Bà con Lộc Hưng đón Tết Tân Sửu
Đài RFA liên lạc với một số người dân ở Vườn rau Lộc Hưng trong những ngày giáp Tết Tân Sửu và được nghe nỗi niềm của họ rằng hai năm qua, những ngày Tết cổ truyền là một nỗi ám ảnh đến kinh hoàng trong từng tâm trí của bà con từ người già cho đến người trẻ tuổi.
Quang cảnh vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế trong những ngày giáp Tết Kỷ Hợi. Courtesy of Vườn Rau Lộc Hưng Pháp Lý
Ngày Tết Nguyên đán là thời gian mỗi gia đình người Việt, trong đó bà con Vườn rau Lộc Hưng nhắc nhở nhau về truyền thống gia đình. Chắc chắn rằng các thế hệ trong từng ngôi nhà tại Vườn rau Lộc Hưng sẽ ôn đi ôn lại và truyền từ đời này sang đời khác về những ngày đầu tổ tiên của họ đã di cư từ Bắc vào Nam và lập nên cái vườn rau Lộc Hưng giữa đất Sài Gòn như thế nào.
Thế nhưng, kể từ Tết Kỷ Hợi năm 2019, hàng chục gia đình tại Vườn rau Lộc Hưng không còn được hưởng những cái tết sum vầy, ấm cúng nữa. Thậm chí, cứ mỗi thời điểm giao mùa, từng người một trong cộng đồng cư dân Vườn rau Lộc Hưng phải san sẻ nỗi ám ảnh cùng những tháng ngày cơ cực nhân dịp đầu xuân, năm mới.
"Việc họ cưỡng chế thì lúc đó các lực lượng hơn 1.000 quân rất hung hăng. Họ dùng toàn người phụ nữ xã hội, giang hồ đánh đập các phụ nữ ở Vườn rau Lộc Hưng ra ngăn cản như kẻ thù. Còn tất cả an ninh cùng lực lượng xã hội trà trộn mà không ai đeo bảng tên, ngoại trừ một số mặc sắc phục. Nói tóm lại là ở trên cấp trên chỉ đạo ngầm thì họ cưỡng chế, chà đạp lên pháp luật, coi thường pháp luật. Không có biên bản và không có bất cứ quyết định nào hết. Họ chỉ đạo và tàn sát bà con Lộc Hưng luôn".
Ông Cao Hà Chánh cho RFA biết những lời ông nói vừa rồi là nội dung được bà con Vườn rau Lộc Hưng kể cho nhau nghe hồi Tết Kỷ Hợi, Tết Canh Tý và trong Tết Tân Sửu này. Và ký ức Vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế, giải tỏa trắng sẽ mãi được hồi tưởng trong nhiều cái tết về sau nữa.
Ông Cao Hà Chánh, thuộc trong Ban Đại diện bà con Vườn rau Lộc Hưng cho biết thêm về cuộc sống của người dân Lộc Hưng sau khi bị cưỡng chế hồi đầu tháng 1 năm 2019, tức những ngày giáp Tết Kỷ Hợi.
"Tình hình chung của bà con thì lúc bị (chính quyền) đập phá là bà con được cha mẹ để lại đều vay mượn hết. Họ vay mượn để cố gắng xây nhà cửa cho mình ở hoặc dư thì cho thuê. Khi bị đập trắng hết rồi thì bà con thiếu nợ chưa trả được, mà bây giờ cũng không có nguồn sống luôn. Các chị em còn trẻ thì đi làm thuê, làm mướn như làm công việc dọn dẹp…Đại loại là đi làm công hết. Đặc biệt những người lớn tuổi ở Vườn rau Lộc Hưng thì một số đã mất và một số người già, không có điều kiện sức khỏe để đi làm kiếm thêm thu nhập".
Không những thế, nhiều người dân ở Lộc Hưng còn phải chịu cảnh sống trong bệnh tật.
"Vì họ (chính quyền) không làm hệ thống cống và nước thải của bốn-năm ngàn hộ xung quanh đổ xuống hết khu vực Vườn rau Lộc Hưng. Chính vì vậy mà ba của của tôi bị ung thư. Vợ tôi cũng bị bệnh ung thư và mất do bệnh ung thư này. Rất nhiều người bị bệnh ung thư chết. Còn những người không chết thì bị bệnh nặng và bệnh nan y".
Ông Cao Hà Chánh tâm tình rằng trong năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cuộc sống của bà con Vườn rau Lộc Hưng càng hết sức khó khăn. Hầu như không ai trong số họ nhận được sự hỗ trợ nào trong dịch bệnh từ chính quyền, huống hồ chi nghĩ đến họ đón tết như thế nào.
Bà Mùi, một cư dân ở Vườn rau Lộc Hưng chia sẻ với RFA :
"Tôi với bà con bị mất mát hết tài sản, tất cả dành dụm được nhờ vào mấy chục năm bán từng bó rau muống. Bây giờ chúng tôi rât là khó khăn. Những người già chúng tôi, 75 tuổi rồi thì ai mà mướn nữa. Đi làm không được mà cũng không làm gì được. Nói chung là chủ yếu tất cả bà con trong hai năm qua khó khăn lắm. Có những người không có nhà phải đi thuê sáu đến bảy triệu đồng/tháng. Cho nên cuộc sống khổ lắm".
Chị Hồng, một người con dâu trong gia đình ở Vườn rau Lộc Hưng, bộc bạch với chúng tôi.
"Đất của mẹ tôi canh tác từ năm 1954. Đến khi già thì mẹ chia cho con cái mỗi người một miếng đất. Kinh tế của tôi thì cũng đủ sống thôi. Đến khi mẹ cho đất thì tính sẽ có thêm nguồn cho thoải mái một chút. Tôi tính toán mượn tiền ngân hàng để làm nhà cho thuê. Từ khi xây nhà cho đến khi bị cưỡng chế, đập nhà, đập cửa thì mới được 8 tháng thôi. Đến bây giờ đã hai năm qua rồi thì tôi phải đóng tiền ngân hàng và càng khó khăn hơn nữa".
Sự khó khăn của chị Hồng là mất nhà cửa, không kiếm ra tiền mà không những gánh nợ nần ngân hàng chồng chất và còn tiền thuốc thang cho chồng bị bệnh tật.
Những nồi bánh chưng đầu tiên chuẩn bị cho Tết Tân Sửu của bà con Lộc Hưng. Hình chụp tối hôm 8/2/2021. Courtesy of Vườn Rau Lộc Hưng Pháp Lý
Theo đuổi quá trình pháp lý trong hai năm qua
Hoàn cảnh tuy có khác nhau, nhưng bà con ở Vườn rau Lộc Hưng cùng đồng lòng theo đuổi quá trình đi đòi công lý cho họ.
Suốt hai năm qua, bà con Lộc Hưng cùng với các luật sư đại diện pháp lý của họ đã ba, bốn lần ra Hà Nội, đến văn phòng Ban Tiếp dân. Kết quả đạt được là văn phòng này đã ban hành nhiều văn bản đề nghị Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp nhận và phải giải quyết, báo cáo về vụ việc cưỡng chế ở Vườn rau lộc Hưng.
Thế nhưng, Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vẫn cứ im lặng và không nhận đơn khiếu nại, cũng như không tiếp xúc với bà con Lộc Hưng một lần nào.
Trong những ngày giáp Tết Tân Sửu, Ban Đại diện bà con Lộc Hưng đến chúc tết luật sư Trần Hồng Phong, một trong những luật sư đại diện pháp lý cho họ, và được ông khẳng định rằng về mặt nguyên tắc, theo quy định thì bà con Lộc Hưng là những người sử dụng đất có nguồn gốc vừa lương thiện vừa hợp pháp. Và đặc biệt là có đủ điều kiện để được xem xét cấp giấy chứng nhận sử dụng đất theo quy định trong Luật Đất đai 1993.
Trong buổi gặp gỡ đó, luật sư Trần Hồng Phong chia sẻ và chúng tôi xin được trích lời ông nói :
"Theo tôi thấy có một tài liệu năm 2006 thì Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Đua đã làm việc với bà con Lộc Hưng. Và tại Bản thông báo ngày 15/11/2006, nói rất rõ lý do chính quyền chưa cấp sổ đỏ cho bà con Lộc Hưng bởi vì đã cấp cho Công ty Sài Thành để làm dự án. Nhưng sau đó, Công ty Sài Thành đã không đền bù cho bà con và cũng đã hủy dự án. Điều này có nghĩa là phải tiếp tục xem xét và cấp sổ đỏ cho người dân. Và tại thông báo này thì chính Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Đua đã chỉ đạo cho Sở tài nguyên-Môi trường phải khảo sát lại, tìm hiểu, đánh giá thực tế sử dụng đất, nguồn gốc đất và phải xém xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật".
Luật sư Trần Hồng Phong nhấn mạnh rằng Sở Tài nguyên-Môi trường đã không thực hiện theo đúng yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ cũng như không làm theo quy định của pháp luật.
"Tuy nhiên, rất đáng tiếc là Sở Tài nguyên-Môi trường đã không thực hiện đúng theo chỉ đọa của ông Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Đua, cũng như quy định đất đai mà người ta lại (tôi có thể dùng cái từ để nói rằng) ‘bịa đặt’ ra nội dung là bà con lấn chiếm đất công và điều đó không đúng với thực tế".
Qua lời dặn dò với Ban Đại diện bà con Vườn rau Lộc Hưng, luật sư Trần Hồng Phong bày tỏ :
"Tôi muốn nói rằng bà con Lộc Hưng đã đi một chặng đường dài và trong bối cảnh coi như là đã có những bước tiến về mặt pháp lý. Tức là, Bộ Tài nguyên-Môi trường đã có văn bản trả lời rằng việc Sở Tài nguyên-Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh lấy một văn bản của Bộ Tài nguyên-Môi trường để từ chối cấp sổ đỏ cho người dân Lộc Hưng là không đúng. Tôi hy vọng rằng trong khóa nhiệm kỳ mới của chính quyền thì vụ việc của bà con Lộc Hưng có thể sẽ có những bước tiến triển. Người ta sẽ xem xét và giải quyết. Tôi muốn nhắc lại bà con Lộc Hưng đang đấu tranh theo con đường bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Tôi nhấn mạnh là ‘hợp pháp’ ; trong đó bà con thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và bà con nên làm đúng theo quy định pháp luật".
Ông Cao Hà Chánh chia sẻ với RFA rằng Ban Đại diện bà con Lộc Hưng cũng đã đi đến gặp các nhà hảo tâm và những người thương bà con Lộc Hưng để xin được ít tiền nấu bánh chưng đón Tết Tân Sửu.
"Đón tết thì thứ nhất là bà con tổ chức nấu bánh chưng. Và sau khi đón giao thừa ở Đài Đức Mẹ thì tất cả bà con, anh-chị-em sẽ ngồi lại để cùng nhau ăn một bữa gắn bó hơn, thắm thiết hơn trong những giây phút đầu xuân".
Một vài người dân Lộc Hưng như bà Mùi, chị Hồng nói với RFA rằng tại bữa ăn đón giao thừa năm mới Tân Sửu, bà con Vườn rau Lộc Hưng cùng thành tâm nguyện cầu và mong ước chính quyền nghĩ đến chuyện đất đai của người dân Lộc Hưng phải có sự thật và công lý rõ ràng. Họ trông mong làm sao chính quyền trong năm mới tiếp xúc với bà con Lộc Hưng và có hướng gỉai quyết cho bà con cũng như bù đắp những mất mát, thiệt thòi cho họ.
"Bà con Lộc Hưng sang năm mới Tân Sửu này rất mong Chính phủ cùng tất cả các cấp lãnh đạo ra mặt đối thoại với người dân, để làm sao cho đúng luật của Nhà nước ban hành bởi vì đất đai của chúng tôi có giấy tờ đầy đủ".
Trưởng ban Tiếp công dân gặp 70 người dân Vườn rau Lộc Hưng (RFA, 16/12/2019)
Sáng ngày 16/12/2019, Trưởng ban Tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ Nguyễn Hồng Điệp có buổi gặp gỡ với khoảng 70 người dân Vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình - Thành phố Hồ Chí Minh sau vụ việc mới nhất là hang đá mừng Giáng sinh do người dân dựng nên tại đây 2 lần bị chính quyền phá bỏ.
Khu đất Vườn Rau Lộc Hưng tại Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh sau khi bị cưỡng chế vào ngày 4 và 8/1/2019. Courtesy of Citizen
Ông Nguyễn Hồng Minh, một người thuộc ban đại diện người dân khu vực này, cho Đài Á Châu Tự Do biết về cuộc họp như sau :
"Người dân thì trình bày hết những tâm tư nguyện vọng cho ông Điệp. Thực tế thì khi cho vào trong phòng họp riêng chỉ khoảng 13 người, khi khi trình bày ý kiến thì chỉ có 5 người nêu ý kiến được thôi bởi vì khoảng thời gian không cho phép".
Cũng trong sáng nay, trên 100 người dân ký vào đơn kêu cứu và kiến nghị gửi Ban tiếp công dân Thanh tra Chính phủ qua đó kiến nghị cơ quan này thành lập Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra quá trình quản lý và sử dụng đất tại khu đất Vườn rau Lộc Hưng - Phường 6, Quận Tân Bình.
Đồng thời người dân tiếp tục yêu cầu lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sớm tiếp xúc, đối thoại và giải quyết những nội dung tố cáo, khiếu nại và kiến nghị của người dân.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hồng Minh, Trưởng ban tiếp công dân Nguyễn Hồng Điệp không hứa hẹn gì với người dân mà chỉ cho biết sẽ tiếp tục làm việc với chính quyền thành phố Hồ Chí Minh để tiếp xúc giải quyết vụ việc với người dân.
Như chúng tôi đã thông tin, hôm 8/12/2019, chính quyền Phường 6 quận Tân Bình đem lực lượng gồm hơn 100 người đến phá dỡ hang đá Giáng sinh mà người dân Vườn rau Lộc Hưng dựng lên ngay khu đất mà người dân năm nào cũng giăng đèn, kết hoa mừng lễ Noel.
Chính quyền Phường 6 sau đó quy kết cho rằng, người dân lợi dụng việc dựng hang đá thể hiện lòng kính Chúa nhân dịp Giáng sinh để với "âm mưu là để tái chiếm dụng đất trái pháp luật".
*****************
Hơn 35.000 người Hà Tĩnh lao động chui ở nước ngoài (RFA, 16/12/2019)
Toàn tỉnh Hà Tĩnh có gần 68.000 người làm việc tại nước ngoài, trong đó hơn 35.000 người lao động chui.
Một người lao động Việt Nam (giữa) đi Hà Quốc tại sân bay Nội Bài hôm 5/11/2007 - AFP - Hình minh họa.
Báo Infonet loan tin ngày 15/12, trích lời ông Nguyễn Trí Lạc – Giám đốc sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh phát biểu trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 12 của Hội đồng Nhân dân tỉnh này diễn ra cùng ngày.
