt động hải quân đều đặn quanh các hòn đảo có tranh chấp, và cho đến nay cũng "chỉ có duy nhất một quốc gia" - ám chỉ Trung Quốc - là có dấu hiệu bị hoạt động thường lệ của tàu Mỹ làm phiền.
Đối với bộ trưởng Quốc Phòng Mattis, dù mở rộng hợp tác với các nước vùng Thái Bình Dương, nhưng Hoa Kỳ "sẽ đối đầu với những hành vi bị cho là không phù hợp với luật pháp quốc tế, với những gì mà các tòa án quốc tế đã nói về vấn đề này".
Lời khẳng định được bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nhấn mạnh khi ông trở lời câu hỏi của một phóng viên về vụ Bắc Kinh lên tiếng cực lực phản đối việc Hải Quân Mỹ, hôm 27/05, đã cho hai chiến hạm tiến vào thao tác bên trong vùng 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh đã chiếm trọn từ tay Việt Nam vào năm 1974, xây dựng trên đó nhiều cơ sở quân sự và bố trí chiến đấu cơ, tên lửa.
Giải thích về các quyết định cứng rắn mới đây của Mỹ đối với Trung Quốc, trong đó có việc không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018, ông Mattis cho rằng Bắc Kinh đã nuốt lời cam kết không quân sự hóa Biển Đông, và "khi người Trung Quốc hành động thiếu minh bạch với chúng ta, thì chúng ta không thể tiếp tục hợp tác với họ trong một số lĩnh vực".
Ông Mattis cho biết thêm là các vấn đề kể trên cũng sẽ được ông đề cập một cách mạnh mẽ với phía Trung Quốc khi ông đến Singapore vào cuối tuần để dự Đối Thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh lớn nhất Châu Á.
Trung Quốc sách nhiễu tàu hải quân Philippines trên Biển Đông
Theo hãng tin Mỹ AP, hai quan chức Philippines xin giấu tên đã tiết lộ ngày 30/05/2018 rằng Manila mới đây đã kín đáo phản đối Bắc Kinh về vụ tàu Trung Quốc đã cho máy bay trực thăng lượn sát bên trên một chiếc tàu của Hải Quân Philippines tại vùng Trường Sa.
Vụ việc xẩy ra ngày 11/05 khi một chiếc tàu Philippines chuyên chở hàng tiếp tế đến cho toán thủy quân lục chiến Philippines đồn trú trên bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), do Philippines kiểm soát tại Trường Sa, nhưng đang bị Trung Quốc bao quanh.
Theo nguồn tin trên thì gần đây, Philippines và Trung Quốc đã tổ chức đàm phán để ngăn chặn không cho sự cố như trên tái diễn.
Trọng Nghĩa
*******************
Đảng cầm quyền Nhật muốn trang bị hàng không mẫu hạm (RFI, 30/05/2018)
Theo báo chí Nhật hôm 29/05/2018, đảng cầm quyền LDP của thủ tướng Shinzo Abe đã kêu gọi bỏ mức trần chi quốc phòng xưa nay là 1% GDP, đồng thời ủng hộ việc chuyển đổi chiến hạm chở trực thăng Izumo thành hàng không mẫu hạm, trước mối đe dọa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.
Ảnh tư liệu : Tàu chở trực thăng Izumo, Nhật Bản. Ảnh ngày 6/12/2016.Reuters
Đề nghị này được đưa ra vào lúc chính quyền Nhật Bản phải hoạch định chính sách quốc phòng mới trước cuối năm nay. Đảng LDP nhấn mạnh, nước Nhật "đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất thời hậu chiến", với chương trình hỏa tiễn và nguyên tử Bắc Triều Tiên và sự hiện diện quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc trên biển.
Việc có được một hàng không mẫu hạm đa năng sẽ tạo ưu thế cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Nhật cũng cần có khả năng tấn công vào các căn cứ tên lửa của địch, sở hữu các hỏa tiễn hành trình, củng cố cả ba binh chủng hải lục không quân và lực lượng an ninh mạng.
Với mục tiêu đầy tham vọng này, LDP cho rằng cần bỏ ngưỡng tâm lý lâu nay là giữ mức trần chi quốc phòng không quá 1% GDP, nêu ra ví dụ chi quân sự của các quốc gia thành viên NATO là 2% GDP.
