Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngày hai tháng bảy năm 1976, thành phố Sài Gòn chính thức bị đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

saigon1

Hình ảnh đường phố Sài Gòn năm 1972. AFP

Theo báo chí Nhà nước, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp chính là người đầu tiên đưa ra đề nghị đổi tên Sài Gòn ra Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 26 tháng tám năm 1946, nhân kỷ niệm một năm chính quyền cách mạng. Theo vị bác sĩ này, để ghi lấy công đức của Hồ Chủ tịch, Thành phố Sài Gòn nên đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày hai tháng bảy năm 1976, Quốc hội khóa VI ra quyết định chính thức để đô thành Sài Gòn mang tên Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái, hiện sống tại miền Nam California nhận định về sự kiện này với RFA :

"Sài Gòn là một thành phố có chiều dài lịch sử lâu đời và gắn bó liên tục với nhiều thế hệ người Việt Nam từ trước năm 1975, không chỉ riêng với người miền Nam mà với cả đồng bào miền Bắc. Sài Gòn đã trở thành biểu tượng của cả một nền văn hóa. Và đối với thế giới, Sài Gòn đã có thời được mệnh danh là ‘Hòn ngọc Viễn Đông".

Còn việc họ đổi tên Sài Gòn sau ngày 30/4/1975 thì đó là một sự cưỡng chiếm. Lý do đơn giản là theo Hiệp ước hòa bình 1973, hai miền Nam - Bắc thỏa thuận sẽ đạt tới nền hòa bình, tiến tới hòa giải nhưng sau đó họ xé bản hiệp định đó, họ bất chấp các luật lệ quốc tế đem quân cưỡng chiếm miền Nam. Dĩ nhiên ‘lịch sử luôn được viết bởi người chiến thắng’. Với chiến thắng của họ thì họ đổi tên Sài Gòn là Thành phố Hồ Chí Minh.

Chúng ta cứ nhìn ra thế giới sẽ thấy hành động này là man rợ, bởi ngay cả Hitler khi chiếm cả Châu Âu vẫn tôn trọng tên thủ đô của các nước chứ không lấy tên mình đặt lại, ngay cả cho nước Đức".

Từ năm 1946, Sài Gòn đã là thủ đô của Cộng hòa tự trị Nam Kỳ. Đến năm 1949 là thủ đô của Quốc gia Việt Nam. Đến năm 1955, Việt Nam Cộng hòa được thành lập, Sài Gòn khi đó được chọn làm thủ đô với tên gọi chính thức là "Đô thành Sài Gòn".

Dù Thành phố Sài Gòn bị đổi tên đến nay đã 45 năm, nhưng với hầu hết những người dân từng sống ở miền Nam trước năm 1975, bất kể giọng nói của họ thuộc vùng miền nào, đều giữ cái tên Sài Gòn khi nói về Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Cái tên Sài Gòn được dùng như tên bán chính thức của thành phố này.

Nhạc sĩ Lê Việt hiện sống ở Bình Dương chia sẻ suy nghĩ của ông với RFA :

"Đó là một cái tên đã đi vào trong tiềm thức, đi vào trong đời sống người ta từ người già đến người trẻ. Nó là cái tên nhưng nó có cái linh hồn ở trong đó. Chính quyền mới sau 1975, khi họ "giải phóng" được miền Nam thì họ quyết định đổi tên thành phố Sài Gòn ra Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là do họ mà thôi.

Đa phần những người mình tiếp xúc đều là những người ở miền Nam hồi xưa nên khi nói chuyện với nhau đều gọi là Sài Gòn. Nói vậy mới hiểu nhau nhanh. Đó là một sự tự nhiên. Mặc dù về mặt hành chánh thì người ta không ghi như vậy nhưng trong ngôn ngữ, trong lời nói, trong suy nghĩ, trong tâm thức của con người thì họ vẫn gọi là Sài Gòn.

Cả người miền Nam lẫn người Bắc di cư năm 1954 thì đến 99% bây giờ họ vẫn gọi là Sài Gòn. Chỉ có một số bạn bè tôi là người Bắc vào miền Nam sau năm 1975 thì mới gọi là Thành phố Hồ Chí Minh mà thôi".

saigon2

Hình ảnh buôn bán trên vỉa hè Sài Gòn năm 1972. AFP

Ông Minh, một cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Việt Nam cho hay, cả ông và bạn bè ông đều dùng cái tên "Sài Gòn" để nói về vùng đất mà ông sinh sống hơn nửa thế kỷ. Với họ, vùng đất Sài Gòn là vùng đất của văn hóa, của lịch sử, của ký ức. Ông nói :

"Tôi vẫn gọi là Sài Gòn vì nó gắn với mình nhiều kỷ niệm lắm rồi, cộng với môi trường sống, khí chất của con người cũng như phong cách sống của con người nơi đây nó ảnh hưởng đến mình rất nhiều. Thế nên trong suy nghĩ, tôi vẫn thấy sử dụng tên Sài Gòn nó hay hơn.

Từ lúc thơ ấu cho đến bây giờ đã hơn 50 tuổi, cái tên Sài Gòn vẫn là cái tên gần gũi, dễ nhớ - dễ nhớ không chỉ là cái tên mà là những gì gần gũi thuộc về đất Sài Gòn - cho nên trong hoài niệm cũng như trong suy nghĩ những người sống lâu ở Sài Gòn như tôi vẫn quen gọi là Sài Gòn, chứ không dùng tên Hồ Chí Minh.

Việc đổi tên là do Nhà nước, nó mang tính chính trị nhiều hơn. Còn người dân gọi tên này thì dân miền Nam gần như là không có mà chỉ có dân miền Bắc sau này họ gọi là Thành phố Hồ Chí Minh".

Cô Lan, một công nhân sinh ra và lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh lại có một suy nghĩ khác :

"Em thích gọi là Thành phố Hồ Chí Minh chứ không thích gọi là Sài Gòn vì Hồ Chí Minh là tên bác. Sài Gòn chỉ là tên thời chiến tranh dù gia đình em vẫn gọi là Sài Gòn".

Nói về nguồn gốc và ý nghĩa của tên Sài Gòn thì có ít nhất ba thuyết. Theo thuyết của các ông Trương Vĩnh Ký và Lê Văn Phát thì Sài Gòn do tiếng Khmer Prei Kor mà ra, và có nghĩa là củi gòn. Theo thuyết của ông Louis Malleret thì Sài Gòn do tiếng Tây Ngòn, tức là Tây Cống phát âm theo giọng Trung Hoa và có nghĩa là cống phẩm của phía tây.

Còn theo thuyết của học giả Vương Hồng Sển thì Sài Gòn do tiếng Thầy Ngồn tức là Ðề Ngạn phát âm theo giọng Trung Hoa và có nghĩa là bờ sông cao dốc trên có đê ngăn nước. Còn về tiếng Tây Cống, ông Vương Hồng Sển lại cho rằng nó chỉ được người Trung Hoa dùng sau này để phiên âm lại tên Sài Gòn sau khi tên này được dùng để chỉ đất Bến Nghé cũ.

Nguồn gốc tên gọi Sài Gòn còn nhiều tranh luận nhưng dù có nguồn gốc như thế nào thì cái tên Sài Gòn vẫn không thay đổi trong tâm thức của người dân từng sinh sống tại vùng đất này, bất kể tuổi tác.

Ông Đinh Kim Phúc, từng giảng dạy môn Lịch sử Đông Nam Á, nêu quan điểm của ông :

"Sài Gòn trước năm 1975 nó là một địa danh. Còn đơn vị hành chánh là Đô thành Sài Gòn. Cái địa danh thì không bao giờ mất đi trong tâm tư, trong tình cảm của cư dân. Hiện nay người ta hay lẫn lộn giữa Sài Gòn và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là một đơn vị hành chánh của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, còn Sài Gòn là một địa danh đã được hình thành hơn 300 năm. Cái tên gọi Người Sài Gòn, địa danh sài Gòn, vùng Sài Gòn nó không chỉ ám chỉ những người cư ngụ trong một đơn vị hành chánh cụ thể mà nó còn là một khu vực, một vùng đất mới từng dung nạp mọi thành phần từ nhiều miền về mở đất.

Do đó, cái địa danh Sài Gòn, cái tên gọi Sài Gòn nó rất quan trọng với những người dân Nam Bộ, không chỉ những người ở Sài Gòn".

Sài Gòn đẹp lắm, nhạc và lời : Y Vân - tiếng hát : Sơn ca, Băng Châu, Phương Hồng Quế

Có thể thấy, cái tên Sài Gòn vẫn trong tâm trí, trong cách gọi của rất nhiều người Việt Nam, cho dù cái tên này chính thức bị khai tử bởi Quốc hội Việt Nam vào ngày hai tháng bảy năm 1976. Mỗi năm, cứ vào ngày kỷ niệm này thì cái tên Sài Gòn lại tràn ngập trên mặt báo.

Theo ghi nhận của RFA, nếu Nhà nước làm một cuộc trưng cầu ý dân để chọn tên cho thành phố lớn nhất miền Nam này, thì Sài Gòn xưa sẽ được trả lại tên.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 05/07/2021

Published in Diễn đàn

Lạnh mình

Nguyễn Nam, VNTB, 28/03/2020

Nhà chức trách thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị tình huống xấu nhất xảy ra đối với dịch bệnh Covid-19 : các cơ sở hỏa táng phải hoạt động suốt 24 giờ.

saigon1

Văn thư đóng dấu "Khẩn" ngày 26/3, với đe dọa tử vong buộc vào lò hỏa táng, để lộ dấu hiệu về tình trạng tương tự như trong các đồn đoán xảy ra ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

"Căn cứ tình hình hiện nay trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố, để ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong tình hình dịch bệnh, "đặc biệt với tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virut Covid-19 có thể tử vong", Sở Tài nguyên và môi trường đề nghị quý Công ty khẩn trương xây dựng báo cáo về Sở các nội dung sau :

1. Công suất tối đa của các cơ sở hỏa táng của Công ty trong trường hợp vận hành liên tục.

2. Quy trình tiếp nhận và giải pháp cách ly tối đa để không ảnh hưởng đến con người và các khu vực xung quanh.

3. Phương án cách ly và giải pháp duy trì vận hành hoạt động 24/24 tại cơ sở hỏa táng trong trường hợp có cán bộ làm việc tại cơ sở hỏa táng bị nhiễm (hoặc nghi ngờ bị nhiễm virut Covid-19).

