Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bản tuyên bố phản đối tư pháp Việt Nam trong xét xử vụ Đồng Tâm (RFA, 06/07/2020)

Một bản tuyên bố được các tổ chức xã hội dân sự và cá nhân lập ra hôm 5 tháng 7 năm 2020 với nội dung phản đối Tư pháp Việt Nam có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng hình sự trong xét xử vụ án Đồng Tâm.

vn1

Cổng làng Hoành, xã Đồng Tâm - AFP

Sau khi Bản tuyên bố được công khai trên mạng vào ngày 5 tháng 7 có bốn tổ chức và gần 20 cá nhân ký tên.

Bản Tuyên bố nhắc lại Cáo trạng mà Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội công khai ngày 25 tháng 6 năm 2020 nêu ra 29 bị can bị truy tố trong vụ án ‘giết người, chống người thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm’. Trong đó, 25 người bị truy tố về tội giết người với khung hình phạt từ 12 năm đến tử hình, và 4 người về tội chống người thi hành công vụ với khung hình phạt theo luật Việt Nam từ 2 đến 7 năm tù.

Theo Viện Kiểm Sát Nhân dân Hà Nội thì các ông Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Lê Đình Uy trực tiếp thực hiện hành vi giết người. 22 người còn lại bị cho tham gia với vai trò đồng phạm.

Bản tuyên bố chỉ ra rằng, có đến 25 bị can đối diện với án tử hình, nhưng đến nay các luật sư bào chữa vẫn chưa được tiếp cận được hồ sơ, chưa được tiếp xúc với các bị can, là hành vi vi phạm rất nghiêm trọng luật tố tụng hình sự của các cơ quan tư pháp.

Những tổ chức xã hội dân sự và cá nhân lập bản tuyên bố, yêu cầu các cấp có thẩm quyền phải chuyển giao hồ sơ vụ án cho các luật sư tham gia bào chữa và cho các luật sư tiếp xúc các bị can. Đồng thời yêu cầu phiên tòa xét xử diễn ra trong sự tranh tụng công khai dân chủ theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, để việc xét xử đúng theo qui định của pháp luật.

Xin nhắc lại, rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020, chính quyền cho một lực lượng đông đảo quân được trang bị vũ khí tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm giết ông Lê Đình Kình, người được xem là đại diện cho người dân thôn Hoành trong việc khiếu kiện giữ đất, và bắt đi 29 người dân Đồng Tâm.

**********************

Ba luật sư gặp tù nhân chính trị Trương Duy Nhất để chuẩn bị cho phiên phúc thẩm (RFA, 06/07/2020)

Tù nhân chính trị Trương Duy nhất vào tuần qua có cuộc gặp với ba luật sư bào chữa để chuẩn bị cho phiên xử phúc thẩm dự kiến sẽ diễn ra theo qui định của Việt Nam sau phiên sơ thẩm vào tháng 3 vừa qua.

vn2

Blogger Trương Duy Nhất tại phiên tòa ở Hà Nội hôm 9/3/2020 - AFP

Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong ba luật sư có cuộc gặp với tù chính trị Trương Duy nhất tại trại giam T16, Bộ Công an ở Thanh Oai, Hà Nội, cho Đài Á Châu Tự Do biết vào chiều ngày 6 tháng 7 như sau :

"Tuần qua chúng tôi có việc ở Hà Nội nên cũng tranh thủ đến thăm anh Nhất và chuẩn bị một số ý để chuẩn bị cho phiên phúc thẩm. Có ba luật sư đến trong số 7 luật sư bào chữa cho anh Nhất. Bảy người gồm tôi (Đặng Đình Mạnh), luật sư Nguyễn Văn Miếng, Luật sư Hà Huy Sơn, Luật sư Nguyễn Hà Luân, Luật sư Lê Văn Luân, Luật sư Ngô Anh Tuấn và Luật sư Ngô Nọc Trai.

Có hai cán bộ ngồi dự với chúng tôi nên khó chịu một chút nhưng tất cả những gì chúng tôi muốn hỏi thì đã trao đổi được. Anh Nhất vẫn cho là mình vô tội và anh nói anh không hề nghĩ đền việc phải nhận tội để được giảm án.

Việc thăm nuôi lâu nay thì vẫn theo đúng qui định của pháp luật".

Tại phiên sơ thẩm vào tháng 3 vừa qua, ông Trương Duy Nhất bị tuyên án 10 năm tù với cáo buộc ‘lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thì hành công vụ’. Tuy nhiên theo Luật sư Đặng Đình Mạnh thì cáo trạng truy tố ông Trương Duy Nhất đặt ra khá nhiều vấn đề gây tranh cãi. Cũng theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, thậm chí có vấn đề mâu thuẫn với đường lối xét xử trong các vụ án hình sự có liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ ở Đà Nẵng hoặc ngay trong chính vụ án của ông Trương Duy Nhất về việc xác định giá trị thiệt hại vào thời điểm gây án hay thời điểm phát hiện vụ án.