Các đề nghị trên đây của đảng LDP sẽ được chính thức trình lên thủ tướng Shinzo Abe, sớm nhất vào tuần tới.
Thụy My
****************
Indonesia và Ấn Độ sẽ xây cảng quân sự ở Ấn Độ Dương (RFI, 30/05/2018)
Hai nhà lãnh đạo Indonesia và Ấn Độ hôm nay 30/05/2018 tại Jakarta thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng, đặc biệt là hải quân, với kế hoạch triển khai một cảng quân sự của Indonesia trên Ấn Độ Dương.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) tiếp đón thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) tại Jakarta, ngày 30/05/2018. Reuters/Darren Whiteside
Tổng thống Indonesia Joko Widodo khi tiếp kiến thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đã nêu ra việc phát triển cơ sở hạ tầng và khu kinh tế ở Sabang, nằm giữa đảo Sumatra và eo biển Malacca - một trong những kênh thương mại nhộn nhịp nhất. Ông Widodo tuyên bố Ấn Độ là đối tác chiến lược về quốc phòng.
Theo các nhà phân tích, động thái này là do đôi bên cùng quan ngại trước ảnh hưởng ngày càng lớn của hải quân Trung Quốc trong khu vực.
Tuy không yêu sách chủ quyền Biển Đông, nhưng Indonesia tranh chấp quyền đánh cá với Trung Quốc xung quanh quần đảo Natuna, và đã tăng cường sự hiện diện quân sự tại đây. Tuần trước, bộ trưởng Hàng Hải Indonesia Luhut Pandjaitan nói rằng cảng Sabang hiện tại có độ sâu 40 mét, có thể cải tạo để đón tiếp không chỉ tàu buôn mà cả các tàu ngầm trong tương lai.
Đối với thủ tướng Ấn, đây là một phần của chính sách "Hành động hướng Đông" nhằm siết chặt quan hệ với các nước ASEAN. Ông nói : "Quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và ASEAN phải trở thành sức mạnh bảo đảm hòa bình, tiến bộ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và xa hơn nữa".Thủ tướng Narendra cho biết New Delhi có thể hỗ trợ xây dựng các cảng biển và phi cảng tại Đông Nam Á.
Thụy My
*******************
Úc rà soát luật tình báo vào lúc lo ngại gián điệp Trung Quốc gia tăng (RFI, 30/05/2018)
Nhân vật phụ trách pháp lý của chính quyền Úc hôm nay 30/05/2018, cho biết là Canberra sẽ xem xét lại các luật lệ của mình về gián điệp. Thông tin này được đưa ra vào lúc nước Úc đang tìm cách củng cố các cơ quan phản gián đang phải hoạt động căng thẳng vừa để chống hiểm họa khủng bố, vừa lo lắng về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Ảnh minh họa : Tổng chưởng lý Úc Christian Porter (trái) và chủ tịch Hạ Viện Christopher Pyne trả lời họp báo ở Nghị Viện tại Canberra, ngày 9/05/2018. AAP/Lukas Coch/via Reuters
Trong nhiều năm qua, Úc đã tăng ngân sách và quyền hạn cho các cơ quan cảnh sát và gián điệp tăng cường khả năng chống khủng bố. Tuy nhiên, từ tháng 12 năm ngoái, 2017, để đối phó với những "phúc trình đáng lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc", chính phủ đã chuyển sự chú ý qua những hành vi xen vào nội tình chính trị Úc và loan báo việc siết chặt luật lệ về các khoản quyên góp chính trị và đặt ra ngoài vòng pháp luật những hành vi can thiệp từ nước ngoài.
Phát biểu trên một đài phát thánh ở thành phố Adelaide, ông Christian Porter, tổng chưởng lý Úc khẳng định rằng tình hình mới, với sự gia tăng của các hoạt động tình báo, can thiệp, tăng cường ảnh hưởng của nước ngoài, cộng thêm với những hành vi khủng bố ngay trong nước, đòi hỏi việc rà soát lại toàn bộ hệ thống đối phó "từ đầu đến cuối". Ông đồng thời xác định rằng luật tình báo của Úc sẽ không nhắm vào "bất kỳ một quốc gia nào cụ thể".