4. Đề xuất, kiến nghị của Công ty trong công tác chuẩn bị phối hợp phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Thông tin đề nghị gửi về Sở Tài nguyên và môi trường (Phòng Quản lý chất thải rắn) trước ngày 28/03/2020".

Văn thư nói trên đóng dấu "Khẩn", ghi ngày phát hành bằng chữ viết tay là 26 tháng 3. Có ba công ty được ghi là nơi nhận văn thư này : Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố ; Công ty TNHH xây dựng và Kinh doanh nhà Điền Phúc Thành ; Công ty cổ phần đầu tư Long Cơ.

Văn thư nói trên có một tình tiết rất đáng lo ngại vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự : "đặc biệt với tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virut Covid-19 có thể tử vong".

Tình trạng đe dọa tử vong trong chữa trị y khoa, không đồng nghĩa với ‘hết cách chữa trị’. Nếu vì nhiễm virus Covid-19 với đe dọa tử vong mà người bệnh có thể phải buộc vào lò hỏa táng, cho thấy đang dấu hiệu về tình trạng tương tự như trong các đồn đoán xảy ra ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Cũng có thể câu "đặc biệt với tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virut Covid-19 có thể tử vong", là một lỗi hành văn khi diễn đạt của những người soạn văn thư hành chánh. Song nếu vậy thì nên giải thích ra sao khi văn thư này có qua trình tự ‘chữ ký nháy’ – tức một cán bộ chuyên môn được phân công trách nhiệm duyệt lại toàn bộ nội dung lần cuối trước khi trình lãnh đạo ký. Chữ ký cuối cùng là của phó giám đốc sở, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ.

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố quản lý hai trung tâm hỏa táng là Bình Hưng Hòa và Đa Phước. Công ty TNHH xây dựng và Kinh doanh nhà Điền Phúc Thành có trung tâm hỏa táng Phúc An Viên. Công ty cổ phần đầu tư Long Cơ có trung tâm hỏa táng Tháp Long Thọ.

Hiện tại, thời gian hỏa táng sẽ kéo dài trong khoảng 2-3 tiếng đồng hồ, tùy thuộc vào áo quan. Hỏa táng bằng lò đốt gas. Thông thường, mỗi lò hỏa táng sẽ do hai công nhân đảm nhận.

Nếu trong trường hợp tử vong vì dịch bệnh Covid-19 dẫn đến tất cả các lò thiêu ở ba công ty hoạt động tối đa công suất, với thời gian 24/24 giờ, thì đây sẽ là một thảm họa với mức độ tàn khốc nhất đối với Sài Gòn đầu thế kỷ 21.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 28/03/2020

********************

Sài gòn "phong tỏa", có khi chết đói trước khi chết dịch …

Diễm My, VNTB, 28/03/2020

Nghe đâu bên tây họ có an sinh xã hội, thất nghiệp còn có trợ cấp thất nghiệp hay trợ cấp xã hội để đủ sống. Bên Mỹ ông Trump cho mỗi người ngàn bạc. Còn dân tình mình,… đúng là có khi chết đói trước khi chết vì dịch.

saigon2

Những mảnh đời nhỏ vụn trong xóm tưởng chừng như càng lúc càng xám xịt.

Vậy là Sài Gòn đã chính thức phong tỏa một phần kể từ ngày 28/3. Nhưng mà trước đó phố phường đã vắng hoe do người ta ở trong nhà trốn dịch. Chính phủ hi vọng sẽ dập được dịch trong vòng 2 tuần nữa và hạn chế số người nhiễm ở mức 1.000 người.

Người dân cũng được khuyến cáo không ra khỏi nhà để tránh lây lan dịch bệnh. Những mảnh đời nhỏ vụn trong xóm tưởng chừng như càng lúc càng xám xịt.

Cái xóm nhỏ toàn dân lao động nghèo. Ba chục nhà thì hết 25 nhà bán đồ ăn, nhà bán bánh mỳ, nhà bán xôi, nhà thì bánh bao, bún, mỳ. Sáng sớm là nghe tiếng người ta đẩy xe ra phía bên kia đường bán cho học trò. Còn khu hẻm trước đình cũng có tới 4 -5 quán vừa mỳ, vừa bún bán ăn sáng hay ăn xế. Mấy người bán cho học trò là đã ế luôn từ tế tới giờ.

Hai vợ chồng ông Xình ở sát vách đình. Hai ông bà cũng hơn 60 tuổi rồi. Ban ngày bà vợ bán bánh mỳ, ông chồng phụ vợ chạy ra chạy vô. Giờ không bán được nữa vì học trò nghỉ học cả mấy tháng này. Hai vợ chồng cùng thất nghiệp vì hẻm đình có người bán bánh mỳ xưa giờ, không chen ngang vô được.

Ngày còn bán được, chiều tối chuẩn bị xong đồ ngày mai bán thì bà ngủ bên trong, ông kê cái ghế bố nằm ngoài hẻm. Cái nhà nhỏ có đúng một cái cửa ra vô. Gọi là nhà cho nó sang, chớ thiệt ra hai ông bà ở trong một cái chái trải vừa đủ một cái chiếu 1,2m. Sát hết ba bức vách là thùng, hộp chồng chất lên nhau. Cái xe bánh mỳ để ngoài sân có xích sắt móc vô của sổ.

Giờ phải ở trong nhà, nóng nực như thiêu, thu nhập không có. "Chắc chết thôi cô ơi, dịch lâu vợ chồng tui ăn thâm hết vô vốn. Mà cô coi cái nhà tui có chừng này, hai vợ chồng ngồi ngó nhau vầy chịu sao thấu ? Đi ra ngoài thì sợ dịch, lây bịnh thì khổ lắm".

Hai vợ chồng ôn Xình còn đỡ hơn mấy nhà có con nít. Xóm lao động nghèo mà con nít đông. Tụi nhỏ nghỉ học từ tết tới giờ. Thêm cái lệnh phong toả, phải ở trong nhà. Cả xóm lúc nào cũng nghe tiếng cha mẹ la con, rồi tiếng con nít đánh nhau, la khóc vì nóng, ngộp.

Nhà trong hẻm nhỏ đi vừa lọt cái xe ba gác. Giờ bắt cách nhau 2 m thì chỗ đâu mà cách ?

Cái quán nhậu đầu hẻm cũng không khá hơn. Chủ mới sang quán trước Noel năm rồi. Bỏ vô một mớ tiền xây dựng, mua sắm để làm quán nhậu vỉa hè. Mới mở ra được tuần lễ thì dính vô trận "thổi đo nồng độ cồn". Khách vắng hoe, chỉ cầu cho ngày có chừng hai ba bàn để cho đủ tiền sở hụi. Hai vợ chồng phải gởi con về quê, thay phiên nhau vừa làm bếp vừa chạy bàn, dọn dẹp lấy công làm lời.

Rồi đùng cái có dịch corona. Khách đã vắng lại càng vắng hơn. Hôm cầm cái giấy phường yêu cầu đóng cửa mà hai vợ chồng muốn khóc nhưng nghĩ thời buổi này làm gì mà có tới 30 khách một lần vô quán đâu. Thôi kệ thì cứ liều bán thêm ít bữa gỡ lại chút vốn mấy món đồ tươi đã lỡ mua vô.

Tối hôm kia, chị vợ hớt hải báo tin : "Quán em bị bên liên ngành lập biên bản rồi chị ơi. Họ nói quy mô quán em có trên 30 chỗ ngồi nên không được mở cửa. Nhưng mà em cũng liều mở cửa bán tới cuối tháng coi sao, chớ giờ vốn liếng em nằm trong mớ đồ ăn tươi này nè".

Chiều nay đi ngang qua, thấy cô vợ đang lúi hụi dọn dẹp. " Chị ơi tụi em đóng cửa về quê liền đây. Hồi sáng em ráng mở cửa bán môt chút mà mấy ông trên phường ào tới lập biên bản bắt em đóng cửa liền không thì phải nộp phạt". Ông chồng thì trệu trạo, "Tiền thuê chỗ bà chủ giảm cho tụi em được một phần, mà đóng cửa không buôn bán gì được tiền đâu mà trả tiền nhà giờ. Nếu sang tháng mà vẫn căng vầy thì tụi em chết. Tiền vay mượn mở quán chớ em đâu có nhiều đâu".

Đối diện nhà tôi là nhà của một chị giám đốc công ty tư nhân. Chị nói từ tết tới giờ việc không nhiều. Thu không đủ bù chi vì tiền lương công nhân vẫn phải trả đều đều. Tiền mặt hết rồi, việc thì không có.

Chị nói lương công nhân thì phải trả cho hết tháng này, ai muốn về quê thì về chớ ngồi đây cũng chơi không. Qua tuần thì phải hỏi bên bảo hiểm xã hội coi bảo hiểm đóng bao nhiêu một đầu người. Rủi mà mắc quá thì chắc phải cho công nhân nghỉ việc luôn chớ giờ không còn tiền đâu nữa mà đóng cho họ.

