Vào ngày 3/8/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã nhất trí bầu Chủ tịch nước Tô Lâm làm Tổng bí thư mới của Đảng, đánh dấu một bước ngoặt trong nền chính trị Việt Nam. Sự thay đổi lãnh đạo quan trọng này đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về tương lai của nền chính trị đất nước. Một số nhà quan sát Việt Nam đã đặt câu hỏi liệu ông Lâm, một tướng an ninh và cựu bộ trưởng công an, có áp dụng các khuynh hướng chuyên chế và đưa đất nước đi theo con đường tương tự như của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình hay không.
Chủ tịch nước, tân lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm (giữa ảnh) sẽ thăm Bắc Kinh vào Chủ nhật tuần này, ngày 18/8 theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại Hà Nội, ngày 3/8/2024 (ảnh minh họa). Nhac Nguyen / AFP
Để trả lời câu hỏi này, điều quan trọng là cần hiểu được khuynh hướng chính trị của ông Lâm trong những năm tới, đặc biệt là trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 vào năm 2026. Điều này sẽ cung cấp manh mối về việc liệu cách tiếp cận chính trị của ông có tương đồng với cách tiếp cận của Chủ tịch Tập Cận Bình hay không. Ngoài ra, chương trình nghị sự về kinh tế và đối ngoại của ông cũng là những chỉ dấu quan trọng cho thấy hướng đi của Việt Nam dưới thời cầm quyền của ông.
Có khả năng cao là ông Lâm, người sẽ bước sang tuổi 69 vào năm 2026, sẽ tiếp tục nắm quyền sau Đại hội 14 của Đảng cộng sản Việt Nam, bất chấp giới hạn về độ tuổi. Hiện tại, ông giữ cả hai chức chủ tịch nước và tổng bí thư Đảng. Có tin đồn cho rằng Đại tướng Lương Cường, một vị tướng quân đội và là thường trực Ban Bí thư, sẽ tiếp quản chức chủ tịch nước từ tay ông Lâm. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được xác nhận chính thức, khiến câu hỏi điều này có thể xảy ra hay không và nếu có thì khi nào vẫn còn bỏ ngỏ. Cấu trúc quyền lực "tứ trụ" truyền thống của Việt Nam có vai trò như một hệ thống cân bằng và đối trọng nội bộ, giữa bốn vị trí lãnh đạo hàng đầu của đất nước, gồm tổng bí thư Đảng, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội. Điều này giúp ngăn chặn sự tập trung quyền lực quá mức vào tay một cá nhân. Nếu ông Lâm có thể giữ cả hai chức vụ, đặc biệt là sau năm 2026, thì đây có thể là một điều đáng quan ngại cho triển vọng chính trị của Việt Nam.
Một câu hỏi mở khác là liệu ông Lâm có tìm cách loại bỏ các đối thủ tiềm tàng và cộng sự của họ, đồng thời cài cắm những người thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt trong Đảng và chính phủ hay không. Đây là một chiến thuật phổ biến mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã sử dụng để củng cố quyền lực của mình. Trong những phát biểu đầu tiên với tư cách là Tổng bí thư, ông Lâm tuyên bố cam kết sẽ tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng, vốn là di sản lớn của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chiến dịch không chỉ mang lại cho ông Lâm tính chính danh cần thiết mà còn là một công cụ hiệu quả để ông loại bỏ bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào, qua đó giúp đưa các đồng minh mà ông tin tưởng vào các vị trí còn trống. Thực tế, chiến lược này đã được thực hiện, qua việc bổ nhiệm Thượng tướng Lương Tam Quang và Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, được cho là các đồng minh thân cận của ông Lâm trong Bộ Công an. Ông Quang đã được thăng chức làm Bộ trưởng Bộ Công an và ông Ngọc là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Một sĩ quan công an khác, Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, gần đây cũng đã được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đầy quyền lực của Đảng. Đáng chú ý, cả ba vị tướng này đều xuất thân từ tỉnh Hưng Yên, quê hương của ông Lâm. Rất có khả năng xu hướng này sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là năm 2026, với nhiều vị trí quan trọng khác nữa được trao cho các đồng minh và người được ông Lâm bảo trợ.
Phân tích trên cho thấy nếu ông Lâm thành công trong việc củng cố quyền lực theo các cách thức tương tự mà ông Tập Cận Bình đã tiến hành ở Trung Quốc, đấu đá chính trị ở Việt Nam có thể giảm bớt, và hệ thống chính trị của đất nước có khả năng trở nên ổn định hơn trong ngắn hạn, với ít thay đổi lãnh đạo hơn ở các cấp cao nhất. Tuy nhiên, mặt trái là bầu không khí chính trị của Việt Nam có thể trở nên độc đoán hơn, và nền dân chủ nội Đảng có thể bị ảnh hưởng. Điều này cũng có thể dẫn đến việc thắt chặt hơn nữa không gian dân sự dưới quyền ban lãnh đạo mới. Rốt cuộc, điều này có thể tạo ra khả năng bất ổn chính trị về dài hạn, đặc biệt là khi ông Lâm nghỉ hưu, làm xuất hiện khoảng trống quyền lực.