Tiến trình rà soát sẽ kéo dài 18 tháng và đã được giao cho cựu giám đốc tình báo Úc Dennis Richardson chịu trách nhiệm. Vào năm ngoái, nhân vật này đã lên tiếng cảnh báo là Trung Quốc đang tiến hành những hoạt động gián điệp rộng rãi chống lại nước Úc.
Giáo sư Greg Barton, một chuyên gia an ninh tại Đại học Deakin ở Melbourne xác nhận rằng đối phó với Trung Quốc sẽ là một công việc không dễ dành do năng lực và tham vọng to lớn của nước này.
Trọng Nghĩa
Biển Đông: Quốc sách chủ bại trước Bắc Kinh của Tổng thống Philippines (RFI, 30/05/2018)
Ngày 28/05/2018 vừa qua, ngoại trưởng Philippines Cayetano cứng rắn cho biết là nước này sẵn sàng "chiến đấu" chống Trung Quốc nếu Bắc Kinh có những hành động mà Tổng thống Duterte xem là không thể chấp nhận được. Tuyên bố đanh thép hiếm hoi này được đưa ra ít lâu sau khi Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ở Washington (Mỹ) công bố ảnh vệ tinh ngày 17/05 cho thấy quân đội Philippines đã bắt đầu sửa chữa một phi đạo và nâng cấp một số cơ sở hạ tầng khác trên đảo Thị Tứ, do Manila kiểm soát tại Trường Sa.
Ảnh minh họa: Tổng thống Rodrigo Duterte, nhân lễ kỷ niệm lần thứ 120, ngày thành lập Hải Quân Philippines? Ảnh tại Manila, ngày 22/05/2018. Reuters/Romeo Ranoco
Đối với giới quan sát, đó là những động thái có mục tiêu trấn an dư luận Philippines, đang ngày càng lo lắng trước đường lối bị coi là chủ bại, thậm chí là đầu hàng Trung Quốc, của tổng thống Duterte trên vấn đề Biển Đông, để tranh thủ lợi ích trong lãnh vực kinh tế, thương mại.
Trong bài phân tích mang tựa đề "Cuộc đấu mờ nhạt của Philippines ở Biển Đông - Philippines' lacklustre fight in the South China Sea", trang mạng đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera ngày 22/05 đã dẫn lời một số chuyên gia Philippines cho rằng "nhân nhượng" Trung Quốc không phải là một giải pháp tốt cho đất nước Đông Nam Á này.
"Tôi không thể đi đến chiến tranh với Trung Quốc": đây là những lời của tổng thống Philippines Duterte mỗi khi được hỏi về tranh chấp chủ quyền của Philippines trên một phần Biển Đông. Đây cũng là quan điểm ông từng nêu lên khi phát biểu nhân kỷ niệm lần thứ 120 ngày thành lập Hải Quân, vào hôm 22/05/2018. Mặc dù khen ngợi những nỗ lực ‘oai hùng’ của các lính thủy trong việc gìn giữ bảo vệ lãnh thổ Philippines, nhưng ông Duterte đã gián tiếp công nhận thế yếu của họ so với đối thủ Trung Quốc.
"Tôi không thể lao vào một trận chiến mà tôi không thể thắng", ông đã nói như vậy trước những người lính Hải Quân và các nhân vật cao cấp.
Đối với giới chỉ trích, quả là tổng thống Philippines đã đưa ra những lập luận chủ bại, và ông phải gánh một phần trách nhiệm trong thái độ hung hăng của Trung Quốc, tiếp tục quân sự hóa Trường Sa và Hoàng Sa, bất chấp những lời kêu gọi từ biết bao quốc gia đòi Bắc Kinh ngưng ngay việc này.
Manila đã không cùng lên tiếng với họ, trong khi mà Philippines là quốc gia duy nhất nắm con chủ bài có thể giúp ngăn sức mạnh quân sự của Trung Quốc: Phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, và khẳng định đặc quyền kinh tế của Philippines trong vùng 200 hải lý tính từ bờ biển của mình.