"Tiền thuê xưởng cũng hơn 50 triệu một tháng mà chủ nhà nhất định không chịu bớt. Coi như từ tết tới giờ mấy mẹ con em làm không lương bị phải để tiền trả cho thợ. Giờ thêm phong tỏa mà không cho thợ nghỉ thì em chết chắc chị ơi. Có hết dịch em cũng không biết làm gì nữa, mà bỏ nghề mình theo mấy chục năm nay không đành".

Ông Tư bán vé số đi ngang qua chép miệng : "Dịch dọt vậy tui đói thôi cô Hai ơi. Vé số bán không ai mua. Mấy kỳ có ế vé số, tui còn ghé quán cơm từ thiện ăn được. Giờ mà bắt đóng cửa tiệm ăn hết chắc tui chưa chết vì con cô vít thì tui chết đói trước rồi cô !"

Nghĩ thiệt là ác. Cái con siêu vi không ai thấy nó ở đâu, mà nó làm cho bao nhiêu người điêu đứng.


Nghe đâu bên tây họ có an sinh xã hội, thất nghiệp còn có trợ cấp thất nghiệp hay trợ cấp xã hội để đủ sống. Bên Mỹ ông Trump cho mỗi người ngàn bạc. Còn dân tình mình,… đúng là có khi chết đói trước khi chết vì dịch.

Diễm My

Nguồn : VNTB, 28/03/2020

Published in Diễn đàn

Nguyện cầu cho Sài Gòn

Hiền Vương, VNTB, 15/03/2020

Bốn mươi lăm năm trước, cũng trong tháng ba, người Sài Gòn đã nguyện cầu cho Ban Mê Thuột khi thủ phủ Tây nguyên thất thủ. Giờ thì nguyện cầu cho Sài Gòn cùng nhau vượt qua đại dịch cúm virus Vũ Hán Corona.

saigon1

Bà Đặng Thị Lynh Trang (ngoài cùng bên trái) tại Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận năm 2015

Mười tám giờ ngày 14/3, các cơ sở có kinh doanh rạp chiếu phim, massage, karaoke, quán bar, beerclub, vũ trường, vui chơi giải trí tụ tập đông người… ở khu vực trung tâm Sài Gòn đã bắt đầu đóng cửa trong một lệnh khẩn ban ra trước đó vài tiếng. Tất cả là nhằm hạn chế dịch cúm Vũ Hán Corona, hay còn gọi là Covid-19.

Một đề xuất từ Sở Y tế là cần tạm dừng mọi hoạt động vui chơi, giải trí để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.

Sài Gòn căng thẳng. Sài Gòn đêm cuối tuần vắng lặng. Sài Gòn với những con đường bất chợt rộng thênh thang. Sài Gòn với hè phố khu trung tâm ở quận nhứt lúc đã lên đèn, cứ y như thời khắc vào giới nghiêm của miền Nam thời chiến.

‘Tội đồ’ của Sài Gòn ‘giới nghiêm’ đến từ một nữ doanh nhân xứ Phan Thiết có tên Đặng Thị Lynh Trang, 51 tuổi.

Thông báo ngày 10/3 của chính quyền tỉnh Bình Thuận cho biết, theo tự khai thì khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, bà Trang đi xe riêng về thẳng nhà và không ghé đâu. Trong bảy ngày từ khi về nước đến lúc nhập viện hôm 9/3, nữ doanh nhân ở nhà, rất ít ra công ty. Bà chỉ tiếp xúc với người nhà và nhân viên bán hàng tại công ty.

Ban đầu, bà Trang khai với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận chỉ tiếp xúc với 17 người, gồm : chồng, hai con trai, con dâu, cháu ngoại, mẹ ruột, cô ruột, người giúp việc, tài xế, kế toán, 5 nhân viên bán hàng, hai nữ doanh nhân Bình Thuận (đi cùng chuyến bay QR974 ). Sau đó, bà khai lại, lên 21 người.

Hai hôm trước, công ty thiết bị vệ sinh tại quận 1, Sài Gòn thông báo cho tạm đóng cửa văn phòng và showroom vì 4 nhân viên gặp trực tiếp bà Trang tại Phan Thiết, hôm 3/3. Những người tiếp xúc với bà Trang tự đến cơ quan y tế khai báo, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Đến nay, hai nhân viên đã dương tính nCoV, đang điều trị tại Sài Gòn. Ngành y tế Bình Thuận đã hoàn toàn bất ngờ về thông tin này.

Bác sĩ Lê Văn Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết, ban đầu bà Trang thiếu sự hợp tác, nên khó xác định được danh sách F1. Đến chiều 14/3, qua nhiều lần lấy lời khai y tế, tỉnh Bình Thuận đã xác định thêm một số trường hợp khác, tổng cộng đã có 31 người từng tiếp xúc gần với bà này và 100 người thuộc diện F2. Ông Hồng cho biết nhóm 4 nhân viên công ty thiết bị vệ sinh ra Bình Thuận tiếp xúc với bà Trang chưa được tính vào 31 người F1 trên. Ngoài ra, một số người khác cũng đã tiếp xúc với bà vào sáng 2/3 tại Sài Gòn, tuy nhiên ông Hồng nói chưa rõ những người đó là ai.

"Để tránh bỏ lọt F1, kiểm soát tốt hơn nguồn bệnh, tới đây chúng tôi buộc phải phối hợp với Công an tỉnh để truy tìm thêm trường hợp có khả năng đã tiếp xúc với bà ấy", bác sĩ Hồng cho biết.

"Nồng độ virus của bệnh nhân cao, bệnh trong thời kỳ khởi phát nên cơ thể thải virus mạnh. Người tiếp xúc gần hít phải giọt bắn nhỏ hoặc dịch tiết của người này dễ lây bệnh", bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam nhận xét trường hợp ‘bệnh nhân 34’ - Đặng Thị Lynh Trang.

Bệnh nhân từ Mỹ về ngày 2/3, ngày 5/3 có triệu chứng ho, sốt nhưng đến 9/3 mới vào bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận khám và cách ly. Nếu bà Lynh Trang có ý thức tốt vì cộng đồng, chắc không đến nỗi khiến Sài Gòn lâm vào cảnh tình hiện tại.

Bệnh dịch không chỉ thử thách sức đề kháng của con người sinh học, chúng là chất thử nghiệt ngã đối với con người xã hội, kinh tế và chính trị. Sau hàng triệu năm tiến hóa sinh học và kỹ thuật tổ chức xã hội, có lẽ nỗi ám ảnh đó sẽ chưa mất đi trong tương lai gần. Và một Sài Gòn ‘giới nghiêm’ hôm nay cho thấy thử thách nghiệt ngã này vẫn còn nguyên giá trị với những nỗi ám ảnh tương tự như câu chuyện về tháng tư đen ở bốn mươi lăm năm về trước…

Hiền Vương

Nguồn : VNTB, 15/03/2020

********************

Có bao nhiêu con vi-rút ở mùa dịch hiện nay ?

Lynn Huỳnh, VNTB, 15/03/2020

Câu hỏi đặt ra là phải chăng mùa dịch bệnh suốt 3 tháng qua ở Việt Nam là đến từ ít nhất 3 con vi-rút ?

Đầu tiên là tên gọi theo âm Hán - Việt : vi-rút Vũ Hán. Sau đó, lại có con vi-rút được báo chí viết là Corona. Thời gian sau, lại thấy ghi tên mới Covid-19 và mở ngoặc ghi thêm còn mang tên SARS-CoV-2.

saigon2

Virus Corona chủng mới là "virus Vũ Hán" vì chính Trung Quốc nói rằng Vũ Hán là nơi khởi đầu của virus dù virus này đã được Ủy ban quốc tế về phân loại virus đặt tên là Hội chứng hô hấp cấp tính nặng virus Corona 2

Thế nhưng trên báo chí ngoại quốc (1) lại ghi đây là "Pneumonia in Wuhan", tức "Viêm phổi Vũ Hán".

Đầu tháng 2/2020 trên báo chí Việt Nam hầu hết đều sử dụng cụm từ "dịch viêm phổi Vũ Hán" (2)

Trong các cuộc phỏng vấn trên CNBC và Fox News ngày 6/3, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo gọi virus Corona chủng mới là "virus Vũ Hán" dù virus này đã được Ủy ban quốc tế về phân loại virus đặt tên là Hội chứng hô hấp cấp tính nặng virus Corona 2 (SARS-CoV-2). Khi được người dẫn chương trình Fox News hỏi lại, ngoại trưởng nói "chính Trung Quốc nói rằng Vũ Hán là nơi khởi đầu của virus". "Đâu phải từ ngữ của tôi. Từ ngữ của chính Trung Quốc đó", ông Pompeo nói.

Ngạn ngữ Trung Quốc có câu, "Chỉ hươu, bảo ngựa", và nếu cứ nhắc đi nhắc lại mãi về Corona, về Covid-19, về SARS-CoV-2… thì rốt cuộc đa số người nghe cũng thụ động chấp nhận là đúng và quên mất đi nơi ‘chôn nhau cắt rốn’ ra con vi-rút này là thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Chỉ khi hiểu đúng về nguồn gốc xuất xứ thì người ta mới có dịch tễ đúng, và đây không phải là điều kỳ thị với người Trung Quốc.

Nếu cứ lập lờ với quá nhiều tên gọi khác nhau, đến lúc nào đó khi đã ‘năm nghi - mười ngờ’, thì trong mắt công chúng, Vũ Hán sẽ là nơi chốn mà tử thần từng giũ sổ. Bởi tâm lý người dân luôn nghĩ rằng có gì đó nên mới ‘giấu như mèo giấu…’ - kiểu như thành ngữ ‘sweep under the carpet’ ở Tây phương.