Tuy nhiên, có rất ít lý do để tin rằng ông Lâm sẽ đi theo sách lược của ông Tập Cận Bình trong các vấn đề kinh tế và đối ngoại. Hiện tại, nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang phát triển tốt, và ông Lâm không có lý do nào để khiến nó đi chệch đường ray. Ngược lại, ông có thể muốn thúc đẩy nền kinh tế hơn nữa để củng cố tính chính danh và biện minh cho vai trò lãnh đạo kéo dài của mình. Ông Lâm đã dành gần như toàn bộ sự nghiệp của mình trong lĩnh vực an ninh, nên ông không có nhiều kinh nghiệm quản lý kinh tế. Đo đó, ông ít có khả năng sẽ can thiệp mạnh vào lĩnh vực này. Thay vào đó, ông có thể tập trung vào công tác quản lý đảng và giao các vấn đề kinh tế cho thủ tướng. Ngoài ra, được biết đến như là một người thực dụng hơn là một nhà lý luận, ông Lâm ít có khả năng sẽ theo đuổi các chương trình nghị sự mang tính ý thức hệ như Chủ tịch Tập, chẳng hạn như việc thúc đẩy mục tiêu "thịnh vượng chung", hoặc đàn áp các doanh nhân tư nhân. Trên thực tế, ông Lâm có mối quan hệ cá nhân với giới doanh nghiệp tư nhân, khi em trai ông là một doanh nhân nổi tiếng trong các lĩnh vực phân phối xe máy, bất động sản và năng lượng. Điều này có thể khuyến khích ông cởi mở hơn với cải cách kinh tế và thân thiện với các nhà đầu tư.
Tương tự như vậy, chính sách đối ngoại của Việt Nam ít có khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự trỗi dậy nắm quyền của ông Lâm. Ông có khả năng sẽ tiếp tục cách tiếp cận "ngoại giao cây tre" của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vốn mang gốc an ninh, ông Lâm có thể cảm thấy thoải mái khi làm việc với các nhà lãnh đạo chuyên chế như Chủ tịch Tập Cận Bình hay Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Việt Nam sẽ bỏ bê mối quan hệ với các đối tác phương Tây. Trên thực tế, trong cuộc gặp với đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper hồi tháng 6, ông Lâm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước nhằm triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới thiết lập. Nói cách khác, dưới sự lãnh đạo của ông, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì cân bằng trong quan hệ với các cường quốc, đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ, đồng thời theo đuổi quan hệ hữu nghị với tất cả các chủ thể quan trọng trên toàn cầu. Cách tiếp cận này hiện là lựa chọn chính sách đối ngoại tốt nhất đối với Việt Nam, bất kể ai là tổng bí thư Đảng.
Tóm lại, trong khi ông Lâm có thể sẽ thắt chặt môi trường chính trị trong nước và hạn chế không gian dân sự thông qua việc củng cố quyền lực cá nhân và bổ nhiệm các đồng minh vào các vị trí chủ chốt, điều này không nhất thiết sẽ dẫn tới những thay đổi tiêu cực trong chính sách kinh tế và đối ngoại của đất nước. Về khả năng củng cố quyền lực của ông Lâm, một vấn đề quan trọng cần theo dõi hiện nay là liệu ông Lâm có từ bỏ chức chủ tịch nước hay không, và nếu có thì khi nào.
Lê Hồng Hiệp
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 20/08/202
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên chuyên trang bình luận Fulcrum.sg.
‘Lấy đá ghè chân mình,’ ông Tập có được ‘Cộng đồng chung vận mệnh’ với Hà Nội
Đinh Hoàng Thắng, VOA, 14/12/2023
Chủ tịch Tập Cận Bình năm lần bảy lượt nhắc đi nhắc lại trên "nhandan.vn" về khái niệm "Cộng đồng chia sẻ tương lai", "Sáng kiến Vành đai và Con đường" và bổ sung thêm "bốn kiên trì" khác. Liệu ông đã mãn nguyện sau "chuyến tuần thú phương Nam" ?
Ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng thưởng trà tại Hà Nội, 12/12/23.
Cuối bài viết 3.123 chữ Tổng bí thư Tập Cận Bình "gửi đăng" trên báo "Nhân Dân" của Đảng cộng sản Việt Nam ngày 12/2/2023 đã khái quát nên một triết lý Trung Hoa :"Vạn vật đắc kỳ bản giả sinh, Bách sự đắc kỳ đạo giả thành" (Vạn vật sinh ra khi tìm được bản chất thực sự, trăm việc sẽ thành công khi tìm được đạo lý của mình) (1).
Từ lâu, số người người đọc "Nhân Dân" vốn không nhiều ; nay với bài viết của ông Tập lại càng ít hơn, như một phản ứng tiêu cực tự nhiên đối với báo chí nhà nước, cũng như đối với chuyến thăm vừa qua của ông Tập. Tuy nhiên, trong giới xã hội dân sự đã đọc bài viết, đang lan truyền một thông điệp : Với triết lý trên, ông Tập quả là đã "tự bắn vào chân mình" (shoot yourself in the foot). Vô hình chung, mọi người sẽ đi"tìm bản chất thực sự", sẽ đi"tìm đạo lý thực sự" trong các ý đồ và mưu toan cũng như trong các tính toán của lãnh đạo Trung Quốc đối với Đảng cộng sản Việt Nam và người dân Việt Nam, không chỉ trong khuôn khổ chuyến thăm được được truyền thông nhà nước "bốc lên" tận mây xanh.
Theo SCMP, các thảo luận chính thống về cách ứng xử của Việt Nam đối với Trung Quốc thường tràn ngập những điều sáo rỗng. Có câu chuyện kể về hàng ngàn năm Việt Nam đối phó với Trung Hoa. Các tranh chấp biển đảo gay gắt giữa Hà Nội với Bắc Kinh ngày nay thường được coi là sự tiếp nối của các cuộc xung đột dường như vĩnh cửu ấy. Tuy nhiên, thực tế lại có nhiều sắc thái phong phú hơn. Keith Weller Taylor từ Đại học Cornell nhận định, quan hệ Trung – Việt còn được đánh dấu bằng thời gian chung sống hòa bình lâu dài, với quyền tự chủ của Việt Nam, "phụ thuộc vào việc bắt chước thành công" các mô hình Trung Quốc (2). Việt Nam thường chịu lùi một bước, chấp nhận "trong đế ngoài vương" để có thể tồn tại bên cạnh một lân bang mạnh và luôn có ý đồ thôn tính mình. Cái nhìn khái quát này càng chuẩn trong"biến cục ngày nay" – một khái niệm ông Tập mô tả trong bài viết trên "Nhân Dân". Và cái"biến cục ngày nay"ấy được ông Tập nhận đị nh là "thế giới trăm năm chưa từng có đang diễn biến nhanh chóng".
