Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam lỗ hơn 1,1 tỉ USD trong các dự án đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước (RFA, 29/07/2020)

Có đến 49 dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2018 lỗ lũy kế với số lỗ lên đến hơn 1,1 tỉ USD. Trong lúc đó nhiều dự án khác chưa báo cáo doanh thu, lợi nhuận, gây nhiều nguy cơ mất vốn nhà nước.

dautu0

Đầu tư của Vietnam Airlines tại Hãng hàng không Cambodia Angkor Air (CCA) đang thực hiện việc thoái vốn. AFP

Báo trong nước trích Báo cáo tình hình đầu tư ra nước ngoài vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi lên Thủ tướng Chính phủ, loan tin ngày 29/7.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2019 có 114 dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước với tổng vốn đăng ký 13,82 tỉ USD và vốn thực hiện lũy kế đến hết năm 2019 đạt khoảng 6,7 tỉ USD.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong báo cáo ngày 31/3 vừa qua cho biết hiện có 8 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc quản lý của Ủy ban có hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

Trong 15 dự án được các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ở nước ngoài, chỉ có 6 dự án hoạt động đúng tiến độ, 2 dự án chậm tiến độ, 5 dự án khó khăn và 2 dự án không có khả năng triển khai.

Ngoài ra, còn có 56 dự án của 3 tập đoàn, tổng công ty có các công ty con trực thuộc Ủy ban đầu tư. Trong đó, 2 dự án trong số này chậm tiến độ, 4 dự án đang gặp khó khăn và không có khả năng thực hiện.

Báo trong nước trích lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong báo cáo cho hay Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các tổng công ty, tập đoàn phải rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư ra nước ngoài.

Cần đánh giá sự cần thiết đầu tư đối với từng dự án đầu tư không hiệu quả, đánh giá khả năng tài chính về việc tiếp tục đầu tư hay chấm dứt, chuyển nhượng dự án và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

***********************

Ngành dệt may Việt Nam sụt giảm 2 tỷ USD vì Covid-19 và chưa có dấu hiệu hồi phục (RFA, 29/07/2020)

Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết tính tới ngày 15/7, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong nước đạt 14,6 tỷ USD (sụt giảm 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019) và vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.

dautu2

Một phụ nữ bán hàng dệt may đeo khẩu trang ở Hà Nội ngày 6/2/2020. AFP

Truyền thông trong nước loan tin hôm 29/7 cho biết trong ba nhóm hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam (điện thoại, máy vi tính, dệt may), ngành dệt may là nhóm hàng bị giảm mạnh nhất vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tổng cục Hải quan cho biết theo thị trường đến hết tháng 6 năm nay, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam nhưng lại sụt giảm gần 12% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ hai nhưng giảm 7%, EU đứng thứ ba và giảm mạnh nhất với hơn 19%.

Bộ Công thương Việt Nam hôm 13/7 nói sản xuất, xuất khẩu của ngành dệt may trong nước gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu ; xuất khẩu giảm mạnh do bị khách hàng hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán.

Tin nói vì tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp trong ngành lâm vào tình cảnh điêu đứng, khó khăn, người lao động giảm thu nhập và có nguy cơ mất việc làm.

************************

Chính phủ Hà Nội trả xong món nợ kế thừa từ Việt Nam Cộng Hòa (RFA, 29/07/2020)

Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết, Hà Nội đã trả hết số nợ 145 triệu USD phát sinh từ khoản vay của Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA đưa tin hôm 28/7.

dautu3

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Rubin và Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng, ngày 7 tháng 4 năm 1997 tại Hà Nội. AFP

Khoản nợ vừa nói là khoản mà Hà Nội bị buộc phải kế thừa dù trước đó chính quyền mới không thừa nhận mọi khoản nợ của chế độ cũ. Trong đó, khoảng 76 triệu USD là nợ gốc và phần còn lại là tiền lãi trong 24 năm. Đặc biệt, không có khoản vay nào được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động quân sự trong chiến tranh Việt Nam.

Theo Wikipedia, các khoản cho vay lớn của Hoa Kỳ là để giúp Việt Nam Cộng Hòa đóng tiền gia nhập Quỹ Tiền tệ Quốc tế (4 triệu USD năm 1956), đổi mới hệ thống viễn thông (6,8 triệu USD năm 1958-1959), phát triển đội tàu hỏa (9,7 triệu USD năm 1959, 9,7 triệu USD năm 1961), mở rộng hệ thống dẫn nước từ sông Đồng Nai về Sài Gòn (17,5 triệu USD năm 1960), xây dựng một nhà máy nhiệt điện ở Thủ Đức (12,7 triệu USD năm 1961), hỗ trợ chương trình Người cày có ruộng (5 triệu USD năm 1970).

Còn theo báo Nhân dân, số nợ gốc của chính quyền Sài Gòn là 85 triệu đôla, phần còn lại là tiền lãi, và chi phí phát sinh trượt giá.

Theo VOA, vào ngày 7 tháng 4 năm 1997, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Rubin ký thỏa thuận tại Hà Nội về việc Việt Nam trả lại khoản nợ 145 triệu đôla như một điều kiện để xúc tiến ngoại giao. Việt Nam trả ngay một khoản "downpayment" hơn 8,5 triệu USD tiền lời trong vòng 30 ngày kể từ ngày hai bên ký thỏa thuận. Sau đó, Việt Nam trả đều đặn số nợ còn lại từ/7 năm 1997, đến cuối năm 2019 thì hết.

Từ khi thiết lập bang giao với Việt Nam vào năm 1995 cho đến nay, Hoa Kỳ tài trợ cho Việt Nam hàng trăm triệu USD cho nhiều dự án, chương trình nhưng từ chối xóa món nợ vừa nêu.

Published in Việt Nam