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 15/03/2020

Chú thích :

(1)https://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2761044

(2)https://thanhnien.vn/the-gioi/dau-hieu-lac-quan-ve-dich-viem-phoi-vu-han-1181675.html

Tham khảo :

https://tuoitre.vn/benh-viem-phoi-vu-han.html

https://vnexpress.net/tag/viem-phoi-vu-han-1259156

http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/dich-viem-phoi-vu-han-anh-huong-gi-den-kinh-te-trung-quoc-va-the-gioi/318466.html

https://viettimes.vn/cap-nhat-so-lieu-dich-viem-phoi-cap-vu-han-sang-6-2/2020-so-mac-benh-moi-giam-nhung-so-tu-vong-gia-tang/379875.html;…

Published in Diễn đàn

Thành phố Hồ Chí Minh "mất trắng" 18 địa danh : Sở Văn hóa và thể thao nói gì ?

Hoàng Nghị, Đình Trường, Lao Động, 29/02/2020

Ngày 27/2, trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Hoàng Nghị - Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và thể thao Thành phố Hồ Chí Minh) đã cho biết ý kiến xung quanh việc hàng loạt địa danh  có tuổi đời cả trăm năm của thành phố bị "mất trắng". Theo đó, việc các công trình phá bị bỏ hay thay thế "đã được cân nhắc kỹ lưỡng giữa hai yếu tố bảo tồn và phát triển".

sg1

Đình Trường : Phía Sở Văn hóa và thể thao ý kiến gì về bản danh sách 18 địa danh biến mất khỏi Thành phố Hồ Chí Minh đã được Báo Lao Động phản ánh trong loạt bài viết gần đây ?

Hoàng Nghị : Tôi cho rằng giữa bảo tồn và phát triển luôn luôn là hai quá trình song song, nên chúng tôi đã cân nhắc hết sức và tính toán kỹ các phương án. Phương án được đưa ra phải phù hợp cho sự phát triển chung của thành phố. 

Sau quá trình cân nhắc giữa các ngành rồi thành phố mới xem xét để đưa tới quyết định thay thế hay nâng cấp các công trình lâu đời. Với cả có những công trình đã xuống cấp quá rồi, giữ làm sao được. Khó lắm, trong thực tế nó rất là khó!

Các công trình có thể bị thay thế nhưng chúng tôi đã lưu ý sử dụng một số yếu tố, chi tiết cũ ở công trình mới để lưu giữ lại những kỷ niệm, những ký ức về di sản đó. Như thương xá Tax  giữ lại các yếu tố về thiết kế, cầu Nhị thiên đường giữ lại hàng cột đèn,...

Hay cũng cần thông tin cho rõ lại như Trại David không phải "mất trắng" mà đã được công nhận di tích quốc gia, sắp tới Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cùng với Bộ Quốc Phòng tiến hành trùng tu, tôn tạo. Hoặc khu di tích Ba Son sắp tới sẽ lập đề án và đang tiến hành thực hiện dự án tôn tạo với tổng diện tích với 6.000m2,...

Đình Trường : Trước khi một số công trình bị phá bỏ, phía Sở Văn hóa và thể thao với chức năng của mình có đưa ra ý kiến hay kiến nghị nào không ?

Hoàng Nghị : Hầu hết với các công trình, phía chính quyền thành phố đều xin ý kiến các sở, ngành để cân nhắc trước khi đưa ra hội đồng quy hoạch kiến trúc. 

sg2

Thương xá Tax - công trình từng gắn bó hơn 130 năm thăng trầm với Thành phố Hồ Chí Minh nay đã không còn nữa.

Đình Trường : Nhiều ý kiến cho rằng, các công trình bị biến mất do không được công nhận là di tích nên đã không có cơ chế nào để bảo vệ ?

Hoàng Nghị : Điều đầu tiên khi làm hồ sơ xếp hạng di tích là phải có đơn đề nghị của chủ sở hữu hoặc là người có quyền quản lý trực tiếp. Hiện nay, có một số khó khăn trong luật hiện hành là cơ sở hay công trình có đủ điều kiện nhưng người ta không đề nghị, không làm đơn để xét di tích.

sg3

Cầu Nhị Thiên Đường sau khi nâng cấp còn lại hàng cột đèn gợi nhớ về kiến trúc cũ.

Hơn nữa, khi xếp hạng di tích cần phải có nhiều nội dung như : bản vẽ, bản chụp, khu khoanh vùng bảo vệ di tích... Cần phải vào tận nơi để khảo sát di tích đó, xem nó có kiến trúc và hiện vật gì. Phải khảo sát toàn bộ di tích, nhưng nếu với công trình chủ sở hữu tư nhân họ không đồng ý, họ không cho mình vào thì làm thế nào được, vào mặt mũi họ không vui thì mình cũng đâu có vui. 

Ví dụ như một số công trình như Bưu điện thành phố, Chợ Bến Thành… rất xứng đáng nhưng chưa đạt được sự đồng thuận trong việc đề nghị xếp hạng di tích nên không đủ thành phần hồ sơ để mà tiến hành xét duyệt. 

Theo tôi, việc này nên điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. 

Đình Trường : Vậy đâu sẽ là cách thức để chúng ta có thể bảo tồn những địa danh chưa được xếp hạng trước nguy cơ chúng có thể bị xâm hại bất cứ lúc nào ?

Hoàng Nghị : Vào năm 2017, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định đưa 100 công trình vào danh mục kiểm kê di tích . Đây là các công trình có giá trị nhưng chưa được xếp hạng. Theo quy định cứ 5 năm là phải rà soát lại nên hiện nay, Sở Văn hóa và thể thao tiếp tục kiểm tra, bổ sung các công trình địa điểm có đủ tiêu chí và khả năng để đưa vào danh sách này. 

Với những công trình đã được đưa vào danh mục kiểm kê thì sẽ được đối xử như di tích.

Đình Trường : Trong bài phỏng vấn với báo Lao Động, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa có cho rằng, nhiều người nghĩ rằng, đến Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là để kiếm tiền, là để làm kinh tế. Điều này dẫn đến ý thức về văn hóa, về giá trị của lịch sử phần nào giảm đi. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào ?

Hoàng Nghị : Tôi không cho rằng như vậy. Chúng ta phải đặt những vùng đất trong bối cảnh lịch sử, phát triển hay điều kiện tự nhiên của nó. Con người ở đây họ cởi mở, họ dung hòa các yếu tố văn hóa từ các nơi. Chứ không hẳn người ta chỉ quan tâm kinh tế mà không quan tâm văn hóa. 

Nhưng phải thừa nhận thực tế là thời gian qua, đầu tư cho văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh chưa xứng tầm. Đó là đầu tư chứ không phải nhận thức con người. Vì vậy cần phải tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị các văn hóa nói chung và các công trình di sản nói riêng.

Đình Trường

Nguồn : Người Lao Động, 29/02/2020

Published in Văn hóa

Anh công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất sau khi xem hộ chiếu của tôi hỏi : 'Anh là Nguyễn…'

sg1

'Sài Gòn của tôi không còn nữa'

Tôi hồi hộp đón nghe chữ Hòa bút danh của tôi, nhưng không phải, anh ta xướng tên cha sinh mẹ đẻ của tôi trên hộ chiếu.

Vậy là điều lo lắng nho nhỏ khi vào Việt Nam đã không xảy ra. Quan sát anh công an từ đầu, không thấy dấu hiệu nào là tôi bị một cái gì đó trong màn hình máy tính của họ.

Cách đây độ vài năm, báo Nhân Dân, Quân đội Nhân Dân… những tờ báo bảo vệ "quan điểm đường lối" cứng rắn nhất, có lần hài bút danh tôi trên những bài báo của họ, cho là tôi đã xuyên tạc thế này thế kia.

Vào Việt Nam lần này tôi chuẩn bị tinh thần là họ sẽ không cho tôi vào, hay tệ hơn là sẽ giữ tôi vài giờ để thẩm vấn gì đó rồi đuổi ra.

Tính nghĩa hiệp của người Sài Gòn còn không ?

Nhưng không có gì xảy ra cả.

Họ chưa biết thân phận tôi ?

Họ biết nhưng chẳng thấy tôi là cái gì quan trọng ?

Họ không quan tâm tới nữa ?

Thời điểm này không có sự kiện gì quan trọng nên họ cho tôi vào ?

Hay đơn giản như một nhà bất đồng chính kiến sau đó nói với tôi, là họ hết tiền, không có người làm ?

Mà thôi chuyện đấy là chuyện của họ, còn chuyện của tôi là háo hức xem thành phố Sài Gòn của tôi đổi thay như thế nào trong hơn chục năm qua.

Một sự đổi thay kinh hoàng !

Cao ốc và nhà đất

Tôi hoàn toàn không nhận ra những con đường từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố.

Kế tiếp khi vào đến trung tâm tôi cũng không nhận ra nốt.

Con đường Lê Duẫn (trước đó là 30/4, trước nữa là Thống Nhất), trong tâm khảm tôi là một đại lộ rộng lớn, nay trở thành một con đường hẹp với hai hàng cao ốc sừng sững hai bên.

Đường Nguyễn Thi Minh Khai (trước kia là Xô Viết Nghệ Tĩnh, trước nữa là Hồng Thập Tự) biến mất, chỉ còn những tòa tháp bằng kính và bê tông sắt thép cao ngút mắt.

Con đường Lê Quý Đôn thơ mộng nhường chỗ cho một làng nướng vĩ đại với các kiểu quán ăn san sát.