Theo đó, gần 68.000 người lao động Hà Tĩnh đang làm việc tại hơn 60 nước và vùng lãnh thổ thế giới với số ngoại tệ gửi về nước trên 4.500 tỉ đồng/năm.
Tuy nhiên tình trạng người lao động bỏ trốn, vi phạm hợp đồng, và hết hạn hợp đồng không về nước đang ở mức đáng lo ngại. Cụ thể, trong số 35.000 lao động chui chỉ có khoảng 5.000 người lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, còn lại là những người di cư tự do và không có giấy phép lao động.
Giám đốc sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh cho biết riêng tại Hàn Quốc, người lao động vi phạm pháp luật, bỏ trốn khỏi nơi làm việc và lao động hết hạn hợp đồng không về luôn đứng đầu cả nước.
Nhiều đại biểu đưa ra câu hỏi vậy liệu Sở đã xử phạt được bao nhiêu trường hợp bỏ trốn và có hay không các đường dây đưa người đi lao động chui ?
Ông Nguyễn Trí Lạc cho rằng người lao động bỏ ra ngoài làm việc do thu nhập cao, trung bình 70-80 triệu mỗi tháng. Bên cạnh đó, còn do các nước sở tại có lao động bỏ ra ngoài cũng không kiểm soát.
Điển hình như những chương trình đưa lao động sang Hàn Quốc, người dân phải đóng 100 triệu tiền cọc nhưng lương mỗi tháng lại quá cao nên không đủ để buộc lao động về nước.
****************
Việt Nam gia hạn miễn thị thực cho công dân 8 quốc gia đến hết năm 2020 (RFA, 16/12/2019)
Việt Nam vừa ra quyết định gia hạn miễn thị thực cho công dân của 8 quốc gia khi nhập cảnh vào nước này đến hết ngày 31/12/2022.
Khách du lịch nước ngoài ngồi xích lô tham quan nội thành Hà Nội. Hình chụp ngày 16/07/14. AFP - Ảnh minh họa.
Tin cho biết công dân của 8 nước được gia hạn miễn thị thực đến hết năm 2022 bao gồm Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, và Cộng hòa Belarus. Công dân của 8 nước này được gia hạn miễn thị thực khi nhập cảnh vào Việt Nam không quá 15 ngày, không phân biệt loại hộ chiếu hay mục đích nhập cảnh vào Việt Nam.
Quyết định gia hạn miễn thị thực vừa ban hành của Chính phủ Việt Nam được nói là nhằm đáp ứng tạo điều kiện thông thoáng hơn cho công dân của 8 quốc gia mà có số lượng du khách vào Việt Nam trong năm 2018 đông nhất, lưu trú dài nhiều ngày, tăng trưởng ổn định và chi tiêu cao.
Quyết định này của Chính phủ Việt Nam cũng nhằm mục đích giữ vững tốc độ tăng trưởng và mục tiêu hàng năm của ngành du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam trong tháng 11 cũng vừa thông qua việc miễn thị thực thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài khi vào khu linh tế ven biển của Việt Nam trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020.
Trong thời gian góp ý cho dự thảo luật vừa nêu, một số đại biểu quốc hội đề nghị không miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển vì quan ngại sẽ có thể ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng của Việt Nam.
Giải quyết vụ Vườn rau Lộc Hưng tưởng đã xong, nào ngờ chính quyền quận Tân Bình hôm 3/12 lại đưa hàng trăm người tới khu đất mà bà con ở đây nói là thuộc sở hữu của họ để ‘cắt cỏ' và thay đổi bảng dự án.
Một khế ước thuê ruộng trước năm 1975 của người dân canh tác ở vườn rau Lộc Hưng (FB Hai Van Nguyen)
Như vậy là gần một năm sau khi nhà cầm quyền thực hiện việc mà họ gọi là "giải tỏa các công trình trái phép" ở Vườn rau Lộc Hưng, chính quyền quận Tân Bình hôm 3/12 lại đưa hàng trăm người tới khu đất mà bà con ở đây nói là thuộc sở hữu của họ để ‘cắt cỏ' và thay đổi bảng dự án.
I. Diễn tiến sự việc
Một người dân của khu Vườn rau Lộc Hưng bị mất đất, anh Cao Hà Trực, nói với VOA hôm 4/12 rằng "Từ 6 giờ rưỡi, (nhà cầm quyền) đã huy động lực lượng và 7 giờ rưỡi họ thực hiện việc họ nói là cắt cỏ", anh Trực nói. "Họ nói họ cắt cỏ nhưng trên thực tế họ đưa một lực lượng gần 300 người tới để thay bảng quy hoạch – trước đây là ‘trường học đạt chuẩn quốc gia' thì nay là ‘trường học'. (Điều đó) có nghĩa là họ thay dự án của cụm trường học đó".
Đây là lần thứ 5 chính quyền địa phương thay đổi dự án mà người dân Vườn rau Lộc Hưng gọi là các dự án "ma". Khu đất đầy tranh chấp này ban đầu được quy hoạch cho ngành bưu điện vào năm 2001, theo anh Trực, nhưng sau đó đổi thành xây bệnh viện trước khi được dự kiến xây chung cư cao tầng rồi xây trường học trong những năm tiếp theo….
Như vậy là việc tranh chấp đất đai của bà con ở khu vực Vườn rau Lộc Hưng và chính quyền địa phương đã diễn ra nhiều năm qua và vụ việc lên đến đỉnh điểm khi chính quyền quận Tân Bình đưa khoảng một ngàn người tới "giải tỏa" khu vườn trong hai ngày 4 và 8 tháng 1 năm nay. Sự thể này đã làm tan cửa nát nhà, đưa hàng trăm gia đình vào cảnh khốn cùng, bị công luận trong và ngoài nước lên án như là việc làm bất nhân, vô đạo. Bởi vì nhà cầm quyền Tân Bình đã cưỡng chế vào những ngày giáp Tết Âm Lịch có tính thiệng liêng đối với dân Việt Nam. Nay cũng gần đến ngày gần Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, ngày 3/12/2019 vừa qua lại huy động lực lượng gần 300 người đến khu Vườn rau Lộc Hưng bị giải tỏa gần một năm qua để "cắt cỏ" và thay đổi bảng hiệu "quy hoạch".Người ta tự hỏi nhà cầm quyền Tân Bình đang toán tính gì đây ? Trong khi các nạn nhân bị cướp đất phá nhà trái phép ở Vườn rau Lộc Hưng đã và đang chờ đợi chính quyền Trung ương cứu xét, giải quyết thỏa đáng.
II. Chờ đợi và hy vọng chính quyền trung ương giải quyết thỏa đáng
Thật vậy, nạn nhân đang kiên nhẫn chớ đợi và nuôi nhiều hy vọng "Đèn trời soi xét" khi thấy có những dấu hiệu đáng mừng cho người dân Vườn rau Lộc Hưng (Vườn rau Lộc Hưng) được tìm thấy trong bản tường trình của Luật sư Trần Hồng Phong Eco Law, do một luật sư hổ trợ pháp lý cho Vườn rau Lộc Hưng gửi cho chúng tôi, cũng đã được phổ biến rộng rãi trên FB. Nội dung bản tường trình ghi lại diễn tiến cuộc họp sáng ngày 27/6/2019 tại phòng họp Bộ Tài nguyên Môi trường (Tài nguyên và môi trường), Hà Nội ; để xem xét và giải quyết khiếu tố của người dân Vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế trái pháp luật.
Đáng mừng vì theo lời một luật sư thiện nguyện hổ trợ pháp lý cho người dân Vườn rau Lộc Hưng cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu yêu cầu Ủy Ban Nhân dân TP.HCM phải giải trình về Vườn rau Lộc Hưng và Bộ Tài nguyên và môi trường có trách nhiệm tham mưu cho Chính Phủ.....Vì vậy, cuộc họp giữa "Nhóm luật sư Vườn rau Lộc Hưng và bà con Vườn rau Lộc Hưng làm việc với Bộ Tài nguyên Môi trường" đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng và sự hiện diện của Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường.
Nội dung bản tường trình thế nào và người dân Vườn rau Lộc Hưng đánh giá dấu hiệu đáng mừng ra sao ? Người dân Vườn rau Lộc Hưng thực sự muốn gì ?
1. Nội dưng bản tường trình thế nào ?
Để bạn đọc biết diễn tiến cuộc họp sáng ngày 27/6/2019 tại phòng họp Bộ Tài nguyên Môi trường (Tài nguyên và môi trường), Hà Nội…như thế nào, chúng tôi mạn phép tác giả đăng lai toàn văn bản tường trình như sau :
" Sáng nay 27/6/2019, đại diện bà con #Vườn rau Lộc Hưng gồm anh Cao Hà Chánh, anh Cao Hà Trực, chị Trần Minh Thi cùng Luật sư Trần Hồng Phong và Luật sư Đặng Dũng làm việc với Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường.
Phía lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường có Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, ông Lê Quốc Trung - Chánh thanh tra, cùng lãnh đạo Tổng cục địa chính và các ban, tổng cộng 7 người.
Ông Trung cho biết theo kế hoạch Bộ trưởng sẽ tiếp đoàn nhưng do bận tham dự G20 nên không có mặt. Tuy nhiên Bộ cử đầy đủ thành phần tham dự buổi làm việc tiếp đoàn bà con Vườn rau Lộc Hưng và nhóm luật sư.
Chúng tôi khá bất ngờ khi thấy thành phần dự họp của Bộ khá đông với sự tham gia của nhiều cục nghiệp vụ. Quá trình làm việc thể hiện sự trọng thị, lịch sự, lắng nghe ý kiến trình bày của đoàn.
Mục đích chính của buổi làm việc này, về phía người dân là yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường làm rõ giá trị pháp lý của văn bản do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Hùng Võ ký năm 2006. Vì chính do văn bản này mà chính quyền địa phương đã không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.
Mở đầu, Chánh thanh tra Lê Quốc Trung cho biết vụ việc Vườn rau Lộc Hưng đã được Thủ tướng quan tâm, trực tiếp chỉ đạo giải quyết. Vừa qua Thủ tướng tổ chức cuộc họp về vụ việc, Bộ Tài nguyên và môi trường có tham gia. UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có báo cáo mới nhất, tuy nhiên là văn bản mật nên không thể công bố. Bộ Tài nguyên và môi trường trong chức năng của mình sẽ có ý kiến giúp Thủ tướng về mặt chuyên môn.
Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết đã xem đơn và hồ sơ do bà con gửi, liên quan đến việc làm rõ giá trị pháp lý của văn bản số 5201 năm 2006 do Thứ trưởng Đặng Hùng Võ ký. Bộ đề nghị bà con cho biết có bổ sung thêm vấn đề nào không ?
Anh Chánh đại diện bà con trình bày về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, nỗi thống khổ, khó khăn của người dân do hậu quả của đợt cưỡng chế kinh hoàng ngày 4-8/1/2019, hủy hoại 503 căn nhà, người dân bị đuổi ra khỏi mảnh đất của mình. Anh cho biết chính quyền không cho đăng ký sử dụng đất, không giải quyết khiếu nại của người dân suốt hơn 20 năm qua.
Anh Trực trình bày thêm, tự tay đưa bản vẽ tờ bản đồ khổ lớn khu đất Vườn rau Lộc Hưng cho Bộ. Anh nêu rõ cùng nguồn gốc đất như nhau, năm 2002 những căn nhà khu rìa Vườn rau đã được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà, khu vực do Bưu điện chiếm làm nhà cho cán bộ nhân viên cũng đã được rào riêng, cấp giấy - thì tại sao phần đất Vườn rau Lộc Hưng không được cấp ?!
Anh Trực còn cung cấp thông tin gây choáng là năm 2006, khi ông Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh xuống làm việc có đưa ra quyết định thu hồi khu đất C30 không phải là Vườn rau Lộc Hưng nhưng lại nói là quyết định thu hồi Vườn rau Lộc Hưng. Việc này là do Thành phố Hồ Chí Minh nhầm lẫn, hay cố tình đánh lận để cướp đất của người dân ? Trong lúc trình bày anh Trực bật khóc vì uất ức, tủi phận cho người dân vườn rau.
Chị Thi tấm tức cho rằng việc Đoàn cưỡng chế chính quyền tàn phá nhà cửa của người dân ngay ngày tết là vô nhân đạo, tàn ác. Tại sao họ nói không cưỡng chế thu hồi đất, mà đến nay vẫn ngăn cản không cho người dân vào đất của mình ? Hãy để chúng tôi nói, chúng tôi có nhu cầu và nguyện vọng nói vì lâu nay không ai nghe người dân nói, chính quyền thì né tránh đối thoại...
Nghe các anh chị trình bày, có những lúc chúng tôi cảm thấy nhói lòng, xúc động.
Luật sư Đặng Dũng cho biết chiều hôm qua đã làm việc với Thanh tra Bộ giáo dục đào tạo, khiếu nại chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vẽ ra dự án "cụm trường công lập đạt chuẩn quốc gia" trên khu đất Vườn rau Lộc Hưng, thực chất là việc lợi dụng nhóm từ tốt đẹp để lừa dối dư luận, vì dự án này là mơ hồ, trái quy định. Ngoài ra, trên cùng một khu đất thì lại cấp cho cán bộ bưu điện.
Luật sư Phong đề nghị Bộ lưu ý giải quyết đúng kiến nghị của người dân : giá trị pháp lý của văn bản ông Đặng Hùng Võ ký. Ngoài ra, hiện nay chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng đất Vườn rau Lộc Hưng là "đất công" và Thành phố đã thu hồi theo Quyết định 111/CP ngày 14/4/1977. Vậy đất công là gì ? Điều khoản nào trong QĐ 111/CP được Thành phố áp dụng, trong khi đây là chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa, đánh vào giới nhà giàu ?
Chánh thanh tra Bộ cho biết văn bản của Bộ năm 2006 chỉ là giải thích nghiệp vụ trên cơ sở thông tin và hỏi của địa phương, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Việc hướng dẫn người dân đăng ký, xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương. Bộ không thể làm thay. Về khái niệm "đất công" luật không có quy định. Về QĐ 111/CP trong văn bản của Bộ năm 2006 không đề cập đến. Bộ khẳng định sẽ có văn bản trả lời bà con.
Kết thúc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết đã lắng nghe, ghi nhận và sẽ có ý kiến về vụ việc theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bà con hãy yên tâm.
Đoàn ra về, với niềm mong mỏi công lý và sự thật sẽ được sáng tỏ, quyền lợi hợp pháp của người dân sẽ được giải quyết. Cuộc họp dù sao cũng mở ra một tia hy vọng. Tuy nhiên, mọi người đều xác định con đường đấu tranh sẽ còn dài và khó khăn. Dù vậy, việc công bố Kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm trong cùng buổi sáng nay đã phần nào cho thấy sai phạm trong quản lý đất tại Thành phố Hồ Chí Minh trước sau gì cũng sẽ bị phơi bày".