Do việc ông Duterte đã chủ trương gác qua một bên phán quyết quốc tế với hy vọng tranh thủ được Trung Quốc, giới phân tích giờ đây đánh giá là Philippines đang thua trong cuộc tranh chấp, trước một láng giềng hung hăng hơn.
Trả lời đài Al Jazeera, chuyên gia Jay Batongbacal, thuộc Viện Nghiên Cứu Hàng Hải và Luật Biển thuộc Đại Học Philippines, cảnh báo rằng: "Nếu Manila cứ tiếp tục trên con đường hiện tại, thì phán quyết kể như sẽ không còn phù hợp với thực tế trên hiện trường trong một năm tới đây".
Đối với ông Batongbacal, vì cho là phán quyết quốc tế luôn có giá trị, muốn dùng lúc nào cũng được, cho nên ông Duterte đã "nhượng cuộc chơi quá sớm" và chính quyền của ông chỉ có thể tự trách mình khi gác qua một bên và "lãng phí chiến thắng có ý nghĩa nhất của Philippines trong tranh chấp Biển Đông".
Oanh tạc cơ và tên lửa Trung Quốc trên Biển Đông
Vào hôm thứ Sáu 18/05, Không Quân Trung Quốc thông báo triển khai oanh tạc cơ tại một tiền đồn ở Hoàng Sa, một nơi mà Đài Loan và Việt Nam cũng đòi chủ quyền.
Vào thượng tuần tháng 5 này, kênh truyền thông Mỹ CNBC trích nguồn tin tình báo Mỹ, nói rõ là Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm và hỏa tiễn phòng không ở Trường Sa, nơi mà cả Philippines, lẫn Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan, cùng tuyên bố chủ quyền.
Trong cả hai trường hợp, Philippines đều rơi vào bên trong tầm nhắm của vũ khí tấn công Trung Quốc đặt cả ở Hoàng Sa lẫn Trường Sa. Điều này đã làm dấy lên lo ngại trong dân chúng và tăng sức ép lên tổng thống Duterte, thúc giục ông hành động.
Bộ ngoại giao Philippines nói rằng họ "đang đưa ra hành động ngoại giao thích hợp" để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của đất nước", nhưng sẽ không "nói công khai về bất kỳ hành động đưa ra nào". Đó không phải là phản ứng mà công luận Philippines chờ đợi.
Khác với Việt Nam đã công khai lên tiếng tố cáo Trung Quốc "làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn định trong khu vực" và yêu cầu Bắc Kinh ngưng quân sự hóa Biển Đông.
Quyền lãnh đạo Tư Pháp Philippines Antonio Carpio và cựu ngoại trưởng Alberto Del Rosario, hai người từng là tác nhân vụ kiện và bảo vệ đơn khiếu nại của Philippines trước Tòa Trọng Tài La Haye, đã chỉ trích phản ứng của chính quyền Duterte.
Ông Del Rosario cho là chính quyền phải "xem xét lại" chính sách ngoại giao của mình, quyết định xếp vào ngăn tủ phán quyết Tòa Trọng Tài sẽ làm Philippines mất đi "cơ may thúc đẩy lập trường của mình" và tạo điều kiện cho Trung Quốc "đi vào sân sau của Philippines".
Từ năm 2015, Trung Quốc đã bồi đắp 7 đảo đá ở Trường Sa và biến chúng thành những cơ sở quân sự. Theo phán quyết của Tòa Trọng Tài thì những đảo đá đó nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines chiếu theo Luật Biển quốc tế.
Phần ông Carpio thì thúc giục chính quyền "chính thức phản đối" hành động của Trung Quốc và lôi kéo những quốc gia khác muốn hậu thuẫn cho phán quyết của tòa quốc tế. Không làm như vậy, Philippines sẽ trở thành "nạn nhân tự nguyện của chiến lược chiến tranh thứ 3 của Trung Quốc", dùng sức mạnh quân sự để hù dọa đối thủ tranh chấp.
Để giải tỏa nỗi sợ hãi của ông Duterte về một cuộc chiến tranh với Trung Quốc, ông Carpio giải thích là việc chính thức phản đối được Hiến Chương Liên Hiệp Quốc công nhận là một hành đông đáp trả "hòa bình và chính đáng", và do đó không thể trở thành cớ để gây chiến.