Tôi tìm tới một con hẻm trên đường Phạm Ngọc Thạch (trước kia là Duy Tân) vẫn còn một dãy ghế thấp của một hàng cà phê cóc, ngồi đấy mà nhớ cái yên tĩnh trước kia, vì bây giờ thì 24/7 không ngớt xe cộ, lúc nào cũng kẹt.

sg2

Các quán kem và cà phê buổi tối trung tâm quận nhất Sài Gòn

Lên chút nữa là Hồ Con rùa, bây giờ nghìn nghịt xe gắn máy, các tòa nhà hẹp cao chất ngất như đè bẹp các hàng cây sao trăm tuổi.

Quận 1 và Quận 3, một thời vang bóng với những biệt thự sơn màu vàng nhạt, màu trắng, với những giàn hoa giấy từ thời thuộc địa, đã mất tích. Cố công tìm lắm mới thấy một vài bức tường cũ che khuất sau những cửa hàng mặt tiền, hay những biển quảng cáo rực rỡ.

Cái thể xác Sài Gòn "của tôi", nơi cho tôi biết thế nào là một đô thị khi tôi mới chập chững biết đi, nơi cho tôi những tháng ngày vui buồn dưới những hàng cây mát mẻ ở tuổi hoa niên, đã biến mất.

Theo những con số chính thức, bây giờ đã có đến 10 triệu người cư ngụ ở Sài Gòn và những quận mới mở sau này của nó. Tức là cứ 9 người Việt Nam thì có một người sống tại Sài Gòn.

Đông đúc dân cư là một nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho nạn kẹt xe 24/7 của Sài Gòn hiện nay. Nhưng còn một nguyên nhân khác nữa, mà người ta đã nói đến cách đây hơn 30 năm, đó là người ta cứ tiếp tục xây cất ở khu trung tâm những tòa nhà cao ốc, nơi có cả trăm, cả ngàn người, hàng ngày vào làm việc, vậy làm sao mà không kẹt xe cho được.

Thành phố Sài Gòn bây giờ có dáng dấp của bất cứ thành phố của một nước kém phát triển nào trên thế giới, có nghĩa là khu trung tâm cao ốc tài chính thương mại, bao quanh là những vết dầu loang của các khu dân cư mới, lộn xộn nhếch nhác.

Một buổi sáng sớm, tôi vào một quán cà phê của một khu dân cư mới. Gần quán là một con kênh khá lớn, nước đã bắt đầu có màu xám, đầy rác.

sg3

Bên trong một quán cà phê tại trung tâm Sài Gòn

Ngoài tôi ra thì những vị khách sớm sủa của quán đều là những tay "cò" địa ốc, với điện thoại di động trong tay, trò chuyện rôm rả. Sau ít phút có hai người vào ngồi chung bàn với họ, và câu chuyện về đất đai, qui hoạch tiếp tục rôm rả. Anh bạn đi cùng nói cho tôi biết hai người đó là chủ tịch và trưởng công an phường.

Khắp nơi là bảng rao bán đất bán nhà, các văn phòng môi giới nhà đất. Về nguyên tắc đất đai vẫn là sở hữu toàn dân, nhưng các văn phòng tư nhân này làm hết mọi chuyện, từ lo giấy tờ nhà đất, cho đến cả cấp biển số nhà.

Giá một ngôi nhà liên kế (town house bên Mỹ) 3 tầng lầu, trong một khu mới mở như vậy vào khoảng 5 tỉ đồng, tức khoảng 200 ngàn đôla Mỹ, mà xung quanh không có gì cả, từ cống rãnh cho đến vỉa hè.

sg4

Các quán ăn Nhật và Hàn đường Tôn Thất Thiệp

Anh Bảo, một bạn đồng nghiệp cũ mua một căn chung cư ở tầng 6, tại một khu gần cầu Tham Lương, xưa là Hóc Môn, nay là quận 12. Hai vợ chồng sống trong một diện tích 44 mét vuông, chỉ có một phòng ngủ. Giá của căn này là hơn một tỉ đồng, tức là vào khoảng 50 ngàn đôla Mỹ.

Và giá nhà đất tiếp tục lên. Một số người bạn cũ của tôi nhờ đó có trong tay cả trăm ngàn đô la Mỹ, thậm chí cả triệu đô la Mỹ.

Nhưng số người như vậy không nhiều. Đa số những người dân sống ở Sài Gòn hiện nay làm việc trong những khu nhà máy ở ngoại ô, với mức lương khoảng 7 triệu đến 10 triệu một tháng. Họ chỉ có thể ở thuê các gian phòng nhỏ gần khu nhà máy.

Anh Bảo bạn tôi cho biết là gia đình nhỏ của anh mỗi tháng xài khoảng 30 triệu đồng, và anh phải ở trong một khoảng không gian 44 mét vuông như vậy, thì chắc chắn những người làm trong nhà máy kia không bao giờ có thể sở hữu một chổ riêng cho mình.

Chị Hồng bạn tôi làm cho một công ty nước ngoài, hàng ngày đi làm bằng tắc xi. Số tiền chị chi cho việc đi lại hàng tháng lên đến 10 triệu đồng, gần gấp đôi toàn bộ thu nhập của một công nhân bình thường.

Vin, Vin và Vin

Ngoài những cao ốc và nạn kẹt xe, điều thứ hai làm cho tôi có ấn tượng là nhãn hiệu Vin ở khắp mọi nơi. Mọi khu phố đều có những cửa hàng tạp hóa Vinmart, rải rác đây đó bảng quảng cáo cho xe hơn Vinfast, ngự trị tại trung tâm thành phố là một cao ốc bán đồ đắt tiền tên là Vincome, dọc bờ sông Sài Gòn là các cao ốc Vinhome sừng sững, với trung tâm là một tòa nhà, nghe nói cao nhất nước, 81 tầng, mà đi đâu ở Sài Gòn người ta cũng có thể nhìn thấy nó.

sg5

Khu cao ốc Vinhomes và tòa nhà 81 tầng nhìn từ sông Sài Gòn

Chị Hồng bạn tôi khen ông Vượng, chủ của nhãn hiệu VIN là một người giỏi giang.

Một người em họ của tôi là Huy nói rằng Vin đang rất được chính phủ hỗ trợ, có tham vọng làm tất cả mọi sản phẩm phục vụ người dân, theo nguyên văn lời Huy, là từ khi chào đời cho tới lúc nhắm mắt.

Chị Minh, một người bạn khác của tôi, là giáo viên đại học về hưu, lại mắng ông chủ của Vin là tay lừa đảo, móc ngoặc với các viên chức tham nhũng để chiếm những khu đất mắc tiền, những khu đất lẽ ra phải phục vụ công ích như khu bờ sông Sài Gòn chẳng hạn.

Anh P, một nhà bất đồng chính kiến thì nói với tôi rằng chuyện lên như diều gặp gió của Vin chắc chắn có nhiều rủi ro, vì nền kinh tế chính trị Việt Nam là nền kinh tế chính trị sân sau, hàm ý ông Vượng chắc cũng là sân sau của ai đó trên trung tâm quyền lực.

Huy em tôi là người có chơi chứng khoán khá thành công, tuy vậy Huy không đụng đến cổ phiếu của VIN, mặc dù biết rằng Vin đang được chính phủ ra sức quảng bá và giúp đỡ.

Chị Minh nói với tôi rằng Vin nắm hết cả giới truyền thông Việt Nam, cứ có một bài viết nào không có lợi cho họ thì lặp tức sẽ bị gỡ xuống. Một nguồn tin mà tôi chưa kiểm chứng được nói rằng chuyên gia Đ, lúc đầu cho rằng Vin sẽ không thành công, nhưng sau đó đã đổi giọng khen ngợi Vin.

Anh P nói với tôi ngay cả những người độc lập với nhà nước như anh và một số bạn bè, khi viết về Vin trên mạng cũng cẩn trọng vì e ngại bất trắc xảy ra với mình.

Truyền hình và ngôn ngữ

Cả thành phố hầu như không còn sạp báo nào nữa. Điều cũng hiển nhiên như trào lưu thế giới là thông tin chuyển đi bằng Youtube và truyền hình.

Truyền hình Việt Nam thì tôi không lạ. Khi tôi rời khỏi Việt Nam nó đã có những chương trình giải trí, thương mại rầm rộ. Ghé mắt xem thử một chương trình truyền hình buổi trưa, tôi thấy tính giải trí và thương mại hiện nay còn hơn xưa rất nhiều, với xướng ngôn viên rất trẻ trung và thời trang. Đặc biệt là các tin kiểu xe cán chó, chó cán xe thì đầy ắp.

Điều đáng chú ý nhất là trên các kênh truyền hình này người ta nói bằng một thứ tiếng Việt mà tôi cảm thấy bắt đầu lạ lẫm. Ví du như khi đưa hình ảnh một số em bé ngồi trên thành xe hơi mui trần đang chạy rất nguy hiểm, người kể chuyện thay vì hỏi rằng tại sao cha mẹ các em bé lại để cho con họ như vậy, thì lại nói rằng cha mẹ các em bé "không có động thái gì".

Trên các chuyến xe bus, loa tự động cũng dùng một ngôn ngữ như vậy, thay vì nói ai muốn xuống xe thì bước ra cửa, họ lại thêm vào là ai "có nhu cầu" xuống xe…

Tờ báo Sài Gòn Giải Phóng tôi có ở khách sạn đưa tin ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành ủy, người có trách nhiệm cao nhất ở thành phố này, làm việc với Sở xây dựng về qui hoạch đô thị.

Ông nói như thế này : Sở xây dựng phải xác định "trạng thái không bế tắc" trong chiến lược phát triển đô thị.

Tôi đem câu này ra hỏi một số người bạn Sài Gòn, họ cũng như tôi, không hiểu ông muốn nói gì.