(Tường thuật của Luật sư Trần Hồng Phong Eco Law từ cuộc họp sáng ngày 27/6/2019 tại phòng họp Bộ Tài nguyên và môi trường, Hà Nội).
2. Người dân Vườn rau Lộc Hưng đánh giá dấu hiệu đáng mửng này ra sao ?
Câu trả lời tổng quát có thể trích ra từ phần cuối của bản tường thuật trên, rằng "Đoàn ra về, với niềm mong mỏi công lý và sự thật sẽ được sáng tỏ, quyền lợi hợp pháp của người dân sẽ được giải quyết. Cuộc họp dù sao cũng mở ra một tia hy vọng. Tuy nhiên, mọi người đều xác định con đường đấu tranh sẽ còn dài và khó khăn…".Điều này có nghĩa là dấu hiệu đáng vui mừng mới "mở ra một tia hy vọng"trong sự hoài nghi về kết quả sau cùng liệu có giải quyết được thỏa đáng những yêu cầu hợp pháp và chính đáng của người dân Vườn rau Lộc Hưng khiếu kiện hay không. Vì nghi ngờ nên "mọi người đều xác định con đường đấu tranh sẽ còn dài và khó khăn…". Vì sao ?
Có thể là vì kinh nghiệm thưc tế cho thấy đã có nhiều vụ khiếu kiện đất đai giải tỏa của người dân ở các địa phương kéo dài nhiều năm, đến các cơ quan chức năng trung ương từng được Thủ tướng Chính phủ hay các lãnh đạo cơ quan chức năng Trung ương chỉ đạo phải giải quyết đúng theo chủ trương, chính sách và pháp luật. Thế nhưng, kết quả sau cùng vẫn như điều mà người dân thường nói "huyện bênh huyện, phủ bênh phủ". Nghĩa là, các cơ quan điều tra trung ương thường đồng tình với những sai phạm của địa phương để bao che với động lực không trong sáng.
Tỷ như người dân xã Đồng Tâm gần Hà Nội, khiếu kiện nhiều năm về diện tích đất đai thuộc quyền sử dụng của người dân địa phương, không phải là đất sử dụng cho quốc phòng. Nhưng chính quyền địa phương đã cưỡng chế khiến người dân xã Đồng Tâm buộc phải có phản ứng quyết liệt vi phạm pháp luật, là bắt giam những nhân viên đến cưỡng chế làm con tin. Để giải thoát con tin, đích thân Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phải ký giấy cam kết không truy tố trách nhiệm hình sự và giải quyết thỏa đáng nguyện vọng của người dân xã Đồng tâm theo đúng pháp luật. Thế nhưng sau đó một số người cầm đầu vẫn bị truy tố và cho đến nay kết quả điều tra của cơ quan Thanh tra Chính phủ trung ương vẫn kết luận diện tích đất mà người dân khiếu kiện bao lâu nay, không thuộc quyền sử dụng của họ, vì là "đất trưng dụng cho quốc phòng", trong khi thực tế được sử dụng vào một đề án kinh doanh của quân đội ; để chỉ "yểm trợ" những cư dân mất đất theo quy định đơn phương áp đặt, không chịu "bồi thường" theo thỏa thuận song phương. Vì giá đất "bồi thường" trên một mét vuông cao hơn nhiều so với tiền gọi là "hổ trợ". Vì vậy người dân xã Đồng Tâm như bị dồn vào chân tường đã thề quyết tâm liều mạng đấu tranh đến cùng… Hiện tại cả tháng nay, họ lại phải một lần nữa "nổi loạn" chống lại nhà cầm quyền, chưa biết hệ quả ra sao.
Tương tự như hoàn cảnh của người dân Vườn rau Lộc Hưng, bị chính quyền địa phương Phường 6 Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh giải tỏa và cưỡng chế trái pháp luật và cũng chỉ"hổ trợ" chứ không chịu "bồi thường" thỏa đáng cho dân theo đúng pháp luật. Đồng thời lý do giải tỏa Vườn rau Lộc Hưng dường như cũng mang tính giả tạo,vi luật. Tương tự như vụ xã Đồng Tâm nói là trưng dụng làm "đất quốc phòng" thực tế lại sử dụng cho một công ty làm kinh tế. Theo như bản tường thuật đã ghi lại, rằng :
"Luật sư Đặng Dũng cho biết chiều hôm qua đã làm việc với Thanh tra Bộ giáo dục đào tạo, khiếu nại chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vẽ ra dự án "cụm trường công lập đạt chuẩn quốc gia" trên khu đất Vườn rau Lộc Hưng, thực chất là việc lợi dụng nhóm từ tốt đẹp để lừa dối dư luận, vì dự án này là mơ hồ, trái quy định. Ngoài ra, trên cùng một khu đất thì lại cấp cho cán bộ bưu điện…".
3. Người dân Vườn rau Lộc Hưng muốn gì ?
Vậy thì, để biến những dấu hiệm đáng mừng thành niềm vui mừng thực sự cho người dân Vườn rau Lộc Hưng, thiết tưởng cơ quan chức năng Trung ương theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là Bộ Tài nguyên và môi trường, có trách nhiệm giải quyết dứt điểm vụ khiếu tố, kêu oan của người dân Vườn rau Lộc Hưng. Nghĩa là cần giải quyết thỏa đáng theo đúng pháp luật nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người dân, được thể hiện trong THƯ NGỎ đã gửi cho Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, cũng là Ủy viên Bộ Chính Trị và là Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung Thư Ngỏ đã cho thấy nguyện vọng của người dân vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế là gì, cần được chính quyền giải quyết ra sao ?
1. Căn cứ trên Luật Đất Đai hiện hành và các văn bản pháp lý, hành chánh dưới luật có liên quan, xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho người dân Vườn rau Lộc Hưng, trên cơ sở nguồn gốc hợp pháp (do sở hữu chủ chân chính là Tòa Giám Mục Saigon cho phép), sử dụng ổn định lâu dài, có đóng thuế, không có tranh chấp. Việc không có giấy xác nhận quyền sử dụng đất là do lỗi của chính quyền địa phương (có ý đồ chiếm dụng), đã liên tục từ chối đơn xin của người dân, mà không đưa ra lý do chính đáng, hợp pháp.
2. Trên cơ sở hơp pháp hóa quyền sử dụng đất đai do thực tế hội đủ điều kiện luật định, buộc chính quyền các cấp có liên quan phải "bồi thường" thỏa đáng dựa trên đồng thuận chứ không phải "hổ trợ" đơn phương mang tích áp đặt của chính quyền, vi phạm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân Vườn rau Lộc Hưng.
3. Bồi thường thiệt hại tài sản (nhà cửa, đồ đạc..) bị phá hủy cho người dân Vườn rau Lộc Hưng do việc cưỡng chế trái pháp luật gây ra.
4. Ưu tiên cho các nạn nhân được mua nhà cửa và huấn nghệ để sớm an cư lạc nghiệp cho người dân Vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế đang phải sống trong tình cảnh vô gia cư, vô nghề nghiệp.
5. Xem xét, xác định lý do giải tỏa đất Vườn rau Lộc Hưng có đúng là để thực hiện " dự án "cụm trường công lập đạt chuẩn quốc gia"hay không ? Nếu không đúng thì cần giải quyết thế nào cho thỏa đáng cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân Vườn rau Lộc Hưng
III. Kết luận
Tựu chung, nếu các cơ quan chức năng Trung ương giải quyết theo đúng nguyện vọng trên của người dân Vườn rau Lộc Hưng, sẽ là một điểm son cho chính quyền, được người dân Vườn rau Lộc Hưng biết ơn. Đồng thời tạo ra một tiền lệ cho việc giải quyết nghiêm túc, dứt điểm các vụ khiếu kiện đất đai bị giải tỏa kéo dài nhiều năm qua theo đúng pháp luật, bảo vệ cho các quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân.Và như thế, chính quyền không còn phải lo đối phó với "các thế lực thù địch" lợi dụng chống phá "chế độ ta". Vì nguyên nhân chống phá của "Phản động" đều xuất phát từ những xâm hại các quyền dân chủ, dân sinh và nhân quyền của nhà cầm quyền các cấp. Nếu "Đảng và Nhà nước ta" làm đúng pháp luật, tôn trọng và bảo vệ cho các quyền dân chủ, dân sinh và nhân quyền, thì làm gì có các vụ khiếu kiện kêu oan để cho "Các thế lực thù địch" lợi dụng, chống phá Nhà nước. Đúng không ạ, thưa Bí thư Thành Ủy Nguyễn Thiện Nhân ?
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 11/12/2019
Thời sinh viên của tôi gắn với Lộc Hưng, tôi và một vài người bạn đã thuê trọ ở đó gần nửa quãng thời gian học đại học. Hồi đó, vườn rau Lộc Hưng hoàn toàn chưa có nhà cửa, chỉ có rau và rau. Vườn Lộc Hưng nằm trước nhà thờ Lộc Hưng (Giáo xứ Lộc Hưng), rộng chừng vài chục hecta, được bao bọc bởi một con đường vòng cung nối Lý Thường Kiệt với Cách Mạng Tháng Tám. Có thể nói rằng cứ mỗi mùa Giáng Sinh, khu dân cư Lộc Hưng là khu đẹp nhất Sài Gòn, các con hẻm đều trang trí đèn màu, đủ màu sắc. Đi dưới các con hẻm ở Lộc Hưng giống như đang đi dưới một vòm trời đầy các ngôi sao xanh, đỏ, vàng, tím… Và chừng vài chục mét lại nhìn thấy hang đá, Chúa Hài Đồng, Đức Mẹ…
Cứ mỗi mùa Giáng Sinh, khu dân cư Lộc Hưng là khu đẹp nhất Sài Gòn, các con hẻm đều trang trí đèn màu, đủ màu sắc.
Có thể nói rằng để tìm ra một khu dân cư có hàng chục ngàn người đều đồng nhất chung tay làm nên một con phố Noel, chỉ có Lộc Hưng, Sài Gòn. Sau này thì nhiều nơi như vậy, nhưng thời tôi đi học, cách đây gần ba mươi năm, dường như chỉ có Lộc Hưng.
Và thời đó, cả con đường dài quanh vườn Lộc Hưng chỉ có đúng một quán cơm. Quán bình dân, không tên, nhưng chúng tôi đặt tên quán cơm Nỗi Niềm. Vì chủ quán có hai cô con gái, cả ba mẹ con của họ nhìn gương mặt lúc nào cũng chất nặng nỗi niềm. Cha của hai cô gái hình như đã mất thì phải. Hồi đó, tài sản sinh viên của tui tôi chẳng có gì ngoài một thùng gỗ đựng sách vở, gọi cho sang là vali, vài bộ quần áo và chiếc xe đạp. Chúng tôi sống trong một căn gác gỗ của một gia đình Thiên Chúa Giáo, mỗi năm, thú vị nhất vẫn là mùa lễ Tạ Ơn và Giáng Sinh, cách gì chúng tôi cũng được chủ nhà đãi cho một bữa ăn ngon và miễn cho một tháng tiền nhà, ngoài ra còn có phần mỗi đứa 50 ngàn đồng. Hồi đó thuê nhà mỗi tháng 100 ngàn đồng, có 50 ngàn đồng lúc đó giá trị hơn 500 ngàn đồng bây giờ rất nhiều.
Nhớ có năm, cũng mùa Noel, tôi và thằng bạn (bây giờ là nhà thơ khá nổi tiếng) rủ nhau đi dạo thành phố một đêm cho biết (sở dĩ có hứng để rủ nhau đi là do chiều đó được bà chủ nhà tặng cho mỗi đứa 50 ngàn đồng), tôi mua một đôi giày bata Thượng Đình hết 15 ngàn, vậy là hai thằng cùng đi. Không biết đi kiểu gì mà lòng vòng qua tận quận Nhất, rồi xuống sân bay Tân Sơn Nhất ở giáp giới Tân Bình, Gò Vấp, rồi lại quay về Cách Mạng Tháng Tám, mệt quá, hai thằng ngồi ở trước cổng nghĩa trang Hồi Giáo trên đường Cách Mạng Tháng tám nghỉ xả hơi, bị dân phòng tới hỏi giấy tờ, lại phải xuất trình thẻ chứng minh, thẻ sinh viên mới được cho về. Bụng đói meo vì đi bộ, tiền thì có rủng rỉnh mấy chục ngàn đồng trong túi như xui sao bữa đó lễ Giáng Sinh nên hầu hết những người bán thức ăn dạo ban đêm đều nghỉ. Sài Gòn mà đi ăn đêm không tìm ra chỗ thì cũng lạ. Thực ra có nhiều chỗ nhưng không hợp túi tiền, tụi tôi cần phải dành dụm và chỉ tìm cho được chỗ bán xôi, chỉ có xôi Sài Gòn vừa ngon, vừa rẻ, hợp với sinh viên.
Lang thang cuốc bộ, đôi giày tôi mua ban chiều đến khuya đã vẹt gót, lòi da, có lẽ do khúc đói bụng, đi hai chân cứ kéo xoèn xoẹt dưới đất nên nó nhanh mòn. Về đến nhà thờ Lộc Hưng, đã gần 4h sáng, tôi và thằng bạn mới nhớ sực là giờ này thì hết về nhà được rồi vì chủ nhà qui định phải về nhà trước 23h đêm. Thôi thì chui vào nhà thờ Lộc Hưng ngủ. Hai thằng chọn cái ghế đá, chỗ gần tượng Chúa nằm ngủ cho đỡ sợ. Lúc đó tự dưng cảm giá hơi ớn lạnh, bụng đói nữa nên hai thằng cứ run cầm cập theo cái lạnh Giáng Sinh. Nằm trằn trọc do ghế đá lạnh, do sợ mỗi khi nhìn ra vườn rau vì thằng bạn nó nghe ai đó kể ằng trước đây vườn rau là một nghĩa địa (chuyện này không đúng nhưng hồi đó người ta kể vậy để phỉnh những kẻ hái trộm rau thôi!). Chỉ mong trời mau sáng để về nhà trọ tắm rửa, kiếm chút gì bỏ bụng thì tự dưng thấy một bóng đen đứng lù lù bên cạnh, sợ chết khiếp nhưng cũng cố giữ can đảm, im lặng quan sát. "Các cậu làm gì nằm đây?", giọng hỏi hơi quát tháo. "Dạ, tụi con là sinh viên, lỡ ham chơi Giáng Sinh, về khuya quá, không dám gọi cửa nên nằm đỡ qua đêm chút về". "Sinh viên sao lại run như cầy sấy khi bị hỏi thế kia?". "Dạ, tại đói bụng mà lạnh chứ tụi con trả lời thật thà, đây, thẻ sinh viên của con đây, mời chú coi". "Người đàn ông bật đèn pin coi thẻ, sau đó giọng trầm ấm hẳn. "Ui chao là sinh viên! Đói bụng mà nằm ngủ lạnh như vậy có khi ngủ luôn cũng không chừng, thôi vào đây!". Nói xong ông quay đi và ra hiệu hai thằng tôi đi theo. Ông dắt vào một dãy phòng, chỉ cho chúng tôi một phòng trống có trải đệm hẳn hoi và nói "Vào đó ngủ đi. Đợi tôi chế mì gói cho mà ăn. Nói xong ông đi, chừng mười phút sau ông gọi tụi tôi ra ngoài phòng ăn, đã có hai tô mì gói chế với trứng và thịt bò. Hai thằng chẳng biết nói chi, chỉ biết cảm ơn rồi ăn. Xong rồi đi rửa mặt nhưng ngại không ngủ vì thấy giường sạch quá. Hình như hiểu ý chúng tôi, ông lại bảo "Ngủ và thức là ý Chúa, không phần biệt sạch dơ đâu, tụi con cứ ngủ". Đêm đó mặc dù chỉ ngủ vỏn vẹn hơn giờ đồng hồ nhưng giấc ngủ ngon đặc biệt của thời sinh viên, giờ nhớ lại vẫn còn cảm giác của đêm ấy.