Ông Trương Duy Nhất bị cáo buộc đã bán giá rẻ đất công của báo Đại Đoàn Kết ở Đà Nẵng cho cựu sĩ quan công an Phan Văn Anh Vũ khi ông Nhất là Trưởng văn phòng Trung trung bộ của báo này.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu cụ thể ‘đối với các cựu lãnh đạo báo Đại Đoàn Kết mức giá trị thiệt hại vào năm 2007 được xác định hơn 300 triệu đồng nên họ được miễn tố vì qua thời hiệu. Trong khi đó đối với ông Trương Duy Nhất lại bị định giá trị vào thời điểm năm 2018 với số thiệt hại hơn 13 tỷ đồng và tuyên án ông 10 năm tù.

Ông Trương Duy Nhất nói với ba luật sư đến làm việc vào tuần qua rằng ông là nạn nhân của một ‘đòn thù chính trị’. Khi các luật sư hỏi thêm về tác giả của ‘đòn thù chính trị’ đó thì ông trả lời ‘vì họ không mua được tôi.

Về tình hình sức khỏe của ông Trương Duy Nhất, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết ông bị mất ngủ, ngứa ngáy, toàn thân nổi dấu đỏ như muỗi cắn. Tình trạng này do thời tiết nóng bức ở Hà Nội trong những ngày qua, cộng với điều kiện sinh hoạt của trại giam.

Ông Trương Duy Nhất, 56 tuổi, là nhà báo/blogger chủ trang ‘Một góc nhìn khác’ chuyên đăng tải những bài phản biện đối với chính phủ Hà Nội. Ông từng tham gia viết bài cho trang blog của Đài Á Châu Tự Do. Ông từng bị tù lần thứ nhất vào tháng 5 năm 2013 với mức án hai năm.

Vào ngày 26 tháng 1 năm ngoái, ông được cho là bị mật vụ Việt Nam sang Bangkok, Thái Lan bắt cóc và đưa ông về Hà Nội. Trước đó một hôm vào ngày 25 tháng 1 tin nói ông đến Văn Phòng Cao Ủy Về người tỵ nạn của Liên Hiệp quốc tại thủ đô Thái Lan để xin qui chế tỵ nạn.

************************

Núi rác Cam Ly sạt lở lần 2 (RFA, 06/07/2020)

Bãi rác Cam Ly lớn nhất thành phố Đà Lạt vừa bị sạt lở vào sáng 6/7. Theo tin báo trong nước loan đi thì hàng trăm tấn rác thải và nước thải phát sinh đổ xuống gần khu vực nhà dân.

vn3

Núi rác Cam Ly sạt lở. Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.

Tin cho biết, đợt sạt lở lần này có vị trí trùng với đợt sạt lở vào tháng 8/2019. Như vậy, trong chưa đầy 1 năm nhưng bãi rác đã bị sạt lở hai lần.

Theo ghi nhận của báo trong nước, vụ sạt lở mới không gây ảnh hưởng nhà kính và hoa màu của người dân. Tuy nhiên, tại vị trí núi rác sạt lở, xuất hiện nhiều dòng chảy có màu nước đen kịt bốc mùi hôi rất khó chịu bắt đầu áp sát vào khu vực sinh sống và canh tác nông nghiệp của người dân với khoảng cách chừng 50m.

Phía đơn vị quản lý bãi rác Cam Ly, Công ty Dịch vụ đô thị Đà Lạt đã tới khảo sát, kiểm tra hiện trường tại địa điểm sạt lở sáng ngày 6/7.

Bãi rác Cam Ly nằm trên đỉnh một quả đồi cao khoảng 60m, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 3 km.

Theo phản ánh của người dân, bãi rác này nhiều năm qua thường xuyên gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.

Bãi rác Cam Ly từng phải đóng cửa trong 2 năm từ năm 2015-2017 để chuyển chất thải rắn của Đà Lạt tới Nhà máy xử lý chất thải ở xã Xuân Trường, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 20km.

Đến năm 2017, do nhà máy xử lý chất thải ở Xuân Trường không xử lý hết nên rác thải lại được chuyển về bãi Cam Ly.

Hiện mỗi ngày bãi rác Cam Ly tiếp nhận khoảng 200 tấn chất thải rắn của thành phố sương mù.

Published in Việt Nam