Trong những ngày tôi ở Sài Gòn, chuyện biểu tình ở Hong Kong đang thu hút giới truyền thông cả thế giới. Trong các chương trình truyền hình ở đây tôi không thấy tin này đâu cả. Thay vào đó là câu chuyện một anh nào đó bên Nga chuyên vẽ trên kính xe đầy bụi, cô ca sĩ MT lo cho mẹ ở nhà,…

Và các kênh truyền hình mà tôi xem thu hút rất đông khán thính giả. Tôi không nghĩ rằng các chương trình bằng tiếng Việt từ hải ngoại có thể thu hút đông như vậy khán thính giả trong nước. Truyền thông của nhà nước đang thắng lớn.

Những người muôn năm cũ

Tôi có nhiều bạn bè ở Sài Gòn, những người đã ở Sài Gòn vài thế hệ, và cả những người mới đến.

Đón người bạn biền biệt là tôi trở về, họ không cho tôi trả một thứ gì cả, từ tiền vé tắc xi cho đến cốc cà phê sáng.

Và may mắn cho tôi là họ vẫn nói chuyện với tôi bằng một ngôn ngữ bình thường, không phải loại ngôn ngữ trên truyền hình mà tôi vừa kể.

Họ là những người trung lưu của thành phố này. Mức độ sung túc của họ sàng sàng giống nhau, nhưng quan điểm xã hội chính trị khá đa dạng.

Có những người như chị Hồng chẳng hạn, dù rất bực dọc với những nhũng lạm hàng ngày nhưng nói rằng đâu có thể làm gì khác với một hệ thống mà mình không thể sửa đổi được.

Chị Minh thì muốn rời Việt Nam, nhưng anh chồng không đồng ý. Anh ở đây sống tốt hơn rất nhiều người, buôn bán chứng khoán kiếm lời nhiều. Con cái họ đều đang làm việc ở nước ngoài.

Huy em tôi, đang làm ăn phát đạt nhờ mở một nhà hàng bán cho thực khách người Đài Loan, Trung Quốc làm việc trong các khu công nghiệp, nhưng lại rất lo ngại là người Trung Quốc đang ngày càng hiện diện quá nhiều tại Việt Nam.

Cô em họ tôi là Khánh, làm việc cho một ngân hàng lớn, có hai đứa con đang lớn, thì mặt mày đăm chiêu vì không có cách nào cho các con ra nước ngoài.

Anh bạn Bảo kể cho tôi câu chuyện buồn của gia đình trong đêm chia tay. Anh có đứa con nhỏ bị bệnh tự kỷ, phải tốn tiền cho vào một trường tư nhân, nhưng sau một thời gian, trường bảo là không thể cho bé học ở đó nữa vì ảnh hưởng tới thành tích. Vợ Bảo phải nghỉ việc ở nhà nuôi dạy con gái. Bảo nói với tôi rằng : Đó là nhà mình còn có chút đỉnh tiền, những người công nhân thì sao ?

Bảo cũng nhận xét như tôi quan sát, là vẻ mặt của những người đi xe gắn máy ngoài đường căng thẳng hơn rất nhiều so với trước, và người ta dễ ẩu đả với nhau hơn.

Tôi đi xe bus về khách sạn. Người soát vé là một anh bạn trẻ có gương mặt và cái nhìn rất thân thiện, luôn tay giúp đỡ nhiều bà cụ già buôn bán về muộn.

Ngang qua khu vực số 4 Phạm Ngọc Thạch, thấy đèn đuốc sáng lòa, cả trăm bạn trẻ đang gào thét cùng hai ca sĩ người Hàn Quốc trên sân khấu.

Xe cắt qua cuối đường Nguyễn Huệ, nay đã là một con đường dành cho người đi bộ, cả ngàn người trẻ tuổi đang ăn uống rong chơi, các căn chung cư trên con đường này được cho các quán cà phê thuê, rực rỡ ánh đèn màu. Xe chạy ngang khu VINhomes, tọa lạc trên xưởng tàu Ba Son cũ. Những cao ốc lấp lánh đèn y hệt như cảnh Hong Kong về đêm.

Sài Gòn của tôi có lẽ không còn nữa. Tôi cũng không biết là nên vui hay buồn. Cuộc sống phải đi tới, nhưng đi về đâu ? Những người Sài Gòn tôi gặp lại vẫn chân tình, vẫn chịu chơi, họ vẫn giúp đỡ người khác như anh bạn trẻ soát vé xe bus trước mặt tôi.

Thể xác Sài Gòn không còn nữa, nhưng liệu hồn cốt nó vẫn còn đấy không ?

Joaquin Nguyễn Hòa

Nguồn : BBC, 24/08/2019

Joaquin Nguyễn Hòa từ San Francisco, viết sau một chuyến về thăm Sài Gòn tháng 8/2019.

Published in Văn hóa

Một ngày sau khi có tin ông Nguyễn Hữu Tín, cựu phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ở Sài Gòn bị khởi tố cùng bốn thuộc cấp, các báo Việt Nam đồng loạt đăng bài công kích ông này.

saigon1

Ông Nguyễn Hữu Tín trong một cuộc họp khi còn tại vị. (Hình : Zing)

Ông Tín được người dân Sài Gòn biết đến như là đệ tử ruột của cựu Bí thư Thành ủy Sài Gòn Lê Thanh Hải.

Một chi tiết khiến công luận bất bình là tuy bị khởi tố lần lượt đến hai vụ án hình sự ("Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" liên quan tới Tổng Công Ty Bia, Rượu, Nước Giải Khát Sài Gòn–Sabeco và liên quan cuộc điều tra mở rộng vụ án Phan Văn Anh Vũ) nhưng ông Tín lại được cơ quan điều tra ưu ái cho tại ngoại, chỉ bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo báo Tuổi Trẻ, hồi tháng Sáu, 2015, ông Tín, khi đó còn tại vị, đã ký quyết định chấp thuận cho Công Ty Sabeco Pearl (công ty con của Sabeco) thuê đất 50 năm trả tiền một lần để xây dựng dự án khu phức hợp 6 sao, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê theo hình thức "thuê đất trả tiền một lần".

saigon2

"Khu đất vàng" tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng mà ông Tín bị quy trách nhiệm "cho thuộc về tay tư nhân mà không thông qua đấu thầu". (Hình : Zing)

Mảnh đất này được gọi là "khu đất vàng" vì rộng đến 6.000 m2, tọa lạc tại địa chỉ 2-4-6 đường Hai Bà Trưng ở quận 1. Đến nay khu đất này vẫn là một dự án bỏ hoang.

Báo Tuổi Trẻ hôm 11 tháng Mười Một, viết : "Việc ông Tín cho phép chuyển dự án từ Sabeco sang Công Ty Sabeco Pearl là chưa đúng với pháp luật, trái với phương án sắp xếp xử lý nhà, đất công của Bộ Tài Chính Việt Nam. Ngoài ra, việc chỉ định cho công ty này thuê đất 50 năm trả tiền một lần với giá do cơ quan chức năng thẩm định mà không qua đấu giá quyền sử dụng đất là sai Luật Đất Đai".

Đa phần các ý kiến trên mạng xã hội cho rằng trong vụ sai phạm quản lý đất đai này, nếu chỉ quy cho ông Tín là người phải chịu trách nhiệm cao nhất thì chẳng lẽ chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố lẫn bí thư cùng Ban Thường vụ Thành ủy "đui mù câm điếc cả" ?

Nhà báo Cù Mai Công của báo Tuổi Trẻ đưa cáo buộc về ông Tín trên trang cá nhân : "Ông Tín còn thọc bàn tay của mình vô nhiều dự án khác, từ bãi rác Đa Phước thối tha, đến mảnh đất trường bắn trước đây là nơi xử bắn ở quận 9 rộng 320.000 m2… Tay ông thọc vô đâu, có vấn đề đến đó. Đất nhà nước, sở hữu toàn dân thành sở hữu tư nhân, sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Nói như cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, ‘ăn không từ một thứ gì’".

Giới quan sát cho rằng việc khởi tố ông Tín thêm một lần nữa có thể là chỉ dấu Đảng cộng sản sẽ tiếp tục sờ gáy những quan chức chủ chốt trong vụ sai phạm đất đai Thủ Thiêm, mà hai người được công luận chờ đợi bị nêu tên nhiều nhất là ông Lê Thanh Hải và Tất Thành Cang, phó bí thư thường trực Thành ủy ở Sài Gòn. Tuy vậy, mọi suy đóa n ở thời điểm này đều có vẻ còn quá sớm, khi mới đây ông Cang còn được bổ nhiệm làm trưởng "ban hòa giải, đối thoại" trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án hai cấp.

Trong một diễn biến khác, báo Thanh Niên hôm 11 Tháng Mười Một cho hay, công đoàn ngành giáo dục thành phố ở Sài Gòn vừa ra văn bản yêu cầu giáo viên "nhất trí ủng hộ chủ trương giải quyết vụ khiếu nại đất đai Thủ Thiêm".

Hành động này được hiểu là chính quyền nhận biết đa phần người dân đến nay vẫn không đồng tình với các biện pháp xử lý sai phạm đất Thủ Thiêm nên buộc giới giáo viên ở Sài Gòn tham gia "tuyên truyền, định hướng dư luận nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ chủ trương của Thành ủy". (T.K.)

Published in Việt Nam

"Bên kia sông là ánh mặt trời…", tên một bài hát và là lời nhạc trong một nhạc phẩm do cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang phổ thơ Nguyễn Ngọc Thạch.

saigon1

Bên kia sông là ánh mặt trời... Tư Bản. (Hình : Văn Lang/Người Việt)

Trong bài viết này, chúng tôi không đề cập chuyện văn nghệ, mà chỉ muốn nói khía cạnh đời sống – kinh tế – chính trị, để coi "bên kia sông" Sài Gòn có thực sự là ánh mặt trời, như nhà cầm quyền thành phố này mơ mộng ?