Sau này, chúng tôi mới biết người đàn ông đó là một ông trùm họ đạo, ông cũng là người phụ trách cả viêc phụng vụ Chúa và Cha, ông ở lại nhà thờ để chăm sóc Cha và coi quản mọi việc. Ông cũng là người giới thiệu chúng tôi với quán cơm Nỗi Niềm để mỗi khi thiếu tiền, chúng tôi lại ăn nợ mà không cần thế chấp thẻ sinh viên. Thậm chí có thể dạy thêm tiếng Anh cho hai cô con gái trong cuối tuần để trừ tiền cơm. Mối gắn kết của chúng tôi với làng rau Lộc Hưng cũng gần gũi và thân thiết hơn từ đó.
Hầu hết người làm vườn ở Lộc Hưng đều không dùng phân bón hóa học, họ ra vùng ngoại ô để mua phân bò về ủ, muốn chở phân bò vào thành phố thì phải dùng loại bao đặc biệt, có hai lớp, gồm một lớp nilon và lớp bao tải, nhận đầy phân vào đó và chất lên xe chở về. Mỗi chuyến đi chừng vài chục bao tải như vậy, về đổ ra, chất thành đống và đậy bao tải lên trên, sau đó phủ bạt che kín để ủ. Cứ mỗi dịp tháng Mười Một, tháng Chạp thì đi qua đây chỉ nghe đúng hai mùi, rau ngò, hành cải và mùi bánh dầu ngâm. Có thể nói theo tiêu chuẩn rau sạch bây giờ thì lúc đó, vườn rau Lộc Hưng là vườn rau sạch. Hầu hết các nông dân Lộc Hưng là những người có nhà trên đường vòng cung nhà thờ Lộc Hưng, nhìn ra vườn rau. Chủ quán cơm Nỗi Niềm cũng có một lô đất trồng rau trước nhà.
Năm ngoái, nghe tin Lộc Hưng bị đập phá nhà cửa, tự dưng tôi nhớ đến cái đêm Giáng Sinh lạnh và những ngày sinh viên thiếu thốn, đói kém trên đất Sài Gòn, nhớ những bữa cơm thiếu nợ đầy ân tình ở Lộc Hưng và nhớ cả cảm giác ấm áp khi đi dạo trong vùng đất xa lạ những rất đỗi thân thương này. Tìm hiểu thêm thì tôi được biết hai cô con gái quán Nỗi Niềm cũng có nhà bị đập. Nghĩa là hai cô đã lấy chồng, làm nhà trên vườn rau của ông bà để lại. Vì vườn rau này vốn là thổ cư của nhiều người dân nơi đây từ thời mới khai canh cả gần trăm năm trước. Nhưng năm 1995, họ lại không được kê khai và cấp thổ cư vì trở ngại từ nhà nước, họ chỉ được công nhận là đất hoa màu, đó cũng là mấu chốt để chuyện đau lòng xảy ra ngày hôm nay.
Mấy đêm hôm này trời trở rét, cả ba miền Việt Nam đều rất lạnh, tự dưng tôi rùng mình nghĩ đến cái lạnh ở Lộc Hưng, cũng lạ, cả Sài Gòn chỉ có Lộc Hưng là nơi lạnh nhất và nóng nhất, mùa hè thì nóng muốn chảy mỡ, mùa đông thì lạnh cắt da cắt thịt, nhưng ra khỏi Lộc Hưng, đi vài cây số thì không còn lạnh như vậy. Giáng Sinh về, tự dưng, nghĩ đến cái lạnh, nghĩ đến những đứa trẻ mất nhà, những đứa trẻ phải ngủ nhờ lây lất, ấm lạnh chẳng biết về đâu vì tổ ấm không còn… Lòng bùi ngùi khó tả. Mới đây thôi mà đã gần ba mươi năm, vật đổi sao dời. Từ một Lộc Hưng thanh bình, quê kiểng giữa lòng phố, nay đã dâu bể đa đoan. Không biết người trùm họ đạo năm xưa có còn? Và không biết mùa Giáng Sinh năm nay, Lộc Hưng có còn những con phố giăng đèn, còn giống như một thiên đường ấm áp đèn hoa mà trước đây gần ba mươi năm tôi đã đi lang thang rồi mơ ước xa vời?! Chỉ biết cầu nguyện cho Lộc Hưng được bình yên, điều lành đến với người Lộc Hưng và Chúa thương xót mọi lầm lỗi để được sáng suốt, được yêu thương, để kẻ lầm lỗi được từ bỏ mọi thủ đoạn mất tính người, để trả Lộc Hưng về lại với Lộc Hưng!
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 09/12/2019 (VietTuSaiGon's blog)
Vì sao giải quyết vụ Vườn Rau Lộc Hưng (Vườn rau Lộc Hưng) cần có sự tham gia của giới luật sư, tham gia như thế nào và giải quyết ra sao để đem lại kết quả thực tiễn.
Một khế ước thuê ruộng trước năm 1975 của người dân canh tác ở vườn rau Lộc Hưng (FB Hai Van Nguyen)
I. Vì sao ?
1. Vì đó là sáng kiến của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã được người dân Vườn rau Lộc Hưng hoan nghênh.
Thật vậy, trong Thư ngày 13/05/2019 của người dân Vườn rau Lộc Hưng gửi Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân có đoạn viết :
"1. Chúng tôi được biết UBND Thành phố Hồ Chí Minh có yêu cầu Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến pháp lý về vấn đề vụ Vườn rau Lộc Hưng và Sở đã có yêu cầu Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cử luật sư nghiên cứu và cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh biết cơ sở pháp lý giải quyết vụ việc này. Đây là cách đặt vấn để và giải quyết vấn đềđáng được người dân chúng tôi hoan nghênh và chính vì thế các Luật sư Vườn rau Lộc Hưng đã có sẵn bộ hồ sơ pháp lý của việc sử dụng đất của người dân chúng tôi. Việc các luật sư hai phía (UBND Thành phố Hồ Chí Minh và người dân Vườn rau Lộc Hưng) cùng làm việc để giải quyết nan đề này mà đã kéo dài hơn 20 năm qua chắc chắn sẽ được dư luận trong và ngoài nước hoan nghênh, đó chính là cách hành xử đúng pháp luật của một nhà nước pháp quyền.
2. Trên cơ sở thảo luận tìm ra giải pháp với thiện chí của chính quyền và người dân, chắc chắn hai phía sẽ đi đến sự đồng thuận, tránh tình trạng mà người dân Thủ Thiêm đã phải khiếu kiện kéo dài 20 năm qua. Chúng tôi tin rằng khi đó và chỉ khi đó ông Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cùng chúng tôi vui đón thành quả mà hai bên nỗ lực cùng giải quyết…".
Thật là một chiều hướng đầy lạc quan, tin tưởng của người dân Vườn rau Lộc Hưng.
2. Vì cách làm này phù hợp với tính chất tranh chấp mang tính pháp lý của vụ Vườn rau Lộc Hưng nên chỉ có thể giải quyết trên căn bản pháp luật hiện hành.
Vì đây là sự tranh chấp giữa hai bên liên quan đến tính hợp pháp hay không hợp pháp theo Luật Đất đai và các luật lệ khác có liên quan, nên chỉ có thể giải quyết trên căn bản pháp luật hiện hành. Một bên là chính quyền quản lý đất đai F.6 quận Tân Bình đã dùng biện pháp cưỡng chế để thu hồi đất Vườn rau Lộc Hưng cần xét xem có đúng mục đích, thủ tục luật định hay không. Còn bên kia là người dân Vườn rau Lộc Hưng, những người sử dụng đất ổn định, liên tục nhiều năm có đủ yếu tố luật định để được coi là sử dụng đất hợp pháp hay không, dù có được cấp Giấy xác nhận hay chỉ cần sự dụng đất có nguồn gốc hợp pháp, ổn định, liên tục nhiều năm, không bị ai tranh chấp như quy định của pháp luật.
Những sự xác nhận tính hợp pháp về mặt pháp lý trên đây sẽ làm căn bản để xét định và giải quyết vụ Vườn rau Lộc Hưng một cách thỏa đáng cho cả đôi bên chính quyền và người dân Vườn rau Lộc Hưng. Nói cách khác cả hai bên tranh chấp đều dựa trên luật pháp hiện hành nên cần giải quyết bằng giải pháp pháp lý.
Thật vậy, theo hồ sơ hiện vụ cho thấy, trước cũng như sau ngày bị cưỡng chế, người dân Vườn rau Lộc Hưng không chống lại việc thâu hồi đất theo qui hoạch vì mục đích công ích (xây trường học, công viên…) thường được coi là chính đáng. Trước sau gì ngưòi dân Vườn rau Lộc Hưng đều có tinh thần chấp hành việc giải tỏa, họ nhiều lần chỉ đòi được chính quyền xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp theo luật định, để khi đất bị giải tỏa sẽ phải được bồi thường thỏa đáng theo luật. Thứ nữa là việc tiến hành giải tỏa đất Vườn rau Lộc Hưng phải được tiến hành theo đúng thủ tục luật định. Ý hướng và nguyện vọng này của người dân Vườn rau Lộc Hưng đã được thể hiện qua quá trình khiếu kiện nhiều năm, từ 1999 mà vẫn không được các cơ quan thẩm quyền giải quyết. Nay, dù bị đẩy đến đường cùng, qua thư gửi Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, người dân Vườn rau Lộc Hưng vẫn tỏ ra tự chế, không manh động, vẫn muốn được chính quyền giải quyết ôn hòa theo luật pháp.
Chính quyền quản lý đất đai phường 6 quận Tân Bình đã dùng biện pháp cưỡng chế để thu hồi đất Vườn rau Lộc Hưng
Chính vì vậy mà việc giải quyết vụ Vườn rau Lộc Hưng cần sự tham gia của giới luật sư, những người am tường về luật pháp nói chung và Luật Đất Đai nói riêng. Phải chăng vì vậy mà UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan hành chính cấp trên cùa F.6-Q.TB mới có sáng kiến tham khảo Sở Tư Pháp và sở này đã hỏi ý kiến Đoàn luật sư Thành phố. Sáng kiến này đã được người dân Vườn rau Lộc Hưng và các luật sư hổ trợ pháp lý "hoan nghênh" ?
3. Vì cách làm này phù hợp với điều mà chính quyền hay nói tới, là nỗ lực ngày một hoàn chỉnh "Các qui phạm pháp luật của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" và kêu gọi người dân "sống và làm việc theo pháp luật".
Đồng thời cách làm này cũng phù hợp với chủ trương cải tiến luật pháp cho phù hợp với thời kỳ "Mở cửa" hội nhập vào hệ thống pháp lý pháp luật quốc tế và sự chỉ đạo giải quyết vụ Vườn rau Lộc Hưng của Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, rằng "Qua một số vụ việc năm 2018, thành phố rút ra kinh nghiệm là không đối đầu với người dân mà sẽ thông tin, tuyên truyền vận động để người dân hiểu".Chúng tôi đề nghị thêm "…và sẽ giải quyết có lý có tình trên cơ sở pháp luật, cho nguyện vọng chính đáng và hợp pháp của người dân Vườn rau Lộc Hưng để an dân".
Nguyện vọng đó là phải được bồi thường thỏa đáng đất đai trên cơ sở công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân Vườn rau Lộc Hưng. Bởi vì họ đã sử dụng đất ổn định, lâu dài và không có tranh chấp theo Luật Đất đai và các luật lệ khác liên quan hiện hành. Họ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do nhà cầm quyền địa phương đã từ chối nhiều lần do ý đồ riêng, không phải lỗi của người dân.
Vì vậy, ngoài ra việc bồi thường đất đai của họ, người dân Vườn rau Lộc Hưng còn có nguyện vọng được bồi thường những thiệt hại tài sản do việc lạm quyền, cưỡng chế không theo trình tự pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời họ còn muốn được chính quyền tạo điều kiện ổn định chỗ ở, công ăn việc làm để người dân được an cư lạc nghiệp…
II. Giới luật sư tham gia thế nào và giải quyết ra sao để có kết quả thực tế ?
1. Giới Luật sư tham gia thế nào ?
Chúng tôi đề nghị, để giải quyết tỏa đáng vụ Vườn rau Lộc Hưng, không chỉ tham khảo mà mời tham gia các luật sư cố vấn cho chính quyền và các luật sư bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân Vườn rau Lộc Hưng. Một cách cụ thể, đề nghị chức năng Thành phố Hồ Chí Minh với tư cách và trách nhiệm của cơ quan hành chánh chủ quản cấp trên sẽ triệu tập và chủ trì một hay nhiều phiên họp để giải quyết dứt điểm vụ Vườn rau Lộc Hưng.
- Thành phần tham dự, gồm đại diện chính quyền F.6 và quận Tân Bình (bên cưỡng chế đất) và của một số đại diện người dân Vườn rau Lộc Hưng (bên bị cưỡng chế). Đồng thời, có sự hiện diện của các luật sư hổ trợ pháp lý cho người dân Vườn rau Lộc Hưng, bên cạnh các luật sư do Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cử ra.