Trong "biến cục" này, thế và lực của Việt Nam không như thuở hồng hoang, Trung Quốc không phải muốn làm gì cũng được. Trong một cuộc họp hẹp của một nhóm xã hội dân sự, đã đặt vấn đề, ông Tập sang ta lần này trên tư thế nào ? Trung Quốc từng "trỗi dậy mạnh mẽ" sang để trấn áp tiếp Việt Nam, hay là trong tư thế một Trung Quốc bị "tứ bề thọ địch", sang Hà Nội để chèo kéo Việt Nam cùng trèo lên chiến thuyền đang chòng chành, có nguy cơ bị lật ? Lập luận này cũng tương tự như ý kiến của một nhà nghiên cứu từng phát biểu trong Hội luận của VOA tối 12/12. Lần này, ông Tập sang trong thế thủ, chứ không trên thế áp đảo Hà Nội như hai lần trước đây (3). Tuy nhiên, sau năm lần bảy lượt, vừa thuyết phục, vừa ép buộc, "chuyến tuần thú" phương Nam ngày 11 và 12/12 đã mang về cho ông điều mình mong muốn. Tuyên bố chung Trung – Việt cuối cùng đã đồng ý nâng cấp quan hệ, xây dựng"tương lai chung" với Trung Quốc, cho dù trong bản tiếng Hoa vẫn là "cộng đồng chung vận mệnh" (4). Chỉ đánh trá o hai chữ thôi cũng đủ nói lên cuộc kháng cự dai dẳng của "ngoại giao cây tre" suốt những năm qua.
Vẫn theo nhà nghiên cứu Keith Weller Taylor, "tương tự như nhiều nước láng giềng, Việt Nam hiện nay đang cam kết thực hiện chính sách không đứng về phía siêu cường này để chống lại siêu cường kia. Điều này nảy sinh từ trải nghiệm đau đớn của đất nước trong Chiến tranh Lạnh, khi Việt Nam bị kẹt giữa Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc. Nhưng chính sách đối ngoại của Hà Nội không hề tĩnh tại và nguyên khối. Chỉ riêng trong thập kỷ qua, chiến lược cân bằng đã trải qua nhiều sự chuyển đổi đáng để ý, do những thay đổi mang tính lịch sử trong nước và trong hệ thống quốc tế rộng lớn hơn" (5). Gần đây, chính sách đối ngoại của Việt Nam đã chuyển hướng thân thiện hơn với Trung Quốc, vì ba nguyên nhân. Đầu tiên là do các thành phần thân phương Tây đã bị thanh trừng vì có liên quan đến chống tham nhũng. Thứ hai, Đảng cộng sản Việt Nam ưa thích một trật tự quốc tế đa cực hơn và đã "ngầm" phản đối phương Tây, không lên án Nga xâm lược Ukraine... Và nguyên nhân thứ ba, hiện tại, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệ u thô và hàng hóa trung gian từ Trung Quốc (không có nguồn nguyên liệu này, Việt Nam làm sao xuất siêu sang Mỹ được ?).
Hệ sinh thái đối ngoại nói trên là không gian ra đời của Tuyên bố chung (TBC) Việt Nam – Trung Quốc "lịch sử" (với 5 nội dung lớn và có độ dài 8.300 chữ). Người bình thường chắc khó đọc nổi toàn văn bản TBC này (6), nhưng giới quan sát chú ý tới 36 văn kiện thỏa thuận hợp tác đã được các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương ký kết trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của ông Tập Cận Bình (7). 36 văn bản này là một hỗn tạp các thỏa thuận không chỉ giữa hai Chính phủ, mà còn giữa Chính phủ Việt Nam với các Chính quyền địa phương (cấp tỉnh) của Trung Quốc. Sự bất tương xứng này còn thể hiện ngay trong "Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dưa hấu xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc". Tại sao hoa quả trái cây từ Việt Nam qua Trung Quốc thì "yêu cầu kiểm dịch thực vật", song chiều ngược lại, nếu chẳng may "lọt" các thực phẩm độc hại từ Trung Quốc tràn qua Việt Nam thì sao lại không có kiểm dịch (?!) Điều hiếm hoi là 36 văn bản vừa ký k ết lần này đã được công khai hóa. Cùng với 15 thỏa thuận năm 2017 và 13 thỏa thuận năm 2022, nhân các chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cảm giác sự ràng buộc giữa Việt Nam vào Trung Quốc ngày càng chặt chẽ. Nhìn tổng thể, ngay cả các quan chức cũng ít ai biết được đó là những cam kết gì, chứ đừng nói đến mấy chục triệu dân thường.