Người tích cực cộng tác với kẻ xâm lược
Tổng thống Duterte đã bị nhiều người chỉ trích vì đã nêu khả năng xẩy ra chiến tranh với Trung Quốc thành một cái cớ để không làm gì cả trên vấn đề Biển Đông.
Trong một tham luận vào tháng 7/2017, ông Carpio nhận thấy là tổng thống Duterte có "một thiếu sót kiến thức đáng ngạc nhiên về luật quốc tế và quan hệ quốc tế", và ông nêu bật là Trung Quốc sẽ không mạo hiểm tấn công Philippines vì làm như thế sẽ khởi động hiệp định phòng thủ hỗ tương mà Manila đã ký với Mỹ.
Nói cách khác, một cuộc chiến với Philippines sẽ là một cuộc chiến với Mỹ mà ông Carpio cho rằng Trung Quốc không muốn.
Tuy nhiên đối với ông Jose Antonio Custodio, một nhà phân tích quân sự, từng là cố vấn cho Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Philippines, thì ông Duterte không đơn thuần là quá thận trọng.
Trả lời Al Jazeera, chuyên gia này phân tích: "Các hành động của chính quyền Duterte ngay từ ngày đầu đã cho thấy là họ từ bỏ việc lập một khối đồng thuận quốc tế chống lại tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc để chuyển qua cộng tác đắc lực với Bắc Kinh".
Bên cạnh việc gạt qua một bên phán quyết thuận lợi cho Philippines của Tòa Trọng Tài, ông Duterte còn giảm nhẹ mức độ cứng rắn trong bản tuyên bố chung của ASEAN muốn nêu lên vấn đề tranh chấp Biển Đông lúc ông làm chủ tịch vào năm ngoái 2017. Ông Duterte vẫn tiếp tục ca ngợi, tâng bốc Bắc Kinh, mở cửa Philippines cho ảnh hưởng kinh tế và chính trị Trung Quốc thông qua các khoản trợ giúp, tín dụng.
Những điều đó, theo ông Custodio, cho thấy hình ảnh một Duterte năng nổ phục vụ cho quyền lợi của Trung Quốc, và "phổ biến một không khí chủ bại để biện minh cho chính sách thân Bắc Kinh".
Trung Quốc chỉ là một mối quan ngại chứ không là đe dọa
Ê kíp truyền thông của ông Duterte ý thức rất rõ là chính quyền bị chỉ trích như thế, cho nên đã cố phô trương hình ảnh một Duterte yêu nước.
Vào trung tuần tháng 5, tổng thống Duterte đã viếng một tàu hải quân chuẩn bị đến Benham Rise, một vùng giàu tài nguyên và và có vị trí chiến lược ngoài khơi Thái Bình Dương, và đã được ông đặt tên lại là Philippine Rise sau khi phát hiện tàu Trung Quốc trong khu vực.
Con trai ông cùng với cộng sự viên cao cấp nhất của ông đã chạy môtô nước chung quanh chiếc tàu bỏ neo ngoài biển, như để nhắc lại tuyên bố của ông Duterte lúc vận động tranh cử là sẵn sàng chạy môtô nước ra Trường Sa cắm cờ Philippines trên một cơ sở của Trung Quốc.
Có điều hiện nay, ngay cả những phụ tá của ông Duterte cũng tỏ ra rất thận trọng khi nói về Trung Quốc. Khi được hỏi về quan điểm của tổng thống về những diễn tiến mới đây ở Biển Đông, phát ngôn viên của ông Duterte giải thích là tổng thống nhìn Trung Quốc như một "mối quan ngại chứ không là mối đe dọa".
Ông Duterte luôn luôn nhấn mạnh là Philippines không có nhiều chọn lựa, nếu không muốn nói là không có bất kỳ chọn lựa nào khi xử lý vấn đề Biển Đông với Trung Quốc, do đó chỉ có thể "hy vọng nơi thái độ khoan dung" của Bắc Kinh.