Ngoài ra, mặc dầu trong hồ sơ nội vụ, đã có văn bản xác nhận nguồn gốc người dân Vườn rau Lộc Hưng sử dụng đất thuộc quyền sở hữu của Tòa Giám mục giáo phận Saigon ổn định, lâu dài, không có tranh chấp…Thế nhưng, nếu được chính quyền Thành phố mời đại diện tham dự các phiên họp giải quyết vụ Vườn rau Lộc Hưng, như là bên có liên quan, chúng tôi nghĩ là việc giải quyết sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn. Vì rằng…
- Nhiệm vụ của các phiên họp này là để xem xét lý tình của đôi bên chính quyền (cưỡng chế) và người dân Vườn rau Lộc Hưng (bị cưỡng chế) theo Luật Đất đai và các luật lệ có liên quan, căn cứ trên lời khai, chứng từ đôi bên đưa ra.Chức năng Thành phố chủ trì các phiên họp, sau khi nghe lý lẽ tranh luận đôi bên, có thể đưa ra giải pháp tức thì nếu được đôi bên đồng thuận.Nhưng nếu bất đồng, thấy có kéo dài thêm các phiên họp cũng không giải quyết được mâu thuẫn, chức năng chủ trì sẽ báo cáo lại với Ủy ban nhân dân Thành phố để sau đó sẽ ra quyết định giải quyết đơn phương vụ Vườn rau Lộc Hưng. Quyết định đơn phương này có thể bị các bên thượng tố lên cơ quan thẩm quyền chính phủ trung ương (tỷ như Thanh tra Chính phủ hay Tòa án Nhân dân Tối cao…) để giải quyết chung thẩm. Phán quyết chung thẩm này sẽ có hiệu lực cưỡng hành với các bên tranh chấp.
2. Để có kết quả thực tế
Cách làm này chỉ có kết quả thực tế khi những người cầm "cán cân công lý" thực sự là "công bộc của dân, ăn lương của dân, phục vụ và bảo vệ cho các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân". Chỉ những người này mới có "tinh thân chí công vô tư" mới giải quyết thỏa đáng, có lý, có tình cho người dân Vườn rau Lộc Hưng để đưa đến kết quả thực tế. Có nghĩa là, kết quả thực tế là tùy thuộc về phía chính quyền F.6, quận Tân Bình và Thành phố Hồ Chí Minh có tuân thủ đúng qui định của Luật Đất đai và các luật lệ khác có liên quan hay không.
Vụ Vườn rau Lộc Hưng hoàn toàn có thể giải quyết được ổn thỏa nếu chính quyền thành phố đứng ra giải quyết vụ việc theo đúng Luật Đất đai và các luật lệ khác có liên quan.
Sở dĩ chúng tôi đưa ra giải pháp này, là vì trong quá khứ khi còn ở Việt Nam, đã từng có dịp tham gia hổ trợ pháp lý cho một số vụ khiếu kiện đất đai của các tập thể người dân vào khoảng các năm 1990-1992, đã có kết quả tốt. Vì mặc dù các vụ khiếu kiện này đã khởi động nhiều năm trước đó trong "thời kỳ bao cấp" (1975-1985), công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa triệt để bị thất bại phải "Đổi Mới". Bước vào "thời kỳ đổi mới" (1985-1995). Đảng và nhà cầm quyền Việt Nam lúc đó đã chuyển đổi từ cai trị bằng "nghị quyết" qua cai trị bằng "pháp luật" mà chúng tôi gọi là "nghị luật"(nghĩa là nghị quyết của Đảng đưa qua Quốc hội thể chế hóa thành pháp luật) . Nhưng dẫu sao tôi thấy vẫn có cơ hội để người dân có thể khiếu kiện, dựa trên pháp để đòi quyền lợi chính đáng, hợp pháp, như quyền sử dụng đất đai, có thể thắng kiện. Nhờ đó, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh lúc đó đã giải quyết các đơn khiếu kiện vế đất đai bị giải tỏa thỏa đáng, có lý, có tình, căn cứ trên luật pháp, nên được người dân chấp nhận. Nay đã và đang ở thời kỳ "Mở cửa" sau hơn 20 năm (1995-2019) thực tế cho thấy cả những người cầm quyền và người dân đã ý thức được phần nào tinh thần thượng tôn pháp luật, công luận và chúng tôi hy vọng sẽ được chính quyền giải quyết thỏa đáng, đúng pháp luật cho các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân Vườn rau Lộc Hưng Sau đây xin được lược kể lại hai vụ điển hình như tiền lệ giải quyết khiếu kiện đất đai của người dân có kết quả tốt.
III. Hai vụ khiếu kiện bồi thường đất đai theo đúng pháp luật
1. Vụ thứ nhất là vụ khiếu kiện của giáo xứ Phú Trung phường 11 quận Tân Bình, đòi đất cho một đơn vị Bộ đội mượn đóng quân.
Theo hồ sơ nội vụ, thì sau ngày 30/04/1975, một đơn vị bộ đội có ký hợp đồng mượn một khu đất trống của giáo xứ Phú Trung làm nơi đóng quân trong thời hạn 3 năm. Nhưng hết hạn và sau đó bộ đội rút quân song vẫn không trả lại mà giao đất cho chính quyền quận Tân Bình. Khi giáo xứ thấy nhiều căn nhà được xây dựng trên khu đất này, hóa giá bán cho nhiều người thì giáo xứ gửi đơn khiếu tố đến Ủy ban nhân dân quận Tân Bình và các cấp bộ đảng, chính quyền thành phố cũng như trung ương nhiều lần vẫn không được giải quyết.
Vào khoảng năm 1990 đại diện giáo dân giáo cứ Phú Trung có đến gặp chúng tôi tại văn phòng tiếp dân của một đại biểu quốc hội khóa 8 để nhờ chuyển đạt hồ sơ khiếu tố đến các cơ quan có thẩm quyền các cấp. Vì khi đó chúng tôi được vị đại biểu quốc hội này mời làm cố vấn pháp luật và đặc trách văn phòng tiếp dân để nhận đơn từ khiếu nại kêu oan của dân chuyển đạt và can thiệp theo chức năng của một đại biểu quốc hội. Với tư cách này, chúng tôi đã thay mặt dại biểu quốc hội đến tiếp xúc và làm việc đôi ba lần với UBND quận Tân Bình dưới thời bà Ba Vân làm Chủ tịch. Qua các buổi làm việc này, chúng tôi đã trình bày về căn bản pháp lý và thực tế để giải quyết khiếu tố của giáo xứ Phú Trung như sau :
(1) Khu đất mà Đơn vị Bộ đội mượn đóng quân có ký hợp đồng thời hạn 3 năm đã hết hạn và quá hạn nhiều năm, đúng ra là phải hoàn trả trả lại cho Giáo xứ Phú Trung, chứ không phải giao trả cho UBND quận Tân Bình. Vì khu đất này thuộc quyền sở hữu tập thể (theo luật Điền thổ chế độ cũ) , hay quyền sử dụng đất tập thể hợp pháp (theo Luật Đất đai chế độ mới) của một pháp nhân tôn giáo (Giáo xứ Phú Trung) là đất tư, không phải đất công thuộc quền sở hữu toàn dân, nên Đơn vị bộ đội không thể hoàn trả cho UBND quận Tân Bình tiếp quản. Như vậy là không đúng pháp luật.
(2) Sau khi tiếp quản khu đất đơn vị Bộ đội mượn của Giáo xứ Phú Trung không đúng pháp luật, nếu UBND quận Tân Bình có quy hoạch làm nhà cho các đối tượng chính sách, thì cần tiến hành theo thủ tục trưng dụng theo Luật Đất đai và các luật lệ khác có liên quan. Nay UBND quận Tân Bình đơn phương phân lô xây nhà hóa giá là vi phạm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của giáo dân Giáo xứ Phú Trung nên bị khiếu kiện thì cần được giải quyết thỏa đáng theo luật.
(3) Vì vậy, chúng tôi đề nghị UBND quận Tân Bình họp với đại diện Giáo xứ Phú Trung để giải quyết theo hướng bồi thường đất trưng dụng đã xây nhà theo giá được đôi bên thống nhất, một cách công bình là tương đương với 50% tiền lời của mỗi căn nhà, sau khi trừ chi phí và 50% tiền lời bỏ vào ngân sách của quận Tân Bình. Những đất trống còn lại chưa xây nhà có thể trả lại cho Giáo xứ hay điều đình để lấy đất tiếp tục xây dựng nhà cửa…
Năm 1992, chúng tôi rời Việt Nam đi định cư tại Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình, nên không rõ kết quả thực tế UBND quận Tân Bình đã giải quyết vụ việc này ra sao. Chúng tôi có yêu cầu luật sư đồng môn Luật khoa Saigon là một trong các luật sư đang hổ trợ pháp lý miễn phí cho người dân Vườn rau Lộc Hưng, hãy liên lạc với Giáo xứ Phú Trung để tham khảo như một tiền lệ. Vì tình trạng pháp lý thực tế vụ đất đai Vườn rau Lộc Hưng cũng tương tự như đất đai của Giáo xứ Phú Trung.
Vì theo chỗ chúng tôi được biết, toàn thể đất đai của Giáo xứ Phú Trung cũng như VRLR trước đây đều thuộc quyền sở hữu của Tòa Giám mục Saigon, một pháp nhân tôn giáo. Sau hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước, những giáo dân từ Miền Bắc di cư vào Miền Nam đã được đưa đến định cư trên khu đất này qui tụ thành Giáo xứ Phú Trung. Cũng như nhiều giáo xứ di cư khác, mỗi gia đình thường được cấp phát một lô đất thổ cư làm nhà thuộc quyền sở hữu cá nhân, gia đình và một khu đất để làm nhà thờ và các cơ sở sinh hoạt tôn giáo thuộc quyền sở hữu tập thể của giáo xứ. Theo tài liệu có trong hồ sơ khiếu kiện của Giáo xứ Phú Trung lúc bấy giờ, thì vào tháng 8/1974 tòa Tổng Giám mục Sài Gòn quyết định thành lập Giáo xứ Phú Trung và giao cho xứ mới một khu đất 26.000 m2 để xây dựng nhà thờ và các cơ sở khác. Sau 30/04/1975 có mấy đơn vị đến chiếm hoặc mượn. Quân đội, Bưu điện, Bộ Công thương... Nhưng chỉ có bên Quân đội trao trả nhưng lại qua quận Tân Bình. Cho nên bị quận này chiếm hữu một phần, bán cho tư nhân xây chung cư Bảy Hiền Town hiện nay.
Mảnh đất mà đơn vị bộ đội ký hợp đồng mượn của Giáo xứ Phú Trung để đóng quân trong 3 năm là thuộc khu đất trống này, nên không thể coi là đất công hay sở hữu toàn dân, để không "bồi thường thỏa đáng" mà chỉ "hổ trợ" đơn phương mang tính áp đặt một chiều mỗi khi nhà cầm quyền muốn trưng dụng vì mục đích công ích.
2. Vụ thứ hai : Đất nghĩa trang của Giáo xứ Phát Diệm ở quận Gò Vấp bị giải tỏa theo quy hoạch. UBND quận Gò Vấp đã chia lô xây dựng nhà ở hóa giá bán cho tư nhân không thông qua Giáo dân.
Vụ việc này đại diện giáo dân Giáo xứ Phát Diệm đã khiếu kiện và chỉ được UBND quận Gò Vấp "hổ trợ" số tiền rất nhỏ cho trưng dụng đất nghĩa trang sau khi giải tỏa theo quy hoạch. Giáo dân không đồng ý đã tiếp tục khiếu kiện lên UBND Thành phố Hồ Chí Minh qua sự chuyển đạt của văn phòng tiếp dân của Đại biểu Quốc hội mà chúng tôi phụ trách.
UBND. Thành phố Hồ Chí Minh trong một phiên họp có đại diện Sở Nhà đất, Quản thủ đất đai Thành phố, UBND quận Gò Vấp và cá nhân chúng tôi đại diện cho Văn phòng tiếp dân của đại biểu quốc hội để hổ trợ pháp lý cho người dân Giáo xứ Phát Diệm, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND Thành phố lúc bấy giờ (1990-1991) là ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp (nếu tôi nhớ không lầm).
Trong phiên họp liên ngành này, chúng tôi đã trình bày quan điểm về thực tế và pháp lý của đất nghĩa trang của Giáo xứ Phát Diệm nói riêng, các xứ đạo nói chung :
Rằng đất ngĩa trang của Giáo xứ Phát Diệm là tiền đóng góp của giáo dân trong xứ đạo để mua đất chôn cất cho giáo dân sau khi qua đời. Vì thế đây là đất tư, là quyền sở hữu tập thể, khác với đất công, như đất nghĩa trang Đô Thành, trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Lê Văn Duyệt cũ), thuộc quyền sở hữu toàn dân theo luật Đất đai và các luận lệ liên quan hiện hành. Vì thế sau khi giải tỏa theo quy hoạch, UBND quận Gò Vấp muốn trưng dụng phân lô làm nhà cho diện chính sách, thì phải thông qua các sở hữu chủ hay tập thể có quyền sử dụng đất nghĩa trang bị giải tỏa là giáo dân và phải được bồi thường thỏa đáng.
Ví vậy nguyện vọng của tập thể giáo dân Giáo xứ Phát Diệm là muốn UBND quận Gò vấp phải bồi thường thỏa đáng.
Ông Phó Chủ tịch UBND Thành phố, đặc trách xử lý nhà đất, sau khi nghe đại diện Sở Nhà Đất và đại diện Sở quản lý đất đai Thành phố tán đồng quan điểm của chúng tôi, cũng đã xác nhận UBND quận Gò Vấp đã trưng dụng đất không đúng chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của pháp luật. Ông hỏi đại diện UBND quận Gò vấp tính sao. Vị này nói là đã đề nghị "hổ trợ" 20 triệu đồng, nhưng giáo dân vẫn không chịu, đòi hơn nữa quận không có khả năng vì tiền hóa giá nhà đã bỏ vào ngân sách quận chi tiêu hết rồi. Ông Phó Chủ tịch yêu cầu tôi thuyết phục giáo dân chấp nhận số tiền "hổ trợ" 20 triệu này được không. Tôi nói chắc là giáo dân không chịu đâu. Vì nếu chấp nhận theo đề nghị của UBND quận Gò Vấp thì họ đã không khiếu kiện lên Thành phố. Vậy giáo dân muốn được "Hổ trợ" bao nhiêu, ông Phó Chù tịch hỏi. Tôi nói, giáo dân họ muốn được "bồi thường" thỏa đáng chứ không phải "hổ trợ" vì đất trưng dụng là thuộc quyền sử dụng hợp pháp của họ. Trước khi đến đây họp, đại diện giáo dân có cho tôi hay là tiền hóa giá nhà quận đã thu về cả trăm triệu, họ chỉ chấp nhận tiền bồi thường đất đai cho họ ít nhất 50% tiền quận đã thâu được. Ông Phó Chủ tịch căn cứ trên ý kiến tán đồng của đa số đã yêu cầu UBND quận Gò Vấp giải quyết bồi thường theo tỷ lệ này. Nhưng đại diện UBND quận Gò Vấp báo cáo số thâu là 70 triệu chứ không phải 100 triệu như giáo dân đưa ra và đồng ý quận sẽ bồi thường 50% của 70 triệu là 35 triệu đồng. Cho đến khi chúng tôi rời Việt Nam, không rõ quyết định này sau đó có được thực thi hay không.