Theo đánh giá của chuyên gia, Trung Quốc ép Hà Nội chấp nhận CCD là vì ông Tập Cận Bình cần một thắng lợi tượng trưng, thông qua việc ông đã "nâng cấp" bang giao Trung – Việt, không để nó "bị xếp" ngang hàng với các "Đối tác chiến lược toàn diện" (CSP) khác giữa Việt Nam với Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, Hàn. Ngoài việc khẳng định Bắc Kinh luôn ở "kèo trên", lúc nào cũng bảo ban được "đứa con hoang đàng phải trở về đất mẹ" (8), Tập Chủ tịch còn muốn thiết kế một "Trật tự quốc tế mới", thay bằng tầm nhìn của Trung Quốc, loại bỏ "Pax Americana" (Trật tự Mỹ và thế giới dân chủ). Nói như Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp : "Chữ nghĩa ở đây không rõ ràng, lãnh đạo Trung Quốc rất biết, nhưng họ coi đây là khẩu hiệu có lợi cho họ, nên đi đâu cũng tác động để đối tác công nhận. Từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc đã sáu lần đề nghị Việt Nam tham gia ‘Cộng đồng chung vận mệnh’, ba lần do Vương Nghị tác động, ba lần do ông Tập trực tiếp đề ngh ị" (9). Tuy nhiên, Việt Nam đã kiên cường kháng cự, cho đến ngày 12/12/2023 vừa qua…
Đinh Hoàng Thắng
Nguồn : VOA, 14/12/2023
(3) https://www.youtube.com/watch?v=GwIzbCuoAsQ (Hà Nội tiếp đón hai lãnh đạo Campuchia và Trung Quốc, ý nghĩa – thực chất)
(4) https://www.youtube.com/watch?v=okQjGJyLXrw (Việt Nam tuyên bố xây dựng "tương lai chung" với Trung Quốc, tiếng Hoa vẫn là "chung vận mệnh")
(6) https://baotintuc.vn/thoi-su/tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-20231213162402832.htm
(9) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cgrp57mg9vgo (Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thấy Việt Nam trong 'bức tranh' của Trật tự Trung Hoa)
*******************************
Cây tre uốn lượn tại tiệc trà Nguyễn Phú Trọng-Tập Cận Bình gây tranh cãi
An Tôn, VOA, 13/12/2023
Các bức ảnh ghi lại buổi tiệc trà giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam và Trung Quốc được trang trí bằng những cây tre uốn lượn dẫn đến nhiều lời bình luận trái chiều nhau trong công chúng Việt Nam, theo quan sát của VOA.
Những cây tre uốn lượn được bày tại tiệc trà của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 12/12/2023.
Tiệc trà giữa chủ nhà là Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và quốc khách là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra hồi chiều ngày 12/12 ở Hà Nội, các cơ quan báo chí chính thống của Việt Nam đưa tin kèm nhiều hình ảnh.
Tin cho hay hai nhà lãnh đạo thưởng thức 3 sản phẩm trà thượng hạng của Việt Nam được lựa chọn từ các vùng trà nổi tiếng của đất nước bao gồm Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu và Thái Nguyên.
Các báo Việt Nam viết rằng trong các cuộc gặp từ trước đến nay giữa lãnh đạo hai đảng, hai nhà nước Việt Nam và Trung Quốc, thường có tiệc trà bên cạnh các cuộc họp chính thức vì việc thưởng trà là một nghi thức lễ tân rất đặc biệt, thể hiện sự gần gũi, thân tình giữa lãnh đạo hai nước.
Cả ở Việt Nam lẫn Trung Quốc, việc mời nhau uống trà đều thể hiện sự trân trọng, lòng hiếu khách và cũng là dịp đàm đạo với nhau chân thành, thẳng thắn, báo chí Việt Nam giải thích.
Một số bức ảnh trong các bản tin cho thấy hai ông Trọng và Tập ngồi thưởng trà với những cây tre uốn lượn được bày cả trước mặt lẫn sau lưng, hai bên là quốc kỳ và cờ đảng của mỗi nước.
Những cây tre uốn lượn - Ảnh minh họa
Kể từ tối 12/12 sang đến ngày 13/12, nhiều người và một số hội nhóm trên mạng xã hội đưa ra quan sát chung rằng những cây tre đó hàm ý nói đến "ngoại giao cây tre" của Việt Nam, là tên được Tổng bí thư Trọng đặt cho chiến lược đối ngoại chú trọng vào phát triển quan hệ cân bằng với các cường quốc và đa dạng hóa các mối quan hệ với các nước khác nói chung.
Ngoại trừ điểm chung đó, trong dư luận có một lượng lớn những lời nhận xét, bình luận đa chiều, thậm chí đối lập nhau về hình thù của những cây tre.
Một số người, trong đó có nhà báo tự do-cựu đạo diễn truyền hình Song Chi, nhà báo kỳ cựu Huỳnh Ngọc Chênh…, nói trên trang cá nhân rằng họ "không hiểu" ban lễ tân của Đảng cộng sản Việt Nam muốn đưa ra thông điệp gì từ những cây tre "cong queo", "ngoằn ngoèo", "dị dạng", "lươn lẹo" như vậy, trong khi quan niệm lâu nay trong dân gian Việt Nam là những cây thuộc họ tre, trúc tượng trưng cho người quân tử, tâm địa ngay thẳng.
Bà Song Chi nhấn mạnh rằng bà "chả thấy đẹp" và đặt câu hỏi "sao không chưng hai cây tre thẳng, dáng đẹp".
Nhà văn Nguyễn Đình Bổn có quan điểm tương đồng khi ông viết trên trang nhà của mình : "Tre có nhiều loại tre, phải chi thay cây trúc cong queo kia là các bụi tre đằng ngà và tầm vông thì hay biết mấy !".
"Tre có nhiều loại tre, phải chi thay cây trúc cong queo kia là các bụi tre đằng ngà và tầm vông thì hay biết mấy !".
Tre đằng ngà và tầm vông thường được nhắc đến trong sách vở Việt Nam như là những loại vũ khí hay ý chí chống giặc ngoại xâm trong quá khứ.
Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn viết trên trang riêng của ông rằng cả ở Việt Nam lẫn Trung Quốc, cây tre biểu tượng cho người quân tử. "Cây tre quân tử là cây tre thẳng. Người ta tin tưởng bậc quân tử vì sự ‘chính trực’, không cong vẹo ngả nghiêng", ông Tuấn diễn giải.