Mai Vân
*******************
Biển Đông : Tạo rủi ro khi khoan dầu, Trung Quốc muốn bóp nghẹt kinh tế Việt Nam (RFI, 29/05/2018)
Reuters nhận xét, một số lô dầu ngoài khơi Việt Nam lại nằm lọt trong phạm vi đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ ra ở Biển Đông, để yêu sách chủ quyền hầu hết diện tích vùng biển quan trọng này.
Giàn khoan JDC Hakuryu-5 của tập đoàn Nga Rosneft và tàu hậu cần hoạt động ngoài khơi Vũng Tàu, ngày 29/04/2018. Reuters/Maxim Shemetov
Tuần trước, Rosneft Vietnam BV, chi nhánh của tập đoàn dầu khí Nga Rosneft tiến hành khoan thăm dò tại một lô khí đốt ở ngoài khơi làm Bắc Kinh tức giận. Hôm 17/05/2018, Rosneft tuyên bố khu vực Biển Đông mà tập đoàn này có giấy phép khai thác "nằm bên trong vùng lãnh hải của Việt Nam", khẳng định chỉ tiến hành các hoạt động "trên thềm lục địa của Việt Nam".
Bộ ngoại giao Việt Nam lập tức tuyên bố lô khí đốt 06.01 "hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam", cảnh báo Bắc Kinh phải tôn trọng chủ quyền của nước mình.
Dầu khí, nguồn thu quan trọng để Việt Nam phát triển kinh tế
Hồi tháng Ba, Việt Nam đã phải cho ngưng một dự án khoan dầu ở gần mỏ Cá Rồng Đỏ (Red Emperor) do áp lực của Trung Quốc. Đây là một phần của lô 07.03 tại khu vực Bể Nam Côn Sơn ở ngoài khơi Vũng Tàu, có tiềm năng cung cấp gần 30.000 thùng dầu và 60 triệu mét khối khí mỗi ngày. Tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha đã chi trên 40 triệu đô la cho việc thăm dò mỏ này.
Trước đó vào tháng 7/2017, Trung Quốc đe dọa tấn công các căn cứ quân sự của Việt Nam tại Trường Sa, do Repsol chuẩn bị khoan thăm dò lô 163-3 ở bãi Tư Chính. Repsol liên doanh với Mubadala Development Co. (Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất), đã chi ra ít nhất 27 triệu đô la (có tin cho rằng đến 300 triệu đô la), nhưng Hà Nội đành phải cho ngưng khoan, khi tướng Trung Quốc Phạm Trường Long giận dữ bỏ về nước không tham gia hoạt động giao lưu quốc phòng Việt-Trung.
Chuyên gia phân tích rủi ro Verisk Maplecroft nhận định, vụ Cá Rồng Đỏ là "một đòn nặng nề cho kỹ nghệ thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam, và việc chính quyền Hà Nội gọi thầu để tìm kiếm nguồn lợi dầu khí ngoài khơi mà Việt Nam hoàn toàn có quyền hợp pháp, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển".
Lãnh vực dầu khí rất quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí Quốc doanh Việt Nam, tức PetroVietnam, cung cấp đến 20% tổng sản phẩm nội địa (GDP), và chiếm 30% tổng thu nhập ngân sách của Hà Nội từ 1986 đến 2009.
Việt Nam có trữ lượng từ 3,3 tỉ đến 4,4 tỉ tấn dầu thô và khí đốt tại vùng biển của mình – theo PetroVietnam. Hiện nay mỗi năm tập đoàn này đang sản xuất ra 22 đến 33 triệu tấn dầu, từ các lô đang khai thác.
Theo công ty tư vấn Wood Mackenzie, nếu đường lưỡi bò gồm 9 đoạn của Trung Quốc được nối liền với nhau, thì sẽ cắt làm đôi hoặc nuốt gọn 67 lô dầu của Việt Nam. Cũng theo Wood Mackenzie, thì có bốn trong số các lô này đang sản xuất ra dầu thô, số còn lại đang ở các giai đoạn thăm dò hoặc khai thác khác nhau.
Bắc Kinh cố phá hoại phán quyết của Tòa Trọng tài trên thực tế
Yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Bất chấp sự phản đối kịch liệt của Bắc Kinh, Philippines vẫn tìm cách kiện đường lưỡi bò Trung Quốc trước Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Năm thẩm phán quốc tế năm 2016 đã trao cho Manila chiến thắng vang dội, qua việc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, tuyên bố đường 9 đoạn do Bắc Kinh tạo ra để kiểm soát Biển Đông, là vô căn cứ.