IV. Kết luận
Tóm lại, vụ Vườn rau Lộc Hưng hoàn toàn có thể giải quyết được ổn thỏa nếu chính quyền thành phố đứng ra giải quyết vụ việc theo đúng Luật Đất đai và các luật lệ khác có liên quan. Vì đây là một tranh chấp pháp lý nên cần có sự tham gia giải quyết của giới luật sư am tường pháp lý, pháp luật. Một khi Thành phố giải quyết trên cơ sở pháp lý này một cách nghiêm túc sẽ đáp ứng được nguyện vọng hợp pháp chính đáng của người dân Vườn rau Lộc Hưng. tránh được sự bất bình của công luận trong và ngoài nước, nhất là sự uất ức, phẫn nộ của các nạn nhân dẫn đến bất ổn chính trị xã hội khó lường, do điều mà ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cảnh giác "các đối tượng chống phá vẫn lợi dụng để kích động".
Đồng thời giải quyết vụ Vườn rau Lộc Hưng theo chiếu hướng này sẽ thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, rằng "Qua một số vụ việc năm 2018, thành phố rút ra kinh nghiệm là không đối đầu với người dân mà sẽ thông tin, tuyên truyền vận động để người dân hiểu". Xin thêm rằng nhất là để bảo vệ được các quyền lợi hợp pháp chính đáng cho mọi người dân theo đúng pháp luật, như đảng và nhà đương quyền Việt Nam từng kêu gọi mọi người dân "Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật". Nhưng trước hết là những người cầm quyền phải tôn trọng pháp luất trước hết. Phải không thưa ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân ? Mong ông chỉ đạo thực hiện giải quyết vụ Vườn rau Lộc Hưng thể hiện được đúng ý nghĩa cái tên "Thiện Nhân" của ông cho dân nhờ.
Houston, ngày 24/05/2019
Vào thế cùng, người dân Lộc Hưng buộc gửi yêu cầu đối thoại đến Bí thư Nguyễn Thiện Nhân (RFA, 16/05/2019)
Vào ngày 13/5 vừa qua, người dân Vườn rau Lộc Hưng vừa làm đơn gửi đến ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ mong muốn được gặp để cùng tìm ra giải pháp cho vụ cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng vào đầu năm nay.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư thành ủy Thành phố. AFP
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, chị Trần Thị Minh Thi, một trong những người cùng tham gia ký đơn cho biết không phải đến bây giờ người dân Vườn rau Lộc Hưng mới có ý muốn gặp người đứng đầu thành phố hiện nay, mà người dân đã mong muốn gặp ông Nguyễn Thiện Nhân từ rất lâu rồi. Vẫn theo chị, mục đích của yêu cầu gặp gỡ như thế để người dân có thể nói lên được tiếng lòng của họ cũng như đòi quyền lợi chính đáng trên mảnh đất Vườn rau Lộc Hưng.
"Bốn tháng qua rồi, mà nhà nước vẫn chưa ra văn bản chỉ thị cụ thể nào để người dân vườn rau chúng tôi có buổi gặp mặt để gặp các cấp lãnh đạo nhằm trao đổi và nói lên nguyện vọng của chúng tôi. Mặc cho lệnh từ Chính phủ đưa về thì vẫn không cơ quan nào giải quyết từ phường, quận đến thành phố. Đây là một trong những nỗi bức xúc của bà con chúng tôi".
Còn theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, một người trong nhóm luật sư Vườn rau Lộc Hưng cũng tham gia ký tên trong đơn cho rằng việc gửi trực tiếp cho ông Nguyễn Thiện Nhân là cách hiệu quả nhất :
"Thay vì gửi đến cơ quan chức năng thì họ im lặng hoặc đùn đẩy cho cơ quan khác. Thế thì thư này gửi cho Bí thư thành ủy, người với tư cách là Đại biểu Quốc hội vừa với tư cách Bí thư, tức là người đứng đầu quyền lực nhất của Thành phố Hồ Chí Minh".
Tuy nhiên, theo lời ông Cao Hà Chánh, người đại diện cho bà con Vườn rau Lộc Hưng cho biết khi anh đến tận nhà ông Bí thư gửi thì đã bị chặn lại :
"Cán bộ trực tiếp trông coi nhà Nguyễn Thiện Nhân ở cư xá Bắc Hải đã không cho bỏ đơn này vào hộp thơ của nhà lãnh đạo Nguyễn Thiện Nhân. Ngay lập tức tập thể gửi bưu điện đến số nhà ở cư xá Bắc Hải cho lãnh đạo Nguyễn Thiện Nhân, mong rằng ông Nhân tiếp công dân và đối thoại với nhân dân".
Vẫn theo lời ông Chánh, hiện tại phía bưu điện chưa hồi báo là bức thư đã được gửi đến địa chỉ nhà ông Nguyễn Thiện Nhân hay chưa.
Nhận xét về vấn đề này, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng nếu ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ thị các nhân viên không nhận thư từ gì của dân dù chưa hiểu nội dung vấn đề, thì ông Nhân không xứng đáng với tư cách đại biểu quốc hội là người đại diện cho dân.
Theo nội dung ghi trong đơn, nguyên nhân người dân khu Vườn rau Lộc Hưng yêu cầu được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh là do nghị quyết mới được đưa ra trong kỳ họp thứ 14 của Hội đồng Nhân dân thành phố diễn ra vào ngày 11/5 vừa qua.
Quang cảnh vườn rau Lộc Hưng sau khi bị Chính quyền quận Tân Bình phá hủy trong tháng 01/19. Courtesy : Netizen photo
Theo đó, nghị quyết có đoạn "Trong quá trình rà soát pháp lý khu đất nói trên, Ủy ban nhân dân Quận Tân Bình và các sở, ngành nhận thấy đây là khu đất do Nhà nước quản lý, không thực hiện bồi thường về đất mà chỉ giải quyết hỗ trợ cho các hộ dân di dời".
Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét rằng về phương diện pháp lý, việc đổi tên dự án từ bồi thường thành hỗ trợ là một điểm hết sức khác biệt, gần như thay đổi hoàn toàn bản chất vấn đề, từ chỗ nhà nước có trách nhiệm thành ra nhà nước giúp đỡ. Ông nói rõ :
"Trước đây họ đã từng thông qua một nghị quyết tương tự như vậy rồi, nhưng khi ấy dự án được thông qua gọi là bồi thường, tức là cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường cho dân trong trường hợp có giải tỏa, thu hồi đất. Đến lần này thật ra vẫn là dự án đấy, không khác gì cả, nhưng họ thay đổi thuật ngữ bồi thường thành ra hỗ trợ, tức họ xác định đây là đất của nhà nước, người dân đang sử dụng đất đó phải trả lại cho nhà nước, do người dân bị thiệt hại nên họ hỗ trợ một phần tiền".
Theo ông Cao Hà Chánh, việc chính phủ cố tình ra nghị quyết này thể hiện sự coi thường người dân, vì đã không tiếp dân, không nghe người dân trình bày và đưa ra bằng chứng mà đã ra nghị quyết tiếp tục quy hoạch khu đất Vườn rau. Ngoài ra, ông Chánh còn cho biết thêm những áp lực mà người dân nơi đây sắp phải gánh chịu :
"Công an và các cơ quan chức năng ở đây đang tuyên bố ít bữa nữa, tất cả sẽ tập trung để rào khu đất này và mạnh tay với bà con vườn rau. Như vậy luật pháp Việt Nam hiện nay, cụ thể là thành phố Hồ Chí Minh đang sử dụng luật gì ?"
Nhiều nhà quan sát bày tỏ lo ngại liệu việc gặp ông Nguyễn Thiện Nhân có thay đổi được tình hình khu Vườn rau Lộc Hưng vừa bị chính quyền quận Tân Bình cưỡng chế không, khi mà ở phía bên kia sông của thành phố, người dân Thủ Thiêm cũng đã gặp ông Nhân 3 lần nhưng mọi việc vẫn đâu vào đấy, chưa được giải quyết ổn thỏa ?
Trả lời câu hỏi này, bà Trần Thị Minh thi bày tỏ :
"Điều cả Thủ Thiêm và Vườn rau Lộc Hưng chúng tôi rất mong muốn là được các cấp lãnh đạo, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân giải quyết cho chúng tôi. Điều đó hiển nhiên ai cũng muốn, chỉ là họ có muốn giải quyết hay không, ông Bí thư thành ủy Nhuyễn Thiện Nhân có muốn giải quyết cho chúng tôi hay không lại là một sự việc khác".
Còn với Luật sư Đặng Đình Mạnh, đây chỉ là một phương án trong một chuỗi các phương án mà Nhóm Luật sư Vườn rau Lộc Hưng đề ra để giúp người dân nơi đây tránh bị các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, nhưng thực chất, ông lại không hy vọng gì nhiều vào Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân :
"Có những tiền lệ ông Nhân giải quyết thật ra chẳng đâu vào đâu. Ông (Nhân) hứa tháng 8 sẽ có việc này, tháng 11 sẽ có việc kia, nhưng khi thời điểm đến thì chẳng lời hứa nào được thực hiện và ông vẫn tỉnh bơ như không. Với một người không tôn trọng lời hứa thì tôi cũng không quá hy vọng rằng ông sẽ tạo được bước chuyển biến gì cho người dân Vườn rau Lộc Hưng".
Vẫn theo Luật sư Mạnh, khi thăm dò một số ý kiến riêng thì dường như chính ông Nhân lại là một trong những người có tác động rất mạnh mẽ trong việc giải tỏa khu vực Vườn rau Lộc Hưng.
Theo ông Cao Hà Chánh, những hộ gia đình có nhà, đất trong khu Vườn rau bị cưỡng chế hiện đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và đã đóng thuế suốt nhiều năm nay để có thể đối chiếu với chính quyền nếu có cơ hội gặp gỡ. Tuy nhiên, không chỉ 4 tháng nay, mà chính quyền đã tránh gặp dân hơn 20 năm qua. Việc cưỡng chế vừa rồi đã đưa người dân vào đường cùng xã hội :
"Với nỗi khổ mà người dân đang chịu thì ít nhất lãnh đạo thành phố Nguyễn Thiện Nhân phải tiếp tập thể hoặc ban đại diện để giải quyết và trả lời vấn đề theo đúng quy định pháp luật. Nếu lãnh đạo các cấp tin tưởng mình làm đúng thì mình phải xuất hiện để trả lời bằng văn bản hoặc tiếp công dân".
****************
Bị bắt vì ‘chuẩn bị tham gia biểu tình’ (RFA, 15/05/2019)
Ngày 15/05/2019 trên mạng xã hội Facebook lan truyền một thông báo của cơ quan an ninh tỉnh Đồng Nai về việc bắt tạm giam anh Nguyễn Đình Khuê với cáo buộc được nói là ‘tham gia liên lạc, bàn bạc với Đoàn Viết Hoan và các đối tượng khác về kế hoạch tiến hành biểu tình, gây cháy nổ chống chính quyền nhân dân theo chỉ đạo của một người tên "Lisa Nguyễn" hiện đang ở nước ngoài.’
Anh Nguyễn Đình Khuê và giấy thông báo tạm giam của Công an Đồng Nai. Courtesy FB Nguyễn Văn Miếng
Luật sư Nguyễn Văn Miếng là một trong những người đưa thông báo vừa nêu lên tài khoản Facebook cá nhân của ông. Ông cũng là luật sự được phía gia đình anh Nguyễn Đình Khuê liên lạc trực tiếp để giúp cho anh này. Luật sư cho biết
"Nguyễn Đình Khuê bị bắt vào ngày 25/4, cùng bị bắt với Khuê trong thời điểm đó được gia đình có con em bị bắt cho biết là bị bắt rất đông, tuy không rõ là khoảng bao nhiêu người nhưng theo nhóm người có con bị bắt thì cho biết khoảng hơn 10 người và hiện nay các gia đình đang liên kết lại với nhau để giải quyết vụ việc".
Đồng thời luật sư Nguyễn Văn Miếng còn cho hay khi anh Khuê bị bắt vào ngày 25/4 gia đình hoàn toàn không biết gì. Mãi đến ngày 6/5 tức 9 ngày sau cơ quan an ninh thành phố Biên Hòa mới có giấy thông báo về việc tạm giam anh Nguyễn Đình Khuê và các đồng phạm.
Vì lý do an ninh thân nhân gia đình anh Nguyễn Đình Khuê không muốn nêu tên xác nhận thông tin với chúng tôi rằng, thời điểm anh Khuê bị bắt là sau khi mới đi làm về. Anh vẫn sinh hoạt bình thường như mọi ngày, thế rồi lực lượng an ninh ập vào nhà từ 20 đến 30 người kể cả sắc phục lẫn thường phục, họ đọc lệnh khám xét nhà nhưng không có lệnh bắt giam hay tạm giữ nào hết.
"Trước tiên là họ tịch thu điện thoại và ipad mà đứa con của Khuê đang chơi. Tầm khoảng nữa tiếng họ đi tới đi lui rồi họ lục soát toàn bộ từ trên xuống dưới rồi họ mời Khuê về phường Bình Đa và không biết họ lấy cung như thế nào, nhưng vì khuê đi làm về chưa ăn uống gì hết nên vợ của Khuê mua ở bánh mì gửi vô thì họ cản trở không cho gặp cũng như không cho gửi ổ bánh mì đó luôn. Khi họ đưa về phường thì mình cứ chờ bên ngoài để xem động thái của họ như thế nào tưởng chỉ bình thường rồi thả Khuê về thôi nhưng sau sự việc thì đưa thẳng Khuê lên công an Tỉnh rồi qua hôm sau là đưa về trại giam B5, gia đình biết điều này là do công an phường báo về cho gia đình là Khuê đang bị điều tra nên phải tạm giam".
Ngoài ra, theo tìm hiểu của gia đình anh Khuê sau khi vụ việc xảy ra cho biết, cùng bị bắt với Khuê có tới hơn 10 người nhưng phía gia đình chỉ biết có Đoàn Viết Hoan như thông báo của cơ quan an ninh và một số người khác xin giấu tên đã được thả sau 10 ngày giam giữ.
Những người được thả nói với gia đình của anh Khuê về tình hình của anh này trong trại tạm giam và được gia đình cho biết.
"Có một số bạn của Khuê cũng bị bắt cho biết lý do bị bắt là liên quan đến bạn của Khuê. Người này nói là em không có liên quan gì hết chỉ có thằng Hoan thiếu tiền em nên em theo đi rút trả cho em thì có khoảng 5-6 người bu vào đánh đập Hoan và nhờ như vậy nên mình mới biết Khuê đang tạm giam và giam tại đâu cũng như buồng giam có mấy người, tụi nó nói là họ ghê gớm lắm họ giam với những án giết người hay ma túy".
Sau khi biết thông tin anh Nguyễn Đình Khuê hiện đang bị giam giữ tại trại tạm giam B5 tỉnh Đồng Nai, phía gia đình có đến để xin được gặp anh và gửi ít đồ dùng cá nhân nhưng đã bị phía an ninh đuổi về.