Đánh giá về cây tre tại tiệc trà của hai lãnh đạo Việt-Trung, ông Tuấn viết rằng nó "ngoằn ngoèo không ra hình dáng phải có của một cây tre ‘quân tử’’.
"Nếu cây tre này thể hiện Việt Nam thì Việt Nam là đối tác không thể tin cậy được", ông suy luận và chốt lại ý kiến bằng lời bình luận rằng "Theo tôi, dân Hoa sẽ đánh giá thấp ‘trình’ của phía Việt Nam về vụ này".
Những người trong giới chơi cây thế, cây cảnh (bonsai) dẫn ra thành ngữ "trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng" với ý nghĩa là một người ngay thẳng cho dù gặp nhiều khó khăn, gian khổ vẫn giữ được và cần phải giữ vững vẻ đẹp của chính mình, và họ bày tỏ thất vọng khi bộ phận lễ tân của Đảng cộng sản Việt Nam sử dụng cây bonsai "uốn oéo".
Họ cũng lưu ý rằng trong giới chơi bonsai, ít người uốn tre, trúc cong queo vì không đẹp và không hợp phong thủy.
Một số người đăng ảnh chụp rừng tre thân thẳng và so sánh với ảnh cây tre uốn lượn trong tiệc trà giữa hai ông Trọng, Tập, rồi nói một cách ẩn dụ rằng một bên là cây tre trong thiên nhiên còn một bên là cây tre được bón phân của phương Bắc.
Nhà nghiên cứu sử, khảo cổ, văn hóa Trần Đức Anh Sơn cho rằng có 3 ý từ những cây tre tại tiệc trà của hai lãnh đạo Việt-Trung : "Hàm ý : Biểu tượng của chính sách ngoại giao cây tre của Việt Nam. Ẩn ý : Việt Nam có Thánh Gióng từng nhổ tre ‘quýnh’ giặc Ân tan tác. Khách đến thăm nhà nên biết chuyện này. Lưu ý : Tre là thức ăn của bọn gấu trúc. Cẩn thận lưu ý kẻo nó đợp đấy".
Gấu trúc được xem là quốc bảo và biểu tượng văn hóa của Trung Quốc, theo truyền thông tại quốc gia này.
Ở chiều ngược lại, theo quan sát của VOA, có những người khác và các trang được xem là ủng hộ chính quyền Việt Nam như Yêu dân tộc Việt Nam, Tôi Yêu Công An Nhân Dân Việt Nam, Xây Dựng Đảng, Thông tin chống phản động…, lập luận rằng cây tre tại tiệc trà của hai ông Trọng, Tập chung một gốc và uốn lượn sang hai bên ngụ ý rằng hai quốc gia tương đồng về gốc rễ, văn hóa và hiện tại là hai nước độc lập, cân bằng.
Bên cạnh đó, hình ảnh cây tre uốn khúc cũng hàm ý về việc hai nước có "núi liền núi, sông liền sông", và được tán lá che chở cho hai nước, mang thông điệp hòa bình.
Họ cũng lý giải rằng hình ảnh tre uốn lượn thể hiện một Việt Nam mềm mại, khôn khéo, linh hoạt, biết tùy cơ ứng biến, kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc.
Những người và các hội nhóm được xem là ủng hộ chính quyền bày tỏ "tự hào" cả về nền "ngoại giao cây tre" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lẫn về phong thái "tự tin" của ông khi tiếp chủ tịch của Trung Quốc.
VOA cố gắng liên lạc với Ban Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam sau giờ hành chính tại đất nước này để tìm hiểu thêm nhưng không có hồi đáp.
An Tôn
Nguồn : VOA, 13/12/2023
***************************
Tập Cận Bình ở Hà Nội : Hai bên nhất trí về ‘cộng đồng chia sẻ tương lai’ ; giới bất đồng phản đối
VOA, 13/12/2023
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Ba (12/12) đã nhất trí rằng hai nước sẽ xây dựng một "cộng đồng chia sẻ tương lai". Cam kết được đưa ra trong ngày đầu của chuyến thăm hai ngày ông Tập Cận Bình tới Việt Nam nhằm củng cố mối quan hệ giữa hai quốc gia cộng sản. Chuyến thăm được Hà Nội nghênh đón trọng thị, từ thực tế lẫn trên bề mặt truyền thông, nhưng các nhà hoạt động, giới bất đồng chính kiến bày tỏ phản đối và đưa ra cảnh báo về khái niệm gây tranh cãi và cả chuyến thăm của ông Tập.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng bắt tay nhau tại Văn phòng Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 12/12/2023.
Việt Nam đã thực hiện nghi thức chào đón Tổng bí thư-Chủ tịch nước Trung Quốc bằng 21 phát đại bác, và khẳng định chuyến thăm là "một dấu mốc lịch sử mới, đưa quan hệ giữa hai Đảng, hai nước lên tầm cao mới, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chung của nhân dân hai nước", trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam dẫn lời Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nói trong buổi tiếp ông Tập Cận Bình chiều 12/12.
Truyền thông Việt Nam liên tục đưa tin và hình ảnh chuyến thăm, với mật độ có phần "dày đặc" và "thoải mái" hơn so với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, người đã đến Việt Nam 3 tháng trước để nâng cấp mối quan hệ Việt-Mỹ lên mức cao nhất, ngang với Trung Quốc, Nga và một vài nước khác.
Theo trang web của báo Nhân Dân vào tối 12/12, một trong những kết quả từ cuộc họp giữa hai ông Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình là "hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình".