Bắc Kinh vốn từ chối tham gia tranh tụng, lu loa rằng phán quyết của Tòa Trọng tài là trò hề, và tiếp tục đòi hỏi quyền tài phán trên hầu hết diện tích Biển Đông, cho dù vẫn chưa nối liền 9 đoạn của đường lưỡi bò.
Trung Quốc và các nước khác yêu sách chủ quyền Biển Đông đã có bàn bạc về việc cùng khai thác năng lượng trên vùng biển tranh chấp, nhưng không đi đến đâu do vấn đề chủ quyền.
Tháng trước, Philippines cho biết đang tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc trong vài tháng để cùng thăm dò dầu khí tại Biển Đông.
Tuy nhiên trong lúc Trung Quốc tỏ ra nhập nhằng, không cụ thể hóa các yêu sách, vùng biển bao quanh các mỏ dầu ở đông nam Việt Nam từ lâu vẫn là điểm nóng.
Bắc Kinh luôn cố tìm cách ngăn trở các hoạt động của Việt Nam, thông qua việc đe dọa trong hậu trường, và đôi khi còn phô trương cơ bắp trên biển.
Việc Trung Quốc đe dọa ngầm chính quyền Việt Nam đặc biệt dữ dội vào năm 2007 và 2008. Tập đoàn Mỹ ExxonMobil Corp không khuất phục trước áp lực, nhưng tập đoàn Anh BP và các công ty dầu khí khác đành phải rút lui khỏi một số lô. Bắc Kinh hăm dọa không bảo đảm cho khối tài sản 4,2 tỉ đô la của BP tại Hoa lục, cũng như an toàn cho đội ngũ công nhân kỹ thuật của tập đoàn Anh tại khu vực "tranh chấp".
Ông Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông của ISEAS Yusof Ishak Institute ở Singapore nhận xét, phản ứng của Trung Quốc trước việc Rosneft khoan thăm dò "hoàn toàn là một thử nghiệm, xem Bắc Kinh có thể dấn tới đến đâu. Đó là cách thức của Trung Quốc, nhằm cố gắng phá hoại toàn bộ phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 trên thực tế".
Quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông
Các nhà ngoại giao Việt Nam và quốc tế đều cho rằng các nỗ lực của Hà Nội nhằm thu hút các tập đoàn nước ngoài tham gia thăm dò, khai thác dầu khí, là một phần của chiến lược đối phó với áp lực của Trung Quốc, qua việc "quốc tế hóa" tranh chấp Biển Đông.
Vào tháng Năm và Sáu năm 2011, Hà Nội chính thức phản đối các hành động của những tàu "dân sự" Trung Quốc quấy nhiễu các tàu khảo sát địa chấn, thậm chí còn cắt cả cáp của một tàu thăm dò Na Uy đang hợp đồng với PetroVietnam.
Căng thẳng càng tăng lên vào tháng Năm năm 2014, các tàu tuần duyên và tàu cá của hai bên đâm va, rượt đuổi nhau, sau khi tập đoàn CNOOC (Chinese National Offshore Oil Corporation) của Trung Quốc cho kéo giàn khoan nước sâu khổng lồ Hải Dương Thạch Du (Haiyang Shi You) 981 đến khoan thăm dò tại vùng biển Hoàng Sa. Sau đó Bắc Kinh phải cho rút giàn khoan này đi, trước làn sóng biểu tình bạo động chống Trung Quốc ở Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng dầu thô của Việt Nam trong năm đó là 15,53 triệu tấn. Đến năm 2017, sản lượng bị giảm xuống chỉ còn 13,567 triệu tấn dầu thô, tức giảm 12,6%.
Tháng Tư năm nay, PetroVietnam cho biết tình hình căng thẳng trên biển với Trung Quốc đã ảnh hưởng đến việc thăm dò ngoài khơi và các hoạt động sản xuất trong năm 2018, khiến việc khoan khảo sát của Rosneft trở nên đặc biệt quan trọng.
Nga sẽ không bị Trung Quốc kèn cựa ?