Hai mươi người tham gia cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu và An ninh mạng ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai hôm 10/6/2018 bị đem ra xét xử với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng". Courtesy of vnews.gov.vn
"Bây giờ mình biết chắc là họ không cho gặp và thậm chí mình tới trại giam B5 họ còn đuổi về nữa mà, họ kêu đi về đi trong này muốn cái gì thì có cái đó, nói chung họ nói rất là hay, họ nói muốn gà có gà, có chim có cò hay gì đó và chỉ cần có tiền mà thôi là ở đây quản giáo họ đi chợ hằng ngày sẽ mua cho. Hiện nay thì gia đình không biết làm cách nào để có thể gặp được Khuê để xem tình hình Khuê ra sao có bị đánh đập hay biệt giam gì không".
Gia đình còn cho biết thêm, sau khi Khuê bị bắt cũng đã liên lạc với một điều tra viên để hỏi về trường hợp của Khuê, tuy nhiên phía cơ quan an ninh cho biết Khuê đã khai nhận tội hết rồi và bây giờ cơ quan pháp luật sẽ làm việc và đến nay không liên lạc được nữa.
Chúng tôi có liên lạc với điều tra viên Nguyễn Đình Doanh theo số điện thoại được ghi trên giấy thông báo của cơ quan công an Đồng Nai cung cấp tuy nhiên mọi nổ lực đều bất thành.
Theo giấy thông báo của cơ quan công an Đồng Nai, anh Nguyễn Đình Khuê đã vi phạm vào điều 118 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2019 về tội phá rối an ninh, trong đó có quy định những người chuẩn bị phạm tội này sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng lập luận rằng việc bắt anh Khuê về hành vi chuẩn bị biểu tình là trái pháp luật và việc xác minh tội danh trong thông báo là trái với quy định.
"Thứ nhất khi bị bắt họ thường thường chỉ ghi hành vi mà thôi, ví dụ như hành vi dâm ô hay cái gì đó nhưng còn để ghép vô tội danh nào thì trong trường hợp này họ ép vô tội danh điều 118 và các hành vi họ liệt kê như trên rồi, như họ nói đã chuẩn bị biểu tình rồi dự định gây cháy nổ gì đó và định luôn tội đó. Thật ra nếu bắt lúc nào chỉ là nghi can nghi phạm và bằng chứng là sau khi bắt 9 ngày thì người ta mới ra được thông báo tạm giam nên khi bắt họ cũng chưa chắc chắn là có tội hay không có tội".
Anh Nguyễn Đình Khuê sinh năm 1978 và hiện đang sống tại Biên Hòa, Đồng Nai, anh là công nhân tại một nhà máy thuộc khu công nghiệp Biên Hòa 2 có vợ và hai con nhỏ 4 và 7 tuổi.
Trong đợt biểu tình chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng nổ ra tại nhiều nơi tại Việt Nam hồi ngày 10 tháng 6 năm ngoái, Biên Hòa là nơi có 20 thanh niên bị bắt và bị kết án với cáo buộc tội "gây rối trật tự công cộng" với mức án từ 8 đến 18 tháng tù giam.
*******************
Việt Nam kết án tử hình 10 người buôn lậu ma túy (RFA, 17/05/2019)
Việt Nam đã kết án tử hình 10 người vì buôn bán và vận chuyển các chất ma túy methamphetamin, Ketamin và các loại thuốc lắc tổng hợp trên khắp cả nước.
Án tử hình cho 10 người vì buôn bán và vận chuyển các chất ma túy methamphetamin, Ketamin và các loại thuốc lắc tổng hợp trên khắp cả nước - Ảnh minh họa. AFP
AFP loan tin dẫn nguồn truyền thông trong nước vào ngày 17/5 như vừa nêu.
Theo đó, năm người đàn ông và năm người phụ nữ đã bị tòa án Hà Nội trong tuần này kết án tử hình ; có hai người khác bị án chung thân.
Những người này đã vận chuyển khoảng 300 kg ma túy và các chất kích thích từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2015 đến 2016 qua đường tàu hỏa. Những người đứng đầu nhóm này được trả từ vài chục ngàn đô la đến hàng trăm ngàn đô sau mỗi chuyến vận chuyển.
Hồi tuần trước Công an thành phố Hồ Chí Minh vừa thu giữ 500 kg ma túy tổng hợp Ketamin với giá trị lên tới 500 tỷ đồng và bắt giữ 4 người trong đó có 1 người Trung Quốc và 2 người Đài Loan.
Việt Nam là nước có luật chống buôn bán ma túy nghiêm khắc. Theo luật thì những người bị bắt giữ vận chuyển hoặc buôn bán hơn 600 gram heroin hay cocain hoặc 2.5 kg ma tuý đã có thể bị tử hình.
Theo AFP, giới trẻ Việt Nam hiện nay đang dần chuyển sang sử dụng các chất ma túy tổng hợp như Ketamin, thuốc lắc và meth đã dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như vụ 7 người thanh niên trẻ đã bị đột quỵ tại một lễ hội âm nhạc vào năm 2018.
Cũng tin liên quan, tình trạng mua bán vận chuyển các loại ma túy với số lượng lớn từ khu vực biên giới ba nước Lào, Thái Lan và Myanmar hay còn gọi là "Tam giác vàng" về tới Việt Nam có chiều hướng gia tăng đáng kể.
Truyền thông trong nước vào ngày 17/5 dẫn lời ông Nguyễn Văn Thủy, trưởng phòng kiểm soát ma túy, Cục điều tra chống buôn lậu, thuộc Tổng cục Hải quan như vừa nêu.
Ông Nguyễn Văn Thủy cho biết, từ năm 2017 đến nay, tình trạng mua bán vận chuyển các loại ma túy đủ loại kèm theo chất kích thích và heroin với số lượng rất lớn từ khu vực "Tam giác vàng" qua Lào được chuyển về Việt Nam và khiến tình hình tại biên giới Việt Lào ngày càng diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân được ông Nguyễn Văn Thủy đưa ra, do đường biên giới Việt- Lào khá dài, việc du lịch qua lại, kinh doanh buôn bán, đầu tư diễn ra hằng ngày và do mối quan hệ thương mại hai nước cao nên việc đi lại giữa hai nước dễ dàng.
Ngoài ra, ông này còn nhấn mạnh rằng hiện nay các tội phạm sản xuất ma túy tại Trung Quốc đã di chuyển khu vực hoạt động sang Myanmar và Lào sau đó mới vận chuyển về Việt Nam rồi phân phối về các tỉnh thành.
Hồi tháng 3, Bộ Công an cảnh báo Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành điểm chung chuyển ma túy với 3 vụ bắt giữ rất lớn. Tất cả các trường hợp bị bắt giữ được cho biết từ khu vực "Tam giác vàng".
Chúng tôi vừa nhận được thư của một đồng nghiệp, cũng là đồng môn Đại học Luật khoa Sài Gòn đang hành nghề tại Việt Nam ; là một trong các luật sư tình nguyện hổ trợ pháp lý miễn phí cho các nạn nhân bị cưỡng chế trong vụ vườn rau Lộc Hưng, F.6 Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thư mở đầu viết :
"Thay mặt các luật sư đang giúp đỡ pháp lý miễn phí cho bà con Vườn rau Lộc Hưng tại F.6Q. Tân Bình tôi xin gửi lời kêu gọi thống thiết đến các đồng nghiệp, hội viên Câu lạc bộ Luật khoa Việt Nam. Đây là tiếng nói mới nhất của một trong các luật sư đăng trên FB ngày 8/5/2019… Mong các bạn ở trên một đất nước tư do, yêu chuộng dân chủ, hiểu biết pháp luât quốc tế hơn các luật sư trong nước và người dân, hãy nghiên cứu và có cách nào hổ trợ pháp lý…".
Cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng.
Chúng tôi rất xúc động khi đọc thư và sự ngưỡng phục các đồng nghiệp trong nước luôn có tấm lòng trợ giúp những người dân oan thấp cổ bé miệng, không thù lao và có nhiều hiểm nguy, bất trắc, bất lợi cho việc hành nghề của mình. Trong khi chờ đợi các luật sư trong Câu lạc bộ Luật khoa Việt Nam nghiên cứu hồ sơ xem có thể hổ trợ được gì về mặt pháp lý cho quý đồng nghiệp trong nước, cá nhân người viết có đôi điều nhận thức qua bài viết này như một góp ý xây dựng với nhà đương quyền Việt Nam để giải quyết vụ việc thế nào cho thỏa đáng. Chúng tôi lần lượt trình bày : diễn tiến vụ việc, căn bản thực tế và pháp lý để giải quyết và sau cùng là Nhận định.
I. Diễn tiến vụ việc cưỡng chế khu Vườn rau Lộc Hưng
Theo tin tổng hợp của các cơ quan truyền thông Việt Nam và quốc tế thì :
1. Vị trí Vườn rau Lộc Hưng theo bản đồ, nằm trong Phường 6, quận Tân Bình, thành phố Sài Gòn. Vườn rau Lộc Hưng là một khu vực trồng rau và sinh sống của những người miền Bắc di cư vào miền Nam từ sau năm 1954.
Nhìn theo bản đồ, Vườn rau Lộc Hưng là khu đất vàng, nằm tiếp giáp quận 3, quân 10, quận Phú Nhuận và quận Bình Tân. Đây cũng là Giáo xứ Lộc Hưng với trên một trăm gia đình phần lớn làm nghề trồng rau để sinh sống từ 3 hay 4 thế hệ, tiếp theo là chăn nuôi và sau đó là xây các nhà trọ cho người dân tạm cư đến Thành phố Hồ Chí Minh làm việc để có thu nhập thay cho trồng rau và chăn nuôi…
2. Việc cưỡng chế đất đai trái pháp luật :
Nguyên người dân Vườn rau Lộc Hưng là những cư dân sinh sống lâu đời tại khu vực Vườn rau Lộc Hưng thuộc Phường 6, Quận Tân Bình từ trước năm 1975 và sau năm 1975, họ vẫn tiếp tục sống, sinh con đẻ cái và mưu sinh tại khu vực này.
Do bà con Vườn rau Lộc Hưng có quá trình sử dụng đất ổn định, đóng thuế nông nghiệp cho chính quyền địa phương nhưng các cơ quan chức năng từ Thành phố đến Ủy ban nhân dân Phường 6 khộng hiểu vì lý do gì đã không chịu cấp Giấy công nhận quyền sử dụng đất cho các cư dân này, họ đã kiên trì khiếu nại ra các cấp chính quyền tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Vào ngày 04 và 08/01/2019, trong khi bà con ở Vườn rau Lộc Hưng chuẩn bị đón Tết Nguyên đán thì Ủy ban nhân dân Phường 6 huy động một lực lượng có đến hàng trăm, hàng ngàn người võ trang đầy đủ với các xe cơ giới để hủy hoại tài sản, nhà cửa của hơn 100 hộ gia đình, sinh sống tại đây.
Tệ hại hơn nữa, ngay sau khi hủy hoại toàn bộ tài sản của người dân Vườn rau Lộc Hưng, họ đã dùng hàng trăm chuyến xe để mang đi toàn bộ tài sản của người dân. Số tài sản bị hủy hoại lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Báo chí trong nước đã im lặng trước việc làm xem thường pháp luật này, chỉ có vài tờ báo can đảm cuối cùng cũng phải lên tiếng. Thế nhưng các báo đài nước ngoài đều đã phản ảnh tình trạng kinh khủng này xảy ra tại ngay khu vực quận Tân Bình.
Ngay sau đó các cư dân đã được hàng chục luật sư khắp cả nước quan tâm và đã nhanh chóng trợ giúp pháp lý miễn phí cho họ. Các luật sư đã xem xét hồ sơ pháp lý của người dân Vườn rau Lộc Hưng và cho hay họ nhận lời giúp đỡ pháp lý vì biết người dân có cơ sở pháp lý đầy đủ để yêu cầu chính quyền phải tôn trọng pháp luật về đât đai hiện hành.
Người dân Vườn rau Lộc Hưng đã gửi các Đơn khiếu nại đến Thanh tra Chính phủ và được Ban Tiếp công dân Trung ương tiếp ân cần và đã có ngay Công văn số 318/BTCDTW-TD1 ngày 08/02/2019 yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp và đối thoại với người dân Lộc Hưng. Thế nhưng cho đến nay đã hơn 04 tháng trôi qua Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố vẫn im lặng, một sự im lặng khiến người dân phẫn nộ vì đã không làm việc phải làm, cho dù có đến 2 văn bản của Thanh tra Chính phủ.
Người dân Vườn rau Lộc Hưng cũng đã có Đơn tố giác tội phạm gửi đến Công an Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/01/2019 vì việc hủy hoại tài sản của công dân mà Ủy ban nhân dân Phường 6, Quận Tân Bình đã thực hiện hoàn toàn trái với nội dung Thông báo số 159/TB-UBND-DT ngày 29/12/2018 mà họ đã ban hành. Đó là họ sẽ chỉ thực hiện việc tháo dỡ nhà của những hộ dân xây dựng trái phép từ tháng 1/2018 nhưng thực tế họ đã tàn phá hủy hoại tài sản của người dân đã sinh sống tại đây từ trên 50 năm nay. Đây là điều vi phạm pháp luật nghiêm trọng của sự "lạm quyền", vượt quá quyền hạn khi làm công vụ trong một chính quyền mệnh danh là nhà nước pháp quyền.
Trên thực tế, mặc dầu Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản trả lời là đã chuyển đơn và yêu cầu Ủy ban nhân dân Quận Tân Bình giải quyết, nhưng đến nay Ủy ban nhân dân Quận Tân Bình vẫn không giải quyết. Đến Đoàn Đại biểu quốc hội đại diện cho dân cũng đóng cửa như như để tránh né việc giải quyết khiếu nại chính đáng của người dân.
II. Căn bản thực tế và pháp lý
1. Căn bản thực tế và pháp lý phía người dân bị cưỡng chế
Đất Vườn rau Lộc Hưng trước 1975
Theo người dân, từ những năm 1954, Hội truyền giáo Thừa sai Paris (Mission étrangère de Paris) Sơn Tây đã quản lý một mảnh đất dài 5km ở xã Tân Sơn Hòa, Gia Định, nay là khoảng từ đường Cách Mạng tháng 8 đến Lý Thường Kiệt, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.Sau đó giáo dân Bắc di cư vào miền Nam đã được Hội truyền giáo cho mượn một mảnh đất khoảng 60.000m2 để trồng rau có giấy tờ chứng minh (1).
Sau này Hội thừa sai Paris giao lại đất cho Tòa Giám mục Sài Gòn, còn Tổng Nha viễn thông của Pháp xin mượn 12.000m2 trên khoảng đất 60.000m2 để làm đài ăng-ten. Theo đó người dân vẫn canh tác ở khu vực rộng 48.000m2 còn lại có chứng từ (2). Đất giao cho giáo dân, có người ký để làm nhà, có người ký để trồng rau vì nhu cầu mỗi người một khác.