Phản đối
Trước chuyến thăm, tờ Nhân Dân và một số tờ báo khác của Việt Nam đã đăng bài viết của ông Tập Cận Bình gửi trước khi đến Việt Nam, trong đó ông đề cập đến chuyến thăm như là một thông lệ giữa lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai nước, giống như "họ hàng thân thiết" thăm nhau, rồi đến việc hai bên phải "kiên trì hài hòa lợi ích", cho đến các sáng kiến của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.
Một nội dung đáng chú ý và được các nhà nghiên cứu, ngoại giao tranh luận nhiều nhất là khái niệm "cộng đồng chung vận mệnh" mà ông Tập nói đến. Trung Quốc cũng dùng một cụm từ khác là "cộng đồng chia sẻ tương lai" để chỉ khái niệm này.
Nội dung này có thể được coi là có ít đòi hỏi khắt khe hơn và dự kiến sẽ được đưa vào một tuyên bố chung sẽ được thông qua trong chuyến thăm của ông Tập, theo Reuters.
Nói về việc lãnh đạo hai nước nhắm đến sự "chung vận mệnh", nhà hoạt động, nhà báo tự do đang giữ quyền Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN), JB Nguyễn Hữu Vinh, đưa ra nhận định với VOA :
"Tập Cận Bình nói ‘cùng chung vận mệnh’ thì chắc có lẽ chỉ có nói với Nguyễn Phú Trọng để giữa hai đảng của các ông đó thôi, chứ còn giữa dân tộc Việt Nam và dân tộc Trung Hoa mà lại chung vận mệnh thì tôi không tin như vậy".
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia về các vấn đề chính trị và chiến lược của Việt Nam tại Viện Iseas-Yusof Ishak của Singapore, cũng cho rằng khả năng người dân Việt Nam chấp nhận "chung vận mệnh" với Trung Quốc là rất ít hoặc không có.
Ông nói với Reuters : "Sự mất lòng tin của Việt Nam đối với Trung Quốc ngày càng sâu sắc và theo quan điểm của người dân Việt Nam, có rất ít hoặc không có ‘chung vận mệnh’ giữa hai nước, chừng nào Trung Quốc tiếp tục tuyên bố chủ quyền phần lớn Biển Đông".
Trên trang mạng Facebook, nhiều nhà hoạt động, nhà báo tự do bày tỏ sự phản đối và đưa ra những cảnh báo về chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.
"Phản đối cộng đồng chung vận mệnh !!! Phản đối sáng kiến Vành đai-Con đường !!! Phản đối chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình !!!", trang Facebook của Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do, nơi tập hợp nhiều nhà báo, blogger tự do có tiếng, đăng khẩu hiệu phản đối của họ vào ngày chủ tịch Trung Quốc đến Việt Nam.
Trên trang cá nhân, nhà báo tự do JB Nguyễn Hữu Vinh cũng đăng ảnh mang biểu ngữ viết : "Tôi phản đối rước giặc vào nhà. Tập Cận Bình – tên xâm lược bẩn thỉu, cút đi".
Ông giải thích thêm với VOA về hành động của mình :
"Tôi phản đối chuyện rước giặc vào nhà như Tập Cận Bình. Không phải chuyến thăm lần này mà chuyến thăm trước đây, chúng tôi cũng đã đi đến tận nơi để phản đối, sau đó bị công an Hà Nội bắt nhốt vào đến tận chiều tối mới thả ra. Nhưng lần này, chúng tôi thấy rằng không ai có thể ra được khỏi nhà vì an ninh họ ngăn chặn hết tất cả. Không còn cách nào hơn là chúng tôi tỏ thái độ bất bình về chuyện rước giặc vào nhà, một tên xâm lược bẩn thỉu vào ngôi nhà của mình, cũng như đưa cả bà vợ Bành Lệ Viện là người đã cổ vũ cho đám quân xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979".
Thái độ người dân
Tương tự như chuyến thăm của ông Biden đến Hà Nội vào tháng 9, một số hình ảnh người dân cầm cờ chào đón ông Tập Cận Bình cũng được đăng trên truyền thông Việt Nam hôm 12/12. Tuy nhiên, nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh cho rằng thái độ thể hiện của người dân đối với hai chuyến thăm là "hẳn nhiên có sự khác biệt", bắt nguồn từ "dòng máu bất khuất chống Trung Quốc xâm lược đã chảy trong huyết quản người dân Việt Nam cả ngàn năm nay" và những hành động của Trung Quốc đối với Việt Nam trong những năm qua.
"Điều đó nó thể hiện trên nét mặt người dân, trong thái độ của từng con người, các Facebooker và những người mà tôi quen biết. Tôi thấy nó hoàn toàn trái ngược lẫn nhau. Chúng tôi thấy khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, công an phải gác hết chỗ nọ đến chỗ kia, ngăn chặn chỗ này chỗ khác. Ngược lại, Tổng thống Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam thì cũng có sự ngăn chặn, nhưng không phải người ta phản đối mà ngăn chặn người ta đi theo mừng. Hai cái hoàn toàn khác nhau. Nó nói lên thái độ của người dân Việt Nam", nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh nói.
Ưu đãi, hứa hẹn
Ngoài việc đưa mối quan hệ lên một mức độ mà Bắc Kinh có thể coi là cao hơn so với Hoa Kỳ, hai nước công bố hôm 12/12 rằng họ ký kết 36 hiệp định, thỏa thuận về nhiều lĩnh vực, bao gồm cả quan hệ ngoại giao, đường sắt và viễn thông.
Điều này xác nhận những gì đại sứ Trung Quốc Hùng Ba nói với Tuổi Trẻ trước chuyến thăm của ông Tập.
Vị đại sứ đã cho hay rằng các thỏa thuận dự kiến sẽ bao gồm các khoản đầu tư của Trung Quốc để nâng cấp các tuyến đường sắt giữa các nước láng giềng, trong đó sẽ bao gồm các khoản tài trợ, mặc dù số lượng và điều khoản của các khoản vay có thể không rõ ràng.