Nhờ quan hệ đối tác với Liên Xô cũ, Việt Nam mới khởi động thăm dò trữ lượng dầu của mình. Với logo mang ngôi sao vàng của Việt Nam và hình búa liềm của Liên Xô, Liên doanh Dầu khí Việt-Xô tức Vietsovpetro đã được thành lập vào năm 1981. Liên doanh này bắt đầu khảo sát thềm lục địa Việt Nam, và phát hiện ra mỏ dầu đầu tiên của đất nước là mỏ Bạch Hổ năm 1984.
Anton Tsvetov, nhà phân tích về Đông Nam Á của think tank độc lập Centre for Strategic Research (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược) ở Moskva nhận định, trái với những quốc gia khác, các lợi ích về dầu khí của Nga trong khu vực có vẻ được để yên.
Theo chuyên gia Tsvetov, ngoài các tuyên bố chính thức, khó thể có việc Trung Quốc gây sức ép trực tiếp lên Rosneft hay chính phủ Nga về việc khoan thăm dò tại Việt Nam mới đây. Ông nói : "Hiện nay Trung Quốc và Nga có mối quan hệ rất chặt chẽ, và vấn đề năng lượng là ưu tiên hàng đầu. Cho nên tôi nghĩ rằng sẽ rất bất thường nếu Trung Quốc gây rắc rối cho một tập đoàn dầu khí lớn như thế của Nga".
Thụy My
******************
Biển Đông: Trung Quốc cho vận hành mạng lưới điện trên đảo Phú Lâm (RFI, 29/05/2018)
Trung Quốc vừa cho vận hành mạng lưới điện cỡ nhỏ đầu tiên trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, theo hãng tin chính thức Trung Quốc, China News Service, hôm qua, 29/05/2018.
Hình ảnh vệ tinh của AMTI cho thấy Trung Quốc phát triển hệ thống vũ khí mới trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa, ngày 12/05/2018. CSIS AMTI/Handout via Reuters
Hệ thống đường dây điện này, chính thức vận hành kể từ Chủ nhật, 27/05 có thể tải điện từ các máy nhiệt điện và điện mặt trời. Mạng lưới vừa được vận hành có thể được nối với hệ thống điện chính của tỉnh Hải Nam hoặc vận hành độc lập và sẽ giúp tăng gấp 8 lần lượng điện cung cấp trên đảo Phú Lâm, phục vụ cho các hoạt động tại đây.
Theo China News Service, mạng lưới điện đầu tiên này cũng sẽ được sử dụng cho việc phát triển dân sự và quân sự, thậm chí có thể trở thành một trung tâm kiểm soát, điều khiển các mạng lưới điện trên các đảo khác. Riêng về mặt quân sự, nguồn điện ổn định là rất cần thiết đối với các kho vũ khí trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và độ mặn cao trên các đảo như Phú Lâm. Các hệ thống tên lửa địa đối không và tên lửa chống hạm của Trung Quốc trên đảo này kể từ nay có một nguồn điện ổn định.
Việc lắp đặt mạng lưới điện là một bước mới của Trung Quốc trong việc phát triển các đảo trên quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam khẳng định chủ quyền, nhưng Bắc Kinh hiện kiểm soát toàn bộ.
Giữa tháng 5 vừa qua, Bắc Kinh cũng đã triển khai các oanh tạc cơ chiến lược H-6K đến đảo Phú Lâm, mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng ( Yongxing ). Đây là lần đầu tiên các oanh tạc cơ của Trung Quốc hạ cánh trên một đảo ở Biển Đông.
Cũng về Biển Đông, hôm qua, ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cho biết, tổng thống Rodrigo Duterte đã cảnh cáo Trung Quốc rằng Manila sẵn sàng đi đến chiến tranh với Trung Quốc nếu Bắc Kinh vượt qua những "lằn ranh đỏ" và giành độc quyền khai thác nguồn dầu khí ở Biển Đông.
Phe đối lập Philippines vẫn chỉ trích tổng thống Duterte đã không mạnh mẽ lên tiếng về những hành động gần đây của Trung Quốc, trong đó có việc lắp đặt các tên lửa trên những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Trường Sa.
Thanh Phương