Câu chuyện bên kia sông

Kể từ ngày 1 Tháng Giêng, 2012, bến phà Thủ Thiêm chính thức đóng cửa. Và bên kia sông, tức bên bờ Thủ Thiêm (nhìn từ bến Bạch Đằng – Sài Gòn) ngó qua, đã là một vùng chính thức bị "giải tỏa" trắng. Để kể từ đây, ban lãnh đạo cộng sản thành phố Sài Gòn bắt đầu xúc tiến giấc mơ "bên kia sông" với hy vọng biến Thủ Thiêm thành trung tâm hành chánh – thương mại – văn hóa… của một Sài Gòn mới.

Nhưng từ giấc mơ tới hiện thực đúng là một khoảng cách lớn, khi từ 6 năm qua tới nay (2018) kế hoạch thực hiện chỉ là bản vẽ trên… giấy. Và từ Sài Gòn nhìn qua bên kia sông vẫn là một khoảng trống… đen ngòm.

Dù ban lãnh đạo cộng sản thành phố này đã cố gắng mời một quốc gia thanh lịch thuộc hàng đầu châu Âu tư vấn giúp đỡ cho dự án "bên kia sông". Nhưng chỉ nhận được sự giúp đỡ về mặt tư vấn thiết kế. Còn về phương diện tài chánh vẫn là con số không. Có lẽ, chỉ có những đầu óc thuộc hàng "đỉnh cao trí tuệ", mới tin rằng có thể xây thiên đường cộng sản bằng tiền… tư bản.

Không có tiền đầu tư của tư bản ngoại quốc, dự án bên kia sông đành nằm im "bất động" suốt mấy năm nay. Nhưng giới "Tư bản đỏ" trong nước cũng thừa "nước đục thả câu" và mưu toan vớ bẩm.

Theo báo cáo, hiện có gần 30 ngàn căn chúng cư (thuộc diện nhà ở tái định cư và nhà ở xã hội) không có ai… tới ở. Nực cười thay, hàng ngàn gia đình bên kia sông sau khi nhận tiền đền bù và chịu bị giải tỏa, họ đã phải kéo qua bên đây Sài Gòn. Phải đi thuê nhà trong các khu ổ chuột và thất thểu mưu sinh trên vỉa hè Sài Gòn. Là vì, với số tiền đền bù khoảng 600 triệu, trong khi một căn chúng cư "tái định cư" phải có giá từ 2-3 tỷ đồng. Dù được "cam kết" ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi trong vòng 20 năm. Nhưng do thủ tục rắc rối theo lề lối "hành là chánh" nên dân nghèo chẳng mấy ai mặn mà, chưa kể "dồn cục" hết vô chung cư, kiếm ăn từng bữa đã khó, tiền đâu mà trả lãi cho ngân hàng. Cuối cùng, người dân đành bán "lúa non" suất tái định cư, rồi bồng bế dắt díu nhau qua bên đây bờ sông Sài Gòn. Để đêm đêm trằn trọc, không yên giấc trong cái nóng hầm hập từ những con hẻm nhỏ Sài Gòn, nhớ từng cơn gió mát Thủ Thiêm một thời lồng lộng, mát rượi tâm can.

Chủ đầu tư thì vội vàng, hý hửng báo cáo là vì nhà ở tái định cư "không người tới ở", nên xin chuyển đổi công năng từ cao ốc nhà ở sang thành… trung tâm thương mại. Với chiêu thức "hóa đá thành vàng" này, giới đầu tư hốt bạc. Trong khi ngân sách thì cũng chỉ thu thêm được ít tiền thuế… tượng trưng. Điều này giải thích tại sao mấy "tỷ phú đỏ" ở Việt Nam hiện nay đều nằm trong giới mua bán chính sách – bất động sản.

saigon2

Một người dân ngồi câu cá bên phía bờ Thủ Thiêm, phía bên kia là trung tâm thành phố Sài Gòn. (Hình : Getty Images)

Bên kia sông vắng tiếng chuông chùa

Văn, thơ, nhạc… Việt Nam (dù là trong thời cộng sản), để ca ngợi một vùng đất yên bình (dù là trong nghèo đói), không thể thiếu tiếng chuông chùa trầm buông khi chiều xuống. Hay tiếng chuông nhà thờ rộn vang xa, khi nắng lấp lánh trên dòng sông sóng vỗ đôi bờ…

Nhưng gần đây, bên kia bờ Thủ Thiêm đã vắng tiếng chuông chùa, khi chùa Liên Trì bị "xóa".

Phơi mình trong nắng chiều hiu quạnh, là số phận mong manh của nhà thờ Thủ Thiêm và tu viện của các nữ tu dòng Mến Thánh Giá.

Chính sách tách biệt tôn giáo khỏi dân, xưa nay vẫn là "quốc sách" của cộng sản.

Những khu đô thị mới, tuyệt nhiên không cấp giấy phép xây dựng cho các cơ sở tôn giáo (bất kể đình, chùa, nhà thờ hay miếu, đền).

Điển hình như khu Phú Mỹ Hưng của Sài Gòn. Dù chủ đầu tư, cũng như một vài chức sắc hiểu chuyện trong chính quyền đã hết sức kiên nhẫn trong việc "chạy" xin giấy phép cho một vài công trình tôn giáo. Vì họ hiểu, muốn cộng đồng thịnh vượng phải "an cư lạc nghiệp", như thế không thể không an định tâm linh. Nhưng nhà cầm quyền cộng sản, nhất quyết từ chối cấp phép xây dựng.

Điều này dẫn tới việc có rất nhiều doanh nhân gốc Nam Hàn, đem theo cả gia đình tới sinh sống ở Phú Mỹ Hưng. Nhưng do không có nhà thờ, nhiều người Nam Hàn phải dùng Văn phòng công ty làm nhà nguyện (đa số dân Nam Hàn ở Sài Gòn theo đạo Tin Lành).

Việt Nam lâu nay rất muốn lấy lòng Nam Hàn, và cộng đồng Nam Hàn ở Việt Nam là đông nhất trong khối ngoại quốc, đa số họ tỏ ra hòa đồng, thân thiện với dân Việt. Nhưng chỉ với một việc đơn giản là có "nhà nguyện" cũng không được chấp thuận. Việt Nam rõ ràng đang theo đuổi chính sách "thêm thù, bớt bạn". Trong khi đó rõ ràng thế nước đang trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc".

Vì sự ấu trĩ của người cộng sản vô thần, cộng thêm thói kiêu căng, thiển cận… cộng sản Việt Nam có lẽ chẳng bao giờ có thể hiểu ra một điều giản dị, nhưng lại là chân lý muôn đời là : "Nơi nào vắng tiếng chuông từ bi, thì nơi đó cái xấu, cái ác sẽ cùng ma quỷ đội mồ sống dậy". 

Văn Lang

Nguồn : Người Việt, 29/04/2018

Published in Diễn đàn
samedi, 07 octobre 2017 12:34

Lần đầu đến Sài Gòn

Hôm 24/5/2016, Tổng thng Hp Chng Quc Hoa Kỳ (United States of America), Barack Obama, đến Sài Gòn ln đu tiên. 43 năm trước, hè năm 1973, tôi cũng đã ln đu tiên đến Sài Gòn.

saigon00

Sài Gòn, nhìn từ trên cao.

Xin vn tt k li như sau :

Hè 1973, sau khi kết thúc năm học thứ 3 Đại học Sư Phạm Huế, tôi v Hòa Khánh (cách Đà Nng non 10 km) đ ngh hè. Gia đình tôi tn cư đến đy. Nhưng chưa ngh được ngày nào thì có người r đi làm th n trên đèo Hi Vân. Tôi đi làm ngay vì mun có ít tin đ vào Sài Gòn cho biết "Hòn Ngc Vin Đông" nó như thế nào !

saigon1

Nắng Sài Gòn anh đi mà cht mát,

Bởi vì em mc áo la Hà Đông

(Áo lụa Hà Đông - Nguyên Sa – Trần Bích Lan)

saigon2

Con đường Duy Tân cây dài bóng mát

Buổi chiu khuôn viên mây tri xanh ngát

(Trả li em yêu – Phạm Duy)


Và ca khúc "Ghé bế
n Sài Gòn" của Nhc sĩ Văn Phng c thôi thúc tôi !

Công vic th n ca tôi là xây các vách hai đu các cng thoát nước. Vách có hình thang vuông : đáy 2 mét, đnh 0,2 mét. Cng có đường kính 2 mét, bng thép. Và xây các đường dn nước phía vách núi để khi mưa ln, nước chy mnh, không b xói l. Mi ngày được tr 250 đng.

Tôi dự đnh s bt xe Phi Long hay Tiến Lc đ đi Sài Gòn. Nhưng, làm được hơn mt tháng, đã có hơn 10.000 đng (1 xe máy Honda 50 cc nguyên thùng ch 29.000 đng) thì ông anh h nói s gi đi máy bay. Thích quá !

Đúng ngày giờ hn, tôi đến ch làm ca ông anh h (gn Bo tàng điêu khc Chăm Đà Nng). Ch mt lát thì có người đc danh sách nhng người được bay chuyến sáng hôm y. Nghe tên mình, tôi lên xe.

Chiếc GMC ch gn 30 người, chy ra phi trường Đà Nng. Xe đến gn mt chiếc máy bay khng l. Đó là chiếc máy bay Lockheed C-130 Hercules. Chúng tôi được hướng dn lên máy bay t phía đuôi máy bay và được chia đu ngi dc hai bên. Mi ghế mt người và phi buc dây ngang bng.