Thúc đẩy liên kết giao thông sẽ cho phép Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn sang Trung Quốc, đặc biệt là nông sản, trong khi Bắc Kinh muốn hội nhập hơn nữa miền Bắc với mạng lưới chuỗi cung ứng phía Nam, theo Reuters.
Trước viễn cảnh phát triển kinh tế xán lạn mà chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc hứa hẹn mang lại, một số nhà báo tự do nhắc lại cảnh báo về "bẫy nợ" từ sáng kiến Vành đai-Con đường mà nhiều nước đã sa vào.
"Nói về những lời hứa hẹn thì bài học lớn nhất là của Duterte ở Philippines cũng đã nhận được bài học cay đắng đó rồi. Còn việc tin tưởng vào lời nói của Tập Cận Bình thì cũng cần lưu ý đó là lời nói của những người cộng sản, mà lời nói của người cộng sản thì xưa nay độ khả tín của nó tới đâu thì chắc có lẽ chúng ta cũng cần xem xét lại cụ thể, chứ không phải cứ nói là nghe được như những người bình thường", nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh nói với VOA.
Theo ông, đường lối "ngoại giao cây tre" mà ông nói là "đi hàng hai" của Việt Nam hiện nay là "thực dụng nhưng không khôn ngoan".
"Mọi sự giúp đỡ chỉ là thứ yếu, còn nội lực của nước mình là cái chính. Một chính phủ tham nhũng, không được lòng tin của người dân, suốt ngày chỉ lo chống chọi với người dân còn chưa xong thì rõ ràng phải quỵ luỵ, phải lệ thuộc, hèn hạ với nước ngoài là điều rất bình thường", ông JB Nguyễn Hữu Vinh nói.
Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện đang tranh giành ảnh hưởng đối với Việt Nam, giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng về mọi lĩnh vực, từ thương mại, kinh tế cho đến an ninh và các vấn đề quốc tế.
Truyền thông quốc tế cho rằng chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nhằm tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Hoa Kỳ đối với quốc gia cộng sản ở Đông Nam Á.
Trong khi đó, Tổng bí thư Việt Nam trong buổi tiếp Tổng bí thư Trung Quốc hôm 12/12 tái khẳng định chủ trương "độc lập, tự chủ", cũng như đường lối quốc phòng "4 không" của mình, theo trang tin của chính phủ Việt Nam.
Nguồn : VOA, 13/12/2023
****************************
Chuyên gia : Việt Nam chấp thuận ‘cộng đồng chia sẻ tương lai’ với Trung Quốc để hạ nhiệt chống Bắc Kinh
VOA, 13/12/2023
Các chuyên gia nhận định rằng Việt Nam phải chấp thuận "một cộng đồng chia sẻ tương lai" với Trung Quốc thay cho tầm nhìn "cộng đồng chung vận mệnh" do tính nhạy cảm về ngôn từ và do tâm lý chống Trung Quốc vẫn còn mạnh ở trong nước, mặc dù về nội hàm chúng không khác nhau mấy. Các nhà quan sát cho rằng dưới ý đồ gia tăng sự kìm tỏa của Bắc Kinh trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực với Hoa Kỳ, mối quan hệ Trung - Việt với "tương lai chia sẻ" này sẽ để lại một "di sản nặng nề".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hà Nội, ngày 12/12/2023. (Nhac Nguyen/Pool via AP)
Hôm 12/12 tại Hà Nội, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nhất trí xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược", cho rằng đây là "nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế", theo thông cáo báo chí của chính phủ hai bên.
Kỹ xảo ngôn từ
Trước khi kết thúc chuyến thăm hôm 13/12, hai bên đưa ra tuyên bố chung, một lần nữa khẳng định "Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược". Nhưng điều đáng lưu ý là truyền thông Trung Quốc hôm 13/12 vẫn dùng từ "cộng đồng chung vận mệnh" để mô tả thành quả chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập.
Luật sư Lê Quốc Quân, hiện đang sinh sống tại Mỹ, nêu ý kiến về khái niệm thỏa thuận mới giữa Bắc Kinh và Hà Nội :
"Cách mà người ta dùng từ ở đây về "Cộng đồng chia sẻ tương lai", theo tôi, là một kỹ xảo về mặt ngôn ngữ mà thôi. Nó diễn đạt lại ý định từ năm 1999 về "Vận mệnh tương quan" : hai bên lệ thuộc vào nhau, đan xen lợi ích với nhau, có chung một số phận - đặc biệt giữa hai đảng cộng sản. Từ đó hai đảng cộng sản áp dụng một tương lai chung vận mệnh cho cả hai dân tộc, hai quốc gia".
Ông Lê Minh Nguyên ở bang California, Mỹ, một chuyên gia theo dõi các quan hệ đối ngoại của Trung Quốc và Đông Nam Á, nêu nhận định với VOA rằng "Cộng đồng chia sẻ tương lai" xuất phát từ "Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại", một sáng kiến của ông Tập có từ 10 năm trước.
"Đầu tiên ông Tập nói là "Cộng đồng chung vận mệnh", sau đó ông Tập nói là xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại", nghĩa là thay vì thắt chặt hoàn toàn thì ổng mở ra một chút. Nhưng qua những gì ổng nói, như việc ổng nói thăm Việt Nam như thăm "họ hàng, láng giềng, vừa là đồng chí vừa là anh em, hai nước núi liền núi, sông liền sông như môi với răng" thì thấy rằng là họ muốn kìm Việt Nam thật chặt".