Đất Vườn rau Lộc Hưng sau 1975
Sau 30/04/1975, Đài phát tuyến Chí Hòa bị chính quyền cộng sản Việt Nam thu hồi và thuộc quyền sở hữu của Bưu điện thành phố. Người dân vẫn tiếp tục canh tác trên khu đất 48.000m2, vì họ tin nó không thuộc sở hữu của Đài Chí Hòa.
Theo người đại diện của dân Lộc Hưng, thì từ năm 1976 đã có quyết định thu thuế nên người dân Lộc Hưng đã góp rau và các sản phẩm hoa màu sản xuất ra cho chính quyền địa phương. Đến 1982 chính quyền có ra quyết định điều chỉnh mức thuế thu bằng tiền, với giá "6 tháng nắng thu 10 xu/1m2, 6 tháng mưa thu 5 xu/1m2" có chứng từ (3).
Biên lai ký ngày 27/06/1983, ghi rõ "Ủy ban nhân dân phường 7 có nhận của : Toàn bộ tổ rau trong phường, 4 tổ rau, số tiền : hai trăm đồng chẵn"... Đây là bằng chứng người dân cho rằng chính quyền từ lâu đã mặc nhiên thừa nhận quá trình sử dụng đất ổn định của người dân.
Đến năm 1999, theo Chỉ thị 24/1999/CT-TTG của Thủ tướng chính phủ về tổng kiểm kê đất đai, người dân vườn rau Lộc Hưng nộp đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân phường 6 (đã đổi từ phường 7) quận Tân Bình xác nhận quá trình sử dụng đất theo chỉ thị trên.
Người dân cho biết họ tiếp tục đóng thuế liên tục từ 1976 đến 1999. Cho đến khi ra xin kê khai đất đai thì Ủy ban nhân dân phường 6 bắt đầu từ chối, ngưng thu thuế dân vườn rau và giải thích rằng "Đất do bà con khai phá canh tác mấy chục năm nay mà ai cũng biết, khẳng định chưa có dự án hay quyết định quy hoạch nào nên bà con cứ về canh tác đi. Phường không thể giải quyết được vì đó là chỉ thị của cấp trên".
Từ 2002, người dân vườn rau Lộc Hưng đã liên tục gửi đơn khiếu nại, kiến nghị tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ phường, quận, thành phố đến trung ương nhưng không cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm trực tiếp giải quyết. Trong thời gian chờ đợi chính quyền giải quyết đơn từ, để mưu sinh, người dân tiếp tục kiếm kế sinh nhai bằng nghề trồng trọt, vốn là thu nhập chính của họ.
Đến ngày 7/7/2008 cho đến ngày bị cưỡng chế, Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước ra công văn chuyển đơn tố cáo của các hộ dân Lộc Hưng đến Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận, kiểm tra nội dung, chỉ đạo giải quyết và trả lời công dân.
Năm 2006, có tình trạng "trên bảo dưới không nghe" khi ông Nguyễn Văn Đua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã có cuộc họp với người dân. Tại cuộc họp ông Đua đề nghị Ủy ban nhân dân phường xác nhận cho chính xác, nghĩa là có ý định xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho người dân. Thế nhưng người dân cho biết từ 2006 đến nay, Ủy ban nhân dân phường 6 vẫn không thực hiện. Đáng chú ý, sau đó, khoảng 2007, công ty xây dựng Sài Thành đưa ra đề nghị bồi thường tiền cho một số dân ở đây để giải tỏa đất tiến hành các dự án xây dựng. Khoảng vài chục hộ được đề nghị đền bù 3 triệu/m2 với điều kiện ký vào một văn bản. Nhưng người dân ở đây đã làm đơn tố cáo vì nhận thấy điều này là trái luật vì đất vườn rau vẫn chưa được xác nhận quá trình sử dụng đất thì chưa thể bồi thường thu hồi. Sau đó thì công ty Sài Thành rút lui. Sự thể này khiến người dân Vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế hôm nay nghi ngờ rằng việc giải tỏa khu Vườn rau Lộc Hưng không biết có phải tất cả được sử dụng vào mục đích xây trường học hay một phần được dùng cho "lợi ích nhóm" đây ?
2. Căn bản thực tế và pháp lý về phía cơ quan chức năng cưỡng chế
Theo chính quyền địa phương cho báo chí biết, muốn trưng dụng khu vườn rau Lộc Hưng là vì "Hiện thành phố đang có dự án xây dựng trường mầm non, trường tiểu học và trường Trung học cơ sở, hạ tầng giao thông và công viên cây xanh trong khu vực Vườn rau Lộc Hưng với tổng vốn đầu tư là 117 tỷ"…
Mục đích giải tỏa nghe ra có vẻ chính đáng. Nhưng theo các luật sư hỗ trợ pháp lý cho người dân Vườn rau Lộc Hưng thì, để làm được điều này, căn cứ theo Luật Đất đai hiện hành và các văn bản dưới Luật là các Nghị định, thì Nhà nước, Ủy ban các cấp phải giải quyết theo trình tự pháp luật theo qui định. Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, nêu rõ việc bồi thường về đất chỉ áp dụng nếu việc thu hồi đất ở mà có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (xin nhấn mạnh điều này được ghi trong Nghị định). Nói cách khác, khi lập dự án thu hồi đất tại Vườn rau Lộc Hưng, chính quyền thành phố vẫn xem đất này thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người dân tại đây. Do đó, họ đã lập ra "Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Quận Tân Bình".
Vẫn theo các luật sư, điều đáng kinh ngạc đó là việc Ủy ban nhân dân Phường 6 thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên đã tiến hành cưỡng chế thô bạo để giải phóng trắng mặt bằng vào các ngày 04 và 08/01/2019, đặt ra vô vàn khó khăn cho người dân, biến họ đang là người có tài sản, có nơi cư ngụ hợp pháp thì nay họ trở thành kẻ không nhà, toàn bộ tài sản bị tước đoạt, họ trở thành người vô gia cư, gia đình và cuộc sống của họ bị đảo lộn… Khiếu kiện tràn lan, gây mất ổn định cho người dân và cho cả chính chính quyền các cấp. Bởi vì dường như chính quyền hiện cũng còn lung túng chưa biết phải giải quyết cách nào cho ổn thỏa các yêu cầu chính đáng, hợp pháp của người dân Vườn rau Lộc Hưng… ?
Gần đây nhất, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ 14 ngày 11/05/2019 đưa ra Nghị quyết với luận điểm chúng tôi cho là trái pháp luật gây phẫn nộ cho người dân. Đáng lẽ phải cùng với người dân Lộc Hưng tìm ra giải pháp dựa trên cơ sở pháp luật thì họ đưa ra Nghị quyết có nội dung làm trầm trọng hóa việc giải quyết vụ Vườn rau Lộc Hưng. Nghị quyết có đoạn đáng lưu ý :
"…Trong quá trình rà soát pháp lý khu đất nói trên, Ủy ban nhân dân Quận Tân Bình và các sở, ngành nhận thấy đây là khu đất do Nhà nước quản lý, không thực hiện bồi thường về đất mà chỉ giải quyết hỗ trợ cho các hộ dân di dời.
Theo đó, dự án cần thiết điều chỉnh tên từ"Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng khu đất công trình cộng Phường 6, Quận Tân Bình" thành "Dự án hỗ trợ để thu hồi đất thực hiện đầu tư xây dựng cụm trường học công lập theo tiêu chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng Phường 6, Quận Tân Bình".
Phải chăng, trước sự phản ứng của dư luận trong và ngoài nước, chính quyền tìm cách thay đổi thực trạng pháp lý của khu đất Vườn rau Lộc Hưng bằng cách điều chỉnh thuật ngữ"bồi thường" thành thuật ngữ"hỗ trợ", nhằm hợp thức hóa hành động tước đoạt đất của người dân Lộc Hưng một cách trái pháp luật và trốn tránh trách nhiệm bồi thường ? Người dân cho đây là một sự lật lọng, đổi trắng thay đen của nhà cầm quyền địa phương để tránh trách nhiệm "bồi thường" (có tính bắt buộc nhà cầm quyền thông qua thương lượng thỏa đáng với người dân) khác với "hổ trợ" (tùy lượng định áp đặt một chiều của nhà cầm quyền).
Sự thể này một lần nữa cho thấy cho đến nay người dân Lộc Hưng hoàn toàn có cơ sở thực tế và pháp lý để đúng ra từ lâu, đã phải được xác lập quyền sử dụng đất hợp pháp theo Luật Đất đai hiện hành. Nay dù nhà cầm quyền tìm cách đổi trắng thành đen cũng không thể phủ nhận quyền lợi hợp pháp, chính đáng đó của người dân vườn rau Lộc Hưng.
Điều cần lưu ý là, chính sự phủ nhận trái với thực tế và pháp lý này đã vi hiến, vi luật nghiêm trọng. Bởi vì Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm sao chỉ đơn giản bằng một nghị quyết điều chỉnh tên gọi dự án lại có quyền thay đổi cơ sở pháp lý của quyền sử dụng đất hợp pháp theo Hiến pháp và Luật Đất đai, mà chính nhà nước đã mặc nhiên thừa nhận bấy lâu nay ?
Như vậy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tước đoạt đất hợp pháp của người dân Lộc Hưng hoàn toàn vô giá trị về mặt pháp lý.
Nguyện vọng của dân bị cưỡng chế là gì ?
Để nhanh chóng phản ứng lại Nghị quyết vi Hiến vi Luật nêu trên của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các người dân Vườn rau Lộc Hưng và các Luật sư hổ trợ pháp lý cho họ đã có "Thư Ngỏ" gửi ngay cho Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, cũng là Ủy viên Bộ Chính trị và là Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung Thư Ngỏ đã cho thấy nguyện vọng của người dân vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế là gì, cần được chính quyền giải quyết ra sao ?
Trong thư có đoạn viết (xin trích) :
"Người dân Vườn rau Lộc Hưng trong suốt bao nhiêu năm qua chỉ có một lập trường, một suy nghĩ là đất đai mà chúng tôi cư ngụ là đất đai chúng tôi đã sử dụng HỢP PHÁP, được Giáo hội, Nhà thờ cho phép, sử dụng cho đến hiện nay không tranh chấp. Sau đó các cấp chính quyền dù có né tránh việc cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất thế nào đi nữa cũng phải công nhận cho phép người dân chúng tôi trực tiếp trồng rau, chăn nuôi, xây dựng nhà để cho người dân tạm cư nhằm đảm bảo cho bà con Vườn rau Lộc Hưng chúng tôi sinh sống cho đến trước ngày xảy ra biến cố đầu năm 2019, đó cũng là điều cho thấy nhà nước Việt Nam đã đáp ứng phần nào nguyện vọng chính đáng của người dân, điểm son đó tiếc rằng đã bị hủy hoại tàn nhẫn gây phẫn uất cho người dân Vườn rau Lộc Hưng như chúng tôi đã nêu ở trên…".
"Do bởi Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cố tình tránh né việc tiếp xúc đối thoại với bà con Vườn rau Lộc Hưng, nay chúng tôi gửi thư này lên ông Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là người lãnh đạo Đảng cao nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh, với nguyện vọng như sau :
1. Chúng tôi được biết Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có yêu cầu Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiếnpháp lý về vấn đề vụ Vườn rau Lộc Hưng và Sở đã có yêu cầu Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cử luật sư nghiên cứu và cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh biết cơ sở pháp lý giải quyết vụ việc này. Đây là cách đặt vấn để và giải quyết vấn đề đáng được người dân chúng tôi hoan nghênh và chính vì thế các Luật sư Vườn rau Lộc Hưng đã có sẵn bộ hồ sơ pháp lý của việc sử dụng đất của người dân chúng tôi. Việc các luật sư hai phía (Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và người dân Vườn rau Lộc Hưng) cùng làm việc để giải quyết nan đề này mà đã kéo dài hơn 20 năm qua chắc chắn sẽ được dư luận trong và ngoài nước hoan nghênh, đó chính là cách hành xử đúng pháp luật của một nhà nước pháp quyền.
2. Trên cơ sở thảo luận tìm ra giải pháp với thiện chí của chính quyền và người dân, chắc chắn hai phía sẽ đi đến sự đồng thuận, tránh tình trạng mà người dân Thủ Thiêm đã phải khiếu kiện kéo dài 20 năm qua. Chúng tôi tin rằng khi đó và chỉ khi đó ông Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cùng chúng tôi vui đón thành quả mà hai bên nỗ lực cùng giải quyết…".
Người dân Vườn rau Lộc Hưng là những công dân tốt, có thiện chí muốn cùng chính quyền giải quyết ôn hòa, có lý có tình vụ việc đất đai của họ bị giải tỏac. Lại là những người thấm nhuần tinh thần hòa giải nơi đức tin tôn giáo lớn lao, nên trong lời kết của THƯ NGỎ đã viết :
"Là những công dân Việt Nam, có đức tin lớn lao, chúng tôi cầu xin Chúa ủng hộ những nỗ lực không mệt mỏi của người dân chúng tôi trong sự việc cùng tìm đến chính quyền để giải quyết sự việc ở Vườn rau Lộc Hưng. Nỗ lực đưa đến một giải pháp tốt đẹp cho người dân Vườn rau Lộc Hưng chúng tôi chắc chắn sẽ là điểm son cho chính quyền mà ông lãnh đạo và từ đó sẽ là tấm gương cho việc giải quyết vụ Thủ Thiêm mà ông đang trăn trở trong chức trách của mình…".
III. Nhận định
1. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc Vườn rau Lộc Hưng nghiêm trọng là vì nhà cầm quyền ngay từ đầu đã không thi hành việc hợp thức hóa quyền sử dụng đất đai theo Luật đất đai mới của chế độ, dù người dân đã sử dụng đất liên tục, đóng thuế hợp lệ hội đủ các điều kiện theo luật định.
Người dân Lộc Hưng đã có chứng từ sử dụng đất hợp pháp liên tục nhiều năm trước và sau 1975 và đã nhiều lần xin hợp thức hóa quyền sử dụng đất không được giải quyết. Mặc dầu Luật Đất Đai năm 1987 đã điều chỉnh 3 lần cứ sau 10 năm (1993, 2003 và 2013) để phù hợp với thực tiễn, trong đó có tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho những người dân sử dụng đất đai ổn định, liên tục… như dân Vườn rau Lộc Hưng được xin cấp Giấy xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Nhưng đã bị chính quyền địa phương tìm cách thoái thác.
Sự trì hoãn này xảy ra nơi nhiều địa phương, khiến người dân nghi ngờ là có dự mưu của những kẻ cầm quyền muốn lợi dụng những quy định của luật đất đai mới để thủ lợi cá nhân hay "lợi ích nhóm". Từ đó đưa đến khiếu kiện không giải quyết mà dùng cưỡng chế để chiếm đoạt khiến người dân phẫn uất, phản ứng quá đà để rồi bị kệt tội chống người thi hành công vụ một cách oan