Tấm bc ln đuôi máy bay được nâng lên, khép kín phía đuôi máy bay và chiếc Lockheed C-130 Hercules lăn bánh, ct cánh. Qua ô ca nh, tôi thy bên dưới là núi rng trùng đip. Có l "nó" đang bay trên Tây Nguyên.

Tôi đã bay trên một s loi máy bay trc thăng, C123… nhưng phi công nhn anh C130 này rt êm, rt thoi mái.

Có người bo : "Đến ri ! Sông Đng Nai kia ri !" Và máy bay h dn đ cao ri đáp xung phi trường Tân Sơn Nht.

Tôi lên một chiếc Lambretta ba bánh đ ra cng phi trường ri đi xích lô v nhà bạn, người bn cùng lp thi trung hc, đã vào Sài Gòn đ hc Đi hc.

Ngày thứ nht, bn giao cho tôi mt chiếc xe máy Suzuki. Tôi đi đ xăng và mua mt cái bn đ Th đô Sài Gòn và bt đu khám phá "Hòn Ngc Vin Đông".

Tôi đến đường Trương Minh Ký, ngắm Đại hc Vn Hnh. Đi hết đường Trương Minh Ging, r trái, đến Ngã tư By Hin, ngm Bnh vin Vì Dân đ s, vào Hương l 14 đ thăm ông anh cô cu. Khu By Hin có rt đông người Qung Nam vào làm ăn sinh sng.

chơi nhà ông anh cô cu đến 14 gi, tôi đến đường Trn Quc Ton đ thăm bà ch kết nghĩa. Năm 1964, Qung Nam b lt ln, thit hi khng khiếp v người và tài sn. Trường Trung hc Trưng Vương (Sài Gòn) ca ch N. quyên tin giúp hc sinh min Trung. Lp 11A2 ca ch N. đã gi tin giúp lp tôi. Tôi và bạn tôi, mi người nhn được 200 đng. Tôi viết thư cm ơn lp 11A2 ca ch N. T đó, ch N. và tôi thường viết thư cho nhau. Ch N. hc trên tôi hai lp. Tôi cũng nhn được nhiu thư ca các ch cùng lp vi ch N. na. Ba ch N. là mt Bác sĩ và sau này chị N. cũng tr thành mt Bác sĩ. 21 năm sau (1973-1994), trong dp đi tăng cường cho Bnh vin đa khoa tnh Ninh Thun, ch N. có đến Khu tp th trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Ninh Thun đ thăm gia đình tôi.

Từ giã ch N. và gia đình, tôi đến ch Bến Thành, đi qua nhà sách Khai Trí, vòng ra đường Bch Đng chiêm ngưỡng tượng đài Đi Vương Hưng Đo – Trn Quc Tun.

Sau đó, tôi đến dinh Đc Lp, ngm công trình ca Kiến trúc sư lng danh Ngô Viết Th, đến chiêm ngưỡng Nhà th Đc Bà ri đến Bo tàng Lch sử.

saigon3

Dinh Đc Lp, ngm công trình ca Kiến trúc sư lng danh Ngô Viết Th

Tại Bo tàng Lch s, nhìn nhng cây cc Bch Đng, hình nh Hai Bà Trưng, Bà Triu, Ngô Quyn, Lý Thường Kit, Trn Quc Tun, Lê Li, Quang Trung… lòng tôi dào dt cm xúc t hào, cm phc cha ông mưu trí, anh hùng, kiên cường, bt khut! Ngm nhng phiên bản trng đng Đông Sơn, thp đng Đào Thnh, nhng mũi tên đng… tôi như thy li c mt quá kh gian kh, hào hùng và tài hoa ca dân tc !

Rời Bo tàng Lch s, tôi vào Tho Cm Viên đ xem voi, gu, sư t… Con h trong Tho Cm Viên, lúc này, trông rất ging con h ca Thế L trong bài thơ nc tiếng "Nh rng". Nó khinh khnh, nghênh ngang, d dn, hung tn lm ! Chc là được ăn ung đy đ nên rt sung sc, mnh m.

Gần 17 gi, khát nước và mt, tôi quay v nhà bn. Gp mt ch bán trái cây, đang đẩy xe đi bên đường, tôi dng li, hi: "Bao nhiêu mt chc cam vy ch?". Ch tr li ngay : "Bn đng chú à !". Tôi nói : "Ch bán cho em mt chc !". Ch nht cam, b vào mt bao giy đã được dán sn. Tôi tr tin cho ch.

Cầm b cam, nghe nng nng, tôi mở xem. Thy 13 trái cam, tôi nói vi ch: "Dư 3 trái ch ơi !". Ch bo : "Không dư đâu ! Mt chc là 12 trái, tôi biếu chú 1 trái na là 13. Nghe tiếng chú, tôi biết chú ngoài Trung mi vào. Qung Nam phi không ? đây, tôi tính chc 12, ch chú xung min Tây, người ta tính cho chú chc 14, chc 16 na kìa". Tôi vô cùng ngc nhiên : chc 12, chc 14, chc 16 và còn biếu 1 trái vì "tôi biết chú ngoài Trung mi vào" ! Người Sài Gòn sng nghĩa tình quá ! Tôi vô cùng cm đng trước tình cm ca ch bán trái cây, tôi nói : "Vậy, em cm ơn ch! Chào ch nhé !".

Ngày thứ hai, tôi đi lung tung : đến cu Ch Y, qua Khánh Hi, đến Đa Kao, Ch Ln… Đi trên các con đường Tú Xương, H Xuân Hương, Bà huyn Thanh Quan… rp bóng me, hoa và lá me rc vàng trên đường. Đúng là những con đường dành cho các nhà thơ !

Đến chiu, tôi đến nhà sách Khai Trí, mua gn 20 quyn sách các loi : t đin, thơ, tiu thuyết, sách dch, sau khi tính toán s tin cn đ ăn ung và đi xe.

Sáng hôm sau, tôi chia tay bạn và lên xe Phi Long đ v li Đà Nng.

Xe chạy ti Sa Huỳnh thì tri ti, nhng người anh em con Lc cháu Hng đang bn giết nhau, xe không th đi tiếp. Xe phi đưa hành khách xung b bin đ lên 2 chiếc thuyn. Thuyn chy cách bờ vài cây s. Nhìn vào trong đt lin, thy đn bay đ tri, ha châu chiếu sáng, tiếng súng ln nh, lúc nht lúc thưa. Tôi không hiu sao người Vit Nam mình li thích bn giết nhau d vy !

Ra tới quãng th xã Qung Ngãi, thuyn mi cp bến, chúng tôi lên bờ và lên xe – mt xe Phi Long khác – đ đi tiếp ra Đà Nng.

Đấy, ln đu đến Sài Gòn ca tôi là như vy. Còn rt nhiu tình tiết nhưng tôi xin thut vn tt như thế vì s làm mt thì gi ca người đc !

Sài Gòn thật tuyt vi ! Đúng là mt Hòn Ngc ! Hòn Ngọc không ch là nhà ca, lâu đài, cao c, đường sá… mà quan trọng hơ(tôi nhấn mnh), đó là Hòn Ngc ca Tình Người, ca Nhân Cách, ca Tâm Hn người Sài Gòn !

Ninh Thuận, 24/5/2016

Phan Thành Khương

Nguồn : VOA, 05/10/2017

Published in Văn hóa

14g30, bầu trời đen kịt, mưa lớn kèm giông trút xuống trên diện rộng khiến nhiều người đi đường ngã nhào.

Cơn mưa lớn đổ xuống các quận trung tâm Sài Gòn, sau đó lan rộng. Bầu trời đen kịt, nước mưa trút xối xả hạn chế tầm nhìn khiến tất cả xe trên đường đều phải mở đèn.

sg1

Ngập nặng ở quận 7 khiến nhiều xe ngã nhào. Ảnh: Phạm Duy.

Chỉ hơn nửa giờ sau, hàng loạt các tuyến đường ngập nặng, nghiêm trọng nhất là Huỳnh Tấn Phát (quận 7). Con đường dài gần 5 km hiện giống như sông. Hàng chục người chạy xe máy ngã nhào khi có gió to, hoặc ôtô chạy ngang qua tạo thành sóng.

Dắt xe trong nước ngập gần một mét bốc mùi hôi nồng nặc, giọng chị Mỹ Duyên bạt trong gió: "Mưa to kinh khủng. Nước tấp vào mặt không ai thấy đường chạy xe".

sg2

Nền nhà cao hơn mặt đường Huỳnh Tấn Phát 30 cm, song tiệm hoa vẫn bị ngập. Ảnh: Phạm Duy.

Nhân viên công ty thoát nước đô thị có mặt khá đông. Họ chia nhau hỗ trợ người dân bị ngã, dắt xe chết máy... đưa vào lề đường. Một số khác cắm biển cảnh báo, hạn chế tốc độ xe tải, ôtô hoặc moi rác tại các cống để nước thoát nhanh hơn. 

Mưa cũng gây ngập hơn nửa chiếc taxi trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh) khiến giao thông ùn tắc. Tại các tuyến đường Lê Văn Lương (Nhà Bè), Nguyễn Xí (Bình Thạnh), Đỗ Xuân Hợp (quận 9), Xa lộ Hà Nội (quận 9), Quốc Hương (quận 2)... cũng trong tình trạng tương tự.

Cơn mưa lớn trút xuống Sài Gòn trong khoảng một tiếng rưỡi, sau nhiều ngày liền nắng gắt, không khí oi nồng.

sg3

Hàng loạt đường ngập nặng. Ảnh: Phạm Duy

Theo Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ, mây giông phát triển khá nhanh vào trưa nay ở hầu khắp miền Đồng và Tây, gây mưa lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang... Lượng mưa phổ biến 15-20 mm, có nơi đạt 40 mm.

Phạm Duy - Hữu Công

Published in Việt Nam