Luật sư Lê Quốc Quân đánh giá rằng việc Hà Nội chốt "Cộng đồng chia sẻ tương lai" thay vì "Cộng đồng chung vận mệnh" là một "thắng lợi" về mặt ngôn ngữ, nhưng bản chất vẫn không khác biệt.
"Đây rõ rằng là một thắng lợi của phía Việt Nam. Rõ ràng nếu dùng từ "Cộng đồng chung vận mệnh" thì chắc chắn về mặt tâm lý đối với nhân dân Việt Nam là không thể chấp nhận được".
Ông Nguyên có nhận xét tương tự, nói rằng động thái mới này cũng nằm trong chiếc lược có cân nhắc kỹ lưỡng của Hà Nội, một mặt giảm bớt tâm lý bài Trung trong nước, mặt khác vẫn kiên định thế cân bằng trong mối cảnh cạnh tranh quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng căng thẳng.
"Chắc chắn người dân Việt Nam có thái độ chống Trung Quốc như thấy trên mạng xã hội và trên thực tế khắp nơi. Chính quyển cũng sợ rằng dư luận đó ảnh hưởng đến một phe nhánh lớn trong Đảng cộng sản và dẫn đến sự nguy hiểm cho chế độ của họ, do đó họ đi từng bước chậm và chắc để đảm bảo sự thăng bằng trong việc đi dây, và cố gắng điều chỉnh từ ngữ để hạ nhiệt".
Tuy vậy, từ "vận mệnh", vẫn được đưa vào Tuyên bố chung một cách khéo léo hôm 13/12 : "Hai bên cho rằng, các nước có tiền đồ vận mệnh liên quan chặt chẽ với nhau, các nền văn minh khác nhau chung sống bao dung, giao lưu học hỏi lẫn nhau".
"Phía Việt Nam ủng hộ việc xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại"", tuyên bố chung Trung - Việt viết, với mục đích "nhằm thúc đẩy những giá trị chung về hòa bình, phát triển, công bằng, chính nghĩa, dân chủ, tự do ; ủng hộ và sẵn sàng chủ động tham gia các dự án hợp tác cụ thể trong khuôn khổ Sáng kiến Phát triển toàn cầu phù hợp với khả năng, điều kiện, nhu cầu của Việt Nam".
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA về tuyên bố "Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại" của Việt Nam và Trung Quốc vừa thiết lập.
Ông Tập và ông Trọng hội đàm, ngày 12/12/2023.
Trung Quốc vẫn kiên định
Truyền thông Trung Quốc hôm 13/12 vẫn dùng từ "cộng đồng cùng chung vận mệnh" và nói rằng chuyến thăm Việt Nam của Chủ Tập Cận Bình là "một thắng lợi".
"Việc hai Tổng bí thư Việt Nam – Trung Quốc cùng tuyên bố xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược là cột mốc lịch sử trong quan hệ Việt – Trung, tất sẽ mang lại càng nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp to lớn hơn cho sự nghiệp hoà bình và tiến bộ của nhân loại", đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc ban Tiếng Việt (CRI) đưa tin hôm 13/12.
Tuy nhiên, không bên nào đưa ra định nghĩa hay diễn giải các thuật ngữ này.
Hôm 12/12, ngay khi hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Tập vẫn kiên định thuyết phục nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam.
"Tập trung mưu cầu phát triển cho đất nước, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, mưu cầu tiến bộ cho nhân loại, Tổng Bí thư Tập Cận Bình bày tỏ sẵn sàng cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố định vị mới quan hệ hai đảng hai nước Trung Quốc – Việt Nam, chung tay xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh Trung Quốc – Việt Nam có ý nghĩa chiến lược", đài CRI tường thuật.
Tương tự như vậy, ông Tập viết một bài xã luận hiếm hoi cho tờ Nhân Dân của Đảng cộng sản Việt Nam, nói rằng việc xây dựng một "cộng đồng chung vận mệnh" Trung Quốc-Việt Nam sẽ mang ý nghĩa chiến lược trên tất cả các lĩnh vực của mối quan hệ song phương.
Tuy vậy, trang Tân Hoa Xã tiếng Anh của Trung Quốc hôm 13/12 vẫn dùng từ "Cộng đồng chia sẻ tương lai".
Chấp nhận và thách thức
Và như vậy, Việt Nam cuối cùng đã tán thành công thức "cộng đồng chung vận mệnh" bất chấp sự hoài nghi trước đó, mặc dù trong tiếng Việt, tầm nhìn này được phía Việt Nam dịch là "cộng đồng chia sẻ tương lai".
"Từ hồi năm 2017, Trung Quốc đã hối thúc Việt Nam gia nhập "cộng đồng chung vận mệnh" trong chuyến thăm Đà Nẵng của ông Tập, nhưng Việt Nam khi đó đã không tham gia", ông Vũ Xuân Khang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Chính trị học tại Trường Đại học Boston, bang Matsachusetts, Mỹ, viết qua email cho VOA.
"Trong khi cụm từ này báo hiệu Trung Quốc muốn nâng tầm quan hệ với Việt Nam thì đối với Việt Nam, việc Việt Nam có muốn tham gia tầm nhìn hay không không báo hiệu bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của nước này đối với Trung Quốc", ông Khang cho biết thêm. "Ưu tiên của Việt Nam là trấn an Trung Quốc rằng quan hệ của Việt Nam với các nước khác không nhằm vào Trung Quốc. Nếu Việt Nam tham gia cùng tầm nhìn của Trung Quốc, động thái này chỉ đơn giản là một bước nữa trong chính sách đảm bảo của Việt Nam. Nhưng điều đó không có nghĩa Việt Nam sẽ đứng về phía Trung Quốc trong mọi vấn đề".
Quyết định của Hà Nội tham gia "Cộng đồng chung vận mệnh" của Bắc Kinh "là phù hợp với chính sách đả